Tâm Sự Hoa Súng
Hoa Súng nhà Nàng
Khẽ khàng hoa nở tinh mơ,
Khép mi trong buổi chiều thơ nắng vàng....
Hương không lan toả nồng nàn,
Dịu dàng sắc tím mênh mang tình buồn !
Bốn mùa hoa súng
Giữa mùa đông, Huế vẫn còn cứ mưa dầm và hiếm hoi những ngày nắng
đẹp. Nhưng càng về cuối năm, mưa càng thưa thớt, nhưng thay vào đó lại
là mưa phùn gió bấc, rồi cả những ngày nắng vàng hanh hao ngắn ngủi,
trong cái se lạnh của đông tàn… Buổi mai thức dậy trong cái rét ngọt
ngào, tôi nhìn lên bầu trời đầy hơi sương, nhìn ra hồ Tịnh Tâm trước nhà
từng lớp sương mù la đà trên mặt nước. Hồ Tịnh Tâm vào đông còn lại gì
cho người hoài cổ? Không còn sen hồng, sen trắng nở kín mặt hồ vì sen đã
úa tàn vào những ngày tháng Tám cuối hạ đầu thu, khi chớm gió heo may
về gọi mùa mưa lũ đến. Không còn những bè rau muống giăng hàng vì mùa
cũng đã sang, rau cũng trở nên già nua và lụi tàn theo dòng nước lũ từ
muôn ngả đổ về hồ. Cũng không còn cả lũ bèo dám quên đi thân phận “bèo
dạt mây trôi”, mà ào ào xô đẩy nhau khiến mặt hồ trở nên chật hẹp. Sang
đông, lũ bèo tự nhiên trở lại thân phận “bọt bèo”. Mưa nhiều, nắng ít
khiến lũ bèo đáng thương kia tự dưng co rúm, trở nên bé nhỏ lại một cách
vừa đáng thương vừa đáng yêu. Chúng chỉ còn khiêm tốn trôi dạt, nũng
nịu nép vào những bụi lau lách cỏ dại ven hồ. Nổi bật trên mặt hồ phẳng
lặng lấp lánh như gương là những cụm hoa súng tím, đỏ, hồng, trắng… khi
xúm xít, khi tản mác như trang điểm mặt hồ.
Nhắc đến loài hoa vừa dân dã, vừa thanh cao này, tôi lại nhớ đến bài
giảng văn của một thời lớp bảy ngày xưa. Ngày ấy, trong chương trình môn
Văn chúng tôi được học bài Hoa súng của tác giả Đinh Gia
Trinh. Nhờ cô giáo bắt học thuộc lòng cả bài văn nên bây giờ tôi vẫn còn
nhớ mãi đoạn văn dài, hay và đẹp ấy, mà ở đây chỉ là một đoạn:
“Dọc đường đất quanh co, hai bên đầm rộng ngòi dài, cuối thu sen
đã tàn chỉ còn những chiếc lá nhăn nheo như buồn một nỗi buồn ly biệt.
Nước phẳng lặng, đồng ruộng phẳng lặng, ngọn cỏ xanh xao. Trên suốt một
dãy đầm sen chỉ có lá cây súng tròn như cái bánh đa nổi lên trên mặt
nước, duyên keo kết với nước… xô đẩy lên trên mặt nước một tâm hồn, phô
cả bộ mặt với trời xanh như tận hưởng tình của trời đất”. Và tác
giả đã nói rằng nếu người đời gọi hoa sen là “hoa quân tử” thì ông muốn
gọi hoa súng là “hoa tiên tử”. Cái tên hoa Tiên Tử ám ảnh tôi từ đó!
Tôi trân trọng cất giữ bài văn vào tiềm thức, vào ký ức như một kỷ
niệm thơ ấu của đời người. Cũng từ sau khi được học bài văn đẹp về hoa
súng, con bé tôi mười ba tuổi bấy giờ bắt đầu nhận ra hoa súng giữa ngàn
hoa của đất trời.
Khác với hoa sen ngắn ngủi kiếp phù dung, hoa súng mạnh mẽ sống, mạnh
mẽ sinh sôi, mạnh mẽ nở hoa cho đời. Hoa lớn, hoa bé, hoa cao, hoa
thấp, hoa nụ, hoa tàn suốt cả bốn mùa thu đông xuân hạ. Nếu được sống
trên ao hồ hay trong bể cạn đầy nắng, một bông hoa súng có thể nở được
vài ngày. Hoa nở từ tinh mơ rồi lại khép mi vào trưa, chiều, tối để
sớm mai lại như tái sinh cho cuộc đời này. Nhưng nếu ta nhẫn tâm cắt hoa
rời mặt nước để đem vào cắm trong bình thì hoa nhanh chóng ủ rũ, héo
tàn sau vài giờ gượng cười trong nắng. Tôi thường mua hoa súng của những
người bán rau ven hồ và tôi học ở họ cách để giữ hoa tươi được lâu hơn.
Đó là bí quyết đừng để hoa thiếu nước. Hãy dùng bình cổ cao bằng cả
cọng hoa, đổ nước ngập vào tận miệng bình ngang với đài hoa, hoa sẽ
không rũ. Buổi chiều tối, đem cả bình hoa ra phơi sương đêm, sáng mai
hoa sẽ cố gắng nở lại như đang ở trong hồ. Bằng cách này, tôi chỉ giữ
hoa nở được hai đến ba lần là đã mãn nguyện rồi. Tôi thật lòng không
muốn những người bán rau hái cả hoa súng để bán vì thấy quá tội nghiệp
cho hoa, nhưng không dám nói vì e ngại họ không hiểu lòng mình…
May mà người Huế quê tôi chỉ ngắm hoa chứ không đem hoa súng ra làm
thức ăn. Tôi vào các tỉnh phía Nam được mời ăn món lẩu, món cháo thấy
người ta cho cả hoa súng, cọng súng vào nồi, cứ thương thương… Thương cả
người và thương cả hoa! Thương cha ông xưa vào Nam khai hoang mở mang
bờ cõi, có gì ăn được mà không chết thì bỏ hết vào nồi. Thương hoa giữa
chốn bùn lầy, biết thương người lam lũ nên nở hoa cho người ngắm, vào
nồi cho người được bữa no.
Hồ Tịnh Tâm mùa hạ đẹp nhờ hoa sen, và suốt bốn mùa đẹp thêm nhờ hoa
súng. Hoa súng đẹp nhất là những ngày cuối đông đầu xuân, những ngày
nắng trong veo hay những ngày mưa buồn, những ngày mù sương. Nhưng trong
mắt tôi, dù thời tiết thế nào hoa vẫn cứ đẹp và tràn đầy sức sống. Trên
hồ Tịnh Tâm có một cây cầu nho nhỏ dẫn từ đê Kim Oanh ra đảo Bồng Lai
là nơi du khách thường dừng chân để thưởng hoa vì dưới chân cầu hoa nở
dày hơn. Không phủ kín mặt hồ được như hoa sen, hoa súng chỉ mọc thành
từng cụm rải rác giữa mặt hồ rộng và yên ả. Những chiếc lá tròn có màu
vừa xanh vừa đỏ thẫm bóng loáng lại nhăn đều ở quanh viền mép nổi lên
sát mặt nước trông giống như mặt trên của những chiếc bánh sinh nhật
thơm ngon. Lá súng không cố tình che hết mặt nước để ta vẫn thấy được
lòng hồ trong vắt. Dù chỉ thích ngày nắng, nhưng súng cũng không phụ
lòng người khi đi qua những ngày mưa, vẫn nở hoa cả những ngày giông
bão. Nếu sen tàn rồi mà không có súng nở thay sen thì mặt hồ sẽ hiu
quạnh biết bao! Và lòng người sẽ trống vắng làm sao!
Tôi sống ven hồ Tịnh Tâm nên thiên vị hoa sen, hoa súng hồ Tịnh, có
lẽ cũng là tâm lý người ta thường tình. Thật ra ở Huế, cũng như sen,
súng cũng mọc khắp các hồ trong thành, cả dưới sông Ngự Hà chảy chậm
chạp dưới lòng các cầu, cống dẫn vào các cổng thành và các hào sâu xung
quanh Đại Nội. Mỗi khi đi ngang các cổng thành gần nhà như cửa Thượng
Tứ, cửa Quảng Đức, cửa Đông Ba… nhìn thấy du khách người Tây, người Việt
đứng lại ngắm nhìn và chụp ảnh hoa sen, hoa súng ven thành quách cổ
xưa, lòng tôi vừa hạnh phúc, vừa bâng khuâng lạ. Hoa súng còn được trồng
rất nhiều trong các nhà chùa, nhà vườn xứ Huế. Hoa được trồng trong các
ao, hồ, bể cạn, thậm chí cả trong những cái chậu nhỏ bé giữa bạt ngàn
cây cảnh xum xuê.
Thường hay mơ thấy mình lạc giữa đầm hoa sen hoa súng bạt ngàn, muốn
ngắt hoa này, muốn hái hoa kia, rồi lại ngập ngừng không nỡ… thức dậy,
tôi ngồi một mình dưới ánh đèn khuya viết những dòng chữ này để trả nợ
tình hoa. Hình như ngoài kia, trong sương đêm một ngày đông tàn, xuân
sớm, trên mặt hồ phẳng lặng, hoa súng đang khẽ trở mình…
HOÀNG XUÂN VINH
HOÀNG XUÂN VINH
Lệ Thủy & Minh Cảnh - Bông Súng Trắng
Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc(Chế Lan Viên)
Chỉ lặng yên sắc tím để mà đau
Người đời chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu.
Hoa súng tím
Tôi học lớp 11, chị học năm
cuối 12. Tôi cao hơn chị cả cái đầu. Khuôn mặt khá xinh của chị chỉ mới
dựa vào tới ngang bộ ngực nở nang của tôi mà thôi. Vậy mà chị vẫn quen
miệng gọi tôi là nhóc
"Bao giờ chị lấy chồng?" - tôi lắc lư chùm hoa súng tím
ngắt trước mặt chị. Tôi nhớ mình đã vô tư hỏi câu ấy trên dưới năm lần.
Ban đầu chị còn mắc cỡ: "Mới lớp 12 mà tính chi chuyện đó?". Mấy lần
sau thì lại cọc cằn: "Điên à! Nhà nghèo có ma thèm cưới!". Lần tiếp theo
nữa: "Thôi đi ông tướng! Xấu xí thì ai đâu dòm ngó”. Không ai bắt hay
tra tấn chị gì cả mà chị đã vội đóng cái mộc khẳng định con gái vùng lũ
đứa nào không da đen, đôi tay trần cháy nắng thì cũng có khuôn mặt chai
sượng, ai đâu mà thèm nhìn nói chi lấy.
Tôi cãi chị cứ nói vậy chắc cái huyện này buồn thiu.
"Chứ còn gì nữa" - chị giật mạnh cọng súng dài dưới bùn lên và khẳng
định thêm lần nữa về nơi mà chị từng lấm phèn gót chân. Ờ thì đúng,
nhưng đó là chuyện của mười năm trước. Còn giờ đông đúc, náo nhiệt biết
mấy.
Mới đầu tuần trước thôi, mảnh đất khỉ ho cò gáy cuối ấp
ngõ cụt này, lau sậy mọc thành rừng đã bị phá tan hoang rồi mọc lên đó
là một mái ấm mới của cặp vợ chồng cũng mới. Nói đâu xa, con bác Năm chứ
ai! Lúc đầu bác Năm cũng lo canh cánh, hổng biết chị Nguyên - mắm cưng
của bác - có ai để ý không. Mèn ơi! Chị Nguyên vừa tốt nghiệp 12 xong,
chưa thi đại học gì hết trơn hết trọi thì anh Tuyển, ông chủ nhỏ của sạp
đồ khô trong chợ, đã qua nằng nặc đòi cưới. Nghe đồn ban đầu bác Năm
không chịu, ai dè anh Tuyển cắm rễ sâu quá khiến bác Năm phần nào từ bỏ ý
định cho con nhỏ đổi đời như lần bác nói trên chợ với mẹ tôi. Tôi nhớ
mãi nụ cười khà khà của bác Năm lần đó, nào là chị Nguyên học khá, mai
mốt cho nó thi ngân hàng... Giờ bác đổi thay quay cuồng.
Ngày cưới, bác Năm cứ huyên thuyên nói đã kịp cách ly
được quả bom nổ chậm. Dân tình khoái chí cười rộn rã. Tiếc là ngày vui
hôm ấy chị lại đi thi đại học. Nếu không chị sẽ không bi quan về nhan
sắc của mình.
Năm đó chị thi rớt. Mấy tuần đầu mặt chị buồn xo, chẳng
thèm dòm ngó đến thằng nhóc này. Có hôm tôi phải mình ên bì bõm ao
trum, hì hục hái hoa súng. Sáng phải thức sớm, chở bao hoa súng ra bến
để kịp xe lên Sài Gòn bán sỉ. Những hôm ấy tự nhiên nhớ chị gì đâu! Nhớ
mỗi sáng tôi gồng mình ôm từng bao súng nặng trĩu lên xuồng rồi hai chị
em chèo xuồng mang ra chợ huyện. Trước khi về hai chị em còn tranh thủ
nhím lại chút đỉnh tiền ăn tô bún mắm trong chợ. Rồi có lúc tôi và chị
còn tí ta tí tởn du hí Sài Gòn.
Khoảng nửa tháng tôi với chị lại thích thú với những
chuyến đi lên Sài Gòn lấy tiền mối rau của các quán lẩu, nhiều nhất là
các quán lẩu bình dân khu vực quận 5, quận 8. Sinh viên thường kéo đến
những quán này ăn rất đông. Chị nhìn cảnh thiên hạ đông đúc rồi ao ước:
- Thích chưa! Trên đây vui quá. Năm nay chị nhóc phải bon chen thử cho biết...
- Ờ, chị lên trước thăm dò tình hình rồi kéo em lên lập nghiệp nha!
Mới đó thôi đã bốn tháng. Giờ chị buồn buồn. Những ý
định đổi đời của chị tan nhanh như giọt sương trên lá súng trước nắng và
rệu rã như những cánh hoa súng đã già khằn rơi lã chã đầy mặt ao.
Rồi một sớm khi tôi cọc cạch đẩy chiếc xe hoa súng ra
chợ giao hàng như mọi khi thì vẳng xa tiếng gọi í ới từ mặt sông: "Nhóc,
chờ chị”. Buổi bình minh vùng huyện có nắng nhè nhẹ, có gió thở làn hơi
khẽ, có giọng chị gọi trong veo. Tôi gằn chiếc xe nặng trịch lại đợi nụ
cười tươi tắn như một hoa súng ngày mới. Chị nói năm nay ráng ở nhà ôn
lại, chờ tôi đi thi cùng. Chị em mình đậu rồi cùng lên thành phố học,
lập nghiệp...
Nụ cười chị hiền khô, tràn trề nhiệt huyết. Tôi cũng
mừng và biết mình đã đỡ khổ, đỡ phải suốt ngày kiếm trò, tìm chuyện
huyên thuyên nói cho chị nghe. Khuôn mặt chị tự tin thấy rõ trong khi
mặt tôi thì đực ra vì sự tự tin đó của chị quá lớn, ngùn ngụt khí thế
như khói chiều đốt đồng nghi ngút.
Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển đại học tôi mừng. Chị cũng mừng mà muốn khóc...
Đó cũng là ngày tôi nhận nhiều tin vui. Vui vì sự đổi
thay từng ngày từng giờ của đất huyện nghèo đã được chọn làm khu công
nghiệp trọng điểm thứ 2 của tỉnh. Vui hơn nữa khi thấy ba đặt kỳ vọng
vào tôi nhiều lắm. Ba tôi xem tivi thấy cảnh chủ tịch tỉnh cắt băng
khánh thành liền ra vào bàn tán: "Thằng Trung mai mốt học xong về đây
khỏi sợ thiếu việc làm!". Có điều ba tôi đặt một, mẹ đặt đến mười. Mẹ
xếp quần áo, mền vào cái vali nho nhỏ cho tôi và không quên một bài
giảng dài.
Đến lượt chị, chị đặt gấp đôi hai mươi lần hi vọng. Chị
nói dài lê thê những hi vọng về tôi, rốt cuộc chị muốn khen tôi, đưa
tôi lên tận mây xanh để động viên tôi. Nhóc biết nhóc giỏi mà, tôi vỗ
ngực xưng tên trước mặt chị. Như mấy lần trước chị sẽ phản kháng bằng
những câu móc họng nhưng lần này chị cười tươi rói.
- Ờ! Nhóc giỏi, ráng đi. Chị không cùng nhóc thăm dò
thị trường Sài Gòn được. Lên đó, nhóc học hành cho tốt rồi mai mốt chị
lên nhóc bảo kê cho chị nha.
Năm đó chị lại trượt đại học. Tiễn tôi ra bến xe vào
chiều chủ nhật xăm xắp nắng. Tôi thấy chị buồn nhưng phải nghĩ chị đang
vui để chị có thể chào tôi bằng một nụ cười ánh lên khóe môi tươi tắn.
Trong lá thư đầu tiên chị gửi cho tôi tràn trề niềm hi
vọng khiến tôi vui lây, đọc mà tủm tỉm cười hoài. Từ mỗi nét chữ nghiêng
thon của chị tôi đều vẽ lên trong đầu về những mùa tuổi thơ êm ả, hoặc
vùng quê trù phú đang độ dậy thì và dồn dập hơi thở phố thị. Chị kể đủ
thứ chuyện. Nào là thằng Đăng chuẩn bị cưới vợ, đố tôi là ai.
Khỏi phải nói tôi cũng biết là nhỏ Thảo kế bên nhà chị,
vì mấy lần tôi cùng chị nhổ súng ở ao sau đều thấy thằng Đăng đứng
trước giàn mướp khía gọi Thảo í ới, rồi lúc ba má thằng Đăng qua thưa
chuyện nữa. Liền sau những chuyện trong nhà, chị kể tiếp chuyện ngoài
phố. Chuyện hai mươi mẫu đất cạnh chợ huyện đã chính thức được ủy ban
tiếp tục chọn làm khu công nghiệp mới. Nghe đâu trong lần phóng mặt bằng
này, vợ chồng anh Lực cũng được đền bù một khoản khá, gần cả hai tỉ
đồng. Chỗ đất phóng mặt bằng đó chuẩn bị được động thổ vào giữa tháng
ba. Thế mới ham.
Kể đến đây chị chấm ba chấm, đủ hiểu chị rất khoái chí
chuyện thiên hạ. Chị thúc giục: "Hay nhóc tranh thủ một ngày về nha.
Nghe nói lễ động thổ xây dựng nhà máy vui lắm, có đài truyền hình xuống
quay nữa". Kết câu chị dùng ba dấu chấm than, hình như chị khoái được
lên sóng tivi. Tôi cười, phải nhớ đoạn này để có gì viết thư phản hồi
bảo ai thèm ghi hình một cô gái từng thiếu tự tin cho được...
Đoạn chị kể tiếp cô bé mồ côi ở đầu chợ, từng được bà
Chín đem về nhận làm con nuôi, nay lớn lắm. Từ ngày thi rớt đại học
(giống chị) nhỏ cũng buồn mà vẫn phải tỏ ra vui. Mắc công bà Chín thấy
nhỏ ủ dột như vậy bà lại buồn hơn. Cô bé nay siêng lắm nhóc à, sáng nào
cũng dậy sớm, nấu nồi bún riêu bự chảng đem ra chợ bán. Trước lạ, người
ta ghé qua ăn tô hai ngàn ba ngàn để thử, sau ai dè ngon thiệt, riết cái
gánh nhỏ xíu nhưng lúc nào cũng đông lắm người. Quán dần ngày càng khấm
khá, bà Chín xin quản lý chợ một cái chỗ nhỏ để đặt vài cái bàn, cái
ghế tươm tất cho khách họ ăn thoải mái hơn, chứ không còn chồm hổm như
trước.
Gọi là xin chứ bữa khai trương, bà Chín cũng phải giúi
cẩn thận vào tay trưởng quản lý năm mươi ngàn. Con nhỏ tức lắm. Bà Chín
thì nhằn: "Bánh bò cho qua, bánh tiêu cho lại...". Nhỏ đã hơn mười tám
rồi mà vẫn lý sự ngây thơ: "Bánh bò đã cho cả bận mà chẳng thấy bánh
tiêu đâu, toàn thấy dăm bữa mấy ổng đến ăn là lại phải "tiêu" thêm vài
tô bún nữa...". Bà Chín bực mà bả cười. Một mình cười chưa đã, bà Chín
lại sang kể cho mẹ nhóc nghe nữa đấy! Mẹ nhóc quay sang kể cho chị nghe
chị mới biết...
Thư chị dài quá! Tôi chỉ đọc được hai phần ba.
Lá thư thứ hai chị lại mời gọi, rủ rê tôi về bằng vô
vàn cái thay đổi mới của quê tôi. Thư mới, nét bút mới của chị không
nghiêng mà thẳng đứng, chữ bớt phần thon thả. Chị kể mấy cái nhà máy mọc
lên, dân chúng rủ nhau đi làm công nhân quá trời. Sáng cứ bảy giờ là
công nhân diễu hành đông đúc. Công nhân nhà máy hạt điều thì áo vàng
nhạt. Công nhân xưởng may thì áo xanh xanh mướt mắt.
Chị à một tiếng, nghe cảm xúc hân hoan lắm. Cô bé mồ
côi bán bún riêu không còn bán ở chợ nữa mà nhỏ đã chuyển lại thời kỳ
quảy gánh bán trước cửa các nhà máy xí nghiệp. Nhỏ không còn bán bún
riêu luôn mà đổi nghề nấu bánh canh chay rồi. Một tô một ngàn rưỡi. Nhỏ
khôn lắm, tính toán dễ thương lắm, nhỏ nghĩ cái tô nho nhỏ kia muốn ăn
no thì cũng phải ăn hai tô. Vị chi là ba ngàn một người. Ai dè nhỏ tính
sai bét, mấy chị công nhân thường ém gọn cái bao tử bằng một chầu ăn
sáng nhẹ chỉ với mỗi tô mà thôi. Nhỏ mới sực hiểu lương công nhân ba cọc
ba đồng lấy đâu ra ăn nhiều. Thế là nhỏ chịu lỗ đi mua mấy tô to to hơn
chút. Nhỏ thương bâng quơ mấy chị, nghĩ đó là hình ảnh mẹ nhỏ ngày
trước, lam lũ, nhịn đói chở rau ra ngồi cả buổi ngoài chợ cũng chỉ kiếm
vài chục ngàn đồng nên giờ làm ơn được phần nào hay phần đó...
Sáng nào nhỏ cũng quảy hai nồi bánh canh to. Nhỏ nấu
ngon, rẻ, thế đấy, nên ai chậm chân thì xem như bữa đó nhịn ăn sáng mà
vào làm việc. Nhỏ gần như độc quyền khu đó. Bán xong hai nồi, nhỏ xếp
gọn cái gánh vào sát bờ rào cổng nhà máy. Gần trưa, bà Chín đi bán bông
súng ngoài chợ về, ghé ngang nhà máy rồi quảy gánh về nhà. Cô bé nhỏ trẻ
khỏe như cô gái Hà Lan, bán xong nhỏ còn vào xí nghiệp làm công nhân
may nữa... Thật ngưỡng mộ gì đâu nhóc à... Chị vẽ khuôn mặt cười... Đọc
lưng chừng tôi lại ngán...
Lá thư thứ ba cũng gần cuối tháng thứ ba chị mới gửi tôi.
Lần này chị viết ngắn hơn. Chị bảo đường vào nhà chị và
tôi đã tráng nhựa hết rồi, láng coóng. Giờ mà tôi về chắc chắn sẽ thấy
khác hoàn toàn. Mấy cái ao súng mênh mông thuở nào ngút mắt màu tím giờ
đã bị lấp và bán đất thổ cư hết rồi. Mấy khu giải trí thì phất lên nhanh
như nấm mối mọc sau mưa. Hết quán Đồng Quê rồi quán Lũ... Tiệm karaoke
thì lúc nào cũng đông đúc khách. Trai trong vùng cũng đã dần quen với
quần này áo kia, đầu loe hoe vài cọng tóc nhuộm vàng.
Còn cô bé mồ côi giờ khác trước rất nhiều nhóc à. Tóc
duỗi, da trắng. Nói chung là đẹp ra rất nhiều. Nghe đâu bà Chín rất cực
nhọc khi phải từ chối khéo nhiều mối lắm! Con nhỏ thiệt giống như thiên
nga.
Tôi cười...
Nhỏ giờ khác xưa không biết bao nhiêu độ. Tháng 4 này
nhỏ lấy chồng Hàn Quốc đấy. Đầu tháng 5 nhỏ theo chồng xuất ngoại. Tin
vui lan khắp huyện, riết ai cũng biết nhỏ sắp sửa lột xác khi thoát khỏi
vùng nước mặn. Ông chồng tương lai của nhỏ không giống như trong báo
chí phản ánh vụ tiêu cực này nọ. Anh ta rất nghệ sĩ. Và còn là kỹ sư nhà
máy hạt điều nữa chứ. Ảnh mới cua nhỏ được hơn một tháng.
Ban đầu nhỏ cũng khó chịu khi nghe lời ong tiếng vò vẽ
bàn tán. Nhưng sau thế nào đó, vì một lý do nào đó, vì một buổi chiều tà
tà nào đó, nhỏ gật đầu cái rụp. Ông phiên dịch mừng húm. Anh chồng
tương lai mắt sáng lộ rõ hai mí đàng hoàng đấy nhóc chứ không mắt hí như
nhóc thường vặn vẹo nói trai Hàn Quốc mắt hí đâu. Nói chung, ngày lành
tháng tốt đã xong xuôi rồi. Bà Chín cũng đã làm visa rồi. Mẹ nhóc nói bà
Chín sướng, chuẩn bị được nhập cư Hàn Quốc, đổi đời... Bà cười cười.
Nhóc tranh thủ về ăn đám cưới nhỏ nhé. Nhỏ gửi thiệp mẹ nhóc rồi!...
Trên chuyến xe đò về quê ăn cưới, lòng tôi chộn rộn với
những điều khó tả. Tôi trố mắt nhìn con đường thẳng tắp, nhựa láng mà
chị đã từng kể. Bất ngờ với dãy nhà lầu kiên cố mọc hai bên đường. Dù
còn bốn ngày nữa mới đám cưới của cô bé mồ côi, nhưng tôi về sớm để gặp
chị nhiều hơn. Gần tới nhà, ao hoa súng vẫn như xưa. Cuối tháng ba, hoa
súng nở tím cả mặt ao. Từ trong nhà nhìn ra, hoa súng loi ngoi, thở phì
phào trông khỏe khoắn nhưng lại lất phất hương buồn trên nhụy. May quá,
thoáng ký ức thuở xưa vẫn còn. Màu tím vẫn bát ngát.
Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc
Chỉ lặng yên sắc tím để mà đau
Người đời chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu.(Chế Lan Viên)
Ngày mai, đám cưới của cô bé mồ côi tôi sẽ vui. Rồi lại sẽ buồn vì chợt nhận ra chị cũng chính là cô bé mồ côi ấy!
ST
Liên khúc Nhớ nhau hoài - Cho người vào cuộc chiến
Màu hoa kỷ niệm
Em nhớ mãi màu hoa vùng kỷ niệm,
Thuở ban đầu ngày ta mới quen nhau...
Màu hoa xinh thắm thiết mối tình đầu,
Hương thoang thoảng dịu êm như nước biếc....
Cách xa nhau hai khung trời biền biệt,
Cổ tích xưa em luôn nhớ trong tim...
Anh dẫu quên nhưng em vẫn mãi tìm,
Màu hoa súng luôn là màu nhung nhớ !!
Chuyện tình ta nay thôi đành dang dở,
Hoa khép buồn sau mỗi buổi bình minh...
Qua một đêm hoa lại cố vươn mình,
Đem sắc thắm điểm tô đời thêm đẹp ....!
Một thời hoa súng tím
Chàng
trai đã bịa ra cả một câu chuyện cổ tích để mê hoặc cô gái mà không ngờ
rằng chính câu chuyện sẽ làm cho cuộc đời cô rẽ sang một ngả khác
|
Hoa súng ở nơi xa
Mưa rơi nhẹ
trên thành phố Giverny vào cái ngày tôi đến thăm khu vườn của Monet.
Xe chạy quanh quanh trên các triền dốc bên những pháo đài cổ và một
ngôi làng nửa thôn quê nửa phô thị hiện ra ở cuối con đường. Trong
làn mưa bụi, hòa giữa những chiếc dù nhiều màu sắc và hàng người tỏa
vào các lối đi quanh ngôi nhà của người danh họa, tôi thấy mình đang
đi lạc trong cơn mơ dưới hoa. Một tiếng cười nhẹ, một hơi thở nhẹ
như cũng đủ làm rung từng cánh lá trên giàn nho và giàn hoa hồng phủ
kín các đầu hồi và cửa sổ. Bỗng dưng, tôi tự hỏi mình đang ở đâu
đây, cơ duyên nào đưa mình đến nơi chốn này? Đi qua chiếc cầu gỗ
dáng cong kiểu Nhật Bản, chợt hiện ra hồ hoa súng: A, chính là hoa
súng đã dẫn mình đến đây, hoa súng là nhân duyên của chuyến đi này.
Tôi đang
dẫm lên dấu chân của ông già Monet năm nào còn lững thững bên bụi
trúc khu vườn và in bóng cùng mây nước tĩnh lặng trên mặt hồ buổi
sáng. Người ta kể rằng ông già râu tóc bạc phơ này bao giờ cũng đi
ngủ sớm để có thể thức dậy vào lúc bình minh cho kịp nhìn thấy nắng
mai đọng đầy hoa súng. Sau nhiều năm sống trong cảnh nghèo túng,
chịu đựng sự ghẻ lạnh của các nhà phê bình và sự hờ hững của những
người kinh doanh nghệ thuật, Monet đã chọn Giverny làm nơi an trú
những năm tháng cuối đời. Chính nơi đây, tìm được con đường riêng
của mình trong nghệ thuật, đạt đến độ chín muồi viên mãn trong sáng
tạo, người họa sĩ dành trọn 27 năm hiến mình cho hoa súng và đã dâng
tặng hết bộ sưu tập vô giá này cho Tổ quốc. Những bông hoa phớt
hồng, tím nhạt, xanh màu thiên thanh hay trắng màu trinh nguyên đã
từ những tranh vẽ cuối đời của Monet bước ra hay từ đây đi vào tranh
vẽ? Chúng vừa mới nở đêm qua hay còn sót lại từ đầu thế kỷ trước,
thuở nhà danh họa có tâm hồn và hình dáng như một đạo sĩ phương Đông
còn đứng tựa vào lan can cầu bình thản nhìn ngắm thời gian trôi qua
sau khi tất cả những bạn đồng hành trên con đường nghệ thuật ấn
tượng đã lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng? Những bức tranh này không hề
có chân trời và bầu trời thì chỉ còn hiện lên qua ánh hồi quang của
nước. Cây cối, bầu trời, những áng mây phản chiếu trên mặt hồ phẳng
lặng mà Monet gọi là tấm gương nước. Tấm gương đó cũng chính là tâm
hồn người nghệ sĩ. Ta hiểu vì sao nhà danh họa thường nói rằng thiên
nhiên là xưởng vẽ của mình trong khi phần lớn tác phẩm của ông lại
được tái tạo từ thế giới nội tâm. Dưới nắng mai, những quầng hoa
súng ánh lên màu xà cừ, tiếng bay vù vù của những chú chuồn chuồn,
tiếng lũ nhái nấp trong lau sậy bỗng sợ hãi buông mình xuống làn
nước khi có người đến gần… tất cả đã trở thành nguồn cảm hứng và một
nơi chốn yên bình để người ta suy tưởng.
Hàng liễu
rũ trên con đường quanh hồ còn đẫm sương đêm. Dòng người bước đi mà
như tan biến dần vào thiên nhiên: khóm trúc, rặng liễu, lùm hoa diên
vĩ. Vẻ trầm tư của hồ nước gợi lên một khung cảnh quen thuọc nào tôi
đã trải qua. Hình như tôi đang đi lại con đường quanh hồ hoa súng
phía sau Long An Tự (Ryoanji), một ngày xuân muộn. Đây là ngôi chùa
thuộc phái Lâm Tế do dòng họ võ sĩ Hosokawa lập ra ở Kyoto từ giữa
thế kỷ XV. Vẫn cây cầu dáng cong và những đóa hoa súng nhu mì khoe
sắc, chỉ thiếu những đôi thiên nga nhàn tản trong bóng trời chiều.
Anh nắng xuyên qua kẽ lá rơi lốm đốm trên mặt nước làm nên những gợn
sóng lăn tăn. Tôi đang dừng chân ở đâu đây? Kyoto hay Giverny?
Không, hình như là một chỗ nào đó còn thân thuọc hơn nữa? Chỗ nào?
Và tôi chợt
nhớ ra. Đó là một buổi chiều Hà Nội, sau một ngày họp hội, từ khách
sạn Asean, tôi một mình thả bộ dọc con đường Chùa Bộc cuối năm chật
chội người xe. Hơn 20 năm trước, thời sinh viên, mỗi ngày tôi đạp xe
từ khu Trung Tự ngang qua đây để vào Mễ Trì, trên con đường trải
nhựa nhỏ hẹp chạy giữa các ngôi nhà cũ kỹ và những bàu rau muống.
Bây giờ những hàng quán nghèo nàn nhường chỗ cho các cửa hiệu sang
trọng, sầm uất. Và tôi chỉ tìm lại được Hà Nội của mình cuối thập kỷ
70 khi bước vào cổng chùa. Chỉ cách mấy bước chân mà không gian náo
nhiệt như lùi xa. Chùa vắng vẻ, không có người ăn xin, quầy bán
hương không chào mời, một sư thầy khoan thai gõ chuông cho vài khách
thập phương cúng bái. Tiếng chuông lan ra vườn chùa, phả âm vào ao
nước bạt ngàn hoa súng. Hoa súng nở vươn đến bờ, chỉ cần nghiêng
mình với tay là chạm tới. Tôi nhớ ngày xưa ao chỉ lác đác hoa, lòng
tự hỏi ai người trồng hoa đã cất công gìn giữ một vùng thiên nhiên
như vậy giữa phố phường đang lấn đất. Trong khi hoa sen đầy đặn như
người thiếu phụ tuổi 30 thì hoa súng mãi thanh tân bé dại ở năm 16.
Búp sen tròn và đoan trang; búp súng dài mảnh, cánh nhọn bung ra như
nụ cười tinh nghịch. Vào cuối thu, sen đã tàn, súng còn nán lại chơi
với ta thêm một mùa dài. Lá sen vươn cao hơn mặt nước dáng kiêu
hãnh, lá súng thì bằng lòng thả mình trên mặt nước, như không có vẻ
gì gắng sức mà vẫn tương chiếu và hòa điệu với thiên nhiên chung
quanh.
Chùa
Ryoanji và khu vườn Giverny tôi chỉ mới đến một lần thôi. Thoáng như
một giấc mơ, liệu có ngày gặp lại? Còn giữa buổi chiều Hà Nội cuối
năm, trong lời cầu xin tham lam của tôi, có lời nguyện được cùng em
trở lại bên mặt hồ hoa súng thân thuộc này, để chùa Bộc còn giữ hoài
cho tôi một chút tình không phai từ năm tháng cũ.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Monet và sự quyến rũ của những bông hoa súng
Monet
vẽ những bông hoa súng. Ông cũng vẽ thành phố London, Venise và những
phong cảnh đẹp đẽ của nước Pháp, nhưng những bức tranh về khu vườn ao
của ông là cái thực sự thu hút công chúng.Claude Monet, người được mệnh danh là "người cha của hội họa ấn tượng", đã bỏ ra 30 năm cuối đời để vẽ về khu vườn ao của mình, một niềm say mê đơn độc và thu hút được sự ngưỡng mộ khắp nơi. Một triển lãm gồm khoảng 60 bức tranh về hoa súng của ông, khai mạc vào tháng năm vừa qua, tại Bảo tàng Orangerie ở Paris, hàng ngày đã thu hút những lượng khách tối đa, những người háo hức muốn được xem những bức tranh nguyên bản đã không ngớt được in lại trong các ấn phẩm và bưu thiếp. Trước đó, một triển lãm về Monet ở London vào tháng tư kết thúc với 813.000 người xem, một kỷ lục đối với triển lãm nghệ thuật tại Anh.
Ngôi nhà của Monet và khu vườn ao của ông nằm ở vùng Giverny, cửa ngõ Tây Bắc của Paris, nơi ông sống và vẽ từ năm 1895 đến năm 1926, cũng trở thành một thánh địa hành hương với những "tua" du lịch bằng xe khách và tàu hỏa từ Paris đến.
Những dãy người xếp hàng rồng rắn tại triển lãm Paris và Giverny đã nói lên sức quyến rũ của những bông hoa súng. Monet đã vẽ khoảng 300 bức tranh về khu vườn - ao ở Giverny, trong đó có 40 bức tranh khổ lớn.
Triển lãm "Chu kỳ của hoa súng" tại Bảo tàng Orangerie, nhằm trình bày những mưu toan chuyên nhất của họa sĩ - đôi khi đầy tuyệt vọng - để nắm bắt vẻ đẹp đến sững sờ của một khu vườn - ao với những nét đổi thay của bầu trời, màu sắc, ánh sáng và sắc độ. Trong một bức thư năm 1916, Monet đã viết: "Tôi thực sự bị ám ảnh bởi những gì mình đang vẽ".
Những họa sĩ lớn là những người biến những cái thông tục thành những vẽ đẹp tuyệt kỳ. Và thiên tài của Monet hiện ra trong những bức tranh về vườn ao. Pierre Georgel, Giám đốc Bảo tàng Orangerie, nhận xét: "Cuộc cách mạng của Monet là việc đi đến tận cùng cái mà ông tìm kiếm, vượt quá thế giới hiển hiện thông thường để đạt tới sự phát hiện, cái mà chúng ta không thấy qua vẻ quen thuộc của chúng và cái nhìn vội vàng của chính ta".
Năm 1951 Monet đã quyết định một dự án đã chiếm lĩnh những năm cuối đời mình. Ông viết: "Nó thuộc về chủ đề mà một thời đã chiếm lĩnh tôi - nước, hoa súng, cây cỏ, nhưng trên một mặt tranh rộng khiến cho người xem không chỉ bị vây quanh mà còn bị chìm ngập vào đó"
Cuộc triển lãm này nhằm đánh dấu ngày kỷ niệm 80 năm của dự án lớn của nhà danh họa - sự trao lại một loại bích họa cho tổng thống Pháp Georges Clemenceau vào ngày 12/11/1918, ngày tiếp sau ngày đình chiến.
Nhưng khi sự trao lại này được thực hiện, những cuộc thương lượng căng thẳng đã kéo dài sau đó nhiều năm khi những quan chức chính phủ cãi cọ lằng nhằng với Monet về con số bức tranh, cỡ tranh và những phòng tranh mà chúng được treo.
Những tranh này được trưng bày năm 1927, sau khi Monet qua đời.
Chu kỳ ban đầu của tranh hoa súng bắt đầu vào năm 1897. Những tranh này tràn ngập ánh sáng và vẻ duyên dáng được tạo nên bởi những sắc thái đục mờ của các màu xanh lam, xanh lá cây và hồng nhạt, để miêu tả nước và những nụ hoa.
Nhưng từ năm 1914, sau 2 năm đào bới, những cảnh về chiếc ao có màu sẫm hơn với những nét bút dày đặc về những sắc độ thẫm của màu tím, hung, lam và xanh. Đây là những cảnh về đêm được vẽ dưới ánh trăng.
Một chiếc cầu gỗ kiểu Nhật Bản trông thanh nhã và duyên dáng, trong những bức tranh thời đầu được chuyển thành những thanh dầm thẫm màu mang đậm nét u uẩn và lo âu. Cây cỏ trên bờ ao thì mơ hồ huyền ảo và rối ren nhàu nát. Màu sắc đã lấn chỗ của hình thể. Những bức tranh này tạo thành chiếc cầu, nối liền hội họa ấn tượng thế kỷ 19 với hội họa trừu tượng và biểu hiện của thế kỷ 20.
Những bức tranh tối màu và u uẩn ra đời sau khi Monet chịu tang bà vợ, chết vì bệnh bạch cầu năm 1911. Ông sống một mình ở Giverny sau khi Thế chiến I nổ ra, biến miền Bắc Pháp thành bãi chiến trường. Lúc này thị lực ông đã sa sút. Ông đã viết rằng vẽ đã trở thành việc tra tấn khi ông vật vã để hoàn thành dự án lớn vào những năm cuối đời.
Triển lãm Paris kết thúc với những bức tranh tường tạo ra khoản di sản chuyển nhượng trong di chúc của ông. Được sắp xếp trong hai căn phòng bầu dục, những bức họa này gợi lên một giấc mơ về ánh sáng, không gian, sự tĩnh lặng và sự chấp nhận - sự thức ngộ của Monet sau quãng đời mang cái nhìn tăm tối của cô đơn và tuyệt vọng.
Với bất cứ ai yêu Monet, Giverny là một địa điểm hành hương, nơi mà phép lạ của nghệ thuật được tạo ra. Ngôi nhà và những mảnh vườn nép mình dưới chân tường ngọn đồi nhấp nhô um tùm, hàng ngày thu hút hàng trăm du khách.
Một cặp vợ chồng, David và Lynda Hoxley, từ vùng Woodford phía Tây Nam nước Anh, từng xếp hàng để xem triển lãm của Monet tại London và sau đó lại xếp hàng để thăm khu vườn của ông. Khi vào bên trong để thăm thú, họ tuyên bố rằng thật bõ công chờ chực, Lynda nói: "thật kỳ diệu, đẹp tuyệt vời" và nói thêm rằng, khu vườn còn đẹp hơn nữa nếu không đầy những người.
Khu vườn thượng, được chăm sóc ân cần từ bàn tay 9 người làm vườn, đầy hoa diên vĩ ngạt ngào trong sự hòa sắc giữa màu tím nhạt, xanh lam và trắng, viền quanh là luống oải hương màu hồng nhạt. Quanh chiếc ao, những cây diên vĩ nước mọc lẫn với liễu và một chiếc thuyền sơn màu xanh lá cây cắm sào giữa những đám hoa súng huyền thoại.
"Giverny làm cho người ta phải nín thở, đúng như từng chờ đợi. Nhưng những bức tranh lại còn hơn thế nhiều. Chúng đến với nhiều nơi hơn", Christopher Hughes, một sinh viên Mỹ, phát biểu tại triển lãm Orangerie.
Julianne Eager, một sinh viên mỹ thuật người Mỹ khác, người đã đến cả triển lãm lẫn Giverny nói rằng khu vườn - ao đã làm thay đổi cái nhìn của cô đối với tranh của Monet, từ cái đẹp hời hợt đơn giản đến một cái đẹp sâu lắng hơn. "Thật lạ lùng. Ông có cặp mắt nhìn mà tôi không có được. Tôi nhìn xuống ao súng từ chiếc cầu gỗ Nhật Bản và cố hình dung ra những tranh vẽ của ông. Nhưng không thể. Tôi không thể thấy được cái mà ông thấy".
Loạt tranh hoa súng, loạt tranh cuối cùng mà đã bỏ ra 20 năm cuối đời đã trở thành sự kết thúc huy hoàng của sự nghiệp một danh họa, "những tác phẩm tuyệt đỉnh" như Proust đã nói. Dự cảm về những giới hạn của nghệ thuật ấn tượng, nhà họa sĩ của Giverny đã đẩy nghệ thuật ấn tượng đến mức tối thiểu trong tranh ông. Bằng sự lặp đi lặp lại, chủ đề của tranh trở thành giai thoại, nó tự hòa tan, tự tiêu ma đi, để lại môi trường tự do cho thứ hội họa thuần khiết: đấy là nghệ thuật trừu tượng.
Giống như Titien trước ông, giống như Matisse sau ông, giống như mọi nghệ sĩ mà tuổi già đã giáng phúc cho họ, Monet, với tuổi 70, đã dấn thân vào những con đường mới. Đấy là những con đường của nghệ thuật hiện đại. Liệu ông từng có ý thức về điều này không? Khi hỏi ông điều này trước khi ông qua đời mấy tháng. Ông đã vui lòng thổ lộ: "Tất cả những gì mà tôi có thể nói: Hội họa là một công việc cực kỳ khó khăn".
Thật vậy, có thể nói gì khác hơn với con người đã âm thầm lật đổ mọi sự chuyên chế để dẫn dắt hội họa đến những cuộc phiêu lưu mới.
(Thể thao văn hóa )
Thuộc họ : nymphéacées
Hoa súng còn có nhiều tên gọi khác: huệ nước, nữ vương của sông hồ, hoa hồng của nước ...
Ý nghĩa của loài hoa súng: thể hiện sự thương yêu của vợ chồng.
Hoa súng còn có một thông điệp tương phản: tượng trưng cho sự trong trắng của con tim; sự lạnh lùng nếu không muốn nói là dửng dưng.
Khi nhận được một bó hoa súng trắng mang ý nghĩa của niềm vui xáo trộn và đặc biệt bất ngờ.
Theo quan niệm của nhiều người, hoa súng được hái vào ban đêm sẽ mang lại sự may mắn cho những người đang yêu.
Người ta thường nói hoa súng giải tỏa Nữ thủ thần, các nàng tiên vây quanh Nữ thần để múa hát dưới bóng trăng.
Hoa súng trắng là quốc hoa của Bangladesh. Đối với một số nền văn hóa phương Tây thì loài hoa súng biểu tượng của những người sinh vào tháng 7.
Loài hoa này nở vào buổi sáng khi bình minh ló dạng và khép cánh lại vào lúc hoàng hôn buông xuống. Tuy nhiên, ngày nay có một vài giống lại khoe sắc vào đêm.
Có hai giống tìm thấy nhiều nhất ở Châu Âu là hoa súng trắng và hoa súng vàng:
- Hoa súng vàng (tên gọi: Nuphar luteum), lá rất to nổi trên mặt nước, hoa nở từ tháng 6 đến tháng 8, hoa có màu vàng rực rỡ nhưng đường kính lại không to quá 5cm. Khi hoa tàn, kết trái và rụng khỏi đài hoa trước khi bị nát rữa.
- Hoa súng trắng (tên gọi: Nymphaea Alba) cho hoa từ tháng 5 đến tháng 8, có vài điểm tương đồng như súng vàng nhưng lá tròn to hơn và đường kính của hoa cũng to hơn có kích thước từ 15 đến 20 cm.
Có cùng chung họ với hoa sen, nhưng hoa súng được phân biệt dễ dàng qua những đặc điểm sau:
Số lượng cánh hoa, không có phôi nhũ (albumen) bên trong hạt hoa, mặt lá không thấm nước, hoa nở ngay trên mặt nước trong khi đó hoa sen lại mọc khá cao hơn mặt nước.
Người Ai Cập đã dâng tặng riêng hoa súng cho vị thần Mặt Trời, vị thần của sự hùng biện. Loài hoa này khép mình về đêm và yên giấc nồn g trên mặt nước tĩnh lặng từ hoàng hôn cho đến bình minh. Hoa súng được gắn liền với dãi băng buộc đầu của ngài Osiris, một vị thần của Ai Cập.
Chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh của nhiều vị thần trong các đền thờ bách thần Hindu với tư thế đang ngồi trên những bông hoa này, hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến một truyền thuyết xa xưa, truyền thuyết về một thế giới được sinh ra từ giữa những dòng nước.
Theo như truyền thuyết của người Hy Lạp thì hoa súng được cấu tạo bởi nguồn nước nguyên thủy sơ khai để trở thành cái võng của mặt trời vào buổi sáng đầu tiên của trái đất, tự trong các đài hoa cho ra đời một thiếu niên xinh đẹp mà họ gọi là Thần RÂ. Hoa súng đến từ bùn đất nhưng lại là một trong những loài hoa đẹp nhất trong muôn vạn sắc màu của cây cỏ trên trái đất.
Thêm một truyền thuyết của người Hy Lạp cho rằng một nữ thần đã chết vì yêu say đắm Hercule , người hùng đã hất hũi nàng nhưng để tưởng niệm muôn đời, ông đã hóa nàng thành Hoa Súng!
Đây là giống hoa tôn thờ của Osiris, và được trang trí trên phần bọc xác ướp của Ramsès II.
Người ta đặt những vòng hoa trên các ngôi mộ để coi đó như là bằng chứng thi hành theo những bức họa trong sách Livres des Morts, trong đó cho rằng người chết sẽ tái sinh trong các đóa hoa rực rỡ của chốn bùn đất, từ đó gợi cho ta biết về sở thích của thần Thái Dương.
Hoa súng màu xanh được yêu chuộng hơn súng trắng bởi mùi thơm của hoa, nó được xem là biểu tượng của vị thần trẻ Memphis, chúa tể của các mùi hương.
Tôi thích bông súng, thích lắm .
Mà kỳ , thích thì thích sen, sen đẹp , màu nào cũng đẹp, sen có cánh
hồng phơn phớt càng đẹp . Cái gì từ sen cũng quý, từ hoa , đặt nơi thờ
phượng, tới cọng làm gỏi ăn không chê vào đâu được , rồi đài sen cho hạt
ăn tươi hay để già phơi khô nấu chè cùng với mộc nhĩ trắng thật ngon ,
thật đậm đà những trưa hè .
Súng là họ hàng với sen , thích sen thì đúng là ai cũng thích , tôi lại đi thích súng, có lý do cả .
Hồi nhỏ , nhỏ lắm, tôi vốn đã là trái tim nhạy cảm , đi đâu làm gì cũng được người khác để ý nhiều hơn các trẻ con khác . Chả là tôi đóng kịch mà . Lần đầu ra đường thì tôi buồn thiệt, mới bị má đánh , tôi không cười nổi khi ba tôi dắt tới nhà người quen , thấy tôi có vẻ ưu tư hơn trẻ khác , người quen đó của ba tôi lấy kẹo cho tôi ăn rồi còn bế tôi vào lòng , ngồi như thượng khách . Thích chết đi được .
Từ đó , hễ ra đường, dù mới được bảng danh dự hay mới cười ha hả vì chọc được em gái khóc , tôi vẫn ra vẻ ưu tư xem có xôi chè gì hơn người khác không .
Cũng có ngày toại nguyện , có ngày không , chớ sao mà được cả được . Chuyện làm ăn với ba tôi , có khách họ còn sống tinh thần , để ý con nít , có khách họ để muỗi cắn tôi chết ngoài sân coi xe cho ba tôi chứ có ngó ngàng chi đâu .
Một lần , lại nhà một bác quen , tôi đứng trông xe bên ngoài cho ba tôi như thường lệ , một anh , chắc ở nhà đó , lớn hơn tôi chừng 4, 5 tuổi , lại chào tôi và hỏi han tôi như người quen . Tôi vinh dự lắm , nhưng mặt vẫn nghiêm nghị , vẫn ưu tư cho ra vẻ thế con nhà có dạy . Anh hỏi điều gì tôi cũng ậm ừ không nói , hai môi cứ bấu chặt nhau . Cuối cùng , anh bỏ đi và bảo " tội con bé đẹp quá mà câm !" , tôi tức quá , cười ha hả lên rồi nói " anh ơi , em đâu có câm , ba em dặn không nói chuyện với người lạ " .
Lúc đó anh cười đến ngộ và tinh nghịch , cái nhìn cúa anh như xuyên qua người tôi, tự nhiên tôi thấy mình đến là kỳ cục, tôi thẹn nhìn xuống đất , anh đi tới , đỡ càm tôi lên và bảo " em đẹp như một hoa súng , em ráng cười nhiều hơn đi , cô bé " ...
" Trời , người ta đóng kịch thôi , làm dữ dậy ! " lúc đó tôi tự nhận ra mình cũng vô lý .
Hoa súng, ơ , đẹp thì khen hoa sen chứ ai lại bảo hoa súng . Kỷ niệm đó đi vào lòng tôi thật thân thương .
Tôi đổi luôn tính từ đó , tôi không còn thích đóng kịch làm mặt buồn lúc nào cũng cười dù người ta bảo cười hở mười cái răng, tôi còn tám cái răng sửa tôi cũng nhe ra cười chơi cho đời vui à .
Năm 1990 , gia đình tôi tới Mỹ vào tháng Giêng , tháng 8 năm đó là đám cưới chị tôi . Họ hàng bạn bè tới rất đông từ khắp tiểu bang ở Mỹ . Tôi là một thiếu nữ còn đang làm quen với nhiều sự đổi thay thời gian đó .
Ðang ngồi nơi bàn tiệc , một anh lại ngay kế bên tôi ngồi hỏi tôi nhớ anh không , tôi ậm ừ bảo anh " dạ sao phải nhớ , mà anh là ai " ..
" ba anh quen ba em , phải em là cô gái hay đứng trông xe cho ba em hông , nét mặt em vẫn quen quen " ... tôi nhớ ra liền , đúng là cái cha nội khen tôi giống hoa súng ..
Tôi thấy thẹn ra mặt . Anh mời tôi điệu rumba , điệu nhảy tôi thích nhất và là điệu duy nhất tôi thích nhảy trong các lần party tại trường đại học . Hết bài , anh mời tôi ra ngoài nói chuyện , thấy tiệc cũng còn chưa tan , tôi bước theo anh ...
Tôi bất chợt nhớ .. " à anh , sao anh lúc đó lại ví em như hoa súng "
Anh cười hề hề , sau đó lại gãi tai .. , rồi lại cười bí hiểm . Cuối cùng anh bảo tôi trời đã trở lạnh , anh dìu tôi vào , tôi vẫn nhắc , " nói em nghe coi , tại sao hoa súng vậy ? " ..
Anh vẫn không trả lời tôi và bí mật đó anh mang theo về Kansas luôn lần đó .
Những năm tiếp theo , tôi miệt mài việc đèn sách , cũng quên đi kỷ niệm hoa súng của mình . Anh và tôi giữ liên lạc bằng thư, rồi bằng emạil nghe chừng thân quen như hai người bạn biết nhau từ lâu lắm , anh cho tôi một chỗ dựa tinh thần , và anh bảo tôi cho anh những nụ cười thật hồn nhiên anh không thể nào quên, nhất là chuyện hoa súng ...
Bây giờ anh là ông xã tôi , hai đứa nhóc chạy lon ton trong nhà .
Một lần tôi nghe anh nói với mẹ anh " súng hả má , cô ấy khoẻ má , hai cháu nội má khoẻ luôn " .. tôi hơi ngạc nhiên .
Tôi hỏi anh , " trời , anh nhắc ai là súng , không phải em , em liệng cái ly này vô anh ráng chịu ! ? Anh cười thật tươi , giải thích , " bí mật giữ quá lâu cũng nhàm há , nhớ ngày hôm đó hông, em đang thật nghiêm , anh bỏ đi , em bỗng dưng gọi và cười , răng em chưa mọc hết , anh chọc em ví em là bông súng nhưng có ý chọc là ... là ... sún răng " ..
Tôi ngã ngữa, anh hay thiệt , tôi mà biết ra điều đó trước khi làm bà xã anh thì có lẽ chỗ anh đang có là chỗ của người khác rồi .
Phải phục ông xã tôi thiệt , cưng héng ...
Cho một người bạn ..
Quang Ngọc
Súng là họ hàng với sen , thích sen thì đúng là ai cũng thích , tôi lại đi thích súng, có lý do cả .
Hồi nhỏ , nhỏ lắm, tôi vốn đã là trái tim nhạy cảm , đi đâu làm gì cũng được người khác để ý nhiều hơn các trẻ con khác . Chả là tôi đóng kịch mà . Lần đầu ra đường thì tôi buồn thiệt, mới bị má đánh , tôi không cười nổi khi ba tôi dắt tới nhà người quen , thấy tôi có vẻ ưu tư hơn trẻ khác , người quen đó của ba tôi lấy kẹo cho tôi ăn rồi còn bế tôi vào lòng , ngồi như thượng khách . Thích chết đi được .
Từ đó , hễ ra đường, dù mới được bảng danh dự hay mới cười ha hả vì chọc được em gái khóc , tôi vẫn ra vẻ ưu tư xem có xôi chè gì hơn người khác không .
Cũng có ngày toại nguyện , có ngày không , chớ sao mà được cả được . Chuyện làm ăn với ba tôi , có khách họ còn sống tinh thần , để ý con nít , có khách họ để muỗi cắn tôi chết ngoài sân coi xe cho ba tôi chứ có ngó ngàng chi đâu .
Một lần , lại nhà một bác quen , tôi đứng trông xe bên ngoài cho ba tôi như thường lệ , một anh , chắc ở nhà đó , lớn hơn tôi chừng 4, 5 tuổi , lại chào tôi và hỏi han tôi như người quen . Tôi vinh dự lắm , nhưng mặt vẫn nghiêm nghị , vẫn ưu tư cho ra vẻ thế con nhà có dạy . Anh hỏi điều gì tôi cũng ậm ừ không nói , hai môi cứ bấu chặt nhau . Cuối cùng , anh bỏ đi và bảo " tội con bé đẹp quá mà câm !" , tôi tức quá , cười ha hả lên rồi nói " anh ơi , em đâu có câm , ba em dặn không nói chuyện với người lạ " .
Lúc đó anh cười đến ngộ và tinh nghịch , cái nhìn cúa anh như xuyên qua người tôi, tự nhiên tôi thấy mình đến là kỳ cục, tôi thẹn nhìn xuống đất , anh đi tới , đỡ càm tôi lên và bảo " em đẹp như một hoa súng , em ráng cười nhiều hơn đi , cô bé " ...
" Trời , người ta đóng kịch thôi , làm dữ dậy ! " lúc đó tôi tự nhận ra mình cũng vô lý .
Hoa súng, ơ , đẹp thì khen hoa sen chứ ai lại bảo hoa súng . Kỷ niệm đó đi vào lòng tôi thật thân thương .
Tôi đổi luôn tính từ đó , tôi không còn thích đóng kịch làm mặt buồn lúc nào cũng cười dù người ta bảo cười hở mười cái răng, tôi còn tám cái răng sửa tôi cũng nhe ra cười chơi cho đời vui à .
Năm 1990 , gia đình tôi tới Mỹ vào tháng Giêng , tháng 8 năm đó là đám cưới chị tôi . Họ hàng bạn bè tới rất đông từ khắp tiểu bang ở Mỹ . Tôi là một thiếu nữ còn đang làm quen với nhiều sự đổi thay thời gian đó .
Ðang ngồi nơi bàn tiệc , một anh lại ngay kế bên tôi ngồi hỏi tôi nhớ anh không , tôi ậm ừ bảo anh " dạ sao phải nhớ , mà anh là ai " ..
" ba anh quen ba em , phải em là cô gái hay đứng trông xe cho ba em hông , nét mặt em vẫn quen quen " ... tôi nhớ ra liền , đúng là cái cha nội khen tôi giống hoa súng ..
Tôi thấy thẹn ra mặt . Anh mời tôi điệu rumba , điệu nhảy tôi thích nhất và là điệu duy nhất tôi thích nhảy trong các lần party tại trường đại học . Hết bài , anh mời tôi ra ngoài nói chuyện , thấy tiệc cũng còn chưa tan , tôi bước theo anh ...
Tôi bất chợt nhớ .. " à anh , sao anh lúc đó lại ví em như hoa súng "
Anh cười hề hề , sau đó lại gãi tai .. , rồi lại cười bí hiểm . Cuối cùng anh bảo tôi trời đã trở lạnh , anh dìu tôi vào , tôi vẫn nhắc , " nói em nghe coi , tại sao hoa súng vậy ? " ..
Anh vẫn không trả lời tôi và bí mật đó anh mang theo về Kansas luôn lần đó .
Những năm tiếp theo , tôi miệt mài việc đèn sách , cũng quên đi kỷ niệm hoa súng của mình . Anh và tôi giữ liên lạc bằng thư, rồi bằng emạil nghe chừng thân quen như hai người bạn biết nhau từ lâu lắm , anh cho tôi một chỗ dựa tinh thần , và anh bảo tôi cho anh những nụ cười thật hồn nhiên anh không thể nào quên, nhất là chuyện hoa súng ...
Bây giờ anh là ông xã tôi , hai đứa nhóc chạy lon ton trong nhà .
Một lần tôi nghe anh nói với mẹ anh " súng hả má , cô ấy khoẻ má , hai cháu nội má khoẻ luôn " .. tôi hơi ngạc nhiên .
Tôi hỏi anh , " trời , anh nhắc ai là súng , không phải em , em liệng cái ly này vô anh ráng chịu ! ? Anh cười thật tươi , giải thích , " bí mật giữ quá lâu cũng nhàm há , nhớ ngày hôm đó hông, em đang thật nghiêm , anh bỏ đi , em bỗng dưng gọi và cười , răng em chưa mọc hết , anh chọc em ví em là bông súng nhưng có ý chọc là ... là ... sún răng " ..
Tôi ngã ngữa, anh hay thiệt , tôi mà biết ra điều đó trước khi làm bà xã anh thì có lẽ chỗ anh đang có là chỗ của người khác rồi .
Phải phục ông xã tôi thiệt , cưng héng ...
Cho một người bạn ..
Quang Ngọc