Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

NTV 25 - Cám ơn trái tim

                       Cám ơn trái tim                            
Cảm ơn trái tim đã cho ta nhịp đập,
Rộn ràng vui trong những lúc yêu đời...
Nhè nhẹ rung khi lòng thấy chơi vơi ,
Hoặc thổn thức mỗi lần ta mơ mộng !!!


Cảm ơn trái tim khiến lòng ta mở rộng,

Đón yêu thương và cảm nhận thiết tha....
Giúp cho ta vượt qua khỏi phong ba ,
Tâm tự tại với niềm an vui mới !


Cảm ơn trái tim, thôi không còn chờ đợi....

Cho phôi pha tiêu phí tháng ngày qua,
Trong lòng ta là những buổi chiều tà....
Ngồi lặng ngắm hoàng hôn chầm chậm xuống..!!
NM.

Cảm ơn trái tim
Trái tim mình cũng màu đỏ và cũng như một ai đó nói rằng "trái tim 4 ngăn để một ngăn dành cho gia đình và người thân, một ngăn dành cho bạn bè, một ngăn dành cho sự nghiệp, và ngăn còn lại dành cho tình yêu".
Cám ơn trái tim đã cho mình biết yêu thương để mình cảm được tình thân của gia đình và người thân. Trái tim cho mình biết gia đình quan trọng đến thế nào
, trái tim cho mình biết mình là ai trên thế giới mênh mông rộng lớn này, trái tim cho mình biết dù đi đến đâu, dù mình trở thành thế nào đi chăng nữa mình vẫn luôn là mình khi ở bên gia đình.
Cám ơn trái tim đã cho mình biết nhận ra được những người bạn chân chính. Trái tim cho mình biết kết bạn thì dễ nhưng giữ được tình bạn lại rất khó, trái tim cho mình biết trân trọng những tình cảm của những người bạn, trái tim cho mình biết cách để mang lại nụ cười cho bạn bè, trái tim cho mình biết mình nên ở bên bạn bè khi họ cần.
                              
Cám ơn trái tim đã cho mình biết yêu. Trái tim cho mình biết mình bỗng một ngày trở nên khó hiểu, lúc vui, lúc buồn, lúc cáu giận một cách vu vơ, và rồi một ngày trái tim cho mình biết góc phần tư trong trái tim mình đã trót mang bóng hình của một người khác. Cám ơn trái tim đã dạy cho mình tính kiên trì phấn đấu. Trái tim dạy cho mình cách làm thế nào để xây dựng nền tảng cho sự nghiệp tương lai. Trái tim không dạy mình cách làm giàu nhanh chóng mà dạy mình cách đi từng bước vững chắc để tiến đến tương lai, trái tim dạy cho mình cách tiếp nhận kiến thức để thấy rằng mình làm việc không phải vì tiền mà là bắt đồng tiền làm việc cho mình.
Cám ơn trái tim đã cho mình biết hờn ghen và đố kị. Trái tim cho mình biết mình mong muốn được bằng người nọ người kia, biết không hài lòng khi bị chê bai, biết suy nghĩ khi không được như mình mong muốn, và để rồi trái tim cho mình biết mình thật ngốc nghếch khi phí phạm thời gian để suy nghĩ mấy điều vớ vẩn bởi là chính mình cũng đã tuyệt lắm rồi.
 
Cám ơn trái tim một ngày đã cho mình biết tha thứ. Trái tim dạy mình hờn ghen để rồi dạy mình tha thứ, trái tim bất chợt cho mình nhận ra rằng bao dung với người khác chính là bao dung với chính mình, và trái tim dạy cho mình cách lấy cảm giác hận thù, ghen ghét để đổi lấy cảm giác hạnh phúc, thảnh thơi.
... và cám ơn trái tim vì đã cho mình biết trên thế giới không ai là người hoàn hảo, tiêu chuẩn của người hoàn hảo là ở vô cực mà điểm đó thì không thể xác định trên trục số. Mình cũng vậy, sẽ chẳng bao giờ là người hoàn hảo....

... Nhưng trái tim ơi....
Hãy dạy cho mình cách biết cách thể hiện sự quan tâm đến những người mình yêu quý
Hãy dạy cho mình cách để không vô tình làm buồn những người xung quanh mình
Hãy dạy cho mình cách dám nói thật những điều trong lòng mình nghĩ

... Mình không hoàn hảo và trái tim cũng không hoàn hảo nhưng cảm ơn trái tim vì đơn giản một điều: trái tim là của chính mình và của riêng mình !
 
  Bài thơ của Kim
Từ em đồng cảm trần ai,
Ưu phiền bỗng nở đóa Mai tuyệt trần.
Lệ càng trong trẻo thanh tân,
Gột cho trôi hết tham sân cõi đời.
Từ em nhìn khối tình rơi,
Nổi chìm bể ái đầy vơi vui buồn,
Nắng vẫn rải, mưa vẫn tuôn,
Và em trong tựa nước nguồn non cao.
Kim 
 
 Vấp ngã...
  Có những giọt nước mắt ,
Chưa bao giờ thành lệ.....
Giúp cho ta can đảm đứng lên đi !!
Để tâm hồn rủ bỏ bớt sân si,
Biết đồng cảm,
Biết thương ai từng vấp ngã....

Ta vấp ngã ....

Hiểu nỗi đau người ngã ,
Cảm thông nhiều sẽ không thấy vô tâm,
Có những niềm đau luôn âm ĩ trong lòng,.....
Cho ta hiểu : vấp ngã đó
Không chỉ có ,
Trong nỗi đau người khác !!!
NM

100+ hình ảnh cảm ơn người yêu - hinhanhsieudep.net
 
CẢM ƠN NHỮNG LẦN VẤP NGÃ 1
Đọc bài thơ của Nam Mai giúp tôi yêu thương hơn những giọt nước mắt chưa bao giờ thành lệ mà cuộc sống đã bạn tặng. Vấp ngã là cái mà trong mỗi chúng ta ai ít nhiều cũng đã trải qua. Có điều là mình đã học được gì sau những vấp ngã, thăng trầm và đổi thay của kiếp người hay không. Sống trên đời ai mà chẳng có nỗi buồn, niềm riêng hay giọt nước mắt chảy ngược…trong đêm lạnh mù sương.
Có lúc khổ đau, tuyệt vọng và cô đơn vây khốn đời mình. Chúng ta có thiên hướng tìm về một nơi nào đó thật bình yên để trú ngụ, để tránh đi những ánh mắt soi mói, không chút cảm thông. Trong bóng tối có khi mình thấy an toàn hơn tất cả. Nhìn cái cảnh đó tôi biết bạn đang rất buồn và tôi cũng vậy. Phải chăng khi công nghệ càng phát triển để kết nối thông tin thì trái tim chúng ta lại lấp lối đi về? Giọt nước mắt rơi trong bóng đêm đẹp như một quả pha lê vỡ, nếu ta biết cảm thông và đón nhận nó bằng cả tấm lòng vị tha, đồng cảm.
Mỗi ngày chúng ta nên dành cho mình một ít thời gian để ngồi thiền, tụng kinh, nghe tiếng lòng, tiếng người, tiếng côn trùng nỉ non trong đêm ngoài nghe nhạc. Sống ở đời vấp ngã chỗ nào thì đứng dậy chỗ ấy, vì không ai có thể bước thay cho mình được. Có chăng là một lời động viên, sự cảm thông để cùng song hành trên đường đời, đường đạo mà thôi. Gió vẫn sống đời gió, mưa vẫn sống đời mưa, em vẫn sống đời em còn tôi cũng một lối về…
Sau những lần vấp ngã ta mới thấy cuộc đời và con người sống với nhau như thế nào. Có lẽ mình sẽ lớn lên, khôn ngoan hơn, biết suy nghĩ sâu sắc hơn. Nên có người cho đó là sự trưởng thành, nhưng chỉ là một mặt của bàn tay. Vì lúc đó trái tim của chúng ta đã có quá nhiều vết thương, nhiều mưu mô; sự hồn nhiên, vô tư cũng đã trở nên xa xỉ. Nụ cười cũng không còn trọn vẹn trong nắng mai.
Trong bài không tên số 4 ( lời 2) Vũ Thành An đã viết một câu rất hay: “Sống cho lâu mới biết tình người, biết yêu thương biết khóc cười”. Đây rõ ràng là bài học của đời người, mà phải có cái “Tâm” chúng ta mới học và hành nó một cách trọn vẹn và đẹp nhất.
Vấp ngã là một thực tại không thể tách rời khỏi cuộc sống, nhờ có vấp ngã, có khổ đâu mới nuôi lớn tình thương sự hiểu biết trong mỗi chúng ta. Khi chúng ta đã có cái nhìn như vậy về cuộc sống thì vấp ngã chẳng phải là người bạn tri âm của đời mình hay sao? Luôn mong sự bình yên sẽ có mặt trên con đường mà chúng ta đã, đang và sẽ đi qua. Với đôi bàn tay dù không còn vẹn nguyên nhưng luôn biết nắm chặt vào nhau mỗi ngày!
Xin cúi xuống làm người hèn mọn
Để đôi tay làm đẹp cuộc đời!
Viễn Du
 
 Tổng hợp hình ảnh cảm ơn đẹp, ý nghĩa và ấn tượng nhất
CẢM ƠN NHỮNG LẦN VẤP NGÃ 2
khuyết danh
Cảm ơn những lần vấp ngã, để thấy đau, để ngẫm nghĩ, và để nhận ra mình không vô tâm!
Hôm qua, bị ngã, ngã rất đau, muốn khóc lắm, nhưng không dám khóc. Và cũng không thể khóc, vì cảm giác đau đã trôi qua rất nhanh, nhường chỗ cho cảm giác xấu hổ.
Tất cả mọi người nhìn vào, hình như đâu đó có tiếng ai đó chê bai "Lớn thế rồi mà đi đứng còn ngã", đâu đó có cái nhếch môi cười, và đâu đó có cả tiếng xuýt xoa.
Tự dưng ước mình chỉ là một đứa trẻ, là trẻ con thì được ngã, ngã thoải mái, khóc thoải mái. Tiếc là đã lớn rồi, lớn thì không được ngã
Tự dưng lại nhớ đến những lần trông thấy người khác ngã, dù chưa từng nhếch môi cười, chưa từng lầm bầm "Lớn thế rồi mà đi đứng còn ngã", chỉ xuýt xoa thôi, nhưng đúng là chưa bao giờ hiểu cảm giác: bị ngã là như thế nào.
Vừa đau, vừa tức, vừa xấu hổ, tất cả như là một cốc sữa chua đánh đá, có cho thêm thạch, cafe, mà người đang quấy là tạo hoá.
Nếu... ngã ở một nơi vắng người qua lại: chắc chỉ đau thôi, rồi đứng dậy, đau quá có thể chảy một giọt nước mắt, chả sao...
Nếu... ngã vào một hôm trời mưa, mọi người đều vội vã chạy trốn mưa, mọi người đều nghĩ: đường trơn ấy mà!
Nếu... ngã vào buổi đêm: có thể mọi người sẽ nghĩ: say ấy mà!
Sẽ chẳng bao giờ biết được từng kia con người đang nhìn mình kia sẽ nghĩ thế nào về cú ngã của mình, tất cả cái cảm giác xấu hổ là do chính những tưởng tượng của mình về suy nghĩ của người khác mà thôi.
Thế mà đã biết bao lần, nhìn thấy người khác ngã, hay người khác bị cảnh sát giao thông giữ xe. Đi ngang qua để lại những tiếc xuýt xoa, cứ nghĩ là có thể khiến người ta sẽ cảm nhận được một phần chia sẻ của mình...
Đã biết bao lần, người quen, người thân bị ngã hay bị giữ xe, cũng xuýt xoa, cũng an ủi, và "Không sao đâu"! Thực sự là lúc đó, cũng thương người lắm, xuýt xoa, chia sẻ là thật, toàn từ trái tim cả đấy, những câu "Không sao đâu" nói ra mong người ta nghe sẽ được động viên chút ít.
Thế mà giờ đây bị ngã, lại nghe, lại cảm thấy từ những người đi đường đang nhìn mình ngã nhiều hơn thế, dù ai cũng mang một bộ mặt đầy cảm thông (giống mặt mình khi thấy người khác ngã), nhưng lại thấy trong đó có cả: "Lớn thế rồi mà đi đứng còn ngã", cả những cái nhếch môi, cả những tiếng xuýt xoa.
Và rồi cảm giác xấu hổ đến từ những cảm nhận mơ hồ đó, tại sao không thể nghĩ như khi mình nhìn người khác ngã: xuýt xoa, "khổ thân thế", "không sao đâu" để có thể suy nghĩ nhẹ nhàng hơn, đứng dậy ngay và đi tiếp ...
Có lẽ con người luôn có đủ sức mạnh để chịu đựng nỗi đau của người khác!
Biết bao nhiêu lần từng khuyên người khác "Có thể ngã 7 lần, nhưng hãy đứng dậy 8 lần", "Sau cơn mưa trời lại sáng", "The sun also rise"… Đã bao lần cảm thấy thương hại người khác, khi thấy họ quá đau lòng trước những nỗi đau mà họ phải chịu, cứ thầm nghĩ: Làm gì đến nỗi thế!
Biết bao lần, cổ vũ, động viên, tìm đường, tìm lối cho một ai đó bước đi, cứ nghĩ đơn giản là mọi chuyện rồi sẽ qua!
Ừ, thì ra đó là nỗi đau của người khác!
Thì ra đã quá nhiều lần vô tâm!
ST 

Paradise
 Photos

Tìm Một Ánh Sao

Tìm ánh sao rơi ....
Ta đã một đời trót rong chơi,
Chỉ mong bắt được ánh sao trời....
Đến khi tiếp cận thì sao đã,
Sao có còn đâu  ? Sao đã rơi !

Quay trở về thôi, với ta thôi,
Tâm ta nào khác ánh sao trời ,
Ta thôi không phải còn phiêu lãng !
Phí bỏ thời gian với sao rơi,

 Ước nguyện cùng sao sáng lung linh,
Trăng sao muôn kiếp vẫn chung tình.
Không gian một cõi thanh bình lạ
Ta trả nợ ta -  Kiếp phù sinh....!
NM.
      
ĐIỀU CON NGƯỜI CẦN NHẤT
2. Chị tôi dành dụm vốn liếng định mua một mảnh đất ở ngoại thành. Hẹn được với người ta mang tiền đến đặt cọc, chị vội vã gọi taxi. Dọc đường, chị bắt gặp một đoàn nam phụ lão ấu hớt hơ hớt hải bồng một cô bé bị trâu húc vẫy xe xin đi nhờ lên Hà Nội cấp cứu. Chị tôi lập tức bảo anh lái xe quay xe, đưa cô bé con, người mẹ, và cả chị thẳng về Hà Nội. Mẹ cô bé tê liệt vì sợ hãi, chỉ biết ôm con khóc ròng. Một mình chị lo toan cho cô bé vào phòng cấp cứu, nhập viện, thậm chí đóng luôn cả tiền viện phí khi biết người mẹ không có nổi 100 nghìn trong túi… Khi chắc chắn là cô bé an toàn, chị mới trở về nhà. Không bao giờ nhắc đến chuyến xe ấy tốn kém bao nhiêu, tiền viện phí thế nào, hay buồn vì mảnh đất ưng ý kia không kịp đặt cọc đã qua tay người khác. Và cứ đến Tết, nhà chị lại có thêm những người khách từ quê ra.
Đôi khi bạn phải ngạc nhiên về những người mà bạn yêu quý. Sự an nhiên nơi tâm hồn họ. Những quyết định đơn giản mà quyết liệt. Sự bình thản của họ trước những thứ tưởng chừng rất quan trọng, nhưng lại không thật sự quan trọng. Cái cách mà họ tha thiết với con người. Giản đơn, nhưng mãnh liệt.
Nhưng hiểu được họ, bạn sẽ hiểu được niềm vui của thuỷ thủ đoàn khi nhìn thấy đất liền, của khách lữ hành khi nhìn thấy làng mạc, của nhà du hành vũ trụ qua khung cửa tàu nhìn thấy Trái Đất, của Robinson khi có được Thứ Sáu, nụ cười âu yếm của bất kỳ ai khi thấy một em bé sơ sinh. Cả việc tại sao, con người cứ mải mê tìm kiếm những nền văn minh ngoài Trái Đất… Và nỗi đau đớn khôn nguôi trào ra thành nước mắt và tiếng thét khi con người vì thiên tai, vì chiến tranh, vì bệnh tật, mà phải mất nhau trong cõi nhân gian…
Liệu bạn có nhận thấy, điều mà con người cần nhất trên thế gian này không phải danh vọng, không phải tiền bạc, không phải nhà cửa, không phải đất đai… Bạn có nhận ra không, điều mà Con Người cần nhất chính là Con Người…
Lê Thị Phú Bình

Nỗi niềm....
Hình bóng quê hương luôn trong tôi,
Dù cho sông núi cách xa vời......
Ban ngày tôi sống trong quê mới,

Trong giấc mơ buồn - Tôi vẫn Tôi !!

Hãy mang tâm sự chàng Lưu Nguyễn...

Một lần lưu lạc chốn Thiên Thai

Nhớ quê một lần quay trở lại,

Ta chỉ còn ta cõi trần ai.....?!
NM

Một bài viết dành cho những người Việt tại Hoa Kỳ…
Có phải nếu mình ở một nơi nào trên dưới ba mươi năm thì mình là người thuộc địa phương đó, đúng không? Đã biết bao nhiêu lần tôi đặt ra câu hỏi đó sau một ngày nhìn vào lịch thấy con số ghi năm đã bước vào năm thứ ba mươi của một người tị nạn.
Bây giờ có ai mới quen gặp tôi, hỏi: Bà ở đâu đến vậy? Thì chắc tôi sẽ trả lời rất tự nhiên, tôi ở San Jose, hay khi đang đi du lịch thì sẽ trả lời, tôi ở Mỹ đến. Tôi sẽ không trả lời là tôi ở Việt Nam đến nữa, chỉ trừ người ta hỏi, bà là người nước nào? Thì lúc đó tôi chắc chắn nói, tôi là người Việt Nam, để cho họ không nhầm với người Trung Hoa, Nhật, hay Phi.

Đúng, tôi ở Mỹ trên dưới ba mươi năm rồi, tôi là một người Mỹ. Bây giờ thử xem lại con người Mỹ của tôi.
Trước tiên mặt mũi, chân tay tôi chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn khuôn mặt cấu trúc ít góc cạnh của người Á Đông và cái mũi tẹt khiêm tốn, tóc sợi to và đen, khi có tóc bạc thì nhìn thấy ngay, muốn giấu thì phải nhuộm.

Đối với người Á Đông thì tôi được gọi là người có nước da trắng, nhưng mầu trắng này thực ra là mầu ngà, và đứng cạnh một ông Tây, bà Mỹ nào thì nó vẫn cho cái căn cước da vàng rất rõ rệt. Khi tôi nói tiếng Anh thì cách phát âm vẫn có vấn đề, đôi khi nói nhanh quá thì sẽ vấp phải lỗi nói tiếng Anh theo cách dịch tiếng Việt trong đầu. Như thế bị chê là nói tiếng Anh bể (broken English). Về cách phục sức, nhà ở, xe cộ bên ngoài, tôi có thể không kém một người Mỹ chính gốc.

Nhưng khi bước vào nhà tôi, từ những bức tranh treo ở phòng khách, bát đũa bầy ở bàn ăn, chai nước mắm, hũ dưa cải trong bếp và nhất là sách, báo tiếng Việt ở khắp nơi trong nhà, thì chắc ai cũng sẽ nhận ra ngay đó là một gia đình Việt Nam. Như thế thì tôi là người San Jose hay người Hà Nội, người Mỹ hay người Việt? Tôi ở đất này đến ba mươi năm rồi cơ mà.

Người ở Lạng Sơn, Thanh Hóa ra Hà Nội ở trên dưới ba mươi năm thì tự nhận mình là người Hà Nội; người ở Hải Phòng, Hải Dương vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 75, 76 tự nhận mình là người trong Nam.
Tôi ở Mỹ tìm về Việt Nam không ai chịu nhận tôi là người Việt nữa, dù tôi có yêu quê hương đến quặn thắt cả ruột gan, có gặp lại họ hàng nước mắt khôn cầm thì khi thăm viếng, hỏi han, họ vẫn thỉnh thoảng nói rất tự nhiên: chị đâu có phải là người Việt nữa, bây giờ chị là người Mỹ rồi, chắc cái này không hạp với chị, cái kia chị không ăn được, cái nọ chị không biết đâu.

Những lúc đó tôi chẳng biết mình phải phản ứng thế nào cho đúng. Cứ cãi tôi vẫn Việt, hay nhận đúng rồi tôi là Mỹ? Không, cả hai cùng sai cả. Những khi cần quyên tiền đóng góp vào việc công ích nào ở Việt Nam thì ai ai cũng nhắc lại cho tôi đến ngàn lần tôi là một người Việt Nam chính gốc. Rằng tôi phải có bổn phận và tình thương với đất nước, đồng bào. Tình thương thì nhất định lúc nào tôi cũng đầy ắp trong ngực rồi, tôi chẳng cần ai nhắc nữa, nhưng bổn phận thì cho tôi… nghĩ lại.

Tôi đã đóng góp bổn phận của tôi cho đất nước đó rồi. Một mối tình chết tức tưởi trong chiến tranh hơn ba mươi năm về trước, xương thịt của người tôi yêu nằm trong lòng đất, rồi lại phải đào lên, đốt thành tro than, bị đuổi mộ như đuổi nhà, đã trả bổn phận đó thay tôi rồi. Không đủ hay sao?
Bây giờ tôi phải có bổn phận đóng thuế hàng năm ở đất nước tôi đang sống để phụ với chính phủ sửa đường, xây trường học và nuôi những người ở khắp nơi mới tới, như trước kia đất nước này đã nuôi người Việt, vì giấy tờ cá nhân hiện tại xác định tôi là người Mỹ. Tôi phải làm bổn phận công dân.

Có những ngày tôi lái xe bị kẹt ở xa lộ vào một buổi chiều mưa mùa thu; hay một buổi sáng mùa xuân vắng lặng, êm ả, đứng trong nhà nhìn ra mặt hồ, tôi cảm nhận được nơi mình đang hiện diện không phải là quê mình, không phải nước mình.

Chẳng có một lý do gì cụ thể, chỉ là những giọt mưa đập vào kính xe, chỉ là mặt nước hồ gờn gợn sóng. Mưa trên xa lộ Mỹ nhắc nhớ đến những cơn mưa tháng Năm ở Thị Nghè, nhà mình ở Trần Quý Cáp, nhà anh ở trước rạp ciné Eden đứng trú mưa với nhau.


Nước ở hồ San Jose trước nhà nhắc đến nước sông ở bến Bạch Đằng mỗi lần qua phà sang bên kia Thủ Thiêm chơi với bạn, hay sóng nước ở bắc Mỹ Thuận những lần qua phà đi thăm họ hàng ở tận Bạc Liêu. Những lúc đó tôi bất chợt bắt gặp mình Việt Nam quá, vì những cái bóng Việt Nam thật mờ, thật xa lại chồng lên hình ảnh rõ rệt ngay trước mặt mình. Và kỳ diệu làm sao, những cái bóng đó nó mạnh đến nỗi mình quên mất là mình đang ở Mỹ. Chắc tại tôi là người Việt Nam.
Lại có những lần ở Việt Nam, tôi bị muỗi đốt kín cả hai ống chân, bị đau bụng liên miên cả tuần lễ. Đi đâu cũng phải hỏi đường, ai nhìn mình cũng biết mình từ đâu đến và đang đi lạc. Tiền bạc tính hoài vẫn sai. Nhiều khi đứng chênh vênh trên đường phố Sài Gòn, biết đất nước này vẫn là quê hương mình, những người đi lại chung quanh là đồng bào mình, nhưng sao không giống Việt Nam của mình, hình như đã có điều gì rất lạ.
Ngôn ngữ Việt thì thay đổi quá nhiều, pha trộn nửa Hán nửa Ta, chắp đầu của chữ này với cuối chữ của chữ kia, làm nên một chữ mới thật là “ấn tượng”. Cách phát âm của người Hà Nội bây giờ không giống cách phát âm cũ của ông bà, cha mẹ tôi ngày trước, và họ nói nhanh quá, tôi nghe không kịp. Cái tiếng nói trầm bổng, thanh lịch, chậm rãi, rõ ràng từng chữ của thời xa xưa bây giờ chỉ còn là cổ tích.
Ngửng mặt lên nhìn bầu trời, vẫn bầu trời xanh biếc của thời tuổi trẻ, cúi xuống nhìn mặt đất, vẫn mặt đất thân quen, nhưng sao lòng hoang mang quá đỗi, và thấy đã có một khoảng cách nghìn trùng vô hình giữa mình và quê hương đất Việt. Chắc tôi là người Mỹ!
So sánh thời gian tôi sinh ra, sống ở Việt Nam và thời gian tôi bỏ Việt Nam ra đi, sống ở Mỹ, hai con số đó đã gần ngang nhau. Tôi được học từ nhỏ quê hương là nơi tổ tiên lập nghiệp, là nơi chôn nhau cắt rốn. Ở trong nước có bài hát nổi tiếng “Quê hương mỗi người có một”, như là chỉ một mẹ thôi. Nhưng có người lại nói: Nơi nào mình sống ở đó suốt một quãng đời dài, có những người thân chung quanh mình, hưởng những ân huệ của phần đất cưu mang mình, thì nơi đó cũng được gọi là quê hương mình. Như vậy thì tôi có một hay hai quê?
Tôi sống ở Mỹ thì bạn bè gặp nhau thường nói: Cái này người Việt mình không hạp, hoặc người Mỹ họ mới thích nghi được việc này, người Việt mình không quen.
Khi đi dự buổi tiệc cuối năm của một công ty lớn ở Mỹ, toàn là những người Mỹ sang trọng thì thấy rõ ngay mình là người Việt đi lạc, dù mình có sang trọng, lịch sự như họ. Hóa ra ở Mỹ hay về Việt Nam mình đều lạc chỗ cả.
Tôi nhớ mấy năm trước có lần trò chuyện với mẹ của một người bạn, lúc đó cụ ngoài 80 hãy còn minh mẫn, cụ theo đạo Phật. Trưởng nam của cụ và con dâu cụ tự nhiên rủ nhau theo đạo Công giáo. Găp tôi, cụ hỏi: Không biết anh Bình nhà tôi khi chết thì đi đâu? Phật giận anh ấy, vì anh ấy bỏ đi, Chúa chắc gì cho anh ấy vào, vì anh ấy mới quá! Năm nay cụ ngoài 90 tuổi rồi và không may, cụ bị Alzheimer. Vậy là cụ không còn minh mẫn để lo con mình không có chỗ dung thân cho phần hồn. Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ lại những lời cụ nói, thấy mình ngay ở đời sống này cũng đã là một vạt nắng phất phơ bay. Quê nhà, quê người, quê Mỹ, quê Việt. Chao ôi! Cái thân cỏ bồng.
Nhưng lạ lắm, tôi biết chắc mình là người Việt, nhất là khi tôi nằm mơ. Trong giấc ngủ tôi thường gặp cha mẹ, gặp ngay trong những ngôi nhà cũ ở Việt Nam, gặp bạn bè cũng gặp trên đường phố Việt Nam từ ngày rất xa xưa, và bao giờ trong mơ cũng đối thoại bằng tiếng Việt. Tỉnh dậy đôi khi vẫn ứa nước mắt, dù là một giấc mơ vui. Thấy nhớ quê nhà quá đỗi!
Tôi nhớ lại trong những truyện ngắn, những bài thơ Đường tôi đọc thời rất xa xưa về người bỏ làng đi xa lâu năm trở về không ai nhận ra nữa. Hồi đó sao mà mình thương những ông già trong thơ đó thế! Bây giờ nghĩ lại thì người trong sách đó còn may mắn hơn mình, họ đâu có đi đến tận một nước khác như mình. Họ chỉ bỏ làng, chứ không bỏ nước. Thế mà khi về còn ngơ ngác, bùi ngùi, tủi thân vì lạc chỗ ngay trong làng mình.
So sánh tôi với người bỏ làng ra đi trong những trang sách đó thì hoàn cảnh của tôi đáng buồn hơn nhiều. Không những đã bỏ làng, bỏ nước đi, còn nhận quốc tịch của một nước khác.
Khi về đổi họ thay tên.
Núi chùng bóng tủi, sông ghen cạn dòng.
Kim Thu tùy bút