Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Bến lở bến bồi



Hình bóng xưa
Trên sông đây bến đò xưa,
Nghiêng nghiêng vành nón tay đưa mái chèo..
Cũng là một ánh trăng treo,
Cũng đôi mái đẩy xuôi theo giòng đời..
Dáng người trong gió buông lơi,
Nào ai có biết mộng đời đã qua ?
Trên đường thiên lý dặm xa,
Nhớ sao hình dáng mặn mà năm xưa !
NM
Bến đò năm xưa
(Bến Đò Năm Xưa. Truyện ngắn của Khái Hưng đã đăng trên Tuần Báo Ngày Nay số 21, in ngày chủ nhật, 16/08/1936 tại Hà Nội)
78cd5e6d-e0a9-4833-bb57-5d99bb5e45ee
Nguyên dừng lại trên đê cao, nhìn xuống con sông sâu. Và chàng mang máng nhận thấy rằng mười lăm, mười sáu năm về trước chàng đã đến đó một lần.
Dòng nước về mùa đông cũng cạn, cũng chảy lờ đờ. Bụi lau mọc ven bờ, lá vẫn xơ xác như xưa, hàng bông trắng vẫn se sẽ lao đao trước gió. Nhất là cây gạo thân thẳng và cao, ngạo nghễ đứng bên sườn đê rướn ngọn chọc trời, thì chàng không thể nhầm nó với một cây gạo khác được. Gốc nó phía trên tựa da trăn đầy những khoanh mốc trắng, phía dưới nổi lên những bướu tròn hùng tráng như những bắp thịt rắn chắc của nhà lực sĩ.
Nguyên đương tỉ mỉ nhận xét điều ấy, thì đưa chàng đi sâu thêm vào thời ký vãng một làn khói lan tỏa ra ôm ấp lấy cái mái rạ rồi từ từ bay tản mạn trong đám lá xanh. Bấy giờ chàng mới kịp để ý đến túp lều bé nhỏ, xiêu vẹo, túp lều mà mười lăm năm về trước chàng đã thấy nằm núp dưới gốc cây gạo. Cho đến cả mảnh lưới nâu vắt phơi trên cái lao sặt, vại nước đặt trên khóm mía ở đầu nhà, mọi vật đối với ký ức chàng như đối với con mắt nhà mỹ thuật, một bức tranh sơn bỏ quên lâu năm trong xó tủ, bây giờ bỗng đem ra lau sạch bụi và treo lên tường.
Chiếc xe sắt đã trèo hết cái dốc đê và phăng phăng xuống bến để khiêng vào thuyền sang sông. Nguyên lững thững theo xuống. Nghe tiếng gầm gừ, chàng quay lại giật mình kinh ngạc: Con chó trắng bông dương cặp mắt thao láo dữ tợn nhìn chàng đi qua. Chàng nhớ lần trước chàng cũng thấy con chó bông trắng như hệt thế nằm bên khóm chuối kia gần đàn gà con đang bới đống rác bẩn tìm sâu. Chàng chau mày tự nhủ thầm: “Hình như ta đã để ở nơi này một kỷ niệm trong giây phút.”
a0678cc7-3c50-4896-8bb8-1fb693002648
Ý nghĩ ấy làm cho chàng bật cười. Nào phải bây giờ chàng mới có cái cảm tưởng, cái cảm giác như thế về dĩ vãng. Nhiều khi lần đầu bước chân vào một phòng khách lạ chàng chẳng thấy bàn ghế, đồ đạc bầy ở đó có nhiều quen thuộc, thân mật với chàng là gì?
– Mời ông xuống đò cho thuyền sang ngang. Chúng tôi ngồi chờ tê cả chân.
Ðương tò mò ngắm những xác vờ rải trắng trên làn cát ướt, nghe lời thúc giục, Nguyên quay lại. Trong chiếc thuyền nan, ngồi bên cái xe kéo, hai người đàn bà và một người đàn ông khoác áo tơi lá, gió thổi kêu lạt sạt. Và đứng ở đằng lái, lả lơi vịn vào con sào, một thiếu nữ óng ả, thon thon, tấm áo nâu đổi vai, hai vạt trước buộc gọn gàng ra phía sau lưng.
Nguyên bước lên thuyền trân trân nhìn cô lái, khiến cô bẽn lẽn cuối gằm mặt xuống, cắm sào xoay mũi, “Lạ! người này nữa! Ta cũng đã gặp rồi, mà gặp ở đây, ở bến đò này!”
– Cô vẫn chở đò ở đây?
Cô lái cho đó là một câu trêu ghẹo, bỡn cợt, nên lặng ngảnh trông đi, không đáp.
– Tôi nhớ mang máng lần trước tôi gặp cô cũng ở bến đò nầy, nhưng đã lâu lắm, đến hơn mười lăm năm rồi.
Tiếng cười rộ của bọn sang ngang làm cho Nguyên ngơ ngác:
– Mười lăm năm trước mà ông gặp chị Thà thì chị ấy đương chập chững tập đi.
– Ờ nhỉ!
Nguyên ngây người suy nghĩ “Ô! mình lẩn thẩn quá thực. Hồi đó, cô ta mới độ lên hai, lên ba!” Rồi chàng cũng cười theo. Nhưng chàng vẫn ngờ vực: “Chẳng lẽ mình mơ mộng đến thế được?” Một câu nói tiếp của một người đàn bà khiến chàng tỉnh ngộ:
– Mười lăm năm về trước thì họa chăng ông gặp bu chị Thà.
Người ấy quay ra nói chuyện với người ngồi bên:
– Chị Thà, chị ấy giống bu chị ấy như đúc.
Nguyên mỉm cười: “Phải, bu chị ấy. Có thế chứ, ta lầm sao được.” Chàng lấy làm tự phụ về trí nhớ của mình. Rồi chàng lại đăm đăm ngắm nghía cô lái đò: “Xinh xắn thế kia thảo hèn ta nhớ lâu, nếu quả thực người mẹ ngày xưa cũng đẹp như cô con ngày nay.”
Giữa lúc ấy anh sẩm cất tiếng hát. Cái giọng khàn khàn, đùng đục. Nguyên nhận thấy như đã rầu rãi nắng mưa, chẳng khác thanh sắt vứt lay vứt lắt, bị rỉ ăn luỗng từng chỗ. Nhưng cái giọng ấy, cũng vẫn cái giọng lần trước. “Hừ! chẳng lẽ anh sẩm này lại cũng là con anh sẩm ngày xưa.”
Anh mù ngửa mặt như nhìn qua đôi kính râm, đầu lắc lư, tay kéo nhị, há hốc miệng gào:
“Công cha như núi Thái Sơn, sữa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Người đàn ông chừng một ngày mấy lần qua sông nên thuộc lòng câu sẩm chợ, ngồi đập chân xuống sàn thuyền gõ nhịp, môi mấp máy lẩm bẩm hát theo. Còn hai người đàn bà thì thản nhiên như chỉ có bọn họ trong thuyền, oang oang nói chuyện:
– Sợi nhà bà ngâm được mấy buổi?
– Sợi nhà tôi ngâm được bốn đêm.
– Ờ! khá đấy! Nhà bà tràng vốn nên ngâm được lâu.
Nguyên kinh ngạc. Mấy mẩu chuyện, lần trước chàng đã nghe thấy không thiếu không thừa, không sai một tiếng. “Thì ra dưới trời này mọi vật không bao giờ thay đổi.”
Anh sẩm hát: “Ba năm bú mớm…”
Nguyên ném một xu vào cái thau sắt tây thủng, rồi cúi xuống ngắm bóng mây trắng lướt theo con thuyền êm lặng, trên giòng nước trong xanh.
Bài Lưu Thủy của anh sẩm nhắc Nguyên biết rằng thuyền đã tới bến. Chàng mỉm cười vơ vẩn, lấy làm lạ rằng mình đã lắng tai nghe hết bài hát. Mọi lần ở các bến phà, hễ anh sẩm cất tiếng, là Nguyên vội đãi anh một, hai xu để xin anh ngồi im cho. Nhưng lần này, bài ca tầm thường đã gợi trong lòng chàng một mối cảm hoài man mác, và đưa chàng trở lại với thời xưa. Vì thế chàng đã im lặng để những câu hát vô vị chạy lướt qua trí nhớ như bóng mây lướt trên mặt nước im trong.
Nguyên trả cô lái năm xu, rồi toan nhảy lên bờ.
– Ấy, ông để cháu giữ thuyền cho chắc chắn đã, chẳng ngã.
Nguyên đứng dốn lại hỏi:
– Bến đò này ở nơi hiu quạnh lắm nhỉ?
– Vâng, ở đây buồn lắm. Nhưng được cái cách phố phủ có sáu, bẩy cây số.
Lúc ấy có một người đứng trên đường gọi:
– Thà ơi, mày đi hộ tao, để tao chở thuyền cho. Tiền đây này!
Người đàn ông quẩy gánh củ cải nặng, bước xuống nước, bảo Nguyên:
– Bu chị Thà đấy. Có phải người thầy gặp lần trước không?
Nguyên ngửng đầu lên nhìn: “Ừ, bu con giống nhau thực!”
Cô lái đò nghe nói, mủm mỉm cười, gọi mẹ:
– Bu ơi, tiền đò đây này, bu giữ lấy. Ông cho năm xu đấy.
Người đàn bà quần áo lôi thôi nhem nhuốc chạy vội lại:
– Cám ơn thầy.
Bác gánh củ cải bảo bà ta:
– Này bà, bà có nhận được ông nầy không?
Nguyên cười, cho câu hỏi ấy vô lý hết sức. Nhưng chàng kinh ngạc xiết bao, khi thấy người đàn bà đăm đăm nhìn mình rồi vui vẻ chào:
– Ồ chào thầy! Trông thầy vẫn thế nhỉ. Không già đi mấy.
Nguyên còn ngơ ngác cố nhớ lại thì người đàn bà đã nói tiếp:
– Ngày ấy thầy mặc áo tơi dạ, chứ không phải áo sơn này. Với lại cái “bao-ly” của thầy có quai mà to hơn nhiều, tôi xách lên bờ nặng sái cả cánh tay. Mà thầy vui tính lắm, nói đùa luôn mồm.
Nguyên đáp:
– Bây giờ già rồi, nên mất cả vui tính.
Thế rồi Nguyên lên xe. Cái xe gỗ lạch cạch lắc lư, nhảy trên con đường gồ ghề, lồi lõm, không mấy khi được hân hạnh có chiếc ô-tô qua lại. Nhưng Nguyên không thấy khó chịu như lúc ở quãng đường bên kia sông. Còn văng vẳng bên tai câu nói của người đàn bà chở đò: “Thầy mặc cái áo tơi dạ… cái bao-ly của thầy có quai.” Và chàng nghĩ thầm: “Sau mười lăm, mười sáu năm, người ấy còn nhớ mình mặc áo tơi dạ và cái va-li của mình có quai! Người ấy lại nhớ cả mình vui tính nữa.”
Chàng tưởng tượng – tưởng tượng chứ không phải nhớ vì chàng không còn nhớ – chàng tưởng tượng ngay ra một cảnh gặp gỡ ở bến đò, cuộc gặp gỡ giữa cô lái xinh tươi với ông khách có duyên qua bến và như nghe thấy tiếng cười ròn tan trong luồng gió lạnh, như nhìn thấy cái liếc mắt lẳng lơ đưa theo dịp chèo đập nước.
Rồi kẻ đi người ở. Tình vẫn man mác phảng phất như chút hương nhạt trong hai tâm hồn có lẽ không bao giờ gặp nhau.
“Cái áo tơi dạ của thầy… cái bao-ly có quai của thầy…”
Cùng với cảnh chuyến đò gặp gỡ, một cảnh khác hiện ra trong tưởng tượng. Cảnh chờ đợi, nhớ mong. Nguyên như được ngắm cô lái, một đêm trăng ngồi tựa gốc cây gạo nhìn xuống dòng nước mà gửi hồn ruổi theo người khách lạ. Qua khóm lau thưa, lấp ló ngọn lửa con thuyền đánh cá. Xa xa, tiếng chó sủa trong lũy tre âm u.
Rồi hình ảnh người qua đò một ngày một phai cho đến khi mười lăm năm sau, một hôm người ấy trở lại…
Trên đường đất gồ ghề, lồi lõm, chiếc xe sắt hục hặc nhảy chồm như con ngựa bất kham… Nhưng Nguyên vẫn yên lặng bình tĩnh theo giấc mộng liên miên…
Khái Hưng

Hình ảnh có liên quan
Bến lở bến bồi,
Đôi bến dòng sông đâu cách xa,
Bên đây bến lở, đó bến bồi...
Dẫu chưa nên nghĩa tình thân thiết,
Luôn vẫn thầm mơ duyên kết đôi,

Đôi bến đôi bờ trông ngóng nhau,
Tim em che dấu mối tình sâu,
Thương cho bến lỡ tình nông cạn...
Thích bãi bồi kia mộng ước tràn !

Bao lần lỡ bước sang ngang,
Bao lần thầm khóc chứa chan giọt sầu...
Sông Tiền bồi đắp nông sâu,
Nước sông trong vắt còn đâu giọt buồn !?
NM 

Bến lở bến bồi

Chú ấp úng tại đó nhưng tôi không bận tâm. Tôi hỏi cho có vậy thôi chớ cũng biết chú đứng đó nhìn cô Liêu. Nhà chú nuôi rất nhiều bò. ngày nào cũng vậy, trước khi vác cái bao đi cắt cỏ bắp cho bò ăn chú đều đội cái nón lên đầu đứng bên bờ mẫu này nhìn mút mắt về rẫy ớt của cô Liêu

Ba đi rồi tôi chạy ra hè nhà, nơi có đám rẫy của cô Liêu, tôi muốn nhìn thấy chuyến đò chở ba đi. Tới đầu rẫy tôi gặp chú Tại đang đứng xớ rớ. Chú giật mình bởi bước chân tôi, quay lại. Thấy tôi, chú nở một nụ cười gượng:
- Đi đâu mà gấp vậy nhỏ?
- Ba con mới đi. Tôi chỉ tay về hướng bến đò.
- Đi đâu?
- Đi Cà Mau. Đi đám ma bà dì. Ba hứa sẽ mua về một đôi chiếu Cà Mau.
- Chú...
Chú ấp úng tại đó nhưng tôi không bận tâm. Tôi hỏi cho có vậy thôi chớ cũng biết chú đứng đó nhìn cô Liêu. Nhà chú nuôi rất nhiều bò. ngày nào cũng vậy, trước khi vác cái bao đi cắt cỏ bắp cho bò ăn chú đều đội cái nón lên đầu đứng bên bờ mẫu này nhìn mút mắt về rẫy ớt của cô Liêu.
Người ta đồn ầm chú mê cô Liêu nhưng cô Liêu đã thương người khác mất rồi, người nào được cô thương thật may mắn. Chú Tại đi cưới vợ cách đây hai tháng. chú Lương tận cuối cồn đi hỏi cưới cô hồi năm ngoái cũng mới cưới vợ hôm kia. Nhưng chú Tại chưa quên được cô, ngày ngày vẫn len lén nhìn cô từ sau lưng, nhìn một chút rồi đi.
Hôm nay chắc cũng vậy. Tôi bỏ chú sau lưng chạy ra hướng rẫy. Cô Liêu đang vô chưn mấy cây cà tím trồng quanh rẫy ớt. Những lá cà tím xòe tròn phơn phớt lớp lông tơ, xòe che mất cả bàn tay nhỏ rám nắng của cô. Tôi dừng lại đứng bên cô, mắt hướng về phía bến phà. Nơi đó một chiếc phà cũ kỹ cục mịch đang lù lù tách bến. Chắc ba đi chuyến phà này, chắc chắn như thế, tôi hình như có nhìn thấy cái áo sơ mi màu kem của ba đang giũ phành phạch trong đám hành khách. Tôi nói như reo:
- Cô Liêu ơi, ba con đi chuyến phà này nè.
Cô Liêu hơi ngẩng đầu lên, nhìn theo hướng tay tôi hỏi “vậy hả” rất nhanh rồi cúi xuống những bụi cà, sắn chét bật lên những khối đất nhỏ xốp xộp vương vướng vài sợi rễ cỏ. Tôi chờ cô hỏi ba đi đâu để khoe với cô mai mốt ba về sẽ mua cho tôi đôi chiếu Cà Mau. Ba đã hứa vậy khi từ chối cho tôi đi theo “đường xa lắm, con muốn ba mua cho cái gì, khi về ba mua?”. Tôi không biết Cà Mau có gì nhưng một lần nghe má nói ước gì có đôi chiếu Cà Mau để nằm. Tôi nghĩ chắc là đôi chiếu ấy đẹp lắm, nhiều màu sắc và hoa lá, hay là nằm lên êm lắm hay là ngủ trên đó sẽ mơ thấy bà tiên, bà sẽ ban phép cho ba và má không gây gổ nhau nữa. Nhưng tôi biết má sẽ không bao giờ nói với ba ý muốn đó vì má và ba thường xuyên giận nhau. Tôi ôm cánh tay ba nũng nịu “Ba mua cho con đôi chiếu Cà Mau”. Ba nhìn tôi không giấu được ngạc nhiên, tôi lắc tay ba: “Nghe ba!”, ba cười: “Ừ, thiệt tình!”. Ba thương tôi nhất, ba nói thương cái miệng rộng giống ba của tôi. Ba rất ít tiền và cũng ít đi đâu, nhưng đi đâu cũng không bao giờ quên quà cho tôi, chỉ mình tôi.
Đợi hoài không thấy cô Liêu hỏi gì, mất hứng tôi ngồi xuống vuốt tay vào mặt nham nhám của lá cà. Không cần cô hỏi, tôi vẫn kể:
- Ba đi Cà Mau đám ma bà dì. Ba sẽ mua đôi chiếu Cà Mau. Chắc là gặp đôi chiếu má mừng lắm vì má thích mà. Con cũng thích nữa. Mà cô có thích không?
- Ừ thích, chắc đẹp lắm...
Thấy chưa? Cô Liêu cũng nói đẹp. Nhưng sao cô không nói gì thêm, tay xới liên tục chỉ một gốc cà, mớ đất đã bị cô vằm nhừ nát. Cô Liêu vốn ít nói vậy nhưng cô thương tôi lắm. Ngày nào đi rẫy về cô cũng hái cho tôi những trái thù lù chín, mỗi kỳ bán ớt cô mua cho tôi cây kẹp, cô nói thương cái miệng rộng của tôi “cái miệng gì đâu mà cười là thấy hết tấm lòng”. Những khi rảnh tôi hay chạy ra rẫy để nói chuyện cùng cô, nghe cô kể về những ngày xưa khi cồn Châu Ma còn hoang vắng, cỏ mọc huốt đầu người, đế sậy tràn lan, ông nội cô và ông cố tôi về đây lập nghiệp. Cô kể những ngày còn nhỏ hay cùng những người bạn ra bãi mò hến mò trai, hồi đó bến này chưa lở. Cô nhìn chăm chăm vào bến lở, ánh mắt cô hụt mất bên bờ vực thì thầm: “Có những kỷ niệm đẹp mà mình không thể quên”. Vậy cô có kỷ niệm nào với chú Tại không? “Không có”. Có chớ, những ngày chú đứng nhìn lưng cô. Cô cười: “Con nhỏ này”. Tôi không ngạc nhiên khi thấy chú Tại mê cô.
 Tôi cũng như chú, thích nhìn cô. Thích cái dáng gòn gọn lưng áo bà ba bạc màu, bước chân nhẹ như bước chân mèo, mái tóc dài suôn mượt kẹp ngang sau gáy. cô hiền như những thửa đất trên cồn này, hiền nhất là đôi mắt, nhìn vào thấy cả vùng đất cồn hoang vu nào đó thật xa không tiếng động, chỉ có hương đất cồn thoang thoảng. Tôi cũng bắt chước cái nhìn của cô, để tóc dài thường hay túm mớ tóc mỏng manh lấy cái kẹp nhựa nhỏ xíu kẹp ngang, bắt chước cô từng động tác, từng câu nói.
Má không rầy không khen. Ngày ngày má chỉ chăm bẵm vào rẫy bắp, vào những bao bắp vừa thu hoạch sợ ướt sợ khô, ướt quá thì bắp hư mà khô quá thì nhẹ ký. Khi cân bắp cho thương lái xong má ngồi tỉ mẩn đếm từng tấm tiền, sợ bạn hàng đưa nhầm, sợ kẻ trộm vào nhà, sợ ba tôi lấy cắp tiêu xài hay cho ai đó. Má lo xa quá, cả đời ba chỉ có hai cái áo màu kem giống hệt nhau, ai không biết tưởng ba ở dơ độc một cái áo không tắm không giặt, ba không mua sắm gì thêm cho mình, không nghiện bất cứ chất kích thích nào, thỉnh thoảng ba có cần tiền cũng là để mua quà cho tôi, mà tôi thì không phải người lạ. Má có một mối lo gì đó.
Ba về, mối lo nổ đùng ra. Nguyên nhân không phải đến từ đôi chiếu dù nó không đẹp như tưởng tượng của tôi nhưng má tôi rất thích. Mọi chuyện bắt đầu từ chỗ ngoài món quà cho tôi, ba còn mua một xấp vải cho cô Liêu may áo bà ba. Má tôi bắt gặp ngay đúng lúc ba nhắn gởi vào tấm áo cái nhìn tha thiết. Ồn ào nhất trong cuộc cãi vã là tiếng chửi lạc giọng của má, từ miệng má từng tràng những từ ngữ ngứa ngáy lăng loàn dâm ô nhất được nhắm thẳng vào người đàn bà ba đang tơ tưởng. Má nói căm hờn những giọt nước mắt cô Liêu rơi khi nhìn ba gục đầu bên hiên nhà sau mỗi lần ba má gây nhau. Có những giọt nước mắt đó sao?
Từ sau ngày đó, khi nào buồn, khi nào ba không thân thiện với má, má ghim thẳng cái nhìn, ghim thẳng lời nguyền rủa qua nhà đối diện . Má không muốn gì cả, chỉ muốn cô Liêu lập tức biến mất trước mắt má.
Dường như đòn khủng bố có tác dụng. cô Liêu sang nhà tôi cười thật tươi: “Vài hôm nữa em lấy chồng mời anh chị qua dùng ly rượu nhạt, chúc em hạnh phúc trăm năm”. Cô lấy ai? Người thương cô bền bỉ và tốt như chú Tại đã có vợ rồi, chú Lương cũng thế. Cô Liêu ưng ngay một người đàn ông lạ nào đó ở cuối cồn, nghe nói ông ta hơi bị lảng tai, có lần còn co giật. Má tôi yên lòng. Nhưng chiều đó dông bão đổ xuống nhà tôi.
Tiếng gào thét đinh tai của má dội ầm giữa xóm cồn còn hơn cả âm thanh cuồng nộ của dông bão. Tôi tưởng má bị ba đánh nên hớt hải chạy qua. Má đang nắm tóc cô Liêu, ba đang gỡ từng ngón tay quếu chặt của má.
- Đồ ngựa, giựt chồng tao. Ngựa nè. Ngựa nè.
Sau mỗi từ nè má giật ngang mái tóc cô Liêu, vả bốp vào mặt cô. Mặt cô đỏ nhừ, mắt cũng đỏ, nước mắt chảy. Cái áo bà ba bạc màu trên người cô nhăn nhúm lệch lạc. Mái tóc dài rũ xuống rối tơi bời. Cô trợn mắt nhìn ba. Ba né cái nhìn của cô, gào to hơn má:
- Bà muốn chửi, muốn đánh, muốn giết nhắm ngay tôi nè. Tại tôi, tôi là đồ dã thú chớ không phải tại người ta.
- Ông hay quá hé. Tôi bắt được tại trận còn vênh mặt bênh vực nó. Được... được... Má nghiến ngầm kéo dài từng tiếng nói, nhào tới cây chét làm cỏ cô vắt bên vách nhà lao đến bổ thẳng vào cô Liêu. Ba chặn lại bằng chính người ba. Máu đỏ tràn ra đầy mặt ba, chảy ròng xuống ngực áo, nhểu xuống nền ván. Má hoảng loạn dừng tay. Tôi òa khóc.
Ba tôi không chết, chỉ bị một vết thương lớn ở trán và rời khỏi nhà, rời khỏi cồn từ sau ngày đó, không biết vết thương của ba đã lành lặn chưa. Khi mọi chuyện dần phai, tôi thường xuyên nhận được những món tiền ba gửi về với những lời nhắn “Con ráng học!”. Số tiền ba gửi hằng tháng không nhiều lắm, giúp má con tôi sống qua ngày khi rẫy bắp nhà tôi teo dần do bị con sông Tiền ngoạm từng miếng lớn. Và món tiền níu kéo má lây lất với hy vọng ba còn nghĩ tới má con tôi, ba sẽ trở về.
Đám cưới cô Liêu không thành, không phải vì chuyện lùm xùm với ba (ông ta vốn lãng tai mà). Khi ngày cưới gần kề, ông ta đi tắm sông và bị co giật đến chết đuối. Cô Liêu vẫn ra rẫy nhà mình trồng ớt, trồng cà, bước những bước nhẹ như bước chân mèo.
***
Tôi đi tìm bãi bồi lại chạm phải một người đang ngồi thu lu bên bến nước, gió bạt ngang cái áo màu kem sờn rách mỏng manh, lật run rẩy những sợi tóc chớm phai màu. Tôi không biết khi đứng bên cồn nhìn thấy bóng trắng bên này là cái áo hay mái tóc.
Ba tôi khóc, không thấy nước mắt nhưng cái miệng rộng của ba mếu méo xệch. “Ba có lỗi với con, ba không dám trở về xóm cồn dù rất nhớ con”. Tôi hiểu, nếu là tôi, sau sự việc ấy tôi cũng sẽ lặn sâu vào nơi nào đó của dòng sông cuộc đời để không còn nghe ai nhắc đến tên mình.
 Rồi ba kể. Ba và cô ấy thân nhau từ khi cô mới hơn năm tuổi. Ba không ngờ cô thương ba. Sau những trục trặc với má, ba rất buồn và buồn hơn khi thấy cô ấy không chịu lấy chồng. Những trận ghen của má đã đẩy cô đến một người đàn ông dị tật. Ba không nỡ nhìn thấy cô ấy cam khổ cả đời nên rủ cô đi. Cô ấy lắc đầu. Ba làm liều nghĩ rằng sẽ cưỡng bức đặt vào tay cô ấy một gia đình hạnh phúc. Nhưng sau chuyện đó cô ấy vẫn không đi. Cô nói, thương ba nhưng cô không thể để vì cô mà ba bỏ gia đình. Cô muốn chứng minh cho tôi thấy cô không phải là người gieo dông gió vào gia đình tôi? Ba tôi thất bại trong tất cả đã mải miết đi. Nhưng ba không thể nào quên được cái lưng áo bạc màu của cô Liêu và không yên tâm cuộc sống của tôi khi rẫy cồn lở từng mảng lớn. Ba quay về nơi này ngày ngày nhìn qua bến lở của cồn, nơi đó có tôi, có cô Liêu trong hai ngôi nhà đối diện...
- Cô có biết ba ở đây không?
- Có khi biết, có khi không,... Hồi đó cô ấy nói thương bến lở nhưng thích bãi bồi. Nhìn bãi bồi nhìn thấy cả tương lai rộng mở. Ba dành tiền mua bãi đất này định đưa cô ấy về đây sống. Nói hết câu đó ba ho khù khụ. Tôi nhìn nơi cổ họng ba, trái cấm đàn ông nhô ra nhọn liễu có cảm giác nó có thể rọc thủng làn da mỏng nhăn nheo của ba rồi lòi ra ngoài đốt xương trắng hếu, vầng trán nhiều nếp nhăn đẩy đùn cái sẹo lồi thêm to như con sâu vắt ngang giữa trán. Tôi nhìn quanh căn chòi, thấy những hũ chao rỗng nằm đủ kiểu, ám đầy bụi chỏng chơ với mớ củi điên điển ở góc chòi. Trên cái giàn nhỏ bằng tre, mấy đọt rau muống nằm vắt vẻo, héo queo...
Tôi đi tìm thuốc trị bệnh mất ngủ cho má và ghé lại nơi cô Liêu làm cỏ ớt. Nghe tôi nói chuyện, nghe tôi xin lỗi tay cô vẫn làm y như mười mấy năm về trước nhưng tay run, môi cũng run. “Con nhỏ này bày đặt không hà!”. Cô không nhìn thẳng tôi mà nhìn chăm chăm vào những bụi cỏ, sắn chét liên tục bật lên những gốc cỏ, một lúc ngước lên nhìn tôi cười. Miệng cô cười, mắt cô cũng cười nhưng tay không rời cây chét. Hình như cây chét là nơi để cô bám víu cho khỏi ngã suốt mười mấy năm qua, sống thản nhiên bên bến lở.
Tôi hỏi sông Tiền bao lâu nữa bến mới lại bồi. Vì sao mỗi lần đem đất bên này bồi đắp bên kia, lòng sông lại cuộn sóng sục sôi, lại oằn mình ngầu đỏ? Sông Tiền lặng lờ trôi như người vô tư không màng thế cuộc, nó đã trong trẻo rồi khi làm đúng sứ mạng một con sông. Tôi cũng muốn mình trong trẻo hơn. Bất chợt tôi hỏi cô:
- Cô còn thương con không?
Cô nhìn tôi nhưng không hỏi. Cô biết tôi còn một yêu sách nào đó trên nền tảng tấm lòng cô.    
- Nếu còn thương con, hãy giúp con chăm sóc ba để... con an tâm chăm sóc má.
Cô bỏ dở bàn tay đang túm bụi cỏ ngước nhìn tôi, mắt cô ngân ngấn. Hình ảnh cô trước mắt tôi cũng sắp nhòe ra nhưng tôi không cho nó làm tròn điều đó.
Ngoài xa kia sông Tiền vào hạn, nước trong veo như có thể nhìn thấy được tận đáy sông.
  Võ Diệu Thanh

Trở về
Con trở về đây trên bến sông,
Cũng trời cũng nước sóng mênh mông... 
Con mơ thấy mẹ trong vườn nhỏ,
Dáng mẹ liu xiu , mẹ khóc chồng ! 

Con trở về đây như giấc mơ, 
Ngỡ như sống lại thuở ngây thơ,
Bình minh ngập nắng vàng trong gió .
Nhớ chợ ven sông nhớ chuyến đò !

Con trở về đây mẹ đã xa,
Nhớ gian nhà cũ con có cha.
Bên giòng sông Hậu đầy thương nhớ,
Thưa mẹ giờ con đã đến nhà 

NM
 31

    Lỡ đò

Rất nhiều lần Trân nằm mơ thấy mẹ. Khuôn mặt 

mẹ Trân trông rất hiền.


Mẹ mặc chiếc áo màu nâu trên vai có mảnh vá - chiếc áo ngày xưa mẹ Trân vẫn thường mặc mỗi lúc đi chợ, đi làm đồng hay ngồi sau nhà thổi lửa nấu cơm, đun nước. Mẹ gọi Trân về, mẹ bảo “hứa về hoài mà không chịu về, mẹ đợi, mẹ nhớ”. Trân thấy mình có lỗi.
Thật tình Trân cũng muốn trở về thăm mẹ, giẫy mấy búi cỏ trên mộ mẹ hay ngồi tâm sự cùng mẹ trong những buổi hoàng hôn. Ba mươi tuổi, Trân làm việc trong công ty kinh doanh có tiếng trên thành phố, lại là chủ của một quán trà sữa nho nhỏ trên con đường có hoa lộc vừng. Những chuyến công tác, những ngày bận rộn với công việc kinh doanh, loay hoay xong việc trời đã tối mịt, phố đã lên đèn, lại một ngày nữa trôi qua trong gấp rút. Bởi thế, những lần về quê của Trân thưa dần.
Một ngày Trân xót xa nhận ra đã 5 năm rồi Trân chưa trở lại cố hương, bến đò cũ, con đường mòn lối đi quanh co xa dần trong trí nhớ của Trân. Mà Trân không về quê cũng bởi ở quê bây giờ Trân chẳng còn người thân. Ba bỏ đi từ khi Trân còn chưa hiểu lẽ đời. Mẹ ôm buồn về với đất. Xóm làng chắc gì nhận ra Trân từng là người quê, từng sống những tháng ngày hồn nhiên như cây cỏ?
Trong giấc mơ, Trân thấy mình hứa với mẹ đầu hạ Trân về. Nấn ná mãi những ngày hạ cũng sang, trên tán lá lộc vừng, con ve râm ran gọi hạ về trong miên man nỗi nhớ. Buổi chiều, Trân chợt nhớ ra lời hứa với mẹ trong đêm mộng mị. Công việc ổn thỏa, Trân gửi lại quán trà sữa cho một người bạn trông giúp.
Sáng hôm ấy, Trân xách va li rời nhà. Về quê, khái niệm ấy 5 năm trời xa mờ trong lòng Trân. Bây giờ Trân đang ngồi trên chuyến xe đường dài, con đường quen quen mà ngày xưa Trân còn chân ướt chân ráo, hai tay ôm khư khư cái giỏ đệm... “sợ bị giật giỏ”, lao vào đời. Dọc đường, Trân không nhớ chiếc xe đi qua bao nhiêu cây cầu, đường nhựa khi thẳng, khi uốn khúc giữa những cánh đồng xanh màu mạ non. Ngồi trên xe, Trân thả mắt ra ngoài cửa kính nhìn ngắm cảnh vật. Lòng Trân bộn bề, vui buồn xen lẫn...
Hồi Trân còn nhỏ, vui nhất là những lần Trân được theo mẹ ra chợ. Thuở ấy, chợ tỉnh là nơi đông đúc, sầm uất, cũng là nơi xa hoa mà trong tiềm thức những đứa trẻ quê, nơi ấy chẳng khác gì thành phố hoa lệ. Cũng chỉ là thi thoảng Trân mới được đi chợ cùng mẹ. Trân thức dậy khi trời còn chưa sáng, Trân ngồi chong đèn tết tóc gọn ghẽ thành hai bím rồi ung dung theo mẹ ra bến sông đón chuyến đò sớm nhất chạy ngang qua cồn.
Nhà Trân nằm trên cồn - một phiến đất nhô lên giữa dòng sông Hậu mênh mông từng mùa sóng trắng. Ở đây, mỗi ngày có hai lượt đò ngang qua, đỗ bến. Một chuyến đò của chú Hai chở khách từ cồn qua bờ sông bên kia và ngược lại, một chuyến đò lớn hơn chạy từ phía dưới dòng sông ngang qua cồn đất rồi xuôi về phía chợ tỉnh. Ngày trước, với Trân không gì hạnh phúc bằng việc được theo mẹ ra chợ. Không phải Trân vòi vĩnh món ngon vật lạ ngoài chợ mà đơn giản chỉ để ngắm nhìn khung cảnh nhộn nhịp của chợ bên sông trong sớm mai đầy nắng, khác hoàn toàn với sự tĩnh lặng đến tẻ nhạt của mảnh đất chơi vơi nằm giữa dòng sông.
Trân nói với mẹ: “Đến chừng lớn lên con ra phố mà sống, không ở cái cồn sông khỉ ho cò gáy này nữa đâu. Buồn lắm!”. Mẹ nhìn Trân, cười cười mà lòng xác xao như gió, mẹ ngập ngừng một lúc rồi xoa đầu Trân, mẹ bảo: “Con còn nhỏ chưa hiểu lẽ đời. Khi lớn lên, gặp nhiều khó khăn, va vấp con mới thấy không ở đâu bằng mảnh đất quê mình, nơi con được sinh ra, nơi con sống những ngày bình an nhất!”. Trân ngả đầu vào vai mẹ ngủ thiếp đi lúc nào không hay trong khi mẹ vẫn ngồi vá áo...
Trân đến bến đò trời đã non trưa. Nắng rọi thẳng xuống dòng sông. Trân bước vào trong mái hiên đợi đò quệt mồ hôi, thở dốc. Từ bên trong, giọng một người đàn ông ồm ồm vang lên: “Xui chưa, trễ đò mất rồi!”. Trân vừa tiếc rẻ vì trễ mất chuyến đò duy nhất rời bến vào buổi trưa, vừa bàng hoàng nhận ra giọng nói ấy rõ ràng là của chú Hai hồi trước ngày mấy lượt đưa mẹ con Trân qua cồn, về bến. Trân buột miệng: “Chú Hai, chú Hai nhớ con không?”. Từ trong nhà, người đàn ông tóc hoa râm, mặt rám nắng nheo mắt vừa bước ra vừa ngập ngừng: “Cô là...”. Trân nói vội: “Trân, con mẹ Út nè chú!”. Lúc bấy giờ người đàn ông mới nhận ra người thân quen đã lâu không gặp. Hóa ra, 5 năm xa cách - quãng thời gian có lâu bao nhiêu mà nhẫn tâm biến người ta trở thành những tâm hồn xa lạ như chưa từng gặp nhau trong cuộc đời. Chú Hai nói mà cái miệng mếu xệch, đôi mắt chú rưng rưng như sắp khóc: “Trời ơi, Trân, mày đi đâu mấy năm nay không về đây hả con? Chút nữa thì chú Hai đã không nhận ra con rồi!”. Mắt Trân đỏ hoe, ươn ướt, không biết là Trân khóc hay bởi gió từ sông Hậu thổi vào làm mắt Trân cay xè. Chú cháu gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, vài người khách lạ ngồi trên băng ghế gỗ chờ đò nhìn Trân bằng cái nhìn ái ngại, cảm thông.
Chú ngồi trên ghế chân chống chân xấp y hệt cái dáng ngồi trên mũi đò của chú ngày xưa. Chú kể: “Mấy năm nay chú tưởng bây đi xa, có chồng rồi không về cồn nữa chứ!”. Trân dịu giọng: “Không về sao được hả chú? Mộ mẹ con còn nằm trên mảnh vườn nhà bên cồn. Lạnh lẽo, tội mẹ!”. Một cảm giác hoang hoải trong lòng, Trân nhận ra mình đã quá vô tâm với linh hồn của mẹ, với tiếng gọi của quê hương.
Có đôi lần trong cuộc sống, người ta chọn lựa những bận rộn mà quên đi nghĩa tình xưa cũ, quên đi bóng dáng cố hương. Trân cũng thế, cuộc sống ở thành phố tuy no đủ, rộn rã, tấp nập và đầy ý nghĩa nhưng Trân vẫn cảm thấy thiếu thốn điều gì, hình như là tình thương, là sự ấm áp, sum vầy. Trân giờ chẳng còn ai thân thuộc, một mình bươn chải với đời, với người. Một mình chống chọi với gió giông. Những đêm dài Trân thường tâm sự với mẹ trong mơ, mẹ bảo nhớ Trân, Trân hẹn sẽ về coi sóc mộ mẹ, sửa lại cái nhà để thi thoảng Trân về ở lại ít hôm cho ấm cúng. Rồi Trân lại quên. Đứng trên bến đò, gió sông Hậu thổi vào ngọt bùi, mát rượi, Trân đang đứng trên cố hương của mình, nơi Trân từng khát khao được cuộn tròn sau những ngày mệt nhoài nơi phố thị. Khoảng cách giữa Trân với mẹ lúc này chỉ cách nhau một nhánh sông vòng qua chia bờ bên này sông Hậu với cồn đất xanh um, khoảng cách giữa hai bến đò nằm nghe mưa nắng.
Chú Hai ngưng giọng một lúc rồi nói tiếp: “Lâu lâu chú cũng qua đó làm cỏ, đắp lại mộ cho mẹ bây”, chú trấn an: “Bây ở xa chứ đừng có lo, ở đây còn chú Hai, còn bà con xóm cồn, đâu ai bỏ mộ mẹ bây lạnh lẽo đâu?!”. Trân im lặng, lòng thầm cảm ơn tấm lòng của những người chân quê không bao giờ vơi cạn, vẫn đong đầy như mặt nước sông Hậu bao mùa. Chú hỏi: “Con có gặp lại ba con không hả Trân?”. Im lặng khoảnh khắc, Trân thỏ thẻ: “Không chú à! Chắc hai ba con con lạc nhau luôn rồi”...
...Chưa bao giờ Trân thấy hận ba, chưa bao giờ. Trân nghĩ: “Chắc ba chỉ ở tạm nơi mẹ rồi ra đi như con đò rời bến. Mà ở tạm thì sớm hay muộn ba cũng đi, làm sao cưỡng lại được?”...
Chú Hai rít một đợt thuốc, nhìn Trân khen ra dáng người thành phố quá chừng. Chú cười để lộ hàm răng hoe vàng vì hút thuốc. Chú nói: “Xóm cồn bây giờ đổi thay nhiều lắm! Chính quyền vận động xây trường, đắp đường, bắc cầu, dựng trạm y tế để người dân đỡ khổ. Mấy mùa trái cây trúng lớn, người xóm cồn cũng xây được nhà tường. Con về mà coi, cồn giờ trở thành nơi tham quan, du lịch nổi tiếng nhất nhì xứ này đấy con ạ!”. Nghe chú kể mà lòng Trân rộn rã, Trân khắc khoải nhìn về cái doi đất giữa sông.
Nhìn lên cao, trời đã quá trưa. Bóng chiều phấp phỏng phía xa xa, hoàng hôn khẽ khàng đổ xuống những ngôi nhà cao tầng bên kia bờ sông Hậu ngùn ngụt gió.
Trân hỏi: “Chừng nào mới có đò hả chú?”. Chú Hai bước ra bến lóng ngóng một đỗi rồi đáp: “Còn chuyến cuối cùng trong ngày, khoảng nửa tiếng nữa là chạy đó con!”. Lòng Trân nao nao, Trân đã đợi từ non trưa đến bây giờ thì ngại gì nửa tiếng?
Trong cuộc đời, có gì buồn hơn những lần lỡ đò, lạc chuyến? Mà đôi khi lỡ chuyến lại là phút giây người ta nhìn nhận về hành trình của đời mình. Vui, buồn, sướng, khổ, tất cả rồi sẽ được chan hòa trong hơi ấm của bình yên nơi quê nhà năm cũ. Trân nhận ra: Lỡ đò thì thật đáng buồn. Còn lỡ một chuyến đời lại càng đáng buồn, đau xót hơn...
Con đò ì ạch về bến chở lượt khách cuối cùng qua cồn trước khi trời tối mịt. Ngọn khói tỏa ra phía sau, êm ả tan vào hoàng hôn màu đỏ trên dòng sông Hậu. Hình như sông Hậu đẹp nhất lúc bình minh và buồn nhất khi hoàng hôn buông xuống. Sông Hậu chan chứa nỗi niềm, khiến cho bao kẻ xa quê se sắt chạnh lòng khi bùi ngùi nhớ về cố hương, và cố nhân dĩ vãng...
Trân chào chú, cẩn thận bước xuống đò. Qua cồn. Con đò ra xa, Trân ngoái đầu nhìn lại bến vẫn thấy chú Hai đứng đó, cánh tay vẫy vẫy. Cánh chim bay là đà mặt sông. Nhìn bóng chú Hai, có cái gì vỡ òa trong lồng ngực của Trân. Bóng chú Hai sao thân thuộc quá, sao giống bóng dáng người cha năm nào từng chiều dẫn Trân ra vườn hái trái cây, ra sông cưỡi trâu, tắm táp. Nước mắt chảy dài trên gò má của Trân. Trong thanh âm trời chiều, trong tiếng máy đò ì ạch, Trân nghe được giọng hò ngọt như mía lùi của một cô gái nào đó từ xa vọng lại: “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm - Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh - Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ - Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời...”.
Dường như tháng năm nào trong kí ức Trân cũng hát bài hát đó, trong buổi chiều ngồi trên bến sông gội đầu, chải tóc...
Về quê, Trân về với ngọn nguồn của yêu thương, về trong vòng tay bao dung của cố hương, trong lời ru sông Hậu.
Hoàng Khánh Duy
Chiều Cần Thơ, ngày 17/5/2018

              Bến đò rừng
- Bác Vạn có bên ấy không, bác ra mà lấy rượu.
Tiếng Cúc ở thuyền bên này vọng sang thuyền bên kia, nghe xa xôi trong gió lộng một buổi chiều giá lạnh. Cô đặt thúng xuống sạp thuyền, tháo chiếc khăn vuông rũ nước mưa.
- Hãy ăn miếng trầu cho ấm người đã nào.
Cúc nghe tiếng của mình, bâng khuâng như những khi nghe hơi gió lạ những ngày rét mướt từ chân mây lùa đến khoang thuyền không. Nước sông triền miên chảy xuôi dòng. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền tròng trành, như tiếng ai thầm thì với ai trong cái buồn sông nước.
- Ôi chao ôi rét. Ăn trầu mà chẳng thấy ấm được chút nào.
Cúc ngồi thu hai bàn tay vào bên trong chiếc áo bông ngắn, nghiêng đầu nhổ cốt trầu. Cô xuýt xoa thò một tay nhặt những mớ rau diếp trong rổ, xếp ra sạp thuyền. Bác Vạn ở trên bãi bước xuống mảnh ván cầu, nói to:
- Cô Cúc đi chợ Tết mà về sớm nhỉ. Nào rượu của tôi đâu. Khéo lại quên nhé. Quên cái gì chứ quên rượu uống Tết thì tôi bắt đền đấy.
Bác Vạn có tính huyên hoa vui vẻ. Hễ nhìn thấy mặt bác ta là Cúc đã buồn cười. Những ngày thuyền bác Vạn xuôi ngược đâu xa, Cúc thường lẩn thẩn nói với bà mẹ: "Không biết lúc này bác Vạn đang uống rượu ở bến nào đây, mẹ nhỉ?". Bà Hai lại bực mình, gắt lên: "Bác ấy uống đâu thì uống, việc gì đến mày mà hỏi vơ vẩn mãi". Cúc càng cười rũ ra: "Tại cứ nghĩ đến điệu bộ bác ấy say rượu là con lại không nhịn được cười. Vắng bác ấy, con thấy cái bến này buồn tẻ quá.." Bà Hai cũng nghĩ như con gái. Vì mỗi lần thuyền bác Vạn về đậu dăm ba ngày, bác đem theo về cả tiếng cười tiếng hát của mình cho các bạn sông hồ, để rồi ngày bác nhổ sào ra đi, ai cũng nhắc nhủ đến bác luôn, như Cúc vậy.
- Rượu ngon quá. Sáng mồng một Tết, tôi mừng tuổi cô một chén mới được.
Nghe bác Vạn nói đến mồng một Tết, Cúc thấy lòng nao nao. Cô cúi nhìn bóng bác Vạn in ngược dưới nước sông để nhớ đến người em bác còn xa vắng chưa về. Người ấy cũng vạm vỡ như người anh, nhưng khác cái là tính anh ít nói và đẹp trai hơn nhiều. Trước kia, hai anh em bác Vạn còn chung một thuyền. Nhưng về sau người em có vốn, ra đóng thuyền làm ăn riêng. Từ đấy mỗi người đi một nẻo sông, thỉnh thoảng mới gặp nhau ở giữa dòng. Hai con thuyền, cái xuôi cái ngược, người anh và người em chỉ chào nhau chứ không dừng thuyền lại. Người em đóng xong thuyền mới cũng đã mời tất cả bạn chài ở bến Rừng uống rượu, trong đó có mẹ con bà Hai. Bác Vạn uống rất nhiều, bác nói bông đùa hơn những ngày thường, nhưng lúc cánh buồm mới vừa kéo lên căng gió lộng trên sông thì tự nhiên bác không nói nữa. Bác vỗ vai em ân cần, hai mắt đỏ hoe: "Anh chúc chú được luôn luôn thuận gió nhé. Mỗi năm chú nhớ ngày giỗ thầy mẹ, và ngày Tết thì bất cứ ở đâu cũng phải về bến này cho anh thấy mặt".
Một buổi sáng, mặt trời rực rỡ ở chân mây. Cánh buồm nâu của người em in trên nền trời xanh rồi mất dần ở phía sau khu rừng cây che kín một ngành sông rẽ. Bác Vạn kêu nhức đầu, vào trong khoang nằm. Cúc vẫn còn đứng mãi trên mũi thuyền, lặng lẽ nhìn những con chim nhỏ ở rừng xa bay ngang dọc như con thoi trên sông vắng. Đôi mắt của người con trai trôi dạt ở nẻo trời xa như đang phảng phất trên tấm gương nước đầu thuyền. Lòng cô đã ngẩn ngơ từ hôm đó.
- Hôm nay hăm tám Tết rồi, bác Vạn nhỉ?
- Ừ, hăm tám rồi cô ạ - Bác vừa nói vừa ngửa cổ lên, hạ lá buồm cũ xuống. Tiếng đẩy chèo rít trong gió trời mang mang, như nỗi nhớ thương quằn quại trong tấm lòng trống trải của con người.
- Buồm rách mất mấy chỗ, bác ném sang đây em vá giúp.
Nàng thấp giọng và cố gợi cho bác Vạn nói về người em trai bác một vài câu.
- Vừa ngày nào buồm của bác còn mới nguyên, thế mà thấm thoắt...
- Ờ, vụ nước này tôi đi luôn luôn, lại gặp nhiều cơn bão.Tôi sắm sau chú Đán nó vài hôm, nhưng tôi chắc buồm của chú nó hỏng lâu rồi, vì từ ngày làm riêng, chú ấy đã mấy lần chở muối ra cả ngoài mạn Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Móng Cái kia đấy - Bỗng bác Vạn ngoảnh sang, bắt chộp được Cúc chăm chú nghe chuyện về Đán, bác cười khà khà một thôi dài như mỗi khi say rượu - Thôi thì sớm tối ngày ba mươi chú nó về, thể nào chả phải nhờ cô vá buồm cho. Mà chẳng nhờ cô thì còn biết nhờ ai nữa, phải không cô Cúc?
Cúc cúi xuống, lau cốt trầu ở môi nhưng để che nụ cười.
- Bác cứ chế em. Em vụng về chết đi ấy. Biết đâu anh Đán chả nhờ ai vá trước rồi.
Bác Vạn càng cười to hơn:
- Chả đời nào chú nó nhờ người khác. Tôi biết chú nó khó tính khó nết lắm. Mà xuôi ngược quanh năm thế, thời giờ đâu nhờ vả ai được nữa.
Lòng Cúc phơi phới, như cánh hoa được đón một cơn gió mát. Cô biết rằng sớm tối ngày ba mươi, Đán sẽ trở lại bến Rừng ăn Tết, rằng bác Vạn đã để ý đến mối duyên giữa mình với Đán, thế là đủ lắm rồi. Cúc lảng sang chuyện khác.
- Mẹ em và thằng Sỏi đi đâu thế bác?
Cúc vừa hỏi xong thì bà Hai xách một đùi lợn xuống.
- Con lợn bột béo quá. Mười thuyền đánh đụng với nhau có một con thành ra ít. Đấy, cô muốn nấu nướng thế nào thì nấu. Miễn có nén hương, trước cúng các cụ, sau cúng thầy.
Cúc bùi ngùi chạnh nghĩ đến cảnh ba mẹ con mình nơi bến sông heo hút, lênh đênh trên sông nước rồi đây không biết cuộc đời sẽ xoay vần ra sao. Bà Hai đau yếu luôn, thằng Sỏi nay đã mười lăm tuổi, có lớn mà chẳng có khôn, cô rồi đây sẽ phải lấy chồng, chẳng biết em trai có nuôi nổi mẹ già hay không... Cúc tưởng tới một đêm giông bão, chiếc thuyền nhỏ hẹp này gặp nạn chìm xuống từ từ, mà Cúc thì đã theo chồng đến một bến xa nào rồi.
- Ô hay, con bé này không đứng dậy còn ngồi ngẩn ngơ mãi. Lúc nào cô cũng như con lẩn thẩn.
Nhìn theo người mẹ đang khom cái lưng gày ốm chui vào trong khoang, cô thấy thương xót mẹ không lúc nào như lúc này.
° ° °
Sớm ngày ba mươi Tết, thuyền Cúc đã lên lửa trước mọi thuyền trong bến. Mưa từ đêm qua chưa dứt, trắng mờ cả mặt sông. Trên bến, sau dải rừng gồi ở mấy sườn núi đất, khói từ những mảnh nương đang đốt dở bốc lên. Qua làn khói nhạt, từ xa thấp thoáng những tờ câu đối viết trên giấy hồng điều dán trên vách nhà mấy người dân tộc Thổ, Mán.
Cúc rùng mình lạnh. Cô vuốt vuốt hai cánh tay trần cho nóng thịt da trước khi tắm. Mùi lá bưởi và hương nhu thơm lừng, ngát cả khúc sông, những làn khói thơm ngát ở miệng nồi toả lên ủ vào mái tóc dài buông kín đôi vai tròn trắng muồn muột, đọng thành giọt lớn chảy xuống hai bầu vú nở nang và đầy đặn rồi chảy thành dòng xuống bụng, xuống hai bên mông cô...
Tắm xong, cô ra ngồi đầu thuyền, sưởi bên nồi bánh chưng đang luộc. Ánh lửa in ngược xuống sông nước dạt dào, nom tựa những bông hoa gạo in đỏ nước sông những ngày hè nổi gió. Từng giờ, cô bâng khuâng chờ mong một cánh buồm nâu từ nẻo sông xa đi tới. Thế rồi hết một ngày, bóng tối theo gió lạnh từ chân mây đọng lại, xoá mờ những cột buồm ngơ ngác ở bến nước. Sóng bắt đầu nổi mạnh. Tiếng chuông khánh reo trên đầu những cột buồm cao vút, đó là cây nêu của các gia đình yên vui kiếp sông hồ. Cúc ngao ngán nhìn ngọn lửa tắt dần dưới nồi bánh chưng đã chín. Cô thấy niềm vui chờ đợi sẽ như những hòn than nọ vạc dần đi.
- Giờ tí rồi con ạ.
Cúc thắp đèn hương, bày đồ lễ trên cái nắp hòm trong khoang thuyền. Bà Hai giở cái áo bông the mà bà dành dụm từ hồi còn trẻ mặc vào, rồi ngồi khấn vái. Mùi hương đen thơm đượm phảng phất trong gió lạnh, tự nhiên cô thấy lòng ấm áp hơn một chút. Cô lặng lẽ nhìn bóng mẹ hắt lên mui thuyền.
Tiếng pháo bắt đầu nổ đâu từ một thôn xóm nào, rồi tiếp theo những tràng pháo khác. Bà Hai đưa Cúc một điệp giấy vàng và chén rượu. Quen lệ cúng giao thừa của dân chài, cô lặng lẽ đỡ lấy, ra đầu thuyền đổ rượu và đốt vàng lá thả xuống sông cho Hà Bá. Lửa vẫn cháy trên những mảnh giấy, trôi theo sóng lềnh bềnh và rực rỡ như ở hội hoa đăng người ta thả những chiếc đèn phao nhỏ. Mọi thuyền trên bến lúc đó đều thả vàng mã như vậy, nên dòng sông sang ngời lên. Cúc nghĩ, nếu trèo lên núi mà trông thì con sông kia chẳng khác dòng Ngân Hà lộn ngược. Cô đang mải nhìn theo hút một đốm lửa trôi ra xa thì bỗng nhiên cô mơ hồ như thấy đốm lửa ấy trôi trở lại. Đó là ánh lửa đèn của một chiếc thuyền đang lừ lừ tiến đến gần. Một tràng pháo trên chiếc thuyền xa lạ ấy nổ vang sông. Cánh buồm nâu to rộng hiện ra sừng sững trước mặt cô, đột ngột và ghê rợn như hình ảnh trong một cơn ác mộng. Cô đã trông thấy ai kia trong làn khói pháo mờ mịt rồi, cô thốt kêu lên:
- Bác Vạn ơi, thuyền anh Đán đã về !
Bác Vạn thò đầu ra ngoài mui, giọng lè nhè say:
- Biết mà, tôi biết chú nó thể nào chả về...
Thực lòng bác mong Đán chẳng kém gì Cúc mong, và bác còn thấy lo ngại là khác nữa, bởi vì "sông nước biết thế nào mà nói trước được" - bác thường nhủ thế mỗi khi tỉnh rượu ngồi âm thầm nghĩ đến cái tình anh em xa cách. Bác chếnh choáng nhảy sang giúp Đán hạ buồm ngay, vì về khuya sông trở gió. Sóng đánh hắt mũi thuyền ra xa, mà nếu neo dây lên bờ rất khó lách được mũi thuyền sát bến. Đán còn đang loay hoay thì bác Vạn vỗ vai em cười:
- Tiện hơn cả là chú ném đầu dây sang bên kia, buộc vào mũi thuyền cô Cúc, thế là chặt chẽ không gì bằng.
Đán còn ngượng nghịu, để anh trai giục lần nữa anh mới ném đầu dây sang. Cúc bẽn lẽn giơ tay đỡ, buộc chặt vào mũi thuyền của mình. Bác Vạn sung sướng nhìn hai người, rồi cất tiếng cười vang sông.
Nửa đêm ấy, Cúc không sao chợp mắt. Cô thấy thời khắc dài như không cùng.
Mới tinh sương Cúc đã ra đầu thuyền rửa mặt, vấn khăn. Nhìn xác pháo tựa những cánh hoa đào trôi xuôi dòng sông như cuộc đời lang bạt của mình, cô mơ tưởng một ngày nào lấy Đán, hai vợ chồng sẽ sum họp trên chiếc thuyền kia. Hai vợ chồng, vài ba đứa con, một bu gà vịt, như mọi gia đình thuyền chài khác. Những buổi chiều mùa hạ, buồm căng gió xuôi dòng, mình sẽ ngồi cho con bú hay mạng lưới, anh ấy ẵm đứa con lớn lên mui ngồi với ấm trà ngon nóng, nghêu ngao hát. Cuộc đời thanh thản êm đềm...
Bỗng tiếng Đán ở bên kia:
- Cô Cúc nghĩ gì mà thừ người ra thế?
Cúc ngoảnh sang e lệ:
- Em đang đếm xem có bao nhiêu xác pháo, chứ em có nghĩ gì đâu.
Đán yên lặng ngắm Cúc. Anh thấy mới xa cách nhau chưa được bao nhiêu ngày mà cô thay đổi quá, đẹp hơn trước nhiều. Biết anh chăm chú nhìn mình, cô sung sướng nói:
- À, suýt nữa quên. Năm mới em chúc anh thể nào cũng cho em ăn cỗ cưới.
- Tôi cũng chúc cô như thế.
Giọng anh hạ thấp xuống ngọt ngào, cốt để mình Cúc nghe:
- Cô có bằng lòng không?
Cúc bồi hồi, và chợt nhận ra bóng mình chạm sát vào bóng Đán dưới nước sông, cô e lệ ngước lên nhìn Đán, chớp mắt, rồi cúi xuống nói khẽ:
- Thưa anh, vâng ạ.

Truyện ngắn đầu tay của Ngọc Giao,
 sáng tác năm 1939.
Hình ảnh có liên quan