Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Chào tháng bảy

Nỗi Nhớ Tháng 7

Tháng Bảy Chưa Mưa

Cơn mưa lớn

Cơn mưa lớn như giòng đời giông bão,
Trót một lần lầm lỡ dạ khôn nguôi !
Thân đơn côi lẻ bóng cả một đời,
Có thương nhớ chỉ là trong dĩ vãng...
 
Cơn mưa lớn nhưng ngoài trời không gió,
Chợt thấy lòng lạnh lẽo giữa hoàng hôn.
Nỗi cô đơn gặm nhấm cả linh hồn,
Có ai thấu cho một đời vô vọng ?

Mưa vẫn lớn giữa trời cao đất rộng,
Người trở về lầm lũi giữa cơn mưa...
Người ra đi bao ngày tháng trông chờ ,
Người quay lại khóc thầm trong lặng lẽ !!
NM














Mưa dầm tháng bảy
Mấy ngày nay trời mưa dầm. Mưa không lớn, nhưng một lát tạnh, một lát mưa, mưa day dẵng từ sáng đến chiều làm trời đất âm u, làm con sông như chìm trong màn nước. Bên bờ sông, một mái nhà nhỏ nép dưới tàng cây trứng cá ướt sủng, tàng lá run rẫy sau làn gió thu bất chợt thổi qua.
Ông Hai Khá ngồi trong nhà nhìn ra sông, nghe tiếng mưa rì rào mái lá, thở dài:
- Mưa dầm … buồn chết mẹ!
Ông nhìn trời mưa, nhìn con sông nhỏ với ánh mắt đượm buồn làm như đang nhìn vào cõi xa xôi nào đó, tìm kiếm điều gì đó không biết. Cảnh vật chung quanh không còn ý nghĩa với ông Hai Khá, kể cả tiếng kêu của bà Tư Giá vừa bước vào mái nhà vắng vẻ:
- Ông Hai à! Ông Hai ...
Lại có tiếng loẹt xoẹt của áo mưa bà Tư vừa cởi ra, máng lên tấm phên tre.
Ông Hai Khá nghe loáng thoáng có tiếng ai đó, day lại nhìn, nhận ra bà Tư hàng xóm:
- À! Bà Tư đó hả? 
Bước vào nhà, bà Tư hỏi:
- Ngồi cú rủ vậy ông Hai. Mưa mắc gì buồn? Tháng bảy mà…
- Mưa quá … bà hỏng đi bán sao?
- Ối… bán buôn gì hỏng biết. Có con cá lóc mần rồi nè. Đem qua cho ông nấu cháo ăn… - Bà Tư xách con cá lóc bước vào chái bếp. Chái bếp nhỏ xíu, thấp chủm phải khòm lưng – Hỏng ấy tui nấu cháo luôn cho rồi…
- Ờ..! – Ông Hai ờ rồi bỏ lững câu nói thường ngày ông nói với bà Tư Giá “Bà lo cho tui chi dữ vậy? Hàng xóm người ta dị nghị…”. Lúc nào ông nói vậy, bà Tư cũng cự - Người ta dị nghị thây kệ. Chuyện ai nấy lo. Vài lần sau bà thêm câu “Kệ tía nó. Ai nói gì thì nói. Miễn là …”. Lần nầy ông Hai không nói câu đó nữa.
Mưa lớn hơn, nặng hột. Bong bóng nước nổi trên mặt sông rõ hơn, dày hơn và nổi thành dề ở mép nước sát bờ, dưới hàng dừa nước.
Mưa lớn thì không có gió.
Nhưng ông Hai thấy lạnh!
- Củi ướt nhẹp nhúm lửa khó quá trời!– bà Tư Giá cằn nhằn một mình, lui cui một mình vo gạo nấu cháo, nhúm lửa, khứa cá… trong chái bếp úng khói, ngộp ngạt.
Ông Hai Khá nhìn, thây kệ, việc nầy quen rồi. Lâu nay bà Tư thường qua chăm sóc ông Hai, nấu cho ông miếng cháo, nồi cơm. Ngày nào cũng qua, làm như bà mắc nợ ông vậy. Có lúc bà đem qua mấy lít gạo ngon, nói gạo nàng Thơm chợ Đào, miệt Cần Đước Long An.
- Có nợ nần gì đâu? Chẳng qua là cám cảnh … - bà Tư thở dài nhìn ông Hai Khá ngày càng héo hắt. Bà biết ông Hai mang nỗi buồn từ ký ức xa thẳm của ông. Buồn quá sanh bệnh! Vợ ông Hai Khá – cô Sáu Nga – bỏ đi dắt theo đứa con gái, tính đến giờ ba chục năm rồi. Ông Hai Khá sống một mình, rượu chè, chán sống, lần hồi mà ra nông nỗi. Nhà ngoài chợ bán đi, mua nhà trong ấp, rồi cũng bán. Mấy năm nay, ông Hai Khá cất mái lá cuối xóm bên bờ sông nầy, sống một mình với cái tuổi ngoài sáu mươi, tóc bạc trắng, thân hình gầy còm.
Về phần bà Tư thì thú thiệt nhiều năm nay bà có tình cảm với ông Hai Khá. Bắt đầu từ sự thương hại hoàn cảnh đơn chiếc của ông Hai Khá, rồi chuyển thành thứ tình cảm khác không nói ra được. Hoàn cảnh bà Tư Giá ai cũng biết, là gái ở giá lâu nay chẳng ai thèm dòm tới, nhưng trong sâu thẳm thì không ai biết được, từ hơn chục năm nay, sự cô đơn đã làm nước mắt chảy dài trên gò má khô ráp của bà đêm hôm trời mưa, gió rít hàng tre vi vút.
Tên bà là Nguyễn Thị Tư nhưng chết tên Tư Giá từ hồi bà bước qua tuổi bốn mươi lăm mà chưa lấy chồng. Người ta gọi bà Tư là bà Tư ở giá, nói tắt là bà Tư Giá, làm bà thấm thía hơn về nỗi cô đơn.
- Buồn muốn chết! – Có lần bà Tư nói với ông Hai lúc ông là đà cơn say – Nhiều đêm nằm một mình, thấy chiếu giường nó trống trải, rồi khóc mình ên! Ông có thấy buồn vậy không?
Ông Hai lắc đầu, nói như tránh né:
- Không! Buồn là tôi uống xị rượu, rồi lăn ra ngủ bất biết.
- Ông thì vậy cho nên thân thể héo queo.
- Kệ!
Đôi lần, chiều mưa tạnh đã lâu mà nhà ông Hai không có khói bếp, bà Tư lật đật qua coi. Qua thì thấy ông Hai nằm co như con tôm kho trên vạt tre, mép chiếu bị đẩy ra ngoài. Ông say rượu, ngủ mê mệt. Ly chén lăn lóc dưới nền đất. Bà Tư dọn dẹp xong, kéo mềm đắp cho người bạn già, rồi về.
- Ổng uống rượu vậy… mau chết đó! – Bà cằn nhằn ông- Ai đời uống rượu với… mấy trái trứng cá!
Bên sân nhà cây trứng cá rụng những trái chín đỏ. Trái chín là có sâu. Những con sâu đó có vô tình chui vào bụng ông Hai trong dòng chảy nóng hổi của rượu đế nếp hay không? Ông Hai uống rượu à? Không phải rượu. Đó chỉ là nước lã pha với một viên cồn thành thứ nước đục ngầu cay nồng, gọi là rượu. Ông Hai uống, cả xóm đều uống thứ rượu đó, mua ngoài quán bà Sáu Méo.
Ông Hai ngồi trong mái lá hẩm hiu, uống rượu một mình, nhìn ra con sông nước chảy xiết. Ông ngẫm nghĩ cuộc đời như dòng nước kia, cứ chảy đi không dễ gì trở lại. Rồi ông lại nghĩ nỗi buồn của ông sao không chịu trôi đi mà cứ vướng vào trái tim ông khô héo? Tháng bảy mưa dầm cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, còn ông và bà Sáu Nga sao cứ xa nhau mãi vậy?
- Đánh vợ! Không thể chấp nhập được một thằng đàn ông đánh vợ - Ông Hai Khá hối hận lắm, có lúc ông càm ràm một mình rồi lớn tiếng một mình, với chính mình. Lần đó sau canh bạc thua rất nhiều tiền, ông Hai Khá vùi đầu trong men cay cho lãng quên chuyện đời. Ông về nhà lúc nửa đêm, cự nự vợ con, gào thét và đánh Sáu Nga một bạt tai. Hậu quả là hôm sau vợ ông dắt con bé gái ra đi trong màn mưa dầm tháng Bảy cũng lạnh lẽo như hôm nay.
Ông Hai đã đi tìm vợ con cả chục năm, mệt mỏi quá, chán chường quá, đành thôi. Bóng chim tăm cá!
Mỗi lần mưa dầm như vầy là lòng ông nặng trĩu. Nỗi buồn, nỗi đau và sự ân hận đã gậm nhắm lòng ông ba mươi năm rồi chớ ít đâu! Hỏi sao không lạnh?
Mưa chợt ngưng rồi có gió. Nước đầy sông. Dòng chảy mạnh.
Bà Tư Giá về lúc nào ông Hai không biết. Bếp đã tắt lửa. Nồi cháo nóng hổi, nấp đậy he hé. Con cá lóc và miếng ruột để trên dĩa. Nắm rau đắng đất mới rửa trên mâm. Chén đũa có sẵn rồi. Nhìn thấy thèm.
Ông Hai rót một xị rượu, cầm cái ly mắt trâu, bưng mâm ra bàn, ngồi bên cửa sổ. Không chờ ai cả. Uống rượu một mình, rồi ăn cháo một mình, đêm vẫn ngủ một mình  … Miếng ruột cá day day, chấm nước mắm, đưa cay là ngon lắm.
- Bà Tư giỏi hết sức - Ông Hai khen thầm bà Tư rồi lại nghĩ đến Sáu Nga và đứa con gái lúc mẹ nó dắt đi, mới hai tuổi đầu - Giờ nầy hai mẹ con nó sống ra làm sao? Trôi dạt phương trời nào? Dư dả hay xơ xác như mình? Hồi đó là vợ mình, còn bây giờ Sáu Nga là vợ của ai ? – Ông Hai tự hỏi mà thấy lòng đau nhói- Sáu Nga bây giờ chắc cũng già rồi, trẻ trung gì nữa. Bà Hai Khá ơi! Tui nhớ bà, nhớ con lắm  …!
Từng ly rượu ấm chảy vào cuống họng, thấm vào mạch máu ông Hai Khá làm nỗi buồn hình như có vơi đi. Uống một mình, ông cũng nói chuyện một mình:
- Ú quạ, ông bà nói hay thiệt. Cái tuổi… Ất Dậu của mình! Ất là phải cô độc lúc cuối đời. Còn con mẹ… à không, bà Tư ở giá …tuổi Canh Dần, số cũng quạnh hiu. Tuổi Cọp ai dám cưới. Hứ! Mà mình còn sức nữa đâu mà…
Ông Hai rót không đầy ly rượu vì rượu trong chai xị không còn. Ông ực một cái rồi đi chiết thêm rượu. Miếng ruột cá đã hết, con cá đã dẽ hết phần thịt một bên, rau đắng đất còn năm sáu cọng. Kệ! Mần xị nửa cho quên sầu đời…
Đêm đó trời lại mưa. Cơn mưa day dẵng buồn thấu trời đất.
Lúc bớt mưa thì gió lao xao, xô qua giựt lại làm cho những giọt mưa tạt vô mái lá, rồi hất ra sông vắng.
Sáng sớm, bà Tư Giá bước qua nhà ông Hai thất thần kêu “Trời đất ơi, ông Hai sao vầy nè?” Bà Tư chạy ra ngoài la lớn, kêu mấy người hàng xóm ở mấy căn nhà lá xa xa. Họ kéo tới! Rồi trở lui, thở dài:
- Ông Hai đi rồi!
Ông Hai Khá nằm co ro trên chiếc chiếu trải nửa tấm vạt tre, mép chiếu xô lệch ra ngoài như lần trước bà Tư Giá nhìn thấy. Nhưng sáng nay thì người ông đã lạnh!
Có lẽ ông đi lúc con nước giác sáng vừa đầy bến sông quê.
Chiều hôm đó, người trong xóm đưa tang ông. Chiếc quan tài rẻ tiền, đám tang ít nhang khói, ít người đưa. Bà con chôn ông Hai Khá trên gò đất là nghĩa địa của ấp. Chỉ có một mình bà Tư Giá khóc, nhưng giọt nước mắt chảy ra rất lặng lẽ.
Mọi người ra về. Bà Tư Giá cũng về.
Lúc vắng vẻ, có một cô gái tuổi ngoài ba mươi bước tới nấm đất, cầm theo bó nhang. Cô gái thắp hết bó nhang, quỳ bên mộ ông thì thầm:
-Tía ơi! Mẹ hết hận tía rồi. Trước lúc mất, mẹ dặn con về đây nhìn tía. Nhưng mà… - Cô gái nấc lên, nghẹn ngào – Con về … muộn rồi tía ơi! 
Diệp Hồng Phương'

Trở về chốn xưa
Tháng bảy trôi qua ngỡ nhẹ nhàng,
Mà sao đau đáu tận tâm can...
Trở về nương náu gian nhà cũ,
Ngậm ngùi thương nhớ thuở gian nan
Thoảng đây hương lúa nồng nàn,
Tưởng như mẹ gặt vội vàng chiều qua !
Tôi về ươm lại mùa hoa,
Cho xanh hi vọng chan hoà niềm vui,
NM

Tìm về tháng bảy xưa

Tháng bảy về từ những cơn gió phủ vàng góc phố bằng những chùm lá me bay. Những chùm lá vàng mỏng manh, chấp chới, bay lả lơi trên những ngả đường giữa xô bồ nơi phố thị, nhắc tôi tìm về nương náu nơi thềm nhà cũ kỹ, nghe hương lúa còn nồng nàn như vừa được mẹ gặt về tựa mới hôm qua.
Nhưng thẳm sâu sau những cuộc trở về nhẹ gánh bon chen, là những tia hy vọng ngày xưa cứ dật dờ như đốm sáng li ti từ những chiếc đèn đom đóm, lịm tắt sau những vốc mưa mỗi tối dịu dàng.
Tôi không thể nào đong đếm nổi những mùa tháng bảy như thế đi qua trong cuộc đời mình. Cũng như chưa bao giờ thấy có thể yên bình trong suốt những ngày tháng bảy ươm vàng bởi nỗi đau và mất mát cứ giày vò nỗi nhớ của những người ở lại. Nghĩ về những ngày tháng bảy, tôi nghĩ về những nước mắt, những đợi chờ mòn mỏi nhiều hơn là những tháng ngày nghỉ ngơi sau thời gian dài dành cho bài vở và học hành thi cử. Nơi mà ở đó, trong suốt những mùa ấu thơ, tôi như đắm chìm mịt mù bởi dáng bà vất vưởng bên thềm nhà những xế chiều tím tái, đợi chờ một bóng hình suốt bao năm ra đi và không bao giờ trở lại. Khói nhang mịt mùng vẫn âm ỉ những xế chiều như thể chẳng bao giờ chịu ngưng, như tia hy vọng của bà vẫn gieo rắc vào lòng chúng tôi, khi nghe ai đó nhắc đến ông, nhắc đến một người trụ cột để bà có thể dựa dẫm suốt bao mùa lúa xanh lúa chín vàng đồng.
Tôi sống cùng bà từ những ngày còn rất bé, một phần do cha mẹ tôi đi làm ăn ở xa, một phần vì cha mẹ muốn tôi về ở cùng cho bà đỡ tủi thân những năm tháng tuổi già lay lắt. Bởi sau rất nhiều năm gồng mình nuôi 6 mụn con trưởng thành khôn lớn, đã đến lúc bà cần thời gian để nghĩ về một lời hứa đã cất giấu suốt mấy chục năm qua cho riêng mình. Về một mùa đoàn viên, về một ngày đất nước bình yên không còn bom đạn.
Tôi về sống cùng bà cho có người bầu bạn, sống cùng những câu chuyện kể ngập ngừng trong giàn giụa nước mắt. Có cả những đêm khuya khoắt, thấy bà chợt tỉnh giấc, mân mê những bức ảnh cũ nhàu giữa đêm trăng bạc màu, nhưng đủ để soi rõ những mùa hoa cau, hoa bưởi thoảng về thơm nức mũi. Những bức ảnh trắng đen bà luôn cất dưới gối, để thi thoảng thấy buồn, hoặc khi quá mỏi mệt với nỗi lo cơm áo, bà lấy những tấm ảnh cũ ra để vịn vào đó mà nhủ mình đứng vững sau bao bão táp phong ba.
Để giờ đây, dù đã bao mùa tháng bảy đi qua, cây bưởi sau nhà đã cằn cỗi không thể cho ra những chùm hoa bung biêng trắng, rục rịch tỏa hương mỗi độ thu về. Hàng cau trước nhà chỉ trơ lại những gốc khô cằn, như dáng người mệt mỏi tìm về gục đầu vào nơi chốn bình yên để ru mình giấc ngàn thu thanh thản. Chỉ có dáng bà vẫn mãi xiêu vẹo, ngồi lặng im nơi bậc thềm nhà mỗi mùa tháng bảy, nước mắt không còn trệu trạo rơi khi nhìn về khoảng không nào đó xa ngái. Bởi nước mắt theo thời gian đã cạn vơi theo từng nỗi nhớ, cũng như vết thương nào rồi cũng phải nguôi ngoai, bén thành vết sẹo lồi lõm trong những khắc giây nơi khoảng trời hồi ức.
Đi qua những mùa tháng bảy, tôi có thêm một lý do để tìm về sau những mưu sinh khốn khó, phần nhỏ cho riêng tôi, phần nhỏ cho những người thân của mình những mùa tháng bảy nén lòng sau bao được mất. Để bắt đầu vun trồng những mùa hoa mới, mùa hoa của những niềm vui và hy vọng đong đầy.
XL ( qdnd.vn.)

Trăng tháng bảy
Thương nhớ vô cùng tháng bảy ơi,
Biết bao ơn nghĩa ở trên đời ?
Vầng trăng tháng bảy vầng trăng sáng,
Vàng óng lung linh sắc rạng ngời !
NM
 Mùa trăng tháng bảy
Tháng nào cũng có một mùa trăng nhưng trong tôi trăng tháng bảy vẫn đẹp hơn hết. Trăng cứ tròn thả từng sợi vàng ôm trọn không gian như vòng tay của mẹ ôm con vào lòng.
Tháng bảy mình ở thành phố mưa sũng nước, những đợt mưa sáng chiều làm thâm tím cả khung trời vốn dĩ trong xanh. Có những ngày hửng nắng và đêm ấy ta thấy trăng treo trên vòm trời đầy mây… Trăng như mẹ hiền luôn muốn gặp con dù trong hoàn cảnh nào. Trăng dịu nhẹ như tiếng mẹ ru. Trăng rằm tháng bảy…
Trăng tháng bảy nghe trong mạch máu mình có dòng máu tổ tiên, nhớ thương về người bởi có người rồi mới có ta… Ơn đức ấy bao giờ ta mới trả được, vậy thì cố gắng một ngày sống đẹp là mang tinh thần tổ tiên về với cuộc sống này.
Trăng tháng bảy mình ta ngồi nghe máu thịt cha mẹ trong thân thể. Cha mẹ cho con hình hài trọn vẹn không chút khiếm khuyết. Cha mẹ cho con một tinh thần sống tuyệt vời. Một đời yêu thương trọn vẹn: tất cả mọi người không bỏ sót một ai. Một chút lòng nhân chia sẻ ta biết gởi đến mọi người xung quanh.
Trăng tháng bảy ở thành phố không trong như quê mình năm xưa nhưng tình cha mẹ cho con vẫn tuyệt vời. Dù mưa gió, bão bùng mẹ cha vẫn yêu thương trọn vẹn. Những ngày thiếu thốn phải giật gấu vá vai ba mẹ vẫn lo cho con miếng cơm trắng để con từng ngày đến lớp với bước chân sáo. Chưa khi nào ba mẹ dành miếng bánh ngon cho mình, chưa khi nào mẹ may chiếc áo mới cho riêng mình, chỉ biết những ngày vất vả cha mẹ dành cho con tất cả. Những vết nám của mẹ, những vết da nhăn gầy không thể gầy hơn đã cho ta những ngày tươi sáng. Ta bước vào đời bằng vòng nguyệt quế trên đầu, ta cười thật tươi, nụ cười chứa cả giọt mồ hôi cha mẹ. Có khi nào mình biết ngày mình thành công trên đời này có tấm áo sờn vai dưới nắng cháy không dám đến dự cùng con. Nơi góc chợ ấy người một mình tưởng tượng, tự mỉm cười thoả mãn. Mẹ xấu quá không dám đến nơi cao sang ấy…

Trăng tháng bảy ngàn thu nay vẫn thế: Trăng mang màu yêu thương để người người tri ân cha mẹ tổ tiên. Hình bóng cha già yêu thương con hơn thân thể mình, suốt đời cha dành cho con tất cả. Cha là trụ cốt chính trong nhà nhưng lúc nào cha cũng đặt yêu thương lên hết thảy. Cha không đòn roi nhưng con cha vẫn ngoan vẫn thành công trong cuộc sống bởi cha dạy con bằng cả trái tim nhân hậu của cha.
Còn mẹ, hình bóng mẹ vẫn âm thầm cùng ngày nắng đêm lạnh cho con những gì tốt nhất, ngon nhất. Cha mẹ ơi! con không bao giờ trả được ơn này…Nhưng mùa trăng tháng bảy con nhớ nhiều hơn, thương nhiều hơn dù ở xa con vẫn về dâng ba mẹ miếng bánh thơm, ngồi dưới chân ba mẹ dể được ôm đôi chân gầy guộc. Trăng tháng bảy nhẹ nhàng trải xuống mái tóc mẹ yêu chút sợi vàng ngày thu. Con theo sau ngồi ngắm chiếc lưng còng, con ôm vào lòng cánh tay mẹ yếu đuối, con và ba mẹ cùng cười, ấm áp nói không nên lời…
Trăng tháng bảy cho ai đó ngậm ngùi nhớ về cha mẹ đã đi xa. Như khi ba nhìn vào khoảng không xa vắng nhớ về một thời ấu thơ còn ông bà. Dưới mái nhà tranh, ngọn đèn dầu nhỏ ba ngồi học và nội vẫn mải đan rổ rá kiếm thêm tiền cho buổi chợ ngày hôm sau. Những chiều sau buổi cày nội cùng vợ con ăn bữa cơm chiều đạm bạc nhưng chan chứa tình yêu thương và sự bình an ngày ấy. Vì không muốn ba vất vả nghề nông, nội ra sức cho ba học và thành người. Ba cứ lặng và nhớ không nguôi những kỷ niệm về nội…
Trăng tháng bảy mẹ nhớ về ngoại, người đàn bà góa chồng khi chỉ mới 24 tuổi. Một sự hy sinh vô cùng lớn lao khi ngoại ở vậy nuôi mẹ và một đời cùng con nuôi đàn cháu nhỏ. Đàn cháu bảy đứa cứ ăn học dưới sự chăm bẵm, yêu thương của ngoại. Mẹ muốn ngoại đi bước nữa nhưng ngoại ngóai nhìn những đứa cháu nhỏ rồi thương. Mấy mươi năm sống trong sự trìu mến của ngoại để những đứa cháu thành công trong cuộc đời. Rồi ngoại ra đi trong vòng tay con và cháu…Những hy sinh của ngoại sao cao cả quá không gì sánh nổi. Ngoại ơi!

Trăng tháng bảy, con cháu nhớ về ông bà và tổ tiên một cách kính cẩn. Thương nhớ nhiều lắm những khi đứng dưới trăng vàng nhất là trăng tháng bảy, những sợi trăng mỏng mảnh giăng trong đêm như tình cha mẹ yêu thương con vô cùng cao quý, nồng nàn và thiết tha nhất trên đời này. Từng ánh trăng vàng một như vòng yêu thương cha mẹ quấn quít ôm mình vào lòng, như tiếng ru ngọt nào của mẹ giữa đêm khuya. Đời là những gì hữu hạn mà tình cha mẹ là vô hạn con nào diễn tả nổi. Bàn tay con đặt giữa đôi tay chai sần của ba mẹ và con nói ngàn lời thương yêu cũng không bằng.
Trăng tháng bảy mình quê mình đẹp lắm! Trời vào thu những bông hồng đỏ thắm nguyên vẹn trên áo mình, những ngày này khuôn mặt con sáng rạng ngời. Còn gì vui hơn bông hồng thắm cài trên ngực. Trong vòng tay cha mẹ một đời con ấp áp. Trong lòng mẹ một đời con hạnh phúc. Con cười thật nhiều bên cha mẹ.
Trăng tháng bảy mình vẫn nép mình bên bụi trúc bên nhà. Ngọn gió xào xạc và con ngồi trong lòng mẹ ngắm trăng. Vì tháng bảy trời mưa nên mẹ con ngồi trước thềm nhà ngắm trăng. Rồi mẹ ôm chặt lấy con, con quấn lấy áo mẹ ngửi múi hương da thịt mẹ. Mẹ của con!
Tháng nào cũng có trăng nhưng trăng tháng bảy vẫn lung linh rạng ngời.Trăng tháng bảy mình rất ấm trong thế gian này dù trời có mưa, dù vòm trời đầy mây. Trăng tháng bảy mình ấm áp hạnh phúc vô kể.
Diệu Hòa