Hiển thị các bài đăng có nhãn Muối. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Muối. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Nước mắt muối

Hạnh phúc nhé con,
Hạnh phúc nhé, con ơi đừng giống mẹ !
Gánh còng lưng vị mặn đắng cuộc đời...
Gi khóc mừng con xuất giá nên đôi,
Mẹ lại nhớ cảnh đời trên ruộng muối !

Hạnh phúc nhé, con ơi đừng buồn tủi
Không lệ rơi, không ngang trái cuộc đời...
Giữa mênh mông sắc trắng ruộng muối phơi,
Hạnh phúc mới đong đầy hương vị mặn !!

Biển của con là biển đầy sóng lặng,
Con dâng đời vmuối trắng quê hương...
Muối đi qua trên khắp vạn nẻo đường,
Trong vị mặn ngọt ngào niềm hạnh phúc !!
NM

Nước mắt muối

Mấy miếng cá kho chị vừa gắp bỏ vào chén làm đứa con gái bụm miệng chạy thẳng vào nhà vệ sinh. Đứng nhìn con bé cắm đầu nôn thốc nôn tháo, bất giác một nỗi sợ hãi trào lên thắt nghẹt tim chị.
Nỗi sợ dâng lên đầy ứ rồi bục ra, vỡ thành cảm giác giận dữ đến điên người. Thứ linh cảm đáng sợ này, chị nhất định phải kiểm chứng xem liệu nó có phải là sự thật.
Gần như lôi con bé xềnh xệch trên đường, chị hất cánh tay cố bấu lấy mẹ của con bé, xô nó về phía cô bạn gái đứng sau quầy cái tiệm thuốc tây xập xệ:
- Mày lấy cái que thử bày nó kiểm tra giùm tao. Con trời thần này chắc có thai rồi mày ạ! - Càng về cuối câu nói giọng chị càng run lên một cách đáng sợ.
Bạn thân thở dài đưa ra cái que nổi hai vạch ngang đỏ thẫm.
- Của nợ! - Chị nghe tiếng răng mình nghiến chặt vào nhau, nghe những mạch máu căng phồng lụp bụp vỡ dưới da.
- Đồ hư thân mất nết! - Bàn tay chị xáng lên, in dấu năm vệt đỏ lằn trên cái má bầu bầu trắng trẻo làn da con gái. Con bé rúm ró như chui tọt cả người vào cái hốc kẹt góc nhà, nhìn mẹ bằng đôi mắt sợ hãi mờ nước.
Giá mà chị có thể bóp chết nó, giá mà chị có thể đào lỗ chôn sống nó, hay hóa nó teo nhỏ lại mà nhét vào bụng. Giá chị không sinh ra nó, không banh da xẻ thịt trong đêm mưa gió đó để nó ra đời.
Nó ra đời làm gì, nó sống làm gì để chỉ toàn làm khổ chị.
Còn ẵm ngửa trên tay, nó không thương mẹ ốm yếu cạn sữa, cắn đầu vú chị đến bật máu. Lớn thêm một chút nữa thì tiêu chảy, phát ban, cảm sốt. Không giấc ngủ nào nó không để mẹ giật thót vì một tiếng nó trở mình hay một tiếng khóc ư ử trong mơ. Đến cả lúc mọc cái răng sữa đầu tiên, nó cũng bắt mẹ ngồi ôm mà hát ru hết mấy đêm ròng. Đầu nó nặng trịch làm tay mẹ, vai mẹ tê cứng ngắc, sáng mai ra đồng muối không cất nổi lên đôi gánh quen thuộc thường ngày.
Bà nội nói trẻ con chậm mọc răng thời dại dột ngu khờ. Hai tuổi, nó mọc cái răng đầu tiên, mẹ bên nó kệ nội nói ra nói vào, vẫn tin nó sau này giỏi dắn khôn lanh. Đêm vuốt đôi má phúng phính tròn đầy của nó, vuốt cái trán cao lơ thơ mấy món tóc đen mềm của nó, chị nghĩ đến một ngày nó mặc áo dài cô giáo hay áo trắng bác sĩ bước vô nhà, đứng trước mặt nội mà nói rằng:
- Nội thấy chưa, con gái của mẹ con nào có thua kém gì người!
Vậy đấy. Chỉ vậy thôi, mà đến cả nó cũng không để một mơ ước nào của chị được vẹn toàn.
Hết cấp một, rồi cấp hai, chị không nhớ đã giấu phiếu liên lạc của nó đến bao nhiêu lần. Mua dăm ba cuốn tập gói ghém sơ sài, chị nhét vào tay nó dắt đến bên giường bệnh mẹ chồng.
- Má coi cháu nội má kì này lại được lãnh thưởng. Giỏi ghê chưa? - Lời nói dối tưởng trơn nhẫy chui ra mà chát lè nơi cửa miệng.
Chị có muốn chăng, muốn như thế chăng? Làm lụng, báo hiếu, nuôi con. Những nỗ lực cuối cùng để chứng tỏ với bà mẹ chồng gần đất xa trời rằng mình không vô dụng, không sơ sẩy việc nào. Không phải đứa con dâu mẹ coi thường vì mấy ngày đầu không nấu nổi một bữa cơm, mẹ nhiếc móc chỉ vì một bàn tay mềm mại phồng rộp bỏng rát mà vẫn cuốc không xong được một góc vườn.
Trăm ngàn cái khổ, ấy vậy mà không cái khổ nào đánh quỵ chị bằng ánh mắt vằn lên ngang ngạnh thách thức của đứa con gái mười bốn tuổi:
- Chớ mẹ gạt nội thì sao, giờ tui xạo mẹ nghỉ học đi chơi điện tử có một bữa, mẹ làm gì chửi tui dữ vậy?
- Mất dạy! - Cái nắp xoong gang chị ném về phía con xẻ trên vầng trán cao chị từng vuốt ve, từng đặt lên đó những nụ hôn ấm áp tự hào một đường dài phụt máu.
Đi ngang qua buồng mẹ chồng, nghe con gái khóc thút thít với cái thân người bất động nhăn nheo một lớp da bọc xương: "Mẹ gì mà ác như dì ghẻ, con mà không thương nội, con bỏ nhà đi quách!", ra ngồi ngó mấy cây chuối trổ quầy sau nhà, tự nhiên chị bật cười. Tiếng cười dài trong đêm cưa cứa lòng hơn tiếng khóc.
* ***
- Rồi giờ anh nói coi anh định làm sao? - Chị gằn giọng với thằng nhỏ mặt xanh lét ngồi nem nép một bên ghế. Cái mặt non choẹt lấm tấm mấy đám mụn đỏ ửng len lén ngó về phía bộ ván có đứa con gái đang nằm trùm mền i ỉ khóc. Chị thấy đôi tay nó xoắn vào nhau, vặn vẹo, bứt rứt. Mãi mới nghe nó tuồn ra được một câu lắp ba lắp bắp:
- Bác… bác… ch… cho con xin cưới em Nhi.
- Cậu đảm bảo thương nó, lo cho nó được hạnh phúc? - Chị hỏi thằng con trai trước mặt đúng cái câu mẹ chị nghiêm giọng hỏi anh mười tám năm về trước. Nhưng lúc đó không như thế này. Cô dâu tương lai không nằm ôm bụng khóc trong mền như con gái chị thế này. Chàng rể cũng không xanh xám mặt mũi, xoắn xít tay chân sợ sệt trước mẹ vợ thế này. Lúc đó anh ngồi bên chị, đối diện mẹ, đĩnh đạc và nghiêm chỉnh. Tay anh còn nắm chặt tay chị. "Tụi con thương nhau. Con sẽ dành hết cuộc đời để yêu thương, chăm sóc cô ấy. Con hứa với bác!". Lời anh nói làm giãn trên gương mặt khắc khổ của mẹ chị một nụ cười nhẹ nhõm. Mẹ cười vì con gái không chọn lầm người, vì con rể tương lai hiền lành chân chất mà khi cần cũng quyết liệt đấu tranh để giành lấy tình yêu. Mẹ cười, dù ngày đưa dâu tiễn con ra đến ngõ, mẹ ôm chị khóc òa: "Dâu làng muối khổ cả đời con mẹ quá, con ơi!".
Lời mẹ nói lúc đưa dâu ấy ai mà ngờ lại vận vào chị mãi cho đến tận bây giờ.
Lắm lúc một mình trao tráo mắt giữa khuya vì những kẽ nứt dưới gót chân, bàn chân rát rạt, vì tấm lưng, đôi vai ê ẩm nhức nhối, chị thấy mình đang trách mẹ. Phải chi ngày đó đưa dâu mẹ chúc chị một câu tốt lành, may mắn. Phải chi hồi đó mẹ cứ ngăn cứ cấm đến cùng chuyện anh chị đến bên nhau. Nghĩ rồi chợt giật mình, lò mò dậy châm đèn dầu đốt một nén nhang. Trên bàn thờ, ánh mắt người chồng trẻ nhìn chị như trách móc.
Bao năm rồi, tóc chị đen rồi lơ thơ điểm bạc, khóe mắt làn da chị khằn vết nhăn, mà anh vẫn thế. Vẫn trẻ trung, vẫn miệng mim mím nụ cười như những buổi chiều xịch xe về thấy chị lơ ngơ đầu cửa ngõ. "Sao? Vợ nhớ chồng ra đứng đón tận đây sao?". Chị cười hiền đón bịch muối trên tay anh, gạt bỏ hết những lời cay nghiệt mẹ chồng vừa gieo vào đầu óc.
- Em coi. Ruộng muối nhà mình lần này kết hạt đẹp quá chừng. Nắng thêm mấy ngày nữa là có tiền mua cho mẹ dàn máy hát ka-ra-ô-kê rồi, hả con? -  Áp tai vào cái bụng chị nây nẩy tròn lên dưới lần áo, anh nựng nịu cười đùa.
Ông trời đáng lẽ ra phải cho mọi thứ dừng lại ở giây phút ấy. Một hạnh phúc đơn sơ, một mái nhà với người đàn ông chị yêu thương. Lẽ nào có như vậy thôi mà chị đã đòi hỏi quá nhiều. Như vậy thôi mà ông trời ghen ghét đổ mưa dầm dề biến cả ruộng muối trắng tinh trở thành nước, để mồ hôi người mồ hôi muối trộn vào nhau thành dòng mặn chát trở về biển lớn. Chồng xấc bấc xang bang chạy muối dưới mưa ròng. Đường ruộng be bét sình bùn, đường tráng nhựa về kho làng trắng xóa nước trơn nhầy. Mà mấy xe tải con từ xí nghiệp muối kề bên cũng ầm ầm cơn chạy muối.
Một chiếc lật bánh đổ nhào ở một khúc quanh, dưới gầm xe là cái xe máy bể tan nát, là muối rải trắng một khoảng đường ướt nhèm nước mưa. Nổi rõ lên trên cái màu trắng ấy là những vệt, những vũng đổ đọng, rồi loang ra rất nhanh một thứ màu đỏ loét. Màu của máu.
Mẹ chồng đã nói gì với chị sau đám tang nhỉ? Phải rồi, bà nói: "Đồ bất nhân. Tôi đã không cho nó rước cô về nhà mà nó đâu có nghe. Thứ đàn bà có nốt ruồi ngay đuôi mắt không phải quân lẳng lơ trắc nết thì cũng loại sát chồng. Trời ơi là trời. Mẹ con tôi nào có tội nợ gì cho cam!".
Rồi bà còn nói gì lúc chị chấp nhận vào làm công nhân xí nghiệp muối?
"Con mẹ mày nó đi đêm với lũ giết cha mày, phá ruộng muối nhà mày. Quân ngũ chúng nó, con ác nhơn thông đồng với lũ ác nhơn!". Duy chỉ có một lần đó, lần duy nhất chị đứng thẳng trước bà, bế thốc đứa con đang nằm lắc lư trong cái võng đối diện bà, bặm môi ngăn nước mắt chực trào:
- Mẹ làm tình, làm tội, nói con sao cũng được. Xin mẹ đừng dùng những lời như vậy trước con con. Trẻ con nó có tội tình gì….
Ôm con bé giật mình sợ hãi khóc trong tiếng mẹ chồng chửi rủa ồn ào, chị chạy thẳng ra ruộng muối. Vấp rồi gượng lại, gượng lại rồi vấp không biết bao nhiêu lần. Chợt muốn hét lên, muốn gào lên với ráng chiều đỏ quạch, với những bóng cây vẽ lên trời đám hình thù khô đét tong teo, với cả mặt ruộng đất đóng vẩy, nứt nẻ nhớ màu muối trắng. Từ ngày xí nghiệp muối cho chặn những con lạch nhỏ ăn nhờ nước biển hiếm hoi, đã ít dần những cánh đồng muối sống sót trong làng.
Là chị muốn bỏ cái nơi chồng chị sống chết vì nó hay sao? Là chị muốn còng lưng gánh muối lên đoàn xe mà một trong số chúng đã từng cán chết chồng chị hay sao?.
Chị còn chọn lựa nào khác. Ruộng muối chết. Những lá đơn trôi vào im lặng. Đất lại cất tiếng tiếc thương bằng việc quyết tâm ngậm mặn để không trồng tỉa được trên nó một loại cây.
Còn lựa chọn nào khác sao. Khi mẹ chồng không vác nổi một bó củi lỏng chỏng, con bé con đau bệnh liên miên, ba miệng ăn đổ riệt xuống đôi vai chị chưa một lần gánh nặng.
Và có chọn lựa nào khác nữa. Khi lão chủ quán cơm mà mẹ chồng bảo là chỗ quen biết bà con đút bàn tay nhẫy mỡ vào cổ áo chị một trưa đứng gió.
Đôi tay chồng nâng niu âu yếm khen mềm mại dịu dàng, đôi tay quen tạo những dòng chữ hiền hòa nghiêng nghiêng trên giấy, buổi trưa ấy vì lão trở thành đôi tay cầm dao dọa giết người.
Lão chủ tái mặt lập cập quỳ lạy chị như tế sống. Nghĩ càng buồn cười, chị đâu dọa giết ai, chị định giết chính mình kia mà. Giờ phút ấy không hiểu sao chị lại trở nên như thế, chỉ nhớ đến anh, nhớ đến hôm thất thần ngồi gom cho hết mớ lầy nhầy vung vãi ra từ cái đầu nứt toác của chồng, nhớ cả chén cơm mẹ chồng ném thẳng vào mặt: "Đồ lòng gan dạ sắt. Cô ngồi lượm óc cho chồng mà không một giọt nước mắt được sao?".
Chân thấp chân cao về, nghe vẳng tiếng con khát sữa khóc ỉ ôi, áp chặt con vào ngực chị nghe lanh lảnh trong đầu tiếng gào thét chói tai: "Mày không được chết. Không được phép chết. Còn con mày đó, ai cho mày chết".
* ***
Thằng con trai vẫn tiếp tục xoắn xít bàn tay trên vạt áo, mắt nhìn mấy ngón chân đang di di khổ sở dưới sàn nhà. Thỉnh thoảng, nó ngước lên rất nhanh, nơm nớp nhìn chị rồi lại cúi gằm xuống. Nồng nặc tỏa ra từ nó, thứ mùi đã bám riết đeo đẳng cả một thời thanh xuân của chị. Thứ mùi mà dù có tắm đến trăm nghìn thùng nước, kì cọ đến bong da rát thịt thì nó vẫn còn. Như ám, như hòa trộn vào trong máu chị: Mùi của muối.
Mùi ngập ngụa hết một ngày của chị. Lởn vởn trong mọi ngóc ngách căn nhà chị. Đặc quánh trong bộ quần áo xanh, đôi giày ống, đôi găng tay cao su thô kệch, cả cái nón lá vành lỗ chỗ tả tơi mỗi sáng theo chị ra khỏi nhà.
Thứ mùi chui rúc vào lớp gòn êm ái trong cái gối chị nằm. Lẩn khuất giữa đám mùng màn, mền chiếu, mỗi đêm bao bọc chị trong những giấc mơ lạnh lẽo khô khốc mà chát mặn, chát lè.
Nhiều lúc giữa đêm chợt dậy, chị thấy trong tấm gương ngang tủ áo một người xa lạ. Người đàn bà có đầu tóc xác xơ, da mặt nám đen khô khốc, đang giương đôi mắt mệt mỏi lom lom nhìn chị. Một đường trắng chạch đóng vệt dài từ dưới khóe mắt đến ngang cánh mũi. Chị đưa tay khư khư nó khỏi da thịt, một mảng nhỏ rơi xuống môi, liếm đầu lưỡi nghe mặn chát.
"Đến khóc còn ra muối kia đấy, mình à!". Lấy xuống khung ảnh thờ, chị ngồi vừa nói chuyện với người trong ảnh vừa miết khăn lau mặt kính. Lau đến tận lúc lác đác vẳng tiếng gà báo hiệu tàn đêm.
* ****
- Thưa bác… - Thằng con trai chợt ngập ngừng lên tiếng, lôi chị ra khỏi mơ hồ lãng đãng một tiếng gà - Bác cho con về hỏi mẹ con...
- Hỏi hỏi cái gì! Về kêu mẹ cậu qua đây! - Đánh sầm tay xuống bàn, chị đứng dậy đi thẳng vào buồng, mặc kệ thằng nhỏ vừa giật thót mình ngồi ngây đơ ngờ nghệch ngó theo. Tiếng khóc i ỉ của đứa con gái vẫn ong óc dội giữa căn nhà trống hoắc.
- Chị lấy ít tiền mà lo cho em nó. Chị em cũng không có nhiều... - Tổ trưởng mắt một mí dúi vào tay chị cái phong bì cong veo. Nụ cười sau lớp khẩu trang dày cộp dồn hết lên đôi mắt long lanh dưới vành nón lá nghiêng nghiêng. Ai cũng nói hiếm đôi mắt một mí nào lại to lại đẹp như mắt tổ trưởng.
"Nhưng đàn ông có thằng nào thương mình mà chỉ nhìn có đôi mắt đâu mấy chị!". Tổ trưởng nhẹ nụ cười, tay quạt lia quạt lịa nón lá dưới mái tôn hàng hiên kho muối một ngày chát nắng. Anh chàng lái xe ra vô nhà tổ trưởng lâu lắc đâu đó sáu bảy năm rốt cuộc cũng xin được về tổng công ty trên thành phố. Nghe đâu còn sắp cưới cháu gái một trưởng phòng. Cái nón lá trên tay tổ trưởng bữa đó ào ạt quạt mồ hôi, quạt bay quạt biến luôn cả nỗi buồn.
Ngày tổ trưởng gần sinh, bụng thè lè còn vác ra ngồi hốt muối. Chị em người nọ người kia rầy: "Không thương mày thì cũng thương con!". Tổ trưởng cười tỉnh queo: "Con của thứ đồ bạc bẽo thương làm chi cho mệt". Vậy mà giờ nắng chớm đứng bóng đã nhấp nhổm lén xoa xoa bầu ngực căng sữa: "Mấy chị làm tiếp giùm em. Chạy về cho thằng nhóc bú chút. Sáng giờ chắc đói lắm rồi. Tội nghiệp". Ngó cái dáng tổ trưởng tất tả bỏ quang gánh, băng băng trên những đồng muối chứa chan nắng, có người đưa tay tém mớ tóc khô queo lên vành tai bết bát mồ hôi, đôi mắt kéo vệt chân chim nứt nẻ cho một nụ cười:
- Thấy nó mà phát ham. Phải chi cũng có ông nào bạc bạc với mình...
Bâng quơ đôi chút đó, rồi thôi. Rồi những tấm lưng lại oằn xuống để những đôi quang gánh đầy vun muối thẳng lên. Những long lanh trong đôi mắt thu lại nhường chỗ cho nắng, cho những con đường ruộng cỏ ngậm đầy muối, cho những trập trùng trắng xóa chạy vào trong những ánh nhìn.
Đồi muối xung quanh chị bao lần vun lên. Thanh xuân của những người đàn bà xung quanh chị bao lần vơi bớt. Cả chị cả họ đều không nhớ nữa. Chỉ biết đôi lúc chạm phải mặt nhau. Một gương mặt trần, không che đậy khẩu trang, nón lá. Một gương mặt hằn những dấu vết của thời gian. Chợt ngỡ ngàng, rồi thẫn thờ về lặng trước gương. Nhận ra thanh xuân mình dần chỉ là những đường nét mờ nhạt xa xôi.
Tổ trưởng ôm con đả đớt:
- Mai mốt cu Tí lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ với mấy dì nghen. Mẹ với mấy dì gánh muối riết lưng ai cũng muốn gãy làm đôi rồi.
Chị rướn giọng để tiếng nói vẳng đến tận buồng trong:
- Ừa. Đẻ con trai dì còn có hy vọng được nhờ. Chứ thứ con gái khôn nhà dại chợ có đẻ nó ra cũng chỉ biết làm khổ mẹ mà thôi!
- Thôi chị… Lỡ vậy rồi. Cắn đắng nữa chi cháu nó tủi thân. - Tổ trưởng bấm cánh tay chị, nhẹ nhàng.
Bật ra một tiếng ho khan, chị vẫn nghe cảm giác tưng tức nghèn nghẹn trong lồng ngực. Cơn khó chịu này mấy ngày rồi sao mà không trôi đi cho. Cứ lắm lúc làm mắt chị cay xè, miệng chị chỉ muốn bật ra lời đay nghiến, chát cay.
Mai con bé về nhà bên kia rồi.
Nhà bên đó chị biết. Làng biển đó chị biết. Cũng những người đàn bà để xuân sắc mình rơi trên những ruộng muối, những tấm lưới cá và những buổi chiều hóng mắt đợi chờ về phía biển. Cũng những người đàn ông hòa trong nước biển mồ hôi và có khi cả máu của mình. Cũng những đứa trẻ đen nhẻm bụng ỏng eo lê la hết bãi đá này sang hốc đá nọ tìm gỡ những con sò. Cuộc sống đó đâu phải là cuộc sống chị muốn cho con gái chị, báu vật suốt một đời của chị.
Tâm trạng ngày xưa lúc mẹ để chị lấy chồng liệu có phải cũng ngột ngạt bức bối trong ngổn ngang âu lo như thế này chăng. Trách chi tiễn chị ra đầu ngõ bà lại khóc. Để nước mắt chảy vào đời chị, vào tuổi già bà luênh loang mãi không thôi.
* ***
Gà eo óc gáy tiếng một đầu làng. Con gái không biết nghĩ gì tốc mùng ngồi đờ đẫn miết trên giường. Rồi dè dặt, ngập ngừng nó lần sang giường mẹ, thẹn thò đưa cánh tay tròn lẳn vòng ngang bụng chị. "Mẹ nằm yên cho con ôm mẹ một lần". Nước mắt bỗng đâu tứa ra đầm đìa trên khuôn mặt, không buồn quệt, chị cúi cái mặt tèm lem nước xuống tóc con. Mười tám năm rồi. Mùi phấn rơm, mùi những sợi tóc tơ mềm dịu thơm mùi sữa sao cứ phảng phất đâu đây. Từ màu tóc hung hung loe hoe vài sợi chị nuôi đến tóc bum bê tròn ủm kẹp được trên mái một cái nơ. Từ tóc ngắn buộc thun cháy vàng khè chị gỡ chải biết bao lần đến mái tóc dài đen mướt thiếu nữ. Sao lần nào áp mặt lên tóc con chị cũng nghe mỗi một mùi sữa non thơm dịu ấy.
Con gái vẫn không rời vòng tay mẹ cằn cỗi khô đét. Chị nghe lồng ngực già nua mình ướt đẫm dịu mát trong tiếng con thổn thức: "Mẹ đừng giận con nữa nghen mẹ. Con sẽ ráng sống hạnh phúc, mẹ à!".
Ừ. Phải sống hạnh phúc. Thật hạnh phúc đấy con. Báu vật cả một đời của mẹ.
Con đường mẹ đi trúc trắc chuệch choạc mà sao con ngu khờ giẫm lên lại làm gì hả con? Mẹ muốn giận con. Muốn ghét con. Nhưng trái tim người mẹ nào sắt đá được với máu thịt mình đã dứt ruột ra. Một giọt nước mắt con chảy vào ngực mẹ là bao nhiêu chát mặn đắng cay, mẹ khóc vì thương, vì lo cho con ròng rã mấy đêm rồi, con làm sao biết được.
Nhắm mắt, những lời chị muốn nói với con cứ dồn lên, chất chồng nhiều thêm, nhiều thêm mãi. Tất cả lẫn lộn, đặc nghẹt tâm trí chị đến nỗi chị không biết phải bắt đầu từ đâu, tự lúc nào. Những lời nói treo dày trong mắt, trì níu nặng trịch làm những cơ mặt giần giật, chen chúc lắp kín khít nơi cửa miệng.
Cuối cùng, nghèn nghẹn, chị chỉ thốt được một câu: "Ừ. Mẹ biết…". Rồi hững lại, nuốt trọn tất cả vào trong ý nghĩ, khi bên ngoài những tia sáng yếu ớt nhợt nhạt đầu tiên đã le lói qua khe cửa khép.
Vòng tay ôm con gái chặt hơn, chị nằm đợi mặt trời.

*
Đám rước dâu qua đồng muối giữa lúc nắng đương rót mật vàng chói lọi.
Màu nắng ngọt trộn lẫn hòa quyện, làm những ngọn đồi muối sáng lên lấp la lấp lánh trong ánh nhìn của chị dõi theo đoàn người dần đi về phía xa xa.
Màu áo đỏ cô dâu bắt nắng rực lên rạng ngời giữa bạt ngàn màu muối. Con bé cứ như một đốm lửa nhỏ trôi miên man giữa một dòng trắng mượt mà óng ánh.
Ngọt lửa nhỏ vẫn ngày ngày sưởi ấm trái tim chị. Xa mẹ rồi con có còn rực rỡ, lung linh.
"Giờ khóc được rồi đó. Chị khóc đi!" - Tiếng tổ trưởng thân quen khẽ khàng bên tai chị. Quay mặt, vẫn còn nguyên trên môi nụ cười lúc đưa con đi, chị thả rơi những giọt nước trào ngược ra khóe mắt. Những giọt nước cứ thế ròng ròng chảy trước những ánh mắt, những bàn tay đàn bà thô ráp khẽ vỗ về.
Con sẽ hạnh phúc thôi mà, phải không con? Khi nhận chén trà từ tay con trước bàn thờ bà nội, bàn thờ ba, khi tiễn con ra ngõ, mẹ đã chỉ nhìn con bằng một khuôn mặt rạng rỡ mỉm cười.
"Hạnh phúc nghe con, đừng như mẹ".
Vẫn đứng bên cái cổng rào vòng vèo giăng mắc những hoa lá, những xác bóng bay sặc sỡ màu mè, chị thì thầm với chính mình, với ngọn gió lật phật luồn qua tấm biển Vu Quy đỏ thắm và với màu muối mênh mông trải dài trắng xóa đến tận chân trời.
Nguyễn Thị Kim Thoa

Trong gian khổ đậm đà hương vị muối,
Giờ mới hay vốn quý của thế gian...
Muối trên tay là cả một thiên đàng,
Hoa của biển ngọt ngào bao tình nghĩa !!
NM

Muối Mặn Tình Người

Súng nổ rộ hai bên bờ sông gần cửa biển Ba Hòn. Mọi người chưa kịp hoàn hồn nhìn xem chuyện gì xảy ra thì đã thấy hai chiếc tàu vọt - loại nhẹ chạy bay trên mặt nước - không biết từ đâu hiện ra, kè sát hai bên chiếc ghe gắn máy nhỏ chở người đi vượt biên ra tàu lớn ở ngoài khơi. Lịnh truyền gay gắt ban ra :
- Ngồi im! Không được nhúc nhích! Không được nói chuyện!
Thôi, thế là hết! Thảo nhủ thầm. Đi đâu không đi lại đi ngay vào tù. Thảo thấy lòng nặng trĩu, não nề, cổ như nghẹn lại, ngực như bị đá đè. Hai mắt Thảo cay xè, miệng mặn chát mùi vị nước biển văng lên bởi vì sự chạy nhanh và thắng gấp của hai chiếc tàu công an. Khi Thảo nhận ra mình đã nín thở từ nẫy giờ thì cũng là lúc Thảo thấy bàn tay đang nắm chặt lá thư gấp nhỏ, do một vị có uy tín viết để gửi gắm Thảo cho chủ tàu. Tờ thơ ướt sũng nước cũng như đầu cổ, tóc tai và quần áo của Thảo vậy. Thảo tính toán thật nhanh trong đầu : phải thủ tiêu tờ giấy để tránh liên lụy cho người khác. Nhưng làm cách nào đây? Khoảng trên dưới mười cây súng chĩa vào, hai mươi mấy con mắt nhìn như thấy được ý nghĩ ở trong đầu và những món để ở trong túi của đám vượt biên dưới tàu. Chỉ còn một cách duy nhất. Thảo đưa hai tay chắp lại trong có tờ thơ vo nhỏ lên ngang ngực như cầu nguyện, rồi rất từ từ đưa lần lên đến miệng. Khi tang vật vào trong miệng rồi, tuy ướt nhưng vẫn còn cứng ngắt, thì Thảo vận dụng tất cả tài khéo léo của một con chiên ngoan đạo, nuốt nó vào bụng như nuốt bánh lễ mà không được nhai để tránh làm tan nát mình thánh Chúa vậy. Nuốt xong rồi Thảo mới cảm nhận được tất cả cái vị mặn đắng chát của muối trong nước biển. Thảo triết lý vụn : đi vào tù để tìm tự do như thế này cũng đủ cay đắng lắm rồi, ai mà cần chi thêm muối mặn! Nhưng đó là vào cái lúc đang đau khổ, tuyệt vọng thôi. Sau này, khi ở vào thời điểm khác thì muối lại gắn chặt nồng nàn vào cuộc đời còn lại của Thảo.
Đường đi vượt biên khó khăn, trục trặc trắc trở bao nhiêu thì đường đi vào tù lại dễ dàng, nhanh chóng bấy nhiêu. Thật vậy, Thảo được đưa đi vùn vụt từ nhà tù Kiên Lương sang Khám lớn ở Rạch Giá vì lý do Miên Đỏ đánh phá khốc liệt Hà Tiên và các vùng phụ cận... Rồi vì nạn nhân mãn của nhà tù, và cũng vì có cùng cái duyên "phong trần" của Thúy Kiều bám theo, nên Thảo được lênh đênh theo sóng nước sông rạch miền Tây đưa đẩy vào tận nhà tù ở Kinh làng thứ Bẩy vùng U Minh Hạ. Ở đó Thảo bắt đầu cuộc sống thật sự của một tù nhân chính hiệu. Tuy nhiên, điều này không nên nhắc đến nữa, vì số đông bạn bè cũng đã được nếm qua. Điều Thảo muốn nhấn mạnh ở đây là năm đó là năm miền Tây bị thiên tai, bão lụt thê thảm. Nước mênh mông, lênh láng lên cao hơn cả thước ở các tỉnh Rạch giá, Long xuyên, Châu đốc. v.v...nên sự di chuyển và tiếp tế rất ư là khó khăn, hạn chế. Những ngày đầu tù nhân còn được ăn trưa một chén cơm độn khoai lang, khoai mì mốc, chiều một chén cháo. Nhưng dần dần về sau, chưa có tiếp tế nên khẩu phần còn lại ngày một chén cháo "phù sa". Đây là loại cháo cũng giống như nước sông Cửu Long đang cuồn cuộn đổ xuống miền Tây vậy. Nếu lấy vải mùng dầy mà lược thì sẽ thu hoạch được một chút xíu chất mùn phù sa mịn màng. Nhưng ở cháo này thì chất mùn là do một số lượng rất ít gạo tan nát và hòa lẫn trong một nồi nước mênh mông như biển nước chung quanh trại tù.
Như tất cả tân tù nhân khác mới đến trại đợt này, Thảo chưa có thân nhân thăm nuôi. Lại bị trễ kỳ cấp phát lương thực gồm nửa lít nước mắm một tháng, nên Thảo phải ăn cơm cháo lạt mà thôi. Dĩ nhiên là mọi người đều thèm thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng và được nêm nếm đậm đà bởi muối và nước mắm. Nhất là Thảo, vốn dân miền biển có nhiều hãng nước mắm, đặc biệt là có những ruộng muối vuông vức dọc theo đường lưu thông, ngoằn ngoèo ôm sát chân núi và trải ra tiếp giáp tới mặt nước ngoài bờ biển. Lại thêm lọt vào cảnh nhà nghèo đông con, nên trong bữa ăn ở nhà Thảo không bao giờ thiếu hụt cái hương vị đậm đà của muối cả.
Thức ăn mặn đỡ hao. Của không ngon nhà đông con cũng hết. Mẹ Thảo thường nhắc nhở câu này. Bởi thế, Thảo nhận xét, chị em Thảo đâm ra mặn mòi trong mọi khía cạnh. Từ vị giác thâm hậu, chịu được nồng độ muối cao, cho đến cái lối nói chuyện pha nhiều muối mặn hơn đường mật ngọt ngào. Và đặc biệt hơn, không biết là do nhiều muối trong cơ thể, hay vì tiếp xúc thường xuyên với gió biển có pha muối mà chị em Thảo người nào cũng có nước da mặn mà, đen óng ả như con gái xứ chùa tháp Cam pu chia. Thế nên, một tuần...hai tuần...rồi ba tuần thiếu muối Thảo đâm ra ngán ngẩm cái chuyện ăn uống thanh tịnh, lạt lẽo này quá mức.
Có lẽ vì thiếu căn tu, không có duyên số được vào Niết Bàn nên Thảo bỗng nhiên biến thành kẻ ăn chay mà...vọng mặn. Nhiều lúc Thảo bắt gặp mình lén lén nhìn vào dĩa thức ăn của những người tù cũ khá giả hơn, hoặc dán mắt lên chai nước mắm để cạnh đầu giường của láng giềng bên cạnh. Đến tuần lễ thư tư thì cái hy vọng được thăm nuôi tiếp tế mòn dần. Thảo lý luận : mình bị di chuyển vùn vụt như người chạy loạn năm 75 từ nơi này sang nơi khác thì làm sao bố mẹ tìm ra được, lại thêm lụt lội mênh mông, tàu bè đi nguy hiểm nữa! Trong lúc càng cầm chắc mình sẽ là tù nhân mồ côi thì đêm đêm Thảo lại càng thao thức, trằn trọc. Hết nghĩ gần rồi lại nghĩ xa. Thảo tội nghiệp bố mẹ chắc phải một phen lo lắng, sợ hãi đến bạc đầu thêm. Tự hỏi không biết mình ở tù đến bao lâu? Ăn chay lạt đến bao giờ?
Đứng tựa cổng rào nhà tù, nhìn bốn bề nước ngập lênh láng, ngửi mùi hăng hắc, thum thủm của nước phèn hòa lẫn bùn non - do thực vật thối rữa lâu ngày của vùng U Minh, Cà Mau - mà Thảo vẫn chắc là mình có thể phân biệt được rõ rệt mùi vị khác nhau của các món ăn. Từ cá khô nướng, mắm ruốc xào sả ớt, đến mùi nước mắm kho tiêu mặn quắn lưỡi của những sản phụ mới sinh. Mùi cay. Mùi nồng. Mùi đắng. Mùi ngọt. Mùi chua. Mùi chát. Mùi mặn....À, Thảo liên tưởng đến 36 thứ muối. Từ muối bọt trắng tinh mịn màng đến muối tán hột nhỏ li ti màu nâu nâu, bắt qua muối hột to to với những tinh thể óng ánh, cạnh sắc bén có màu nâu đậm. Ôi chao! Thảo nhớ ơi là nhớ! Nhớ đến những ruộng muối có từng ô vuông nho nhỏ nằm chen nhau, cái cao cái thấp, cái khô, cái xăm xắp nước, chạy quanh co theo con đường từ Ba Hòn về hướng Hà Tiên. Thảo tự trách mình sao lúc trước lại quá bất công, cứ chê trách những ruộng muối dơ bẩn, đen đúa làm mất vẻ thẩm mỹ của phong cảnh bờ biển. Giờ đây nếu có dịp đứng trước những ruộng muối này, Thảo sẽ nhìn nó với ánh mắt thiết tha, trìu mến. Sẽ trân trọng quý báu cái chất liệu tầm thường nằm trong những ô vuông xinh xắn đó. Đêm đó, và là đêm đầu tiên trong đời, Thảo nằm chiêm bao thấy mình giàu có hơn tất cả mọi người giàu : Thảo ăn cơm với muối!
Ai có từng sống thiếu chất muối mặn một thời gian dài trong khi phải lao động nặng nhọc, vất vả dưới trời nóng bức, nắng đổ lửa, mồ hôi mồ kê tuôn dầm dề cả ngày thì mới thấy thèm khát muối, cần thiết muối. Thức ăn có chút muối vào sẽ biến đổi cả mùi lẫn vị. Đang nhạt nhẽo như nước ốc bỗng trở nên đậm đà. Đang lạnh lùng, vô vị như ngó môn, dọc mùng bỗng trở nên nồng nàn, thắm thiết. Muối mặn ngọt ngào len lỏi vào khắp các tế bào trong miệng của Thảo, lan dần vào cổ họng, rồi trôi tuốt xuống bao tử. Thảo cảm nhận thấm thía từng nguyên tử muối li ti. Ôi muối! Là nguyên nhân chánh làm cho thức ăn trở nên ngon lành. Là hương vị đậm đà của đời sống. Là nhu cầu căn bản của con người. Là chân lý. Là lẽ sống. Là châu báu của thế gian. Là...
- Ủa, Thảo! Mầy đi đâu dzô đây dzậy?
Đang thả hồn mơ màng theo tình yêu...muối, có người hỏi đến làm Thảo chới với, giật bắn người lên.
- Ô, thiếm Bảy! Sao thiếm cũng vào trong này?
- Ối, chiện dài lắm mầy ơi. Tóm lại là tụi nhỏ đi hết ráo. Tao cũng đi theo. Nhưng lúc ra tới tàu lớn tao chợt nhớ tội nghiệp mồ mả ông bà mồ côi hổng ai nhang khói tao mới quá giang ghe lội trở dzô đó chứ. Ai dè tụi nó cũng bắt nhốt tao nữa, thiệt hết nói nổi.
Thiếm Bảy là người hàng xóm với gia đình Thảo khi xưa. Nhìn bà già đã ngoài tám mươi, đầu tóc bạc phơ, miệng móm xọm mà còn ở tù, Thảo thấy xót xa, ngậm ngùi nên dò hỏi :
- Thiếm Bảy có khỏe không? Đi hết rồi thì có ai vào thăm nuôi thiếm vậy?
Thiếm Bảy rơm rớm nước mắt, lấy tay quệt cỗ trầu dính hai bên mép, rồi kể lể
- Thì có ông Tư Kèo ở kế bên đó. Ổng chịu khó lặn lội dzô thăm tao lâu nay chớ còn ai. Tội nghiệp ổng, hồi đi ổng khuyên tao thôi già rồi, ở lại bậu bạn dzới ổng chứ đi làm chi. Tao bỏ xấp nhỏ hổng đành...
Rồi ngừng một chút cho giảm bớt sự xúc động, thiếm Bảy kể tiếp
- Có ngờ đâu ra nông nỗi này!. Cũng may trước khi đi tao có gửi lại ông Tư một mớ để phòng cơ. Bây giờ ổng lấy bán đi để thăm nuôi tao. Nhờ dzậy tao mới mua được mấy miếng trầu nhai cho đỡ ghiền đó mầy ơi.
Như chợt nhớ ra điều gì cấp bách, không cho Thảo chêm vào, thiếm Bảy hỏi tiếp
- Dzậy chớ có ai dzô thăm nuôi mầy chưa?
Thảo thật thà kể lể
- Dạ chưa thiếm Bảy à, con bị đưa đi hết chỗ này tới chỗ khác liền liền nên chắc ba má con không tìm được.
Thiếm Bảy thở dài ái ngại
- Mèn đét ơi! Tội chưa! Ở đây mà hổng có thăm nuôi thì khổ chết. Đồ ăn mình phải tự túc. Một tháng có nửa lít nước mắm thúi thôi ăn gì đủ chớ. Ai có tiền cũng lo thủ thân. Mà mầy hổng biết chớ muối ở đây mắc hơn dzàng đó.
Thảo được dịp trút nỗi tơ lòng
- Dạ con biết. Muối mắc và quý hơn vàng. Mấy tuần nay con toàn ăn cơm với cháo lạt. Hồi đầu còn ráng chịu cho quen, bây giờ thèm muối và nước mắm gần chết.
- Tội quá cỡ hông!. Phải chi tao không bị cảm cúm nằm liệt giường mấy hổm rày, tao chun ra ngoài thì gặp mày sớm rồi. Thôi mầy đứng đây chờ tao một chút nghe. Đừng có đi đâu hết á.
Thảo chưa kịp phản ứng gì thì bà Bảy đã ngoe nguẩy bỏ đi. Độ năm phút sau bà trở lại với một gói nhỏ cầm trên tay và dúi vào tay Thảo
- Nè, mầy cầm lấy đi. Tao còn cho mầy thêm ít tiền để mua đồ ăn cho đỡ thèm dzới người ta nữa nè. Chừng nào tao có nữa tao cho mầy thêm.
Thảo đứng tần ngần, tay cầm gói giấy học trò gói vuông vức, mỏng và nhỏ độ 4 hay 5 phân trong chứa chất muối mà Thảo thường mơ ước. Nghẹn ngào đến không thốt nên lời. Thảo vừa cố ngăn chận cho nước mắt khỏi trào ra vừa đánh vật với lương tâm. Nhận hay không nhận? Cuối cùng, vì nhu cầu của cơ thể, vì bản năng sinh tồn tự nhiên của con người, Thảo đành phân trần với thiếm Bảy
- Con xin thiếm Bảy gói muối này thôi. Cám ơn thiếm Bảy vô cùng. Còn tiền thì con xin thiếm Bảy nhận lại để có mà mua thức ăn, thuốc men và trầu cau. Vả lại chắc ba con cũng sắp vô thăm rồi.
Sau khi giằng co qua lại, để Thảo năn nỉ hết lời một lát thiếm Bảy mới nhận lại tiền và bỏ về trại. Thảo về đến trại của mình thì cũng đúng lúc kẻng báo ngủ vừa đổ. Với tâm trạng của một người sung sướng, mãn nguyện nhất trên đời vì đã đạt được cái mình cần thiết và ước muốn, Thảo leo lên giường ngủ mà tay hay còn mân mê gói muối đang nằm gọn trong túi. Nằm chờ mỏi mòn cho đến khi hai người bên cạnh vừa tắt đèn thì Thảo ngồi bật dậy như cái lò xo, móc gói muối ra và mở một cách trịnh trọng. Thảo liếm một chút nước miếng cho hơi ướt đầu ngón tay trỏ. Rồi, với cử chỉ trang nghiêm và thiêng liêng - như một vị linh mục đang hành lễ rửa tội, đã dùng ngón tay chấm muối và để lên môi đứa trẻ trước khi nó trở nên một tín đồ công giáo - Thảo chấm ngón tay vào muối và từ từ đưa lên miệng. Làm như lo sợ sẽ có vài hột muối rớt ra ngoài, Thảo phải mím chặt hai môi vào ngón tay và giữ y như vậy. Chưa bao giờ vị giác của Thảo nhạy bén như lúc này. Thảo cảm nhận được hết cái vị mằn mặn nồng nàn, cái đậm đà ngon ngọt của muối. Cái giây phút thần tiên, tuyệt diệu mà suốt đời Thảo không quên. Hương vị muối làm tê tê đầu lưỡi, lăn tăn lan rộng dần, rồi hòa cùng nước miếng thấm vào tận từng tế bào trong miệng. Thảo cố kéo dài giây phút quý báu này một lát rồi mới nuốt xuống bụng. Dường như sợ phí chút vị mặn có thể ngấm vào da tay nên đêm đó Thảo ngủ với ngón tay còn ngậm nguyên trong miệng. Thảo giật mình thức dậy khi nghe tiếng kẻng gay gắt bên tai và có cảm giác mơ hồ như mình vừa trải qua giấc chiêm bao được ăn muối. Khi mọi chuyện từ từ hiện ra rõ rệt hơn, Thảo vội thò tay vào túi xem thử gói muối có thật hay giả. Cầm được gói muối rồi mà Thảo vẫn chưa tin hẳn nên vội mở ra xem cho kỹ hơn : trước mắt Thảo là những hạt muối nõn nà.... Mấy khi đời người mới được đãi ngộ một thứ hạnh phúc tuyệt vời như vậy chứ?

Dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào Thảo cũng cảm nhận được cái ngon, cái cần thiết và cái giá trị quý báu của muối cũng như của tình người. Đúng một tháng sáu ngày sau thì Thảo được tiếp tế từ gia đình. Có tiền rồi và ra tù rồi thì muối trở nên bình thường như những thứ khác. Nhưng chia xẻ cho nhau trong lúc thật hiếm muộn, thiếu thốn thì quả là một nghĩa cử, một sự thi ân mà người nhận khó quên. Gói muối của thiếm Bảy đã tăng thêm hương vị đậm đà cho cuộc đời bôn ba thăng trầm của Thảo. Đã ảnh hưởng phần nào đến ý nghĩa sống, nhân sinh quan và cách đối nhân xử thế của Thảo sau này nữa, nhất là ở trên cái đất Mỹ nhiều tiền nhưng ít tình nghĩa này. Có ai hỏi Thảo " cái gì ngon nhất trên đời ", Thảo đã, đang và sẽ xin thưa "đó là muối". Muối ngon vì đã đem lại hương vị tuyệt vời cho vị giác. Muối quý vì cơ thể cần. Và muối muôn đời khó quên vì "muối mặn tình người"

Dân Miệt Thứ


Muối Và Mẹ

 Dưa cà mắm muối

Ông bà đi một tháng thăm mấy cậu dì học xa. Kinh nghiệm những lần trước nhà thiếu bà như quân thiếu tướng, bừa bãi chồng lên nhau một tí, bẩn quệt lên nhau một tí, không lâu trong nhà ngoài vườn thừa điều kiện đón bà về bằng nỗi bàng hoàng. Lần này bà dặn vợ chàng, "Mẹ đi cuối tuần chị chịu khó ghé xem trong ngoài hộ mẹ." Cậu em cười, Chưa chi mẹ lo cái vườn đấy." Bà gắt, "Liệu mà lo cơm nước cho bà cố." Chàng bảo vợ, "Dưới vòm trời đâu có mẹ có vườn đó có chút quê hương." Mấy đứa cháu nhỏ bà gom về hết. "Các anh các chị bận đi làm," bà bảo, "hè cứ đem hết về đây cho bà trị." Thằng út chàng nằm trong số gom quân. Dì út nghiễm nhiên xử lý thường vụ chức tư lệnh. Bảng phân công gắn trên tủ lạnh. Lính tráng tuân lệnh răm rắp. Cuối tuần ghé, nó cầm vòi tưới, khoe, "Con phải làm thôi. Thằng Khôi to con lo cắt cỏ. Cái Vân tưới dối, chết cây bà." Chàng hỏi, "Thế tưới sao mới thật?" Nó bảo, "Thọc hết ngón tay xuống vẫn ướt mới đủ." Vợ chàng nói, "Bà bảo không sai. Thằng này tóc quăn, sau lại khổ." Chàng nói, "Cỡ bố nó là cùng." Vợ chàng cười, "Tóc anh hết quăn rồi." Chàng thở ra, "Hói còn quăn vào đâu!"
Tưới đều thế mà mấy gốc dưa gang, nhất là mấy luống cà bát cà pháo chưa ra hoa. Bà cố ra vườn bảo, "Năm nay dám mất mùa cà. Giờ chưa ra hoa mát trời sợ hỏng." Chàng nói, "Chắc do thời khí, hai năm trước cũng vậy đó bà." Bà cố hỏi, "Thế hai năm trước cũng mất mùa à? Bà chẳng nhớ đâu đấy." Chàng chỉ con, cười, "Quên gì bà hỏi thằng này. Nó nhớ dai lắm. Mê món cà bung nó nhớ hết." Bà cố quay vào, lẩm bẩm, "Té ra ở Mỹ đáng quên là con gà đáng nhớ là quả cà, lạ đấy nhỉ!"
Chàng nói với cậu em sắp lấy vợ đang ngồi sang lại mớ băng chuột mèo, "Nhớ lấy, mai mốt bảo mợ ấy trồng cà." Cậu em cười tít mắt dúi mũi vào máy. Chàng nghĩ cậu này sẽ không nhớ chuyện cà nhưng rồi cũng khổ. Cậu đang cố lưu giữ loại hoạt hoạ nay không còn trình chiếu phổ thông, ý để cho lũ con tương lai hưởng được tiếng cười thời các cháu cậu đã hưởng. Vợ chàng cự nự, "Cậu ấm ớ." Chàng không can thiệp nhưng nghĩ đàn bà không hiểu với đàn ông dĩ vãng chẳng riêng đẹp còn cần. Cậu em đang sốt sắng giữ một dĩ vãng gần. Thế hệ chàng nôn nả với dĩ vãng xa.
Xưa còn sống mẹ chàng hay ăn cơm với trám muối, nhất là dưa muối xổi. Cha chàng lại thích cà. Quanh năm nhà có những vại cà nén. Mỗi khi gắp miếng cà lên cụ thường bảo, "Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon." Trải bao loạn lạc, bồng bế nhau vào Nam, ê răng, cụ thôi ăn cà nén xoay sang ăn cà pháo ngâm tương. Cụ thường muối lấy, ngâm lấy; và khi gắp quả cà lên vẫn lời xưa ý cũ: "Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon." Mấy chú mấy cô sau lập gia đình ở riêng, thấy cũng muối cũng ngâm cà kiểu ấy, nói câu ấy.
Ở Mỹ có đủ thứ nhưng đâu phải nhất nhất tìm ra miếng hổ phách để giải thích cho lũ trẻ miếng cà ngon phải như thế nào. Vả giải thích ích gì khi chúng nhai dưa chuột muối rau ráu, chép miệng chơi cũng hết lọ ô-liu, có khuyến khích nhai thử quả cà chỉ ngao ngán đưa nhận xét "vừa dai vừa chẳng mùi vị gì bố ạ." Chàng kiên nhẫn bảo, "Cà Thái đóng lọ nó thế. Phải trong như..." Mới đây vợ chàng bật cười cắt ngang, "Cuối tuần này chắc khỏi về bà." Chàng hỏi, "Sao thế?" Nàng đáp, "Kẹt chị Kim hẹn đem nhẫn lên cho xem. Năm ly thôi. Em phải lo trước. Cứ để cậu ấy loay hoay phút cuối thiếu nhẫn cô dâu thì chết." Chàng nhớ đến bà bạn già vui tính. "Từ San Diego lên à?" Chàng hỏi. "Dặn chị ấy đi xa đừng mang nhiều món, cướp bóc như rươi." Như chưa thoát khỏi từ trường mấy chiếc nhẫn, vợ chàng kể, "Kỳ trước em xuống chị ấy cho xem toàn hột nước trắng, dầu hoả thích hơn." Chàng cười, "Cứ nước này nước nọ, chẳng hiểu gì." Vợ chàng dấm dẳng, "Đàn ông!" Đứa lớn như từ lâu đợi bố lọt ổ phục kích, cười chen, "Kim cương với bố như cà với con, cứ hổ phách hổ phách con cũng chẳng hiểu gì."
Khi không chàng buồn hụt hẫng.
Đầu tháng chín ông bà về tới. Mấy đứa bé như có chỗ trút một gánh nặng. TV thoải mái, game thoải mái. Dì út tíu tít khoe thành quả tề gia nội trợ. Cậu em tạm rời giàn máy hát, nằm võng sau nhà nghiền ngẫm quyển "Yêu Con Như Một Người Cha Lớn" của một tác giả Á châu nào đó. Bà cố vẫn thủng thẳng ra vào, độc thoại, "Ở thì nhớ mồ mả, về thì nhớ cháu con, chẳng biết định sao nữa." Ông thì trở lại với những giáo trình soạn dở. Chỉ bà xắn tay lao tiếp vào những công việc quen thuộc mà giá có thọ trăm tuổi tưởng vẫn thiếu thì giờ hoàn tất. Thấy vợ chồng chàng lên, bà hỏi, "Sao dạo này anh gầy thế?" Chàng tính đáp "con mất ngủ quá" nhưng vợ chàng đã nhanh nhẩu đáp, "Có chịu ăn đâu mẹ. Gàn lắm. Cứ bảo gốc nông dân, toàn mơ cua đồng mồng tơi rau đay mướp hương và cà... và phải trong như miếng hổ phách cơ!" Bà nhìn vườn cười bảo, "Thoại được việc, hy vọng có ít quả ăn ghém."
Rồi cả nhà rộ lên chuyện cô dâu chú rể trong mâm cơm rôm rả tiếng cười. Chàng ăn xong ra vườn đứng hút thuốc. Gió như bước chân mùa thu khẽ tới. Hoa lá co cụm lời thủ thỉ vĩnh biệt nhau. Chàng không biết chia với ai mối lo xương thịt. Mấy ngày trước điện thoại về Việt Nam chàng hay tin cụ vào bệnh viện. Chú em trấn an, "Cậu vẫn gắt, nói nhạt miệng thèm cơm cà, vậy vẫn khoẻ anh cứ yên tâm." Chàng tính nhắc "quả cà bằng ba chén thuốc" nhưng lan man chuyện khác, quên mất. Nhớ tuần trước nữa được nói chuyện với cụ, chàng nói sẽ về thăm, cụ lặng giây lâu, giọng thều thào, "Nghe nói lại phải xin xỏ, cam kết, quỵ luỵ..." Cụ ngừng, còn chàng thì bâng khuâng mãi. Phải đó là thứ sau cùng ở mỗi người cha mà thời gian không thể làm tiều tuỵ?
Trời trùng hẳn. Gió thổi mây xoắn xít. Và lòng chàng cũng xoắn xít một nỗi thương nhớ lộn màu thấm thía lo âu.
Nhớ hôm ấy chàng về tới nhà đã chạng vạng. Mấy đứa lớn hết hè trở lại các trường phương xa từ tuần trước. Vợ chàng và thằng út nán lại nhà ông bà bàn thêm chuyện cưới hỏi.
Chàng đứng ngoài ban-công nghe tiếng quạ kêu trên mấy ngọn cọ, bất ổn. Mai mình sẽ hỏi một hãng du lịch xem sao, mua vé về tưới chuyện gì hậu xét. Tưới cho mấy chậu ớt ít nước chàng mới mở cửa. Đang khi loay hoay xỏ chìa khoá chàng thấy trên cửa gắn miếng giấy nhỏ. Miếng giấy mang chữ ký người anh họ viết vội: "Gọi mãi không ai bắt phone. Anh chị đến cũng không gặp. Báo chú biết cậu mất rồi."
Khi không chàng không biết mình đang đứng bên mặt nào của cánh cửa; hồn tênh hênh, nhẹ hẫng, trong như miếng hổ phách. Cũng khá lâu chàng thấy bầu trời nhá nhem thoắt đổi thành màu hoa cà mênh mang, rười rượi, trễ tràng. Chàng bấm ba lần mới gọi trúng số nhà cha mẹ vợ.
Chín giờ sáng hôm sau chàng mới choàng dậy, ngửi thấy mùi hương nến phòng ngoài, lòng hoang mang không hiểu sao lại có thứ giấc ngủ bất nhân. Tối qua quên chàng đâu uống thuốc. Nắng lách màn gió đặt một dải tang trên bàn.
Con chàng khẽ mở cửa, mắt bối rối, một lát nói nhỏ:
"Mẹ đi mua hoa. Ông bà gọi lúc bố còn ngủ. Tối qua bà bảo bói mãi mới được mấy quả, đem hết về cho bố. Bói là gì bố?"

Chàng cay mắt nhìn con, bất giác thấy có gì xông lên mũi, hăng hăng, mặn mòi, tựa mùi dưa cà mắm muối.
Sưu tầm
Alhambra 10-95