Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Nhạc - Thơ - Văn "Con nhà làm bún"

 CƠM MÙI KHÓI BẾP

Những sợi bún trong lành,
Trắng tinh mà dịu mát...
Tạo biết bao an lạc,
Cho người miếng ăn ngon !!
Buổi cơm thơm mùi khói,
Cho ta nhớ ngút ngàn,
Sợi bún trong quê ngoại...
Mỗi một lần thu sang !
Biết bao nhiêu món ngon,
Ngoài cơm thơm mùi khói...
Bún trong mùi gạo mới,
Tình quê luôn đầy vơi !!
NM

"Con nhà làm bún"

- Gái lùn! Gái lùn, dậy! Dậy! Sắp sáng rồi! Gọi, lay. Đập tay, giật chân. Không khéo phải cấu véo, đấm đạp, dựng nó lên nó mới chịu dậy cũng nên. Đêm đang khép cánh. Mặt đất đã âm ấm khí dương. Ừ thì con gái hai mươi là tuổi ăn tuổi ngủ, nhưng tuổi này cũng là tuổi làm lụng chứ. Không thì lấy gì mà ăn. Không bớt ăn bớt ngủ dậy từ lúc này, khi thiên hạ còn ngủ cả, không lấy sự chịu thương chịu khó để bù lấp chỗ kém cỏi của số kiếp thì làm sao mà sống được, làm sao năm giờ có hàng cho khách đến lấy kịp chầu ăn sáng của mọi người!

- Gái lùn! Dậy, con !

  Lần này bà Gái mới chỉ gọi giật hai câu, con bé đã vùng dậy, ngáp dài một cái rồi vừa gãi mớ tóc bù, vừa thò chân xuống quờ tìm guốc. Lát sau thấy tiếng nước trong chảo bột vỗ óc ách. Rồi bốc lên mùi bột gạo ngâm chua khẳn và mùi than bén lửa khen khét mùi của sự sống, trong bóng đêm đen nhờ.

- Này, cẩn thận, lược cho kỹ, không bún giót như hôm qua. Mà xem lại cái khuôn đi, mẹ thấy không khéo nó thủng, con à.

Tuy vậy, bà Gái nói mà vẫn cảm thấy tiếng mình không thật. Nó vang đi đâu, trong căn nhà mái thấp đã mù mù hơi khói, hơi nước, chìm nghỉm bóng hai người đàn bà, một già một trẻ. Hóa ra ở đây, lúc này không cần ngôn ngữ. Lúc này, ngõ xóm khéo chỉ có hai mẹ con bà dậy bắt đầu việc làm bún.

Mọi người đang giấc. Không ngủ lúc này chỉ có ma, không ngủ lúc này họa chăng chỉ có kẻ trộm đang hành nghề. Thức giấc lúc này chỉ có hai mẹ con bà Gái. Hai mẹ con như hai cái bóng âm thầm, quờ quạng, cắm cúi vào công việc đầu tiên để làm ra sợi bún là gạn bột và nhóm lò.

Những sợi bún làm trong đêm đem lại lời lãi trông thấy. Một cân gạo làm được ba cân bún ngon. Nhưng khách chỉ được đổi có hai cân rưỡi. Làm bún tậu được ruộng, xây được nhà. Nhưng, đó là nói người có sức vóc và bỏ qua cái vất vả, cực nhọc của công việc này. Nó để lại di chứng trên hình hài, vóc dáng, cung cách của hai mẹ con bà. Người gì mà kiệm lời, mà cứ xo xo xúi xúi, cắm cắm cúi cúi, cấm có thấy gương mặt ngẩng lên. Hai bàn tay thì lúc nào cũng nhớt nhèo nhèo, các kẽ chân kẽ tay bị nước chua ăn mòn ngày qua ngày cứ bở bợt ra, trông thấy cả lớp thịt đỏ nhờ bên trong, như tay chân người hủi.

Muốn có sợi bún đẹp, ngon, công việc phải tỉ mẩn ngay từ khâu chọn gạo, không phải là hạt gạo mới lắm nhựa mà là hạt gạo cũ bụng bạc kia. Gạo muốn thành bún trước hết phải xóc cho kỹ, rồi xay thành bột ướt và ngâm cho nở ra. Nóng thì một, hai ngày. Rét thì có khi phải ngâm tới bốn, năm ngày. Bột nở đủ độ là vớt, cho vào khăn, gói lại rồi lấy đá lèn. Lèn cho khô rồi đem bột nặn thành quả. Quả bột hình thành nhờ tay người, rồi cũng tay người cho nó vào quay, thả nó vào nồi luộc.

  Đã tưởng luộc chín là xong, nhưng đôi tay vẫn chưa được nghỉ ngơi. Nhấc quả bột đã chín phần da bên ngoài ra phải cho vào cối giã, sau đó cho vào bồn thấu cho nhuyễn. Thấu khó lắm, quá tay cho nước nhiều là nhão ngay. Ôi chao! Cái vất vả vẫn chưa buông tha. Vì bây giờ mới đến khâu lượt bột, tức cho bột vào cái lượt có hình cái túi làm bằng tơ lụa Hà Đông, bóp bằng tay thật kỹ cho bột mịn. Tuy nhiên, dùng sức nhiều hơn là việc vặn bún tiếp sau. Vặn thật mạnh để bột tuôn xuống nồi nước đang sôi, và trong mung lung hơi nước nhòe nhoẹt, khi bóng đêm đang tan, trong cái cảnh huống ba chìm bảy nổi, mới thấy được sợi bún lập lờ trong làn nước sôi cuộn.

Ôi, những sợi bún trắng muốt kết tinh từ trong bóng đêm vừa dai vừa giòn, rất mực bóng bẩy ngon lành. Công phu thật, nhưng đúng là mới nhìn sợi bún đã muốn ăn. Vừa đặt vào môi đã thấy nó trôi vào cổ họng. Người ăn bún quen dạ chẳng cần nói cũng biết là đông, nhất là đàn bà. Người nghiện bún cũng không ít. Ngày xưa trong ngõ này có cụ Thượng họ Bùi, còn bây giờ, hằng ngày vẫn có cả chục người đến chờ bún khuôn một, còn gọi là bún đầu nước, ngay từ lúc tinh mơ.

Bún đầu nước ít nhựa, dai giòn, ngon, một người ăn hết một cân bún rối là thường. Mà đấy chỉ là chấm nước mắm hay mắm tôm chanh ớt thôi đấy. Bún có nhiều loại. Sợi bún trong chậu lấy tay vóng lên, vuốt xuôi, rồi trở tay đặt xuống, sợi dài trông như con len tở, gọi là bún con bừa, con cúi. Bún nắm là vóng sợi bún lên tay, nắm cho nó kiệt nước, đặt xuống, to nhỏ theo ý mình. Nhưng thích nhất là bún vảy ốc, còn gọi là bún lá, bày ở mẹt bún chả, mười lá trắng tinh đẹp như hoa nhài, nhìn đã thấy mê.

Mê bún, nghiện bún ở ngõ xóm này xưa là cụ Thượng họ Bùi. Bà Gái nhớ: cụ Bùi Mỗ, người làng này, xưa học giỏi, tài cao, đức trọng, được thăng Thượng thư, vào nhậm chức ở Huế, nhớ bún quá, phải mời ông Quảng, anh giai bà vào chuyên làm bún cho cụ xơi. Sau, ông Quảng già, trở lại cố hương, Bùi tiên sinh thưởng cho chức Trưởng bạ.

Ngồi nghe mẹ kể chuyện mà cậu út Nhớn cứ dửng dưng như không. Chỉ Gái lùn là có vẻ lắng tai, nhưng lại nghếch mắt, lơ ngơ: "Thượng thư là chức gì, hả mẹ?". Bà Gái ngẩn mặt: "Thì thấy người ta nói vậy rồi nói theo chứ nào có biết. Mà biết để làm gì?".

Biết chẳng để làm gì cả! Vì quanh năm suốt tháng, từ đời cụ kỵ ông bà cha mẹ chỉ duy nhất một việc là làm ra sợi bún. Chỉ một nhịp sinh hoạt là ngày ngày trở dậy từ hai giờ sáng, hết gạn bột, luộc bột, giã bột lại đến thấu bột, lượt bột, vặn bún, khép kín một chu trình để đến sáu giờ giao hết hàng thì lăn ra ngủ. Ngủ tới hai giờ chiều là lại dậy chọn gạo, xóc gạo rồi mười giờ lên giường để hai giờ sáng lại bắt đầu vòng tuần hoàn mới.

Làm, chỉ có làm, đến mức da thịt hai bàn tay nát nhừ như bùn vữa. Làm, cả năm cả tháng chỉ nghỉ độc ngày mồng một Tết, là ngày miệng thiên hạ còn dành ăn cỗ. Làm như một thói quen. Như không có nhu cầu, không có sinh thú gì khác. Không quan tâm tới bất cứ cái gì khác ngoài công việc, vì đã chấp nhận sự an bài, không nề hà, suy bì so sánh, không biết đến khổ ải, thiệt thòi. Cũng chẳng có yêu cầu gì cho bản thân.

Vì ngay đến cả cái tên gọi cũng không cần nữa là. Mẹ là bà Gái. Con trai là Nhớn. Con gái là Gái con. Gái chị, Gái em, hoặc Gái lùn, Gái cao tùy theo vóc vạc. Từ đời ông bà đã vậy. Nhà là xưởng làm bún. Số kiếp lớn bé, nam nữ trong nhà thảy đều là thợ chuyên nghề làm ra món ăn dân gian phổ biến này.

Có nhẽ phải đến đời này, chỉ đến đời này mới có chút ngoại lệ. Tức cậu út Nhớn con bà Gái, từ lúc còn tuổi thiếu niên đã không tham gia công việc cùng cha mẹ và các chị. Cậu út Nhớn được đi học. Cậu tách khỏi đời sống lầm lũi cực khổ của mẹ và các chị. Mẹ cậu, chị cậu lấy ra từ bóng đêm nguồn sức mạnh tăm tối; còn cậu, chỉ tìm thấy ở đó lòng căm hờn và sự khinh miệt. Cậu bĩu môi, khinh bạc:

- Sống như dưới địa ngục thế này mà cũng chịu được!

Cậu út Nhớn mười bảy tuổi dong dỏng cao, da trắng mịn, mặt xương, mũi dọc dừa, tóc dày rậm, rẽ ngôi giữa, thanh tao nhẹ nhõm như một mũi tên, trông vẻ ngoài đã thấy đúng là cái tinh hoa vắt ra từ cuộc đời lam lũ của mẹ và chị. Nhưng trông sáng sủa vậy mà cậu học kém. Trượt vỏ chuối vào cấp trung học, cậu ở nhà chơi nhởn đã hơn năm.

Một hôm, tôi sang xưởng bún của bà Gái xin nước đãi bún, nước này có chất chua của bột lên men, rất rít, rửa bát sạch còn hơn nước rửa bát của Thái Lan, thì bà Gái níu lấy tôi:

- Cô ơi, cô đi làm, cô quen nhiều, cô giúp thằng Nhớn nhà tôi kiếm công ăn việc làm mới. Tôi sợ nó bị lôi kéo...

Nhưng tôi chưa kịp giúp cậu Nhớn được tí nào, đã thấy cậu vè vè cái xe Honda nữ hoàng đỏ chót đằng sau đèo một cô gái mặc váy cộc vào ngõ, mặt mày phớn phở khác thường.

Cậu út Nhớn thực hiện một cú nhảy vọt. Cậu đã có người yêu, đã có bồ bịch, nhân tình. Và còn hơn cả nhân tình nhân ngãi nữa. Vì từ hôm ấy cô gái nọ ăn ở với Nhớn ở nhà mẹ Nhớn, một căn buồng ở nách cái xưởng bún nọ, như vợ chồng thật sự.

Cô tên Mùa đệm chữ Kim, một cái tên giao duyên tân cổ. Cô trạc ba mươi. Chỉ nhận ra cô ở độ tuổi ấy mỗi trưa cô trở dậy, tóc tai rũ rượi, đánh răng, súc miệng òng ọc. Lúc ấy phấn son đã bong sạch, da mặt cô xàm xạm màu chì, lấm chấm nốt tàn nhang. Lúc ấy cô hiện hình thành một cô gái quê có đôi mắt trắng dã, ngực độc cái xu-chiêng bọc cặp vú to dài thõng thẽo như hai quả đu đủ, dưới cái quần hoa lửng là đôi chân vòng kiềng khuệnh khoạng.

Cô đứng vung tay vung chân làm vài động tác thể dục. Rồi ngáp. Rồi gãi nách, gãi sườn sồn sột. Rồi khịt mũi thấy mùi gạo ngâm, liền nhổ đánh phịt. Mùi đ. gì mà chua phát tởm thế, ông Nhớn?

Cô Mùa dậy muộn lắm. Quãng hơn mười giờ cô mới cùng Nhớn vắt vẻo cái ví đầm đi ăn trưa. Họ ăn trưa ở quán cơm bình dân về, lại đóng cửa buồng im ỉm. Đây là lúc họ làm khổ tai nhức óc hàng xóm. Họ cấu chí nhau. Họ đùa nghịch. Họ la hét. Rồi thi thoảng lại vóng vót lên tiếng ré chói tai của cô Mùa: "Cắn đ. gì mà đau thế, bố ai chịu được". Rồi cô chửi: "Tiên sư thằng nhãi, bà đã mệt phờ rồi mà mày còn hành bà à!".

Chí chóe cho đến năm giờ chiều thì Nhớn mở cửa dắt xe máy ra. Chàng đèo nàng đi làm. Bây giờ thì thật là nàng vì nàng đã thoát hẳn cái lốt thô phàm quê mùa vốn dĩ. Nàng mặc váy cộc màu tím, hoa đỏ. Nàng mặc áo vai bồng, riềm cổ chồm tới rìa cặp vú phồng. Mặt nàng biến dạng hoàn toàn. Son phấn phủ một lớp dày, trên đó bàn tay thẩm mỹ đã vẽ lên một cái mặt nạ đàn bà mắt to thô lố, miệng cười toe toét, thần thái nồng nã, như thấy đàn ông là vồ lấy ngấu nghiến. Nách cắp cái ví đầm, nghiêng nghiêng mái tóc dính hờ cái mũ nồi đỏ cờ, tay kẹp điếu thuốc, ngồi vắt vẻo ở sau xe, nàng rõ là một tiểu thư đài các đang đến chỗ làm.

"Thôi, đậu ở đây. Chờ em. Bai, bai!". Nàng hôn vào bàn tay, rồi giơ lên vẫy vẫy ra hiệu tạm biệt chàng. Chàng quành xe, chạy một quãng rồi rẽ vào quán nước. Đám người ngồi quán đang đánh bài, quay lại, nháy mắt: "Nhớn, vớ được cô em thơm thịt nhẩy!". "Con nhà làm bún chuyến này đổi đời thành công tử rồi. Cơm no bò cưỡi, sướng chưa? Sao không mời chúng tao một chầu bia, mày?".

Công tử Nhớn không nói, nhấc bao 555, rút một điếu, châm lửa, trả tiền rồi đi ra. Nổ máy xe, Nhớn chạy về nhà. Cậu đi qua sân, thấy mẹ và chị đang xóc gạo, không nói một lời, dựng xe, vào buồng xách cái làn đựng đầy quần áo nữ, quàng vào tay lái, đánh xe đi.

Lát sau nghe tiếng xe cậu trở về, tôi nhìn sang thấy cậu đang giở từng cái áo quần đã qua máy giặt phất lên cái dây phơi giăng qua sân. Cái dây phơi như có đàn bướm sặc sỡ vừa đậu xuống. Áo đủ các màu các kiểu, may-ô, váy dài, váy ngắn đủ màu, và những chiếc nịt vú, quần lót rung rinh trong gió, lấp cả lối qua lại của mẹ con bà Gái lúc này đang sửa soạn đồ nghề cho buổi tinh mơ sớm mai.

Mẹ con bà Gái đi ngủ từ chập tối. Ti vi không có. Ra-đi-ô cũng không. Nhưng dẫu có, họ cũng chẳng xem, chẳng nghe. Họ nhờ vào bóng đêm để lấy sức, để trở dậy lúc hai giờ sáng làm mẻ bún mới. Tuy vậy, giấc ngủ của họ, kể từ ngày Nhớn kiếm được chiếc xe và đèo cô Mùa về ăn ở, lại bị quấy rầy. Mười một giờ rưỡi, chiếc Honda nữ hoàng đỏ nổ máy ầm ầm. Đón cô nhân tình về rồi, căn nhà còn ầm ĩ thêm một lúc nữa, đến tận lúc cô Mùa gắt: "Sao hôm nay gặp toàn bọn đểu thế không biết! Thôi đi! Đang nẫu cả ruột đây, đang mệt bỏ cha đây!"...

Ngày nào cũng như ngày nào, lịch sinh hoạt của cậu út Nhớn cứ đều đều diễn đi diễn lại như thế. Thật chẳng còn hiểu quan hệ của họ thuộc kiểu gì. Vợ chồng thì không phải. Vì chẳng nhẽ Nhớn khinh mẹ cậu là con mụ làm bún đần ngu không biết gì nên không thèm hỏi qua một câu. Gì thì cũng phải có ăn hỏi cưới xin chứ. Mà xem cái cung cách con đàn bà đi đêm về hôm, ở nhà người ta cả tuần mà không biết chào hỏi ai lấy một câu, lại hợm của toàn lên giọng mỉa mai, ăn nói chỏng lỏn, cợt nhả, thô lỗ, thì hẳn không phải là con nhà tử tế đứng đắn rồi.

Bà Gái, Gái lùn ngậm miệng làm thinh. Đã quen với một thế giới không ngôn ngữ. Đã nhận ra chẳng thể thay đổi được tình hình. Hơi sức của họ chỉ đủ để hoàn thành công việc của người lao động làm ra sản phẩm để nuôi thân thôi. Dầu tôi biết là họ giận lắm, và nếu giận cô Mùa một thì họ giận cậu Nhớn hai. Cậu Nhớn bám vào cô Mùa để vinh thân, để ra khỏi kiếp phận. Cậu rủng rỉnh tiền bạc tiêu pha. Cậu mặc áo sơ mi hãng Pierre Cardin, đi giày Ý, đeo đồng hồ Seiko, hút thuốc ba số. Cậu chẳng đoái hoài gì đến mẹ và chị. Cậu quát: "Vứt mẹ nó cái nghề chết tiệt của các bà đi. Tởm đ. chịu được!".

Cái phải đến cuối cùng đã đến. Một trưa, đang đọc sách, bỗng nghe thấy tiếng la lối om sòm bên nhà bà Gái, tôi vội chạy sang.

Bà Gái đang ngồi sàng gạo ở cửa buồng. Mặt gằm xuống cái sàng, bà không dám ngẩng lên vì tiểu thư Mùa mặc bộ đồ cộc, hở nách mỏng tang ở cạnh cái dây phơi la liệt váy áo, đang nhảy chồm chồm, chao chát:

- Cha tiên nhân đứa nào ăn không ăn hỏng lấy của tao cái đồng hồ Lông-din giá hơn mười vé. Bà báo cho mà biết, duyên ai phận nấy chớ ghen mà nồng. Ừ, bà là cave đấy! Bà thuê thằng Nhớn làm vệ sĩ, bà nuôi nó, cho nó tiền bồi dưỡng sức khỏe để nó ôm ấp bà đấy. Này, đừng có nói bà đã chán chê mê mải vì khách chơi vầy vò, lại còn quyến rũ thằng Nhớn vì bà là con nặc nô dâm đãng chưa đã cơn thèm nhé! Cave là nghề của bà. Còn thằng Nhớn là tình nhân của bà. Hai việc khác nhau nhé!

Dẫu là Mùa chửi một mình, từ trong buồng, Nhớn vội nhao ra để can ngăn. Nhưng vệ sĩ vừa ra khỏi cửa, còn đang mắt nhắm mắt mở đã bị cô cave thực hiện ngay một cú nhà nghề, tay đẩy chân ngáng khiến cậu quay lơ ra đất.

- Cả ông nữa. Ông còn liếc ngang liếc dọc con mắt xanh mỏ đỏ nào nữa thì tôi cho một nhát xong đời đấy, hiểu chưa? Chó nào, chủ ấy chứ! Đ. mẹ, không có tao nằm ngửa ra thì lấy c. mà đổ vào nồi à! Nói cho mà biết, không có tiền của bà thì mày lấy đâu đồng hồ mà đeo, áo quần sang trọng mà mặc, xe máy mà đi. Mày mở mày mở mặt nhờ con cave này đấy, hiểu chưa? Chứ cái thứ con nhà làm bún như mày, chỉ đáng giặt xi-líp cho bà thôi. Con sãi ở chùa thì quét lá đa thôi, chứ tưởng của báu đấy, hả!

Thấy mình hèn quá, Nhớn vận nội công bật dậy, định xông tới vả vào mồm cô cave mấy cái, nhưng chưa kịp làm đã sững người há hốc mồm. Tiểu thư cave mặt hầm hầm quay lại đưa tay giật liên hồi đám quần áo phơi, rồi vào buồng xách túi ra, nhét đầy vào đó, đoạn đi tới cái xe Honda đỏ chót ngồi lên, không cả thay quần áo, dận máy nổ ầm ầm.

- Kim Mùa! Kim Mùa! Cho anh xin lỗi! Anh xin lỗi em mà!

Không nơi nương tựa, Nhớn lại trở thành kẻ thất nghiệp ăn bám mẹ và chị. Nhưng một tháng sau, nhờ mẽ người cao ráo, bảnh bao, cậu lại làm vệ sĩ cho một ả cave khác. Cậu lại có xe máy, quần áo đẹp mặc và tiền tiêu rủng rỉnh. Nhưng lần vẫy vùng này để cố ra khỏi bóng tối của số kiếp cũng lại không ăn thua. Vẫn lại là kịch bản cũ, có thêm hồi kết thúc bi đát hơn.

Trong một trận tranh chấp quyền lực, Nhớn bị đối thủ tẩn cho trận bò lê bò càng. Phải phục thuốc đến ba tháng sau Nhớn mới lại sức. Bà Gái nói: "Thôi, con ở nhà làm bún với mẹ và chị đi. Vất vả, nhưng đồng tiền kiếm được nó chắc chắn vì nó lương thiện, con à". Thấy ông con im, bà liền hấp hay con mắt, khấp khởi: "Mẹ già, chị con cũng yếu rồi, giờ làm buổi đực buổi cái thôi, cần có con giúp đỡ trông nom cơ nghiệp này. Nếu con bằng lòng, mẹ sẽ đưa con ít tiền để lo việc mua máy móc. Mẹ nghe nói giờ người ta đã chế ra máy xay, máy nhào, máy vắt bún rồi". Mẹ vừa dứt lời, Nhớn liền nhổm dậy: "Mẹ có được bao nhiêu tờ?".

Giờ thì Nhớn giữ chân bảo vệ khách sạn Rose ba sao ở phố Q. Đó là những nỗ lực tột bậc để cố giành lấy cái cậu không có, để đổi thay số phận của cậu.

Cậu khoe với tôi: "Phải mất năm vé đút lót mới được nhận vào việc ấy". Thấy tôi nhún vai, cậu liền mím môi cười: "Chị y hệt mẹ em. Nhưng chị ơi, chỉ cần một năm tiền boa là em lấy lại đủ vốn thôi".

Rồi cậu con trai nhà làm bún ngả người, giang hai tay vênh vang một cách hồn nhiên:

- Cứ sấp mặt xuống làm nên có biết gì đâu. Bây giờ mở mắt ra mới biết thiên hạ ăn chơi khủng khiếp. Một bữa tiệc vài ba triệu là chuyện thường. Một tay giám đốc cắp theo con bồ cỡ Kim Mùa đến bao ăn ở cả tháng khách sạn là chuyện thường... Em hầu bọn này còn sang hơn cả ông bác em theo cụ Thượng nào đó vào Huế làm bún cho cụ ăn chị ạ... - Cậu thêm, vẻ rất đắc ý - Tất nhiên còn nghìn lần sướng hơn cái công việc đầu tắt mặt tối của mẹ em, chị em, chị ạ...

 Ma Văn Kháng


Sợi Bún Trong

Không biết gia đình O Hạnh làm bún đã bao lâu rồi, từ khi mạ O về làm dâu thì đã quần quật với nghề mưu sinh của nhà chồng, rồi đến O được tiếp nối... Một nghề vất vả nặng nhọc, những trưa hè oi bức, mồ hôi ướt đầm đề chiếc áo nâu bạc. Cả mấy thúng gạo đem đi vo sạch rồi ngâm nước cho mềm, muốn bún trắng thì phải vo gạo thật kỹ, vo nhiều thì bún sẽ trắng. Sau đó đem ra cái cối đá hì hục xay, một tay quay cối, một tay bỏ gạo với nước, từng giọt mồ hôi chảy ướt đẩm khuôn mặt của cô gái tuổi xuân thì, cầm cái khăn quẹt nhẹ rồi xay tiếp... Say cả tiếng đồng hồ mới xong, lại hì hục đem ngâm vào từng thùng để lên chua. Từng công đoạn một O làm thuần thục, từ lúc lên 10 đã phụ ba mạ rồi, không ai dạy mà O thấy răng làm rứa... ngâm xong thì đem bột nước đổ vào bao vải chờ cho ráo, vo thành cục tròn như trái dừa rồi bỏ vào nồi luộc, sau đó đem ra đánh cho nhuyễn, bỏ vào khuôn ép thành sợi, rồi lại luộc, xong thì vớt ra và rửa bằng nước lạnh. Những sợi bún màu đục lại đưa ra chợ, quán hàng... đời cơm áo gạo tiền đâu phải dễ, oằn mình mới đủ cái ăn với mặc.
- O ơi, quán sá với nhà hàng họ chê bún O đục quá, lại chua chua
- Bún nhà tui làm sạch, và phải chua mới là bún O nờ... mần trắng thì dzệ và mất mùi mô khó, nhưng "thất đức" rứa răng tui mần. Nhà tui chỉ làm gạo không, còn nơi khác họ bỏ bột năng, bột lọc nữa đọ... Còn muốn trắng và giữ lâu thì phải dùng hóa chất, có người méc cho tui nì: " Cho các chất phụ gia được sử dụng trong bún có huỳnh quang được gọi là Tinopal để sợi bún sáng, trong, nhìn ngon hơn" Nhưng chất này lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người O nờ. Chưa kể họ dùng hàn the cho sợi bún trở nên giòn, không nát... ăn nhiều thì nát thận, rối loạn tiêu hóa.
- O nói cứ như chuyên gia, nhà nghiên cứu hi?
- Bây chừ vì tiền, cấy chi họ cũng làm hết, chẳng còn tính người.
.

Cối đá xay gạo bằng tay.
Vì cái tâm nên bún nhà O Hạnh vẫn làm theo kiểu truyền thống, xưa bún chỉ ăn ngon trong vòng 20 tiếng đồng hồ, nay nhờ tủ lạnh nên thời gian bảo quản được lâu hơn. Mỗi lần đi lên Sài Gòn, O chộ dĩa bún là biết chất lượng ra sao, an toàn thực phẩm hay không? Bệnh nghề nghiệp ấy mà, con mắt nghề nhìn bao nhiêu năm đã thành "quen". Bữa tiệc đang vui thì Hòa nhân viên của Tuấn cầm dĩa bún và quát nhân viên phục vụ.
- Ê phục vụ, sao mang bún cũ ôi thiu ra cho khách như này!
- Dạ bún quán em mới mua về đó anh ạ!
- Cô còn cải à? Bún mới sao có mùi chua?
- Dạ em xin lỗi anh, em đi đổi ngay...
Cô gái cầm dĩa bún đem bỏ vào ngăn đá của tủ lạnh chừng 5 phút, xong bỏ qua dĩa mới và mang vào cho khách, cái mùi lúc nãy biến mất tiêu, sợi bún săn chắc lại... khách hàng vui vẻ gật đầu hài lòng. O Hạnh ngồi im lặng theo dõi từ đầu đến cuối và chỉ mĩm cười, trong đầu khen tặng cô gái quá thông minh... Mọi người vui vẻ trở lại, bữa tiệc tất niên lại rộn vang những lời thăm hỏi, chúc phúc nhau năm mới làm ăn phát đạt, tài lộc đầy nhà...
- Mạ ơi, con múc bún với lẩu cho mạ nghe
- Tuấn ơi, Mạ không ăn bún ni mô con
O Hạnh quay qua đứa nhân viên của con trai và nói: Cháu à, nhà O mần bún cả mấy đời ni, để có dĩa bún như này là bao nhiêu công sức, mồ hôi và nước mắt... kiếm đồng tiền khó lắm cháu à, quê cực hơn phố thị như của cháu. Gia đình O tiện tặn, bóp bụng ăn ít lại, mặc áo quần cũ không sao, gom tiền lại cho con trai O ăn học, may sao giờ mở được công ty làm ăn khấm khá... hắn bắt O bỏ nghề mần bún, nhưng O quen rồi, vẫn làm thủ công như ông bà nội Tuấn xưa vẫn làm. Đừng nạt nhân viên mà tội nghiệp, mấy đứa hắn cũng vì kiếm tiền nuôi cuộc sống, cực khổ và đôi khi nhục lắm cháu à... khách hàng chửi bới thậm chí xúc phạm, chưa kể say vào lại sờ mó khắp người. Hãy thương họ cháu nhé!
- Dạ, cháu... cháu...
- Cứ coi những đứa phục vụ ni là em út hay người thân của mình, nếu không may bị chửi vậy thì hỏi có buồn không? Ông bà dạy: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời" cháu ạ!
Mọi người trong bữa tiệc tất niên của công ty đều im lặng, không gian chùng xuống. Dừng một lúc O Hạnh lại nói tiếp: Nhân đây O chỉ cho mấy cháu phân biêt bún có chất phụ gia, hàn the với huỳnh quang không? Nếu sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn... thì đó là bún an toàn. Ngược lại bún dai, khó đứt là bún độc hại đó nghe các cháu. Ăn bún ít mập hơn ăn cơm vì lượng calo ít, nhưng các cháu nên ăn bún vào buổi sáng sẽ tốt hơn. Ai bị tiểu đường thì ăn cơm nguy hiểm hơn ăn bún nhiều nhé! Thôi mấy cháu vui vẻ đi, mần chi mà mặt ai cũng như mất sổ gạo rứa hè?
Sài Gòn 13/01/2017
Kts. Đinh Thanh Hải

Bún bò Huế mụ Rớt

Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chưa kịp tay bắt mặt mừng sau bao năm xa cách quê hương, câu đầu tiên khi cô thấy tôi là: “O về ăn bún bò Huế!”.

Cô tôi qua Mỹ năm 1975 đến năm 1995 thì có về thăm Huế. Nhưng khi trở lại Mỹ, cô gọi điện cho tôi và nói: “Bún bò Huế bữa ni không giống bún bò Huế năm xưa nữa!” “Không giống năm xưa nữa e mụ Rớt vào Sài Gòn rồi. Con thấy ở Sài Gòn có mở tiệm bán bún bò Huế mang tên mụ Rớt. Khi nào O về VN, con dẫn O đi ăn bún bò Huế ở Sài Gòn!”. Cô tôi reo lên mừng rỡ. Thật ra thì tôi nói cho cô vui chứ không biết chính xác là mụ Rớt có phải vào ở Sài Gòn rồi hay không và cũng không biết mụ Rớt có còn sống hay không nữa. Nhưng tôi đã thấy ở đâu đó trên đường phố Sài Gòn có treo biển Bún Bò Huế Mụ Rớt. Tôi có đi ăn bún bò Huế ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, ở đường Bùi Thị Xuân, ở gần chợ Tân Định hoặc Tân Bình. Một vài nơi cũng được nhiều người nhớ đến nhưng không hiểu sao tự nhiên dẹp tiệm. Như tiệm bún bò Huế ở đường Bùi Thị Xuân chẳng hạn. Chắc là nhường chỗ cho chợ vi tính chăng? Bún bò Huế ở Sài Gòn cũng không thua chi bún bò Huế ở Huế. Phần nhiều là do người Huế nấu. Nhưng để nhận ra bún bò Huế giống như xưa thì tôi chịu.

Trong những năm của thập niên 1970, mỗi buổi sáng, gia đình tôi thường canh chừng mụ Rớt gánh bún bò Huế đi ngang qua là gọi vào. Mụ Rớt mặc áo dài, gánh một đầu là cái nồi thiết, hình bầu, có đường kính khoảng 40 -50 cm, chứa nước dùng (lèo). Phía dưới nồi có mấy thanh củi đang ngún cháy. Một đầu là cái mẹt đặt trên cái thúng rồi xếp tô, đũa, và những dụng cụ đựng ớt, chanh, nước mắm…Mụ Rớt đặt gánh bún trước thềm nhà tôi rồi mở nắp nồi nước dùng ra. Hương vị từ nồi nước dùng hòa lẫn với khói củi phía dưới nồi tỏa lên một mùi vị đặc trưng khó tả. Chẳng biết mụ Rớt dùng củi gì mà khói củi tỏa lên không làm cay mắt ai. Hay là mụ đun một hai thanh củi thôi và chỉ để lửa liu riu nên ít khói chăng? Gia đình tôi là khách ruột của mụ Rớt nên mụ biết rõ tính nết của mỗi người. Thế nên khi mụ vừa đặt gánh bún xuống là làm liền cho mỗi người một tô mà chẳng cần phải hỏi han gì. Mụ gắp những nùi bún trăng trắng cỡ bằng nửa chiếc đũa bỏ vào tô, thêm một nhúm rau sống mà hồi đó chúng tôi gọi là rau và – rau sống của mụ Rớt đơn giản chỉ là bắp chuối cắt ra mà thôi chứ không trộn chung các thứ rau khác như sà lách, giá sống…như sau này chúng tôi ăn ở Sài Gòn. Xong, mụ lấy cái vá khỏa khỏa màng màu mỡ trên mặt nước dùng rồi bất ngờ vục cái vá xuống một cái và múc lên một miếng giò heo đúng y như ý thích của mỗi người trong gia đình tôi. Kế tiếp, mụ lại khỏa khỏa cái vá lần nữa rồi vục xuống múc lên một miếng huyết hình khối khoảng chừng hơn hai ngón tay. Những miếng thịt bò mỏng cũng được mụ múc nhanh gọn như thế. Chúng tôi chưa ăn mà đã thấy ngon khi vừa chú mục theo động tác của mụ Rớt vờn miếng thịt vừa nghe cái mùi vị bún bò Huế tỏa lên. Đặc biệt, ăn bún mụ Rớt chỉ cần một cái tô mà lúc bấy giờ người Huế gọi là cái đọi và một đôi đũa tre thôi. Vì chỉ có một cái tô và một đôi đũa thôi nên chúng tôi phải bưng tô bún vừa và vừa húp. Ngẫm lại thấy cũng có lý, con bún vừa dai dài vừa tròn trơn thì múc muỗng là tuồn tuột hết. Chỉ cần kê tô vào miệng là không có một con bún nào rơi rớt. Chúng tôi rất thích tính hào phóng của ba tôi. Thường thì ông phán: “Ai muốn ăn bao nhiêu tô thì ăn!”. Thế là chúng tôi ăn thoải mái. Mà ăn nhiều nhất chính là cô tôi, hai tô. Còn chúng tôi ráng lắm là một tô rưỡi. Mụ Rớt không ra giá nhất định một tô là bao nhiêu. Ăn bao nhiêu, mụ bán bấy nhiêu. Nhưng một tô bún đúng giá chuẩn mà mụ Rớt định ra thì có đủ thịt bò, giò heo, huyết…

Chỉ nghỉ ngơi một đêm, sáng hôm sau, cô tôi đã biểu dẫn đi ăn bún bò Huế. Quán bún bò Huế mà tôi và cô tôi đến trước tiên là ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Đây là một tiệm chuyên bán những món ăn Huế nên thực đơn toàn là những món ăn Huế như bánh Bột Lọc, bánh Nậm, bánh Ít, bánh Bèo…Chủ quán cũng nói giọng Huế. Nhưng khi tô bún vừa mang đến thì cô tôi đã lắc đầu nguầy nguậy: “Bún bò Huế chi mà lạ rứa!” “O chưa ăn thì răng mà biết được!” “Bún bò Huế làm chi có hai miếng chả lụa như rứa!”. Cứ mặc cho cô tôi khen chê thế nào tôi cứ ăn và thấy cũng ngon lắm. Có gì khác đâu? Chất lượng và hình thức tô bún còn đầy đủ hơn nữa đó chứ! Một tô bún và một miếng giò heo to gấp đôi tô bún mụ Rớt. Rồi còn chất vào đó nào thịt bò, chả lụa, huyết…Rau sống thì đủ loại. Còn gia vị thì tương đỏ, tương đen, ớt chua, ớt mặn, tỏi tươi, tỏi dấm, hành thái lát, hành ngâm dấm đường. Có cả nước mắm ngọt, nước mắm tôm chua, ruốc Huế, ruốc mắm nêm…Ăn bún thì khỏi cần và, húp vì đã có muỗng. Thậm chí có cả nĩa để đâm vào miếng giò heo nữa. Thế mà cô tôi thất vọng cho rằng chẳng giống bún bò Huế mới oan nghiệt chứ! Hôm sau, chúng tôi lại đi tìm ăn bún bò Huế nữa. Lần này chúng tôi lại tìm đến một tiệm bún bò Huế sau lưng chợ Tân Định, cũng do người Huế nấu nhưng cô tôi cũng lắc đầu. Một tiệm bún bò Huế ở gần chợ Tân Bình có tiếng, người ăn đông quá chừng. Nhưng cô tôi cũng thất vọng, buồn lòng. Tôi quyết dẫn cô tôi đi thật xa về quận Tân Phú để may ra tìm một quán bún bò Huế có vẻ dân dã một chút cho giống cái món bún bò Huế trong lòng cô tôi. Nhưng khi chủ quán vừa bưng tô bún ra thì cô tôi đã thốt lên: “Răng lạ rứa! Đã bún bò giò heo thì phải có thịt bò giò heo mà răng lại từng lát thịt heo luột như rứa!”. Chủ quán xổ ra một tràng giọng Quảng: “Lạ, lạ chi mà lạ hè! Bún bò Huế như rứa chứ reng lạ! Bà ăn bún bò Huế chưa nà? Tui bán bún bò Huế mụ Rớt bao nhiêu năm rồi đó nghe!”. Đúng như cô tôi nói, tôi ăn mà tưởng chừng như mùi vị của hủ tíu. Nhưng tôi chợt nhận ra một điều mà trước đây khi tôi bắt gặp đâu đó trên đường phố Sài Gòn treo biển bán bún bò Huế mụ Rớt thì tôi nghĩ đơn giản là do mụ Rớt đã vào Sài Gòn ở rồi mở tiệm bán bún bò Huế mà thôi. Bây giờ thì tôi đã hiểu, hóa ra chỉ một gánh bún bán rong như thế mà trở thành một thương hiệu nổi tiếng ở đâu cũng biết.

Nỗi buồn của cô tôi không ăn được một tô bún bò Huế giống như xưa lan tỏa đến cả vợ con tôi. Vợ tôi cho rằng, sở dĩ không giống là vì không có món ruốc chính gốc Huế để nêm vào nồi nước dùng. Bún bò Huế phải nêm bằng ruốc Huế là chính chứ không phải nhờ vào bột ngọt. Nhưng cô tôi cho rằng, chuyến trước về Huế cô đã đi ăn khắp thành phố mà cũng chẳng thấy giống như xưa. Bó tay! Nhưng vợ tôi thì không bó tay, bởi cô ấy cũng thường nấu bún bò Huế cho cả nhà ăn. Cô ấy tin chắc vào món ruốc mà mình gởi mua từ Huế vào. Còn tôi thì quyết định tái hiện lại khung cảnh nấu bún bò Huế trong nhà với nồi bầu, vá múc, thúng, mẹt…và chỉ ăn bún bằng cách và, húp thôi.

Vợ tôi đang hầm cho mềm thịt trên bếp ga nhưng tôi vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Và tôi chợt nhớ ra làn khói bay bay từ củi lửa dưới nồi bún của mụ Rớt. Thế là tôi phóng xe đi tìm mua một bếp lò và một bó củi.

Khi vợ tôi bưng đến cho cô tôi một tô bún, chưa kịp ăn mà bỗng dưng cô tôi rơm rớm nước mắt. Còn tôi thì cũng đã nhận ra hương vị đặc trưng bún bò Huế của mụ Rớt ngày xưa. Chính cái mùi khói củi hòa lẫn với mùi vị bún bò Huế tạo nên một hương vị đặc biệt khó tả của bún bò Huế mụ Rớt và đồng thời cũng khiến cho cô tôi nhớ lại niềm hạnh phúc đầm ấm của gia đình mình năm xưa.

Trung Kim

​Cơm mùi khói bếp

TT -  Bốn năm từ ngày lấy vợ, tết này anh mới đưa được cả vợ và con về quê. Từ Sài Gòn về miền Trung không hẳn quá xa, nhưng vì có đứa con nhỏ nên chuyện đi lại khó khăn.


  Mấy lần trước anh chỉ về một mình, dăm hôm lại trở vào. Lần này cả nhà mới được về quê, cho đứa con ăn tết quê nội lần đầu.

Bà ngoài sáu mươi đon đả chạy ra tận ngõ đón. Lưng bà đã bắt đầu cong hình đòn gánh. Tay phải bà cắp bồng đứa cháu nội, tay trái vẫn chèo móc thêm một túi xách.

Đặt xong đồ đạc vào góc nhà, bà bảo: “Chắc bây đói bụng rồi, để mẹ đi nấu cơm cho ăn”. Cô con dâu còn mệt hơi xe đáp: “Chúng con ghé ăn trên thị xã rồi mới về đây”. Nói xong cô quay sang chồng: “Bún nuốt chả trôi nữa là cơm”.

Bà hơi chạnh lòng: “Về tới xứ mình rồi còn ăn chi dọc đường dọc sá cho tốn tiền. Thôi ra rửa ráy, để mẹ đi pha nước chanh cho bây uống. Chanh vườn nhà mình chứ không phải chanh Tàu đâu. Uống vô cái khỏe liền”.

Anh cười bảo mẹ khách sáo quá, con cái chứ có phải ai xa lạ mà cung rước mời mọc. Bà móm mém: “Thì bây đi cả, nhà vắng vẻ mấy lâu. Thấy có người mừng quá. Ba năm là cả ngàn ngày chứ có ít ỏi chi”.

Hôm sau bà lọ mọ dậy từ lúc trời chưa hửng sáng, nhóm lửa rơm bắc nồi cơm. Thằng cháu nội ba tuổi chạy xuống thấy khói bếp bốc ngùn ngùn, khiếp quá hét toáng lên: “Cháy nhà”.

Anh chị đang ngủ giật mình vùng dậy. Anh bảo nhà đã có bếp gas, mẹ nấu gì thứ rơm đó nữa cho cực.

Bà cười: “Tụi bây ăn cơm nồi cơm điện thành phố quen rồi, về quê mẹ nấu cơm lửa rơm cho thơm mùi đồng mùi rạ. Mà cơm nấu rơm mới có miếng cháy ăn giòn. Mấy hồi anh nhỏ, bữa ăn không có miếng cơm cháy là giãy nảy lên bướng bỉnh chẳng chịu ăn. Nhớ không?”.

Trời rạng tưng tửng sáng, thấy khói bay lên lèn qua mái tranh, anh chợt bùi bùi. Nhớ ngày xưa còn nhỏ, sáng sớm anh chạy xuống bếp nằm cuộn trong lòng mẹ ngủ nướng thêm một lúc. Thức giấc giở nắp nồi ngửi mùi cơm.

Rồi lấy đũa xới hết cơm lên để lột ra miếng cháy ở đáy ăn trước. Lớn lên vào Sài Gòn lập nghiệp, cưới vợ sinh con ở đấy, xa cái bếp quê dần thành quên.

Với lại ở trong đó đâu có mấy ai ăn sáng ở nhà. Cái bụng cũng “lười” và “yếu” đi, sáng phải bún hoặc cháo mới nuốt nổi. Giờ về thấy cơm thèm thì thèm thật nhưng ăn chi vô.

Cô con dâu bảo: “Mẹ bày ra nấu bữa sáng làm gì cho cực. Chúng con ra quán ăn miếng là rồi việc”.

“Bây nói chi lạ. Ăn uống phải đàng hoàng chớ. Bữa sáng là quan trọng lắm. Không ai thương bằng cơm thương đâu con. Ăn cơm chắc bụng no lâu. Mấy cái thứ bún cháo nước õng ệu, chỉ nhoáng là đói lại liền à” - bà vừa san cơm ra chén vừa nói.

Ba chén cơm trắng, đĩa cá đồng kho nghệ. Anh háy mắt qua vợ ý bảo ăn đi, ăn lấy lòng mẹ một miếng. Chị lại háy mắt qua anh lắc đầu, có mà sức Thánh Gióng mới nuốt trôi. Thằng cu con nhìn chằm chằm chén cơm.

Cuối cùng chỉ có anh trệu trạo làm được ba miếng, như là ăn tượng trưng cho mỗi người một miếng. Tranh thủ lúc mẹ đi ra giếng, anh lùa cả ba chén cơm trắng vào lại nồi.

Sáng hôm sau bà lại dậy sớm. Lại nhóm bếp rơm nấu cơm. Xong bữa nồi cơm không vơi được là mấy, vẫn đầy như lòng mẹ. Anh gắng ăn được nửa chén. Chén lòng san đôi cho mẹ cho vợ. Anh dối mẹ chở vợ con đi xem chợ tết, đi thăm thú làng quê, thực chất là để ghé quán cho vợ con ăn bún ăn cháo.

Anh tự nhủ sáng mai phải thức sớm ngồi nấu bếp với mẹ như xưa. Tự nhủ sáng mai phải ăn chén cơm đầy với mẹ, nhai một miếng cơm cháy giòn thơm. Nhưng lâu ngày giờ về quê gặp lại bạn bè người thân, chỗ này mời chén rượu, chỗ kia mời bữa cơm. Cơm rượu quê hàn huyên câu chuyện ngày dài tới tận khuya. Hôm sau thức dậy đã sáng trợt sáng trời, cổ họng khô khốc không ăn nổi cơm dẻo, huống hồ là miếng cơm cháy.

Chưa hết tết, mới ngày mùng bốn anh lại phải đưa vợ con vào Sài Gòn. Bà mẹ dậy sớm làm gà, nấu cơm. Vẫn một mình bà cặm cụi với cái bếp. Bà xúc đầy đơm cơm vào chiếc cà mèn. Gà luộc cho vào hộp đựng. “Bây đem lên xe mà ăn. Cơm dọc đường dọc sá không ngon đâu”.

Con cháu lên taxi rồi bà còn dặn theo: “Vào trong nhớ ăn uống đàng hoàng nghe bây. Đừng bỏ bữa sáng. Không ai thương bằng cơm thương”.

Vào tới Sài Gòn cà mèn cơm vẫn còn một nửa. Vợ định đem đi đổ. Anh can bảo để đấy, phơi khô cất giữ làm kỷ niệm.

****

Qua tháng ba nghe tin mẹ bệnh, anh tức tốc về nhà. Nằm trên giường, gặp con câu đầu tiên bà hỏi: “Con ăn chi chưa? Mẹ không bắc cơm được. Thôi ra đầu chợ ăn tạm. Bữa nào khỏe mẹ nấu cơm cho ăn. Tội nghiệp”.

Nhưng mẹ không khỏe nữa, yếu dần, được thêm hai bữa thì nhắm mắt.

Đưa mẹ ra đồng xong, về nhà nhìn chén cơm trắng đặt trên bàn thờ, anh thấy nhói lòng. Ân hận. Thế là hết cơ hội được ăn với mẹ một chén cơm sáng thật đầy, để nghe mẹ nói câu “không ai thương bằng cơm thương”.

Tiếc nuối. Thèm miếng cơm cháy mẹ nấu quá. Giòn và thơm, mùi hương đồng mùi nước quê, cả mùi khói bếp. Chỉ có mẹ mới nấu được miếng cơm cháy ngon như thế.

Hôm lên đường vào Sài Gòn, anh dậy sớm nấu chén cơm đặt lên bàn thờ mẹ. Anh tự mình vo gạo, tự mình nhóm bếp rơm. Loay hoay một hồi. Bếp nhà đầy khói. Và khói...

Truyện ngắn 1.121 chữ của HOÀNG CÔNG DANH