Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Rau đắng

RAU ĐẮNG - HƯƠNG QUÊ NGỌT NGÀO

Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè- PMC

LK Sa Mưa Giông, Nhớ Mẹ Lý Mồ Côi

Kết quả hình ảnh cho Tranh vẽ rau đắng
Vị đắng,
Mẹ mất đi khiến vị đời cay đắng,
Thương cho em, đâu mật ngọt tuổi thơ ?
Lại thương người trong dáng dấp ngu ngơ...
Tìm hạnh phúc, xót xa đời lạnh ngạnh !!
Chừ tỉnh thức ch sống đời cô quạnh,
Kiếp hồng nhan sao đắng chát rau ơi....?!
**
Ru con cất tiếng à ơi,
Con chàng con thiếp, phận đời như nhau...
Gió đưa cây cải về đâu ?
Xa rời chốn cũ vơi sầu đắng cay !!
NM

Rau đắng

Người ta đặt mẹ trong chiếc quan tài đóng vội chưa khô mùi sơn. Không ai nghĩ mẹ lại ra đi đột ngột như thế. Tôi bế em Quyên đang khóc ngằn ngặt len vào nhìn mặt mẹ lần cuối. Mẹ vẫn đẹp. Mà có lẽ lúc ra đi mẹ càng đẹp hơn. Da mẹ trắng, tóc dài và đen mượt. Mẹ nằm đó, bình thản như đang say trong giấc ngủ. Người ta đóng nắp quan tài lại. Thế là tôi mất mẹ.
Em Quyên tôi vẫn khóc. Có lẽ em đau ở đâu đó mà tôi không biết. Mọi người thì ai cũng bận rộn. Tôi có ba người anh thì cả ba đang phủ phục bên hương hồn mẹ. Cha tôi mặt đờ đẫn, xót xa. Em Quyên tôi mới 3 tuổi, tôi hơn em 2 tuổi. Vậy mà chúng tôi mất mẹ. Tôi lúc ấy chỉ biết mẹ nằm trong những tấm ván và mãi mãi chúng tôi không còn gặp lại.
Người ta đưa mẹ đi. Cả một đoàn người đông đúc như những đám ma khác tôi đã từng thấy trong làng. Chúng tôi được chít lên đầu chiếc khăn trắng, còn các anh tôi khoác thêm tấm áo trắng vải thưa. Mãi đến lúc mọi người bốc từng vốc đất ném lên mình mẹ thì tôi mới thấy đau đớn quằn quại. Đến giờ tôi vẫn không hiểu thứ linh cảm ngày đó nó mạnh thế nào.
Ký ức về mẹ chỉ có thế. Chúng tôi lớn lên vào những năm đói. Cả làng tôi đói xơ xác. Em Quyên tôi gầy giơ xương vì đói và vì thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Mặt em buồn bã, xám xịt.
Làng tôi nổi tiếng nhiều con gái đẹp. Trong đám đó đặc biệt nhất là chị Mai. Người ta bảo chị hao hao giống mẹ tôi ngày ấy. Nhà chị cách nhà tôi không xa. Chúng tôi vẫn hay gặp chị đi gánh nước giếng làng và đi cắt cỏ. Chị làm việc thì không chê vào đâu được. Trai làng mê chị như điếu đổ. Tối tối cổng nhà chị vui như hội. Tất cả những gì thuộc về chị đều đáng yêu.
Một ngày, mắt chị bỗng dại đi. Chị chỉ cười vô nghĩa. Chị điên tình, người làng bảo nhau thế. Đó là bệnh điên của những cô gái mới lớn. Chị được đưa đi chữa bệnh khắp nơi nhưng vô hiệu. Khi về, bệnh chị càng nặng hơn. Chỉ còn một cách duy nhất đi lấy chồng là khỏi – người ta bảo thế. Nhưng ví như cái ngây ngây dại dại người ta còn thấy hiền lành mà rước về chứ cái bệnh điên của chị cho cũng chẳng ai dám. Bao nhiêu chàng trai bấy lâu nay theo đuổi chị nay bỗng cúi mặt bước vội khi ngang qua cổng nhà chị.
Chị điên nhưng vẫn đẹp. Cái đẹp của người con gái đến thì nay hết sức vô tâm lại càng tai hại. Và cái tai hại đầu tiên ấy là cho chị. Ông bố chị bảo ai làm cho chị khỏi điên được thì sẽ được chị. Đó là cái kiểu cho không khi biết không còn gì để luyến tiếc. Ông nói thế vì không còn hy vọng nữa. Song vẻ đẹp ấy của chị lại làm hại đến cha tôi và danh tiếng gia đình tôi. Cha tôi nhận lời chữa bệnh cho chị.
Tôi quên chưa nói trước là cha tôi vừa xem bói vừa bốc thuốc. Ngày rằm, mồng 1 nhà tôi thường rất đông người. Chúng tôi sống nhờ nhiều vào lộc phúng biếu. Người ta tin cái tài của cha tôi. Tôi thì vừa sợ vừa thương cha. Cha tôi mặc bộ quần áo màu nâu, cổ thắt khăn đỏ. Trên ban thờ khói hương nghi ngút. Kẻ trong nhà, người ngoài sân vừa trò chuyện, vừa chơi cờ, uống rượu, trừ những người đang có việc cần hỏi cha tôi. Khi người khấn vái xong, tự dưng mắt người trợn ngược, hai tay nắm chặt hai đầu khăn, người nhảy phóc lên bàn và la hét, cái khăn bị siết chặt vào cổ. Lúc ấy cha như một người khác. Tôi rất sợ, còn em tôi thì khóc thét lên. Nhìn cha như đau đớn lắm tôi cũng khóc. Người lớn liền cho kẹo bánh và đẩy chị em tôi ra ngoài. Sau đó vài phút thì cha trở lại bình thường nhưng vẫn cách biệt với chị em tôi. Người như đang ở một thế giới xa vời vợi. Cha chữa bệnh cho rất nhiều người. Cha cầu yên, cúng bái cho nhà người ta. Họ tin tưởng cha. Riêng tôi luôn thắc mắc một điều là gia đình tôi và các gia đình khác trong làng sao cứ khổ mãi mà cha chẳng cầu xin đấng bề trên giúp họ.
Cha tôi nhận chữa bệnh cho chị Mai. Năm ấy tôi 10 tuổi. Tôi vẫn mong cha chữa khỏi bệnh cho chị nhưng lại sợ. Nếu cha chữa khỏi bệnh cho chị thì chị sẽ lấy cha và sẽ là mẹ ghẻ của chúng tôi. Tôi sợ. Và một điều khổ tâm hơn nữa là chị còn quá trẻ. Chị chỉ khoảng bằng tuổi anh lớn tôi. Nếu chị lấy cha tôi thì thiệt thòi cho chị nhiều quá. Còn gia đình tôi sẽ khó mà nhìn mặt bà con làng xóm.
Chị Mai về nhà tôi độ đầu xuân. Lúc ấy chị đẹp hơn cả trước khi chưa điên. Thế nhưng trong mắt chị nét buồn thăm thẳm nhiều khi làm tôi sợ. Tôi đã gặp nét buồn ấy ở đâu đó, rất gần. Chúng tôi ít gần chị. Cả nhà chẳng ai vui bởi sự có mặt của chị. Đặc biệt các anh tôi. Họ xấu hổ. Cha tôi không nói gì và cũng không bắt chúng tôi phải đối xử như thế nào với chị. Lẽ ra theo vai vế, chị là vợ của cha thì chúng tôi phải gọi chị bằng dì nhưng chúng tôi chỉ dè dặt gọi chị. Tiếng chị ấy không mang một chút yêu thương, kính trọng.
Chị chăm chỉ làm lụng việc nhà. Chị chăm bẵm chị em tôi nhưng những cử chỉ ấy luôn bị từ chối. Có khi tôi mơ hồ thấy dáng mẹ chập chờn trong nhà rồi chợt nhớ ra đúng là chị rất giống mẹ. Tôi càng tránh không cho chị gần em Quyên. Cái nhìn thăm thẳm trong mắt chị không phải ở đâu xa lạ mà ngay trong mắt em Quyên. Song điều mà tôi sợ hơn nữa là có một lúc nào đó đôi mắt dài dại kia lại bùng lên dữ tợn khi đang tắm cho em tôi. Lúc ấy lấy gì đảm bảo chị không dang tay bóp chết em tôi. Chị lại càng xa cách hơn.
Cha tôi không quan tâm đến chị nhiều. Công việc của cha vẫn phải đi suốt. Cha không để ý đến cách cư xử của anh em tôi với chị. Chị sống như cái bóng trong nhà tôi. Những ngày chị có mang, chị vẫn làm quần quật mà không được ai quan tâm. Đến khi đứa em cùng cha khác mẹ của tôi ra đời chị xanh rớt như tàu lá. Cha tôi về, nhìn mặt đứa trẻ như để nhận dạng rồi lại đi.
Tôi vẫn không biết rằng tiền bạc nuôi chúng tôi ăn học là do những buổi thức đêm, những buổi còng lưng bên bể nước, những buổi thức khuya dậy sớm của chị. Cha tôi phó mặc tất cả cho chị. Cha đi sớm về khuya không phải vì công việc nhiều mà cha đang làm công việc của một người đàn ông phóng đãng. Sự phóng đãng ấy rồi sẽ mang đến một kết quả tất nhiên. Những đứa con sinh ra không có được bàn tay chăm bẵm của cha như chúng tôi. Mà khốn khổ thay cho chị Mai và cho cả chúng tôi là cái người ấy, cái người cướp chồng chị chẳng phải ai xa lạ gì, người ấy chính là chị dâu của chị. Có lẽ chị đau lắm nên chị sụt đi trông thấy. Chúng tôi một lần nữa lại phải giấu mặt vì xấu hổ. Mà lạ thật, ngày rằm, mồng 1 nhà tôi vẫn đông, cha tôi vẫn lên đồng, vẫn la hét. Làm sao người ta lại có thể tin vào cõi vô hình nào đó khi mà sứ giả liên lạc giữa họ lại là cha tôi. Tôi thấy họ mê muội thật rồi.
Nhưng làm cho chị Mai khỏi điên được cũng là một điều kỳ tài. Không biết cha đã đánh động vào nơi nào trong tâm hồn và thể xác chị?!
Chị Mai buồn. Lời hát ru của chị càng buồn hơn:
“Ầu ơ! Thiếu chi rau mà chị ăn rau Lạnh Ngạnh
Thiếu chi chồng mà chị lấy chạnh chồng em?”
Những ngày đói làng tôi sống nhờ vào rau. Lúc đầu thì rau má, sau rau khoai. Đến khi các thứ rau đều hết thì phải vào rừng hái lá. Bất cứ lá gì mà ăn không chết thì đều bị hái trụi. Đến khi những thứ lá hết dần người ta hái đến rau lạnh ngạnh. Lá lạnh ngạnh xanh nõn, mặt sau trắng. Mới trông thì rất ngon nhưng vô cùng khó ăn. Tôi nhớ lần đó chị hái về một nắm lá rau lạnh ngạnh bỏ vào nồi cháo. Chúng tôi chỉ còn biết nhắm mắt lại mà nuốt cái vị hăng hăng, cay cay cho đầy bụng. Ai phải ăn đến rau lạnh ngạnh mới thấm thía câu hát của chị. Chồng thừa mà nào có được yên.
Chúng tôi đã lớn. Những đứa con sau này của cha tôi cũng đã lớn. Chúng có khuôn mặt của anh em tôi nhưng có đôi mắt buồn của chị. Cha tôi vẫn đi nhiều. Anh em tôi lúc này mới nhận ra những hy sinh của chị. Trong đôi mắt buồn mà dài dại ấy luôn chứa đựng tình yêu thương dành cho chúng tôi. Giá như chị biết đã có nhiều lúc tôi chỉ muốn sà vào chị thổn thức tiếng gọi mẹ chắc chị sẽ xóa hẳn được cái nét phảng phất trong đôi mắt chị. Nhưng tôi vô cùng ân hận vì không làm được điều đó khi chưa quá muộn.
Tôi đứng trước quan tài chị. Hình ảnh mẹ tôi ngày xưa lại hiện về. Tóc chị dài như hầu hết phụ nữ quê tôi, da chị trắng. Chị nằm thanh thản. Có lẽ đây mới là giây phút thanh thản nhất trong cuộc đời chị. Tôi chít lên đầu mảnh khăn trắng, đưa chị về cuối đường đời.
Phương Huyền

 Album Phương Mỹ Chi  Mùa Nước Lũ Về

Rau đắng đất,

Rau đắng đất chôn vùi bên mộ cỏ,
Tiếc chi lời không nói lúc bên nhau ?!
Trồng hoa không chịu, trồng rau,
Bên em vị đắng dạ sầu khôn nguôi !!
NM

Mùa rau đắng

Đời thiệt mắc cười, phải chi hồi xưa tôi nói thương con Mén sớm chút, thì chắc cũng đỡ tiếc hơn, có lần nào thấy nó kẹp cây kẹp kia lên đầu đâu, và cũng chưa thấy được mặt nó vui sao lúc tôi nói thương nó. Phải hông...
***
Tôi băng qua cánh đồng rộng trở về nhà. Mặt trời ngả mình xuống sau rặng tre. Và thiệt tốt khi tôi vớt được mấy con cá trong ao nhà con Nụ, hôm nay nhà nó tát ao.
Tôi đi ngang nhà con Mén, nó nhóm lửa nấu cơm, thấy tôi, nó tươi rói chạy ra:
– Đi đâu về đó Hiển, cá ở đâu mà xách về nhiều vậy.
– Tao phụ tát ao ông hai Bảnh, ổng cho mấy con cá. – rồi tôi đưa nó con cá lóc – Nè, mày xách vô đi, tao cho đó.
– Trời ơi, ai làm vậy. Thôi, Hiển xách về cho cô chú ba đi.
– Mày cứ lấy đi, tao còn nhóc nè, hông thấy hả.
Chắc thấy tôi làm dữ quá, nó cũng chịu cầm con cá.
– Cho Mén cám ơn nghen. Ừ quên, Hiển đợi Mén chút.
Con Mén chạy vô trong nhà, xách ra một mớ rau đắng đất:
– Nè Hiển đem về nấu canh ăn cho mát, rau nhà trồng, khỏi sợ thuốc sâu.
– Thôi, đắng lắm, tao ăn hổng được.
– Thì đem về cho cô chú ba ăn. Mà nghĩ cũng kì nghen, Hiển ăn được mấy trái khổ qua đắng nghét mà hổng ăn được cái rau này.
– Thì mày ăn được cái rau này chứ có ăn được khổ qua đâu.
– Ừ, hi hi. Thôi, tối rồi đó, Hiển về đi.
– Tối nay mày đi chơi với tao hông. – tôi nói nhỏ với nó – vườn nguyệt quế ông ba Quốc nở bông thơm lắm.
– Thôi, đi hoài, ba má biết đánh Mén chết.
– Trời ơi, có sao đâu. Bị phát hiện thì giả bộ bị ma giấu, đợt trước mày làm được rồi đó. Đi đi, tao bắt đom đóm cho mày chơi.
– Ừ, vậy thì đi.
– Tối nay tao qua rủ mày hen. Giờ tao về, nhớ nghen.
– Ừ, Hiển về.
* * *
Trời không sao, tối om, chỉ có thể mò đường nhờ ánh trăng mồng chín. Tôi xách theo cái hột quẹt để lấy ánh sáng nếu cần. Tới nhà con Mén, đập đập vô vách lá, cứ như vậy, lát nó chạy từ cửa sau ra. Tôi với nó im lặng, đi bộ cho tới vườn nguyệt quế mới dám mở miệng.
– Thơm quá Hiển ơi.
– Ừ, tại bông nó nở vừa vừa, chứ nó mà nở nhiều ngạt lắm. Ngồi xuống đây đi. – tôi chỉ tay vô bụi nguyệt quế có tán rộng, phòng hờ mấy con chó nhà ông ba Quốc thấy.
Nó ngồi xuống, đưa tay ngắt một chùm bông.
– Chừng nào hết hè, mày.
– Mình mới nghỉ có mấy bữa hà, chắc còn lâu lắm. Cô nói nghỉ tới ba tháng lận mà.
– Ừ, thiệt tình tao hông có muốn đi học chút nào hết trơn. Vô lớp gặp tụi thằng Giàu, thằng Sang là tao ngán.
– Hai thằng đó con ông tư Phú, anh con Trúc phải hông.
– Ừ, nói con Trúc mới nhớ, hồi bữa nó gặp tao, nó lả lướt thấy mà ớn.
– Mén nghe nói nó thương Hiển đó.
– Thôi đi mày, lạy trời lạy phật. Mà tao nghe nói hình như thằng Giàu thương mày đó.
– Thôi, Mén hổng ưng nó đâu, nó xấu quá hà.
– Chứ cỡ nào mày mới ưng.
– Cỡ Hiển vậy nè.
Con Mén không nói nữa, ngồi gần mà tôi nghe tim nó đập thình thịch. Chắc nó lỡ miệng. Tôi cũng nín luôn. Hai đứa ngồi trong bóng tối, tôi cũng không biết làm sao.
Ngồi ngứa tay, tôi lượm cục đá dưới tay chọi đi, ai dè nó trúng cây dừa cái cụp. Con Mén giật mình, "hự" lên một tiếng thiệt lớn. Mấy con chó nghe tiếng động, sủa một cách dè chừng.
– Chết, Hiển ơi, chó nó sủa. – Mén nói trong bối rối, nó run, bám vô tôi.
– Suỵt, ráng ngồi đợi chút đi, nó ngưng liền.
– Đứa nào ngoài đó đó. – ông ba Quốc ra tới, giọng như thể có ăn trộm.
Lúc này mới thật sự hoảng, trong những lần như vầy, tôi với con Mén ít bị người ta bắt gặp. Chỉ có lần kia, ba má không thấy nó trong buồng rồi sợ hãi đi kiếm, tôi mới bày cách cho nó giả bị ma giấu. Vậy là ba má nó tin và vừa mừng vừa sợ ẩm nó về. Nhưng lần đó chúng tôi bắt đom đóm ngoài đồng, rộng rãi, tôi dễ trốn. Còn bây giờ, lú đầu ra khỏi bụi nguyệt quế là xong liền. Mà nếu bị phát hiện thì sẽ thiệt là tệ, ông ba Quốc sẽ có thiệt nhiều câu hỏi để chất vấn: thứ nhất, giờ này ra vườn nguyệt quế làm gì, tụi bây tính phá cây của tao đặng tao lỗ vốn phải hông; thứ hai, một đứa trai với một đứa gái, nửa đêm đi chung với nhau làm cái gì, để tao nói với ba má tụi bây, đánh cho mỗi đứa mười cây rồi nhốt tụi bây trong nhà luôn...
– Hiển, Hiển ơi, sao giờ?
– Tao chạy trước, ổng với mấy con chó rượt tao, mày ở lại không có ai rồi hả chạy nghen. Nghe tao dặn nè, đừng có về theo hướng tao chạy, nghe hông.
– Nhưng mà vậy lỡ ổng bắt được Hiển sao.
– Tao chạy nhanh lắm, đừng có lo. Ở lại, coi chừng nghen.
Tôi nhanh chân phóng ra khỏi bụi nguyệt quế. Đúng theo dự đoán, ba con chó và cả ông ba Quốc chạy theo sau. Tôi bỏ được một khoảng khá xa, leo tót lên cây dừa. Vậy là ổng mất dấu, bỏ về. Còn con Mén chắc nó cũng trốn được rồi, tôi không lo, ông ba Quốc ế già, có vợ con gì đâu, nhà ổng có ba con chó mập, mà ba con lù khù đó rượt theo tôi hết.
Nói vậy chứ tôi cũng phải tạt ngang nhà nó coi sao. Tôi đập đập vô tấm vách, nó không ra, chắc chưa về. Tôi đâm lo, men theo bờ đê kiếm nó.
– Hiển, Hiển ơi.
Tôi nghe tiếng con Mén ở xa xa, nhưng rất nhỏ, chắc nó lo rồi kiếm tôi.
– Mén, tao ở đây nè.
Hai đứa gặp nhau, nó chưa nói đã bị tôi la:
– Tao dặn về mà sao còn đi kiếm tao, tao chạy được mà. Mày đi như vậy tao lo lắm, biết hông?
– Tại Mén sợ ổng ba bắt được rồi đánh Hiển.
Tự nhiên tôi thấy thương nó quá, nó lo như vậy, còn tôi về tới nhà mới kiếm nó.
– Thôi mày về đi, khuya rồi đó. Tao dắt mày về.
– Ừ, mà Hiển có sao hông.
– Tao hổng sao, chạy một lát tao leo lên cây dừa, ổng bí, đâu có thấy tao.
– Vậy mà Mén lo muốn chết. Thôi, mình về.
* * *
Gà sáng mới gáy tôi đã nghe tiếng thằng Mộc kêu í ới.
– Hiển ơi, Hiển, đi câu cá.
Tôi mon men bò ra tới cửa, mắt chưa mở nổi, nó đã dồn dập tiếp:
– Hôm qua tao thấy có bầy lòng ròng trong vườn nhà ông sáu Sự, chắc có cá lóc, đi câu, nhanh.
Tôi bừng tỉnh, cá lóc, thịt ngọt lắm, mà bán giá cũng cao. Tôi hớn hở:
– Ừ, đi đi. – rồi lại xịu xuống – Thôi, đừng có câu. Con Mén nói với tao câu cá mẹ rồi hổng ai lo cho mấy con lòng ròng, nó bị mấy con cá khác ăn, tội lắm.
– Trời ơi, bữa nay nghe lời con Mén nữa hả mậy. Câu con này thì còn con khác, lo cái gì.
– Mày tưởng cá lóc là cái máy đẻ, không bao giờ chết hết hả? Thôi, khỏi nói nhiều, tao không đi, mày đi một mình đi.
– Mày hổng đi rồi tao đi làm cái gì nữa. – giọng thằng Mộc ỉu xìu – hổng ấy mình câu cá bóng dừa đi, nước lớn rồi kìa mày.
– Ừ ừ, đi, câu con đó trưa kho tiêu là ngon bá cháy. – tôi hớn hở vô nhà xách cái cần câu, cái giỏ đựng cá với cây dao đào trùng đất.
Bọn tôi xách đồ ngang bờ đê, bên kia sông, con Mén đứng nép trong bụi chuối, tôi kéo thằng Mộc:
– Mày, con Mén làm cái gì mà đứng trong trong bụi chuối vậy?
– Qua coi thử.
Hai đứa lội qua sông, mới chực tới mé bờ, tôi đã nghe tiếng con Trúc lanh lảnh:
– Tui nói cho chị nghe nghen. Anh Hiển tui ngó lâu rồi đó, chị mà giành với tui là hổng có yên đâu nghen. Ừ, mà chị cũng nhìn lại mình đi, nhà chị vậy sao xứng với anh Hiển, giàu cỡ nhà tui thì mới may ra.
– Tui đâu có ý giành với Trúc đâu, tui với Hiển...
– Tao thương con Mén đó Trúc, tao cấm mày không có được phá con Mén nữa, nghe chưa. – tôi thót lên bờ và hùng hồn tuyên bố, ngắt đứt câu nói của con Mén.
– Anh... anh Hiển. Em có nói gì với chị Mén đâu, tại em gặp chỉ giữa đường tính nói chuyện chơi vậy...
– Nín, tao nghe hết rồi nghen mậy. Biến về nhà mày đi, đừng có lẩn quẩn chỗ này nữa.
Con Trúc tức tưởi quay gót đi, chắc nó sợ lắm, mà hình như nó buồn hơn. Nó là con ông gái út ông tư Phú, nghe tên hai thằng anh nó là biết: Giàu, Sang. Thêm ông cha tên Phú nữa là cực giàu có. Mà tôi cũng không hiểu sao nhà nó không đặt nó là con út Quý cho đủ cả bộ. Nói sao thì nói, nó cũng thương tôi thiệt. Nhưng không đời nào tôi ưng nó, ba má chảnh nhất vùng, hai thằng anh xấu xí mất dạy, còn nó đỏng đảnh thấy mà ghê, ai chịu cho nổi khi vô làm rể cái nhà đó. Mà nghĩ thiệt mắc cười, tôi đã tính tới chuyện làm rể rồi hả, tôi mới lớp sáu hà, năm sau mới lên lớp bảy. Nhưng thôi, chuyện đó để sau, còn cái chuyện khác quan trọng hơn, tôi mới lỡ vọt miệng nói cái gì để đuổi con Trúc, tôi nói tôi thương con Mén. Trời ơi, tai họa, giờ tính sao?
– Mén... Mén ời. Tao... tao. – tôi lấp lửng, bối rối quá rồi làm sao được.
– Tao thương con Mén đó Trúc, cấm mày phá nó nữa, nghe chưa. – thằng Mộc nhại lại câu nói của tôi, tôi quay qua đá nó một cái, nó chạy đi, bỏ thêm câu nói ác ôn – tao cho hai đứa phút giây gần gũi.
Thằng quỷ sống, lát mày coi mày sẽ bị cái gì. Nhưng giờ cái cần thiết là nói chuyện với con Mén. Nói cái gì, nói lúc nãy chỉ là tôi bênh nó, hay nói rằng những cái đó đều có thiệt. Không ổn, một tình thế nguy nan, mặt tôi như trái gấc chín. Con Mén đành phải "giải quyết":
– Ờ... thôi, Mén về... về nghen.
– À... ừ... ờ... mày về đi.
Con Mén cũng bối rối, nó đi nhanh thiệt nhanh, như thể sau lưng tôi sắp cáu xé nó. Tôi cũng đi, tôi ra bờ sông, cái cảm giác sượng sùng chưa hết, gặp thằng quỷ Mộc cười hề hề, tôi muốn lao vô đấm nó mấy cái.
– Thằng quỷ, mày nhớ mày đi nghe chưa, bỏ tao lại vậy đó hả.
– Ơi trời, tao để tụi mày tự nhiên nói chuyện chớ bộ. Mà nghĩ tội con Trúc ghê hen, mày chửi nó vậy chắc nó tủi lắm.
– Ừ, cũng tội. Mà ai kêu nó phá con Mén, dù gì con Mén cũng bằng tuổi hai thằng anh nó.
– Thì nó cũng nhỏ hơn tụi mình có một tuổi. Mà thấy cũng mắc cười hen. Người ta treo áp-phích là "gia đình hay con vợ chồng hạnh phúc" với "mẹ nên sanh đẻ cách nhau ba năm"mà bà tư chơi hai đứa sanh đôi xong làm thêm một đứa ngay năm kế luôn, ghê thiệt.
– Kệ chuyện người ta, thằng vô duyên. Mày nói động, cá nó chạy hết giờ nè.
– Ừ, thì im.
Kể từ lúc đó, hai đứa im thinh thích. Tôi ngồi nghĩ về con Mén, tôi sợ nó bỏ tôi, nó không chơi chung với tôi nữa, chắc buồn chết. Thấy cái xóm này nhiều con nít vậy thôi, chứ chỉ có con Mén với thằng Mộc là tôi chơi chung hà. Mất con Mén chẳng khác nào mất một cái tay, buồn lắm.
Trưa, tôi đi ngang nhà con Mén, kêu nhỏ:
– Mén... Mén ơi.
Con Mén không ra, tôi đợi một lát nữa, tính về, thì thấy có bóng người. Tôi mừng lắm, nhưng cũng mau hụt hẫng khi đó là mẹ đó.
– Hiển đó hả con, kiếm con Mén có gì hông?
– Dạ, con gửi cô năm mấy con cá bóng dừa.
– Ừ, giỏi quá. Xóm này cô chưa thấy thằng con trai nào ngoan hiền giỏi giang như bây hết. Mai mốt hai đứa lớn cô coi gả con Mén cho bây. Cho cô cám ơn nghen.
– Dạ, thưa cô con về. – tôi đỏ mặt
– Ừ, con về.
Mắc cười chưa, tôi rủ con Mén đi chơi khuya mà còn giấu giếm như vậy, mẹ nó không la rầy mà còn tính gả con Mén cho tôi. Mừng ơi cuộc đời. Nhưng mà con Mén có chịu không, hổng chừng nó giận tôi luôn rồi.
* * *
Mấy hôm rồi tôi chưa gặp con Mén, qua nhà kiếm thì mẹ nó nói nó không muốn gặp tôi, tối qua nhà nó đập đập vô tấm vách thì nó kêu tôi về. Vậy là chỉ còn có thằng Mộc chơi chung, mà mấy hôm rày mẹ nó nhốt nó luôn ở nhà. Hổng biết anh đi phá vườn nhà ai mà bị người ta mắng vốn, mẹ ảnh đánh mấy cây rồi 'kín cổng cao tường'.
Đời sẽ trở nên buồn hơn nếu hôm nay má tôi không đi chợ huyện. Tôi năn nỉ:
– Má, cho con đi chung đi.
– Thôi, mày ở nhà giữa nhà, ra ngoài đó làm cái gì.
– Đi má, ở nhà chán lắm.
– Không là không, nghe chưa.
– Vậy hổng ấy má mua cho con cây kẹp tóc đi.
– Mày con trai, mua cái đó làm gì.
– Dạ... dạ tại con Mén nó mất cái kẹp tóc, nó khóc quá trời nên con tính cho nó.
– Mấy hổm rày mày đâu có gặp nó, sao biết nó mất cây kẹp.
– Dạ... thì hồi trước trước. Thôi, má mua cho con đi
– Ừ, để tao coi rồi mua cho. Con trai chưa lớn, bày đặt...
Qua được ải của má cũng dễ, nhưng qua được ải con Mén thì hơi khó. Tối bữa đó tôi xách cây kẹp chạy qua nhà nó:
– Mén ơi, bộ mày giận tao hả. Cho tao xin lỗi nghen.
Rồi tôi khoét vách lá, bỏ cây kẹp vô trong cho nó.
– Tao tặng mày đó.
Bên trong im lặng, tôi nghe tiếng dép, và con Mén bước ra, nó ra hiệu cho tôi đi ra xa cái nhà, coi chừng ba má nó biết.
– Mén hổng có giận Hiển đâu, tại... tại...
– Tại sao?
– Tại Mén lớn rồi chứ bộ... đâu có đi chung với Hiển hoài được. Con gái lớn rồi hổng có được...
– Ừ, tao biết rồi. Vậy là mày hổng có chơi chung với tao nữa phải hông?
– Hông phải đâu, tại Mén lớn rồi mà, Hiển hổng có hiểu đâu.
– Ừ, hay là tại người ta ưng anh Giàu.
– Hiển nói vậy đó hả, giận Hiển luôn.
– Thôi đừng có giận, tao nói nghe cái này nè.
– Nói gì nói đi.
– Ờ... tao... tao... thương mày thiệt á.
– Hả... ừ. Mà Hiển nói sao.
Nó phá tôi đó hả trời, hay là nó rối qua nghe hông kĩ. Thôi kệ, tôi cứ nói lại, cũng không có mất mát cái gì hết:
– Tao thương mày thiệt á.
– Hiển thương Mén hả?
– Ừ... thiệt đó, mày có thương tao hông?
– Ừ... hình như có.
– Hình như thôi hả?
– Ừ... có. Được chưa.
Rồi tự nhiên tôi thấy mắc cỡ quá, không biết con Mén nó có vậy hông nữa. Cơn giông nổi lên bất ngờ, mấy tàu dừa vùng vẫy dữ tợn, bụi bay như thế nào tôi không thấy, nhưng chỉ biết nó phủ vô mắt tôi cay xè. Mấy hôm rày trời nắng gắt, chắc đường khô nên nhiều bụi.
– Chết, giông tới. Hiển về đi, coi chừng lát có mưa đó.
– Ừ, tao về nghen. Sáng nhớ kẹp cho tao coi nghen.
– Ừ, Mén nhớ rồi, Hiển về.
Tôi chạy gấp gáp về nhà và nhảy tót lên giường ngủ. Nhưng cơn giông không cho phép tôi ngủ, nó thổi căn nhà lắc lư. Và hình như có bão. Ba má tôi hoảng loạn, che chắn lại mái nhà, nhà lá dễ sập sau một trận bão. Và cơn giông bắt đầu dứt, và mưa, và mái nhà dột, và tôi thức tới sáng.
Sáng, trời vẫn còn mưa. Không chỉ mưa mà lũ cũng dâng lên, lũ dâng cao, nhà tôi nằm sâu trong vườn mà lũ cũng vô tới. Chứng tỏ nước đã vượt qua cả con đê cao. Và tôi lo. Nhà con Mén năm gần mé sông, lũ, có ổn không.
Tôi chạy ra khỏi nhà, ba má tôi kêu í ới ở phía sau. Nhưng không, tôi phải chạy, phải chứng minh rằng con Mén vẫn ổn. Và tôi trượt chân xuống dưới đê, bấu tay vô gốc dừa, gốc dừa ấy cũng đang lắc lư, sắp trượt khỏi đất. Mình tôi chìm trong nước, ráng lắm thì cũng chỉ ngoi được cái đầu lên.
Và thật hên khi ba tôi tới và kéo tôi lên, mặt lo lắng nhưng miệng thì lại rầy. Không sao, nếu ba tôi không tới thì chắc tôi cũng chết theo mấy đứa ma da dưới sông. Ba tôi "xách" tôi về. Tôi run, và vẫn còn lo cho con Mén lắm, tôi chỉ ở phía trên đê mà đã vậy, nhà nó nằm ngay bờ sông. Chắc không ổn.
* * *
Tôi trồng đám rau đắng đất ở đây và ngồi ngước lên nhìn bầu trời, màu xanh, vài đám mây trắng, đẹp thiệt! Và tôi dọn mấy chân cỏ mọc trên mả con Mén. Nó chết rồi, lúc tôi chạy đi kiếm nó là đã trễ, nó bị lũ cuốn từ cái đêm giông tới, nhà nó sập, và cơn lũ cuốn đi tất cả, trừ ba má nó, khi hai người cuống cuồng đi kiếm nó lúc tưởng là nó đã chạy được ra khỏi nhà. Và người ta vớt được nó ở ngoài đầu sông, trên tay cầm chắc cây kẹp tôi đưa. Tôi dọn sạch cỏ, mới mấy ngày mà cỏ cũng mọc nhiều dữ. Và quay sang phía cái mả bên kia, cũng dọn mấy cây cỏ, dọn cho thằng Mộc có chỗ ở cho sạch sẽ, nó cũng chết. Nhà nó không bị lũ cuốn, nhưng nhà sập, và nó bị ngạt chết. Cũng thiệt hay, người ta chôn hai đứa gần nhau, tại chỗ này, tiện cho tôi dọn cỏ.
Và bên kia, con Trúc cũng ngồi khóc, mẹ nó mất, không phải vì nhà sập hay bị lũ cuốn. Mà vì mẹ nó đi chơi về khuya, gió thổi mạnh, chiếc xe đạp kéo mẹ nó xuống ao. Và tới mấy ngày sau, khi cơn lũ đã rút, người ta mới thấy xác mẹ nó. Từ ngày đó, nó cũng không đỏng đảnh nữa, có thể như vậy sẽ tốt cho nó hơn.
Mây kéo những đám lờ mờ trên trời kia, gió cũng đìu hiu thổi qua cái nghĩa địa người ta mới lập sau trận lũ. Lặng lẽ, tôi xách cây dao về. Đời thiệt mắc cười, phải chi hồi xưa tôi nói thương con Mén sớm chút, thì chắc cũng đỡ tiếc hơn, có lần nào thấy nó kẹp cây kẹp kia lên đầu đâu, và cũng chưa thấy được mặt nó vui sao lúc tôi nói thương nó. Phải hông, Mộc.
ST

Rau đắng - Hương quê ngọt ngào

Nhiều người dân miền Tây khi nghe âm điệu dân ca từ bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của Nhạc sĩ Bắc Sơn chắc hẳn không thể quên cánh đồng khô gốc rạ trong mùa nắng hạn. Còn rau đắng đất, mộc mạc như cô gái quê thẹn thùng, khép nép, chỉ “mọc sau hè” hay bên những bờ mương, liếp vườn và dưới chân những gốc rạ khi lúa mùa một vụ mới vừa gặt xong. Những hạt rau đắng đất đã ngủ quên từ mùa nước để chờ khi chân ruộng chớm khô là chợt bừng tỉnh giấc, nẩy mầm vươn lên từ lòng đất.
Ngày trước, dân quê mình còn nghèo, nhà ở xa chợ, kiếm một cọng rau đã khó, nói chi đến chuyện ăn ngon, ăn sướng. Có lẽ vì vậy mà loài rau đắng ngắt này được chọn làm rau cho những bữa cơm quê! Dần dà, cái vị đắng ấy trở nên ngọt ngào thấm vào miền ký ức của biết bao người khi xa quê đều mang theo một nỗi nhớ da diết từ lời ru của bà, của mẹ:
“À ơi… Canh rau đắng, cá rô đồng
Nồi cơm mẹ nấu thơm nồng ban trưa…”
Từ lâu, rau đắng nấu canh với cá rô đồng là món ăn quen thuộc của mỗi người dân quê. Nấu canh rau đắng cũng không cầu kỳ gì, chỉ cần bắc nồi nước thật sôi, cá rô làm sạch bỏ vào nấu chín. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi cho rau đắng vào và nhắc xuống khỏi bếp ngay. Vì nếu để sôi già quá, rau sẽ dai, đắng nghét, mất ngon. Đơn giản thế thôi trong bữa cơm quê bên chái bếp luôn ấm nồng để mà thương, mà nhớ!
Có một điều khá đặc biệt là khi kết hợp với món cháo cá lóc, vị đắng của rau giảm đi rất nhiều và còn có hậu ngọt rất đặc trưng. Muốn nấu một nồi cháo cá lóc ăn với rau đắng đất đúng cách cũng khá kỳ công. Cá lóc đồng phải chọn loại  từ 1 kg trở lên. Cá được làm sạch, phần đầu, lòng và xương để riêng. Phần thân cá thì lạng lấy thịt phi lê rồi thái từng miếng mỏng xấp ra dĩa. Hành lá và tiêu xay nhuyễn rắt lên mặt. Khi nồi cháo bắt đầu nhừ thì cho đầu, lòng và xương cá vào cho ngọt nước, nêm nếm gia vị là dùng được.
Các bước chuẩn bị đều hoàn tất. Khi ăn, chỉ cần để lớp rau đắng xuống đáy tô trước, rồi trải lớp cá lóc thái lên trên, múc từng vá cháo đang sùng sục trong nồi cho vào. Rau đắng đất gặp cháo nóng chỉ còn vị ngòn ngọt, đăng đắng đậm đà khó tả. Những miếng cá lóc thái mỏng vừa chín tới giữ nguyên vị ngọt. Cháo nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vị tiêu cay cay hòa với hơi nóng và vị ngọt của cháo, của cá, của rau, cứ tê tê trên đầu lưỡi tạo nên những tiếng hít hà sảng khoái…
Phải chăng vì trong các thứ ẩm thực, các món ăn có vị đắng thường là kén chọn người thưởng thức, phải những ai quen thuộc, thấu hiểu chúng thì mới cảm thụ được cái ngọt ngào tưởng không thể nào chạm tới được ẩn đằng sau vị đắng kia. Nhưng suy cho cùng, nghiệm ra từ ẩm thực đã  có một nhà văn từng nói: "Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi".
Còn đối với rau đắng thường thì những đứa trẻ, khi nghe nhắc đến nồi canh rau đắng là cứ lắc đầu nguầy nguậy, không thèm ăn, vì… đắng quá! Để rồi thời gian qua đi, mỗi con người trên miền quê này lớn lên, quen dần với vị đắng của rau, rồi từ từ cảm nhận được cái vị ngọt của nó!
Ai buộc đời mình vì một cọng rau
Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng 
Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng 
Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình 
Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh...
Nhà thơ Nguyệt Lãng từng có những nỗi nhớ quê, nhớ loài rau đồng nội khó quên trong tâm thức của mình mới có những lời thơ da diết ấy!
Nhạc sỹ Bắc Sơn hay những người từng sống trên mảnh đất miền Tây thân thương này đã từng biết, từng nhớ và sẽ còn nhớ mãi rau đắng – hương quê ngọt ngào!
 … Xin nắng hạ thôi buồn 
để mình ngồi nhớ lũy tre xanh 
dạo quanh, khung trời kỷ niệm 
chợt thèm rau đắng nấu canh

 (Theo Ký ức miền Tây)


Thương rau đắng xa hè!
Cái lưỡi “không xương” nó có lý lẽ riêng của nó, đố ai cưỡng ép được. Tự dưng người viết cùng một số chiến hữu lại mê rau đắng…phong trần. Đành xin lỗi vong linh cố nhạc sĩ Bắc Sơn vậy!
Tuy vậy, chúng tôi gật đầu cái rụp với bác Sơn về thời điểm và không gian ăn rau đắng ngon: “Nắng hạ đi mây trôi lang thang…”
Thi thánh Tản Đà từng luận rằng, bữa ăn ngon phải hội đủ bốn điều kiện: thời gian, món ngon, bạn hiền, địa điểm! Do vậy, muốn hưởng trọn cái ngon thuần phác của loại rau không trồng mà mọc này, dân sành ăn Sài Gòn phải lặn lội về thôn quê: hoặc vựa lúa Tây Nam Bộ hoặc khúc ruột miền Trung.
“Cung nữ” chân phèn
NgoaiRuong1.jpg
Rau đắng sau hè
Đa số dân Nam đều mê rau đắng đất. Loại rau này rất lạ. Nó thích mọc ở đâu thì mọc. Thường ở dưới những gốc rạ “bẻ cò”, mép bờ ruộng, kẹt lu, hông nhà tắm… Nếu bạn bứng nó đi trồng chỗ khác là nó xụ lá, chết tươi. Thế nên nhà văn Nguyễn Trọng Tín ví von: “Rau đắng đất là bồ chứ không phải vợ!”. “Bộ vó” nó ẻo lả. Và diệp sắc tố trong lá rau cũng đặc biệt: nắng dịu thì có màu trắng xanh, nắng gắt thì lấp lánh ánh phớt tím.
Cái ngon thanh tân của rau đắng đất đầu mùa, khó tả hết bằng lời. Khoảng đầu tháng 10 âl, gió bấc rao ngọn, lũ cá đồng lũ lượt “rọt” (rút về) đìa, rạch. Cũng là lúc loại rau “cung nữ”…chân phèn này đương tuổi dậy thì, trên những mép bờ ruộng âm ẩm. Dân quê nhổ nó về ăn với cháo cá, ngon “số dzách”! Nhiều Việt kiều sang Mỹ định cư vài chục năm. Họ vẫn đau đáu nồi cháo cá lóc nái bốc khói, mớ rau đắng non mơn mởn trong những chiều se lạnh - tàn đông, chớm xuân.
Ăn rau này phải đúng bài: bỏ một nhúm cả cọng lẫn rễ vào chén, rồi chan cháo nóng vào. Tức thì, chén cháo sẽ tỏa mùi thơm thoang thoảng. Mới ăn vào, vị rau đắng như khổ qua. Qua khỏi vòm họng, nó lại trở nên ngọt thanh mới lạ.
tochau.jpg
Dẻ miếng cá lóc ngọt – béo, đang nằm “phè phỡn” trên dĩa nước mắm nhĩ dầm ớt hiểm. Húp thêm muỗng cháo nóng ngọt lịm, cho mồ hôi rịn ra: lấm tấm trên trán, lăn tăn dọc sống lưng… Chợt thấy mùa đông phương Nam ấm lạ!
Đồng thời, tô canh rau đắng đất cá rô, sặc, lóc, trê đồng còn có thể “thách thức” cả cái nắng “bể đầu” tháng giêng, tháng hai. Mẹo nấu canh này là đầu bếp bỏ rau vào cùng lúc với rắc tiêu, sau khi nhắc nồi xuống và giở nắp. Nếu không nồi canh sẽ đắng như kí ninh. Do đặc tính giải nhiệt và giải cảm cao, một số thành viên trong câu lạc bộ “Một lít…đế” ở thị xã Bạc Liêu đã “sắc” phong loại rau này là “lính cứu hỏa”.
Cá biệt, tại Giồng Nhãn, Bạc Liêu, rau này mọc quanh năm. Do vậy, chợ rau tỉnh Bạc Liêu sáng nào cũng có bán thứ “thuốc” quí trời cho vừa kể. Cũng có quán Tạ Hiền, trên đường vào chùa Vĩnh Tràng, ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang thường bán các món cháo, canh rau đắng đất.
Đắng tảo tần
Ngược ra các triền sông Thu Bồn. Những mầm rau đắng biển trắng tươi thường đẩy cát nhú lên, khoảng đầu tháng giêng. Đêm chúng hứng gió lộng + nhấm nháp sương và ngày “trân mình” đội cái nắng đổ lửa miền Trung. Được biết, ăn rau đắng biển hoang sành điệu là đem phơi héo, đốt cháy thành tro. Mỗi khi làm bánh, bún, nấu chè, xôi… đầu bếp sẽ nấu ít nước sôi, để nguội, pha vào ít tro rau đắng, lóng lấy nước cho vào thức ăn. Đây là một trong những bí quyết làm sợi bún cao lầu Hội An xưa thơm, bùi, dẻo hơn.
goi.jpg
Gỏi rau đắng
Cũng chính thứ nước tro vừa kể sẽ giúp cho dĩa rau đắng biển luộc, xào hoặc trộn gỏi thăng hoa thêm hương vị. Thức chấm hợp “tong” với các món ngon dân dã này là mắm cái cá cơm than, trộn tỏi Lý Sơn và ớt xanh Quảng Nam – đâm hoặc giầm nhuyễn. “Kẹt” hơn, thì họ dùng mắm nêm.
Đặc biệt, đến nay, rau đắng biển của làng rau Trà Quế, Quảng Nam đã quyến rũ gần triệu lượt khách Tây và nhiều người sành ăn khắp nước. Cọng và lá rau đều nhỏ nhưng thơm dìu dịu, rất giòn, ngọt và đăng đắng. Rau này chỉ “ăn” cát cằn trộn với tảo biển hoai mục, còn xa lạ với phân hóa học và thuốc trừ sâu. Tại TP.HCM, cũng có quán Hội An chuyên bán các món miền Trung thường có loại rau này, gần bên hông siêu thị Maximark Cộng Hòa, Tân Bình.
Quay về Sài Thành, dân sành ăn bún mắm hoặc lẩu mắm thừa nhận: cứ vắng hay ít rau đắng biển trong binh chủng rau dại (bông súng, cù nèo…) ăn kèm thì mất đi bốn phần ngon. Mặc dù loại rau đắng này được trồng chuyên nghiệp từ các vùng phụ cận. Tuy thân và lá nó to, nhưng vị lạt, không giòn. Song chính vị nhân nhẫn và ngọt lạt của cộng rau “lai” này đã góp phần làm át đi vị mặn và mùi tanh tiềm ẩn của nước mắm. Đồng thời, gặp một số bà nội trợ khéo tay, họ có thể nâng cấp loại rau “chụp chạ” này. Cụ thể lúc xào, hoặc nấu canh họ giã vào ít tép hoặc tôm tươi đâm “ba sồn bốn sựt”, để nước lẫn cái đều ngọt đậm.
Thuốc quí
Về y thực, nước tro rau đắng có thể hỗ trợ tiêu hóa thực khách trong những món ăn chứa nhiều tinh bột. Lúc no họ cũng không có cảm giác nặng bụng, ợ chua. Và theo dược sĩ Bùi Kim Tùng, rau đắng có thể làm “thông huyết, hoạt huyết và chống huyết ứ”- trợ tim. Do vậy, người bị tiểu đường nên ăn thường rau đắng thay vì uống thuốc bổ trợ. Khoa học hiện đại còn công nhận rau đắng giúp nhuận trường, do làm tăng tiết mật và chứa nhiều chất xơ.
Mặt khác, cái “hồn” của rau đắng luôn hòa quyện trong ẩm thực khẩn hoang Nam bộ. Ở đó luôn có các vị cay (ớt hiểm, rượu) và mặn (mắm, muối) hỗ trợ. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên cái ngon chân phương và đặc trưng, khiến bao dân sành ăn phải mê mẩn!
Và đó cũng là những lý do, chúng tôi ngoảnh mặt với rau đắng sau hè. Bởi nay nó đã nhuốm màu công nghiệp - trồng sao cho non “lặt lìa”, lợi ký. Ở ngoại thành, đôi khi nó còn dư lượng …amoniac, tại những người sợ ma lại có tật thường tiểu đêm!
Trầm Nguyên - Lê Văn Tới

Còn thương rau đắng mọc sau hè !

Bảy trở về  , hơn hai lăm năm rồi Bảy lại mới có dịp về  Việt Nam . Mảnh đất quê hương với bao nhiêu ký ức thời trai trẻ của ông ... và hơn cả nơi đó ông còn có chị .
Ký ức tuổi thơ của ông là những tháng năm chị vất vả tảo tần trong những bến xe bán thuốc dạo , trong những chuyến tàu bắc nam chở  hàng hóa ngược miền  để lo cho em được ba bữa cơm  canh khi cha mẹ đã lần lượt ra đi quá sớm .Vì những tháng ngày không mẹ cha giữa cuộc đời mưu sinh vất vả nên hình ảnh chị chẳng khác gì một người mẹ của ông . Ông thương chị , phải nói là ... chỉ kém chị thương ông một chút xíu  mà thôi .
Rồi những tháng năm ấy cũng trôi nhanh, chị lấy chồng _ người đàn ông thứ sáu của một gia đình trưởng giả nên từ đó người ta quen gọi chị là chị Sáu . Ông cũng  kết tóc se duyên với  một người  con gái thứ bảy của một  điền chủ miền tây .Cuộc đời cứ thế mà trôi đi , chị sinh liền tù tì   chục đứa con ,đứa nào cũng nổi bật không về tài trí thì cũng về nhan sắc .Mỗi ông , kém may mắn về đường con cái nên nhận về một cậu bé kháu khỉnh trong họ làm con nuôi .
Miền nam giải phóng ,dòng người đổ về Sài  Gòn hòa vào thay đổi của buổi giao thời . Bảy cùng vợ ôm đứa con trai  trên chuyến xe năm ấy rời khỏi Việt Nam  (Vì lý do gì thì cho đến bây giờ người viết có hỏi , ông cũng cười trừ không đáp trả ). Xa quê hương , xa chị ...những năm tha phương trên đất Mỹ chưa  một ngày nào  lòng ông không hướng  về nơi ấy , chỉ là .... mãi đến những năm gần đây kinh tế mới cho phép ông được trở về .
Hùng đón Bảy ở cổng nhà , cậu cháu nhìn nhau ... mừng mừng tủi tủi . Chị nhìn Bảy , mắt chị  không còn long lanh như cái buổi  chị  tiễn vợ chồng Bảy ra đi ,chỉ thấy lớp sương mờ trắng đục , đuôi mắt hằn sâu những vết chân chim .Bữa cơm chiều   với món thịt kho tàu ,  dưa cải , tô canh rau đắng nấu tôm khô bên chị và đàn con của chị làm Bảy như lại được sống thêm một lần tuổi trẻ ấy ...có già đâu , Bảy mới 70 , chị được tám hai mùa lá đổ còn Hùng _ con trai cả của chị năm sau mới được sáu mươi thôi .
" Nắng hạ đi mây trôi lang thang cho hạ buồn
coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng
Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau
Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa"

Hạ Vy lúng liếng cười khi vừa lập được công to với Bảy . Nó mở  đúng phốc bài hát mà Bảy thách đố cả nhà rằng ai đoán được bài hát mà ông thích nhất sẽ được thưởng ngay cái Iphone mới tinh ông cầm về .
-Gì chứ chuyện này dễ ợt ,  chịu để ý chút xíu là biết ngay thôi .- Nó được nước lên giọng dạy dỗ đàn em  đang trố mắt ghanh tỵ  vì phần quà giá trị của ông .Niềm vui lan tỏa  trong ánh mắt rạng rỡ và nụ cười giòn tan của nó làm không khí gia đình thêm phần hạnh phúc .Vậy mà chỉ 5s sau , sắc mặt của nó tối sầm lại . Nó đứng phắt dậy không thèm cầm chiếc điện thoại _phấn thưởng mà nó giành được_ bước thình thịch lên phòng đóng cửa cái rầm trong sự ngỡ ngàng của Bảy .
-Bước xuống đây , nhà này không có đứa mất dạy như vậy . -Hùng lớn tiếng .
Con bé bước xuống , khuôn mặt bất cần , đôi mắt nhìn thẳng vào Hùng đầy thách thức .
-Mày làm cái thái độ gì vậy ?
-Thái độ cần phải có cho những gì quá sức chịu đựng ba à .
Bốp , cái tát như trời giáng in trên mặt Hạ Vy. Nó mĩm cười quay lưng bước về phía cầu thang . Đâu đó trong tiếng gió Bảy nghe tiếng nấc nhẹ .Ngoài sân , Vũ đã về .
Vũ là cháu ngoại của chị . Là con trai của Hà , chị Hùng .
Năm 1987 , Hà hôn nhẹ lên má  ba đứa con  thân yêu của mình rồi mất tích . Có người nói Hà đã vượt biên , có người nói Hà đã chết  cùng món nợ mà cô đứng tên trên pháp luật để  gia đình không đi vào con đường phá sản . Hình ảnh Hà như một bản sau của chị , xinh đẹp  , giỏi giang và bạc mệnh .
Có người bảo lý do mà cô ra đi chưa hẳn vì tiền . Người ta đồ rằng chồng Hà có vợ bé . Những bế tắc  của cuộc sống nối tiếp nhau khiến cô chọn cho mình một sự thoát ly . Chẳng ai biết được lý do thật sự ngoài Hà , chỉ biết sau đó một năm , Oanh chồng cô trở  lại đòi chia của .Cả gia đình  lớn nhỏ  gom góp được  mười cây vàng đưa cho Oanh  chấm dứt mối quan hệ tài chính  lẫn tình cảm từ đó .
Ba đứa trẻ bơ vơ  cứ thế mà lớn lên , không cha , không mẹ  tình thương của  ông bà ngoại , các dì các cậu quá lớn nhưng cũng không đủ để tất cả nên người .Cô chị cả xinh đẹp giỏi giang nhanh chóng thành gia lập thất và chỉ mong muốn thoát ly thật nhanh khỏi bể khổ của Gia Đình Lớn .Ông anh tiếp theo nay nghề này , mai nghề khác vợ con  ly dị được đôi ba bận gì đấy_ có lẽ giống cha .  Mười bảy tuổi Vũ được  phường cưỡng chế đi phục hồi nhân phẩm vì tham gia buôn bán ma túy . Bảy năm sau trở về ,gia đình cưới cho anh một cô vợ xinh xắn cùng một số vốn làm ăn. Được hai năm anh lại được trở về trại giam vì tội cũ .Mười một năm sau ,  anh lại trở về . Lần này một cô gái xinh đẹp ở sóc trăngđược dẫn về cùng anh mang theo một cái bầu  gần hai tháng .Lấy mo che mặt lại cũng đành khăn gói xuống nhà gái thưa chuyện xin  cưới lần hai về cho Vũ. Nhưng chẳng ai hiểu nỗi Vũ , có một góc khuất trong anh mà có lẽ chỉ bản thân anh mới hiểu .Anh lại trở về với con đường ma túy . Tiền  mà gia đình lo cho anh , anh cho là vài trăm triệu không đủ , ngôi nhà này của cha anh , nó thuộc về anh .
Cứ thế mỗi ngày khi anh tỉnh dậy , trên bàn lại có 200k để mua ma túy . Chiều anh về  lại một người khác phải đưa 200k cho anh . Hôm nào chợ vắng khách , nhà không làm được tiền , hôm ấy tủ của Hạ Vy lại bị cạy hoặc heo đất của Thủy Lam mất tích . Đỉnh điểm là  lần thứ ba Vũ mang xe của Hạ Vy đi cầm .Đó chính là lý do Hạ Vy đã phản ứng như thế khi trong cuộc huyên náo  cô nhìn thấy vũ  về đến  nhà , hai tay cho  vào túi quần rít thuốc , vẻ mặt vô tội dửng dưng .
Những lần mất của trước , Hạ Vy im lặng chấp nhận . Những lần  bị cầm xe trước , Hạ Vy nhắn tin bảo Vũ đưa hóa đơn  cô đi chuộc xe về _ vì đó là kỷ niệm mà Hùng _ ba cô đã tặng cô ngày cô thi đậu đại học .Nhưng có lẽ người ta nói đúng , tức nước vỡ bờ , vì ân nghĩa mà cô Hà đã hy sinh cho gia đình không có nghĩa là cô phải chịu đựng những  gì Vũ gây ra .Nhưng cô vỡ bờ thì được gì ? cái bóng của Cô Hà quá lớn so với lỗi lầm của Vũ trong suy nghĩ của gia đình .
Tiệc tàn , các con của chị ai lại trở về nhà nấy . Chị Sáu lại đưa cho Bảy cái khăn tắm kèm theo lời dặn : Ngủ nhớ khóa cửa , tiền bạc nhớ cất kỹ  rồi lặng lẽ trở về phòng mình . Có một nỗi buồn giăng giăng đâu đó .
Tuy nhiên nỗi buồn ấy cũng trôi qua nhanh bởi sự trở về của Bảy làm gia đình chị vui lắm , nhất là chị _ mà đối với các con chị chỉ cần mẹ mình vui thì hạnh phúc giản đơn vô cùng .
-Ông à  , ông kể về ngày xưa của ông và Bà Nội đi , để hôm nào con viết truyện . _ Hạ Vy đề nghị .
-Con biết viết truyện ?
-hihi , cũng biết đôi chút .
-Ngồi xuống đây , để ông kể cho con nghe ....
Đôi mắt suy tư của Hạ Vy dừng lại trện di ảnh của Hà , cô ruột nó .Rồi nó nhìn Bảy  nói khẽ :
-Cô Hà của con giống bà nội , còn  ba con ... ba con giống  ông cậu . Nói xong nó  hát  vu vơ :
"Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa"

Một tháng trôi qua ,  ngày chia tay cũng đến . Phải trở về với vùng đất xa xôi . Tạm biệt những người thương yêu , tạm biệt quê hương, tạm biệt chị  mà không biết có còn lần gặp lại .Người em mái tóc bạc phơ nắm chặt bàn tay chị sợ cái phút chia xa . Hùng ôm lấy Bảy , người cậu _ người anh em thưở thiếu thời của anh không nói được lời nào .
-Cái tượng phật , nó cho người đến chỡ đi rồi .Giọng Hạ Vy lạnh lùng .
-Cái gì ? Hùng hoảng hốt lên tiếng .
-Ba nghe không rõ hay giả vờ nghe không rõ .
-Đụ má , chó chứ không phải người mà .
-Nghe nói , tượng phật thờ trong nhà , bán đi chỉ có tán gia bại sản .Hạ Vy vẫn lạnh lùng nói rõ mồn một .
Đôi mắt chị mờ dần , màn sương trắng giăng giăng giữa trưa hè gần 30 độ . Khuôn mặt đỏ bừng , lên tăng xông.
-Mày im đi . Hùng lớn tiếng quát con .
-Còn bên đây chưa ăn tát này . Giọng con bé vẫn tròn và chua cay  vô độ .
-Mày ... Bốp ! Bốp !
-Con cám ơn ba .-  Hạ Vy cười nhẹ , nó ôm lấy Bảy :
-Ông đi mạnh khỏe  ông nhé , nhớ giữ sức còn về thăm nội , thăm ba con và tụi con nữa . Con xin lỗi không tiễn ông được . Nói rồi nó hôn nhẹ lên má Bảy dắt xe ra khỏi nhà rồ ga vụt mất .
-Con tính sau hả Hùng ?
-Cái tượng đó , của mẹ nó để lại . Nó bán hết tất cả đồ đạt trong gia đình ... bây giờ nó bán luôn cả giá trị tâm linh duy nhất .
-Cậu nghĩ con nên nhờ Công An can thiệp.Dung dưỡng mãi không phải là cách đâu .
-Nó là con trai của Chị Hà cậu à .
-Nhưng không lẽ cứ như vậy hoài , các con của con sẽ hận con đấy.
Mắt chị Sáu vẫn vô hồn nhìn về khoảng trống chỗ tượng phật thường ngày vẫn đứng đấy . Bảy ôm hôn chị chào tạm  biệt .
Chuyến bay rời Việt Nam lúc 11h30 . Sài Gòn nhìn từ cao như một viên pha lê lấp lánh sắc màu . Bảy đã  bắt đầu thậy nhớ chị . Ông nhắm mắt lại  đâu đó có tiếng Hùng  nhẹ trong tiếng gió :
-Biết làm sao , còn thương rau đắng mọc sau hè mà cậu .

UyênUyên , 10/3/2013 .