Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

NTV 40 Hoa Mimosa

 Đà Lạt trong tôi gợi những kỷ niệm buồn về một mối tình dang dở. Và lần hội ngộ này dù đã qua mùa hoa Mimosa, vẫn thấy đâu đó trong góc trái tim mình vẹn nguyên nỗi niềm thương nhớ một loài hoa vàng tươi màu nắng, lặng thầm tỏa 
hương góc rừng xa…
 
Kỷ niệm ngày xưa
Vẫn biết muốn ngắm hoa Đà Lạt vào thời điểm rực rỡ nhất, nên tới thành phố xinh đẹp này vào khoảng từ cuối năm trước đến tháng 4 năm sau. Nhưng cứ đúng dịp tôi lại ngại ngần bởi mỗi lần nghe nhắc tới Đà Lạt, vết thương lòng tưởng đâu lâu ngày đã thành sẹo sao vẫn nhưng nhức một nỗi buồn.
Dù không thể thành đôi vì những giận hờn của một thời nông nổi, nhưng tôi vẫn mãi biết ơn anh vì đã cất công tháp tùng  “cô em Bắc kỳ nho nhỏ” nhân chuyến công tác vào thành phố Hồ Chí Minh đi tiếp một chặng đường lên cao nguyên tới thành phố (trong mắt tôi) lãng mạn nhất Việt Nam.
Chúng tôi cứ đi mãi dưới những suối hoa vàng óng ả. Tưởng đâu  như có vô vàn trái tú cầu kết bằng tơ tằm nõn được những bàn tay ngọc ngà của các tiên nữ từ thiên đình xuống vãn cảnh hạ giới, gửi gắm lại trong vòm lá xanh... Hết đợt này sang đợt khác, hoa Mimosa nhuộm vàng những góc rừng xa, những đường phố quanh co uốn khúc và len lỏi vào cả những góc vườn bao quanh những nếp nhà gỗ xinh xắn, ấm cúng...
Mimosa với câu chuyện tình yêu chung thủy, cứ nở vàng gợi bao nhớ nhung, xao xuyến... Những bông hoa nho  nhỏ từa tựa hoa Trinh Nữ, chỉ khác một bên tim tím e lệ, một bên vàng rực như những giọt nắng bồng bềnh trên nền vòm lá xanh ánh bạc. Hương Mimosa thầm lặng tỏa lan theo những làn nắng thơm ngát tựa mật ong...
Và  anh đã hát cho tôi nghe bằng chất giọng Nam trầm ấm, khác hẳn với tính khí ngang tàng chịu chơi rất “anh Hai Sài Gòn” của mình, ca khúc về "nàng" Mimosa:
Mimosa! Từ đâu em tới ?
Mimosa! Vì sao em tới đất này?
Đà Lạt đồi núi chập chùng
Đà Lạt trời mây nước mênh mông ...
Anh đã biết rồi, em ơi vì sao em tới...
Anh đã biết rồi em ơi, vì em yêu cuộc sống trên cao,
có thông reo rì rào
Vì em yêu dòng thác Cam Ly,
như cuộc sống đang dâng trào...
Vì em yêu nước hồ Xuân Hương
Yêu thành phố hương hoa...
Đã từng... lưu luyến trái tim ta ...!!!
Những kỷ niệm ngọt ngào thủa ấy khiến tôi đau đớn mãi khi anh ra đi vì bạo  bệnh. Tôi đã thề không bao giờ trở lại Đà Lạt nữa vì sợ rằng không thể chịu nổi dòng hồi ức về cuộc tình nửa đường đứt gánh…Và cũng bởi với tôi, Mimosa tuy dáng vẻ khắc khổ, chỉ được coi như loài hoa dại thường mọc ven đường hoặc trong rừng, nhưng sức sống mãnh liệt của nó như thể là hiện thân phần nào về anh một thời của tôi. 
 
Ấy vậy mà lời mời gọi của nhóm bạn cũ thời phổ thông cùng những tấm hình chụp hoa dã quỳ, hoa Mimosa… trao đi gửi lại qua email hè 2011 này lại có sức mạnh giúp tôi bứt được mình ra khỏi Hà Nội, thẳng hướng lên cao với Đà Lạt mến thương.
Đợi chờ mùa mới
Xe mới chớm vào địa phận Đà Lạt, dù đôi tai đang ù lên vì bị thay đổi độ cao, nhưng bất chợt tôi như nghe thoảng đâu đây giọng ca da diết Lệ Thu:
Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên
Như mưa bay đi một trời thương nhớ
Em ơi ! Bên kia có còn mắt buồn?
Mười năm cách biệt một lần bỡ ngỡ
Quên đi quên đi mộng buồn bấy lâu
Nhưng em yêu ơi ! Một vùng ký ức
Vẫn còn trong ta cả một trời yêu...
Chợt thấy mình lại dõi ánh mắt vào những góc rừng xa, góc vườn xanh tươi chầm chậm trôi qua bên khung cửa xe... Để rồi con tim bỗng thấy vui trở lại mỗi khi thoáng hình bóng Mimosa.
Mấy người bạn Sài Gòn an ủi nhóm Hà Nội: “Hết mùa hoa Mimosa rồi, nhưng ngắm lá cũng đẹp lắm mà. Hẹn mùa hoa mới chúng mình lại “zô” Đà Lạt nghe!”
Vẫn cái dáng đơn côi  nhưng cứng cỏi, tuy chẳng còn được khoác trên mình tấm áo vàng lộng lẫy của những đám mây hoa, nhưng Mimosa “của tôi” vẫn chẳng hề thua chị kém em so với bao  loài hoa yêu kiều của thành phố Hoa này.  
Một vòng tham quan lại những nơi in dấu kỷ niệm xưa, tôi thấy lòng mình như có  phần dịu lại. Người xưa đã khuất nhưng hoa vẫn còn đây, vẫn lưu giữ cả một miền ký ức tuyệt đẹp. Trong cuộc đời mỗi con người, chẳng phải có được những kỷ niệm đẹp đẽ cũng giúp chúng ta cảm thấy thêm yêu cuộc sống này sao…
Rồi chúng tôi trở về làm khách trong ngôi biệt thự nhỏ rất đẹp của một người quen với cô bạn Sài Gòn. Đam mê đồ cổ, nhất là xe Mẹc cổ,  của chủ nhân được thể hiện rõ qua cách bài trí từng căn phòng và tạo dựng lại cảnh quan hoài cổ bao quanh, khiến ai cũng phải trầm trồ.
Giàn hoa giấy tím hồng, thảm cỏ xanh mướt mượt, con dốc nhỏ xinh viền bởi đủ loại hoa. Nhưng tuyệt nhất là ở góc xa hơi khuất cuối khu vườn, tôi lại bắt chợt hình dáng quen thuộc của Mimosa.  
Hai người trong nhóm chúng tôi tối đó đã cùng có một kỷ niệm sinh nhật được tổ chức chung "để đời", với những món đặc sản do đích thân anh bạn từng là bếp trưởng một khách sạn có tiếng ở thủ đô tự tay đi chợ và xuống bếp trổ tài đãi bạn cũ.
Trong cái se lạnh “tuyệt cú mèo” sau khi được ra khỏi những ngày đầu hè nắng chói chang của Hà Nội, chúng tôi vừa xuýt xoa vì rượu ngon, món ăn nóng hổi, vừa cười đùa nghiêng ngả ôn lại những kỷ niệm thời áo trắng học trò... 
Chợt cảm giác như có một cái gì đó bỗng lại nhói trong tim. Ở đây cũng có Mimosa sao? Ra thế, xem ra Mimosa hiện diện khắp mọi nơi trong thành phố tuyệt vời này.
Và hoa vẫn hết sức sống động như đang tỏa hương, đang phô ra sức sống và tình yêu mãnh liệt qua sắc vàng tươi màu nắng gió cao nguyên… dù là qua nét cọ của người nghệ sĩ nào đó chắc chắn cũng rất yêu Mimosa, yêu Đà Lạt như bạn, như tôi, như tất cả những con người Việt Nam yêu đất nước, yêu quê hương chúng ta…   
Kiều Anh
 Mimosa mùa không hoa
Tôi trở về đây phút lãng du,
Đà Lạt
trong mơ giữa sương mù....
Giá rét làm sao cho ấm lại ?
Mimosa mùa này hương cuối Thu
?!

Tôi lại đi tìm Mimosa ,
Mimosa ngày xưa buổi chiều tà,
Tôi đứng chờ người bên song cửa.....
Ngoài sân mimosa nở đầy hoa .....

Tôi bước trên đường xưa gió lay,
Ngơ ngác tìm hoa Mimosa vàng bay.....
Tôi đi tìm lúc hoa không nở,
Hoa đã sang mùa, tình cũng phai !?

NM
 
MIMOSA mùa không hoa
Tôi yêu sắc vàng tưởng chừng như không bao giờ phai nhạt của hoa mimosa. Có người từng hỏi tôi ý nghĩa của loài hoa này là gì? Biết trả lời bạn thế nào nhỉ? Chỉ biết rằng trước sắc vàng tình yêu của mimosa thời gian và không gian đã trở nên vô nghĩa.


Không biết rõ loài hoa này có mặt trên xứ sở sương mù này tự khi nào? Có người nói với mình rằng ngay ở nơi rừng già nghìn năm mây phủ, những gốc mimosa già cỗi đã có mặt và thường nằm khép mình bên những triền đồi meo mốc, bên những tảng đá rêu phong nhân chứng của thời gian. Không ai biết đích xác tuổi của rừng thông, cũng không ai chỉ rõ ngày tháng tồn tại của từng gốc cây sù sì của loài hoa mimosa trên xứ sở ngàn hoa này. Chỉ biết rằng cứ thế ngày qua đêm tới đến úa nhàu sợi nắng và bạc thếch âm thanh đêm trường nhưng loài hoa không kiêu sa đài các nhưng cũng không hề dung dị đến mức bình dân. Mimosa với sắc vàng đến ngơ ngẩn hồn ai đó đã hiện hữu như không hề có sự bắt đầu và cũng không hề tỏ dấu hiệu của sự kết thúc.
Sự bất biến tưởng chừng như phi lý của sắc vàng mimosa là như thế! Cứ nhìn màu hoa mimosa vào mùa hoa chín sẽ biết. Thông thường thì với bất kỳ loài hoa nào, khi chín đến độ không thể chín được nữa thì chuyển sang trạng thái úa vàng với sắc màu nhàu cũ để sau đó trở về với đất. Nhưng với mimosa thì khác, hoàn toàn khác. Dĩ nhiên, trong đời thực, loài hoa này cũng không nằm ngoài quy luật sinh ra và mất đi như bao loài hoa khác. Nhưng có điều kỳ diệu là đến tận lúc trở về với đất, sắc vàng ươm chín mọng của mimosa hầu như không đổi. Nói cách khác, khi quan sát, ta dễ nhận ra điều này: Đến tận lúc rời khỏi cuống hoa theo quy luật sinh tồn, sắc màu mimosa vẫn giữ được sự vẹn nguyên thắm vàng của lúa chín mọng. Nhờ vào đâu ư? Vào mùa không hoa, những chiếc lá cánh kép non xanh ấy đã tự làm nên lớp tơ non trắng bạc như thứ sương trời gạn lọc những tinh túy của đất trời nuôi dưỡng những nụ hoa. Khi hoa bắt đầu nở và chín, bọc quanh những nụ xinh tươi vàng ươm là lớp “sương trời” làm lá chắn ngăn chặn mọi tác động xấu từ bên ngoài để sắc thắm của hoa nguyên vẹn với màu vàng rực rỡ. Sắc vàng vì thế mà không đổi.
Mùa hoa mimosa nở, hoa vàng ươm, nhìn thương lắm! Có một điều rất lạ, hầu như không có ở bất kỳ loài hoa nào khác: Sự chín vàng của sắc màu mimosa như thể trường tồn, bất chấp nắng mưa, bất chấp lịch biểu. Rồi nữa, sắc vàng ươm của hoa luôn được nâng niu trong sự lung linh, huyền ảo như sương khói của chính đất trời nơi mà loài hoa này chọn làm đất sống. Và, nếu không có những lung linh huyền diệu kia, nếu không có những khói sương bảng lảng đến mơ hồ ấy, thì sắc vàng của mimosa không thể trường tồn!
Bàng bạc khói sương. Mơ hồ và ảo ảnh như không hiện hữu trong đất trời. Mimosa mùa không hoa chưa bao giờ đẹp đến thế! Và cũng chính vì thế nên vào mùa không hoa, mimosa lại là một loài hoa có sắc màu không lẫn vào đâu được: bàng bạc sương khói, lãng mạn, phong phanh, và cũng rất mơ hồ, ảo ảnh… như chính sự hiện diện cũng không lẫn vào đâu được của loài hoa này trên xứ sở sương mù. Ngày nào mình cũng thấy loại cây này trên đường đi làm, trong sân trường, trước của lớp. Có hẳn một con đường ở Đà Lạt trồng hoa và sở hữu tên của loài hoa này. Dường như cũng có ít nhạc sĩ có nhiều sáng tác hay về loài hoa này. Mình biết có mỗi bài hát này: “ Mimosa từ đâu em đến , mimosa vì sao em đến  đất này. Đà Lạt đồi núi trập trùng, Đà lạt trời mây nước mênh mông…”
Yêu thích loài hoa này quá ngay cả khi cây không có hoa nên đã cố trồng thử vài lần nhưng không có duyên hay vì một lý do không hiểu sao vẫn loài hoa vốn dĩ dễ thích nghi này lại không sống  được trong chậu cây tù túng ấy.
Mình tin hoa mimosa với màu chín vàng những yêu thương và trường tồn bởi nó biết bắt đầu từ vô hình ảnh của hữu hình- với những bảng lảng sương, bàng bạc sương ở mùa không hoa của mimosa! Và như thế, cái vô hình làm nên khởi phát của cái hữu hình là cần thiết lắm thay! Cũng như vậy, màu trắng bạc tưởng chừng như rất mong manh ấy của mimosa mùa không hoa chính là sự khởi phát của sắc vàng chín của một tình yêu trường tồn, bất chấp thời gian, không gian,…- tình yêu của thiên nhiên với xứ sở ngàn hoa Đà Lạt.  
Phạm thị Bích Thục
 
 Anh yêu hoa Mimosa
    Cỏ nước đong đưa cái bóng mập mờ, xuống dòng nước phớt xanh, trông thật dễ thương, cỏ mọc dày từ đáy suối, như cây mạ non mảnh dẻ, vượt lên dòng nước mát. Tiếng nước chảy rì rào trong lòng suối, nép mình dưới bờ lau sậy lô nhô lượn sóng.
    Cây mimosa cánh lá nhung lam xám mông mốc, mỗi mùa xuân đến, lại khoe hoa sắc vàng, óng ánh mịn mượt như nhung, nở tung hết cánh li ti từng chùm, trông thật duyên dáng.
    Ý nghĩ của Kim bỗng chốc sáng rỏ, như tấm gương vừa rửa sạch. Hồi còn ấu thơ, chị ưa hái đài hoa mimosa, nâng niu đoá hoa, khum khum ở lòng bàn tay, đi về trong con ngỏ mòn thân quen, vừa đông vừa vui. Dù sương gió hay nắng chiều, làm cánh hoa ẩm ướt, rơi rụng ít nhiều. Chị ép xương hoa vào trang vở học trò. Ngày ấy, với tất cả sự mơ mộng lãng mạn, nâng niu, trang trọng giữ gìn mật thiết, bởi vì "chàng" rất đỗi yêu...hoa.
    Bây giờ, chị trồng lại vài cây mimosa, sát hông nhà, mặc dù mùi hoa hăng hắc, không dễ chịu chút nào. Ðể làm gì thế? Làm gì! Khi Kim đau đớn, xót xa, ngỡ ngàng nhận ra, màu vàng hoa mimosa, là màu tượng trưng cho sự phản bội. Ôi! Chính là sự phản bội đau buốt, trắng trợn, rùng rợn kinh khủng!
    Bầu trời hoe hoe màu cam, bỗng đổi nhanh thành màu vàng anh, màu lưu huỳnh rồi tím thẫm. Những áng mây lẻ tẻ trên không trung, hắt ánh nắng chiều vàng thắm, bay ngang qua đỉnh tháp chuông nhà thờ con gà, chợt dậy lên lòng Kim, nỗi choáng ngợp buồn đau.
    Chị chôn chặt tình yêu xuống đáy mồ sâu lạnh lẽo. Anh đã ra đi, "màu phản bội" vàng phai trên mái tóc chị vĩnh viễn. Thật sự rồi. Anh đã tự do rong chơi thanh thỏa, đi thênh thang vào vùng cỏ ẩm, hoang vu nào, xa lắc xa lơ.
    Mặc chị cuồng điên, khản cổ kêu gào thảm thiết, vật vã như người điên, chị ngất xĩu biết bao lần, bên cổ áo quan, cõi lòng tan nát, như kẻ mất hồn, vô tri vô giác. Mái tóc đen nhánh vén cao, bỏ rơi lại cụm tóc ngắn, đong đưa trên cần cổ trắng nõn xưa, nay xỏa tung ra thành suối tóc huyền, dài chấm bắp chân, phủ choàng lên tấm áo quan, mỗi khi chị úp mặt vào lòng đất, bên huyệt mộ.
    Những hòn đất tiếc thương, đưa tiễn anh, đến nơi an nghĩ cuối cùng, đã quăng trên đầu, trên tóc chị. Vất vả lắm, họ mới kéo chị lên, dìu ra xa. Mặt cỏ mới phủ hình hài anh, nồng ấm hơn lên, giữa tình quê, tình đồng đội, tình bạn, tình chồng vợ, khi bước chân ghé qua mồ, đặt lên nhánh hoa tươi.
    Chị chửi người điều động chồng mình đi công tác, vào vùng chiến địa. Chửi bọn dã man tàn ác, đã đặt mìn, đắp mô, giết chồng chị. Tội nghiệp ông Trưởng Ty (của anh chồng khuất núi) đứng trước cảnh tang thương, quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ, những vòng cườm đen hoa tím, hoa đen, chưa khô dòng mực phân ưu đó.
    Ông cúi đầu, lắng nghe điều không phải, từ miệng người đàn bà bất hạnh, cuồng điên, mà thương mến chị, buồn bã, chia xẻ, hơn là tức giận. Ai biết được nước mưa, hay nước mắt đắng cay, quyện lưng tròng nhau?
    Mặc chị kể lể dông dài sự tình:
    - Buổi chiều hôm trước, anh chạy xe vespa vào Ty, đón tôi đi làm về. Hai vợ chồng ăn cơm tối, nói chuyện vui vẻ bên nhau. Nghỉ ngơi giây lát, anh thay áo quần đi công tác. Như bao cặp vợ chồng son yêu nhau khác, anh âu yếm hôn lên má vợ, dặn dò tôi nhớ đi ngủ sớm, khoá cửa cẩn thận. Sáng mai anh sẽ về. Anh nhảy chân chim xuống mấy bậc lầu ra đi, miệng huýt bản nhạc quen thuộc, yêu thích.
    Ra đi. Nhưng nào ngờ, anh chẳng bao giờ quay trở lại mái nhà nho nhỏ, với người vợ thân yêu. Nụ hôn ấm nồng hạnh phúc lứa đôi, như dấu ấn chàm, khắc sâu vào má chị, tạo thành hố nước mắt. Tin khủng khiếp đến lúc hừng đông, khác nào sét đánh ngang tai, chị kêu gào lăn lộn, vật vã trên sàn nhà, đôi má Kim hoắm sâu, vầng trán hằn vết nhăn, đôi mắt lạc thần, nhìn đăm đăm vào hư vô.
    Mọi người thân trong gia đình, bạn bè cùng Ty đến chia buồn, phúng viếng, chị không biết, không thấy gì! Chị rủ xuống như cây chuối không lá, bị chặt đột ngột, bởi lưỡi dao ngọt xớt, vô tình.
    Liên tiếp những tháng ngày qua, sau đám tang, là tháng ngày, chị sống trong kỷ niệm đắm say, nồng nàn, tràn ngập niềm cay đắng, hối tiếc khôn cùng. Tình yêu đã chết. Chết rồi sao? Ðã vùi sâu dưới ba tất đất? Thế là thực sự hết. Hết rồi! Còn hy vọng gì nữa.
    Ngày cuối tuần ra nghĩa điạ số Sáu, chị tặng anh bó hoa mimosa tươi, đốt nén nhang trầm thơm ngây ngất. Chị ngồi bên chân mộ, nói chuyện với người nằm dưới cỏ.
    Ôi! Nhìn ảnh anh úa vàng in trên bia mộ, chị giật mình, giao động dữ dội. Vẫn nụ cười tươi, khuôn mặt ấy, duy chỉ có đôi mắt xa xăm và trống vắng, nỗi cô đơn muộn phiền trong chị, nơi anh, nay chìm đắm trong bóng tối vĩnh hằng.
    Chị thầm tiếc, sao lỡ trót yêu người, thương màu vàng hoa mimosa lá xám làm chi! Chị thấy ghét loài hoa có từng chùm nụ óng ánh, như viên bi bằng nhung, mà có lần chồng nói với chị, khi anh hái cành hoa, đem về cắm trên chiếc độc bình:
    - Người ta nói màu vàng, là màu tượng trưng cho sự phản bội. Anh không tin.
    - Sao anh không tin?
    - Qua ngót mười năm yêu em, thì chúng ta làm đám cưới. Anh vẫn yêu màu vàng, và càng yêu em hơn. Cớ sao, họ lại nói màu vàng, là tượng trưng cho sự phản bội? Chỉ phản bội em, khi nào, anh nằm dưới gốc cây mimosa mà thôi.
    Trời ơi! Anh nói thế, mà cứ y như là thật. Anh đã nằm dưới cỏ, dưới rể cây mimosa nầy. Sao ông Trời không bắt tội anh đi đày ngoài Côn Ðảo. Trong rừng sâu nước độc. Tận miền sa mạc nắng cháy, hay nơi bão tuyết giá băng? Miễn sao anh sống, chị còn hy vọng, sống lây lất qua ngày, chờ anh. Chị sẽ cố đi tìm anh, dù nghìn trùng xa cách, dù xa xôi hiểm trở vô vàn. Vì tình yêu hai người, thật hạnh phúc tuyệt vời. Ðáng tiếc lắm!
    Kinh khủng thay sức mạnh tình yêu, có lực cuống hút, hấp dẫn, cuồng quay đến độ, làm cho hai người luống tuổi, đã bị đau tim, dở khóc dở cười, người dở sống dở chết, thế nầy.
    Một buổi chiều vàng phai trên mái tóc quá dài, Kim ra thăm mộ anh Thương, đến nơi, chị ngỡ ngàng thấy bên cạnh mộ chồng, có một lỗ huyệt mộ còn tươi dấu đất. Chị buồn buồn cắm bó nhang, xì xụp khấn vái. Chưa tàn bó nhang, nghe tiếng ồn ào từ sau lưng vẳng lại, thoáng chốc chị thấy hai chiếc taxi đậu bên đường, sáu người xuống xe, hai trong bốn người đó khiêng cỗ áo quan bé tí ti, đi sau là vợ chồng thầy hoạ sĩ kiêm nhạc sĩ dạy đàn, ở ngoài phố Dalat.
    Hai vợ chồng già không con, nuôi một chó Pop và một mèo Nat. Họ cưng hai con vật quá thể. Nên cả chó lẫn mèo đều hỗn-láo ngang cơ nhau! Ông lẫn bà đều bị bệnh cao máu, tiểu đường, đau gan, đau phổi, kiêng cử đủ thứ. Mỗi bưã ăn, chó mèo ngồi ăn chung mâm với người.
    Chó cổ đeo kiềng bạc, có hột lục lạc rung leng keng khi gãi ngứa, thắt thêm nơ đỏ nhân ngày sinh nhật, ngồi chễm chệ bên ông, cạnh góc bàn, sủa vài tiếng bâng quơ, khi ông chưa kịp đút cho nó miếng giò lụa, hay miếng thịt gà.
    Mèo đeo kiềng vàng 18k, thân khoát áo len do bà đan, ngang nhiên chồm lên đùi bà, lấy tay khèo khèo miếng cá thu chiên trong diã. Diã cá, diã giò, diã gà, chưa kịp mời khách xơi, cả hai con đều xơi béng mất tiêu. Kim mua bán vàng với bà, nhìn thấy hai con vật, mà ngao ngán sự đời.
    Giật bắn người, khi chị nghe tiếng khóc rống bên cỗ áo quan, vừa đặt cạnh lô đất mới, Kim hớt hãi nhìn quanh. Thì ra, bà vợ thầy hoạ sĩ đang khóc, khóc tiễn đưa chó, về nơi an nghĩ cuối cùng đời "cẫu". Tưởng bà khóc đã xong, nào ngờ thầy khóc càng to, hơn bà vợ già rũ rượi kia. Họ khóc tiếc thương con Pop, ngoài sự bối rối nầy, họ không thấy ai, không thấy gì hết.
    Mũi lòng trước cảnh thương tâm, Kim cũng khóc thương chồng, nàng lâm râm khấn vái: "Anh ơi là anh ơi! Sống khôn thác thiêng, hồn anh ở đâu, hãy về đây dìu dắt em, qua khỏi cảnh đoạn trường". Kim khóc mùi mẫn, như chưa bao giờ từng được khóc "đã", như buổi chiều nay.
    Nàng tủi thân, tủi phận đã đành, lại càng tủi hổ, tiếc thương anh vô cùng. Khi sống, anh không có ngày yên thân, nhọc nhằn, vất vả, lúc chết chẳng may, anh lại nằm gần bên huyệt chó, động cỡn nó tru, nó hú lên, đinh tai nhức óc, anh nằm dưới ba tấc đất, nào có yên không?
    Lòng Kim đau như dao cắt, ngổn ngang trăm mồi tơ vò, Kim lồm cồm đứng lên, định ra về sớm hơn mọi ngày, chứ ngồi lại bên mồ chồng lúc nầy, không gì mủi lòng bằng. Bất thần nàng loạng choạng, vấp ngã vào tấm bia đá con Pao. Máu phun có vòi trên trán, Kim hoa mắt, và xỉu tại chỗ.
    Vợ chồng thầy nhạc sĩ, kiêm hoạsĩ tài danh, hốt hoãng, kêu mấy người đứng xớ rớ bên đường, chạy lên, dông taxi chạy tuốt vô bệnh viện Dalat, cứu cấp.
    Từ ông Ty Trưởng già mà anh chị em thuộc quyền, thân thương gọi ông là Bố Phiếm, ông Thanh tra: Bố Diệu và Bố Crésis, cùng bốn Trưởng phòng, Trưởng ban, nhân viên văn phòng, đa số anh chị em đều cảm thương, trước biến cố kinh hoàng của chị.
    Thời gian trôi chảy mãi theo suối tóc dài, quá dài, cùng với tháng năm, phủ xuống tận gót chân. Ai cũng khen mái tóc chị, nhưng My thấy sợ. Nhất là khi chị bước đi, mái tóc là là bay, cuốn theo làn bụi phai nắng, phủ đỏ gót chân son.
    Sau vài năm tang chế, mọi người trong Ty, ái ngại nhìn chị già sút hẳn, trong bộ sô tang vải màn, thả gấu áo lụng thụng, càng tăng thêm vẻ tiều tụy, bi ai, trước khi đốt xã tang, bên cạnh cây mimosa nở hết cánh. Trông đau thương, mũi lòng xiết bao! 

 
    

 Ưu Du







Tháng Bảy-Mùa hoa Mimosa
Năm nay Melbourne lạnh sớm, nên mới đầu tháng bảy, những con đường đã thấp thoáng màu hoa mimosa vàng.
Màu vàng không óng ả, cũng không rực rỡ, nhưng đủ để những buổi sáng mù sương sáng lên lấp lánh, và đủ để cho lòng mềm đi trong những ngày cuối đông...  Nhớ, thật nhớ màu hoa mimosa của Đà lạt thân thương xưa cũ.
   
Mimosa, misosa ở Úc không như những bông mimosa của Đà lạt.  Bông ở đây, vàng đậm hơn, lá xanh mướt và có những cánh nhỏ như lá bông mắc cở.  Khi hoa nở, cả cây vàng rực, những cành hoa trĩu xuống mặt đường.  Mùa hoa nở, cũng là khi những người bị dị ứng vì phấn hoa bắt đầu khó chịu.  Nhưng nhìn những màu vàng ấy trong gió, trong mưa,  những cơn khó chịu vì mắt mũi cũng nhẹ đi và lòng thơ thới hẳn.  Nhất là đối với những người đã sống ở Đà lạt, như tôi và bạn bè, những người đã lớn lên trong một khung trời thoang thoảng mùi phấn thông và hoa cỏ.
Mimosa Đà lạt bông màu vàng nhạt, cái màu vàng phơn phớt với rất nhiều lông tơ nhỏ mịn.  Hoa cũng thưa thớt hơn.  Lá tròn, phủ nhiều phấn nên khi sương xuống, những hạt sương long lanh lấp lánh như bạc trên lớp nhung phấn mịn màng.  Cũng có một số cây lá dài xanh mướt.
Mimosa Đà lạt, khi nở hướng lên trời, trong khi mimosa ở Úc vì nở nhiều nên thường kéo trĩu cành xuống, những bông hoa vàng tỏa ra tứ phía, cái màu vàng không mơ màng như màu hoa vàng mơ của những bông mimosa ngày xưa.  Hoa nhiều quá, các cành trĩu xuống nên mất cái vẻ mảnh mai yếu đuối.  Mimosa Đàlạt, mỗi lần nhìn những chùm hoa vàng anh, xen lẫn với những cành lá xanh, thấy nhẹ nhàng thanh thản hơn.  Hay tại vì lúc ngắm hoa, lòng lúc ấy còn thanh thản, vì lúc ấy mái tóc còn buông xõa sau lưng và đôi mắt còn trong đen lấp lánh, chưa vương nhiều những đám bụi thời gian.
Mimosa, đã có rất nhiều những bài hát ca tụng màu hoa này của núi đồi Đà lạt.  Cũng có rất nhiều những bài thơ về đóa hoa vàng dịu dàng này.  Cũng có rất nhiều những câu truyện, những bài viết về loài hoa dễ thương đó.  Cũng có rất nhiều người đã dùng tên hoa như một tên hiệu của mình.  Vì màu hoa đẹp, hay vì những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua...
Mimosa, những cành hoa vàng ở đây chỉ tươi độ 1 tuần.  Bất chợt, một buổi sáng nào đi qua, màu hoa không còn vàng thắm.  Những bông hoa nhỏ đi, sẫm màu và dần dần tàn úa... 

                SỰ TÍCH HOA MIMOSA
Mimosa, không kiêu kỳ như hoa hồng, không dễ thương như hoa baby, không rực rỡ như hoa tulip , nhưng loài hoa mà tôi thích nhất lại là hoa Mimosa.
Tôi thích Mimosa không chỉ vì nét đẹp giản dị mà còn vì một câu chuyện tình buồn về sự tích loài hoa ấy.
Chuyện kể rằng:
Ngày xưa, ở một vùng xa xôi tuyệt đẹp của Autralia, có một đôi tình nhân yêu nhau say đắm: chàng là một người đánh cá, thân hình vạm vỡ, nàng là con một bá tước, xinh đẹp tuyệt trần. Hai người đã có những ngày tháng thật đẹp bên nhau.
Đến một ngày, cha mẹ nàng bắt nàng phải lấy con của một bá tước khác, mặc dù nàng đã cương quyết không chấp nhận nhưng cuối cùng nàng cũng phải tuân theo.
Chàng trai, một phần vì buồn bà, đã rời bỏ vùng biển để lên sống nơi núi rừng. Còn cô gái, khi hay tin người yêu mình lên núi, trong đêm tân hôn, nàng đã bỏ trốn. Nhưng bi kịch lại nối tiếp bi kịch, một trận cháy rừng dữ dội đã thiêu chết chàng. Chàng, vì muốn cứu loài kanguru, gấu trúc cùng những loài thú hoang tội nghiệp khác đã lao vào ngọn lửa đó, và... chàng đã ngã xuống. Khi nàng đến nơi thì chỉ còn nhìn thấy một thân xác cháy đen. Quá đau khổ, nàng cũng chết theo. Và từ đó, nơi mà đôi tình nhân chết bên nhau mọc lên một loài cây lá lấp lánh ánh bạc, thổ dân ở đây đã đặt tên cho cây này một cái tên thật giản dị là: Mimosa.
Từ đó, những cô gái Đà Lạt thường hay ép vào trong vở hoa Mimosa để tặng cho người yêu để bày tỏ sự trong trắng, chung thủy.

ST

Còn Gì Nữa Đâu

                  Nửa nhánh Mimosa
Gởi đi rồi vứt bỏ đi rồi sao vẫn còn chút gì nghèn nghẹn . Chuyện đã qua , hơn hai mươi năm thời gian dâu bể , dấu vết xưa chắc gì tìm lại được, người ngày xưa chắc gì còn tơ vương .
Buổi sáng trời mây mù , những giọt mưa phùn từ đêm vẫn dầm dề không tạnh , chiếc áo len chừng không đủ ấm mà lòng cứ bảo đi đi . Khoác thêm chiếc manteau , quàng thêm chiếc khăn quanh cổ và đi , chỉ cần đến đấy , chỉ cần nhìn lại thế thôi ! Hơn hai mươi năm sao chẳng mờ đi sao chẳng nhạt nhoà, chỉ cần chút thôi nhắc nhở lại nhớ cuồng điên . Nơi ấy, tiếng thông vi vút hoà vào gío , hương thoang thoảng êm đềm bất kỳ trưa hay chiều sáng hay tối, nắng lên hay mưa mù, cảnh sắc xanh ngăn ngắt thanh thản bình an . Đến đấy thôi, để một lần nhớ lại , một lần gọi tên, và quên ............
Hết đường Phan Đình Phùng cố lần mò leo lên con dốc gần như thẳng đứng, mòn nhẵn vì bao bước chân người từ năm này sang tháng nọ, những bước chân thích thú khi cố bấu chặt leo lên và cố ghìm chặt khi bước xuống, con dốc này ngày xưa không khi nào tôi dám đi thử dù có nhìn thấy, có biết sẽ rút ngắn một phần ba đoạn đường từ nhà đến chợ . Cho đến khi anh đến, nhẹ nhàng như cơn mộng, gõ cửa hồn tôi mời tôi nhập vào giòng sông tình ngây dại và dẫn tôi đi trên con dốc này bao bận, dấu chân hai đứa đã góp phần mài mòn thêm con dốc. Dốc ơi ! có biết ngậm ngùi cho đôi chân còn nhung nhớ đôi chân ?
Nhớ làm sao lần đầu leo dốc phải nhờ ai nắm cả hai tay kéo lên, khi xuống lần mò như muốn trượt lại tay ai phải âu yếm ân cần , mấy bận rồi đỏ mặt khi rơi hẳn vào bờ ngực ai kia vững trãi . Ngang qua café Tùng ngày xưa, bây giờ vẫn còn là quán café nhưng chắc gì còn người chủ cũ , ngày nào đó có tôi cô gái tròn trăng lúng túng theo ai bước vào mắt trước mắt sau sợ có người nhìn thấy . Vị đắng café học đòi theo anh bây giờ thành thói quen mỗi buổi sáng , nhìn khói bốc hương thơm mà nhớ lần đầu ương ngạnh nhất định đòi bằng được café fin đen như anh, để anh tủm tỉm cười khi tôi nhăn mặt nếm thử và cho gần hết hũ đường vào ly , rồi nói anh nghe "ngon qúa" .
Ra chợ ngang qua sập hàng chị Chúc , người chị của các SVSQ-Võ Bị hết khóa này sang khóa khác , mỗi khi thiếu tiền đi phố đến thăm chị mượn tiền chị dễ dãi cho mượn ngay . Lần theo anh ghé chị , ngây thơ tin anh cần mua kim chỉ lặt vặt , cho mãi đến sau này mới biết anh mượn tiền chị để dẫn tôi đi ăn tối vương giả trong nhà hàng Palace , có bông hồng vàng , có ánh nến lung linh . Chị Chúc đã sang Mỹ , xập hàng hoàn toàn thay đổi, nhưng trong tôi vẫn có chút ngậm ngùi vì nơi này có dính líu đến anh . Xuống nhà lồng ngang tiệm gìò chả ngày xưa mình hay ghé mua trước khi thả bộ lên đồi Cù , có cô bán hàng lém lỉnh hay nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi "là gì của nhau ?" còn những cô hàng bông khi thấy các anh VB luôn vui vẻ chào mời , tôi đã sung sướng hãnh diện bao lần được anh tặng cả bó hoa Bất tử cầm trong tay lang thang dạo phố cùng anh . Mưa vẫn cứ lất phất, đồi Cù như bức tranh nhòa nhạt trong tôi , một khoảng thật nhỏ nhoi còn sót lại : gốc thông gìa chưa bị cưa đi , từ nơi này tôi ngắm lại hình ảnh tôi và anh , ngày hai đứa có thể nói chuyện đất trời không đâu vào đâu cả ngày chẳng mệt .
Năm thứ Tư sinh viên sĩ quan được phép ngủ đêm thứ Bảy ngoài phố , chiều Chúa- nhật mới về lại trường , đã bao đêm anh ngủ lại nhà tôi , căn nhà trơ trọi có thông bao bọc bốn bề , trước mặt là ngôi chùa nhỏ Từ Quang sau lưng nhìn xuống thung lũng bạt ngàn, anh ví tôi như cô công chúa sống trong đài cổ tích . Còn nhớ không anh ! có đêm anh , anh tôi , chị em tôi ngồi ngoài hiên ngóng lạnh để tôi khám phá một điều con gái khi lạnh chỉ có cái mũi phải chịu đựng còn đàn ông con trai đi lính như anh thì bị lạnh thêm cả hai tai , điều này có gì lạ và quan trọng đâu sao làm mọi người cười vui như nắc nẻ khi đòi sờ tai sờ mũi nhau đêm ấy . Rồi mùa Đông gía hai đứa đi chợ Phiên , tôi rang hạt dẻ ủ trong khăn tay bỏ vào túi áo khoác anh và tôi, tụi mình hòa vào dòng người như trảy hội , tiếng nói cười râm ran rộn rã , hứng chí anh hát :
"Ôi gío rung ngọn đèn vàng, ôi gío say lòng rộn ràng , mơ môi em hoa thơm trinh nguyên , mơ tay em đem bao yêu thương ..."
bất ngờ có những tiếng hát hòa theo :
"Biết đâu rằng rồi mờ hơi sương"
và sau đó cùng hợp ca
"Sau lưng em đèn kết hoa ..." (Lê Uyên Phương)
Người Đà-lạt chịu ảnh hưởng của gío lạnh và sương mờ nên rất lãng mạn, ai cũng có thể là thi sĩ , nhạc sĩ, văn sĩ vì ai cũng muốn nói lên lòng mình cho mọi người cùng biết cùng nghe . Làm sao không rung động với má đỏ au con gái, với tóc dài chấm ót những anh chàng tuổi trẻ sinh viên học sinh, điểm thêm dáng oai phong của bộ quân phục dạo phố alpha đỏ của các anh Võ-bị . Nhớ không anh có lần sau khi tan lễ nhà thờ chính tòa , trên dốc về tôi buộc miệng khen cánh hồng nhung đẹp qúa , làm anh chàng đang dắt xe đạp mang hoa ra chợ cho mẹ bán đã không ngần ngại tháo tung cả bó hoa , lựa đoá đẹp nhất cho tôi . Với cành hồng tôi tung tăng đi với anh ra nhà Thủy-tạ, uống café ăn sáng trước khi thong dong đi cùng anh khắp chốn không cần biết đi đâu .
Qua cầu Ông Đạo ngang hồ Xuân Hương anh bảo "sương mù thế này anh treo được mũ áo"
Lý lắc tôi hỏi :
"treo được em không ?"
Anh trả lời :
"chỉ nhốt em thôi chứ ai lại treo em"
tôi nhớ tôi đã rất nghiêm trang đứng trước mặt anh, nhìn vào mắt anh và trịnh trọng trả lời :
"không ai được quyền nhốt em hết á"
Cô gái đệ tam Bùi thị Xuân lòng như trang giấy trắng kênh kiệu nghĩ phải thêm vài năm nữa mới màng đến yêu thương và đợi chờ một ông hoàng tử nào đó cỡi ngựa trắng đên tìm là tôi ngày ấy bây giờ mới hiểu câu "thả mồi bắt bóng" , lúc ấy tôi nghĩ anh là gì của tôi nhỉ ? phải chăng anh là người cho tôi nhõng nhẽo , là người dẫn tôi đi phố để tôi tự đắc đón những ánh mắt ghen tị từ những cô gái khác ? anh cũng là nguồn thơ tôi viết đầy nhật ký rồi đem khoe với bạn , những cô bạn náo nức đợi thứ Hai nghe tôi kể chuyện phố phường có anh , tôi con nít qúa anh nhỉ để bây giờ ngậm ngùi từng sợi tóc nếp nhăn .
Anh ! căn nhà có hàng rào hoa cúc trắng đây rồi , mấy mươi năm vẫn còn hoa cúc trắng . Hồi đó tôi nhí nhảnh hái trộm cả ôm hoa , anh để mặc chỉ nhắc coi chừng chó dữ , nhà không có chó nhưng ông chủ nhà khó chịu la tôi :
"hái thế còn gì là hoa"
tôi xấu hổ không nói được tiếng nào, anh xin lỗi thay rồi búng mũi tôi:
"thích nhé bị la"
Tôi ngúng nguẩy:
"anh không binh em"
Anh cười hiền nói;
"đã hái trộm còn đòi binh , mai mốt anh trồng cả vườn cho em tha hồ hái , bảo đảm không bị la"
Lang thang đến đập Đa-Thiện hùng vĩ mênh mông đá dựng đứng đá, cây ngạo nghễ cây . Ôm gốc thông to nhất vòng tay tôi không đủ, rủ thêm anh tay hai đứa chẳng chạm được nhau , anh đùa :
"Em phải ăn thêm mấy tạ gạo mới đủ dài người mà đo cây"
Liếc anh một cái dài thậm thượt bén ngót dao cau, tôi giang rộng hai tay lao xuống dốc , thảm cỏ xanh non mượt mà chờ đợi . Vẫn giang rộng tay, tôi nhắm nghiền mắt ngửa đầu quay vòng thật chậm, hít hương thông, hương gíó đầy phổi , mở mắt thấy anh đứng sững ngây nhìn. Nhập vào thiên nhiên dịu dàng hôm ấy , tôi kết cúc trắng thành vương niệm đội đầu , vung vẩy cành hồng như chiếc đũa thần đòi biến anh thành bướm chở bà Tiên đi chơi . Anh cúi mình trước tôi đóng kịch 
"Mời Tiên lên lưng bướm chở đi cùng trời cuối đất"
Đỏ mặt Tiên nói
"không thèm không thèm"
rồi giả tảng chạy đi nơi khác .
Tiếng đàn guitar văng vẳng dưới thung lũng Tình Yêu , hai đứa tìm nhập vào nhóm sinh viên viện đại học , nhìn quanh mỗi mình tôi là trẻ nhất nên tự nhiên thành người dễ thương nhất , các anh chị sinh viên yêu cầu khách cùng hát , cùng sinh hoạt với họ anh đã hát bài "Tình yêu như bóng mây" của Song Ngọc sáng tác riêng cho các anh trường sĩ quan Võ-Bị Đà-lạt :
"Một mai tôi sẽ xa Đà-lạt thành phố này xin gởi lại cho ai . . ."
Giọng hát anh ấm, tiếng đàn anh nhẹ thêm tiếng thông vi vu phụ họa mọi người im phăng phắc lắng nghe , tôi hiểu anh đang hát cho riêng tôi , thế mà tôi làm lơ tìm xem trong đám có khuôn mặt nào quen biết hay không ?
Đến lượt tôi , tôi ranh mãnh hát bài:
"nếu hỏi rằng em yêu ai thì em rằng em yêu ba , thì em rằng em yêu má yêu chị yêu anh , yêu hết cả nhà . Nhưng nhất là em yêu . . ."
cả nhóm lao xao hỏi:
"yêu ai ?"
có người chỉ tay vào ngực mình ra dấu . . . .tôi thích thú vì biết đang là cái nhân cho mọi người chú ý tha hồ đùa giỡn quên mất anh , chợt nhớ lại tìm mới hay anh đã lẳng lặng ra thật xa khỏi đám đông lúc nào , nằm dài, tay gối đầu lặng ngắm trời mây. Ngồi xuống bên anh, anh hỏi:
"em yêu ai ?"
tôi bướng bỉnh trả lời:
"không phải anh là được rồi , đúng không ?"
"Tại sao lại đúng ?"
bối rối tránh ánh mắt anh nồng ấm tôi nói khẽ:
"tại anh lớn hơn em!"
"chỉ vậy thôi sao ?"
anh âu yếm hỏi , tôi nhẹ gật đầu dù trong lòng ngờ vực chính mình có phải chỉ vì tuổi tác ngăn tôi không dám yêu anh ? hay vì lý do nào khác nữa ? anh nhẹ nhàng :
"rồi em cũng sẽ lớn"
"em không thèm lớn em chỉ muốn mãi như bây giờ"
anh cốc nhẹ lên đầu tôi rồi bảo : "về thôi bé con, anh còn phải vào trường" Từ giã mọi người theo anh trở về đường cũ, anh lầm lì khó hiểu, hai tay dấu trong túi quần sải bước mặc tôi lầm lũi theo sau , vòng hoa cúc trắng , đóa hồng xinh tôi để quên đâu mất không đem theo về nên tôi biến lại người bình thường không còn đũa thần biến anh thành bướm cõng tôi, chân mỏi nhừ , tôi dẹp tự ái la toáng:
"chờ em với"
quay lại nhìn ánh mắt nghịch ngợm anh hỏi
"cần cõng chưa cô nương ?"
vừa thở tôi vừa trả lời :
"không thèm"
anh đi chậm bên tôi, nhẹ nhàng
"mai mốt anh rời Đà-lạt nhớ anh không ?"
tôi cong cớn
"không"
cho đáng đời anh , lúc ấy tôi hả hê vì biết tim anh đã lúc lắc vì tôi, bằng giác quan thứ sáu của mình tôi biết anh cho tôi tình cảm gì, không đơn giản như tình anh em , tình chú cháu như anh Ng. và chú Th. của tôi (người cùng khóa, người cùng trường với anh). Kể cũng lạ , phải đâu tim tôi không rung động, có những đêm tôi nghĩ đến anh, có những giờ học hồn tôi thẫn thờ bay lên đồi Bắc ngóng dáng núi Lang-Biang cùng anh , chuyện tình này anh kể tường tận tôi nghe cũng như chuyện tình hồ Than-thở làm lòng tôi rưng rưng muốn khóc , anh gieo cho tôi nguồn suối mộng mơ yêu thương nhau mãn đời mãn kiếp . Tôi thường cầu xin Chúa cho tôi tìm được người yêu tôi để lấy làm chồng cầu thế nhưng tôi không nghĩ tôi sẽ chấp nhận làm vợ anh, tôi sợ đợi chờ, sợ khổ sở như những bà vợ lính ở ấp Ánh-sáng sau khách sạn Anh Đào, những khu nhà lụp sụp vài lần tôi đến chơi với Thủy . Làm sao tôi phân tích được tôi ngày ấy , nếu có phép lạ cho tôi trở lại ngày xưa tôi sẽ ân cần trân trọng đặt tim tôi vào tay anh, tôi sẽ thề nguyền tôn kính anh như con chiên ngoan ngoãn nghe lời chủ chăn, tôi sẽ nói anh nghe tôi tôn kính thờ phụng mình anh , tôi sẽ chấp nhận hết mọi đợi chờ tê tái, tôi sẽ . . . nhưng anh ơi bây giờ chỉ còn là mộng thôi
"Mộng tan rồi tìm đâu thấy nữa
Tình tàn rồi nuối tiếc cũng thừa"
Anh! nụ hôn đầu tiên tôi nhận nơi anh dưới gốc Mimosa dại mọc bên đường hôm hai đứa từ thung lũng tình yêu lang thang trở về lại chợ, nụ hôn cả đời không sao tôi tìm lại được . Bao nhiêu nụ hôn đã qua trong đời tôi mấy mươi năm tôi không đếm không nhớ , hơn ba lần tôi nghĩ tôi tìm được người yêu tôi như lời tôi khấn xin nhưng mãi đến bây giờ trên đường đời tôi mãi chiếc bóng đơn côi . Mối tình đầu anh giành cho tôi thành cột mốc cho tôi so sánh đắn đo và không ai sánh được với anh ngày xưa ấy , ngay cả nụ hôn . Nụ hôn anh đã cho tôi , nụ hôn đầu tê môi , nụ hôn đầu biến tôi thành kẻ tội đồ không dám vào tòa xưng tội với Cha , nụ hôn đầu làm tôi không dám nhìn lên ảnh Chúa, nụ hôn làm tôi không dám ăn uống cả tuần tôi nghĩ mình mất đi cả đời con gái, nụ hôn khiến tôi không dám soi gương , không dám nhìn ngắm cả khuôn mặt mình , Anh ơi! Nụ hôn ấy qúa nhiều ý nghĩa khúc mắc , tôi giữ kín không hé môi cho ai biết ngay cả Thủy bạn thân của tôi , đêm ấy tôi khóc sưng cả mắt vừa sợ hãi vừa giận vừa xao xuyến bâng khuâng . Cành hoa Mimosa anh hái đưa tôi như chứng tích mình đã có gì cùng nhau tôi để trên bàn học không đám đụng đến sợ rằng đổ máu tay tôi, lạ lùng cành hoa ấy mãi theo tôi đến bây giờ dù nước chảy đá mòn dù biển đời dâu bể . Tôi cố tình giải thích tại cành hoa còn nằm trong tự điển nên không bị mất đi như quyển nhật ký, như những tờ thơ . Nhiều lần tôi dối trái tim tội nghiệp của tôi khi mân mê cành hoa ấy dù màu vàng hoàng hậu đã trở thành màu vàng tê tái những sợi tơ nhung mịn trên cánh lá biến mất chẳng còn, tôi vẫn yêu nó chứng tích một đoạn đời dễ yêu không sao tìm lại được, tôi không dám nhận rằng tôi nhớ anh thê thiết nhớ Mimosa là anh ! anh là Mimosa !.
"Còn gì nữa đâu mà tưởng nhớ nhau
Bóng dáng yêu chìm sâu đến suối mơ nghìn sau
Ngăn bước qua cầu tình đã nhạt nhòa
Còn gì nữa đâu mà gọi với nhau . . ." (P.D)
Sau lần ấy, tôi đã gởi anh lá thơ trách móc kể lể , kết án cấm anh không được tới nhà, bảo anh thôi đừng khuấy nhiễu đời tôi , đừng kéo tôi theo anh vào địa ngục vậy mà anh vẫn đến xin lỗi đã đánh thức tôi qúa sớm, đáng lẽ anh phải đợi vài năm nữa cho tôi ngủ hết giấc trẻ thơ nhưng anh sắp xa Đà-lạt, biết thế nào để hò hẹn đợi mong . Anh mời tôi đến dự lễ mãn khóa của anh , buổi lễ anh nhận kiếm cung tung hoành bốn cõi , tôi không trả lời , tiễn anh ra cổng dưới giàn hoa xác pháo anh bảo 
"Như không biết anh thương em lắm lắm sao ?"
Tôi quay mặt đi để tóc xõa dài che khuất ánh mắt anh nhìn . Tôi đã lì lợm chối bỏ tình anh để giờ này mình tôi não nề nhớ nhung , tái tê tiếc nuối .
Đến bây giờ tôi hiểu rõ nụ hôn anh trao gởi , ngày anh ra trường gần kề , anh đã nhận xong đơn vị, anh xắp xa tôi , mối tình lãng mạn của anh, anh muốn tôi biết anh chọn tôi làm người bạn đường chia ngọt xẻ bùi với anh suốt đời cho đến ngày răng long tóc bạc và anh đã lập lại lần nữa khi tôi hơn hai mươi bốn tuổi , lần thứ hai không sợ làm vợ lính tôi lại sợ làm vợ một người vừa ra khỏi trại tù cộng sản tương lai mù mịt . Lần chối bỏ này là lần tôi thực sự ký bản án cô độc cho chính tôi .
Hơn hai mươi năm gặp lại Thủy, ôn lại thời mới lớn, ôn lại ngày ấy sau khi nhận nụ hôn đầu , cắn môi nhìn anh lên xe về lại trường ngay bồn hoa chợ Hoà-bình , bây giờ cảnh vật ấy đã thay đổi chỉ mình tôi vẫn như xưa, vẫn giữ hình ảnh xa xưa mờ nhạt , anh nhớ chăng lời ngày xưa tôi nói :
"em sẽ mãi thế này"
đã ám vào tôi . Thủy nói trong chuyến về chịu tang mẹ :
"Mày vẫn thế Như ạ gàn gàn thế nào ấy , liệu mà lập gia đình đi chứ con gái tao sắp gả chồng được rồi"
Tôi tiếu lâm buồn :
"còn ông Võ-bị nào nữa đâu mà lấy với liếc ?"
nó bảo :
"Sao hồi đó có mà chê , rủ theo dự lễ ra trường của mấy chàng không thèm , đứa nào dự lễ ấy đều làm dâu Võ-bị hết đó"
tôi vớt vát :
"Có đứa thành qủa phụ non nữa sao không nói luôn đi !"
Thủy ngậm ngùi :
"Hạnh phúc nào không xây bằng đớn đau hở Như , vợ chồng tao nè , chưa lấy nhau lúc anh ấy hành quân liên miên ông nào ra trường cũng hăng hái xông vào chỗ dễ chết , tao khóc bao lần khi anh ấy đụng trận lớn đến khi nhận thơ mới yên tâm , mà càng gần cái chết tình yêu mấy ông dành cho người yêu càng đậm đà tha thiết , tao cứ vừa đọc thơ vừa ấm ức chả thấy nói yêu thương nhung nhớ gì mình chỉ kể chuyện vu vơ rồi thì bảo mình đừng đợi chờ gì nữa, đừng yêu thương gì nữa . . . tao hiểu hết mày biết không ? thấy bạn chết trận nhiều sợ cũng tới phiên mình . Các ông là chúa che dấu , đến hồi bị ở tù cộng sản tao lên thăm cũng cứ thế lại bảo đừng chờ đừng đợi . Chỉ nhìn ánh mắt là tao hiểu hết tim gan anh ấy , tao phải nói dù thế nào tao cũng đợi như me tao cứ ở vậy nuôi tụi tao lớn khôn từ khi ba tao chết trận bao giở bao giờ . Mày phải dám yêu mới hiểu được tình yêu Như ơi" 
Tôi thầm phục con bạn ngày xưa dưới mắt tôi nó tầm thường mọi mặt , sao bây giờ vượt tôi xa lắc . Ngày ấy tôi tự kiêu đóng kín mình trong nhung lụa ,sung sướng nhận hết những chiều chuộng mọi người dành cho như một tự nhiên phải có tôi nghĩ ai cũng sẽ dâng cho tôi tình cảm như anh đã vì tôi đẹp , tôi giàu . Tôi ép uổng tim tôi không được yêu anh không được khóc vì anh . Tôi đã quá yêu tôi ngày ấy . Ngờ đâu . . .
Anh chiều xuống rồi đó , tôi đã ngồi đây như pho tượng đá suy nghĩ về đời mình, hơn bốn mươi năm làm người chỉ một lần ngu dại đủ một đời phải trả giá đớn đau . Trái tình yêu cần thời gian để chín , tình tôi yêu anh cần qúa nhiều thời gian, khi hiểu được nó chín rục và lià cành . Nếu ngày ấy tôi để anh hôn tôi lần nữa , nếu tôi chấp nhận làm vợ lính có mòn mỏi đợi chờ, có khốn khổ nhớ nhung, nếu tôi dám yêu anh thì bây giờ tôi đã có anh bên cạnh, thì bây giờ tôi đã không co quắp héo hon . Tôi đã trách thượng đế không nghe lời tôi cầu khấn , giờ ngẫm lại tôi biết ngài đã ban cho và tôi đã chối từ .
Anh tôi gọi lại tên anh lần nữa N.H.H của tôi, thời tôi mười sáu tuổi và N.H.H của ai kia bây giờ khi tôi bước vào tuổi trung niên H. ơi anh còn nhơ’ gì Thụy-Như không anh ? có kể cho vợ anh nghe về mối tình thời anh là sinh viên sĩ quan trường võ bị Đà-lạt ? Thủy kể gia đình anh hạnh phúc, ấm êm vợ anh hiền con anh thảo , lòng nhói đau ngậm ngùi tôi vẫn cầu mong bình an đến cùng anh và người đã chia xẻ đắng cay trong cơn phong ba bão táp đời anh khi quê hương đổi chủ .
Anh! nhánh Mimosa xưa tôi đã đưa cho Thủy một nửa hôm qua khi hai đứa ngồi uống café Thanh Thủy , tiễn nó về Sài-gòn trở lại thành phố xa lạ bên kia trái đất có anh .Tôi nhắn nó:
"Chồng mày là cựu Võ-Bị tao cho mày giữ nửa nhánh hoa này, phần còn lại tao chôn nó chung với tình tao và H."
Nó nhìn tôi thông cảm:
"không cho anh ấy biết !"
Tôi gật đầu
"Mày quên chưa cám ơn tao làm mai mày cho ông Võ-Bị"
Thủy thật thà:
"Vợ chồng tao cám ơn ông H. rồi"
Tôi cười buồn ngâm khẽ:
"Sao anh biết đá không buồn không khóc
Cây không buồn không đổ lệ đau thương ?
Cây không khóc sao cây tuôn đổ lá
Đá không buồn sao đá phủ rêu xanh !" (V.L)
Thủy nhìn tôi:
"Đời không ngưng lại được đừng níu kéo Như ạ buồn cũng thế thôi, haỹ giữ kỷ niệm đẹp như một nấc thang rồi bước, đứng lại không nên "
"Mày xem tao bắt đầu từ đâu đây ? chung quanh tao toàn là ngợm không thấy ai ra hồn, làm sao tao hoà nhập , mày thấy tao sống đây mà hồn tao rục rữa mất rồi "
Tôi đã nói rất thật với Thủy , chỉ cần một người giống anh tí thôi tôi đã có đôi có cặp . Nhớ có lần anh đọc tôi nghe :
"Mưa cô đơn vẫn trăm nghìn giọt bạn
Lá âm thầm lá cũng một rừng xanh"
Nếu anh biết tôi bây giờ lẻ loi cô độc đến nỗi ghen với lá giận cả mưa thì anh nghĩ sao ? Anh có lỗi gì đâu để tôi trách cứ . Mệnh số chăng mà tình anh trao tôi không đúng lúc, tôi đáp lại tình anh chẳng đúng thì . Nhìn sương phủ dầy mờ mịt tự tôi sám hối :
"lỗi tại tôi mọi đàng" Anh ! H. ơi
"Xẻ đôi con đường mòn
Anh nửa ấp cỏ non
Tôi nửa ôm rêu lạnh
Mừng nhau . . . tình vẫn còn" (Đinh Lãng )
Ôi ! tự an ủi thế thôi tình gì nữa mà còn ! chắc gì anh thèm nhớ đến tôi con người phụ bạc ? có về thăm lại trường xưa chắc gì anh muốn tìm thăm người cũ ? vả lại lẽ nào tôi ngu si để anh thấy dấu thời gian đã hủy đi những nõn nà ngày cũ .
N.H.H. anh chết trong tôi từ hôm nay . Tôi sẽ về nhà không bước lại con dốc xưa không nhớ dến anh lần nào nữa hết, nụ hôn xưa tôi thả gíó bay đi, tôi muốn anh biết bây giờ tôi đã người lớn hơn và bị lời nguyền của chính tôi buộc chặt khi ngang qua cầu ông Đạo cùng anh:
"Không ai được quyền nhốt em hết!"
Anh còn nữa đâu mà giải lời nguyền ấy cho tôi ? N.H.H ơi ! .

Ấu tím
 

Con đường có hoa mimosa

Mấy cành mimosa nở vàng èo uột, có lẽ nó cũng buồn khi em không tới. Em đang làm gì nhỉ?
***
Ngày đang cong mình trong nắng, một ngày Chủ Nhật hiếm hoi rảnh rỗi của anh bắt đầu bằng ly cà phê đen thật đậm và đọc mấy mẩu tin vặt vãnh trên báo. Những bàn thắng đẹp , những thông tin bên lề World Cup không làm anh phấn chấn hơn, ly cà phê một hồi cũng loãng ra vì đá lạnh. Anh chế ra rồi để đó chứ đâu có uống một giọt nào, anh pha cà phê chỉ để nhớ cái vị cà phê pha sẵn mà em hay uống.
Một cuộc tình trọn vẹn không hẳn là một cuộc tình phải có nhiều sóng gió. Chuyện tình của anh và em cũng vậy, không ồn ào mà lặng lẽ giống như mấy giọt cà phê đang nhỏ xuống lớp sữa mịn màng kia. Yên bình nhưng nhiều khi cuộc tình đó cũng chao nghiêng vì tính khí sớm nắng chiều mưa thất thường của em.
Đã ba tuần rồi anh không gặp em, đứng ngoài ban công ngập tràn nắng và hương lan dịu nhẹ, anh ngó xuống con dốc dẫn từ rừng thông vào cánh cổng có màu hoa oải hương. Mấy cành mimosa nở vàng èo ọt, có lẽ nó cũng buồn khi em không tới. Em đang làm gì nhỉ?
Mình đang ở Đà Lạt phải không em, chúng ta cùng sống trong một thành phố, cùng hít chung bầu không khí trong lành và mát mẻ ở một thành phố được mệnh danh là thành phố hoa. Phải, hoa ngập tràn mọi ngả đường, từ trung tâm thành phố đến mấy cái chợ chồm hổm, quán cà phê có lối đi vào lát đá cho đến con dốc vào nhà anh. Vậy mà thật vui khi chúng mình lại gặp nhau ở một nơi cách xa Đà Lạt cả nghìn cây số, cũng chả có nhiều hoa mà chỉ toàn cây xanh trồng dọc hai bên phố.
Anh- tay nhà báo lang thang khắp cùng trời cuối đất, có lẽ việc rong ruổi với chiếc máy ảnh đến những vùng đất mới đã là thú vui ăn sâu vào máu của anh. Bữa đó anh đến Huế, mảnh đất đi thì nhớ ở thì thương, và anh thì đang loay hoay vì lạc đường. Nói ra thì thật ngộ vì Huế nhỏ xíu như em, loanh quanh miết cũng tìm ra được chốn về thì làm sao anh lạc đường được. Vậy mà anh đã lạc đường vì đây là lần đầu tiên anh đặt chân đến Huế, và những lời chỉ đường của người dân bản địa trọ trẹ tiếng Huế thì thú thật là anh chẳng hiểu gì. Nhưng nghe giọng em thì anh hiểu, lạ chưa.
Có lẽ tà áo dài và chiếc xe đạp dựng trước quán sinh tố đã khiến anh mạnh dạn hơn- anh cam đoan là như vậy vì trong quán ngoài anh và em ra thì đâu còn có ai.
- Cô bé, cô bé có biết Gác Trịnh ở đâu không, tôi nghe nói nó nằm gần một nhà thờ nhưng nhà thờ thì ở bên đường kia rồi, mà sao tôi chẳng tìm ra.
Suýt chút nữa thì em mắc nghẹn:
- Trời đất, bộ anh tưởng Huế chỉ có một cái nhà thờ hay răng, nhà thờ gần Gác Trịnh là nhà thờ Phú Cam, còn đây là nhà thờ Dòng Chúa cứu thế. Nơi đó cách đây cả mấy con đường nữa kìa.
Vậy là ly sinh tố mát lạnh đã giúp anh làm quen được em, cô bé có mái tóc đuôi gà dễ ghét đến lạ. Là đôi môi mím chi, là giọng Huế đặc sệt , thanh thanh mà anh hay phì cười mỗi lần nghe em réo gọi, một giọng nói không thể lầm lẫn, chẳng thể lẫn lộn trong đám đông. Và hơn hết là em đã đưa anh đến Gác Trịnh, một cô bé với chiếc xe đạp và một anh nhà báo với chiếc máy ảnh đeo trên cổ, chạy chiếc Cup 50 phành phạch cứ chầm chậm trên phố, qua bao nhiêu là bóng cây.
Bên ly cà phê anh hỏi nhỏ:
- Cô bé còn đi học?
Em khuấy những viên đá nhỏ trong veo cười lém lỉnh:
- Chiếc áo dài này em chỉ mặc mỗi hôm nay nữa thôi, tháng sau em vào Đà Lạt nhập học.
Đà Lạt, thành phố nơi anh đang sống sẽ có thêm một cô bé với ánh mắt trong veo đến học sao. Đôi lúc sự trùng hợp khiến con người ta bất ngờ, sau đó là niềm vui len lỏi, anh đang vui vì ít nhất mình cũng sẽ gặp lại nhau.
Lúc chia tay, anh đưa cho em địa chỉ và số điện thoại:"khi nào rảnh cô bé ghé chơi". Em hòa vào phố, chúng mình lại trở về làm người xa lạ, lạc mất nhau trong đám đông chộn rộn kia.
***
Em đến nhà anh vào buổi sáng đầu tuần Đà Lạt còn ngủ vùi trong sương sớm. Tiếng chuông cửa đã đánh thức anh dậy với đôi mắt còn nhắm tịt. Khuôn mặt em rạng rỡ hẳn lên khi anh đưa em vào mảnh vườn nhỏ sau nhà, nơi có chiếc xích đu mà bây giờ em hay ngồi để ôn bài mỗi sáng.
- Cà phê pha sẵn nhé cô bé.
Em uống ly cà phê ngon lành như một chú mèo ngoan. Anh trả em mấy tấm ảnh anh chụp em ở Gác Trịnh, em đưa mắt lướt một vòng quanh vườn rồi cười khúc khích:"Anh nhà báo cũng thích hoa, lãng mạn ghê. ". Thật ra thì anh không thích hoa lắm, vườn hoa này là của bố anh để lại cho anh chăm sóc, mà anh thì chẳng nỡ để những đóa hoa mỏng manh này héo tàn trong gió.
- Anh sống một mình?. Em liếm vệt cà phê đọng trên khóe miệng.
- Ừ, bố mẹ anh đã sang Mỹ sống với anh Hai của anh rồi. Một mình anh sống ở ngôi nhà này.
- Răng anh không theo họ sang đấy?
- Nếu vậy anh đã chẳng gặp cô bé rồi.
Vậy đó, những câu chuyện không đầu không cuối đã ngốn mất một buổi sáng của cả hai. Lúc về, em muốn tôi giúp một việc nhưng không nói rõ là việc gì, em chỉ cười, tiếng cười như gió tan vào phố và rồi em biến mất sau con dốc với những cánh Mimosa vàng rực rơi lả tả.
Chuyện em nhờ tôi giúp cũng chẳng có gì là to tát, em chỉ nhờ tôi chăm sóc giùm em chậu hoa Forget me not với những cánh hoa xanh biếc mà một người bạn đã tặng em. Em bảo:"nó rụng một cánh nào là anh phải bắt đền". Lạ chưa, cô bé ra một điều kiện dễ thương quá mức, và anh chỉ biết mỉm cười.
Anh và em hay hẹn nhau ở quán cà phê trong khu Hòa Bình. Ở đó cà phê cũng bình thường nhưng em thích cái không khí bóng đá cuồng nhiệt, thích cái cách người ta la hét, thích cái cảm xúc và mỗi khuôn mặt buồn vui sau từng trận đấu. Em là fan trung thành của xe tăng Đức, anh lại hâm mộ Pirlo của tuyển Ý nên những trận bóng hai đội này đối đầu chả bao giờ bình lặng.
Hồi Euro 2012, trước trận bán kết mà đội bóng áo thiên thanh đối đầu xe tăng Đức, em đã dành hẳn một buổi ngồi yên cho họ vẽ lên mặt lá cờ Đức với ba màu đỏ, đen , vàng. Anh đã uống hết ba ly cà phê để chờ em vẽ xong, vậy mà em chẳng thương anh, còn liếc anh khi anh đeo chiếc băng rôn cỗ vũ cho tuyển Ý. Cuối cùng thì Ý vào chung kết với hai bàn thắng của Balotelli, xe tăng Đức ngậm ngùi rời giải. Đội Ý thắng nhưng anh chẳng vui, anh vui làm sao được khi em thẫn thờ trở về nhà với nỗi buồn như những cánh hoa oải hương.
Một tuần vắng em, với anh dài như một thế kỷ, chỉ có chậu Forget me not mới có thể đem em trở lại cánh cổng nhà anh:"Em sợ mấy cánh hoa buồn bã, còn anh buồn hay không em mặc kệ".
***
Bây giờ thì những đóa Forget me not có bung nở khoe một vẻ lụa là hết mức thì có lẽ em cũng chẳng đến. Em đến làm gì khi em đang giận anh. Ai đó đã nói rằng khi một người con gái nổi giận thì đất trời cũng buồn, mấy cánh hoa cũng buồn, nói chung tất cả đều toát lên một phông màu ảm đạm.
Bữa đó anh hẹn em đi đạp vịt ở hồ Xuân Hương, cô gái Văn khoa của trường Đà Lạt là em đã háo hức chuẩn bị cho chuyến đi picnic ấy như thế nào. Nhưng cuối cùng anh đành nhắn cho em tin nhắn không mong muốn:"anh bận rồi, tuần sau nhé". Thật ra thì một cuộc triển lãm ảnh tổ chức ở trung tâm thành phố đã kéo anh ra khỏi cuộc picnic. Anh và bé Như phòng biên tập được cử đến cuộc triển lãm để tác nghiệp. Cô bé Như ấy giống em, à không, giống với các cô gái ở trên quả đất này đó là đều bắt những người con trai phải chờ đợi họ trang điểm. Anh đã đứng ngồi không yên khi cuộc triển lãm sắp bắt đầu mà còn phải ngồi chờ cô bé làm tóc ở tiệm gội đầu. Lúc anh dắt xe ra, em ở đâu ùa đến trước mặt anh như một cơn gió , em nhấn còi :pin pin và rồi đôi mắt ấy trốn nhanh vào ngã tư đèn xanh đèn đỏ, chẳng để cho anh nói một lời nào.
Những tin nhắn anh gửi đi chẳng có hồi đáp. Tối chủ nhật, em tắt máy. Điện thoại của em chỉ vang lên những dòng vô tâm của cô Tổng đài. Giọng nói ấy ai mà nghe phải đều buồn đến nao lòng dẫu cho cô nhân viên ấy đã nói rất ngọt ngào. Đó là vô tình, là nhân rộng cho triệu triệu chiếc máy đã tắt, đã ngoài vùng phủ sóng. Nhưng đó là những âm thanh làm cho trái tim anh buồn bã.
Đã mấy tuần rồi anh nhớ em như Đà Lạt nhớ sương, chậu hoa Forget me not nở những nụ xanh biếc hờ hững, chẳng màng bận tâm đến cái thở dài của anh. Đêm qua, anh xem World Cup một mình, anh chẳng ra quán xem như mọi khi bởi hai chiếc ghế đã thiếu một. Anh còn tâm trạng nào hò hét khi ở một góc nào đó, anh biết em cũng nhớ anh. Uống cà phê làm con người ta tỉnh ngủ, anh pha sẵn hai ly cho anh và cho em, vậy mà anh cũng chẳng thức xem hết trận đấu. Khi anh thức giấc đã thấy chiếc tivi kêu rò rè và hai ly cà phê sữa đã nguội ngắt từ hồi nào.
***
Lại thêm một ngày chủ nhật, đã ba ngày chủ nhật anh một mình. Đôi mắt anh vô thức nhìn ra con đường đi xuống thung lũng, mấy cánh Mimosa rụng vàng rợp cả một đọan đường. Sáng nay Đà Lạt có sương mù nhẹ, nhưng như thế cũng đủ để bầu trời không quang đãng. Giờ này có lẽ em đang ngủ vùi trong chăn, cũng có thể em đang cười thật tươi ở Thung lũng tình yêu, em hay đến đó cùng đám bạn mỗi khi anh đi công tác . Chắc là em tắt máy rồi, em vẫn thường tắt máy vào những lúc bận rộn phải không?
Hương thơm của ly cà phê thoang thoảng khiến anh ngạc nhiên, ly cà phê hồi nãy anh uống không hết đã nguội ngắt rồi mà. Hay là nhà hàng xóm cũng uống cà phê, anh tự hỏi rồi nhớ ra là gia đình họ đã về dưới Sài Gòn từ hôm qua rồi.
Cà phê thơm quá, có lẽ nó bắt đầu từ con dốc. Anh đoán vậy. Mùi thơm càng ngày càng rõ, sương mù khiến anh không quan sát được hết con dốc. Anh chỉ lờ mờ cảm nhận có bóng người đang di chuyển từ phía rừng thông lên đây. Chỉ một lát, anh đã nhận ra cái bóng mờ ảo đó. Phải, chính là em, em đang đi trên con đường rợp bóng Mimosa với ly cà phê ở trên tay. Và em đang đội chiếc mũ mà anh tặng...
Nguyễn Nhật Hoàng