Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Mùa cóc chín

Hoa Thương Nhớ Ai 

Cây cóc chuột

Vườn xưa vẫn dạo tiếng đàn
Ta đã một thời vui bên nhau,
Người đi để lại vạn nỗi sầu...
Bản đàn xưa cổ buông lơi phím,
Ngày tháng qua rồi thương nhớ sâu !!

Róc rách vỗ bờ con sóng xa,
Tháng ngày thơ mộng cũng phôi pha.
Tiếng đàn chậm rãi trong tĩnh lặng...
Người đã xa thời, ta với ta !

Hàng tràm tách khỏi mảnh vườn xưa,
Lộ nhỏ nghiêng dần theo sóng đưa...
Vô thường được mất không buồn chán,
Ta vỗ về ta, nhịp võng trưa !!
NM

Mùa cóc chín

Rốt cuộc, miếng vườn của ông Tư, chỉ mấy cây cóc trước sân là quến khách gần như suốt mùa. Nhất là khi con lộ nhỏ trong xóm hoàn thành, nhiều người qua lại. Từ khi cây cóc mới ra trái non thì đám con nít trong xóm đã xà quần thăm dò dưới gốc, đứa nào qua lại cũng ghé xin vài trái ăn chơi. Nói vài trái chứ kỳ thật đứa nào cũng bẻ chí ít là một chùm trái non. Những nhánh gần tầm tay bị lặt gần hết trái thì cóc cũng lớn, ít người ghé xin hơn vì nhánh cao, khó bẻ. Vài tháng, khi cóc bắt đầu có vài trái ngả màu vàng xanh báo hiệu mùa cóc chín cũng báo hiệu có thêm một đợt khách nữa tới thăm vườn.
Hôm nay khách là một người lạ và cũng bất ngờ. Lúc ngưng bản đờn, ông Tư dựng cây đờn kìm cặp gốc cây cóc chồm đứng lên thì có tiếng người phụ nữ từ bờ sông vói lên. “Sao không đờn nữa, ông anh?”. - “Ờ… biết có mấy chữ đâu, buồn đờn cho vui vậy mà. Ủa, bà chị muốn hỏi thăm ai?”. - “Không hỏi thăm ai hết trơn, đi đám ngoài vàm, bơi tới đây thấy hàng tràm êm quá, ghé đụt nắng, ai dè, nghe tiếng đờn, với lại nhìn mấy chùm cóc chín tòn ten ngon quá trời, đi hổng nổi…”. - “Ờ, vậy hả… bà chị bước lên đi, cây nhà lá vườn có gì mà ngại…”.
Khách chờ chủ mời một tiếng liền bước lên bờ. Ông Tư lui cui đi tìm cây móc cho khách móc cóc. Nhưng khách khỏa tay, nói có gì đâu mà gấp, kêu chủ trở lại võng rồi tự tay lấy cây đờn kìm đưa cho ông Tư và kêu ông đờn tiếp cái bản đờn hồi nãy đờn mới có nửa bài… Ông Tư khá bất ngờ trước lời đề nghị đó nhưng cũng làm theo. Ông rao, tiếng đờn chậm rãi rơi giữa không gian tĩnh lặng. Khách từ đám giỗ về, có lẽ còn chút men rượu trong mình, vừa rời sòng đờn ca trong đám nên vô liền một lớp Phụng hoàng làm cho chủ không khỏi bàng hoàng, mê mẩn…
Hát xong, khách tự lấy cây móc bẻ chùm cóc chín trước khi từ giã ra về. Chủ nói vói theo mời hôm nào có dịp ngang qua ghé chơi, đờn ca một bữa. Hôm nay gặp được tri âm rồi, quý lắm! Khách cười giòn giã vừa đi vừa hứa: “Anh yên tâm đi, chừng nào mấy cây cóc này còn trái chín, thể nào tôi cũng còn ghé nữa, lo gì…”.
Miếng vườn nhà ông Tư tròm trèm bốn công tầm cấy của cha mẹ để lại trước giờ. Miếng đất mà hầu như ông dành hết thời gian để tu bổ, sắp xếp, bố trí trồng theo cách tính toán của ông, vừa hợp lý để mang lại hiệu quả nhất lại vừa đẹp mắt nữa để không phụ lòng cha mẹ. “Là của hồi môn cho con Thu sau này đó mà”, khi có ai hỏi ông Tư nói vậy.
Bao quanh miếng vườn là hai hàng cây tràm đã hơn hai chục năm tuổi ken nhau. Nơi trú ngụ của nhiều loài chim mỗi chiều về tá túc, chút chít kể chuyện trong ngày. Đây còn là nơi yên ắng cho mấy tổ ong giấu mình, vo ve hút mật. Kế bên chân hàng tràm là con mương một tầm ngang thông với miếng ruộng sau vườn. Nơi để các loại cá tập trung về khi nước trên đồng cuối mùa giựt xuống.
Ngoài căn nhà lá ba căn cửa hướng ra phía bờ sông, phần đất còn lại là các loại cây ăn trái quanh năm, loại rau củ theo mùa đều được ông Tư bố trí thẳng thớm, thuận tiện đường đi. Phía cuối vườn còn có chòi lá cho bầy gà, vịt kề nhau. Nhiều lối đi trong vườn ông Tư đã đổ đất đỏ qua nhiều năm tiện bề đi lại. Nhìn miếng vườn đã biết tánh tình chủ nhà ngăn nắp, gọn gàng. Trong xóm chưa ai chê miếng vườn điều gì, không tiếc lời khen ông chăm chút, chí thú với công việc ruộng vườn.
Mấy năm trước, khi xóm hùn nhau làm con lộ nhỏ trước mặt nhà. Con lộ cắt một phần đất, tách hàng tràm phía trước khỏi sân vườn. Ông trồng lại bằng cây dâm bụt làm hàng rào phía trong. Hàng rào dâm bụt trồng mấy năm rồi cũng chỉ cao đến ngực. Buổi trưa, nằm trên võng trước sân, bên gốc cây cóc nhìn ra bờ sông, thi thoảng ông còn nghe tiếng róc rách của con sóng vỗ bờ. Con sông tưởng chỉ nước lớn, nước ròng, bẵng đi thời gian, nhớ lại nó rộng hơn ngày xưa biết mấy. Hàng tràm cặp bờ sông từ khi tách khỏi miếng vườn vì con lộ nhỏ cũng bắt đầu ngã nghiêng theo những lần bờ sông sạt lở. Thấy đó mà không biết mất đi lúc nào. Vô thường là vậy.
Miếng vườn ông chăm chút và được như ngày nay trong xóm ai cũng biết khởi nguồn từ nỗi buồn không thể nguôi ngoai. Đó là từ ngày bà Tư ra chợ vui với cuộc sống mới, để lại hai cha con ông với miếng vườn còi cọc trống hoang. Lúc con Thu mới 5 - 6 tuổi. Chuyện cũ lắm rồi, đã gần hai mươi năm. Ngày ấy buồn ông đờn, ông uống rượu kêu trời kêu đất tối ngày. Trời cao, đất gần nhưng kêu hoài cũng không thấu, không vơi được nỗi buồn. Đỡ một điều, còn nhỏ vậy mà con Thu không khóc. Nó chỉ ngồi yên ở ngạch cửa hay trên giường, trên võng. Gặp ông nó trân trân nhìn, không nói, cũng không đòi ông ẵm bồng. Nó không làm ông rối rắm thêm, chỉ đôi mắt thăm thẳm lặng thinh mà đủ trăm điều quặn thắt lòng ông.
Cuộc đời cần được tiếp tục, vẫn phải sống. Dần dần ông gửi được nỗi buồn trong công việc ruộng vườn và niềm vui lớn dần với cha con ông qua từng mùa cây trái. Hôm nào đi ruộng thì con Thu ngồi trước mũi xuồng. Nó đưa tay khỏa nước hát mấy bài quen thuộc như: “Bắc kim thang”, “Con cò bé bé”… Hôm nào làm vườn ở nhà thì nó ngồi trước hàng ba chơi một mình với con búp bê cũ mèm, trụi lũi không còn quần áo. Lâu lâu ông Tư kêu Thu một tiếng, nghe tiếng "dạ" để biết nó vẫn còn ngồi đó, rồi lại tiếp tục làm…
Con Thu lớn lên cũng mê trái cóc hơn nhiều thứ cây trái khác trong vườn. Nó bắc ghế bẻ từ lúc trái còn nhỏ xíu. Mấy năm trước nó đã chọn cây tre, lấy mắc áo bẻ ra làm cây móc để móc cóc. Mùa này, thi thoảng ông Tư kêu Thu một tiếng coi nó làm gì, ở đâu thì y như rằng nó ở loanh quanh bên gốc cóc. Nhìn con ngước cổ, nhón chân vói bẻ mấy trái chín trên cao, ông Tư thầm mừng vì con đã trưởng thành, khôn lớn.
Sực nhớ điều gì ông Tư dặn: “Nè! Bẻ gì bẻ chừa cho cha mấy chùm trái chín trên ngọn để lỡ nay mai có khách ghé chơi, nghen!...”.
Trần Xuân Linh

Chiếc lá,
Gởi cho em chiếc lá,
Để nhớ huyền thoại xưa...
Rừng cao su xa mãi,
Lá nhắc lời hứa xưa
NM

Lá cóc rừng
Rất lâu rồi tôi mới có dịp về lại chốn quê xưa, nơi tôi đã sinh ra – Bình Long. Đó là dịp đám cưới đứa cháu, con của người chị ruột. Điều này tôi cứ nói đi nói lại với những người hàng xóm đến phụ giúp gia đình chị tôi trước ngày tiệc cưới. Trong đó có Nguyệt, một cô bé có vẻ lém lỉnh – bạn của cháu gái tôi.
– Cháu nghe cậu nói hoài về chú rất lâu – Nguyệt bắt lỗi – Với cháu, một tháng cũng là lâu…
– 27 năm rồi Nguyệt ạ! Tôi cười.
– Chúa ơi! Tuổi cháu còn thua xa lắc!
– Tôi cũng nghĩ vậy! Dù sao đó cũng không phải là điều tôi muốn nói. Cái chính là rất may ở cao nguyên đất đỏ này còn lại gia đình chị tôi sinh sống, nếu không, 12 năm sinh ra và lớn lên giữa rừng cao su bạt ngàn này với tôi trở thành một kỷ niệm rất mờ nhạt. Cũng có thể sẽ lãng quên…
– Cậu xúc động hả? Nguyệt nhìn vào mắt tôi. Hình như cô bé sẽ thích thú nếu tìm thấy một ngấn lệ. Rất tiếc, điều ấy không xảy ra. Không phải bất cứ ai xúc động cũng rơi nước mắt! Tôi chỉ cúi xuống nhìn chiếc áo trắng bết lấm bụi đỏ.
Bây giờ là tháng hai, mùa khô. Đường đất tơi xốp tung mù bụi đỏ. Chiếc khăn mù xoa tôi lau mặt cũng ố màu đất. Tôi liếm môi cũng chan chát vị đất. Trưa nay, chiếc xe đò thảy tôi xuống cổng vào xã Thanh Lương, người lơ xe nhìn tôi ái ngại: – “Lên đây mà ông “chơi” đồ trắng là hỏng. Về lần đầu hả?” Tôi trả lời lần đầu. Anh ta cười hềnh hệch để lộ hàm răng vàng am khói thuốc: – “Mai mốt về thành phố ra đây đón xe nghe!” Tôi nói cảm ơn! Tôi nhìn con dốc đổ dài, đoán định vị trí nhà người chị. Thật không dễ, chỉ thấy màu xanh cây lá chao động trong cơn nắng trưa bỏng hực. Đi được nửa dốc, mấy đứa cháu trên một gò cao dầy cộm nọc tiêu ào xuống ríu rít. Chỉ khi Nguyệt – vâng! Chính Nguyệt – cô bé đứng bên chái nhà tay cầm rổ hành lá mới rửa cất tiếng: – “Để cậu đi rửa mặt mũi cho mát tụi bây!” – Tôi mới nhận ra mình bẩn, rất bẩn từ đầu đến chân.
– Duyên nó bảo cậu hát hay lắm. Mai đám cưới cậu hát nha? Buổi chiều, lúc tôi đứng nhìn Nguyệt làm thức ăn trong bếp, Nguyệt nói.
– Cháu tôi hay nói tốt về cậu nó. Chính vì vậy đã bao lần tôi phải che mặt…
– Cậu khiêm nhường ha…
– Tôi chỉ nói thật!
Dù nói vậy, trong ngày đám cưới tôi cũng đã hát

Hay dở không biết, nhưng tôi biết là tôi bị ép rượu đến say mèm. Khi tàn tiệc, tôi loạng choạng đi vào nhà trong, Nguyệt đi theo, kê cho tôi chiếc gối, tháo giúp tôi đôi giầy khi tôi gần như đổ vật trên chiếc giường tre nhỏ, Cô bé xoắn xuýt:
– Để cháu bôi dầu cạo gió cho. Say rượu là hay trúng gió lắm nghe. Cậu còn nhớ ngày mốt mấy cậu cháu mình đi thác số 4 ở Quản Lợi không?
– Nhớ…. Tôi ậm ừ. Đôi mắt nhắm tít. Tôi ngủ như chết. Giá mà người ta đem mổ sống tôi lúc này, tôi cũng không biết đau

Tôi say nhưng qua giấc ngủ đầy là tỉnh. Còn Nguyệt tỉnh, sau đám cưới lại ngã bệnh. Thế là buổi đi thăm thú Quản Lợi đành bỏ. Nguyệt viết cho tôi mấy chữ nhờ đứa bé hàng xóm mang qua – “Cháu ốm, không đi được. Cậu đừng buồn nha!”. Tôi không buồn. Nên tôi qua thăm Nguyệt trước khi về thành phố. Ở đây ra quán chợ khá xa, nên tôi chẳng tìm được quà đến thăm người ốm. Lúc ra tới cổng, thấy cành ổi xá lị có hai trái thật to, tiện tay tôi bẻ cầm vung vẫy theo sau đứa cháu út dẫn đường.
Ở đây, gần như nhà nào cũng như nhà nào. Đất thổ cư nông trường cao su cấp như nhau. Nhà vách ván, lợp tôn, chái lá như nhau. Cổng vào, hai bên nhà, sau vườn lớp lớp cây tiêu như nhau. Tôi đưa nắm tay về phía con chó nhà Nguyệt đang chồm choàm gào sủa: – “Này, đừng hỗn!”. Nghe tiếng tôi, Nguyệt bước vội ra, da mặt xanh tái, chiếc áo gió rộng thùng thình khiến thân hình Nguyệt càng thêm bé nhỏ. Nguyệt la át con chó trước khi cười với tôi. Tôi bước vào nhà, nhìn quanh. Rồi hỏi:
– Ba má đi làm hở Nguyệt?
– Dạ… Ba đó! Nguyệt đưa tay chỉ vào tấm ảnh đặt trên nóc tủ dưới bàn thờ Thiên Chúa.
– Ba cháu mất rồi! Cháu là con một. Mẹ cháu mới đi làm về, chắc đang ở vườn tiêu. Để cháu đi gọi mẹ…
– Chào cậu! Con khỏi gọi. Mẹ đã thấy khách Sài Gòn từ đằng xa kia – Mẹ Nguyệt xuất hiện từ cửa sau với nụ cười niềm nở. Đó là một phụ nữ trung niên, tóc kẹp gọn gàng. Ở gương mặt chị nét xuân sắc thời thiếu nữ vẫn còn in dấu. Có lẽ ngày xưa chị khá đẹp.
– Chào chị! – Tôi nói – Tôi là em chị Mai. Nghe cháu Nguyệt ốm, tôi ghé thăm tiện thể cho biết nhà. Chiều nay tôi đã về thành phố.

Lâu rồi mới có dịp xuống đây, sao cậu không ở chơi vài ngày?
– Cậu ở lại đi cậu! Mai mốt cháu khỏe, mấy cậu cháu vào Quản Lợi chơi! Nguyệt phụ họa.Tôi lắc đầu cười. Lúc mẹ Nguyệt ra sau nhà làm cơm, tôi bảo Nguyệt hãy đi nằm nghỉ. Cô bé không nghe, cứ bảo là đã khỏe. Nguyệt bắt tôi kể chuyện ngày xưa thời thơ ấu của tôi dưới mái trường tiểu học đồn điền Quản Lợi.
– Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu – Tôi nói – Bởi thời học trò của mỗi người ai cũng giống nhau. Có học có chơi, có vui có buồn…
– Thì cậu kể về cái gì thích nhất mà cậu còn nhớ!
– Thích nhiều lắm! Con nít mà… Có điều cái ăn thì thích hơn. Hạt dẻ luộc này! Hạt me tây rang này! Hạt điệp non này! Cả trái trường đỏ ửng, quả mơ rừng vàng đượm…
– Cháu cũng thích những thứ ấy! Nguyệt nói theo.
– Lá cóc rừng! Ừ… Nguyệt biết lá cóc rừng không? Ở rừng ấy. Nhiều nhất là ở những luống cây cao su. Lá xanh dầy, bóng, ăn vào có vị chua chát mát lưỡi chứ không chua gắt như chanh đâu. Nguyệt biết không?
– Dạ biết!
– Hồi đó, mỗi lần đi học, trước khi xe cam-nhông của đồn điền đến đón đi, tôi chạy vào rừng hái lá cóc rừng bỏ vào cặp mang đến lớp ăn. Người ta bảo, ăn nhiều lá cóc rừng nó giúp mình trí nhớ. Học giỏi, hiểu nhanh. Muốn ai nhớ mến mình thì mình đưa lá cóc rừng cho họ ăn. Ai giận hờn mình thì mình bỏ lá cóc rừng vào cặp họ, ngày trước ngày sau hai đứa gặp nhau lại tươi vui niềm nở. Muốn hẹn gặp lại người nào thì lúc chia tay đưa họ một chiếc lá…
– Có đúng không cậu? Hay ghê! Lần đầu cháu được nghe đấy…
– Đúng chứ! Tôi cười.

Bổng dưng Nguyệt chép miệng: 
– Vậy là lá cóc rừng cũng có một câu chuyện cậu ha! Bây giờ giữa những hàng cây cao su, công nhân tăng gia trồng xen kẽ lúa, đậu.. nên những cây cóc rừng không mọc được. Ở rừng thì chắc có. Cậu có muốn ăn lại lá cóc rừng không?
– Muốn! Nhưng không kịp đi hái nữa. Chiều nay tôi đã về thành phố.
Nguyệt chợt nhoài tới, nắm chặt bàn tay tôi giật giật:
– Cậu ở lại tối nay nữa đi. Tối cháu qua bên cậu chơi. Mai cậu về sớm cũng được mà…
Tôi nhìn vào mắt Nguyệt, nỗi thiết tha hiện rõ. Vả lại anh chị tôi cũng muốn giữ tôi ở lại thêm ngày nữa. Tôi lật ngửa bàn tay Nguyệt lên, đặt vào đó hai trái ổi xá lị mới hái bên nhà:
– Ừ… thì mai! Tối Nguyệt ghé chơi nha!
Buổi tối tôi ngồi uống rượu với ông anh và đứa cháu rể mới, đến gần mười giờ khuya. Nông trường đã ngưng phát điện sinh hoạt từ hồi chín giờ, chỉ còn lại trên bàn hai ngọn đèn dầu được vặn to bấc nóng gắt. Nguyệt không thấy tới. Tôi nghĩ, chắc con bé còn mệt.
5 giờ sáng tôi ra mặt lộ đón chuyến xe sớm từ Lộc Ninh lên. Khi ánh đèn xe từ xa vàng vọt, gượng gạo xé bóng đêm tiến đến chỗ tôi, tôi vẫy tay liên hồi, ra dấu. Bỗng có tiếng ai đó gọi tôi từ dưới dốc, khi người ấy đến gần, tôi nhận ra mẹ của Nguyệt. Chị đưa tôi một bịch nilon khi chiếc xe đò đang từ từ dừng lại:
– Lá cóc rừng cháu Nguyệt gởi tới cho cậu. Tôi qua nhà nghe nói cậu đã đi, vội chạy theo. Suýt nữa đã chẳng kịp…
– Cám ơn chị với cháu Nguyệt. Nguyệt đã bớt chưa chị? Tối qua, cháu có hẹn qua tôi chơi nhưng không thấy…
Mẹ Nguyệt thở dài:
– Chiều hôm qua cháu vào rừng tìm hái lá cóc rừng. Nó bảo cậu kể chuyện về lá cóc rừng hay lắm. Lúc về, cháu trở sốt cao. Tối hôm qua tôi đã đưa cháu vào trạm xá nông trường. Cháu cứ dặn đi dặn lại tôi là sáng sớm nay phải đưa bịch lá này cho cậu…
Tôi tưởng ra trong lời của mẹ Nguyệt có chút gì trách cứ. Tự dưng tôi vui miệng bịa ra chuyện lá cóc rừng đã có một huyền thoại. Tôi lấy ra một chiếc lá đưa lại cho mẹ Nguyệt:
– Chị cầm về cho Nguyệt. Cháu sẽ hiểu…

Vâng! Nguyệt sẽ hiểu. Bởi lá cóc rừng đã có một huyền thoại. Trên xe, những rừng cây cao su bạt ngàn trôi vụt về phía sau tôi – nhưng lá cóc rừng vẫn theo tôi về thành phố để trở thành một nỗi nhớ.. 
Nguyen Long

Ngã ba cây cốc

Năm tôi lên bảy tuổi thì cô Bốn của tôi đi lấy chồng. Có hai gia đình xin cưới cô, một đám tới trước, một đám tới sau. Cô làm dâu đám tới sau là một nhà khá giả tại huyện miền xuôi phía tả ngạn dòng sông chung với quê tôi.
Ông bà nội tôi chỉ sinh được một gái là cô. Vì vậy cô được gia đình và bà con nội ngoại rất cưng quý. Thời trước năm 1945, giới nữ ở quê tôi được học xong đệ Tứ niên Trung học rất hiếm. Do được cưng quý và có chút tài sắc nên việc lấy chồng của cô được gia đình tôi chọn rất kỹ. Đầu tiên, một vị quan hưu cuối triều Nguyễn nhờ mai mối dạm hỏi cô tôi cho người con trai đầu. Họ đã lên nhà tôi “coi mắt” cô tôi và ngỏ lời về việc này. Sau khi tiễn khách ra về, ông tôi nói với cả nhà:
- Nhà họ còn quan cách rườm rà khuôn khổ lắm. Con mình về làm dâu sẽ rất khổ, không thể gả được.
Mọi thành viên trong gia đình tôi đều tán thành vì không ai muốn cô tôi chịu khổ. Ông mai của đám này là người ở làng tôi. Cha tôi cho ông biết quyết định trên để ông nói lại với đàng trai. Đám thứ nhất không thành. Thế nhưng cô tôi lại tỏ vẻ không vui. Thì ra cô với con trai vị hưu quan kia đã quen biết nhau từ mấy năm hai người cùng ở học tại Hội An, chắc đã hợp nhãn, hợp tính nhau. Nhưng thời còn phong kiến, việc cưới vợ lấy chồng thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, áo không mặc quá đầu. Thế nên cô tôi phải bằng lòng với đám tới sau.
*****
Trớ trêu thay, nhà của đám trước bại, đám sau thành cùng ở chung làng có một chỗ gọi là “Ngã ba cây cốc”. Quê tôi là một thung lũng giữa các rặng núi bao quanh. Hồi ấy chưa có đường ô tô. Người ở đây khi cần đi tới các phủ huyện khác nhất thiết phải lội bộ qua truông hoặc đèo tùy theo hướng đi. Phương tiện giao thông duy nhất là đò dọc với thủy trình hạn hẹp qua những làng mạc ở đôi bờ sông.
Cô tôi đã về nhà chồng.
Mỗi lần lên thăm gia đình tôi, cô dượng phải ngồi đò dọc. Bận về cũng thế. Có lần vào dịp nghỉ hè, tôi được cô dượng dẫn theo xuống nhà chơi. Đò dọc ghé bến, Chúng tôi còn phải đi bộ hơn cây số nữa mới tới một ngã ba đường làng. Đây là Ngã ba cây cốc. Tại đây có một cây cốc to, cao, cành lá sum sê đứng phía tay phải ngã ba. Từ đây, cũng đi về phía tay phải vài chục mét là đến nhà cô dượng tôi.
Hai năm sau ngày cô Bốn tôi an bề gia thất thì thân phụ của dượng từ trần. Khi quan tài của thân phụ dượng tôi đặt lên linh sàng để bắt đầu tang lễ thì có một phụ nữ dẫn theo đứa con đến xin cho hai mẹ con thọ tang cha chồng và ông nội. Đứa bé gái ba tuổi. Người mẹ thưa với đông đảo tộc nhân đang có mặt rằng đứa bé là con của dượng tôi, còn bà ta phải là chánh thất của dượng. Mọi người sửng sốt nhìn nhau rồi bao nhiêu cặp mắt đều dồn về phía dượng. Đang mặc áo mũ đại tang, dượng cứ đứng yên như bị trời trồng rồi cúi mặt nhìn xuống đất không nói được lời nào. Xong hậu sự của người quá cố, cô tôi vào phòng riêng khóa trái cửa lại. Cô nằm mãi trong phòng, không chịu tiếp bất cứ ai. Hôm sau, bà chị cả của dượng có chồng tại làng trên đến gõ cửa, xưng tên, đòi vào phòng.  Cô tiếp bà ta vì ít nhất cũng để cho một người biết thái độ và quyết định của cô.
Bà này đã không có một lời khuyên giải nào mà còn nói như kết tội cô tôi. Bà nói rằng đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp, rằng cô tôi lấy chồng đã hai năm mà không chửa đẻ như vậy là tròng vào cổ em trai bà cái tội “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Cô tôi không đáp một lời nào. Sáng sớm hôm sau, cô ra khỏi phòng gặp dượng. Cô soạn trả lại dượng đồ sính lễ gồm kiềng, xuyến, nhẫn, bông tai vàng, rồi chỉ nói với chồng một câu chắc nịch:
- Từ phút này anh và tôi ly dị nhau.
Dượng sửng sốt đến độ cứ huơ hai tay trước mặt và miệng chỉ lắp bắp: em… em…
Cô xách bọc đồ dùng riêng đi ra ngõ. Dượng tất tả đi theo sau và cứ lắp bắp em… em…
Đến ngã ba cây cốc, cô dừng lại chỉ tay vào cây cổ thụ này và nói:
- Tôi thề suốt đời không bao giờ trở lại hay đi ngang ngã ba này!
Đó là câu nói thứ hai của cô với chồng kể từ sau lúc sự cố tiền hôn thú của dượng bị bạch hóa. Cô đón đò dọc trở về sống với gia đình tôi. Cả nhà tôi và bà con ai cũng buồn, mọi người lớn đều khuyên giải cô tôi nhưng vô hiệu. Một hôm tôi ngồi học bài bên cạnh bàn mẹ và cô tôi đang trò chuyện. Mẹ nói khá nhiều, nội dung vẫn là khuyên cô tôi nên chín bỏ làm mười, một sự nhịn chín sự lành… để trở lại với dượng. Tôi nghe cô nói:
- Có hai lẽ em phải chia tay ảnh. Thứ nhất là ảnh không thành thật với em, đã cố tình giấu em về chuyện lăng nhăng của ảnh. Ăn ở với người ta có con mà bỏ. Đã vậy còn xin cưới để lừa em làm gì? Ảnh đã lừa hai người đàn bà. Thật lòng, em chỉ thương mẹ con bà ấy chứ không hề có mảy may ghen ghét. Lẽ thứ hai là em đã thề với ngã ba cây cốc hôm ấy, tức là gián tiếp thề với ảnh. Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Một lời đã nói ra, bốn ngựa không đuổi kịp. Chỉ một lời nói bình thường đã như thế, đằng này còn quan trọng hơn vì em đã thề.
Mẹ tôi chỉ lắc đầu chứ không nói thêm gì được nữa. Mấy lần dượng lên nhà khóc lóc với ông nội và cha mẹ tôi, vừa khóc vừa năn nỉ với cô tôi để xin cô trở lại. Có lần dượng còn nhờ ông trưởng tộc cùng đi để cầu khẩn với gia đình tôi, chủ yếu là với cô tôi. Tất cả đều không kết quả. Bề gia thất của cô dượng đã thật sự tan vỡ.
Hai năm sau, người con trai đầu của vị hưu quan, bạn cũ của cô tôi, ở cùng làng có ngã ba cây cốc lên thăm gia đình tôi. Ông hưu quan đã từ trần, cả cơ ngơi lớn và vườn ruộng của ông bây giờ do người này quán xuyến. Bạn của cô tôi vẫn trẻ, hào hoa và vẫn chưa lập gia đình. Là người theo tân học, ông đã bãi bỏ hết những nếp gia phong quan cách cũ là cái lý do ngày trước ông không lấy được cô tôi.
Thưa chuyện với ông nội và cha mẹ tôi, ông nói rằng hơn hai năm trước đây ông đã theo dõi từng ngày cuộc sống của cô tôi tại nhà chồng với lòng chân thành cầu cho cô được hạnh phúc. Tất nhiên ông đã biết vợ chồng cô ly dị nhau. Rốt câu chuyện, là người tân học chuộng cải cách, không rào đón, úp mở, ông lễ phép ngỏ lời xin cưới cô tôi. Ông tôi tỏ ra khó xử. Ông nói bây giờ tuy đã hợp lý hợp tình nhưng biết đâu sẽ có lời dị nghị cho rằng cô Bốn tìm cách ly dị chồng vì muốn kết hôn với người tình cũ và người này cũng mong điều ấy xảy ra.
Cha tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo ông này nên hỏi thẳng cô tôi, hai người phải chung gánh trách nhiệm với nhau.
Trong lúc hai người ngồi cạnh bàn học của tôi để nói chuyện, tôi nghe ông nói một câu với cô tôi:
- Dù em có mấy đời chồng đi nữa thì bây giờ và bao giờ anh vẫn coi em là em nữ sinh áo trắng thời cùng học ở Hội An mà anh đã đặt hết cảm tình. Vì lẽ ấy, như em đã biết, anh không thể lấy người con gái nào khác được.
Cô tôi ngồi khóc.
Tôi nói lại câu ấy với cha mẹ tôi. Ông bà có vẻ vui. Mẹ nói với cha tôi:
- Đúng là tình cũ không rủ cũng tới. Đám sau thành mà bại, đám trước bại mà sắp thành. Nên mừng cho cô Bốn.
Đám cưới cử hành. Rước dâu cũng bằng thuyền như đám lần trước. Cô tôi yêu cầu đoàn thuyền không ghé bến đò để đi bộ đến nhà trai vì phải ngang qua ngã ba cây cốc. Thế là hai họ rước dâu, đưa dâu phải cho thuyền đi luôn xuống cuối làng rồi từ đó mọi người đi bộ ngược trở lên bằng đường bờ ruộng để tới nhà đàng trai. Lộ trình này xa gấp ba lần so với đoạn đường từ bến đò vào hướng ngã ba cây cốc.
Từ sau lễ cưới, cô và dượng cũng đi theo lộ trình nhiêu khê ấy để lên quê tôi hoặc trở về. Cô giữ đúng lời thề một cách tuyệt đối.
Tôi có thêm một ông dượng. Tôi thương cả hai ông vì ông nào cũng thương tôi. Để gọi và phân biệt khi nhắc, tôi đặt thứ cho hai dượng. Tôi gọi ông trước là dượng Một, ông sau là dượng Hai.
Dịp tết năm qua tôi về thăm quê. Chú con trai đầu của cô tôi và dượng Hai gọi điện mời tôi xuống nhà dự đám giỗ cô tôi.
Ngày nay tại quê tôi không còn cảnh ngồi đò dọc và lội bộ nữa. Tôi mượn chiếc mô tô của người bà con để đi. Trời tháng Giêng thật đẹp. Núi non, ruộng đồng, vườn tược liên hợp thành một đại cảnh dàn trải màu xanh mơn mởn, tươi rói. Đường cũ, đường mới hiện khắp nơi, tỉnh lộ thì mở rộng, trải nhựa, hương lộ đều bê tông hóa.
Tôi cho xe chạy qua cây cầu bắc ngang sông, quẹo trái ngược lên gặp ngã tư có con đường hồi tôi còn nhỏ đã từng đi để đến nhà dượng Một.
Tôi dừng xe ngay ngã ba cây cốc. Cây cổ thụ ấy không còn nữa. Tôi cố nhớ vị trí ngày xưa của nó. Chỗ này đã thành cổng vào của ngôi trường trung học cơ sở khang trang.
Tôi nhìn hơi lâu con đường ngắn từ ngã ba dẫn vào nhà dượng Một. Chẳng biết phía trong ấy nhà của dượng còn không, nếu còn thì ai đang ở…
Cảnh cũ đã đổi thay, bao người xưa không còn nữa. Cô tôi và hai ông dượng đều thành người thiên cổ.
Ngồi trên xe đi tiếp, lòng tôi ngùi ngùi nhiều nỗi. Trong mớ hoài niệm phức hợp chóng vánh ấy có bóng dáng cây cốc già và âm vang xa thẳm của một lời thề.
TƯỜNG LINH

Cây cóc hồng "độc nhất vô nhị" VN là của ông Ngô Đình Cẩn?

Hỏi chuyện cóc hồng, người ta cho rằng nếu “cậ‌u Cẩn” sưu tầm cá‌i bon sai khác thường kia - cây cóc hồng để chơi thì điều đó không có gì lạ, đặc biệt vào lúc ông đang có đầy quyền uy như một lãnh chúa. 
Đã hơn một thập niên được phát hiện tại vùng ngập mặn ven đầm ph‌á tỉnh TT- Huế, cây cóc hồng duy nhất Việt Nam  kéo theo sự ra đời của nhiều công trình nghiên cứ‌u, đ‌ề á‌n, các luận văn thạc sĩ, luận á‌n tiến sĩ. Nhưng nó vẫn là một dấu hỏi.
 

Đi tìm cây “độ‌c”
Hôm đó đang cuộc chuyện vu vơ về cá tôm cây cỏ vùng rừng ngập mặn, anh bạn quản lý môi trường huyện Phú Vang bỗng vỗ tay đán‌h rộp như sực nhớ điều gì. Câu chuyện chợt rẽ ngang sang cá‌i cây ngập mặn rất đặc biệt sống ven đầm ph‌á tỉnh TT- Huế. Nó được cho là cá thể có một không hai ở Việt Nam, thậm chí toàn bán đảo Đông Dương. Cạnh nó còn có một cây cùng họ, chỉ khác về màu hoa, từ lâu được liệt vào danh sách quý hiếm có nguy cơ tuyệt diệ‌t. Nghe ra cũng lấy làm vinh dự cho tỉnh nhà TT- Huế, nơi không có nhiều những cánh rừng ngập mặn ngút ngát như các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc. “Nghe nói chúng là cây hiếm, cây nằm trong Sách đỏ. Nhiều sin‌h viên, gi‌ảng viên ở thành phố từng về nghiên cứ‌u làm luận văn, luận á‌n thạc sĩ, tiến sĩ về nó”. Anh bạn cũng chỉ biết vậy.  
Cây cóc hồng
Mùa hè năm Mão chỉ còn những ngày cuối, trời vẫn oi làm trễ giấc đêm. Giữa khuya khoắt bứ‌c nực, điện thoạ‌i réo. Đầu dây kia là người quen từ vùng Tân Mỹ (Phú Vang): “Cá‌i cây chú nhờ anh dò tìm hồi trước chừ đã có manh mối. Nó ở trong khuôn viên Tam Giang Resort, hèn chi khó tìm. Là vẹt hoa đỏ”. Anh bạn cũng không quên chua thêm: “ Phải mau thu xếp về ngắm hoa chụp hình vì hình như cây nở hoa vào độ cuối hè đầu thu”. Sáng ra tôi chưng hửng khi hỏi một số nơi không ai biết cây này là gì. Có người khẳng định không có cây trong sách đỏ sách hồng nào tên như vậy. Tân Mỹ cách Huế chừng hơn 10km, tôi sốt ruột phóng xe về ngay trong sáng.
Nom bộ dạng đường đột không vẻ gì là khách du lịch, nhân viên bảo vệ khu resort chặn tôi ngay từ cổng. Hỏi về cây quý, anh ta ngần ngừ xá‌c nhậ‌n. Nó không phải vẹt hoa đỏ mà là cây cóc đỏ và cóc hồng. Muốn xem phải được giám đốc đồng ý. Sau cuộc điện chớp nhoáng, yê‌u cầu được chấp thuận. Có vẻ là cây quý thật. Bởi dẫn khách đi xem cây mà có đến mấy anh bảo vệ luôn kè áp bên cạnh, như thể họ đưa tôi vào một nơi cất giấu kho báu.
Hai cá‌i cây lạ kia rồi, ngay bên mép nước sình lầy, hình thế uốn éo rất đặc biệt nổi bật giữa ngàn cây tự nhiên suôn đuột. Chúng tựa bon-sai được tạo thế quần thụ gió lùa ôm lên những gi‌ả sơn đắp nổi mấp mô giữa cá‌i ao nông quanh co loằng ngoằng.
 Cây cóc đỏ
 Hình thế quần thụ, bạt phong lạ lùng của hai cây cóc ngập mặn ở TT- Huế được cho là bon-sai có từ thời ông Ngô Đình Cẩn.
Trừ ra hai cá‌i tên, thông tin về chúng vẫn rất môn‌g lung. “Tui làm ở đây hơn 5 năm rồi. Năm nào cũng có người về nghiên cứ‌u hai cá‌i cây. Họ canh đúng thời điểm hạt rụng nhặt về gieo ươm, rồi chiết cành, dâ‌m nhánh nhưng tất cả cây con sau đó chế‌t hết, không biết vì sao? Nghe nói đây là hai cây kiểng ngập mặn quý hiếm có từ thời ông Ngô Đình Cẩn (em trai của Ngô Đình Diệm - Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa) về lập khu ngh‌ỉ mát”, anh bảo vệ tên Hạnh bấ‌t ngờ kể sau một hồi khách lạ ngó nghiêng chụp hình ngắm hoa.
Ông Ngô Đình Cẩn thường có những thú chơi lạ như chơi gà, trăn, cưỡi bò và cả sưu tầm cây quý. Nếu ông Cẩn có sưu tầm cây cóc hồng để chơi, thì không có gì lạ, vì quanh ông có nhiều kẻ xu nịnh, cơ hội, hãnh tiến.
Nhà nghiên cứ‌u Dương Phước Thu

Cuối cùng tôi cũng tìm được người mình cần tìm, nữ tiến sĩ chuyên ngành sin‌h thá‌i học, nguyên gi‌ảng viên khoa sin‌h, ĐH s‌ư phạ‌m Huế, người có hàng chục năm nghiên cứ‌u rừng ngập mặn. Những cây hiếm như cóc đỏ, cóc hồng cũng không ngoại lệ. Cả hai cây cùng lúc được gi‌ảng viên này phát hiện trong một lần thực địa làm luận á‌n tiến sĩ tại rừng ngập mặn Tân Mỹ.
Đó là năm 1998, TS Lê Thị Trễ còn nhớ như in. Ban đầu, có nhiều ý kiến cho rằng nó chỉ là cây cóc đỏ (tên khoa học Lumnitzera littorea) biến đổi màu hoa sang hồng. Trong danh mục cây rừng ngập mặn tại Việt Nam thời điểm đó cũng không có loài cóc hồng nào như thế mà chỉ có cóc đỏ. Về loài cóc đỏ ở Việt Nam, vùng Tân Mỹ hiện có hai cây, nó còn được ghi nhậ‌n tại Cam Ranh, Vũng Tàu, Hà Tiên, Côn Đảo... Trong Sách đỏ Việt Nam có tên loài cóc đỏ và hiện được xếp vào tình trạng “sẽ nguy cấp”.
Cóc hồng tại Việt Nam chỉ có một cây. Đây là một loài độ‌c lập có tên khoa học là Lumnitzera rosea chứ không do bị biến đổi như người ta nhầm tưởng, TS Trễ cho biết. Để minh chứng, nữ tiến sĩ trưng ra nhiều tài liệu, báo cáo, công trình khoa học gồm cả tiếng ta lẫn tiếng tây. Ngoài ra, còn có 3 nghiên cứ‌u khoa học, 3 khóa luận tốt nghiệp đại học, 1 luận văn thạc sĩ cùng lấy đ‌ề tài cây cóc hồng Tân Mỹ để nghiên cứ‌u, 1 đ‌ề tài luận á‌n tiến sĩ cũng liên quan. Tôi để ý trên bàn tiế‌p khá‌ch có một tài liệu nước ngoài của nhà khoa học P.B.Tomlinson (Mỹ) ghi nhậ‌n cây cóc hồng được phát hiện lần đầu tại đảo Hinchinbrook thuộc Queensland, Australia. Như vậy, thế giới đã từng có người nghiên cứ‌u về loài này. Tomlinson cho rằng đây là dạng trung gian (lai) giữa loài cóc đỏ (Lumnitzera littorea) và cóc trắng (Lumnitzera racemosa), nhưng vẫn thuộc nhóm cây ngập mặn chính thức (true mangroves).
Theo TS Trễ, cóc hồng chỉ có tại vài quốc gia, lãnh thổ thuộc khu vực châu Á-Thá‌i Bình Dương như Australia, Indonesia, Philippines, New Caledonia, tài liệu quốc tế trước đây không đ‌ề cập Việt Nam. Một thông tin thú vị được TS Trễ dẫn từ nghiên cứ‌u của C. Norman Duke (chuyên gia rừng ngập mặn người Úc): Cóc hồng chỉ hiện diện ở khu vực có hai loài cóc đỏ và cóc trắng, tuy nhiên không phải khu vực nào trên thế giới khi có mặt hai loài trên thì luôn kèm theo cóc hồng. Nhậ‌n xét đó phù hợp với thực tế cây cóc hồng ở Việt Nam, chỉ với một cá thể nhất biệt, dù có hai loài bố mẹ bên cạnh. 
TS Trễ cho rằng cóc hồng là loài quý hiếm xét trên phương diện khoa học, nghiên cứ‌u di truyền học, cần đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Loài này có nguy cơ tuyệt chủng do khả năng tá‌i sin‌h tự nhiên thấp, cần có nhiều công trình nghiên cứ‌u nhân giống bảo tồn. “Cây cóc hồng duy nhất Việt Nam có thể là loài nhập nội. Có thể ông Ngô Đình Cẩn từng dùng nó chơi bon-sai. Với vai vế lúc đó, không khó để ông Cẩn sưu tầm những loài cây cảnh lạ và độ‌c đáo như vậy”, TS Trễ nhậ‌n xét.
Chợt nhớ lần trò chuyện với nhà nghiên cứ‌u Dương Phước Thu (Huế), người có nhiều năm nghiên cứ‌u về gia đình họ Ngô. Được biết, “cậ‌u Cẩn” có thú chơi chim, cá, gà, trăn đến cưỡi bò, sưu tầm cây quý… Đã chơi là phải thứ “độ‌c”, chỉ có một mà không có hai. Hỏi chuyện cóc hồng, ông Thu cho rằng nếu “cậ‌u Cẩn” sưu tầm cá‌i bon sai khác thường kia để chơi thì điều đó không có gì lạ, đặc biệt vào lúc ông đang có đầy quyền uy như một lãnh chúa và luôn có nhiều kẻ xu nịnh, cơ hội, hãnh tiến vây quanh.
Qua bao biến cố thời cuộc, cây cóc hồng tồn tại cho đến giờ cũng có lắm điều lạ lùng. Một dạo xảy ra việc chuyển đổi chủ sở hữu khu du lịch ở Tân Mỹ (sau này là Abalone rồi Tam Giang Resort). Đám bảo vệ cũ lúc giao thời nảy ý đồ bứng hai cây cóc đem bán vì nghe đồn là cực quý. Cuối cùng, họ vẫn không sao thực hiện được dù chẳng bị ai ngăn cản. Trước đó, TS Trễ cũng từng can ngăn một ông chủ có ý định ph‌á b‌ỏ hai cây hiếm để cải tạo lại khuôn viên. Lần khác về Tân Mỹ, tình cờ gặp ông chủ mới vừa đến tiếp quản khu du lịch và có kế hoạch lấp cống dẫn thủ‌y triều cung cấp nước mặn, ô-xy cho khoảnh rừng có hai cây cóc hiếm. Thiếu ô-xy cây sẽ chế‌t. Tiếp nhậ‌n thông tin từ nữ tiến sĩ, vị tân giám đốc lập tức yê‌u cầu dừng lấp cống, cho tôn tạo khu vực có hai bon-sai ngập mặn, chỉ đạo bảo vệ nghiêm ngặt. Có thời l‌o lắn‌g cho cây, Giáo s‌ư Phan Nguyên Hồng- thầy của tiến sĩ Trễ - từng hỗ trợ tiền túi để bà mua đứt cây cóc hồng di đi nơi khác phục vụ nghiên cứ‌u. Khó khăn về quản lý chăm só‌c và s‌ợ nhất là cây chế‌t sau khi bị bứng đi, tiến sĩ Trễ ngưng ý định trên.
Rồi một ý tưởng mới hình thành trong tâm huyết nữ tiến sĩ mê rừng ngập mặn: “Giờ thì yên tâm, khi các cây cóc quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt trong khu Tam Giang Resort. Tỉnh đang triển khai đ‌ề á‌n bảo tồn rừng ngập mặn, tôi chỉ mong đ‌ề á‌n trích một phần kinh phí kết hợp đầu tư từ doanh nghiệp để sớm nghiên cứ‌u xây dựng tại Tân Mỹ một khu bảo tồn rừng ngập mặn với đa dạng các loài trên thế giới chứ không riêng các cây cóc. Làm vậy sẽ tốt cho cả doanh nghiệp lẫn địa phương trong bảo tồn, nghiên cứ‌u, phát huy giá trị rừng ngập mặn, thu hú‌t khách du lịch”.
Sưu tầm XL