Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

NTV 6 - Cảm Thu

Kỷ niệm mùa Trung Thu 2018

 Thu Sầu

Tình Khúc Mùa Thu 

Thu hát cho người

Hương trời tháng tám  

Thu
Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu;
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì.
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh;
Cành biếc run run chân ý nhi.

Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa,
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà.
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.

Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm,
Hây hây thục nữ mắt như thuyền.
Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.
Xuân Diệu
Nhớ thu xưa
Phù dung nở trắng vườn ai đó,
Thầm trách sao mình hay vấn vương...
Không tìm hoa ngắm đương thì nở,
Một đoá hồng tươi đượm thắm hương !

Trên con đường cũ lá vàng bay,
Ngỡ hồn như tỉnh hoá như ngây...
Gió thu nhắc nhớ ngày xưa ấy,
Thôi hãy tìm quên giấc mộng dài !

Tôi vẫn là tôi nhưng khác xưa,
Không còn thơ trẻ để say sưa...
Ngắm nắng sầu mây, tìm hoa trắng,
Thương đoá xuân hồng tan tác bay !!
NM

 

Cảm Thu 

Tùy bút Cảm Thu của Đinh Hùng được đăng trong giai phẩm “Mùa Gặt Mới” xuất bản tại Hà Nội năm 1940. Đây cũng là sáng tác đầu tiên của thi sĩ được đăng trên báo, đồng thời cũng được in trong cuốn “Việt Nam Văn Học Giảng Bình” (VNVHGB) của Phạm Văn Diêu.

DSCN2856_zps8e7629ebThu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ… Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng Cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ? 
Nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự thay đổi, vì lại thấy mình đi trên con đường này, thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng. 
Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa thu… Thế rồi cũng một mùa thu trở lại những bước đầu tiên trên con đường bạn, mắt buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới… Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi, cả đèo và lại cả rừng cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để buồn thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều. 

… Từ hôm rời chân ở bến sông vàng. 
Từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết nhớ dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại con đường quê thân mật. 
Đi trên đất đó, giữa hai ruộng ngô thơm nghe ngào ngạt… Hương này có phải hương xưa? Ôi! Những dây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang đã xanh tươi rồi nhỉ? Đi trên đất đỏ, bên những luống rau cải cúc và dẫm lên cỏ may vàng. Đây là những con bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả Ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi dây buồn… 
Thôi! Thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi bắt bướm đồng, và chẳng ngắm gió sầu mây, chỉ hoa lòng nở cũng nhiều bông trắng! 
Thương nhớ vì sao! Tôi sớm giã từ hồn niên thiếu, hôm nay đi giữa cánh đồng lại thấy tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc hoa, và chân bước đi những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan tác cánh hương của đóa xuân hồng thuở cũ. 

Đinh Hùng
 (Trích trong VNVHGB của Phạm Văn Diêu)
Mơ Thu
Luôn mơ ngắm ánh trăng vàng,
Nhớ hương trà ngát theo làn gió thơ...
Tìm về ký ức trong mơ,
Biết bao kỷ niệm ngây thơ chợt về.
Thương sao một mảnh tình quê,
Đoàn viên hạnh phúc vỗ về bên cha...
Đêm nay vẫn ánh trăng ngà,
Mẹ cha cách biệt, thân mình tha hương !
NM

VẦNG TRĂNG THÁNG TÁM
Trời đã chuyển dần vào Thu, hôm nay đúng ngày rằm tháng Tám. Hàng năm, mỗi lần sửa soạn cỗ cúng rằm Trung Thu, tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ về những kỷ niệm vui, buồn của thời thơ ấu. Tôi không sao quên được chiếc lồng đèn con cá mà thuở nhỏ Ba tôi đã làm cho tôi. Càng nhớ mãi nụ cười hiền hòa của Ba khi thấy tôi vui mừng, nhảy cẫng reo vui lúc Ba vừa làm xong chiếc lồng đèn từ những cây tre do chính tay Ba uốn cong thành hình con cá chép, rồi Ba mua giấy bóng kiếng vàng dán bên ngoài, Ba còn dùng viết lông màu xanh đỏ để tô điểm thành một con cá đầy đủ màu sắc, tuyệt đẹp, lộng lẫy vô cùng. Ba đã cho tôi niềm vui hãnh diện và ước mơ tuổi thơ vào mùa Trung Thu năm nào.
vang trang thang tam
Tôi nhớ mãi, đó là mùa Trung thu năm tôi 8 tuổi, gia đình tôi mới di cư từ Hà Nội vào Nam. Hôm đó, tôi vừa đi học về thì được ba đưa cho một chiếc lồng đèn con cá màu vàng mà Ba đã làm:
Quà Tết Trung Thu của con đây, tha hồ đi rước đèn cô nhé.  
Tôi sung sướng tỉnh cả người, nhảy tung tăng, ca hát vang nhà. Và cũng từ đó, hằng năm cứ đến Tết Trung Thu là tự tay Ba vót tre làm lồng đèn cho chị em chúng tôi đi Rước Đèn với trẻ con trong xóm, khi về, lại được cùng Ba mẹ ngồi ngắm trăng, ăn bánh dẻo, bánh nướng, và còn được nghe Ba kể chuyện cổ tích cho chị em chúng tôi nghe nữa.Theo thời gian chúng tôi lớn dần, không còn thú vui rước đèn, nhưng Ba Mẹ tôi vẫn theo phong tục cổ truyền. Vào những mùa trăng rằm tháng Tám, gia đình tôì thường có những buổi tối quây quần ngắm trăng, ăn bánh bên tách trà sen thơm ngát. Mẹ tôi còn nấu thêm cho chúng tôi món chè trôi nước đủ màu sắc thơm lừng mùi lá dứa. Tôi nhớ mãi mùa Trung Thu năm 1963, Ba ra chợ mua về 1 chiếc đèn kéo quân màu đỏ rất đẹp. Ba treo ở cây soan trước nhà. Buổi tối, cả nhà chúng tôi cùng ngồi quanh chiếc bàn tròn ngoài sân. Ba châm nến vào chiếc đèn kéo quân, khi ánh nến sáng rực thì đèn theo gió quay vòng vòng tỏa sáng lung linh, đẹp lắm. Mọi người vui vẻ, nhâm nhi bánh trà dưới ánh trăng tròn cùng đón Mùa Thu tới. Nhưng có ngờ đâu, đấy cũng là mùa Trung Thu cuối cùng của chúng tôi với Ba, sau đó vài tháng thì Ba tôi ra đi về cõi vĩnh hằng vào một chiều Xuân đẹp nắng, hình ảnh những chiếc đèn đơn sơ của ba tôi vào những ngày Trung thu tuổi thơ, lung linh nến vàng ấy, mãi mãi là kỷ niệm đẹp nhất theo tôi suốt cả cuộc đời. 
Tết Trung Thu là 1 trong những ngày tết truyền thống quan trọng của người Á Đông, ngày cả gia đình sum họp, còn được gọi là Tết Đoàn Viên. Cũng là mùa gặt hái vừa xong nên ở thôn quê người ta hay họp nhau dưới trăng, hàn huyên trò chuyện, ăn bánh mứt, uống trà mạn tươi vừa hái, các bà nội trợ lại có dịp trổ tài say gạo thành bột nấu những món bánh ngon ngọt đem đến chung vui, để cùng nhau thưởng thức. Trăng Rằm tháng tám thường rất tròn và rực rỡ. Mùa Trăng tháng Tám là mùa trăng đẹp nhất trong các đêm trăng rằm.Nhưng chắc chắn trẻ con thì vui nhất, vì Trung Thu cũng là Tết của Nhi Đồng, trẻ con vừa đi rước đèn lại còn được xem những màn múa lân, múa rồng thật ngoạn mục. 
Trung thu làm tôi nhớ rất nhiều về kỷ niệm của một thời tuổi thơ lung linh với đèn lồng, mâm cỗ dưới trăng, tiếng trống múa lân và cũng là dịp để xum vầy bên người thân ngắm ánh trăng Thu. 
Tôi háo hức đón Tết Trung Thu còn hơn cả Tết Nguyên Đán, vì được Ba tặng những chiếc lồng đèn dễ thương do ba làm cho chị em tôi, được nếm chén chè trôi nước của mẹ bày trên mâm cỗ ngoài sân dưới bầu Trời thanh mát, với làn gió vi vu thổi, một khung cảnh gia đình rất êm đềm, ấm cúng, cho tôi cảm giác ngập tràn hạnh phúc. Ba mẹ đã cho chúng tôi những năm tháng tuổi thơ thật đẹp, mà bây giờ tìm hoài không thấy.  
Những chiếc bánh Trung Thu ngày xưa ăn rất ngon tuy hơi đắt, nhưng năm nào Mẹ cũng mua về 1 hộp bánh dẻo ‘Bảo Hiên Rồng Vàng’ và một hộp bánh nướng ở nhà hàng “Tân Thế Giới”, ngon tuyệt trần. Mẹ cắt ra cho cả nhà nhâm nhi, mỗi người một miếng nhỏ thôi, vừa ăn vừa thưởng thức hương vị thơm lừng tan trong miệng, bánh thơm ngon, bùi béo, ngọt lịm đầu môi, ăn hết rồi mà vẫn còn thèm. 
Ngày nay, bánh trung thu được chế biến bằng nhiều nguyên liệu, cầu kỳ hơn, có thể còn ngon hơn bánh Trung Thu thuở trước, nhưng tôi vẫn không sao tìm lại được những chiếc bánh kỷ niệm có hương vị ngọt ngào của những ngày xưa cũ đã ấp ủ tuổi thơ của tôi dưới mái ấm gia đình có Ba, Mẹ chị em xum họp bên nhau dưới ánh trăng của những mùa Thu cũ. Ba Mẹ tôi bây giờ đang ở một nơi thật xa, thăm thẳm, dài vô tận.  
Qua những năm biệt xứ, tôi đã quen với nếp sống nơi xứ người, và có lẽ cũng vì lớn tuổi rồi nên không còn thì giờ để bầy vẽ cỗ bàn trịnh trọng mừng đón Tết Trung Thu nữa, chỉ biết ngồi ôn lại những ngày tháng xa xưa, những kỷ niệm thời thơ ấu vào mỗi mùa trăng tháng Tám. Càng nghĩ lại qúa khứ đã qua, tôi càng bùi ngùi, thương nhớ. 
Hôm nay, tôi cũng nấu xôi, chè trôi nuớc cúng rằm tháng Tám như Mẹ, nhưng không mua bánh Trung Thu, vì đã từ lâu gia đình tôi không cúng bánh Trung Thu nữa, vì nghe nói về sự độc hại theo cách làm bánh Trung Thu của người Tàu mà tôi sợ không dám mua về ăn, thêm phần sợ ngọt, thôi thì giản dị xôi chè, trái cây cũng đầy đủ lắm rồi, lại vừa lành mạnh và vệ sinh. 
Bước ra sân nhìn vầng trăng rằm, chiếu sáng rực một góc Trời, ánh trăng Thu năm nay đẹp qúa. Trời trong xanh, trăng trên cao vằng vặc tỏa sáng góc vườn sau, chiếu lung linh trên những chậu cúc nở hoa vàng rực rỡ.  
Tôi miên man nhìn ngắm ánh trăng yên bình, nhưng lòng thì xót xa khi nghĩ đến trận thảm sát trong buổi hòa nhạc ở Las Vegas cuối tuần vừa qua mà thương cho những anh linh vô tội, đang hớn hở cười vui bỗng chốc ngã gục trên vũng máu đào lênh láng, 59 xác thân tả tơi dưới lằn đạn của một tên sát thủ, giết người không tanh máu. Tại sao lại có người dã man, xem mạng người rẻ như thế được nhỉ? Chỉ một mạng người mà hắn đã đổi mạng sống của 59 người vô tội và 527 người bị thương. Họ thật là tàn nhẫn, giết người không gớm tay? Không biết người hay là ác thú!
Thế giới loạn lạc, nước Mỹ văn minh, sản xuất súng đạn tối tân, dân chúng mua súng tự do nên những kẻ cuồng tín tha hồ xả súng giết người một cách vô tội vạ. Chỉ thương cho những người không may, đang vô tư vui cười, chợt lăn đùng trên vũng máu đào. Thương sao là thương! Biết làm sao ngăn chận được những kẻ sát nhân này để mọi người được sống yên bình, không sợ sệt lo âu nữa… 
Và rồi đây, hàng năm cứ đến Mùa Trung Thu thì những gia đình có thân nhân trong vụ thảm sát vừa qua, không khỏi đau xót khi nghĩ đến người thân đã bỏ mình dưới lằn đạn tàn ác. Kính mong hương linh các người xấu số được bình an về chốn Vĩnh Hằng. 
Mùa Thu là muà của thi nhân, của các nhạc, văn sĩ gởi hồn vào những khung cảnh thiên nhiên của đất trời, của những chiếc lá đổi màu vàng thắm. Mùa Thu lãng mạn, mùa Thu yêu đương và trữ tình biết bao! Trong không khí lành lạnh hơi Thu, có gió heo may thổi về và nền trời mây tím lững lờ nên thơ. Mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm. Thế mà mùa Thu năm nay nước Mỹ phải chịu một cái tang đau thương qúa! 
Trở lại Mùa Thu Virginia, những chiếc lá bắt đầu ngả vàng, vài chiếc rơi rụng trên sân cỏ, trên sườn đồi, bên kia bờ suối trước cửa nhà tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng vài chú nai đang chập choạng bước dài theo bờ suối. Nai thường xuất hiện khi muà Thu đến. Nhớ ngày còn đi làm, mỗi sáng cứ thấy bóng tôi ra đứng đón xe bus đi lên Pentagon là có 1 gia đình nai: 2 con lớn 1 con nhỏ mon men ra đến gần chỗ tôi đứng, nai ở đây dạn dĩ, không sợ người. Nhà tôi gần ngay con suối chỉ cách 1 con đường nhỏ, thế là tôi chạy vào lấy ra 1 nắm cà rốt phân phát cho chúng ăn. Có lẽ vì quen được ăn nên cứ thấy tôi ra đứng ở trạm xe là lũ nai này rủ nhau ra đứng kế bên, dễ thương vô cùng! Từ ngày tôi nghỉ hưu thì không còn thấy chúng nữa, chỉ thấy quanh quẩn trong khu rừng trước mặt thấp thoáng vài bóng nai thôi. Vì nai xuất hiện nhiều, nên chính phủ đã cho phép cư dân được săn nai, nhưng thấy tội qúa, ai nỡ bắn giết những con vật vô tội cho đành…. 
Em không nghe mùa Thu 
Thu rơi xào xạc 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô 
“Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư đã nói lên hình ảnh một mùa Thu lý tưởng có lá thu rơi xào xạc, có nai vàng đạp nhẹ lá khô, cho ta hình dung đến một Mùa Thu tuyệt vời. Một bức tranh Thu thật đẹp. 
Hôm nay vầng trăng Tháng Tám thật tròn, lơ lửng sau làn mây xanh, trời cao trong vắt, Trăng Thu thật thơ mộng. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã ca tụng nét đẹp nên thơ khi mùa Thu tới, ông đã gửi gấm lòng mình vào “Mùa Thu Cho Em” và Đoàn Chuẩn-Từ Linh cũng ru hồn mình trong “Vàng Phai Mấy Lá”.
Kiều Oanh, Virginia 
Viết cho Mùa Trung Thu 2017
Nỗi niềm
Ngoài kia trăng sáng lung linh,
Thương thân con trẻ một mình dưới trăng,
Nỗi niềm luống những băn khoăn,
Giờ đây sáng tỏ như trăng đêm rằm...
NM

Ngoài kia trăng sáng 
Khi vợ chồng Hiền và đứa con gái nhỏ vừa quen biết với xóm Mã Lạng này thì đùng cái, anh Ngơn - chồng chị - hy sinh ở vụ săn bắt cướp! Trong sự chia buồn rất thật tình trong xóm phải kể đến bà Tư, người láng giềng mới thân của chị Hiền. 
*



Bà Tư năm nay khoảng bảy lăm tuổi. Ông Tư chết đã lâu. Ông bà có người con trai nguyên là tên cướp khét tiếng, giết người như ngóe… Tên hắn là Phú. Điền Khắc Phú. 
Vào khoảng nửa đầu thập niên bảy mươi, Phú đã nổi lên trong giới “dao búa” ở Sài Gòn với hỗn danh “Giang hồ đệ nhất… chém”! Bởi hắn tàn ác đến không thể nào ác hơn được nữa!  
Miền Nam được giải phóng đã chặn đứng con đường ác của hắn. 
Phú sống bình thường chừng mươi nămthì ngựa quen đường cũ. Nỗi khát khao cái ác trong hắn lại bùng lên. Bây giờ, sau nhiều lần vào tù, trốn trại…, hắn phải “đánh bạn” với nhà đá gần như suốt đời! 
Sau khi Phú bị bắt, một người con gái có mang tìm đến bà Tư. Lệ - tên cô - đã khóc lóc, thú nhận đứa con trong bụng mình chính là của hắn. Bà Tư đang chơi vơi bởi tuổi già thì như người vớ được cọc. Ngày bé Thu chào đời, cũng là lúc sức khỏe Lệ suy sụp dần. Rồi chị qua đời trước khi vợ chồng Hiền đến ở vài năm. Bà Tư kiếm sống bằng việc lượm bịch và đồ bỏ.  
Một đêm, công an gọi điện báo chị Hiền: Bà Tư bị xe chở rác cán, hiện đang hấp hối ở bệnh viện. Hiền tức tốc đưa bé Thu vào. Mới hay: Đêm đợi rác về, bà Tư đắp bao bố, nằm bên đường, bị xe cán nát hai chân. Bà Tư chợt cựa mình, chầm chậm mở mắt, nhìn bé Thu và Hiền như từ cõi nào nhìn về. Gắng gỏi chút sức tàn, bà đặt tay bé vào tay chị. Tiếng thều thào của bà thoảng ra nghe còn mỏng hơn gió chiều: “Gửi… cô…!”. Nhìn lại, bà đã ngoẹo đầu ra đi… 
Bây giờ, Hiền bận bịu như mẹ có hai con gái nhỏ ở hai nhà. Cũng may chị là công an nội cần, có điều kiện đi về trông nom hai trẻ. Được cái, Thu cũng quen đêm ở nhà một mình từ khi bà còn đi bãi rác. 
Đêm nay, khi Hiền mang thức ăn sang cho bé Thu, trăng đã lên cao. Bé Thu đang ngồi bệt trước hiên nhà, lẻ loi như con mèo nhỏ.  
- Trời lạnh, sao con không ngồi trong nhà?  
- Con ngồi để chờ mẹ. Bà chết vậy, khi nào mới… về lận, hở mẹ? 
Hiền dắt bé vào nhà: 
- Đã chết là… không về đâu con. Đừng chờ nữa nhé!  
- Còn… bố? Bố con vậy là… đã chết chưa, mẹ Hiền? 
- Chưa! Bố thì chưa chết. 
- Chưa chết, sao bố không về? 
- Đừng hỏi lẩn thẩn nữa. Con ăn cơm đi! Xong, mang ra sau, mai mẹ đến rửa. Màn mẹ giăng sẵn, chỉ việc chui vào ngủ. Con nhớ nhé
 Trước khi đi, Hiền thắp hương cho bà Tư và đóng cửa cẩn thận. 
Bỗng sau nhà có tiếng “kẹt” nhẹ. Rồi một bóng đen lao vào, ôm chầm lấy nó. Quá bất ngờ, bé Thu chưa phản ứng gì, thì nức lên một giọng nói nghe rền rĩ: 
- Bố đây! Trời ơi… con ơi! 
Bóng đen ấy đúng là bố nó! Nó òa lên: 
- A… bố! Bố con về…! 
Miệng bé Thu bị bịt ngay bởi bàn tay lạnh giá. 
- Khẽ thôi! Bà chết khi nào, hả con? 
Bé Thu thì thào kể cho bố nghe về cái chết của bà
Phú nhìn ảnh mẹ, miệng méo giật liên hồi: 
- Mẹ, mẹ ơi…!  
Vừa trốn tù, nên Phú thăm dò: 
- Từ hôm bà mất giờ, con ăn ở với ai? 
- Với mẹ Hiền. 
- Mẹ… Hiền nào? 
- Mẹ mấy lần thăm nuôi, bà kể đó. 
Phú nhớ người nữ láng giềng mẹ hắn thường kể. Nhưng…Phú biết sự sống chết của hắn có thể bỗng trở thành gang tấc vì con người này! Hắn thì thào: 
- Con có muốn bố luôn ở bên con không? 
- Muốn! Con… rất muốn!  
- Nếu muốn, con đừng nói cho bất cứ ai, bố ở đâ
- Phú vừa nói vừa khẩn trương dịch cái bàn ăn sang bên, tiếp: - Nhất là tuyệt đối không nói cho con mẹ công an. Nó mà biết, sẽ bắt bố. Rồi người ta sẽ giết bố! Hiểu chưa? 
Sau lúc lâu mò cạy, miệng cái hầm nhỏ mở ra, vừa vặn cho thân người tụt xuống. Đây nguyên chiếc hầm ông Tư làm năm bảy hai, để hắn trốn quân dịch. Do thương con và vốn tay thợ giỏi, ông đã làm cái hầm thật kín kẽ và nằm ở nơi không ai có thể ngờ. Với Phú, cái hầm như là bùa hộ mệnh, lúc nào cũng nháng lên trong những toan tính trốn trại của hắn.  
Trong trại, chẳng bao giờ Phú nghĩ mẹ mất, một cây một trái như hắn, lại không về để chịu tang! Cũng chẳng khi nào nghĩ đứa con gái bé nhỏ của hắn, lại bơ vơ một mình trong đời. Bằng mọi giá hắn phải trốn trại. Bỗng bão ập đến. Rồi cơn lũ dữ bất thần quét ngang nơi lao động đã giúp hắn. Lúc bát loạn, phạm nhân khác hoặc tự cứu mình, cứu bạn… Riêng Phú, hắn nghĩ ngay đến con gái với… cái hầm này. Để đánh lạc hướng, Phú dìm chết một bạn tù bơi yếu hơn. Rồi khi lũ rút, trại sẽ tìm ra xác thằng kia. Và lệnh truy nã hắn, có lẽ họ chỉ gửi cho Hà bá, Long vương…!  
Bây giờ Phú bỗng đứng trước tình huống đầy bất ngờ. Có một công an lại thường xuyên lui tới nhà mình. Và có thể lại còn quét tước dọn dẹp nữa, mới chết! Tiếng Phú dưới hầm tối vọng lên nghe lạnh tanh: 
- Con! 
- Bố. 
- Con tìm cho bố cái… dao. 
- Nhà mình đâu có dao! 
- Thế mai, con phải mua cho bố một cái. Dao Thái. 
- Vâng! Đợi mai mẹ Hiền đem cơm đến, con sẽ nói mẹ mua. 
- Không được! Con công an ấy biết. Và bố sẽ bị bắt! Con có muốn xa bố nữa không? 
- Không! Bố ơi…!  
- Cứ vậy, sao con nuôi bố được? 
- Thì… mẹ Hiền đem cơm đến. Con sẽ nhín phần cho bố. 
- Con phải tự mua cho bố… cái dao. 
- Vâng, con sẽ tự mua! Nhưng…mua dao làm gì, hở? 
- Con…đừng hỏi những việc của bố. 
- Thế thì…bố muốn giết mẹ Hiền rồi! Không! Con không muốn mẹ Hiền chết như bà đâu!  
Tiếng con bé nức nở mỗi lúc một nhỏ dần. Giờ Thu đã ngủ. Nó nằm co quắp, đè ngay lên nắp hầm, nước mắt vẫn còn hoen trên má. 
…Bây giờ chẳng biết mấy giờ? Ánh sáng lọt xuống thấy được lờ nhờ vách hầm. Hắn khẽ nâng nắp. Qua sức ì nặng, Phú biết con hắn đã kéo cái chân bàn đè lên. Nó làm vậy vì sợ bố lại xa nó bất thần. Vẳng đâu ngoài ngõ, tiếng trẻ con đùa giỡn nghe như từ thế giới khác. Chợt có tiếng dép “lép, bép…” chạy nghe rõ dần lên.  
- Bố! Dậy chưa hả bố? 
- Rồi! Giờ là mấy giờ, hả con? 
- Không biết. Nhưng… chiều lắm rồi! 
Vậy là hắn đã ngủ một giấc quá dài. 
- Bố có đói không? Trưa chiều nay, mẹ Hiền đem cơm đến. Con đều dành phần cho bố. 
- Ngày nào mẹ công an ấy cũng đem cơm đến à? 
- Vâng! Thức ăn ngon lắm. Con đưa xuống cho bố nhá? 
Phú chạnh lòng. Hắn chưa bao giờ nghĩ tới ngày, con gã chuyên đâm thuê giết mướn như hắn, lại được nuôi dưỡng, đùm bọc của một nữ công an! Phú nghe mặn đắng: 
- Thôi, khuya bố hẵng ăn. Con đi đâu về đấy? 
- Con ra xem tụi nó chơi rước đèn. 
Phú giật mình, nhớ lại. Đêm nay có lẽ mười bốn hay rằm tháng tám chi đó. Vậy là đã tết Trung thu! Chín năm trong tù là chín lần trung thu, Phú ước ao được gần con lấy một đêm, đón tết như giờ. Vậy mà… nay con đấy, hắn đây. Hắn không lo cho nó được chiếc lồng đèn nhỏ! Phú đấm mạnh tay vào ngực mình.  
Bỗng có tiếng xe máy vọng vào bất thần. Phú giật mình, trùn người, tai căng ra: 
- A…! Mẹ Hiền! Lồng đèn đẹp quá…! 
- Tối mai mẹ sẽ đưa em Thảo và con đi rước đèn.  
Sau đó thì tiếng chân nữ công an nghe như ngay trên đầu Phú, chỉ cách cái nắp hầm: 
- Đây là nến để thắp đèn.  
- Con thấy tụi nó thắp rồi! 
- Ừ, kẻo cháy! Đây là bánh trung thu. Giờ mẹ đi trực. Nhớ chỉ chơi trong  nhà và ngủ sớm nghe con! 
… Tiếng xe máy lại xa dần, lẫn vào những tiếng hát của bọn trẻ ngoài ngõ vọng vào: “… Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi mầu… Đèn sao tươi mầu của đêm rằm… Tùng dinh dinh…”. Trăng trên ấy đêm nay chắc sáng và đẹp lắm. Sao hắn lại không lên rước đèn với con nhỉ? Dù chỉ lòng vòng, lui tới trong căn nhà chật hẹp này? Nghĩ vậy, Phú bèn gọi con.  
- Con, đóng cửa đi! Bố lên chơi với con nhé? 
- Ừ, hay quá! Bố lên ăn bánh và rước đèn với con. Ông sao này đẹp lắm…! 
Không gian trên nắp hầm thật là tuyệt diệu! Cũng cùng diện tích như phòng giam và cùng ánh trăng ấy, nhưng có con hắn, bỗng thành ra khác cả. Chiếc đèn mẹ công an nó vừa cho rất đẹp. Cũng đã lâu rồi, Phú chưa thấy đèn ông sao. 
- Thắp nến đi bố! Bố con mình cùng rước đèn nhá? 
- Ừ
 Phú run run đón đèn, nến từ tay con. Ngọn lửa được thắp lên. Nó nhảy múa trên gương mặt Phú và con hắn một thứ niềm vui lạ kỳ. Hắn lập cập đặt nến vào lồng. Ngọn đèn bỗng run rẩy, chao phải, chao trái, rồi… cháy bùng lên!   
Bây giờ con hắn đã ngủ và vẫn ngay trên nắp hầm… 
*  
Tiếng cười nói, rọt rẹt kéo Phú ra khỏi giấc ngủ mệt nhọc. Mất lúc lâu hắn mới thấy rõ được vách hầm. Biết trời đã tối. 
… - Khi làm thủ công ở trường, con phải phết hồ như thế này này…  
Chắc mẹ nó đang dán lại lồng đèn tối qua bị cháy. Con của hắn cũng được đến trường nữa ư? Chẳng biết nó học lớp mấy rồi! Thoáng trong hắn chút day dứt, ân hận.  
- Thu phải ráng học giỏi. Con nhớ lời hứa, lúc mẹ con mình đứng trước linh cữu bà không? 
- Thưa mẹ, con nhớ. 
Trời ơi…! Vậy người lo liệu đám tang bà Tư, hắn nghe trước khi trốn trại là mẹ bé Thu, chứ không phải công an phường! Chị đã làm cái công việc “đầu rơm mũi bạc” mà lẽ ra hắn phải làm. Phú ứa nước mắt. Hắn muốn lên lạy tạ người nữ công an, lạy tạ mẹ Hiền của con hắn! Phú đưa tay xúc động của mình lên khoảng không hầm chật. 
- Khi nào con được hai mươi điểm mười, mẹ hứa sẽ đưa con vào thăm…bố. Con có nhớ bố Phú không? 
- Thưa… có. 
Đừng! Con của bố ơi…! Từ nay xin đừng nhớ bố nữa. Nay con đã có người mẹ vậy, một nơi nương tựa thế trong đời, bố an lòng lắm rồi! Dù trốn tránh thế nào, bố biết cũng sẽ đến lúc phải đối mặt với tội ác của mình. Con ơi…! 
- Càng nhớ, - vẫn tiếng mẹ của con Phú: Con càng ráng học giỏi, để bố an tâm cải tạo, sớm được về với con… 
* 
Nắp hầm bỗng bật mở! 
- Không, không! Chị Hiền ơi, tôi xin đầu thú…! 
Phú nước mắt lưng tròng trồi lên, đưa cao hai tay
  - Tôi là Điền Khắc Phú, bố bé Thu đây! Tôi xin đầu thú… 
- Không! Không bố ơi! - Bé Thu kinh hoàng la lên: Mẹ Hiền ơi, mẹ đừng bắt bố con…! 
Hiền lùi lại, bàng hoàng. Phú bỗng sụp xuống trước chị, giọng thành tâm, rền rĩ: 
- Chị Hiền nhận cho tôi hai lạy này, để đền ơn chị đã lo lắng tang lễ mẹ tôi, nuôi nấng con tôi… Trốn trại về hai ngày nay dưới hầm, tôi rõ cả. Con tôi có được người mẹ như chị, tôi an tâm chết rồi. Nay cho tôi xin đầu thú! Con ơi…. – hắn nức lên: Bố xin con…! 
- Không, không! Bố Phú đừng đầu thú! Bố rước đèn với con… 
Bây giờ Hiền hiểu ra tất cả. Chị hoàn toàn không ngờ có tình huống thế này. Hiền bồi hồi nói: 
- Anh Phú tự nguyện ra đầu thú vậy là rất tốt. Tôi sẽ giúp anh. Thôi… giờ, anh hãy cứ chơi đèn với con một lúc, rồi đi với tôi cũng chưa muộn! 
Phú xoay sang, hai tay run rẩy nâng chiếc đèn lên, quỳ xuống trước mặt con, nghẹn ngào: 
- Rước đèn… với bố đi… c. o.. n…! 
- Không, không quỳ rước đèn được! - Con bé dỗi hờn: Bố phải đứng như mẹ Hiền cơ! 
Phú chầm chậm lắc đầu. Lưng vai to như gấu của hắn rung lên từng đợt theo những cơn nấc. Qua đôi bàn tay xúc động tột cùng của Phú, ánh nến bỗng trở nên lung linh, huyền ảo khác thường! 
Trăng ngoài kia vẫn sáng như muôn đời là vậy. 

LÊ NGUYÊN NGỮ
 Tìm Thu
Tìm đâu, đâu ánh trăng vàng ?
Tìm mâm cổ quý thiên đàng tuổi thơ...
Bước chân nhẹ hẩng như mơ,
Rước đèn, phá cổ mong chờ đêm Thu.

Trăng Thu giờ chỉ phù du,
Trẻ thơ đánh mất tình Thu lâu rồi..!
Ngược về dĩ vãng xa xôi,
Cung Hằng chú Cuội chỉ tôi mơ về.

Trăng vàng bàng bạc trời quê,
Nơi đây trăng chỉ bên lề đêm Thu !!
NM

Đánh mất trung thu  

Tôi là người Kinh, nhưng sinh ra lớn lên ở trong một làng Tày. Phía sau dãy núi mà làng dựa vào còn có một làng người Dao. Kinh Tày Dao cứ thế quện dần vào nhau sau nhiều thập kỉ chung sống. Nhà hàng xóm có hai cô con gái, kém tôi một vài tuổi, nhưng thân nhau vì sát hàng rào. Người Tày không có thói quen ăn tết trung thu, họ tập trung nhiều nhất cho tết rằm tháng Bảy. Nhưng vì người Kinh ở chung nên dần dần họ cũng chú ý đến

trung thu xua va nay 
Ảnh minh họa: Cửa hàng bán đồ chơi trung thu xưa
Tôi với hai đứa bạn hàng xóm thường tự làm đèn ông sao. Làm rất dễ. Vót lấy 10 cái que tre, đan thành hai hình ông sao năm cánh, buộc các góc vào với nhau, chặt mấy khúc tre ngắn chừng 5cm, chống vào các điểm kết nối, dán giấy vào là thành đèn. Hồi ấy bao cấp, giấy má chẳng có, muốn có đèn đẹp thì mỗi khi được ăn oản lại giữ những tờ giấy bóng kính lại. Để dành suốt cả năm có khi cũng chả đủ để dán ba cái đèn. Thiếu thì dùng tạm giấy báo. Bên trong thắp sáng bằng lọ penicilin có nhét bông đã tẩm dầu hoả, thêm một cái bấc tự chế. Vậy là có đèn trung thu.
Trong kí ức của tôi, chưa có một đêm trung thu nào mà trăng mờ. Chưa bao giờ bọn tôi đón trung thu mà bị mưa mặc dù ở rừng thì đấy đúng là mùa mưa. Thời tiết dịu mát, và trăng từ từ nhô lên, từ từ ngập tràn khắp thung lũng. Phía sau nhà tôi là một rừng cọ. Ánh trăng phủ lên tán cọ khiến tất cả đều trở nên lấp lánh. Hồi ấy làng chưa có điện. Tiếng là sát vườn nhưng từ nhà tôi sang nhà hàng xóm phải đi qua một con đường mòn, với một cây cầu bắc qua con suối nhỏ. Ba đứa thắp ba cái đèn ông sao túm áo nhau đi từ nhà nọ sang nhà kia, rồi lại quay lại, vẫn trên con đường ấy. Ba bốn con chó cả to cả nhỏ lóc cóc chạy theo, vừa chạy vừa sủa đèn ăng ẳng. Cả người cả chó đi đi lại lại đến mỏi nhừ cả chân, đứa hát đứa sủa mỏi hết cả mồm.
Rước đèn xong thì ngồi phá cỗ. Cả hai nhà đều nghèo, bố mẹ hào phóng lắm cũng chỉ mua được một cặp bánh dẻo, bánh nướng, góp hai mâm làm một. Thiếu bánh thôi chứ bưởi, ổi, hồng... thì vô khối. Người lớn trẻ con hai nhà cộng lại vừa tròn mười người. Có năm ngồi ở sân nhà tôi, có năm ngồi hết trên sàn phơi lúa nhà hàng xóm. Vừa ăn vừa nói chuyện. Người lớn nói chuyện hoa màu mới thu hoạch xong, dò đoán giá cả vụ cam sắp tới, trẻ con thì ăn. Bao giờ người lớn cũng nhắc ăn bưởi, ổi, hồng trước khi ăn bánh, vì bánh ngọt, ăn trước sẽ không còn thấy hoa quả ngon nữa. Hoa quả vườn nhà thì ngày nào chả ăn, chỉ có bánh trung thu thì đúng trung thu mới có. Mà đâu có nhiều. Bánh dẻo còn dễ cắt chứ bánh nướng, vuông chằn chặn như thế cắt làm 5 phần thật khó. Nhà hàng xóm ngoài hai cô con gái còn có cậu con trai út. Nó chẳng cần đèn, cũng chả rước đèn, chỉ nằm khểnh đợi đến lúc phá cỗ. Bọn tôi hay trêu nó. Bố mẹ cắt bánh ra, nó cứ săm soi ngắm nghía xem miếng nào to hơn để chọn. Bọn tôi chọn bừa một miếng, rồi giả vờ kêu lên: Ôi miếng này to quá. To nhất. Nó vội vàng giành lấy. Lại bị trêu tiếp: Chị nhầm, miếng này mới to nhất. Nó lại vừa khóc vừa đòi đổi. Khổ thân thằng bé, bị trêu suốt, nước mắt cứ chảy thè lè ra. Ba đứa con gái thì bị bố mẹ mắng, mà càng bị mắng càng cười. Cái thằng bé nhất ấy, nó tên Huy, giờ nó đã ba mấy tuổi, làm bố mấy đứa trẻ con rồi.
Mỗi người sẽ được vừa vặn một miếng bánh nướng, một miếng bánh dẻo. Thường thì người lớn chỉ ăn một, dành phần cho trẻ con. Bọn tôi lúc ấy chỉ ngạc nhiên, sao người lớn lại chẳng thích một món ngon đến như thế. Đâu có biết là được nhường. Một miếng bánh dẻo thơm mùi gạo nếp, vani, bên trong nhân có những gì chả biết, chỉ thấy vừa bùi vừa ngọt, hơi mặn, béo. Một miếng bánh nướng vàng ươm, vỏ mỏng, cũng đầy nhân. Trong khi ba đứa con gái thì ăn dè, từng miếng bé tí, nhai thật kĩ, cảm cho hết cái vị ngon thì thằng Huy lúc nào cũng ngấu nghiến. Nhìn nó ăn thấy thật là phí. Ngon thế, ăn nhồm nhoàm nuốt trợn cả mắt, phí bánh.
Sau này cả tôi cả mấy đứa ấy đều đi xa, đi hết. Thỉnh thoảng lắm mới gặp được nhau, nhắc chuyện bánh trung thu, thằng Huy cười ha ha. Bảo mấy bà lắm chuyện. Cái gì ngon cũng phải ăn đầy mồm, cắn ngập răng mới sướng chứ nhai miếng bé tí chả bõ dính răng. Dở hơi!
Bây giờ, trung thu không còn là của trẻ con nữa. Chẳng ai nghĩ trung thu là của trẻ con. Đơn giản vì trẻ con không còn mong từng ngày đến tết trung thu, cũng chẳng cần đèn, càng chẳng cần bánh. Nhất là ở thành phố. Nhà cao tầng che khuất mặt trăng, ánh điện sáng choang át hết ánh sáng bàng bạc huyền diệu của ánh trăng, món ngon ngập tràn đã xoá sổ sự hấp dẫn của bánh nướng bánh dẻo. Không trăng, không đèn, không bánh, đương nhiên không còn cả trung thu. Nhưng người lớn thì nhớ. Đầu tiên nhớ vì đó là ngày rằm. Ngày rằm thì phải mua đồ cúng lễ, thắp hương khấn tổ tiên, mời ông bà cụ kị về ăn miếng bánh. Nhưng cái nhớ hơn nữa, là nhớ một dịp để tặng quà. Tự dưng mà tặng quà thì vô duyên, may quá, có cái lý do tết trung thu. Bánh nướng bánh dẻo truyền thống chỉ năm bảy chục ngàn một chiếc, nhưng bánh quà tặng thì khủng khiếp. Có những hộp bánh tiền triệu, tiền chục triệu. Bánh họ làm bằng cái gì mà đắt đến thế? Cũng đều là nguyên liệu truyền thống cả thôi, chẳng ai thêm ớt hay cà chua, mù tạt, cà ri vào bánh làm gì. Nhưng nó đắt là ở chỗ quà tặng kèm. Vỏ bánh được mạ vàng. Vàng bốn số chín luôn. Kèm theo hai đôi đũa, cũng nạm vàng, hai miếng gác đũa, mạ vàng nốt. Tiền triệu là ở chỗ đấy.
Tôi nhớ cách đây một hai chục năm gì đấy, đọc một cái truyện ngắn, trong đó có chi tiết chủ nhà được tặng bánh, chẳng ăn đem cho. Người nhận lúc cắt bánh ra cho con ăn thì thấy trong nhân bánh có mấy chỉ vàng. Giờ chắc người ta rút kinh nghiệm. Chả dại gì mà giấu vàng vào trong nhân bánh, cứ phết luôn ra ngoài cho chắc ăn. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, chẳng biết ăn cơm bằng đôi đũa nạm vàng ấy có ngon hơn ăn bằng đũa tre không.
Khi tôi bắt đầu về làm dâu Hà Nội, tôi nhận ra người Hà Nội có những thói quen ăn uống rất ít thay đổi. Ví dụ giò chả phải lên Hàng Bông, thịt quay phải trên Hàng Buồm, mắm tép chưng thịt phải chợ Hàng Bè, bánh trung thu thì ra Mứt kẹo Hà Nội hoăc chạy xuống Thuỵ Khuê để xếp hàng.Mười mấy năm trước tôi cũng từng xếp hàng ở Mứt kẹo Hà Nội chỗ Bà Triệu để mua cho được hai cặp bánh nướng bánh dẻo về cho mẹ chồng thắp hương. Cái thói quen ăn uống này dần dần cũng mai một. Giờ thì không biết bao nhiêu hãng bánh nướng bánh dẻo ra đời. Chất lượng bánh chẳng quan trọng nữa, quan trọng là bao hộp phải đẹp, bắt mắt, vì đa số bánh được tiêu thụ không phải để ăn mà để... biếu.
Chẳng ai khác, chính người lớn đã đánh mất trung thu của trẻ con. Anh cả tôi hồi bé từng được bố làm cho một chiếc trống ếch đúng thật là trống ếch. Vì mặt trống được bố tôi căng bằng một tấm da... ếch. Chẳng biết tiếng trống ấy thế nào, anh tôi cũng chẳng nhớ, nhưng mọi món đồ chơi trung thu đều được trẻ con mong chờ, nâng niu. Chợ trung thu trên phố Hàng Mã, Hàng Lược bây giờ, chắc có lẽ phải hơn chín chục phần trăm là hàng Trung Quốc. Năm nào tôi cũng đưa các con lên, chen trong dòng người chật cứng, mồ hôi mồ kê đầm đìa, túi giữ khư khư vì sợ bị móc, cốt để các con cảm thấy chút ít không khí trung thu. Còn đèn ông sao chúng chả cần, bánh nướng bánh dẻo chúng cũng không động đến, chỉ có bố mẹ mua về thắp hương cúng tổ tiên xong thì nhấm nháp chút ít, chủ yếu không phải vì nó ngon mà vì hoài cổ. Ăn bánh hôm nay để nhớ trung thu xưa. Đã rất xa rồi những trung thu đẹp đẽ ấy.
Đã bắt đầu những ngày đầu tiên của tháng Tám âm lịch. Khắp các phố phường sẽ la liệt những quầy hàng dựng tạm để bán bánh trung thu. Nhưng đã rơi đâu rồi cái cảm giác háo hức chờ đón giờ phút được quây quần bên mâm cỗ, cầm miếng bánh thơm nức trên tay, cắn một miếng, và lẩn thẩn nói với nhau những câu chuyện không đầu không cuối về cuộc sống thường nhật vui cũng lắm mà buồn cũng nhiều. Thỉnh thoảng báo chí lại rộ lên những chuyện về vệ sinh thực phẩm, hãng nọ hãng kia bị phạt tiền, bị đóng cửa, lại có chuyện bánh trung thu để quên từ năm ngoái năm nay mang ra vẫn chưa hỏng... Chúng ta năm nào cũng nhắc đến trung thu mà chẳng biết rằng đã đánh mất nó từ lâu.
 
Đỗ Hà