Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Con cá cô đơn

Người Không Cô Đơn

Buồn Con Cá Quẫy Đuôi 

Album Tuyển Tập Những Bài Ca Về Gió  

Nước mắt cô đơn,
Dẫu có khóc nhưng nào ai có thấy ?
Nước mắt trôi hoà lẫn biển mênh mông...
Xa giờ xa chợt nhớ đắng cay lòng,
Ơi bạn nhỏ từ đây thôi vĩnh biệt !

Thiết tha thế ta cũng đành xa cách,
Nào ai nhìn thấy rõ nước mắt đau ?
Một mình ta trở lại với nong sâu,
Cố quên lãng người bạn thân nhỏ bé...

Nhớ thật nhiều những ngày bên nhau nhé,
Những vui buồn hờn giận lẫn thương đau...
Ta bên nhau khắn khít ngỡ dài lâu,
Nào ai biết giờ chia tay vĩnh viễn ?

Con cá cô đơn

Từ lúc nào không rõ, khi bước chân đến nơi làm việc của mình, tôi đã thấy bể cá được đặt trên mặt kệ đá hoa cương; cái kệ vốn là chiếc tủ nhà bếp được tận dụng lại đựng giày dép, vớ tất các loại. Bể nhỏ, bề ngang khoảng bốn tấc, dài hơn nửa thước nên vừa đủ cho hai con cá màu hồng nhạt bơi lội tung tăng.


Thoạt nhìn, tôi cứ tưởng đó là cá diêu hồng, cho đến khi hỏi người nuôi mới biết đó là cá phát tài, thuộc họ tai tượng. Loài cá này dễ nuôi, có sức bền tốt, nhiều khi hai ba ngày quên cho ăn cũng không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, lại không đòi hỏi môi trường nước phải thật sạch. Để ý, tôi thấy lâu lâu chúng lại nghịch ngợm nhảy lên trên bể cho nước bắn tung tóe ra ngoài. Chúng diễn trò bắn nước này nhiều lần trong ngày.
Cá phát tài rất khôn ranh, biết nhảy múa theo tay người nuôi. Đây là loại cá dữ nên không thể nuôi chung với các loại cá khác.
Bể cá của công ty chỉ có hai con, nuôi cùng một lúc mà chúng lớn không đều nhau, một con phàm ăn thì to xác, còn con kia bé xíu nên giành không lại “người anh em” sống chung với mình, có thể vì vậy mà nó không thể lớn, bị ăn hiếp suốt ngày. Con cá to hơn buồn buồn lại đuổi đánh cá nhỏ, nó tấn công liên tục đến nỗi trên thân thể cá nhỏ bị lủng một vết khá sâu, rách thịt, sứt vảy, một thời gian lành lại nhưng vẫn để sẹo rất rõ. Đánh nhau như vậy nhưng chúng vẫn quấn quýt, con cá nhỏ cứ kè kè bơi sát mình cá lớn, khi vui chúng cùng quẫy thật mạnh rồi tung tăng bơi lượn trong lòng bể nhỏ.
Thời gian lặng trôi, hai con cá cứ cặp kè bên nhau qua năm tháng. Với khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình về loài cá, tôi không biết cá nào trống, cá nào mái. Nếu là hai con trống thì chúng sống như bạn bè đồng chí, dù đôi khi đánh nhau đổ máu nhưng rồi lại huề như bản tính nam nhi phóng khoáng, không thèm chấp chuyện nhỏ nhặt chi li. Nếu là hai con mái thì tránh sao khỏi lúc ganh ghét nhau vì đố kỵ, vì giành giựt những cái lợi tủn mủn hàng ngày; nhưng cũng giống như chị em trong nhà, gây gổ, mắng mỏ, thậm chí đánh nhau, rồi cũng tha thứ cho nhau vì tình thương máu mủ ruột rà. Nếu là một trống, một mái thì quyến luyến nhau là chuyện xửa xưa vẫn thường xảy ra, như người ta vẫn nói “thương nhau lắm, cắn nhau đau” có bao giờ sai? Hai con cá này cũng vậy, cắn nhau, đánh nhau rồi tha thứ nhau, khoan dung mà sống trong không gian bó hẹp do con người quy định.
Một ngày, công ty được dọn dẹp sắp xếp lại, bể cá bị chuyển tới góc khác, dưới chân cầu thang. Có phải vì lạ cảnh, lạ chỗ hay bắt buộc bị bứt rời khỏi không gian quen thuộc mà đôi cá mất dần sự nhanh nhẹn vốn có, chúng lờ đờ, u hoài, dật dờ. Lâu lắm rồi không còn nghe tiếng cá quẫy, không có bọt nước bắn tung tóe lên mặt kệ đá như hồi còn ở nơi cũ. Chúng ít ăn hơn trước, cũng không còn giành giựt đớp mồi hay rượt đuổi nhau. Con cá nhỏ bỗng nhiên thay đổi kiểu bơi, nó cứ nằm ngang trên mặt kiếng như giả chết, nhưng chỉ cần lấy ngón tay gõ gõ thì nó lại nổi lên. Ban đầu, nghĩ nó bị bệnh gì đó nên tôi thử thả một nhúm muối vô bể, nhưng sau đó thấy nó vẫn khỏe mạnh bình thường. Nó buồn vì xa nơi ở cũ nên đùa chăng? Nó lặp đi lặp lại trò này rất nhiều ngày, nhiều tuần… cho đến khi không ai chú ý tới nó nữa.
Tháng mười một, trời đã lập đông nhưng vẫn còn những cơn bão rớt kéo về hoành hành đâu đó trên dải đất miền Trung thân yêu, gây bao thảm cảnh cho người dân vốn đã chịu nhiều thiệt thòi nay lại càng khó khăn hơn. Mùa này vẫn chưa ngớt mưa, chiều về, con phố nhỏ vẫn đong đầy những hạt nước bám vào khung cửa kính của dãy nhà cao tầng; từng dòng người xe vẫn lũ lượt lướt qua, đèn xanh, đèn đỏ chớp tắt liên hồi… Thời gian vô tình phủ bụi mờ lên vạn vật. Cuộc sống bận rộn trôi qua, có ai quan tâm đến sự sống nhỏ nhoi của hai con cá cảnh dưới chân cầu thang?...
Sáng nay, cô đồng nghiệp đứng bần thần rất lâu trước bể khi thấy con cá nhỏ trôi lềnh bềnh trên mặt nước, nó đã ngừng thở từ lúc nào không ai biết. Chắc là khi bóng tối ngập tràn công ty, chỉ còn ánh sáng le lói đo đỏ của chiếc đèn quả ớt nơi góc thờ ông Địa tỏa ra, mọi người về hết, cá nhỏ buồn buồn lại chơi trò bơi ngang trong đêm, và không còn ai quan tâm nữa, nên nó cứ vậy mà “chơi mãi mãi”.
Từ khi con cá nhỏ chết đi, con cá lớn chẳng buồn bơi lội như mọi hôm, nó cứ rề rà quanh mặt kiếng, tư lự. Thấy con cá bơ vơ, lẻ loi, thiêu thiếu một điều gì đó, chúng tôi đồng lòng cho nó về với tự nhiên khoáng đạt. Lúc hút nước ra khỏi bể, nó đã quẫy rất mạnh, động tác phản kháng cuối cùng không muốn đi hay là bản năng khi sắp bị bắt? Từ bây giờ, cá đã về sông, đoạn tiếp theo không thể hình dung được nó sẽ thế nào? Tiếp tục sống hay lềnh bềnh nơi bến bờ xa lạ?
Thôi thì khuất mắt, biết nó về đâu, hy vọng nó sẽ bơi lượn nơi sông dài biển rộng”. Chúng tôi an ủi nhau như vậy rồi quay về với nhịp sống thường ngày. Bể cá đã được lau rửa, đổ đầy nước chờ đón thành viên mới hoặc sẽ nằm một xó nào đó mặc cho lớp bụi thời gian bao phủ...
Tạp bút Nguyễn Hồng Vân

 Duyên Phận
Gặp gỡ nhau giữa biển đời rộng lớn,
Duyên là đây mà Phận cũng là đây...
Cùng nhau Hạnh Phúc đắp xây,
Nâng niu gìn giữ những ngày bên nhau !
NM 

Nước mắt của cá

Ở một vùng biển xa xôi, có một con cá lớn rất đẹp nhưng lại cô đơn, hàng ngày nó chỉ biết dạo chơi ở những nơi đáy biển sâu nhất, lạnh nhất, những âm thanh vắng lạnh vang lên , từng giọt từng giọt khi nó thở ra bọt khí…

Có một ngày, thấy chán ngán thứ nước lạnh lẽo này, nó đã bơi về phía thượng nguồn. Khi nhô đầu lên mặt nước, nó nhìn thấy mặt trời ấm áp, thế giới tươi đẹp và … một cô cá nhỏ màu hồng vờn trên những bọt sóng, dáng vẻ rất vui tươi. Cá nhỏ nhìn thấy nó thì vui vẻ chào: “Xin chào, bác cá”.
-“Gì cơ?” Cá lớn rất tức giận nói: “Cô chẳng lịch sự gì cả, tôi vẫn con trẻ mà, sao lại gọi tôi là bác?”.
Cá nhỏ ồ lên một tiếng: “Còn trẻ á, vậy mà tôi còn tưởng anh là lão cá già thành tinh”.
Cá nhỏ vừa nói vừa tiện tay lấy một đoạn dây thép uốn thành vòng tròn vợt nước biển, làm thành cái gương nước đưa cho cá lớn rồi nói: “Anh hãy tự nhìn cái dáng vẻ già nua và cô đơn của mình đi”.
Cá lớn tự nhìn lại mình, đúng là một kẻ cô đơn và tiều tụy. Cá nhỏ lấy lại chiếc gương và nói: “Chắc chắn là do anh suốt ngày ở dưới đáy rồi, anh nên thường xuyên lên trên tắm nắng, giống tôi đây này”.
Cá lớn tròn mắt “Tắm nắng?”. Cá nhỏ cười “Chính là khi có nắng thì nhô lên và bắt đầu tắm nắng”.
“Đúng là cô cá mặt trời đầy thú vị”, cá lớn tự nhủ. Thế là từ đó cá lớn thường xuyên lên mặt biển chơi đùa, trò chuyện cùng cá nhỏ và chẳng bao lâu chúng trở thành bạn tốt của nhau.
Bên cạnh một cá lớn lạnh lùng, cứng rắn là một cá nhỏ nhiệt tình, mềm yếu. Bên cạnh một cá lớn điềm tĩnh, trầm tư, có đôi lúc thô lỗ là một cá nhỏ vui vẻ, dịu dàng và có phần tinh nghịch. Hai tính cách ấy cứ thế song hành cùng nhau dù không ít lần cãi vã.
Có lúc cãi nhau tới hai giờ, cá nhỏ rất tức giận. Cá lớn không dỗ dành nó, quẫy đuôi một cái rồi bơi xuống đáy biển. Cá nhỏ ngồi trên những bọt sóng nhìn ánh trăng mà khóc, nó tự nói với mình: “Cá nhỏ ơi đừng giận nữa, làm em giận là anh không đúng. Xin lỗi em, sau này anh nhất định sẽ yêu thương bảo vệ em”.
Nói xong thì nó tự cười với mình, trên mặt vẫn còn đọng những giọt nước mắt. Thực ra, cá lớn đang đứng từ đằng xa nhìn cá nhỏ. Nhìn thấy cá nhỏ tự gạt mình, nó cảm thấy xấu hổ vì những chuyện đã xảy ra. Hôm sau cá lớn liền đến tìm cá nhỏ. Cá nhỏ vốn rất vô tư, sau khi ngủ một giấc thì đã quên hết những chuyện buồn, vừa nhìn thấy cá lớn nó vô cùng mừng rỡ.
Ngày tháng dần trôi.
Cá lớn lúc vui vẻ cũng trêu đùa cá nhỏ, lúc ở dưới đáy nước cũng nghĩ xem cá nhỏ đang làm gì. Hai bên dù tính cách khác nhau nhưng điều đó cũng không ngăn được chúng nhớ về nhau.
Cá lớn rất thích chơi với cá nhỏ nhưng vùng nước lạnh nơi đáy biển vẫn là nhà của nó. Đó là sự thật không thể thay đổi. Cá nhỏ tuy rằng rất thú vị, ấm áp song với cá lớn dường như những thứ càng ấm áp thì càng hoang tưởng, càng nhiều ánh sáng thì càng xa xôi.
Bất kể là con cá nào thì cũng không thể thay đổi thuộc tính của mình, bởi không tìm được cách thích ứng thì sẽ không thể sinh tồn. Cá lớn lên mặt biển nhiều lần, từng mảng vẩy đã bị bong ra, lớp bảo vệ bên ngoài đã yếu hơn, đối với nó đây là điều thật đáng sợ. Lần cuối, nó nói với cá nhỏ rằng nó không thể tiếp tục lên chơi cùng cá nhỏ được nữa. Cá nhỏ gật gật đầu, rất ngoan không ầm ĩ, không hỏi bởi trong lòng nó hiểu.
Đó là lần cuối chúng cùng nhau tắm nắng. Cá lớn bắt đầu cảm thấy đau rát trên da, cá nhỏ cũng cảm thấy đau nhưng là ở trong lòng. Cá nhỏ nhìn cá lớn khóc và nói: “Em rất muốn cãi nhau với anh… cái dáng vẻ xấu xí của anh… em sẽ không nhớ anh nhiều nữa đâu "
Cá lớn nhìn cá nhỏ mà nhói đau nhưng lại nói: “Em… là kẻ đáng ghét nhất”, rồi từ từ bơi xuống đáy biển lạnh lẽo.
Cá lớn cuối cùng cũng trở về đáy biển, nhiều năm trôi qua nó không hề lên mặt biển. Thỉnh thoảng, nó tự hỏi không biết cá nhỏ sống thế nào, có còn nhớ nó không. Đôi khi, nó nhờ những đợt sóng thủy triều hỏi tin tức của cá nhỏ nhưng không hề có hồi âm.
Một hôm, cá lớn muốn lên mặt biển. Thế là nó bơi về phía thượng lưu, bơi được nửa đường thì phát hiện một thứ gì đó rất lạ… là xương của cá nhỏ. Điều kỳ lạ là, đầu của nó vẫn hướng xuống dưới biển, dường như dù có phải chết nó cũng muốn bơi xuống đáy biển.
Cá lớn bơi đến gần, đột nhiên nó bất động. Chúng đã quá thân thiết nên dù có hóa thành tro, nó cũng nhận ra cá nhỏ, đây chính là xương của cá nhỏ. Cá nhỏ đi tìm cá lớn nhưng nó quá nhỏ bé, không thể chống chọi với cái giá lạnh của biển sâu. Nó đã đi tìm cá lớn theo tiếng gọi của con tim.
Cá lớn  ôm lấy xương cá nhỏ – thứ bảo bối quý giá nhất trên đời với nó rồi từ từ bơi về phía đáy biển. Không ai có thể nhìn thấy giọt nước mắt của cá lớn bởi vì nó đang ở dưới nước.!
Các bạn à, trong cuộc sống cũng vậy, giữa một biển người gặp nhau quen nhau là Duyên, yêu thương nhau là Phận…đã có Duyên-Phận với nhau là Phúc, để giữ được Phúc thì chúng ta phải biết trân trọng nâng niu những gì cuộc sống đã mang lại. Đừng để vì một lúc thiếu suy nghĩ để mất đi Hạnh phúc của mình, đừng để như chú cá lớn xấu xí phải suốt đời ân hận các bạn nhé.
Giang Nhất Yến 

 Một thoáng gió lay
Xin chút gió cho thoáng đời đi nhé,
Gởi tình người vào biển rộng trời cao...
Mong thiên nhiên trao sức sống nhiệm màu,
Ta cảm thấy cõi lòng vui thanh thản ?
NM

Truyện ngắn 1.200 chữ: Chuyện con cá Rồng - Ảnh 1.
MInh họa: KIM DUẨN

Chuyện con cá Rồng

TTO - Quán Hương Giang bán nhiều món ăn, từ điểm tâm đến hai bữa chính, phần lớn thực khách là những người định cư trong vùng vài mươi năm nay, họ đến quán để tìm hương vị cũ của những món ăn ưa thích chốn quê nhà.

Vào những sáng hiu hiu mát, cả chục chiếc bàn đặt ngoài hiên không còn trống chỗ vì khách thích ngồi ngoài hiên cho ánh nắng ban mai tắm gội lên mặt, lên tóc.
Bên cốc cà phê nguội lạnh, họ tán gẫu đủ thứ chuyện mà đêm qua họ đọc được trên mạng Internet, có câu chuyện xảy ra trong cộng đồng nhập cư, nhiều nhất là những câu chuyện xảy ra ở nơi chốn mà họ đã rời đi.
Họ rôm rả phân tích, bình luận những tin tức, sự kiện xảy ra ở quê cũ, thường với tinh thần hài hước và châm biếm. 
Thỉnh thoảng trong số họ, có người vừa về quê thăm bà con, cung cấp một số đề tài mới để tán gẫu. Có vài người già ngồi đến trưa, lái xe về nhà, dùng bữa, đánh một giấc rồi xế chiều trở lại quán. 
Họ có nhu cầu gặp gỡ những người cùng thích thú nhai một ổ bánh mì thịt, ăn ngon lành một đĩa cơm tấm có miếng thịt cốc lết nướng thơm lựng hay khoái trá húp một bát phở nổi váng nước béo...
Buổi chiều thường có nhiều gió chạy quanh những con đường rộng rãi với hai hàng cây thẳng tắp và cách quãng đều đặn trên hai bên lề đường. 
Gió mang tiếng ru trầm đều buồn nản lọc qua những tầng lá thấp lướt trên những ô cửa kính đóng kín, châm kim nhọn vào mọi vật di chuyển trên đường, nên những người khách ngồi ngoài hiên quán Hương Giang vào buổi sáng rút vào một góc bên trong. 
Đời sống của những người nhập cư về già ở đây thanh bình, nhàn tản trôi đi chậm chạp; chỉ thỉnh thoảng khuấy động bởi một đám cưới hay một đám tiễn biệt người qua đời.
Ông bà chủ quán Hương Giang có một đứa cháu ngoại sáu tuổi, cháu trai, cháu và mẹ ở chung với ông bà. 
Cha cháu là dân bản xứ làm việc xa nhà non ngàn cây số, hàng tháng trời mới về thăm vợ con một lần. Thằng bé mang hai dòng máu, gần gũi với ông bà và những người cùng màu da, tiếng nói nên nó nói rất sõi tiếng mẹ đẻ. 
Ngoài lúc phải đến trường học, nó có rất nhiều thời gian ở quán Hương Giang, ngồi bên ông ngoại nó nơi quầy thu ngân, hí hoáy với trò chơi trên cái iPad.
Chủ quán Hương Giang xấp xỉ bảy mươi, gương mặt khắc khổ, thùng thình trong chiếc áo lạnh quá khổ không che giấu được vóc dáng gầy còm. 
Mỗi sáng, ông rời nhà rất sớm, đến quán bật lò hầm nồi xương nấu nước lèo; rồi vợ, mẹ thằng bé và nhân viên phục vụ mới đến chuẩn bị đón khách. Sau đó, việc chính của ông là thu tiền và phân loại giấy bạc, tiền xu cho vào các ô riêng.
Lúc vắng khách, ông chỉ cho thằng bé xem tranh ảnh, những tranh ảnh đồng lúa chín vàng, con sông có chiếc thuyền lững lờ, con bò gặm cỏ bờ đê, đàn gà bươi gốc chuối, mái chùa cong cong... mà ông lấy trên mạng Internet. 
Ông muốn trong trí óc trẻ thơ của cháu có chút khái niệm về cội rễ của nó. Thằng bé thích thú lắm, liến thoắng hỏi luôn miệng. Mấy hôm rày ông còn nợ thằng bé một câu hỏi.
Đó là chuyện con cá Rồng. Năm năm trước, ông mua về nuôi lúc con cá mới bằng ngón tay cái, dài hơn một tấc. 
Cá nhỏ cỡ đó mà nuôi trong lồng kính chữ nhật dài tám tấc, ngang bốn tấc thì cả đàn cá bơi lội cũng còn thoải mái huống chi chỉ có một con. Nhưng nó mau lớn quá, mà cũng phải thôi vì nó ăn toàn thịt heo thịt bò, dù là thịt vớt ra từ các tô phở của khách bỏ lại. 
Mãi khi thằng bé chỉ tay vào con Rồng, nói: "Nó dài như vậy, to như vậy mà cái chuồng kính nhỏ như vậy thì làm sao đủ không khí cho nó thở, làm sao cho nó bơi đi chơi được?". 
Lúc này, ông mới để ý thấy con Rồng chỉ đứng yên hay nhúc tới nhích lui chớ nó không quay đầu lại được nữa, dù các vi và đuôi vẫn phe phẩy không ngừng.
Trời bỗng nổi gió dữ dội. Ở vùng này, thỉnh thoảng có những đêm gió gào rú mãnh liệt, càn quét trên những mái nhà, vòm cây, chạy dài suốt con đường. 
Đầu đêm, bên chiếc bàn ăn trong căn nhà cách quán nửa giờ lái xe là thời khắc ấm cúng nhất của vợ chồng chủ quán Hương Giang sau một ngày tất bật, nhưng đêm nay, hai vợ chồng to tiếng với nhau. 
Người vợ đòi dẹp cái lồng kính, bán con Rồng cho tiệm cá kiểng vừa được tiền vừa thừa chỗ đặt thêm bàn ghế cho khách, khi ông đề nghị sắm cái lồng kính to hơn. Người vợ giận dỗi đã lên giường sớm, người chồng ngồi lặng lẽ đến tận khuya chỉ để nghe tiếng gió hú.
"Báo cáo! Cho xin chút gió". Nhiều lần trong một buổi trưa, đám người ở trần quần đùi lại la to như vậy. 
Phòng chật, mái lợp tôn, trần thấp, chỉ chừa một ô thông gió nhỏ lại nhốt mấy chục người trong đó nên canh trưa, khí nóng từ mái tôn dội xuống, cộng với hơi người bốc lên làm thiếu không khí để thở khiến nhiều người bị ngất xỉu. 
Chủ quán Hương Giang ngày đó tưởng chừng đã mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Con Rồng nhúc tới nhích lui, quạt vi quạt đuôi không ngừng chắc là đang thở hổn hển.
Lẽ nào ông phản bội lại những bài học về tình yêu thiên nhiên, vật nuôi mà ông cố gắng truyền đạt cho đứa cháu thiếu quê hương qua những hình ảnh sinh động hiền hòa.
 Ông mường tượng ánh mắt hân hoan của thằng cháu khi nhìn con cá Rồng lượn lờ thoải mái...
HỒ VIỆT KHUÊ