Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Làng đóng tàu và ghe ở Bình Đại Bến Tre

   Biển Tình - Quang Lệ




Nơi đây kỷ niệm,
Kỷ niệm buồn của ngày xưa quá khứ,
Có dần quên theo con sóng thời gian ?
Cất bước ra đi mơ giấc mơ vàng...
Trong phút chốc bỗng tan thành bọt nước !!

Rồi quẩn quanh với cõi đời ô trược,
Quay tìm về nơi chốn ấy năm xưa...
Chốn cũ quạnh hiu, lau lách rặng dừa,
Sao lại thấy dường như hồn lạ lẫm...?

Có gì đâu qua tuổi xuân đằm thắm,
Biết bao điều nghịch lý đã trải qua...
Chỉ dạo chơi tìm một chút xưa mà,
Rồi trở lại sống những ngày quên lãng !!
NM

Làng đóng tàu và ghe ở Bình Đại Bến Tre
          Trước khi ra biển Thừa Đức bỗng dưng muốn tìm đến làng đóng tàu thuyền của Bến Tre, một nơi mà ngày xưa lúc phong trào vượt biên đang rộ rất rộn rịp khách đến đặt hàng !
        Vừa đi vừa hỏi cuối cùng cũng tìm ra cơ sở nầy nằm sâu trong huyện bên cạnh con sông và gần sát bên phà cửa Đại của biển Bến Tre, vị trí nầy thật thuận tiện cho cả ghe nhỏ và tàu lớn khi hạ thuỷ
          Trừ ngôi nhà lớn khang trang có lẻ của chủ xưởng đóng tàu ra, chung quanh là nhà nhỏ của người dân và thợ đóng tàu ở gần đó, phía sau và mặt trước của xưởng vẫn là những gian nhà lá lụp xụp, chung quanh xường người ta chất đầy cánh quạt, vỏ xe và vỏ gỗ thừa...
          Lại gặp "Bình Tân", địa danh nầy trùng với quận BT gần nhà, Bến phà khang trang nhưng vắng lặng có lẻ vì ngày hôm nay người ta tạm dừng tất cả mọi sinh hoạt để tham dự lễ Nghinh Ông. 
          Nhìn những chiếc ghe nhỏ còn nằm chờ trên con rạch chợt ngậm ngùi cho thân phận của những người vượt biên ngày trước vì mấy ai dám ra đi với chiếc ghe lớn ? Đoạn đường chờ đợi từ lúc đóng ghe, rồi hạ thuỷ ghe, len lỏi qua kênh rạch chờ giờ ra sông lớn rồi từ đó mới ra khơi ngoài biển rộng ....Mấy ai thành công và biết bao nhiêu người thất bại ?!

Đứng trước phà cửa Đại sông nước mênh mông lòng bỗng bâng khuâng như đối diện với một nơi có di tích lịch sử, cho người và cho....mình !!
NM Phan thị Ngọc Diệp


 

Nhạc - Thơ - Văn Biển Thạnh Hải (Cồn Bửng) Bến Tre và những con ốc viết

Biển và bờ,
Sóng cao rồi cũng cạn,
Cùng biển về bờ vui...
Nhớ đêm ngày vất vả,
Bao cay đắng ngọt bùi !
 
Sóng đời dâng biển động,
Sóng biển rộng bao la,
Biển cho ta tôm cá...
Biển mênh mông là nhà.
 
Những ngày thuyền xa biển,
Ôm nỗi nhớ không nguôi...
Biển đôi khi giận dữ,
Nhưng biển vẫn ngậm ngùi !
 
Thuyền về nằm trên cát,
Thảnh thơi nhìn khơi xa...
Ngoài kia muôn sóng vỗ
Thương biển cũng là nhà
NM

          Biển Thạnh Hải (Cồn Bửng) Bến Tre và những con ốc viết

Ti đi đám cưới bạn ở Thạnh Hải Bến Tre về quảng cáo và rủ đi TH liền Ti còn nói bảo đảm sẽ thích khi đến đó vì vẻ đẹp nên thơ của làng quê, sự yên tịnh mát mẻ của cây cối, và nhất là ốc viết rất nhiều trên bãi biển có thể tha hồ lựa những con to và đẹp mang về thả vô hồ nuôi cá

          Đến biển Thạnh Hải trong những ngày còn hoang sơ và biển đang xâm lấn dần vào đất liền, hàng quán ở đây đang dở ra lùi vào trong bờ, ngoài ra người ta còn nâng nền và gia cố ciment cho chắc vì vậy mà bãi biển còn trong tình trạng bừa bộn, ông chủ quán phải ra khiêng bổng xe phụ Ti đem vào sân quán, thấy Ti khg mang theo nón ông còn tử tế đưa cho mượn.chiếc nón rơm để đội...
         Lúc nầy Lucky hãy còn sống đi đâu cũng mang nó theo, ban đầu nó còn hăng hái lẩn quẩn bên chân, nhưng sau nắng quá nó rẻ vào một chòi lá bên đường nằm thở dốc và lim dim !!
          Từ trung tâm Bến Tre ra biển có rất nhiều vườn dưa hấu và dưa gang, dưa hấu muốn mua thì trên đường về ghé Bến Lức, nhưng dưa gang thì phải mua liền ở đây, trái dưa nào cũng "bự" phải chọn lựa tìm trái vừa đủ cho hai người ăn thôi vì nếu ăn không hết để tủ lạnh nó hay chảy ra nước
          Bây giờ thì tạm chia tay với biển, cũng ước mong sẽ có ngày quay trở lại, được nhìn ngắm vẻ đông vui và cảnh đẹp của biển, nhất là bờ biển quang đãng, ổn định hơn. Biển hãy còn rất thiên nhiên, nơi đây ngày trước là chỗ các thuyền cập bến để chở người ra đi và cũng là nơi chứng kiến biết bao sự thất bại của họ khi phải cặp bờ dưới sự quản thúc của dân quân thời đó (theo lời kể của những người từng vượt biên từ mấy chục năm về trước) Nhà tù vượt biên ở Bến Tre nổi tiếng là một trong những nơi khắt khe nhất có lẻ vì đây là "Quê hương Đồng Khởi" !! 
NM Phan thị Ngọc Diệp

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Mùa lũ

Thương Về Miền Trung

Có bao nhiêu nước,
Ông đổ xuống trần...
Miền Trung mưa chẳng hiền đâu,
Xong mưa hai đợt, mưa sâu bốn ngày...!
Cơn mưa giờ đã đổi thay,
Nước lênh láng đổ nước rày dâng cao.
Giờ thì mới thấy nôn nao,
Nước cao như lũ xôn xao lấp bờ !
Bây chừ chỉ biết trông chờ,
Đâu người cứu giúp nương nhờ cậy trông ?
Giữa đồng nước lũ mênh mông,
Ơn người cứu giúp ấm lòng xiết bao...
NM
Ở nhà mùa lũ 

Vợ chồng con gái Út đều làm thợ hồ. Chồng xây vợ phụ. Ban đầu hai vợ chồng nhận làm ở quê, thu xếp vừa làm vừa chăm con nhưng sau thấy không ổn. Công thợ ở quê không cao, lại thêm mùa mưa hơi dài, mưa lũ bão bùng không ai xây cất phải bóp họng bóp hầu cho trôi ngày. Chỉ còn một con đường là khăn gói vào phố. Mấy năm trước chỉ chồng đi, đến giỗ chạp ma chay hoặc Tết nhứt thì về, làm xa nhà nhiều cái khổ nhưng cuộc sống khá hơn nên bằng lòng. Lây lất mấy năm, bây giờ thằng lớn học lớp một, cu nhỏ đi mẫu giáo nên vợ chồng yên tâm giao đứt cho bà ngoại rồi dắt nhau đi làm.

Bà ngoại thiếu một tuổi nữa đầy tám mươi. Tám mươi mà tướng chắc vầm, tay chân nhanh nhẹn. Bà một thời “nuôi đủ… chín con với một chồng” (theo đúng nghĩa đen) giờ già lo rửa đít cho cháu. Phụ nữ như bà thật khổ. Hết con tới cháu. Năm đứa con gái nhưng trước giờ cũng chỉ nuôi đẻ, chăn dắt các cháu khi con cái mắc việc vắng nhà một hai hôm chứ không như lần này. Lần này con gái Út bàn giao hai nhóc, ai cũng khuyên đừng nhưng bà vui vẻ nhận “công tác”. Bà bảo con bé khổ, ở lớn tuổi mới lấy chồng sinh con, vợ chồng tay trắng vay mượn cất nhà, mình không có tiền thì cho công để con trả nợ.

Nhà bà Hai (bà ngoại) ở bên này mương lớn, vùng đó gần sông nhưng cao ráo. Nói nhà nhưng con cái ra ở riêng hết, rồi sau nhiều lần bão lụt nghiêng ngửa, bà quyết định tháo dỡ hết, giao đất cho vợ chồng thằng Cả mở mang nhà cửa quán xá, chỉ giữ một gian phòng đủ cho hai vợ chồng già ở, bít trước bít sau, chật cứng cừng cưng như cái lô cốt.

Bà đem hai thằng cháu hiếu động về, tụi nó khóc la bai bải: “Nhà ngoại chật quá, hôi quá”. Thằng lớn rằn rực chút nhưng không sao chứ thằng nhỏ phản đối kịch liệt. Tối đến không chịu ngủ trên giường xếp. Ban ngày thà nín ỉa chứ nhất định không chui vào nhà vệ sinh nhỏ như chỗ cóc ngồi. Bà Hai đành bàn với chồng chuyện sẽ dẫn hai cháu về nhà chúng. Bà thủ thỉ: trẻ con quen nhà, với lại nhà tụi nó mới xây nên rộng rãi tiện nghi, ở bên đó cũng thuận bề đưa đón chúng đi học. Nhà trên này ông coi, cơm canh tui đã nhờ con dâu nấu giùm, tới bữa qua ăn rồi về coi ti vi, chịu khó... Ông Hai không ý kiến chuyện sẽ ở nhà một mình mà lo lắng:

- Ở một mình cũng được nhưng tui không yên tâm.

- Về chuyện gì?

- Nhà tụi nó đẹp đẽ nhưng vùng ấy sát sông Lớn, đang mùa mưa, thủy điện xả nước liên tục, lỡ lũ về, bà lạ đất lạ cái biết đâu mà chạy!?

- Tui cũng lo nỗi ấy nhưng giờ nhà chật ém, các cháu không chịu ở mình đâu có cột chúng được. Mà ông yên tâm, ông bà nội chúng ở bên cạnh, họ dân vùng sông nước, bơi lội như rái lo gì... - ngừng một chập rồi bà tiếp: Mà giả lũ về thiệt, người ta có bỏ thì bỏ mình chứ cháu họ không bỏ được đâu. Mà tui từng tuổi này sợ gì lũ lụt.

Ông Hai đàn ông nhưng hơi “yếu”, xưa nay lớn nhỏ trong nhà vợ tính hết nên chuyện này cũng đem bàn cho có chứ bà Hai đã quyết thì cứ y vậy mà làm.

Về nơi ở mới, được hai tháng trời nổi mưa xối xả. Tính ra năm nay lũ về muộn - bà nói với hai đứa cháu dù chúng chẳng biết gì ngoài chuyện trông có mưa để bì bõm lội nước. Làm nhà bên mé bồi của sông, mùa nắng tha hồ ăn dưa gặm bắp nhưng mùa đông cứ phải thom thóp. Khổ, mưa lớn một chút là nước xâm xấp ngoài ngõ. Bữa đó ảnh hưởng áp thấp, mưa lớn hai ngày hai đêm, nước ồ ạt leo lên nấc cấp thứ hai. Hai đêm mưa là hai đêm bà Hai không ngủ, không nằm yên được, cứ một lát ngồi dậy tháo cửa thăm nước. Bà sợ lỡ ngủ quên, nước tràn lên cuốn phăng mấy bà cháu. Mưa ngớt, bà thở phào. Ổn rồi, mưa nặng hạt hai ngày đêm nhưng nước vẫn còn ở ngoài sân chới với nhìn vào nhà. Mọi thứ có vẻ ổn hơn suy nghĩ. Ngớt mưa nhưng nước rút muộn. Khổ. Hai thằng cháu ham nước mừng rỡ, chực lén bà ngoại lội đi chơi. Bà Hai vừa nấu cơm vừa canh cháu, bà hét cả xóm nghe: “Coi chừng lộn cổ dưới nước!”. “Coi chừng nhiễm bệnh!”. “Bà ngoại nói không nghe hả, lỳ quá!”.

Ông Hai ở chỗ cao, thấy mưa dài nên gọi điện hỏi thăm, bà nói không sao, nhà làm nền cao nên nước mới lấp ló ngoài sân, xung quanh nhiều người đã lo chạy lũ nhưng bà cháu vẫn khô rang, bà cười hi hi trong điện thoại.

Lạc quan sớm rồi. Khô sao được mà khô, trời miền Trung xưa nay mùa mưa đâu có hiền bao giờ. Bão bùng, lụt lội là… đặc sản của dải đất hẹp ven biển mà. Xong đợt mưa hai ngày thì tới đợt mưa bốn ngày, mưa chằng chịt, mưa tới tấp. Mưa lớn lắm, mưa mấy ngày liền không ngớt. Hai thằng nhỏ nghỉ học ở nhà chực thòng chân ra sân, bà Hai hiu hắt trong ruột, “có bao nhiêu nước ông tính đổ hết xuống trần hả ông trời?”. Bỏ qua lời than của bà, trời vẫn tơi bời mưa. Nước lên nhanh quá. Nước mưa hòa với nước xả lũ. Phía thượng nguồn con sông gần nhà có tới… hai thủy điện mà. Nước lênh láng, nước tràn đường, nước vô sân, nước lên cấp thứ nhất, bò qua nấc thứ hai rồi lấp ló chuẩn bị nhảy vô nhà.

Tối hôm đó, khoảng một giờ đêm, trong lúc hai anh em đang lăn ra ngủ thì bà Hai lay cháu dậy bằng giọng hốt hoảng: “Dậy, dậy mau, nước vô nhà rồi!”. Khi gọi hai cháu dậy cũng có nghĩa từ chiều bà đã một mình thu dọn tất cả đồ đạc bỏ lên trần nhà, lúa trong bịch cũng được bà hốt vô bao, cột thành từng cục chất hết trên bàn, trên giường. Giờ thì yên tâm bỏ nhà chạy lũ.

Không kịp chạy rồi. Nước lên nhanh quá. Ban đầu ở dưới mắt cá, rồi nửa ống chân, bò tới gối, leo ngập hông. Phải chạy thôi, mau mau! Nhưng chạy đi đâu bây giờ? Bà Hai quật pin, nước mênh mông lênh láng, những ngôi nhà xung quanh nước dập dềnh ngang hông. Bà không có hướng để chạy. Bị cắt rồi. Xung quanh ngập sớm nên người ta tìm đường chạy hết, mấy bà cháu yên tâm nước còn lấp ló ngoài hiên nên chủ quan, giờ chỉ biết ôm nhau ngồi chờ chết chứ biết chạy đi đâu bây giờ.

Bà ngồi ôm hai đứa cháu, những giọt nước mắt sợ hãi từ từ bò xuống má. Một đời bà, sống ở miền Trung, cái rốn của lũ nên không lạ với những lần ôm con chạy lũ. Cơn lũ thế kỷ năm 1993, một mình bà và mấy đứa con, bà vẫn che được đàn con qua bão lũ nên lần này chủ quan. Tuổi già lẩm cẩm mất rồi, cứ yên chí đường đi nước bước như những lần chạy lũ trước: vai trái mang cái giỏ kẹp bỏ một ít thực phẩm khô, con lớn đu bên vai phải, con Út ngồi trên cổ và hai tay dắt chị Hai, anh Ba, anh Bốn. Lò dò bước từng bước một đến vùng an toàn, dặn con bước chậm theo mẹ, coi chừng xụp xuống mương. Nghĩ đến những mùa lụt cũ, nghĩ đến tình cảnh mắc kẹt trong nước, bà Hai rối bời, tan nát.

Ẵm hai đứa cháu bỏ lên ghế cao, nước đã ngang hông rồi, bà Hai không còn một ý nghĩ nào về chuyện chạy lụt nữa. Bà ngồi nhìn hai khuôn mặt ngây thơ mà không cầm được những giọt nước mắt. Đang tuyệt vọng thì nghe tiếng hớt hải trước cửa:

- Bà ngoại ơi, ẵm cháu ra đây!

Nghe tiếng gọi, bà Hai mừng rỡ ló đầu ra nhìn, được cứu rồi, được sống rồi - bà cuống quýt reo to, hồn nhiên như một đứa nhỏ được cho kẹo. Là chiếc thuyền của anh thanh niên xóm trên. Sau khi giúp bà cháu ngồi yên trên thuyền thì anh kể: cháu cũng mới đưa ông bà nội hai thằng nhóc này lên đường lộ rồi, ổng bả hối đi chở bà ngoại với hai cháu nè. Mới về ở được mấy ngày lại gặp lũ to, chắc bác lo lắm? Ừ, lo mình ít, lo hai ông tướng này mới nhiều, sợ có chuyện gì ba mẹ nó về cạo khô. Thuyền dừng lại cho bà cháu bước lên đường lớn, bà nói xong thì thở phào cười hi hi.

Trước khi quay đi, anh thanh niên đưa bà Hai túi bánh và mấy gói mì tôm, dặn vào nhà ai đó xin nước nóng ăn đỡ chờ nước rút. Nhìn cái cách cậu thanh niên ân cần nở nụ cười trong mưa lũ, dù mình mẩy ướt mưa lạnh buốt nhưng bà thấy ấm áp lạ thường.

Bích Nhàn

Khóc thầm
Mênh mang trong bóng tối,
Nước lũ dâng ngập trời...
Biết là bao nguy khốn,
Lòng mẹ chẳng buông lơi,

Nồi cơm và trách cá.
Giúp con, mẹ cầm hơi,
Mong mau qua lũ lụt...
Tiếng xoong nồi xa xôi...

Đêm dần trôi thật chậm,
Lũ đang về quê tôi,
Tôi ngồi yên bó gối,
Khóc thầm thương thân thôi !!
NM

Mẹ, con và mùa lũ

Sáng nay, bầu trời âm u xám xịt với những đợt gió quần vũ như khiến ông trời muốn đổ sụp vì những cơn mưa xối xả không ngừng.

Thẫn thờ nhìn trời đất với nét mặt đầy lo âu, mẹ liên tục chặc lưỡi thở dài với giọng thật buồn: "Trời sắp hành cơn lũ lớn!"

Với kinh nghiệm của người từng sống bao năm trên mảnh đất luôn xảy ra những cơn lũ thảm khốc, mẹ nhìn sắc trời, sắc nước, tiên đoán được những gì sắp xảy đến.

Lũ trẻ vẫn hồn nhiên vô tư nô đùa nhìn con nước chảy trên dòng sông trước ngõ. 

***

Nước theo cơn mưa đổ, đang lên dần, lên dần... mẹ hối hả gọi tôi mang tơi, xăn cao quần, lội ra mảnh vườn nhà, cố nhặt nhạnh thật nhanh những hoa màu trong vườn vì đêm nay lũ về, tất cả sẽ bị cuốn đi.

Dưới mưa, mặt mẹ ướt đầm, dáng gầy đang ra sức vật lộn với cây ba lùn có buồng chuối non đã ngả nghiêng vì mưa gió. Mẹ kéo lê cả buồng chuối vào nhà. Tôi nhặt mấy mớ rau lang, bông ngót, rau dền... nơi những luống rau sắp bị dòng nước bạc ngập tràn; nhổ nhanh mấy bụi sắn củ còn non; hái nhanh mấy trái khế chua trên cành cây đã tả tơi vì gió... những thức không mong đợi ấy, là miếng ăn trong những ngày sắp tới nếu cơn lũ đổ về cầm chân không thể ra chợ mua sắm như mọi ngày.

Cơn mưa vẫn xối xả. Con nước đục ngầu đang mấp mé ngoài bờ sông. Tiếng loa đài thúc dục phòng chống bão lụt vang lên ra rả... Mẹ lặng lẽ ngồi nấu những món ăn.

Tôi lẩn quẩn bên mẹ để phụ giúp. Cắt thân chuối sứ nơi cuối vườn vừa gãy đổ, mẹ làm món dưa chuối của quê nghèo. Chỉ hai ngày ủ muối, sẽ có món dưa chuối, thêm một chén nước ruốc kho, dậy hương chanh và tỏi ớt, đủ cho ta cầm hơi qua những ngày lũ đến...

Mẹ lột vỏ củ sắn ngâm vào thau nước. Phần để luộc, phần để kho. Những củ sắn non chưa đến vụ bị cơn lũ tràn về ngập úng nên phải nhổ nhanh kẻo thối.

Bụng đói phải nấu cái gì nhanh mới được!

Mẹ nấu tạm món sắn luộc chấm muối ớt. Trong cơn lành lạnh của buổi trời mới lập đông, cái tất bật chạy lũ đang đổ về miền đất thấp trũng... những miếng sắn chín mềm thơm thơm được chấm với muối ớt giã mịn, đủ tiếp sức ta qua cơn đói lòng khi cơn lũ đã tràn ngập vườn.

Nước đã lên, nước đang tiếp tục dâng lên!

Vừa lội trong lũ, vừa ăn củ sắn luộc chấm muối ớt bùi bùi cay cay! Ngoài trời mưa vẫn xối xả. Lũ vẫn sẽ còn lên cao. Món sắn kho với chút mỡ và ruốc của quê mình cũng là món ăn ngon khi đã đói run vì lội nước. Múc ra tô, trên nền sắn trắng, điểm mấy giọt ớt màu đỏ, mấy cọng hành ngò xanh... vừa ăn vừa thổi, vừa cảm nhận cái bùi bùi, thơm thơm, mằn mặn... thật là một miếng khi đói bằng gói khi no.

Lột vỏ phần vỏ cứng bên ngoài, lấy lớp vỏ sắn màu hồng, mẹ xếp chồng nhau rồi cắt từng sợi nhỏ, ngâm trong nước muối để khi ăn khỏi phải bị say. Những vỏ sắn vốn dĩ chỉ tận dụng làm thức ăn cho lũ heo nuôi trong chuồng, nay lại được mẹ chế biến thành món dưa chua. Nước hâm ấm ấm, vị muối mằn mặn, thêm lượng nước cháo hồ... Mẹ cho vỏ sắn vào hũ sành, cài chặt miệng, đổ nước ngập đầy. Một hai ngày sau, dưa chuyển hương thơm, vị chua... cái hương vị vừa dân dã vừa lạ lùng ấy cũng đã từng cho tôi được thưởng thức trong những mùa lũ đến.

Con nước đang cuồn cuộn tràn bờ sông. Bác Tư đi đánh mẻ cá về ngang qua cổng, gọi cho một mớ để kho khô. Tôi chạy ra nhận mớ cá từ lòng hảo tâm của người hàng xóm. Mớ cá mùa lũ quen thân gồm đông đủ họ nhà Tràu, Giếc, Trê, Cấn, Mại... bé tẻo teo.

Những ai đã từng ở Huế trong mùa lũ, từng được ăn món cá mùa lũ kho khô khi chân đang phải ngâm lạnh giá trong nước lũ mới thấy hết cái hương vị nhớ đời của nó.

Người Huế có cái thú đi đánh rớ cá nước lũ. Một người đánh cá, hàng chục người đứng xem. Khi mớ cá vừa cất lên, người ta có thể cho nhau hoặc bán kiếm chút tiền mọn.

Những mớ cá bé tẻo teo này không hẳn là miếng ngon, nhưng nếu khéo chế biến, chúng sẽ thành những dĩa cá vàng nâu, bóng mượt. Khi đói lòng ta nhìn chỉ muốn ăn ngay.

Mẹ vội vã kho trách cá để cả nhà ăn dần.

Những quả ớt kim nho nhỏ màu đỏ, được mẹ bỏ vào kho cùng. Ớt cay sẽ xua đi cái tanh của những con cá chép.

Bữa cơm chiều, mẹ lại nấu cho cả nhà món chuối ba lùn kho ruốc. Nồi chuối kho dậy hương thơm, khi lũ đã vào tận mé sân nhà

Chuối kho nóng hôi hổi được múc ra bát, thêm hành lá, rau răm, ngò... hương thơm của các loại rau gia vị, phả vào cái mũi của lũ trẻ háu ăn.

Buổi tối, nước lũ đã vào nhà. Tôi phụ giúp Mẹ kê ghế nâng bốn chân giường. Các em tôi leo lên ngồi trên đó với một mớ ngổn ngang áo quần sách vở. Chúng ngồi xếp thuyền giấy thả xuống bập bềnh trên nước với những nụ cười sung sướng của con trẻ.

Mắt mẹ tối sầm lại khi con nước vẫn đang lạnh lùng dâng... Mẹ sai tôi nấu nhanh một nồi cơm lớn, băm bó sả vừa nhổ trong vườn, xào với ruốc thành món muối sả đơn giản của kẻ nghèo. Tôi chưa hiểu sao phải nấu cơm khi đêm đã buông? nhưng mẹ bảo cứ làm theo. Nước lùa nhanh vào nhà xuyên qua ống chân. Khi nồi cơm vừa chín thì bếp lò bị nước đẩy trôi bập bềnh. Ôi thôi! cái ghế nhựa, cái thau, cái xô, đôi dép, đôi giầy... cả hũ dưa sáng nay vừa muối đang trôi mất rồi!

Mẹ nhanh tay lấy cây rựa gác lên cao; Quơ vội mấy thức có thể ăn được: nồi cơm, nồi cá kho, hũ muối sả, mấy gói mỳ ăn liền, bịch nước uống... lên giường.

Chiếc giường giờ như một chiếc tàu chở cả nhà tôi cùng mấy thứ còn lại trong cái gia sản nghèo nàn này.

Lội trong nước, tôi cố đưa lên cao những gì còn lại... Khi nước lên cao ngang bụng hai mẹ con không còn đủ sức. Cơn lạnh đột ngột toát ra từ tận xương tủy. Mẹ kéo tôi lên chiếc giường. Mấy đứa em đã ôm nhau ngủ lăn lóc như mấy củ khoai của quê nghèo. Mẹ ôm lũ con vào lòng. Trong bóng tối, tôi cảm nhận hơi ấm của mẹ đang ấp ủ cho cả lũ chúng tôi. Tôi nhắm mắt tận hưởng cái cảm giác êm đềm ấy, cố ru mình ngủ lấy lại sức cho một ngày sắp đến.

Nhưng đêm đã không tĩnh lặng. Con nước vẫn đang tiếp tục dâng cao hơn. Khi biển nước mênh mông đã sắp nhấn chìm xóm nhỏ của chúng tôi, tôi đã nghe muôn âm thanh kêu gọi nhau từ nhà này vọng sang nhà khác. Tôi sợ hãi đến muốn oà khóc. Nhưng tôi cố gượng. Tôi không khóc. Vì tôi là chỗ dựa duy nhất của mẹ trong đời này, trong chính khoảnh khắc này. Giờ đây nếu tôi tỏ sự yếu hèn, thử hỏi mẹ biết trông cậy vào ai?

Tôi nghe có tiếng ai đó kêu vang tên mẹ con tôi:
"Mạ con mụ Bê có còn đó không?

Có chi để ăn không?"

Mẹ chồm người lên, nhanh như sóc, đu người lên đòn tay, dùng cây rựa, phá vỡ một khoảng trống trên mái nhà. Mẹ nhoài ra trong cái khoảng bóng tối mênh mông ấy kêu gào lên đáp lại:

"Mạ con tui còn đây!"

Tôi bất chợt tủi thân khóc òa.

Tiếng khóc của tôi đánh thức lũ em dậy. Giờ chúng mới thấu hiểu được nỗi kinh hoàng của lũ khi thấy bốn bề nước mênh mông, cất tiếng khóc phụ họa, tạo nên một bản hòa tấu thê lương.

Mẹ cũng khóc.

Mẹ đưa tay áo lau khô nước mắt leo lên cái tra trên tận sát mái nhà, lần lượt đưa mấy đứa em tôi lên nằm trên ấy. Nồi cơm, trách cá cũng được chuyển lên cùng.

Mẹ bảo: "Đi đâu thì miếng ăn phải theo đó."

Khi mà ngọn lửa kỳ diệu của bếp không thể bập bùng trong lũ, thì ra mẹ đã lo xa, sai tôi nấu nồi cơm to là thế!

Có tiếng chèo khua từ chiếc ghe nhỏ đang áp sát mái nhà. Người láng giềng tốt bụng hôm qua cho tôi mớ cá, nay lại bơi ghe đi tiếp cứu những gia đình neo đơn trong xóm nhỏ...

Tôi ngồi bó gối trong bóng đêm. Bên ngoài là biển nước mênh mông. Tiếng mưa xối xả. Đó đây lại vẳng lên tiếng kêu gọi nhau đan xen trong tiếng mưa xối xả. Khi tiếng gọi không còn đủ sức vọng, người ta lại khua soong nồi để tạo tiếng vang xa hơn. Vang xa hơn để hỏi nhau ai còn, ai mất, vang xa hơn như những lời kêu cứu...

Đêm trôi thật chậm... thật chậm... Lũ em lại tỉnh giấc, bốc cơm nguội ăn với cá kho, muối sả...

Lũ sẽ còn về mãi trên đất Huế quê tôi. Người Huế sẽ mãi lưu truyền những kinh nghiệm để sống chung với lũ, gìn giữ những tấm lòng khi tắt lửa tối đèn, mênh mang trong lũ.

Nguyễn Nhật Hoàng

Đi qua mùa lũ

 Mưa xối xả, gió rít từng hồi, đập vào những thân cây quật ngã rồi lại văng lên ào ào. Mấy ngày hôm nay, tivi liên tục đưa tin cơn bão số 13 đang tiến vào Biển Đông. Điện đã bật sáng trở lại. Phía màn hình ti vi đang thông báo diễn biến mới nhất của thời tiết. “Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão số 13 có tên quốc tế là Nepan. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 40km và có khả năng mạnh thêm. Hồi 14 giờ ngày…, vị trí tâm bão ở vào khoảng khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 75 đến 90 km/giờ), giật cấp 14 – 15…”.

Đồng hồ trên tường thong thả gõ đến tiếng thứ mười. Mưa ngoài trời mỗi lúc mỗi nặng hạt hơn. Tháng 12. Cái rét căm căm của mùa Đông giá lạnh khiến An phải xoa xoa đôi bàn tay liên tục. Ngoài trời tối đen như mực, gió rít ào ào, xoạc qua mấy tàu chuối nghe rợn người. Con đường nhỏ từ bản Láp vào trạm y tế giờ không một bóng người. Trạm y tế trong bản nhỏ vẫn đứng im lìm trên đồi Min, gió mưa thét gào dữ dội. Trong lòng thấp thỏm không yên, An vội khoác tấm áo mưa đi xem xét một vòng quanh trạm. Năm nay, gió quất mạnh hơn bình thường, một thân củi dùng để chèn cửa yếu quá bị gãy khiến hai cánh cửa sổ bị thổi bật ra va đập liên tục vào tường. An vội vàng chạy lại giữ cửa. Nhưng gió quật mạnh quá khiến đôi tay cô mỏi nhừ mà vẫn chưa buộc lại được. Tiếng gió, tiếng mưa cứ quất chan chát vào cửa phòng, từng vạt cỏ, cành cây bị thổi rạp xuống tận mặt đất, giập nát như thể bị cả đàn trâu dữ lồng qua. Trước đó, cô và mấy người trong bản đã xem xét cửa nả, buộc chặt mọi thứ có nguy cơ bị thổi bay, cả cột cờ cũng tháo xuống đem vào trong nhà. Tình hình gió mưa thế này, lòng cô vẫn như lửa đốt không biết trạm y tế có được an toàn không. Nghĩ vậy, An bèn đội chiếc áo mưa và băng mình trong gió lốc kiểm tra các phòng. Đúng như linh tính của cô, gió giật quá mạnh nên dây buộc cửa chính và hai cửa sổ đã bị đứt, cánh bung ra đập chan chát vào tường. Cô vội giữ cửa và tìm cách buộc lại. Nhưng gió đập mạnh quá, chưa kể mưa gió quất vào làm cô mờ cả mắt.

Sắp tròn ba năm kể từ ngày đầu cô đặt chân về nơi đồi núi này. Tốt nghiệp trường y, cô được bệnh viện phân công đi thực tế cộng đồng 3 năm trên miền núi. Hết năm nay là cô được trở về Hà Nội. Ngày đầu mới đến, nghĩ tới cô rất sợ, một mình ở lại cái trạm heo hút không một bóng người khiến cô chỉ mong sao nhanh chóng hết thời gian thực tế để về xuôi. Mỗi đêm, tiếng thú rừng gào tìm bạn làm cô run lên bần bật. Một cô gái mới hai mươi sáu tuổi, một mình trên cái trạm trống hơ trống hoác này, thế mà, bây giờ cô cũng dần quen.

Cắt khỏi dòng suy nghĩ của cô, tiếng anh Sú trong bản gọi cô.

– Bác sỹ ơi! nhanh lên, vợ tôi sắp sinh rồi! Cô xuống cứu vợ tôi với!

– Chết! Sao anh không đưa chị lên trạm? Trên này mới có đủ dụng cụ cần thiết chứ?

– Cô dở hơi à? Mưa lũ thế này, đi để lũ cuốn à?

Chạy vội vào trong xách túi cứu thương và đèn pin rồi theo anh Sú xuống bản. Con đường từ trạm xuống bản đất đỏ nhão nhoét, trơn tuột, An phải ấn chặt năm đầu ngón chân xuống đất rồi men theo ven đường lần từng bước chân đi. Vừa đi, vừa nghe anh Sú kể chuyện. Lũ từ thượng nguồn chảy về từng dòng đục ngầu, cành củi, khúc gỗ theo chiều nước trôi về nhiều lắm, thấy thế lũ trẻ hò nhau đi vớt củi. Rõ khổ, trời rét mướt, mưa gió thế này! Cô lại chợt nhớ đến Phong – anh chàng cứu nạn cứu hộ của cô. Cô quen anh trong một buổi tuyên truyền, tập huấn ứng cứu trước mùa mưa bão được tổ chức tại bản Láp những tưởng bà con hiểu được phần nào về mức độ nguy hiểm của sạt lở, lốc xoáy và bão lũ. Phong là lính cứu nạn cứu hộ (CNCH) về tuyên truyền với dân bản cách phòng cháy chữa cháy, cách hà hơi thổi ngạt khi có người bị đuối nước, cách cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ,… Phong có khuôn mặt búng ra sữa, mỗi khi cười để lộ hàm răng trắng bóng nhưng cũng rất nghiêm nghị khi hướng dẫn cho bà con cách phòng cháy chữa cháy (PCCC). Dáng người cao lớn, vạm vỡ khiến anh toát lên vẻ điềm tĩnh, chững trạc. Ngày đó, An cũng tham gia lớp tập huấn với tư cách hướng dẫn viên về y tế. Lúc đó, Phong còn trêu An khiến An xấu hổ.

– Cô giáo ơi! Cho em hỏi cách ép tim ngoài lồng ngực như thế nào?

Vậy là hai người quen nhau trong lần đó. Lâu dần, An yêu anh lúc nào không hay, một lần, An hỏi Phong:

– Anh mạng gì?

– Mạng Thủy.

An làm như sành chuyện bói toán.

– Người nào mạng Thủy làm nghề thủy lợi, cấp thoát nước, buôn bán bia rượu, nước ngọt là tốt nhất. Hợp với nghề làm lính chữa cháy. Đàn ông mạng Thủy làm lính chữa cháy là chuẩn nhất! Tới đâu lửa nghe hơi cũng tắt ngấm.

– Thế mỗi năm anh dập bao nhiêu đám cháy?

 - Em đoán thử xem.

– Năm… mười… mười lăm… hai mươi đám cháy…

– Gì mà nhiều thế? Bộ anh là bà la sát à? Hay em ngày nào cũng muốn thấy chiếc xe màu đỏ, vừa chạy vừa thét như con lợn chọc tiết? Nghề này càng thất nghiệp càng tốt mà em! Nói vậy chứ, ngày nào anh cũng có việc, kiểm tra công tác PCCC mọi cơ sở sản xuất, những chỗ đông người; tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách PCCC&CNCH mùa lũ,…

Cô thấy trên tivi thường chiếu cảnh dân phòng cầm cái chăn chạy lại trùm lên thùng xăng đang cháy. Cũng có khi hiện đại hơn một tí là nhiều thanh niên cầm chiếc vòi dài chạy thật nhanh dải ra, nối nhiều đoạn vào nhau. Cầm lăng điều khiển phun nước vào đám cháy giả…

Mỗi lần anh đến thăm cô, anh lại thường kể cho cô chuyện nghề lính chữa cháy của anh. Có lần, lũ quét bị sạt lở đất tại khu vực bản Khanh, làm sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng. Từ trên đỉnh thác Khanh, hàng nghìn mét khối đất đá ập xuống, vượt qua lòng suối vùi lấp nhiều căn nhà. Đến tối ngày hôm sau, lực lượng tìm kiếm đã tìm được 12 nạn nhân xấu số. Anh ngồi đó, hai bàn tay với những ngón dài rám nắng đặt trên đầu gối, cặp mắt không chớp, treo lơ lửng, ánh nhìn vô định, từ khóe mi mấy giọt lệ lớn rơi xuống. Đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy một người con trai khóc. Rồi một lần nghe anh kể trong niềm vui sướng hân hoan, ánh mắt anh rạng ngời, anh đã cứu được hai mẹ con trượt chân rơi xuống con suối lớn. Nhưng cũng có lần anh làm cô đứng tim, đó là lần đi chữa cháy rừng phòng hộ. Lần ấy là một vụ cháy rừng lớn nhất, lâu nhất trong lịch sử mà anh từng gặp, khoảng 50ha rừng bị thiệt hại. Nguyên nhân do bà con đi làm nương, đốt rẫy dẫn đến cháy rừng. Hôm đó, gió đánh tạt lửa, bén lên những tán cây đã khép tán với nhau. Cộng với thời tiết khô hanh kéo dài mấy ngày trước khiến đám cháy càng thêm mở rộng. Lần đó, anh cùng đồng đội vật lộn mất hơn ngày trời, lửa mới dập tắt. Buổi chữa cháy hôm đó, hơn 10 cán bộ, chiến sỹ tham gia chữa cháy đã bị ngất, phải đi cấp cứu. Nghe được tin, cô không liên lạc được với anh khiến cô lo lắng, bồn chồn không thôi. Từ lần đó, cô biết mức độ nguy hiểm trong cái nghề của anh, cô lại càng thương anh hơn.

****
Trời tối đen như mực. Hít một hơi. Phong nhảy tùm xuống dòng nước lạnh như băng. Anh bơi ra giữa dòng túm lấy cổ hai đứa, rồi đẩy vào bờ. Nước lạnh xuyên thủng lớp áo qua lồng ngực, buốt thấu tận xương. Răng va vào nhau run lập cập. Vừa đẩy được hai đứa trẻ vào bờ, anh ngoảnh lại vẫn còn con Mủa và thằng Mếch nữa. Tay chúng đang chới với giữa dòng. Anh nhanh chóng bơi tiếp trở lại. Trên bờ tiếng người kêu cứu, đèn pin rọi đi rọi lại trên dòng suối. Hôm nay con suối bỗng chảy siết lạ thường. Dường như nó muốn ăn tươi nuốt sống mọi thứ. Lũ tràn về ào ạt. Vừa bơi anh vừa tránh những khúc gỗ từ trên thượng nguồn đổ về. Đưa tay kéo được một đứa còn con Mủa không biết trôi đâu. Đèn pin rọi lập lòe cả mặt suối. Tiếng người hô hoán. Không chừng, con Mủa bị chìm mất rồi. Phong đẩy thằng Mếch vào bờ. Nó bị sặc nước. Đỡ nó lên bờ thì đúng lúc An tới kịp làm hô hấp cho nó. Không kịp nói câu gì, Phong lại nhào xuống nước, lần này chắc anh phải lặn để tìm xem nó chìm vào chỗ nào. 5 phút trôi qua. Không một tiếng động. Đèn pin vẫn rọi sáng loáng một góc. 5 phút nữa sắp trôi qua. Trên bờ ai cũng nín thở, lo lắng. Mọi người bất lực trong im lặng. Chỉ có bố mẹ con Mủa vừa kêu tên con vừa khóc. Cánh tay từ dưới dòng nước vẫy lên mặt nước, là Phong đang ôm con Mủa. Mọi người nhanh chóng đưa hai người lên bờ trước khi anh ngất đi.
**** 
Trong bệnh viện, Phong thấy An đang chấp chới giữa dòng. Anh bơi mãi, bơi mãi. Cái bóng hình thoắt ẩn thoắt hiện đằng xa, người con gái với mái tóc đen óng, dài đến dị thường. Gió rít mạnh, tai anh ù đi, nước quật tới tấp vào khuôn ngực trần của anh khiến anh đau rát. Phong đưa tay mong níu cô lại, gió quật anh nhào xuống. Bàng hoàng, Phong nhìn cô tan đi, màn khói trắng mơ hồ bao phủ, gió vẫn thổi đều đều, gió không hong khô giọt nước mắt nặng trịch nơi khóe mắt.

– Anh Phong, anh sao thế?

Phong sực tỉnh, thấy lồng ngực nhẹ nhõm hẳn đi, nhịp thở cũng nhẹ hơn, không còn nặng nề và gấp gáp như giấc mơ ban nãy. An áp tay lên vầng trán nhễ nhại mồ hôi, cười tươi tắn:

– Anh hạ sốt rồi.

Phong nhìn An, gượng tươi nét mặt để nụ cười cô không hụt hẫng. Cô ghì siết, đan những ngón thon dài vào bàn tay anh. Phong thấy tim mình thót lên, vội xua tay:

– Em về nghỉ đi, cám ơn em, anh đỡ nhiều rồi.

Bữa đó, anh không dám gọi điện về nhà hay kể chuyện này cho bố anh nghe. Cứ mỗi lần bão về lũ đến là bố anh lại não lòng, khuôn mặt khắc khổ, rưng rưng giọt nước mắt. Ban đầu, anh nhất quyết thi vào Cảnh sát PCCC&CNCH, ông đã ngăn cấm mà chẳng được. Ông biết cái nghề này là nghề nguy hiểm, ai lại nhảy vào lửa để mà chết toi? Ra trường, Phong được phân công về quê công tác. Cũng may, quê anh ở vùng thượng nguồn nên ít khi xảy ra cháy nên phần nào bố anh cũng an tâm. Thế mà đùng một cái, tới đợt bão lũ, anh được tăng cường đi tuyên truyền mùa bão lũ cho nhân dân trên bản Láp. Từ nhà ông lên đấy, phải mất mấy chục cây số, mà đường rừng, ngoằn nghèo, uốn lượn chứ có dễ đi như dưới xuôi đâu. Bố anh lo lắng kể cũng phải, từ ngày thằng Vũ – anh trai Phong mất nên ông mới sợ đến vậy. Ngày đó, hai anh em Vũ – Phong đi nhặt củi ở con suối lớn. Củi từ trên thượng nguồn đổ về nhiều lắm! Hôm đấy, Vũ tiếc rẻ nên cố với, cuối cùng bị lũ cuốn đi mất. Từ đó, Phong không dám ra con suối đó nữa. Phong khóc nhiều lắm, anh dằn vặt mình ghê ghớm, tại anh rủ anh Vũ đi vớt củi nên mới xảy ra cơ sự này.

**** 
Những tia nắng hanh hao yếu dần, rồi tắt hẳn. Trời chiều buông xuống cũng là lúc từng cơn gió lạnh thấm buốt vào da thịt. Cơn bão đi qua. Phong đã cứu được bốn cháu nhỏ khỏi dòng nước lũ còn cô đỡ đẻ cho một sản phụ và một thiên thần nhỏ đã chào đời. Anh được cấp trên khen ngợi. Cái giá lạnh của mùa Đông đang được xua tan. Xuân đang về trên khắp đất trời, trên những bản làng, những mái nhà sàn, trên cánh hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng. Cái Tết đang đến thật gần, mùa Xuân của núi rừng đang về thật chậm trên những nụ mầm vừa mở, trong những lặng thầm, gian khó của dân bản. Từ đâu đó, trong không gian, mùi hương bình dị của núi rừng dâng lên cứ luấn quấn, níu kéo bước chân về xuôi của An. Cô cảm thấy yêu mảnh đất này cũng như tình yêu hạnh phúc của cô và Phong. Và một mùa Xuân tươi mới đang tràn ngập trên mảnh đất xứ núi này.  
TRỊNH LAN