Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Ngã ba sông

  Ngã Ba Nhà Thờ Hòa Ninh

Tạ Ơn

Đêm nay sóng vỗ
Đêm nay sóng lại vỗ bờ,
Mênh mông biển động mây mờ phủ che...

Chị về bến nước thân quen,
Sống cho trọn vẹn nghĩa tình năm xưa.
Cho dù sông cũ gió mưa,
Người đi đi mãi vẫn chưa thấy về...
Xin ai quên hết nguyện thề,
Cầu cho mưa gió não nề qua mau
Chị rồi quên hết thương đau,
Chị rồi hạnh phúc mai sau vững bền
NM

 Nơi ngã ba sông
Chỗ bến sông lõm vào một khoảnh hình mũi tàu. Người sống lâu năm bên bờ sông nói rằng hình dạng ấy của đất không phải vì sóng đánh gây lở, mà vì chuyến tàu cũ mỗi bận đi về đều ghé lại đón khách, mũi tàu xiên vào bờ đất thành hình tam giác mất một cạnh. Mưa gió khiến nó rộng ra, cỏ mọc xanh rờn.
Những đêm trăng sáng, người trong làng đi soi nhái, câu cá ngang qua bến thường trông thấy bóng người đàn bà ngồi bên bờ sông. Trăng rọi xuống mặt sông thành tấm gương phẳng phiu, sáng ngần. Người đàn bà có đôi mắt buồn, lúc nào cũng ngấn lệ. Người biết chuyện lắc đầu buồn bã, mái dầm khỏa nước bơi đi.
***
Ngày còn nhỏ, những bữa được nghỉ học, tôi thường cùng ngoại đi đò qua chợ xóm chài bên kia sông. Đưa đò là một chị gái hiền lành, xinh đẹp, mái tóc dài lúc nào cũng tết thành hai bím xõa hai vai. Đò ngang nào chị cũng chọc tôi, nói tôi lớn rồi mà còn níu áo ngoại đi chợ, nhưng tôi không bực tức bởi điều ấy, mà vẫn thấy chị dịu dàng ngọt ngào như tên của chị - chị Đào.
Nhà chị Đào ở bên bờ sông cạnh bến đò, thuở ấy bến sông chưa khuyết như bây giờ. Những hôm tôi với ngoại ra bến đò khi chưa có ai lui tới, chị Đào nói để chị đưa hai bà cháu qua sông luôn cho kịp. Ngoại tôi lắc đầu, tôi với ngoại ngồi dưới bóng mát trước căn nhà nhỏ của chị, đợi thêm vài khách nữa cho trọn vẹn một chuyến qua sông. Chị Đào rót chung nước trà mời ngoại tôi, đưa cho tôi mấy trái cây chị hái sau vườn nhà. Ngoại tôi hỏi về gia đình chị. Chị nói ba chị bỏ đi theo người đàn bà khác hồi chị còn nhỏ xíu. Năm chị mười tuổi thì mẹ mất, chị phải sống nhờ chú ruột, nhưng vợ chú luôn tìm cách hắt hủi. Mấy năm sau, chị buộc phải rời nhà chú, lang bạt rồi dừng chân ở bến sông này. Người làng thương mà dang rộng vòng tay đón chị, dựng cho chị căn nhà nhỏ trên bờ sông, chị vừa đưa đò vừa bán hàng nước sống đắp đổi qua ngày.
Trưa buồn buồn tôi hay xin ngoại ra bến đò. Đò vắng khách, dưới bóng cây ngả nghiêng xuống mặt sông, tôi với chị Đào ngồi trên chiếc đò nhỏ chòng chành mặt nước. Tay vờn nước, sóng vỗ vào bờ, chị hát cho tôi nghe. Kỷ niệm tuổi thơ tôi gắn liền với bến sông này, với hình bóng chị Đào hiền lành, xinh đẹp…
***
Tôi qua sông về làng. Đưa đò không phải là chị Đào dịu dàng trong tiềm thức của tôi. Ngót nghét đã mười năm qua nhanh như một cái chớp mắt. Tôi lớn lên, trưởng thành và mạnh mẽ trụ chân nơi phố thị ồn ào. Mà quê hương vẫn bình yên, sông vẫn chảy và từ làng vẫn tỏa khói đốt đống un trong mỗi buổi hoàng hôn chập choạng. Tôi bước lên đò, bóng chị lái đò mù mù trong khói sóng ban chiều bảng lảng. Tôi bùi ngùi nhìn về mỏm đất khuyết hình mũi tàu in dấu thời gian.
Đường về nhà ngoại không xa. Đi một đoạn trên con đường đất, nhà ngoại liêu xiêu dưới bóng sầu đâu. Cây sầu đâu gắn liền với bài hát hồi xưa tôi thích lắm, đêm nào tôi cũng hát cho ngoại nghe, nói mai này đi đâu tôi cũng đưa ngoại theo. Mẹ tôi mất sớm, ngoại gồng mình làm lụng nuôi tôi ăn học nên người. Năm tháng đi qua, tôi quên lời hứa năm nào, một thân một mình lên phố ăn học, để ngoại lại làng khi tuổi già xế bóng. Nhớ tôi thì ngoại khăn gói lên thăm, mang cho tôi ít quà quê, kể tôi nghe chuyện “Bà con xứ mình…”, ngủ với tôi mấy đêm rồi đón xe đò về quê. Tôi vẫn nhớ ngày tôi đi, chị Đào đứng trên xuồng cầm nón lá vẫy vẫy về phía tôi, nói chừng nào tôi về chị Đào lại bơi xuồng đưa tôi đi hái sen về chưng trên bàn thờ ông ngoại.
Đêm đầu tiên ở nhà sau những đêm và ngày dài xa cách, tôi hỏi ngoại đủ chuyện mà nhiều nhất là về chị Đào. Căn nhà lá - hàng nước năm nào của chị - đã bị dỡ ra, nền nhà cỏ mọc um tùm, xanh mướt, chiều mù sương giăng mắc trên vòm cây phía bến sông. Ngoại nói: “Đời chị Đào bây khổ quá, người ta nói hồng nhan bạc phận, quả không sai..”. Tôi bùi ngùi bước ra thềm ba nhìn về phía sông. Ngọn đèn đỏ ối trên chiếc tàu chạy từ chợ tỉnh về huyện. Còi tàu nghèn ngẹt kéo dài trong không gian thinh vắng rồi tựa hồ đọng lại thành giọt buồn rơi rớt mặt sông quê.
***
Người làng nhắc hoài chuyện năm xưa, trong một chiều giông gió có chiếc tàu đắm ngoài ngã ba sông. Trên trời gió giông, nước sông cuộn xiết. Ba ngã dòng sông sóng cuốn trôi người tài công về ngã nào chẳng biết.
Quán xập xòe gió, chị Đào đang với tay lấy cây chống lại cái mái nhà bỗng thấy người lạ chạy vào, hớt hơ hớt hải báo tin:
- Ở ngoài ngã ba sông sóng dữ lắm, chiếc tàu chìm nghỉm… Người ta đang tìm tài công…
Chị Đào lao ra sân, ngoài trời mưa giăng rối rít. Mưa trắng xóa. Dòng sông cuộn mình trong màn nước, sóng to gió lớn. Chị chạy vùn vụt trên bờ về phía ngã ba sông. Ở đó, chiếc tàu đã chìm tự bao giờ, chỉ để lộ khỏi mặt nước ống khói nguội lạnh
Chị Đào kêu gào, chị gọi tên anh. Người làng giữ chị lại để chị không lội xuống sông tìm chồng. Nước đang chảy nhanh về phía cửa biển mù khơi xa tít. Người ta đang tìm vớt khách lênh đênh trên sóng đưa vào bờ. Chiếc tàu chở hơn hai mươi khách từ huyện ra chợ tỉnh bị sóng hất lật ngang. Người lên được bờ hoảng quá khóc không ra tiếng
Chị dầm mưa ngồi bên bờ sông suốt mấy hôm liền. Mắt chị sưng húp. Nước mắt chị Đào giàn giụa hòa lẫn với nước mưa. Mấy năm trước, có người thanh niên lái tàu vẫn thường đưa khách đi về ngang qua bến chị. Dần dần, chị phải lòng anh. Hôm nào chị cũng đứng đón tàu anh đi qua, vẫy tay, mỉm cười rồi đợi chuyến tàu về huyện khi hoàng hôn tắt lịm phía chân mây. Rồi chị Đào với anh tài công nên vợ nên chồng. Đám cưới của anh chị có người làng đến góp vui. Anh dựng lại cái quán bên bến sông cho kiên cố. Ki cóp mấy năm, anh dành dụm đủ tiền thuê người đóng được chiếc tàu, không phải lái thuê cho người khác nữa. Khi đưa khách về huyện, anh dong tàu ngược về bến sông đậu lại. Mũi tàu vì thế mà khắc thành hình trên bờ đất quê hương
Những năm tháng đó, tôi không sống ở làng, không nhìn được chuyến tàu về khi hoàng hôn bảng lảng màu khói bạc
Anh không về. Người ta nói năm ấy sóng to, gió lớn cuốn anh trôi ra cửa biển. Chiếc tàu chìm xuống đáy. Mấy tháng sau, xác tàu được trục vớt lên, để bên bờ đất tháng năm mưa nắng khiến nó mục dần, giờ đây xám xanh màu rêu gió. Chị cất nhà ở hẳn bên bờ nhìn ra ngã ba sông. Làng nói chỗ đó năm nào cũng xảy ra lở đất, mưa bão, sóng to, nước cuộn… khuyên chị về bến dựng lại cái nhà ở cho chắc chắn. Đau thì cũng đã đau rồi. Người đi cũng đã đi rồi, có đợi, có chờ… thì người cũng đâu trở lại?
Chị Đào vuốt tóc, cười cười. Mái tóc dài mấy năm chị không cắt tỉa, thoảng mùi nắng mưa. Chị nói:
- Chồng tôi ở ngã ba sông thì tôi cũng ở ngã ba sông cho gần ảnh.
Đêm đêm, người ta thường thấy chị về lại bến nước quen. Nơi chị đã gắn bó bao năm tháng thanh xuân, vui buồn chôn nơi bến đỗ có hình mũi tàu khuyết vào trong đất. Để góp nhặt những ký ức xưa cũ có hình hài, vóc dáng của người mà chị yêu thương…
***
Đêm nay, sóng lại vỗ bờ. Ngoài xa mênh mông là biển động. Tôi nghe chị phát thanh viên nói như vậy trên ti vi. Bóng trăng vừa hiện ra đã bị mây mờ che phủ, vàng nhợt xanh xao.
Tôi biết chắc đêm nay chị Đào lại về bến nước ngồi thẫn thờ. Ngoại tôi vẫn buồn bã thương chị. Chị Đào của tôi, người phụ nữ xinh đẹp, hiền lành trong ký ức tuổi thơ tôi, nay sống hoài trong nỗi đau của quá khứ.
Gió nổi lên. Đêm nay nước lớn. Tôi lo cho chị Đào, không biết rồi chị có chống chọi được với những bất trắc trong đời để sống cho trọn vẹn một kiếp người, dẫu đau đớn. Tôi nhắm mắt nguyện cầu cho chị được bình an, mong sao hạnh phúc sẽ mỉm cười với chị. Vì chị thủy chung. Vì chị xứng đáng nhận được những điều tốt lành chứ không phải trăm chiều giông gió…
Hoàng Khánh Duy

Ngã ba sóng dồi
Ghe xuồng tới Ngã Ba chịu sóng dồi mỗi lúc, mỗi chỗ, mỗi khác. Nào là xoay tròn xuôi xuôi ngược ngược, nào bập bênh dọc bập bênh ngang, nào chao nghiêng chao lệch. Rạch kinh lạ! Đường nước khắp đó đây không đâu có cái vũ điệu cuồng cuồng loạn loạn vầy. Ngã Ba các dòng mạch nguồn đổ về, biển ngược tới, trong lòng rạch cuồn cuộn quần quần xô đẩy đẩy xô. Dân hải hồ rạch kinh tới đây ngộ ra rằng phải lơi chèo lái để tự nhiên sóng dồi, lòng vòng rồi cũng tới chỗ cần tới. Và còn được bài học hay “Tới đâu theo nước đó” của thời mở cõi nước nổi bao la.
Người tá túc vùng giang đồng này trải đời ngày đêm làm ăn, thức ngủ với miên man dòng nước. Tay canh nông vườn ruộng thì ưu ái rạch Đông đục đỏ sắc phù sa màu mỡ. Tay ngư phủ lại linh hoạt với các loại trang trại hầm cá vuông tôm và đăng đó vó lưới với các loại thủy sản của con nước ngọt, con nước lợ và con nước mặn. Ở đây lúa gạo trái rau cá tôm thứ nào cũng nổi tiếng. Dân mình mấy ngàn năm dựng nước, mấy trăm năm mở cõi có nhiều cố sự quý giá.
Ngã Ba nước nổi này mỗi phận người mỗi kể ra bao nhiêu cố sự dòng trong dòng đục. Hai Óng nằm võng trong nhà mình nhìn con nước của Ngã Ba, nghĩ đến mẹ sinh cha dưỡng, rồi quay nhìn sau nhà. Mí bờ rạch bên kia là nấm mồ của cha, bên hông ngôi nhà của cha mẹ Hai Óng.
****
Mấy chục năm trước nhà ghe Nguyễn Hóa - Kim Trầm xuôi rạch Tây tới Ngã Ba, lên bờ dựng nhà lo gia viên. Họ phảng leng lên mương vườn, trong khi chồng vẫn ghe vợ vẫn xuồng câu lưới cần mẫn. Rồi họ lâm nạn sóng nước. Cái buổi chiều nhập nhoạng ấy, Kim Trầm ham hố săn “tôm ăn chạng vạng” (*) ở bờ bên kia. Con cá lớn dính câu lưới. Thế là ra cuộc vật lộn quyết liệt. Kim Trầm la thất thanh. Nguyễn Hóa từ bến nhà mở máy ghe lao tới lo cho vợ. Cái ghe phóng vào hàng bình bát nằm nước. Ba ngày sau người ta mới phát hiện Nguyễn Hóa chết trong cái ghe lật úp. Họ lấy ghe làm quan tài, lên cho Hóa nấm mồ bên hông nhà. Còn cái xuồng của Kim Trầm bị vặn vẹo bung keo dán ván lườn nước ào vào ngập ngụa, cô bị té nằm sàn xuồng chết giấc. Xuồng trôi dạt tới nấm đất giữa giang đồng. Đêm khuya Kim Trầm mơ tỉnh bò lên nấm đất đụng cặp lu, bám lu cất mình lên vục mặt vào dòng nước mát tràn trề. Trầm nằm ôm chân lu lơ mơ xoa xoa cái bụng bầu, vơ cỏ, lượm trái rụng bỏ miệng. Dăm bảy ngày sau có người đi ngang nấm đất thấy Kim Trầm thì đưa về Ngã Ba. Trầm được rước lên cửa nhà, nhìn thấy nấm mồ của chồng, Trầm lại ngất. Liên tiếp những ngày sau Trầm cứ bò lết ra ôm nấm mồ. Người ta tìm ra nơi chốn nên cơ duyên vợ chồng của Kim Trầm. Trầm là “cô quản tum liếp vườn” lo nơi ăn chốn ở cho các thợ vườn của một đại điền chủ ở phố huyện. Trầm và thợ vườn Nguyễn Hóa phải lòng nhau rồi phiêu dạt tới Ngã Ba… Nghe chuyện vợ chồng Trầm gặp nạn, chủ vườn cũ lại cho cô làm tiếp việc cũ chờ ngày sinh. Phước đức! Kim Trầm có công ăn việc làm, sinh hạ Hai Óng vuông tròn, nuôi con học hành. Mười lăm tuổi Hai Óng quỳ trước ông bà chủ xin về với cha Nguyễn Hóa. Chủ thanh toán công xá rồi tặng cho mẹ con cái nhà ghe mới, thêm cái xuồng.
Về ngôi nhà cũ ở Ngã Ba, hai mẹ con đèn nhang lễ lạc dâng trước mồ Nguyễn Hóa. Mẹ cho con hết số tiền làm công và tháo cặp bông tai đeo cho Hai Óng. Đôi bông cha tặng ngày cưới, nay mẹ tặng lại con gái. Chúng ta mỗi người mỗi chỗ. Con về với cha. Ở đây cần cái ghe hơn. Mẹ về nấm đất có cặp lu. Đó là nơi Kim Trầm đã kể bao lần rằng đôi lu đó là của một cặp vợ chồng mang tới. Đời dân nước nổi có sao sống vậy, nhưng phải lo nấm mồ xây để chết có chỗ nằm đó, kẻo nước nổi tiêu tan mất. Đôi vợ chồng đó tính cặp lu thay cho mộ xây, nhưng rồi họ bỏ đi, vượt trùng dương bao la đến đất mới. Mẹ đã trôi tới nấm đất có đôi lu ngày cha mất, nay mẹ bước xuống xuồng, lái ghe về Ngã Ba sóng  dồi.
****
Hai Óng sửa ngôi nhà của mẹ cha và lên ban thờ gia tiên, nhưng cô vẫn ở nhà ghe. Hai Óng cũng đi từng nhà cám ơn những người trước kia đã lo chôn cất cho cha bằng nấm mồ nhà ghe, sau đó cô xây mộ cho cha. Con báo hiếu bằng cách mỗi lần mẹ về là chuẩn bị đầy đủ thức ăn, hoa trái mà cha thích, để mẹ bày ra bên mộ cha mà kể, mà nhớ. Hai bên mộ lát đá, là giường phản cho mẹ có nhớ thương thì cứ nằm hoài, không phải như ngày nào lăn lộn ôm mồ đất để bị kè vào nhà, đưa về tận phố huyện xa biền biệt.       

Trên bờ Ngã Ba có mấy chục nhà tá túc. Nhà nào cũng dựng nhà mí bờ trong đồng. Hai Óng thì dựng ngôi nhà bên dòng rạch phương Nam. Lần đầu tiên Ngã Ba có ngôi nhà hướng ra đường nước, lại duy nhất là nhà cất ở trên một trong ba mũi đất Ngã Ba. Người ta sợ sóng dồi, bảo cô Hai Óng lấy chồng rồi tính tuổi làm nhà tốt hơn. Hai Óng bảo cất nhà để bắt rể.
Rể chưa thấy đâu nhưng bến nhà Hai Óng là cái bến duy nhất ở đây nên thành bến Ngã Ba. Ghe xuồng xuôi ngược tới, Hai chào hỏi mời lên nhà. Tất nhiên là chủ các ghe rinh cả bếp than, bếp ga, đồ mồi... lên đỏ lửa. Hai Óng cũng đỏ cà ràng xào xào chiên chiên ba thứ rau trái vườn nhà bán cho khách thập phương. Sum họp vầy tâm giao thương thảo, hữu hảo hài hòa, đầm ấm. Cá tôm rau trái của nhà Hai Óng được tiêu thụ, đem lại thu nhập đáng kể.
Chỗ đất nước vầy ắt có khách không mời cũng tới. Ấy là Tiến sĩ môi trường Văn Quốc một lần đi công tác ngang đây, ngưỡng mộ trước cô gái trẻ đẹp mà làm ăn theo cái cách “trông nước ngước trời” hay tới mức Văn Quốc quyết cùng Hai Óng kết dính “trăm năm” ở cõi Ngã Ba sóng dồi.
Từ ngày có Văn Quốc tư vấn thêm, quan hệ của Hai Óng với bạn hữu xuồng ghe cũng có thêm nhiều công chuyện trồng nuôi xa gần, phát triển kinh tế, đưa sản vật quê hương vượt xa Ngã Ba sóng dồi. Đài báo tưng bừng đưa tin tức đời sống mới, khen hoạt động vừa làm giàu vừa bảo vệ môi trường. Hai Óng mừng vui bàn bạc xem vợ chồng cô phải làm gì cho Ngã Ba tốt hơn? Văn Quốc chợt nghĩ đã mở bến mặt nước sao không đóng góp cùng xã làm cầu? Hai Óng nhìn Ngã Ba. Từ đây bắc hai nhánh cầu qua hai mũi đất bên kia. Có khi nào tới đây nơi này sẽ là Ba Ngã Đầu Cầu?
Vừa lúc đó mẹ Kim Trầm tới, Hai Óng ríu rít xoa bụng bầu nói với Kim Trầm giờ sắp lên chức bà ngoại kế hoạch cháu ra đời đúng ngày cầu được xây dựng. Chợt có tiếng loa sôi sục lời kêu gọi bà con di dời gấp Ngã Ba sắp có sụt lở nguy hiểm. Mẹ Trầm bảo Văn Quốc con lo di dời nhà cửa, mẹ đưa Hai Óng và cháu đi trước. Mẹ xách đồ, rước con xuống ghe, ra tay máy cái ghe luồn lách rời Ngã Ba sóng dồi. Coi bộ chuyện làm cầu phát triển Ngã Ba phải được tính nhanh thôi. 
Lương Minh Hinh
Huyền thoại về mũi đất ngã ba sông (Truyện ngắn) 25/01/2010

 Huyền thoại về mũi đất ngã ba sông
Chiều 30 Tết mưa bụi phủ trắng trời. Những ngọn gió xuân tràn về mơn man se lạnh. Trên phố huyện, những cô gái áo màu sặc sỡ, hớn hở bước bên người yêu. Từ cụm loa phóng thanh một giọng nữ mượt mà đang ngân nga khúc tình ca: " Anh đưa em về thăm quê hương xứ Lệ, nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ, sông nước chan hòa ôm ấp tình quê.."
          Hoài bước đi trong dòng âm thanh náo nức của cuộc đời, mà lòng bồi hồi xao xuyến, bao nỗi vui buồn thương nhớ về một thời quá khứ đã xa. Ngày ra đi tóc anh hãy còn xanh hôm nay trở về mái đầu đã điểm bạc. Bao nhiêu nỗi cực nhọc vất vả trên bước đường đời đã làm cho khuôn mặt anh già đi trước tuổi. Lòng bâng khuâng, anh thả bộ dọc theo bờ sông. Trước mắt anh là dòng Kim Giang xanh thẳm, những kỷ niệm xưa cứ ùa về. Bên kia là mái trường Trung học nơi anh đã ghi những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ trẻ của anh. Và dưới vòm cây xanh bên bờ sông là bến đò ngang của ông Hoành ngày chống Mỹ, giờ không còn nữa. Cái bến đò ngày ấy lớp bạn bè của anh chen chúc để sang sông trong mỗi buổi sáng đến trường. Bây giờ cỏ đã lên xanh. Nó chỉ còn là dấu tích kỷ niệm xao xuyến, bồi hồi của buổi đầu gặp gỡ. Và xa kia nữa là dãi đất choài ra giữa ngã ba sông như ngọn bút khổng lồ đang hướng về phía thượng nguồn Kim Giang vẽ lên chân trời phía Tây Nam, những dãy núi mờ xanh hùng vĩ. Doi đất hình Mũi Viết ấy có từ ngàn xưa. Nó chứa trong mình biết bao nhiêu câu chuyện huyền thoại làm  rung động lòng người.
          Một trong những câu chuyện cuốn hút tâm hồn thơ trẻ của anh ngày ấy, nó đã làm cho anh mất ăn mất ngủ; Đó là câu chuyện về ông Thượng ở làng Hà. Người ta kể rằng: Thuở ấy bố ông Thượng là một trong những người giàu nhất vùng, có cả hàng chục đôi trâu, hàng trăm mẫu ruộng. Ông cũng muốn cho con cái học hành đỗ đạt như người, nên đã bỏ tiền ra thuê thầy về ở luôn trong nhà để dạy chữ cho con. Trong số những con trai của ông, ông Thượng là người học hành chăm chỉ và sáng dạ nhất. Nhưng đến trường thi hai ba lần vẫn không đỗ đạt. Gia đình ông Thượng vừa buồn phiền vừa uất ức. Hết trách mắng con, ông bố lại đâm ra tự trách mắng mình. Ông chạy vạy đủ cách khắp nơi nhưng chẳng làm gì được. Tự nhiên, một đêm bố ông Thượng đang nằm ngủ, mơ thấy một ông già râu tóc bạc phơ, dắt tay ông đi ra phía bờ sông; Vừa đi ông vừa chỉ tay về phía doi đất có hình Mũi Viết vươn ra giữa ngã ba sông ấy mà nói rằng: "Thế đất làng này có hình cây bút, nhưng ở phía đầu ngọn bút còn chưa sáng nên con cháu trong làng chưa viết ra thành chữ được. Nếu dân trong làng biết tích đức, phùng thiện thì chắc chắn mai sau con cháu sẽ được rạng rỡ mặt mày". Nói rồi ông già biến mất. Bố ông Thượng giật mình tỉnh dậy vừa sợ hãi vừa khấp khởi mừng thầm. Ông cho rằng gặp được điềm lành, trời báo mộng nên ngày hôm sau ông cho đầy tớ gọi những tá điền vay thóc nặng lãi của nhà ông đến xóa nợ cho họ, rồi ông bán một nữa gia sản của mình để giúp  cho người nghèo đói, số còn lại sung vào công quỹ của làng để chữa lại cầu, đắp lại đường cho mọi người đi lại đỡ khổ. Thấy bố ông Thượng làm vậy, nhiều người giàu có trong thôn cũng làm theo. Quả nhiên doi đất ngày một thanh tú ra, sáng sủa hơn. Đứng từ xa nhìn lại trong thật giống như một ngọn bút đang vẽ lên chân trời.
          Hai năm sau, ông Thượng con trai của ông thi đậu thật, được triều đình bổ đi làm quan, sau thắng tiến dần đến chức Thượng thư.
          Ngày vinh quy bái tổ ông Thượng đã xin làng xây một ngôi  đền ở ngã ba sông để ghi nhớ công lao người đã chỉ giáo, giúp mình thành đạt. Ngày nay vì đi qua bao cuộc chiến tranh, ngôi đền ông Thượng xây không còn nữa, nhưng những câu chuyện huyền thoại về Mũi Viết vẫn còn trong dân gian.
          Thời còn là cậu học sinh Trung học, Hoài cứ mong lúc ngủ mình nằm mơ để được gặp ông già râu tóc bạc phơ ấy. Nhưng giấc mơ chưa đến được với Hoài thì tiếng máy bay phản lực Mỹ đã gầm rít vang khắp bầu trời quê hương. Bom đạn giặc ngày đêm trút xuống, dãy đất Mũi Viết cũng trở thành mục tiêu đánh phá của kẻ thù. Hoài phải cầm súng lên đường ra trận.
Hoài đang đắm mình trong những dòng suy nghĩ thì giọng người ca sĩ ở loa phóng thanh lại vút lên réo rắt. Lời ca bổng trầm tha thiết kéo Hoài trở về với những ngày quá khứ. Lòng anh trào lên một cảm xúc bồi hồi. Hoài lần theo lối mòn tìm  về gốc dừa nơi ngã ba sông ngày ấy. ở nơi đây đã ghi vào lòng anh một kỷ niệm buồn đau mà suốt cả cuộc đời anh không sao quên được. ấy là dịp tết Nguyên Đán năm 1972. Trong những ngày ngừng bắn, Hoài được phép về thăm nhà để cưới vợ. Gặp lại những người thân quê hương, ai cũng mừng vui, nhưng thấy ai cũng tất bật vội vã. Phụ nữ, mẹ già lo đi chợ mua sắm hàng lễ  tết. Những người nông dân khỏe mạnh thì lo bố phòng lại hầm hào, công sự. Còn nam nữ thanh niên thì thành lập Đội thanh niên xung kích vận chuyển hàng ra tiền tuyến. Hoài về thăm nhà nhưng không thể ngồi yên trước khung cảnh rộn ràng của làng quê trong những ngày sôi động. Anh xin tham gia cùng Đội xung kích vận chuyển của thanh niên. Anh được bố trí cùng đi trong đội thuyền vận chuyển của Huyền. Huyền là vợ sắp cưới của anh. Anh với Huyền học cùng một lớp. Năm tốt nghiệp cấp 3 xong, Hoài lên  đường đi bộ đội, còn Huyền ở lại quê hương vừa làm Bí thư Chi đoàn Đoàn thanh niên vừa làm kế toán của hợp tác xã.
Dịp ngừng bắn, Chi đoàn thành lập Đội xung kích vận chuyển hàng ra chiến trường. Nhiệm vụ của họ là chuyển hàng từ trạm trung chuyển ở bến bãi Mũi Viết đưa lên kho Lòi Sinh.
Đêm cuối năm, thuyền các xã ven sông tham gia chiến dịch vận chuyển đi đông vui như trẩy hội. Thuyền của Huyền và Hoài đã đi được mấy chuyến. Đến chuyến cuối cùng thì đêm đã khuya, mưa phùn lất phất ngấm vào người thấm lạnh. Họ ghé thuyền lại ngồi nghỉ tạm dưới góc dừa bên doi đất Mũi Viết. Huyền buông chèo đến ngồi bên Hoài nhỏ nhẹ:
- Sau tết anh còn ở nhà thêm được mấy ngày?
- Gần nữa tuần em ạ!
- Răng phép của anh mau rứa?
- Chiến tranh mà em!. Hết giặc rồi anh về ở mãi bên em.
- Huyền im lặng, vẻ mặt đượm buồn, một hồi lâu cô mới thầm thì nho nhỏ:
- Đến khi nớ thì đã già rồi.
- Đối với anh, Huyền lúc nào cũng trẻ.
- Chắc không?
Hoài trả lời một tiếng "chắc" thật to rồi cười lên thoải mái. Anh muốn xóa tan nỗi băn khoăn lo lắng đượm vẻ buồn trong lòng người con gái. Đêm càng khuya, những ngọn gió bấc lang thang làm cho đất trời thêm se lạnh. Hoài đã áp sát vào người Huyền mà lòng cứ thổn thức: Một nỗi tái tê trào dậy trong người: Chiến tranh quá tàn khốc. Nó đã đẩy tuổi thanh xuân của họ phải đi vào trận mạc. Hai người đã sắp thành vợ chồng rồi mà không được một ngày rãnh rỗi để đi mua sắm cho nhau một món  quà nho nhỏ để làm kỷ niệm ngày cưới. Cũng không được đi thăm bạn bè, bà con hai bên. Ai cũng bận rộn dành thời gian "Tất cả để chiến thắng giặc mỹ xâm lược". Bỗng phía cuối dòng sông có ai đó bắt chước điệu hò sông mã cất lên một điệu hò lơ lớ. Nghe ngộ quá, Huyền bật cười. Sau tiếng cười Huyền trở lại trầm tư. Hoài lo lắng  vội ghì sát Huyền vào lòng. Hai người cười khúc khích...Con thuyền chao động. Những tiếng sóng vỗ vào bờ ràn rạt.
Đêm về sáng, những ngôi sao trên nền trời dần dần tản mác, rồi biến mất. Phía đông chân trời như thẩm lại, mấy đám mây phả mưa bụi xuống lạnh ngắt. Hoài và Huyền lại đẩy đò tiếp tục  ra đi.
Đò chưa ra khỏi bến thì dừng lại vì mắc cạn. Hoài vội vàng xắn quần lội xuống đẩy. Nhưng chiếc đò cứ nằm ì ra không thèm nhúc nhích. Ở phía lái Huyền thấy vậy nóng lòng nên cũng nhào ào xuống nước để đẩy. Nhưng chẳng may từ trong lớp bùn non một quả bom bị nằm giấu mặt từ bao giờ, vụt lên nổ một tiếng rầm trời, hất tung thuyền và người ra tứ phía.
Bến Mũi Viết  đất khói lên mù trời, mọi người vội vàng chạy đến. Ba ngày sau người ta mới tìm được thi thể của Huyền nỗi lờ đờ dưới mép nước ở Mũi Viết. Còn Hoài được đưa vào bệnh viện ngay. Phải một tuần sau anh mới tỉnh lại được. Khi biết mọi chuyện, Hoài vô cùng đau đớn xót xa vật vã anh ngất đi tỉnh lại mấy lần.
Ngày Hoài ra viện cũng là ngày cuối cùng trong đợt nghỉ phép về thăm nhà để xây dựng gia đình của anh. Sớm mai anh về lại đơn vị, nằm thao thức hoài anh không tài nào chớp mắt được.  Bao nhiêu ý nghĩ về Huyền cứ xáo động lòng anh. Anh cố nhắm mắt lại nhưng tiếng những con Thạch Sùng ở trên mái nhà cứ "chắt chắt" gọi bạn càng làm cho tim anh thêm đau nhói. Gà đã gáy tàn canh, giấc ngũ chập chờn vừa kéo đến thì hình ảnh người vợ chưa cưới của anh cứ hiện về: Huyền đang đứng phía lái, đôi tay khỏe mạnh nắm mái chèo gạt sóng băng băng. Mỗi mái chèo đẩy đi lưng Huyền khom xuống làm hằn lên những đường cong mềm mại giữa màn xanh da trời. Anh gọi tên Huyền nhưng cô cứ lặng im chèo miết, con đò cứ xa dần, xa dần rồi mất hút... Khi có người lay gọi mãi Hoài mới biết là mình  đang mơ, anh ngồi dậy thở hổn hển, mồ hôi tưá ra đầy người...
Một phút trôi qua, anh ngồi thẩn thờ câm lặng, nhìn vào khoảng  không mênh mông phía trước. Tự nhiên hai giọt nước ở khóe mắt  trào ra từ từ lăn xuống má. Lòng Hoài sục sôi căm giận kẻ thù tàn ác đã cướp đi tình yêu, hạnh phúc của đời anh.
Buổi sáng những tia nắng vàng đã bừng dậy, anh vội vàng đứng lên thu xếp hành trang của người lính để lên đường ra trận.
Đã mấy chục mùa xuân đi qua, nhiệm vụ của người lính đã đưa Hoài đến với nhiều vùng quê của đất nước, nhưng không ở đâu nhớ thương sâu thẳm và da diết bằng những kỷ niệm ở doi đất hình Mũi Viết này.
Đêm cuối năm, thị trấn rực rỡ ánh đèn màu và cờ hoa đón Tết. Mặt nước Kim Giang lung linh lấp lánh ánh điện. Từng đôi trai gái dìu dặt trên cầu Xuân Phong. Hoài bước đi mà lòng rưng rưng một cảm giác nghẹn ngào xúc động, không nén nỗi lòng mình anh bật lên thành tiếng.
"Huyền ơi! Tết này anh lại về với em đây! - Em ở đâu? Tiếng anh nghẹn ngào nức nở..."
Giữa không gian mênh mông của đất Mũi, trong màn sương bàng bạc, dưới ánh đè mờ ảo, Hoài như thấy hiện lên dáng hình người con gái cùng anh năm xưa vào trận.
Mùa xuân đang về. Hoài trở lại với thực tại, trước mắt anh giữa ngã ba sông lấp lánh muôn ngàn ngôi sao rực rỡ. Trên dãi đất hình Mũi Viết - khu trung tâm văn hóa huyện những ngôi nhà cao tầng sừng sững vươn cao. Đứng từ xa nhìn lại cả tòa nhà như một chiếc thuyền khổng lồ đang dương những cánh buồm lộng gió rẽ sóng ra khơi, đưa quê hương tiến lên phía trước.
Lê Đình Hồng (Tác giả đã mất)
 Rút trong tập "Văn nghệ Lệ Thủy"