Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Đuổi bắt một mùi hương

Hương Xưa

 Hương Xưa 2

Thân tặng các bạn Gia Long  
Hương lạ,
Sao luôn nhớ dẫu chỉ là hương lạ,
Hương lượn lờ thoang thoảng ngỡ như mơ...
Bóng hình xưa đã gặp rất tình cờ,
Nhưng lưu luyến và suốt đời đeo bám !

Hương trong gió âm thầm không ảm đạm,
Quấn quýt ta quanh quẩn cả một đời...
Tâm dẫu buông mà hương vẫn không lơi,
Trong tâm ý hương vẫn là bầu bạn.

Người ra đi chừ sân chùa vắng lặng,
Chút hương thầm người cũng ngỡ như ta ?
Nay dù xa hương có lạ đâu mà !
Thương kỷ niệm ngày xưa ta có bạn..

Tên người xưa thoắt chìm vào quên lãng,
Tiếng chuông chùa điểm nhỏ xoá hương xưa...
Sắc tức thị không vương vấn chi thừa,
Xin gửi lại chút hương về chốn cũ !!
NM


Đuổi bắt một mùi hương
Đôi khi bạn nghe một dòng nhạc, và những âm vang này có thể đi theo bạn tới cả đời. Nó lảng vảng trong trí nhớ, nơi đâu đó, có khi ẩn xuống và rồi một đêm nào đó, một buổi chiều nào đó, dòng nhạc đó lại hiện lên với những nốt nhạc làm toàn thân bạn rung động.
Tôi đã trải qua những kinh nghiệm tương tự. Không hoàn toàn như thế. Không, không phảỉ là nhạc. Tôi ưa thích nhạc, nhưng không giỏi về nhạc, cũng không say mê âm nhạc kiểu bỏ ăn bỏ ngủ. Ngay cả sau khi tôi đi dự một buổi hòa nhạc rất xuất sắc, với những nhạc sĩ tôi quý trọng, và những ca khúc của họ trình diễn bởi các ca sĩ tuyệt vời tôi ưa thích... những dòng nhạc đó có theo tôi thoang thoảng trong trí nhớ, và chỉ hôm sau là quên. Hệt như là, tôi đã đưa tay chụp bắt được những dòng nhạc chạy theo trong trí nhớ, và rồi ném ra xa thật mạnh, thế là cho quên biền biệt để còn có thì giờ làm chuyện khác.
Trí nhớ là cái gì rất là bí hiểm. Có những cái chúng ta muốn lưu giữ, thì lại quên, và ngược lại. Nói chung, về âm nhạc, tôi chỉ là một kẻ i tờ, tuy rằng cũng biết thưởng thức – nói “thưởng thức” cũng là điều nên dè dặt. Vì chỉ biết có nhạc hay, có nhạc dở, có nhạc trung bình. Và thế thôi, không nhiều hơn, và cũng không giải thích nổi vì sao nhạc này hay, nhạc kia dở. Thế là, đành dựa cột mà nghe.
Đôi khi đó cũng là điều tốt. Nên lắm. Vì có một lần, một anh bạn nhạc sĩ sáng tác nói với tôi rằng, anh từ sáng cho đến tối, cho tới cả trong giấc ngủ... lúc nào cũng nghe các dòng nhạc vang trong đầu. Tôi nghe và lo sợ. Vì đôi khi tôi làm thơ, đôi khi viết truyện... nhưng hễ nói ngưng, là thôi, tất cả các dòng thơ và ý truyện không quấy rối mình nữa.
Tôi nghĩ, trong khi những dòng nhạc đuổi theo anh ta cả ngày đêm như thế, rủi đứng tim mà chết là sẽ bị dòng nhạc nâng chàng lên tức khắc, và đưa chàng tái sanh vào một gia đình cũng say mê âm nhạc; như thế, có khi cũng nên nếu chàng muốn thế, nhưng có khi chỉ lại bận rộn thêm một đời tương tự. Đó là, chỉ nghĩ linh tinh thôi, nhưng làm sao dám nói ra. Thêm nữa, nói những chuyện ngoài khoa học vật lý là cái gì nên dè dặt.
Trong khi đó, tôi chỉ ngạc nhiên vì, thỉnh thoảng phảng phất quanh tôi là một mùi hương lạ, theo cả nhiều thập niên – nó thoang thoảngđâu đó, rồi có lúc ẩn, lúc hiện. Mùi hương lạ như tự trời xuống. Mùi hương lạ đấy, không phải mùi nước hoa đâu, cũng không phải kiểu văn chương mà người ta ưa nói là “mùi hương giai nhân” hay “mùi hương con gái” tuy rằng, đúng là có hình ảnh một cô bé nơi đây.
Nói đúng ra, có hai cảm giác chạy theo tôi nhiều thập niên. Nhưng tôi muốn nói mùi hương trước, vì như thế mới tinh tế. Và cảm giác kia là nằm ở bàn tay, khi một lần tôi chợt nắm tay một cô bạn gái, và tay tôi như điện giật tự nhiên rút về. Chính ngay lúc đó, tôi ngửi thâý một mùi hương từ cơn gió nhẹ trong sân chùa thoảng qua. Và hai cảm giác, mùi hương và cái nắm tay bất chợt đó đã theo tôi gần trọn cả đời. Không cố ý đâu. Bất chợt nắm tay thôi. Cả tôi và cô bé không biết gì hơn là một cái nắm tay. Đúng ra, có hình ảnh một đôi mắt nữa, có một bờ tóc, có một tà áo trắng, có lẽ, đôi khi trong mơ.
*
Nhưng tôi thích nói về mùi hương hơn. Vì mùi hương tinh tế hơn, còn cảm giác nắm tay lại có vẻ thô thô thế nào. Một lần, tôi kể cho tên bạn cùng ngồi học thi ở Chùa Xá Lợi, hắn cười lên hô hố... nói rằng mới chỉ nắm tay là còn dở lắm. Sau đó, tôi chỉ muốn nói về mùi hương thôi, cho nó có chất thơ hơn. Và cảm giác sờ chạm, nói ra là dễ bị hiểu nhầm.
Năm đó, tôi 17 tuổi, vào ngồi sân Chùa Xá Lợi để học thi. Có một nhóm bạn cũng ưa vào đây ngồi lê la sân chùa, vì ngồi đây học thi là tuyệt vời. Tìm đâu ra bóng mát dưới những trưa nắng để ngồi học bài. Dĩ nhiên, là ngồi bệt xuống đất, tựa lưng vào tường... bởi vì thư viện chùa nhỏ lắm, không có chỗ, và thường là đóng cửa hoài. Đôi khi đói bụng, xuống bếp xin ăn chùa, nếu lúc đó đám bạn không ai còn dư tiền để từ bi ra mua thứ gì cho cả nhóm chia nhau ăn.
Trong sân chùa có hai nhóm, nhóm trẻ là tụi tôi học thi; còn nhóm già hơn, là các anh hầu hết đã học xong đại học, đã ra đi làm. Trong nhóm lớn tuổi đó, có anh luật sư Lộc, bây giờ cũng ở Little Saigon, đã bỏ nghề luật để vào nghề báo. Đó là nói người gần thôi, còn các bạn bây giờ ở xa thì nhiều lắm, kể không hết.
 Cô bé lúc đó học Gia Long, sau tôi cỡ hai lớp -- hay một lớp, không nhớ rõ đâu. Giờ tan trường, cô bé đứng nơi hàng hiên bên hông chùa để chờ chị tới đón về nhà. Chỗ cửa tam quan cho người bộ hành vào, chứ không phải chỗ cửa cho xe hơi vào sân. Làm sao mà tôi quen được thì không nhớ nổi. Bởi vì tên nhóc khù khờ nhất trong nhóm là tôi thôi. Có thể quen vì mấy tên bạn giới thiệu. Mấy tên kia thì nhanh nhẹn, nói khéo; trong đó có tên đàn hay, hát giỏi, và vân vân. Trong khi tôi ngồi đâu là ngồi một chỗ, ưa lặng lẽ, một phần cũng vì thói quen tập thiền từ nhỏ -- lúc đó, đã tự mua sách về tập thôi, chưa theo thầy nào hay dòng phái nào hết; chỉ khi vào Đại học, mới theo bạn lên Chùa Tây Tạng Bình Dương.
Bấy giờ mà kể chuyện nhớ tới một mùi hương ra hằn là bọn nó sẽ cười tới tắt thở, sẽ bảo là ngộ nhận rồi. Vì trong sân chùa có cây hoa ngọc lan. Có những đêm, mấy đứa ngủ lại trong chùa, nằm dưới hàng hiên trên lầu, thường có thoảng dịu dàng mùi hoa hoa ngọc lan. Các sư cấm bọn học trò vào chùa ngủ, nhưng chúng tôi chờ tới khoảng 9 hay 10 giờ tối là trèo cổng bên hông vào chùa, lên hiên tầng chánh điện ngồi học bài, tới mệt mới ngủ.
Hình ảnh ngồi học đêm ở hàng hiên nơi sân trên lầu, tầng chánh điện đẹp y hệt như ở cõi nào khác. Ánh sáng trắng từ đèn hàng hiên tỏa xuống, mấy tên ngồi học bài trong không khí thinh lặng, vắng vẻ. Chùa Xá Lợi chỉ có vài nhà sư, không nhiều. Đôi khi một thầy nửa đêm bước ra hiên, gặp, mới vào lấy mấy trái táo, trái cam ra cho bọn học trò. Nhưng rồi sư cũng dặn, trên nguyên tắc là cấm học trò vào ngủ đêm hiên chùa, vì như thế là phạm luật.
*
Để nói về mùi hương lạ. Một buổi chiều, lúc đó là chặp tối. Cô bé vẫn còn đứng chờ chị tới đón về. Có lẽ vì lý do gì, nên trễ lắm. Các nữ sinh khác đã về cả rồi. Không hiểu tại sao bọn học trò lúc đó chỉ có một mình tôi. Như tiền định, một mình tôi đứng, nói chuyện với cô bé. Chỉ có hai đứa thôi.
Cô bé bảo, bây giờ chơi trò này nhé, nhìn vào mắt nhau anh nhé.
Tôi nói, ừa thì nhìn vào mắt nhau.
Trời ạ, bây giờ tóc đổi màu trắng phau rồi, mới nghĩ lại, thấy mình sao khù khờ chi lạ. Đứng dưới cổng tam quan bên hông chùa lúc đó làm gì có bao nhiêu ánh sáng mà nhìn. Bóng tối nhiều hơn ánh đèn. Thêm nữa, con đường bên hông chùa tối lắm, chỉ có đèn đường nơi đầu một sở Mỹ sau chùa thôi.
Tôi nhìn, chỉ thấy mắt nàng đen lánh, tóc xõa chấm vai... Bất chợt, không hiểu sao, tự nhiên tôi nắm tay cô bé. Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ, có thể lúc đó cô bé tự động nắm tay tôi trước.
Tay tôi như điện chạy tê rần, hốt nhiên giật lại. Một mùi hương từ sân chùa theo gió bay ra. Tôi không nhớ chính xác rằng chị cô bé tới khi nào. Cũng không hiểu tại sao không nhớ. Vì chị cô bé đi xe Honda dame, hễ tới là mình phải thấy chớ. Khi nhìn lại, cô bé biến đi rồi.
*
Cảm giác từ bàn tay và mùi hương vẫn theo tôi về tận nhà đêm hôm đó. Giấc ngủ tôi bồng bềnh như bay. Sáng dậy, mùi hương vẫn thoang thoảng. Không phải hương hoa ngọc lan. Cũng không phải hương nước hoa hay gì hết, vì đây là hương từ sân chùa bay ra, tôi nghĩ, hẳn là hương trời. Nhưng, tại sao lại hương trời? Không hiểu nổi.
Hôm sau, tôi vào sân chùa, đi khắp mọi nơi, từ sân chùa, tới chính điện, từ tháp thư viện cho tới nhà bếp, từ hàng hiên dưới cổng tam quan cho tới đứng trên cao, nơi đầu gió và cuối gió... để tìm xem mùi hương lạ đó ở đâu ra. Hoàn toàn không hiểu được, hoàn toàn không có mùi hương nào như thế.
Cũng lạ, từ hôm đó trở đi, cô bé không ra đứng ở hiên chùa nữa. Có thể là cô chị tới đón ngay trước cổng, đúng giờ hơn. Cũng có thể, cô chị rầy tại sao đứng nơi hàng hiên tối dưới cổng chùa... xã hội này bất trắc lắm. Và cũng có thể, cô bé không mong đợi là tôi khù khờ như thế.
Nhiều thập niên sau, khi đã đọc nhiều và xem phim nhiều, tôi nghiệm ra rằng, theo đúng kịch bản ở truyện và phim, lúc đó là phải ôm hôn. Thế thì liều quá. Rồi tôi cũng tin rằng, hộ pháp đã không muốn tôi liều như thế, ai mà ôm hôn nơi cổng chùa nhỉ... Hay mùi hương lạ đó là một cách ngăn cản khéo léo, vì muốn làm tôi khựng lại? Ai mà biết được.
*
Liên tục hai kỳ thi hai bậc Tú Tài, tôi đều đậu dễ dàng. Ngồi làm bài thi, đôi khi tôi chợt thấy mùi hương lạ đó. Những lúc như thế, cứ bất chợt, tôi ngẩng đầu lên, như chờ đợi nhìn thấy đôi mắt của cô bé. Nhưng không, không phải. Và nghĩ tới bàn tay đã nắm tay cô bé, cảm xúc khi đó lại, mạnh như tươi mới.
Trong các buổi ngồi thiền ban đêm hay rạng sáng, mùi hương đó vẫn thoang thoảng quanh tôi. Và khi nghĩ tới bàn tay, cảm giác vẫn đầy rung động. Tôi không biết làm sao để kết thúc những cảm xúc lãng đảng nơi mùi hương và bàn tay như thế. Ngườì khác có thể gọi mùi hương khi ngồi thiềnmầu nhiệm, hay linh tinh gì khác. Nhưng tôi biết không phải. Mình phải chạy trốn mùi hương này chứ, tôi nghĩ thế.
Tôi thuộc bài Bát Nhã Tâm Kinh, biết rõ rằng mùi hương và cảm giác bàn tay nắm bàn tay cũng nằm trong nhóm sắc thanh hương vị xúc pháp, và như thế cũng đều là không. Thế nhưng, tôi tự hỏi, tại sao với mình lại là có? Mà lại có như thật, như thiệt. Hễ nghĩ tới là hiện ra.
Tôi cũng nhớ lời Kinh Phật dạy là đừng lưu luyến các cảm thọ quá khứ, và đừng có vẽ vời gì cho cảm thọ tương lai. Nhưng làm sao được, vì mùi hương vẫn bay quanh tôi, thoang thoảng.
Liên tục hai mùa hè, tôi ngồi nơi ghế đá sân chùa. Cũng không thấy cô bé đâu hết. Tôi nghĩ, tuy là nghỉ hè, nhưng lẽ ra cô bé phải đi xe đạp tới thăm chùa, nơi cô bé phảỉ biết là có tôi đang ngồi chờ. Nhà cô bé cũng nào có xa đâu, chỉ loanh quanh trong xóm Bàn Cờ thôi. Hay là, tôi nghĩ, có thể ba mẹ bắt buộc cô bé đi học hè để luyện thi. Ai biết được.
Có lúc ngồi ghế đá, thoảng thấy mùi hương lạ đó, tôi bất ngờ quay đầu lại để nhìn sau lưng. Không ai hết. Tôi hỏi thằng Thành đang ngồi kế bên, có thấy mùi hương gì không.
Nó nói, không có gì cả, có thể là mùi hương trên chính điện bay xuống, hay mày nhầm với mùi dầu cù là, tao có chai dầu trong túi áo...
Tôi im lặng, biết là không phải. Tôi nghĩ, có thể tên này không có chiếc mũi nhạy cảm như mình. Nhưng không phải, nhiều thập niên sau, tên này vào làm ở Ty Cảnh Sát Dallas; nghĩa là, thể lực phải tốt lắm, làm sao mà hỏng mũi được.
*
Thế rồi năm 1975 tới. Tôi không nhớ tới cô bé nữa. Một đôi khi, tôi nghĩ những chuyện xưa như là cổ tích. Kể cả mùi hương và cái nắm tay. Lịch sử như một cuốn sách để giữa trời, và gió lật qua từng trang tàn khốc. Có trang lật qua nhẹ nhàng, khẽ khàng; có trang lật qua ào ạt, như trận gió giận dữ ào tới. Không ai níu kéo được thời gian. Đã có vài tên bạn của tôi từ biệt cõi đời này.
Khoảng năm 1980, thỉnh thoảng tôi ghé thăm Thầy Đồng Nguyên ở Đại Tùng Lâm, khi có việc ra Vũng Tàu. Tuy cùng là học trò của Thầy Tịch Chiếu ở Bình Dương, nhưng tôi vẫn luôn xem Thầy Đồng Nguyên là nơi tôi cần học hỏi nhiều.
Một đêm ngủ lại ở Đại Tùng Lâm, tôi bước ra sân. Thời đó, chùa này hoang sơ lắm, không lớn như bây giờ. Đêm trăng sáng, tôi và Thầy Đồng Nguyên đi dạo trong sân chùa. Bất chợt, mùi hương lạ năm cũ lại thoảng qua. Tôi hỏi Thầy Đồng Nguyên có thấy mùi hương gì lạ không. Thầy nói, chỉ có gió rừng, hương hoa và lá rừng như mọi ngày thôi.
Tôi nói rằng, có một mùi hương lạ theo tôi từ một buổi tôi nhìn vào mắt một cô bé. Tôi không kể thêm là khi nhìn vào mắt cô bé một chặp, bất chợt tôi đã nắm tay cô bé. Nếu kể ra, thấy có gì kỳ kỳ. Ai mà đi kể chuyện nắm tay, nhất là kể với thầy chùa. Dĩ nhiên, mắt làm sao mà có mùi hương được.
Thầy Đồng Nguyên chậm rãi nói, như thế là em đang đuổi bắt một mùi hương, có phải không.
Tôi không trả lời chỗ này, vì không chính xác như thế, nhưng cũng không biết giảỉ thích minh bạch ra sao.
Thầy Đồng Nguyên nói, ngay khi em đuổi bắt một mùi hương, là ngay khi đó tâm em đã bị mùi hương đó chụp bắt rồi.
Thầy nói tiếp, hiểu không.
Tôi đáp, em thấy lờ mờ.
Thầy nói, thí dụ, bây giờ em luyến nhớ tới một nụ hôn với cô ta...
Thế đấy, tôi không có khiếu giải thích chuyện gì hết. Chỉ mới hỏi một câu, là anh ra ngay một thí dụ đầy ngộ nhận.
Thầy Đồng Nguyên và tôi vẫn bước đi trong sân Chùa Đại Tùng Lâm, giữa tiếng gió rừng xô là xao xác, giữa những trận gió lịch sử khốc liệt đang thổi tung khắp đất nước.
Thầy nói tiếp, thế này nhé, khi em luyến nhớ một nụ hôn với cô ta, chính ngay lúc đó, tâm em đã bị nụ hôn đó chụp bắt.
Tôi nói, vâng, hẳn là thế, nhưng thiệt sự em chưa từng hôn gì hết.
Thầy cười và nói, chỉ là thí dụ mà.
Trong bóng trăng lờ mờ, tôi đoán được kiểu cười của Thầy Đồng Nguyên, người sư huynh tuyệt vời của tôi.
Thầy nói thêm, để anh nói cái này thì nó hàn lâm hơn. Thế này nhé. Sư Lâm Tế nói Tứ Liệu Giản, câu đầu nói là “Hữu thời đoạt nhân, bất đoạt cảnh.” Có nghĩa là, có khi đoạt nhân, không đoạt cảnh. Nhân đây là tâm, cảnh đây là đối tượng của tâm. Đoạt nhân là khi em chủ động được tâm mình. Thế nào là chủ động được tâm mình? Đó là khi tâm em vô trụ. Nghĩa là, không trụ vào bất cứ gì hết, kể cả trụ vào một mùi hương nào đó. Ngay khi em trụ vào một mùi hương nào, là em không còn ở thế đoạt nhân nữa, mà chính là tâm em đã bị mùi hương kia đoạt mất rồi. Đấy nhé, lúc đó mất tâm rồi nhé... Lúc đó, không phải là “đoạt nhân,” mà là “bị nhân đoạt” vậy.
hầy tiếp, hay nói thế này xem, rằng khi em giận dữ hay khi em thèm muốn gì đó, có nghĩa là tâm của em đã bị cái sân và cái tham đó chiếm đoạt rồi; đó là “nhân bị đoạt” chứ không phải là em đã “đoạt nhân,” đúng không. Tôi chỉ trầm ngâm.
Lòng tôi rối bời bời. Lúc đó đất nước ngổn ngang, mình tu tập thiền định chẳng tới đâu, lại gặp ông sư huynh nói như thế. Tôi ngáp, nói thôi cho em vào ngủ.
Vị sư huynh này nói thêm, nhưng hễ chạy trốn mùi hương đó cũng là hỏng rồi đó, vì cả đuổi bắt và chạy trốn đều sai, đều trật.
Giấc ngủ đêm hôm đó, mùi hương bay tràn ngập trong hồn tôi. Sáng ra, khi ngồi uống trà với Thầy Đồng Nguyên và gật gù, tôi tự nhủ, đúng vậy hồn mình đã bị mùi hương kia đoạt rồi, ngay khi mình đuổi bắt hay chạy trốn là mình đã bị chụp bắt rồi. Nhưng tôi không nói thêm với ông anh chuyện này nữa.
*
Mấy ngày trước khi vượt biên, tôi lên Bình Dương thăm Thầy Tịch Chiếu. Chùa lúc đó vắng lắm, không bao nhiêu người. Quê nhà khi đó đang vào một thời kỳ say men xã hội chủ nghĩa. Không có lời nào mô tả được thời kỳ này. Nhà nước sau này, gọi đó là thời bao cấp. Nói như thế chỉ là phiến diện. Nhưng dù gọi gì thì gọi, thời đó nhiều chuyện cực kỳ đau đớn hơn bây giờ nhiều.
Khi tôi nói là tôi sắp rời nước ra đi, Thầy Tịch Chiếu nói tôi cùng đi dạo bước với thầy quanh chùa. Thầy dẫn tôi tới ngọn đồi sau chùa. Nơi đó, chim bay xao xác, nhiều loại chim. Tiếng chim kêu, hòa vào tiếng gió thổi.
Thầy nói với giọng Huế của người đã vào Nam từ lâu, rằng tôi có nghe tiếng chim kêu với tiếng gió thổi xao xác không. Tôi nói, thưa Thầy, con nghe có tiếng chim kêu, tiếng gió thổi.
Thầy nói, tâm con trước giờ vốn lặng lẽ, trước giờ vốn không tịch, trước giờ không có tướng mạo, như tấm gương trong trẻo vậy, và bây giờ khi chim kêu thì tâm con mới khởi ra tiếng chim kêu, khi tiếng gió xao xác thì tâm con mới khởi ra tiếng gió thổi. Do vậy, tiếng chim kêu không hề lìa tánh không tịch. Các pháp đều không hề lìa tánh không tịch. Các pháp đều hiện trong tâm, dù là những gì con thấy hay nghe, những gì con cảm thọ vui hay buồn, những gì con tham hay sân, đều từ tánh không tịch khởi lên, trụ lại, rồi hoại đi và rồi mất dạng về không tịch. Hãy thấy như vậy, đừng để tâm mình trụ vào bất kỳ thứ gì.
Tôi chỉ lờ mờ hiểu thôi. Nhưng tôi đoán rằng, cái gì lờ mờ đều là hỏng.
Buổi chiều, trước khi rời chùa, tôi cũng kể cho thầy nghe về mùi hương lạ, vẫn thường khi phảng phất quanh tôi, trong cả mơ lẫn thực. Tôi hỏi, biết rằng các pháp sinh rồi sẽ diệt, sao mùi hương này như dường cứ còn hoài. Dĩ nhiên, tôi không kể cho Thầy nghe chuyện nắm tay làm chi.
Tôi ngồi uống trà với Thầy. Chiếc bàn và chiếc ấm trà đều cũ kỹ, sứt mẽ. Ngôi chùa này hồi đó xiêu dột lắm. Trên mái, những viên ngói mọc rêu xanh, rêu đen như dường xưa cổ từ cả ngàn năm rồi.
Ngôi chùa vắng, cửa trống để gió luồng vào từng đợt khắp chùa. Hình ảnh như dường đang tái diễn từ một giấc mơ nào đó, như dường Thầy và tôi đã ngồi uống trà từ nhiều ngàn năm rồi, và bây giờ gặp lại để cùng uống trà...
Thầy cũng nói, khi con thấy có cảm thọ nào khởi lên, khi thấy có niệm tưởng nào khởi lên, hãy thấy rằng nó đang biến hiện, theo tuần tự thành trụ hoại không, rằng nó khởi lên, rằng nó đang trụ, rằng nói đang biến dần, rằng nói đã biến mất. Hãy thấy trong tâm mình các pháp thành trụ hoại không như thế.
Tôi nói, thế nhưng cái mùi hương lạ này, mùi hương theo con cả trong giấc ngủ nửa đêm.
Thầy Tịch Chiếu đưa tay chỉ về hướng ngọn đồi hồi trưa, nơi những cây cổ thụ vươn cao với các bóng chim bay núi vắng. Thầy hỏi tôi, bây giờ nơi đó, cũng vẫn còn những cánh chim bay, vẫn còn những cây lá uốn mình theo gió... vậy thì, tiếng chim kêu ở đâu rồi, tiếng gió xao xác ở đâu rồi? Hãy nhìn vào tâm mình mà hỏi, mà xem, rằng ai nghe đó?
Tôi ngần ngừ. Thầy lắc đầu dịu dàng.
Đêm đó, tôi thấy được mùi hương bỗng nhiên hiện ra hình cánh chim, hình cây lá xao xác trước gió, và rồi mùi hương trở thành những tách trà trên bàn, nơi Thầy và tôi ngồi nói chuyện.
*
Vào năm 2006, tên Sơn từ Sài Gòn email sang cho tôi biết, rằng cô học trò Gia Long năm xưa ở xóm Bàn Cờ -- tức là cô bé đã từng thỉnh thoảng vào sân chùa Xá Lợi và thường ngồi nói chuyện với tôi, đúng ra là nói chuyện với cả nhóm chúng tôi – đã từ trần vì bệnh ngặt.
Hắn kể rằng cô ta thường tới sân Chùa Xá Lợi chơi, vài tháng trước khi cô ta biến mất trên đời này. Nói “cô ta” là theo thói quen, thực ra là cao niên cả rồi. Có khi cô ta tới một mình, có khi cùng đi với bà chị. Hai người thường ngồi nơi ghế đá chúng tôi ưa ngôì. Chùa lúc này khác lắm, không như ngày xưa.
Tên Sơn lúc này chuyên dịch kinh sách Phật Giáo Tây Tạng từ các bản Anh ngữ sang Việt ngữ. Thường khi nhận được những bản kinh sách Anh ngữ tôi hay các bạn trong nhóm Viet Nalanda gửi về là Sơn cầm vào sân chùa ngồi đọc, nghiền ngẫm rồi một thời gian sau mới bắt đầu dịch. Chính những lần ngồi sân chùa như thế, Sơn mới gặp lại cô bé. Thế rỗi bẵng một thời gian, theo lời Sơn, bà chị cô ta gặp Sơn và nói rằng cô ta từ trần rồi.
Không ngờ em lại ra đi trước chị. Chị kể với tên Sơn, rằng trong những ngày cuối đời, khi bệnh chưa tới lúc liệt giường, cô ta bảo bà chị thỉnh thoảng chở ra sân chùa ngồi. Khi chị hỏi chi vậy, cô ta trả lời là cô ta nhớ một mùi hương. Chị mới nói, muốn có mùi hương ngọc lan, chị sẽ chở tới một sân chùa khác, nơi có trồng nhiều cây ngọc lan hơn, thêm nữa Chùa Xá Lợi bây giờ không còn vắng vẻ để ngồi như những ngaỳ thơ trẻ nữa. Cô ta lắc đầu, theo lời chị kể với tên bạn tôi. Khi đọc tới đó, tôi ngạc nhiên tự hỏi, sao cô nàng lại nhớ mùi hương, vì như thế, mùi hương kia là có thật...
Tôi điện thoại về hỏi Sơn, thế bà chị kia có kể những gì nữa không. Tên này nói là không, không nghe kể gì nữa hết. Hình như có vẻ tôi hỏi kiểu tra vấn hơi nhiều. Tên bạn nói, thôi thì từ trần là chuyện bình thường, tuổi nào cũng có thể ra đi cả, Thầy Đồng Nguyên tịch rồi, rồi tên Hiển cũng chết rồi... sinh bệnh lão tử mà. Tôi lặng lẽ, không hỏi gì thêm.
*
Đêm đó, trong khi ngồi thiền, đôi mắt cô ta hiện ra, và bàn tay tôi rung động như đang nắm tay cô ta, và mùi hương lại bay thoàng quanh tôi. Tôi mở to mắt, nhìn vào bức tường trắng trước mặt, tôi có cảm giác như thấy được mùi hương. Thấy được mùi hương? Đúng vậy. Mùì hương này không phải là làn khói, không mang hình dạng gì hết... Tôi tự hỏi, tại sao lai có cảm giác thấy được bằng mắt.
Nhưng đúng là thấy được, mùi hương hiện quanh mình, trong khi đàn chim từ ngọn núi Bình Dương về bay xao xác quanh tôi. Nhắm mắt cũng thấy chim bay, và cũng thấy mùi hương phảng phất.
Tôi đứng dậy, vào bàn và nghĩ rằng mình phảỉ vẽ lại mùi hương trên giấy. Tôi đã từng học vẽ hai thập niên trước, nhưng bỏ lâu rồi, vì không có thì giờ. Mùi hương là vô hình mà, tôi tự nhủ, nhưng sao mình lại có cảm giác là thấy mùi hương. Không phải vẽ làn tóc, không phải vẽ tà áo, không phải vẽ bất kỳ thứ gì khác mùi hương. Phải vẽ đúng mùi hương khi tôi nắm tay cô bé, tôi tự nhủ như thế.
Ngay khi cầm cọ lên, tôi mới nhận ra rằng không có gì tự có trên đời này cả. Không có mùi hương nào là tự có cả. Tôi nhớ lời Thầy Tịch Chiếu nói năm xưa, rằng khi tôi trở về sân chùa ngồi và khi trên đồi vẫn còn chim kêu và vẫn còn gió thổi ào ạt, vậy thì tiếng chim kêu và tiếng gió bạt ở đâu.
Tôi vẽ vòng tròn Thiền Tông lên giấy. Mực tàu loang trên giấy, và tôi thấy mình hiện ra trên đó, trên nét mực đó, có khuôn mặt của tôi, có khuôn mặt của nàng, có tiếng cười của mấy tên bạn đùa nghịch sân chùa Xá Lợi, có tiếng chim kêu trên núi Bình Dương, có tiếng Thầy Đồng Nguyên nói vọng lại từ Đại Tùng Lâm, có tiếng sóng biển Vũng Tàu, và trong nét mực trước mặt tôi đã tất cả những âm thanh của trần gian này...
Tôi mỉm cười trước trang giấy với nét vẽ vòng tròn Thiền Tông. Vậy à, khi không có một ai đứng nơi đồi chim đó, những âm thanh đó ở đâu. Tôi nghe lại giọng từ tốn của Thầy Bình Dương, rằng khi không có một tâm nào nơi đó, cảnh kia ở đâu hiện ra. Vâng, thưa Thầy, con biết, sắc tức là không, và không tức là sắc.
Buổi trưa hôm đó, khi tôi tới một ngôi chùa Quận Cam và nhờ một vị sư ghi tên cô ta vào danh sách cầu siêu trong 49 ngày. Lúc đó, tôi mới nhớ rằng mình đã quên tên cô ta rồi, điều rất lạ vì hôm qua khi viết email cho tên bạn, tôi còn ghi đầy đủ cả tên lẫn họ cô nàng, trong khi tên bạn chỉ nhớ mỗi tên cô ta thôi.
Tôi lấy iPhone ra, mở email cũ xem lại. Tiếng tụng kinh không ngớt từ chính điện vọng ra, trong khi vị sư và tôi ngồi nơi bàn khách giữa hàng người đi tới đi lui. Một điều lạ nữa xảy ra: email tôi trả lời tên bạn về cô ta cũng biến mất, không còn nơi đâu cả, kể cả trong nơi lưu giữ các email đã xóa. Tôi nghĩ, bây giờ còn trong hạn 49 ngày vừa ra đi, hẳn là cô ta giấu email để giỡn với mình trước khi đi xa.
Vị sư già hỏi lại, Phật tử đó họ gì. Tôi ghi xuống giấy một vòng chữ tròn, như hình vòng khuyên và đáp rằng con không biết cô này họ gì.
Tôi nói thêm, lúc xướng họ tên cô ta, thầy chỉ cần gõ một một tiếng chuông nhỏ là đủ. Vị sư già mỉm cười. Bời vì cầu siêu thiếu tên họ là bình thường, vì đất nước đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh.
Khi tôi bước ra cổng chùa, mùi hương lạ kia lại thoang thoảng. Nhưng tôi biết rồi, là hoàn toàn không có ai đuổi bắt mùi hương cả, và cũng không thực sự có mùi hương nào để được đuổi bắt hay chạy trốn cả. Và các pháp tự thân đã là vắng lặng, dù mùi hương có đến hay đi. Lúc đó, tôi chợt nhớ đôi mắt lấp lánh của cô nàng.
Tiếng tụng kinh từ chùa vọng ra, sắc bất dị không, không bất dị sắc...
Phan Tấn Hải

Kính Phật
Đến chùa tâm lễ Phật,
Tụng Kinh ngưỡng Phật quang,
Quyết tâm hành Phật sự
Đường về Phật thênh thang..
NM

26820141162_da71f35f45_m 

HƯƠNG CỎ THƠM

Tôi bước đi trên con đường miền quê, thuộc đồng bằng Sông Mékong, một dòng đại giang thân thương và trìu mến, một con sông phát nguồn từ tận xa xôi thượng lưu cao nguyên Tây Tạng, nằm vắt ngang “đường băng đồng” con đường huyền sử của Phật giáo Việt Nam. Dòng sông mang nhiều ấn tượng của tuổi ấu thơ với nhiều nhân duyên Phật Pháp và còn một con đường nữa mà ít ai biết được, đó là ”đường gia vị”, con đường biển xuyên qua đất nước Phù Nam, vào miền trung lưu sông Mékong rồi vào Đại Việt.
     Ngày hôm ấy, nhân dịp bãi trường tôi được thân phụ cho đi về quê thăm Nội tổ, đi bằng đường bộ, trên một chuyến xe ca nhỏ hướng về hương lộ xã Tam Bình – Ngũ Hiệp, xe chở khoảng 20 hành khách và hàng trăm ký hành lý về nơi xứ sở của vườn cây ăn trái như sầu riêng, cam, quít… Quê tôi cũng là xứ sở đồng lúa mênh mông, mạch sống của người dân miền lúa nước. Bách bộ về nhà, tôi tha hồ ngắm nhìn những áng mây hồng trôi lơ lửng giữa khung trời xanh, phất phơ tạo thành những hình hài rồng bay phượng múa, những hình ảnh chư thiên, thiên nữ xuất hiện một góc trời, như những hiện tượng của thiên thể, tạo thành một vệt không trung bay về trong vô định, đã đưa tôi độc hành vào hư ảnh, nơi vùng suy niệm về thế giới hư không, không thời gian và không gian trong cõi hư vô ngàn trùng vô tận.
Bên đường là những chồi cỏ non dại, những cánh hoa bông bụp thi nhau khoe sắc thắm, những hàng hoa sim tím, những hàng cây xanh điên điển, những cành hoa trinh nữ thường xuyên khép táng, rồi lại nở rộ xếp thành những đóa hoa tròn xoe tươi thắm, hương nhụy tỏa khắp quê hương, những nhành cỏ thơm, đây là những láng rau trai nép mình nằm rạp vệ đường, tạo thành một màu xanh mượt mà thăm thẳm với xa xa là những đầm sen hồng liên hoa, rồi bạch liên hoa vươn mình trổ nhụy từ ngỏ đầu làng đến cuối vùng thôn xóm vắng vẻ thân yêu.
Nhớ thuở bên đường lưu luyến ấy
Ngàn năm còn đọng nét hương quê.
 
(Giác Quang thi tập II)
     Mùa hè tháng 4 năm Đinh Dậu (1957), là mùa hoa phượng trổ, học sinh nghỉ học. Trong những ngày ở quê, lúc nào tôi cũng theo chân Hòa Thượng Thích Nhựt Long đi thăm ruộng, đấy là vị Hòa Thượng giảng sư mà tôi thương kính mến mộ; Hòa Thượng Trụ trì ngôi chùa Long Hòa, một ngôi chùa chân quê, nằm giữa khu vườn đầy cây cam, quít, sầu riêng… chùa lợp mái lá, vách đan tre “long một”, tức là tre được chẻ ra từ thân tre dài, vót thật sạch, đan cách nhau một mét có một thanh tre đứng chịu lực, tiếp đến đan cho tre nằm vắt ngang, và nối tiếp nhau, nối tiếp nhau trở thành vách tre đan “long một”. Bên trong phụng thờ Tam Bảo đơn giản, tuy giản đơn nhưng rất hiển linh, ngày ngày luôn có ai đó như chư thiên thì thầm, luôn tạo thành sự cân nhắc tụng kinh niệm Phật, công phu bái sám, dâng cơm Phật “cúng ngọ”, cúng kiến đại bàng kim súy điểu, quỷ tử mẫu khoáng dã, buổi chiều thì Mông Sơn thí thực, thí thập lọai cô hồn.
Một buổi trưa viếng thăm chùa Long Hòa, vừa nghe qua từ “cúng ngọ” chắc chắn ai cũng phải bỡ ngỡ vì từ ngữ Phật học nầy. Tôi xin nói về Phật sự “cúng ngọ” trong chùa cho những người con Phật muốn tìm hiểu: Theo lịch số thời điểm của Trung Hoa, địa chi “ngọ”, “giờ ngọ” tức là 12 giờ trưa, cúng cơm Phật vào giờ trưa khoảng từ 11 giờ đến 12 giờ gọi là “cúng ngọ”. Theo thời dụng biểu của Đức Phật lúc sanh tiền, Phật sử dụng hằng ngày để hành pháp, còn gọi là thời dụng biểu niết bàn (Chơn lý Đại đồng – tác giả Sư tổ Minh Đăng Quang) thì buổi sáng 6 giờ chư Thiên thọ thực, buổi trưa 12 giờ gọi là “nhựt thời trung”, Đức Phật và các môn đệ thọ thực vào buổi nầy, buổi chiều thì loài súc sanh thọ thực, buổi tối ngạ quỷ thọ thực. Làm Thầy tu Phật giữ giới, ăn cơm đúng giờ “ngọ”, quá ngọ, mặt trời vừa lóe qua chừng một sợi tóc thì hai hàm răng không chạm vào nhau nữa gọi là không ăn. Theo Sa di luật giải – quyển thượng – (Ngài Vân Thê Châu Hoằng chép – Việt dịch Tỳ kheo Thích Hành Trụ) như sau: “Thiệt căn lìa vị trần qua giữa ngày, nên nói chẳng ăn phi thời”. Giải rằng: “Phi thời ấy, là qua giữa ngày rồi, phi phần buổi của nhà tăng ăn vậy. Chư thiên ăn buổi sớm, Phật ăn giữa ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, quỷ ăn ban đêm, chúng tăng nên học theo Phật, chẳng ăn quá giờ ngọ…”. Đại Luật nói: “Phi thời ấy có hai phần: một là mặt nhựt quá giữa ngày; hai là ánh sáng của mặt trời chưa rạng đông. Lại nói bóng mặt nhựt đã trịch qua tây chừng một sợi tóc, sợi chỉ, tức gọi là phi thời.” Nay đây nói nhựt ngọ đó, là thuận theo lời ở phương đây, chính nơi kinh luật thì nên nói là nhựt trung mới đúng. Do vì, với giờ ngọ có chia làm tám khắc. Bốn khắc trước gọi là “chánh thời” bốn khắc sau gọi là “phi thời”. E người ta hiểu lộn xộn, nên chẳng nói chữ ngọ, mà nói chữ Trung. “Khởi thế nhân bổn kinh” nói: “Ô phô sa tha”, dịch “tăng trưởng”, nghĩa là người thọ trì trai pháp đây, được tăng trưởng căn lành. Như Phật dạy “Dùng cái sự qua giữa ngày chẳng được ăn, cũng gọi nghĩa ăn chay”.
Như kinh Tỳ La Tam muội, lấy bữa “ngọ thực” là pháp thực – Vua Tần Bà Sa La hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, cớ sao Ngài ăn bữa giữa ngày?”
Đức Thế Tôn đáp: “Sáng sớm dậy, chư thiên ăn, mặt nhựt đúng ngọ là bữa ăn của chư Phật ba đời, mặt nhựt xế qua tây là súc sanh đi ăn, mặt nhựt về chiều tối là quỉ thần đi ăn; Như Lai nay muốn dứt cái nhân sáu thú, khiến cho chứng vào cái đạo lý trung dung, nên mới chế ra bữa ăn của chư tăng đồng với chư Phật ba đời.” (Sadi luật giải – Việt dịch Tỳ kheo Thích Hành Trụ)
Cho nên làm đệ tử Phật giữ giới luật tinh chuyên thì thọ thực vào buổi trưa, theo chư Trưởng lão xưa gọi là “nhựt thời trung”, theo Phật giáo Trung Hoa gọi là “giờ ngọ”, theo các chùa Phật giáo Việt Nam gọi là “độ ngọ”, theo quy cũ chốn thiền lâm gọi là “cúng quá đường”, khi mặt trời xế qua một sợi tóc thì Phật, đệ tử Phật, chư Tăng Ni không thọ thực buổi chiều là vậy. Người tu sĩ thời nay do sức khỏe kém, thân chúng sanh uế trược yếu đuối khô gầy nên khi Đức Phật ban hành giới không ăn chiều có kèm theo ý nghĩa cho phép nếu có ăn chiều xem như cơm cháo là vị thuốc trị bệnh khô gầy yếu đuối của chúng sanh.
Đó là nghi cúng cơm Phật, quả đường cập Tăng của Bắc tông, còn một nghi nữa mà ít người thực hành theo dấu chân xưa. Mùa đông năm 1957 tôi đã gặp được Đại Đức Thích Chơn Thường, xuất thân từ Phật học đường Nam Việt, tuy không phải là nhà Sư khất sĩ, nhưng Đại Đức tu theo pháp hạnh khất sĩ, thọ thực theo pháp hạnh khất sĩ. Ngài về nơi quê tôi đi trì bình khất thực làm phương tiện thuyết pháp giảng kinh, dáng đi của Đại Đức sao mà thanh thản nhẹ nhàng như hương cỏ thơm lan tỏa nơi đồng nội, nhu nhuyễn đến thế, đôi chân mềm mại theo dáng vẽ từ bi, nhưng uy dũng như voi chúa điều ngự bầy đàn, như tâm vương ngự phục lục căn, biến thành thức tâm giác ngộ quy về một mối giữa chốn phù hoa. Hình ảnh Sa môn đó khuất phục tôi phải ngó theo bước đi của người cho đến khi tôi không còn thấy người ở tận nơi đâu!
“Một bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa,
Mắt xanh xem trần thế,
Mây trắng hỏi đường qua”.
(Ts Nhất Hạnh)
     … Thời thơ ấu của tôi, không quan tâm những thú vui thành thị, vô tư với sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn và chỉ được người thân hướng dẫn đến chùa lễ Phật, tụng kinh Phật, ngắm nhìn Phật, biết một vài chuyện Phật, việc làm Phật, suy nghiệm về quê hương và ngắm những “hương cỏ thơm” bên con đường xưa từ vô thỉ..
Quan san từ vô thỉ
Theo dòng chảy thời gian
Mài mòn và năm tháng
Độ ấy vẫn thênh thang.

(Giác Quang thi tập II)
 Thích Giác Quang
(bài viết đăng trên Hương Tràm VI – Trường TCPH Đồng Nai)


           
Phong hương sắc đỏ
Cành phong hương lá đỏ,
Màu chín đẫm sắc Thu...
Tô thắm miền sơn cước,
Sương mù chốn thâm u.
 
Em cô đơn dũng mãnh,
Trên đỉnh dốc non cao.
Thời gian trôi lặng lẽ,
Hoa đỏ rực trời sao...
 
Người đàn bà vẫn đợi,
Môi phảng phất nụ cười.
Phong hương màu đỏ dụ,
Bảng lảng giữa chiều thu
NM

Một đoàn tham quan đi về vùng đất cội nguồn, tác giả Võ Thị Xuân Hà ở Cành phong hương dẫn người đọc vào câu chuyện: truyện trong truyện, những nhân vật biểu hiện yêu và sống ở đời sống có ác và thiện. Có cái ác trần trụi và quyết liệt như nhân vật Lân yêu bản năng như con thú, có nhân vật thiện ác quẩn quanh như người tù không có tên. Câu chuyện buồn và rất buồn như đôi khi ở đời sống thật, nhưng đứng được nhờ điểm nhìn của tác giả về lòng tin ở cái thiện, để người tù không còn uống nốt ca nước hận thù, như hương của một loài hoa sơn cước nguyên thủy về một tình yêu có thật dù có thể vô vọng nhưng vẫn tồn tại tựa như Cành phong hương- Tình yêu con người với người. Câu chuyện lãng đãng như sương khói vùng sơn cước, kết cấu truyện trong truyện đan chéo, mà không rắc rối. Những đoạn văn trầm làm lay gợi suy nghĩ cho bạn đọc. - Lời bình của Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ
Tôi lên vùng núi lần này không phải vì ham vui.
Thật sự trong lòng tôi không còn chỗ cho những buồn vui của cuộc sống thường nhật. Lòng tôi thật sự cô quạnh.
***
Chiếc xe lao lên cung đường có nhiều đèo dốc quanh co. Lên đến đỉnh đèo Non Cao, lái xe bảo:
-Ta nghỉ một lát nhé?
Xe tạt vào lề. Cả đoàn lữ hành lục tục kéo vào cái quán nhỏ bên đường.
Trước cửa quán, một cây sau sau lá đang ngả sang mầu đỏ, ánh đỏ hắt vào cửa quán những vầng lung linh mê hoặc.
Mùa thu đang về.
- Đẹp quá! Mọi người cùng ngước nhìn những cánh lá mong manh mầu đỏ dụ.
Trong quán có đủ món ăn cho khách qua đường. Trứng gà, trứng vịt luộc, trà, hồng ngâm... Lại có cả cà-phê tan được pha và lắc trong những hộp nhựa, rồi đổ ra mấy cái ly được đánh bóng loáng.
Chủ quán là một thiếu phụ. Chị ngồi quay lưng ra đường. Ngay cả khi khách bước vào cũng cứ chìa cái lưng đập vào mặt khách một thân hình khá thon thả. Bộ đồ đen dày và khá tiện dụng của dân vùng cao có mấy cái túi căng phồng. Dễ tưởng tượng trong đó nào bọc tiền lẻ, nào bật lửa, nào các loại thuốc bằng lá được sấy khô.
Tôi nhìn chằm chằm vào cái lưng mặc đồ đen.
Thiếu phụ quay ra nhìn chúng tôi không nói không rằng, rồi đưa mắt lên mấy cành lá đỏ phất phơ ngoài cửa.
- Đấy là cây phong hương.
- Phong hương? -tôi chưa nghe tên loài cây này bao giờ.
-Nó chính là phong hương. Trên này chúng tôi không gọi là cây sau hay cây trước gì cả.
Tôi nhìn quanh căn nhà. Mọi thứ được sắp xếp khá gọn gàng và ngăn nắp.
- Mà... cô dùng gì? Mọi người cứ tự nhiên nhé. Tự pha trà cũng được. Đấy, các thứ tôi để sẵn... -thiếu phụ nói.
Tôi hơi ngỡ ngàng. Người đàn bà này có giọng nói khá ấm, phát âm chuẩn âm ngữ vùng Kinh Bắc. Khi chị đưa hai bàn tay lên ngang mặt bàn, mới biết cả hai tay đang cuốn băng trắng xóa.
Mấy người cùng đoàn liền chủ động lấy ấm pha trà và cắn hạt hướng dương tí tách.
Tôi hỏi:
- Tay chị sao vậy?
- Bỏng ga thôi. Tôi bất cẩn.
- Sao lại băng? Bỏng không nên băng đâu.
- Tôi bó thuốc, phải băng mấy tiếng rồi tháo ra để tự khỏi.
Tôi nhìn quanh bức tường. Trên cao có mấy tấm ảnh không được rõ lắm. Những hình người nheo nheo con mắt nhìn đoàn lữ khách.
- Chị... có bánh dẻo, bánh nướng không? Chúng tôi đi vội không kịp mua. Hôm nay là rằm 14 rồi. Tối nay chúng tôi mới đến nơi nghỉ, sợ không kịp mua để đón trăng.
Nói vậy là do tôi cũng vừa liếc thấy trong tủ kính bán hàng một cặp bánh dẻo.
Thiếu phụ lắc đầu:
- Tôi chỉ có một cặp bánh dẻo, lại không có bánh nướng. Tôi cũng chỉ cần một cái thôi. Cô lấy một cái đi.
- Nhà mình có mấy người mà chỉ cần một cái vậy chị?
- Một mình tôi thôi... Cô không lấy, tôi không ăn hết, phí đi.
Tôi quay ra cái tủ kính cóc cạnh, mở cửa lấy chiếc bánh dẻo.
Rồi lại quay ra bàn, ngồi xuống gần người phụ nữ hơn...
***
Câu chuyện của người đàn bà sơn cước Phố núi của chúng tôi chỉ có khoảng chục nóc nhà tươm tất. Còn lại là những túp lều ken bằng đất sét với nan trúc.
Chị Miên là hình tượng đẹp nhất của tuổi thơ tôi. Nhà chị ở kế bên, căn nhà có hàng rào ô-rô xanh mướt. Tôi hay bám theo chị mọi lúc, mọi nơi.
Đám trẻ con xóm núi, trong đó có thằng Lân cũng thích chị lắm.
Dù đang đánh nhau hay có nghịch ngợm mấy trò quậy phá gì đó, nhưng khi chị Miên đến gần là thằng Lân thẳng đơ người, mặt đỏ như con gà quay. Cái mầu đỏ trên mặt thằng Lân khiến tôi cảm thấy vô cùng thất vọng về nó.
Tôi nhớ hôm đó bầu trời xám xịt. Mây từ đâu kéo về đầy ứ trên núi khiến không gian lạnh cóng thô nhám.
Những con trâu được khua trên núi về, bước chân đi trên con đường dốc chậm chậm, móng gõ xuống mặt đường những thanh âm buồn thảm.
Một chiếc xe có thùng xe bịt kín từ xa lao đến, từ từ đỗ xuống ven xóm núi. Trên xe lấp ló những cặp mắt tù.
Rồi họ được uống nước. Nước trà nóng bưng ra từ quán nhỏ bên đường. Cả thùng xe nhộn nhạo sôi động. Lũ trẻ con chúng tôi cũng nhộn nhạo không kém. Thật là một sự kiện hiếm hoi. Chúng tôi bám vào thùng xe, nhìn sâu vào bên trong.
Bên trong là mấy anh tù đang bị xích tay lại với nhau. Người này bị xích một tay vào người kia. Còn một tay để có thể dùng bưng ca nước lên uống.
Chị Miên đứng áp vào cửa ghise của thùng xe, nhìn như thôi miên một gã tù còn trẻ măng.
Thật sự gã này còn rất trẻ, chỉ như cỡ học cùng khóa với chị Miên trên trường cấp ba phố huyện, cách xóm núi của chúng tôi hàng chục cây số. Mà tôi đâu biết họ có quen nhau từ trước hay không? Chỉ biết chị Miên đang đứng như chôn chân bên cái xe thùng chở tù nhân.
Đứng như con linh dương cái đến mùa phong hương đỏ lá. Tôi ngước nhìn con linh dương cái ấy, ngưỡng mộ đến vô cùng. Tôi cũng nhìn thấy thằng Lân, hai tay nắm chặt lại như vào thế thủ. Nó đứng cách một đoạn xa, nhìn con linh dương biến ảo, như muốn lao vào cắn xé, lại như muốn quỳ xuống ôm lấy đôi chân dịu dàng mềm mại như nhung kia.
Gã tù chỉ có một tay cầm ca nước. Gã vừa uống vừa nhìn chị Miên không chớp mắt. Uống xong, gã đưa cái ca qua cửa ghise trả lại cho chị Miên. Rồi gã móc trong túi ngực ra một cuốn sổ nhỏ. Cuốn sổ cũ kỹ quăn bìa chứng tỏ chủ nhân thường đem ra ghi chép. Tần ngần ngắm nghía trong vài giây, rồi bỗng gã chìa cuốn sổ ra đưa cho chị Miên.
Chính chị Miên cũng bất ngờ.
Tôi không nghe thấy họ nói gì.
Hay họ nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng nào? Chỉ thấy trong tích tắc, cuốn sổ đã nằm gọn trong tay chị Miên.
Rồi chiếc xe nổ máy lăn đi từ từ trên đỉnh dốc.
Chị Miên vẫn đứng sững bên đường, nơi có vệt bánh xe in hằn cả vết lốp mới. Chị khiến cho tôi và thằng Lân cũng cứ sững lại, mỗi đứa một kiểu, như những cành phong hương tơi tả trong gió đông sắp ùa về trên cái đỉnh đèo Non Cao quanh năm gió xoáy và mây mù.
***
Sau đó mấy hôm, tôi được chị Miên cho xem cuốn sổ.
Trái tim non nớt của đứa bé gái như tôi chỉ biết cảm nhận nỗi sung sướng khi được chị chia sẻ chút gì riêng tư.
Không có thằng Lân trong câu chuyện bí mật của chị Miên.
Chị Miên thì thào: “Bí mật của chị đấy. Anh ấy học lớp trên”.
Tôi thì thào theo: “Sao anh ấy bị tù vậy?”.
Chị Miên ấp úng.
“Ờ ờ, có lẽ do đánh nhau làm bị thương ai đó...”.
Những dòng chữ của gã tù hiện lên, nét chữ khá đẹp và rắn rỏi.
Chính tôi sau này cố công tập viết từng nét chữ rắn rỏi như gã, thậm chí tôi còn nhớ cả cách móc đuôi, cách tung nét của từng chữ cái trong cuốn sổ ấy.
“Không gian vắng vẻ, buồn buồn, làm cho người qua đèo bâng khuâng giữa núi đồi sơn cước phía trước và đồng bằng đang trôi xa phía sau. Vách đá lởm chởm đeo bám những mầm dương sỉ xanh nõn vươn lên tầng không. Phía bên vực, dòng suối chảy uốn lượn làm nghiêng những vạt ngô, vạt chuối bao la...
Mùa thu về làm rực biếc cánh đồng xa bởi những cơn mưa đêm thấm đẫm. Trên triền núi xa xa, có cô bé tay khư khư bông hoa to, cơn gió nhẹ thổi từ cánh đồng làm cho bông hoa chao như ánh lửa.
- Hoa gì vậy em?
- Hoa mùa thu! Em còn nhớ không em?”.
- Cô rất thẳng thắn. Có lẽ tôi đã đánh giá thấp về cô - Có lẽ là thế. Tôi và anh, có lẽ chỉ là...
- Là gì?
- Tiện thì gặp.
- Cô nhầm rồi...
“Tôi không nghĩ rằng, chờ đón chúng ta là cả một mùa thu duyên dáng đến ngọt lịm. Lâu rồi, nhiều năm, kể từ ngày tôi ra đi, rất hiếm khi được trở lại quê mình vào mùa cuối thu.
Mùa thu miền núi, mùa của sự no ấm, mùa yêu đương, mùa phồn thực, sinh sôi, nảy nở và mùa của các “luân xa” mở ra đón nhận! Mùa này người miền núi thường “yêu” nhau say đắm. Yêu đến độ núi cũng tan ra thành lúa, còn lúa lại cao lên thành núi. Yêu đến độ, sông biến thành thác, và thác chảy thành sông.
Hãy ngửa cổ lên trời, hít một hơi thật dài, thật khẽ, từ từ, nhè nhẹ...
các tế bào sẽ nở ra, nhảy múa trong thân xác mệt mỏi của các bạn.
Các bạn đã đi xuyên qua núi, ân ái trọn vẹn Hang Ngườm, miên man trong tiếng rì rầm, ôm ấp của thác Hoa Hiên. Được gột rửa bàn chân bằng hương lúa ngọt lịm. Nước đầu nguồn suối Nắng sẽ tẩy rửa khứu giác của các bạn để nhận biết được cái mùi phong hương đầy bí ẩn và quyến rũ! Về cơ bản là như vậy. Về cơ bản là thế. Tất cả vì quyền năng của mùa thu miền biên viễn tuyệt đẹp...”.
“Mùa đông đến gần, mưa mỗi ngày mỗi rơi, khi nhiều cơn dông, trĩu nặng từng hạt nước long lanh, khi nhiều cơn mưa lất phất, bay vào không trung nhẹ nhàng vô định. Tôi luôn cảm nhận rằng có một hơi ấm nhẹ nhàng cứ lướt qua, hơi thở vội vàng nào cũng vừa chợt ghé qua.
Miên man...
Tôi nhớ hoài nụ cười ấy, ấm áp lắm, khao khát lắm và chắc hẳn cũng tràn đầy những yêu thương.
Tâm trí tôi không cho phép quên đi nụ cười ấy. Nụ cười ấy luôn xuất hiện chung quanh tôi, nhắc nhở tôi muôn vạn lần đau cũng phải mỉm cười...” .
“Tôi biết xóm núi của em có loài phong hương. Loài cây mềm mại trong gió, dẻo dai trong gió và kiên cường với gió.
Những cây phong hương vào mùa thu lá ngả mầu đỏ tươi, rồi dần chuyển sang mầu huyết dụ. Đi từ xa tới, lữ khách sẽ nhìn thấy trong thấp thoáng xóm núi những cây phong hương rực một mầu đỏ, như báo hiệu sự chín đẫm của mùa thu.
Trong gió ngàn của hương rừng gió núi, phong hương lặng lẽ khiêm nhường tô thắm vẻ đẹp miền sơn cước.
Em trong tôi tựa như cành phong hương nhỏ bé. Thấm đẫm sự cô đơn mà dũng mãnh trên đỉnh dốc Non Cao”.
* * *
Nhưng chị Miên không đợi được người về.
Đêm đó, thằng Lân đã quyết định việc trọng đại trong cuộc đời.
Nó đẩy cánh cửa liếp nhà tôi, bảo:
-Cô đừng nhìn tôi như thế nữa.
Tôi không bao giờ thuộc về cô.
-Tại sao anh lại...?
-Vì tôi không bao giờ quên được chị Miên, cô hiểu không? Nếu không có chị Miên trên cõi đời này, thì có khi tôi sẽ lấy cô.
Tôi lùi lại sau cánh cửa. Vệt máu đỏ tươi tuổi dậy thì đang nhỏ âm thầm xuống nền đất nện mịn màng.
Tim tôi run lên nỗi cô độc và tủi nhục.
Nếu tôi biết sự việc sau đó ra sao, chắc gì tôi đã cưỡng lại được. Sự việc rất đơn giản và kinh hoàng đã xảy ra sau đó. Thằng Lân nhảy vào buồng chị Miên, khóa chân tay chị lại và nằm đè lên người chị như loài dã thú.
Sáng hôm sau tôi không nhìn thấy chị Miên và thằng Lân đâu nữa.
Có người bảo họ đã về xuôi làm ăn, thành cặp vợ chồng rất đẹp đôi.
Có người nói họ chỉ gặp mình thằng Lân đang buôn gỗ từ miền ngược về. Nom hắn dữ dằn, người xăm trổ, mắt vằn đỏ như có máu tuôn.
Có người nói chị Miên vào rừng ăn lá ngón...
Một hôm, từ trên đỉnh dốc, chỗ có khúc cua ngắn, tôi nhìn thấy một người đàn ông thất thểu đi về phía xóm núi của chúng tôi.
Tim tôi run lên từng chặp. Tôi che mắt nhìn về phía ấy. Tôi hình dung người ấy đã trở về.
Nhưng đó chính là gã tù năm xưa.
Gã nhìn tôi lạnh lùng.
-Miên đâu rồi?
Tôi lắc đầu:
-Tôi không biết chị ấy đi đâu hay đã ăn lá ngón rồi?
Gã không nói gì, chỉ nhìn hút mắt ra phía đầu rừng. Nơi ấy có những cây phong hương lá đã bắt đầu ngả từ mầu xanh sang mầu đỏ.
Tôi lấy nước cho gã.
-Anh hãy uống nước thù hận này đi. Đã bao năm nay, tôi uống thứ nước này. Hằng ngày tôi ghi lòng sự thù hận.
Gã nhìn tôi ngờ vực:
- Cô yêu hắn ta?
Nước mắt tôi bắt đầu rơi xuống lã chã:
- Tôi yêu cả hai. Tôi đâu muốn mất họ...
Gã tù khoát tay:
- Cô thật là...
Tôi níu tay áo gã:
- Hay anh ban cho tôi sức mạnh?
Được không?
Gã nhìn tôi một lúc, gỡ tay tôi ra rồi lắc đầu:
- Cô rất đẹp. Cô đẹp không kém gì Miên. Cô hãy đợi đi. Làm trinh nữ mà đợi chờ...
Tôi cố vớt vát:
- Tôi đã đọc cuốn sổ ghi chép của anh.
- Vậy sao? Cô thấy gì trong đó?
Tôi ngồi như một pho tượng. Rồi tôi nói với gã, tôi chỉ thấy sự sống quẫy đạp trong từng câu chữ ngày ấy của gã, quẫy đạp một cách tuyệt vọng.
Gã bỏ đi. Không uống thêm chút nước thù hận nào nữa.
Tôi ngửa cổ uống bằng sạch thứ nước sóng sánh trong chiếc ca nhôm nhỏ ngày nào chị Miên dùng cho gã tù uống nước.
Mà sao tôi chỉ nhìn thấy hình bóng Lân trong đáy ca?
Lời kết truyện Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về cội nguồn.
Tôi ngồi trên xe vượt dốc và ghập ghềnh đá núi, vẫn như thấy những cành phong hương lá đỏ đón thu về trên núi.
Người đàn bà mặc áo chàm đen vẫn ở lại trên đỉnh đèo Non Cao.
Chiều chiều, nàng ra đứng bên đường nhìn xa ngút ngát. Nơi đó, những đàn trâu no cỏ đang thủng thỉnh bước về trên thung cao. Tiếng mõ lốc cốc vang trong sương mù bảng lảng.
Nàng đứng bên cây phong hương đã già.
Mùa đông sắp đến gần, những chiếc lá phong hương đang chuyển mầu đỏ dụ. Từ xa nhìn thấy như những vầng hoa đỏ rực in trên nền trời.
Thời gian cứ trôi lặng lẽ. Người đàn bà vẫn đứng đợi bên đỉnh dốc.
Nụ cười phảng phất trên môi nàng...
Võ thị Xuân Hà
Đêm 3-10-2013
Hình ảnh có liên quan
 Cỏ non
Tiếng chim lích chích kêu vui,
Trong vườn cỏ đã xanh tươi rập rềnh...
Màu xanh thân thiện mông mênh,
Sắc non màu lá phủ trên đất mùn
NM
 
Cỏ thơm mùi nắng
 Mấy tháng không về ngoại ô, mệ nhờ người gọi điện nói vạt đất ở gần góc nhà phía đông cỏ đã mọc kín rồi, xanh tốt lắm.
Về mà coi chứ không thôi tui dọn sạch để trồng cà tím bây chừ. Mệ nói dọa thế thôi, vì biết tôi mong chờ từng ngày góc vườn ấy được phủ xanh cho đỡ lạc điệu với khu vườn. Và mệ cũng thích cỏ mọc lên xanh lắm chứ, chỉ là đang mong có người về thăm nên nói giỡn thế thôi. Giọng mệ cười cũng hiền như cỏ, khi tôi nói liên hồi con không về mô, con không về mô. Con đợi khi mô cà tím được ăn trái con mới về.
Tôi chạy xe về vườn mệ, lòng chộn rộn như một đứa học trò giờ tan lớp, ba chân bốn cẳng chạy về nhà để xem tấm áo mới mà sáng nay mẹ hứa sẽ đi chợ huyện mua cho. Đó là vạt đất vốn được san phẳng từ gò đống sau nhà, chưa biết trồng cây gì nên mệ cứ để đó. Nghĩ hoài, vườn mệ cây gì cũng đủ cả rồi, mà có khi rậm rạp quá vừa lắm muỗi lại vừa u tối. Mệ quyết định để không, cho cỏ mọc tự nhiên, lấy chỗ chiều chiều trải chiếu ăn trầu hút thuốc. Mệ bảo, ít loài thực vật nào có sức sống kỳ lạ như cỏ. Nó có thể mọc ở những nơi cằn cỗi nhất hoặc cả những khu đồi đã bị bom đạn cày xới. Bẵng đi một thời gian, qua mấy tháng giêng hai ẩm đất nồng nàn, cỏ mọc lún phún rồi xanh rì trên mặt đất. Vườn như được trẻ ra, và có lẽ nó không hiểu được cảm giác lâng lâng lạ kỳ của mệ khi nhìn thấy đám cỏ non đã mọc sau nhà.
Vừa dựng xe trước cửa, đã nghe thấy hương chè xanh mới hãm nước sôi, phả một làn khói mỏng từ chiếc ấm tích trên bàn. Mệ đang ở ngoài vườn, xếp những viên gạch vỡ để làm hàng rào chắn bạt cỏ với mấy khóm hồng bụi đang ra hoa đỏ rực. Trước mặt tôi là đám cỏ mới mọc đây, xanh non ngơ ngác và chưa hề mảy may bị động chạm bởi một bước chân nào. Tôi nhớ lại những ngày niên thiếu khi cùng đám trẻ làng thả trâu trên những bãi cỏ rộng lớn rồi cùng nhau chơi chọi cỏ gà. Dẫu đám cỏ vườn này không thuộc về đồng bãi ấu thơ nhưng vẫn gợi về cảm giác thân thiện. Bây giờ, tiết trời đã hè, những tia nắng chiếu xuống đám cỏ như một hoà sắc rộn ràng óng ả, xoá tan không khí tĩnh lặng của mái nhà ngói liệt đã gần trăm năm tuổi.
Đêm, được ở lại trong căn nhà rường xưa, nghe hương sứ dậy mùi, tiếng dế kêu rì rầm trong lòng đất, hình dung đám cỏ bật rễ sinh sôi, thấy giấc ngủ yên lành tròn vo mà lâu rồi mới có được. Tiếng chim lích chích sau vườn, mệ đã vấn xong đầu tóc và chuẩn bị đun nước pha trà. Ban mai vừa đến, vệt nắng mấp mé ngọn cây báo hiệu một ngày nắng nóng bỏng da.
Mắt nhắm mắt mở ra vườn, cốt để nhặt bông sứ rụng mang vào cho mệ nhưng rút cuộc lại bị đám cỏ mới mọc thu hút. Những giọt sương còn đọng trên ngọn cỏ, một màu xanh rất xanh trải dài khoảng không gian, trong lành yên ả. Nắng ngày mới tinh khôi chiếu xuống bãi cỏ còn lẫn trong sương, cảm giác như đang được xem một bức tranh màu nước về đồng cỏ ban mai. Nếu nắng mùa hạ rực rỡ cháy bỏng nhất trong năm thì cỏ mùa hạ cũng xanh non mỡ màng nhất trong bốn mùa. Đây lại là lứa cỏ thứ nhất, được mọc lên từ lớp đất mùn sâu và mềm nên mọi mầm chồi đều tràn trề căng mọng.
NGUYÊN HƯƠNG