Bên Bến Sông Buồn
Chùa Bửu Long và Ngôi nhà thờ cổ
Chùa Bửu Long thuộc huyện Tân Bửu, quận Bình Chánh cũng cùng một nơi với quê hương bên nội của cha con Ti, chỉ hơi khác là chùa Bửu Long nằm bên này sông, nơi đây ban đầu là chỗ gởi hai hủ tro cốt của Bà cố và ông nội của Ti, ngoài ra còn có sẵn hủ tro cốt của ông Sơ là ông cả Hương, một hương chức cố cựu nổi tiếng giàu có nhiều đất ruộng ở quê hương Bình Chánh nầy !
Vị trí của chùa khá nên thơ vì từ con đường tỉnh lộ quẹo vào con đường đê tương đối rộng còn phải đi qua một lối nhỏ bằng bê tông mới vào đến cổng chùa, hai bên là ruộng cũng có nhà và ao thả súng, sen .... Sau nầy tro cốt được dời đi hai cô cháu không có dịp viếng thăm chùa thường xuyên, lần ghé gần đây trước giãn cách thấy quang cảnh không còn như cũ, chùa đã được tu sữa lại không còn phong cảnh làng quê mộc mạc nữa !
Dòng sông chia đôi bờ bên này bờ là chùa Bửu Long, bên kia bờ là đường vào nhà thờ họ
Chùa nằm kề cận bên sông có bến đò nhỏ để thuyền cặp ghé vào vì hai bờ sông chưa có cầu bắc ngang qua, người dân muốn qua lại hai bên sông đều phải đi bằng ghe máy nhỏ hay phà nhỏ, mỗi lượt khách lên phà đầy đủ, phà chỉ cần quay đầu lại là đến bờ bên kia! Ban đầu hai cô cháu chỉ biết viếng chùa Bửu Long những dịp Thanh Minh, lễ Tết...Tất cả những người liên quan đến dòng họ hai cô cháu chưa có dịp gặp mặt chỉ biết chút ít nguồn cội cha con Ti qua lời thầy trụ trì chùa này, thầy là người cố cựu ở đây nên rất rành về gia tộc của Ti ở quê và ở Sài gòn nữa...
Trong thời gian các hủ tro cốt còn lưu lại đây, cảnh quang chùa hãy còn thơ mộng và đậm chất chân quê, mỗi lần có dịp viếng chùa là thầy hay lưu lại trò chuyện thăm hỏi, mời thưởng thức những chung trà lá dứa rất thơm ngon, lúc đó các hủ tro cốt nắp chưa gắn kín lại không có hình và bảng tên, thành ra phải lục tìm hình cũ đi rửa ảnh, đặt bảng tên rồi lựa ngày tốt nhờ Thầy gắn hình và bảng tên giùm, dùng ciment trắng khằn nắp của các hủ tro cốt để phòng khi hủ ngã sẽ không bị đổ tro cốt ra ngoài !!
Theo lời thầy, thân nhân bên nội Ti vẫn còn ở đây nhiều, nhưng không hiểu tại sao người ta vẫn giữ nguyên tình trạng các hủ tro cốt chông chênh như vậy ? Khi biết mối liên hệ của cha con Ti với ông Cả Hương Thầy trụ trì rất có thiện cảm, thầy thường kể cho nghe những tin tức tranh chấp đất đai của "những bậc trưởng bối", hầu như người ta quên mất hãy còn sót lại chút máu mủ tình thân của người con gái cả của ông cả Hương !! ...Cứ như thế hai cô cháu âm thầm đi viếng bên nội Ti một thời gian khá dài ....Sau này Ti lớn lên lại tiếp tục chở mình đi viếng tro cốt ở chùa Bửu Long, tin tức dòng họ cũng chỉ biết qua thầy ở chùa....Mãi cho đến một ngày thầy trụ trì báo tin "bên kia" muốn gặp và liên lạc với hai cô cháu để nhìn "bà con" có lẽ vì người ta thỉnh thoảng cũng ghé chùa thăm tro cốt, khi nhìn thấy hai hủ tro cốt được gắn hình và bảng tên đầy đủ và nhất là sau khi tranh chấp phân chia ruộng đất xong hết thì mới bắt đầu nghĩ đến việc muốn gặp hai cô cháu để "nhận" bà con !
Theo
chỉ dẫn của thầy hai cô cháu đã gặp bà con bên Ti, bà thím Ba đã vui vẻ
tiếp đón và mời hai cô cháu đến dự đám giỗ "bà cố dì" là em của bà cố của Ti,
căn nhà thờ họ lúc ấy cũng khá cũ nhưng còn được chăm sóc, nhà chỉ mở
cửa khi cúng giỗ các bậc trưởng thượng, phần hương hỏa thờ phượng có lẽ
thuộc về vợ chồng chú Ba Cao cho nên hôm đó Thím Ba mời tất cả bà con hàng xóm ở
chung quanh đến dự rất đông, rất vui và thân tình nhờ không khí dân dã
của làng quê, mọi người ở đây không chỉ là láng giềng mà hầu như còn có liên
hệ bà con gần xa với nhau cho nên hàng năm vào mùa nước lên, con trai
chú thím Ba phải khuân vác tủ thờ, bàn ghế đi gởi hàng xóm vì nước tràn
lan vào nhà !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét