Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Tiếng chổi tre

Kỷ niệm lễ Vu Lan 2018

Mẹ Tôi

Tuyển Tập Các Ca Khúc Về Mẹ 

Mẹ ơi,
Canh khuya mẹ lặng lẽ,
Chiếc bóng với chổi tre...
Nuôi con bằng tuổi trẻ,
Nuôi con bao sắt se !

Mẹ kìm nén nỗi đau,
Vượt qua những u sầu.
Mong con ngày khôn lớn,
Thoả ước vọng mai sau...

Phương trời miên viễn xa xôi,
Mẹ còn tôi mất, trong đời chỉ tôi !
Canh khuya thanh vắng đâu rồi, 
Mẹ tôi vất vả nuôi tôi nên người..
NM
 
Tiếng chổi tre
Mặc cho mẹ quỳ lạy, van xin bố ở lại với mẹ con tôi. Bố cầm tay mẹ giật mạnh, mẹ ngã ngửa ra đằng sau. Bố quay lại liếc nhìn tôi một cái rồi xách vali đi một mạch ra ngõ. Cuối cùng mọi cố gắng của hai mẹ con đều vô vọng, bố vẫn quyết định đi theo người đàn bà mà bố đã qua lại mấy tháng qua...
***
Mấy tháng sau mẹ nhận được giấy gọi của tòa án đến giải quyết việc ly hôn do bố gửi đơn. Trời mùa đông lạnh giá, trước hôm mẹ và bố ra tòa mẹ cả đêm không ngủ. Dù biết trước sẽ không níu giữ được bố vậy mà mẹ vẫn khóc rất nhiều. Nằm bên cạnh giả vờ nhắm mắt nghe tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ lòng tôi đau như thắt. Lúc đó tôi rất muốn vùng dậy tìm đến người đàn ông mà tôi gọi bằng bố để níu kéo về với mẹ nhưng tôi lại không thể làm vậy vì mẹ. Mẹ đã dặn bố đã không còn yêu mẹ thì có sống với mẹ bố mẹ cũng sẽ không hạnh phúc, mẹ đã dặn dù bố có như thế nào thì cũng là người sinh ra con...Đèo tôi đến tòa án trên con đường đá gập ghềnh, ngược gió trong cái rét đầu đông. Mẹ gật đầu khi tòa hỏi mẹ lần cuối có đồng ý để bố mẹ ly hôn, mẹ không cần khoản trợ cấp nào của bố dành cho tôi, không nhận một tài sản chung nào của bố mẹ mà mấy năm qua mẹ vun đắp. Bước ra khỏi cánh cửa kia bố và mẹ sẽ là hai người xa lạ không còn ràng buộc nhau. Nhớ lại lúc bước qua tôi trong tòa án. Tôi đã nắm lấy tay bố kéo lại, bố quay lại nhìn tôi một lúc, rút tay ra và đi thẳng theo hướng người đàn bà đang chờ bên ngoài...
Mẹ về xin một mảnh đất nhỏ của ông bà ngoại dựng tạm mái nhà tranh để ở. Tôi dần lớn lên cần bao khoản chi phí cho học hành. Một mình mẹ làm công nhân lương không đủ cho tôi ăn học. Mẹ xin làm thêm buổi tối việc quét dọn đường phố. Hàng ngày sáng dậy sớm lo cho tôi ăn, đèo tôi đi học và đến công ty đi làm. Tối về mẹ lo cơm nước dặn dò tôi ở nhà cẩn thận rồi lại vội vàng trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi đến để kịp giao ca công việc lao công. Nhìn người mẹ càng ngày càng héo hắt lòng tôi như ngàn vạn lưỡi dao đâm. Tôi xin mẹ cho đi phụ mẹ vào cuối tuần được nghỉ học, ban đầu mẹ không đồng ý nhưng tôi cứ nì nèo nên mẹ đồng ý cho đôi đẩy xe phụ mẹ vào thứ 7 hàng tuần.
Đẩy xe rác đi đằng sau mẹ tôi mới ngộ ra nhiều điều đằng sau công việc của mẹ mà tôi chưa biết. Mọi người đi đường có vẻ khinh thường những người quét rác như mẹ. Khi đang lúi húi mấy anh thanh niên rú còi trêu mẹ làm mẹ giật thốt mình, có khi chỗ mẹ vừa dọn xong mấy người ngồi trong nhà quăng vù bịch rác ra. Nhiều lúc những người trên xe ô tô cầm những túi bẩn ném vào người mẹ...Mẹ vẫn bỏ qua tất cả để cố gắng kiếm tiền vì tôi. Chiếc xe dần nặng bánh như chính gánh nặng cuộc đời mẹ con tôi đang chầm chầm trôi qua mỗi ngày. Cứ cuối tuần tôi lại được nhìn hình bóng mẹ trong đêm với tiếng chổi nghe nặng nề trên đường phố. Ánh đèn điện hắt xuống khiến mẹ càng hiện rõ trong đêm. Cái rét mùa đông hay cái nắng nóng mùa hè cũng không làm mẹ nản chí. Cuộc sống hai mẹ con đỡ cơ cực hơn, nhưng bù lại mẹ nhìn gầy gò, xanh xao hơn trước.
Đợt này được nghỉ hè nên ngày nào tôi cũng được đẩy xe cùng mẹ. Đi qua công viên chợt thấy mẹ đứng khựng lại nhìn gì đó từ phía bên kia đường. Chạy lại gần mẹ tôi thấy bố cùng người đàn bà ấy đang cầm tay cho bé trai tập đi. Nhìn thấy nước mắt mẹ rơi còn sống mũi tôi cay cay. Không hiểu tại sao lúc đó tôi đã chạy sang bên đường, đứng trước mặt bố. Hai bố con tôi nhìn nhau như người xa lạ. Cuối xuống nhìn bé trai đang cầm tay bố lôi đi. Nhìn nó rồi nhìn tôi như hai người ở hai thế giới khác nhau. Nó được ăn mặc đẹp còn tôi đang khoác trên mình bộ quần áo lao động cũ kỹ, bẩn thỉu. Tôi chợt nhận ra vì sao bố bỏ mẹ con tôi đi theo người phụ nữ đó. Không nói câu nào tôi lùi dần, lùi dần và chạy sang nơi mẹ đang đợi. Mẹ ôm lấy tôi vuốt mái tóc dài rối bù của tôi trong bóng tối. Mẹ tiếp tục quét còn tôi quay lại đẩy chiếc xe đi. Tôi không biết bên kia đường bố có nhìn thấy mẹ con tôi không nhưng tôi nhận ta tiếng chổi của mẹ nghe không còn nhanh nhẹn như ban đầu mà nằng nặng. Nhận ra nỗi đau mà mẹ đang kìm nén để ngăn không cho dòng nước mắt chảy ra.
Hôm sau bố tìm đến mẹ con tôi. Bố đưa cho mẹ một chiếc phong bì không biết đựng bao nhiêu tiền trong đó nhưng tôi nghe bố nói với mẹ "cầm lấy mà lo cho con bé, đừng đi làm việc quét dọn nữa người khác nhìn thấy sẽ không hay...". Mẹ nói lại "Làm sao mà không hay, công việc đó có gì bất chính à. Hay anh xấu hổ khi biết mẹ con tôi làm nghề này...". Bố hung dữ ném phong bì xuống bàn định đi. Tôi chạy lại cầm chiếc phong bì chạy theo bố "ông cầm lấy đi, mấy năm qua không có ông mẹ con tôi vẫn sống tốt. Nếu ông cảm thấy xấu hổ vì có đứa con quét rác như tôi thì không cần nhận tôi là con. Từ bây giờ tôi cũng không nhận ông là bố là được rồi đúng không?". Bố tát tôi một cái rất mạnh cùng câu nói "con mất nết". Mẹ chạy ra ôm tôi vào lòng và đuổi bố về. Tay tôi vẫn nắm chặt chiếc phong bì tiền của bố, nước mắt tôi chảy dài và lòng tôi tan nát...
Dần dần cuộc sống của hai mẹ con ổn định hơn. Từ ngày đó mẹ không còn nhắc về bố trước mặt tôi. Tôi chỉ biết cố gắng học thật giỏi để làm mẹ vui, cũng từ ngày có cái tát đó bố không còn quay lại tìm mẹ con tôi. Mười năm sau tôi đậu đại học. Mẹ vẫn cùng chiếc chổi tre mỗi đêm cho tôi ăn học. Chọn một trường trong tỉnh để được gần mẹ. Mỗi lần ai hỏi tôi về mẹ tôi rất tự hào trả lời mẹ làm công nhân và lao công quét rác. Trên các con đường hình bóng mẹ con tôi vẫn in hằn trong đêm tối. Mẹ bây giờ không còn như trước. Khuôn mặt mẹ đã có nhiều nếp nhăn, làn da đen sạm, mái tóc đã điểm màu hoa râm. Nhưng với tôi mẹ vẫn là cả một tài sản quý báu mà tôi không thể đánh đổi lại bất kỳ tài sản quý giá nào?
Đã lâu vậy mà đôi khi thức giấc vẫn nghe tiếng nấc của mẹ trong đêm. Tôi đã rất hận bố vì đã phụ bạc lại tình yêu chung thủy mẹ dành cho bố. Hận bố chạy theo giàu sang mà bỏ rơi mẹ con tôi, hận bố vì trong suốt mười mấy năm qua bố không một lần đến thăm mẹ. Cuộc sống đã lâu tôi không còn quan niệm rằng mình có bố, tôi chỉ cần bàn tay mẹ nắm chặt tôi mỗi lúc ốm đau, mỗi kỳ thi khó khăn mà tôi gặp phải. Hôm nay tôi nhận học bổng toàn phần, mẹ mừng mà xin nghỉ hẳn một ngày dành cho tôi. Tôi chọn mua cho hai mẹ con bồ đồ thật đẹp, cầm tay mẹ đi qua những con đường dài mà công việc lao công của mẹ con tôi mỗi tối vẫn đi qua. Mẹ nắm chặt tay tôi như tôi vẫn còn non trẻ. Mẹ bảo mẹ hạnh phúc vì có tôi, mẹ tự hào về tôi, mẹ chỉ cần tôi bên cạnh là đủ. Ôm mẹ vào lòng tôi nhận ra thân hình của mẹ ngày càng nhỏ bé, da thịt mẹ đã vì tôi mà hao tổn quá nhiều. Đã nhiều lần tôi bảo mẹ nghỉ công việc lao công nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo cần tiền lo cho tương lai của tôi, rồi lúc tôi lấy chồng, lúc mẹ già nua không còn làm được gì nữa. Những lúc như vậy tôi chỉ biết ôm lấy mẹ mà khóc. Mẹ bảo bây giờ mẹ mà thiếu tiếng chổi tre mẹ sẽ rất buồn. Nó đã trở thành người bạn thân quen của mẹ...
Ngày tôi ra trường mẹ cầm bó hoa đến tận trường tặng tôi. Bạn bè ai cũng lại hỏi thăm mẹ, họ cảm phục mẹ cả đời con gái của mẹ đã hy sinh cho tôi. Đã có nhiều người đến với mẹ nhưng mẹ đều từ chối, mẹ bảo mẹ chỉ cần tôi là đủ. Xin vào một doanh nghiệp nước ngoài công việc cũng ổn định. Đã đến lúc mẹ cần nghỉ ngơi nhưng tính mẹ lo xa nên vẫn hàng đêm với chiếc chổi tre. Hôm đó là một ngày rét mướt mẹ bảo tôi ở nhà mẹ làm nốt hôm nay rồi nghỉ nên tôi không cần phụ mẹ. Tiếng điện thoại reo giọng một người đàn ông lạ nói mẹ bị tai nạn phải nhập viện. Không còn nghe thấy gì tôi lao như bay đến bệnh viện, trên người mẹ máu đỏ thấm ướt bộ quần áo lao công. Bác sĩ thấy tôi lắc đầu bảo tôi vào nói lời cuối với mẹ. Trời đất như sụp đổ. Tôi lao đến ôm mẹ mà khóc thảm thiết. Mẹ nặng nề lấy trong túi áo chùm chìa khóa tủ mẹ luôn mang bên mình. Giọng mẹ thì thào "Con hãy giữ lấy phòng thân, giao lại cái phong bì cho bố con và nói với ông ấy mẹ chưa bao giờ hận ông ấy cả...". Tiếng la của tôi dù có đến tận trời xanh thì mẹ vẫn rời xa tôi vĩnh viễn.
Đã một tuần mẹ bỏ tôi ra đi. Căn nhà nhỏ bây giờ mình tôi lẻ loi với cuộc sống. Mở chiếc hộp gỗ của mẹ đựng trong chiếc va li bằng sắt đã cũ. Phong bì cách đây gần mười lăm năm bố đưa cho mẹ con tôi chưa có vết bóc cùng chiếc sổ tiết kiệm của mẹ để lại cho tôi. Ôm những thứ đó vào lòng tôi như người chết lặng giữa dòng đời. Thì ra mẹ không hề sử dụng số tiền bố đưa cho hai mẹ con tôi. Mẹ đã cố gắng dùng tiền bằng mồ hôi xương máu của mẹ để nuôi lớn tôi ăn học thành người. Nước mắt thay nhau rơi xuống, chạy đến trước bàn thờ mẹ, tôi quỵ xuống chỉ biết khóc mà gọi hai tiếng "mẹ ơi...". Đêm khuya tĩnh lặng chỉ mình tôi với bóng tối, đêm nào tôi cũng mơ thấy hình bóng mẹ về bên cạnh. Mơ thấy mẹ hát đưa đôi vào giấc ngủ...
Hôm đó tròn một trăm ngày cho mẹ. Bố tôi đến thắp hương. Cũng đã gần mười lăm năm tôi chưa gặp bố. Tôi thấy bố đứng nhìn ảnh thờ mẹ hồi lâu rồi quay sang tôi "Con định thế nào? Con định sống một mình như thế này sao?". Tôi chỉ im lặng nhìn bố như một kẻ thù, tôi hận bố đã đẩy mẹ con tôi đến tình cảnh ngày hôm nay. Tôi im lặng trước bố. Cả buổi chiều đó bố ở lại cùng tôi nhưng một lời tôi cũng không thể nói ra với bố. Lúc bố ra về tôi đã gọi lại "khoan đã mẹ nhờ tôi gửi lại cái này cho ông. Mười lăm năm qua mẹ chưa hề bóc nó. Lúc đó mẹ cầm vì chỉ sợ có lúc mẹ cần đến để lo cho tôi, nhưng rất may tôi vẫn khỏe mạnh đến bây giờ. Số tiền này xin gửi lại cho ông...". Lúc đó tôi thấy bàn tay run run từ bố đưa ra nhận phong bì từ tôi. Bố muốn nói gì đó nhưng không thể nói nên lời. Bố quay đi. "Mẹ còn dặn tôi nói lại với ông rằng mẹ chưa bao giờ hận ông. Mẹ thật ngốc ngếch. Mẹ không hận ông, mẹ rất yêu ông. Tôi vẫn thường nghe thấy tiếng mẹ khóc nghẹn trong đêm vì ông. Còn tôi, tôi hận ông đến tận xương tủy. Tôi không thể tha thứ cho ông. Nhưng dù sao cũng cảm ơn ông vì đã đẩy mẹ con tôi vào tình cảnh này. Đẩy tôi thành đứa con gái không cha, không mẹ. Cảm ơn ông đã cho mẹ con tôi nghị lực sống đến ngày hôm nay..." Chẳng hiểu sao lúc đó tôi hét lên với bố dù rất muốn được chạy lại ôm bố làm điểm tựa cho nỗi đau lớn tôi vừa trải qua. Bố không quay lại, bố cúi đầu im lặng và bước đi loạng choạng trong bóng chiều tà.
Hôm nay là sinh nhật tôi. Mọi năm mẹ đều nghỉ một ngày làm dành cho tôi nhân ngày sinh nhật. Dù không có quà nhưng những bữa ăn ngon trong ngày tôi sinh ra làm tôi ấm áp. Một mình lang thang dọc con đường tôi nghe thấy tiếng chổi đêm của cô lao công đang dọn dẹp đường phố trước mặt. Hình ảnh mẹ cùng tiếng chổi tre vang vọng trong đêm hiện về trong tôi, nước mắt không thể kiềm chế mà rơi dọc con đường. Từ ngày mẹ mất đêm nào tôi cũng đi dọc những con phố để tìm lại hình bóng mẹ. Nỗi đau quá lớn làm tôi mất đi phương hướng trong cuộc sống. Bạn bè, đồng nghiệp động viên tôi nên kìm nén lại để lo cho tương lai phía trước. Nhưng tôi hàng đêm vẫn theo đuổi tiếng chổi đêm để được tìm lại hình dáng người mẹ mà cả đời tôi yêu mến, cảm phục...
Năm năm sau tôi có gia đình riêng với chồng và con gái gần một tuổi. Người chồng yêu thương hết mực và con gái ngoan hiền có lẽ chính là món quà mẹ ban tặng cho tôi. Hàng năm vào ngày sinh nhật tôi. Tôi không cần bánh sinh nhật, không cần thổi nến mà chỉ cần cùng nắm tay chồng và con đi dạo trên những con phố nơi tuổi thơ tôi từng gắn bó với tiếng chổi của mẹ....
Tiểu Mẫn
Sau mùa gặt
Chiều. Cánh đồng sau mùa gặt nồng nàn mùi rạ chín, thứ hương thơm dung dị của đất trời hay níu người ta nhớ về ký ức và nó đưa chị trở về những tháng ngày đã cũ. Những ngày tháng chộn rộn vui buồn mà giờ đây sẽ làm cho chị chợt cười, chợt khóc. Cảnh này đã trở thành quen thuộc, cứ sau một vụ mùa, người xóm Chùa lại thấy thấp thoáng dáng người đàn bà liêu xiêu vừa đi, vừa khóc, vừa dang tay hứng từng giọt nắng sót lại của một ngày. Tiếng hát đứt quãng từng hồi, vọng vào trong gió nghe như tiếng nấc của người đàn bà chịu nhiều nghịch cảnh.
Năm nay chị Hiền đã hơn 40 tuổi, thần trí lẩn thẩn, khi tỉnh khi điên. Chị thích người ta gọi mình bằng “chị”, con nít 5 - 6 tuổi thưa bằng “cô”, chị rầy liền: “Tao còn trẻ khô hà, chưa lấy chồng nữa mà gọi bằng cô gì?”, nhưng có khi chị đi theo đám nhỏ năn nỉ hoài xin chúng gọi mình một tiếng “má”. Đám con nít trong xóm, đứa nhỏ chưa biết thì sợ chị, đứa lớn thì thân với chị. Nhưng thân với chị nhất là sư Hạnh. Chị hay lại chùa tâm sự với sư Hạnh, lần nào nói chuyện với sư Hạnh chị cũng khóc. Còn nhớ, lần chị khóc với sư Hạnh nhiều nhất là lúc chị vừa bị người ta cướp đi đời con gái, rồi chàng trai chị yêu thương cũng vì chuyện ấy mà đem chuyện cưới xinh tính với người con gái khác ở thị thành.
Bữa nhà anh Thanh rộn ràng cười nói, hai họ rôm rả chúc mừng nhau mà lòng chị đau như ai cắt. Hôm ấy cũng là một ngày tháng Giêng tươi đẹp, từng vạt nắng trải vàng trên gốc rạ, cánh đồng sau mùa gặt bỗng vàng óng ánh. Sau mùa gặt, cánh đồng chợt rộng lớn mênh mông, làm chị giật mình thấy mình bé nhỏ, mỗi bước chân đi sao bỗng chơi vơi và lạc lõng. Cảnh chiều vẫn điềm nhiên như hôm qua anh Thanh còn nắm tay chị đi trong chiều nắng tắt. Vậy mà hôm nay, người con trai ấy lại bỏ chị trong lúc đời ngập tràn dâu bể.
Giọt nước mắt ròng ròng chảy miết rồi một ngày khô cạn. Chị về nhà trông lại vườn rau, rảnh rỗi thì lên chùa tưới vườn thuốc nam, quét sân, chăm mấy luống hoa hồng, hoa cúc... Có bữa chán quá không muốn làm gì, chị thui thủi ngồi lau tượng Phật. Nhưng tánh người cũng bắt đầu thay đổi, chị trở nên ít nói, ít cười. Nếu có cười thì cũng cười nhàn nhạt không rõ vui buồn. Thời gian chẳng biết là bao lâu, nhưng cũng chắc đủ làm người ta nguôi ngoai niềm thương nhớ. Còn anh Thanh, từ độ cưới vợ rồi về thành phố ở đến nay cũng đủ trở thành xa lạ với xóm Chùa. Nên bữa đó anh như khách lãng du đến chùa sư Hạnh thắp nhang cúng viếng và để có cái gọi là “tình cờ gặp lại người xưa”. Nhưng gặp làm gì khi đôi mắt năm xưa đâu còn men sóng sánh mà có chăng chỉ là một miền khô khan, ráo hoảnh. Chị đứng trước sân chùa ngay vạt cúc hoe vàng nhìn anh bằng ánh nhìn nửa thương, nửa trách. Trách anh sao lại bỏ chị khi giông bão cuộc đời xô chị ngã, lúc ấy chị cần lắm vòng tay nâng đỡ từ anh. Nhưng rồi chị nhận ra, có trách thì cũng nên trách số phận của mình, chớ trách người ta chi tội nghiệp. Rồi chị xách nón lá vô thưa: “Sư Hạnh, con về nghen!”. Chị quay lưng bỏ lại khoảng sân chùa đầy nắng và một người đàn ông lặng nhìn theo bóng chị khuất vào những rặng cây già. Một ánh nhìn gởi theo ngàn lời xin lỗi mà anh cho rằng mình nợ chị suốt đời. Đã có lúc anh hối hận bởi mình yếu đuối không vượt qua được những dư luận thấp hèn. Và khi nhìn lại đôi mắt người xưa, mới hay sâu thẳm lòng mình vẫn còn một niềm thương lắng đọng...
Người ta nói cuộc đời công bằng lắm, nếu lấy của mình đi thứ này sẽ trả lại cho mình một thứ khác. Rồi một ngày hạnh phúc lại mỉm cười với chị. Gần 40 tuổi, chị vỡ òa trong niềm vui làm mẹ khi sư Hạnh nhặt được thằng bé bị ai bỏ trước cổng chùa. Chị tíu tít xin sư Hạnh đem thằng nhỏ về nuôi. Chị thầm nghĩ, không biết ai một lần lầm lỡ hay có người bị hại đời con gái để rồi có một hình hài giữa cuộc đời mà không dám thừa nhận. Chị bồng thằng bé lên tay, lúc đó sư Hạnh thấy chị cười, nụ cười rạng rỡ trên đôi môi lâu ngày ít cười, ít nói.
Chị đặt thằng bé tên Khôi, người ta cười “cái thằng con lượm mà đặt chi cái tên đẹp, cũng đâu thay đổi được số phận nó. Sao không đặt thằng Lượm hay thằng Nhặt… cho rồi”, chị bảo “đặt mấy tên đó lớn lên con em buồn”. Khôi càng lớn càng có nhiều lời đồn đại khi nhìn thằng bé người ta chợt nhớ ra gương mặt hiền lành của chàng trai năm cũ nỡ bỏ người con gái giữa cuộc đời nhiều nghiệt ngã. Người ta bảo, người ta thấy một phụ nữ ăn mặc sang trọng, tay bế theo thằng bé đỏ hỏn hỏi thăm đường về chùa sư Hạnh. Khi người phụ nữ ấy trở ra và bước lên xe, người ta không nhìn thấy đứa bé đâu… Rồi người ta mới chực nhớ ra người phụ nữ đó là vợ anh Thanh. Nghe nói vợ chồng anh tan vỡ lâu rồi, anh buồn bỏ nhà đi làm ăn ở đâu biền biệt. Vợ anh cũng chẳng nghĩ tình, nên về xóm Chùa trả lại một đứa con để dễ bề thong dong cuộc sống mới.
Ai nói gì chị cũng lặng im nuôi thằng Khôi khôn lớn. 12 tuổi, bé Khôi lớn rồi nên cũng biết chuyện đời mình, đời má. Nhưng làm sao em biết hết nỗi quặn thắt suốt 12 năm má gạt bỏ bên tai bao lời đồn đại. Không cần biết ai đã bỏ rơi em, chỉ cần giữa cuộc đời mênh mông này, em có vòng tay che chở của má là đủ. Nhưng có lẽ, ở cái tuổi ngây ngô ấy, em luôn cần một thứ rõ ràng để hãnh diện rằng em có đủ đầy ba má, để xóa bỏ mặc cảm “em không phải đứa con lượm ở chùa”!.
Rồi một ngày, người dân xóm Chùa không ai nhìn thấy thằng Khôi nữa, chỉ thấy một bà mẹ hoang hoải tìm con. Nước mắt bà rơi vãi khắp vạt đồng. Lại một buổi chiều tháng Giêng sau mùa gặt, xóm Chùa nghe một tiếng khóc lúc thét gào, lúc kiệt cạn, tỉ tê vọng sau mái chùa sư Hạnh rồi chết lịm trong đêm. Tiếng gõ mõ của sư Hạnh đêm đêm buồn tao tác, mấy chiếc lá lìa cành chạm nhẹ lên mái ngói rong rêu tìm về với cội. Sương phủ trên mái chùa, rơi thành những giọt dài như nước mắt. Trách sao số phận vô tình để hạnh phúc đến rồi đi, chập chờn, mong manh, hư ảo…
CẨM THI
 Mẹ là Phật
Một đời dầu dãi gió mưa,
Một mình thân mẹ sớm trưa xế chiều,
Cuộc đời mẹ quá cô liêu,
Thân cò lặn lội sớm chiều nuôi con,
Dẫu rằng thân mẹ héo hon,
Suốt đời mẹ vẫn vì con, thương chồng
Tuổi già phận bạc long đong,
Đắng cay thân mẹ theo dòng đời trôi.
Mẹ là vị Phật trên đời,
Con nào có biết mẹ thời vẫn vui
NM

"Người mẹ"

        Đau đáu nhìn con lần nữa, bà quay ra. Lụi cụi bước được mấy bước, bà dừng ngoái lại. Cánh cửa nhà bà người con đã đóng sập. Bà chả thấy đứa con trai đâu, chỉ còn hằn hiện cánh tay nó chỉ thẳng ra cửa và vang bên tai bà tiếng gầm của nó... Người con trai sừng sộ sấn sổ bước tới trước mặt mẹ, chỉ thẳng tay ra cửa: -Tôi không chịu được bà nữa rồi. Bà cút ngay khỏi cái nhà này, cút ngay khỏi cái nhà này! C...ú...t !Bà mẹ lặng nhìn đứa con. Cái nhà này... cái nhà này... có phải của nó đâu? Của nó trong cái nhà này có chăng là cái nhau thai nó, đặt trong chiếc nồi đất chôn ở góc sân sau, bên gốc cây hồng xiêm kia, buổi tối bà đẻ ra nó cách đây đã 28 năm...
       Đêm đông năm ấy, bụng nhâm nhẩm đau, bà cảm thấy có lẽ đã chuyển dạ đẻ nhưng nghĩ nó báo động vậy thôi, dần dà rồi cũng phải đến sáng mai, nên bà còn cố bóc nốt rổ lạc bóc thuê để kịp trả gọn cho người ta trước ngày sinh nở. Bà sắp vượt cạn chỉ có một thân một mình. Khi bà có mang ba tháng, chồng bà bị một cơn đột quị qua đời. Càng thương nhớ chồng, bà càng ráng sức làm lụng, chăm chút cái thai, ngong ngóng đứa con. Cái nhà tranh vách đất rộng rãi mà tuềnh toàng lúc này, chỉ có mỗi thân bà và đứa con đang cựa mình trong bụng. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, trong lúc bụng dạ mỗi lúc một quặn đau hơn, bàn tay bà vẫn gắng xiết bóp cái kẹp tre cho những củ lạc khô cứng vỡ ra những nhân lạc... Đâu ngờ, đột nhiên bụng bà đau dữ dội như đang rách từng khúc ruột. Bà oằn oại bò quanh nhà rên la. Bác hàng xóm nghe động chạy sang, cập rập sửa soạn thu xếp giúp đưa bà đi nhà hộ sinh, nhưng không kịp. Bác đã tháo vát thay nhà hộ sinh làm tất cả mọi việc để thằng bé được cất tiếng chào đời.
        Từ ngày có thằng con, bà mau nguôi ngoai nỗi đau góa bụa. Niềm vui và hy vọng đời bà cứ lớn dần lên theo sự lớn lên của đứa con trai kháu khỉnh. Bà tần tảo quần quật làm lụng, hết phụ hồ lại trông trẻ, hết dọn lau nhà cửa cho các gia đình lại buôn thúng bán bưng, đêm đêm còn nhận làm thuê gia công vót mây, bóc lạc, dán hộp để nuôi con. Trọn mười năm, bà chắt bóp dành dụm mua được cái nhà của chính người chủ nhà cho vợ chồng bà thuê, rồi sau đấy lại xây được lên ba gian nhà cấp 4. Cái nhà cấp 4 mặt phố trên mảnh đất sáu chục mét vuông này bây giờ đáng bạc tỉ, lúc bà mua, nó chỉ là cái nhà tranh vách đất sơ sài xiêu vẹo nơi heo hút. Dưới mái nhà này bà đã tần tảo nuôi thằng con lớn khôn, trưởng thành, lo cưới vợ cho nó chu tất, đàng hoàng. Mấy năm rồi vợ chồng nó làm ăn sinh sống yên ổn trong cái nhà này. Tất cả, tất cả do bàn tay bà gây dựng. Cái nhà này... cái nhà này... có phải của nó đâu... Của nó trong cái nhà này có chăng là cái nhau thai nó, đặt trong chiếc nồi đất chôn ở góc sân sau, bên gốc cây hồng xiêm kia, buổi tối bà đẻ ra nó cách đây đã 28 năm rồi...
        Mặc dầu bà biết thằng con trai độc nhất của bà còn lắm dại dột nhưng suốt bấy nay nó luôn là niềm an ủi, niềm vui, niềm hy vọng và lẽ sống đời bà. Tiếng quát đuổi của nó sáng nay, bà không bất ngờ lắm mà bà vẫn đứng sựng như trời trồng, đôi mắt đờ dại nhìn con... Người con trai thấy bà chần chừ, lại một lần nữa trừng mắt, chỉ thẳng tay ra cửa gầm lên:- Bà cút ngay khỏi cái nhà này, cút ngay khỏi cái nhà này! C...ú..t !Bà mẹ biết, đến nước này thì không thể nấn ná được nữa rồi. Đăm đăm đau đáu ngước nhìn con, bao nhiêu nước mắt bà chảy cả vào trong, dồn tụ nơi trái tim bà:- Thôi thì mẹ đi...
        Đau đáu nhìn con lần nữa, bà quay ra. Lụi cụi bước được mấy bước, bà dừng ngoái lại. Cánh cửa nhà bà người con đã đóng sập. Bà chả thấy đứa con trai đâu, chỉ còn hằn hiện cánh tay nó chỉ thẳng ra cửa và vang bên tai bà tiếng gầm của nó... Chính cánh tay này đây, hồi nó hai ba tuổi cũng chỉ thẳng ra đường như thế đòi bà bế đi mua kem, bế ra xem rước đèn Trung thu, xem bắn pháo hoa đêm hội...
        Bà lụi cụi gầm mặt bước, bước... vô cảm, không biết đi đâu biết về đâu. Bà cứ đi, cứ đi, đến một lúc bà thấy xung quanh vắng vẻ, ngẩng lên bà nhận ra bên bà là một vườn hoa. Bà rẽ vào, rón rén ngồi xuống chiếc ghế đá, tựa lưng vào thành ghế nhìn trời nhìn đất, đầu óc luơ quơ trống rỗng.        
        Chiều xuống, bà định thần lại, thấy loáng thoáng những cặp vợ chồng đưa con dạo vườn hoa. Đứa được bế ẵm, đứa được công kênh, đứa thì dắt díu.
        Ờ, thằng con bà hồi bằng tuổi thằng bé này, đêm khuya bỗng sốt cao co giật, bà đã ôm nó trong lòng hốt hoảng chạy như ngựa vía đến bệnh viện cấp cứu...Ờ, thằng con bà hồi bằng tuổi thằng bé này, bà may cho nó chiếc quần kaki xanh, chiếc áo pôpơlin trắng, sắm cho nó cái cặp mới dán hình con thỏ để nó đi khai giảng năm học tiểu học đầu tiên. Nó mặc quần áo mới, đeo cặp sách hớn hở, tung tăng chạy ra chạy vào, gọi mẹ rối rít. Bà cho nó chiếc bánh dẻo, nó ăn ngon lành quá, miệng bà đến bây giờ vẫn còn thấy ngọt lừ...Ờ, thằng con bà hồi bằng tuổi thằng bé này, nô đùa bị ngã sai khớp, cổ chân sưng húp, ngày lại ngày bà cõng nó đến xin thầy lang nắn bóp, dán cao. Đôi bàn tay nó ôm cổ bà, cái má nó ấp bên má bà, đến bây giờ bà còn thấy mềm mại, ấm nóng...Ờ, thằng con bà hồi bằng tuổi thằng bé này...Ờ, thằng con bà hồi bằng tuổi thằng bé này...
         Bao nhiêu cặp bố mẹ bồng bế dắt díu con đi qua là bấy nhiêu lần bà nhớ về thằng con bà từ độ nó còn bé bỏng cho đến lúc nó lớn khôn.
        Đêm xuống. Vườn hoa vắng lạnh. Bà vẫn cứ ngồi như tượng hoài niệm về đứa con bà. Bỗng bà hoảng hồn, toát mồ hôi khi bà nhớ lại lời Phật dạy, tội lớn nhất đối với một con người là tội bất hiếu. Thằng con yêu thương nhất mực của bà rõ là mắc tội này rồi. Bà lại nghe nói, những đứa con can tội bất hiếu sẽ bị trừng phạt rất nặng nề. Kiếp này bị trừng phạt, kiếp sau vẫn còn bị trừng phạt nữa, có thể bị cả voi giày ngựa xé... Thằng con bà chắc chắn bị trừng phạt rồi. Trời ơi, bà trút hết tâm sức cho nó, những mong đời nó sung sướng thì rồi chả nhẽ nó chịu khốn khổ như thế a? Bà hãi hùng lo cho thằng con của bà quá! Nước mắt bà tuôn chảy xuống miệng chát mặn... Giờ này chắc nó ngủ rồi, hẳn nó chả biết mà lo cho cái thân nó sao bớt đi nỗi khốn khổ bị trừng phạt đâu. Mà đêm nay, không biết nó có nhớ vào giường ngủ không hay lại nằm xem truyền hình trên cái ghế xếp, rồi ngủ quên đi để cho muỗi nó bu đốt mẩn đỏ khắp người...
          Bà ngước nhìn bầu trời. Bầu trời đầy sao lung linh. Bà nhìn xuống mặt hồ. Mặt hồ đầy sao nhấp nhánh. Thần Phật có ở chốn này không? Thần Phật linh thiêng có ở chốn này không? Bà chắp tay vái lạy các vì sao trên trời, dưới đất, khấn cầu... Bà khấn cầu Thần Phật hãy tha thứ cho đứa con bà, nó nông nổi dại dột, quá nghe vợ mà cư xử tệ với bà. Đúng là nó tệ thật, nhưng bà cầu xin Thần Phật nhẹ tay trừng phạt, cho đời nó bớt khốn nạn, thân nó bớt khốn khổ. Cái thân bà đau khổ bà chịu được chứ thân nó mà đau đớn, khốn khổ thì lòng bà không thể nào yên.
         Bà cứ ngồi lẩm bẩm cầu nguyện như thế cho đến lúc vòm sao đã thưa dần, mặt hồ đen sẫm, trời chuyển lạnh. Xung quanh bà chỉ còn âm i tiếng côn trùng như cùng hòa với lời bà khẩn cầu. Mỏi mệt quá, bà ngả lưng trên ghế đá. Sương khuya thấm ướt mái đầu hoa râm khổ nạn. Bà thiếp đi, lời nguyện cầu của bà vẫn thầm ngân trong sâu thẳm cõi hồn...Cho đến trưa hôm sau bà vẫn ngồi nguyên trên chiếc ghế đá ấy. Hơn một ngày đêm không hạt cơm, giọt nước. Bà không thấy đói, thấy khát. Lặng ngồi, đầu óc bà vẫn chỉ vấn vít những ý nghĩ đêm qua. 
          Bà bạn phụ hồ hồi nào tình cờ đi ngang qua nhận ra bà ngồi thất thần tiều tụy, ghé hỏi han. Bà bạn quá rõ nỗi niềm, sự tình, gia cảnh của bà, khuyên mách bà thôi thì nên xin vào nương nhờ cửa Phật. Bà lắng nghe, nét mặt tỉnh khô mà nước mắt bà cứ tuôn dòng. Bà thấy thế cũng phải, nhưng e sợ nhà chùa chẳng nhận cho. Bà bạn phụ hồ vốn là chỗ thân quen sư cụ trụ trì chùa An Nhiên hứa sẽ có lời xin thưa nhờ cậy giùm. Bà bạn phụ hồ nắm tay bà kéo bà đứng dậy, đưa về nhà mình nghỉ qua đêm.Sáng hôm sau bà theo chân bà bạn tới chùa An Nhiên gặp sư cụ trụ trì bày tỏ gia cảnh, nguyện vọng của người mẹ bất hạnh. Lắng nghe, hỏi han mọi nhẽ, sư cụ vui vẻ tiếp nhận cho bà nương cửa Phật.
         Từ đấy, bà âm thầm lầm lũi chăm chỉ lo việc hương khói, quét dọn, chăm nom vườn tược nhà chùa. Đêm đêm, không bỏ một đêm nào, xong mọi công việc, bà quỳ phục trước Phật đài thầm thì cầu nguyện. Bà cầu nguyện cho đứa con tội lỗi của bà được Trời Phật rủ lòng nhẹ tay trừng phạt.- Con cắn rơm cắn cỏ lạy Trời, lạy Phật hãy rộng lòng nhẹ tay trừng phạt thằng con của con. Nó nông nổi dại dột quá, nó nông nổi dại dột quá... Con cắn rơm cắn cỏ lạy Trời, lạy Phật... Con cắn rơm cắn cỏ..
         .Không biết bao nhiêu lần, qua bao nhiêu đêm bà quỳ phục lầm rầm tụng niệm trước Phật đài chỉ một lời cầu nguyện ấy... Tâm nguyện da diết của bà có thấu đến Trời Phật chăng? 
Nguyễn Trung Thu

 Phố của người già…
Tôi sống dưới thành phố đã trên mười năm, không nhớ nổi những lần chuyển nhà của phận ở trọ lang thang. Mỗi lần chuyển nhà là mỗi lần cực, gọi xe ba gác mà không đủ chỗ tha lôi tất cả mọi thứ đi. Nên lần nào cũng bỏ lại một vài thứ cho đến khi chuyển về con phố toàn người già này thì tôi chẳng có gì ngoài ba lô quần áo và vài quyển sách thuộc dạng gối đầu giường. Bà cụ chủ nhà tóc đã bạc bê sang cho tôi ly nước đá mát lạnh rồi nhìn cái phòng trống trơ treo lọt thỏm vài bộ quần áo thì cười bảo: 
- Thanh niên có khác, lúc nào cũng gọn nhẹ. 
Tối đó, ông chủ mang cái quạt điện cơ cũ ra lau chùi, giằng níu cẩn thận rồi mang sang cho tôi. Bà chủ ra ngõ ới hàng bán chiếu mang đến một cái chiếu trúc, một cái màn đôi dặn tôi nhớ mắc màn không nhiều muỗi. Xóm trọ cũ, phòng trọ đã có phần xập xệ, những con người trụ lại ở đây nghe nói cũng ngót ngét chục năm. Tôi nghe mà thất kinh. Những nơi tôi từng ở chỗ thì nóng quá, chỗ thì mưa dột. Chỗ thì chủ nhà khó tính chuyên xét nét săm soi, chỗ thì trộm cắp như ranh mặc dù với một thằng tứ cố vô thân như tôi vốn chẳng có gì nhiều để mất. Thành phố không mặt người như một bức tranh phác họa giản đơn. Mà kỳ thực thì trên mặt người thượng đế chỉ vẽ một đôi mắt to, một chiếc mũi thính, một đôi tai rộng nhưng chiếc miệng thì chỉ là chấm mực nhỏ xíu. Nên con người ta không quen nói với nhau, ngôn từ nín lặng trong môi, bị cắn vụn bởi hai hàm răng và trôi tuột xuống dạ dày. Tôi thèm tiếng người và sợ cuộc sống đơn độc nên cứ đi và đi.
Nơi tôi chuyển đến là phố của người già. Đầu đường cuối ngõ độc chỉ thấy người già ra đường, người tóc bạc, người lưng còng, người xe lăn, người móm mém. Ra chợ thấy người già chọn rau, trả giá rồi còng lưng xách nặng. Về nhà thấy người già lẽo đẽo chạy theo đứa cháu đang tuổi hiếu động để đút từng muỗng cơm. Đêm đến nghe thấy tiếng người già khục khặc ho khan trong gió. Sáng ra thấy người già đứng trước cửa ngóng xa xôi. Vài tờ cáo phó được dán lên cũng thấy người già lụi cụi hương khói khóc nhau. Tôi cứ thắc mắc hoài những người trẻ ở đâu? 
Thực ra thì người trẻ vẫn lấp đầy từng ấy ngôi nhà. Tôi nhận ra điều ấy nhờ quần áo công sở phơi ngoài ban công, nhờ những đôi giày nhiều kiểu dáng vứt chỏng chơ ngoài cửa, nhờ tiếng nói chuyện điện thoại ngọt xớt. Thỉnh thoảng cũng thấy bóng họ lấp ló ở cửa sổ, ngoài ban công hay đứng lừng khừng chờ mở cổng. Nhưng rồi rất nhanh thôi họ sẽ mất hút, sẽ bốc hơi, sẽ biến mất sau cánh cửa, trong xe hơi, tút hút nơi ngõ nhỏ như thể họ không tồn tại ở nơi này. Như thể họ bỏ mặc xứ này cho người già cai quản rồi họ chìm nghỉm ở một thế giới nào đó hấp dẫn hơn. Tôi có hỏi bà chủ về những người trẻ. Bà chủ cười bảo:
- Khi bà còn trẻ bà cũng vậy. Ngôi nhà giống như hang ổ của chúa sơn lâm. Mà ở đó người ta không muốn kẻ khác xâm phạm dù chỉ bằng ý nghĩ. Người ta cũng sợ người khác hiểu về mình, nhìn thấu những bi kịch của gia đình mình nên cứ thu hẹp đời mình lại.
- Bà ơi. Thế còn bây giờ thì sao?
- Thì thấy tiếc cả quãng đời tuổi trẻ chớ sao. Tim ai rồi cũng teo lại chỉ còn nhỏ bằng hạt đậu. Những trái tim thoi thóp trong phận sự làm người. Phải đến lúc già rồi, lúc chẳng còn mấy sức lực mà đề phòng mà hằn học. Khi giọt sống trong người đã cạn thì mới lại tha thiết được mở rộng lòng mình.
Hà Nội mùa nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc đỉnh điểm là 450C, thành phần ở trọ chật hẹp như chúng tôi miệng lúc nào cũng há ra thở như cá đớp oxy. Giữa ngõ tự nhiên có hàng trà đá mới mở của một cụ ông, hình như chỉ để đợi những người lao động chân tay ngoài trời và những người thuê trọ ghé ngồi. Mà lần nào đi qua tôi cũng được cụ dúi cho một khay đá bảo về để trước quạt cho đỡ nóng. Vườn nhà bà chủ tôi rất rộng và nhiều cây cối, cảm tưởng như một viên ngọc xanh giữa một vùng toàn nhà cửa san sát bí rịt. Nên nhà bà lúc nào cũng mở cửa đón bạn già hoặc những người gánh hàng rong dừng lại nghỉ chân. Tôi từng mắc võng nằm dài suốt những trưa hè oi bức, tỉnh dậy hoa khế phủ đầy, mát lịm bởi tiếng cười các cụ. Những người trẻ đi qua thở dài nhắc bà sao để cháu ngoài trời lâu vậy, mùa lạnh thì lo bị ho, mùa nóng thì lo bị cảm. Cũng có lúc nghe thấy người trẻ càu nhàu khi vỏ hạt bí vương khắp vườn, than thở sao ở phố mà lại có cụ nào nhai trầu nhả bã tung tóe dưới gốc cây.
Tôi trọ ở đây tròn bốn mùa mưa nắng thì bắt đầu thấy lòng hiu quạnh, chân lại muốn đi. Vì những người già cứ thưa vắng dần nơi đầu ngõ, trong hẻm chợ hay trước cửa mỗi ngôi nhà. Thỉnh thoảng đi làm về lại giật mình nhìn thấy tờ cáo phó dán đầu ngõ, leo lắt bóng già tiễn đưa nhau. Quán trà đá bị người trẻ dẹp ngay, mấy cái bàn cho cô thu mua sắt vụn chẻ ra xin về làm củi. Người trẻ bảo để làm gì thêm chật chội, mà cũng có ai rảnh mà ngồi thu mấy đồng tiền lẻ. Sẽ có nhiều người mỗi lần đi qua đó đều thấy trống vắng như tôi. Ông chủ xóm trọ tôi mất không bao lâu thì bà cũng theo đi. Hòn ngọc xanh của nhà chủ luôn đóng kín cửa. Cây khế cơm trong vườn bỗng nhiên vàng ngọn rồi chết. Người trẻ gọi thợ đến cưa đi, cả mấy cây rậm rịt cũng mang cưa hết. Một vài cụ già còn lại thì mắt đã mờ, chân đã chậm đành ở rịt trong nhà. Thỉnh thoảng tôi giật mình bắt gặp ánh mắt họ dõi theo tôi sau song cửa sắt. Những người trẻ vẫn lấp đầy những ngôi nhà..
Tôi cứ tự hỏi đến bao giờ chúng ta mới già để sống tử tế với nhau hơn ?
Huyền Vũ

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Món ăn dân dã Đồng Tháp

10 BÀI HÁT HAY NHẤT VỀ ĐỒNG THÁP

Những bài hát hay về Đồng Tháp

Để ghi nhớ chuyến về thăm Sa đéc vào giữa năm 2018 vừa qua
Chừ thuyền neo bến vắng,
Đến lúc trở về thôi...
Đồng Tháp ngày không nắng,
Dường như gặp bạn tôi ?!
NM
Món ăn dân dã Đồng Tháp
Cuối cùng rồi chúng tôi cũng đến nơi !
Thật ngạc nhiên vì con đường vào quán hơi xa và là một con đường quê thế mà khách du lịch khá đông, xe gắn máy có, xe hơi có..., hai bên đường là hai hàng cây cao chụm đầu vào nhau tạo thành bóng râm mát mẻ. Ôi ! dễ chịu làm sao khi chạy xe giữa bầu không khí trong lành dịu mát của thiên nhiên...

Con đường nầy thông qua phiên chợ trái cây của mùa Tết Đoan ngọ, muốn đi xem lễ hội lại phải qua cồn, mà qua cồn thì phải đi ghe, phà thì được mà ghe thì ngán cho nên thống nhất là ...đi ăn thôi vì trên đường đi đã nhìn thấy nhiều cây trái hoa lá rồi !
Quán có một dãy nhà mát cho khách gởi xe gắn máy và nhân viên ngồi giữ xe, còn có "chú lái đò" đón khách vào quán bằng cách phăng dây thừng dưa khách qua sông trên chiếc bè bằng cây
 Hôm nay trời khg nắng và gió lộng báo trước sẽ có mưa cho nên hai cô cháu ngồi trong quán khg ra ngoài chòi lá, cả quán và chòi lá đều có mắc võng !! Mưa đã bắt đầu lâm râm, cảnh vật vẫn thanh bình, đàn vịt tung tăng bơi lội và cá vẫn đớp mồi theo bọt nước 
 
Quán rộng và thoáng, chung quanh có treo võng cho khách đi xa nghỉ mệt, ngoài ra quán cũng có cho du khách thuê quần áo dân dã như áo bà ba hay áo dài xưa khi có nhu cầu, đa phần là các đoàn du lịch hay các nghệ sĩ hát dân ca cũng thường đến dây thu ngoại cảnh 
Món ăn đã được mang ra, giản dị và tự nhiên như món ăn ở quê nhà của ngoại, vài loại rau quê có điểm thêm búp lá sen non của ao nhà, lần nầy Ti không gọi món cơm chiên Dương châu mà là cơm chiên tỏi đặc biệt, cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng ăn với rau chấm nước mắm me dầm ớt không có bún, món tuy đơn sơ như vậy mà thật là ngon miệng. Mùi thơm của cá nướng và dĩa cơm chiên hoà theo gió mát mang theo hương đồng cỏ nội khiến người thưởng thức cảm thấy thoải mái, vừa ăn vừa ngắm cơn mưa lất phất ngoài ao sen...
Khách tiếp tục đổ về và qua sông cũng bằng phà gỗ nhỏ, mưa thì mưa nhưng người ta cũng thích ra chòi lá dù chỉ ngồi trên sàn với một, hai cái võng treo trên cột chòi
 Sau khi ăn xong thì Ti nằm ngủ đong đưa trên võng, thêm  một đoàn thực khách nữa vào cũng là khách trung niên. Nhìn thoáng qua cung cách và sự trao đổi chuyện trò của họ, tôi đoán đây là "đồng nghiệp ngày xưa" của mình, tất cả đều ăn mặc kín đáo, chỉ duy nhất có một cô người Bắc diện áo đầm và cô rôm rả tíu ta tíu tít, tay bắt mặt mừng với nhóm học trò thành đạt của mình, qua cô tôi thấy sự nhanh nhẩu lẫn vui vẻ hơi...quá đà một chút vì các bạn trẻ nhắc nhở " Cô ơi, cô ngồi ...đàng hoàng để mấy thầy bên kia qua và quán dọn thức ăn lên !!"
Câu nói vui nhắc nhở làm tôi bỗng bật cười nhớ lại "Cô dâu 18 tuổi " của khoá SPVH 72 của mình , chúng tôi cũng đã có lần họp mặt hào hứng như thế, và các bạn nam cũng nhắc H như thế để cùng cười với nhau cho vui !
Bây giờ tôi mới để ý đến bàn đối diện với bàn của mình có "ba thầy" hơi lớn tuổi ngồi riêng đang uống nước chờ lớp trẻ hơn tâm sự, tôi thoáng thấy ba khuôn mặt quen quen vì có một người nhìn mình ....cười cười ! Hay thầy ngại vì đám cô trò kia quá ...vồn vã, hay bạn đồng nghiệp SP ngày xưa (nhưng khác ban) biết mình? Những lần họp mặt SP với nhau quá đông cho nên tôi không thể nào nhớ mặt hết được, có lẻ là thế vì nghe qua câu chuyện tôi biết đây là ba "Thầy" của các thầy cô trẻ hơn đang ngồi vui vẻ cười nói ở bàn bên kia và nhất là biết họ thuộc nhóm thầy cô Sa Đéc Đồng Tháp !!
Hơi ngại và thấy ngoài trời cũng đã tạnh mưa, tôi đứng lên đi dạo một vòng ngắm cảnh trước khi đánh thức Ti dậy ra về
Bàn bên kia đã "nhập tiệc", ba vị thầy chỉ cười cười và cụng ly, tôi thoáng nghe tiếng một thầy gọi thêm hai món cá nướng và cơm chiên giống như Ti đã gọi...! Bỗng nhiên tôi bật cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh thoáng qua hay là người ta muốn cho mình biết đã nhìn qua và nhận ra mình? Nhìn món ăn dân dã của mình làm sao mà thèm...vì dạy ở đây thì sẽ không xa lạ với món ăn chân quê nầy ? Cô giáo mặc đầm vẫn huyên thuyên kể về kỷ niệm, nhắc lại cá tính của từng học sinh cũ của mình, cô lanh hơn "cô dâu 18 tuổi " nhiều, có lẻ vì cô là cô giáo Bắc nhập cư vào Nam sau 75 !?
Dù sao đi nữa thì đây cũng là một niềm vui nho nhỏ bất chợt trên chuyến đi Sa Đéc Đồng Tháp nầy. Xin bỏ lỗi cho tôi nếu như tôi đã không nhận ra bạn SP cũ, có lẻ mình dè dặt và có lẻ mình là cô giáo SP Nam Kỳ trước 75 mà cũng đã xa nghề dạy lâu quá rồi !! Gọi Ti chuẩn bị về thôi....Xin tạm biệt và hẹn ngày quay trở lại để thưởng thức tiếp những món đặc sản khác của quê hương Đồng Tháp