Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Nếp tranh xưa

Kiếp Nghèo


Kiếp nghèo,
Thương thay số phận hẩm hiu,
Mái tranh vách đất sớm chiều lo toan..
Cũng vì số kiếp đa đoan,
Gian nan vất vã lầm than một đời !
Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại khóc người, thương thân !!
NM

Nhà nghèo 
         Đang mùa nắng, đột nhiên có đêm trời trở lạnh,  rồi một cơn mưa trái mùa ào ào đổ xuống. Con đường khuya như co mình lại. Xa xa, tiếng chó sủa lẫn vào tiếng rao hàng run rẩy của ai đó. Mẹ tôi bảo tôi ra xem cổng rào đã khoá kĩ chưa, tiện thể đóng luôn các cửa còn lại và nhìn xem cái mùng của con Lu có bị hở chỗ nào không. Tôi bước ra đúng vào lúc nghe tiếng chân người chạy thình thịch trên con đường đất lầy lội, rồi tôi thấy thằng Sang đang vác một vật gì khá nặng trên vai nó, sau lưng là cả đám người chạy theo. Tôi chạy qua xem, thì ra là chú Hồng, ba của thằng Sang, chú đã bất tỉnh, da xanh như tàu lá… 
           Người ta đặt chú lên cái chõng tre mục nát, cũng là chiếc giường duy nhất trong nhà. Sau đó kẻ đấm gió, người thoa dầu, vợ chú thì đi lấy gừng giã nhuyễn vắt lấy nước đổ cho chú. Chú còn đứa con gái, nhưng nó không thể lo gì được, nó vừa mới sinh xong hôm qua. Nghe tiếng nó khóc thút thít, tôi chạy vô xem. Thảm cảnh thứ hai phơi bày trước mắt tôi, mẹ con nó nằm trên tấm chiếu mục nát, trải ngay dưới đất trong chiếc mùng vá tứ tung, kế bên là lò than rực lửa …Tôi lặng người đi. Tôi biết nhà chú Hồng nghèo nhất xóm, nhưng nghèo đến thế này thì tôi chưa bao giờ tưởng tượng được. Không biết làm gì hơn, tôi quay qua hỏi nó “Mày ăn gì chưa?”. Nó lắc đầu rồi thều thào “Nhà em hết gạo rồi, đợi ba em về mua gạo...” rồi nó khóc…chỉ ra ngoài nơi ba nó đang nằm. Tôi nói với nó “Mày nằm đây đợi đi, tao về xem có gì không đem qua cho mày”. Tôi bước ra và thấy mẹ tôi đang đưa cho vợ chú Hồng nồi cháo thịt. Mẹ tôi nói : “Hồi sáng tôi thấy mệt, nên nấu nhưng ăn đến giờ vẫn còn. Chị đừng chê, nếu có thứ khác thì tôi đã đem qua rồi. Người bệnh ăn cháo tốt lắm”. Tôi nói xen vô: “Dì nhớ cho con Giàu ăn, tô của nó dì để nhiều tiêu hén. Nhớ bớt lò lửa than, coi chừng mẹ con nó thành heo quay”. Vợ chú Hồng nhìn mẹ tôi thật lâu, thật âu yếm, rồi hai hàng nước mắt cứ thế tuôn trào…
    Khi mọi người đã tản đi, mẹ con tôi cũng ra về. Tôi thấy mẹ thở dài một tiếng rõ mạnh rồi lắc đầu nhè nhẹ. Mẹ không nói gì thêm nữa, đi thẳng vô nhà, buông mùng xuống và tắt đèn. Nằm kế bên, tôi biết mẹ đã ngủ với tiếng thở đều từng nhịp. Còn tôi, đêm đầu tiên tôi biết thế nào là trằn trọc, là mất ngủ. Tôi cố gắng nhắm mắt và dỗ dành mình. Nhưng làm sao ngủ được khi cứ nhắm mắt lại là cảnh nhà chú Hồng lại hiện ra trước mắt, nhất là đứa bé đỏ hỏn nằm cọ quạy yếu ớt ngay dướt nền đất trên manh chiếu rách. Tôi nhớ đến con Lu, ngày nó đẻ, mẹ tôi lót cho nó một cái hộp giấy thật to, trong đó toàn là khăn lông mới mua vì mẹ sợ con của nó sẽ bị lạnh mà chết. Mẹ còn mua thêm cái mùng chụp dành cho người lớn để mẹ con nó ngủ được yên giấc. Nghĩ đến đó, hai hàng nước mắt tôi rơi. Tôi cứ nhớ cảnh con Giàu và con của nó. Kiếp người - kiếp chó, ai sướnghơn ai?
                             * * * * *
         Mẹ tôi kể, chú Hồng là người xứ khác lưu lạc đến đây một mình. Chú siêng năng và rất tự trọng. Với hai bàn tay trắng, chú làm thuê, làm mướn cho người ta. Công việc thường là cày ruộng, cắt lúa, vác lúa, phơi lúa vào các vụ mùa. Nếu không có vụ mùa thì chú chạy xe lôi, giăng lưới bắt cá ngoài đồng, trên sông…Nói chung là hễ không có việc này chú sẽ tìm việc khác để làm. Sau một thời gian, chú Hồng mua được miếng đất khoảng 15 mét vuông để cất mái nhà tranh nho nhỏ. Rồi chú lấy vợ, một phụ nữ câm mà chú để lòng thương trong những ngày cả hai cùng đi cày thuê, cắt lúa mướn. Họ không có đám cưới, chỉ dẫn nhau về góp gạo nấu cơm chung trong túp lều của chú. Nhưng chưa bao giờ ai thấy vợ chú Hồng khóc hay nhăn nhó. Trên khuôn mặt bà, luôn là nụ cười với ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Rồi họ sinh đứa con gái đầu lòng, chú đặt nó tên Giàu, có lẽ chú Hồng mơ đến một ngày kia, chú sẽ sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó này. Nhưng từ khi con Giàu ra đời, chú thêm một gánh nặng, nó lại khó nuôi, bao nhiêu tiền bạc đều dành dụm thuốc men cho nó hết. Căn nhà chú ngày càng tồi tàn hơn. Tệ nhất là vào mùa mưa, Chú và vợ phải qua hàng xóm mượn thêm thau, nồi để hứng nước mưa rơi xuyên qua mấy lỗ thủng mái nhà. Hàng xóm thấy vậy thương quá, hùn nhau mua lá về lợp lại mái nhà cho chú. Từ đó, hễ ai trong xóm có nhờ vả gì, chú Hồng cũng đều làm không lấy công để trả ơn cho họ. 
          Khi con Giàu được hai tuổi, thiếm Hồng sinh thêm một đứa con trai, lần này chú Hồng đặt nó tên Sang. Thằng Sang ra đời cũng không làm thay đổi được gia đình nó…Một ngày kia, vợ chú Hồng ngã bệnh suốt 2 tháng, bao nhiêu tiền dành dụm đội nón ra đi. Sau cơn bạo bệnh, bà không làm được việc gì nữa, chỉ ở trong nhà lo cơm nước. Người ta thấy chú Hồng ngày càng già đi, vóc dáng ngày càng héo mòn. Nhưng chú Hồng không bao giờ hỏi mượn tiền hay xin tiền của bất kì ai. Chú cũng không bao giờ than thở về cái nghèo của mình. Chú lẳng lặng làm việc nuối vợ và hai đứa con. Năm thằng Sang 12 tuổi, chú Hồng bị ho ra máu và đưa đi bệnh viện, người ta chẩn đoán chú bị lao lực, không thể làm việc nặng nhọc được nữa. Cũng từ đó, không ai chịu mướn chú Hồng trong những mùa vụ. Chú chỉ còn biết cùng thằng con ra đồng giăng cá, và đi bán vé số . 
         Còn thằng Sang, sau khi ba nó mất khả năng lao động nặng, chiếc xe lôi là người bạn trung thành luôn theo sau thân xác còm cõi của nó. Miếng cơm manh áo gia đình đè nặng lên vai nó. Năm nay nó đã 18 tuổi, nhưng tôi trông thân xác nó chỉ như đứa bé trai 14 tuổi. Chỉ có khuôn mặt là già đi. Tôi ít khi nào thấy nó nói cười, khuôn mặt nó lúc đi đường cứ cuối gầm xuống. Mấy đứa trong xóm gọi nó là thằng “âm binh”, vì trông nó lạnh lùng như một thằng lính trong đội binh của diêm vương mà chúng vẫn xem trên phim. Vậy mà nó làm việc rất giỏi. Mẹ tôi nói nó rất giống chú Hồng thời trẻ, làm việc không biết mệt mỏi và không hề tham của ai vật gì. Mẹ tôi kể, có lần mẹ tôi đi xe lôi của nó xuống chợ, mẹ tôi hỏi nó bao nhiêu tiền, nó xin một ngàn đồng, mẹ tôi đưa nó hai ngàn đồng và quay đi cố tình cho nó một ngàn đồng còn lại. Vậy mà nó nhất quyết chạy theo mẹ tôi và dúi vào tay bà một ngàn đồng tiền thối. Mẹ tôi nói cho nó, nó cười gượng “Con không dám nhận đâu, con chở cô ăn một ngàn đồng là được giá hơn chở mấy người khác rồi. Nếu cô thương con, từ đây về sau cô đi đâu kêu con chở là được rồi”. Từ hôm đó, hễ mẹ tôi có muốn đi đâu hay chở cái gì, bà nhất định phải đi xe của thằng Sang mới chịu. Thằng Sang chưa bao giờ dám nhìn đứa con gái nào trong xóm. Nhưng có lần tôi thấy nó chở một cô gái trên chiếc xe cọc cạch của nó trong mấy ngày tết. Nghe đâu, đó là đứa con gái đi làm mướn chung với con Giàu, có lần thằng Sang đem cơm vô cho chị nó, rồi tụi nó để ý nhau. Nhưng sau lần tết, không còn thấy thằng Sang và đứa đó đi chung nữa. Mẹ tôi nói gia đình đứa con gái không chịu vì thấy nhà thằng Sang nghèo quá nghèo!  Từ đó, thằng Sang càng lạnh lùng hơn. Một ngày của nó là dẫn chiếc xe lôi ra khỏi nhà và về lúc chiều tối. Nó vẫn sống và làm việc bằng tất cả sức lực vì nó bíêt, nếu không có nó, ba mẹ của nó biết nương nhờ vào ai? 
         Con Giàu thì sướng hơn thằng Sang một chút. Chú Hồng rất thương yêu và chăm chút cho nó. Có lẽ vì nó là con gái. Tôi nghĩ, nếu nó được sinh trong một gia đình khá giả, chắc nó rất xinh. Dù dầm dãi nắng mưa mà da nó vẫn trắng, khuôn mặt sáng, đôi mắt trong veo. Chỉ có bàn chân và đôi tay là rất thô kệch và không sạch sẽ. Vì có bao giờ thấy nó mang dép đâu. Nó cứ để chân không mà đi cùng làng khắp xóm gánh nước cho người ta, lội ruộng băng đồng trong những ngày cắt lúa mướn. Có lần tôi hỏi nó “Sao tao không thấy mày mang dép? Nhìn cái chân mày kia, thấy mà ghê!”. Nó cười nói “Em ghét mang dép lắm. Từ nhỏ em đã quen đi chân không rồi. Lúc trước em có đôi dép lào mang đi ruộng, để trên bờ đê bị thằng quỷ sứ nào lấy mất nên em ghét không mua nữa. Sao chân chị nhỏ xíu vậy? Đẹp hén. Hèn gì chị mang giày cao gót không hà. Em mà mang giày cao gót như chị chắc té học máu quá”. Nói xong nó vô tư cười như một đứa con nít..Hình như những đứa con nhà nghèo là như vậy đó, nếu không già trước tuổi, không lạnh lùng thì sẽ là những đứa rất vô tư, hồn nhiên đôi khi ngây ngô. Chúng lành như đất. 
         Một hôm, tôi nghe chú Hồng quát rất lớn tiếng, kèm theo đó là tiếng khóc thút thít. Chẳng lẽ chú Hồng và vợ chú cãi nhau? Hỏi ra thì mẹ tôi nói “con Giàu nghe lời người ta dụ dỗ, có chửa hoang mà không hay. Đến khi thiếm Hồng thấy cái bụng nó ngày một to lên, dẫn đi khám bác sĩ thì mới bíêt cái thai đã ba tháng. Khổ thiệt, “nhà sập bìm bịp leo”. Đã nghèo thế, còn gặp đứa con gái hư, nuôi thêm một đứa cháu. Tội nghiệp chú Hồng qúa”. Đó là lần đầu tôi nghe chú Hồng lớn tiếng từ khi tôi biết chú. Và cũng từ hôm đó, chú không la mắng gì con Giàu nữa. Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi qua, chú Hồng và thằng Sang cứ làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Mấy người trong xóm thường nói “Nhà chú Hồng chỉ nghèo tiền thôi, chứ về tình cảm thì không ai giàu bằng gia đình đó đâu.”. Ngẫm lại tôi thấy họ nói đúng lắm. Có hôm chú Hồng đi làm về, chú đứng thật lâu và thở dốc ngoài đường cho đến khi nào hết mệt chú mới vào nhà. Chắc chú không muốn những người thân nhìn thấy. Còn thằng Sang, có hôm nó chạy xe về tối quá, nhà đóng cửa ngủ trước, nó đành nằm ngoài xe lôi ngủ luôn chứ không dám kêu vì sợ ba mẹ nó thức giấc rồi sẽ không ngủ lại được… 
* * * * *
         Buổi sáng ngay sau đêm chú Hồng bất tỉnh, tôi trở dậy khi mặt trời còn nhập nhoà trong sương sớm. Mẹ tôi đã thức tự bao giờ nhưng không nghe tiếng bước chân bà đi lại trong nhà như thường ngày. Có tiếng râm ran trò chuyện vọng ra từ phía đối diện, tôi cố lắng tai nghe, có cả tiếng khóc …Thoáng qua đầu tôi là suy nghĩ về chú Hồng, tôi bật dậy ra khỏi giường chạy thẳng về phía cửa rào. Có cái hòm gòn để ngay trước cửa nhà chú Hồng, nhang khói đầy nhà. Thằng Sang mặc đồ tang trắng toát, mặt mũi đỏ hoe tay cầm cái trang trên dó có cái chưng hương. Thiếm Hồng thì dựa vào một người hàng xóm, nước mắt ròng ròng.. Tôi đứng lặng như không tin vào những điều mình thấy. Còn con Giàu đâu? Nghĩ đến đó, tôi vội chạy qua và đi thẳng vô nhà bếp. Tôi thấy nó đang ngồi ôm con bên lò than rực hồng, khóc nức nở. Tôi hỏi “Sao mày còn ngồi đây? Ra đó mà phụ đưa ba mày đi chôn chứ.” Nó mếu máo “Người ta cử không cho con nít ra chỗ mồ mả. Em đâu bỏ con của em được, để lại ai mà giữ dùm?”. Tôi nói “Mày đưa đây tao giữ cho, mày đi đi”. Nói xong tôi đưa tay bế đứa bé và trở về bên nhà. Mẹ tôi đã về nhà trước, nhìn thấy tôi bà nói “Con đem nó vô phòng, buông mùng xuống và đắp mền cẩn thận. Mẹ pha sữa cho nó uống”. Tôi hỏi “Mẹ ơi, sữa đó của mấy con cún nhỏ mà, nó uống được không?”. Mẹ tôi liếc yêu tôi và nói “Sao lại không? Sữa này tuy là mẹ cho cún con uống, nhưng là sữa hạng nhất dành cho em bé mà. Con đừng lo.” Tôi im lặng nhìn đứa bé, chút nữa nó sẽ được uống thứ sữa mà con Giàu phải bỏ ra cả tháng trời cắt lúa mướn mới mua được. Tự dưng khoé mắt tôi cay cay..và giọt lệ nào rơi lên khuôn mặt bông sữa của đứa bé, chảy xuống khoé môi nó, nó tưởng là sữa và chu miệng mút…  
         Tôi trở ra khi mẹ đã cầm sẵn trên tay bình sữa. Mẹ cẩn thận để vào khuôn nước lạnh cho mau nguội. Tôi hỏi mẹ “Đêm qua chú Hồng bị gì vậy mẹ? Sao sáng nay lại như vậy?”. Mẹ nói “Chú Hồng đi bán vé số về muộn, trời đổ mưa bất ngờ, chú chạy xe vội quá mà chiếc xe đạp của chú đâu có thắng, chỉ thắng bằng chân thôi, nên chú bị ngã trên đường. May không có xe chạy ngang. Mà may mắn gì chứ, cũng đâu qua khỏi. Chú Hồng bệnh nặng lắm, mẹ và mấy người hàng xóm cứ khuyên ở nhà đi, rồi xóm mình sẽ hùn tiền giúp đỡ chú làm ăn tại nhà. Chú ấy không chịu mang ơn ai. Biết làm sao bây giờ…”. Mẹ nói vậy và cầm bình sữa đi vào buồng. Tôi ngồi lại nhìn qua nhà chú Hồng. Chú Hồng đã đi rồi, thật lạ, tôi không cảm thấy buồn cho chú. Tôi nghĩ ở thế giới bên kia, chú sẽ được sống thoải mái hơn, ít ra cái nghèo không đè nặng lên cuộc đời chú như ở đây. Nhưng trong lòng tôi có một thứ cảm giác lo sợ đè nặng tâm can mình. Căn nhà rách nát ấy vẫn sẽ là nơi náu thân của bốn con người, những người còn sống và cái nghèo cứ quấn lấy cuộc đời họ từ ngày này sang tháng nọ…từ đời cha đến đời con rồi bây giờ là đến đời cháu, không biết bao giờ dứt…. 
Vân Lam ĐH1C3

 
Hồn quê,
Thương hoài một mái tranh quê,
Mát khi hè nóng , ấm ngày gió Đông...
Tuổi trời sắp bước qua sông,
Vẫn luôn hoài niệm khói lèn mái tranh !
Vô Thường tựa khói mong manh,
Tiếng kèn réo rắt âm thanh đêm buồn...
Mà sao càng nhớ càng thương,
Mái tranh xóm cũ vấn vương tâm hồn.
NM
Nếp tranh xưa
Buổi chiều, cỏ tranh dựng đứng lên xếp thành một lũy ở bìa làng. Ngay khi rễ cỏ còn vương dấu đất, loài tranh đã tự biết làm phên chắn gió cho một cõi linh thiêng tục gọi cồn Mai. Trong ý nghĩ của người quê, cỏ tranh biểu thị cho sự ấm áp và đôn hậu.
Hồi ấy, trẻ con chúng tôi vẫn hay rủ nhau xuống cồn Mai chơi trò trốn tìm. Nơi trú ẩn kín đáo nhất chính là giữa lùm cỏ tranh. Ở làng, người ta đồn nhau rằng trong những bụi rậm thường hay có ma, trẻ con trốn vào đó rất dễ bị ma thu. Thế mà có lần quên, chúng tôi đã nhảy vào ngay giữa lùm cỏ tranh và nằm yên rất lâu. Tưởng như không còn sự yên lành nào hơn thế. Xung quanh, cỏ tranh phủ che hết những thân hình bé bỏng. Đến khi trở dậy để ra về thì trời đã xế chiều, nắng cuối ngày vàng cháy khiến màu đỏ của ngọn cỏ tranh như được rưới thêm dầu để tía đi. Nét độc đáo của cỏ tranh là ở chỗ nó tự biết trang điểm cho mình.
Ông cụ họ Võ ở làng Võ Thuận hay ra cồn Mai cắt cỏ tranh. Nhiều lần tôi gặp cụ lưng gùi một cái trác tre, tay cầm liềm, tản bộ lặng lẽ như cái bóng của người muôn năm cũ còn sót lại. Cụ bứt một trác tranh đầy rồi gùi về nhà.  Thời điểm ấy, người quê hầu hết đã lợp ngói, riêng cụ vẫn giữ mối thủy chung với mái tranh. Cụ nói đi loanh quanh cho giãn gân cốt chứ ngồi một chỗ, không vận động là chết liền. Lại nữa, nằm nhà mái tranh hay lắm, mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm áp. Tuổi này gọi là tri thiên mệnh, phải biết tự thương mình chứ trời không ngó ngàng tới nữa. Đấy là một kiểu kinh nghiệm trường thọ của người già. Hơn thế, cụ đã cho tôi được chứng kiến thêm một hình ảnh, một tấm lòng nặng nặc neo giữ hồn quê.
*****
Năm 2004, tôi theo chú vào dựng mái ngói cho ngôi nhà mới xây của cụ. Cụ đã yếu đi nhiều nhưng vẫn ngồi trước sân, sắp từng tấm tranh nhẹ nhàng như thể sợ làm chúng đau. Người tôi gặp buổi ấy đã thành thiên cổ, cỏ tôi về bữa ấy đã hóa thiên thu, riêng hồn cỏ thì như còn mang hơi thở của Thiên Thai thuở Lưu, Nguyễn gặp tiên. Thuở ấy, tất cả những loài cỏ còn ngủ, riêng cỏ tranh (bạch mao) thì dựng lên làm nhà cho hai chàng chung sống với tiên nữ. Có lẽ đấy là túp lều tranh lý tưởng đầu tiên của nhân loại. Và căn nhà của cụ Võ là túp lều tranh cuối cùng của vùng quê này.
Cỏ tranh sau khi cắt về được trải ra phơi cho nó hơi tiu tiu lại rồi mới đem bện. Người ta chẻ tre chuốt thành những sợi lạt dài chừng một sải tay. Sau đó gập đôi sợi lạt lại và nhét từng nhúm nhỏ cỏ tranh vào để đan. Vừa đan vừa dùng một cái dùi cui đánh vào lạt để cho tranh được chặt, vì thế thao tác bện tranh còn được gọi là đánh tranh. Ngày trước, khi làm nhà thì mái tranh được chú trọng hơn cả. Phải bện sao cho sau khi lợp lên, qua mưa nắng tranh vẫn phải khít kín. Ngay ở lúc mới dựng nhà, tranh đã gắn liền với một nghi thức tín ngưỡng. Đó là trong lễ thượng lương (tức đặt cùi đòn tay chính giữa), người ta phải treo lên cùi đòn tay ấy một tấm tranh bện tốt nhất. Ngụ ý rằng căn nhà của mình được bảo hộ ngay từ khi mới hình thành.
Tôi vẫn giữ lại cho mình hình ảnh làng quê thuở ấu thơ, khi mà chưa có viên ngói đất nung đỏ thì cả xóm đều rợp mái tranh, tường nhà là phên trát bùn trộn phân trâu. Mỗi căn nhà đều có một màu xám
bình dị mộc mạc. Màu xám tuy cũ nhưng không buồn, như kiểu màu lông chim sẻ. Những hôm có trăng, tôi thường ra sân ngồi chơi hóng gió, ánh trăng vàng rót xuống mái tranh chảy từng đường như chuốt tóc.
Đến bữa nấu ăn, khói bếp lèn qua mái tranh và vắt ra bên ngoài một màn trắng phả lên trời. Đấy chính là cái bảng lảng mà thơ xưa thường lấy để ví cho nỗi niềm vấn vương quê cội, hay Hàn Mặc Tử đã mượn để minh họa cho sự nồng nàn nhất buổi mùa xuân chín:  

Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

 Chú gà trống thấy khói giỡn cũng thích đùa cùng, thế là nhảy tót lên mái lều thỏa chân bươi bươi rồi vỗ cánh khiến vài sợi tranh run run. Thỉnh thoảng vài loài chim đồng vẫn ghé vào chui dưới mái tranh làm tổ, đẻ trứng xong lại thản nhiên ấp nở.
Nằm dưới mái tranh, ngó lên, ngó lên… ta gặp ngay ca dao:  

Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu. 

Trẻ con bây giờ đi học chắc sẽ khó hình dung để hiểu được câu ca dao này. Chỉ có mái tranh mới dùng nuộc lạt để buộc nối với đòn tay, thanh rui. Nuộc lạt thường dùng là nuộc dây mây vì nó bền, khó bị mưa nắng làm mục.
Mùa mưa, nằm ngủ dưới căn nhà tranh chẳng lo bị đánh thức, mưa rơi trên mái tranh không gây ra tiếng ồn như mái tôn hay mái ngói. Tôi vẫn nhớ như in bao nhiêu kỷ niệm về căn nhà tranh dột thuở nhỏ. Nắng lọt qua chỗ mái thủng và đâm thẳng xuống nền đất như một sợi cước trong veo ánh vàng. Buổi trưa nằm ngủ có khi sợi nắng ấy chiếu ngay vào mắt, người Quảng Trị gọi là hen. Đêm mưa thì nước cứ lòng thòng chảy như ai đang khóc, ròng rã suốt. Mạ lấy cái thau đặt giữa nền hứng nước mưa, nằm một chốc lại phải thức dậy đổ thau nước đi.
Rồi những lần cởi truồng tắm mưa, tôi đều đứng ngay trước hiên nhà hứng những giọt nước chắt qua mái tranh nhỏ xuống. Đưa lưỡi ra nếm nước mưa ấy lại thấy mằn mặn. Cỏ tranh khi tươi có vị ngọt của thực vật, đến lúc khô thì hàm lượng muối natri clorua tăng lên. Các bộ lạc cổ xưa đã từng dùng cỏ tranh khô ngâm nước để chắt ra nước muối nấu ăn, hoặc các thú rừng thường liếm cỏ tranh mục làm gia vị mặn để sống Sang thế kỷ hai mốt, ở làng không còn một mái tranh nào nữa. Tôi cứ ngỡ sẽ chẳng bao giờ được gặp lại hình ảnh thân thương ấy. May thay, thời ở Huế có một nơi cho tôi tìm lại, đó là quán cà phê Vô Thường chỗ ngã sáu. Cả ba anh chủ quán là anh Hải, anh Luân, anh Quang đều có chung nỗi niềm hoài cổ nên muốn làm quán theo phong cách xưa với tường xếp gạch mái lợp tranh. Quán nằm ngay sát đường Hà Nội, chính quyền buộc phải dùng panô che phía mặt tiền, không để những sợi tranh thòi ra, có vào trong quán mới nhìn thấy mái tranh. Những đêm ngồi ở quán Vô Thường, vài cây đèn dầu leo lét, tường gạch giản đơn. Tiếng saxophone réo lên giai điệu trong bài Xóm đêm của Phạm Đình Chương khiến tôi như được quay về cái xóm cũ của mình. Một chút bụi tranh rơi xuống, rưng rưng trong miền nhớ.
Hoàng Công Danh

Hồn quê xưa
Ước gì ta còn giữ,
Một chút hồn quê xưa...
Mái tranh nền đất cũ,
Cùng tiếng gà gáy trưa !
NM

             Nhớ nhà tranh vách đất 
Tôi sinh ra ở một làng quê ven đô, nơi mà những năm tháng ấu thơ tôi vẫn được chứng kiến rất nhiều những ngôi nhà tranh, vách đất, bởi làng quê tôi rất nghèo, người nông dân quanh năm chỉ trông vào ruộng đồng với hai mùa lúa thường xuyên thất bát, lúc thì chiêm khê, khi lại mùa thối… 

Ảnh minh họa
Làng tôi có cả thảy hơn trăm nóc nhà thì chỉ có độ gần chục nhà xây được nhà tường gạch mái ngói, còn đại đa số đều là nhà tranh vách đất. Nhà tôi cũng không phải là một ngoại lệ, khi đời ông bà nội tôi cũng nghèo, đến đời bố mẹ tôi cũng vậy, lo miếng cơm, manh áo còn khó khăn huống hồ lấy đâu ra tiền bạc để xây nhà kiên cố.
Ngôi nhà tranh vách đất của nhà tôi được ông bà nội dựng lên từ khi ông bà còn trẻ. Bố mẹ tôi thừa hưởng ngôi nhà ấy và cũng chỉ thi thoảng đại tu, sửa chữa lại cho chỉn chu vững chãi mà thôi.
Nhà dựng ở khoảng giữa miếng đất hình chữ nhật, trên nền cao cỡ gần nửa mét. Ngôi nhà 3 gian, 2 chái có khung toàn bộ là các đòn cây tre, từ dui, mè, cột, kèo cho tới các nan dọc đan ken làm vách ngăn.
Ông nội tôi kể rằng, trước khi dựng nhà ông đã phải kén chọn những cây tre già và nhất thiết phải là tre đực, bởi tre đực mới dày mình và chắc khỏe. Những cây tre đó phải thẳng, dài đủ cho chiều dài của ngôi nhà 5 gian.
Ông cho biết, để làm đủ cho ngôi nhà tranh vách đất 5 gian ấy phải mất đến hơn 50 cây tre các loại. Tre được chọn, khi chặt xuống phải mang ngâm xuống ao cho ngập nước với thời gian khoảng 1 năm để tránh mối mọt. Khi vớt những cây tre lên phơi cho khô rồi mới tới công đoạn đo đạc để cưa, cắt, đục cột, kèo…
Ngày dựng nhà hầu như cả xóm tới ăn mải (làm giúp) mà không lấy tiền công. Có hôm tới cả vài chục người và bà nội tôi phải vất vả lo nấu nướng sửa soạn cơm nước cho những người tới làm giúp đó ăn. Nhà dựng toàn là tre như vậy nhưng độ bền thì ngay cả một số loại gỗ cũng khó bì được.
Chẳng vậy mà theo như tôi được biết ngôi nhà ông bà nội tôi dựng từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, mà mãi cho tới khi bố mẹ tôi phá bỏ để xây nhà gạch vào cuối thật kỷ 90, nó vẫn còn vững chãi, cột kèo vẫn chắc khỏe.
Ngày tôi còn nhỏ, cứ khoảng 2 năm là bố mẹ tôi lại phải đảo mái tranh một lần, vì khoảng thời gian 2 năm luôn khiến mái tranh bị mục nát, khi mưa xuống sẽ bị dột. Để thay mái tranh cũ bằng mái tranh mới thường mất khoảng 2 ngày và thời gian thay mái tranh luôn diễn ra vào mùa cuối năm, bởi lúc này mới có gốc dạ dài của lúa nếp cốm hoa vàng.
Sở dĩ mái tranh ở quê đều được lợp bằng loại gốc dạ của lúa nếp cốm hoa vàng là vì, đây là loại lúa có thân dài, ống thân cây tròn, to, cứng vì vậy độ bền qua mưa nắng sẽ cao, không như thân cây lúa tẻ mềm mại. Khi gặt lúa người ta thường chừa phần gốc dạ dài khoảng từ 40-50cm để lấy nguyên liệu lợp nhà. Gốc dạ được phơi khô, sau đó mới mang lên mái lợp nhà.
Khi lợp, thông thường người ta chằm lại từng manh dài để xếp lên lần lượt theo chiều cao dần. Cũng có nhà cứ rải gốc dạ trực tiếp lên mái rồi mới lấy một thanh tre nẹp lại bằng các sợi dây lạt mỏng cho chắc chắn. Những buổi nhà tôi lợp nhà như vậy thì hầu như các thành viên trong gia đình ai ai cũng phải vất vả. Bố mẹ thì lên nóc nhà lợp. Mấy anh chị em chúng tôi thì ở dưới dùng sào đưa các bó dạ lên mái cho bố mẹ lợp.
Những năm tôi lớn hơn chút xíu, do bất lợi của việc lợp nhà bằng rơm dạ là cứ 2 năm phải lợp lại một lần, rất tốn công, nên bố mẹ tôi đã chuyển qua mua lá cọ từ Phú Thọ về lợp cho bền. Nhà lợp bằng lá cọ mát không kém lợp dạ, mà độ bền có khi phải tới cả chục năm mới phải lợp lại…
Với tường vách quanh nhà thì tùy theo thiết kế chất liệu của từng nhà mà độ bền được ngắn hay dài. Thường là nhà nào cũng chát tường xung quanh, hay các vách ngăn bằng đất. Đất dùng chát nhà nhất thiết phải là đất bùn ao được vớt lên và nhào chộn với mùn rơm băm nhỏ. Sau khi có được nguyên liệu đất nhào rơm như vậy thì mới đến công đoạn chát lên tường.
Tường bao được làm từ các thanh tre đan ngang, dọc hình mắt cáo có lỗ to bằng nắm tay. Khi chát đất vào thì chính chất liệu rơm nhào lẫn có tác dụng giữ cho bùn đất không rơi xuống. Việc chát nhà phải chát cả phía trong lẫn phía ngoài cho nhẵn nhụi và phải kín các lỗ. Khi tường chát khô thì độ cứng cũng có thể chống chọi với thời gian khá lâu. Nếu không bị mưa hắt vào tường gây xói lở thì tường vách đất cũng có độ bền cả trên chục năm…
Ở nhà tranh vách đất là cực kỳ mát mẻ về mùa hè nóng bức và ấm áp về mùa đông giá rét. Chẳng vậy mà nhiều buổi trưa hè, trời nắng tới gần 40 độ, nóng như thiêu như đốt, chỉ cần bước qua cửa vào ngôi nhà tranh vách đất là ai đó đều cảm nhận được sự mát mẻ đến lạ kỳ.
Hay như nhiều năm, bước vào mùa đông lạnh giá, có khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ, vậy mà sống trong ngôi nhà tranh vách đất ta luôn cảm nhận thấy một không khí ấm nồng dễ chịu…
Cùng với sự phát triển của xã hội và đà đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, ngôi nhà tranh vách đất của gia đình tôi nói riêng, cũng như hết thảy các gia đình ở thôn quê tôi nói chung đều mai một và mất hẳn vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Nhắc nhớ và hoài niệm lại những mái tranh vách đất không phải là muốn níu kéo lại cái nghèo, cái khó, nhưng quả là sự mất đi của những mái nhà tranh vách đất ấy là đáng tiếc, vì ước gì nền kinh tế của người dân vẫn phát triển, nhà tầng, nhà ngói vẫn mọc lên, nhưng đâu đó nơi thôn quê vẫn còn giữ được một vài nếp nhà tranh đơn sơ làm vốn quý, làm cái… hồn quê thì hay biết mấy (?!)… 
 Lê thị Hương
 
Ngày xưa, dựng mái nhà tranh vách đất thật kỳ công. Kỹ thuật dựng nhà chứa đựng nhiều giá trị tri thức dân gian.
Nhà tranh vách đất là kiến trúc nhà ở phổ biến ở các vùng nông thôn Quảng Nam trước đây. Bây giờ đi khắp các vùng nông thôn, nhà tranh vách đất đã vắng bóng, thay vào đó là nhà xây, nhà đúc… san sát nhau. Nhiều lúc đi giữa đường quê mà thèm lắm hình ảnh một mái nhà tranh vách đất, không biết sau này mấy ai còn biết đến những mái-nhà-ký-ức ấy.

Còn nhớ trước đây, khi gia đình chuẩn bị làm nhà, ba mẹ tôi bàn bạc kỹ lắm. Đi xem tuổi, xem ngày rồi mới bắt đầu mượn người đốn tre, chẻ hom đem ngâm bùn từ 5-7 tháng để mối mọt không ăn. Cắt tranh, giũ rạ phơi khô rồi chất trên phía chuồng bò chuẩn bị lợp mái. Đến ngày làm nhà, ba tôi đi mượn bà con anh em trong xóm tập trung phụ giúp. Làm theo hình thức mượn qua mượn lại, nấu cơm ăn chứ không tiền nong gì cả. Lúc đó làm nhà vui lắm, người “có tay nghề” việc gì thì giúp làm việc đó. Mà hầu như đàn ông trong xóm việc gì họ làm cũng được nên thuở bé tôi rất ngưỡng mộ họ. Từ khoét kèo, gác đòn tay, dựng mầm trỉ, chẻ lạt, đánh tranh, đưa tranh, đưa tre, buộc lạt đến đào lỗ cột, chẻ tre, nhồi đất, dọn dẹp, trét vách, đắp nền, đóng cửa..., người nào việc nấy nhịp nhàng.
Khác với nhà xây bây giờ (làm vách trước, dựng, lợp sau), nhà tranh vách đất thì dựng và lợp nhà xong mới bắt đầu làm vách. Người thì chẻ tre ra thành miếng nhỏ, buộc làm khung theo lối đan nan mốt (gọi là mầm trỉ). Người đào lấy đất thịt pha sét tốt mịn, đổ vào lượng nước vừa phải, nhồi nhuyễn, trộn rơm khô vào. Sau đó, tấp đất sét đã trộn với rơm lên mầm trỉ từng lớp một, đắp đến đâu thì dùng tay vuốt chặt đến đấy để các lớp đất sét kết dính vào nhau. Sau cùng là làm nền, gánh đất đổ vào san bằng, đầm chặt; lớp trên cùng đổ một lớp đất thịt, rưới ít nước cho hơi ướt, rắc tro bếp đều lên rồi đầm tiếp chỗ nào còn ướt thì cho tro vào đầm cho đến khi nền ráo đều thì thôi. Tro bếp có tác dụng giúp cho nền nhà không bị ẩm vào mùa mưa và không bị nứt vào mùa nắng.

Nhà tranh vách đất cũng có cột kèo, đòn tay… tương tự như nhà gỗ, nhưng tất cả vật liệu làm nhà đều bằng tre, tranh và vách bằng đất ép trên mành tre. Chủ nhân những ngôi nhà tranh vách đất thường là nông dân và được làm theo nhiều quy mô khác nhau. Có nhà trên, nhà dưới, nhà bếp... Nhà trên thường làm kỹ nhất: cửa vào nhà trên trổ ở giữa vách phía trước, hai cửa sổ ở hai bên, chái bên có thêm cửa sổ, nhà trên có cửa thông với nhà dưới. Nhà trên chủ yếu để thờ cúng, tiếp khách, đàn ông hay người lớn mới được ngủ. Nhà dưới dùng để sinh họat chung, ăn uống, đàn bà con gái ở, nhà này còn có buồng để tích trữ nông sản. Nhà bếp để nấu ăn, đựng các vật dụng của bếp núc. Nhà nào chưa đủ điều kiện thì đầu tiên chỉ làm nhà trên và nhà dưới, còn nhà bếp làm sau. Nhà tranh vách đất thường làm thấp để phòng tránh gió bão; giọt tranh trước nhà thấp đến mức người hơi cao bước vào nhà nếu quên cúi xuống là bị đụng đầu.
Nhà được cho là đẹp là nhà có hè đắp ngay thẳng, vách trát phẳng lì không nứt nẻ, mái tranh không lởm chởm, giọt tranh dày được cắt bằng; bên trong nhà, cột kèo cấu kết với nhau vững chắc, lỗ đục láng, sắc, khít khao. Nhà tranh vách đất nhanh xuống cấp, khoảng chừng 2-3 mùa mưa dầm thì lở hè, rã vách, dột mái… Cho nên chủ nhà luôn để ý nếu bị hỏng là sửa chữa ngay. Mái  bị dột thì mượn người dọi lại (thay tranh một chỗ bị hỏng). Nếu nhà lâu năm tranh bị cùn thì thay tranh mới, lấy tranh cùn lợp chuồng heo, chái để củi…
Hôm nay, nhìn “bức tranh” nhà ở khang trang, thấy được sự thay da đổi thịt của quê nhà, lòng lại nhớ mái tranh vách đất năm xưa. Tôi cố công đi tìm để ghi lại vài hình ảnh làm tư liệu sau này. Thế nhưng, hiện nay dạng nhà này chỉ còn lại trong ký ức của các vị cao niên. Vừa rồi có anh bạn nảy ra ý tưởng làm ngôi nhà tranh vách đất để làm phòng khách tại Tam Kỳ, nhưng tham khảo vật liệu và công làm nhà chi phí quá cao nên dự định đã dừng...
TRẦN VŨ