Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Cửa tiệm của những giấc mơ

Lời Thiên Thu Gọi

 
Giấc mơ đánh mất, 
Giấc mơ xây cả một đời,
Thoắt trong phút chốc xa vời thế gian...
Cuộc đời sao lắm đa đoan,
Mơ mơ thực thực đa mang phận người !
Khóc cười chỉ cũng thế thôi,  
Ngỡ rằng quên hết cho vơi hận sầu..
Cố tình chôn giấc mộng sâu,
Nào hay mộng vẫn canh thâu hiện về ! 
NM
Cửa tiệm của những giấc mơ 
Đó là một cửa tiệm bình thường như bao cửa tiệm khác. Có trà và cà phê đựng trong những ly sứ trắng, có những chiếc bàn gỗ tròn đặt rải rác trên sàn. Chỉ có hàng xấp giấy trắng và hộp thư đặt gần cửa ra vào làm cho người khác không rõ đây là bưu điện hay nhà hàng. Người ta đến đây không chỉ để ăn bánh, uống trà, mà còn để gửi những ước mơ về một nơi thật xa, xa đến độ chúng không thể tìm được đường về trong tâm trí con người nữa.
Ban đầu, chủ quán sẽ đưa cho các vị khách có nhu cầu lãng quên giấc mơ một tách trà. Loại trà này sẽ tác động vào kí ức của người uống, làm sống dậy kỉ niệm hạnh phúc và cả đau khổ với ước mơ. Phải rồi, vì kiệt sức với việc theo đuổi đam mê nên người ta mới tìm đến đây để quên chúng đi. Khách của quán đa phần là những kẻ đang mệt nhoài trong đời như thế. Uống xong trà, khách một lần nữa có cơ hội suy nghĩ về việc có thật sự muốn từ bỏ giấc mộng bao lâu của mình, hay là rời khỏi quán và cố gắng tiếp. Nếu có, khách sẽ viết ước mơ vào tờ giấy trắng trước mặt và đút vào hộp thư gần cửa ra vào. Dòng chữ “Bạn chắc chứ?” viết trên cửa kính hiện lên trước mặt vị khách trước khi khách chuẩn bị đẩy cửa ra về.
Ít ai biết những giấc mơ bị từ bỏ sẽ đi về đâu. Cửa tiệm không dối lừa những vị khách của mình, bởi một thời gian ngắn sau khi đến quán và bỏ thư vào hòm, người ta thường dần quên mất mình đã từng khát khao một thứ gì đó đến thế. Nghe đồn rằng chủ tiệm thường hàng tháng gửi số giấy trong hộp thư cho một tàu chở hàng hay ghé vào bến cảng. Con tàu sẽ mang xấp giấy đến một hòn đảo xa, nơi một lão già có đôi mắt xám sẽ đốt chúng vào một đêm lặng gió. Những ước mơ hóa thành tro tàn.
Cô gái ấy bước vào cửa tiệm vào một ngày mưa. Quán vắng ngắt, chỉ còn tiếng mưa ngoài trời hòa cùng tiếng guitar phát ra từ đĩa than. Một giai điệu vẳng tới từ thập niên xưa cũ. Con người ở hàng chục, hàng trăm năm trước ấy à, họ có ước mơ nhiều không nhỉ, cô gái tự hỏi, vừa xõa mái tóc hơi ướt nước mưa ra. Có chứ, chắc họ cũng mơ nhiều, và nhiều kẻ cũng khổ sở không ít. Đều là người cả, hãy uống cùng tôi chén trà này, cô gái nhủ thầm trong đầu như một tiếng hô vang. Nghi thức uống trà diễn ra trong lặng lẽ. Chất lỏng xanh ngọc thấm vào người cô, làm ấm đôi chút cơ thể vừa dầm nước, khiến cô chếnh choáng vì những vang vọng từ kí ức. Đã lâu rồi, cô không biết đến niềm vui như thế.
Ơ, hay nhỉ, hóa ra làm biên kịch lại thú vị đến thế. Tự tạo ra câu chuyện riêng trên trang giấy, cho các nhân vật đi đứng, nói cười, kể câu chuyện chỉ có mình mới nghĩ ra được. Hay biết bao, phấn khích đến lạ. Nhưng cái giấc mơ mới nhen nhóm này cũng làm cô tổn thương nhiều hơn cô biết. Cô nào đã biết mấy về cái giá phải trả cho một giấc mơ? Các kịch bản được gửi đi nhưng không một lời hồi đáp. Cô đã cố gắng, nhưng không thành công. Trong lúc các bạn cô xúng xính đi ăn, đi chơi thì sau giờ làm, cô ngồi bên máy tính cặm cụi gõ gõ, xóa xóa. Này là cảnh nội, cảnh ngoại, logline, midpoint, 3-act-structure. Chẳng được cái khỉ gì hết!
Phải chăng cô đừng mê viết đến thế. Nếu cô cứ quan sát cuộc đời và giữ mọi xúc cảm ở trong lòng thôi, đừng nói ra, đừng viết ra, đừng đắm đuối vào cái thế giới mộng tưởng ấy. Có phải cuộc đời cô sẽ vô tư và bớt dằn vặt hơn không? Cô từng hạnh phúc vì có mong ước để theo đuổi, và giờ cô tan nát vì nó. Những thất bại liên tiếp phá hủy lòng tự trọng, tự tin nơi cô, để lại một bãi phế liệu hoang tàn. Nên cô sẽ chọn cách quên chúng đi, viết ước mơ làm một nhà biên kịch ra giấy, bỏ vào thùng thư, gật đầu trước dòng chữ “Bạn chắc chứ?” và bước ra khỏi quán.
Ước mơ của cô sẽ lênh đênh trên biển nhiều ngày trời, sẽ đi qua bao hoàng hôn và bình minh, để rồi tan đi vào một đêm trăng sáng. Cô sẽ cầu nguyện cho giấc mơ vừa chết, sẽ xin lỗi nó vì cô bất tài, và mong người ta chôn nó xuống cát, hoặc thả nắm tro tàn ra biển. Những giọt nước từ đại dương bốc hơi sẽ biến thành mưa, giấc mơ của cô thành nước nhỏ xuống đời. Và từ đây cô sẽ thanh thản mãi mãi, sẽ không còn nhớ mình đã vì điều gì mà thao thức hàng đêm. Tâm hồn cô mất mát chút ít, nhưng có sao đâu nếu cô đánh đổi một giấc mơ để lấy lại sự yên bình.
Cô gái đặt cốc trà xuống bàn, ghi vào mảnh giấy, sau đó đặt giấy vào hòm thư rồi bước như chạy ra khỏi cửa. Gã chủ cửa tiệm nhìn theo cô, thở dài khẽ. Lại một người nữa đến đây để vứt bỏ, như bao người từng đến đây trong tuyệt vọng. Gã chuyển đĩa than khác. Một giai điệu réo rắt từ Charlie Parker. Charlie Parker đã trở thành Charlie Parker như thiên hạ biết bởi vì Jo Jones ném cái chũm chọe vào đầu ông ta, tay thầy giáo dữ tợn trong phim Whiplash từng nói thế thì phải. Rốt cuộc thì không phải ai mê chơi jazz cũng thành Charlie Parker được.
Trời vẫn mưa. Cô gái vừa đi dưới mưa vừa khóc.
  Việt Anh                         

                       Giấc mơ cuối cùng   

Xóm quê miền Trung thường chỉ còn người già và con nít. Người lớn, ai còn sức cũng bỏ xứ vô Sài Gòn kiếm sống. Những đứa trẻ nơi ấy lớn lên như tre, như nứa… và cũng chịu sự đào thải khắc nghiệt của tự nhiên.

Đôi chân trần trên cát nóng, gió biển ào ạt làm da rin rít, tóc mai quăn tít và tiếng vi vít của rừng dương là những gì em còn nhớ lại được trong giấc mơ của mình. Mấy ngày này em mơ miết, mơ về quê nhà, ngoại và tuổi thơ. Mê man, mệt mỏi, khó thở, những giấc mơ cứ như kéo đi hết sức sống của em, trôi tuột về phía đêm.           
 ******                                                         
     Hôm nay là chủ nhật, em không phải đi học nhưng tiếng vặn mình của bụi tre sau nhà cộng với lũ cò đùa giỡn kêu ken két bên vườn bạch đàn làm em tỉnh giấc từ sớm. Ngoại cũng đã dậy từ lâu, người già thường ít ngủ. Ngoại nhóm bếp nấu nước sôi đổ vô phích. Thói quen của ngoại xưa giờ không thay đổi được, mặc dù ba má mỗi lần ở Sài Gòn về đều mua bình nước lọc 20 lít, uống mát rượi, ngoại vẫn cứ bắt nước, đun sôi, uống dần. Em cũng lấy làm quen với điều này và thương ngoại lắm chứ không hờn ngoại như má: - Con nói má hoài mà má hông nghe. Uống nước giếng phèn không, lợ lợ, bịnh, mệt lắm! Ngoại chỉ cười, em cũng cười theo, tay ôm vai, ngả đầu vô ngoại, tóc đen đan lẫn những sợi bạc.
     Em ra giếng thả gầu, múc nước, đánh răng, rửa mặt. Giếng quê mát rượi, lá tre cứ xì xào, xì xào, em thấy có mấy bụt măng gai vừa nhú. Măng gai vừa mềm, vừa ngọt, vừa hăng trong ký ức của em. Từ nhỏ đến giờ, cứ có măng là ngoại bẻ vô bắt nồi cháo, hai bà cháu xì xụp. Ngoại vừa kể chuyện ngày xưa ông đi kháng chiến vừa cười. Răng cửa ngoại gảy một cái mà duyên, mà thương.
     Chắc trên đời này em thương ngoại nhất, em nghĩ vậy! Từ nhỏ,  ba mẹ phải vô Sài Gòn buôn bán để kiếm kế sinh nhai. Nhà cửa, ruộng vườn và em nữa, ba má gửi lại cho ngoại. Ngày đó ngoại đã hơn 60, bây giờ em 15 tuổi, cũng chừng đó năm ngoại già đi, cũng chừng đó năm hai bà cháu sống với nhau, ngoại vừa là ba, là má, vừa là người bầu bạn thân thương. Hai bà cháu vượt qua bao mùa mưa bão, bao ngày vui, bao nỗi cực, bao lần tóc em cắt rồi lại cứ dài ra, còn tóc ngoại thì vẫn cứ bạc thôi.
     Có một lần, mùa mưa, mưa miền trung dầm dề, gió lớn làm ngã gốc tràm chặn ngang cổng vô nhà, hai bà cháu quàng ni lông vừa tỉa cành, vừa chặt cây bằng con rựa cùn, hì hụi trong mưa bão, cả hai ngày mới chặt xong. Ngoại nhờ cậu bảy khuân về cuối vườn để khô rồi chụm lửa dần. Sau đợt dầm mưa ấy, em bệnh. Em không đi học được mất 2 ngày, đầu sốt hâm hấm, em tỉnh queo, nhưng tay chân nhứt mỏi, miệng lúc nào cũng khát nước. Ngoại nấu cháo ghẹ cho em, ngoại bẻ từng cái càng, lấy thịt đút cho em. Nhiều lúc mệt quá em ngủ thiếp, đầu gối trên đùi ngoại. Trong giấc mơ ấy, mưa gió phủ dầy căn nhà nhỏ của ngoại.
      Mưa gió cấp mấy rồi đến trưa cũng ngớt, em đỡ bệnh bước xuống giường, ra ngoài thì đã thấy nước xâm xấp hè. Cá rô, cá lóc nho nhỏ ngoài ao bơi ra lạch bạch trong sân, trên đám cỏ mấy con cua giơ càng, lẩn sâu vô gốc, cuối vườn mấy con cò lội bì bõm. Mọi năm, cứ mưa tới là em với đám bạn cùng xóm xách rổ đi đơm cua, bắt cá. Đám ruộng bà già Hây rộng lớn, bỏ hoang vì con cái đi làm Sài Gòn hết, nay cỏ mọc đầy, mấy đứa nhỏ thi nhau xúc cua trong đó. Cua đực, cua cái, cua tím, cua sữa, cả cá diếc, cá trắm, cá rô ron thi nhau lọt vô rổ đơm của tụi nhỏ. Có đứa lội bì bõm xuống ruộng rồi kêu bải hãi mỗi khi bị đĩa quắp chân. Trong đám chỉ có thằng Bờm là lanh nhất, nó hay đi câu cá nên biết hết hang hóc của cua, lươn. Cá lóc nó bắt to bằng cườm tay, cua con nào cũng to, mập, mà nhứt là lươn thì chỉ mỗi mình nó là bắt được. Cuối buổi Bờm lúc nào cũng cho em hai ba con lươn để nấu cháo. Cháo lươn thì ngon nhưng nhìn thấy lươn em cứ thấy sợ sợ, ghê ghê. Mà lần nào Bờm cũng dí lươn lên mặt dọa rồi nó mới chịu bỏ vô chúm. Cả buổi ngoài đồng, có đứa chỉ trùm cái bao nilon lớn đựng phân bón NPK cắt 3 lỗ để chui tọt đầu và hai tay, có đứa quàng miếng nilon vuông qua vai rồi thắt nút ở cổ, vậy mà vừa xúc cua, vừa say mê đùa giỡn, quên mệt, quên lạnh, bỏ mặt cả cây mưa lớn đang trút nước trên đầu. Người em yếu, cứ hễ dầm mưa về là lại bệnh hai ba ngày, lại nghỉ học, lại gối đầu lên đùi ngoại và lại mơ, những giấc mơ ầm ì, xam xám không rõ nguồn cơn.
      Ngoại xách hai con gà ra chợ bán mua thuốc, đi từ sáng, trưa mới về. Ngoại mua thêm cho em chục cái bánh xèo. Bánh xèo Quảng thơm phức, cọng giá giòn xừng xực, miếng thịt băm mừa mềm, vừa ngọt. Em mệt mà ăn ngon lành. Ngoại kể bà nội thằng Bờm mới mất. Xóm nhỏ chỉ toàn người già với con nít, nhà nó cũng vậy nên bà nó trúng gió tối qua không có người đưa viện. Ngoại ghé qua đám tang thăm thì chỉ thấy có thằng Bờm nhỏ thó ngồi bên cạnh quan tài gỗ trơn khóc nức. Ba má nó chưa về kịp. Chỉ có hàng xóm láng giềng lo việc giúp. Gió thổi miếng ván ép cạ vô tường xàn xạt xát cơn buồn tới tận lòng. Chiều nay, em xin ngoại qua nhà Bờm. Nhưng chỉ đứng ngoài ngõ nhìn vô. Cây râm bụt xơ lá, cái bông đỏ có nhụy phe phẩy trước cổng. Em thấy Bờm buồn lắm, mắt Bờm xa xăm. Em chỉ ao ước bà nội Bờm sống dậy cho Bờm bớt đau khổ, cho em cũng bớt buồn. Trời lại đổ mưa, mưa lay nhay, lay nhay vừa chờm ướt áo, em quay về.
     Đám tang nhà Bờm cũng qua đi, hôm nay đi học về đã thấy Bờm đứng trước cổng trường đợi. Bờm im lặng chứ không còn tinh nghịch hay chọc ghẹo. Hai đứa vừa đi, vừa im lặng, vừa cúi đầu miên man suy nghĩ. Đến trước nhà em, dừng lại một chút rồi Bờm mới nói được: - Tối nay, tui vô Sài Gòn với ba má!
Em giật mình – Sao vậy?!
     Bờm chuyển ánh nhìn qua gốc cây tràm mới gẫy đầu ngõ: – Thì ở đây có còn ai đâu mà ở. Chiều có ra biển chơi với tụi tui hông?!
– Đi…!
     Nó không trả lời em. Nó lầm lũi đi. Em quay vô nhà mà cứ thấy lòng vướng víu chi lạ.
    Cơn bão qua đi làm bờ cát sụt lở một mảng dài, bờ biển nhiều rác, xác cây dạt vô. Mấy đứa nhỏ lúp xúp trong bụi bắt dông. Được bốn, năm con, em ngồi bệt xuống gốc dứa biển. Bờm ngồi ngay bên cạnh em. Nắng chiều chang chang mà gió thì vẫn mạnh lắm. Rặng dương rì rào, thỉnh thoảng cát bay táp vào người, tụi nhỏ quay người, nhắm mắt né qua đợt gió. Tự dưng em nhớ mấy hồi trăng lên, cả dám con nít chạy còng, bờ cát thoai thoải, ánh trăng rọi vàng óng. Cả đám con nít xách xô chạy dọc triền cát, còng hóng trăng thấy động chạy xuống biển. Con nào to thì bắt bỏ vô xô, con nào nhỏ thì thả lại biển. Bờm lúc nào cũng cho em mấy con còng to nhất mà nó bắt được. Mà lần nào nó cũng không quên lấy còng đưa lên dọa em. Chiều nay, sát mé biển cũng có còng, còng gió. Những con còng chạy ngang mặt biển, thấy động thì chui xuống hang. Hai đứa ngồi đây, ngó ra biển rồi cứ lặng thinh. Em lại nhớ miên man lúc cả bọn đi lấy củi trong rừng dương, có con rắn đang lột xác, Bờm bắt rắn kêu đem về cho nội làm thịt rồi bị rắn cắn. May mà là loại rắn rồng hay vô nhà ăn trộm trứng gà chứ không phải rắn độc. Bữa đó em sợ quá khóc hu hu. Em vẫn ngồi đó, nghĩ lại hết chuyện này, chuyện khác. Bờm cũng im lặng, không biết Bờm nghĩ gì. Lung lắm. Em hỏi: - Chừng nào Bờm về?
– Chắc tới Tết tui mới về. Nhớ giữ sức khỏe nhe. Có gì vô đó rồi tui gọi điện thoại về nói chuyện.
      Em cười, rồi nghĩ còn mấy tháng nữa tới Tết chớ mấy. Trưa nay em trằn trọc mãi. Em có ít tiền trong heo đất. Mượn xe đạp của chị Mai hàng xóm, em ra chợ mua cho Bờm cái mũ lưỡi trai. Em hân hoan với món quà của mình lắm. – Xíu qua nhà tui có cái này đưa cho ông.
     Mặt trời rọi qua hàng dương, xiên xéo ánh nắng xuống mặt cát. Mấy đứa nhỏ kéo nhau về nhà. Tối nay lại có nồi cháo dong nấu với củ nén thơm lựng, hoặc giả chặt đầu, mổ bụng, lột da nướng muối ớt… Hình như nghĩ tới đó, mấy đứa nhỏ vui vẻ hẳn lên. Chỉ có hai đứa trẻ là còn bịn rịn chưa muốn về.
Tình bà cháu ( Minh họa: Internet)
     Bờm đi ba tháng rồi, cũng đã sắp tới Tết. Mấy tháng này học mệt lắm, em thấy mệt mỏi nhiều hơn vì hay thức khuya ôn bài chuẩn bị thi. Hôm thi, em bị chảy máu cam rồi xỉu. Bạn bè dìu em xuống phòng y tế. Tới chiều em về nhà thì mệt lả. Ở trường bốn, năm lần như vậy mà em không dám kể lại cho ngoại nghe. Sợ ngoại lo. Có bữa chiều nọ đang múc nước ngoài sân tự dưng em thấy đầu óc quay cuồng, rồi em xỉu. Lúc tỉnh dậy thì thấy ngoại ngồi bên cạnh, xức dầu lên người em thơm lừng.
     Hôm Tết, nhà Bờm không về, ba má Bờm ở lại để bán hàng rong trong Suối Tiên, Bờm cũng phụ ba má nó. Nhà Bờm bỏ hoang, cánh cửa mục, mối ăn, muốn sụp xuống.
     Tết nhà em vui lắm. Ba má và mấy chị về nhà đầy đủ. Má mua quần áo mới cho ngoại và em. Vải áo thơm phứt. Ba em ăn tất niên nhà mấy chú, mấu cậu say xỉn luôn. Bữa Tết, em gọt trái cây bị đứt tay mà máu chảy hoài, không dứt, em lấy dây vải buột chặt làm ngón tay thâm tím. Đến chiều tháo ra thì máu chỗ vết thương đã khô, nhưng tay em nhức lắm, cả đêm ngủ không được. Đến mùng 3 Tết thì em bị chảy máu cam khi đang chạy xe đạp ngoài đường. Về tới cổng em bị choáng, ngã rồi xỉu. Ba má đưa em lên bệnh viện huyện khám. Sau Tết ba má nói với ngoại cho em vô Sài Gòn học luôn, ở trong đó cho đỡ nhớ em. Em không muốn đi. Em ở với ngoại từ nhỏ tự dưng lại vô Sài Gòn học hành rồi bỏ ngoại ở đây. Em khóc. Khóc nhiều lắm! Ngoại cũng khóc, nhưng nước mắt người già ít chảy ra hơn.
   ******                                                              
      Trưa nay, trong cơn mê man, em mơ thấy ngoại. Ngoại ngồi trước hè ăn cơm chiều. Tóc ngoại trắng, trắng miên man. Màu trắng loang ra cả ngôi nhà, loang choáng hết không gian. Em giật mình, hoảng hốt gọi ngoại, tìm ngoại mà chân tay thì không cử động được. Em la lạc giọng.
Chiều trong viện ung bứơu không khí vui tươi lắm. Một chú ở Cần Thơ chơi đàn guitar hát Mặt trời bé con. Chú kêu em là mặt trời vì mặt trời thì không bao giờ tắt được. Em nghe chú hát mà thấy nhớ Bờm với mấy bạn ghê. Quê em có me, có ổi, chiều nào tụi em cũng leo cây, hái trái rồi ngồi ăn chung.
     Gần bên cửa sổ, một chị béo đang đút cháo cho em gái út của chị. Đứa con gái cỡ bằng tuổi em đang say mê vẽ. Mắt nó ánh lên niềm gì lạ lắm. Nó đội mũ len lên đầu suốt vì tóc qua mấy đợt xạ trị đã rụng hết, đang lên tóc con, lởm chởm. Thỉnh thoảng nó liếc nhìn em cười. Làn da nhợt nhạt, dưới ánh chiều thấy rõ màu vàng bủn. Nó mới vào xạ trị được tháng nay thôi.
     Còn có mấy bác ở giường bên cạnh, họ nói chuyện rồi cười giòn tan. Có mấy cô đang quay lại đánh bài vui vẻ. Ở đây em không thấy nắng rát như quê em, không có cát nóng hừng hực dưới chân cũng không thấy gió phần phật muốn giật rách tàu lá dừa. Chỉ có tiếng quạt trần ru đều đều và giọng cười nói của mọi người lúc chiều tối, trong mỗi bữa ăn mà thôi.
     Độ tháng nay, em không nói chuyện điện thoại được với ngoại, em mệt lắm, mê sảng suốt. Bác sĩ nói nên đưa em về nhà, còn má nghe vậy thì khóc lóc hoài. Em nhớ ngoại da diết, em chỉ muốn được về gối đầu lên đùi ngoại hay nằm bên cạnh ngoại nghe mùi mô hôi ngai ngái quen thuộc, mùi mồ hôi vỗ về cả tuổi thơ em. Nhưng ba má không cho em về, ba má nói em phải điều trị thêm. Mấy ngày nữa ngoại sẽ vô thăm, dặn em đừng lo. Em nghe nói vậy mừng lắm rồi ngủ thiếp đi. Ngày em vô viện đến giờ ba má đều nhất trí là không cho ngoại biết chuyện. Chỉ thỉnh thoảng cho em gọi điện thoại nói với ngoại về học hành, ăn ở.
       Em mơ. Giấc mơ thấy ngôi nhà như bức tranh, cô bé cạnh cửa sổ không hiểu sao đành đoạn xé bức tranh ra. Cái sân, nửa ngôi nhà, mái ngói đổ sập xuống, bụi tre ngã rạp, con cò bay đi. Em không còn đủ sức để la để khóc nữa. Chỉ có nước mắt chảy ra từ khóe mi dày ghèn. Còn có giấc mơ em thấy Bờm cho em lươn, mà con lươn bỗng hóa thành rắn cắn em nhức hết cổ tay, em la hét gỡ con rắn. Lúc tỉnh dậy máu dây đầy tay, ven truyền thuốc bị vỡ. Em đau lắm.
     Ba ngày rồi em mê sảng. Có lúc em thấy ngoại vào thăm em, ngoại thơm tay em hoài mà chẳng nói năng gì. Có khi Bờm với má nó chợt đến bên cạnh em. Bờm đội nón màu xanh em tặng, nó nói gì mà cố lắm em cũng không nghe nổi. Trưa nay lại mê man. Trong giấc mê, em thấy em nằm trên giường bệnh, có đủ ba má, ngoại và mọi người bên cạnh. Mọi người nói gì em nghe không rõ. Tự dưng mùi Tết bay về, em ngửi được mùi bánh chưng, em ngửi được mùi nắng, mùi bùn, mạ ngấu vụ Đông – Xuân. Em thấy mơ màng đâu đó trên ngọn bạch đàn, lũ cò kêu ken két, kia là bụi tre vặn mình kíu kít, gió đùa lá xôn xao, đây là cây tràm mới đổ hôm bão đã nẩy mầm xanh. Con đường cát trắng quê em cứ trải thênh thang, thênh thang trong nắng.
Đức Minh

Cơn ác mộng

Trong khoảnh khắc bị khẩu súng chĩa thẳng vào ngực tôi biết là mình sẽ tàn đời.
Thế nhưng ngay lúc đó, tôi tỉnh dậy. Lại là một giấc mơ. Vừa mới khi nãy tôi cũng đã bắt gặp một giấc mơ y hệt như thế. Cho dù nói may mà chuyện chỉ xảy ra trong mơ thôi nhưng mà hai lần liên tục đều mơ như thế thì chắc ngày tôi gặp kiếp nạn chắc chẳng còn xa mấy nữa đâu.
Để xua tan dự cảm bất thường, tôi trở mình dậy, bật đèn bàn rồi mở cửa sổ hướng về phía sân nhà. Có lẽ hít thở sâu chút không khí trong lành buổi đêm khuya sẽ tốt hơn chăng.
Thế nhưng điều đó cũng chẳng giúp được gì. Bất chợt từ cánh cửa sổ mở có thứ gì đó nhảy bổ vào. Nếu như mọi khi thì tôi đâu khinh suất đến thế nhưng lần này vì quá sức bất ngờ tôi còn chẳng kịp xoay người lại cứ thế mà ngã vật ra giường.
Tôi thử mở đôi mắt kinh hãi ra mà nhìn nhưng chán nản quá lại khép mắt lại. Một gã thanh niên dị dạng đang đứng đó cầm súng chĩa thẳng vào ngực tôi. Thôi, xong đời rồi. Tôi chờ nghe tiếng súng nổ. Cơn ác mộng đã trở thành hiện thực nhanh đến mức không thể nào ngờ.
Thế nhưng chờ mãi mà không thấy tiếng súng mà chỉ nghe một giọng nói trầm trầm vang lên.
“Này, ngồi dậy mau”
Bị súng chĩa vào ngực như thế còn từ chối làm sao được. Tôi vừa lồm cồm ngồi dậy vừa cất tiếng hỏi.
“Thế anh là ai vậy?”
Gã kia trùm khăn kín mặt, chỉ chừa lại đôi mắt. Gã chỉ tay vào tấm khăn che mặt cho tôi thấy mà nói.
“Nhìn thấy cái này phải hiểu rồi chớ. Tao là cướp đây. Chỉ cần ngoan ngoãn vâng lời là tao sẽ không giết mày đâu”
Nghe thấy mình sẽ không bị giết tôi cũng cảm thấy an tâm phần nào nhưng đồng thời lại cảm thấy vô cùng nghi vấn.
“Nhưng mà như anh thấy đấy. Trong nhà tôi có thứ gì đâu. Nếu ăn cướp thì phải vào chỗ nhà nào giàu sang lộng lẫy chứ? Chỗ này chỉ là một căn nhà nhỏ, một mảnh vườn con với có một mình tôi sống thôi mà. Hơn nữa lại còn là nhà thuê. Không biết anh có nhầm lẫn gì chăng? ”
“Không, cái đó thì tao biết rõ”
Câu trả lời của gã ta làm tôi cảm thấy có chút gì đó kỳ quái.
“Vậy, vậy thì anh muốn gì chứ? Anh đến lấy mạng tôi sao?”
“Đừng hoảng hồn lên thế. Tao chỉ muốn lấy quần áo với chút ít thời gian của mày thôi”
“Quần áo nếu anh muốn lấy thì xin cứ tự nhiên, xin đừng làm kinh động. Còn một thứ anh muốn là thời gian thì như thế nào?”
“Cho tao trú ẩn tạm nơi đấy đến sáng nhé”
“Tại sao phải lặn lội đến tận chỗ này mà nghỉ qua đêm chứ?”
Gã kia đóng kín cửa sổ lại, kéo rèm che để ánh sáng khỏi hắt ra ngoài rồi vừa vung vẩy cây súng vừa giảng giải.
“Nếu muốn biết thì để tao kể cho mà nghe. Lúc nãy tao vừa đột nhập tiệm kim hoàn. Tự tao biết chỗ nào cần đột nhập không cần đến mày phải chỉ bảo. Tao chĩa súng uy hiếp nhân viên ca đêm bắt mở két sắt rồi lấy tiền”
Gã vừa nói vừa lấy tay vỗ vỗ vào túi.
“Chà toan tính tuyệt vời nhỉ”
“Ừ, xong xuôi đâu đó tao dùng báng súng đánh vào đầu đứa nhân viên cho ngất đi rồi tẩu thoát. Lần này cũng theo đúng kế hoạch nhưng không ngờ cú đập đầu tệ quá”
“Có nghĩa là anh đã giết người à?”
“Không, ngược lại cơ. Chẳng bao lâu sau, tao nghe tiếng còi hú của xe cảnh sát. Gã nhân viên kia tỉnh dậy quá nhanh. Bị cảnh sát truy nã thì tàn đời. Mặc dù tao chưa bị  thấy mặt nhưng gã kia cũng đã nhìn thấy quần áo của tao rồi. Hành động khinh suất sẽ vô cùng nguy hiểm nên tao âm thầm chạy đến đây thì vừa may mày mở cửa sổ cho tao lẻn vào”
“Thì ra là vậy”
“Mày hiểu vì sao tao muốn lấy quần áo rồi chứ? Đâu, quần áo đâu?”
“Đằng kia kìa”
Tôi chỉ bộ quần áo đang mắc trên tường.
“Tốt rồi. Bây giờ tao phải trói mày lại đã”
Gã trói tôi lại, nhét giẻ vào miệng tôi lại còn bịt cả mắt tôi nữa.
“Phải bịt mắt lại vì nếu mày nhìn thấy mặt tao thì mày phải chết thôi. Cho nên bịt mắt là may cho mày đấy. Giờ thì tao nhét mày dưới gầm giường một lúc nhé”
Tôi bị trói, không thể mở miệng kêu than, mắt cũng bị bịt kín không thể nào chống cự gì được. Rồi còn bị nhét xuống gầm giường như một món đồ vật nữa chứ. Chỉ còn lại đôi tai nghe ngóng tình hình. Hình như gã kia đã thay đồ của tôi xong rồi thì phải.
“Chà, cả vóc người và tuổi tác đều giống nhau hay sao mà vừa in thế nhỉ. Hợp thật đấy. Ủa tên mày là gì nhỉ? À mà mày có trả lời được đâu. Không sao. Có danh thiếp đây rồi. Tên gì mà tầm thường thế này nhỉ”
Gã cứ lẩm bà lẩm bẩm suốt. Chán ngắt. Gã này dám bảo tên tôi chẳng ra gì à? Nhưng chẳng thể làm gì khác được. Tay chân bị trói chặt gây đau nhức, miệng thì bị nhét miếng giẻ dơ bẩn gây nên một mùi vị thật kinh tởm.
“Ái chà, quên mất một chuyện hệ trọng. Mấy xấp tiền đã để nguyên trong bộ quần áo vừa thay. Thôi cứ để tạm chỗ này vậy. Ổn cả rồi. Giờ chỉ còn chờ trời sáng là mình có thể ung dung lẻn vào dòng người mà đi thôi”
Gã có vẻ vui thích nhiều đấy.
Một lúc lâu sau, tôi nghe có tiếng mở cửa sổ. Tôi nghĩ gã đã chuồn đi nhưng hóa ra không phải. Gã quên khóa cửa sổ nên có ai khác đó đã lẻn vào nhà.
“Này, ai thế? Sao đêm khuya tự tiện mò vào nhà người khác như vậy? Chẳng phải bất lịch sự hay sao?”
Giọng nói của gã nghe có vẻ hốt hoảng. Lập tức một giọng nói khác cất lên.
“Mày là chủ của căn nhà này phải không?”
“Đúng, đúng là như vậy. Nhưng có chuyện gì thế?”
Có vẻ tên tên cướp kia nghĩ rằng biết đâu chừng là cảnh sát dò tìm tung tích hắn nên quyết định đóng giả làm tôi đến cùng thì phải.
“Đúng là như vậy chứ gì?”
Gã cướp chắc cảm thấy nghi ngờ gì đó nên quyết ý trả lời.
“Đương nhiên là vậy rồi. Nhưng anh là ai? Đến đây có việc gì?”
Ngay lập tức giọng nói kia thay đổi hẳn.
“Vậy thì tốt. Cuối cùng tao đã tìm ra mày. Tao là sát thủ, đến để giết mày đây”
“Khoan, khoan đã. Tại sao lại giết tao chứ?”
“Đúng là chết đến nơi còn cố cãi. Chẳng phải mày trộm tiền của đại ca rồi bỏ trốn hay sao? Cho nên phải giết mày để làm gương răn đe kẻ khác. Tao đã được thuê làm chuyện này và được báo là mày đang ẩn nấp ở đây”
Tôi đang nằm dưới gầm giường nghe thế thì toát mồ hôi lạnh nhưng có vẻ tên cướp đang đóng giả tôi thì còn kinh ngạc hơn nữa.
“Nhầm, nhầm người rồi. Không phải tao đâu”
“Đứa nào đến lúc nguy cấp cũng nói giống nhau nhỉ? Vì thế mà lúc nãy tao đã hỏi đi hỏi lại mấy lần còn gì. Đừng cố chối quanh nữa”
Rồi một phát súng vang lên. Tiếng súng có gắn nòng giảm thanh nên nghe thật nhỏ và tên cướp kia chắc đã rồi đời. Sau đó tôi nghe tiếng tên sát thủ bỏ đi.
Trời ơi, thật quá sức nguy hiểm. Tôi quá sức vui mừng, dùng hết sức bắt đầu tháo dây thừng trói tay. Thêm chút nữa là ổn. Tháo dây thừng xong tôi sẽ chôn cái xác chết tên cướp dưới gầm giường rồi dọn đi. Tên sát thủ sẽ báo cáo là đã làm xong việc mình còn tôi có thêm ít tiền lận lưng. Hơn nữa từ giờ mình có thể ngủ ngon rồi. Không sợ gặp phải ác mộng nữa.
Đúng là hễ mơ gặp ác mộng hai lần liên tiếp thì sẽ gặp chuyện tốt lành mà.

Shinichi Hoshi

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật