LŨY TRE XANH
Miền thơ ấu bao giờ cũng ngọt ngào dịu êm... là nơi để cho hồn đậu cánh bình yên mỗi khi đời dâng gió bão... cũng là nơi cất dấu những ý niệm tiên khởi, những hình ảnh với sắc màu không phai, trong đời sống nội tâm của một con người.
Những xao xuyến trong miền thơ ấu thỉnh thoảng trở về lay động vùng tiềm thức tưởng đã ngủ yên...
Nơi đó, tôi vẫn thường trở về... trở về thăm lại "thằng bé" ngày xưa khi còn ấm áp trong vòng tay mẹ, khi còn trố mắt ngây thơ nhìn những kỳ lạ của cuộc sống đang xảy ra chung quanh.
Hình ảnh xưa cũ nhất, mở màn cho sân khấu của hồi ức là hình ảnh của một "thằng bé" choàng một chiếc khăn len trùm kín mặt mày chỉ còn chừa đôi mắt vừa đủ thấy mặt đường gập ghềnh trước mặt để đôi bàn chân non khỏi vấp vào những mùi đá nhọn hoắt, những mũi nhọn đầu đời trên đoạn đường tản cư theo mẹ.
Cũng là lần đầu tiên hắn được giao phó một trách nhiệm là xách một ấm nước bằng nhôm, hắn thấy hắn quan trọng vì ai trong nhà, người này đến người khác đến tu bình nước vừa kêu khát kêu mệt. Cũng là lần đầu tiên hắn thấy cuộc sống không chỉ là những buổi trưa chạy theo bắt những con chuồn chuồn hay len lỏi sau vườn đi tìm ổi chín. Cuộc đời không chỉ là những khung vườn xanh để cùng chị em trong nhà bắt bướm hái hoa chơi trò buôn bán bắt chước người lớn. Cuộc đời không chỉ là dưới mái hiên nhà nhìn nắng chiều tắt dần trên hàng cây và tiếng hát như đến từ trong mơ "quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm..." Và kể từ dạo đó gia đình tôi cũng không còn những chiều nắng êm đềm. Chân thấp chân cao trên đường tản cư khi thành phố đang bị Tây chiếm đóng, thằng bé bắt đầu thấy đất trời rộng hơn, thấy núi đồi trùng điệp, hơi núi tỏa mờ và đời cũng mênh mang hơn.
Mái nhà tản cư là một mái tranh ủ dột xiêu vẹo và một bầy con thơ loanh quanh bên mẹ trong một ổ rơm. Ban đêm khi không còn dầu thắp, ngọn đèn được thay bằng câu hạt bưởi đốt lên một vùng sáng nhỏ không đủ xóa tan bóng tối hãi hùng bao quanh. Trong vùng tối đó có những bước chân ai rình rập, có tiếng súng từ đồn Tây xuyên thủng những lũy tre xanh. Cũng dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn hột bưởi, cả gia đình đã có một đêm giao thừa với truyền thống gia đình có từ khi anh cả của tôi vừa biết nói là phải biết sửa soạn lời chúc tết dâng lên cha mẹ. Cùng tháng năm lớn khôn hơn những tờ chúc cũng dài hơn với nhiều chi tiết ghi lại bước đi của đại gia đình. Đến lứa tuổi tôi, trên tôi là hàng dài của mấy anh chị em nên đêm giao thừa tôi chỉ thấy mẹ tôi chan hòa nước mắt và tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào không hay. Qua sáng hôm sau tôi lại phải một mình đứng vòng tay để chúc tết mẹ cho mẹ rơi thêm vài giọt nước mắt.
Những ngày tản cư khổ cực và âu lo tuy vậy vẫn không làm vẩn đục tâm hồn ngây thơ và miền thơ ấu cũng có những phần dịu dàng đáng yêu. Hương đồng cỏ nội cho đến hôm nay vẫn thơm ngát một trời hoài niệm "còn đó tiếng tre êm ru... còn đó bóng đa hẹn hò... còn đó nói lên bao lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa".
Cuộc sống êm đềm sau lũy tre xanh trong hồn tôi đậm đà hơn bất cứ đoạn văn nào tôi được đọc trong đời. Lũy tre xanh với tôi là một định nghĩa rõ rệt nhất cho hai chữ "quê hương" thiêng liêng và đầy xúc cảm. Thằng bé trong tôi đã sống, đã thở, đã bị mê hoặc bởi bóng mát của lũy tre làng. Những hoa nắng nhảy múa trong bờ tre vẫn còn lung linh trong những giấc mơ trở về quê hương. Bờ tre đã dệt những sợi nắng tơ vàng vương trên mái tóc buông dài bên cầu ao và tiếng tre êm ru làm lim dim con trâu đầm mình trong nước.
Thằng bé trong tôi còn có một kỷ niệm riêng về lũy tre làng.
Trong những ngày tản cư, trò chơi của trẻ con thành phố đã được thay bằng chim chóc sâu bọ, thay bằng những buổi đi bắt dế. Khi hoàng hôn xuống, đi rình rập nghe trong đám cỏ rậm tiếng gáy của những con dế vô địch trong cuộc chọi dế với lũ trẻ trong làng. Bắt được một con dế than lớn đen tuyền với hai vạch vàng ở cánh hoặc một con dế lửa màu hung đỏ có đôi cánh thật nhiều nếp vằn, đôi nanh thật lớn, hai chiếc đùi vững chãi, và tiếng gáy hung hãn... đó là những báu vật với niềm vui tưởng như bất tận. Những buổi sáng dậy sớm đi tìm những gốc cây lớn, những con kiến cam lờ đờ trên mặt đất sau một đêm bay mỏi, những con nắc nẻ chưa kịp trốn... Cột một con kiến cam vào đầu dây để nghe nó bay vù vù, ép một con nắc nẻ lên vỏ hộp diêm để nghe nó gõ lóc cóc mà thấy sướng tê trong hồn.
Cũng vì những buổi sáng dậy sớm mà thằng bé vô tình đã trở thành một thám tử. Thằng bé dậy từ lúc tinh mơ nhưng bao giờ cũng có một người dậy sớm trước nó. Đó là một cụ già bí mật, đầu trùm kín bởi một chiếc khăn chỉ để lộ đôi mắt đanh ác và có lẽ ông già cũng có hai chiếc răng nanh dài đủ để ăn thịt những đứa trẻ con. Không biết ông làm gì mà cứ mỗi buổi sáng ông đi loanh qoanh bờ tre, nhìn trước nhìn sau rồi cất giấu vật gì trong các bụi tre. Thằng bé tò mò muốn phanh phui cho ra bí mật này. Nó theo dõi ông già. Nó sẽ mở tung màn bí mật và dân làng sẽ phục tài trinh thám của nó.
Có một lần hắn đến ngay chỗ cất giấu bí mật của ông già... eo ôi! Hắn tìm thấy một cánh tay trẻ con máu me bê bết ngoi lên từ đống cánh lá tre phủ kín, nó la lên thất thanh, gào kêu thật lớn đến nỗi mẹ nó phải ôm nó vào lòng và lay tỉnh "con, con nằm thấy chi rứa con".
Giấc mơ hãi hùng đó không làm thằng bé từ bỏ ý định làm thám tử và những buổi sáng tinh mơ hắn tiếp tục theo dõi ông già. Vẫn chưa có đứa trẻ nào trong làng bị mất tích. Có lẽ ông già bí mật đi dấu vàng chăng? Nó đã nghĩ như vậy. Có ngày hắn sẽ tìm ra một kho tàng bí mật có những thỏi vàng sáng rực và những hạt kim cương lóng lánh như trong các câu chuyện hải tặc có chiếc cờ sọ người và hai chiếc xương gác chéo. Nếu ông già bí mật kia có mang thêm một miếng che mắt màu đen thì chắc chắn ông ta chính là thủ phạm! Nhưng ông già chỉ có đôi mắt đanh ác lườm lườm trong khe hở của chiếc khăn trùm đầu, mỗi khi thấy nó từ phía xa.
Một buổi sáng, đợi ông già đi khuất trên lối mòn về xóm "hắn thu hết can đảm đến ngay chỗ cất giấy bí mật, dùng một nhánh nè hất tung những cành lá mà ông già vừa phủ lấp một vật gì bên dưới...
Đang chăm chú tìm kiếm, chợt một bàn tay khô đét chộp lấy vai hắn... Thôi rồi chính là ông già bí mật. Hai chân nó khịu xuống và miệng chỉ há hốc ra... Chuyến này thế nào hắn cũng bị ăn thịt. Ông già cởi tung chiếc khăn trùm đầu... nhưng không, ông không có đôi răng nanh dài và đôi mắt ông không đanh ác. Ông cười hiền từ:
- Ông giấu mấy mụt măng non con đừng chỉ cho ai nghe con.
Ông còn giải thích thêm:
- Họ cứ hái bừa những mụt măng non đem đi bán. Cắt hết măng rồi lũy tre sẽ thưa đi nên ông giấu các mụt măng non cho đến khi măng quá già thì không cắt đi bán được.
Thằng bé giã từ giấc mơ làm thám tử và mỗi buổi sáng hắn theo ông già đi giấu các mụt măng non
...Ngày cuối tuần, tôi lái xe đến phố Việt Nam cách nhà hơn mấy chục "miles". Đôi khi không cần mua sắm gì tôi cũng lái xe đi. Tản bộ loanh quanh ở góc phố có người Việt Nam qua lại nghe tiếng Việt lao xao bên tai cũng đủ thấy hồn đổi nhịp vui tươi. Hình như nỗi buồn ray rứt trong lòng được chia xẻ với thiên hạ dù chung quanh chẳng có ai quen. Bước vào trong chợ Việt Nam xem người mua kẻ bán, tiếng Việt nói ran rản tự nhiên như một khu chợ nào đó trong góc trời Việt Nam. Đôi khi một vài hình ảnh trên các mặt hàng, những tên gọi thân quen... nước mắm Phú Quốc, cà phê Ban Mê Thuột đến cả những hương vị đậm mùi dân tộc của quầy hàng dưa mắm làm mình quên hẳn là đang sống trên đất Mỹ cách xa quê hương đến nửa quả địa cầu. Chính vì những thiếu thốn tình cảm đó mà mỗi khi có chút thời giờ là nghĩ ngay đến chuyện lái xe đến khu phố Việt Nam. Chiều nay hệ thống thông tin trong siêu thị loan báo "có măng tươi từ Việt Nam mới gởi sang". Mọi người đổ xô về một phía của góc chợ, nhìn những mụt măng quả thật còn tươi, phần gốc còn trắng muốt, phần ngọn với màu lục non pha lẫn sắc hồn... vô số mụt măng dầm trong những chậu thiếc lớn có chứa nước trong. Những mụt măng thật bắt mắt, những bà nội trợ. Bà này bảo "măng này hầm giò heo ngon hết sẩy", bà kia "làm gỏi măng tôm với mè rang tha hồ mà nhậu", một anh chàng lại ngôn ra điều văn học "măng giang nấu cá ngạnh nguồn"... Riêng tôi đứng sững trước những mụt măng quê hương. Sóng sánh trên mặt nước của thùng măng tôi thấy... hình ảnh cụ già ngày xưa của miền thơ ấu. Tôi thấy nét mặt cụ buồn bã và những lũy tre làng chạy dài trước mắt ban đầu con xanh tươi, rồi màu xanh phai dần, lũy tre tàn úa xác xơ cho đến khi tất cả ruộng đồng thôn xóm hóa thành một màu trắng ma quái chập chờn... trên nền trắng đó những giọt máu đỏ rỉ ra lan lớn dần... Tôi bất chợt lẩm bẩm: - Trời ơi, quê hương đang rướm máu Bên tai tôi có tiếng người nói "Ông nói gì? Máu đâu?". Chung quanh lao xao "Cái ông mắc dịch này muốn phá chợ hay sao?" Tôi lẳng lặng bỏ đi, tiếng nói còn đuổi theo "rõ đồ khùng"... Trên đường về nhà trời cũng vừa tối, mỗi lần lái xe trên xa lộ trong bóng đêm tôi vẫn thường có ảo giác là không gian hai bên đường như phủ rợp bóng tre. Tôi miên man nghĩ đến những mụt măng non từng đợt xuất khẩu, không những chỉ một siêu thị mà hàng ngàn siêu thị của người Việt trên khắp thế giới. Không những chỉ có măng xuất khẩu mà còn biết bao nhiêu sản phẩm làm bằng tre: chiếc đũa, cây tăm, tủ, giường, bàn, ghế, nghệ phẩm xuất cảng ào ạt ra nước ngoài. Khi chặt phá những mụt măng, những cây tre, có ai nghĩ đến loài tre sẽ tuyệt giống, những lũy tre làng sẽ không còn nữa. Trong lịch sử loài tre, riêng tại Việt Nam đã có biết bao loại tre không còn tìm lại nữa mà chỉ còn ghi dấu trong những trang sử oai hùng của đất nước. Sau những cuộc xâm lăng bị thảm bại, bị đánh bật tung ra khỏi lãnh thổ nhỏ bé ở phương Nam, sử sách Trung Hoa đã ghi rằng: "Dân giao Chỉ ra trận đã dùng những vũ khí rất lợi hại chế tạo từ các loại tre". Những loại tre mang tên Huân Trúc cứng hơn sắt đâm xuyên thủng áo giáp, loài Lân Trúc làm cung nỏ có sức bật khủng khiếp, loại Lao Trúc làm tên tự nó đã mang sắn thuốc độc giết người làm tàn đời quân Minh ở Ải Chi Lăng. Loại Bái Trúc thân lớn chỉ cần bổ đôi là có ngay hàng ngàn thuyền độc mộc vây khốn quân Nguyên trên sông Bạch Đằng. Khi khôn lớn hơn tôi còn hiểu thêm cụ già trong miền thơ ấu của tôi về nỗi lòng của Cụ gởi gắm vào lũy tre làng, không những chỉ là xác quyết cho sự tồn tại của thôn xóm mà còn là nét hồn độc đáo của Đông Phương tin rằng tre trúc là biểu tượng của chính nhân quân tử. Hơn thế nữa người xưa còn tin rằng vận nước có thể đoán được qua sự xanh tốt của các bờ tre vì tre chỉ tươi tốt ở những nơi có phong khí hưng vượng. Niềm mơ ước cho thôn làng giữ được vượng khí đã khiến cụ già mỗi sáng tinh sương đi thu dấu những mụt măng non. Từ miền thơ ấu bước ra, "thằng bé" ôm cụ già và khóc tức tưởi. "Ông già ơi, ông còn đủ sức để giữ gìn những mụt măng non không... con cũng muốn thấy quê hương tươi đẹp với những lũy tre xanh và đất nước còn nhiều vượng khí"...
Hà Thúc Như Quý    


  Trúc Nguyệt
Một sáng mùa thu, trời còn tinh mơ, sư tổ Huyền Quang sau những phút ngồi thiền, ông bước ra khỏi Am Dược. Bên ngoài, cây cỏ ướt sương đêm, tuy hơi đất, sương núi còn giăng mù nhưng đôi mắt còn tinh anh của ông vẫn đủ thấy vòm trời thu xanh non buổi sớm đang dần nhuốm hồng khi vầng nhật chồi lên ngang đầu núi, chỉ cách ông trong tầm tay với. Ông khẽ giơ tay vươn người, và dường như giây phút này, ông quên mình là người tu hành, ngỡ đang là đấng anh hùng quân tử có chí nuốt núi ôm biển. Ông bước lên phía trước vài bước, chợt một loài cây thuốc đập vào mắt ông, làm ông bừng tỉnh thoát ra khỏi ánh hào quang, trở về với thực tại. Ông nghĩ, đây là loài thuốc quý, ta phải hái ngay, mà tại sao mọi ngày ta lại không thấy nó nhỉ, mặc dù nó ở cách Am Dược của ta vài chục bước chân?...
Khi hái thuốc, sư tổ Huyền Quang nghĩ về ca chữa bệnh cứu người đêm qua. Đã mấy ngày rồi, ông rời chùa Hoa Yên sang Am Dược, ông đang dồn tâm sức vào nghiên cứu, luyện một loại thuốc chữa chứng bệnh mà dân gian quen gọi là cảm nhập tâm. Sau nhiều năm làm thuốc, chữa bệnh cứu người, đi đây đi đó trong thiên hạ, ông hiểu đây là chứng bệnh cực kỳ nguy hiểm mà người nghèo lam lũ thường gặp phải. Không có gì lạ cả, người dân lao động, nhất là nông dân nghèo khó, bất kể gì mưa nắng, gió bão, làm lụng quần quật quanh năm, ăn uống chỉ quanh quẩn rau dưa, tương cà, lại chẳng mấy chú tâm đến việc dưỡng sinh, gặp cơ địa bất lợi là đổ bệnh ngay. Mà bệnh đến như núi đổ, thuốc thang thì chẳng có tiền, sinh mạng người coi như thí cho trời đất, may rủi… Tối qua, ông đã chế xong thuốc, khi đang lật giở mấy cuốn sách y cổ, xem lại đôi chỗ còn ngờ ngợ, thì chú tiểu hớt hải từ ngoài chạy vào am báo tin có con bệnh nguy cấp từ làng dưới chân núi chuyển lên. Ông còn chưa kịp hỏi chú tiểu thì người lực điền khiêng võng, một người đàn bà nạ dòng và một cô gái trẻ đi theo, chừng là người nhà con bệnh, đã vào đến nơi. Ông vừa nghe người đàn bà khóc mếu kể bệnh của con mình và cầu xin ông ra tay tế độ cứu mệnh, vừa xem bệnh. Cậu con trai chừng mười ba mười bốn, người lạnh toát, mắt nhằm nghiền, hơi thở thoi thóp, đứt đoạn. Ông vừa xem bệnh, bắt mạch vừa thầm chẩn đoán, đúng là ca bệnh mà mình có thể thử nghiệm loại thuốc vừa chế xong. Ông không dám chắc cậu bé có qua khỏi không, nhưng đã đến nước này thì một liều ba bẩy cũng liều, may ra…. Quyết đoán, rồi ông làm luôn. Cô chị gái của con bệnh vừa khóc lạy ông vừa luôn miệng một điều sư tổ, hai điều sư tổ rón tay làm phúc… Ông phải bảo họ đừng làm thế, mà hãy cố gắng bình tâm, đừng làm rối lên, để ông tập trung vào việc cứu chữa. Bảo họ vậy thôi, chứ ông hiểu lòng họ, làm sao bình tĩnh được cơ chứ. Chỉ có người tu hành coi sinh mệnh như mây khói mới có thể bình tâm trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này. Trời Phật phù hộ độ trì, may quá thuốc mới công hiệu, người cậu bé ấm dần lên, hơi thở điều hòa, qua được cơn nguy kịch. Cậu bé được đưa về Nhà Tổ chùa Hoa Yên tiếp tục thuốc thang. Ông định bụng, lát nữa sẽ rời Am Dược về Hoa Yên, mang theo ít thuốc đã làm xong…
Về đến Nhà Tổ, ông xem bệnh và bắt mạch lại cho cậu bé, lòng cảm thấy yên tâm vì con bệnh đang hồi phục. Rồi ông kê đơn, điều chỉnh một vài vị đưa cho chú tiểu bốc thuốc và căn dặn người nhà. Bà mẹ bảo cô con gái cố ghi nhớ lời Lão tổ dặn, chứ bà đầu óc u mê chẳng thể nhớ nỗi gì. Tối qua, vừa vội vàng, vả lại với bản tính của người tu hành, ông không để ý nhiều đến công việc ngoài đời, sáng nay, ngồi bình tâm, đối diện với hai mẹ con, ông mới nhận thấy, cô con gái khá sắc nước. Đôi mắt cô gái đen láy, sâu thẳm, ẩn chứa sự quyết liệt. Hình như chỉ một thoáng mắt ông và mắt cô gái rõi vào nhau, khiến ông cảm nhận thế. Ông sực mình, ngước cái nhìn lướt trên đầu cô gái. Cô gái quỳ nghe ông căn dặn như nuốt lấy từng lời. Xong việc, ông lặng lẽ trở lui, bỏ mặc hai mẹ con, còn nghe phía sau lưng tiếng hai người luôn miệng “Mô Phật”, “Bạch Tổ”. Chú tiểu đã pha sẵn ấm trà mộc, bưng ra. Ông khoan thai rót một chén, đưa lên nhấp. Hương trà thanh khiết khiến đầu óc ông khoan khoái, minh mẫn. Ông rõi mắt ra ngoài xa, bên dưới là đường tùng, những cây xích tùng, thủy tùng được trồng từ thời Điếu ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, xanh tốt. Còn phía dưới nữa, xanh mờ xa xa là làng xóm. Chợt ông như cảm thấy mùi khói bếp thơm nồng, tai như thoảng nghe tiếng chó sủa, tiếng lợn đòi ăn. Những âm thanh, hương vị của đời sống trần tục vẩn lên trong lòng ông. Khác mọi lần, ông không kiềm chế, mắt mơ màng, thả hồn về chốn quê nhà…
Gần tám mươi năm về trước, có một cậu bé ra đời nơi hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Cậu bé Đạo Tái, thuộc dòng dõi quan lại, song đến thời cha cậu là Lý Quang Du, gia cảnh không còn bề thế nữa. Ngay từ khi mới sinh, Đạo Tái đã có tướng kỳ dị. Cha cậu nhìn tướng mạo con mình thì lấy làm mừng bởi ông thấy ở đó nét dị thường, báo hiệu sự xuất chúng khác thường sau này. Còn người mẹ, bà không phát hiện thấy điều gì may mắn ở sự kỳ dị của con, mà chỉ cảm thấy lo lắng cho việc dựng vợ, sinh con đẻ cái về sau. Cậu bé Đạo Tái càng lớn, sự kỳ dị trong tướng mạo không bớt, bù lại, cậu vô cùng thông minh dĩnh ngộ, có chí hướng học hành. Đạo Tái nổi tiếng khắp vùng về tài học rộng biết nhiều. Người cha thì chỉ muốn cho con học hành, thi cử đỗ đạt, khôi phục lại danh gia, tiếng tăm dòng dõi. Người mẹ lại chỉ nhăm nhăm dạm vợ cho con, vì bà luôn bị ám ảnh bởi tướng mạo kỳ dị của con. Dùng dằng mãi bởi chí cha, ý mẹ khác nhau, rồi đến năm mười lăm tuổi, gia đình cũng dạm vợ cho cậu. Nhưng ngay lần đầu, bên nhà gái đã từ chối khéo. Người ta không nói toạc ra, song cha mẹ và bản thân Đạo Tái cũng hiểu được ngụ ý bên trong, người ta chê cậu xấu trai, dị dạng. Cậu chỉ tự ái đôi chút và cho rằng, bên nhà gái tầm thường, không thấy được vẻ đẹp trí tuệ ẩn chứa trong cậu, không thấy được sự xuất chúng sẽ bộc lộ nay mai. Cậu tự an ủi, rồi sẽ có ngày ta sẽ gặp được người nhận biết, trân trọng và khâm phục tài năng của ta. Dân gian chẳng có câu " Gái tham tài , trai tham sắc " là gì. Bần hàn đến như thằng mõ ở làng còn lấy được vợ, nữa là mình, dòng dõi quan lại, học rộng tài cao, chí trùm thiên hạ!
Sau đám ấy, cha mẹ cậu mấy lần định đánh tiếng đám này đám nọ, nhưng cậu đều nằng nặc không chịu. Gặng hỏi mãi, cậu mới chịu nói, cậu chỉ muốn được cưới cô Mơ, con gái một thấy đồ nho ở làng bên. Hồi nhỏ, khi mới ê a Tam Tự Kinh, cậu có theo học ông thầy này, chẳng bao lâu thì hết chữ thầy, đành phải theo thầy khác. Cậu để ý, cô Mơ hơn cậu hai tuổi, sắc nước, phổng phao nõn nà, hơn đứt hẳn đám con gái trong vùng. Thêm nữa, cô có đôi mắt lá răm đen láy, lúng liếng như hút hồn người ta, mỗi bước đi, mỗi cử chỉ, đôi trái đào tơ căng mẩy như quẫy trong yếm thắm. Từ lâu rồi, cậu thầm yêu trộm nhớ cô Mơ. Cậy cha mẹ dạm hỏi cô Mơ, cậu thầm nghĩ, thế mới xứng đôi vừa lứa, trai anh hùng sánh gái thuyền quyên. Người đẹp như cô Mơ, gia đình như ông đồ nho kia mới thấy được tài cán của cậu. Nhưng rồi sự thể diễn ra không như cậu nghĩ. Ông thầy đồ kia mừng lắm, đồng ý gả ngay, song cô Mơ lại quầy quậy chối từ. Thoạt đầu, hai nhà và cả cậu đều nghĩ, cô Mơ chối từ chẳng qua chối vờ làm cao lấy giá. Thế nên, khi cô Mơ nhất nhất cự tuyệt, thì mọi người hết sức ngạc nhiên. Đám học trò trong làng chơi với cậu dò hỏi và báo cho cậu một tin, thật như sét đánh ngang tai, cô Mơ phải lòng một anh kép hát đẹp trai người trong vùng, đang lưu diễn nay đây mai đó. Ông bà đồ bảo cậu cứ yên tâm, sẽ thuyết phục cô Mơ bằng được. Cha mẹ cậu lấy làm bực bội, có ý cho rằng ông đồ là người có chữ mà không biết cách dạy con, và người như cô Mơ có bỏ đi cũng không tiếc. Cậu không nghĩ thế. Quả thật, lần bị cự tuyệt này, thoạt đầu cậu cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, nhưng là người trẻ tuổi, sớm đọc nhiều sách, hiểu chữ Thánh hiền nên sau cú choáng váng, cậu nhanh chóng vỡ ra, tự nhủ, mình nên tôn trọng tình cảm riêng tư, nên hiểu nỗi lòng cô ta. Ở đời, chuyện quả kiếp nhân duyên là vậy. Người đời chẳng dạy rằng "Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên " là gì, và cũng chẳng phải vô cớ mà nhà Phật tự răn mình, răn đời "Tu là cõi phúc, tình là dây oan " là gì ! Có điều, cậu cảm thấy thương cô Mơ, bởi cậu linh cảm rằng, cô Mơ cứ nhất nhất lăn lóc với mối tình ấy, rồi thì cuộc đời cô ấy cũng sẽ chẳng ra gì. Cậu lựa lời xin với cha mẹ thôi không hỏi cô Mơ làm vợ cho cậu nữa.
Quả nhiên, khi cậu cố quên hình bóng cô Mơ để sôi kinh nấu sử chờ ngày ứng thí, thì được tin cô đã trốn nhà theo chàng kép hát bảnh trai dẻo mỏ đi đâu không biết. Cậu thở dài, ngửa mặt nhìn trời mà than. Với cô Mơ, thôi như thế là xong một kiếp người. Không báo hiếu cha mẹ, không nuôi chồng làm nên sự nghiệp, còn việc sinh đẻ, dạy dỗ con cái nên người hay không thì còn chưa rõ, chỉ được mỗi cái tình... nhưng ôi thôi, tình chỉ là cái tình tang!...
Dường như, ngay từ độ ấy, cậu đã ngộ ra được một điều gì đấy, xem như chân lý ở đời, dẫn dắt cuộc sống sau này. Cậu chỉ dồn sức vào chuyện dùi mài sách vở. Khoa thi hội năm Bảo Phù thứ ba, triều Trần Thánh Tông (1275), Đạo Tái đỗ Trạng Nguyên. Thông thường, nếu là người có vợ, khi vinh quy bái tổ sẽ là cảnh võng anh đi trước võng nàng theo sau, còn như chưa có vợ thì sau đại đăng khoa cũng sẽ là tiểu đăng khoa, nhưng với Đạo Tái lại không tất. Lúc thong dong trên đường cái quan về làng, thoảng trong suy nghĩ, Đạo Tái mường tượng, đi sau võng mình là võng của cô Mơ. Chỉ thế thôi, còn sau đó, tất cả là niềm vinh hạnh cho cha mẹ, dòng họ, làng xã choán ngợp tâm hồn chàng. Những ngày ở quê với cha mẹ chờ ngày đi làm quan thiên hạ, niềm vinh hạnh vơi đi thì nỗi cô đơn trong lòng chàng lại lớn dần lên. Chàng cứ tự hỏi, sao cô Mơ kia không biết nhìn người, cái bền vững của đời người thường tiềm ẩn nơi nội tại, đâu phải ở vẻ hào nhoáng bên ngoài. Thế nhưng, cái phù du thì bao giờ cũng hấp dẫn, nó như ngọn lửa cứ bùng lên, như rượu nồng tỏa trên miệng chén, như ánh lân tinh xanh lét ma quái trong đêm đen, làm con người ta mờ mắt, lú lẫn lý trí, xô dạt người ta vào với nhau, bất cần hậu quả và cái đó được người đời gọi là tình yêu.
Chàng có tình yêu hay không? Đã nhiều lần chàng tự vấn mình như vậy. Rõ là chàng có mối tình của mình. Hễ thấy mặt cô Mơ, hay chỉ là mơ tưởng về cô ta hay thôi, chàng đã thấy lòng mình bùng lên ngọn lửa, thấy môi miệng mình đượm vị rượu nồng, thấy đầu óc phiêu diêu không theo sự điều khiển của lý trí. Không là tình thì còn là chi nữa? Khi chưa học hành đỗ đạt thì chàng còn kìm nén được. Nay công thành danh toại, ước vọng ấy lại bùng phát, thiêu đốt, hành hạ chàng. Nhưng trời đất trớ trêu thay, cho chàng sự hanh thông hơn người thì lại lấy đi của chàng vẻ bình thường của một con người. Tướng mạo kỳ dị của chàng che khuất sự hanh thông, mà không phải người thường nào cũng phân biệt nổi, nhất là đàn bà. Nếu làm quan, chàng sẽ phải lập gia đình, lấy vợ sinh con như ngàn vạn đàn ông khác. Không thể không như thế! Song chàng không đủ can đảm, không dám hỏi vợ một lần nữa, vì sợ bị từ chối. Trước đây thì không sao. Song giờ, đã làm quan Trạng thì không thể bị từ chối như kẻ thư sinh bạch diện. Và chàng tự biết, nếu có lấy được vợ, rồi suốt đời, chàng cũng chỉ sống với hình bóng cô Mơ trong tâm tưởng. Và còn bởi, chàng không chiến thắng nổi hình hài của chính mình. Vậy thì chỉ còn cách sống một cuộc đời khác người thường, xa lánh bụi trần mà thôi?!...
“Bạch thầy” – chú tiểu khẽ thưa khiến ông bừng tỉnh – “Người nhà bệnh nhân muốn đưa bệnh nhân xuống núi về nhà… ý Thầy thế nào ạ?”. Ông khẽ xua tay: “Bảo với họ… để ta theo dõi bệnh thêm vài ngày nữa… đề phòng bệnh biến chứng… Chuyện thuốc thang cứ làm như ta đã dặn”. Chú tiểu đi rồi, ông lại thần người ra, tự vấn, ta giữ họ lại thêm vài ba ngày nữa làm gì nhỉ, thực ra, bệnh cậu bé đã thuyên giảm nhiều, có thể cho về nhà tĩnh dưỡng được rồi? Phải chăng ta lưu luyến gì họ? Họ cũng như bao người bệnh khác mà ta từng cứu giúp?...
 
Huyền Quang nghĩ đến pháp danh của mình, nghĩ đến ngày mình quyết định từ bỏ chốn quan trường và cuộc đời trần tục, xuất gia đầu Phật. Khi ấy, nhân một lần theo Quan gia (vua Trần Nhân Tông), ông gặp Pháp Loa ở chùa Vĩnh Nghiêm. Tuy Pháp Loa trẻ tuổi hơn ông nhiều lắm, nhưng có lẽ sớm giác ngộ, nên ông đã nhận thấy ở vị cao tăng này sự siêu nhiên tịnh độ đến mức hút hết tâm trí ông. Và dường như ngay lập tức, ông linh cảm mình sẽ theo con đường của Pháp Loa thiền sư. Sau khi nghe Pháp Loa thuyết giảng, ông lĩnh hội được sự minh triết ở đó, và thấy rằng, lòng mình đã hướng về Đức Phật, hướng đến tư tưởng cao siêu từ bi hỉ xả của nhà Phật rồi. Rời quan trường về tu tại chùa chỉ còn là thời gian nữa mà thôi. Và chặng đường tu luyện dài dằng dặc dần đi qua, không nhẹ tựa lông hồng như lúc đầu ông nghĩ. Để từ bỏ những ham muốn, thói quen trần tục, ông đã phải chiến đấu thực sự với bản ngã của mình, và để thắng được mới cực khổ làm sao! Các vị tiền Tổ thay nhau khuất bóng. Hương Vân Đầu Đà Trúc Lâm Điều Ngự (Trần Nhân Tông) và Pháp Loa thiền sư nơi niết bàn có thể mỉm nụ cười nhà Phật mà hài lòng vì ông – vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm đã giác ngộ và truyền bá tư tưởng của dòng trong loại chúng sinh. Ở cái tuổi bảy sáu, trụ trì nơi Yên Tử, ông thấy đầu óc mình vẫn minh mẫn lắm, nhưng sương khói đã phủ ánh nhìn, cơ gân đã dão, dòng máu trong huyết mạch không còn sôi sục như thuở nào nữa, tuy chưa nguôi, song ông đã có thể yên tâm, thư giãn, buông lỏng cơ gân không cần phải kiềm chế, mà chờ cái ngày Phật gọi theo hầu. Vậy mà, dạo này tự nhiên ông thấy lòng mình chộn rộn, cứ như đang chờ đợi một cái gì đấy, là lạ…
Một buổi sáng, sư tổ Huyền Quang thong thả bách bộ trong sân chùa Hoa Yên, rồi chợt thấy lòng mình phấn chấn, ông quá bộ đi dạo theo đường tùng xuống sâu dưới sườn núi, nơi mà lâu nay ông không đặt chân tới. Cây gậy trúc mấu trong tay ông không rờ rẫm mà linh hoạt hẳn lên. Chợt ông nghe phía dưới một chút có tiếng gì như là tiếng người thở dốc vẻ nặng nhọc lắm. Dừng trên bậc đá, ông nhìn xuống, thấy một người đặt đôi thùng gánh nước trên quãng đất khá bằng phẳng. Người đó khẽ vặn người cho đỡ mỏi và nhìn dáng vẻ, cử chỉ của người đó, ông đoán là đàn bà, mà không chừng còn là một cô gái thanh tân. Người đó vuốt chiếc khăn màu thâm đất choàng kín đầu xuống vai, để lộ gương mặt đàn bà, rồi cởi tung khăn, lau mồ hôi trên mặt và cổ. Đúng là một thiếu nữ. Tất cả những cử chỉ đầy nữ tính ấy không qua được ánh mắt già nua sương khói của ông. Chợt cô gái ngước nhìn lên và bắt gặp ông từ trên cao nhìn xuống, cô lúng túng choàng lại chiếc khăn lên đầu, nhấc đòn gánh lên vai thì thấy ông giơ tay làm cử chỉ hãy khoan, cứ nghỉ đi, nên cô gái lại thôi. Ông xuống theo từng bậc đá và cảm thấy bước chân mình không bình thường, tuy nhiên, ông cố gắng giữ vẻ khoan thai. Cô đứng, ngước mắt lên, chờ đợi và dường như ông cảm thấy cô nhấp nhổm định chạy phăng lên đỡ ông dìu xuống vì mấy lần ông khẽ vấp chân. Rồi cuối cùng, ông cũng xuống tới nơi cô gái đỗ gánh. Cô gái cúi đầu “Bạch sư cụ”. Ông nhìn cô gái, khuôn mặt bị chiếc khăn chùm thâm che khuất chỉ lộ đôi mắt to đen và chút vầng trán trắng mịn, thấy như quen quen, rồi lại nhìn gánh nước, đôi thùng đều mức già lưng, phủ lên mặt một tàu sen úp, vừa che bụi đường vừa làm cho nước đỡ sóng, hỏi cô gái: “Nữ thí chủ từ đâu đến? Mang nước đi đâu?”. Cô gái cúi đầu e lệ: “Bạch sư cụ… Con tên là Bích… Đào Thị Bích ạ… Nhà con ở xóm Giếng, ngay dưới chân núi này… Chắc sư cụ chưa hạ sơn đến đấy bao giờ nên không biết… Xóm con có một cái giếng nổi tiếng nước ngọt, pha trà thơm ngon nhất cả vùng… U con bảo, từ nay, mỗi tháng đôi lần gánh lên núi hầu sư cụ và nhà chùa nước pha trà… Hình như sư cụ không nhận ra… sao ạ?”. Cô gái cởi chiếc khăn quàng đầu bảo: “Giờ hẳn sư cụ nhận ra!.... Mới tháng trước, em trai con gặp bạo bệnh, u con và con cùng người nhà võng lên núi phiền sư cụ cứu giúp, gặp thầy gặp thuốc may mà qua khỏi. Cả nhà con nguyện đội ơn tái sinh suốt đời không dám quên!”. Ông nhớ, khoát tay bảo: “Không phải như thế… Mà cũng không cần thế… Nhà chùa coi việc giúp người làm việc thiện, cứu nhân độ thế là bản tính của mình… Không ơn huệ chi đâu!...”. Cô gái cúi gằm, thưa: “Bạch. Không dám ạ!... Dẫu sư cụ và nhà chùa không xem làm trọng, nhưng mà… về phần bản thân gia đình con vẫn luôn đội ơn trời bể ạ!”. Ông khẽ cười: “Thôi được! tùy thí chủ… Dẫu sao ta cũng cảm ơn nhớ tói, mang cho nước ngon nấu trà… Nhưng lần này thôi nhé… Sau không phải vất vả thế… Đường núi hiểm trở khó đi, mà nữ thí chủ thì… yếu sức”. Ông định nói còn trẻ, song kịp nói chệch đi. Cô gái hồn nhiên: “Bạch sư cụ… Con khỏe lắm… U con thường bảo con, là gái mười bảy bẽ gãy sừng bò mà!”. Ông suýt bật cười thành tiếng: “Ơ… vậy à! Thôi bây giờ nữ thí chủ hãy cất gành theo ta lên chùa”. Ông đi trước, cô gái gánh nước theo sau. Chỉ vài chục thước là lên đến sân chùa mà ông trèo đã run chân, thế mà cô gái gánh như không, lại vừa đi vừa ríu ran đủ thứ chuyện. Cô bảo cha cô trước là thầy đồ, nhưng yểu mệnh mất sớm, nếu không thì giờ cô cũng viết được chữ Nho, rằng tuy là phận gái nhưng cô ham thích học lắm. Ông nghe, chỉ ầm ừ qua chuyện. Tự nhiên ông nghĩ, sao ngày xưa, cái cô Mơ kia cũng là con nhà tử tế có học hẳn hoi mà không được như cô gái này, lại không yêu người nhiều chữ, đi say mê anh kép hát dẻo mỏ? Âu cũng là quả kiếp nhân duyên mà nên cả thôi!... Ngần ngừ một lát, ông ướm hỏi: “Thế nhìn tướng mạo ta, nữ thí chủ không thấy… gì sao? Cô gái tròn mắt vẻ không hiểu: Sao cơ ạ… Con thấy như tiên ông giáng trần cứu thế… Con mạo muội nghĩ…. lúc còn trai trẻ, hẳn sư cụ thông minh dĩnh ngộ lắm!.. ". Ông nghe mà chấn động trong lòng, và cảm thấy mặt mình nóng lên. Suốt một thời trai trẻ, ông chưa bao giờ được nghe một lời khen về diện mạo mình như thế, nên ông mang mặc cảm về tướng mạo kỳ dị của mình ngần ấy năm trời đã thành quen, nay bỗng dưng vậy, ông bỡ ngỡ như cậu bé mới lớn. Ông hít một hơi thật sâu, phẩy tay bảo: “Thôi nữ thí chủ làm đi”.
Đổ nước xong vào chum, cô gái còn lau chau kể đủ thứ chuyện ở xóm của cô, ông nghe câu được câu mất. Nhìn dáng vẻ trẻ trung, thanh tân, hồn nhiên của cô gái, ông hồi tưởng lại tuổi trẻ của mình ở quê nhà. Giá như ông không học hành đỗ đạt, không tình nguyện vào cửa thiền phụng sự Đức Phật, mà chỉ là một anh nông phu thuần phác, thì có lẽ bây giờ cũng con đàn cháu đống, có đứa áng tuổi như cô gái trẻ kia. Cô gái chào ông, vẻ như dùng dằng xuống núi. Ông đứng ở sân chùa nhìn cô gái quẩy đôi thùng không, ngúng nguẩy men bậc đá xuống, cứ như làm dáng, làm duyên với ai ấy… Ông mỉm cười một mình, nhìn trời đất, cây cối thấy xanh non đằm thắm lạ. Ông cứ đi đi lại lại nơi sân chùa, không để tâm đến thời khắc trôi qua. Mặt trời đằng sau lưng đã khuất núi tự khi nào chẳng rõ. Sương núi dâng lên tỏa hơi lành lạnh. Ngay trước mặt, trăng thượng thuyền như con thuyền tròng trành trên vòm trời làm vành trăng nhỏ cũng sóng sánh trong khuôn miệng chum đầy nước. Tự nhiên tứ thơ nảy trong óc, rồi ý, rồi lời ào ạt đến. Ông lẩm nhẩm đọc thành tiếng: “Vằng vặc trăng mai ánh nước/ Hiu hiu gió trúc ngâm sênh/ Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ/ Mâu Thích Ca mà thú hữu tình”. Tối ấy, khác mọi ngày, ông không làm sao tập trung tư tưởng, ý nghĩ hướng về Đức Phật khi tụng kinh.
Sư tổ Huyền Quang thấy mình đang vân du tới một miền non xanh nước biếc, chim chóc líu lô. Đang bỡ ngỡ nhìn ngắm cảnh sắc và tự hỏi đây là miền đất nào thì ông chợt thấy mấy khóm trúc gần nơi mình đứng khẽ rung rinh và một người đàn bà hiện ra, ăn vận như một nữ sĩ, hỏi ông: " Cảnh mới nhưng người xưa, Huyền Quang đại sư có nhận ra chăng? ". Giọng nói quen quen, như ông đã từng nghe nhiều lần. Ông ngập ngừng: “Nữ thí chủ…”. Người đàn bà như là đang cười nụ: “Thế là đủ biết đại sư vẫn chưa nhận ra người cũ rồi. Vậy… thiếp xin mạn phép dùng tên tục… Đạo Tái…. Chẳng nhẽ chàng vẫn chưa nhận được tiện thiếp là ai ư?”. Ông tròn mắt, thốt lên: “Cô Mơ!... Thôi đúng là…. Người xưa… Có dễ đến dăm mươi năm rồi mới thấy đây… Nhưng mà… những tưởng kiếp truân chuyên đã giải, người khuất bóng lâu rồi?”. Người đàn bà e lệ: “Vậy là không uổng… Vì thiếp mà chàng ôm hận suốt đời… Có lẽ khi xuống tuyền đài cũng chưa tan?”. Ông chợt ý thức thân phận mình, nghiêm nghị: “Nữ thí chủ nhầm rồi… Bần tăng đã rửa sạch bụi trần… Dốc lòng theo Đức Phật…”. Người đàn bà khẽ ngúc ngắc đầu: "Nhầm ư? … Thiếp không nhầm đâu… Có phải vừa mới đây thôi, chàng vẫn nặng lòng với bụi trần?... Vằng vặc trăng mai ánh nước. Hiu hiu gió…”. Ông sửng sốt ngắt lời: “Nữ thí chủ…. biết bài thơ của ta ư? Ta cảm hứng mới nhẩm trong óc, chưa viết ra và cũng chưa đọc cho một ai… Vậy mà…”. Người đàn bà khẽ cười: “Thế chàng quên rằng thiếp siêu hình, là người của cõi khác rồi ư?”. Ông sượng sùng, bẽn lẽn cứ như người làm điều gì xấu bị bắt quả tang: “Phải chăng, nàng… nàng nhập vào, xui khiên cô gái xóm Giếng đến thử lòng ta?”. Người đàn bà không trả lời, hỏi lại: “Chàng nghĩ như thế ư?... Thì cứ cho là vậy thì đã sao!...”. Ông thở dài não ruột: “Thôi… dẫu sao ta cũng cảm ơn nàng… giúp ta hiểu rõ lòng mình… Già nửa đời người từ bỏ vinh hoa phú quý, những tưởng giũ sạch được bụi trần… ai ngờ đến lúc nghĩ mình đắc đạo… lại hóa ra vẫn thơ ngây, ham hố… Ôi kiếp trần gian, căn quả mới nặng nề làm sao! Chả trách… Đức Phật gọi ngàn vạn người theo nhưng tới bến không đầy nửa mống”. Người đàn bà cảm thông: “Xin người đừng tự dày vò mình như thế!... Ngay thiếp đây sớm đa đoan, chịu đủ mùi đắng cay mặn chát trần đời cũng không đến mức phải trách mình như vậy. Mình làm mình chịu. Thế mới là can đảm, thực lòng… Ngay cả những người đã từng trót bị vấy bẩn, Đức Phật cũng không xa lánh, bỏ rơi, chỉ cần có tâm phục thiện và gắng sức làm theo thì chẳng cần phải khổ hạnh, căn chay niệm Phật… Thiếp hiểu Phật tại tâm là vậy , thấu thế nào là thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ…. cũng là vậy!”. Ông thẫn thờ như tự nhủ mình: “Không ngờ… người ấu trĩ lại là ta… Giữ chay tịnh nhưng tâm…”. Thấy ông bỏ dở chừng câu than, người đàn bà an ủi: “Được Đức Phật gọi theo ngài nhiều năm nay, bản thân ngộ thêm bao điều mà trước đây mù mờ sáng tối… Người như đại sư rồi thế nào cũng tới được bến thanh minh.. Chỉ có điều, với sự rối lòng vẩn trí như vừa rồi, đại sư sẽ mang tiếng với hậu thế đấy. Và cũng không dễ gì rửa sạch ngay được…!”. Ông điềm tĩnh: “Đa tạ lời chỉ giáo. Giờ thì ta chẳng quản ngại gì, kể cả tai tiếng với người đời… Trời đất chắc thấu hiểu cái tâm của ta!”. Người đàn bà biểu lộ sự hài lòng: “ Vậy là cuộc tái ngộ với người xưa không uổng. Thời khắc đã mãn… Hẹn gặp lại ở nước Phật!...”. Ông còn chưa kịp định thần để nói lời tiễn biệt thì chớp mắt, người đàn bà đã mờ nhân ảnh, không thấy đâu nữa. Ông tần ngần: “Kìa… Sao lại vội vàng làm vậy!”.
Huyền Quang mở bừng mắt. Ông nhìn trân trân, ngộ mình. Sư bác thấy ông mở mắt, mừng quýnh: “Ôi… sư tổ tỉnh rồi. Ban nãy thấy sư tổ biền biệt, mạch trẩm, những tưởng sư tổ… Rồi chợt lại thấy sư tổ … môi cứ mấp máy liên hồi thành tiếng nhưng không rõ lời, cứ như là đang nói chuyện với cõi người khác… chúng tăng nghĩ… cơ chừng… sư tổ đang vân mộng về cõi Phật… mới bớt lo”. Huyền Quang khẽ ờ trong cổ và thầm nghĩ, thì ra mình vừa qua một giấc mộng. Bần thần hồi lâu, ông cố nhớ những gì xảy ra trong mộng. Ừ, bây giờ ông chẳng sợ gì nữa. Cái đáng sợ nhất là bản ngã, thì ông đã vượt qua rồi. Tiếng để đời ư? Rồi một ngày kia người đời sẽ hiểu. Chân lý có con đường riêng của mình, dù rằng vòng vèo khuất lối. Ông phẩy tay ra hiệu bảo mọi người đỡ ngồi dậy. Thấy ông đứng lên định đi thì sư bác và mấy chú tiểu xúm ngay lại đỡ hai bên. Ông bảo mọi người cứ để ông tự mình, không cần phải giúp sức, bởi ông muốn ra bên ngoài một mình: “Chừng canh mấy rồi nhỉ?”. Sư bác thưa: “Bạch thầy… còn chưa tới canh một”. Ông đi chậm rãi, từng bước một ra sân chùa. Nhìn trời, trăng thượng huyền đã xế khuất chân trời phía Tây, ánh sáng mờ mờ song vẫn còn đủ để ông thấy rõ những cây đại xung quanh và đường tùng dưới kia, cả những vạt trúc nhấp nhô miên man như vô tận…
Lòng thanh thản lạ thường, ông cảm nhận một trạng thái chưa từng thấy ở mình. Một vì sao đổi ngôi vạch sáng chéo vòm trời. Vậy là có thêm một sinh linh nơi phàm trần được Đức Phật gọi theo. Ông cứ muốn một mình, đứng mãi nơi sân chùa này với cảm giác hạnh ngộ như vậy!...”
 
Nguyễn Chu Nhạc