Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Cưới nhau vào mùa Xuân

Mùa Xuân Cưới Em

Hoa thủy tiên và Mùa xuân chín

LK Mùa Xuân Đến Rồi Đó 

Mùa Xuân Đó Có Em

Mùa xuân chín 

Trong làn nắng ửng khói mơ tan 
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.  
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,  
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.
  
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
 Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây…
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
 Nghe ra ý vị và thơ ngây... 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
    Hàn Mặc Tử

 
Chờ Xuân
Mừng Xuân đến hoa nở vàng trước ngõ,
Vàng trong sân, vàng rực cả gánh hoa...
Vườn nhà em hoa nắng sáng chói loà,
Nắng nhuộm cúc hay cúc vàng ươm nắng ?

Em theo anh sợ cảnh nhà im ắng,
Mẹ sẽ buồn thương nhớ kỷ niệm xưa...
Nắng vàng hong có ấm lại bao giờ,
Trái tim lạnh qua bao ngày xa vắng !

Niềm vui mới sẽ làm phai vị đắng,
Mẹ mỉm cười trong giá lạnh đông phong.
Mừng con yêu mai cất bước theo chồng,
Ký ức cũ xóa mờ theo năm tháng....! 

Cưới nhau vào mùa Xuân

 Thoa đếm tuổi mình bằng những mùa gánh hoa chợ Tết. Từ lúc bảy tuổi đã lẽo đẽo theo gánh hoa của mẹ đi hết chợ gần chợ xa, từ làng này qua làng khác. 
Trên vai mẹ là đôi quang gánh chất đầy những giỏ cúc vạn thọ vàng tươi. Hoa đặt dưới thúng, hoa treo trên đòn gánh rung rinh theo từng bước chân của mẹ. Rồi mẹ già đi, quang gánh trên vai mẹ chuyển dần sang đôi vai thiếu nữ. Thoa đã mang cả thanh xuân của mình rong ruổi cùng những gánh hoa. Dẫu bây giờ người ta chở hoa bằng ô tô, xe máy bán tập trung ở những ngã tư đường, chợ lớn. Thì vẫn có người chờ đợi một gánh hoa rong đi qua ngõ để vẫy tay níu lại. Ngả nón chào nhau dăm ba câu chuyện.
Thường thì ai cũng hỏi mẹ dạo này thế nào, chắc trông vẫn còn đẹp lắm! Thoa nhoẻn cười bảo mẹ già rồi còn đẹp được với ai. Mẹ giờ sống lặng lẽ chăm sóc mấy ruộng hoa. Nửa đêm có khi nghĩ về những câu chuyện từng cóp nhặt trong cuộc đời rong ruổi, mẹ ngồi cười một mình.
Nhìn mẹ, Thoa thường thấy hình ảnh mình của những năm tháng về sau. Nhưng Kha bảo: “Giống sao được mà giống. Em còn có anh mà. Tuổi xế chiều của em sẽ có thêm một người đàn ông bên cạnh, giúp em nhổ tóc ngứa, xâu kim, đan lại hàng rào, cuối năm tát giếng”. Thoa cười bẽn lẽn nhấc gánh hoa lên vai thong thả bước đi.
- Đẹp như mẹ em sao lại chịu sống cảnh chăn chiếc?
- Nhưng mẹ không cảm thấy cô đơn. Mẹ sống bằng ký ức về bố. Thế là đủ.
- Bố em đúng là người đàn ông may mắn. Cả đời vẫn được giữ ấm trong trái tim một người phụ nữ ngay cả khi đã bỏ họ mà đi.
- Thực ra việc mẹ còn giữ tình yêu ấy hay không đâu có quan trọng gì với bố. Bố đã có một mái ấm gia đình. Bố nuôi dưỡng một tình yêu khác.
- Chuyện của chúng mình…
Kha mới nói đến đó thì trời lất phất mưa xuân. Nhớ ra chăn chiếu mùng màn còn phơi ở hàng rào, Thoa vội vã chạy về. Măng phơi đã sắp khô, những bắp ngô để dành nuôi gà cũng đang chờ được nắng để tẽ hạt cất đi. Cứ mỗi lần Kha định nói chuyện trăm năm thì Thoa lại vụt biến mất vì nồi cá kho tiêu đun trên bếp có khi đã cạn. Vì đã dọn mâm mà quên chưa đậy lồng bàn sợ con mèo nhà hàng xóm sang ăn vụng…
Kha đã chờ Thoa hết mùa xuân này đến mùa xuân khác, từ khi Thoa mới mười tám tuổi. Mỗi khi thấy Thoa đi qua ngõ Kha đều lén ngắm mái tóc đen dài chạm vào những cánh hoa vàng rực. Năm nay Thoa đã hai bảy tuổi, tóc đã cắt ba lần ngắn đến ngang vai. Sớm mùa xuân vẫn thong thả gánh hoa qua ngõ. Ai hỏi chuyện chồng con chỉ bẽn lẽn cười trừ.
Mẹ già ngồi ngoài thềm giếng cọ sạch bó lá dong vừa cắt ngoài vườn, bỗng ngẩng lên nhìn đăm đắm vào khoảng sân trước nhà. Thoa biết là mẹ đang nhìn lại bức tranh ký ức về mùa Tết năm xưa khi trong nhà còn có bóng dáng đàn ông. Thoa nhìn theo ánh mắt mẹ cũng có thể mường tượng ở góc sân kia bố đang đứng bổ củi nấu bánh chưng. Đàn gà con xúm xít vây quanh hòng nhặt nhạnh những con mối chạy ra từ củi mục.
Thỉnh thoảng bố ngẩng lên trông chừng đứa con gái nhỏ đang ngồi nghịch những củ hành tươi. Mẹ ngồi gần đó bóc hành muối dưa thỉnh thoảng lại lấy vạt áo lau nước mắt vì cay. Gió xuân thổi những cánh hoa đào tàn sớm dạt về góc sân. Con mèo nhỏ chạy loăng quăng đuổi bắt cái đuôi của chính mình. Mẹ đưa mắt sang góc sân khác. Đó là chỗ người từng gọi là chồng ngồi cạp lại rổ rá để sang năm mới mọi thứ trong nhà đều lành lặn. Đứa con nhỏ ngồi ngoan một góc gặm từng chiếc kẹo bột thơm vị gừng. Mẹ ngồi cắt chiếc áo thời thiếu nữ của mình để may cho con một chiếc áo mới mặc vui vầy ngày Tết.
Ký ức của mẹ đâu có gì nhiều nhặn bởi hạnh phúc ngắn ngủi, duyên phận chỉ là tạm bợ. Năm Thoa được hơn hai tuổi thì bố bỏ đi. Vẻn vẻn hai cái tết nhà có đàn ông vậy mà đủ cho mẹ vui trong suốt phần đời còn lại. Đàn bà suy cho cùng tằn tiện đến từng xu ký ức. Mẹ cười bảo không thế sao có thể sống vui mà nuôi Thoa khôn lớn từng ngày.
- Nhưng không ai sống mãi bằng ký ức đâu con. Mẹ chỉ vui khi thấy con tìm thấy hạnh phúc của riêng mình.
- Thì con vẫn đang sống hạnh phúc cùng mẹ đây thôi.
- Thằng Kha nó thương con thật đấy. Nhưng đàn ông họ không chờ đợi mình mãi được đâu. Liệu mà tính. Đừng có lo cho mẹ. Cứ yên bề gia thất có con bồng cháu bế để mẹ được vui.
- Rồi những khi trái gió trở trời…
- Mẹ tự lo cho mình được. Mà gớm khổ, đây với đó là mấy. Người ta lấy chồng vài trăm cây số còn chẳng lo. Nữa là cách nhau vài ba bước chân…
Thoa định nói với mẹ sự hoài nghi về hạnh phúc cứ nhen nhóm trong ý nghĩ mình. Biết đâu đến một ngày nào đó Kha cũng sẽ bỏ đi như bố đã từng. Thoa không chắc mình sẽ đủ can đảm chỉ nghĩ về những ký ức tốt đẹp để sống. Ấy là Thoa nói thế, chứ nhìn vào mắt người con gái mình yêu, Kha đọc được những lời khao khát.
Như hôm gánh hoa đi qua cổng nhà người ta Thoa bỗng dừng lại ngó cảnh sum vầy xa lạ. Người đàn ông vừa cõng con trên lưng vừa lúi húi vặn lại mấy con ốc trên chiếc xe đạp mini. Người vợ đi qua càu nhàu “chiều con quá sinh hư”. Chị vừa rửa rổ rau xanh dưới vòi nước vừa ngoảnh lại hỏi chồng “anh có thích cho thêm chút tỏi vào nước chấm?”. Người chồng không ngoảnh lại, buông mấy lời trầm ấm “tỏi tốt cho sức khỏe mà em”.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến lòng Thoa mềm nhũn. Đâu có gì to tát cũng đâu cần phải nói với nhau những lời đường mật. Hạnh phúc chính là những dung dị đời thường. Thoa hay gặp những người đàn ông yêu vợ. Có khi thấy họ đang nheo mắt xâu kim hộ vợ. Có khi thấy họ xin hoa bưởi về cho vợ gội đầu. Nên mới có nhiều người đàn ông từng vẫy Thoa lại để mua hoa tặng vợ. Thiên hạ trêu “mua hoa hay là chỉ để ngắm người bán hoa?”.
Không ngẩng lên nhìn Thoa, người đàn ông trả lời thiên hạ mà như nói với chính mình “vợ tui có cái tính khác người. Phải đặt vài cánh hoa cúc vàng dưới gối thì ngủ giấc sâu không bị giật mình”. Thoa ghen tỵ với những người đàn bà xa lạ.
Kha đứng chờ sẵn ở cổng để níu lại hỏi chuyện trăm năm. Người đâu kỳ, chuyện hệ trọng cả đời mà cứ gặp ngang đường dọc chợ. Kha gãi đầu ngượng ngùng “thì sang nhà em toàn tránh mặt anh”. Tại mấy luống hoa đang cần úm lại để nở vào đúng tết. Tại lái buôn đặt mua lá dong nên cần cắt gấp. Tại Kha sang đúng ngày nắng ấm, nên người ta còn bận mang chăn chiếu ra giếng giặt. Bao nhiêu là việc cần làm chứ đâu nào dám tránh mặt nhau. Kha đỡ gánh hoa trên vai Thoa đặt xuống cổng nhà, chỉ tay vào bếp bảo:
- Cứ đặt gánh hoa xuống đây đã. Vào nếm thử bánh chưng mẹ vừa mới vớt.
- Sao năm nay nấu bánh sớm vậy anh?
- Thì mẹ nói gói sớm tiện mấy hôm nữa nhà có cỗ.
- Ủa cỗ gì vậy anh?
- Anh đâu biết.- Kha cười.
Mẹ Kha ngồi bên cạnh mẹt bánh vẫn còn đang bốc hơi nghi ngút. Nhìn thấy Thoa bà cười bảo:
- Thoa đấy à, con vào xem bánh bác nấu có vừa không? Năm nay nhân nhiều thịt hơn, gạo nếp cũng ngon hơn. Bác phải lựa từng tờ lá dong đẹp nhất vườn.
- Cháu nghe anh Kha nói mấy hôm nữa nhà mình có việc?
- Thì việc của hai đứa chứ sao. Tính để cho hai bà già chờ đợi mòn mỏi đến bao giờ nữa? Các con thương nhau đã lâu rồi cũng đến lúc nên tính chuyện trăm năm. Ngày xưa bác với bố thằng Kha cưới nhau cũng vào mùa xuân. Gọi là cưới thôi chứ một chiếc áo lành lặn trong ngày vui cũng không có. Vậy mà sống với nhau trọn tình trọn nghĩa. Tiếc là ông ấy đi sớm quá…
Bà nói rồi khe khẽ thở dài. Bà mặc chiếc áo màu khói, đi đôi tất màu khói, mái tóc cũng bảng lảng màu khói trắng. Những người già hình như rất giống nhau, chỉ cần lơ đãng đi một lúc là có khi ngoảnh lại đã thấy họ tan vào sương khói.
Như mẹ Thoa cũng vậy, vẫn thường xuyên lẫn vào trong kí ức chập chờn. Cho đến khi đàn gà con chem chép đòi ăn, con chó sủa loạn lên báo nhà có khách… thì mẹ mới bừng tỉnh trở về thực tại. Nhưng đấy là khi nhà thiếu vắng tiếng cười. Giả dụ có một đứa cháu nhỏ nô đùa nghịch ngợm, thoắt ẩn thoắt hiện trong những tán cây ngoài vườn hay góc sân, xó bếp để bắt bà không thể rời mắt khỏi nó. Thì thử hỏi những người già như mẹ làm gì có thời gian nghĩ ngợi vẩn vơ.
Kha nắm lấy tay Thoa thủ thỉ:
- Mẹ nói mai sẽ mang trầu cau sang thưa chuyện coi như là dạm ngõ. Rồi chúng mình làm đám hỏi trước tết, ra giêng mình cưới nhau.
- Nhưng mà… mẹ chỉ có mình em.
- Chúng mình lấy nhau nhà thêm con thêm cháu sẽ càng vui chứ em. Bố anh mất sớm, mẹ cũng chỉ có mình anh. Giờ chúng mình nương tựa vào nhau chăm sóc hai mẹ lúc về già.
Tay Kha ấm quá. Thoa cứ muốn để những ngón tay ngoan được bao bọc bởi hơi ấm ấy. Nhưng chợt nhớ ra gánh hoa vẫn chưa bán hết, những bông cúc vạn thọ vàng rực rỡ đang đợi một bàn tay ai đó nâng niu.
Kha nhìn theo bóng người thương gánh cả mùa xuân đi trên con đường làng. Nhìn cho đến khi chỉ còn lại đốm xuân vàng thấp thoáng lẫn trong màu xanh non mơn mởn của cánh đồng lúa hai bên đường thì mẹ ở trong nhà gọi với ra:
-Kha à, sang vườn cô Sáu chọn buồng cau và những lá trầu đẹp nhất đi con.
Vũ Thị Huyền Trang

Tết nghèo,
Đau thay thân phận Tết nghèo,
Chắt chiu từ chút mong sao đủ đầy...
Người nào biết có thương vay,
Làm sao no đủ những ngày đón Xuân ?
Long lanh những giọt lệ tuôn,
Ngoài song Xuân đến lại buồn khóc Đông !!
NM

Lì xì

Tết sát bên hông mà nhà buồn hiu. Mới chỉ có mớ kiệu vụn má lặt sẵn phơi trắng nõn chờ ngày vô keo nằm ủ giấm đường
Truyện ngắn 1.200 chữ: Lì xì - Ảnh 1.
Minh họa: TRẦN NGỌC SINH
Ba đâm quạu. Má coi bộ không lo, bình thản ngồi xếp lại quần áo cũ cho gọn nhà trong tiếng cằn nhằn của ba.
Bạn má qua chơi, khoe đi giặt đồ mướn được người ta lì xì năm trăm ngàn đồng. Đâu phải nhiêu thôi, người ta còn cho trái cây cúng về ăn nữa. Bom, lê, quýt đường nè. Có nho Mỹ nữa. Toàn đồ ngon. Má nghe chỉ tủm tỉm cười.
Bà lão chung nhà trọ tạt vô, cười hơ hớ hỏi ăn tết lớn không, chủ chắc lì xì nhiều dữ he, chỗ tao giới thiệu mà. Bà còn thòng thêm câu chắc nịch: con nhỏ làm chỗ đó năm ngoái được lì xì tới bảy tám trăm lận.
Má nghe mà lòng như cây mai tước lá trễ đã kịp ra nụ. Người nhẹ hẫng dù buổi sáng tay chân còn rã rời. Bao lì xì đỏ chói chủ đưa hồi trưa đang nằm yên trên đầu tủ chờ được mở. Nay 29 tháng chạp rồi.
Có ai hay mấy tuần trước ngày nào má cũng trằn trọc, nằm vắt tay lên che hai con mắt rưng rưng cho thằng con Út hay thức khuya đừng biết má buồn. Không buồn sao được khi nhà nhà rộn ràng đón xuân mà nhà mình trống không, chỉ có gió bấc thỏa thích ùa vào lạnh ngắt.
Nhìn cái bao lì xì dày cộm, má thấy hai bàn tay có những vết trầy của mình không là gì hết. Cực khổ cũng đáng. Phải vậy rồi. Người ta việc nhẹ, đi trễ về sớm còn được chủ đối đãi đàng hoàng. Má đi sớm mà toàn về trễ, việc cực phải được lì xì nhiều hơn chớ.
Bữa làm việc nhà xong, chủ kêu ở lại cột bì vô thính để chủ đem đi bán lẻ cho mấy người bán cơm bì, má đã tính cự. Hồi đầu đâu có giao kèo vầy. Mà chủ hứa tết lì xì thêm, má nhớ cái áo rách của thằng con nên gật đầu.
Thấy má cột nhanh, chủ đổ thêm bì. Thêm một chút từ từ thành một đống, má cột đâu có kịp. Ba thất nghiệp chạy qua cột phụ, má mới được về sớm. Sớm, tức là trễ hơn giờ giao kèo lúc trước một tiếng.
Nhiều lúc dây thun cứa xước tay, má cũng cắn răng làm. Má nghĩ mình chịu cực nhiều rồi, nhiêu đây thấm thía gì. Tới lúc giặt đồ, những ngón tay của má gặp nước xà bông nhói lên buốt răng má mới buột miệng than. 
Thằng Hai nghe, kêu để mua cho má đôi bao tay giặt đồ. Má đâu có chịu. Má kêu đeo bao tay khó cầm nắm, giặt lại không sạch. Mà má có việc cũng nhờ làm ăn sạch sẽ đàng hoàng.
Thằng Út nhìn bàn tay sưng phồng của má, kêu để mua kem dưỡng tay về cho má xức. Má nạt ngang, biểu tiền để học, mua tào lao uổng.
Thằng Hai kêu hay là kiếm việc khác làm má ơi. Tiền ít chút nhưng đỡ cực. Má lắc đầu. Giờ mới kiếm việc mới thì tết người ta đâu có lì xì. Chỗ này làm cũng lâu, ráng qua tết mới nghỉ được. Bà lão giới thiệu cho má đi làm nói ráng chịu cực, chủ lì xì bộn lắm.
Ba chửi má ngu, bị người ta đày mà cứ cắm đầu làm. Chắc ba chưa hay nhà năm nay nồi thịt kho ăn tết còn chưa chắc có. Mà ba nói thì nói vậy, chứ lúc qua phụ má cột bì cho chủ cũng dạ dạ vâng vâng với người ta, chứ đâu lớn tiếng như ở nhà.
Càng cận tết việc càng nhiều. Nhà chủ bên thì muốn má lo việc bếp núc giặt giũ quét dọn trước, bên thì đòi má lo cột bì cho nhanh. Chắc nghĩ ngày hai mươi bốn tiếng có tính nhức óc cũng không ra thêm tiếng thứ hai lăm, nhà chủ tự bàn với nhau sáng má làm chuyện nhà, chiều cột bì. Ba vẫn qua phụ.
Quen tay nên ba má cột nhanh gấp mấy lần chủ. Chủ đi ngang, mắt ánh nét vui mà vẫn buông được câu hờn mát: Cột cỡ đó cũng còn chậm hơn tui à. Họ muốn nhanh nữa, nhanh nữa. Bì đang bán được lắm. Đợt đó chủ mua nhầm dây thun cứng quá. Tay má lúc nào cũng đỏ vì những căng kéo chì miết.
Má như cây lúa hạn bà chằn cố ngóc đầu chờ mưa. Má hứa chắc ăn qua tết sắm cho thằng Út cái áo trắng liền, sắm cho thằng Hai cái áo xanh mặc đi làm cho coi được với người ta, cho ba cái áo đỏ, ba kêu năm nay hợp màu đỏ kỵ đen, xanh, vàng... nên mấy cái áo màu đó dù mới cũng xếp bỏ vô tủ chờ khi nào hết kỵ.
Nghĩ tới đó, làm kiểu gì má cũng không thấy mệt. Má nhớ lúc chủ đưa cái phong bao đỏ kêu lì xì cho chị lấy hên, má mừng thiếu điều muốn vái chủ như vái Thần tài.
Má nhìn lên đầu tủ chỗ để cái bao, đầu đã tưởng tượng về những cái áo định mua. Má đi chợ ngó kỹ chỗ bán rồi.
Má nén hồi hộp mở bao. Những ngón tay giần giật. Nước mắt má rớt những giọt lớn. Một xấp tờ hai ngàn đồng lòi ra như cười cợt người mơ mộng.
Nghĩ tới thùng gạo cạn đáy, má hớt hải chạy đi xin thêm tiền ba làm phụ. Chủ ngoe nguẩy bước vô nhà, đóng sập cửa bỏ má ở ngoài sân. Má kịp nghe câu ủa đâu có mượn qua làm tiếp mà phải trả thêm, tới đó thì tai đã ù rồi. Bao lì xì trong tay má bị bóp chặt nhăn nhúm...
PHÁT DƯƠNG

Phải Duyên Hai Nợ

Đưa tay anh ngắt cọng ngò,
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ

                 Mùng Tám
Cái tin thằng Mùng Tám đi thi hát cải lương rồi đoạt giải cao nhất dậy sóng rần rần khắp xóm làng. Ai đời thằng con hoang bị hất hủi nay vẻ vang làm anh nghệ sĩ.
Truyện ngắn 1.200: Mùng Tám - Ảnh 1.
Minh họa: KIM DUẨN

Chuyện xôn xao cả buổi chợ sớm, đến tận khi khói đốt đồng hanh nồng khắp miền quê heo hút.
Mùng Tám sanh nhằm ngày sao hội. Má trộm vía lấy đó đặt tên.
Mùng Tám thích cải lương, thích sống chết chứ chẳng phải vừa. Nó hát mọi nơi nó có mặt, từ những ruộng lúa trổ đòng đòng, mùa giáp hạt, bát ngát một màu vàng trĩu trịt đến mỗi bận nó xuôi theo con nước lớn ròng mà ra dòng cái Rãi Quạt.
Nó hát có lớp có lang đàng hoàng dù chẳng học qua thầy đờn nào hết. Nó ngấm từng câu ca từ thuở bên võng mẹ ru, đến chập chững bập bẹ thì cũng toàn nghe cải lương mà thôi. Riết nó nằm lòng ron rót sáu câu vọng cổ, mấy cái tuồng tích xưa cũ.
Được cái nó ca mùi ơi là mùi. Giọng nhừa nhựa, đục ngầu như đám phù sa ven sông bồi lở hai bờ. Phả cái hơi ra, nghe chì chiết the thắt như đám bấc mỗi mùa thổi ràn rạt mấy bụi mù u sau nhà.
Mỗi bận cúng đình, khi đã thấm ngà rượu gạo Nha Mân, nó vô câu nào nghe nhức nhối câu đó. Ngộ kỳ là nó chỉ toàn hát mấy câu não ruột, đoạn trường ai oán, biệt ly thương sầu mà thôi. Đời nó buồn từ hồi còn trong bụng má nó lận. Nên trời sinh cái giọng nó thê lương như phận mình. Nghiệt vậy đó.
Thì nghiệt vậy đó, mà nó thành anh nghệ sĩ, kiểu một bước lên mây vẫn còn ngây đực mặt chẳng hiểu mình là ai, giữa thế giới phù hoa bên ngoài cánh đồng làng. Nào giờ nó có quen lối sống đô hội phồn hoa đầy hào nhoáng nhưng cũng quá nhiều đãi bôi.
Tháng chạp, bấc về lạnh cô tịch, tiết trời âm âm xám xịt. Đám lục bình kết giề lững lờ trôi. Mùng Tám ngồi trên bến, khỏa nước rửa lại mớ đọt bí vừa hái, nay giỗ má, như lệ thường, nó có gì cúng đó.
Sớm đi chợ, mấy dì ghẹo anh nghệ sĩ sao giỗ mẹ tiết kiệm vậy trời. Giờ giàu rồi làm linh đình, mời bà con chòm xóm cái coi. Nghệ sĩ gì đâu mấy dì ơi, mình đi hát ai thương gì thì cho, mình dành dụm lại đặng sau này thủ thân, chứ không phải ai nghệ sĩ cũng giàu đâu mấy dì.
Hồi ấy, Mùng Tám làm thợ đụng, kiểu đụng đâu làm đó, ai kêu mần chi nó lấy sức trâu của mình ra mà mần. Chẳng nề hà, chẳng trả giá. Ai thương cho nhiều. Ai không thương cho ít. 
Nó cũng cầm lấy mà cười rằng: "Phận nghèo dù trong dù đục cũng là do bởi đoạn trường một kiếp nhân sinh. Thì thôi đây còn chút tình gửi lại cuộc đời, để rồi mai này đường xa diệu vợi tăm tối thì xin người, người ơi, người hỡi, đừng nhớ đừng thương đừng tiếc đến cái thằng mang tên Tám Mùng".
Bà Bảy quệt môi trầu, móm mém háy nó một cái. Tổ cha mày, hái có mấy trái dừa hà, cho vậy chê ít hả? Xuống xề nghe trúc trắc vậy mà vẫn tái tê hen.
Bảy ơi, mấy ông soạn giả người ta có học, người ta viết nó mướt rượt như tóc cô Út vậy đó. Còn con có học hành chi đâu nè. Con nghĩ sao con ca vậy, nên nó gồ ghề sần sùi như con vậy đó.
Bảy thương thì Bảy gả Út Trong cho con nghen. Út Trong về dạy con lễ nghĩa nhân tình, con qua con ca lại ngọt như mía lùi Bảy nghe.
Chèn đét ơi! Bây học cái thói tán tỉnh ở đâu vậy? Nè cầm thêm hai chục rồi đi lẹ lẹ ông con ơi. Gả nó cho ông chắc đói ròng đói rã, đói bỏ cha bỏ mẹ mà biệt xứ quá bây.
Từ bận đó thằng Mùng Tám thôi không còn nhìn Út Trong nữa. Có gặp nhau giữa lộ, nó cũng cúi gầm mặt mà đi.
Nó thương Út Trong lắm đó. Nhưng ngặt nỗi Bảy cũng nói đúng quá chừng. Nó nghèo đến cái mồng tơi cũng không có mà rớt.
Lại mang phần tứ cố vô thân. Cả cái làng này đâu biết tía nó là ai. Mỗi má nó biết. Mỗi lần nó hỏi, má nó đều lặng thinh không nói. Má nó chỉ hát vậy nè: "Se sẻ nó đẻ cột đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi".
Nó học thuộc câu đó để mỗi bận đi học, lũ bạn đè đầu cưỡi cổ nó bằng hai chữ con hoang thì nó cũng ráng hát lại câu đó rồi chạy một mạch về nhà.
Lén má, nó trốn sau bụi mù u mà khóc. Cũng chỉ là khóc mấy lần, rồi nó nín luôn. Không thèm khóc nữa. Đó là cái lần nó bắt đầu biết thương má, trong tâm trí non nớt của một đứa đâu chừng bảy hay tám tuổi.
Thắp nén nhang cho má giữa những cơn bấc xạc xào ngoài hiên. Giỗ nào cũng mình ên nó, đứng nhìn với lên bàn thờ có khung ảnh má.
Má nè, năm nay con đỡ rồi nghen, con giờ là anh nghệ sĩ đó, mà đi hát người ta kêu con đổi tên đi, con đâu có chịu, con chỉ thích mỗi cái tên Mùng Tám má đặt, để luôn nhắc nhớ về quá khứ của mình.
Kể má nghe chuyện này nè, nay canh bí con thiếu vài cọng ngò, hông phải quên, mà ban nãy đi chợ về giữa đường gặp cô Út Trong, con đánh liều nhét tay cổ mấy cọng ngò, hát cái câu ca hồi xưa giờ hổng dám hát với cổ.
Thằng Mùng Tám lấy giọng: "Đưa tay anh ngắt cái cọng ngò...".
Câu hát chưa dứt thì thấp thoáng ngoài cổng rào Út Trong kéo cửa, tay cầm mớ trái cây, miệng cười thẹn thùng.
Bấc nở đóa hoa duyên.
Trời tháng chạp, mà lòng Mùng Tám đã Tết.
  TRÚC THIÊN