Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Ngày Tết của Hạc


Tuyển Tập Nhạc Vàng Chào Xuân Đinh Dậu
Giữ trong tim những tháng ngày xưa cũ,
Sống trên đời trải vị ngọt, đắng cay...
Xa, ừ xa sao vẫn cứ thương hoài ?
Nhung nh mãi xuân nào bên cha mẹ ?!
NM


 Thương nhTết xưa...!
Nắng quái chiều hôm , nắng quái ơi,
Tôi tìm quá khứ đã xa vời...
Một thời yêu dấu không còn nữa,
Tôi chỉ còn tôi ở bên đời !
 
Cứ ngỡ trầm hương luôn tỏa bay,
Sẽ mang ước nguyện theo khói mây...
Cho tôi nhìn lại ngày xưa ấy,
Có mẹ và cha, tuổi thơ ngây !!

Quá khứ xa rồi sẽ nhạt phai,
Cớ sao lòng c mãi u hoài ?
Đây gia đình nhỏ, tâm bình ổn...
Tết đến rồi đây, hạnh phúc đầy !!
NM
Ngày Tết Của Hạc
Hạc đi dọc theo con đường nhỏ, mặt trời đang xuống chầm chậm, cái nắng gắt gay của mùa hạ chỉ còn lại những oi nồng khó chịu. Cơn mệt từ đâu ập đến, Hạc chợt muốn ngồi bệt xuống lề đường, gục đầu vào hai cánh tay chìm thẳng vào giấc ngủ. Hai chân rời rã, cổ họng khát khô, cái mệt, cái buồn đổ ập lên cô, con đường thật vắng, cái nắng quái buổi chiều thật buồn, vậy mà trời đang vào Tết đó, cái Tết đang ở đâu khi cái tôi đang rã rời trong một khí hậu kỳ quặc ở đây.
Cánh cổng gỗ thô sơ trước một căn nhà nhỏ đã hiện ra trước mắt, Hạc bước vào, đi dưới rặng cây leo xanh loáng thoáng những bông hoa tím, hồn chợt nhẹ xuống, thân chợt đỡ mệt hẳn đi khi những hương hoa nhè nhẹ trong khu vườn nhỏ vờn quanh cô. Bước lên thềm cửa, Hạc đẩy nhẹ cánh cửa gỗ, mùi nhang thơm ngát tỏa ra từ những bát nhang trên bàn thờ Phật, Hạc quỳ xuống, chắp tay ngước mặt nhìn lên khuôn mặt nhẹ nhàng thanh thoát của bức tượng Phật Quan Âm, cô rán nén những tiếng nấc nghẹn trong lồng ngực, niệm Phật nho nhỏ, lúc đầu những tiếng niệm còn đứt quãng, xen lẫn tiếng nấc, dần dần đôi mắt cô cũng ráo khô, tiếng niệm Phật cũng trôi chảy dễ dàng hơn. Đến lúc hồn lắng hẳn xuống, cô gục mặt vào bàn tay, quên, quên hết, gắng không nghĩ, không nhìn một vật gì, để mặc mùi khói nhang, mùi hoa quấn quít quanh mình, và để quên mình đang hiện hữu.
Một bàn tay đặt nhẹ lên vai, Hạc ngửng mặt lên nhìn. Chị Diệu đang nhìn cô thật hiền từ, dịu dàng nói: "Vào đây uống miếng nước trà cúc đi". Hạc đứng dậy, đi theo chị vào nhà sau. Căn nhà không rộng nhưng rất sạch sẽ và giản dị, chị Diệu đưa Hạc ly trà nóng, mùi hoa cúc thơm ngát tỏa lên, màu nước xanh trong. Hạc uống cạn chén, chị Diệu nhìn Hạc cười: "Hết mệt chưa Hạc?" Đó là câu chị vẫn hỏi mỗi khi Hạc có chuyện buồn đến đây. Diệu là chị ruột Hạc, sau khi cha mẹ mất, Hạc lập gia đình, chị bỏ việc làm, mua nhà ở riêng, xuống tóc, mặc áo nâu sòng, sống như nữ tu. Đã trên năm mươi nhưng nhìn chị chỉ ngoài ba mươi, hai con mắt đen lánh, lớp da mặt hồng mịn trên ngấn cổ trắng trong như sữa. Chỉ có bàn tay là nói lên lứa tuổi của chị, đôi tay làm lụng thật vất vả, không từ chuyện gì nặng nhọc. Hạc bật nói: "Tối nay em ngủ lại đây được không?" Chị Diệu lại cười thật nhẹ nhàng: "Vào đây ăn cơm với chị". Tính chị là như thế, không bao giờ hỏi tại sao Hạc lại đến, tại sao lại đòi ở lại. Cái phong thái nhẹ nhàng, phiêu diêu của chị làm tâm hồn Hạc nhẹ hẳn đi. Ăn xong bữa cơm, Hạc phụ rửa chén với chị. Tự dưng cô buộc miệng: "Sắp Tết rồi, em nhớ những ngày Tết hồi xưa ở nhà quá". Nứơc mắt cô lại tự nhiên chảy ra, chị Diệu khẽ cười: "Ừ, những ngày ấy thì vui, nhưng nhớ đến thì em lại khóc". Hai chị em ra ngồi ở cửa, mặt trời chưa xuống hẳn, trời mùa hè nên còn sáng lắm. Hạc vẫn còn thổn thức, chị Diệu lại cười:
- Em khóc rồi ngày đó nó có trở lại với em không?
- Nhưng mà khóc thì nó vơi buồn chứ chị?
- Em tiếc gì nào?
- Em tiếc những ngày cả nhà còn ở chung với nhau, vui thì thôi.
Chị vẫn cười thật nhẹ nhàng:
- Rồi thì vì tiếc những ngày đó, nên em thất thểu bỏ chồng bỏ con, em lại đây để ngồi khóc sao? Rồi mai mốt em sẽ lại khóc vì tiếc những ngày còn ở chung với chồng con, lại thèm những lúc hai chị em ngồi cạnh nhau, như thế thì em khóc suốt đời sao?
- Đâu có, chị biết tính chồng em mà, anh ấy khó quá, động tí thì hét lên, em bực lắm.
- Nhưng mà cậu ấy cục tính thế thôi, chứ tính cậu ấy tốt mà.
- Thì biết là tốt, nhưng mà lười với cộc quá chị ơi. Chị xem Tết đến nơi, ở đây ai chẳng nhớ nhà, thế mà chả thông cảm với vợ thì thôi, đi làm về chả phụ gì em cả, chỉ cắm đầu vào đọc báo, làm sao em không tủi thân được. Vậy mà em mới nói anh ấy bỏ tờ báo phụ em một chút là hét lên rồi. Em bỏ em đi để xem mấy bố con làm sao cho biết. Nghĩ bố hồi xưa hiền mà chiều mẹ ghê đi.
- Mỗi người mỗi tính chứ, nói sao được. Nhưng mà em phải làm sao chứ, cứ giận rồi bỏ đi thế này thì thằng cu Thảo, cái bé Mai nó cũng buồn, em cũng buồn mà chồng em cũng buồn.
- Biết thế thì đừng lấy chồng ở như chị mà khỏe.
- Nhưng mà em lỡ lấy rồi, đâu có bỏ hết được.
- Chị cho em ở đây với chị, em không về nhà đâu, em mệt mỏi lắm rồi. Ngày nào đi làm về đã mệt, lại ở nhà vừa mệt vừa không vui em chịu không nổi.
Chị Diệu nghiêm trang nhìn Hạc:
- Nếu em nghĩ em ở đây em cảm thấy vui thì em cứ ở lại. Nhưng chị nghĩ em nên về thì hơn, tại em sẽ nhớ thằng cu Thảo với bé Mai, rồi em lại cắn rứt, rồi lại ngồi khóc nữa. Đã đến lúc em phải sửa lại cách suy nghĩ và lối sống của mình. Cái gì sửa được thì rán mà sửa, cái gì không sửa được thì phải chấp nhận thôi. Ăn chung cái tâm mình thanh tịnh, cái tâm mình vui mới được, chứ lúc nào cũng cứ ngồi nhớ tiếc những cái đã qua, những cái không có thì làm sao vui được. Em đã ở lại đây mấy lần rồi, mấy lần trước em ở lại em có cảm thấy vui không hay cứ thở dài rồi khóc tấm ta tấm tức?
Không đợi Hạc trả lời, chị đứng lên, nhẹ nhàng ra bàn thờ thắp nhang niệm Phật, Hạc nhìn ra sân, nắng đã gần tắt hết, cái vẻ hiu hắt của buổi chiều lúc trời sắp tối làm lòng nàng nao nao khó tả. Những cây hoa leo hai bên bờ rào đã bắt đầu tỏa hương ngào ngạt. Trong vườn những đóa hoa vẫn rực rỡ dù trời đã bắt đầu tối. Hạc nhìn vào gian thờ Phật, chị Diệu vẫn đứng chắp tay, khuôn mặt nhẹ nhàng thanh thản của chị ngước lên, dịu dàng, an lành và thật thanh khiết. Hạc thấy mình thật mong manh, cô khẽ rùng mình, tự dưng cô thấy nhớ con ghê gớm, tự dưng cô thấy mình quá đáng khi đã giận dỗi bỏ ra đi, tự dưng cô thấy ngượng với những nông nỗi của mình….
Nếu em nghĩ em ở đây em cảm thấy vui thì em cứ ở lại, không, có ở lại cô cũng không thể vui được. Cái gì sửa được thì rán mà sửa, cái gì không sửa được thì phải chấp nhận thôi. Ăn chung cái tâm mình thanh tịnh, cái tâm mình vui mới được, chứ lúc nào cũng cứ ngồi nhớ tiếc những cái đã qua, những cái không có thì làm sao vui được. Cô đã không sống được nhẹ nhàng như chị, nhưng cô phải cố thôi. Chị Diệu đã biết mình muốn gì, đã từ bỏ việc làm, từ bỏ đời sống nhộn nhịp, lui về ở đây, tại chị muốn như vậy và tìm thấy niềm vui ở đây. Sống khổ hạnh, làm việc cực khổ nhưng lúc nào cũng thật thanh thản, nụ cười lúc nào cũng sáng trong. Còn cô, cô biết mình không bao giờ có thể tìm được niềm vui trong một không khí lặng lẽ như vậy, cô đã có một mái gia đình, cô đã có những nguồn yêu thương, nhưng cô vẫn nuối tiếc những hình ảnh quá khứ, vẫn đi tìm hoài những niềm vui đã mất mà buông trôi cái niềm vui và hạnh phúc hiện tại. Rồi mai mốt em sẽ lại khóc vì tiếc những ngày còn ở chung với chồng con, lại thèm những lúc hai chị em ngồi cạnh nhau, như thế thì em khóc suốt đời sao.Chị Diệu nói đúng, những lần trước cô ở lại để rồi lại tự trách cứ mình, lại vật vã với những giọt nứơc mắt. Trong bức tranh tối tranh sáng, giữa khung cảnh thật bình yên của ngôi nhà nhỏ, giữa mùi nhang thơm toả lẫn với hương thơm của hoa cỏ và sương đêm, Hạc như vừa tỉnh giấc, cô thấy cô phải trở về, trở về cái gia đình xinh xắn của cô, rán vun xới những ngọt ngào để nuôi nấng những kỷ niệm đẹp cho con cái, cuộc sống dài bao nhiêu mà cứ làm khổ lẫn nhau.
Tiếng xe hơi đỗ ở cổng làm Hạc nhìn ra. Cu Thảo, bé Mai và Hoàng đi vào cửa, miệng cu Thảo bô bô: "Mẹ ơi, mẹ về nhà đi, bố cho tụi con ăn cơm rồi. Bố nói mẹ về ăn thử canh bố nấu coi ngon không".
Hạc ngượng ngùng nhìn chồng, chị Diệu bước ra, vẫn nhẹ nhàng chị nói: "Hai cô chú đưa các cháu về đi, chiều 30 qua đây cúng Giao thừa nhé".
Hai vợ chồng chào chị, trên xe cu Thảo và bé Mai tranh nhau kể đủ thứ chuyện. Lúc về đến nhà, Hạc ngỡ ngàng nhìn hai chậu quất và hai chậu vạn thọ vàng rực trên hiên. Hoàng nhìn vợ cười: "Thấy giống Tết ở Việt nam không em?" Hạc rưng rưng nước mắt, nhìn chồng, nhìn con, nhìn mấy chậu cây. Mùa xuân đang ở đây, những hình ảnh đẹp của quá khứ chỉ là quá khứ, cái quá khứ đã qua, chỉ có cái hiện tại ở đây, nó đang ở trong tay cô, cô phải giữ lấy nó, cô phải bảo vệ nó, cô phải tìm lấy những niềm vui trong những cái gì cô đang có và nhất là cần có một cái tâm thật thanh tịnh phải không chị Diệu. Hạc vòng tay ôm lấy hai con, Hoàng đặt nhẹ bàn tay lên vai cô, cô thấy lòng ấm hẳn…. Cám ơn chị Diệu, cám ơn ngày Tết đã đem mùa xuân đến đây….

Thiên Hương
 
 Mong đợi
Hoa đào bên ngõ đong đưa,
Xuân sang rộn rịp con chưa thấy về...!?
Gió Đông vẫn thổi tái tê,
Khiến lòng cha mẹ não nề trông con...!!
Thương thân phụ mẫu héo hon,
Buồn lo con trẻ chưa tròn tơ duyên?
Giờ thì dạ hết ưu phiền,
Đào bung hé nụ, bưởi vàng ươm mơ...
Đất trời như đã vào thơ,
Con về đến ngõ, mẹ chờ tin vui !!
NM
Hoa đào trước ngõ
Ai đi xa về làng Quế vào dịp tết cũng phải trầm trồ trước hai cây đào bên ngõ nhà ông Tân nằm ngay đầu làng. 
Hai cây đào phai chiết cành từ đào rừng Tây Bắc, người con trai cả đã kỳ công mang về cách đây gần chục năm, giống đào cánh kép sắc hồng mơ năm nào cũng ra hoa thật sớm trước tết và qua tết thật lâu mới chịu tàn. Nhiều người bảo, cứ thấy hoa đào trước ngõ ông Tân là thấy tết.
Nhà ông Tân có ba người con, con trai cả thì làm kỹ sư giống cây trồng tận Sơn La, gần bốn mươi tuổi đầu mà chưa chịu vợ con gì cả. Hai đứa con gái, người thì làm kế toán tận Hải Phòng, người theo chồng vào Nam làm xí nghiệp. Thành ra ngôi nhà hai tầng ông bà Tân cố công dành dụm xây cất, đi ra đi vào lụm cụm chỉ có hai bóng dáng già nua.
Nhà ấy xưa kia chỉ là một thẻo đất ven đầm thắt hậu xấu dáng, ngôi nhà ngói và chái bếp vẫn rúm ró mỗi mùa mưa rét, mấy chục năm hai ông bà làm đậu có bao nhiêu xỉ than đều đổ xuống ven bờ nước, cứ có tiền là ông Tân lại mua mấy chục xe đất, nhà nào trong làng dỡ nhà để xây mới ông đều cặm cụi kéo xe bò đi xin xà bần... Đất vườn bây giờ rộng mênh mông, ven đầm trồng đầy vải nhãn. Mùa xuân hàng nhót chín đỏ mọng ven con mương ông dẫn nước từ đầm vào cứ sai lúc lỉu như hàng nghìn cái đèn lồng ngũ sắc. Mùa hạ vải nhãn trĩu cành chấm cả xuống nước, thu sang bưởi na cam vàng ươm trong gió heo may... Vậy mà mấy người con chỉ trở về vào dịp cuối đông, tháng củ mật đêm không trăng đen như mực, ở dăm ba ngày tết rồi hối hả lên đường. Cô em út còn than thở rằng dành dụm quanh năm về ăn tết xong là rỗng túi. Lần nào đi, cô út cũng ao ước giá mà bê đất bưng vườn ra phố được. Ôi con với cái, cứ như những đàn chim, chúng chỉ chịu ở trong lòng mẹ cha khi da còn đỏ hỏn, khi đôi chân chưa nhấc nổi mình cất cánh tìm mồi. Đứa nào cũng như nhau, đủ lông đủ cánh là vút lên trời xanh thẳm... Nghe ông Tân than vậy, bà bảo ông sao cứ cằn nhằn mãi, nếu có cùm chân chúng thì chúng sẽ nhảy loạn xạ như con sáo trong lồng. Nào có phải mỗi nhà mình thế đâu.
Làng bây giờ như trái bầu khô rỗng ruột. Tháng ba mồng mười làng mở hội không có gái trinh kín nước tế thần, đám khiêng kiệu tuyệt không có lấy một anh trai trẻ. Mục văn nghệ chỉ có người già hát múa, cũng áo dài hồng phấn thướt tha, môi son má ửng, nhưng những bàn tay múa nón đã cực nhọc dầm bao mùa mưa nắng cứng đơ đơ không sao tạo được làn sóng vỗ dạt dào. Vở Phạm Công Cúc Hoa không ai xem vì toàn ông già bà lão đã thuộc nằm lòng...
Mỗi lần gọi điện cho anh cả Phong, bà Tân đều thúc giục anh lấy vợ sinh cho bà thằng cu rồi để nó ở nhà cho ông bà trông, ra vào có đứa cháu tay bồng tay bế, rồi anh cả muốn đi đâu thì đi. Lần nào Phong cũng cười cười chống chế bảo con còn trẻ, lo gì. Lần nào bà cũng nói như hét vào ống nghe: Tổ cha anh, bằng tuổi anh có phúc thì đã làm ông nội ông ngoại rồi. Nghe mẹ la, Phong vội vã nói “con đang bận rồi” rồi cúp máy. Người mẹ ngồi thừ xuống cái phản gỗ, thở đánh sượt, tự càm ràm: Biết thế này ngày xưa bắt nó lấy vợ rồi mới cho đi làm.
Những ngày cuối năm, trời u ám như lão già bẳn tính, mưa phùn thối đất thối đường. Mấy con lợn nuôi trong chuồng lông dựng đứng vì giá rét, cả tháng rồi nhìn không phổng được tí nào. Cánh lái buôn ép giá, tính ra còn lỗ tiền cám tiền công nhưng ông bà không thể bỏ chuồng không. Phần vì làm việc quen tay, phần vì lúc nào cũng canh cánh trong đầu: nhỡ anh cả lấy vợ thì lợn sẵn đấy chỉ việc ngả ra thịt, gà sẵn đấy, vườn rộng tha hồ chăn không phải mua...
Mấy hôm nay ngày nào ông Tân cũng kéo xe bò đi thật sớm. Ông mang bao tải đến nhà máy xát gạo gom trấu về hun muỗi sưởi ấm cho bầy lợn, trấu bỏ gốc cam nhãn vải trong vườn, mưa phùn trấu nhanh hoai mục làm xốp lớp đất quanh năm cây cối xanh tươi. Những ngày cuối năm nhà máy xát lúa lúc nào cũng tất bật. Cả làng xát thóc nếp gói bánh đồ xôi, xát thóc tẻ đầy phi cho đầu năm gạo đầy ăm ắp, cho con cái sau tết đi xa có gạo đùm đề mang đi ăn dần.
Trấu đầy xe, đường thì trơn, xương cốt người già giòn như than hoa, ông Tân ngã. Chỉ bong gân thôi, cứ lá láng hơ lửa đắp lên, lá tre nấu lấy nước mà bóp, mấy hôm là đi lại bình thường. Nhưng nằm một chỗ không quen, ông bị cái trí nghĩ quẩn quanh hành hạ. Mấy mươi năm trôi nhanh quá, có lúc tưởng không bước qua được những khúc quanh nghiệt ngã của cuộc đời, thế mà cũng đã qua bao nhiêu cái tết. Khi đứng ở cuối con dốc cuộc đời, người ta hay hồi tưởng. Chuyện vui mau quên mà chuyện buồn cứ se sắt mãi trong lòng. Rút cuộc cũng đất vườn rộng thênh, con cái chưa phải lo thang thuốc, sổ tiết kiệm có chút vốn, túc tắc vừa làm vừa chơi. Lúc trẻ trai chỉ mong có thế mà bây giờ sinh thói hay nghĩ ngợi quẩn quanh, ông thấy mình ốm thật.
Bà Tân vướng cái chân sưng vù của ông mà không thể theo chị em ra quét tước vườn chùa, xem chừng tay chân cũng bứt rứt, cứ ra ngóng vào trông. Năm nào vào dịp cuối năm bà cũng ra phụ nhà chùa quét dọn, lau chùi phủ điện vừa để lấy lộc mát mẻ cho con cháu làm ăn, vừa chuyện vãn với chị em nơi xa nơi gần về quê ăn tết. Trẻ vui nhà, già vui chùa là vậy. Người già, chỉ mong một chữ “an”, dẫu không ưa gì những ngày nhàn nhạt, từ khi thức dậy đến lúc trùm chăn đi ngủ vẫn từng ấy việc quen thuộc. Họ chờ những đốm sáng vút lên, những điều làm bung lên trong trí nghĩ già nua những thứ vui tươi, sôi nổi, đấy là hạnh phúc của những đứa con. Mà chúng thì cứ như những cánh chim, cứ lớn lên là bươn bải...
Chiều đổ loang mặt nước bên vườn. Làng mấy hôm nay đông vui quá, những đứa trẻ đi học xa, những thanh niên trai tráng đã lục tục về làng. Chúng đi nổ bỏng nếp làm bánh lòng, chúng kéo nhau ra cầu bến rửa lá dong, lá chuối về gói bánh, chúng cười nói nô đùa bên cầu bến thật rộn ràng.
Bà Tân ngồi bẻ rễ thúng bèo tây vừa vớt được. Bà trông ra ngõ, lòng dạ nôn nao dẫu biết cả ba đứa chưa đứa nào lên xe để trở về.
Mấy ngày nằm yên một chỗ, ông Tân không kiên nhẫn được nữa. Cái đài cũ mang từ chiến trường về đã được ông lau chùi sạch bong, không thể sạch thêm được. Ông đã làm sạch từng khe kẽ bằng tất cả sự tỉ mẩn và sốt ruột của người ốm đau, để gạt đi cái suy nghĩ quẩn quanh tiếc nuối vì những điều từng khát khao nhưng lại khất lần khất lữa với những khát khao đó, cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện. Ông ngắm mảnh vườn qua hàng chấn song cửa sổ, đẩy mình lên một chút để ngắm hai cây đào ngoài ngõ nhưng mắt mờ rồi không thể thấy rõ chúng đã bung thêm bao nhiêu nụ, bao nhiêu hoa. Ông nổi cáu gọi thật to:
- Bà nó đâu rồi, nhanh cái chân vào đây tôi bảo.
Bà hớt hải chạy vào đã thấy ông ngồi dậy, ông bỗng cất giọng sang sảng bảo:
- Bà chưa lo tết nhất gì à?
- Ôi dào, nào ăn uống có là bao!
Bà chưa dứt lời thì ông gắt:
- Bà chuẩn bị cho tôi hai chục ống nếp, dăm ký đậu xanh, mua đủ lá dong, nổ sẵn hai ký bỏng ra đấy để tôi đóng bánh lòng. Mà thôi, bà ra gọi điện cho thằng cả bảo về ngay cho tôi, cứ nói tôi ốm nặng.
Bà nghe thế thì tái xanh mặt, tưởng ông đòi ăn dở, chân tay lóng ngóng bà run run bảo:
- Ông ơi, đã đến nỗi nào, chờ tôi đi thắp nén nhang.
Ông lại càng cáu lên:
- Ơ hay bà này lạ thật, tôi còn khỏe lắm, mấy cái tết rồi nhà mình không làm bánh lòng chả gói bánh chưng. Cả năm có cái tết, năm nay phải ăn tết thật to. Bánh trái ăn không hết thì để chúng nó về mang đi biếu anh em cơ quan lấy thảo. Tết là ăn hương vị tết, ăn không khí tết chứ có ai còn thèm thịt mỡ dưa hành. Nhỡ ra giời bắt tội sang năm chả ngồi mà gói bánh chơi hoa được nữa...
Bà hiểu ra, lần đầu thấy ông cáu mà bà lại tủm tỉm cười. Có tiếng chân con trẻ thình thịch chạy vào sân, chưa lên đến cửa nó đã liến thoắng nói một hơi:
- Ông ơi, bà ơi, bác Phong bác ấy về đến quán Tiến rồi kìa, lại còn dẫn theo một chị trẻ mà rất xinh nữa.
Ông bà còn chưa kịp hỏi gì thì nó đã chạy biến.
Bà Tân buột miệng: Cha bố anh cu Bon!
Rồi như chợt nhớ ra, bà vội đi vào buồng, lấy bộ pijama và cái áo khoác mới giục ông thay vội, khéo cả Phong nó dẫn người yêu về. Cái chân đau bỗng khỏe khác thường, ông vội vã đi ra ngõ, đúng là anh cả về đến đầu ngõ kia rồi. Đúng là anh có dẫn theo người yêu... Ông vội vã trở vào nhà, ngồi xuống ghế, rót chén trà rồi vừa cười vừa ngóng xuống bếp gọi vợ:
- Bà ơi, nhanh cái tay lên, tết về đến ngõ kia rồi.
Hơn bảy mươi tuổi đầu, ông lại thấy lòng mình nao nức lạ. Ông mỉm cười nhìn ra mấy quả bưởi vàng ươm đợi tết đung đưa theo gió. Trời đã tạnh, gió se se hong khô mảnh sân trước nhà. Cây đào bắt đầu bung thêm nhiều hoa, nhú thêm nhiều nụ. Cả đất trời như hân hoan trong bản đàn rạo rực, dịu dàng và ngây ngất trước thềm xuân.
Hoàng Hiền
 
      Kiếm tiền tiêu Tết
Khi năm hết Tết đến, mối quan tâm của hầu hết người dân, và đặc biệt là những người lao động nghèo, là Tiền Tiêu Tết! Người ta xoay xỏa đủ kiểu, đủ cách để kiếm tiền tiêu Tết, nhưng không phải ai cũng đạt được điều mong muốn, thậm chí ngày Ba mươi Tết rồi mà chưa kiếm đủ số để sắm ba mâm cúng không thể thiếu: Chiều Ba Mươi, Giao Thừa và Sáng Mồng Một. Có rất nhiều nhà ăn Tết mà cũng chỉ như ngày thường! …Nhà ông Song Hàn và bà Lưỡng Bần thuộc vào số những nhà nghèo, kém may mắn như vậy…
Ông Song Hàn quê gốc ở vùng Sông Hàn, tên ông là tên con sông nổi tiếng toàn quốc đã đi vào thơ ca, nhạc họa, chẳng hạn như câu thơ sau của nhà thơ xứ này: Con qua Cẩm Lệ, Sông Hàn / Ngũ Hành Sơn đó mơ màng bóng cha… Nhưng văn phòng UB Xã làm bay mất cái dấu “Mũ” trên chữ “O”, thành ra tên ông thành Song Hàn, lại có ý nghĩa khác: Hai cái nghèo, hai kiếp nghèo, hai đời nghèo? Vận vào đời mình, ông thấy đúng quá, đời cha ông rất nghèo, lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống, nghèo vẫn hoàn nghèo, và ông sinh ra trong cảnh nghèo, lúc nhỏ sữa cũng không có mà uống! Như thế tức là ông nghèo hai đời? Tuy thế, khi sinh ra cô con gái đầu (và cũng là duy nhất), ông lại rất vui vì nghĩ đời nó sẽ hết nghèo, nên ông đặt tên nó là Kim Ngân! Tuy từ khi có cô con gái Kim Ngân, nhà ông chưa giàu lên nhưng cũng không bao giờ bị đói, ông đã tự mua được chiếc xích lô, vợ ông đã có đủ vốn để làm một cái tủ trái cây ngon lành và con gái ông đã được học hết lớp 10 rồi đi học một lớp Y tá sơ cấp, giờ đã được làm trong một Bệnh viện lớn, lương không cao nhưng “bổng lộc” mùa nào thức ấy, người nhà bệnh nhân tạ ơn thì có gì sai mà không nhận? Tết năm con Trâu này, con gái ông vừa chẵn hai Giáp, tức 24 tuổi, thầy tướng nào cũng nói sẽ có lộc mới, sẽ phát tài, nên ông vui lắm! Tuy nhiên, chỉ còn một tuần nữa là Tết mà “Ngân sách” chi tiêu cho ngày Tết theo bà vợ ông Hàn cho biết thì coi như vẫn chưa có gì, ngoài số tiền thưởng của cô con gái, còn chưa biết chắc là bao nhiêu?
*
Ngày 23, ngày Ông Táo lên chầu Trời. Lễ cúng ông Táo làm đơn giản, tuy thế bà vợ ông Hàn phải lấy trong số vốn của tủ trái cây và giao hẹn với chồng: “Ngày hôm nay, ngoài số tiền mua gạo thường kỳ, ông phải bù vào cái lễ cúng ông Táo, nghe không?”. Ông Hàn ngồi lên xe mà không biết đạp tới đâu? Vừa ra đầu hẻm, ông nghe mấy đứa trẻ con thi nhau đọc những câu toàn chữ “T”:
Thầy thằng Tý túng tiền tiêu Tết, toan tự tử, tối thứ tư, tại toa tàu thứ Tám! Thầy tôi thấy thế thương tình, tặng thầy thằng Tý tý tiền tiêu Tết! Thầy thằng Tý thôi tự tử!... Trời ơi, sao mà đúng tâm tư của mình thế? Ông Hàn nghĩ, nếu ngày hôm nay mà không kiếm đủ số như bà vợ nói thì đúng là sẽ đi tự tử!
Ông Hàn đang bù đầu với một lô chữ “T” của bọn trẻ con thì có một ông khách mập bự, ngoắc lại kêu chở tới nhà hàng đặc sản Hương Quê! Có thế chứ, khách mở hàng mà tướng tá ngon lành
như thế này là ổn rồi! Ông Hàn còng lưng đạp, đưa người khách mập bự tới nhà hàng Hương Quê. Tới nơi, người khách nói chờ khoảng nửa tiếng sẽ về ngay. Ông Hàn mừng quýnh, vậy là mở hàng bằng cuốc xe “khứ hồi” thì còn gì bằng! Ông liền kéo cái xích lô tới sát tường nhà hàng Hương Quê, ngồi lên xe rồi ngả lưng tranh thủ làm một giấc, bởi đêm hôm qua, ông cứ mải mê “vật lộn” với bà vợ mà quên cả ngủ!
Khi ông Hàn bừng tỉnh thì đã quá trưa, khoảng một, hai giờ chiều gì đó! Ông lặng người khi sực nhớ ra mình đang chờ ông khách mập bự đi cuốc xe “khứ hồi”! Thôi, thế là mất toi cuốc xe khứ hồi! Ông tính vào nhà hàng hỏi xem ông khách mập bự có còn ở trong đó không nhưng lại nghĩ: đã quá giờ hẹn, là mình ngủ quên, lỗi tại mình! Thôi bỏ!
Ông Hàn lên xe, ngồi đạp từ từ nhưng đầu óc thì như mây bay lãng đãng, không biết sẽ đi đâu? Ông bỗng thấy đói! Chẳng lẽ lại mò về nhà ăn cơm? Gạo còn chưa mua được thì cơm nước gì? Nghĩ thế, ông bấm bụng đạp tới chỗ mấy người bạn đồng nghiệp, xem họ có san sẻ cho được người khách nào không? Song, khi ông mới đi được khoảng mười phút thì có hai người chặn xe ông lại, kêu ông chở một người phụ nữ bị tai nạn giao thông, đang ngồi rên la bên vệ đường, máu me đầy người! Không chần chừ, ông cặp xe lại gần người bị nạn, rồi còng lưng đạp tới trung tâm cấp cứu Thành phố!
Khi ông Hàn về tới nhà thì thành phố đã lên đèn. Bà vợ và cô con gái đang ngồi chờ cơm, ra cửa đón ông, nhìn thấy cái xích lô đầy những vết máu đã xỉn khô thì dường như đã hiểu chuyện gì đã xảy ra với ông!
*
Là người rất mê coi bói toán, tử vi nhưng ông vẫn chưa hết ngơ ngẩn, bàng hoàng khi ngày hôm sau, thật không thể tin nổi, sự việc lại xảy ra với ông gần giống như ngày hôm trước! Chỉ khác chút ít là buổi sáng thì ông chở một người khách sộp, tới một tòa cao ốc, cũng hẹn sau hai mươi phút sẽ xuống đi cuốc xe “khứ hồi”, nhưng rồi không bao giờ xuống nữa! Còn cuốc xe tới Bệnh viện hôm nay là chở mấy đứa trẻ một trường Mầm Non bị ngộ độc thực phẩm, ông phải chở hai đứa và một cô giáo áp tải! Khi nhìn lại xích lô thì không thể tin được, hai đứa bé ói nôn ra đầy xe! Người ta chỉ mải lo cấp cứu cho mấy đứa bé mà không hề ngó ngàng gì đến ông, tức trả ông tiền “cước vận chuyển”!
Chán nản, thất vọng hết sức, sang ngày thứ ba, ông tính “giải nghệ” một hôm để “xả xui”, ra đầu hẻm ngồi uống cà phê. Nhưng chưa uống hết ly cà phê thì ông Tổ trưởng dân phố nắm chặt tay ông mà nói: “Tôi có người em ở Canada về quê hương ăn Tết, nó lại nói là không đi taxi mà đi xích lô từ sân bay về nhà để còn nhìn ngắm phố phường. Vậy nhờ ông đi một chuyến!”. Ông Hàn nghe ông Tổ trưởng dân phố nói vậy thì đứng dậy đi lấy xích lô ngay vì không thể từ chối ông Tổ Trưởng, vả lại chở khách Việt kiều là “mơ ước” của dân xích lô như ông!
Đến sân bay, ông ngồi chờ ở vòng ngoài. Song, thật không thể tin nổi, ông ngồi chờ một giờ, rồi hai giờ mà không thấy ông Tổ Trưởng cùng người em Việt kiều Canada đâu? Ông quyết định quay về nhà và nghĩ sẽ lấy sợi dây xích khóa cái xích lô này vào cái cột điện trước cửa nhà! Ông khóa cái xích lô xong, liền đi đến nhà ông Tổ trưởng thì thấy nhà vẫn khóa cửa, hình như là cả nhà ông Tổ trưởng ra sân bay đón người em Việt kiều. Ngày hôm sau, ông mới được biết người
em của ông Tổ trưởng gặp “rắc rối” vì vận chuyển ma túy tổng hợp, số lượng khá lớn!...Ông Tổ trưởng đang bù đầu lo việc của người em mà quên luôn ông, điều đó xảy ra là tất nhiên!
Sang ngày thứ tư, tức ngày 26 tháng Chạp, người ta thường nói là ngày 26 Tết, tức Tết đã đến, nói chính xác thì Tết đã cận kề, người người đi sắm Tết tấp nập. Vậy mà ông Hàn vẫn thấy bà vợ ông “bình chân như vại”, trong nhà ông chưa thấy dấu hiệu gì của Tết cả, ngay cả bàn thờ gia Tiên với mâm ngũ quả cũng chưa có gì? Chắc phải tới ngày 28, 29 bà vợ ông Hàn mới bày biện bàn thờ, bởi thực ra điều quan trọng đầu tiên là “Tiền đâu”? Nghĩ đến hai chữ “Tiền đâu”, ông Hàn lôi cái xích lô ra đầu hẻm, phải hành động, phải đi kiếm tiền tiêu Tết!
Có câu “Quá tam ba bận”, tức mọi cái xui xẻo của ba hôm vừa rồi chắc chắn không xảy ra với ông Hàn nữa? Ông Hàn nghĩ vậy và bình tâm ngồi lên yên “con ngựa già”, đạp một hơi dài để gọi là “đứt đuôi con nòng nọc” với ba ngày xui xẻo vừa qua!... Khi ông Hàn từ từ “thả lỏng dây cương” để quan sát hai bên đường tìm “mối khách”, thì không cần đợi lâu, một bà cỡ hơn tứ tuần, quần áo rất “thời trang”, son phấn khá đậm, ngoắc ông lại. Khi đã an tọa trên xích lô rồi, bà khách kia nói nhỏ mà rõ từng tiếng một: “Ông thích vui thú ở chỗ nào thì đưa tôi tới đó, tôi chỉ xin ông tiền ăn ngày hôm nay mà thôi!”. Ông Hàn trố mắt nhìn bà khách, như là không tin ở tai mình, hỏi lại: “Bà nói gì?”. Bà khách làm điệu bộ đánh mắt đưa tình, nói nhỏ: “Thì tôi đã nói rồi đó, giờ tôi là Tình nhân của ông!”. Ông Hàn nhảy xuống đường, nói như quát: “Bà này điên rồi! Xuống xe ngay!”. Bà khách kia vẫn bình thản như không nghe rõ câu nói của ông Hàn, nhoẻn miệng cười rồi nói: “Rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt sao? Ông có tin là tôi gọi mấy thằng chém mướn tới chặt nát cái xế của ông không?”. Ông Hàn có linh cảm là dây vào “Tổ ong” nên hạ giọng nói nhỏ: “Xin bà chị thương tình, em còn phải đi kiếm tiền đong gạo, khi nào rảnh rang mới hầu hạ bà chị được!”. Bà khách nghe nói thế thì lấy ra điếu thuốc, bật quẹt hút một hơi rồi mới nói: “Thôi được! Vậy thì đưa chị tới nhà hàng Ngõ Nhỏ ở đường Ngô Thì Nhậm!”.
…Khi đã đạp một mạch để thoát khỏi cái “mùi Hồ Ly” của bà khách, ông Hàn mới thấy hú vía! Ông lại “thả lỏng dây cương” mà đầu óc vẫn chưa ổn định! Chẳng lẽ ngày hôm nay mình lại bị Hồ Ly quấy nhiễu? Vừa nghĩ tới đó thì có một cô gái trẻ đẹp như người mẫu thời trang chân dài, một bước đã ngồi gọn trên xích lô, nói như ra lệnh: “Đến vũ trường Bốn Sao!”. Ông Hàn bàng hoàng, như là gai ốc nổi lên khắp người rồi gục xuống, ngất xỉu ngay trên yên “con ngựa già”! May cho ông Hàn là vừa đúng lúc đó, một bạn đồng nghiệp của ông đi tới, thấy thế thì kịp thời đỡ ông xuống, dìu vào hè đường, sơ cứu cho ông rồi đưa ông về nhà, giao cho bà Bần!
*
Đó là chuyện xảy ra vào bốn ngày giáp Tết năm con Trâu. Suốt mấy ngày Tết, ông cứ như người mất hồn, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, khiến cho bà vợ và cô con gái lo sợ vô cùng. May mà cô con gái Y tá của ông gọi được ông Bác sĩ Thần kinh số Một ở Bệnh viện tới, dùng phương pháp Đông – Tây Y kết hợp mới chữa khỏi cho ông cái bệnh “Tâm thần phân liệt” đã thâm nhập vào ông tới năm, sáu phần!
Năm nay là năm con Cọp, ông Hàn nghĩ “vận sui” sẽ không dám vuốt râu Hùm! Vì thế, ngày 23 Tháng Chạp, sau khi vợ ông làm lễ cúng ông Táo xong, ông ung dung lên xe, vừa đi vừa …huýt sáo! Vợ ông, cả con gái ông đã dặn rất kỹ: Không được nghĩ quá nhiều đến mấy chữ “Kiếm tiền tiêu Tết”, nó sẽ làm ông rối trí! Việc kiếm tiền tiêu Tết năm nay hai mẹ con bà Bần và Kim Ngân
đã dự liệu xong xuôi, cho nên ông Hàn kiếm thêm được đồng nào thì tốt, còn nếu không có cũng không sao! Nói là nói thế, ông Hàn nghĩ mình không thể trút hết gánh nặng lên vai vợ con. Khi nghe vợ con dặn dò quá kỹ, cứ như là ông chưa từng lăn lộn trường đời kiếm tiền, Ông thầm nhủ: mình phải kiếm một món lớn cho hai mẹ con thưởng thức chữ “Bất ngờ”!
Đi được năm phút, ông sực nhớ ra con gái dặn sáng nay tới nhà Bác sĩ Thư ở đầu hẻm bên kia đường, chở ông Bác sĩ này tới Bệnh viện chấn thương chỉnh hình để tái khám. Ông Bác sĩ Thư này bị tai nạn gãy cả hai chân, nhưng đã được những “Bàn tay vàng” của đồng nghiệp chữa trị tận tình nên vết thương đã dần biến mất, chỗ xương gãy đã được nối lại như chưa hề gãy và đã có thể đi lại nhẹ nhàng trong nhà! Ông Hàn liền quay lại, tới nhà BS Thư, thì thấy BS Thư đang ngồi đợi ở cửa!
Khi đưa ông Bác sĩ Thư trở lại nhà, ông Hàn nhận được một “Hợp đồng” rất hậu hĩnh: từ ngày 27 đến ngày 30 Tết, mỗi ngày đưa ông Bác sĩ Thư đi dạo phố phường một giờ đồng hồ! Giá “cước vận chuyển” là hai triệu! Quả là một bất ngờ lớn đối với ông Hàn, bởi bốn ngày tới đây sẽ xóa tan vĩnh viễn bốn ngày xui xẻo của năm ngoái!
Bữa cơm tối, ông Hàn muốn cho vợ con thưởng thức hai chữ bất ngờ của cái “Hợp đồng” với ông Bác sĩ Thư, nhưng ông lại nghĩ, hôm nay mới là ngày 23, “Nói trước bước không qua”, khoan đã! Bà vợ và cô con gái thấy ông rất tươi tỉnh (không như năm ngoái), thỉnh thoảng lại cười tủm tỉm thì dường như cũng vui lây! Hai mẹ con cũng dự tính “để dành” sự bất ngờ đến phút chót, nhưng không hiểu sao, bà Bần lại muốn nói ngay hôm nay: “Cô con gái rượu của ông muốn cho ông thưởng thức sự bất ngờ sớm một chút: Ngày 29 Tết, ông Bác sĩ Thư sẽ dâng lễ Ăn hỏi con gái Kim Ngân của ông đấy! Ông có một tuần để suy nghĩ đồng ý hay không?”.
Ông Hàn nghe mà như chưa tin ở tai mình, ông nhìn con gái như muốn nói: chính là con hãy nói cho cha nghe đi? Nhưng cô con gái cứ ngồi bình thản ăn cơm, như là không biết bà mẹ vừa nói gì! Càng nhìn cái dáng vẻ bình thản, tự tin của cô con gái, ông Hàn càng thấy con mình sao mà xinh đẹp lạ thường!...

Đỗ Ngọc Thạch

Kết quả hình ảnh cho tết xa quê
Xóm Bún đêm hai mươi chín tràn ngập mai vàng. Người người nối nhau đi chợ Tết trên những con đường xi măng to rộng mới khánh thành vài bữa nay. Tiếng cười nói cứ râm ran không dứt, mới 2 giờ khuya mà người ta đi chợ nườm nượp. Dân xóm này hình như đã quen rồi chuyện đi chợ Tết nửa đêm. Tết này mừng lắm. Vậy là không còn cảnh cầu tre lắt lẻo, đường sình trơn trợt. Tụi con nít khoái quá cười chúm chiếm rồi hè nhau chạy tứ tung trên những tuyến đường nông thôn, chạy ù qua những cây cầu to tướng bắc ngang sông. Lần đầu tiên chúng không còn phải đi qua chiếc đò ngang của ông Tư Bánh Tét. Và cũng là lần đâu tiên, chúng thấy chiếc xe hơi bốn bánh qua sông chạy bon bon trên cái xóm nghe nói nghèo nhất tỉnh này.
Bà Tám đốt nhang trên chiếc bàn thờ cũ kỹ đặt giữa nhà rồi thì thầm khấn nguyện:
- Ông có linh thiêng “dìa” đây chứng giám, ăn bữa cơm cuối năm với tui. Bữa nay hăm chín tết rồi. Năm nay thằng An hổng có về ăn tết. Tui buồn lắm khóc hết nước mắt. Thôi nó nói vậy thì nghe vậy chớ biết sao “bi giờ”.         
Nói xong bà vặn lớn cái tim đèn hột vịt nhỏ xíu trên bàn thờ tạo khoảng sáng vàng vọt, nho nhỏ in trên tấm vách lá phía sau bàn thờ. Nén nhang thơm tỏa ra những làn khói trắng bay lơ lững quanh nhà. Di ảnh của người chồng quá cố cự chập chờn, lung linh trong khoảng ánh sáng mờ đục. Đã hai mươi tám năm qua, tết nào bà cũng làm món cà ri vịt và mắm ba khía để cúng chồng, những món ăn mà ông rất thích ăn ngày tết. Vậy mà…
         Tiếng ai bước khe khẽ trước khoảng sân trống trước nhà làm bà giật mình. Bà tiến đến bến khung cửa hỏi lớn:
        - Ai tới đây giờ này? khuya lơ khuya lắc vậy cà. 
        - Con đây bác Tám ơi! Duyên đây. Bác mở của cho con vô.
        - Duyên hả ? Trời dất. Bây đi đâu tối thui tối thùi vậy? Thôi vô đi con. 
        Bà mở cửa. Duyên khệ nệ mang vào lỉnh kỉnh thức ăn với mấy bó bông Vạn Thọ và hủ mứt dừa đặt lên chiếc bàn giữa nhà rồi nói:
        - Con đem qua biếu bác nồi thịt kho hột vịt ăn với dưa giá, sẵn đem mấy bó bông con trồng sau hè và hủ mứt con mới “sên” hồi chiều, bác nhận cho con vui.  
       - Mèn ơi. Bây qua chơi là bác mừng lắm. Bánh trái chi cho nó lu bu. Mà sao bây biết bác cúng “dắt” này mà qua vậy? Bà Tám hỏi nhỏ nhẹ. 
       - Dạ. Năm nào mà Bác hổng cúng “dắt” nầy. Ở mé sông bên kia con thấy đèn trên bàn thờ nhà bác sáng lên là con qua.
      - Tội nghiệp chưa. Vậy mà….vậy mà…Nói đến đó bà ngập ngừng rồi im lặng như cố dồn nén những cảm xúc của mình đang tràn lên lồng ngực. 
      - Vậy mà sao. Bác nói con chưa hiểu. Duyên hỏi.
      - Thì bác nói vậy mà năm nay thằng An hổng “dìa” ăn tết. Bác buồn thúi ruột, thúi gan luôn. Nhớ thằng nhỏ quá. Cha nó. Lớn “chồng ngồng” rồi mà như còn con nít. Nói tới chuyện vợ con thì nó đánh trống lãng hoài. Bác nói thiệt nghe. Bây cũng lớn rồi cũng lo tính chuyện chồng con đi. Hơi sức đâu mà chờ nó. Cái thằng lầm lầm lì lì khó ưa lắm.
       - Thôi bác ơi!. Chuyện chồng con là chuyện duyên nợ. Nếu có thì sớm muộn gì thì tụi con cũng thành vợ, thành chồng. Duyên đáp lí nhí pha lẫn chút hờn mác, tủi buồn.
        Thấy Duyên loay hoay thắp mấy cây nhang lên bàn thờ, bà thấy thương nó nhiều quá. Hai mươi chín tuổi rồi chớ có ít ỏi gì đâu. Hồi nhỏ như bà, cỡ tuổi đó mà không có chồng thì coi như ở giá suốt đời. Đi đâu chòm xóm cũng dị nghị, chê cười, nói xiên, nói xỏ đủ điều cay đắng. Vậy mà sắp qua cái tuổi ba mươi mà Duyên vẫn chờ vẫn đợi thằng con trai của bà. Tội nghiệp. Con nhỏ mồ côi cha mẹ hồi mới lọt lòng. Ngoại nó đem về xóm Bún này nuôi. Nhiều lần nó khát sữa khóc tím mình, tím mẩy, bà phải bơi xuồng qua sông cho nó bú “thép”. Lạ. Bú một chút là con nhỏ nín khe. Chắc nó muốn chừa phần sữa cho thằng An – con bà, đứa trẻ cũng vừa mồ côi cha mấy tháng trước đây do một vụ tai nạn giao thông.
      Bà nhớ hoài cái ngày tang thương hai mươi tám năm về trước. Hàng xóm báo tin ông bị xe hơi bốn bánh đụng chết khi đang đi bán vé số dạo ờ ngã tư huyện. Chết vào chiều 29 Tết. Bà đứng như tượng đá, nước mắt lưng tròng. Rồi hai mẹ con sẽ sống ra sao? Thằng An như thế nào khi không có cha? Bà xỉu lên xỉu xuống và không ăn uống mấy ngày liền. Đám tang nghèo diễn ra thật buồn và đầy nước mắt. Người gây tai nạn tìm đến nhà bà năn nỉ van lơn. Ông ta cũng là người lái xe thuê với đồng lương chết đói nhưng dè xẻn đủ đường nuôi hai đứa con bị ảnh hưởng chất độc da cam – hậu quả của tháng ngày ông xung phong đi bộ đội đánh Mỹ ở miệt Phước Long, Xuân Lộc. Giận thì giận mà thương thì thương. Dù gì bà cũng là phụ nữ. Mà phụ nữ thì hay thương người và tha thứ dù là chuyện tày trời. Bà làm đơn bãi nại và không nhận số tiền mấy triệu đồng tiền bồi thường nhân mạng. Nghe đâu người tài xế ấy đã bán cái bàn thờ gia tiên và một công đất dưới quê để có được số tiền ấy. Thôi nhận làm chi. Người ta cũng khổ như mình, có khi hơn mình nữa là đằng khác. Ở hiền thì gặp lành. Người chết có sống lại được bao giờ. Vậy là hai mươi mấy năm qua, cứ ngày 29 Tết, người lái xe oan nghiệt ấy đến nhà mang theo hoa tươi và đồ cúng giỗ người đã khuất.
       Hai mẹ con bồng bế nuôi nhau trong căn nhà trống lạnh thiếu trước hụt sau. Lạ lắm. Thằng An lớn nhanh như thổi và giống cha nó như đúc. Giống từ tướng đi, mặt mày, tánh nết làm bà cũng đỡ nhớ chồng. Nó mạnh cuồi cuội không thấy đau ốm gì. Có lẽ nó hiểu rằng lỡ có bệnh thì hai mẹ con biết lấy đâu ra tiền chữa chạy. Bên kia sông, con Duyên cũng lớn nhanh không kém. Trời xui đất khiến, hai đứa nhỏ cùng học chung lớp, chung trường từ tiểu học tới tú tài. Mồ côi mà học thiệt giỏi khiến bạn bè, cả xóm khen tấm tắc. Tội nghiệp thằng An, hết tú tài thi đậu trường trung cấp kỹ thuật nhưng nghèo quá nên nó nghỉ ngang rồi theo đám bạn đi làm hồ, bốc vác gạch để có tiền nuôi mẹ. Mỗi lần có tiền nó lại năn nỉ:
     - Mẹ đi chợ mua gì thì tùy ý thích. Mẹ đừng giận con. Con cố gắng hà tiện lắm chỉ có bấy nhiêu. Nó nói lí nhí như người có lỗi.
      - Sao con lại nói vậy. Con là đứa con ngoan, hiếu thảo, con đâu có lỗi gì đâu. Bà khuyên con.
       Con Duyên đậu tú tài rồi đi học sư phạm, ra trường nó dạy ở dạy ở đầu vàm. Ngoại nó mất, một mình nó thui thủi một mình trong căn nhà trống vắng. Lúc rãnh rỗi nó qua nhà hủ hĩ với bà và thằng An coi bộ hai đứa nầy thương nhau lắm đây. Công chuyện làm dưới quê hết dần. Thời buổi nầy người ta ít thuê mướn nhân công lắm, thay vào đó máy móc tối tân. Thằng An thất nghiệp. Nó theo tụi bạn lên Bình Dương nghe nói làm trong khu công nghiệp gì đó, mỗi tháng nó gởi về cho mẹ hai triệu đồng để bà xoay sở.
      Nhiều đêm, con Duyên bơi xuồng qua chơi thủ thỉ với vẻ lo lắng, giận hờn. Nó nói:
      - Con lo quá, mỗi lần coi cải lương hay nghe bài hát “chuyện tình Lan Và Điệp” con khóc muốn chết vậy đó bác.
     - Sao vậy?
     - Con sợ anh An lên “trển” rồi mê bóng sắc như Điệp rồi bỏ con luôn.
     - Bây ăn mắm, ăn muối nói bậy, nói bạ hổng nên. Thằng An nghèo muốn chết, mà nó có thương ai ngoài con đâu. Bà an ủi vỗ về.
     Tết năm nào thằng An cũng về quê ăn tết, hai đứa quấn quýt suốt ngày không rời nhau nữa bước. Nhiều lần bà khuyên con:
      - Mình nghèo. Mình tổ chức đám cưới sơ sài. Làm một mâm cơm cúng vái cha bây và cha mẹ con Duyên là xong. Chớ để vầy hoài chòm xóm họ dị nghị. 
     - Thôi để từ từ đi mẹ. Tụi con còn trẻ mà. Cố gắng hà tiện để giành ít tiền rồi làm luôn. Con thì sao cũng được. Tội nghiệp Duyên dù gì cũng là cô giáo, tổ chức “tệ” quá tội nghiệp Duyên.
     Thấy hai đứa nhỏ ngần ngừ, thoái thác nhiều lần. Bà lặng yên không nói. 
     - Gần sáng rồi, bác nghỉ ngơi cho khỏe. Để con dọn dẹp nhà cửa rồi về “bển” mai con qua chơi với bác cho đỡ buồn, đỡ nhớ anh An. Tiếng của Duyên đưa bà về thực tại.
     Nói đoạn, Duyên nhanh nhẹn dìu bà đến nằm trên chiếc giường tre ở góc nhà rồi thu dọn nhà cửa, chuẩn bị hâm nóng thức ăn để cúng buổi sáng mai.  
      Ở vách buồng, trong cái khuôn ảnh cũ mèm, hình An đang nhìn Duyên với nụ cười xin lỗi. Người gì đâu thấy ghét quá trời. Cứ lầm lầm, lì lì có trời mà biết dễ hay khó tánh. Hôm qua nhận quà và ba triệu đồng của An gởi về cho bà Tám, Duyên còn nhận một cuộc gọi xin lỗi của An sẽ vắng mặt ở quê nhà vì phải tăng ca cho xí nghiệp đầu xuân. An nói làm thêm ngày tết để có tiền cho mẹ sửa lại mái nhà đã dột nát nhiều nơi. Ngoài giờ làm việc, An còn làm thêm việc giữ xe cho các điểm du lịch ngày xuân.
      Giận thì nói vậy, chớ Duyên hiểu và thương An nhiều lắm. Giờ nầy giữa chốn thị thành phồn hoa đô hội, chắc An cũng đau đau nhớ quê, nhớ mẹ cô đơn ngày tết và nhớ nhất là khuôn mặt của một cô giáo mồ côi đang thao thức mong chờ ngày anh về với quê hương, xứ sở.  
Đạo Phật ngày nay
Bồi hồi nghĩ về tết
Dù có sự khác nhau về vùng miền, về phong tục, tập quán của từng địa phương đi chăng nữa thì tất cả chúng ta đều cảm nhận rất rõ ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần.
Trong nhà, ngoài phố đều tất bật và nhộn nhịp niềm vui. Vẻ mặt ai nấy đều hân hoan hạnh phúc sẵn sàng tiễn đưa một năm cũ và đón rước một năm mới với những cảm xúc rất riêng của mình. Những cánh hoa rực rỡ sắc màu đang đua nhau khoe hương, thi sắc càng làm cho không khí tết thêm rộn ràng, náo nức, những đợt gió mùa đông không đủ sức cản lối xuân sang! Trong khoảnh khắc giao mùa ấy, đất trời vạn vật dường như đổi thay và khoác lên mình tấm áo mới căng tràn nhựa sống. Những cánh đào đỏ hồng tươi của miền bắc, hay những cánh mai vàng rực rỡ của miền nam đua nhau khoe sắc, báo hiệu một mùa xuân viên mãm đã lại về. Một năm cũ có thể còn đầy nỗi chuân chuyên, khó nhọc của người này, nhưng cũng có thể là thành công, thắng lợi của người kia...Nhưng hãy để cho cánh cửa mùa đông của năm cũ khép lại, lòng mỗi người lại rạo rực đón xuân sang với những niềm vui và hy vọng mới! Để cho những đứa con xa quê được bồi hồi với niềm vui khôn tả, rảo vội những bước chân theo tiếng gọi yêu thương để trở về đoàn tụ bên gia đình! Ôi! tuyệt vời biết bao khi chúng ta sinh ra trên đất Việt yêu thương!
Quên sao được không khí tết cổ truyền của dân tộc khi xưa, ta "ăn Tết" với "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh". Tết và lễ hội diễn ra tưng bừng và kéo dài đến hết tháng giêng. Kinh tế tuy nghèo những đời sống tinh thần của người Việt luôn phong phú và dạt dào cảm xúc. Nên dù giàu hay nghèo thì mọi nhà đều chuẩn bị cho mình mọi thứ với mong muốn 3 ngày tết phải đầy đủ nhất, vui tươi nhất, tốt đẹp nhất để cầu mong một năm mới tràn đầy hạnh phúc! Đất nước thanh bình. Bởi vậy nhà dù nghèo thế nào đi chăng nữa thì "ngày ba mươi Tết cũng vẫn có thịt treo trong nhà", và tất nhiên không thể thiếu mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên vào tối 30 Tết mà ta quen gọi là bữa cơm Tất niên! Bữa cơm đoàn tụ gia đình sau một năm làm lụng, cách xa! Đó là những phút giây lắng đọng hồn người, tràn ngập yêu thương và đầy cảm xúc thăng hoa cũng như bao niềm hy vọng. Đó cũng là lúc người ta cùng "ôn cố tri tân", cùng nhắc nhớ về những gì đã qua và hướng tới một năm mới với những niềm hy vọng mới!
Tôi còn nhớ cái không khí của những ngày giáp Tết ngày xưa, đó là những ngày U tôi tất bật đôn đáo, giục chị em chúng tôi đi kiếm cây, kiếm lá để đốt lấy tro, lọc nước làm bánh Lẳng. Những phiên chợ tết mẹ tôi mua đủ các thứ nào măng khô, hành củ, rau dưa, nào khoai tây, cải bắp, nào nước mắm, hạt tiêu, nào mỳ, nào miến, rồi cả nấm hương, mộc nhĩ, hành tây... Nhưng vui nhất có lẽ là ngày mà cả nhà tôi dậy từ 3 giờ sáng đun nước nhờ người đến thịt lợn. Lợn ngày đó đâu có to chỉ chừng 30 - 40 Kg, ấy vậy mà anh chị em chúng tôi thấy vui sướng vô cùng....
Tôi nhớ mãi cái cảm xúc chiều cuối năm, mẹ tôi dẫn mấy chị em tôi đi tảo mộ cho bố và bà ngoại, đốt nén hương trước mộ bố và bà, trước không gian tĩnh lặng của nghĩa trang mà lòng chúng tôi trào dâng bao cảm xúc, bỗng thấy mắt mình rưng rưng, thấy lòng phiêu lãng mỗi khi nhìn mẹ thắp hương và lầm rầm khấn vái mời bố và bà cùng về ăn tết. Đó là những phút giây thiêng liêng ta có dịp hoài niệm quá khứ và nhớ về những người đã khuất, biết ơn nguồn cội và ta bỗng thấy thương yêu những người thân nhiều hơn. Đêm ba mươi cả nhà tôi quây quần bên nồi bánh chưng với tiếng nước sôi lục bục, hương nếp thơm tỏa bay ngào ngạt, những tàn hoa lửa nổ lép bép cuốn bay theo làn khói ấm nồng. Tết đã gắn kết mọi người lại với nhau thêm bền chặt.
Tết ngày nay cũng có nhiều đổi khác, dịp cuối năm mọi người tràn ra thi nhau ngược xuôi trên phố, dòng người hối hả bị cuộc sống đầy tất bật và lo toan cuốn theo. Với guồng quay của cuộc sống hiện đại, việc chuẩn bị Tết ngày nay cũng nhanh gọn và đơn gian hơn nhiều. Cần thứ gì thì cứ vào chợ hay siêu thị là có ngay không cần phải chuẩn bị hàng tháng trời như trước đây, bởi hàng hóa ngập tràn: Từ bánh mứt, củ kiệu, dưa hành, giò, chả...thậm trí là cả bánh chưng tất cả đều có sẵn, có lẽ vì thế mà Tết ngày nay giảm đi cái không khí sôi động, và cũng chính vì thế mà hương vị Tết cũng đã "bay đi ít nhiều"!? Mọi người không còn phải bận bịu với mấy ngày Tết như trước nữa, việc đi chơi, chúc tết, bạn bè, xóm giềng cũng giảm, hầu như mọi người chỉ đi chúc Tết những người thân trong họ hàng nội tộc mà sao nhãng xóm giềng như xưa. Tết ngày nay đến nhanh và đi cũng rất nhanh, chớp cái đã thấy hết Tết, mọi người đã phải trở lại học hành hay công việc, trở lại cuộc sống thường nhật và tiếp tục những ngày tháng đeo bám nỗi lo toan mưu sinh và theo đuổi sự nghiệp của mình và gia đình. 
Có lẽ, chỉ có con trẻ mới được hưởng trọn vẹn cái không khí náo nức vui tươi của những ngày Tết. Chúng háo hức chờ Tết đến để được đi chơi, được ăn ngon và diện những bộ quần áo mới, nhất là được người thân lì xì mừng tuổi! Theo thời gian, mỗi chúng ta sẽ dần mất đi sự háo hức chờ mong mỗi khi đến Tết bởi ta đâu còn trẻ? Thay vào đó là những nỗi lo toan giống như của bà, của mẹ khi xưa. Đã bao lần ta tự hỏi lòng mình, không biết có phải Tết ngày nay tẻ nhạt và ít háo hức hơn so với Tết xưa? Hay là do cuộc sống hiện đại ngày nay mang đến cho con người bao nỗi lo toan khác?? Hay vì ta đã già ?
Rồi một ngày cuối năm con gái đi học dưới Thủ đô về nghỉ Tết, vai đeo, tay sách bao thứ quanh người, nó mở cửa ùa vào như một làn gió, hớn hở khoe đã được nghỉ Tết! Rồi nó rối rít khoe đã mua quà cho bố thứ này, cho mẹ thứ kia...Ta bỗng nhận ra rằng, cái con bé mới ngày nào còn hay khóc nhè, ăn vạ, bây giờ đã lớn khôn, đã đủ cứng cỏi, mạnh mẽ thế này. Nhất là nó đã biết yêu thương, lo nghĩ tới mọi người! Ôi! Mới đó mà đã hơn hai mươi năm!! Trời đất đổi thay nhanh vậy! Lòng bâng khuâng nhớ lại những Tết xưa, mà thoáng chút bùi ngùi, vẩn vơ.
Nhưng dù là Tết ngày xưa hay Tết ngày nay đi nữa, những ngày Tết đều là những ngày vui vẻ nhất trong năm, ngày của đoàn viên hạnh phúc. Là ngày con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ để mừng thọ, chúc phúc, để thờ cúng tổ tiên, thể hiện truyền thống hiếu kính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mặc cho năm tháng dần trôi, Tết Việt ngàn đời vẫn thế, vẫn náo nức, vẫn rộn ràng, vẫn có hoa và rượu, vẫn có nhớ và mong, vẫn có hoài niệm và hy vọng. Sau phút giây sum họp tất là đến những ngày tháng chia xa. Đó là quy luật của tình yêu và cuộc sống. Tết và mùa xuân là điểm hẹn để cho con người kết nối những yêu thương! Tết đang đến rất gần, hãy cùng nhau tìm về cuội nguồn hạnh phúc để cùng nhau chia sẻ mọi yêu thương! Để mọi người càng thêm yêu quý hơn giá trị cuộc sống, và để ta thêm yêu quý ngôi nhà bé nhỏ của chính mình! Chào xuân mới! Với bao điều tốt đẹp đang chờ ta phía trước! Hãy nhìn lên và tiến bước!!
Sáng ngày 12/01/2016
Tết Tây và Tết Ta 
Sống ở ngoại quốc đúng 30 năm, tôi, cũng như bất cứ người Việt nào đang định cư ở hải ngoại, mỗi năm cũng đều có đến hai cái Tết: Tết Tây và Tết ta. Nhưng với riêng tôi, hình như có sự thiên vị rõ rệt: Chỉ có Tết ta mới thực sự là Tết. 
Sự thiên vị ấy có cái gì như nghịch lý. Bởi, về phương diện xã hội, Tết Tây dễ thấy hơn Tết ta. Cả mấy tuần trước, đi đâu cũng thấy không khí Tết: Tết trên đường phố và ở các cửa tiệm. Trong quan hệ liên cá nhân, Tết cũng hiện diện trong những bức thiệp và những lời chúc, trong những gói quà người ta nhận được hoặc gửi tặng cho bạn bè đồng nghiệp. Giao thừa Tết tây lại càng lớn. Ở thành phố Melbourne, nơi tôi sống, vào đêm giao thừa có cả hàng triệu người đổ xuống đường để cười đùa, hát hò và ngắm pháo bông. Pháo bông ở Melbourne không lớn và đẹp như ở Sydney nhưng dù sao cũng rất ấn tượng, đủ để cả triệu người say mê. Trong môi trường đại học, nơi tôi làm việc, không khí Tết cũng rất rõ rệt qua việc nghỉ lễ kéo dài cả tuần lễ, từ Giáng sinh đến tận mồng 3 hay mồng 4 tháng giêng. Vậy mà, lạ, tự đáy lòng, tôi vẫn không thấy đó là Tết. Tôi gửi thiệp hoặc tặng quà cho người này người nọ như một thứ thủ tục trong quan hệ xã hội và nghề nghiệp. Những lời chúc bằng tiếng Anh gửi đi hoặc nhận được đều có cái gì như sáo ngữ chứ không có một nội dung cụ thể nào cả.
Trong khi đó, với Tết Việt Nam thì lại khác. Trước Tết mấy tuần, đã có chút gì nao nao và nôn nao. Cứ đếm từng ngày, từng ngày. Để làm gì? Tôi cũng không biết nữa. Những năm Tết Việt Nam rơi vào giữa tuần, tôi vẫn phải đi làm. Ở nhà cũng không có gì đặc biệt. Không bàn thờ. Không cúng. Không đến chùa. Không hái lộc. Không xem hướng xuất hành. Không xông đất. Và cũng hiếm, thật hiếm khi tham gia các hội chợ Tết do các cộng đồng tổ chức. Vậy mà, năm nào tôi cũng thấy không khí Tết đầy ắp trong nhà. Và, nhất là, trong lòng: Có cái gì đó cứ nôn nao. Ngay cả khi ngồi một mình, giữa khuya, trước màn ảnh computer, vẫn có cảm giác như có người, nườm nượp người, chung quanh. Không phải chỉ có những người còn sống mà cả những người đã chết. “Những người muôn năm cũ”. Tất cả đều về, đông đúc và ồn ào. Để… đón Tết với tôi. 
Tại sao? Lý do chủ yếu, theo tôi, là Tết ta gắn liền với ký ức, còn Tết tây thì không. Và vì gắn liền với ký ức, Tết ta, với chúng ta, không phải là sự kiện mà là một không gian. Chúng ta có thể tránh được sự kiện, nhưng không tránh được không gian. Không gian bao trùm lấy chúng ta, hơn nữa, chuyển hóa mọi sinh hoạt thành Tết, hay nói cách khác, nó Tết-hóa mọi thứ.
 Xin lấy chuyện ăn uống ngày Tết làm ví dụ. 
Ở những nơi khác, người ta đón Tết, mừng Tết; ở Việt Nam, chúng ta ăn Tết. “Ăn”, như ăn tiệc, ăn cưới, ăn giỗ, ăn liên hoan. Thật ra, chúng ta cũng cử hành nhiều nghi lễ và tổ chức nhiều hội hè như ở các nơi khác, nhưng việc ăn uống, với chúng ta, bao giờ cũng chiếm vị trí trung tâm. Người sống ăn. Người chết ăn (cúng). Cả thần linh (ông Táo) cũng được ăn uống linh đình. Trong ký ức cũng như tâm thức của người Việt, không có gì liên quan đến Tết mà lại không gắn liền với một số loại thực phẩm nào đó. Trong sáu hình ảnh tiêu biểu của ngày Tết được nêu lên trong câu đối quen thuộc “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, có đến ba thứ, tức một nửa, là thực phẩm. Nhưng đó không phải là tất cả. Cái gọi là “thịt mỡ” ấy, ở miền Bắc thường là thịt đông; ở miền Nam, là thịt kho tàu; ở miền Trung, là giò heo hầm chuối chát hoặc thịt ngâm nước mắm. “Dưa hành” chủ yếu ở miền Bắc, ở miền Trung là củ kiệu và dưa món; ở miền Nam là các loại dưa giá hẹ muối xổi. Hiện nay bánh chưng phổ biến khắp nơi, nhưng ngày trước, ở miền Nam và miền Trung, hầu như chỉ có bánh tét. 
Nhiều người than thở: Các loại thực phẩm vốn được xem là đặc sản của Tết đang dần dần mất hết ý nghĩa. Bây giờ, trong chợ hay siêu thị, từ Việt Nam ra ngoại quốc, ở đâu có đông người Việt, bất cứ ngày nào, tháng nào, mùa nào cũng có bánh chưng và bánh tét. Thịt kho hay thịt đông, ngày xưa, chỉ xuất hiện trên các mâm cỗ Tết, bây giờ, là thức ăn hàng ngày. Thích lúc nào người ta ăn lúc ấy. Chả có gì là đặc biệt nữa.
Thì đành là đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ý nghĩa của thức ăn ngày Tết không còn. Còn, ở một điểm: Bình thường, chúng là thức ăn, ăn cho no hoặc cho khoái khẩu; ngày Tết, chúng là thức ăn của huyền thoại, ăn để… nhớ.
Như bánh chưng, chẳng hạn. Ngày thường, chúng ta có thể ăn bánh chưng. Nhưng những lúc ấy, bánh chưng chỉ là bánh chưng. Người ta ăn vì thích, hoặc nhiều hơn, vì tiện: khỏi phải nấu nướng và có thể giữ được lâu. Trong không khí ngày Tết, việc mua hoặc nấu bánh chưng không còn là một chọn lựa ngẫu nhiên hay một ý thích bất chợt, xuất phát từ khẩu vị, mà là một điều gần như bắt buộc, gắn liền với bổn phận, có tính chất nghi lễ: Nhà nào cũng có. Tính chất “bắt buộc”, “bổn phận” và “nghi lễ” ấy làm cái bánh chưng trở thành một biểu tượng, nghĩa là vừa là một vật thể vừa là một ý nghĩa. Ý nghĩa ấy lại gắn liền với sự tích bánh chưng và bánh dày với Lang Liêu (hay còn gọi là Tiết Liêu) và vua Hùng Vương thứ 6, với ý niệm về Trời và Đất, về công cha và nghĩa mẹ, và gần đây, theo một số học giả về Việt học, về tín ngưỡng phồn thực với hình ảnh của dương vật (bánh chưng, ngày xưa, có hình dài, giống bánh tét bây giờ) và âm vật (bánh dày).
Từ đó, trong ngày Tết, chỉ trong ngày Tết, bánh chưng trở thành biểu tượng của truyền thống, và nhờ tính truyền thống ấy, cái bánh bỗng có chiều dày của thời gian. Nó có ký ức. Trước hết là ký ức chính thức được ghi trong sử sách: Ăn bánh chưng trong ngày Tết, do đó, là ăn cùng với Lang Liêu, với các vua Hùng, và với tổ tiên nói chung. Sau nữa là ký ức cá nhân: Không có người nào sinh ra và lớn lên tại Việt Nam mà lại không có ít hay nhiều kỷ niệm với bánh chưng, từ kỷ niệm mổ heo đến kỷ niệm nấu bánh và ăn bánh. Văn chương Việt Nam đầy dẫy những loại kỷ niệm như thế. Ăn bánh chưng, do đó, là sống lại một quãng đời đã mất. 
Cả ký ức cá nhân lẫn ký ức tập thể ấy đều đưa chúng ta về nguồn: Việt Nam. 
Một thứ trái cây khác, như dưa hấu, cũng vậy. Mùa hè, trời nóng, hầu như trong chúng ta ai cũng ít nhiều ăn dưa hấu. Bản thân tôi, có thời gian, mùa hè, hầu như ngày nào cũng ăn dưa hấu. Đi làm về, bước ra khỏi xe vào nhà, mồ hôi đầm đìa, công việc đầu tiên tôi làm là mở tủ lạnh, lấy dĩa dưa hấu cắt sẵn, ngoạm từng miếng. Dưa hấu trôi đến đâu, hơi mát tràn đến đó. Nhưng, những lúc như thế, tôi chỉ ăn dưa hấu. Thuần túy là dưa hấu. Dưa hấu mua từ chợ hoặc siêu thị. Nhưng cũng những miếng dưa hấu ấy, trong ngày Tết, có cái gì khác hẳn. Tôi thường thoáng chút ngần ngại khi phải bổ trái dưa hấu. Tôi muốn đặt nguyên trái trên bàn. Để có không khí. Khi ăn, tôi cắn từng miếng, từng miếng thật chậm. Và Tết nào cũng thế, cũng đều nhớ đến chuyện An Tiêm ngày xưa. Đó là trái dưa hấu của An Tiêm, con nuôi của vua Hùng. Nhớ thế, tôi ngỡ như đang ăn dưa hấu chung với An Tiêm.
Mà đâu phải chỉ có An Tiêm. Cùng với An Tiêm, còn có Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh và Kiều Phú, những người đầu tiên chép truyện An Tiêm trong Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ 14-15), rồi Nguyễn Trọng Thuật, tác giả của Quả dưa đỏ (1925), một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam mà tôi đọc hồi nhỏ, những năm đầu của trung học. Ngoài những tên tuổi lớn ấy, mỗi lần ăn dưa hấu ngày Tết, tôi còn nhớ một người khác, Lê Quý Long, một người đồng hương của tôi, người, trong cuốn Việt sử văn vần, xuất bản ở Huế năm 1971, có bài thơ về An Tiêm: “An Tiêm phải bị cha đày / Sống nơi hoang đảo chuỗi ngày bơ vơ / Một hôm chim lạ tình cờ / Nhả rơi một hạt ai ngờ giống dưa […] Mang theo dưa hấu nặng nề / Nên bây giờ có khắp quê hương mình.” Bài thơ đơn giản, như một bài diễn ca, không có gì đặc sắc, vậy mà, không hiểu sao, đã trên 40 năm rồi, tôi vẫn nhớ. Không trọn vẹn. Nhưng nhớ. Tôi nghĩ, nhớ được, không phải vì bản thân bài thơ. Mà là vì những quả dưa hấu ngày Tết: Chúng nhắc. 
Những ví dụ nho nhỏ trên cho thấy, trong ngày Tết, ngay cả những thứ mọn nhất, từ một quả dưa hấu đến một lát bánh chưng hay bánh tét, đều có hấp lực kéo chúng ta về quá khứ: Nhỏ, là những kỷ niệm thuộc về cá nhân; lớn, là truyền thống của cả một dân tộc. Chính vì thế, Tết, chúng ta thường hay hồi tưởng và nhớ vu vơ. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh. Có một khía cạnh khác, lớn và có ý nghĩa chính trị hơn: mọi thứ trong ngày Tết đều vun bồi ký ức tập thể trong mỗi người, khiến mỗi người tự thấy mình là một thành viên của cả một cộng đồng đông đúc, là một đoạn ngắn trong chuỗi dài của lịch sử dằng dặc. Với ý thức ấy, chúng ta trở về với gốc rễ của chúng ta: Việt Nam  
Nói Tết ta khác với Tết Tây là vì thế.
Nguyễn Hưng Quốc VOA