Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Sau tiếng chuông chùa

 Mừng Tết Nguyên Tiêu
 
Sau tiếng chuông chùa
Sau tiếng chuông chùa,
Là một mảnh đời cơ cực,
Lắm gian nan và cũng khá đa đoan....
Gặp được nhau,
Được chấp cánh phụng loan
Chia tay sớm sao lưu giọt lệ tình oan nghiệt ?!

Cuộc đời vẫn mãi trôi ,
Nào người tình có biết....?
Em còn đây gánh hết những đau thương
Không chiến tranh, không cả chốn chiến trường
Nhưng khắc nghiệt...
Dõi theo em từng bước !?

Giọt máu tình xưa,
Rơi vào vòng ô trược....
Vĩnh viễn lìa đời nơi xứ lạ tang thương !
Ba chúng ta,
Đều trả hết đoạn trường,
Trót vay mượn, cõi vô thường nào ai biết ?
NM
 
Sau tiếng chuông chùa
Buổi ra mắt tập Thơ Người Việt Ở Đức do nhà xuất bản Vipen Berlin tổ chức, diễn ra khá dài vào một chiều mùa hè 2014. Có lẽ, đã cảm thấy đói và mệt, nên giữa chừng Nguyễn Đăng Ga rủ vợ chồng nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Người Buôn Gió, Quốc Cường, nhà điêu khắc Thành Nghĩa-An Giang, nhà văn Võ Thị Hảo và tôi về quán của anh ở Alexanderplatz ngồi lai rai. Coi đây là bữa nhậu chia tay, để ngày mai nhà thơ Trần Mạnh Hảo sang Paris và trở về Việt Nam. Ăn uống trò chuyện đang rôm rả, tôi đành đứng dậy cáo lỗi vì đã quá nửa đêm và con đường 200 km về nhà còn khá xa…
Xe chạy một đoạn, chẳng hiểu sao Navi chỉ đường lại giở chứng tậm tịt, tôi buộc đi theo trí nhớ. Một lúc, trí nhớ cũng tậm tịt nốt. Lòng vòng khá lâu, xe lạc đúng vào cổng chùa Linh Thứu. Tôi phải dừng lại, để hỏi đường ra Autobahn Leipzig. Đường phố vắng và trong chùa tĩnh lặng. Tôi men theo hè phố, tìm một quán đêm để hỏi. Bất chợt tôi ngoái lại, dường như có bóng một ni cô thấp thoáng đang đi về hướng cổng chùa. Tôi quay lại, rảo bước. Đến cổng, thấy ni cô dừng lại, có lẽ chờ tôi. Tôi đang lúng túng, tìm cách xưng hô, chợt thấy ni cô hơi sững người, nhưng giọng lại chùng xuống: Cậu Trường, đội lò mổ Leipzig phải không? Tôi giật thót cả người, nhìn thẳng, nhưng vẫn còn mơ hồ. Một giây im lặng. Đến khi chiếc răng khểnh của ni cô lộ ra, sau nụ cười thoáng buồn, tôi mới chợt vuột ra: Chị Tuyên! Sao chị lại ở đây?
Tôi quen chị đã gần ba mươi năm trước, trong những lần chị dẫn các anh chị cựu diễn viên, ca sỹ ở cùng đội bóng đèn đến chỗ chúng tôi xin tiết canh lòng lợn. Sau ngày nước Đức thống nhất, người Việt vùng phía đông ly tán, số còn lại thường sống co cụm vào từng khu. Lúc này, chị trở thành hàng xóm của tôi. Cho đến ngày con trai chị vừa đón từ Việt Nam sang, bị chính những người đồng hương bắn chết ở gần Berlin, chị buồn và lặng lẽ bỏ đi. Có người đoán, chị đã về Việt Nam, kẻ lại nói, chị theo cô, theo cậu đang hầu đồng, hầu bóng ở Dresden…
Vậy là sau mười chín năm, tôi bất ngờ gặp lại chị. Chị đã thay đổi quá nhiều. Sự thay đổi ấy, nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nhưng có lẽ, chỉ có tình cảm của chị với tôi không hề đổi thay. Chị vẫn thân mật xưng chị và gọi tôi bằng cậu, như mấy chục năm trước. Chị bảo, làm lễ cho một gia đình hàng xóm ở Dresden hơi bị muộn, nhưng chị vẫn phải đi tàu đêm lên Berlin, để sáng nay kịp đi theo lễ cùng thày. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi và chị đã thuộc về cõi vô thường, nhưng tôi vẫn cảm thấy còn có một chút gì đó ưu tư trong đôi mắt chị. Khi tôi bước lên xe, chị còn dặn: Lúc nào rảnh qua Dresden, chị còn nhiều điều muốn nói với cậu.
Cuối tuần vừa rồi, chở mấy cô con gái đi thi đấu bóng bàn ở gần Dresden, tôi tạt vào thăm chị. Những biến cố, thăng trầm cuộc đời chị có chuyện tôi đã biết và có những chuyện đến nay tôi mới được nghe kể từ chính chị. Qủa thật, những nỗi đau ấy của chị chợt làm tôi nhớ đến chị Hà Giang, trong truyện ký Nghỉ Hè Ở Mallorca của nhà văn Phạm Tín An Ninh. Nhưng có lẽ từ những quyết định đầu đời sai lầm, dẫn đến số phận của chị còn đắng cay, nghiệt ngã hơn rất nhiều…
Chị sinh ra và lớn lên ở ngõ chợ Khâm Thiên Hà Nội. Những ngày cuối năm 1972 bom Mỹ đã cướp đi toàn bộ gia đình của chị. Chị còn sống, bởi cái đêm định mệnh ấy, chị đang ở nơi sơ tán. Tháng 4 năm 1973 trên đầu cuốn bốn khăn tang, dù đang là học sinh phổ thông năm cuối, chị vẫn xung phong vào bộ đội. Sau mấy tháng huấn luyện, chị hành quân vào chiến trường Quảng Đà…
Chiến tranh kết thúc, đơn vị chị được lệnh tiếp quản một số kho hàng và doanh trại, khu gia binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Thời gian sau, những doanh trại đã bị bom đạn cày nát này, được quây lại gọi là lán trại dành cho (tù) cải tạo, chủ yếu các sỹ quan cấp úy của quân đội VNCH. Chị vẫn ở lại làm thủ kho, cách đó không xa.
Khu nhà kho này được xây khá kiên cố, lưng tựa vào vách núi. Hai bên là hai dãy nhà mái trần, ngăn thành nhiều phòng. Hình như trước đây là nơi ở và phòng làm việc của một đơn vị quân nhu, tiếp vụ thuộc quân đội VNCH. Trước mặt có khoảnh sân khá rộng, bao quanh bởi những khóm hoa sim, đang thì nở rộ. Và tất cả được ẩn mình dưới những tán lá rừng xanh ngát, nếu từ xa hoặc trên cao nhìn xuống. Ở đây, chỉ có chị là nữ và mấy cảnh vệ đều ở tuổi hai mươi. Họ cũng là học sinh trước khi vào bộ đội như chị, nên cuộc sống rất hồn nhiên vui vẻ. Và có lẽ, tình yêu và khát vọng đang hồi sinh trong họ chăng? Nên ai cũng chuẩn bị lại sách vở, dành nhiều thời gian cho việc ôn luyện để năm tới xuất ngũ, thi vào đại học.
Lúc này, (tù) cải tạo vẫn còn thuộc sự quản lý của bộ đội. Nên chị vẫn thường qua lại đề nghị trưởng trại cử vài, ba người sang giúp sửa lại kho, hoặc bốc dỡ hàng hoá, khi cần. Và chị đã quen Chu Bá Trạc cải tạo viên, nguyên sĩ quan bộ binh, từng là thầy giáo dạy toán bậc trung học, trong một lần như vậy. Ngay lần đầu gặp, biết các cải tạo viên đều là thầy giáo, bác sỹ trí thức, chị và mấy cảnh vệ đã nghĩ ngay đến việc nhờ họ giảng dạy, hướng dẫn những môn khoa học tự nhiên.
Là khu hoàn toàn biệt lập, do vậy bọn chị rất dễ dàng vẽ ra rất nhiều công việc ma, để đón nhóm của thày Chu Bá Trạc vào kho, mỗi tuần vài, ba lần. Được học trò nể trọng, đưa đón ra vào lán trại, cũng như chăm sóc nghỉ ngơi, ăn uống, nên các thày rất nhiệt tình chỉ dạy. Từ đó, tình thày trò ngày càng trở nên gắn bó, đồng cảm. Và sau mấy tháng như vậy, dường như tình cảm của chị dành cho Chu Bá Trạc không còn dừng lại ở mức thày trò, anh em nữa…
Trời chớm sang đông, trên triền đồi và lối mòn dẫn ra con suối trước mặt đã trải vàng một màu hoa dã quỳ. Mùa này, dòng suối cũng đã cạn dần con nước. Đứng trên bờ đôi khi nhìn thấy những cá con, cá mẹ bị mắc trong hốc đá, cắm đầu vào những cành lá ối mục mà nước không thể cuốn đi. Tuy mùa đông, nhưng về trưa, nắng ngoài kia vẫn kéo cái nóng dần lên. Sau giờ học, nấu nướng ăn uống xong, trời đã chếch bóng, chị và mấy cảnh vệ tay dao, tay súng cùng nhóm (tù) cải tạo Chu Bá Trạc ra rừng tre nhỏ ở bên kia con suối. Công việc chặt tre, đốn gỗ về làm giàn bầu, giàn bí để “ngụy trang“ cho việc dạy và học của họ lại được bắt đầu…
Chị kéo Trạc vòng ra sau, đi lên phía triền đồi. Nơi có sắc vàng của hoa và của nắng như đang tan chảy vào nhau. Một loáng thôi, bóng của họ đã chìm trong cái vàng óng hòa tan ấy của trời đất. Họ lặng đứng bên nhau. Dường như có một khoảng cách rất mong manh trong lòng mỗi người. Gió… và từng cơn gió rít lên, làm chị hơi lạnh, nhưng không phải cái lạnh buốt da, cắt thịt như gió bấc nơi quê nhà. Bất chợt, Trạc xoay người nắm lấy bàn tay chị. Như viên than hồng nhóm lửa, chị hơi co người lại, có luồng khí nóng chạy dọc cơ thể… và cháy bùng lên. Ôm chặt lấy Trạc, chị ngả người, làm cả hai đổ vật xuống…
Ngay sau tết âm lịch 1976, một nửa trại đột xuất bị chuyển đi, trong đó có Chu Bá Trạc. Chị hỏi trưởng trại, hắn bảo đi Daklak, nhưng địa chỉ cụ thể thì không rõ. Không biết, đây là câu trả lời thật hay đểu của hắn. Nhưng làm cho chị vô cùng buồn bã và cả mấy cảnh vệ gác kho cũng bỏ học cả tuần. Đã từng đi qua chiến tranh và những ngày tháng khốc liệt, nhưng chưa khi nào chị cảm thấy hẫng, buồn chán như lúc này.
Quân khu đã có văn bản chính thức, đồng ý cho những quân nhân như chị được phép thi đại học. Mọi người phấn khởi làm hồ sơ giấy tờ. Với chị dường như mất cảm giác, chỉ thấy nôn nao, chao đảo trong người. Thuấn cảnh vệ, người Sơn Tây, luôn gần gũi chăm sóc chị từ ngày cùng nhau nhập ngũ, đi lấy hồ sơ về. Thấy chị đang nằm bẹp, hắn bắt phải lên bệnh xá ngay. Đi được nửa đường, chị bảo hắn quay xe về, thay thường phục, bắt xe đò vào thành phố. Hắn ngơ ngác, chị bảo, rồi ông khắc biết. Chị đã có một linh cảm chẳng lành.
Thành phố lúc này vắng vẻ, tiêu điều nhưng đã có một số phòng mạch tư nhân mở cửa trở lại. Chị và Thuấn đến vào cuối giờ chiều, phòng đợi vắng người. Chị được mời vào khám ngay. Và tinh thần chị bị sụp đổ hoàn toàn, khi bác sỹ cho biết, chị đã có thai và thai nhi đã lớn. Phòng khám không thể nạo bỏ, như theo yêu cầu của chị. Nếu chị muốn, phòng khám chỉ có thể giới thiệu đến bệnh viện. Họ sẽ làm, nhưng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc có thể chị sẽ trở thành người vô sinh. Điều quan trọng, chị phải có giấy giới thiệu của cơ quan, đoàn thể và chữ ký đồng ý của chồng.
Rời phòng khám, đầu chị quay cuồng, bước chân dường như vô định. Chị đã biết sợ, chiếc vòng kim cô muôn thuở kia, sẽ xiết chặt cuộc đời chị trong cái luẩn quẩn của sự hủ hóa suy đồi đạo đức, dẫn đến mang thai với một kẻ bên kia chiến tuyến, một cựu sỹ quan, một cải tạo viên. Gặp kẻ ngồi trên độc mồm, ác miệng gán cho cái tội theo địch, phản động chứ chẳng chơi. Đó là một điều không thể tưởng đối với một Đảng viên trẻ như chị. Tương lai của chị đang bước vào ngõ cụt. Có lẽ, đây là cái án tử hình không chỉ đối với chị mà cho cả cải tạo viên Chu Bá Trạc, tuy không bằng dao, bằng súng.
Thuấn lặng lẽ theo chị đến con phố cuối cùng. Trước mặt đã là biển và thành phố đã lên đèn. Biển cạn, ngoài kia xác mấy con tầu đắm chưa kịp cẩu đi, trồi lên, sóng vỗ, bọt tung lên trắng xóa. Bãi cát vắng người, dường như chỉ thấy rặt một màu áo của lực lượng tuần tra, kiểm soát. Chị không khóc, nhưng hai con mắt đã đỏ hoe, nhìn về nơi có ngọn hải đăng đang cháy lên. Khi Thuấn khoác nhẹ tay lên vai, lúc đó chị mới gục đầu vào vai Thuấn bật khóc. Vỗ vỗ vào vai chị, Thuấn an ủi:
-Tuyên hãy thật bình tĩnh, rồi chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết thôi.
Im lặng. Không biết nước mắt của chị hay cả nước mắt của mình đã chảy thấm vai áo, nhưng Thuấn vẫn để yên như vậy. Trăng lên cao. Gió thổi từng cơn. Lạnh và đói, Thuấn đỡ chị đứng dậy đi tìm mua đồ ăn. Giờ này, không còn xe về lại đơn vị, buộc chị và Thuấn phải tìm đến nhà khách quân khu.
Hôm sau, trên đường về Thuấn đột nhiên bảo, nếu như Thuyên đồng ý, ngay trong tuần này, chúng ta lên trung đoàn trình báo sự quan hệ và xin giấy giới thiệu đăng ký kết hôn làm đám cưới. Đây là cách duy nhất để hợp thức hóa việc này.
Tuy đã biết, từ lâu Thuấn đã có tình cảm với mình, nhưng do rụt rè chưa dám nói ra, nhưng với quyết định bao dung này của Thuấn làm chị bất ngờ và xúc động. Thật ra, từ ngày cả gia đình bị bom Mỹ, chị chẳng có ai là người thân để chăm sóc, giãi bày tâm sự, ngoài Thuấn ra. Tuy nhiên, với chị tình cảm dành cho Thuấn cho đến nay, chỉ là tình bạn thân thiết đặc biệt, chứ không hoặc chưa thể nói là tình yêu. Nhưng trong hoàn cảnh vô phương cứu chữa này, chị không thể không cảm ơn và làm theo sự sắp đặt của Thuấn.
Chị cũng không ngờ đám cưới chạy của mình và Thuấn diễn ra tưng bừng, nói như ngôn ngữ thời nay, sao nó lại “hoành tráng“ đến thế. Hội trường đơn vị chật ních người, đầy đủ ban bệ và các bác tai to mặt nhớn. Bởi, đây là đám cưới đầu tiên sau ngày thống nhất, của hai chiến sĩ trực tiếp chiến đấu nơi chiến trường, trong cùng đơn vị. Nó được nâng lên thành hình ảnh điển hình, mang ý nghĩa chính trị to lớn, không chỉ riêng của một đơn vị…
Không hiểu nguồn tin bị rò rỉ từ đâu, ngay sau đám cưới rất nhiều tiếng thì thầm to nhỏ với những nụ cười ruồi, rồi chỉ chỏ vào cái bụng của chị ngày càng phổng lên. Đã đến tai, nhưng các đồng chí ngồi trên cố nuốt, vờ như không biết, nên vẫn bình yên lắm. Rất may, mấy tháng sau Thuấn đỗ vào khoa hóa thực phẩm trường đại học Bách Khoa Hà Nội, chị tuy không đủ điểm, nhưng được gọi vào trường trung cấp tài chính. Khi chị và Thuấn lên làm quyết định chuyển ngành và sinh hoạt Đảng, các đồng chí thủ trưởng và quân lực nhìn với ánh mắt lạ lắm và giải quyết rất nhanh. Cầm giấy tờ, bước chân ra khỏi phòng, chị vẫn còn nghe thấy tiếng thở phào, nhẹ như vừa cắt bỏ được miếng thịt thừa trên cơ thể của các đồng chí thủ trưởng, quân lực vậy…
“Người ăn ốc kẻ đổ vỏ mà lại đổ vỏ cho thứ ngụy quân ngụy quyền, thế mới đau chứ!“ Cái tin được rỉ tai nhau, truyền đi ở cái làng quê yên bình đậm lễ giáo này, đã làm sóng gió nổi lên đùng đùng trong gia đình, khi chị và Thuấn còn chưa về đến nhà. Thế này, có khác gì bôi tro trát trấu vào mặt gia đình, dòng họ. Mẹ Thuấn cứ ra vào lẩm bẩm như vậy.
Gặp chị, mẹ Thuấn đã có chút nguôi giận, có lẽ cảm thông hoàn cảnh và chị là người hiền lành lễ nghĩa. Nhưng bà vẫn buộc chị sau khi sinh, cho hoặc gửi ai đó nuôi một thời gian, sự việc nguôi ngoai, sẽ đón cháu về, vì Thuấn là con trưởng cũng là trưởng họ thay bố đã mất.
Chị bảo, khi con được mấy tháng, phải gửi vợ chồng bác hàng xóm cũ là bác sỹ nuôi, không hẳn vì sức ép của gia đình Thuấn. Bởi trong thời gian chị đi bộ đội, căn hộ tập thể của bố mẹ đã bị cơ quan cho một gia đình khác vào ở, khi trở về, chị không thể đòi lại được. Do vậy, chị và Thuấn đều phải ở tập thể sinh viên của trường, cuối tuần mọi người về nhà hoặc đi vắng, vợ chồng mới được ở với nhau. Vừa nhập học, chị sinh, nhưng hệ hô hấp có vấn đề, nên cháu hay ốm đau dặt dẹo. Mấy tháng sau chị lại mang thai. Việc phải bỏ học là điều khó tránh khỏi, nếu chị không được sự giúp đỡ của vợ chồng bác hàng xóm. Và nếu như họ không phải là bác sỹ và đưa cháu về phương nam nắng ấm ngay sau đó, thì có lẽ cháu không thể qua nổi những cơn bạo bệnh. Nói là như vậy, nhưng lúc nào chị cũng day dứt và ân hận, nhất là từ ngày cháu bị ung thư ruột. Không biết hậu quả này, có phải từ việc chị uống thuốc tây ngoài chợ giời cho đến thuốc lá của mấy bà dân tộc để cho sảy thai, hồi chị chửa cháu hay do nhiễm hóa chất từ nơi chiến trường? Mấy năm gần đây, cứ bòn góp đủ tiền là chị lại về Sài Gòn, dù bệnh đã ở giai đoạn cuối, nhưng với nó, chị vẫn chỉ là người xa lạ…
Tôi cắt ngang lời chị, có lẽ, lúc đó chị liên lạc với gia đình Chu Bá Trạc gửi cháu bé cho họ, tốt và hợp đạo lý hơn. Chị bảo, Trạc đã có vợ con từ trước 1975, nên chị không muốn tìm đến. Năm 1987 trước ngày chị sang Đức, vào thăm, nó vẫn nhất định không chịu gặp chị. Dù gia đình bố mẹ nuôi rất khá giả và thương cháu, nhưng chị vẫn tìm đến địa chỉ cũ của gia đình Chu Bá Trạc ở Biên Hòa, để nói cho anh ấy biết, nếu có thể, anh ấy qua lại chăm sóc cháu. Nhưng anh và cả gia đình đã bị đắm tàu chết trên đường vượt biển năm 1980, sau khi ra tù, do người hàng xóm kể lại. Tôi buột miệng hỏi, ngày đó biết Trạc đã có vợ con và hai người ở trong hoàn cảnh vô vọng như vậy, sao anh chị vẫn… ? Chị cười buồn, không thể lý giải ở cái tuổi hai mươi ấy. Chỉ biết rằng, Trạc là người đầu đời của chị. Rồi giọng chị dường như có một chút phấn chấn hơn: Đời chị có Trạc để yêu và có Thuấn để trọng, như thế là đủ phải không em? Và bây giờ chị trở về cõi vô thường, tôi đùa như vậy, rồi hỏi chị xuống tóc từ khi nào? Hai chục năm nay rồi, chị tu tại gia, nhưng thường xuyên về chùa và theo các thày đi làm lễ.
Trưa. Chị nấu cơm chay khá ngon. Trong bữa ăn, hai chị em cứ rù rì trò chuyện. Chị bảo, nghiệp chướng của chị còn nặng lắm, nhưng không biết đó có phải của riêng chị hoặc của Trạc, của Thuấn hay của chung tất cả những người lính đã lao vào chém giết trong cuộc chiến vừa qua …
Học xong, chị về làm việc cho xưởng in bộ văn hóa. Thuấn về làm việc ở một nhà máy thuộc bộ công nghiệp thực phẩm. Mấy năm sau, bầu lên vật xuống, vợ chồng chị cùng thằng con nhỏ cũng nhận được căn phòng tập thể hơn chục thước vuông. Cuộc sống thời bao cấp quá khó khăn, chẳng riêng chị mà cái nghèo, cái nhục nó đến với tất cả mọi người.
Không thể chịu được sự cùng cuỗn ấy, năm 1987 để con lại cho chồng, người nữ lính chiến năm xưa lại khoác ba lô cùng với các văn nhân, nghệ sỹ, trí thức lên đường làm thuê, cuốc mướn nơi xứ người. Bức tường Berlin sụp đổ, từ trong nước dòng giống con Lạc cháu Hồng lại tìm đường ra đi. Thằng con chị vừa bước sang tuổi mười bảy, bỏ học đòi sang với mẹ. Sang được thời gian, chị bất lực không thể quản lý, bảo ban nó. Và vào đúng mùa hè 1995 nó bị những người cùng chung một dòng máu bắn chết, trong một ngôi nhà ở gần Berlin. Nghe nói, nó theo bọn bảo kê đi thu tiền chỗ bán thuốc lá lậu, bị băng đảng khác phục thù bắn chết. Chẳng biết đúng sai thế nào, nhưng hôm đi viếng, thấy trên cổ nó phải khâu rất nhiều mũi. Nhìn nó nằm đó, tôi cảm thấy lòng mình vô cùng trống rỗng. Chị không còn khóc được nữa, người cứng đơ, hai bà hàng xóm phải kè kè hai bên…
Tôi hỏi chị về Thuấn. Chị bảo, biết tin con chết, Thuấn cũng bị chao đảo mất mấy năm. Muốn giải phóng cho Thuấn, nên năm 1998 chị về nước làm đơn ly dị. Lúc đầu Thuấn không chịu, nhưng mọi người nói mãi, hắn miễn cưỡng đồng ý. Mấy năm sau bị áp lực của gia đình, Thuấn mới lấy vợ. Nhưng đẻ được hai đứa con, đứa nào cũng bị dị tật cả. Chị nghĩ, nhiều lúc thật có lỗi với Thuấn, không giữ được đứa con cho hắn. Bây giờ Thuấn đang là tổng giám đốc một công ty lớn lắm, giầu sang phú quí rồi. Tiền bệnh viện thuốc thang cho con gái chị, mấy năm nay đều do Thuấn trả, thông qua chồng cháu đấy. Có lần, chị bảo, đừng làm như vậy nữa, Thuấn khổ vì mẹ con chị nhiều rồi. Nhưng hắn nói, hắn làm vậy không hẳn chỉ vì chị, mà vì cả Chu Bá Trạc. Nếu không có Trạc dạy dỗ thì hắn không thể đỗ đại học và không được như bây giờ…
Chiều muộn, câu chuyện của chị đã đi vào đoạn kết. Tôi đứng dậy từ biệt chị cho kịp giờ đón mấy cô con gái nơi thi đấu bóng bàn.
Tiễn tôi ra xe, chị nhắc lại câu, hãy tin vào luật nhân quả. Thế hệ chị đã gây ra và lao vào cuộc chiến, nghiệp chướng còn nặng lắm, kiếp này không thể trả hết đâu em ạ…
Đỗ Trường

Truyện Ngắn Tiếng Chuông Vọng Xa

Tiếng gà gáy
Chỉ khác nhau tiếng gáy ,
Giữa khoảnh khắc vô thường ....
Giúp cho ta nhận biết,
Đâu thật người yêu thương ?!

Cúi đầu Nam Mô Phật,
Quỳ lạy Tam giới tôn....
Xin một lòng thờ kính,
Giữ từ bi sớm hôm
NM
 
Gà gáy ở cửa chùa 
GN - Gia đình chị ở cách chùa một con sông, khoảng cách đó không xa lắm nên khi chuông chùa điểm hay tiếng gõ mõ đều có thể nghe. Trừ mùa mưa, vì mưa át tiếng chuông, át luôn tiếng mõ. Những đêm nước lên cũng chỉ có thể nghe tiếng nước suối chảy. Nhưng trong tâm thức của con người, biết không tức là có. Văng vẳng từ phía bên sông vẫn là tiếng chuông cõi Phật.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Chị sống khổ, đến tận cùng ở một chốn quê. Cùng quẫn và khốn nạn! Rồi chị cũng chửi. Nó như vũ khí tự vệ trước một bầy thú hoang. Lần đó chị định bước qua sông đến cửa chùa. Khi đến cửa sông, con gà trong nhà chị gáy. Chị nói ừ rồi bước trở lại. Năm giờ sáng rồi, phải nấu cơm cho tụi nhỏ ăn. Làm mẹ mà để chúng nheo nhóc, đói khổ cũng là một nghiệp ác. Không so bì với ngài Tất Đạt Đa được. Bố mẹ ngài sống nơi cung vua, phủ chúa. Ngài không lo thì có người khác lo. Phận làm con mau mòn hơn phận làm mẹ.
Chị nhóm lửa rồi nấu một nồi cơm. Nồi cá kho không ngon lắm nhưng con chị tấm tắc khen và chen nhau gắp đến con cá sau cùng. Chúng ăn và nghệ bén tận mũi. Chị thấy ấm trong lòng, không biết đó có phải là cõi Phật không chứ nghe thấy lòng mình trở thành thánh nhân rồi. Chị chưa từng đọc một câu kinh của nhà Phật, ngồi xếp chân tụng kinh lại càng không. Đến chùa duy có một lần, thằng con trai đầu của chị mười một tuổi, đái dắt. Chị tìm đến thầy chùa. Thầy có loại thuốc Nam rất hay, thang có mỗi hai lăm ngàn uống bốn thang là khỏi. Vừa lợi tiểu, vừa đỡ tiền, khỏi xót.
Lần ấy thầy không lấy tiền mặc dù chị đã cố gắng mặc áo quần cho lộng lẫy, không để khoe mẽ nhưng đi ra ngoài đừng để mình nhếch nhác. Vậy mà thầy vẫn thấy được cái nghèo rúm ró từ mặt chị (?). Chị gãi đầu cảm ơn nhưng sau đó bước lên điện đặt tiền cúng Tam bảo. Nói chứ nhà chùa cũng cần tiền. Chị có túng đi vay mượn, thầy ở trong này cần cái để tiếp tục sống theo chân đạo. Đặt cúng xong rồi chị trở về. Khi đi đến cửa chị thấy con gà trống y chang con gà nhà chị đứng ngay trên bức tượng vỗ cánh phành phạch cất tiếng gáy. Chị đứng ngẩn người, thôi chết! Giờ này sao gáy được. Gáy phải đúng giờ giấc chứ. Thầy thấy chị có vẻ lạ liền nói.
- Con gà đó của nhà kế bên. Khi họ chuyển đi nơi khác quên mang nó theo. Giờ thì nó sang chùa ở.
- Nó gáy tứ tung đó thầy.
- Con gà này đến là lạ. Nó gáy loạn cả lên, không tuân thủ một quy tắc nào cả.
- Ở nhà con cũng có một con gà trống như vậy.
- Hay là chị mang con này về nuôi cùng luôn thể.
Chị cười để lộ hàm răng đã vàng ố do nước nhiễm phèn nặng.
- Thầy ơi! Gà trống ai nuôi cả cặp, chúng chọi nhau ác chiến lắm! Mà con gà nhà con nó gáy đúng giờ, mang con gà thầy về nó phá nhịp làm sao con biết giờ mà dậy?
Thầy mỉm cười, biết mình lỡ lời chị gãi đầu rồi xin thầy cáo lui. Lần sau thì thằng con lớn chị đi chăn bò lân la vào chùa chơi liền ăn trộm con gà này mang về, chị mắng:
- Ai bảo con làm cái việc ấy? Nhà mình nghèo nhưng mẹ chưa bao giờ làm việc đó. Bố biết chuyện này càng tệ hơn.
- Con sẽ bắt nó trả lại cho sư thầy.
- Bữa thầy cho nhưng mẹ không nhận, nó gáy không theo giờ giấc chi cả.
- Hay mình làm thịt đi.
- Bậy, ai thịt gà của nhà chùa.
- Thôi nuôi cho có cặp mẹ.
- Để coi.
Hết tuần, chị sai con mang con gà ra thả giữa sân. Hai con trống gặp nhau, đi vòng tròn kênh nhau một lúc, khoe mẽ đập cánh một lúc, mổ thóc cùng một lúc rồi nhảy lên mái nhà đập cánh gáy cùng một lúc. Đoạn đó hơn tám giờ sáng. Chị thấy ổn. Vì tiếng gáy này không phải tiếng gáy quy luật của gà mà đó chỉ là tiếng gáy thể hiện sức mạnh. Hai con gà trống này sống được chung chuồng, không gây gổ nhau nhưng báo thức loạn lên. Hôm đầu con gà chị gáy năm giờ sáng, con gà nhà chùa gáy năm giờ ba mươi. Đến lúc sáu giờ gà nhà chùa gáy thêm lần nữa. Chị đến sáng là khó ngủ nên tiếng gà nhà thành quen, chị loại tiếng gà nhà còn tiếng gà chùa. Nhưng sòng phẳng thì tiếng gà chùa gáy hay hơn, tiếng gáy vang và kéo dài hơn. Chỉ khổ cái là sai giờ. Hôm sau con gà chị không gáy nữa, nằm lặng im. Chỉ có gà nhà chùa gáy. Chị bấm đèn pin coi sự thể thế nào, chị sợ nó bệnh nhưng nó vẫn mạnh khỏe. Mấy hôm sau chị thức theo tiếng gáy của con gà còn lại, con chị trễ học ngồi mếu máo ở thềm. Chị xin lỗi thế nào cũng không chịu khiến chị nổi nóng rút roi rượt nó đến trường. Nó đi rồi chị thấy lỗi, chị chưa từng như vậy.
- Phải nhốt một con gà lại, gà trống của nhà chùa. Chị nói với con lúc ăn cơm trưa.
- Nhốt thì nó vẫn gáy mà mẹ.
Chị ừ một tiếng rồi tiếp tục ăn cơm. Đứa con trai như bắt phải được cái gì đó rất lý thú định kêu lên nhưng rồi thấy mẹ lặng im nên chùng xuống.
- Con nói đi, chị vừa khua đũa nói với thằng nhỏ.
- Làm thịt bớt một con.
Chị để bát đứng ngang mồm.
- Con nào?
- Con của nhà chùa.
Chị giật thót mình bỏ bát.
- Bậy, gà chùa ai làm thịt, hay con mang trả chùa đi.
- Mẹ, mùa nước lớn rồi sang đấy thế nào?
Chị thấy con nói phải.
- Làm thịt con gà nhà mình? Đứa con nói.
Và phản ứng chị không thể nhận ra đó là cái gật đầu của mình.
- Nhưng khi bố về bố biết thì sao? Một tháng nữa bố về đấy, con gà này bố rất cưng.
- Chắc bố sẽ không biết, con gà đó cũng giống gà nhà mình.
Và chị lại gật đầu.
Đêm đó, con gà nhà được nhốt vào lồng. Lúc chị bắt nó, nó không quẫy, nó nằm lặng im và bàn tay chị nhẹ nhàng chuồi dưới bụng nó. Nó chỉ kêu lên âm thanh ồng ộc, nhẹ nhàng.
Chị trằn trọc mãi, đến tận khuya nhưng không tài nào ngủ được. Không biết cớ tại làm sao, chị cảm thấy nóng lòng, nó cháy lên kinh khủng. Tiếng nước suối chảy ào ạt, ngoài trời lại có mưa. Chị lo lắng điều gì không thành hình được. Chị lấy chiếc điện thoại trầy hết lớp sơn bấm số của chồng, thuê bao không liên lạc được. Chị ngồi một hồi lâu rồi gãi tay lên trán. Ngoài trời vẫn cứ mưa to. Anh đi làm công cho họ ở xa, mong chuyến này về lấy tiền trả nợ và mua quần áo mới cho con đi học. Phụ người ta làm gỗ nguy hiểm, có người mất mạng. Chị nhấp nhổm không yên, nỗi lo lắng bấn loạn cả lên khiến mặt chị đỏ bừng. Chị cố nhắm mắt, cố nghĩ về ngôi chùa, cố nhớ tiếng chuông để cho lòng bình lặng. Và chị thiếp đi lúc nào không hay, tiếng chuông chùa điểm nhẹ, chị mơ thấy mình bị nhấc bổng lên trời, chị úp mặt xuống trần gian. Chị bồng bềnh cùng mây qua những dãy phố. Rồi chị trôi lang thang ngang qua nhà chị ở quê. Chị hốt hoảng khi thấy dưới đất, bố chị nằm trong tư thế cựa quậy mình yếu ớt trong một vũng máu. Thằng Tủn cầm con dao trên tay cùng với một bát tiết sóng sánh dưới ánh nắng ban mai. Nó vừa đi vừa cười và mắt sáng lên khi nghĩ đến món ngon sắp được tận hưởng. Chị hốt hoảng đập tay mạnh xuống giường rồi chồm dậy chạy ra bể nước. Chị trông thấy thằng Tủn đang nhổ lông cổ con gà trống. Con gà nằm im phăng phắc không phản ứng gì, thằng Tủn thực hiện những động tác yếu ớt. Riêng chị, chị gào lên rất to.
- Tủn, đừng!
Tiếng thét của chị khiến đứa con hốt hoảng buông dao. Con gà trống đứng dậy vỗ sắp lại cánh rồi bước đi hiên ngang. Nó đi ngang chị vỗ cánh rồi gáy một hơi dài. Chị khóc ôm thằng Tủn còn nó nhíu mày nhìn chị khó hiểu.
- Mẹ sao thế?
- Không làm thịt nó được đâu con.
- Nhưng vì sao?
- Mẹ mơ thấy ác mộng.
- ?
- Mẹ mơ thấy ông con nằm trong vũng máu, chính con là người làm điều đó với ông.
Thằng Tủn giật thót mình, nó sợ điệu bộ nằm yên của con gà khi bị nó bắt thịt.
- Mai con mang gà trả nhà chùa mẹ nhé?
- Nhưng nước đang lớn kia mà.
- Con đi đường vòng, đi hết cánh đồng sang cầu đó mẹ.
- Để mẹ đèo con đi.
Sáng sớm tinh mơ, trời nắng nhẹ. Chị đèo con ôm con gà trống đi một quãng đường dài đến trả con gà trống lại cho nhà chùa. Vừa trông thấy chị, sư thầy đứng cười tủm tỉm.
- Thầy cho con trả lại con gà trống thầy nhé! Nuôi nó, con gà con nó không gáy nữa. Mà con xin thầy thứ lỗi, con gà này gáy phải lúc con không cần đến.
Sư thầy đưa tay nhẹ nhàng đón con gà trống rồi thầy tung nó lên, nó vỗ cánh trên bức tượng rồi cất tiếng gáy.
- Thầy... chị ngập ngừng. Nó gáy loạn như thế sao thầy tụng kinh đúng giờ được?
Sư thầy lại mỉm cười, chị thấy xấu hổ mặc dù điều gì làm chị như thế thì chị không nhận ra.
 Hoàng Hải Lâm
 
 U Minh không kể bạn hay thù,
Dẫn người ra khỏi cõi thâm u....
Trở về thoát khỏi vòng sinh tử,
Khiến người thoắt ngộ quyết tâm tu !
NM 
                          Tiếng chuông chiều
Tôi không muốn bạn mất thì giờ với những mô tả về cảnh đẹp, chùa đẹp trên vùng núi đẹp từ lâu được xem là danh thắng. Thường mỗi khi mệt mỏi với cuộc sống đua chen chóng mặt bây giờ, tôi lại tìm tới ông, vị sư trụ trì có tiếng đạo cao đức trọng ở đây. Ông luôn sẵn lòng ngồi với tôi cả buổi chiều - từ lâu ông coi tôi như một người bạn nhỏ. Ông quý tôi vì tôi có thể ngồi lặng hàng giờ hoặc cùng ông đàm đạo kinh sách và không một lời hỏi chuyện riêng tư. Hôm đó tôi có kể cho ông nghe chuyện mới tìm được hài cốt người anh liệt sĩ nhờ năng lực ngoại cảm của bà Hằng. Tôi hỏi về điều này. Ông không trả lời thẳng mà, sau một thoáng ngẫm nghĩ lại kể chuyện đời mình…
*
Người lính Sài Gòn ấy là biệt động quân, là thứ dữ. Là thứ dữ đồn trú bên sông Bến Hải. Trước khi trở thành lính thứ dữ, gã bị bắt lính nhiều lần, đào ngũ nhiều lần. Và để khỏi trở thành “lao công đào binh” vừa nhục vừa dễ mất mạng - đằng nào cũng thế - gã xung phong đi lính, xung phong đi biệt động và được bổ sung ngay cho đơn vị đang hụt đi nhiều vì vị trí chiến lược của vùng này. Bên kia sông là Bắc Việt. Ngày ngày đều nã pháo, đều ngứa tay tia mấy phát súng trường cho đỡ buồn. Lâu lâu bắt loa yêu cầu mấy giờ ngừng bắn, một ngày ngừng bắn và cả hai bên đều tuân thủ “sáng kiến” đầy ngẫu hứng. Cũng người Việt cả thôi. Thậm chí còn bà con dòng họ nữa. Chiến tranh và bắn giết, chả vui vẻ gì. Cộng sản có lý tưởng của họ mặc họ, bọn lính như gã đều cực chẳng đã mà cầm súng, lý cái cứt! Gã còn gia đình chục miệng ăn, cha mẹ, vợ và bảy con. Vợ con có phụ cấp nhưng cũng vừa tạm sống, gã muốn tăng thu nhập nên xin đơn vị mở cái căng tin. Các chỉ huy thương gã đông con, ừ ngay. Cũng không dám bán nhiều: bọn lính sống nay chết mai, đánh bạc, ăn uống nợ bạt mạng, có khi mới nhận lương xong chưa kịp trả nợ đã “dính bánh” biết đâu mà đòi. Gã bán lai rai cầm chừng, tháng tháng gộp cùng lương gởi bảo đảm về cho gia đình.
Gã nuôi một con chó giữ quán, nuôi từ nhỏ nên nó quen nghe bom đạn, lúc có gã ở quán nó thường tha thẩn đi chơi. Xa cả cây số là thường vì chung quanh chỉ mênh mông cát với những lùm bụi lúp xúp. Không có giống cây nào đủ thời gian mọc cao hơn mét. Nó đi cho khuây khỏa chứ phạm vi bán kính cây số chẳng thể tìm nổi một con cái, từ lâu người dân đã bỏ đi. Trại lính thì có nhưng một lần nó suýt chết - thằng chiến hữu đã bắn quá tồi. Nó hớt hải chạy về và từ bỏ giấc mơ gái. Hình như nó đã hiểu rằng chiến tranh thì không thể đòi hỏi nhiều. Vậy là nó chỉ đi chơi cho khuây khỏa.
Một hôm nó tha về khúc xương ống chân. Xương người! Gã nhận ra ngay. Lạ đếch gì xương người thời buổi chết như ngóe. Nó gặm lộc cộc cho đỡ buồn, cái xương khô rang khô rùm chắc chẳng còn chút béo bổ gì. Tới cái nước này đấy! Gã uể oải lại đuổi con chó. Nó ngạc nhiên một chút rồi nghe lời. Nó đi. Gã biết nó dễ dãi bỏ đi vì sẽ có ngay cái khác. Gác cái xương lên chỗ cao, gã bí mật đi theo. Hà, cách chỗ đóng quân vài trăm mét, nó chui vào một hục cát, bới bới rồi ngoạm ra khúc xương khác. Gã xông lại đuổi đánh. Nó oan uổng kêu lên mấy tiếng, lần này nó thấy ức nhưng sợ chủ. Gã moi theo vào hục cát thì gặp ngay một bộ xương người ngồi. Chắc là chết vì sụp hầm. Hộp dầu cao sao vàng và đôi dép cao su chỉ rõ xác chết là Việt cộng. Hà, thằng này mà gặp nó lúc sống thì mình toi mạng. Gã ngó trân trân cái xác. Nghĩ. Nó là người. Là xác người. Gã thấy không nỡ. Đằng nào cũng chết rồi nhưng để xác người, dù là đối phương, để bị chó tha từng mẩu xương, gã thấy không nỡ.
Gã về trại lấy thùng đựng đạn pháo và cái xẻng con, cầm theo khúc xương chân, cẩn thận moi lấy kỳ hết bộ hài cốt, xếp thứ tự vào thùng rồi đào hố chôn, hà, yên nghỉ nhé chiến hữu bên kia, chẳng biết chiến hữu bao nhiêu tuổi, khung xương này chắc là đàn ông, vậy thì đã vợ con gì chưa, còn trai tân thì tiếc đời quá, vợ con đùm đề như mình cũng tội vợ con. Đù mẹ cuộc chiến ngán ngẩm!
Gã xách xẻng về, thấy chút thanh thản. Rồi quên.
Không lâu sau gã buộc phải nhớ vì cảm giác có thần hộ mạng. Nhiều lần cái chết chừa gã một cách khó hiểu. Nghe tiếng đạn pháo hú, gã lăn vội xuống hầm thằng bạn, nó nhăn nhó bảo gã sang hầm bên cho đỡ chật, gã trồi dậy trong tiếng xào xào rất gần trên đầu rồi như một sức mạnh vô hình ném gã rất nhanh vèo qua cái hầm bên xa đến năm mét, thằng bạn tan xác. Một lần tiểu đoàn gã được điều đi trợ chiến cho đám sư 1 chốt mỏm Cù Hon, chưa tới nơi thì bị đánh phủ đầu. Sau này gã cứ nhớ như in cái ráng chiều đỏ như máu hôm ấy. Nhìn mặt các chiến hữu thấy chập chờn âm khí, loáng thoáng bóng đen, gã dụi mắt nghe rợn lưng cảm giác lành ít dữ nhiều. Và bị đánh. Đối phương đội mồ dậy khi đội hình hành quân lọt vào một vùng cát lô nhô những ngôi mộ giả. Đạo quân đội mồ này không rõ quân số vì họ cứ bất ngờ trồi dậy, trồi dậy sáng lòa lưỡi lê trong nhập nhoạng ráng chiều đỏ bầm như máu. Có lúc trận giáp lá cà chỉ lịch xịch âm thanh vật lộn, ngã đổ những thân người và vài tiếng kêu đau đớn. Có lúc vài tràng AK, chùm lựu đạn bung thìa… Gã rủn chân tay chạy quẩn trong nháo nhào chiến hữu bị tước hoàn toàn khả năng chiến đấu, vón cục rồi tan rã trong kiểu cận chiến mà lưỡi lê và sự chủ động giữ vai trò quyết định. Ít nhất là ba lần, một lưỡi lê ba khía xanh lét lao về phía gã thì không hiểu sao nó lại chuyển hướng và thằng chiến hữu đâu đó chung quanh hứng phụp. Gã lại chạy, đái ra quần mà chạy. Một tiếng nổ rất gần sau lưng, gã cứ chạy trong đầu cảm nhận bắp chân bị xé toác. Tiểu đoàn bị đánh tan tác. Về tới nơi an toàn gã mới ngã ạch như cây chuối bị đốn. Thằng bác sĩ ngạc nhiên vì gã chạy đoạn đường dài thế mà không hề sơ cứu. Mả mẹ mầy chớ sơ cứu, địch quân sau lưng, chạy thoát là may, lấy chó thời gian đâu. Giờ thì có nhiễm trùng, cưa mẹ nó đi cũng được, anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về thành tướng một chân…, gã nhăn nhó lải nhải câu hát lúc thằng bác sĩ xử lý vết thương. Đêm đó gã lên cơn sốt và mê man…
Rồi gã thấy một địch quân đứng cạnh dùng tay vuốt bắp chân gã, gã biết là địch quân qua quân phục anh ta mặc, gương mặt chập chờn không rõ lắm nhưng còn trẻ, rất trẻ. Gã không sợ, không sợ, thật lạ. Anh ta cứ vuốt vuốt, nhẹ nhàng, bắp chân gã giảm đau nhức thấy rõ. Và bình phục rất nhanh. Thằng bác sĩ cứ ngạc nhiên mỗi lần tới làm thuốc. Nó trầm trồ khen kháng thể gã thuộc loại quá đặc biệt. Gã im lặng không nói. Không chửi. Có một điều gì đó rất mơ hồ và nghiêm trang từ những giấc mơ gã thấy. Từ những lần thoát chết kỳ lạ, trước đó, gã rùng mình hiểu rằng người chiến hữu phía bên kia linh thiêng phù hộ. Giờ gã mới lạnh người nhớ lại mọi thứ. Gã định ra viện, về đơn vị sẽ mang đồ lễ tới cúng tạ ơn.
Nhưng gã không có cơ hội. Cả lời hứa của cấp trên cho nghỉ phép nửa tháng thăm gia đình. Chuyện nghỉ phép gã không tin, họ rồi có nhiều lý do để hoãn phép lính vùng I chiến thuật. Gã không có cơ hội vì vừa tới đơn vị, cuộc hành quân quy mô Lam Sơn 719 khởi động. Một cuộc hợp đồng binh chủng lớn chưa từng có rầm rộ và chớp nhoáng về phía tây, phía núi, phía chiến khu lớn của Việt cộng. Cuộc tấn công sau này gã mới biết mang mật danh trên chứ lúc ấy đơn vị gã chỉ biết lập tức hành quân theo mệnh lệnh.
Pháo và máy bay oanh tạc dữ dội để dọn bãi. Rồi đổ quân. Bọn dù thì rợp trời mà xuống các tọa độ của chúng. Bọn này oai thật, cái cách hành quân chiếm lĩnh trận địa của chúng cũng ra vẻ đại ca rồi chớ chưa nói chuyện đánh đấm, mà đánh đấm cũng chỉ có bọn này và thủy quân lục chiến là đám biệt động gã nể. Bọn gã, bọn thủy quân lục chiến và bộ binh đổ bộ bằng trực thăng. Đen đặc trực thăng và các loại máy bay. Rền trời âm thanh máy bay, bom, pháo. Đời lính chiến, đây là lần đầu gã tham dự một cuộc hành quân quy mô và quyết liệt, nghe nói trực tiếp tướng tư lệnh vùng chỉ huy.
Súng nổ ba bề bốn bên. Riết rồi gã cũng không thể phân biệt đâu là súng của bên nào. Loạn xà ngầu súng nổ. Gã chỉ là lính nên nghe loạn xà ngầu súng nổ mà không thể biết diễn biến, tình thế cuộc hành quân. Riêng đại đội gã, chưa triển khai xong đội hình đã bị đối phương tấn công. Có vẻ họ ở đâu đó rất gần, đã phục sẵn. Đúng là bị phục. Đáng lý từ tọa độ đổ quân, các cánh quân sẽ triển khai hành quân theo bản đồ quân sự của Mỹ được vẽ kỹ đến từng con suối, dần khép vòng vây vào vùng căn cứ lớn Xê-pôn của Việt cộng mà tiêu diệt thì, tất cả các cánh quân đều bị họ chủ động đón đánh. Nghe cách xầm xì bàn tán có vẻ hốt hoảng của đám chỉ huy trong việc liên lạc nhau, gã đoán biết. Nhưng Việt cộng không bám trụ từng trận địa. Có vẻ họ không đủ lực. Đánh phủ đầu một cánh quân nào đó vừa mới đổ bộ hoặc đang di chuyển cho rối loạn đội hình xong, họ chủ động rút. Họ im lặng rất đáng nghi rồi bất ngờ lại nện quanh quất đâu đó, thoắt ẩn thoắt hiện. Tất cả các cánh quân đều bị đánh theo cách này. Cũng vài trận đụng độ quyết liệt nhưng khi chưa phân thắng bại, họ lại biến mất. Những cố gắng tuyệt vọng của các cấp chỉ huy cũng dần đưa đội hình cuộc hành quân vào quỹ đạo cần thiết theo kế hoạch thì đã hao binh tổn tướng quá lớn. Ngổn ngang xác chết. Gã cúi xuống bên một thằng bộ binh khi nhận ra bàn tay vẫy tuyệt vọng của nó. Hàm dưới thằng này bay đâu mất, cái lưỡi dập nát lầy lụa máu của nó còn rục rịch nhưng chỉ có âm thanh khọt khẹt từ cổ họng sặc máu, nó rào rụa nước mắt vì đau đớn, van vỉ. Gã không hiểu nó xin một viên đạn vào đầu hay nhờ cõng đi. Gã lấy cái khăn lầy cầy mãi không thể buộc được vết thương quá hiểm của nó đành chùi nước mắt nó bỏ đi. Nó chết là cầm chắc nhưng gã không thể cho nó một viên vào đầu. Gã run lên với ý nghĩ nã đạn vào đầu người. Chạy. Rủn gối mà chạy. Các sắc lính còn sống như gã cũng nháo nhác, chẳng còn chút nhuệ khí.
Việt cộng, mới phát hiện đâu đó trong vòng vây thì khi khép lại chỉ thấy những dấu vết trú quân, dây dợ liên lạc của họ. Đang ngơ ngác vì có cảm giác rơi vào không thành kế thì bị nện sau lưng. Họ đánh ban ngày, ban đêm, bất kỳ thời khắc nào, vị trí nào, trên đồi tranh, trong rừng, dưới suối… Họ đánh ngay giữa vùng nóng hổi bếp lửa của họ, đánh vào Bộ chỉ huy hành quân dã chiến. Cuộc hành quân quy mô với ý đồ đánh úp vào căn cứ Việt cộng đã biến thành cuộc ném quân vào thiên la địa võng giăng sẵn. Người Mỹ và tướng tá Sài Gòn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, tiến thì đã, nhưng kẻ chủ động chiến trường lại là đối phương, còn thoái cũng không thể bảo toàn lực lượng. Không quân loay hoay chẳng thể xác định mục tiêu ném bom không nhằm vào quân mình - cái thế cài nhau càng kéo dài càng bất lợi vì địa bàn rừng núi Việt cộng quá thông thạo và vốn làm chủ. Lại ném thêm quân dự bị. Như muối bỏ biển. Từng tiểu đoàn lọt thỏm vào rừng núi kỳ bí.Tất cả hãi hùng. Tất cả tan tác. Từ quan tới lính. Từ “con cưng” mũ đỏ đến rằn ri. Những chiếc máy bay trinh sát cũng lòng vòng tít xa cho có lệ rồi biến. Chúng có quyền báo cáo lại rằng không thấy tín hiệu gì, không liên lạc được gì. Không còn mệnh lệnh nào nữa.
Các sắc lính vỡ trận gặp nhau ghép nhóm cho đỡ sợ nhưng đông quá lại sợ Việt cộng chú ý. Tách rồi nhập. Rồi tách. Không còn chỉ huy nhưng sĩ quan vẫn được tôn trọng. Bọn này có học tất sẽ có kế sách thoát nạn tốt hơn mấy thằng nông dân cùi đày như gã. Gã tìm về nhóm cũng lạ. Bị quả bom nổ gần hất tung xuống khe hẹp, lúc gã tỉnh dậy chung quanh tối đen. Tiếng súng đâu đó nhắc gã nhớ rằng mình còn sống và lồm cồm ngồi dậy, rờ rẫm xem có bị thương chỗ nào không. Chưa biết xử trí sao giữa vùng tối đầy chết chóc thì trước mặt bỗng hiện ra một vùng sáng. Nhấp nháy xanh lè. Vón cục rồi tản ra nhiều hình dạng như trò điều khiển của một thằng cha ảo thuật. Đom đóm. Gã dụi mắt, đích thị là đom đóm. Đã nhiều lần, ngày xưa yên bình trên con sông quê miền núi của gã những đêm nước về lặn lội đi cào tôm, những con tôm càng sông bám đầy đá cuội nghe tiếng chân khua lộp cộp hoảng sợ trồi dậy bị nước cuốn vào mành lưới vuông căng trên gọng đón sẵn, một mình gã với đêm đen và triệu triệu đom đóm mở hội hoa đăng trên những lùm bụi rù rì đặc chủng, gã thấy đêm đen miền núi đỡ vắng. Vợ con mừng đón cả ký tôm càng dưỡng chất… Xa lắm rồi ánh xanh đom đóm yên bình, một miền quê yên bình khổ nghèo của gã. Giờ là chiến cuộc khốc liệt và cái chết kề bên. Gã ứa nước mắt kinh dị nhìn bầy đom đóm. Mà sao nó cứ chập chờn không bay đi, phía dưới soi rõ từng viên đá suối? Gã sởn gai ốc khi chợt nhìn thấy cái dáng người quen thuộc trong cuộc biến chuyển hình thể xanh lét kia, phải, trước mắt gã là hình người lạnh lẽo mà thân thiết đêm nào từng vuốt vuốt bắp chân gã cho đến khi không còn đau nhức, chợt nhòa chợt hiện hình người thần hộ mạng! Đêm ấy gã chỉ thấy trong mơ. Còn giờ… gã véo một phát thật đau vào tay mình… vẫn là hình người xanh lè soi rõ từng viên đá trong lòng khe. Gã rùng mình đứng dậy và đi theo ánh sáng thần hộ mạng! Gã lập cập đi và biết rằng mình sẽ được cứu thoát. Người chiến hữu linh thiêng bên kia sẽ cứu thoát gã trong kiếp nạn này… Gã cứ đi trong nỗi mừng lạnh sống lưng, nỗi mừng lạnh óc. Cho tới khi nghe tiếng bọn lính gần đó thì thầm sợ hãi trong đêm, vùng sáng lân tinh biến mất. Gã sụp xuống làm thao tác gần như quỳ lạy. Bọn lính ngơ ngác không hiểu sao gã làm vậy…
Nhóm có một trung úy bộ binh. Lúc nguy nan, con người gắn kết với nhau theo trật tự bầy đàn, sắc lính hung hãn phải nhường cho cái trí. Ôi cái trí. Đến giờ phút được tôn vinh. Cái trí, sau khi cố gắng qua PRC 25 không thể liên lạc được với bất kỳ cấp chỉ huy nào của cuộc hành quân, sau khi gởi vào không trung vô vàn tích tè uyên bác biết rằng đã thực sự bị bỏ rơi, cái trí đã rũ xuống như tàu lá héo! Và bất ngờ nó bật dậy, nó không thể chết, nó bật dậy và sáng suốt như chính nó: đầu hàng! Con đường duy nhất để được sống là đầu hàng! Tất cả bừng tỉnh. Cuối đường hầm đã le lói ánh sáng. Tín hiệu sống mạnh hơn cái chết. Dù mong manh. Cái trí chỉ ra rằng phải lên đồi tranh dễ quan sát mới không làm “mấy ổng” nghi. Cái trí đã gọi đối phương là “mấy ổng” chớ không phải Việt cộng như trước đó. Bầy đàn lên đồi, may không gặp “mấy ổng” trên đường. Tất cả vũ khí chụm vào một góc. Rồi cùng gào lên, rập ràng “Cộng sản ơ… i… tui đầu… hà… n… g…!!”. Gào lạc giọng. Gào hưng phấn. Run sợ và vui mừng gào. Lên đồng gào. Phải nửa giờ sau mới nghe vài tiếng AK khô khốc. Lại gào.  Năm phút sau, tiếng AK đã gần hơn. Bắn chỉ thiên thôi vì không có ai ngã xuống. Những người sợ đến lạc thần bỏ vũ khí xa mình ấy không có ai ngã xuống. Và “mấy ổng” xuất hiện, 5 người thôi, 5 người cũng quá đủ để tiếp nhận hơn ba chục con người rúm ró, dĩ nhiên quanh quất đâu đó chắc hẳn còn nhiều lực lượng đề phòng sự gian trá. Không cần cái trí cũng biết điều này!
Rồi cả lũ lĩ “hành quân” theo đường mòn Hồ Chí Minh khét tiếng ra Bắc. Trên đường gã nghe một thằng “mũ đỏ” rỉ tai: đại tá Thọ cũng bị bắt sống! Đội hình còn tiếp tục tiêu hao khi dính bom Mĩ…
Ngày trao trả tù binh, bọn lính vừa thấy phái đoàn bốn bên là vung tay “đả đảo…”. Gã im lặng. Chỉ mình gã im lặng. Tới khi được nghỉ phép về thăm gia đình, sau bao mừng vui đầy nước mắt, gã im lặng cạo đầu trước sự ngỡ ngàng của người thân rồi lên ngôi chùa trên núi. Cứ nghĩ đây cũng là cách để không bị ném lại mặt trận đánh nhau. Nhưng sau Bảy Lăm, gã, không phải, vị sư này cũng không hoàn tục…
*
- Mấy năm sau giải phóng có dịp theo sư phụ ra Quảng Trị, tôi tìm về vị trí ấy để đốt hương. Chỉ còn mang mang hầm hố đành thả vọng vào mênh mông…
Chiều xuống tự bao giờ. Vị sư đã ngừng lời. Đâu đó những ngôi chùa trên núi thắng cảnh này bình yên tiếng chuông. Tôi bỗng buột miệng ngớ ngẩn:
- Mọi thứ diễn ra… thật thế hở thầy?
Ông đứng dậy tiễn tôi và thong thả:
- Thí chủ có biết điều này không, tôi đã ba mươi mấy năm đi tu mà vẫn thấy hình như mình còn giả…
Tôi xuống dần trên từng cấp đá vòng vọng tiếng chuông chiều.
L.H.L