Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Nhạc - Thơ - Văn - Tam Không


Rừng Chiều

dcodam

Khỉ vớt trăng
Xưa có bầy khỉ nọ
Lội xuống hồ vớt trăng
Vớt mãi hoài không được
Nên mặt mày.. nhăn nhăn. 
 
Lắm khi mình giống khỉ
Tìm hạnh phúc trần gian,
Đôi tay vừa chạm tới
Ơ... mộng vàng vỡ tan!

Trăng nghìn thu vẫn đẹp
Vì không thuộc về ai,
Hồn khát khao chiếm hữu 
Trăm năm nỗi đau dài.

Ta một đời ngây dại
Chạy đua với mặt trời.
Vừa thấy bờ hạnh phúc
Hoàng hôn phủ xuống đời.

Danh, lợi, tình mộng mị
Tợ đáy nước trăng ngà
Lặn chìm trong mê hoặc
Nên ngàn đời xót xa.

U mê... thành kiếp khỉ
Chúi xuống dòng đảo điên.
Ai giật mình, ngước mặt
'' Vầng trăng xưa '' hiện tiền
.

Thích Tánh Tuệ

Sự tích con khỉ
Ngày xưa có một người con gái đi ở với một nhà trưởng giả. Nàng phải làm việc quần quật suốt ngày, lại bị chủ đối đãi rất tệ. Cái ăn cái mặc đã chả có gì mà thỉnh thoảng còn bị đánh đập chửi mắng. Vì thế, cô gái tuổi mới đôi mươi mà người cứ quắt lại, trông xấu xí bệ rạc hết chỗ nói. Một hôm nhà trưởng giả có giỗ, cỗ bàn bày linh đình, họ hàng đến ăn uống đông đúc. Trong khi đó thì cô gái phải đi gánh nước luôn vai không nghỉ. Lần gánh nước thứ mười, cô gái mỏi mệt quá ngồi lại ở bờ giếng. Tự nhiên cô thấy tủi thân, ôm mặt khóc. Lúc đó đức Phật bỗng hiện ra với trạng mạo một ông cụ già. cụ có vẻ đâu từ xa lại, dáng điệu mệt nhọc đến xin nước uống. Nàng vội quảy gánh xuống giếng vực nước lên cho ông già giải khát. Ông cụ uống xong lại đòi ăn. Cô gái nhớ tới phần cơm của mình chưa ăn, bèn bảo ông cụ ngồi chờ rồi quảy gánh nước về. Lần sau ra giếng, cô lấy cơm trong thùng đưa cho ông già và nói:
- Họ dành phần cho con toàn cơm cháy cả, cụ ăn một bát này cho đỡ đói.
Ăn xong, ông cụ bảo nàng:
- Hồi nãy làm sao con khóc?
Cô gái ngập ngừng, cúi mặt xuống không trả lời.
- Ta là đức Phật, - ông cụ nói tiếp, - ta thấy con có lòng tốt. Nếu con muốn gì, ta sẽ làm cho con vui lòng.
Cô gái ngạc nhiên mừng rỡ, kể nỗi lòng với đức Phật. Thấy điều ước muốn của người con gái chỉ là làm sao cho bớt xấu xí, ông cụ bảo nàng lội xuống giếng, hễ thấy bông hoa nào đẹp mút lấy thì sẽ được như nguyện. Khi xuống nước, cô gái chỉ mút mấy bông hoa trắng. Tự nhiên lúc lên bờ, nàng trở nên trắng trẻo xinh xắn, đồng thời quần áo cũng biến thành những thứ tốt đẹp.
Khi cô gái quảy gánh nước trở về, cả họ nhà trưởng giả vô cùng kinh ngạc. Nàng xinh đẹp đến nỗi họ không thể nào nhận ra. Nghe cô gái kể chuyện, ai nấy cũng muốn cầu may một tí. Họ lập tức đổ xô cả ra bờ giếng mong gặp lại đức Phật để được trẻ lại và đẹp ra. Thấy ông cụ già vẫn còn ngồi ở chỗ cũ, họ sung sướng như người được của. Họ đưa xôi thịt ra mời tới tấp:
- Này cụ xơi đi! Cụ xơi đi. Rồi cụ làm phúc giúp cho chúng tôi với!
Đức Phật cũng bảo họ lội xuống giếng và dặn họ y như dặn cô gái lần trước. Dưới giếng lúc đó đầy hoa đỏ và hoa trắng. Ai nấy đều cho màu đỏ là đẹp nên khi lội xuống giếng đều tìm hoa đỏ mút lấy mút để. Nhưng không ngờ lúc lên bờ, họ không phải trẻ lại mà già thêm ra: mặt mũi nhăn nheo, người trông quắt lại, lông lá mọc đầy người, đằng sau lưng là cả một cái đuôi.
Những người đi gánh nước thấy vậy hoảng hồn: "Kìa trông con quỷ, nó cắn bà con ôi!". Nhưng lại có những tiếng khác: "Đánh cho chết chúng nó đi! Sợ gì". Lập tức mọi người cầm đòn gánh xông lại. Cả họ nhà trưởng giả kinh hoàng bỏ chạy một mạch lên rừng.
Từ đó, cô gái cùng với số người nghèo hầu hạ trưởng giả được hưởng những của cải do chúng để lại. Lại nói chuyện trưởng giả và họ hàng đành phải nấp náu trong rừng sâu, ngày ngày kiếm quả cây nuôi thân. Chúng đi lom khom, áo quần rách nát trông rất thiểu não. Nhưng chúng vẫn tiếc của. Cho nên thỉnh thoảng ban đêm chúng lại mò về, hoặc gõ cửa, hoặc ngồi trước nhà kêu léo nhéo suốt đêm, gần sáng mới trở về rừng.
Thấy vậy cô gái và mọi người sợ quá, đêm đêm đóng cửa rất chặt. Họ bàn nhau tìm cách đuổi chúng. Họ bôi mắm tôm vào các cánh cửa, lại nung nóng rất nhiều lưỡi cày đặt rải rác ở cổng các nhà. Quả nhiên, một đêm nọ chúng lại mò về. Theo lệ thường, chúng đánh đu vào song cửa kêu rít lên. Nhưng lần này chúng vừa mó đến đã bị mắm tôm vấy đầy tay, rồi từ tay vấy khắp cả người, hôi hám không thể nói hết. Chúng kinh sợ dắt nhau ra ngồi trước cổng quen như thói cũ. Nhưng vừa đặt đít ngồi xuống các lưỡi cày thì chúng đã kêu oai oái, rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy lên rừng. Từ đó chúng kệch không dám về nữa.
Trong những khi lên rừng hái củi, người ta thỉnh thoảng vẫn gặp chúng. Thấy bóng người từ đàng xa, chúng liền chuyền theo nhánh cây, lủi nhanh thoăn thoắt. Người ta gọi chúng là những con khỉ. Ngày nay vẫn có nhiều người cho khỉ là thuộc nòi trưởng giả. Còn những con khỉ sở dĩ đỏ đít là vì chúng chịu di truyền dấu vết bỏng đít của tổ tiên.

 "Sự tích đất nước Việt" - Nguyễn Đổng Chi
 
Tam Không
Vào chùa nguyện giữ giới "tam không",
Biển đời sóng cả rộng mênh mông....
Khi nao mới đến bên bờ Giác ? 
 Chỉ có "Tâm" luôn dẫn dắt lòng !!
***
Thân nhảy nhót nhưng tâm nào xao động,
Mắt vẫn nhìn nhưng chỉ thấy hư không....
Chí choé đùa vui lòng giữ an lòng,
Không gian động trong tâm ta tĩnh tại !!

Dẫu không nghe, không nhìn và không nói ?!
Chuỗi thời gian ngắn ngủi ch thế thôi,
Tấm thân ta trôi dạt giữa biển đời....
Mong sóng cả đưa thuyền về bến Giác !

Kìa Xuân đến, mai vàng rơi lác đác,
Bên song thưa vẫn giữ bóng hình mai... 
 Thu s qua, ta thức giữa Đông dài,
Tâm luôn giđoá sen hồng cõi tịnh !!
 NM
Câu chuyện về 3 con khỉ trước cổng chùa
Hiện nay, ở một số chùa có trưng bày tượng ba con khỉ trong sân chùa. Nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc cũng như hiểu đầy đủ ý nghĩa sâu xa mà người xưa muốn truyền dạy lại cho thế hệ sau qua bức tượng tưởng chừng như vô tri đó.
Thoạt đầu khi mới nhìn qua bức tượng này có lẽ ai trong chúng ta cũng tưởng như đã hiểu được ẩn ý của nó. Đó là: “không nói, không thấy, không nghe”. Nhiều người cho rằng bức tượng ấy muốn dạy chúng ta hãy ở yên và sống cuộc sống của mình, đừng quan tâm đến chuyện của người khác hay những gì đang xảy ra xung quanh. Nhưng nếu hiểu như vậy thì thiếu chính xác và chưa đầy đủ.
Thực ra, nguồn gốc xuất xứ của bức tượng này bắt nguồn từ Ấn Độ vài ngàn năm về trước. Lúc đầu, đó là bức tượng về một vị thần, là thần Vajrakilaya. Đây là vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Theo đó bức tượng được khắc nhằm để răn dạy mỗi người: không được nói bậy, không nhìn bậy và không nghe bậy.

*****
Tư tưởng “ba không” đó theo các nhà tu Phật giáo đi qua Trung Quốc không rõ vào thời kì nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ 9 (có tài liệu ghi năm 838), một thiền sư người Nhật trong chuyến đi làm phật sự ở Trung Quốc đã mang theo về Nhật tư tưởng này.
Tại Nhật Bản, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng có tám bức khác nhau) có tượng ba con khỉ tên là Kikazaru, Mizaru và Iwazaru: bịt tai, bịt mắt và bịt miệng bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro rất nổi tiếng từ thế kỉ XVII.
Vì từ “zaru” gần âm với “saru” có nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt miệng, bịt mắt, bịt tai với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu đạt triết lý này.
Bức tượng cũng mang đậm tư tưởng của Đức Khổng Tử trong Luận Ngữ. Khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp: “Phi lễ vật thi, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”.
Người Nhật còn có thâm ý sâu xa hơn nhiều khi họ muốn: “bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói”. Khi tâm ở trạng thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ tâm mới phát sinh những điều thiện.
Hình ảnh “Bộ khỉ tam không” còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của “Tâm viên ý mã” trong phép thiền. Chúng ta phải biết kiểm soát cái tâm vọng động, chẳng khác gì con khỉ chạy lăng xăng. “Tâm viên là vượn tâm, là tâm tán loạn như vượn khỉ. Loài khỉ thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyền hết từ cành này sang cành cây khác, lại hay phá phách, bắt chước nên người đời có câu “liếng khỉ”.
Tâm người ta cũng thế, không khi nào được yên, cứ lăng xăng, lộn xộn, suy nghĩ, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, đó là tâm viên. Tâm này sẽ đưa con nguời đến loạn động, phát sinh ra đủ thứ phiền não, cấu uế… Bởi vậy tâm chúng sinh bị vô minh che lấp nên phần nhiều hướng ác nhiều hơn thiện.”
Trong xã hội hiện nay bức tượng ba con khỉ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bởi tôi thấy mỗi người đều đang tự làm khổ chính mình. Khổ vì nghe chuyện thiên hạ, khổ vì nói chuyện thế gian và khổ vì nhìn lỗi người khác.
Bản chất của con người vốn là sự tò mò nên bất cứ câu chuyện nào, về bất cứ ai dù không liên quan thì cũng cố gắng nghe hết để có chuyện kể lại cho người khác. Trước đây, tôi cũng là một người hay để ý lỗi của người. Tôi luôn cố tìm ra khuyết điểm của người khác để chờ có dịp có thể nói lại họ để giành phần thắng cho mình. Nhưng rồi tôi thấy việc ghét bỏ và để ý người khác thật mất thời gian và tự khiến bản thân mình trở nên xấu xí. Xấu ở đây là ở cái tâm, không chịu nghĩ điều tốt đẹp cho người mà chỉ nhìn thấy những thói hư, tật xấu ở những người xung quanh.
Bởi vậy, nếu biết  tu sửa thân tâm, nhìn lỗi của người khác như lời nhắc nhở để ta không phạm phải những sai lầm đó. Lúc nào cũng phải nhắc nhở bản thân, tất cả mọi người quanh ta đều là Bồ tát chỉ có ta là kẻ phàm phu nên còn rất nhiều lỗi cần phải sửa chữa. Cũng như vậy, tai nghe thấy những việc phiền não cũng đừng giữ trong lòng. Nên nghĩ đó là lúc Đức Phật đang dạy ta chữ “Nhẫn”, không được sân hận trước những lời nói của người khác, lúc nào cũng giữ cho mình tâm bình lặng trước mọi việc:
“Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Lùi một bước biển rộng trời cao”
Từng bước, từng bước như vậy chúng ta sẽ dần hoàn thiện được con người của mình. Không phải nhờ năng lực siêu nhiên nào khiến bản thân mình thay đổi mà chính sự nhận thức sâu sắc từ trong tâm sẽ giúp ta quán chiếu được mọi vấn đề một cách vẹn toàn nhất. Hình ảnh “Bộ khỉ tam không” tưởng như đơn giản mà lại mang những giáo lý vô cùng sâu sắc.
Lúc nào đó, khi đi dạo trong khuôn viên của chùa, nhìn thấy hình ảnh những chú khỉ ấy ta vừa thấy thích thú trước một hình ảnh ngộ nghĩnh vừa là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thâm thúy của các bậc thiện tri thức muốn truyền đạt lại cho thế hệ mai sau.
Diệu Âm Minh Tâm

Sự tích con khỉ

TỘI ÁC RỪNG XANH

Đi săn khỉ

Xưa kia tôi chưa biết "đi săn" là thế nào. Nhưng mà từ thuở nhỏ, tôi vẫn ao ước có một khẩu súng để có thể được đi săn luôn luôn. Những khi trông thấy hoặc một chiếc xe hơi sau lưng có buộc một con hổ, một con nai, với bọn người đội mũ cát két tay giữ súng ngồi trên, hay là một nhà thiện xạ đeo súng sau lưng cưỡi xe "bình bịch" có đèo một chùm giẽ giun ở tay lái, vênh vang đi qua các phố xá thì lòng tôi lại nao nao lên kính phục và thèm muốn. Thú đi săn đối với tôi có một sức ám ảnh mạnh như là của ngọt đối với những ông nghiện, cái quần soóc đối với những gái tân thời, huy chương phẩm hàm đối với những ông trọc phú, thịt chó hầm rựa mận đối với các nhà sư chân tu. Đến nỗi cái tục đi săn cát két ở Tarascon tả trong sách của A. Daudet cũng làm cho tôi ước ao, khao khát...
Do những lẽ ấy, tôi không trở nên một nhà thiện xạ bao giờ.
         * * *
Nhưng mà nỗi khổ tâm của tôi là có rất nhiều bạn có súng, hay đi săn, và ai ai cũng hơi hơi thiện xạ một chút. Cách đây vài năm, tôi về nhà quê với một người bạn thì được bạn rủ đi bắn chim. Các ngài cứ việc tưởng tượng cái sướng trong lòng tôi, bữa ấy!
Sau khi đi quanh các hàng rào tre của làng đã hai lần, không gặp một con chim gáy, một con cò, một con quạ, chúng tôi đành vác súng về không. Đến cổng làng, gặp một con chào mào đậu ngay ở một cành tre, tôi giơ súng lên, thì bạn tôi vội nhặt một hòn đất ném cho con chim bay trước đi! Rồi bạn cắt nghĩa:
- Bắn thế, có trúng chăng nữa cũng là phí đạn.
Tôi tức đến cực điểm, tưởng có thể tuyệt giao với bạn ngay được. Than ôi! Cơ sự mà đến như thế, thì cái tình bạn hữu ở đời thật quả chỉ là một danh từ điêu trá của văn chương. Tôi không thể nào tha thứ cho sự phản trắc ấy của bạn được, vì lẽ, đối với tôi, điều cốt yếu chỉ là được bắn một phát mà thôi, còn trúng hay trệch, chim thịt ngon hay không ăn được, cái ấy tôi không quan tâm.
Giữa lúc tôi bực mình chưa tiện nói ra, thì bạn lại nói:
- Có lẽ số chúng nó chưa chết nên hôm nay bác đi săn mà không một con nào lai vãng đây cả. Chứ mọi hôm, cò cũng nhiều, gáy cũng nhiều.
Tưởng bạn nói thật, tôi cũng nguôi giận. Rồi bạn lại cắt nghĩa rằng bữa nay bạn đi săn bằng ban, nghĩa là đạn một chứ không phải đạn ghém trong cát tút. Như vậy bắn chim nhỏ rất khó trúng. Đạn ghém thì, sau khi bị thúc khỏi miệng súng, những viên chì nhỏ nổ ra theo một vòng rộng như một cái nón, con chim rất khó lòng mà bay thoát, một khi tầm súng ngắm đừng quá sai.
Sắp về đến nhà, tôi lại trông thấy một con chích chòe thấp thoáng trong một cây ổi. Tức thì tôi giằng lấy khẩu súng ở tay bạn mà rằng: "Đi săn mà lại không bắn một phát nào thì lọ lắm". Lần này, bạn để yên...
Tôi giơ súng lên. Con chích chòe lúc ấy quay đuôi lại phía tôi, ngửa cổ hót mấy tiếng trước gió rất vui vẻ. Trước cái ngực trắng của nó, có một sợi lông vũ nhẩy ra ngoài cái trật tự của những lông mượt mà và phong phanh theo làn gió đìu hiu. Tôi cảm động lắm, biết mình sắp làm một điều ác, rồi sẽ phải hối hận như người đi bắn trong bài thơ La mort du bouvreuil. Nhưng dẫu là ác, mà thấy hứng thú, thích chí, âu ta cũng cứ làm! Tôi ngắm rất đúng. Đùng một tiếng, một làn khói lam toả ra ở miệng súng rồi tan ngay. Tôi tưởng con chích chòe phải rơi xuống ngay đấy. Nhưng không, nó không chết mà cũng không bay đi. Lúc súng nổ, nó giật mình, nhảy lên một cái rồi quay đầu nhìn về phía có tiếng nổ, với hai con mắt kinh ngạc (thật thế, nó cũng biết kinh ngạc, tôi xin cam đoan như thế). Như vậy thì có lẽ lúc viên đạn sắp xuyên qua lưng nó thì nó nhẩy lên, để cho viên đạn đi đến chỗ không địa chỉ rồi thì nó lại đậu vào chính cái chỗ viên đạn đã đi qua, lúc trước. Thật là một kỳ công của loài chim! Tôi quay lại xin bạn viên đạn khác, thì thấy bạn đương hai tay ôm bụng, đầu gục xuống ngực. Chung quanh cái mũi dọc dừa của bạn, đầy những vết nhăn là vết nhăn...
Tôi sợ hãi quá đi mất! Chết! Cái gì thế? Một tai nạn gì thế? Hay là viên đạn đã chạy giật lùi, đã trúng vào bạn đứng đằng sau tôi? Không! ấy là bạn tôi cười! Nhìn thấy mặt tôi, bạn mới thẳng người lên, phá ra cười ầm ỹ. Nghe thấy tiếng cười, con chích chòe trên cây hoảng sợ, vụt bay đi. Nó không để cho tôi thời giờ xin đạn để bắn nó phát nữa.
Về nhà, cả ngày hôm ấy, tôi dùng thời giờ để cãi nhau với bạn rằng lỗi là ở hòn đạn. Nếu tôi bắn đạn ghém, chắc con chim đã đi đời rồi. Hiểu cái ê chề của tôi bữa ấy là vô cùng, bạn tôi đem số tử vi của tôi ra xem rồi kết luận là bữa ấy tôi không đi vào hung tinh nên không bắn được chim. Vì bạn là một ông thầy số làm phúc rất giỏi nên tôi cũng được an ủi.
Sở dĩ tôi có thuật cuộc đi săn chim chích chòe này thì các ngài mới hiểu rõ cuộc đi săn khỉ tôi kể dưới đây.
                                          * * *
Cách đây hai tháng, vào lúc tôi nghỉ dưỡng bệnh đau phổi ở Bắc Cạn thì cuộc săn khỉ đã xảy ra ở Khao Kỳ. Tại sao tôi nói xảy ra, rồi các ngài sẽ hiểu...
Khao Kỳ là một cửa động cách xa tỉnh lỵ Bắc Cạn chừng 20 cây số, trên con đường thuộc địa từ Ngân Sơn đi ngược về Hà Nội. Nghe đồn ở đấy có rất nhiều bú dù. Nhiều đến nỗi chúng thường từ trên núi leo xuống cửa động, rủ nhau vào ruộng để ăn trộm mía hoặc bắp ngô.
Bữa ấy nhằm ngày chủ nhật nên các bạn tôi rủ nhau tổ chức một cuộc đi chơi có săn bắn: bắn khỉ ở Khao Kỳ và nhân thể đi thăm động. Anh Diễm, bạn tôi, có đủ mọi thứ tư cách: chó săn, xe hơi, một khẩu súng hai nòng. Cứ trông cách thức chúng tôi sửa soạn thì rõ ra một cuộc đi săn vĩ đại. Trước hết chưa chi hãy đi săn những thức ăn. Bánh tây, giò, chả, hộp cá, rượu vang, đầy cả mấy cái túi vải. Một cuộc đi săn xa tỉnh lỵ 20 cây số, phải biết! Cho nên phải có đủ những điều kiện nó làm cho chúng tôi hóa ra những tay thiện xạ hùng hồn. Có chó săn, có xe hơi, chưa cho là đủ, chúng tôi lại gọi một người thợ ảnh để chụp kỷ niệm nữa. Long trọng biết bao! Anh Diễm đã tuyên ngôn: "Chúng ta sẽ để anh Phụng bắn phát súng thứ nhất là phát súng danh dự!". Đã vậy mà đạn bạn ưa dùng lại là đạn ghém, thì bảo tôi có sướng hay không! Nghĩ đến cuộc đi săn chích chòe, tôi doạ tôi: "Chuyến này, phải biết!". Trong cái óc nông nổi của tôi thì đi săn không có gì là khó khăn. Ngắm cho đúng, ai mà không ngắm được? Kẻ nào không bắn nổi một phát súng, ấy chỉ là đồ ngu!
Từ sáng sớm, bọn sáu người chúng tôi và con chó săn cao lớn đã lên ngồi xe. Chiếc xe này là một chiếc Mathis cũ, bé nhỏ. Bạn tôi mua nó có một trăm rưởi bạc, và do thế, bị cả tỉnh ghen ghét, cho là ăn chơi như đế vương! Lúc tậu xe, anh Diễm có nói: "Đáng lẽ thì để trăm rưởi cưới vợ lẽ cho nó ra vẻ một người Việt Nam xứng đáng và hoàn toàn, nhưng sau tôi lại nghĩ thà tậu xe để đi săn và đi chơi có lẽ hơn, nên không lấy vợ lẽ nữa!". Than ôi! Có xe hay có vợ lẽ, bạn tôi cũng chỉ là một khổ chủ. Cái xe thỉnh thoảng lại giận dữ với anh. Những cái rầy rà nó gây cho anh ở dọc đường có khi lại rầy rà hơn cả những cái rầy rà gây ra bởi một người vợ lẽ nữa.
Cho nên bữa ấy, cái xe đình công bằng cái còi. Bấm điện thế nào cũng không thèm kêu. Đến nỗi lúc xe qua chợ, có cô thổ đứng nghênh ngang giữa đường làm cho sáu người chúng tôi phải kêu: "ếp! ếp!". Tuy vậy những người hàng phố cũng cau mày nhìn khổ chủ để ghen ghét về cái tội ăn chơi đế vương. Người ta không thể nào tha thứ được cho anh Diễm, chỉ là một viên chức, mà lại có xe ôtô nhà, mặc lòng anh đã phải ếp.
Nửa giờ sau, chiếc xe đế vương ấy đến động Khao Kỳ. Anh chàng thổ, người gác am và gác đền, đã đón chúng tôi:
- Bẩm các quan, mời các quan hãy đi xem động đã, chứ bú dù thì chốc nữa chúng mới kéo nhau xuống ruộng.
Tôi chẳng thấy thú vị gì trong cuộc đi xem động.
Trèo một trăm thước thềm đá, vào cửa động, nhìn các mầu, các vân của đá, các bàn thờ Phật, những nhũ đá có hình rồng, hình rùa, với những tên các ngài đến du lịch quét bằng vôi trắng khắp mọi chỗ, ngần ấy cái không khiến cho tôi khỏi nóng ruột về cái thú đi săn.
Tôi thúc giục người thợ ảnh lúc chụp chúng tôi, tôi thúc giục cả các bạn hữu nào thích ngắm cảnh, và bị họ ghét. Một giờ sau, chúng tôi ra khỏi động, xuống cái am mà người ta gọi là "đền ngoài". Chẳng nói gì đến săn nữa, bạn hữu tôi lấy các thức ăn đem ra, chén phè phỡn! Tôi rất không bằng lòng các bạn, vì cái lương tâm thiện xạ của tôi. Tôi cho rằng người Việt Nam mình chỉ được cái bộ ăn thôi, chứ không bao giờ làm nổi trò trống gì cả. Tôi tức rằng việc đi săn mà tôi cho là rất hệ trọng, thì lại bị họ rẻ rúng như thế. Nhưng mà các bạn thân của tôi mặc kệ tôi. Tôi chỉ còn có con chó săn là cùng ý kiến.
Ăn xong, như một sự cố nhiên, có một vài người say rượu. Họ thấy nhức đầu. Họ nằm lăn ra ngủ. Ông nào chưa ngủ thì cũng kêu: Mệt lắm! Người nào không nhức đầu, không ngủ, thì uể oải châu đầu vào ống quần để nhặt cỏ may. Anh Diễm cũng nằm dài ra cái giường tre mà nói:
- Thôi, chả săn bắn gì nữa, chốc tôi còn cầm lái xe về, nếu không giữ sức khỏe thì nguy hiểm...
Thưa các ngài, như vậy thì bảo tôi có nên giết quách các bạn thân của tôi đi không? Tức quá, tôi lôi anh Diễm lên, bắt anh phải chỉ bảo tôi mọi cách mở súng, lắp đạn, đậy súng... Tôi hỏi anh thổ thì hắn đáp:
- Bẩm quan, bây giờ thì khỉ nó xuống ăn trộm ngô rồi còn gì!
Tuy vậy anh Diễm cũng bảo tôi:
- Thôi, súng đấy, đạn đấy, anh cứ việc ra ruộng mà săn. Để tôi ngủ một lát.
Tôi đáp anh như một người có điều gì đáng tự phụ:
- Được lắm! Thế thì còn gì bằng nữa!
Rồi tôi theo anh chàng thổ, lội cỏ may mà ra ruộng, vừa đi vừa vỗ đầu con chó.
* * *
Hắn chợt bảo tôi:
- Quan đi sẽ chứ! Quan cúi đầu xuống kẻo chúng trông thấy, lại lên núi mất. Khỉ là một giống tinh lắm.
Chúng tôi chỉ đi cách am chừng vài chục bước. Trước mặt chúng tôi là một quả núi cao lừng lững, có cây cối mọc hỗn loạn, um tùm. Chợt anh chàng thổ khẽ nói:
- Kìa! Chỗ bụi kia thấy động đậy! Dễ chúng đấy!
Tôi định thần trông ra phía hắn trỏ. Quả là bụi cây có động đậy thật, xong tôi không trông thấy một con khỉ nào. Tôi bèn hỏi:
- Hay là người nào?
Hắn đáp:
- Đâu làm gì có người nào!
- Thế ta bắn chứ?
Hắn cắt nghĩa:
- Chỗ nào xanh là lá cây. Chỗ nào mầu củ nâu là khỉ. Lông khỉ hơi vàng. Quan cứ chỗ nào hơi vàng mà ngắm.
Chẳng nghĩ ngợi gì nữa, tôi bèn để súng lên vai.
Tôi ngắm đúng chỗ có mầu củ nâu trong bụi xanh. Tôi bấm cò, súng nổ đùng một tiếng. Sườn núi cũng đáp bằng một tiếng đùng, do tiếng vang hắt lại.
Con chó săn chạy đến chỗ ấy lập tức.
Trên sườn núi thấy tiếng xào xạc của mấy con chim hoàng oanh vừa bay vừa kêu thất thanh. Rồi thì, từ cái bụi xanh, bỗng thấy hiện ra một thiếu nữ thổ với cái áo dài xanh, cái váy xanh, mặt mũi vừa ngơ ngác vừa tức giận:
- Rõ khéo khỉ ở đâu ấy! Đùa thế à? Chết người ta thì làm sao?
Thì ra đó là một thiếu nữ của rừng xanh đương lúi húi cắt cỏ cho ngựa, khi thấy trời râm lại thì bỏ nón ra, gài lên một cành cây. Tôi đã bắn trúng cái nón.
Tôi đương vừa lo sợ, vừa hổ thẹn, vừa mừng rỡ nữa, tim đương đập thình thình trong ngực, thì cô sơn nữ ấy đã giơ cái nón ra, kêu:
- Bắt đền đấy! Thủng nát cả nón người ta ra rồi đây này! Rõ đồ khỉ!
May đâu con chó săn cắn gâu gâu lên bênh vực tôi.
Tôi quay lại nhìn anh thổ để đổ lỗi cho hắn, thấy mặt hắn ngẩn ra một cách hết sức vô duyên. Thấy cái mặt giận dữ kia với cái mặt ngây dại này đều không phải là thuộc sự văn minh nên tôi không thèm xin lỗi cũng như không thèm trách mắng.
Thấy tiếng súng nổ và tiếng đàn bà chu chéo vang cả một góc rừng, các bạn tôi đều choàng dậy, chạy đến, tưởng dễ thường một vụ án mạng nào đã xảy ra...
Khi hiểu chuyện, họ lăn ra cỏ may để mà cười. Tôi đi săn khỉ, chính tôi bị gọi là khỉ.
                                         * * *
Về tỉnh, khi những người quen thuộc hỏi thăm tin tức về cuộc đi săn khỉ rất vĩ đại ấy, bạn Diễm đã nói một cách rất tự nhiên:
- Được một con!
Thành thử tôi cũng phải đáp như thế với người khác.
Thưa các ngài, từ đấy trở đi, không bao giờ tôi khao khát sự đi săn nữa. Tôi tự cho mình đã đủ từng trải. Tôi đã dùng từ súng một nòng đến súng hai nòng, từ đạn một đến đạn ghém, từ đi chân không đến đi xe hơi, từ không có chó đến có chó, và bắn từ chim muông đến mãnh thú...
Và, cũng từ đấy, mỗi khi trông thấy những tay thiện xạ có hổ, báo, hươu, nai sau ôtô hay giẽ giun ở tay lái xe bình bịch, tôi chẳng ngại lẩm bẩm như một nhà triết học ghét sự tàn sát:
- Chà! Rõ đồ dã man!
Vũ Trọng Phụng
Đông Dương tạp chí,
 Kết quả hình ảnh cho muối của rừng
Muối của rừng,
Hoa tử huyền mang lại điềm may mắn, 
Sắc trắng tinh vị mặn dễ nào quên.... 
Ba mươi năm hoa nở báo điềm hên, 
Phút đón nhận : thân trần nơi u tịch !!

Những cay đắng lỡ gieo vào tĩnh mịch, 
Cõi hoang sơ thức tỉnh chút lòng nhân.... 
Lấy sức mình cứu độ phút tham sân, 
Người cảm thấy thân trần sao dễ chịu !

Buông tất cả trong lòng ôi nhẹ nhỏm,
Hoa tử huyền bừng nở giữa sát na... 
Chốn bụi trần sao chẳng mấy thiết tha, 
Tâm bỗng ngộ, lòng nhẹ nhàng thanh thản !!
NM
 
Muối của rừng 
Sau Tết Nguyên đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng, vừa tình cảm. Điều ấy một phần là do mưa xuân.
Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân dẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú. Tất cả những trò nhố!lhá ng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da.
Chính dịp đó ông Diểu đi săn.
ý nghĩ đi săn nảy sinh khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng. Khẩu súng tuyệt vời, nhẹ bỗng, hệt như một thứ đồ chơi, thật nằm mơ cũng không tháy được. ở tuổi sáu mươi, với khẩu súng mới, đi săn trong rừng vào một ngày xuân kể cũng đáng sống.
Ông Diểu nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông và dận đôi giày cao cổ. Để cho cẩn thận, ông còn mang theo cả nắm xôi nếp. Ông đi men theo suối cạn, cứ thế ngược lên mó nước dầu nguồn. Cách mó nước một dặm là vương quốc của hang động đá vôi.
Ông Diểu rẽ sang lối mòn ngoằn ngoèo đi miết. Chim xanh đầy trên rặng gắm hai bên lối mòn nhưng ông không bắn. Với khẩu súng này mà bắn chim xanh thì thật phí đạn. Chim xa nh ông chén chán rồi. Ngon thì ngon nhưng có vị tanh. Nhà ông thiếu gì chim. Chim bồ câu nhà ông có đầy. Đến chỗ ngoặt, ông Diểu giật mình bởi một tiếng soạt trong lùm dẻ gai. Một chùm dây màu sặc sỡ tung trước mắt ông. Ông nín thở: một đôi gà rừng ton tón lao về phía trước, đầu chúi xuống, kêu quang quác. Ông Diểu rê nòng súng theo. "Bắn sẽ trượt thôi! " Ông nghĩ bụng và ngồi bất động ở trong tư thế như vậy rất lâu. Ông muốn chờ rừng yên tĩnh lại. Đôi gà rừng sẽ nghĩ là chưa gặp người. Như thế tốt cho chúng nó. Cũng tốt cho ông.
Dãy núi đá cao ngất hùng vĩ. Ông Diểu ngắm nhìn dể lượng sức mình. Nã được một chú khỉ hoặc chú sơn dương thì thật đâ đời. Sơn dương thì khó, ông Diểu biết thế. Giống này bắn được chỉ nhờ ở ngẫu nhiên thôi. Ông Diểu không tin vận may sẽ đến.
Cân nhắc kỹ, ông tính đi men chân núi đá vôi sang rừng dâu da săn khỉ. Chắc ăn hơn mà đỡ tốn sức. Đây là Hoa Quả Sơn, Thủy Liêm Động của thung lũng này.
ở rừng dâu da, khỉ có hàng bầy. Việc bắn được một chú khỉ với ông không khó. Ông Diểu dừng lại mô đất có cây dây leo. Không biết thứ cây này là thứ cây gì, lá bạc phếch giống như lá nhót, những bông hoa vàng như hoa tai rủ xuống tận đất. Ông ngồi đấy lặng lẽ quan sát. Cần xem bọn khỉ có ở đây không? Loài thú này khôn tựa người, khi kiếm ăn bao giờ cũng có canh gác. Con gác rất thính. Không thấy nó, đừng có hòng cuộc săn thắng lợi, đừng có hòng bắn được con át chủ bài. Con át chủ bài cũng là khỉ thôi. Nhưng đây là con khỉ của ông, là con ấy chứ không con khác. Vì vậy ông phải chờ, phải có cách thì mới bắn được.
Ông Diểu ngồi im dễ đến nửa giờ. Mưa xuân mỏng và mịn. Thời tiết ấm. Dễ đến rất lâu ông Diểu mới lại có dịp ngồi yên thế này, không nghĩ gì không buồn không vui, không lo lắng, cũng không tính toán. Sự tĩnh lặng bìnb thản của rừng xuyên suất qua ông. ào một cái, từ trong rừng dâu da bỗng như có tiếng quẫy động của một con vật khổng lồ. Ông Diểu biết là con đầu đàn đã đến. Con khỉ này cũng gớm lắm đây. Nó xuất hiện với một nghi lễ vương chủ. Tự tỉn đến thô bạo. Ông Diểu mỉm cười và chăm chú nhìn.
Sau tiếng dộng vài phút thì con đầu dàn đến thật. Nó văng mình rất nhanh đến nỗi gần như không có phút nghỉ ở mỗi chặng dừng. Ông Diểu thán phục vì sự nhanh nhẹn dẻo dai của nó. T'hoắt một cái, nó biến mất. Một nỗi xót xa khiến ông nhói lòng: số phận của bậc đế vương không trùng với số phận ông. Niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi di một nửa. Khi con khỉ đần đàn biến mất thì ào ra một đàn khỉ dến hai chục con từ rất nhiều hướng. Con vắt vẻo trên cao, con đánh đu ngang cành. Có con lại nhảy xuống đất. Ông Diểu thấy ba con khỉ cứ quấn lấy nhau: con khỉ dực, con khỉ cái và đứa con nó. ý nghĩ con khỉ đực sẽ là con mồi bám lấy ông Diểu tức thì. Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn! ông Diểu thấy nóng bừng người. Ông bỏ mũ và áo bông ra dặt dưới lùm cây. Ông để cả nắm cơm xuống đất. Ông từ từ dịch chuyển sang chỗ đất trũng thấp hơn. Ông nhìn kỹ và thấy con khỉ canh gác là con khỉ cái. Thế là thuận lợi rồi. Bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm. Đấy, thấy chưa? Đang canh gác mà đi bắt rận ở người thì còn gì nữa? Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất. Điều ấy thật giản dị và đẹp. Nhưng điều ấy lại đầy xót xa...
Ông Diểu tính toán rồi luồn theo hướng ngược gió với con khỉ cái canh gác. Phải tiếp cận đàn khỉ đến hai chục mét thì mới bắn được. Ông bò nhanh và rất khéo léo. Xác định được con mồi rồi là ông chắc chắn thành công. Thiên nhiên đã. dành cho ông chứ không ai khác chính con khỉ ấy. Thậm chí ông biết dù ông có đi mạnh chân một chút, gây nên một sự bất cẩn nhố nhăng nào đó cũng chẳng hề gì Điều ấy tưởng như phi lý mà thật bình thường. Tuy nghĩ vậy nhưng mà ông Diểu vẫn cứ tiếp cận đàn khỉ một cách thận trọng. Ông biết thiên nhiên đầy rẫy bất ngờ. Thận trọng chẳng bao giờ thừa. Ông Diểu tỳ súng vào một chạc cây. Cái bộ ba trong gia đình khỉ không hề biết rằng tai họa đến gần. Con khỉ bố vắt vẻo trên cây bứt quả ném xuống dưới đất cho hai mẹ con. Trước khi ném, bao. giờ nó cũng chọn quả ngon chén trước. Hành động ấy thật là đê tiện. Ông Diểu bóp cò. Tiếng súng dữ dội đến nỗi đàn khỉ lặng đi dễ đến một phút. Con khỉ đực buông tay ngã nhào xuống đất nặng nề. Sự hỗn loạn của cả đàn khỉ khiến cho ông Diểu sợ hãi run lên. Ông vừa làm điều ác. Chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người vừa mới làm xong việc nặng. Đàn khỉ thoắt biến vào rừng. Con khỉ mẹ và con khỉ con cũng chạy theo đàn. Được một đoạn, con khỉ mẹ bỗng quay trở lại. Con khỉ đực bị đạn vào vai, nó gượng dậy, nhưng lại vật xuống.
Con khỉ cái tiến đến gần con khỉ đực một cách thận trọng, nó nhìn ngó xung quanh. Sự im lặng này thật đáng ngờ. Nhưng rồi con khỉ đực cất tiếng gọi nó, tiếng gọi buồn thảm đau đớn. Nó dừng lại lắng nghe với vẻ khiếp sợ hoảng loạn.
- Chạy đi!
Ông Diểu rên lên khe khẽ. Nhưng con khỉ cái tuồng như muốn liều thí mạng, nó đến gần nâng con khỉ đực nhỏm lên.
Ông Diểu tức giận giương súng. Hành động hy sinh thân mình của con khỉ cái làm ông căm ghét.
Đồ gian dối, mày chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như một bà trưởng giả! Sự tan rã đạo đức bắt đầu từ những tấn kịch thế này, lừa ông sao được? Khi ông Diểu chuẩn bị bóp cò thì con khỉ cái quay lại nhìn ông. Đôi mắt nó sợ hãi kinh hoàng. Nó vứt phịch con khỉ đực xuống đất rồi chạy biến đi ông Diểu thở phào rồi khẽ bật cười. Ông nhô hẳn người ra khỏi chỗ nấp.
- Sai lầm rồi!
Ông Diểu rủa thầm vì ông vừa bước ra thì con khỉ cái quay lại tức thì. "Nó biết mình là người thì thôi hỏng việc! " Y như rằng, con khỉ cái vừa lén nhìn ông vừa lao đến chỗ con khỉ đực. Nó ghì lấy con khỉ đực vào lòng rất nhanh và khéo. Cả hai lăn tròn trên đất. Bây giờ thì con khỉ cái chắc chắn sẽ điên cuồng như một mụ ngốc. Nó sẽ cuồng nhiệt hy sinh bởi lòng cao thượng của nó sẽ được thiên nhiên tính điểm. Ông đã lộ mặt là tên ám sát! Dù chết nó vẫn nhe răng để cười. Bất luận thế nào ông cũng sẽ đau đớn, sẽ thao thức, thậm chí ông sẽ chết sớm hai năm nếu ông bắn nó lúc này. Tất cả chỉ vì ra khỏi chỗ nấp sớm mất hai phút.
- Thôi Diểu ơi... - ông buồn bã nghĩ, - với đôi chân thấp khớp thế này thì làm sao mày chạy nhanh bằng lòng tận tụy, thủy chung của khỉ? Như trêu ngươi, hai con khỉ vừa chạy vừa dìu lấy nhau, con khỉ cái thỉnh thoảng lại huơ huơ đôi chân vòng kiềng trông vừa tức cười lại vừa đểu cáng. Ông Diểu bực mình lấy đà ném mạnh khẩu súng văng về phía trước. Ông mong muốn con vật hoảng sợ buông mồi.
Từ mô đá, bỗng nhiên con khỉ con xuất hiện. Nó túm lấy dây súng của ông kéo lê trên đất. Ba con khỉ vừa bò vừa chạy cuống cuồng. ôn g Diểu ngớ ra một lát rồi phá lên cười: tình thế của ông thật là lố bịch!
Nhặt đất đá ném theo lũ khỉ, ông Diểu vừa đuổi vừa la. Lũ khỉ hết sức kinh hoàng, hai con chạy về phía núi, còn con khỉ nhỏ chạy về phía vực. “Mất súng thì hỏng". Ông Diểu nghĩ thế và đuổi theo con khỉ nhỏ. Khoảng cách rút ngắn đến mức nếu không vì mắc nền đá lởm chởm, ông lao nhoài ra là tóm ngay được khẩu súng.
Việc ông Diểu dồn con khỉ nhỏ đến bờ miệng vực đưa đến hậu quả khôn lường. Giữ chặt dây súng, nó lăn xuống miệng vực không chút chần chừ. Vì ít kinh nghiệm, nó không tìm ra giải pháp nào khác trong trường hợp ấy.
Ông Diểu tái mặt, mồ hôi toát ra như tắm. Ông đứng trên miệng vực nhìn xuống rùng mình. Từ dưới sâu hun hút vang lên tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ. Trong ký ức của ông chưa hề có tiếng rú nào tương tự thế này. Ông Diểu lùi lại kinh hoàng. Từ dưới miệng vực, sương mù dâng lên cuồn cuộn, trông vừa kinh dị, vừa đầy tử khí. Sương mù len vào từng chân bụi cây và xóa rất nhanh cảnh vật. Ông Diểu chạy lùi trở lại. Phải lâu lắm, có lẽ từ thời thơ ấu, ông Diểu mới lại có lần chạy như ma đuổi thế này.
Đến chân núi đá, ông Diểu kiệt sức. Ông ngồi phệt xuống nhìn về phía vực. Bây giờ sương mù đã trùm kín nó. Ông sực nhớ ra đây là khu vực đáng sợ nhất trong thung lũng, khu vực mà cánh thợ săn đặt tên cho là Hõm Chết. ở hõm sâu này, gần như đều đặn, năm nào cũng có người bị sương mù giăng bẫy làm cho toi mạng. “Hay là ma? - ông Diểu nghĩ. - Cô hồn của những bà cô ông mãnh thường biến thành hình kìlỉ trăng?" Con khỉ này màu trắng. Nó đoạt súng của ông bất thường đến nỗi ông cũng ngờ vực là sao sự thực có thể giản đơn như vậy? - "Ta có mê không? - ông Diểu nhìn quanh. - Tất cả như trong mộng mị?" - ông đứng dậy nhìn lên vách núi bàng hoàng. Phía núi đá ngược chiều Hõm Chết, bầu trời quang đãng không hề vướng gơn sương mù, tất cả cảnh vật lộ rõ từng đường nét.
Có tiếng kêu thảng thốt. Ông Diểu trông lên thì bỗng thấy con khỉ đực bị thương nằm vắt ở trên mỏm đá. Không thấy con khỉ cái. Ông mừng quá tìm hướng leo lên. Núi đá dốc và trơn. Leo lên nguy hiểm và vất vả lắm. Ông Diểu lượng sức: "Nhưng dù thế nào thì ta cũng phải tóm được chú mày"! Ông Diểu bình tĩnh bám vào các khe đá nứt leo lên. Được khoảng chục mét, ông Diểu thấy nóng bừng người. Lựa chỗ đứng thuận tiện, ông cởi bỏ giày và quần áo ngoài để lên một chạc cây duối. Trên mình mỗi chiếc quần lót, ông thấy thoải mái. Ông leo thoăn thoắt và càng không ngờ sức mình có thể nhanh nhẹn dẻo dai đến thế. Con khỉ đực bị thương nằm trên ngọn đá phẳng lì và khá chông chênh. Dưới phiến đá, một khe nứt rộng đến gang tay tách nó ra khỏi vách núi. Ông Diểu rùng mình, cảm tưởng như bất cứ lúc nào tảng đá cũng có thể lăvl nhào khỏi vị trí ấy làm ông kinh hãi. Thiên nhiên oái oăm lại muốn thử thách thêm lòng dũng cảm của ông sao đó. Ông Diểu lấy hai cùi tay làm tựa để co người lên. Con khỉ tuyệt đẹp, lông mịn và vàng. Nó nằm sấp mình, hai tay cào trên phiến đá như muốn tìm cách nhích lên. Máu đỏ bết bên vai nó. Ông Diểu đặt tay lên mình con khỉ và thấy nó nóng hầm hập. "Dễ đến hơn yến... " ông Diểu luồn tay xuống dưới ngực con khỉ nâng lên ước lượng.
Từ trong ngực nó phát ra tiếng "hừm" nho nhỏ nghe rất đáng sợ, tựa như thần Chết bực mình cáu kỉnh vì sự can thiệp của ông với nó. Ông Diêu rút phắt tay lại. Con khỉ run bắn, nó đưa đôi mắt đờ dại nhìn ông cầu khẩn. Ông Diểu bỗng thấy thương hại. Viên đạn phá vỡ bả vai của nó, làm trồi ra hẳn đoạn xương dài đến bốn phân. Mối khi đoạn xương va chạm, con khỉ quằn quại trông rất đau lòng.
- "Để thế không ổn! " - ông Diểu vơ lấy một nắm cỏ Lào vò nát~ ông cho vào miệng nhai kỹ. Ông đắp nắm lá vào miệng vết thương con khỉ. Nắm lá sẽ có tác dụng cầm máu cho nó. Con khỉ co rúm người lại và nghiêng đôi mắt ươn ướt nhìn ông. Ông Diểu tránh nhìn vào đôi mắt nó. Một lát, con khỉ rúc hẳn vào hai lòng tay ông Diểu. Miệng nó phát ra âm thanh lắp bàp nghe như tiếng của trẻ con. Ông biết nó đang van xin và tìm một sự giúp rập. Ông rất khó chịu. "Thà mày chống cự thì tốt cho tao, - ông Diểu nhìn vào cái đầu ngoan ngoãn của con khỉ nhỏ cau mày. - Mình đâm già rồi... Nó biết người già thì dễ mủi lòng. Bây giờ tao biết lấy gì băng bó cho mày hở khỉ?" Ông Diểu suy nghĩ. Ông đành cởi chiếc quần lót đang mặc. Ông dùng chiếc quần lót ấy để băng vết thương cho nó. Vết thương cầm máu, con khỉ không còn rên nữa.
Cứ thế trần truồng, ông Diểu vừa bế vừa đỡ con khỉ tìm đường tụt xuống chân núi. Thoắt nhiên, đất đá từ lưng chừng núi sụt xuống rào rào như có sức mạnh nào đấy xô đẩy.
Núi lở!
Ông Diểu thót mình và bám thật chặt vào tảng đá kinh hãi. Đoạn đường mà ông leo lên lúc nãy loáng cái chỉ còn một vết chém thẳng phẳng lì. Ông Diểu không còn thấy cây duối để quần và giày đâu nữa. Đi xuống đường ấy bây giờ thật nguy hiểm. Đành phải vòng ra sau núi. Xa hơn nhưng lại an toàn.
Ông Diểu lần mò đến hơn hai tiếng đồng hồ mới xuống được đến chân núi. Thật chưa bao giờ ông lại vất vả và mệt đến thế. Người ông đầy vết xây xát. Con khỉ sống không ra sống, chết không ra chết. Kéo nó trên đất thì quá đau lòng, mà bế ẵm nó trên tay thì không đủ sức. Đến chỗ lùm cây leo nấp chờ ban sáng, ông Diểu dừng lại để tìm mũ áo và nắm xôi nếp. ở đáy đùn lên một đống mối to gần bằng cây rạ. Đống mối nhớp nháp một thứ đất mới đỏ au, trên đấy đầy những cánh mối ướt rụi. Khốn nạn, dây vào tổ mối thì những đồ vật của ông thành cám! Thở dài thất vọng, ông Diểu quay lại bế con khỉ lên.
"Chẳng lẽ lại cứ nồng nỗng thế này về nhà thì thật khả ố - ông Diểu bực mình. - Mình sẽ thành một trò cười cho thiên hạ mất... " ông cứ vừa đi vừa nghĩ và đâm loanh quanh một lúc mới nhận ra con đường. "Thì đã sao nào - ông bỗng bật cười. - Hỏi ai bắn được con khỉ thế này? Phải yến rưỡi thịt... Lông vàng như nhuộm... Bắn được con vật như thế này thì dẫu mảnh giáp không còn cũng đáng! Có tiếng động khẽ đằng sau. Ông Diểu giật mình quay lại và nhận ra con khỉ cái. Thấy ông, nó thoắt biến vào bụi rậm. Hóa ra con khỉ cái theo ông từ khi ông ở trên núi mà ông không biết. Ông thấy là lạ. Đi được một quãng, ông Diểu quay lại thì vẫn thấy nó lẽo đẽo đằng sau. Thật khốn nạn quá! ông Diểu đặt con khỉ đực xuống đất rồi nhặt đất đá đuổi con khỉ cái. Nó kêu the thé rồi chạy biến đi. Chỉ được một lúc, ông Diểu ngó lại thì vẫn thấy nó lẵn g nhẵng bám theo. Cái bộ ba ấy cứ thế lầm lũi xuyên rừng. Con khỉ cái cũng thật kiên trì. Ông Diêu bỗng thấy bị xúc phạm ghê gớm. Tựa như ông bị theo dõi, bị đòi ăn vạ.
Bây giờ, cả con khỉ đực cũng đã nhận ra tín hiệu vẫy gọi của đồng loại nó. Nó cứ giãy giụa, nó làm cho ông khổ vô cùng. Ông Diểu mệt lả, ông không còn sức giữ con khỉ nữa. Hai tay con khỉ cào trên ngực ông tóe máu. Cuối cùng, không thể chịu nổi, ông đành tức giận ném nó xuống đất. Con khỉ đực nằm dài trên vạt cỏ ướt. Ông Diểu buồn bã ngồi nhìn. Cách đó không xa, con khỉ cái cũng thập thò sau một gốe cây theo dõi.
Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề. "Thôi tao phóng sinh cho mày! " - Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy nhổ bãi nước bọt xuống dưới chân mình. Lưỡng lự giáy phút rồi ông vội vã bỏ đi. Hình như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến chỗ con khỉ đực nằm.
Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may màn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.
Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông nhòa vào màn mưa.
Chỉ ít ngày nữa sang tiết Lập hạ. Trời sẽ ấm dần.
Nguyễn Huy Thiệp
Cao khỉ U Minh
Tôi ngả lưng vào gốc cột, nằm lim dim. Mùi rượu đế xông lên khiến mắt tôi lờ đờ, hơi thở bắt đầu nóng như sắp nhiễm bịnh cảm cúm. Ông Tư Huỳnh nói to:
- Thầy Hai bỏ cuộc rồi sao? Ăn thêm nữa chớ. Rừng U Minh thiếu gì cá.
Tôi đáp:
- Dạ, ngán quá. Ăn nhiều sanh bịnh.
- Thầy nói vậy đâu được. Ăn nhiều để trừ bịnh tật. Xưa nay, kẻ ăn ít thường chết sớm.
Ông Tư Huỳnh với tay ra sau lưng đập muỗi, xoè bàn tay lốm đốm máu tươi cho tôi xem rồi tiếp lời:
- Mỗi ngày mình mất bao nhiêu máu, nếu không ăn nhiều để tẩm bổ thì chết luôn. Hơn nữa, mùa này mà nhịn thì đợi bao giờ mới ăn!
Lý luận của ông Tư Huỳnh khiến tôi ngồi dậy, ăn thêm, ăn mãi. Từ phía nhà bếp con gái ông Tư Huỳnh lui cui nướng cá. Chúng tôi đã ăn tuốt năm con cá lóc to, gọi là cá lóc nái, mỗi con nướng chín thơm phức, nằm trên miếng lá chuối tươi. Sau khi dùng đũa xẻ một lằn dưới bụng cá, chúng tôi trải con cá ra, gáp chừng ba bốn đũa là quăng bỏ cái xương sống cá, mặc dầu trong xương còn dính khá nhiều thịt. Ông Tư Huỳnh lãnh phần thanh toán bộ ruột, nuốt gan và mật cá:
- Ồ! Cái mật cá đắng thiệt nhưng vị đắng đó ngọt xớt, trị bịnh yếu mật. Còn cái đầu cá, ngon lắm, thầy Hai ăn đi. Cứ gắp hai cục thịt ở gò má con cá là đủ. Nghe đâu ở Biển Hồ Nam Vang, người ta đem thú gò má ấy phơi khô, nhậu rượu ngon lắm.
Chập sau, tôi ngán ngẫm, sợ mang chứng trúng thực. Ông Tư Huỳnh nói:
- Chưa hết. Bây giờ mình ăn qua món cá sặc rằn...
Mỗi gắp là bốn hoặc năm con cá, mỗi con sặc to bằng bàn tay xoè, tươm mỡ. Ông Tư Huỳnh mời mọc:
- Ăn thêm nữa đi.
Tôi cầm đũa, chưa gắp miếng cá nào chợt nghe ông nói to với đứa con gái;
- Nướng thêm một chục con cá nữa. Nghe chưa con!
Tôi vội cản ngăn:
- Thưa ông, đủ rồi.
- Chưa đủ đâu, thầy Hai. Ăn nhiều cho đủ sức lực. Bà con xứ này nhờ ăn cá mà khỏi chết vì bịnh rét rừng. Muỗi cắn sanh bịnh rét. Nhưng nhờ muỗi mà cá được mập mạp. Cá U Minh lớn con nhờ ăn muỗi. Tóm lại, vì muỗi mà mình mang bịnh, vì muỗi mà mình có đủ cá để ngừa bịnh...
Vừa rồi, ông Tư Huỳnh vừa dạy tôi cách ăn cá sặc rằn nướng,“mỗi con ăn hai đũa.” Ta cứ cầm đũa, giẻ một bên, đưa vào miệng rồi thì trở con cá, giẻ thêm đũa nữa, giẻ xong, cứ quăng cái xương cá... Tôi ngậm ngùi nhìn đống xương cá vun lên khá cao, nếu rỉa cho kỹ, trong đống xương đó còn dính chừng một ký lô cá.
- Mình lãng phí quá, thưa ông.
Ông Tư nheo mắt:
- Ăn theo kiểu ông bà để lại. Ở sau hè này, còn một cái nền nhà xưa, từ đời nào không ai biết. Tôi đào nền nhà đó, tìm vàng bạc. Biết đâu hồi xưa, Gia Long tẩu quốc đã hạ trại đó rồi bị quân Tây Sơn rượt, bỏ quên nhiều món ngọc ngà châu báu. Rốt cuộc tôi gặp từng đống xương cá. Thầy hai hiểu chưa? Hồi xưa, họ ăn như bọn mình từ nãy giờ.
Tôi mang tật hiếu cổ nên mừng quýnh:
- Vậy hả ông? Lát nữa, nhờ ông dẫn tôi ra nền nhà đó.
Ông Tư Huỳnh nói:
- Cỏ mọc um tùm như trước sân nhà này, vậy thôi.
- Nghĩa là rắn ở đó chớ gì!
- Rắn thì không đáng ngại. Chỉ ngại một điều khó nói trong lúc đang ăn...
- Thưa ông, chuyện gì quan trọng?
Ông Tư ghé miệng sát bên tai tôi, nói thật khẽ:
- Mấy cha nội giăng câu, đón củi thường tới cái nền nhà xưa đó mà ... phóng uế. Hôi hám lắm.
Tôi thất vọng, buột miệng nói một câu sầu thảm:
- Uổng quá. Nếu ở xứ khác, có lẽ cái nền nhà xưa đó trở thành nơi quan trọng, được các nhà bác học chiếu cố tới.
- Thầy Hai nói thiệt hay nói chơi đó?
- Dạ, nói thiệt chớ. Mấy đống xương cá vụn đống là những“sử liệu biết nói.” Nó ghi lại hình ảnh oai hùng của người... di khai hoang. Và biết đâu, nói đánh dấu những nơi của loài người ở rừng U Minh từ ngàn năm về trước. Ở xứ Ðan Mạch, các nhà khảo cổ đã gặp nhiều đống võ sò vỏ ốc quến cục với nhau, chôn vùi trên bờ biển. Bên cạnh mớ vỏ sò ốc đó còn nhiều thanh củi, tro bếp. Họ phỏng định: xưa kia hồi thời cổ sử, loài người tới đó cư trú... Lại còn nhiều món đồ gốm thô sơ nữa. nếu tìm cho kỹ, biết đâu cái nền nhà sau hè này là...
Ông Tư Huỳnh cười dòn:
- Thầy Hai điên chữ rồi? Thầy muốn nói đó là dấu tích của người Bàn Cổ hả? Ăn cá là kiểu săn bắn, hái trái cây chớ gì?
- Dạ, ông nói đúng. Ở xứ sình lầy, phù sa mộ địa, ngưòi Bàn Cổ bắt cá ăn thay thịt nai, thịt chồn và hái rau rừng ăn thay cho trái cây...
Hồi lâu, ông Tư Huỳnh nói:
- Dễ lắm. Ở xóm này có Hai Khị là người già nua, hiểu rành chuyện xưa tích cũ, ăn nói có đầu có đuôi. Nếu muốn biết về những Bàn Cổ ở rừng U Minh, thầy Hai nên tới thăm Hai Khị một phen. Như vậy chắc ăn hơn là đào cái nền nhà sau hè. Nhưng tôi căn dặn thầy một điều: Hai Khị nói hơi nhiều... Thầy ráng mà nghe một lần. Tôi nghe nhiều lần quá rồi...
Tôi nài nỉ ông Tư Huỳnh:
- Nhờ ông dẫn tôi tới nhà Hai Khị. Ông Hai Khị chắc già lắm rồi hả? Ông tới đây lập nghiệp từ bao giờ?
- Thời giờ rảnh rang, tôi sẳn sàng... Hai Khị đã lớn tuổi... Ừ! Cha nội đó rành lắm, ăn nói nghe mà mê. Làm nghề săn khỉ!
* * *
Từ nhà ông Tư Huỳnh đến nhà Hai Khị, chúng tôi bơi xuồng, qua nhiều con rạch quanh cảm ơn. Mùa mưa, lá tràm xanh biếc, xa xa có vài gốc cây đước, cây vẹt. Muỗi rừng bay ra khá nhiều, tôi chăm chú nhìn lên trời, tìm vơ vẫn...
Ông Tư Huỳnh nói:
- Muỗi cắn no tròn trên mặt thầy Hai kìa! Kiếm cái gì ở trên ngọn cây?
- Dạ kiếm khỉ.
- Trời đất ơi! Rừng này đâu còn khỉ nữa.
- Hồi nãy, ông nói rằng Hai Khị sống bằng nghề săn khỉ mà.
- Ðó là chuyện đời xưa. Lát nữa, thầy Hai mặc sức mà nghe. Bây giờ, nói sớm quá, hết vui. Vả lại, Hai Khị tới rừng này trước tôi. Tôi là kẻ vong gia thất thế, từ Tân An xuống đây làm ăn...
Tại sao ông Tư Huỳnh đố kỵ với Hai Khị tới mức đó? Ông đề cao Hai Khị, đồng thời ông lại hạ địa vị mình một cách quá đáng. Hay là hai lão già này có mối cựu thù. Vô lý quá. nếu thù hằn nhau thì ông Tư Huỳnh đâu sẵn sàng tới nhà Hai Khị. Hai Khị là ai?
Chiếc thuyền rẽ nước khá nhanh. Vò trời mỡ rộng. Tôi ngạc nhiên, chẳng hiểu tại sao giữa rừng mà lại có ngôi nhà ngói ba căn hai chái, cất theo kiểu xưa, giống như nhà mấy ông cai tổng ở vùng Cần Thơ. Mái ngói tuy đóng rêu đen nhưng vẫn giữ dáng điệu cong cong. Trước nhà có cửa ngõ và vài chậu kiểng. Chó sủa vang dậy. Ông Tư Huỳnh nói nhanh:
- Hai Khị ngồi hút thuốc đó! Bên gốc cột...
Hai Khị đứng dậy, ngó xuống bến, miệng cười tươi. Ông ta dường như còn tươi trẻ hơn ông Tư Huỳnh.
- Anh Tư tới đó hả?
- Ừa! Sẵn có thầy Hai này muốn biết chuyện cổ tích, tôi đưa thẩy tới đây.
Hai ông lão nói chuyện khá nhiều, nào là mùa màng, thời tiết, ong, mật, rùa, rắn, cá tôm. Hồi lâu, ông Hai Khị mới ngỏ lời:
- Ờ... Thầy Hai đây hả!
Tôi cúi đầu:
- Dạ, cháu ở Sài Gòn, lâu lâu về đây chơi một lần.
Cả ba người vào nhà. Mặt trời lên quá cao rồi, bầu không khí bên trong dường như ẩm ướt. Mái nhà thấp, che khuất ánh nắng. Vách nhà đóng bằng ván, đóng kín, chẳng khoét một cái cửa sổ nào hết.
Ông Hai Khị mời ngồi nhưng cứ tần ngần, như lạc vào một thế giới nào xa lạ. Trên cái bàn khá to, bốn con khỉ đang ngồi - Những con khỉ chết khô - rụng hết lông, thịt da đen ngòm, thịt bám chặt vào xương giống như... xác ướp Ai Cập. Có một con to xác nhứt, ngồi lum khum trên nhánh cây, chân thòng xuống đụng vào mặt bàn, hai tay đặt trên đầu gối, hố mắt sâu hoắm, ra dáng suy tư. Tôi vừa sợ, vừa buồn cười:
- Khỉ ở đâu vậy ông? Ðể trong nhà như vầy coi ghê quá!
Ông Hai Khị im lặng, đi thẳng đến tủ kiếng, mở cửa tủ, đem ra một ngọn đèn sáp, đốt lên. Ông nói mơ hồ:
- Nhà này cất theo kiểu xưa ở ngoài... Huế, ban ngày cũng như ban đêm...
Mặc dầu chưa đến xứ Huế lần nào, tôi cũng cải lại:
- Thưa ông, ở ngoài Huế nhà cửa sáng sủa... theo tân thời.
Ông Hai Khị vừa thắp ngọn nến, vừa nói:
- Thầy Hai còn trẻ quá. Tôi muốn nói tới kiểu nhà xưa của mấy ông quan đại thần, của vua chúa. Suốt ngày suốt đêm, đèn sáp cháy không dứt. Nếu tắt đèn thì tối om om. Mấy ông vua cũng vậy. Lúc đọc sách, lúc ngâm thơ, mấy ổng thắp đèn sáp giữa ban ngày.
Ông Tư Huỳnh nheo mắt, che miệng, cười. Thừa lúc ông Hai Khị xuống nhà bếp. Ông Tư nói với tôi:
- Ngán chưa! Thầy Hai thấy chuyện lạ chưa? Mấy con“khỉ khô” đó. Tôi dặn thầy điều này: đừng cãi với ông Hai Khị. Ổng ghét bất cứ kẻ nào dám cãi. Thầy cứ thưa thưa dạ dạ. Lát nữa, ổng nói chuyện sự tích mấy con“khỉ khô” đó, vui lắm.
Ông Hai Khị trở lại bộ ván, mời chúng tôi uống trà. Tôi ngỏ ý muốn hiểu vì sao ông chưng bày mấy bộ xác khỉ trong nhà rồi nói tiếp:
- Khỉ này đâu có lớn con! Ở Sở Thú Sài Gòn, tôi gặp nhiều thứ lạ hơn. Hay là con... xà niên, con đười ươi?
Ông Tư Huỳnh đưa tay khều nhẹ tôi. Tôi chợt nhó lại lời căn dặn ban nãy nên nói vuốt ve trở lại:
- Thưa ông, chác mấy con khỉ này có nguồn gốc lạ lùng...
Ông Hai Khị gật đầu:
- Quý lắm đó thầy Hai... Bởi vậy, tôi ít khi nói chuyện xưa cho người khác nghe.
Ông Tư Huỳnh nói xen vào:
- Thầy Hai này hơi bịnh. Thầy chưa hiểu tại sao ở đây thiên hạ sống hoài ăn cá quá nhiều. Thầy muốn tìm thuốc bổ đó.
- À! Hồi xưa, ông bà mình tới rừng U Minh này, mang bịnh nhưng cố gắng mà sống.“Bịnh ở đâu thì thuốc ở đó.” Ông bà mình nói nghe thậm phải.
Rồi thì ông Hai Khị bắt đầu kể chuyện. Xưa kia, thời ông Mạc Thiên Tứ - con của Mạc Cửu, một người Trung Hoa sang tị nạn ở Việt Nam vùng chợ Hà Tiên – thì sung túc nhưng rừng U Minh còn sầm uất, khỉ sống từng bầy đôi ba chục con. Người Việt Nam đến rừng U Minh tìm huê lợi thiên nhiên. Họ chê cá tôm vì cá tôm bán rẻ hơn cọp và khỉ. Bấy giờ, cọp, khỉ và rừng rậm nuôi dưỡng cho nhau. Khỉ ăn trái rừng, lớn lên khỉ làm mồi cho cọp; cây sanh trái làm thức ăn cho khỉ.
Ông Hai Khị nói:
- Cách đây một trăm năm, ông cai Thoại đến U Minh, ra tài đánh cọp. Cọp chết quá nhiều hoặc chạy trốn về phía núi Tà Lơn, bên Cao Miên.
Tôi chợt nghĩ ra một ý:
- Thưa ông... Thế là khỉ sanh sản nảy nở quá nhiều.
Ông Hai Khị gật đầu lia lịa:
- Ðúng vậy. Ðúng vậy. Xưa kia, thiên địa tuần hoàn theo luật riêng. hết cọp, khỉ sống hoài trở thành... chúa sơn lâm. Ông cai Thoại đã vô tình là thay đổi luật trời đất. Nhưng may quá, người Việt Nam đến rừng U Minh, tìm cách để bắt khỉ.
Tôi hỏi:
- Bắt để làm gì? Ăn thịt khỉ à? Nhiều quá, làm sao ăn hết... Hay là ông bà mình hồi đời xưa bắt khỉ... làm khô, hoặc phơi khô nguyên xác khỉ, đem bán qua bên Tàu cho mấy người giàu có chưng bày trong phòng khác như vầy...
Vừa nói, tôi vừa liếc qua mấy cái xác khỉ.
Ông Hai Khị lắc đầu:
- Ông bà mình hồi xưa khôn ngoan hơn nhiều. Họ bán khỉ qua bên Tàu, bán cái“tinh túy” của con khỉ.
Theo lời ông Hai Khị, người tiền phong khai hoang ở U Minh đã bày ra nhiều cách lạ lùng để săn khỉ. Họ dùng lưới, mỗi tấm lưới to bằng cái nhà, lưới đang bằng dây gai thật chắc. Thợ săn khỉ vào rừng một mình, mang theo tấm lưới và vài nải chuối chín. Ðến nơi nào có nhiều khỉ, họ chọn khoảng đất trống, trải lưới ra, phủ trên cỏ.
Ðâu đó xong xuôi, họ leo lên cây mà ngồi, chờ đợi, nắm trong tay sợi dây buộc dính liền với bốn góc tấm lưới.
Từ trên cao um tùm, họ quăng xuống từng trái chuối chín, quăng vào tấm lưói vô hình ấy.
Bọn khỉ thấy chuối thì ham, xúm nhau chạy tới, con này gọi con kia, mỗi lúc một đông. Ngưòi thọo săn cứ quăng chuối để làm mỗi nhử. Ðến lúc nào đó, người thợ săn bèn giựt bốn sợi dây. Lũ khỉ mê ăn bị tóm lại, gói trọn trong tấm lưới. Lẽ dĩ nhiên, nhờ lanh chân nên vài con khỉ chạy thoát kịp, nhưng đa số đành ở lại, chờ chết.
Thợ săn đem khỉ về nhà. Rồi họ tiếp tục đi săn mãi mãi.
Tôi hỏi:
- Thưa ông, săn nhiều quá, làm cách nào tiêu thụ. Mỗi ngày, phải tốn bao nhiêu trái cây để nuôi khỉ. Rủi bán ế thì làm sao?
- Thầy Hai chớ lo xa. Ông bà mình hồi xưa bày ra nhiều cách: nấu khỉ làm thuốc cao.
Vẫn theo lời ông Hai Khị, thợ săn đem khỉ về, đập đầu lột da, mỗ bụng, lóc thịt để lấy xương khỉ làm thuốc. Họ bỏ xương khỉ vào một cái chảo thật to, nấu với nước, nấu ngày nấu đêm, thỉnh thoảng, họ cầm muỗng mà vớt màng màng, đổ bỏ. Năm bày ngày, năm bảy đêm trôi qua, xương khỉ trở thành mềm mại như“xí quách.” Họ quăng bỏ xương ấy. Dưới đáy chảo, còn sót lại môt thứ keo sền sệ. Ðó là“cao khỉ” theo kiểu cao hổ cốt. Cao hổ cốt“sọ khỉ” tuy yếu hơn“cao cọp” nhưng bổ về đường khí huyết.
Ông Hai Khị cho biết: mỗi người chỉ có thể uống một miếng cao khỉ mỏng như đồng xu mà thôi; uống quá độ lượng thì sanh bịnh. Hồi thuở còn nhỏ, ông Hai Khị đã rắn mắt, cắn vào cục cao khỉ. Sau đó, ông nằm mê man, ngủ li bì, mình mẩy nóng ran, sắp chết. May thay, cha của ông h;ay kịp, đem ông lên trên bộ ván rồi đốt lửa phía dưới. Lửa sưởi ấm bộ ván và hơi ấm ấy truyền qua cơ thể ông Hai. Nhờ vậy, ông toát mồ hồi sống lại đến... giờ này, đến tuổi sáu mươi mà sức khoẻ vẫn còn đầy đủ.
Tôi hỏi:
- Lúc uống cao khỉ quá nhiều, chắc ông chết giấc?
- Ừ! Hồi đó, tôi mới có mười ba, khi tỉnh dạy, mình mẫy tôi ê ẩm, tứ chi bải hoải...
Rồi ông ghé miệng vào tai tôi mà nói khẽ:
- Giống như người thừa sức lực... Chất“cao khỉ” gồm tinh túy của loài khỉ đó thầy Hai.
- Dạ, bây giờ rừng U Minh còn lai rai vài con khỉ già, chắc nghề nấu cao khỉ không còn nữa phải không ông?
Ông Hai Khị chỉ vào mấy cái xác khỉ khô:
- Tôi còn chút ít cao khỉ của ông bà để lại. Nếu thầy Hai muốn hiểu sự tích khai hoang rừng U Minh, nếu thầy Hai muốn sống dai, ngừa bịnh rét rừng, sanh con để cháu nhiều hơn thiên hạ thì...
Nói xong, ông Hai Khị mở tủ, đem ra một cục cao khỉ đen thui, gói trong giấy hút thuốc. Tôi hửi thử: mùi cao khỉ hơi thum thủm, giống mùi a dao vậy thôi.
Bây giờ, ông Tư Huỳnh khều nhệ tôi, nói nhỏ:
- Mình về, đủ rồi. Ðừng thèm mua.
Tôi nói to giọng:
- Thứ cao này ngộ quá. Thôi, hẹn với ông Hai sáng mai tôi trở lại...
Ông Hai Khị nói:
- Tôi chờ thầy Hai. Sáng mai, tôi cho thầy Hai uống thử một lát cao khỉ...
Tôi đứng dậy, cáo từ. Trước khi ra về, tôi đến gần mấy con“khỉ khô” sờ thử và nắm tay từng con. Có một con khỉ mới ướp xác ngồi chết đó, xoè bàn tay. Tôi nhướng mắt nhìn kỹ. Trong lòng bàn tay khỉ có nào là đường trí đạo, đường vận mạng giống hết bàn tay con người. Và đường sạnh đạo của con khỉ đó lại đứt khúc, hèn gì nó... chết sớm.
- Về cho kịp nước ròng, thầy Hai!
Ông Tư Huỳnh nhắc nhở một lần nữa. Tôi với ông xuống xuồng. Ông Tư Huỳnh bơi sau lái, cười to:
- Ðó, sự tích rừng U Minh huyền bí như vậy đó. Nói theo kiểu ông Hai Khị thì chắc là chung quanh nền nhà của ông có ... hàng ngàn khúc xương khỉ, của ông bà hồi xưa nấu cao rồi quăng bỏ.
Tôi hỏi:
- Ông Hai Khị nói thiệt không vậy ông Tư?
- Phần đầu, chuyện săn khỉ bằng lưới, ổng nói đúng sự thật. Nhưng tới phần sau, chuyện nấu cao khỉ rồi... chuyện nằm mê man, ổng nói dóc để bán cao khỉ! Thức cao đó làm giả mạo. Nếu muốn bổ khoẻ, thầy Hai cứ ăn cá cho nhiều như mình ăn hồi nãy là đủ. Nói thiệt với thầy Hai, ba năm rồi, Hai Khị bán cao khỉ ế ẩm lắm vì bà con trong xóm đều chán ngán. Cha của Hai Khị hồi xưa săn khỉ giỏi lắm. Tới đời Hai Khị thì khỉ đã hết, thợ săn khỉ trở thành thợ... nói chuyện đời xưa giữa ban ngày mà đốt đèn sáp trong nhà!
Chiếc xuồng trôi từ từ theo nước suối. Trong rừng sâu, vài người đốn củi ca vọng cổ nghe văng vẳng.
 Sơn Nam