Hiển thị các bài đăng có nhãn Chim. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chim. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Khi con tu hú gọi bầy

Hình ảnh và tiếng chim tu hú gọi hè

Tiếng chim tu hú
Tôi về tìm lại mùa Thu cũ,
Vò vẽ đồi xưa trái chín vàng...
Tiếng cười giòn giã ngày thơ bé,
Tu hú kêu chiều khắc khoải vang!
  NM

Giận con tu hú

Tôi vẫn thường nghe chim tu hú kêu trên những sườn đồi hay dưới mấy lùm cây xanh cạnh bờ sông trong những ngày hè rực nóng. Người ta nói tu hú kêu là đến mùa vải chín. Đó là chuyện ở miền Bắc, nơi có trồng nhiều cây vải. Ở quê tôi, khi nghe tu hú kêu là đến mùa cây vò vẽ kết mật. Đó là một loài thân dây, thường mọc ở vùng đất đồi nhiều sỏi khô cằn. Chúng không có thân chủ mà phải bám vào các cây khác để vươn lên.
Cây vò vẽ có sức sống phi thường đến kì lạ. Từ lớp đất sỏi cứng, chúng vươn mầm xanh ngắt. Theo tháng ngày, mầm xanh dần lớn lên. Cứ thấy chúng cằn cỗi, lầm lì dưới tán rậm, ấy thế mà chỉ sau một cơm mưa là người ta đã thấy chúng vút ngọn lên cành cao. Rồi mấy ngày sau nữa sau khi được cơn mưa tưới mát chúng vươn cành sum suê, lá non mơn mởn trên tít tận lùm cao.
Quả cây vò vẽ gần giống với quả cây vú bò nhưng khác ở chỗ trên đầu quả có mấy vành khuyên tai, trong giống như chiếc bánh nở giữa chừng rồi dòng lại không nở nữa trong rất buồn cười. Quả thường kết lại thành chùm treo lủng lẳng trên cao. Lúc còn non nó có một màu vàng tươi thật bắt mắt. Khi chín quả chuyển thành màu vàng thẩm đượm ngọt. Vị ngọt gắt chan chát càng ăn càng thấy thích.
Mùa hè, khi nghe tiếng tu hú kêu trên những ngọn đồi sau nhà là biết vò vẽ đã chín. Bọn trẻ chúng tôi mỗi buổi chăn bò đều rủ nhau đi hái vò vẽ. một đứa được phân công ở lại trông bò, không cho chúng phá phách bãi mía nhà người ta, còn mấy đứa khác chia nhau đi tìm hái quả. Chỉ loáng một cái là có đứa đã trở về với một bọc quả vàng trong áo. Chưa ăn vội, chúng đợi cả bọn tụ về rồi cùng mở một bữa tiệc vò vẽ ngọt đượm trên môi trong tiếng cười giòn thỏa thích.
Lớn lên đi xa, tôi vẫn còn nhớ mãi ngày ấy. Nhớ ngọn đồi nắng cháy khô khốc và những cây vò vẽ oằn mình vươn lên. Nhớ chùm quả vàng ươm treo lủng lẳng trên cành và tiếng cười giòn tan xao động nắng trưa của bọn trẻ. Tiếng tu hú kêu khắc khoải ngọn đồi, hay bên dòng sông chuyên chở ân tình trăm năm.
Mấy năm nay trở lại, tôi không còn thấy cây vo vẽ nữa, cũng không còn nghe tu hú kêu. Giờ đây, những ngọn đồi đã được cày xới trồng mì, đất bạc trắng. Những ngày nắng gắt, gió cuốn bụi bay mù mịt. Cây vò vẽ cũng bị đào xới tận gốc không còn thấy mầm xanh nữa. Bọn trẻ không còn chỗ thả bò, chúng phải lùa xuống tận ven bãi bồi sông hoặc mãi ở trong rừng.
Giận con tu hú
Giận trời vội đổ cơn mưa  
Giận con tu hú gọi mùa thu sang  
Giận người sao nỡ phụ phàng
Bỏ tôi đi mất, tôi làm sao đây?
Dương Lê
 Tu hú quê xa
Trớ trêu một lũ ranh ma,
Chỉ là tu hú quê xa lạc đường...
Quyết tâm rời bỏ quê hương,
Vào nơi béo bở tìm phương cướp lừa !
NM

Khi con tu hú gọi bầy

Nó vốn là thằng tự trọng, luôn tự hào với câu ông bà dạy: “Nghèo nhưng không hèn, khổ nhưng không khốn…” Rồi “cuộc đời ta sống bằng sức ta, bằng đôi bàn tay và trí óc của ta, đâu phải bằng sự thương hại của những kẻ nhìn ta bằng con mắt coi thường. Lại: Tự hào con Lạc, cháu Hồng, đầu không thể rỗng, tay không thể lười ” v.v và v.v
 Tôi là bạn nối khố với nó từ thưở chăn trâu cắt cỏ trên đồng, biết nó là con mọt sách, nên không những thông cảm vì những thứ triết lý vụn vặt này mà đôi khi còn kính nể nó vì sự hay chữ , thậm chí có cảm giác như được “soi gương vàng” vậy. 
Rồi số phận đưa đẩy, khi khu công nghiệp Vũng Áng thành lập, mẹ tôi nhanh tay bán được xuất đất và tống tôi đi xuất khẩu Lao động tại Nam Hàn, còn nó thì ở lại sau khi tuyên bố đầy hiếu thắng: “Làm giàu tại quê nhà mới xứng chứ ra nước ngoài làm thuê thì vinh dự gì?...”Tôi đã giận nó tím mặt vì câu nói thẳng ruột ngựa ấy, định bụng không bao giờ thèm kết giao với nó nữa, đặc biệt khi cưới vợ, nó cũng không thèm nói với tôi một tiếng, coi thường nhau đến thế là cùng… 
Vậy mà hôm nay, qua facebook nó mếu máo kể với tôi đời nó tàn rồi, bản thân thất nghiệp, vợ chạy theo thằng khác, con để bà nội nuôi. 
Cho dù đã đổi giận thành thương, đã hứa sẽ cho nó vay vài nghìn yên giúp nó quay lại với nghề truyền thống: Chăn vịt dưới sông , nuôi gà đồi bán cho các “Quán Ngon” ở tỉnh…nhưng câu chuyện nó kể còn day dứt lương tâm tôi mãi : 
– Sao? vợ chồng mày có chuyện à, sao tự nhiên lại gõ đầu tao vào lúc này? 
– Quên con vợ mất dạy ấy đi, Nó gắt: – Chẳng qua tao là nạn nhân của cái cơ chế đểu cáng này. Nó đã không một lời an ủi, động viên lại còn cố tình đào mả chôn tao? 
– Trời! Lập trường như mày, quyết ở lại xây dựng quê hương giàu mạnh, rồi lấy được cô vợ đẹp nhất làng mà lại “phát tiết tinh hoa” thế à? 
Đầu dây, nó giải thích: 
-Tao đang làm ở công ty, bọn lao động Trung Quốc tràn sang nên tao mất việc…Đang từ tổ trưởng, lên phó phòng rồi cưới vợ cũng là một thợ bậc cao. Cả hai tưởng yên ổn làm ăn, sinh con, đẻ cái rồi dần dần mua đất, xây nhà ở riêng. Ai ngờ bị trưởng ban tổ chức gọi lên cho thôi việc. 
Tôi lờ mờ hiểu ra sự việc: 
– Không lẽ đúng như câu nhân định của một chuyên gia xã hội học, nơi tôi đang ở: “Khi cái nghèo đi vào cửa lớn thì tình yêu đi qua cửa sổ…” 
-Sao nữa? Tôi tò mò…Chả lẽ vì mất nghiệp mà mất vợ? 
– Chứ còn gì nữa. Con vợ tao tuyên bố: “Bản thân tôi liễu yếu, đào tơ, che chắn cho mình còn không nổi, sao che chắn cho cả thằng chồng sức dài vai rộng, vô tích sự như anh được, còn thằng tít nữa chứ? Bố mẹ tôi bảo: “Hai vợ chồng son, nuôi thêm một con thành bốn”. Một mình tôi làm lấm lưỡi không đủ ăn, làm sao gánh cả bốn mạng trên độ tuổi 25 mơn mởn non tơ được?”… Mày biết đấy, nó cậy có nhan sắc nên đâu có định đánh đổi cho tương lai mịt mờ, tăm tối của tao. 
– Ra thế, tôi đáp – đúng là “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, chỉ biết nhìn hiện tại mà không nhìn tương lai hoặc nhìn lại xa xưa như lời ông bà chỉ bảo “trai tay không không ăn mày nhà vợ, gái bách mẫu vẫn lệ thuộc nhà chồng” 
Trong điện thoại nó gắt: 
– Tao cũng biết mình là thằng đàn ông, phải làm bóng tùng quân cho vợ con trú ẩn. Khốn nỗi nó không cho tao thời gian. Bố mẹ nó vì tương lai của cháu ngoại và con gái, cũng muốn giúp tao thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng, nhưng nó không chịu… 
Tôi thở dài ngao ngán: 
-Chỉ có thế mà mày bảo Hạnh – bạn học của hai đứa tôi từ hồi cấp 2, chỉ kém hai lớp- là đồ khốn nạn? 
Nó đáp, giọng thổ đặc sệt, tê tái : 
– Nó lấy thằng Trung quốc rồi. 
-Ô! Tôi chưng hửng, giọng thổ pha kim tan biến, chỉ còn chất kim lanh lảnh, chói vói: – “Giặc đến nhà đàn bà cũng… cưới” à? Mày không định hình sự hóa vấn đề đấy chứ ? 
-Thật mà …giọng nó lạc đi. Nếu không vì cu Tít cùng hai bên gia đình nội ngoại, tao đã đâm chết cả hai đứa chúng nó rồi. 
-Maỳ nói rõ hơn được không? Tôi thúc 
Nó bật khóc rưng rức, tôi nghe mà não lòng, nhão ruột : 
-Thằng ấy là dân lao động không phép, đưa sang từ ngày đầu tiên xây dựng công trường. Nó vốn là trưởng nhóm, lại bập bẹ học nói tiếng Việt, nó biết con Hạnh buồn vì chuyện của tao, nên mỗi lần hai vợ chồng cãi nhau xong, nó lại bênh con Hạnh chằm chặp rồi đưa tiền cho con Hạnh tiêu, lại mua cả đất xây nhà ngay bên hông nhà máy nữa. Thoát cảnh nợ nần dây dưa, lại thoát khỏi xóm trọ tồi tàn, một bước lên bà chủ giữa xóm Tàu, bên cạnh thằng con một, đẹp trai, cao ráo, còn trai tân nữa, làm gì nó chẳng đồng ý, mặc cả tao và hai bên gia đình chưng hửng
 – Ô trời! Tôi la hoảng: – Đúng là tổ chim chích nhà mày bị thằng Trung quốc nó đẻ trứng tu hú vào để chiếm rồi; Sao chỉ trong một thời gian ngắn như thế, tất cả đã rối bung…Tôi nói và nhớ lại hình ảnh cùng sự hành xử thô bạo của lũ chim tu hú .Thoạt đầu Tu hú mẹ tìm một tổ chim chích đang ấp, lợi dụng lúc Chim Chích mẹ bỏ đi kiếm mồi để đẻ trứng vào đó nhằm độc chiếm nguồn thức ăn mà chim chích mẹ dùng để nuôi dưỡng bầy con. Vài tháng sau, Tu hú con nở ra, tuy còn đỏ hỏn, không lông, mắt chưa nhìn thấy gì nhưng đã thể hiện bản lĩnh gian ác có một không hai của mình, liên tiếp dùng sức mạnh cơ bắp, đôi cánh và phần lưng để đẩy những con chim chích non tội nghiệp mới nở, hoặc những quả trứng còn lại văng ra khỏi tổ, trong khi chim chích mẹ không hề biết gì, vẫn ấp ủ, kiếm mồi dọn tổ, dọn phân, nuôi con khôn lớn, cho đến khi tu hú rời tổ bay đi tìm về với bố mẹ chúng… 
– Đúng thế! Đầu dây Trung ho húng hắng, xác quyết: – Tao không ngờ cuộc hôn nhân của tao mang sắc màu tu hú như thế, tao cứ nghĩ chim chích mẹ là con Hạnh nhận rõ bản chất sự việc, nên chả khuyên can gì, còn thách thức nó, ai dè nó bỏ mặc chim chích non và cái tổ rách để bay theo thằng tu hú kia. Tao tức sặc tiết mà không làm gì nổi. 
– Thế chúng nó có cưới xin gì không? Tôi hỏi 
– Cưới hỏi gì đâu? Cũng chẳng về quê ra mắt mẹ chồng nữa(Bố nó cũng đang ở Việt Nam), nhưng từ ngày con Hạnh dính bầu, nó cũng cho đứng tên trong sổ đỏ nhà rồi. 
Quay trở lại việc tự dưng mất việc- đầu mối của mọi đường dây, mối rợ, tôi thắc mắc: 
– Mày là dân thổ địa, có kinh nghiệm lâu năm, sao lại bị mất việc? 
Trong điện thoại , Trung cười nhạt: 
– Mày ở Nhật Bản mấy năm nên nghĩ như người Nhật Bản chân chính ấy nhỉ? Chính tao cũng hết sức bất ngờ trước quyết định bị sa thải này…Mò lên hỏi lão trưởng phòng tổ chức- vốn là ông anh họ xa nhà tao lý do vì sao, thì lão ấy gãi đầu gãi tai bảo do cấp trên chỉ đạo, lão ấy chỉ biết làm theo…Trong hai vợ chồng chắc chắn phải có một người nghỉ, cũng như trong một gia đình cũng chỉ được một người ở lại công trình ấy. Tao sức dài vai rộng nên ưu tiên cho vợ… 
– Trời đất! Bắt lao động người địa phương nghỉ để thay thế lao động trung quốc ư? luật ở đâu ra thế? 
– Luật rừng, luật tu hú cướp tổ, cướp công, cướp miếng ăn của chim chích chứ ở đâu nữa. Nó cay cú đáp: – Chính lão anh họ tao kể, mấy thằng cai thầu trung quốc chây ì lắm, chúng nó không chịu hợp tác, không làm thủ tục đăng ký xin cấp phép đã đành, còn cố tình nhét người của mình từ cố quốc sang, nếu lãnh đạo Việt Nam thắc mắc thì chúng gạt thẳng tay: “Lao động người Việt Nam không biết tiếng nên không đáp ứng được mọi yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật, cũng như không đủ năng lực nên không thể tuyển dụng. Chúng tôi cần đưa lao lao động người trung quốc sang để đảm bảo trình độ chuyên môn cũng như tiến độ công trình. 
– Đúng là luật rừng. Cá lớn nuốt cá bé, chim to nuốt chim nhỏ rồi, tôi nuốt một hơi nghẹn cuống họng, bảo: – Bọn lãnh đạo trung quốc  xem thường lao động Việt Nam quá đáng, coi Việt Nam như một quốc gia không có chủ quyền , nên muốn nhận ai, thải ai cũng được. Tại sao các cơ quan chức năng lại lờ đi, không kiểm soát hoặc kiểm tra các cơ sở của họ trên đất nước mình? 
-Gớm, lại chả gọi chúng nó bằng bố, Nghe tôi bày tỏ, Trung lớn tiếng khẳng định- đến cụ Trọng, bác Phúc, bác Quang, thím Ngân muốn đến thăm cũng bắt buộc phải làm việc với chủ đầu tư trước rồi mới được phép vào, làm gì có chuyện kiểm tra , dù chỉ là đột xuất trên công trường lao động của họ? 
Như muốn bộc bạch sâu hơn nỗi lòng mình, nó bảo: 
– Mày biết không, chính báo chí Việt Nam nhận định: “Tại các công trường ở Formosa quê mình bây giờ, số lao động Trung Quốc đang có mặt là trên 4.000 người, hầu hết không có giấy phép .  
Óc tôi chợt lóe lên một câu nói và cái lắc đầu đầy ấn tượng của ông bạn người bản địa mới quen: “Việt Nam chúng mày là một đất nước không luật lệ, lại qúa lệ thuộc vào trung cộng”. Ừ, nếu là một quốc gia có chủ quyền , thì làm sao lũ lao động không phép này nhập cảnh vào Việt Nam được? 4000 thằng có ít đâu? 
Có lẽ muốn tôi mở “hầu bao” giúp nó làm lại cuộc đời , nên nó cũng mở lòng, trả lời các câu hỏi lòng vòng của tôi 
-Thế mấy cha bí thư tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo và chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đâu? Chủ trương thành lập cả một ban chỉ đạo 881, bảo đảm ổn định tình hình tại Khu kinh tế Vũng Áng mà để tình trạng “ma lạ bắt nạt ma quen” thế à? Chó chẳng gần nhà, gà chẳng gần chuồng mà không sợ chó nhà, gà nhà xơi tái sao? 
– Ôi, mấy lão ấy bị cả triệu “nhân dân tệ” đè ngập mặt rồi, cần gì phải bảo đảm, hoặc ổn định cho bọn …nhân dân nghèo, nhân dân tốt trong khu vực tỉnh nữa? Động nhấc máy lên là các lão ấy bảo “bận”. Lúc đi họp ở trung ương, lúc đang chỉ đạo cuộc họp ở tỉnh nhà. Đến cánh phóng viên còn chẳng hóng hớt được nữa là đám dân ngu, cu đen như tao. 
Gà gật” mấy tiếng trên tàu , tôi cũng đủ tỉnh táo để trải lòng mình thêm , nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau của nó: 
– Cứ nghe theo tiếng gọi của Bà Trưng như tao mà lại hay đấy. Qua ống nghe, tôi cười khành khạch. 
Nó ngẩn ngơ, rồi như đoán ra liền bảo: 
– Hồi 1980, 1985, Bà Trưng quê ở… Châu Phi, nên con cháu mò sang xứ “ruồi vàng” Angola, hay vùng có dịch bệnh Ebola ở Tây Phi (Nigeria, Sierra Leone và Liberia…) kiếm cơm, bây giờ Bà Trưng quê ở đâu không ai biết nữa, có lẽ trên khắp thế gian này, đâu có việc làm là bà Trưng đóng đô ở đó. 
Tôi cười , đọc lại câu thơ của giới trí thức nước nhà thập kỷ cuối 80 chọc nó:
 Bà Trưng quê ở Châu Phi 
Giáo sư, bác sĩ ra đi tìm bà 
Tìm bà để kiếm đô la 
Đem về cứu nước , cứu nhà, độ thân 
Bây giờ nếu được phép chỉnh đổi lời thơ có lẽ phải bảo: “Trạch Đông quê ở Việt Nam” mất. Chả thế con cháu ông ta ngập tràn Việt Nam, riêng khu vực Vũng Áng- Kỳ Anh quê tôi đã 4000 thằng, thì không biết cả tỉnh Nghệ An là bao nhiêu , cả 63 tỉnh thành trong nước là bao nhiêu ? Vốn là “Mao”, chúng theo gió bay đến mọi vùng miền thế giới, đặc biệt là Việt Nam, lấy vợ, đẻ con, lập làng, lập phố, mở nhà hàng, siêu thị và chiếm cứ cả một vùng rộng lớn . Lũ “ mao” này càng nổi bao nhiêu thì dân bản địa càng chìm nghỉm tận đáy. Bằng chứng xác thực là cả triệu tiến sĩ, cử nhân, người lao động trong nước thất nghiệp dài cổ, rã họng, bỏng ruột vì những thực phẩm bẩn rẻ tiền ôi thiu từ phương bắc tràn qua…Lẽ ra theo lời ông bà dạy: 
Bước chân đồng đất xứ người. Đứa bé lên mười cũng gọi là anh” thì ngược lại, cái lũ lao động không phép, tuổi đời từ 20 đến 50 này lại nhơn nhơn “hảo lớ! hảo lớ” với nhau ngay trước mắt người Việt Nam… Ngoài việc lấy vợ chui, làm việc chui ra, chúng công khai làm những việc hết sức thô bỉ , điếm đàng khác, làm xóm làng nhộn nhạo như ong vỡ tổ, như chim lạc đàn, như cá mất vây, như cây mất gốc v.v Lúc chúng uống rượu, đuổi nhau khắp xóm và chửi thề “Tỉu hà ma nị”, lúc chúng tắm truồng, chạy tô hô ngoài đường, dùng gầu múc nước té vào người nhau rồi cười khanh khách như bị ma làm, lúc lại trộm cắp lẫn nhau, xập xí xập ngầu, vác dao, vác gậy dọa nạt dân làng…khiến cả họ hàng, hang hốc, lốc nhốc chích non phải dạt đi xa, hoặc đóng cửa gài then im ỉm cả ngày lẫn đêm. Chỉ mong một ngày công trình kết thúc để tống cổ lũ tu hú về nước mà nào có yên. Lũ lãnh đạo cộng sản dù biết chắc trong tổ chim chích có bao nhiêu mầm họa, vẫn nhắm mắt làm ngơ, ăn tiền của lũ tu hú già để vợ con chúng thi nhau đẻ vào ổ của những cặp chim chích Việt Nam rồi hất văng ra khỏi tổ những đứa con đứt ruột đẻ ra của mình. Hễ ai thấy trái tai gai mắt lên tiếng mách bảo bày chim chích ngây thơ rằng đâu là ác điểu, đâu là chích bông cùng họ hàng, làng nước của chúng, phải tìm cách đuổi cổ lũ tu hú đi để dựng lại tổ mới hòng bảo tồn nòi giống, thì cộng sản vung roi gân bò xuống…Thà mất nước ,mất tổ mà giữ được mạng ,bè đảng của chúng là chúng vung…quyết bảo vệ bầy tu hú độc ác, gian manh đến cùng. 
Co ro cái cổ gầy nhẳng trong chiếc mũ trùm đầu, tôi ra supper-maket gần khu nhà trọ gửi tiền về cho Trung. Mong nó sau cuộc hôn nhân đầy nước mắt này sẽ gây dựng lại từ đầu, xây được tổ mới cho mình mà không lo bị lũ tu hú ăn cắp trứng, cướp ổ như cũ. Cũng mong cu Tít – sớm trưởng thành, đủ sức đánh nhau với lũ tu hú đểu giả ác độc để bảo vệ tổ ấm, giang sơn, vùng đất “địa linh sinh linh kiệt” của mình.
Sacramento October 2017
Trần Khải Thanh Thuỷ
Lạc nhau
Xôn xao tu hú gọi bầy,
Hẹn cùng chim quốc hè rày tìm nhau...
Cả đời nào có gặp đâu ?
Người tìm không thấy lạc nhau mất rồi !!
Xác xơ vườn vải bóng lơi,
Giờ thì tu hú về nơi chốn nào...?
Thôi đành gặp lại mùa sau,
Có chim quốc gọi, người lao xao tìm !
NM  

Tu hú gọi mùa… 

Vườn vải nhà tôi ưng ửng đỏ là tu hú về. Tu hú về khẽ khàng lắm. Nó đậu ở một cành vải rậm. Nó kêu tu hú…tu hú. Tiếng của nó nhẹ mà bay xa.

Tu hú gọi mùa...
Bà bảo con chim quốc và con tu hú lạc nhau. Chúng hẹn gặp nhau vào mùa hè mà chả bao giờ tìm thấy nhau được. Có lần tôi và thằng Thắng xuống cây tu hú nhà anh Điệp tìm con tu hú. Cả làng có mỗi nhà anh Điệp có cây tu hú. Thằng Thắng bảo chim tu hú thì phải đậu ở cây tu hú chứ. Tôi gật đầu cho là phải. Nhưng tìm cả buổi chiều chả thấy. Thằng Thắng bảo: “Thế là mình, con tu hú với con chim quốc lạc nhau”.
Hai thằng tôi canh vườn vải cho bố bán lấy tiền. Hai thằng không dám ăn. Chúng tôi ngồi chờ nhặt vải rụng.
Buổi sáng, tôi dậy sớm nhất nhà chạy một vòng quanh những gốc vải. Tôi nhặt quả to giấu vào một chỗ rồi mới đem cho thằng Thắng biết. Hôm nào, nó dậy sớm được, nó nhặt quả to đem khoe với tôi. Tôi nịnh kiểu gì nó cũng cho. Hôm sau, nó lại khoe. Tôi dọa: “Mày mà không cho tao, tí nữa đừng đi theo tao!”. Thế là nó phải cho. Mùa vải nào cũng thế.
Cứ mùa vải thiều là cả cái xóm của tôi nhộn nhịp. Xóm không lớn lắm nhưng nhà ai cũng có vải thiều. Đôi vợ chồng trẻ ra ở riêng, bố mẹ cho dăm cây vải thiều làm vốn. Vải vừa chín ửng, dân buôn từ đâu kéo về ùn ùn. Họ đi từng nhà, dòm ngó, xem xét rồi ra giá. Nhà nào ưng vặt ngay, bó túm cẩn thận. Chiều tối, họ quay lại cân cho kịp chuyến chợ. Họ đi những chiếc xe Min đỏ, xe kích xanh, trắng có thùng hàng bằng gỗ đằng sau. Cũng có năm có cả những chiếc ô tô về đậu ở cổng làng. Cân vải lúc nhá nhem, trẻ con tha hồ ăn trộm. Thằng non gan thì vặt trộm một quả, một nắm. Những thằng lì lợm như anh Điệp hay thằng Hảo Tềng thì cầm cả túm quẳng vào vệ đường. Đèn điện sáng trưng. Làng vui như có hội.
Vặt vải bị bọ xít đái là cháy cả mảng da ngay. Nếu như ai biết mà lấy ngay quả vải, bóc vỏ dịt vào thì không để lại sẹo. Tôi và thằng Thắng lúc nào cũng háo hức chờ ngày bố bán vải. Hôm ấy, chúng tôi sẽ không phải ăn vải rụng nữa. Nhưng tất nhiên, chúng tôi sẽ chỉ ăn quả nứt và dơi gặm thôi. Anh Điệp bẻ vải hộ nhà tôi. Anh cứ ngồi trên chạc ba vơ cả nắm ăn như bị bỏ đói. Anh chọn những quả ngon nhất vừa xuýt xoa vừa ăn. Tôi tiếc lắm nhưng không làm gì được.
Lúc vườn vải xác xơ thì làng cũng vắng bóng dần những chiếc xe xanh đỏ. Đứa nào may mắn mót được một quả vải xanh lấp sau khe lá thì phải để dành đến lúc thối không dám ăn.
Chẳng biết con chim tu hú ngừng kêu từ lúc nào. Chắc nó đã theo những chiếc xe chở vải xuống thành phố rồi. Vì nó là con chim tu hú mà.
Nguyễn Anh Thế

Nhớ tu hú gọi
Tháng năm tu hú gọi bầy,
Tiếng kêu hoang hoải như người lạc nhau !
Bên song ngắm ánh trăng vào,
Gió mùa hạ thổi hanh hao nỗi buồn.
Bao năm dành trọn thanh xuân,
Đến khi gặp lại bâng khuâng tiếc thầm...
Thương người xưa của trăm năm,
Thèm nghe lá rụng xa xăm quê nhà.
Tình đời một cõi phôi pha,
Như tu hú gọi phương xa vọng về...
NM
              Mùa tu hú gọi
Đêm nay nằm ở một nơi ồn ào xe cộ và tiếng bán mua trong khu chợ đầu mối vọng vào, tôi nghe thấy tiếng tu hú gọi bầy rồi không gian bỗng nhiên tĩnh lặng. Đưa tôi về với ký ức một đêm tháng năm nào đó trong đời. Tiếng tu hú đọng lại thành từng giọt rơi xuống hồn người giữa đêm khuya. Mùi lúa chín ngoài đồng quyện trong hương gió, lạch cạch khua mấy bó củi khô dựng ở sau nhà. Cửa sổ nhà ai khép hờ, lúc canh tư ngó qua hàng rào còn thấy bóng người vò võ. Như khắc khoải chờ đợi ai trong niềm mong ngóng khôn nguôi. Dưới một mái hiên khác hình như có người vừa trở giấc, tiếng ho khan đủ se sắt lòng người. Mùa tu hú gọi bầy cũng là mùa con người nhớ nhung nhau. Nghe trái vải non rụng ngoài vườn cũng thon thót giật mình tưởng bước chân ai ghé đến. Hoa sấu lác đác rụng nhẹ hều như tiếng thở dài của người thiếu phụ. Đàn gà con tỉnh giấc chiêm chiếp mò tìm cánh mẹ. Trong căn phòng tối mờ, tiếng thạch sùng tặc lưỡi ngao ngán phả vào bức tường rêu hơi thở của thời gian. Gáy sách cũng muốn cựa mình để rũ bỏ đám bụi bặm và những con mọt đang nghiến răng kèn kẹt…
Những con tu hú quanh quất đâu đó trong bờ bụi thường chỉ nghe thấy tiếng. Thứ âm thanh da diết réo gọi nhau một năm chỉ vang lên vào mùa vải. Tiếng chim như nhuộm màu vỏ vải từ lúc còn xanh cho đến khi đỏ lựng lúc lỉu gọi thời gian khoe sắc trên cành. Có những người đàn bà một mình hái vải buôn bán chợ xa. Đàn ông thường vắng bóng trong làng bởi họ còn mải miết đi làm ăn trên thành phố. Chừng nào lúa dưới đồng chín rũ từng bông thì lác đác người về bắt tay vào thu hoạch. Xôn xao khắp cánh đồng tiếng của gió ngàn, chim muông, máy móc. Mùa no ấm thấm đầy những giọt mồ hôi của cái nắng hạ gay gắt. Lúa gặt dần dồn tiếng tu hú về một góc. Trong khoảng trống chỉ còn lại những gốc rạ xác xơ. Đêm đến, trăng chảy tràn nhấp nhô trên đồng càng làm cho tiếng tu hú gọi bầy thêm hoang hoải. Mẹ tôi từng nói tiếng chim nghe như tiếng người khản gọi cố nhân. Sáng ra có ai đó chọn những quả vải chín nhất, mọng nhất mang phơi khô gửi người phương xa ngâm rượu. Ai đó giã mẻ cốm đầu mùa ủ trong lá sen non cất vào tủ lạnh. Dù có khi đến lúc người thương về thì cốm đã cứng, lá sen đã khô, ăn không còn vị dẻo thơm nữa. Cũng như có người dành trọn tuổi thanh xuân để đợi chờ nhau. Đến lúc gặp nhau rồi thì chẳng ai còn trẻ nữa. Ngờ ngợ như người đang đứng trước mặt mình đâu phải người mình thầm thương trộm nhớ. Nên những con tu hú kêu rạc họng ngoài kia đã chắc gì sống qua mùa đơn lẻ để đợi bầy về...
Trong bữa cơm sum họp cuối tháng năm có bát canh chua nấu sấu non. Cá rô ron rán giòn. Bát cà muối vừa đủ chua ăn với rau muống chấm tương. Bao nhiêu năm vẫn dung dị thế thôi mà cũng đủ níu chân người ở lại. Tôi đi xa, cứ tháng năm về là tiếng tu hú gọi bầy trong ký ức lại đánh thức nỗi nhớ quê. Phố xá ồn ào quá, tiếng bán mua chua chát mặt người. Bỗng thèm được nằm trong căn nhà ở quê, mở cửa sổ đón ánh trăng và gió mùa hạ mát rượi thổi vào. Thèm nghe tiếng lá rụng, tiếng quả rơi, tiếng ai đó cựa mình thức giấc. Lòng tự hỏi giờ ở nơi đó liệu có ai nghe tiếng tu hú kêu mà nhớ đến mình…
 VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Chờ mong
Mùa đã lại về tu hú ơi,
Chùm cây tu hú đỏ chân trời...
Tiếng chim tu hú buồn than thở,
Khắc khoải mong chờ nhung nhớ thôi !!
NM
 
Tu Hú quả và Tu Hú chim
 Quả vải thiều đã phổ biến đánh át quả tu hú. Tu hú là quả vải ta, vải chua, thường chín sớm hơn vải thiều khoảng vài chục ngày. Chín ngay từ đầu tháng tư âm lịch, khi những con ve còn mơ màng trong hang dưới đất, chưa rũ giấc ngủ cô miên, chưa tìm lên gốc cây lột xác.
Quả vải Thanh Hà, thứ quả tiến vua, từng phải cống nạp sang triều đình Trung Hoa để Đường Minh Hoàng tặng người đẹp Dương Quý Phi diễm lệ cắn ngập hàm răng ngà vafao cái cùi ngọc, sá kể gì nghiêng ngả triều đình và người lính bỏ xác, con ngựa chết gục vạn dặm đường xa. Máu và nước mắt đã thấm vào quả vải, để một Mai Thúc Loan đẩy quân khởi nghĩa thành ông vua Mai Hắc Đế nước Vạn Xuân.
Vải Thanh Hà gần đây được trồng thêm ở huyện Lục Ngạn, mỗi năm vài ba nghìn tấn quả tức là vài ba triệu cân, làm giàu cho một huyện.
Quả vải Thanh Hà, vải thiều tròn trịa, vỏ nổi gai mờ như gai quả mít mật mọng múi, cái hạt chỉ nhỏ bằng hạt ngô nâu bóng, nếu là quả điếc (ôi cái điếc đáng yêu) thì nó chỉ bằng hạt đỗ xanh téo tẹo.
Tháng tư ăn lấy cái vị cái hương ấy cho đường gân thớ thịt rung lên trong những nắng đã già, tiếng ve đã râm ran đầu cành sấu cành lim, trên lửa phượng màu xôi gấc ngọn ngàn…
Ngồi bóc từng quả mà ăn để cái ngọt vị thanh hương dịu ấy thấm qua vân tay có lẽ là thích nhất, ngon nhất chăng?
Quả vải thiều đã phổ biến đánh át quả tu hú. Tu hú là quả vải ta, vải chua, thường chín sớm hơn vải thiều khoảng vài chục ngày. Chín ngay từ đầu tháng tư âm lịch, khi những con ve còn mơ màng trong hang dưới đất, chưa rũ giấc ngủ cô miên, chưa tìm lên gốc cây lột xác.
Ngoài xa kia, trên cánh đồng, trên bờ sông kéo dài để tít tắp chạy hút vào chân trời xa thẳm, có rặng cây tu hú um tùm xanh ngắt. Quả chín đỏ, tưởng nó cũng là một thứ hoa mờ ảo, khẽ rung rinh theo gió vô hình, và đến gần thì chân răng ta ứa ra cái oái ăm, có mấy cô bé nhà nghèo ngồi dưới đất với cái mẹt tre cũ kỹ, chất đầy những chùm tu hú vừa trảy trên cây xuống, có chùm đỏ tía như người xấu hổ.
Đường xa, nắng mệt, đôi chân uể oải, muốn nghỉ phút giây, thư giãn hơi thở, hòa mình vào bao la ngắm dòng nước đang lững lờ hoặc vội vàng đuổi theo nhau trong lòng con máng nổi hay trong dòng sông đã đục báo hiệu một mùa lũ sắp đổ về… Mẹt tu hú kia mời gọi bao lời.
Quả tu hú gai dày hơn, nhọn hơn, xù xì hơn, màu sắc thẫm hơn và nếu trảy từ hôm trước thì đã vương một chíu xíu màu bẽ bàng thân phận kém ngon, mong chạm được đến tay người nhất là những cô gái thích nhâm nhi trái chua.
Nhưng thôi, em bé gái nghèo ơi, tạm biệt em và mẹ tu hú của em; ta còn đi tiếp dặm dài. Tạm biệt rặng cây bên bờ mương, trên triền đê. Ta đã nghe lời giục giã, thấy tiếng gọi khắc khoải, thấy nhớ nhung một điều gì xa xăm như thời niên thiếu, thấy bồi hồi như nhớ một người yêu dấu… Nó ở đâu thế nhỉ? Tiếng con chim tu hú ấy? Tu hú ơi, mi lẩn trốn trong cái hang nào mà suốt một năm đằng đẵng vắng lời để bây giờ xuất hiện, kêu lên tha thiết như gọi bạn tình vào hội, vô tình tiếng kêu cũng giục đầu cành quả đỏ.
Cứ vào độ cuối tháng ba âm lịch là tiếng chim tu hú lại vang lên gần xa. Không lánh lót như tiếng sơn ca, không đầm ấm như tiếng cu cườm, không mơ màng như lời chim gáy… Ồ, cái con chim tu hú, con chim mùa, con chim chỉ thấy tiếng mà chẳng gặp được hình, đúng là “văn kỳ thanh bất kiển kỳ hình” là mi đó.
Đã ai nhìn thấy con chim tu hú ấy không? Lông có màu gì? Đôi mắt ra sao? Chân nó vàng hay đỏ? Nó vươn cổ ra mình kêu hay gục đầu xuống mà thổn thức thành lời? Nó thở than cảnh suốt đời không biết làm tổ, chỉ đi đẻ nhờ vào tổ con chim khác.
Cũng vui vẻ. Quả vải còn gọi là quả tu hú. Nhưng con chim tu hú không bao giờ được gọi là con chim vải. Chẳng hiểu cái “đứa” chim và “đứa” quả có duyên nợ gì nhau mà có đứa nọ là có liền đứa kia, và khi chúng xuất hiện, làm ta bồn chồn không yên, cứ nhớ về một nơi nào đó, về một ai đó, về một rặng cây um tùm ven sông, một cảnh bãi, một khóm tre, một triền ngô phơi lá lụa…
Tu hú chim và Tu hú quả thì ra mùa đã lại về
Băng Sơn