Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

NTV 38 - Người bán đào rong


Anh chờ mãi như tình chưa phai nhạt
Mặc gió Đông làm rũ cánh đào phai !!....
Cố tìm em dù lam lũ biết bao ngày !?
Mong hội ngộ, cả đời anh mơ ước !

Em ở đâu anh vẫn chưa tìm thấy ?
Chỉ bên anh dáng đẹp của đào phai....
Chỉ bên anh con gái nhỏ thiên thần,
Và vốn quý cành đào phai năm cũ !!

Tháng năm qua đi, quản chi khó nhọc,
Đào vẫn bày trong chậu quý , gió đông.....
Anh vẫn chưa gặp lại được bóng hồng,
Người vợ trẻ suốt đời anh yêu quý !!

Anh nào biết bóng dáng xưa kề cận,
Dõi theo anh và con trẻ thơ ngây....
Ẩn bên trong từng cánh, nụ đào phai,
Chấp chới hiện bên xe người yêu cũ !!!....

Một mảnh tình , hai linh hồn ấp ủ,
Mặc gió đông làm rụng cánh đào phai.....
Quyết tìm em dù vất vã bao ngày,
Luôn thương nhớ cánh đào phai năm ấy !!
NM
Người bán đào rong
     Thạnh còng lưng cố giấu không để con gái nhìn thấy anh đang phải thóp bụng, ráng hơi ráng sức đẩy chiếc xe cà tàng cà khổ một cách khó nhọc. Sáng nay, mua được một vắt xôi đỗ xanh nóng, anh đã nhường cả cho con gái. Còn anh tới giờ vẫn chưa có gì lót dạ. Vừa mới tờ mờ đã dậy, hí húi với đám dây chằng buộc quanh cây đào có gộc to bự bằng bắp chân người lớn, chiều cao chưa quá mét hai, lại phải hết mực nâng niu vì mỗi cành, mỗi nhánh đều nặng trĩu lộc, chỉ chờ đúng ngày Tết là hé nở.
    Cây đào ấy, Thạnh trồng trong một chiếc chậu sứ Cảnh Đức, đồ cổ quý trăm phần trăm. Thạnh bứng cả gốc cả rễ đào, trồng vào đó, mặc kệ thứ đất châu thổ sông Hồng đặc quánh bện vào nước men sứ đặc biệt, lại được sự trau chuốt của thời gian, càng trở nên lóng lánh. Hì hụi ém cây đào vào chậu đã khổ, đến lúc ra Tết, anh lại phải cẩn thận xắn quanh gốc, bứng trở ra trồng trên khoảnh đất đã đào xới sẵn, rồi kỳ cạch cọ rửa cái chậu quý, đặt trên một đôn gỗ để ở góc nhà.
    Chậu sứ quý lại đặt trên đôn gỗ được làm từ một gốc cây anh tự đẽo gọt, nên trông có vẻ cọc cạch. Cọc cạch như cuộc đời anh. Như cái cảnh anh gò lưng, hóp bụng đẩy xe nhưng cố giữ vẻ mặt tươi cười vui vẻ để con gái anh không để ý. Và cọc cạch đến đáng thương lẫn hài hước là cảnh một gã đàn ông áo quần tã như cái xơ mướp, xứng với cái xe cà khổ đã quá kỳ sử dụng mấy mươi năm, trên đó, đèo theo cây đào quý, có lẽ là gốc đào đẹp nhất nhì ở phố Hàng Lược chuyên bán đào Tết. Và nó lại được trồng trong một cái chậu giá trị nhất so với mọi loại chậu mà người ta vẫn dành để trồng đào bán trên chợ hoa.
    Hơn thế nữa, đi cùng với gã, nhon nhón tay đẩy hờ đằng sau cái xe đạp chằng buộc chở gốc đào, là đứa bé mười hai tuổi, mặt mũi thanh tú sáng trưng, da trắng ngần, môi đỏ như son, tóc đen nhánh, xúng xính trong bộ áo quần lụa vàng rực, trông như một bông mai chín lạ lẫm giữa rừng đào phơ phất, như một thiên thần hạ cố đi cùng kẻ bần cùng mà người ta chỉ thường thấy trong những bức tranh cổ, những câu chuyện cổ.    
    Đứa bé ấy đích thị là con gái anh. Đã năm năm nay, từ dạo nó lên bảy, nói chuyện líu lo như chim khách, biết nhảy chân sáo, biết mặc áo quần đẹp và luýnh quýnh theo bố ra chợ, thì anh bắt đầu tham gia phiên chợ giáp Tết trở lại. Những cây đào của anh, thứ đào quý được trồng và chăm sóc đặc biệt bằng bí quyết gia truyền mới xuất hiện trở lại nơi phố chợ. Nhưng so với thời hoàng kim, khi đào của gia đình anh mỗi lần có mặt chỉ dăm bảy mươi phút đã bán hết veo, đã có sự thay đổi rất nhiều.  
    Mặc dù cây đào anh mang ra trưng bày ở chợ vẫn là đào quý ấy, được trồng bằng bí quyết gia truyền ấy, thậm chí còn quý hơn, thu hút người mua, người đi vãn chợ hoa nhiều hơn, thì mỗi năm, anh chỉ mang đến chợ duy nhất một gốc.
    Đã năm năm qua. Năm gốc đào quý, được trồng trong cái chậu quý duy nhất, dưỡn dẹo trên chiếc xe đạp cà khổ, lần khân đứng ở cuối phố chợ Hàng Lược, tuy nép vào một góc cho đỡ chật và không bị đám trật tự huýt còi đuổi đi, nhưng vẫn nổi bật lên vẻ rực rỡ, vì thế của cây đào tuyệt đẹp, và cả vì đứa con gái như thiên tiên, khiến nhiều người phải trầm trồ đứng lại. Người sành hoa thì thưởng hoa, kẻ thích người thì ngắm cô bé.     
    Thi thoảng, vào những giờ chợ vãn, và sau khi cánh trật tự đã quá quen với kẻ như trêu ngươi này, khiến họ huýt còi đến phát chán, đến không buồn quát mắng, phạt tiền nữa, thì anh lại còng lưng đẩy cái xe ọp ẹp chở đào ấy, diễu một vòng từ đầu đến cuối chợ, luồn lách qua các hàng đào xếp san sát nhau chờ khách, như thách thức. Nhưng chẳng còn ma nào thèm khó chịu vì sự thách thức của anh, hay của cây đào trơ gan năm nào cũng nổi bật vì trổ lộc đúng độ, với thế cây như rồng uốn phượng chầu, với cái chậu quý khiến ai cũng thèm thuồng sở hữu. Những người bán hoa chợ Tết đều biết anh chỉ dưỡn dẹo lượn qua lượn về vậy thôi. Bởi sau đó, anh lại nép mình vào một góc cuối phố Hàng Lược, đứng thẫn thờ mãi đến quá mười hai giờ đêm, khi chợ đã vãn, mới lại quay về. 
    Ai hỏi giá để mua cây đào, anh cũng lắc đầu không bán. Làm gì có người mua nổi cây đào quý của anh. Chỉ riêng cái chậu Cảnh Đức cổ vật trăm phần trăm, số tiền bỏ ra đã trị giá bằng một căn nhà. Mua riêng đào, riêng chậu, thì anh lại không đồng ý. Anh không nói giá cả bao nhiêu, thì đích thị anh mang đào ra đây chỉ để thi hoa. Tự thi với mình, với hình ảnh gốc đào của chính mình hồi năm ngoái vẫn còn lưu lại trong trí nhớ mọi người. Và để tự khoe thành tích trồng đào quý của mình, làm khổ đứa con gái giữa phố chợ tấp nập ngày Tết, mà thực ra, chính nó lại lấy làm thích thú, chứ chẳng hề khổ sở tí nào.
    Dân trồng đào Nhật Tân, Ngọc Hà, các làng trồng hoa lâu năm ngoại thành Hà Nội (giờ đã thuộc nội thành) thì đã quá quen anh. Những làng hoa mới phát triển phía Tây thành phố cũng chẳng ai lạ gì anh. Họ gọi anh là "đào dở", để ám chỉ anh - dân trồng đào, dở người, dở ngợm...   
    Thạnh là con nhà trồng đào nổi tiếng đất Nhật Tân đã mấy mươi đời. Mấy mươi đời tông tộc nhà anh ở đất này, chính anh cũng không sao nhớ được, nhưng quả từ khi mở mắt nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, thứ đầu tiên đập vào mắt Thạnh là những gốc đào trụi trơ sau ngày Tết. Và anh đã sống với nó, lớn lên cùng nó, đã cùng tưới chăm mưa nắng, phân gio, bón cả mồ hôi nước mắt cho nó, để rồi sau mỗi năm cắt cành, lại hồi hộp chờ mọc lên những nhánh mới, để vít vít uốn uốn, trẩy lá, hãm lộc, sao cho hoa nở đúng mùa đúng vụ...   
    Anh đã chia sẻ khí trời cùng những gốc đào cho đến tận khi đất Nhật Tân mỗi ngày mỗi hẹp, sau đó nữa, thì người Nhật Tân phải mò ra bờ đê, thuê đất bãi để tiếp tục trồng hoa, nhường đất dòng tộc mình cho những biệt thự, chung cư mọc lên san sát... Gia đình anh cũng phải thuê đất bãi để tiếp tục theo nghề. Ấy là lúc bố mẹ anh đã mất, chẳng để lại gì cho anh ngoài cái nghề trồng đào và mười mấy mét đất đủ cắm sào cho ngôi nhà cỏn con tơi tả.  
    Năm gia đình phải lần mò ra bãi sông kiếm sống, Thạnh đã ba mươi hai tuổi. Ở tuổi ấy, tuy không có nhiều đất cát để bán đi kiếm tiền xây cái biệt thự dăm ba tầng kính với dăm ba chóp nhọn như những hàng xóm khác, Thạnh cũng không lấy làm buồn. Thuở xưa, dưới thời Lê Trịnh, khi Thăng Long vẫn là kinh đô phồn hoa, ông tổ gia đình anh đã làm quan nghe đâu chỉ sau thượng sư. Rồi thế sự nhiễu loạn, cụ tổ anh từ quan về ở ẩn. Gia đình sống bằng của nả mấy mươi đời để lại, chọn trồng đào như một thú chơi, một thú vui vừa bộc lộ nhân cách khẳng khái, vừa thể hiện tình người.
    Ban đầu, đất đai điền sản của gia tộc mênh mông rộng lớn, về sau, cụ tổ cứ xén bớt, phân phát cho mọi người thân quen, kẻ hầu người hạ, đến đời bố mẹ anh chỉ còn lại một khoảnh cỏn con, đủ để mỗi năm, trồng được vài ba gốc đào thế, đào phai. Trồng đào, ngắm hoa, và nhâm nhi thưởng ngoạn tình hoa, tình người với những cổ vật tổ tiên để lại, ấy là những gì tinh túy nhất của gia tộc mà anh được thừa hưởng.  
    Không có xuất xứ như người nông dân chuyên canh trồng hoa, nên dù vẫn dồn hết tâm sức chăm hoa, nhưng để duy trì được nguồn sống, những cổ vật của gia đình đã theo thời gian đội nón ra đi. Ra đi với giá rẻ mạt, và phải bán vụng, bán trộm, bởi có cổ vật trong nhà thì bị quy là đại tư sản, tiểu tư sản. Họ đã bán gia sản truyền đời như là bán của ăn trộm. Đến khi có người lần mò tới nhà ngã giá cái chậu sứ Cảnh Đức với giá có thể mua được một ngôi nhà ở ngay đất Nhật Tân lúc đó chưa rơi vào cơn sốt đất, thì anh - cậu con trai thừa tự của gia tộc giàu sang một thuở ấy mới tá hỏa lên, tiếc ngẩn tiếc ngơ những món đồ quý bố mẹ đã bán đi đổi lấy cơm gạo ngày thường. Anh quyết không bán món đồ cổ cuối cùng còn lại, mà xem đó là thứ duy nhất của hương hỏa ông bà phải gìn giữ.
    Anh được sự đồng tình hết mình của Hoàng Lan:
    - Anh làm thế là đúng. Nếu anh bán nó đi, vợ chồng mình rồi vẫn tay không của ăn núi lở. Hơn nữa, cái chậu sứ này càng để lâu càng quý...
    Hoàng Lan, người đẹp như tên, là con gái hoàng tộc triều Nguyễn. Nàng luôn có vẻ mặt u sầu và cách nói gợi nhớ lại một không khí quá vãng xa xưa, luôn nghĩ mình giống cái chậu sứ Cảnh Đức, lưu lạc từ cố đô Huế ra đất Bắc, có thể trở thành một món đồ trao tay qua bao người mua, kẻ bán, nếu chủ sở hữu không có lòng trân trọng.
    Ý nghĩ ấy ám ảnh nàng mỗi ngày mỗi giờ, không phải không có nguyên do.
    Đó là vào một ngày trời mưa. Mưa Huế tầm tã chẳng bút nào kể xiết. Cả nhà nàng, trong cơn mưa Huế không bao giờ dứt ấy, đã phải tan đàn xẻ nghé mỗi người một phương. Tất cả chỉ vì những cổ vật quý ông bà để lại. Trong một đêm, gia đình nàng bị kẻ trộm đào ngạch vào nhà, vơ vét từ những thứ to tát trên bàn thờ, trong kho sách, đến những thứ nhỏ nhặt như cái đê khâu, cuộn chỉ nàng vẫn thêu thùa. Những bộ sách không mang đi được, còn trên nền đất thì bị xé tả tơi. Nàng, bố mẹ và hai cô hầu gái ở với nàng từ tấm bé, mà nàng vẫn coi như chị em ruột, nhìn nhau, nước mắt ngắn dài. Nàng biết, mọi tai họa ấy đều là do người đàn ông mà tháng trước, nhân chuyến qua bến Ngự, thấy anh ta đang lê lết ăn xin giữa chợ, nàng thương tình mang về chăm sóc và cho đảm nhiệm việc trồng hoa trong phủ. Sau mấy ngày anh ta xin phép về quê, tai họa đã ập đến.
    Đã là tai họa do nàng gây ra, tất nàng phải gánh lấy trách nhiệm. Thế là, cũng trong một ngày mưa tím bầm trời đất, nàng khăn gói trốn nhà đi tìm người trồng hoa - người đàn ông tệ hại, người lạ đầu tiên hiện diện trong phủ nhà nàng.
    Tìm khắp chốn cùng trời chẳng thấy, Hoàng Lan suýt nữa đã trở thành kẻ đoản mệnh, ngất xỉu vì đói, khát, lạnh, ngay trên mảnh đất còm cõi trồng đào của nhà Thạnh, sau một thời gian dài lưu lạc. Và thế là hai người nên duyên.
    Cái mảnh đất se duyên cho người, nhưng không may mắn về đường làm ăn nên hai vợ chồng cày cục chăm chỉ lắm cũng chỉ đủ ngày hai bữa. Bàn tay nuột nà chỉ biết thêu thùa và làm thơ, vẽ tranh của Hoàng Lan đã chai sạn. Mặt nàng đã nhuốm mùi gió sương. Con gái đầu lòng đã gần một tuổi mà đến cái chái nhà dột ướt cả hai vợ chồng vẫn không sao dựng nổi. Cộng thêm nỗi nhớ thương bố mẹ và hai cô hầu gái không biết đang sinh sống ra sao, Hoàng Lan lúc nào cũng day dứt không yên.
    Đã mấy lần Thạnh định bán đi cái chậu sứ quý, để có tiền cho Hoàng Lan về quê, quà cáp cho gia đình, nhưng cô không đồng ý. Sau lễ đầy năm con gái, Hoàng Lan một mình tay trắng ra đi.
    Một tháng, hai tháng, cái hẹn Hoàng Lan để lại đã qua. Thật lâu, rồi Thạnh biết nàng không trở lại nữa. Vậy mà anh vẫn ngóng chờ. Như chờ một áng mây xuân tụ hội lâu dài. Như chờ một cánh đào nhạt không bao giờ rụng phai trước gió. Như chờ những gì anh đã không thể nào thực có hay nắm bắt được, ngoại trừ đứa con gái xinh như thiên thần không bao giờ khóc, đã bắt đầu biết lê la chơi đùa cùng đất cát, gio phân.
    Vậy mới có chuyện Thạnh trở lại những phiên chợ hoa cuối năm ở phố Hàng Lược, mỗi năm với một gốc đào quý, chỉ xuất hiện dễu dện mà không bao giờ bán. Bởi vì nơi đây, năm xưa, hai vợ chồng anh đã từng có những phiên chợ được mùa, và cả những canh chợ bị dồn đuổi vì không đủ tiền nộp thuế. Cũng đã có năm Hoàng Lan bụng chửa vượt mặt, nhịn đói suốt buổi chợ dài chờ khách hỏi mua đào phai, vẫn nhất định không chịu bán cái chậu sứ quý Cảnh Đức với bất kỳ giá nào. Và Thạnh, đã có lúc nghĩ vơ vẩn vì quá túng quẫn, xem cái chậu sứ như đồ ma ám, chỉ muốn đập tan, vứt ra bãi. Quý hay không, chung quy cũng chỉ là một cái chậu sứ. Một cái chậu sứ vô hồn chỉ khiến người ta thèm muốn lời ra tiếng vào mà không mang lại cái ăn cái mặc cho vợ con, thì để làm gì.
    Thạnh không sao hiểu được tâm tư của Hoàng Lan, những ám ảnh thời vàng son xa xưa thì có liên quan gì đến vật quý của tổ tiên gia đình anh mà nàng ra công gìn giữ, nhất là giữa lúc cái ăn cái mặc còn chưa đủ. Nhưng vì tôn trọng vợ, anh đã giữ nó lại. Rồi anh không còn ý định bán nó nữa, kể từ lúc vắng bóng Hoàng Lan.
    Bây giờ không còn nhiều người biết trọng giá trị của cổ vật quý như ngày trước. Hầu hết khách hàng dừng lại tấm tắc hỏi mua gốc đào phai, thế đẹp của Thạnh đều đánh giá gốc đào rất cao, nhưng không mấy ai chú ý đến cái chậu Cảnh Đức. Một vài người biết, cũng không tin đó là của thật. Chẳng ai điên đi trồng đào trong một món đồ cổ có giá trị ngang một gia tài. Thạnh chỉ cười, lặng lẽ hết ngắm cây đào, chậu sứ quý, đến đứa con gái nhỏ xúng xính trong bộ áo quần lụa là rực rỡ.
    Có bao nhiêu gia tài, anh đã mang ra hết để trưng bày dọc phố, để thu hút mọi ánh nhìn.
    Hoàng Lan ơi, em ở đâu mà anh không thấy?
    Khi mọi ánh đèn nhấp nháy trên những hàng đào phố chợ đã tắt, chỉ còn lạnh lẽo ánh sáng trắng của đèn đường cao áp giữa một rừng đào im lìm ngủ chờ đến buổi chợ mai, Thạnh thất thểu đẩy xe quay về. Trên xe vẫn còn nguyên gốc đào thế uy nghi ngự trị giữa cái chậu sứ quý. Nhon nhón đẩy đằng sau xe là đứa con gái, vẫn tươi như hoa sau một ngày phơi mặt ở phố, mỗi bước đi của nó rập rờn như một cánh mai đậu xuống. Thạnh không còn nghĩ đến buổi chợ ngày mai, anh đang phải tính toán để tìm một món ăn vừa với khoản tiền nhỏ trong túi, chỉ mong ấm lòng con gái.
    Cả hai bố con đều không biết, dõi theo cái xe cót két và tiếng guốc gỗ hồn nhiên loẹt quẹt trên đường phố buổi tối cuối năm ấy, có bóng một người đàn bà vấn tóc, mặt buồn phảng phất.
    Người đàn bà ấy đứng ở đằng xa tít, nhưng toàn thể hình bóng của chị cứ lung linh chuyển động theo tiếng xe cót két của hai bố con đang dần dần rời phố, lung linh điệp mãi vào ánh sứ trắng muốt Cảnh Đức.
    Có lúc, cái bóng ấy hiện lên chấp chới, lặn tắt giữa những khoảng hoa văn trên chậu sứ, có lúc, màu hồng đào từ bộ áo quần chị mặc lại nghiêng đổ chìm cả vào bóng của cây đào thế đang ấp ủ những nụ hồng phai, sống động như một bông hoa đào khổng lồ được vẽ nên bởi bóng tối và khoảng sáng. Lung linh, chấp chới và lặn tắt, rồi lại lung linh từng phút, từng phút một...
    Nhưng Thạnh và con gái đã không hề ngoảnh lại. Đường về Nhật Tân thì vẫn còn xa...

Lê Mỹ Ý 
 

 





Album Quê Hương (Cẩm Ly - Quốc Đại)



NHÀ DƯỚI GIÓ
Từ ngày về sống với cái xóm nhà lá, đầy ắp tiếng chim hót, tiếng chó sủa và cả tiếng lá vàng xào xạc rơi.. Tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng. Vốn là một nhà giáo lại được sinh ra trong gia đình Nho phong tại cái xứ miền Trung đầy những nghi thức, tục lệ và cả những nét văn hóa tiến bộ… Tôi tự cho mình là người phải giữ bản sắc ấy để giúp cho con cháu mình hiểu và sống cho có ý nghĩa, cái cốt lõi là làm người. Tôi nghỉ dạy khi cơ chế thay đổi và có những bất đồng giữa những người lãnh đạo với nhau. Tôi cảm thấy bực bội khi phải đối mặt với những người mất hẳn tình nghĩa. Cũng có thể do lòng tôi chưa cảm hóa được họ, nên tự rút lui như an phận, để tự tu thân cho mình. Phải chăng tuổi tác, đã làm tôi thay đổi và không còn thích nghi với lối sống bon chen, đầy vị kỹ, kể cả những điều thực dụng… Không cần phải tranh chấp, cố vị và cũng không cảm thấy yếu hèn khi tự mình xin nghỉ. Mà tự nhủ lòng – Con người vốn hơn con vật khác là cái tâm chân chính, chứ mọi sinh vật sinh ra trên trái đất này đều thích sống, sợ chết , cũng đều có những bản năng riêng và sự sống còn như nhau …
Trong không khí thanh bình của một vùng quê. Tôi tự tạo cho mình một khu vườn hợp với tâm hồn … như cây cảnh, non bộ, chim lồng, cá chậu… Cũng hàng rào bằng cây chè tàu, cắt tỉa thẳng tắp và đặc biệt là cây rơm ấp ủ bên hè. Tôi cũng không biết phải xử dụng nó làm gì! Hay cái nếp sống của cha mẹ, đã ghi vào tiềm thức mà thành thói quen chăng ? Chỉ thỉnh thoảng những buổi chiều mát, tôi tư lự ngồi nhìn đàn gà lấy mỏ và chân bới, tìm kiếm thóc và côn trùng trong cái đống rơm ấy mà ăn… Lòng tôi cảm thấy rạt rào tình quê hương… Tôi cũng cảm thấy vui vui khi người hàng xóm sang xin một ôm để lót ổ gà, người khác một bó khi trời lạnh lót ổ cho heo nằm… Riêng tôi thích khi mùa mưa rét, đàn gà con chui rúc vào đó vừa tránh mưa gió vừa kiếm ăn… Tiếng kêu chiêm chiếp thật ấm tai. Đụn rơm là mái ấm cho những con vật nhỏ bé đó. Nhiều người trách tôi sao lại xây cây rơm làm gì, khi trong nhà xài bếp ga, bếp điện … Tôi cười vui vẻ - Thì phòng khi điện, ga không có … Rơm cũng nấu được cơm, canh! Mà nó có đòi ăn đòi bú gì cho cam! – Cây rơm đứng sững giữa mùa mưa, nắng như chiếc nấm, lâu lâu bốc hơi vào buổi sáng, nếu chiều hôm trước mưa. Nó chỉ ban phát chứ có lấy lại của ai thứ gì bao giờ?! Ý tưởng ấy nhiều người cho tôi là kỳ quặc. Nhưng tôi chẳng cần tranh luận làm gì, việc mình thích thì mình làm, có mắc mớ đến ai đâu ?
Vợ tôi vốn người cùng quê, cũng chắt chiu dành dụm từng đồng bạc, hạt thóc… Để lo cho mấy đứa con ăn học… Tấm lòng chất phác, thương chồng, yêu con. Dù cha mẹ làm nông, nhưng vợ tôi chẳng biết một tí gì về đồng áng. Thất thời, lỡ vận… Chỉ bền bĩ theo chồng. Ngày hai buổi cơm nước, giặt giủ và chăm sóc cho chồng con … Khi vừa đến cái xóm này, mọi người cứ thắc mắc – Sao chị không đi đâu cả? Chỉ lẳng lặng xong công việc, vào xem Tivi, rồi đi ngủ… Sáng hôm sau, lại bắt đầu công việc như mọi ngày nên chẳng làm mất lòng ai. Nàng không góp ý kiến cho chồng con, vì nàng thất học nên mang mặc cảm thua thiệt. Dại khôn cũng chẳng cần. Cứ lầm lũi như con ong !
Ngày qua tháng lại… Gia đình tôi đã sống với cái xóm nhà lá này hơn mười năm. Tình làng nghĩa xóm đầy ắp … Thế rồi, căn nhà bên cạnh, ông già qua đời…Cậu con trai cưới vợ. Cuộc sống mỗi mỗi thế hệ, tuổi tác khác nhau. Trước đây, ông cụ còn sống, mỗi lời nói, mỗi hành động đều đầy ắp nghĩa tình. Từ củ khoai, trái bắp luộc cũng qua lại hai nhà… Nay cậu con trai làm ăn khá hơn, sắm được Honda, cưới vợ xong cậu ta bỏ cả cuốc cày, hằng ngày rong ruỗi trên con ngựa sắt chở người, gặp gì chở nấy miễn có tiền là được. Trong bối cảnh xã hội nhiều thành phần ấy. Cậu tiêm nhiểm nhiều thói hư tật xấu. Là người hàng xóm, có quá trình gắn bó với nhau, nhưng mỗi người mỗi lối sống riêng. Sau những lần khuyên giải chân tình trong các buổi giổ chạp, họp mặt… không được! Tôi đành chặc lưỡi lắc đầu – Nói nhiều, chắc gì đã nghe, có khi còn oán hận thêm!
Căn nhà bên cạnh… Thì cuộc sống trầm mặc. Hằng ngày vào rẫy cà phê từ sáng sớm, tối mịt mới về. Các đứa con và người vợ, còn chạy qua chạy về, trao đổi đôi điều. Người chồng thì tuyệt nhiên, họa hoằng trong các buổi giổ chạp, có khi còn từ chối. Cái mặc cảm giữa đời thường… Tôi cố gắng thật nhiều mà cũng không lay chuyển được- Gia đình tôi thì dồn hết của cải cho con ăn học, mặc dầu thiếu thốn, nhưng vẫn cam lòng! Còn nhà bên, thì quan niệm sống là gắng sức vào nương rẫy, kiếm được nhiều tiền để dành tậu thêm vườn tược, tiện nghi gia đình … Nhiều khi lời qua tiếng lại với vợ con…- Theo chiều gió- Tôi nghe như rót vào tai – Học hành làm quái gì, có tiền có tất cả! Mọi việc đều tốt đẹp, trắng đen đều có thể đổi được. Cú lấy đồng tiền làm chuẩn mực để đo lường cuộc sống, phải – trái… kể cả thay đổi những điều tồi tệ nhất!
Nhà có hai người con gái đẹp, nhưng chỉ cho con học hết cấp 2, là ở nhà phụ việc nương rẫy với cha mẹ. Giá mà, hai cô gái …- Chị mười tám, em mười sáu, đều được học hành đến nơi đến chốn thì không thiếu gì những cậu con tai thành thị, nhà giàu có địa vị hoặc ít nhất những nhà có điều kiện rước về làm con dâu… Đó là điều thiệt thòi vì môi trường sống của gia đình các cô … Ngày thức dậy sớm, theo cha vào rẫy, tối về nhà. Sự quan hệ bạn bè, trai gái cùng lứa tuổi, đều bị hạn chế trong khuôn khổ người cùng hoàn cảnh hơn là tiếp cận với những người có học vấn cao, kiến thức rộng …

Mùa nắng đã gần qua, cái xứ bụi mù, đất đỏ làm loét cả mi mắt. . Trong khu vườn bên cạnh, những cây gạo trồng cho tiêu leo đã rụng hết lá. Một ngày, tôi phát hiện có một túm bông của cây gạo nở lập lòe giữa bầu trời xanh, trong vắt. Đóa hoa đỏ, cánh dài tuyệt đẹp, trên cành cây như gãy khúc, trụi lá. Lòng tôi lại rộn lên những kỷ niệm của thời trai trẻ …
Vốn là sinh viên, con nhà nghèo ở huyện xa. Tôi lên tỉnh học. Cái ước nguyện duy nhất là cố gắng học thành tài, sau này ra trường, làm được một ngành nào đó, giúp ích cho xã hội và niềm hạnh phúc lớn nhất là đáp lại ân tình của người cha già, bệnh tật. Ông đã sống vậy nuôi con, khi tôi vừa tròn hai tuổi, mẹ tôi bị tai nạn xe hơi qua đời. Những ngày tháng bên ông, tôi mới cảm nhận được tình phụ tử cao cả như núi Thái Sơn ấy. Ý niệm tiến thân cứ thôi thúc và lớn dần trong tâm hồn một sinh viên tự bương chải với đời để kiếm tiền ăn học.Những năm còn mài đủng quần ở ghế sinh viên, tôi không ngần ngại đi dạy kèm , bán phụ hàng. Kể cả vá xe đạp trong thời gian nghỉ hè…Cho nên sự quan hệ bạn bè trai gái không làm tôi sốt sắng lắm… Tôi tự nhủ lòng – Mình con nhà nghèo, ba thì bệnh tật dễ gì kiếm được một cô gái tử tế ở thành thị về làm dâu,. Cái mặc cảm không làm sao dứt ra khỏi hồn của con người trầm mặc, sống nhiều với nội tâm…
Một buổi sáng… Lên thư viện để tìm đọc lại các giáo trình để làm luận văn cuối năm học. Khi bước vào phòng thư viện, tôi nhìn quanh chẳng còn chổ trống nào, định cầm sách ra trước hiên ngồi đọc thì văng vẳng có tiếng gọi :
- Anh Huy! Có ghế anh đây !
Tôi nhìn về phía ấy, kịp nhận ra cô bé có mái tóc thề xõa, che nửa vầng trán. Một thoáng ngại ngùng, nhưng tôi lấy lại bình tĩnh – Thì cứ ngồi đọc, mắc mớ gì, cô ấy gọi chứ mình có xin đâu mà nhút nhát vậy, không chừng người ta lại cho mình là thiếu lịch sự cũng nên! Tôi đưa tay vuốt lại mái tóc ( Một cử chỉ thường làm khi quyết định một điều gì đó) Tôi đến… cô gái lấy chiếc cặp đặt lên bàn rồi dành ghế cho tôi.
- Cảm ơn bạn! Xin lỗi, cho mình biết tên đi!
- Em là Ân, khoa Anh năm hai!
- Chào Ân, thế là bạn sau mình hai năm!
- Vâng!
- Bạn đi một mình sao lại ngồi hai ghế?
Ân cười tĩnh bơ :
- Anh đi trước Ân hai năm mà trông như mới vào đây lần đầu!
- Có nghĩa …
- Choáng ghế ! Có ai đến thì nói bạn Ân đi ra ngoài một chút, hoặc đi đâu đó chẳng hạn. Còn nếu như… Để loại trừ ai không hợp nhãn với mình hoặc những người quấy rầy mình!
- Có thể gọi Ân là gì nhỉ ?
- Gì cũng được, miễn là người ngồi bên cạnh phải là người có cảm tình!
- Thế mình có được diễm phúc ấy ?
- Anh tự hiểu vậy ! Nhưng Ân đoán không lầm …
- Ân đoán thử xem có đúng không nào ?
- Anh khô khan và ích kỷ !
Tôi nhìn thẳng vào mắt Ân rồi cười.
- Sao mới gặp nhau mà nặng lời đến vậy ?
- Anh vô tình thì mới gọi gặp nhau lần đầu, chứ ngày sinh nhật bé Loan ai tặng hoa cho Ân, khi Ân hát?
Tôi bỗng ngượng, mặt đỏ bừng. Phân bua :
- Xin lỗi Ân, hôm đó mình có uống chút men ! Sau đó mình cứ chúi mũi vào sách vở nên quên mất. Mong Ân thông cảm!
Rồi câu chuyện học hành, thi cử, sinh nhật nối tiếp nhau cho đến khi thư viện đóng cửa.
Hai đứa vừa ra khỏi cửa thì Ân chỉ lên cành gạo trước sân
- Hoa gạo nở tuyệt đẹp phải không anh?
Màu đỏ nổi bật trên bầu trời xanh, lóng lành dưới ánh nắng vàng của một ngày đẹp trời.
Tôi gật đầu, không nói thêm gì. Ngày qua tháng lại. Tôi nhận thấy giữa mình và Ân có một điều gì đó thật gần gủi, mặc dầu tình cờ cũng có và chủ ý cũng nhiều. Nhiều khi nhìn Ân vui đùa tôi chỉ cười, im lặng. Tôi sợ làm Ân khổ, tôi hiểu được lòng mình hơn ai hết – Khi thực sự yêu nhau thì đừng mong người ấy thuộc về mình! Như một nhà thơ đã viết – “ Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, mà hết vui khi đã vẹn câu thề!”
Nhiều khi tôi tự trách mình “ Tình yêu đâu có lỗi? Chỉ những tâm hồn ích kỷ mới hướng đến sự chia xa !” Ân mời tôi về nhà và giới thiệu với gia đình. Ba Ân là người quắc thước, bệ vệ như một quan lại ngày xưa. Áo dài đen, quần trắng, giày hạ. Mẹ Ân xinh đẹp và phúc hậu, nhưng rất chiều con… Anh trai Ân cũng là dân trí thức, kiến trắng, cà vạt. Nghe đâu anh ấy là Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, có xe hơi riêng. Nói chung nhà Ân thật đầy đủ tiện nghi. Nhà phố, nằm trên một con yên tĩnh có nhiều cây bóng mát, một biệt thự hạng sang…
Suốt buổi gặp gỡ. Tôi chỉ thu mình lại và khiêm tồn trả lời các câu hỏi của ông bà. Sau buổi đó. Tôi tự cảm thấy mình không nên đi sâu vào tình cảm của Ân. Vì những đêm dài trằn trọc trong ký túc xá tôi đã làm một bài toán so sánh :
- Ba Ân thì ăn nói nghiêm nghị, gia đình giàu sang…
- Ba mình thì bệnh tật, quê mùa, chân lấm tay bùn
- Ông ngồi trên ghế xa lông, bệ vệ như một quan tòa…
- Ba mình thì ốm yếu, lom khom như một phạm nhân
- Mẹ Ân thì thương con, đôn hậu
- Mẹ mình thì mất sớm…
Tôi đưa ra một hằng số chính xác. Gia đình mình nghèo làm sao Ân sống được khi một người đang ở trong bối cảnh giàu sang mà trở về nơi khốn khổ… Chắc gì sau này đã được hạnh phúc mặc dù tôi có đem hết quả tim đặt trọn vào tay Ân. Nỗi tự ti mặc cảm lớn dần… Sau lần tôi đến nhà xin phép cho Ân đi ăn kem… Tôi đã nói thật lòng mình cho Ân trong buổi tối hôm đó. Ân khóc thật sự, khi đưa Ân về với gia đình. Cả bờ vai áo tôi ướt đẫm. Tôi đi như kẻ vô hồn, về đến ký túc xá tôi nằm như cái xác… Từ đó, tôi bận học thi, làm luận án ra trường. Tôi gò mình trong phòng và không đi đâu cả. Nhiều khi thấy Ân đi qua lớp buồn buồn tôi xót xa vô hạn… Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng – Ân sẽ quên được, vì Ân đẹp có điều kiện để trở thành người vợ tốt với người cùng môn đăng hộ đối… Tôi xa dần Ân từ đó, nhưng trong tim tôi hình ảnh và đôi mắt Ân tôi không thể nào quên…
&
Ra trường… Tôi được phân bổ đi Tây nguyên. Tôi lo sợ rồi đây… Ba tôi phải sống như thế nào, một người bệnh tật, già yếu. Tôi xin đặc ân ở lại nhưng Sở không chấp nhận. Tôi chờ đợi, nhận quyết định xong tôi vẫn không làm sao để Ba tôi lại, lên đường. Cứ chần chờ mãi… Lên Tây nguyên chưa được bao lâu, ba tôi bệnh nặng, suy sụp… qua đời. Tôi về quê chịu tang… Nhờ vào bà con, tình làng nghĩa xóm, đám tang cũng tươm tất, tử tế. Chính trong đám tang này, tôi gặp Lành, người con gái nông thôn, đã nhiệt tình trong việc bếp núc, cổ bàn cho người đến dự đám ma. Nàng cũng là em gái người bạn học cũ hồi còn Tiểu học. Từ ấn tượng ấy tôi yêu Lành và hy vọng sau này có thể xây dựng gia đình. Lành cũng chất phác, có duyên và rất hay cười nên nhiều khi tôi cảm thấy dễ chịu khi ở bên nàng. Trái lại tôi nghiêm nghị, ít nói. Quen nhau, tôi đi dạy xa, chỉ viết thư cho nàng. Hơn hai năm sau… Tôi về mãn tang và trong dịp này xin cưới nàng, không xe hoa, không lễ cưới linh đình, chỉ mâm cau trầu, rượu, hai họ ngồi lại, chấp nhận. Thế là Lành trở thành vợ tôi. Hai vợ chồng lên lập nghiệp tại Tây nguyên. Thấy hoàn cảnh vợ chồng tôi, nhà trường xin địa phương cấp cho một mãnh đất đất sau trường để làm nhà. Với căn nhà gỗ nhỏ mà nhà trường đã tạm ứng mua vật liệu. Hằng ngày tôi đi dạy, Lành ở nhà với mảnh vườn nhỏ, cơm nước và nuôi ít gà. Cuộc sống ấm êm, hạnh phúc, một đứa con trai ra đời trong niềm vui sướng của đôi vợ chồng trẻ…Sau ba năm tôi lại có đứa bé gái thứ hai… Ngày tháng như tên bay!

Thấm thoắt, Hiếu ( Tên con trai ) đã vào Đại học còn Loan , đang học Phổ thông Trung học. Từ trong cuộc sống vợ chồng cũng không ít lần tôi nhận xét… Lành là người tôt, giàu nghị lực, chỉ đảm trách là người nội trợ giỏi với chồng con. Nhưng người bạn đường thật sự để giúp cho chồng vươn lên thì Lành không làm được. Lành không dám đóng góp ý kiến với chồng những công việc quan trọng. Còn Ân thì có đủ lý luận, thẳng thắn góp ý. Nên trong tim tôi vẫn còn một chỗ cho Ân trú…
Mùa hè đã đến… Những tiếng ve rộn rã trong khu vườn đầy bóng cây râm mát. Hiếu về nghỉ hè với gia đình. Sự tháo vát đã hiện ra trong ý nghĩ của nó.
- Ba à! Vườn nhà mình quá nhiều cỏ, ngày mai con dọn dẹp và nhất là tỉa bớt các lá tiêu, chống quang hợp, chứ Ba để rậm rạp quá, quả ra cũng không đậu bao nhiêu cả!
- Ừa! mỗi lần Ba trèo lên thang để hái hay làm gì đó thì Ba cảm thấy chóng mặt
- Vâng, Ba tuổi đã cao là thế đấy! Để mai con làm cho!
Thế là ngày nào Hiếu cũng ra vườn. Một buổi chiều, tôi đi thăm người bạn về thì bắt gặp Hiếu đang chuyện trò vui vẻ với Tâm ( Con gái lớn của ông Hòa- nhà bên cạnh). Sau những lần gặp gỡ… Từ những cử chỉ, ánh mắt. như thế . Tôi đoán được rằng, hai đứa đang đi tìm một con đường chung nhất . Tôi nói riêng với vợ tôi vào một buổi tối :
- Em à! Hình như thằng Hiếu nhà mình đang tìm hiểu con Tâm đấy!
- Sao anh biết ?
- Anh bắt gặp chúng đang có những cử chỉ thân thiện !
- Nó lớn rồi, cũng cần có những vấn đề tình cảm để động viên nhau !
- Cũng có thể như anh, sau khi sống ở thành phố rồi trở về tìm một đóa hoa đồng nội đó chăng?
Vợ tôi cười một cách đôn hậu :
- Miễn sao sống thật chân tình và đạo đức!
- Như em đấy à ?
Tôi ôm Lành vào lòng như hồi mới cưới và đặt một nụ hôn lên tóc nàng…
Từ đó, tôi không còn để ý chúng nói năng, hẹn hò điều gì nữa. Thỉnh thoảng Hiếu lại xin phép đi chơi. Mỗi lần như vậy nó lại bồn chồn, soi gương, chải tóc, quần áo chỉnh tề… hơn.
Mùa hè qua đi … Hiếu trở lại trường. Trước ngày đi nó xin phép được tổ chức một buổi liên hoan. Vợ chồng tôi đồng ý ( Với ý ngầm xem nó mời những ai).Và, đúng như dự đoán… Hôm đó Tâm mặc chiếc áo pul quần jean xanh. Trông cô ta trội hẵn trong đám bạn bè đến dự…
Hiếu đi học, nhưng lại về nhà vào chiều thứ bảy, khác hẵn những năm trước, khi về khi ở lại. Vườn tược nhà cửa có nó về thì sạch sẽ, tươm tất hơn. Tuy nhiên tôi cũng nhắc khéo con :
- Con gắng học hành tốt, để Ba Me nở mặt nở mày với thiên hạ, dù chi đi nữa Ba cũng là thầy giáo. Đừng để người đời đánh giá không hay !
- Vâng! Con vẫn học thường đấy chứ !
- Còn giữa con và Tâm thì sao ?
- Chúng con quen nhau bằng tình bạn chân tình chứ có sao đâu !
- Thật thế thôi sao con?
Nó cười và lãng tránh câu hỏi của tôi. Thời gian sau. Căn nhà bên cạnh có nhiều người thường lui tới hơn, thanh niên có và người lớn tuổi cũng đến chơi.
Một buổi chiều… Tôi nghe tiếng quát tháo giận dữ của ông Hòa
- Mầy chọn lựa cái gì ? Con người ta biết làm ăn, nương rẫy cà phê tươm tất, tương lai ở đó chứ đâu!
Vẫn nghe tiếng khóc ấm ức …
- Mầy nghĩ lại coi, đời cha sao thì đời con cũng vậy, một ông giáo quèn thì cuộc sống như thế nào (?) Trong khi bác Hai lại thân thiết với gia đình. Người ta cũng có xe cộ, nhà cửa bề thế, lỡ sau này sa cơ thì cũng có miếng đất cắm dùi để mầy sống !
Nghỉ một lát, tiếng gió lại vọng lẫn tiếng khóc
- Đừng mơ tưởng viễn vông nữa ! Tao nói thì phải nghe. Nó học ít mà chắc chắn có của ăn của để, dân làm nông tuy chân lấm tay bùn, nhưng không nghĩ già nghĩ non. Như vậy sau này con không phải khổ tâm. Còn thằng Hiếu dù học cao nhưng sau này ra trường chắc gì có việc làm, thời buổi này… muốn đi làm phải có tiền chứ phải dễ dàng gì. Mà nó có đi làm thì cũng vào mấy cái huyện chó ăn đá, gà ăn muối, chứ dễ gì về được gần nhà ! Cha mẹ nào cũng mong cho con sung sướng, con ở xa gia đình, nghèo khổ cha mẹ thêm lo!
Những lời nói cuả ông Hòa cứ xoáy vào tai tôi theo chiều gió. Đầu tôi nặng trĩu, mắt lơ đểnh nhìn lên trần nhà, con nhện cứ mãi miết giăng tơ … Hơi thở từ lồng ngực không nén được bật ra thật mạnh. Tôi thương Hiếu như thương chính mình. Một ý nghĩ len vào hồn tôi. Bật khỏi ghế ngồi và buột miệng – Ông ấy nói đúng! …
Hai tháng sau …Đám hỏi, được tổ chức, mặc dầu có lời qua tiếng lại trong gia đình ông Hòa. Tôi chẳng để tâm… Hằng ngày chăm chú đọc sách và chăm sóc các giò lan. Hiếu thưa với Ba me là nó học nhiều, nên xin về nhà ít hơn. Mỗi lần thấy nét mặt đăm chiêu của Hiếu, tôi không thể nào tránh khỏi xót xa. Tôi khuyên con – Phần số là vậy… Hiếu chỉ lãng tránh không nói điều gì.
Một buổi sáng, vọng theo tiếng gió tôi nghe tiếng quát tháo của ông Hòa :

- Thật là bất hiếu, nó làm nhục gia đình… Làm sao ăn nói với người ta đây hỡi trời ?
Xen lẫn trong những tiêng quát tháo, giận dữ ấy, những lời ôn tồn của bà Hòa chen vào:
- Con dại cái mang, thì chúng ta sang nhà bác Hai thưa chuyện, rồi đưa lá thư cho bác xem… Nó bất hiếu là có, nhưng nó làm gì nhục nhã đâu? Con Tâm nó đi tu thì cũng một phần lỗi của chúng ta, làm cha mẹ mà không hiểu được nó!
Những tiêng loảng xoảng trong nhà lại vang lên .
- Tại bà làm mẹ mà không khuyên bảo được nó. Nó hư là tại bà cả !
Tiếng khóc ấm ức hòa theo chiều gió…
Ngoài trời lác đác vài giò lan đã khoe sắc. Bầu trời xanh bạc… Làn hương nhè nhẹ len vào hồn tôi.

Dzạ Lữ Kiều


Hoa đào trước ngõ

Ai đi xa về làng Quế vào dịp tết cũng phải trầm trồ trước hai cây đào bên ngõ nhà ông Tân nằm ngay đầu làng. 

'Hoa đào trước ngõ' - Truyện ngắn của Hoàng Hiền - ảnh 1

Hai cây đào phai chiết cành từ đào rừng Tây Bắc, người con trai cả đã kỳ công mang về cách đây gần chục năm, giống đào cánh kép sắc hồng mơ năm nào cũng ra hoa thật sớm trước tết và qua tết thật lâu mới chịu tàn. Nhiều người bảo, cứ thấy hoa đào trước ngõ ông Tân là thấy tết.

Nhà ông Tân có ba người con, con trai cả thì làm kỹ sư giống cây trồng tận Sơn La, gần bốn mươi tuổi đầu mà chưa chịu vợ con gì cả. Hai đứa con gái, người thì làm kế toán tận Hải Phòng, người theo chồng vào Nam làm xí nghiệp. Thành ra ngôi nhà hai tầng ông bà Tân cố công dành dụm xây cất, đi ra đi vào lụm cụm chỉ có hai bóng dáng già nua.

Nhà ấy xưa kia chỉ là một thẻo đất ven đầm thắt hậu xấu dáng, ngôi nhà ngói và chái bếp vẫn rúm ró mỗi mùa mưa rét, mấy chục năm hai ông bà làm đậu có bao nhiêu xỉ than đều đổ xuống ven bờ nước, cứ có tiền là ông Tân lại mua mấy chục xe đất, nhà nào trong làng dỡ nhà để xây mới ông đều cặm cụi kéo xe bò đi xin xà bần... Đất vườn bây giờ rộng mênh mông, ven đầm trồng đầy vải nhãn. Mùa xuân hàng nhót chín đỏ mọng ven con mương ông dẫn nước từ đầm vào cứ sai lúc lỉu như hàng nghìn cái đèn lồng ngũ sắc. Mùa hạ vải nhãn trĩu cành chấm cả xuống nước, thu sang bưởi na cam vàng ươm trong gió heo may... Vậy mà mấy người con chỉ trở về vào dịp cuối đông, tháng củ mật đêm không trăng đen như mực, ở dăm ba ngày tết rồi hối hả lên đường. Cô em út còn than thở rằng dành dụm quanh năm về ăn tết xong là rỗng túi. Lần nào đi, cô út cũng ao ước giá mà bê đất bưng vườn ra phố được. Ôi con với cái, cứ như những đàn chim, chúng chỉ chịu ở trong lòng mẹ cha khi da còn đỏ hỏn, khi đôi chân chưa nhấc nổi mình cất cánh tìm mồi. Đứa nào cũng như nhau, đủ lông đủ cánh là vút lên trời xanh thẳm... Nghe ông Tân than vậy, bà bảo ông sao cứ cằn nhằn mãi, nếu có cùm chân chúng thì chúng sẽ nhảy loạn xạ như con sáo trong lồng. Nào có phải mỗi nhà mình thế đâu.

Làng bây giờ như trái bầu khô rỗng ruột. Tháng ba mồng mười làng mở hội không có gái trinh kín nước tế thần, đám khiêng kiệu tuyệt không có lấy một anh trai trẻ. Mục văn nghệ chỉ có người già hát múa, cũng áo dài hồng phấn thướt tha, môi son má ửng, nhưng những bàn tay múa nón đã cực nhọc dầm bao mùa mưa nắng cứng đơ đơ không sao tạo được làn sóng vỗ dạt dào. Vở Phạm Công Cúc Hoa không ai xem vì toàn ông già bà lão đã thuộc nằm lòng...

Mỗi lần gọi điện cho anh cả Phong, bà Tân đều thúc giục anh lấy vợ sinh cho bà thằng cu rồi để nó ở nhà cho ông bà trông, ra vào có đứa cháu tay bồng tay bế, rồi anh cả muốn đi đâu thì đi. Lần nào Phong cũng cười cười chống chế bảo con còn trẻ, lo gì. Lần nào bà cũng nói như hét vào ống nghe: Tổ cha anh, bằng tuổi anh có phúc thì đã làm ông nội ông ngoại rồi. Nghe mẹ la, Phong vội vã nói “con đang bận rồi” rồi cúp máy. Người mẹ ngồi thừ xuống cái phản gỗ, thở đánh sượt, tự càm ràm: Biết thế này ngày xưa bắt nó lấy vợ rồi mới cho đi làm.

Những ngày cuối năm, trời u ám như lão già bẳn tính, mưa phùn thối đất thối đường. Mấy con lợn nuôi trong chuồng lông dựng đứng vì giá rét, cả tháng rồi nhìn không phổng được tí nào. Cánh lái buôn ép giá, tính ra còn lỗ tiền cám tiền công nhưng ông bà không thể bỏ chuồng không. Phần vì làm việc quen tay, phần vì lúc nào cũng canh cánh trong đầu: nhỡ anh cả lấy vợ thì lợn sẵn đấy chỉ việc ngả ra thịt, gà sẵn đấy, vườn rộng tha hồ chăn không phải mua...

Mấy hôm nay ngày nào ông Tân cũng kéo xe bò đi thật sớm. Ông mang bao tải đến nhà máy xát gạo gom trấu về hun muỗi sưởi ấm cho bầy lợn, trấu bỏ gốc cam nhãn vải trong vườn, mưa phùn trấu nhanh hoai mục làm xốp lớp đất quanh năm cây cối xanh tươi. Những ngày cuối năm nhà máy xát lúa lúc nào cũng tất bật. Cả làng xát thóc nếp gói bánh đồ xôi, xát thóc tẻ đầy phi cho đầu năm gạo đầy ăm ắp, cho con cái sau tết đi xa có gạo đùm đề mang đi ăn dần.

Trấu đầy xe, đường thì trơn, xương cốt người già giòn như than hoa, ông Tân ngã. Chỉ bong gân thôi, cứ lá láng hơ lửa đắp lên, lá tre nấu lấy nước mà bóp, mấy hôm là đi lại bình thường. Nhưng nằm một chỗ không quen, ông bị cái trí nghĩ quẩn quanh hành hạ. Mấy mươi năm trôi nhanh quá, có lúc tưởng không bước qua được những khúc quanh nghiệt ngã của cuộc đời, thế mà cũng đã qua bao nhiêu cái tết. Khi đứng ở cuối con dốc cuộc đời, người ta hay hồi tưởng. Chuyện vui mau quên mà chuyện buồn cứ se sắt mãi trong lòng. Rút cuộc cũng đất vườn rộng thênh, con cái chưa phải lo thang thuốc, sổ tiết kiệm có chút vốn, túc tắc vừa làm vừa chơi. Lúc trẻ trai chỉ mong có thế mà bây giờ sinh thói hay nghĩ ngợi quẩn quanh, ông thấy mình ốm thật.

Bà Tân vướng cái chân sưng vù của ông mà không thể theo chị em ra quét tước vườn chùa, xem chừng tay chân cũng bứt rứt, cứ ra ngóng vào trông. Năm nào vào dịp cuối năm bà cũng ra phụ nhà chùa quét dọn, lau chùi phủ điện vừa để lấy lộc mát mẻ cho con cháu làm ăn, vừa chuyện vãn với chị em nơi xa nơi gần về quê ăn tết. Trẻ vui nhà, già vui chùa là vậy. Người già, chỉ mong một chữ “an”, dẫu không ưa gì những ngày nhàn nhạt, từ khi thức dậy đến lúc trùm chăn đi ngủ vẫn từng ấy việc quen thuộc. Họ chờ những đốm sáng vút lên, những điều làm bung lên trong trí nghĩ già nua những thứ vui tươi, sôi nổi, đấy là hạnh phúc của những đứa con. Mà chúng thì cứ như những cánh chim, cứ lớn lên là bươn bải...

Chiều đổ loang mặt nước bên vườn. Làng mấy hôm nay đông vui quá, những đứa trẻ đi học xa, những thanh niên trai tráng đã lục tục về làng. Chúng đi nổ bỏng nếp làm bánh lòng, chúng kéo nhau ra cầu bến rửa lá dong, lá chuối về gói bánh, chúng cười nói nô đùa bên cầu bến thật rộn ràng.

Bà Tân ngồi bẻ rễ thúng bèo tây vừa vớt được. Bà trông ra ngõ, lòng dạ nôn nao dẫu biết cả ba đứa chưa đứa nào lên xe để trở về.

Mấy ngày nằm yên một chỗ, ông Tân không kiên nhẫn được nữa. Cái đài cũ mang từ chiến trường về đã được ông lau chùi sạch bong, không thể sạch thêm được. Ông đã làm sạch từng khe kẽ bằng tất cả sự tỉ mẩn và sốt ruột của người ốm đau, để gạt đi cái suy nghĩ quẩn quanh tiếc nuối vì những điều từng khát khao nhưng lại khất lần khất lữa với những khát khao đó, cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện. Ông ngắm mảnh vườn qua hàng chấn song cửa sổ, đẩy mình lên một chút để ngắm hai cây đào ngoài ngõ nhưng mắt mờ rồi không thể thấy rõ chúng đã bung thêm bao nhiêu nụ, bao nhiêu hoa. Ông nổi cáu gọi thật to:

- Bà nó đâu rồi, nhanh cái chân vào đây tôi bảo.

Bà hớt hải chạy vào đã thấy ông ngồi dậy, ông bỗng cất giọng sang sảng bảo:

- Bà chưa lo tết nhất gì à?

- Ôi dào, nào ăn uống có là bao!

Bà chưa dứt lời thì ông gắt:

- Bà chuẩn bị cho tôi hai chục ống nếp, dăm ký đậu xanh, mua đủ lá dong, nổ sẵn hai ký bỏng ra đấy để tôi đóng bánh lòng. Mà thôi, bà ra gọi điện cho thằng cả bảo về ngay cho tôi, cứ nói tôi ốm nặng.

Bà nghe thế thì tái xanh mặt, tưởng ông đòi ăn dở, chân tay lóng ngóng bà run run bảo:

- Ông ơi, đã đến nỗi nào, chờ tôi đi thắp nén nhang.

Ông lại càng cáu lên:

- Ơ hay bà này lạ thật, tôi còn khỏe lắm, mấy cái tết rồi nhà mình không làm bánh lòng chả gói bánh chưng. Cả năm có cái tết, năm nay phải ăn tết thật to. Bánh trái ăn không hết thì để chúng nó về mang đi biếu anh em cơ quan lấy thảo. Tết là ăn hương vị tết, ăn không khí tết chứ có ai còn thèm thịt mỡ dưa hành. Nhỡ ra giời bắt tội sang năm chả ngồi mà gói bánh chơi hoa được nữa...

Bà hiểu ra, lần đầu thấy ông cáu mà bà lại tủm tỉm cười. Có tiếng chân con trẻ thình thịch chạy vào sân, chưa lên đến cửa nó đã liến thoắng nói một hơi:

- Ông ơi, bà ơi, bác Phong bác ấy về đến quán Tiến rồi kìa, lại còn dẫn theo một chị trẻ mà rất xinh nữa.

Ông bà còn chưa kịp hỏi gì thì nó đã chạy biến.

Bà Tân buột miệng: Cha bố anh cu Bon!

Rồi như chợt nhớ ra, bà vội đi vào buồng, lấy bộ pijama và cái áo khoác mới giục ông thay vội, khéo cả Phong nó dẫn người yêu về. Cái chân đau bỗng khỏe khác thường, ông vội vã đi ra ngõ, đúng là anh cả về đến đầu ngõ kia rồi. Đúng là anh có dẫn theo người yêu... Ông vội vã trở vào nhà, ngồi xuống ghế, rót chén trà rồi vừa cười vừa ngóng xuống bếp gọi vợ:

- Bà ơi, nhanh cái tay lên, tết về đến ngõ kia rồi.

Hơn bảy mươi tuổi đầu, ông lại thấy lòng mình nao nức lạ. Ông mỉm cười nhìn ra mấy quả bưởi vàng ươm đợi tết đung đưa theo gió. Trời đã tạnh, gió se se hong khô mảnh sân trước nhà. Cây đào bắt đầu bung thêm nhiều hoa, nhú thêm nhiều nụ. Cả đất trời như hân hoan trong bản đàn rạo rực, dịu dàng và ngây ngất trước thềm xuân. 

Hoàng Hiền