Hiển thị các bài đăng có nhãn Trăng và Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trăng và Hoa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

NTV 20 - Bên trăng tôi chưa ngủ



New Moon                      

Ánh trăng buồn

Thư Tình Cuối Mùa Thu - Cẩm Ly - Quốc Đại

Trăng hội ngộ....

Có một vầng trăng sáng trong tôi,
Trong tôi trọn vẹn suốt cả đời....
Ánh trăng bàng bạc soi nhân thế,
Từng giọt đưa ta thoát bến mê !!

Trăng sáng - Tâm bình - Hương hoa cúc,
Đưa tâm về nguồn cội ban sơ....
Ngắm trăng chẳng phải đợi chờ
Ta luôn hội ngộ bạn hiền dưới trăng ?!
NM 

Bên trăng tôi chưa ngủ 
Trà Thơm
Lữ
(Trích từ tập 'Bên Trăng Tôi Chưa Ngủ', NXB Nắng Mới với sự cho phép của tác giả)
Bạn tôi thích hoa cúc, nhưng nghèo. Anh đi ngang tiệm hoa, cứ nhìn vào và trầm trồ. Tôi cũng nghèo, và cũng thích hoa cúc. Chúng tôi chỉ cho nhau xem một chậu cúc gồm cả mấy trăm đóa nho nhỏ đang nở thật đều đặn. Tôi chắt lưỡi: “Tôi còn đủ tiền. Thôi mình mua đại. Về nhà pha ấm trà ngon, vừa thưởng thức trà, vừa ngắm hoa.” Anh gật gù,rồi nắm tay tôi lôi đi,
Vậy mà cuối cùng chúng tôi vẫn mua. Chúng tôi đem chậu cúc về với rất nhiều niềm vui. Anh có tài pha trà. Anh pha ấm trà nhỏ, rót ra hai chén, rồi chúng tôi ngồi hàng giờ bên nhau, ngắm chậu cúc vàng một cách thích thú. Tôi nghĩ: “Thật ra bạn tôi cũng có vài thú chơi mà thôi: trà, hoa cúc và thơ.” Anh uống trà loại thượng hạng. Nghèo mà sang lắm. Có khi cái thú uống trà làm cho anh không còn một xu dính túi.
Chỉ có thú chơi thơ của anh là ít tốn tiền nhất. Anh làm thơ, rồi đọc cho tôi nghe. Anh thường nói: “Thơ chúng mình cũng thường thường thôi.” Thường thường có nghĩa là không hay gì mấy, không sánh được với những nhà thơ trứ danh. Mà tôi đâu có làm thơ. Thơ chúng mình có nghĩa là thơ của anh làm. Mỗi khi nói điều gì, anh vẫn thường dùng chữ “chúng mình”. Chỉ có một trường hợp anh luôn luôn dùng chữ “tôi”. Anh nói: “Tôi bệnh lắm, chắc không còn sống được mấy năm nữa.”
Một hôm, chúng tôi ngồi đợi trăng lên. Anh nhờ tôi pha trà. Tôi pha rất vừa ý anh. Chúng tôi uống được vài chén thì ánh trăng hiện lên nền trời, to và vàng như một trái cam lớn. Tâm tôi trở nên bình an lạ lùng. Chưa bao giờ tôi có một sự lắng đọng trong tâm hồn như vậy. Tuy tôi vẫn cười nói bình thường, nhưng anh nhận ra sự biến chuyển trong tôi. Anh nói: “Hôm nay tâm của anh bình an lắm.” Tôi nghe anh nói thì cảm động, nghĩ thầm: “Vậy anh là tri kỷ của tôi rồi. Ngày xưa, Tử Kỳ hiểu tiếng đàn của Bá Nha cũng nhạy bén như vậy là cùng.”
Ánh trăng hôm đó thật lạ lùng. Đó là một vành trăng sáng. Nhưng chưa bao giờ tôi tiếp xúc với một ánh sáng nào kỳ lạ như vậy. Nó sáng từ trong lòng tôi mà sáng ra. Đôi mắt của tôi biến thành hai cái đèn thật lớn, mở to nhìn mặt trăng bằng cái nhìn bỡ ngỡ của buổi ban đầu.
Hè vừa rồi, tôi dọn sang một căn nhà mới. Căn nhà với một gian phòng có hai cánh cửa kính thật lớn nhìn ra phía sau vườn. Tôi đem chiếc giường ngủ đặt gần hai cánh cửa. Ban đêm, tôi có thể mở cửa và nhìn ra ngoài vườn. Tôi chờ mà không biết mình đang chờ gì. Tôi nằm như vậy và nhìn. Cho đến một đêm thì tôi hiểu. Tôi chờ một giây phút tao ngộ với ánh trăng ban sơ. Tôi muốn gặp trăng, nhưng thật ra tôi cũng muốn gặp lại chính mình. Khi nhìn một vành trăng mới tinh, tôi cũng trở thành mới tinh. Tôi thấy đó là một sự tắm gội. Một nghi lễ rửa tâm.
Mùa hạ, vào những đêm trăng tròn, không khí ngoài trời mát rượi. Ánh trăng đứng bên ngoài nhìn vào. Không, ánh trăng không đứng bên ngoài, mà rót từng giọt ánh sáng vào trong phòng tôi. Ánh sáng của trăng như một vòng tay của mẹ hiền, choàng lên người tôi từ đầu cho tới ngón chân. Tôi nằm nghiêng, đưa mắt nhìn ra mảnh vườn sáng rực và tâm tôi trở nên trong vắt.
Tôi nằm thật yên, thấy mình trở thành một em bé sơ sinh. Một em bé được sinh ra từ ánh sáng. Tâm của tôi không còn một chút bợn nhơ nào. Tôi trở thành hoàn toàn ngây thơ, vô tội. Rồi tôi cũng thấy tâm từng người một. Những người mà tôi từng quen biết trong cuộc đời. Họ đều là những em bé ngây thơ, hiền hòa. Thì ra những người sống xung quanh ta cũng chỉ là ta mà thôi. Khi tôi trở thành một em bé, thì quanh tôi không còn ai là người lớn cả. Tôi không ngủ, cứ nằm như vậy, miệng chúm chím cười. Thấy cuộc đời này vui quá.
Bạn tôi mất khi tôi đi xa. Ngày tôi đi, anh nói: “Đi chơi cho vui. Tôi không sao đâu.” Anh nằm trên võng đu đưa, vẫy tay chào tôi. Khi tôi về tới nhà thì anh đã là một hũ tro nguội. Tôi cảm thấy buồn, mất bạn. Tôi đi dạo vòng vòng trong sân nhà anh. Bỗng nhiên tai tôi nghe tiếng ai đọc thơ. Đúng rồi, tôi không lầm, chỉ có bạn tôi mới có cái lối đọc thơ như vậy. Tôi rùng mình, nhìn quanh vẫn không thấy ai. Bài thơ mới tinh. Bạn tôi chưa bao giờ đọc cho tôi nghe bài này lần nào. Tôi lấy trong túi ra cây bút và một tờ giấy vụn rồi chép xuống:
Đúng là giọng thơ của anh. Tôi cố lục trong trí nhớ thử xem tôi có lầm không. Có thể đây là một bài thơ anh đã đọc cho tôi nghe, và bây giờ từ tiềm thức bài thơ trồi lên trở lại. Nhưng mà không, giọng anh vẫn đọc đều đều từng câu, từng dòng. Bài thơ dài ngoằng, có những câu thật lạ:
Trà thơm nắng ấm thơ lòng,
Thơ hoa trổ đóa cúc trong cõi ngoài.
Trà hương khói trở về mây,
Mà hoa thơ lại phô đầy cúc thơm.

Tôi chợt hiểu. Bằng cách nào đó, chúng tôi đang gặp nhau. Và anh đang nói chuyện với tôi bằng thơ. Anh nhắc về chậu hoa cúc ngày xưa. Anh đúng là một thứ “hương nắng”, và tôi cứ ngỡ là “nắng phai” rồi. Nhưng tất cả vẫn còn đó. Chậu cúc năm xưa vẫn còn đang nở rộ. Và vầng trăng nữa. Vầng trăng luôn đưa tôi trở về với cõi nguyên sơ. Ở đó, tôi không thấy một sự ngăn cách nào giữa con người với con người. Trong cuộc hội ngộ với trăng đó, tôi luôn luôn thấy anh.
Trong nhiều đêm, trăng sáng rực. Tôi nằm trên giường, và cảm thấy mình cũng đang nằm bên cạnh trăng. Tôi không ngủ. Tôi cứ nằm yên vậy. Tất cả đều đang là sự thật, mà lại đẹp như một cơn mơ.
nguồn:dieukhong.org

Trăng quê
Ai đó từng bảo rằng từ khi tạo hoá sinh ra con người ở cõi trần gian này thì mới có vầng trăng tròn đầy và sáng trong ngự trên thượng giới. Đã từ bao đời nay, vầng trăng ban tặng cho con người thứ ánh sáng dịu lành, trong mát và con người cũng không ngớt lời ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp của vầng trăng. Vốn dĩ đã đẹp rồi, nay lại được soi qua trăm ngàn câu tục ngữ, ca dao soi qua những trang truyền thuyết, cổ tích nên ánh trăng càng thêm huyền ảo, lung linh…
Ngắm trăng ở mỗi độ tuổi khác nhau thì lại thấy vầng trăng mỗi lần mỗi khác cho dù vẫn là vẻ đẹp sáng trong, êm đềm có từ thuở ban sơ ấy. Ngày còn nhỏ, tôi thường trải chiếu trước hiên nhà, nằm ngắm trăng và đếm sao trời, nghe mẹ kể chuyện về sự tích chú Cuội cung trăng mà thấy vầng trăng vừa gần gũi vừa xa xôi, vừa hư vừa thực. Dưới ánh trăng ngà, dịu mát và hương cau thoang thoảng lan toả khắp sân nhà, chẳng biết tự lúc nào, giấc mộng về đón tôi bay lên thế giới thần tiên, một thế giới nửa thực nửa mơ của riêng trẻ con: hồn nhiên, trong sáng…
Những đêm ánh trăng dát vàng khắp ruộng vườn, đường thôn, lũ trẻ lại í ới rủ nhau tụ tập ở đầu làng gió mát để bày trò chơi trốn tìm hay trồng nụ trồng hoa, rồng rắn lên mây…Ánh trăng cùng đùa vui, theo bước chân hồn nhiên, tinh nghịch của lũ trẻ. Trăng trèo lên cây, trăng tắm bến sông, ngụp lặn, vẫy vùng làm tung toé lên trời muôn ngàn vảy vàng vảy bạc.
Những đêm ngồi học bài có ánh trăng ghé vào trang sách soi lấp lánh những con chữ. Bên khung cửa sổ tràn ngập trăng vàng, có cậu học trò bao lần mơ làm thi sĩ, mơ đến một ngày kia sẽ tìm được vầng trăng viên mãn của riêng mình…
Rồi trăng cùng tôi lớn lên đi tìm những phương trời mới lạ. Tôi chợt hiểu ra một điều là ánh trăng ở nơi nào cũng đẹp, cũng sáng trong nhưng chẳng nơi đâu bằng được quê nhà. Trăng chứng kiến bao lời nguyện ước, bao câu tâm tình của những lứa đôi. Để rồi bao lời hẹn thề cũng đẹp huyền ảo như trăng ...
Ơi vầng trăng kì diệu toả ánh sáng muôn nơi, toả ánh sáng ngàn năm mà vẫn sáng trong như kí ức tuổi thơ, vẫn dịu hiền như khúc hát lời ru của mẹ. Dù vật đổi sao dời thì trăng muôn đời vẫn có người làm bạn, vẫn sáng soi mà thành nhạc nên thơ…
DDK 


Cúc vàng mùa thu....

Sớm heo may. Vừa bước chân ra khỏi con ngõ nhỏ, bất ngờ, một mầu vàng rực rung rinh hiện ra trước mắt. Đặt gánh hàng hoa xuống, bà cụ xởi lởi: “Mua hoa cho già đi. Cúc vàng mùa thu đấy!”.
Chao ôi. Cúc vàng mùa thu! Câu nói thật lãng mạn của người già khiến người nghe phải định thần lại. Tóc bạc trắng, vấn trần. Đôi viền môi khô mà vẫn nét. Đôi mắt nheo cười hiền hậu, hóm hỉnh, gợi cái nét nghịch ngầm từng gặp đâu đây.
Phải rồi, hình như là nét thanh xuân phảng phất của nữ điêu khắc gia nổi tiếng họ Điềm, xứ Huế, với cái dáng tượng nằm có cái tên rất  ngộ – “vắt mảy”/*/. Hình như chỉ người Huế mới hiểu, độc đáo, xuân thì, vĩnh cửu với thời gian.
Khác chăng, là tấm áo nâu sồng của người quê xứ bắc, và đôi quang gánh như tạc trên vai. Ngày xưa, hẳn là người duyên ngầm, hút hồn thiên hạ lắm đây.
Tôi cúi xuống đón từ tay bà lão một bó cúc. Hai người đàn bà, một đã già và một đã tới, nhìn nhau. Mắt cười, miệng cười và hoa cũng như cười. Như đón nhận mối tình muôn thuở mặn nồng nhất khi thu sang. Đón lấy cái màu vàng rực rỡ mà ấm áp.
Một mùi thơm thoảng hăng hắc, nồng say. Những bông cúc to đang độ hàm tiếu, cứ cong cong, cum cúp như má lúm đồng tiền con gái ẩn giấu điều riêng b­í ẩn.
Tôi không hiểu lắm nụ cười của cúc vàng. Nhưng lại yêu cúc đến nặng lòng. Tình yêu vốn đa diện, lạ kỳ và oái oăm mọi lẽ. Có thể càng hiểu lại càng yêu. Mà cũng có khi chỉ cần cảm thấy yêu mà không cần hiểu. 
Dường như trong cuộc đời mỗi người thiếu nữ, mỗi người đàn bà đều chọn cho mình một loại hoa để yêu, để nhớ, để gửi gắm tình tự, để thấy nó gần với mình, nó là chính mình.
Nhưng tôi không chọn cúc vàng mà chính cúc vàng chọn tôi.
Bông cúc vàng đầu tiên đã “chọn” tôi lại là bông cúc trong… tấm bưu ảnh của “người ấy”. Một bông cúc đại đoá vàng rực như không thể vàng hơn. Những cánh hoa mỏng manh, quăn quăn, còn rõ những giọt sương hay giọt nước, ngân ngấn. Thế thôi.
Cũng đủ nghe thấy tiếng con tim thình thịch. Cũng đủ có những phút giây như đãng trí một mình ngồi nghĩ xa xăm mà chẳng hiểu nghĩ gì. Cũng đủ để bỗng thấy thoắt vui thoắt buồn, thoắt hờn giận vô cớ.
Những tiếng đập khe khẽ ngây thơ, khờ dại rồi cũng đi qua. Chỉ cúc vàng còn ở lại. Bông cúc vàng trong ảnh đã đánh thức tuổi thơ tôi, một thời khăn quàng đỏ ngày ngày cắp sách qua bờ hồ Hoàn Kiếm, đẹp tuyệt vời những khoảnh vườn nhỏ quanh hồ đầy cúc vàng.
Tôi tung tăng trong bài thơ của sách giáo khoa ngày khai trường:
                    “Cứ mỗi độ thu sang.
                    Hoa cúc lại nở vàng.
                    Ngoài vườn hương thơm ngát.
                    Ong bướm bay rộn ràng.
                    Em cắp sách tới trường…”
Không giống những tiểu thư con nhà giàu nhung lụa ở Hà Nội, tìm thấy mình trong vị thế của hồng nhung. Không giống những ni cô nhà chùa tìm thấy mình trong hồn của hoa sen. Tôi không dám yêu hồng cũng chẳng dám yêu sen.
Vì hồng kiêu sa quá, khuê các quá ít ai dám gần. Còn sen thì thanh khiết quá, nhưng mỏng manh quá, sớm nở sớm tàn. Khi những cánh sen rụng bời bời, nhụy sen héo rũ, tôi thấy se lòng.
Tôi chỉ là đứa con gái nhỏ một gia đình công chức cũ hạng trung lưu của Hà Nội, bị cuốn theo những chìm nổi, những thăng trầm, những biến thiên của thời cuộc. Càng trải nghiệm và hiểu cái cay đắng của cuộc đời, tôi càng yêu cúc vàng.
Không phải chỉ vì cúc vàng đã “chọn” tôi, mà chính vì càng ngắm cúc, càng quan sát cúc, tôi càng ngưỡng mộ cúc những phẩm chất “người”.
Cái đẹp của cúc ngời sáng và thánh thiện như gương mặt thiếu nữ, nhưng lại đằm thắm duyên dáng như tâm hồn thiếu phụ. Giản dị đấy mà không kém phần kiêu hãnh. Mềm mại đấy mà không kém phần cứng cáp. Ngay cả khi chết đi rồi, tàn úa rồi, thân cúc khô quắt lại, lá cúc héo rũ, cúc vàng vẫn như cười nụ, nụ cười bí ẩn với thời gian, với nhân gian.
Tình yêu cúc vàng nhân lên gấp bội khi tình cờ tôi được biết cúc còn là loài hoa có ích - có thể là một vị thuốc dân gian – và còn để ướp trà. Tôi yêu thêm hoa cúc bởi những vẻ đẹp hữu ích và hương sắc bền lâu ấy.
Cúc vàng còn hiển hiện trong tâm thức nghề nghiệp của tôi, khi một nhà báo đồng nghiệp, nguyên là nhà giáo, có người cha là một giáo sư, và gia đình chị cũng là gia đình nhà giáo nổi tiếng của Hà Nội xưa, nói: “Em à, hoa cúc cũng là hoa tượng trưng cho nghề dạy học, cho nhà giáo đấy, vì nó có vẻ đẹp rất thanh cao!”.
Tôi theo học một lớp ngoại ngữ, tiếng Anh. Thầy giáo của tôi thuộc một gia đình danh gia vọng tộc. Khi thầy còn sống, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20- 11 năm nào cũng vậy, tôi đều mang tới tặng thầy bó hoa cúc tươi rói, vàng rực. Trong nhà thầy, mỗi phòng thiết kế nội thất theo từng phong cách, phương Đông phương Tây. Bó hoa cúc vàng của tôi bao giờ cũng được thầy cắm trang trọng trong phòng khách lớn.
Nhưng tôi không hề biết rằng, tên của thầy lại gắn với quê gốc bên cha tôi
Sắc mầu mùa Thu. 
Thầy mất rồi, thi thoảng tôi bỗng nhớ đến hình ảnh của thầy. Một ông giáo già cao lớn như người phương Tây, có mái tóc bạc hơi lượn sóng nghệ sĩ, thầy thường đeo chiếc kính trắng, khoác chiếc áo măng tô và chống chiếc can. Nhớ đến câu nói của thầy: “Có lúc thầy nhớ tới em và tự hỏi, không biết con bé Dung của thầy có hạnh phúc không?”. 
Rồi thầy cười, nụ cười thật hiền hậu. Tôi đã lớn rồi, có chồng, có con, nhưng trong mắt thầy tôi vẫn chỉ là con bé… 
Tôi đã theo cúc vàng hay cúc vàng theo tôi trên mọi nẻo đường công tác, không biết nữa. Chỉ biết tôi đã sửng sốt, đã sững sờ, dọc con đường lên cao nguyên Lâm Đồng, cơ man nào là những vạt hoa cúc vàng.
Những bông cúc quỳ nổi tiếng từng nhẹ nhàng bước vào những trang văn tinh tế của Trần Thuỳ Mai, rực màu cam, cánh cứng cáp, vươn cao giữa nắng giữa gió, cứ lao xao trò chuyện suốt dọc đường.
Vẳng đâu đây, tiếng hát trầm ấm đầy nội tâm của Cẩm Vân: “Nơi anh gặp em có hoa vàng rực rỡ, có khung trời mộng mơ…”. Và tôi đã không tin nổi trước mắt mình, phía xa, sau sân bay Liên Khương (Đà Lạt), cả một trời hoa, cả một cánh đồng hoa cúc vàng. “ Mùa thu vàng” trên cao nguyên là đây.
Nhưng tôi yêu nhất bông cúc vàng của tình yêu đã ở lại vĩnh viễn trong thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Bông cúc vàng qua bao mất mát, đổ vỡ, qua bao giông bão, để rồi vẫn biết: “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá/ Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mông/ Mùa thu vàng hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ….”.
Chỉ còn anh và em, là của mùa thu cũ. Và bông cúc vàng. Ở lại
Và, còn có điều này chắc nhiều người không biết. Mùa thu trời rất trong và nắng rất hanh, nhưng lại là mùa khắc nghiệt. Đến làn da con gái còn trở nên khô ráp. Không một loài hoa nào sung mãn với mùa thu. Mùa thu không phải mùa của “Hoa đến thì… hoa nở”.
Chỉ riêng cúc vàng, với sức sống và bản lĩnh sinh học, cứ vươn cao cứ nở rộ, cứ vàng rực cứ sáng ngời giữa đất trời. Như con người giữa cuộc đời vậy.
Ôi, cúc vàng mùa thu!
Kim Dung

Khối Tình Trương Chi - Sĩ Phú ft. Khánh Ly   

Hoa cúc vườn xưa 

Vỹ Dạ có lẽ là nơi trồng nhiều hoa cúc nhất ở Huế. Hoa được trồng trong vườn nhà, ven sông Hương, dọc theo những bãi bồi, trên những cánh đồng rộng màu mỡ phù sa. Kể từ mùa thu, hoa cúc tiểu muội đã nở rất sớm. Cánh hoa hơi gầy, nhưng giữa một bầy lá xanh xao vẫn ửng vàng những nụ hoa nhỏ như những dấu chấm mà người nghệ sĩ tạo hóa đã vô tình để rơi nhòe trên mặt toan trắng.
Tiết trùng cửu, mùng chín tháng chín, hoa cúc Vỹ Dạ đã nở những nụ duyên đầu tiên. Màu hoa vàng phai tơi tả trong gió lạnh. Hương nhu mì lan tỏa khắp vườn. Trong hương cúc như có mùi cỏ dại, mùi mồ hôi sau chân tóc con gái đằm thắm quê mùa. Chút hương ấy tàn phai trong mê muội khiến chân muốn đi mà lòng không sao bước nổi khỏi vườn xưa.
Hoa cúc tiểu muội e ấp bao nhiêu thì cúc đại đóa rực rỡ bấy nhiêu. Hoa vàng rực không một chút che giấu, cứ thế nở to như bàn tay phô phang một cách đành hanh nhan sắc giữa đời. Mùa xuân nhìn đến hút tầm mắt cũng chỉ thấy một màu hoa cúc vàng mười ròng ròng những giọt nắng. Ngắm hoa cúc nở mà lòng cứ mê đi như vừa lạc vào chốn xưa Đào nguyên. Tôi ngây ngất trước màu hoa phò mã, trước sự thanh khiết không thể nói lên lời. Lời hoa cúc là nhan sắc hoa, hay chính là hương hoa cười đoan trang như một tình yêu đơn phương cho khắp thế gian này.

Kỳ ảo nhất có lẽ là ngắm hoa cúc vàng trong những đêm trăng. Dưới ánh trăng thôn Vỹ xanh mướt lòng, màu hoa vàng mộng mị. Bóng tối viền quanh dáng hoa, hắt lên sắc vàng một màu tím u nhã. Cánh hoa chợt như có tâm hồn khẽ lay động suốt đêm thâu. Người ngồi quanh hoa như bè bạn, tìm đến hoa trong mối tương cảm của một đời sống tâm linh sâu thẳm...

Trong câu chuyện quanh chiếu rượu, chúng tôi nói về một Vỹ Dạ xưa. Nơi đây ngày ấy chỉ toàn vilô, lau lách đứng san sát bờ bãi. Người muốn đi phải luồn sâu trong những lối đi nhỏ. Và ông hoàng Tuy Lý Vương với tâm hồn của một nghệ sĩ bẩm sinh, đã ký thác bao tâm khảm vào ánh trăng xanh vời vợi thôn Vỹ. Những đóa hoa cúc này phải chăng là hậu duệ của làng hoa cúc xưa. Là người yêu hoa cúc, tôi muốn "giải oan" rằng thôn Vỹ không chỉ đẹp bởi bóng cau xưa trong thơ Hàn, bây chừ vắng cau, thôn Vỹ đẹp là nhờ ở hoa cúc, ở sắc vàng truyền thống không một gợn màu lai.

Cũng hiếm có loài hoa nào nở bền bỉ như hoa cúc. Hoa nở mãi từ mùa thu cho đến cuối mùa xuân. Và suốt ba mùa ấy, hoa cũng chỉ giữ một màu vàng, sắc hoa như diện mạo người quân tử, không ngả lòng trước bao biến cố. Và màu vàng ấy là tấm lòng hoa gắng gượng, chắt chiu bao nhiêu nắng, gió và sương mù để sinh thành riêng một màu hoa.

Nhớ ngày nọ cũng vào mùa xuân, cùng bạn bè xuôi đò từ Đập Đá về Vỹ Dạ. Giữa bảng lảng trời mây, đò đi bồng bềnh như một đóa hoa súng lạc. Đò đi qua bến Cô Thừa giai nhân và kỳ lạ chưa, lọt thỏm giữa ngàn tre dại, bên triền sông chợt thấp thoáng cả một vườn hoa cúc vàng. Màu hoa rưng rưng như chiếc khăn tay của ai đó vẫy hoài bên bến sông. Thấp thoáng sau ngàn hoa, mênh mông một mái tóc thề con gái. Gió từ lòng sông rộng thổi lên rười rượi mặt hoa. Ôi xao xuyến màu tóc xanh giữa một trời hoa cúc vàng mơ. Như một ảo ảnh, những đóa hoa cúc bên triền sông Hương chợt gần chợt xa cứ đè lên ngọn gió mà đi như một giấc chiêm bao. Và cho đến khi bừng tỉnh, màu hoa vẫn còn trước mặt như một hiện hữu của ký ức. Tôi mệnh màu hoa cúc vàng ấy là màu hoa của tương tư. Nó là tiếng hát của Trương Chi, mà cung mi thứ đã nghẹn lại trong sắc vàng tức tưởi nhớ thương. Cái chén đã vỡ tan nghìn mảnh mà sao còn ở lại một sắc vàng như trôi trên bến xưa ?

Mãn mùa hoa cúc, người Vỹ Dạ chọn những đóa hoa cúc can trường nhất để ngâm rượu. Đúng mười hai lần trăng Vọng, rượu cúc khi cất ra sắc vàng sóng sánh như hoa lúc còn đương nụ. Chiết rượu cúc ra chiếc cốc nhỏ, còn nghe hương hoa ngan ngát thơm, bao nhiêu mộng mị lại tràn về. Uống rượu hoa cúc năm ngoái, ngắm hoa cúc đương thì, gối đầu lên tay lòng bảng lảng mà e ngại cho mối tình của Thôi Hộ riêng chỉ dành cho hoa đào ngày xưa.

Mùa xuân này tôi về lại vườn xưa, lòng ba bận bâng khuâng đi tìm hoa cúc. Nắng buổi sáng minh mang giăng kín những lối đi rất nhiều sương mù. Ngơ ngác bên triền sông một tiếng chim kêu cô lẻ. Rừng rực trong cơn mê, mắt chợt chộ một trời hoa cúc. Ơ ai như em ngày xưa vận áo vàng cho tôi một đời thương nhớ sắc hoa...

Tình tang hát lời chim sáo
Mười năm bỏ phố lên rừng

Ngỡ tháng ngày dần khuất lấp

Về ngang vườn cũ rưng rưng

Rưng rưng lần theo nỗi nhớ
Cúc vàng vẫn màu vàng xưa.
Có ba loài hoa giữ vị trí quan trọng trong thơ Xuân Quỳnh : hoa tường vi gắn với một thời trẻ dại, hoa cỏ may đã trở thành tên của một tập thơ, và hoa cúc cứ đi về trong những bài thơ của chị.
Sự tích về bông hoa nhiều cánh, mùa thu, hay là một tình yêu không thể cắt nghĩa đã gắn hoa cúc với Xuân Quỳnh. Thế rồi đến lượt sự đa cảm, tảo tần, nhân hậu lại gắn Xuân Quỳnh với hoa cúc.

Trong thơ Lưu Quang Vũ, hoa cúc chính là hình ảnh của Xuân Quỳnh :

Cảm ơn em, em từ miền cát gió
Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng
(Và anh tồn tại )

Còn trong thơ Xuân Quỳnh, hoa cúc là hình ảnh của tình yêu

Tôi trăn trở nhiều đêm cùng hoa cúc
Đợi tiếng gà đánh thức sự bình yên
........
Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng cay đắng, đến tình yêu
(Thơ tình cho bạn trẻ)

Đó là tình yêu với mặt hồ rộng, với kẽ là gió đùa, với lời tự tình trên ghế đá và ánh mắt nhìn như chấp cả vô biên. Tình yêu và hoa cúc đã đặt người yêu ngai vàng của sự tôn thờ tuyệt đối, đến mức mà :

Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có
Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa
(Hoa cúc xanh)

Chỉ cần anh nghĩ thôi, là hoa sẽ tồn tại. Chỉ cần anh tin, là hoa sẽ có thật. Vậy hoa là gì trong giấc ngủ anh?
Anh mơ anh có thấy em
Thấy bông cúc nhỏ nơi triền đất quê
(Hát ru)

Tôi rất thích bài thơ này của Xuân Quỳnh, thích đến từng hình ảnh trong bài thơ : Một con tàu neo bến, trời đêm nghiêng xuống mái nhà, biển xanh mơ về đất liền, con sông về với rừng, đám mây về với cơn mưa, và con đường đi tới miền chưa có đường...
Nhưng Baby ơi, có những con đường không thể bước trọn, cũng như những tình yêu không đi được đến cùng. “Người đã ra đi khi mùa chưa hoa cúc, và ta mơ hoang một sắc nắng vàng” Ta còn thương lắm cánh hoa xưa, nhất là khi trời vào mùa sương, mùa gió, khi mà :

Kìa bao người yêu mới
Đi qua vùng heo may
(Thơ tình cuối mùa thu)

  Hà Nội mùa heo may. Gió se se những sợi vô tình. Mây nhuốm màu phiêu lãng. Và hoa sữa cứ nồng nàn trên lối ta đi. Bước đi em, đừng quay đầu nhìn lại. Nhưng nếu có lúc nào, vô thức đưa em trở về ngày xưa, thì em hãy hiểu rằng  
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ
Nhưng đâu phải điều em luyến tiếc
(Có một thời như thế)

“Tình yêu là cánh đồng hoa giữa trời”. Xuân Quỳnh đã viết thế, và em tin như thế. Hoa cúc xanh trong thung lũng tuổi thơ, hoa cúc tím trong bài hát cũ, và hoa cúc vàng trong giấc mơ em ngày nào. Em đã đọc, và em đã hiểu :

Những mùa sen, mùa phượng đã qua
Trên khắp nẻo lại bắt đầu mùa cúc
Rồi hoa đào lại tươi hồng nô nức
Như chưa hề biết đến những tàn phai
(Lại bắt đầu)

Đi qua vùng heo may, đi qua những tàn phai, vẫn có một vườn hoa ở phía lối em đi, và có một bàn tay đợi em phía cuối con đường...

Daisy - Hoa cúc dại 
Cúc dại là loài hoa nhỏ thường mọc hoang, có những cánh trắng ngần, từ giữa tỏa ra như hình nan hoa quanh một nhụy vàng tươi. Trẻ em thường thích hái hoa cúc dại để kết thành bó hay xâu thành chuỗi. Ở Anh, cúc dại còn được gọi là Baby's pet hay Bairnwort có nghĩa là hoa của trẻ em
Tên tiếng Anh - Daisy - của loài hoa này bắt nguồn từ một từ Saxon, day's eye, có nghĩa là "con mắt ban ngày", có lẽ vì hoa nở cùng với ánh sáng ban mai rồi khép lại những cánh trắng khi chiều xuống.
Theo thần thoại La Mã, bông hoa nhỏ bé này có nguồn gốc từ Belides, một trong các nữ thần chăm sóc các khu rừng. Một hôm, khi Belides đang nhảy múa với người yêu của mình là Ephigeus, cô đã lọt vào mắt xanh của Vertumrus, vị thần cai quản các vườn cây. Để bảo vệ cô khỏi sự săn đuổi này, Flora, nữ chúa các loài hoa, đã biến cô thành một đóa hoa cúc trắng.
Còn theo truyền thuyết của người Ailen cổ, hoa cúc trắng chính là linh hồn những hài nhi đã chết khi vừa mới sinh ra. Chúa rải hoa cúc khắp núi đồi và thảo nguyên, khắp trần gian để làm vơi đi nỗi buồn của những người cha mẹ ấy. Truyền thuyết giải thích tại sao daisy mang ý nghĩa sự trong trắng - ngây thơ.
Người xưa còn dâng tặng hoa cúc cho Artemis (The goddess of women).
Người ta tìm thấy rất nhiều hình những bông cúc trên gốm sư Ai Cập cũng như ở những nơi khác suốt vùng Trung Đông. Người Assyria dùng hoa cúc để chữa một số bệnh về mắt. Họ cũng tin rằng, nếu bạn nghiền hoa cúc và trộn chúng với dầu rồi quét lên tóc sẽ làm cho tóc muối tiêu đen trở lại
"Marguerite"-tên tiếng Pháp của hoa cúc, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là hạt ngọc trai "pearl". Người ta nói rằng, St. Louis đã khắc hình hoa cúc cùng với hoa diên vĩ (fleur-de-lis) và thánh giá trên chiếc nhẫn của ông. Chiếc nhẫn này, theo lời nhà vua, tượng trưng cho tất cả những gì ông yêu quý nhất : tôn giáo, nước Pháp, và vợ ông - Marguerite.
Có một câu nói xưa của người Anh bảo rằng mùa xuân vẫn chưa đến cho tới khi bạn có thể đặt bàn chân mình trên 12 bông cúc. Họ cũng cho là, nếu bạn mơ thấy hoa cúc vào mùa xuân hay mùa hè thì tốt, nhưng nếu vào mùa thu hay mùa đông thì lại là điềm chẳng lành.

He loves me, he loves me not, he loves me...
Nếu một cô gái nhỏ nhắm mắt lại và hái một chùm cúc dại rồi đếm thì số hoa trong chùm hoa đó sẽ là số năm còn lại trước khi cô lấy chồng. Các thiếu nữ cũng thường bói tình yêu bằng cách lần lượt bứt từng cánh của một bông cúc dại đồng thời lập đi lập lại điệp khúc :
"Chàng yêu ta, chàng không yêu ta, chàng yêu ta..."

Nếu có thể trở thành một bông hoa
Xin được hóa thân thành hoa cúc trắng
Khép nhẹ khi hoàng hôn tĩnh lặng
Và nhờ dương đánh thức lúc ban mai
Ta đón chào tia nắng sớm khoan thai
Và đón cả những long lanh nước mắt
(I'd choose to be a Daisy - Khuyết danh)

[Sưu tầm]