Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Nhạc - Thơ -Văn Huyền thoại núi


 Bài Ca Trên Núi

 Nhạc Rừng Khuya; Đoàn Người Lữ Thứ

Hình ảnh có liên quan
Tìm về Vô ưu
Một phút tu nóng vội,
Khiến tâm phải xa rời...
Đắm chìm trong bể khổ,
Cả cuộc đời chơi vơi !!

Đêm nghe tiếng hạc bay qua,
Ng như ta đã lánh xa bụi trần !
Nào ngờ một phút bâng khuâng...
Đắm chìm trong cõi hồng trần u mê !!
Bao giờ quay lại nẻo quê ?
Tránh xa tục lụy tìm về vô ưu !
NM
Kết quả hình ảnh cho tranh vẽ phong cảnh miền núi
Ngôi chùa cổ dưới chân núi Lĩnh Nam
Ở phía Đông chân núi Lĩnh Nam có một ngôi cổ tự, vào năm câu chuyện này xảy ra nó đã cũ lắm mà câu chuyện thì cũng cách ngày nay những mấy đời người. Đến ngày Phật tử hoằng dương kính tín, nó mới được xây cất lại trên nền chùa xưa. Sư thầy Nhất Tâm được hoà thượng trên chùa tỉnh phái về nắn lại hướng chùa rồi ở luôn trông nom việc xây cất. Lão thợ cả bàn:
- Chùa cũ quay hướng Đông Nam, lưng dựa vào núi, mặt nhìn xuống suối trong. Hà cớ gì sư ông muốn xoay hướng Bắc, nửa chùa phải nằm trên chỗ đất mượn, đất mượn thì đất mượn, đã vào tay tôi thì bảo nó lún nó cũng không lún; nhưng nom thế chênh vênh?
Nhất Tâm cả sợ:
- Không được, không được. Sơn thủy soi nhau, âm dương hòa trộn ắt sinh tà dâm.
- Dâm hay không là ở người. Mà người không dâm, có họa là gỗ đá. Tôi ngần này tuổi đầu, cứ nói vã thế, vào đâu thì vào, xin sư ông đánh cho chữ đại xá.
Bị khích, sư Nhất Tâm cười nhạt:
- Thế gian nói: “Bẩy mươi tuổi có thể mắng vua mà không bị hặc tội.” Nhưng đùa với nhau thì đùa, chứ không đùa với phong thủy được đâu. Sư ông ngày xưa do không chịu nghe thầy địa lý, cậy mình rắn tâm mà rồi thân bại danh liệt.
Nói rồi sư kể câu chuyện mà tôi xin chép lại dưới đây. Xin nói ngay là sư Nhất Tâm tuổi ngoại năm mươi, một lòng tu hành, do lặn sâu vào giáo lý kinh kệ nhà Phật nên nói giọng dễ nghe mà lời lẽ khó hiểu, vậy xin cho phép tôi cứ mang nhời trần mà kể chuyện cửa Phật, thiện nam tín nữ xin đừng quở trách lại can bạn đọc 8X rất nên đắp tai cài trốc, không nghe chuyện này.



Thầy trò sư ông Thích Nhất Đàm xếp củi cao chất ngất ở giữa sân chùa, xong việc thì trời vừa tối, các vãi già chờ họ tắm rửa xong thì bưng cỗ chay. Hôm nay rằm tháng sáu, trăng sao vằng vặc. Nhìn mâm cỗ chay, sư ông bảo:
- Ta thèm ăn một miếng thịt gà, một bát canh cá rô rau rút, một miếng dồi chó.
Cả các vãi, cả thầy trò chú tiểu ngơ ngác nhìn nhau. Còn chưa dám hỏi lại thì nghe sư ông thở dài:
- Thác xuống âm phủ biết có hay không, dân gian bảo thế!
Nhất Đạm khẽ khàng:
- Thầy tự hóa thì thành Phật, sao có thể sa xuống hỏa ngục ạ?
- Thấy bảo thế, chứ đã có ai từ cõi ấy trở về mà chắc thực hư. Cái chắc bây giờ là việc sắp làm đang làm ta run run, cần mượn rượu làm gió. Các con an lòng đi, lửa sẽ biến mọi vật thành tro bụi như nhau, không kể sang hèn, thô tục hay chay tịnh.
Thành thử bữa cơm cuối cùng của sư ông Thích Nhất Đàm xong xuôi thì trăng đã ngang đầu. Sư ông lấy từ trong bọc ra ba nén vàng, để trên mâm thau cùng với y bát, nói:
- Thiện nam tín nữ thập phương cúng dường, nhờ các con tằn tiện, còn từng này. Những muốn chờ có thêm thì xây lại chùa chứ để vậy mãi, e thế gian chê mình ăn hết của Phật. Nay thì không kịp nữa rồi. Thầy dặn con không được chuyển chùa sang phía Đông như ý con hằng muốn. Tọa sơn quan thủy là cách của cõi phàm, cõi Phật cứ hướng Tây mà đi, tuy vắng vẻ nhưng chuyện nhà Phật dục tốc thì bất đạt. Cứ từ từ.
- Bạch thầy, hay thầy cứ phát tâm khai móng, việc hóa chẳng hóa trước thì hóa sau, thầy chả vừa dạy cứ từ từ là gì?
- Không được. Phật dạy, kẻ tu hành muốn thành Phật được thì phải tự mình hóa mình; muốn tự mình hóa mình thì phải hóa trước sáu mươi tuổi, sau đấy thì sức yếu tay run, không dám tự mình hỏa thiêu mình đâu. Không thành Phật được đã đành, đến quay lại làm người cũng không thành được, người thì phải có cha mẹ vợ con. Ta năm nay kém một ngày thì vừa sáu chục. Vả chăng, ta hồi trẻ giang hồ vùng vẫy, chưa mấy việc ác nào không dám làm, không của ngon vật lạ nào chưa nếm, gái non góa phụ đủ vành. May cơ duyên gặp thầy ta hoán cải, gần ba mươi năm tu hành chay tịnh, lòng đã không, ta phải tự hóa bây giờ may còn kịp.
Sư thầy Nhất Đạm sởn da gà, hốt nhiên bưng mâm y bát mà xá. Sương sa sa trước mặt, trên cao tiếng vạc ăn đêm gắt chói tiếng kêu, sư ông bất giác ngâm:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản 
Bạch vân thiên tái không du du
Tiếng ngâm chưa dứt, chỉ nghe rắc một tiếng, đã thấy lá bay gió cuốn; chớp mắt mở ra thì sư ông đang ngồi chễm chệ trên đống củi, tay cầm nậm rượu, tay cầm ngọn nến phần phật cháy. Nậm rượu tưới xuống, ngọn nến nghiêng xuống, lửa bùng lên mới đầu xanh lét rồi cứ thế đỏ dần, thâu đêm.
Đợi sáng rõ, Nhất Đạm mới bới đống tro tàn mà tìm xá lị, được chín mươi chín viên. Các vãi đang vừa hờ vừa tụng kinh siêu độ, thấy nói đến xá lị tranh nhau xem, trầm trồ không ngớt. Vậy là sư ông thành Phật rồi. Xá lị ngót trăm viên, sáng rực như hổ phách thế là thành Phật, nhỏ thôi nhưng vẫn là Phật.
Nhất Đạm tuổi còn trẻ, nghĩ đến việc thành Phật lòng cứ hừng hực sục sôi. Bèn nhanh chóng bắt tay xây chùa. Lại muốn chấn hưng mở rộng cõi Phật, mới nghĩ rằng. Chùa nằm bên Tây núi, chúng sinh muốn vào chùa phải đi vòng, mất một thôi đường. Chi bằng ta mang chùa sang phía Đông, gần đường đi lối lại, tiện cho khách thập phương mà cũng thoáng rộng hơn. Riêng có lời sư ông dặn về thế đất tọa sơn quan thuỷ khiến Nhất Đạm còn do dự.
Vừa may có một đạo sỹ đi qua, bèn mời vào trai phòng trò chuyện rồi nhờ đạo sỹ sang chân núi phía Đông xem nền chùa mới. Đạo sỹ gật gù: Núi soi nước, nước ôm núi thế là sơn thuỷ hữu tình âm dương hòa hợp. Thuận theo âm dương thì trường tồn, nhà chùa đặt ở đây thì quá đẹp. Nhất Đạm bèn đưa cái thuyết nhà chùa cần thanh vắng, chay tịnh chứ âm dương hòa trộn thì dễ sinh tình mà sư thầy đã dặn trước khi hóa, để cân nhắc với đạo sỹ. Đạo sỹ nghe xong không nói gì, chỉ ha hả cười rồi phất tay áo đi mất.
Kể đến đây sư ông Nhất Tâm nghiêm mặt lại:
- Bọn đạo sỹ miệng nói vu khoát mà bụng chật dao. Nó khích sư Nhất Đạm của chúng tôi. Khổ thân vì sư còn trẻ, nhiệt huyết dư thừa nên không coi chướng ngại là gì, còn muốn gặp nhiều để mau chóng thành chính quả.
Nhất Đạm xây xong chùa mới hướng Đông, đổi thành Đông Lĩnh Tự, đặt trước sân ngọn bảo tháp bên trong đựng lọ xá lị sư thầy, từ ấy chuyên tâm ăn chay niệm Phật. Khách thập phương đi qua về lại đều ghé thăm chùa, còn dân làng gần đấy thì ngay cả đi cấy qua cũng ghé chân vào nghỉ nhờ bóng mát, chuyện nọ xọ chuyện kia cứ râm ran không dứt. Được mấy năm, xuất hiện dưới gốc bồ đề nhiều hàng quán, lúc đầu chỉ có hàng hương nến, sau thì hàng quà, hàng xén và còn có cả quán trọ dành cho khách phương xa. Liền sau đấy là quán xem bói, xem thẻ, viết sớ thuê. Sư ông lúc đầu phản đối, nghiêm cấm bói toán nhảm nhí, nói:
- Phật dạy con người ta ăn ở lành hiền, để cho tâm thanh thản, chứ có phải chỗ nhận lễ hậu để ban phúc lộc đâu? Các người dâng lễ xin lộc cầu phúc, nhỡ không được như ý rồi thì oán cả Phật.
Bèn nhờ ông lý sai trương tuần dẹp đám dị đoan nhảm nhí. Ông lý sai tuần đinh ra dong đám thầy bói, viết sớ ra đình; phạt mấy quan tiền rồi dán lệnh cấm mê tín dị đoan ngay dưới gốc bồ đề. Nhưng đám ấy là dân có chữ, mưu mẹo đầy mình nên chẳng lâu sau thì họ biết cách thu xếp để tuần đinh vắng mặt ban ngày; rồi sau đấy thì đến ông lý cũng đi vắng đúng vào buổi cần dẹp bọn nhảm. Chú tiểu đi khắp làng rạc cẳng tìm chẳng thấy họ đâu, nước mắt ngắn nước mắt dài về bạch sư thầy, Nhất Đạm phất tay cho chú tiểu lui rồi chợt gõ mõ to hơn, tụng kinh lớn giọng hơn, nhịp nọ đến nhịp kia gấp gáp hơn. Đấy là dấu hiệu sư phẫn.
Sư Nhất Đạm người to lớn, môi dày mũi thẳng, da dẻ hồng hào. Gặp buổi nhộn nhạo trước cửa chùa thì giận lắm, nhưng rồi cũng nguôi ngoai. Thầy mang Khoá hư lục của Thái thượng hoàng Trần Thái Tông ra làm sách tu tâm. Mặt trời mọc trở dậy, thở sâu rồi niệm:
Thiếu dương xua mụ đêm già 
Cuốn đi nhơ nhớp để mà làu không
Mặt trời đứng bóng, lá cây heo héo ngồi xếp bằng trước mõ uể oải niệm:
Thái dương thong thả về chiều 
Lưng trời vẳng tiếng sáo diều ngân xa 
Sáo ngân mãi đến bóng tà 
Khua trời quét đất cho ta sạch làu
Canh một, khi chú tiểu trải chiếu tung chăn, lại xếp bằng trước nến mà niệm:
Cõi trần là một cõi mơ 
Sá chi mộng mị bâng quơ quấy rầy 
Nguyện xin Đức Phật ra tay 
Vén xua ác mộng bóng ngày nhanh lên
Niệm xong bài kệ, sư thầy đã thiu thiu ngủ. Nhưng đến nửa đêm con quỷ trong sư cứ nghền nghễn ngóc dậy, quấy rầy giấc thanh tao. Sư phải bỏ giường, ra sau chùa đi mấy bài quyền cho người ngập hết sương, rồi cởi bỏ hết quần áo mà dội nước oàm oạp. Phiền là không phải đêm nào nước giếng chùa cũng khiến thầy nhẹ nhõm ngay, Nhất Đạm cứ thư thái đi lại dưới bóng trăng loang loáng sáng, cho đến lúc lạnh lưng rùng mình mới vào nhà, mặc ngay cà sa rồi ngồi trước mõ. Và niệm:
Mấy mươi ba vạn sáu ngàn 
Khổ đau là cõi trần gian mê cuồng 
Ba ngàn thế giới mênh mông 
Đợi ta ở cuối con đường chính tâm
Sáng tinh mơ là lúc tụng kinh niệm Phật chính trong ngày, Nhất Đạm không đọc kệ, sư miên man trong sách kinh rồi cứ thế mà ngồi thiền cho đến lúc mặt trời mọc thì vòng quay của ngày mới bắt đầu, cứ thế. Ngày nắng cũng như ngày mưa, sư thầy không bỏ buổi kinh và buổi kệ nào, chuyên tâm tu luyện.
*
* *
Tưởng rằng nghiệp tu hành của nhà sư cứ thế hanh thông cho đến ngày thành Phật, nhưng sự đời còn oái oăm hơn là đường sang Tây Trúc, chỉ xin chép ở đây ba chuyện trong hàng trăm kiếp nạn mà sư trải qua.
Chuyện thứ nhất do đám con gái dưới làng gây ra. Làng Khê Hạ nhiều con gái đẹp, đến tuổi mà không lấy nổi chồng. Thời ấy giặc Ngô xâm lấn, triều đình cứ chờ cho con trai đủ tuổi là chộp lính, vậy nên mấy lớp gái già chồng đống lại, chẳng mấy chốc mà gái già thành vãi non. Họ bảo nhau đi chùa nghe kinh niệm Phật cho lòng nhẹ nhõm, lại ở chốn chay tịnh cho nó đỡ tơ tưởng.
Khốn nỗi càng đi chùa càng hư đốn, sư ông đẹp trai quá, sư ông ngồn ngộn thế, có chay tịnh đâu nào. Vậy là họ gán ghép sư ông với cô này cô nọ, gán ghép suông, chỉ để rồi đến lượt mình cũng được gán ghép, vậy thôi, cho nó qua một đời.
Khổ là, trong những vãi non ấy có một cô ngẩn ngơ, một đêm nọ vào chùa bắt đền sư, bảo là kệ sư ông, chị em chúng nó nhất định bảo sư có tình ý với em, chuyện đã nhất định thế rồi thì sư phải làm chồng em. Làm chồng ban đêm, ban ngày em về đi cấy đi gặt còn sư thì cứ tụng kinh gõ mõ, vậy là một công đôi việc. Kìa sư, sư làm chồng em đi.
Sư hãi, cứ lầm rầm tụng niệm cho nó át tiếng rên rỉ của cô gái, cứ thế tiếng rên tiếng niệm to mãi lên, đến nửa đêm thì thành như cãi vã. Chú tiểu thấy to tiếng, tưởng có chuyện gì nguy vội bò dậy. Vừa dịp, sư bèn sai chú lôi cô gái ra ngoài. Cô gái phẫn, lấy thắt lưng hoa lý buộc cổ treo mình lên cây muỗm ngay trước cổng chùa, mãi sáng hôm sau nhà chùa mới biết thì người đã lạnh.
Đám vãi non biết ngay sự thể, lấy làm phục sư lắm. Nhưng có kẻ chưa chịu, bĩu môi bảo rằng ai biết được ma ăn cỗ, bèn rủ chúng bạn ghẹo sư xem chính hay tà, tà thì hạ nhục mà rỉa rói chơi. Vậy là cứ đêm thanh vắng họ rủ nhau lên chùa, lên chùa mà không vào cúng Phật dâng hoa, cứ túm tụm theo chân sư ông mà ỡm ờ.
- Các vãi đi đâu đấy?
- Bạch sư, chúng em đi lễ Phật cầu duyên.
- Các vãi đi lễ Phật cầu duyên sao không mang phẩm vật?
- Một mặt người bằng mười mặt của đấy sư. Chúng em thiện nữ kính tâm, sư cứ sai bảo làm gì chúng em đây cũng làm, sư chọn ai ở lại giúp việc nhà chùa chúng em cho ở lại ngay.
- Bạch sư, sư cứ kiêng cữ thế, thì mai sau lấy tiểu đâu thờ Phật?
Thế rồi một đêm nọ, nhà sư vừa đi xong mấy bài quyền, bèn cởi áo quần để tắm. Chưa dội xong gầu thứ nhất, sư đã thấy mình bị túm lấy, vầy vò. Sư tối tăm mặt mũi, chỉ thấy mùi thơm lá sả gội đầu thoang thoảng, thấy mùi da thịt đàn bà bốc lên ngầy ngậy, bất giác ôm choàng lấy tấm thân như muốn hút vào người. Nhưng chỉ chớp mắt, mới chỉ loáng thoáng nhận ra cô Măng nhà cụ Sặt, người vẫn nhìn sư đắm đuối ra mặt mỗi tư rằm mùng một; rồi sư vội buông. Chợt có tiếng cười rúc rích:
- Á à, bắt được quả tang rồi nhá, to tướng này nhá.
Đám con gái nấp ở đâu bấy giờ mới ùa ra, vây lấy sư không cho chạy, sư van nài mấy cũng không tha. Nhất Đạm túng thế, nhảy vút qua đầu các cô mà rơi tùm xuống giếng. Cả đám sợ xanh mắt, vội ném giây gầu xuống giếng, khóc lóc van xin sư buộc mình vào cho cả bọn kéo lên. Sư bảo phải ném quần áo xuống trước đã, rồi gọi chú tiểu dậy ra mà kéo thì sư mới lên, không thì nhất định chết.
Hôm sau, cả đám vãi non phải mang lễ ra chùa, xin một chầu kinh sám hối, nhân thể tát giếng chùa mãi sẩm tối mới xong. Chuyện này chỉ kể đến thế.
Chuyện thứ hai mang màu sắc cao đạo hơn. Hồi ấy giặc Ngô tan rã, chạy từ kinh đô qua đây để về nước. Chúng vừa chạy vừa ăn cướp để lấy cái ăn, đêm ấy một bọn hơn mười tên tràn vào làng Khê Hạ, tuần đinh quần nhau với chúng ở thế giằng co.
Ông lý sai người ra chùa nhờ thầy trò nhà sư giúp sức. Sư thầy nổi tiếng võ lâm, năm đói to có bọn cướp từ xa đến, hành hạ dân làng cơm rượu, sư ra bốc cái cối đá lỗ ném lên trời, rồi lại giơ tay đỡ, mặt không biến sắc. Bọn cướp hoảng hốt, cúi xin tha mạng rồi lặn một hơi. Bấy giờ nhân việc gấp, ông lý cho mời, sư đang tụng kinh, mô Phật rồi bảo nhà chùa không sát sinh, việc của tuần đinh tuần đinh cứ làm.
Ông lý giậm chân kêu khổ, nói cái này không trách sư được, chuyện sư nhờ tuần đinh tuần đinh ham tiền của bọn thầy cúng, thầy sớ không giúp, vẫn còn làm sư giận. Chỉ đến khi tuần đinh có mấy người thiệt mạng thì ông lý mới văng tục mà chửi, câu này do tức khí nhất thời nói ra, không ghi lại làm gì cho rác tai bạn đọc.
Nhưng chính vì cơn giận của ông lý mà có chuyện thứ ba.
Trong số tuần đinh thiệt mạng bởi giặc Ngô, có con trai ông lý. Nó đủ tuổi đăng lính, nhưng ông lý nhất định bảo chưa, rồi cho nó làm tuần đinh, tập việc làng cho quen, để đến mai sau khi ông nghỉ thì cho con trai tranh phó lý, lý trưởng. Giận quá mất khôn, ông lý làm đơn kiện lên chùa tỉnh, hạch tội sư ông Nhất Đạm gian dâm với cô ngẩn ngơ, khiến nó nhục mà tự vận; lại tội sư thấy chết mà không cứu. Gộp cả hai tội, làng Khê Hạ xin đổi sư trụ trì.
Nhà chùa Tỉnh hạt nhận đơn, cử một sư ông về điều tra. Thanh tra ba tháng, bản dự thảo kết luận được đưa cho sư Nhất Đạm, nói có chuyện cô gái tự vận, có chuyện sư thấy chết không cứu. Sư Nhất Đạm đọc, toát mồ hôi, xin giữ Thanh tra ở lại tệ xá thêm ba tháng nữa thì bản kết luận được ghi khác đi: Có chuyện cô gái tự vận thật, nhưng do sư trụ trì kiên trinh giữ hạnh, cô ấy xấu hổ mà tự thắt cổ đấy thôi. Có chuyện thấy chết không cứu, nhưng bổn phận của nhà tu hành là ăn chay niệm Phật, không có trách nhiệm giết người, là việc của thế tục. Ông lý càng phẫn, bán nửa gia tài thuê viết đơn lên Quốc sư ở tận kinh kỳ.
Quốc sư cho thanh tra về phúc tra. Phúc tra về Khê Hạ được ba tháng, thảo bản văn kết luận đưa cho sư trụ trì xem, nói có việc cô gái tự vận, có chuyện sư thấy chết không cứu. Sư Nhất Đạm đọc, mồ hôi vẫn toát, nhưng đỡ hơn là năm ngoái. Sư giữ phúc tra ở lại thêm ba tháng thì sự thật sáng tỏ, lại là: Có chuyện cô gái tự vận thật, nhưng do sư trụ trì kiên trinh giữ hạnh, cô ấy xấu hổ mà tự thắt cổ đấy thôi. Có chuyện thấy chết không cứu, nhưng bổn phận của nhà tu hành là ăn chay niệm Phật, không có trách nhiệm giết người, là việc của thế tục.
Tài sản của Đông Lĩnh Tự cho đến khi đó mới hao một phần, phần lớn còn lại mang hầu kiện bên quan mới hết nốt. Ông lý khi thấy chuyện sư bảo sư phải vãi nói vãi hay thì bán nghiệp đi kiện lên vua. Sau hơn hai chục năm sầm uất, Đông Lĩnh Tự giờ chỉ còn trơ một xác chùa, mà nghiệp chướng vẫn còn, sư Nhất Đạm được luân chuyển về chùa Tỉnh hạt, giáng một cấp, năm ấy sư tròn năm mươi tuổi.
Bị gieo tiếng oan, sư Nhất Đạm đã toan tự hóa để về hầu Phật. Nhưng nghĩ tiếc công tu nhân tích đức hơn hai chục năm trường, giờ bỏ đi thì phí, bèn nhận lời với Thượng tọa chùa Tỉnh hạt, về Thiền viện chép kinh. Ăn uống kham khổ, suốt ngày mài mực biên chép, sư nhiễm vẻ u trầm của thư viện, có khi mấy tháng không thấy nói năng gì. Vẻ ngoài nhợt nhạt, xương cốt lộ dần, ra một người khắc khổ trầm uất.
Kịp khi Hòa thượng tuổi già viên tịch, người kế nhiệm muốn trẻ hóa các thầy ở Thiền viện, mới hỏi ý tứ Nhất Đạm thế nào. Nhất Đạm nói:
- Bần tăng ăn mày cửa Phật đã gần bốn mươi năm, mắc oan ở Khê Hạ, nay xin về giải oan ở đấy.
Tân Thượng toạ an ủi:
- Thầy nói phải. Ngã ở đâu đứng lên ở đấy, tiếng oan Thị Kính chỉ đến khi hóa thân mới giải xong. Lậy Đức Phật đại từ đại bi cho thầy chân cứng đá mềm.
Bèn trả lại chức sắc cho Nhất Đạm, ngay hôm sau sư lên đường về Khê Hạ.
Sư ngao ngán thấy vị trụ trì say rượu, giọng đã nhão nhoét còn cố cãi “không say”, các vãi đang đánh gió, chú tiểu xưa nay đã thành ông bõ già, ôm lấy sư mà khóc:
- Bạch thầy, sư ông Nhất Đàm gửi con cho sư là gửi cho bồ tát, nào ngờ đâu thầy mắc vòng oan khiên, đẩy con vào cảnh phải hầu hạ cái chão ré bấy lâu. Thầy xem, nói câu không say ruốt từ trưa đến giờ, thì không gọi chão ré thì gọi là gì cho đúng?
Sư say đi rồi, Nhất Đạm bắt tay vào tu sửa chùa. Tiền hết gạo không, nơi thờ Phật không còn tượng Phật, sư say nói là mất, tiểu già bảo là sư đã đem bán cho vị đạo sỹ buôn đồ cổ đem sang Tàu, lấy tiền uống rượu; đến bộ cánh cửa gỗ lim cũng bán cho lão đạo sỹ già làm cửa am.
Nhất Đạm phải dùng mẹo, dạy trẻ mục đồng hát vang cả làng: Của Bụt mất một đền mười/ Bụt vẫn còn cười Bụt chả nhận cho, câu hát còn truyền đến tận ngày nay có xuất xứ từ Khê Hạ. Lão lý xưa đã chết, lão lý mới đổi sang tu đạo với đạo sỹ Tàu, nghe trẻ hát thì giật mình phải cúng cho chùa bộ cánh cửa. Lại cho hương hào quyên góp làm tượng. Những ao chùa, ruộng nương y mua của sư say, mang giả lại hết.
Chùa sửa xong thì sư Nhất Đạm đã quá sáu mươi, sực nhớ lời thầy xưa mà hoảng sợ. Phật pháp tan hoang thế kia, mình có hóa bây giờ, sao có thể thành được Phật?
Cái gai trong mắt sư bấy giờ là lão đạo sỹ già. Lão vừa làm thầy phù thuỷ, vừa khuyên tín đồ cứ vui chơi thoải mái rồi mai sau chết thành Tiên, khiến người ta theo rầm rầm. Sư bèn đánh tiếng cho thầy cúng, thầy đồ viết sớ thuê được vào ngồi trong tam quan. Bọn buôn bán hàng quà cũng có chỗ trong chùa, ngay hàng thẳng lối. Sư cũng khuyên thiện nam tín nữ yêu thương nhau, bảo rằng Đức Phật tổ cũng từ bụng mẹ mà ra, miễn là phải lành mạnh chớ có lăng loàn truỵ lạc. Dân chúng lại nô nức đi chùa lễ Phật.
Thế rồi, ngày Tết nguyên tiêu sư nhận lời đấu pháp thuật với đạo sỹ, góp vui cho dân làng tổng. Hồi mới từ Tỉnh hạt về lại, lão đạo sỹ định chơi đòn phủ đầu thách sư đấu pháp thuật, sư bảo nhà chùa không được phép chơi trò dị đoan. Bây giờ thì sư lại bảo sẽ nhận lời, và lại bảo rằng giúp cho thế sự yên vui cũng là bổn phận nhà chùa.
Trống thúc, cồng khua trợ sức cho hai vị tu hành đánh võ rồi lên đồng xiên lình, rồi lồng chân vào lưỡi cày nung đỏ mà đi bảy bước, môn nào hai vị cũng một chín một mười, vẫn chưa ngã ngũ ai thắng ai thua. Chỉ đến môn tung cối đá lỗ lên cao, kẻ tung người đỡ, thì sư đỡ ngon lành còn lão đạo sỹ đỡ không nổi, bị cối đá văng vào ngực, nằm bất tỉnh nhân sự. Được ba tháng sau thì đạo sỹ chết, chi đạo tu tiên ở Khê Hạ cũng tan, người ta mới lại chuyên tâm lễ chùa.
Phật pháp chấn hưng còn chưa được như xưa nhưng sư Nhất Đạm tuổi đã ngoài bảy chục, không nấn ná được nữa. Bèn gấp rút chuẩn bị cho lễ hóa thân. Lão bõ già sức yếu, củi thổi cơm cũng phải đi xin, lấy đâu đống củi lớn như ngày còn trẻ. Bèn phải nhờ các tín chủ, ai có củi gì cho nấy, nên khô ướt khác nhau. Thấy vậy, sư sai bõ già đi mua mấy bó nứa ngộ, bảo rằng làm nòm cho nó nhanh cháy. Rồi thì sắp xếp cũng xong.
Cũng lại là một đêm rằm tháng sáu, trăng sao vằng vặc. Cũng lại các vãi đang sửa soạn đàn tràng còn các tín đồ nam thì giúp sư chất củi, chỉ không có miếng thịt gà, bát canh cá rô rau rút và miếng dồi chó như năm mươi năm về trước. Lão bõ già vừa lầm rầm tụng niệm vừa rưng rức khóc, hỏi sư thầy có cần ăn không, ăn cho nó thêm hăng sức thầy ơi, nhưng sư bảo không, sư còn khoẻ lắm, chả ngại. Lại có con vạc ăn đêm bay qua kêu một tiếng chói gắt, sư hấp tấp tung người bay lên ngọn đống củi. Tĩnh tọa xong, Nhất Đạm mới cất giọng như chuông:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Thơ còn ngân nhưng lửa đã bốc. Chỉ nghe bó nứa ngộ dùng làm mồi đồng loạt nổ bục rất to, rồi ngọn lửa nhanh chóng liếm vào củi nỏ, càng lúc càng ngùn ngụt cháy.
Chờ đến sáng rõ, nhà sư kế nhiệm mới bới tro tìm xá lỵ. Bới đi bới lại, không thấy viên nào, lấy làm nghi hoặc. Nhưng vẫn nhặt lấy một lọ tro, đặt lên lâm sàng mà làm lễ cầu siêu suốt ba ngày ba đêm.
*
* *
Hồn Nhất Đạm cưỡi mây bay về phía Tây, đang ngon gió thì chợt nghe tên mình, lại thấy khói hương nghi ngút cùng tiếng cầu kinh quen thuộc, bèn hạ xuống xem thế nào. Chỉ thấy chư vị Phật ngồi uy nghiêm trên tòa, lại thấy một vị quen quen, định thần thì ra là sư cụ Nhất Đàm, bèn tiến lên vái mà hỏi:
- Con nghe nói ngài đã thành Phật, sao vẫn ngồi ở đây?
- Ta được trên cắt cử về đây đợi con.
- Đa tạ ngài. Vậy thì ta đi thôi, con muốn mau chóng biết bồng lai cực lạc nó là thế nào.
- Con đến chết vẫn nóng vội như xưa. Thiện tai, thiện tai! Con khôi ngô tuấn tú, cả một đời chuyên tâm mà lại lỡ làng, âu cũng là duyên vậy. Nghiệp chướng của con là ở chỗ nóng vội. Vì muốn nhanh chóng thành chính quả, con đã mắc tội giữ nghiêm giới luật cho mình mà không biết coi sự thành kính dâng hiến của cô gái làm trọng, để mặc cô ấy treo cổ lên cây. Phật không đứng riêng làm độc trụ. Phật chỉ được quý trọng ở chỗ Phật quý trọng tất cả, lấy nhu yếu của người no đầy làm nhu yếu cho mình. Phật dạy cứu một người phúc đẳng hà sa, con lại thấy chết mà không cứu. Phật thấy con nóng nảy khó bền, cho con vào thiền viện để tu tâm dưỡng tính; nhưng đến khi thấy Phật pháp rụi tàn, lẽ ra con cứ để vậy, có hưng thì có suy, suy mãi thì đến hưng, con lại nóng nẩy muốn hưng ngay rồi lại dùng ba cái mẹo vặt của cõi tục để ép người vào tin kính. Ép người vào tin kính nhảm là tội lớn nhất của những người ăn mày cửa Phật. Con hãy mau tu lại, ta vẫn kiên lòng chờ con ở đây.
Nhất Đạm phẫn uất hộc to lên một tiếng, cùng với tiếng reo của các vãi già rằng sư đã hồi tỉnh.
Thì ra, bó nứa ngộ nổ đã hất tung sư lên rồi văng ra xa, nằm bất tỉnh dưới gốc bồ đề. Sư nằm cho kiến bâu, muỗi đốt ba đêm thì được bõ già nhìn thấy, nghe ngực còn thoi thóp thở, mới vực vào trai phòng chạy chữa, bấy giờ mới tỉnh.
Người ta mới làm lễ thật long trọng để đưa tiễn mình, còn đang mệt thì mình quay lại, có bẽ bàng không! Chùa đã có sư thầy khác trụ trì, vẫn cho mình ở, vẫn gọi thầy xưng con nhưng xem vẻ không được bằng lòng. Cũng phải, đến Phật cũng có ban có bệ, chứ đừng nói chi người. Viết thư lên Hòa thượng chùa Tỉnh hạt nói xin cho tĩnh tâm trở lại một thời gian để chuẩn bị cho lễ tự hóa sau, trên bảo vậy ư, vậy cứ từ từ xem đâu khuyết thì bổ. Chán nản, sư bỏ đi vân du, khất thực.
Tính sư kiêu ngạo khinh người, cứ vào nhà ai mà mời thưa cẩn thận thì ở lại ăn cơm chay, nhà ai tỏ ra bố thí thì mắng cho mấy mắng về tội mất lòng tin mà coi rẻ bậc tu hành. Vậy nên ngày có ăn ngày không, thân thể dần tiều tuỵ. Áo cà sa rách hết cả, tóc mọc lởm chởm không có tiền mà cạo, ai lại xin bố thí bằng cách cạo đầu? Sư thành ra ăn mày.
Lão ăn mày cứ đi, ai cho gì mặc nấy, ai cho gì ăn nấy. Lại mắc chứng của kẻ đói lâu ngày, hay vặt trộm ngô non khoai rại, đôi khi còn bị đòn. Vào những đêm giá rét, lão ngồi co ro trong quán chợ, nghĩ thèm hơi người, sực nhớ mùi hương sả hương đàn bà ngầy ngậy ngày xưa. Nghe nói về sau lão chết đói ở miền ngược, người ta chôn làm phúc. Lại nghe nói, do không được cúng giỗ định kỳ, cả năm được một lần cướp cháo thí vong hồn, dần dà thành quỷ đói rồi lần mò về được Khê Hạ, hay hóa thành gã trai lơ trêu đàn bà con gái.
VĂN CHINH
 

Bên kia biển là núi

Hằng vẫn thường tới nhà tôi chơi những khi trời chuyển mùa, bầu trời có rất nhiều sấm chớp. Nó biết lúc ấy nếu ở nhà một mình thì tôi rất sợ. Mặc cho ngoài trời mưa gió thét gào, Hằng đóng hết các cánh cửa ở nhà tôi lại, kéo rèm cửa, rồi sau đó mở nhạc cho tiếng đàn tiếng hát át đi những âm thanh của gió giông.
Nó thầm thì: “Nếu chỉ có một mình, mày cứ làm như thế này thì mày sẽ chẳng biết ngoài trời có giông to đâu”. Nhưng Hằng đâu rảnh rang để có thể đến nhà tôi mỗi ngày, để kéo những chiếc rèm cửa được, còn gió giông thì không hẹn mà ùa vào căn nhà này. Có khi thấy tôi lấy chồng mà chồng cứ biền biệt trên những con tàu, câu nói cửa miệng của Hằng vẫn là: “Lấy chồng đi biển ... mồ côi một mình. Tội chưa”. Nhìn căn nhà hiu quạnh, nó tặc lưỡi: “Phải chi ngày xưa mày nghe lời tao, lấy quách cha Thịnh thẩm phán thì có sướng không? Chồng với vợ tối ngày ở bên nhau, mưa gió che chở cho mình.
Khi nghe Hằng nói, tôi hình dung ra anh chàng Thịnh thẩm phán với gương mặt cạo nhẵn nhụi, quần áo bảnh bao, chiếc xe gắn máy lúc nào cũng sạch bong, không hề bám bụi. Thịnh chẳng cần dài dòng, chỉ lần gặp thứ hai nói với tôi như đang diễn kịch: “Anh thích một người vợ như em. Hay là em tới nhà anh cho mẹ anh xem mặt”. Tôi đã phì cười: “Lấy vợ giống như mua con tôm con cá. Ít nhất anh cũng phải hiểu người ta có thích anh không đã chứ”. Ừ, tôi chẳng cần người đàn ông mà tôi sẽ dựa vai anh trong suốt cuộc đời có địa vị trong xã hội không? Nhà anh có giàu không? Tôi chỉ cần anh và tôi yêu nhau, xa nhau thì nhớ, gần nhau thì chẳng muốn rời nhau. May mà trong trùng trùng người của cuộc đời này, Mân đã xuất hiện đúng lúc.
Hằng nói: “Vì mày theo phái cổ điển, nên giờ giống như chinh phụ đợi chinh phu”. Tôi chẳng trả lời Hằng, ngồi trên giường ôm gối nhìn ra cửa sổ, nhớ Mân. Tôi nhớ anh mỗi ngày, tôi nhớ anh cho đến khi thứ hai khép lại, thứ ba bắt đầu và nôn nao đợi bước chân anh bước lên thềm nhà ngày thứ bảy. Có lẽ giờ này trên con tàu ngoài biển khơi, anh đang phải chống chọi với cơn bão về sớm hơn mọi năm. Anh biết tôi rất sợ mưa gió sấm chớp, cho nên anh đã lắp toàn bộ cửa kính trong nhà. Cửa kính có tác dụng cách âm với những tiếng động bên ngoài. Anh dặn như Hằng dặn tôi: “Thấy gió bão thì đóng mọi cửa nẻo trong nhà lại. Nếu mưa to quá thì qua nhà thím Ba bên cạnh mà trú. Nhà thím Ba chỉ cách nhà tôi một khoảng ngắn. Thím vẫn nói: “Thằng Mân đi vắng hoài, con cứ qua bên thím ăn cơm, bên này cũng vui hơn”. Còn anh thì ôm tôi vào lòng, tôi nhỏ xíu như một con gấu bông trong tay anh. Anh thầm thì: “Anh đi biển vài năm rồi lên bờ thôi, khi đó anh sẽ chẳng bỏ em một mình đâu”. Tôi ngoan ngoãn dụi dầu vào ngực anh: “Dạ, em biết, nhưng em nhớ anh lắm”.
Tôi chẳng hiểu tại sao mình lại sợ những tia chớp, những tiếng gầm của bầu trời kia? Bởi nó có gì đâu mà đáng sợ? Nhưng cũng chính những tia chớp đó đã kéo tôi về với Mân. Hôm đó tôi bận công việc nên về nhà hơi trễ, buổi chiều trời bổng nổi gió, mây chùng xuống nhanh chóng. Tôi và anh tình cờ cùng trú ẩn dưới một hiên nhà vì cả hai không mang áo mưa. Anh làm quen tôi mau chóng, anh hỏi tôi những câu hỏi bình thường làm cho tôi quên mất những hạt mưa đang rơi ngoài trời. Hôm đó anh không mặc áo lính cho nên tôi vẫn tưởng anh là một thầy giáo với dáng vóc trắng trẻo, cặp kính cận đeo trễ trên mặt. Rồi bỗng dưng trời nổi cơn dông, tôi nép mình sau lưng anh, lo sợ. Cho đến khi những tiếng sấm sét vang lên, tôi quên mất anh chỉ là người con trai mình chỉ mới quen, ôm chầm lấy anh. Anh đưa tôi về tận nhà hôm đó, rồi tình yêu tới rất nhẹ nhàng. Để rồi sau khi lấy nhau, anh nói: “Bởi định mệnh bảo em phải là vợ anh”.
Anh thường xuyên vắng nhà vì công việc của anh là đi theo những con tàu. Có khi anh nói đùa: “Không có anh, khi có gió giông đừng có trú hiên nhà người ta nghe chưa?”. Khi đó tôi lườm anh: “Nếu không trú hiên nhà thì anh có được vợ như bây giờ không?”. Anh cười: “Ờ há. Nhưng hôm đó ai ôm mình không biết nữa”. Tôi và anh đôi khi giống như vợ chồng Ngâu, mỗi tuần chỉ gặp nhau vỏn vẹn một ngày một đêm - nếu tàu anh không có những chuyến hải hành xa. Khi đó anh sẽ thuê xe thồ chở anh từ cảng đi một mạch về với tôi vào chiều thứ bảy, chiều chủ nhật anh lại vội ra xe đi về đơn vị. Còn nếu tàu anh có những chuyến hải hành thì có khi cả tháng trời tôi phải ở nhà một mình, cũng chẳng liên lạc được với anh - chỉ đợi anh gọi điện khi lên bờ mà thôi. Đôi lúc tôi năn nỉ đòi theo anh, bỏ cả nghề cô giáo mà tôi đã chọn lựa. Anh vuốt tóc tôi: “Khi nhớ anh, em cứ nhìn qua bên kia núi, ở đó là biển, anh và biển là một”.
Bạn bè cùng lớp học ngày xưa của tôi cũng lần lượt lấy chồng, có đứa lấy được người mình yêu, có đứa vì lý do này lý do khác cũng có một người đàn ông bên cạnh. Tuy nhiên, ngẫm lại thì không có đứa nào có chồng đi biển, thường xuyên vắng nhà như Mân của tôi. Tôi đã trở thành một ngoại lệ. Trong những buổi họp mặt bạn bè, gần như tôi đi một mình, vì anh đâu có ở nhà đâu mà đi cùng? Trong đám đông họp mặt người ta có đôi có lứa, tôi cảm thấy lạc lõng như thế nào. Tụi bạn đùa: “Hay là quen thêm một chàng sơ cua đi. Chồng đi vắng chồng có biết gì đâu? Miễn là khi chồng về thì mình có mặt là được. Con Nhã sống kiểu đó, có ông chồng lo ham học, bay qua tận Đức hai năm trời để lấy tấm bằng tiến sĩ. Ở nhà nó dạo phố, đi chơi, vào nhà hàng với anh chàng nhạc công đêm đêm đánh đàn tại vũ trường Xinh. Nó lý luận. Mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi. Chắc gì ở bên Đức cha Lê nhà tao lại không cặp một con Tây nào? Rồi chả về tao sẽ không đi chơi nữa, chỉ yêu chồng mình thôi”. Lý luận kiểu con Nhã làm tôi sợ hãi. Bởi tôi biết rằng tôi chỉ có yêu mỗi mình anh, dù cho anh đi biển tối ngày tôi vẫn hướng về anh như thể anh đang ở bên cạnh tôi. Bởi tình yêu thì làm gì có khoảng cách, bởi khi ta yêu một người nào đó thì trái tim của ta luôn hướng về, dù có thể chẳng gặp nhau được mỗi ngày.
Bên kia biển là núi. Trong những chuyến hải hành của Mân, anh luôn nhớ về tôi như tôi vẫn ngóng về ngọn núi cao kia nhớ về anh. Tôi biết rằng cơn mưa chiều nào khi giông gió đến bên mái hiên nhà xa lắc chỉ là sự khởi đầu. Tôi và anh chỉ xa nhau theo nghĩa của thường tình: không được gặp nhau thường xuyên. Nhưng trong tôi và trong anh, cả hai người đều đã thuộc về nhau như thể núi có che khuất biển của tôi, tôi vẫn biết rằng anh đang ở bên kia núi. Rồi anh sẽ ngưng những chuyến lênh đênh trên biển. Khi đó, khi gió giông về, anh sẽ ôm tôi vào lòng mà dỗ: “Lớn rồi, sao cứ mãi sợ gió giông?”.
Khuê Viết Trường
 

Huyền thoại của anh
Anh đi mãi biết bao giờ trở lại ?
Để lại đây nỗi buồn nhớ mênh mông,
Như nước dâng tràn ngập, sắt se lòng !...
Người biền biệt không hẹn ngày tái ngộ ?!
Trời hạn khô, rồi trời làm mưa đỗ,
Núi trên cao bỗng chốc hóa bình yên...
Hai mươi năm, bao hệ lụy ưu phiền,
Anh bỏ lại, em âm thầm nuối tiếc !
Người tìm thấy cõi an nhiên bất diệt,
Em về đây tưởng nhớ kỷ niệm xưa...

Trời không nắng nóng gió mưa,
Nơi anh ở bỗng dưng thành "huyền thoại" !!
NM

Huyền thoại núi 

Mùa mưa năm đó ông già bà cả cho rằng trăm năm có một. Dầm dề ba tháng liền không ngớt. Có hôm liên miên từ sáng đến tối mịt.

Hôm, lâm thâm buổi sáng nhưng đến trưa thì ầm ào thác đổ kéo dài tận tối khuya; gần sáng hôm sau ngưng một chút rồi ào ạt lê thê qua trưa, và chiều chuyển giai điệu, râm râm lai rai tới tối. Lại có hôm lào rào từng cơn, từng đợt rồi ngưng; tuy nhiên, bầu trời tạnh ráo chưa đến nửa giờ liền dập tắt hy vọng của con người kéo theo bao nỗi niềm u ê chán nản, mưa đổ xuống khi thì trút nước lúc thì lơi nhơi cầm chừng kiểu như ông trời muốn đe nẹt lũ người thế gian đừng có mà mơ!
Trước đó, một mùa hạn cũng chưa từng thấy kéo dài từ sau tết, qua hè rồi sang thu vẫn tịnh không một giọt nước từ trời rơi xuống, người mong mưa như nước đái thằn lằn cũng là điều không tưởng. Đồng ruộng khô khốc, nứt toác. Nông dân điêu đứng, hết cách. Ngày nào cũng đợi sẫm mới dám ra ruộng. Là theo thói quen cho đỡ nhớ việc chứ cỏ còn không trụ lấy đâu ra lúa, rau để chăm. Sức như trâu bò cũng há mồm, ngắc ngoải thở. Người già lũ lượt kéo nhau về chầu ông bà. Trẻ con mới tội, rôm sảy, ghẻ lở đau, rát, ngứa khóc ngằn ngặt cả ngày. Dỗ được chúng giấc ngủ ngắn nửa giờ cha mẹ đã thấy mừng hết xiết. Heo, gà vốn dễ ăn vậy mà lơ cháo, lơ thóc trách chi bầy trẻ nhỏ. Khổ nhất là dân lao động tay chân, buôn gánh bán bưng, đội cái nón, ngồi dưới đất thân người gói kín trong lớp vải dày như đám nấm bức bối trong thùng xốp. Học trò láo ngáo, thở dốc trên bàn học, thầy giáo nói không ra hơi. Công nhân trong xưởng máy làm cầm chừng duy trì công việc là may, lắm người bỏ cuộc vì không chịu nổi cái nóng hầm hập bủa vây, quạt thổi gió hừng hực, rát mặt... Người nhễ nhại nhìn nhau, không biết có qua nổi đận này để đương đầu tiếp cơn thịnh nộ của thiên nhiên (nếu có) ở đận tới.
Ngọn núi cao nhất trong dãy Ngân Hoa tự bốc cháy ba lần. Là người ta cũng nghe truyền hình, radio nói thế bởi tít trên đỉnh cao ấy làm sao tường được. Trời hạn, nóng đến điên, ngóng mưa chứ ai còn hơi sức đâu để hóng chuyện lửa cháy. Tự cháy rồi nó tự tắt. Thiên nhiên biết điều chỉnh nếu chưa muốn gây thêm họa cho con người.
Dưới chân Núi Voi, ngọn núi thấp nhất trong dãy Ngân Hoa có một nhánh nhỏ của con sông Cái lượn vòng ôm sát chân núi, ngửa mặt trơ đáy. Người lấy cát xây nhà, khoét mãi hố sâu thành lòng chảo vẫn không thấy chút nước nào trào lên. Chẳng ai thiết tha nghĩ đến việc con sông rồi sẽ rộng ra và sâu hơn khi mùa lũ đến, chỉ có đám con nít ngày ngày chạy nhảy tận giữa dòng sông, nơi sâu nhất mà vẫn an toàn như trên đất bằng.
Và đến lúc lòng sông không còn cát để cào xúc nữa thì mưa ào về rồi lũ đến, nhanh như chớp mắt. Vừa thoáng bên này, quay bên kia đã thấy nước muốn liếm bờ khi cơn thịnh nộ của thiên nhiên lên đến đỉnh điểm. Dòng nước đục ngầu, hung hãn xói lở từng mảng hai bờ sông. Có khi, nửa đêm nghe tiếng rầm ngỡ trời sập đến nơi. Ai nấy rúm ró trong nhà chờ mau sáng để chắc chắn tính mạng vẫn còn và tò mò tiếng động gì kinh khủng thế. Sáng bảnh, bà con chòm xóm mới dám hé cửa hướng về tiếng rầm hồi hôm mà không tin nổi mắt mình. Nước làm sạt bờ tre, nguyên một dải tre dài và dày biến mất, hiện ra dòng chảy cuồn cuộn lăm le nuốt luôn con đường nhỏ phía trên. Trời quang lắm nhưng lồ lộ nỗi sợ hãi, cứng họng, không ai thốt nổi nên lời! Dọc theo sông, ngổn ngang cơn giận dữ của đất trời. Dải lụa mềm ôm vòng chân núi thành những đường gãy khúc lồi ra lõm vào, đe dọa bờ có thể sạt bất cứ lúc nào. Người phập phồng mối lo nhà cửa bất thình lình trôi hết ra biển cả.
Vậy mà lạ, dưới chân Núi Đá, ngọn núi có bốn đỉnh nằm cách Núi Voi một khu dân cư, dòng sông vẫn giữ được nét hiền hòa, chưa có dấu hiệu xâm thực.
Con sông Cái trước khi đổ ra biển còn rẽ làm hai nhánh, một vòng qua Núi Voi và một vòng qua Núi Đá. Cấu tạo địa chất của hai núi này hoàn toàn khác nhau dù chúng cùng nằm trong dãy Ngân Hoa. Chưa hết, nhánh qua Núi Đá, con sông còn chia ba, thành hình rẻ quạt do có hai cù lao giữa sông, rồi nhập làm một ngay chân Núi Voi. Đứng trên đỉnh Núi Đá thấy rất rõ các nhánh này và người đời tưởng tượng giống chân voi. Ngọn núi thấp hơn có tên vì lẽ đó.
Những năm gần cuối thế kỷ trước, đường lên Núi Voi hay Núi Đá rất cheo leo, đầy trắc trở, chỉ có dân đi rẫy, trồng mì, lấy củi, đốt than... Người lên được đỉnh Núi Voi về kể, nghe như chuyện phim hoạt hình ở xứ sở thần tiên. Rừng nguyên sinh hoang dã, có nhiều loại thực vật quý hiếm như cốt toái bổ, hồng quang, chang chang, cóc mèo, giáng hương, gáo lá tím… Thảm thực vật phong phú kéo theo mối tương quan động vật đa dạng. Như cây giẻ có quả ăn nhân hạt thì hiện diện loài gặm nhấm sóc, chuột, chồn…; cây có quả cho ăn phần thịt vỏ ngoài như trám, trâm… thì đồng thời có loài vẹt, tu hú, chào mào… Họ thấy cả mèo rừng, gấu ngựa, gấu chó, cheo leo, cu li, sóc bay, chồn bạc má, trĩ sao, ô rô vẩy… xuất hiện ở những độ cao khác nhau. Khỉ, heo, gà rừng không biết cơ man nào mà kể. Dây leo có đường kính to bằng bắp tay thanh niên lực lưỡng giăng kín lối đi. Bầy khỉ bám vào đó nhởn nhơ, đung đưa cả ngày. Nhiều dòng suối nhỏ đổ vào suối lớn, qua những gộp đá cao thấp làm nên bản giao hưởng bất tận của rừng. Từ trên cao tràn xuống thung lũng thảm hoa đỗ quyên đỏ thắm hay những trảng dương xỉ uốn lượn rập rờn trong gió. Lan rừng muôn hình vạn trạng, khêu gợi và quyến rũ. Rừng đẹp huyền ảo, hoang dại. Hoa cỏ muông thú vô ưu sống chung hòa bình cho đến khi bước chân con người lên núi nhiều hơn, không chỉ cỏ hoa tàn lụi mà con người đến đâu, muông thú lại rút vào sâu hơn và không còn dấu vết.
Không gì nhanh bằng phá. Đến đầu thế kỷ sau thì rừng không còn bí ẩn nữa. Chẳng ai rỗi việc để tự hỏi, đón tiếp con người, rừng buồn hay vui?
Ngược với Núi Voi, Núi Đá đúng như tên gọi khô cằn chỉ toàn đá và cây rừng lô nhô lúp xúp. Người lên được đỉnh cao nhất kể rằng, Núi Đá như điểm trung chuyển từ trên cao là rừng núi bạt ngàn của dãy Ngân Hoa (mà chẳng ai biết nó rộng, dài đến đâu) kéo dần xuống thấp, chồm qua Núi Voi xuống vùng cửa sông đổ ra biển, ngoạn mục như tranh!
Ông già bà cả còn cho biết, Núi Đá ngàn năm vẫn vậy, không có gì bí mật với con người bởi từ dưới nhìn lên trống huơ trống hoác, nên con người chẳng đoái hoài tìm đến. Đá sống đời thanh thản vui cùng nắng mưa, cây rừng sống đời hiền hòa vui cùng mây gió. Đôi khi nơi thanh thiên bạch nhật, xấu xí, kém hấp dẫn nhất lại là nơi đảm bảo an toàn!
***
Qua mùa mưa một tháng, Tuân lên Núi Đá.
Gia đình không ai biết anh đi đâu, chỉ nghe bảo đi công tác, hỏi khi nào về thì ậm ừ không nói. Mười ngày rồi gần hết tháng không cách gì liên lạc được, sốt ruột, ba mẹ Tuân đến cơ quan hỏi thăm tin tức. Mọi người trong phòng làm việc của Tuân chưng hửng, vẫn tưởng anh đang trong kỳ nghỉ.
Nhốn nháo một hồi rồi ai vào việc nấy. Hai ông bà dắt nhau ra về ôm theo niềm hy vọng mỏng tang là câu hứa không chắc không lép của viện trưởng, “chúng tôi sẽ nỗ lực tìm cách giải quyết, tránh xáo trộn hay tạo dư luận”.
Chỉ một người biết rất rõ câu chuyện mà không dám nói gì, đó là Lan. Cô đứng lên tiễn ông bà ra cổng. Bà mẹ nắm lấy tay cô, cháu chơi thân với nó lâu nay, cố tìm hiểu xem có việc gì với nó. Lan chỉ biết im lặng, như nào giờ cô vẫn im lặng, với Tuân. Nhìn ông bà chậm chạp leo lên chiếc xích lô, Lan muốn ứa nước mắt. Cô không biết mình buồn cho ai, cho ba mẹ Tuân, cho Tuân hay cho mình?
Một tháng trước khi mùa mưa chấm dứt, một hôm ngồi trong quán cà phê, Tuân bỗng buột miệng nói với Lan:
“Anh phải lên núi. Đây là “dự án” cả đời anh dành hết công sức và tiền bạc cho nó. Đừng cho là anh chán đời sống này mà vì anh quá yêu nó và muốn tất cả mọi điều được bình yên”.
Lan không hiểu, quả thật, thời gian sau này cô thấy Tuân ngày càng khó hiểu. Anh ít nói hẳn đi và suy nghĩ sâu hơn. Anh nghiên cứu các hiện tượng thiên nhiên, suy luận những vấn đề của vũ trụ, của tự nhiên và cả tâm sinh lý con người. Anh nói nhiều về vận mệnh và dự đoán hơn nửa phần đời còn lại. Lan không tin tử vi, tướng số, Tuân nói, có lúc con người phải tin bởi ảnh hưởng từ ngoại cảnh.
Một điều hết sức đặc biệt, không hiểu Tuân nhìn thấy gì nhưng anh đoán được khá chính xác những việc sẽ xảy ra trong trời đất, ở thì tương lai gần. Anh còn nói điều mà Lan thấy ghê ghê và lo lắng: “Có lúc anh đọc được suy nghĩ của người đối diện, thậm chí của hai người đang nói chuyện với nhau, không liên quan đến anh. Anh tự nghiệm ra điều anh đọc được là đúng bằng cách theo dõi diễn biến của sự việc sau đó”.
Tuân cũng nói rằng, anh rất sợ mỗi khi suy nghĩ của anh hướng về ai đó. Trước hết, không phải bản tính của anh, vốn là người thâm trầm, kín đáo và bao dung, luôn tìm khía cạnh tốt của con người để biện luận; sau nữa, nó làm anh đau khổ vì thêm mối vướng bận trong lòng, đôi khi đến u uất nếu biết được một sự thật bên trong bị che giấu bởi những hào quang giả dối bên ngoài; hay nỗi oan khuất chỉ mình anh thấu mà không biết hay không dám thổ lộ với ai.
Lấy hết can đảm, Lan khuyên anh nên đến bác sĩ chuyên về thần kinh. Tuân nói: “Không, anh rất tỉnh táo, và anh biết sẽ phải làm gì!”. Vừa lúc, nhạc trong quán cà phê vang lên bài hát giai điệu boléro buồn đến tím ruột gan: “Người điên không biết nhớ và người say không biết buồn”. Ngoài trời mưa từng cơn, nhẹ, rồi ào ạt, rồi ngưng. Lạnh thấu vào tim.
Tuân nắm tay Lan nói rằng, một điều rất lạ, anh có thể đọc suy nghĩ người khác nhưng với Lan, hoàn toàn là bóng đen. Anh nói, đã có lỗi khi để cô chờ đợi trong ngần ấy năm, mong Lan sẽ tìm được hạnh phúc sau khi anh ra đi. Và cuối cùng, anh cám ơn cô về những ngày tháng êm đềm đã có giữa hai người, cô luôn xuất hiện đúng lúc mỗi khi anh thấy chơi vơi và bất an. Anh không nghĩ sẽ mang những kỷ niệm đẹp này đi theo trong hành trình còn lại của cuộc đời bởi những mục đích mà anh hướng tới; tuy nhiên, đời dài, sẽ có lúc ký ức ùa về để điền vào một chỗ trống nhỏ nào đó trong tâm hồn, giúp con người tiếp bước mạnh mẽ hơn. Anh biết ơn cô về tất cả.
Lan đâu chờ đợi điều biết ơn này. Lời của Tuân khiến cô buồn hơn. Vậy là hết. Những giấc mơ đã tan biến vào hư vô. Hiện tại mờ nhòa, sát gần mà xa diệu vợi. Mảng màu hồng đẹp đẽ của quá khứ nhăn nhúm lại, cuộn quặn, giằng xé, đớn đau rồi nát vụn, bung ra, bay rơi lả tả, lửng lơ rất lâu mới từ từ chìm xuống hòa lẫn vào các thứ ngổn ngang chỗ họ đang ngồi.
Ba tháng sau ngày ba mẹ Tuân đến cơ quan, Lan tìm đến nhà Tuân trong một đêm tối trời. Lưa thưa những vì sao nhỏ bé trông lẻ loi, cô độc và đầy bí mật trên nền đen thẫm bao la. Mùa đã trở lại bình yên cho vùng cửa sông hay chưa thì Lan không biết, nhưng không hiểu sao, cô cảm giác đêm không còn đớn đau mà chỉ là nỗi buồn man mác, không rõ hình hài.
Trong ngôi nhà quạnh quẽ, hai ông bà già lặng lẽ ra vào ra chờ đợi tin tức của con trai duy nhất như được hồi sinh khi thấy Lan. Cô cúi đầu nhận tội đồng lõa và thưa hết mọi chuyện. Cô có lên Núi Đá hai lần. Lần đầu gặp Tuân ở lưng chừng cùng với hai người thợ dọn dẹp đường lên núi, lần thứ hai thấy họ đang kéo ống dẫn nước. Tuân gầy hơn, nhưng rắn rỏi, khỏe mạnh. Ông bà thẫn thờ nhìn nhau. Cuối cùng, ông thở dài nói với Lan:
“Cám ơn cháu đã cho hai bác biết. Âu cũng là ý muốn, ước mơ của cả đời nó”.
Đó là chuyện hai mươi năm trước.
***
“Cố lên nào, con trai. Mẹ nghĩ con chưa mỏi chân, phải không?”.
“Còn xa lắm không mẹ?”.
“Mẹ không biết, nhưng người ta nói với mẹ là đi bộ khoảng một giờ không nghỉ là đến. Chúng ta vừa đi, vừa dừng lại ngắm cảnh nên sẽ lâu hơn một chút”.
“Nhưng trên núi này chỉ có đá, cây rừng lưa thưa xơ xác, đâu có gì hấp dẫn mà mẹ nhất quyết phải lên?”.
“Người ta nói với mẹ là lên trên đỉnh nhìn xuống sẽ thấy rất đẹp. Ngày xưa, mẹ mong một lần được lên núi để ngắm vùng cửa sông. Mẹ đã từng chứng kiến một giai đoạn sông trở bệnh, ầm ào, giận dữ. Nhưng giờ đây mọi thứ đã rất bình yên. Ngồi xuống đây nghỉ một lát rồi tiếp tục”.
Người mẹ âu yếm đưa tay hất lọn tóc xoăn xòa xuống trán gần che mắt của cậu con trai mười bảy tuổi, nhưng cậu chàng hất tay mẹ và nói:
“Đi tiếp thôi, mẹ”.
Những bậc cấp nhỏ dần, cheo leo và chênh vênh, khiến họ như dò từng bước. Qua mỗi khúc quanh lên một độ cao khác, họ dừng lại ngắm cảnh bên dưới dần hiện ra những đường nét ngoạn mục của vùng cửa sông. Cậu con trai lấy máy ảnh bấm lia lịa.
“Đẹp quá mẹ ơi! Nhà bà ngoại ngày xưa ở nơi nào bên dưới kia?”.
Rồi cậu thì thầm:
“Hôm qua con nghe chú bảo vệ khách sạn bảo là trên núi có một vị đạo sĩ, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, đúng không mẹ?”.
Người mẹ không trả lời. Mắt chị nhìn xa xăm vào khoảng không gian bao la trước mặt. Ký ức mùa mưa dầm và về một người tấp nập trở về. Tim chị đập mạnh, kéo theo nỗi hồi hộp. Người ấy bây giờ ra sao? Hai mươi năm đủ dài để khiến người ta quên tất cả? Với chị, mọi thứ như mới vừa hôm qua. Trong quán cà phê, một ngày mưa lạnh, buồn và đầy bất trắc, giai điệu boléro não nề đến buốt tim.
Những bậc cấp nhặt và nhỏ dần. Hai mẹ con gần như nín thở khi thấy lấp ló trong đám cây rừng xơ xác một mái nhà và tấm bảng nhỏ với dòng chữ: “Xin giữ yên lặng và dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời đi”.
Căn nhà nhỏ xíu, mái tôn, vách ván, sân xi măng sạch sẽ, không một cọng rác; vài cái ghế quanh cái bàn thấp cùng bộ bình tách xếp ngay ngắn, chứng tỏ nơi đây có tiếp khách. Gió thốc bay tấm rèm cửa sổ phía trước cho thấy có một người đang ngồi bên trong ở tư thế thiền.
Lan nhận ngay ra Tuân dù tóc và râu anh để dài và anh đang nhắm mắt. Chị kéo tay con trai đi thật nhẹ vòng bên hông, có một khung cửa sổ rõ được bên trong nhưng Lan không dám nhìn kỹ, chỉ thoáng thấy một tủ sách lớn cạnh chiếc giường nhỏ hẹp của cuộc đời khổ hạnh. Họ ra phía sau. Đường mòn dẫn lên bị những nhánh cây rừng chắn ngang như lâu rồi không có ai đi. Họ quay xuống.
Trước mắt họ là khung trời thoáng đãng. Có lối đi ra những tảng đá lớn nhìn bao quát vùng cửa sông và dãy Ngân Hoa. Không còn Núi Voi bí ẩn ngày xưa. Loạt ngôi biệt thự trải dài từ trên xuống. Con đường xoáy trôn ốc dẫn lên núi xác định bước chân của con người, vẻ như họ còn muốn lên đến tận đỉnh. Trên hai cù lao là hai khu nghỉ dưỡng cao cấp, thấp thoáng bên trong hàng dừa lưa thưa là màu xanh của các bể bơi. Có hai cây cầu sắt dẫn từ đất liền ra cù lao và nối hai cù lao với nhau. Phía ngược lại, dưới chân dãy Ngân Hoa là đường vòng vèo sát biển mà người ta gọi con đường vàng, chìa khóa mở cánh cửa cho du lịch. Mọi thứ quá thay đổi khiến Lan nhớ lại quãng bình yên trước mùa hạn và mùa mưa năm đó. Hai cù lao dày đặc dừa,người dân sống hiền hòa với những sản phẩm từ dừa và nghề đánh bắt cá, tôm. Chỉ có biển muôn đời không đổi với những màu xanh nương theo nắng và mây trời. Sông có rộng hơn hay không thì Lan không biết nhưng từ trên nhìn xuống, nơi những nhánh sông gặp nhau lần cuối rồi đổ ra biển vẫn đẹp, dịu dàng, hiền hòa và thanh thản.
Cậu con trai hỏi mẹ:
“Có phải mình nghỉ trong một khu nghỉ dưỡng bên dưới phải không mẹ?”.
Lan gật đầu. Đó là chủ định của chị khi trở về. Lan đã chọn một phòng nhìn lên Núi Đá, nơi có một mái nhà nhỏ, cách đỉnh cao nhất chỉ một đoạn ngắn đo bằng tầm nhìn từ bên dưới.
Lan ngồi xuống phiến đá bằng phẳng. Gió sông cuộn lên, gió núi lượn ngang đầu mơn man, mát rượi, xóa tan hết nỗi mệt nhọc. Cậu con trai hăm hở tìm những góc ảnh đẹp. Tự nhiên Lan thấy lòng mình thật nhẹ khi giải đáp được vài câu hỏi sau 18 năm rời xa nơi này. Tuy nhiên, làm sao chị biết hiện tại đây Tuân đang nghĩ gì. Ước mơ của cả đời người là như thế sao? Bỏ hết mọi thứ lên núi tìm cho mình chốn tu tâm hay để cầu nguyện cho sự bình yên của tha nhân? Mỗi người một lựa chọn, miễn sao thấy hạnh phúc và bằng lòng như ngày ấy chị chọn cách ra đi, một lựa chọn đời thường của một người bình thường. Điều khác thường đang ở phía sau lưng chị, nhưng hai mươi năm đủ để mọi thứ quen thành lạ, lạ thành quen và có thể chẳng ai còn nhớ.
Chiều buông nắng. Tiếng chuông nhà thờ bên kia sông đổ từng hồi vọng lên tận trên cao nhẹ nhàng, dìu dặt, xa xôi, nôn nao, buồn buồn. Hai mươi năm của Tuân với những chiều thế này ư? Bốn mùa, tám tiết, ăn uống, bệnh đau, nỗi cô độc... Làm sao một người bình thường như Lan hình dung ra được!
Cậu con trai ngồi xuống bên mẹ, nói nhỏ:
“Mẹ có ý định gặp vị đạo sĩ không?”.
“Lên đến đây là đủ rồi. Nếu con không còn muốn chụp ảnh nữa thì chúng ta về”.
Trước khi xuống núi, Lan đứng lại rất lâu trước khung cửa sổ và nhìn Tuân mỗi khi chiếc rèm bị gió thốc lên. Gương mặt anh thật bình thản, vô ưu và hiền từ. Lan nhủ thầm, may là lên núi vào đúng giờ Tuân đang thiền. Thôi thì, coi như qua đời nhau một đoạn ngắn, chỉ cần một người thấy lại một người sau ngần ấy năm. Hai cuộc đời đã quá cách xa nhau, không phải bây giờ mà ngay từ lúc họ còn bên nhau.
Nếu cố tình, từ khu nghỉ dưỡng bên dưới người ta có thể biết được sự hiện diện của vị đạo sĩ trên Núi Đá bằng cách zoom máy hình hay nhìn qua ống nhòm. Thế nhưng, chẳng ai làm điều đó vì không rảnh, hay biết để quan tâm chú ý. Chỉ có Lan. Những ngày lưu lại, vào buổi sáng sớm hay chiều sẫm, bằng ống nhòm, chị thấy có người ra vào từ ngôi nhà trên núi cao. Và đọng lại trong chị là những câu hỏi không có lời giải đáp, Tuân nghĩ gì, làm gì, anh có thấy điều đã làm có ích không, hay chỉ là ước nguyện và phần số buộc anh như thế?
***
Nhiều năm sau nữa, vào những mùa nắng nóng nhất, dãy Ngân Hoa cũng không tự cháy, và ba tháng mưa liền không thấy xuất hiện trở lại. Người đời cho là do có một vị đạo sĩ hằng ngày cầu nguyện cho sự bình yên của vùng cửa sông. Câu chuyện thêu dệt tùy theo cảm hứng người kể. Cũng chẳng ai biết người đó còn sống hay đã chết, thậm chí họ còn tranh cãi là vị đạo sĩ đã hóa đá trong tư thế thiền. Trí tưởng tượng phong phú của con người thường thích dựng những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.
Nhưng, suy cho cùng, huyền thoại nào cũng bộc lộ ước ao to lớn của thế nhân, đó là sự an lành. Một khát vọng chính đáng, bình thường nhưng vô cùng xa xỉ đôi khi dễ thành ảo vọng, không tưởng!
Đào Thị Thanh Tuyền

Trăng sơn cước

NGẢI ĐẮNG Ở TRÊN NÚI
"Tôi thường cảm thấy khó khăn khi có ai đó hỏi: Bạn thích nhất cái truyện nào của mình. Bởi lẽ giống như một bà mẹ tôi thai nghén và viết chúng một cách chật vật. Có những cái viết xong rồi lại cảm thấy chưa ổn ở chỗ nào đó phải để vào một chỗ có khi vài tháng sau mới lấy ra đọc lại để tìm chỗ cần bổ sung hay cắt gọt. Nghĩa là khổ sở lắm mới ra cho được một cái truyện ngắn. Như thế thì làm sao có chuyện yêu cái này và không yêu cái kia. Nhưng lần này tôi chọn trả lời bằng "Ngải đắng ở trên núi" là bởi tôi đã dồn vào nó rất nhiều sức lực đã đành còn gửi gắm tình yêu với thiên nhiên con người nơi mình sinh ra; nỗi day dứt hoài niệm về những năm tháng nghèo khó mà cha mẹ tôi phải chèo chống nuôi mấy anh em tôi ăn học; Nó gánh được linh hồn dáng vóc hơi thở màu sắc mùi vị... của miền núi cao; Nó là một bức thông điệp chuyển tải được nhiều nhất những điều tôi muốn nói cũng như những dấu ấn cá nhân khát vọng và tấm tình của một đứa con đã đi ra khỏi nhà.
Tôi đã viết "Ngải đắng ở trên núi" như đã viết nhiều cái khác trên giường tầng trong một căn phòng chật hẹp ở kí túc xá trường đại học. Tôi đã luôn phải ngồi khoanh chân trên giường viết trên một cái mặt bàn rất bé trước mặt luôn là bức tường có treo ảnh cha mẹ. Bên ngoài bức tường là Hà Nội nhộn nhịp và náo động. Tôi đã chỉ có một bức tường gạch để cách ly với phố xá - thế giới xa lạ với những trang viết của tôi càng xa lạ với nỗi hoài niệm không bao giờ dứt trong tôi. Song hình như chính trong bối cảnh bấp bênh mong manh ấy tôi viết thuận hơn xuôi hơn thì phải..."
Đó là đoạn tôi viết theo đơn đặt hàng của ông bạn bên XBTN khi hắn đòi tôi tự chọn cái truyện tôi thích nhất. Hắn nói có thể sau này ý kiến của tôi sẽ khác vì tôi còn viết văn cả đời. Nhưng thực tế là đến giờ tôi vẫn thích cái truyện này nhất. 
******
                
Mẹ và thằng Sinh đón tôi ở ngã ba nơi chân dốc dẫn lên ngôi nhà sàn. Ngôi nhà nằm chênh vênh trên cao kia. Già nua cũ kỹ và nhỏ nhoi. Khi nào nhớ về mẹ tôi cũng hình dung thấy ngôi nhà với chín bậc cầu thang nơi chân tôi run rẩy chập chững đi ra cuộc đời và từ cuộc đời đầy giông bão trở về.
Mắt tôi tự dưng mờ đi. Tôi luýnh quýnh: "ềm! ềm vẫn khoẻ đấy ư?Trời ôi con lo biết chừng nào là lo!". "Biết tao khoẻ thì còn lâu mày mới về phải không Din?". "Kìa... con xin ềm. ềm đừng nói với con thế. Con vừa về tới nơi... ềm có thương con...". Mẹ tôi ngoảnh mặt đi lặng thinh. Tiếng thở dài nhè nhẹ mà hun hút như cơn gió quặn lồng ngực tôi.Thằng Sinh ôm cổ dí cái mũi ươn ướt vào má tôi: "Bác ơi bà bây giờ lẩm cẩm rồi. "Hư nào!". "Thật... Bố cháu bảo thế mà".
Nhà tôi chỉ có hai chị em tôi với em Dân. Cha tôi hy sinh khi tôi mới mười tuổi mẹ tôi ở vậy nuôi mẹ chồng cả đàn em chồng lít nhít với hai chị em tôi. Rồi bà tôi mất các cô các chú lấy vợ lấy chồng tôi đi xa em Dân lấy vợ sớm rồi cũng đi nốt bỗng chốc mà mẹ gần như chỉ có một mình. May mà em Dân lấy vợ quê từ ngày có thằng Sinh mẹ tôi cũng khuây khoả.
Mẹ đi trước tay dắt thằng Sinh chậm chạp leo dốc. Tôi thảng thốt chẳng lẽ lưng mẹ đã còng thật rồi ư? Dấu vết thời gian chính là nó đã hiện diện khắc nghiệt trên dáng vóc mẹ không nấn ná không gượng nhẹ. Đôi chân cũng không còn chiều theo ý mẹ và con đường như dài hơn dốc hơn khấp khểnh hơn. Ngày xưa cũng trên con đường cheo leo dốc này tôi đặt em Dân lên tấm lá cọ rồi kéo sầm sập chạy xuống vừa chạy vừa la hét. Có lần cả hai chị em ngã dúi dụi mặt vục vào đất cát không khóc thành tiếng. ấy thế mà bà nội biết không cho mẹ đánh đứa nào. Về sau em Dân bảo: "Lúc ấy em thương mẹ quá. Đến cả cái quyền dạy con cũng bị cấm đoán". ý em trách bà nội. Bà nội tôi có tiếng khắc nghiệt với con dâu ở Tả Choóng bây giờ. ấy thế mà rồi bà cũng chỉ ở với con dâu cả cho đến cuối đời chứ không chịu đi với đứa con trai con gái nào.
Em dâu đi nương về ngả vội gánh thóc nếp xuống cầu thang: "Chị Din đã về rồi này! Ôi tí nữa thì em dâu không nhận ra đấy. Ngày càng đẹp gái như bông hoa thì khổ trai bản thôi". Em dâu cười cái lúm đồng tiền xoáy sâu trên má. Em dâu kém tôi bốn tuổi. Ngày em về làm dâu nhà tôi có bao nhiêu trai bản uống rượu say không về được. Người Tả Choóng bảo nhờ em Dân có cái chữ hơn người nên ông Dìn mới chịu gả con gái cho mà chỉ lấy ba mươi chứ người như thế phải lấy cả trăm mới xứng. Trăm đồng bạc trắng trăm cân gà trăm cân lợn trăm lít rượu ngô không phải nhà giàu mấy đời thì chịu thôi làm đến chết cũng không trả hết nợ. Ngày có em dâu tôi khấp khởi mừng ít ra cũng an tâm phần nào khi đi xa. Hình như em sinh ra để làm dâu nhà tôi. Em giống mẹ tôi từ nết ăn ở trở đi. Có em mẹ có thêm một đứa con gái. Một đứa con gái mà mẹ mong mỏi chứ không như tôi. Tôi không nghe được mẹ muốn gì. Tôi vùng vẫy và tôi ra đi. Có những lúc mệt mỏi rã rời vì cuộc mưu sinh nơi xứ người tôi chỉ thèm được vùi mặt vào ngực mẹ mà khóc cho thoả thuê. Nhưng rồi vẫn cứ xa mẹ xa hơn và lâu hơn.
Gánh thóc nếp có tới bốn cum vậy mà em dâu chỉ xốc nhẹ một cái đã vắt trên vai bước thoăn thoắt lên cầu thang để lại chín vết chân ướt vững chãi đều đặn. Cầm lấy cum thóc em dẻo tay lật ngửa xoè nó ra như bông hoa trên sàn phơi đầu hồi. Cạnh đó có tới mấy chục cum đều đặn và đã xếp sẵn từ bao giờ. "Năm nay được nhiều thóc nếp không em?". "Nhiều. Được mùa mà. Đủ đồ xôi cho chị Din cưới chồng đấy. Mà... có về quê lấy chồng không chị Din?". "Bây giờ không ai muốn lấy người hai sáu tuổi đâu em ơi. ế mất rồi". "Cây cao khắc có người khoẻ trèo chị Din à .
Tôi cất đồ đạc cầm lấy đòn sóc theo em dâu lên nương mang nốt số thóc đã "tan" về. Em dâu bước đi nhanh thoăn thoắt mặc những cành gai chìa ra quệt vào đôi bắp chân tròn vo. "Năm nay nhà nào cũng bỏ nương xuống dưới kia làm ruộng nước rồi. Cả lúa nếp cũng cấy dưới ấy nhiều giống mới bây giờ mang đập như thóc tẻ được không phải vò. Nhưng bà nội thằng Sinh bảo vẫn phải gieo một ít thóc cũ để còn đồ xôi làm bánh rằm với lại để phần đợi chị Din...".
Nương lúa đã đổ rạp xuống ở phần "tan" xong. Mai kia khô rồi chỉ cần châm lửa đốt là sạch sẽ trỉa luôn được vụ mới. Chiều chậm chạp đổ xuống từng vạt núi vàng sậm cả những cánh rừng sồi rừng dẻ mướt óng phía xa. Gió trườn trên những triền núi; từng cơn từng cơn cuốn theo mùi khói bếp từ những căn nhà bàng bạc thấp thoáng phía bản người Phù Lá.
Một thằng bé mặt mũi lọ lem lùa đàn dê đông nghìn nghịt từ đỉnh núi chạy xuống. Ngang qua chỗ tôi nó khựng lại đôi mắt hiền lành giương lên tò mò. Tôi mỉm cười thân thiện: "Em tên là gì?". "...". "Nhà em ở ngay bên suối phải không?". Tôi hỏi vậy bởi lúc lội qua con suối đầu làng đã thấy một ngôi nhà trông giống trại chăn dê từng dãy chuồng kế tiếp nhau san sát. Nhưng thằng bé không nói gì ngoài những âm thanh u ơ rụt rè. Đột nhiên nó chìa cho tôi một mớ cỏ tím ngăn ngắt lè lưỡi trêu chọc rồi quay đi roi vung lên vun vút. Em dâu khe khẽ: "Thằng Câm đấy. Có khi chị không nhớ. Ngày chị còn ở nhà nó vẫn mang cá lên bán cho mẹ. Nay thì ở mỗi nhà một vài ngày. Gần hai mươi tuổi rồi mà không lớn thêm được là mấy... Nó đưa cho chị cái gì thế? Ngải đắng à? Đi xa thế thảo nào về muộn...". Lúc này tôi mới nhận ra một mùi hương quen thuộc xộc lên. Chính cái thứ hương cay cay ngòn ngọt nhằng nhặng đắng đã theo riết tôi đã níu tôi với cả quãng đời thơ ấu bình yên. Có vậy mà từ lúc nào bước chân về bản tôi nghĩ mãi không ra mình thấy thiếu thứ gì mà cứ chông chênh trống trải. Nắm rau ngải thằng Câm mang về đã bắt đầu héo và nóng sực.
Mãi tới lúc lên đèn em Dân mới về thồ theo một can dầu sau xe. Trông em già và đen đi nhiều. Cứ tưởng làm cán bộ xã thì nhàn rỗi... Mâm cơm có canh măng giang nấu với thịt ếch thịt gà rang lá chanh và ngải đắng xào mẻ. Nhìn đĩa rau ngải tôi thèm mà không dám gắp sợ hết. Để rồi đến cuối bữa vẫn còn nguyên. Em dâu ngạc nhiên: "Sao chị bảo thích rau ngải lắm?". "ừ...nhưng...". "Nhưng lâu rồi lâu quá rồi không ăn cái đắng như thế nên quên phải không?". Mẹ tôi vẫn cái giọng dằn dỗi.
Tôi lặng im. Dân nén thở dài. Trên mâm gỗ đĩa rau ngải cứ nhoà dần nhoà dần đi... Tôi nghe quặn lên từ trong tiềm thức tiếng thác lũ thượng nguồn ào ạt tiếng vỏ cây rừng mùa khô vỡ ra lách tách tiếng con nai tác mẹ ngẩn ngơ thăm thẳm và cả những cơn gió mùa dài lê thê hun hút trên mái nhà. Năm ấy... Trời làm đất đai cạn kiệt tôi theo mẹ đem ống bương đi qua hai quả núi cách Tả Choóng nửa ngày trời mới lấy được thứ nước đầy rêu trong một cái vũng nhỏ. Rét căm căm sương muối trút xuống từng tảng sáng ra thấy cây cối đầy lá úa dây bí ngoài vườn chưa kịp ra quả đã khô quắt queo mẹ gieo hạt cải cả tháng chưa thấy mọc. Không có hai thứ ấy người quê tôi không còn bất cứ thứ rau gì cho mùa đông. Một ngày hai ngày rồi cả tháng bữa nào cũng chỉ có sắn nạo ăn với muối. Em Dân khóc ngằn ngặt rồi bà rồi mẹ cũng ứa nước mắt. Chiều hôm ấy mẹ ra vườn quơ lấy một nắm ngải đắng bà bảo: "Đừng liều thế mẹ Din". Mẹ tôi ngập ngừng: "Con dê ăn được chắc mình cũng ăn được ềm à!". Không có rau miệng ai cũng phồng rộp cả lên. Nhưng ngải đắng xưa nay người ta chỉ lấy về khi trong nhà có người ốm đem nướng trên phiến đá nung rồi để gối đầu chứ chưa ai ăn bao giờ.
Mẹ đem luộc rồi xào mẻ. Mẻ chua muối mặn vậy mà ngải vẫn nhằng nhặng đắng. Tôi còn cố nuốt được vài ngọn chứ em Dân thì nhè ngay ra lại khóc. ấy thế nhưng tỉnh người ra thật dần dần vài bữa rồi quen ruột gan đỡ xót đi. Bà gắp một bát đem sang hàng xóm. Thế rồi cả bản theo nhau hái về ăn thay rau. Người ta càng hái thì ngải càng đâm nhiều ngọn mặc cho những đợt gió mùa tới tấp ùa về quất ràn rạt trên mặt đất. Trên nương trong vườn cả dưới gầm sàn chỗ cái ang nước khô vênh chỗ nào cũng thấy ngải như một sự bù đắp cho sự khắc nghiệt của đất trời...
Sinh đã ngủ khoèo trật cả cái bụng tròn phinh phính ra phía bếp lửa. Mẹ tôi mang mảnh lưới đan dở ra làm tiếp em dâu vừa đun cám vừa vò thóc nếp. Dân ngồi rít thuốc lào. Trên bếp nồi cám bắt đầu sôi lục bục mẹ mới cất tiếng: "Dân à! Nói gì với chị mày thì nói đi chứ. Mong nó về lắm mà!". Em dâu nhẩn nha: "Đi làm cán bộ nói mãi cho người ngoài nghe được mà nói với chị gái thì khó thế à". Dân ngọ ngoạy lúng búng: "Chị Din về lâu lâu được thì mai em mới nói. Để chị nghỉ đã...". "Chị không về lâu được đâu. Một hai ngày lại đi thôi. Còn bao nhiêu việc dưới kia...". Dân vốn thế. Người ngoài chả nể ai về nhà lại sợ chị. Từ bé tới giờ khi nào tôi cũng đầy quyền uy. Đâu muốn thế. Chả gì cha tôi là trưởng họ được mỗi đứa con trai...
Dân diễn đạt một cách vất vả thỉnh thoảng lại liếc mẹ nhưng mẹ không tỏ thái độ gì. Ra em đang mâu thuẫn với mẹ giữa cái mới và cái cũ. Xã đang đốc thúc các làng các bản thực hiện quy ước nếp sống văn hoá phải thay đổi cách ăn ở sinh hoạt cả một số phong tục bị xem là lạc hậu... nhưng Dân một trong những người cần gương mẫu thì vấp phải mẹ như vấp vào ngưỡng cửa nhà mình. Khó xử nan giải là phải. Chẳng biết mấy ngày ở nhà tôi có giúp được gì không.
Mẹ giục đi ngủ mở hòm ra lấy bộ váy từ ngày tôi chưa đi. "Còn biết cách mặc không?". "Dạ... nhưng tóc ngắn thế này làm sao mà vấn được khăn đây ềm?" Mẹ tôi thở dài: "Mày lớn quá tao không giữ nổi mày thật rồi. Núi rừng cao thế cũng không ngăn được bàn chân mày. Sau này tao chết đi rồi mày có trở lại Tả Choóng không? Mày lấy người thế nào làm chồng hả Din? Sao mày không đưa nó về để tao xem tay xem mặt? Mày sợ nó khinh mày khinh quê mày phải không? Đời tao có khi không biết đến chén rượu của con rể lớn bé thế nào...".
Giờ thì tôi khóc nức lên. Lâu rồi không khóc được như thế. Tôi biết nói gì với mẹ khi tôi đã ra đi vì khát vọng của mình đã giãy giụa ra khỏi những mịt mùng heo hút đã sợ bị "định giá" như mẹ như em dâu... thì còn có thể thanh minh giãi bày gì cho vừa lòng mẹ? Tôi ghì xiết lấy tấm thân bé nhỏ và lạnh của mẹ. Đâu hết rồi mẹ ơi những ấm nồng đầy đặn ăm ắp sức sống? Đâu rồi bầu ngực tròn căng của người vợ goá? Đâu rồi mái tóc đầy những mùi thơm của lúa mùi cay nồng của ngải đắng mùi mặn mòi của cỏ tranh bị đốt cháy?...
Đêm thanh vắng tiếng nước chảy trong máng vầu róc rách. Không biết từ ngày tôi đi đã mấy lần em Dân phải thay máng rồi. Bất chợt tiếng tắc kè bật lên khắc khoải. Tôi rưng rưng nhớ cha. Ngày cha tôi còn sống ông đã từng bắt tắc kè về nuôi. Chỉ cần thả vài con tắc kè non lên mái nhà hôm trời mưa là nó ở lại luôn thôi không đi nữa. Có lúc đàn tắc kè sinh sôi đến gần chục con dạn người lơ láo bò qua bò lại trên bậu cửa. Hôm nào chúng kêu tiếng lẻ là trời nắng tiếng chẵn là trời mưa cha tôi cứ theo đó mà cắt đặt việc nhà. Chiến tranh biên giới nổ ra cả nhà bồng bế nhau đi sơ tán chỉ cha tôi ở lại cùng dân quân du kích xã mà ông phụ trách. Cho đến khi tạm ngưng tiếng súng thì chúng tôi trở về. Cha tôi đã hy sinh. Căn nhà cũ tan hoang mốc thếch đàn tắc kè bỏ đi từ bao giờ. Bà nội ứa nước mắt bảo chúng đi theo cha tôi. Đêm nay... tắc kè cũng kêu. Không biết trong số chúng có con nào là hậu duệ của đàn tắc kè nhà tôi? Đếm mãi mà không nghe rõ tiếng chẵn hay lẻ. Mẹ tôi than mấy năm gần đây mưa nắng thất thường mùa vụ cũng lúc được lúc mất.
"Din ơi mày vẫn thức đấy chứ?". "Vâng! ềm bảo gì con?". "Mai mày nói với thằng Dân bảo nó không muốn ở nhà thì xuống xã mà ở". "ấy chết! Sao ềm nói thế? ý em Dân không dám như vậy đâu". Mẹ nghèn nghẹn: "Hơn sáu mươi năm nay tao như con suối chảy xuôi. Sắp ra đến sông lớn rồi sắp theo cha chúng mày rồi giờ nó bắt rẽ ngang bắt chảy ngược... Nó... thằng Dân ấy...". "Nhưng con thấy có gì rối rắm lắm đâu mà ềm...". "Hừ! Không à! Mày cũng giống nó thôi Din à. Bao nhiêu năm nay người ở trên sàn nhà trâu ngựa ngan ngỗng ở dưới gầm sàn tự dưng em mày đòi mang trâu ra ngoài vườn con trâu mẹ ốm lên ốm xuống cho uống bao nhiêu muối không khỏi. Ngỗng đang ở yên thế tự nhiên lại lùa ra sáng nào cũng phải đi tìm con ngủ chỗ này con ngủ chỗ khác... Cả mày cả nó đều tập ngồi tập đi ở trên sàn nhà mới lớn được chừng ấy bây giờ còn mang bộ bàn ghế về. Nó bảo hay có khách nên phải lịch sự. Lịch sự là cái gì? Khách nào cũng mặc quần áo đẹp đi cả giày lên nhà. Ngồi uống nước thì quay lưng vào bàn thờ ông bà thấy trẻ con thì vỗ má xoa đầu... Thế mà lúc tao mở miệng ra thì nó bảo để rồi phá cái nhà này đi làm nhà ngói mà ở. Tao ốm bảo mổ dê gọi thầy mo về đuổi con ma đi nó lắc đầu quầy quậy đưa cho một nắm thuốc xanh xanh đỏ đỏ... Bây giờ khôn rồi cái gì cũng muốn theo người xuôi. Tao không cần. Tao không có đứa con nào như thế. Tao chết ở đây". Lồng ngực mong manh của mẹ căng lên những nhịp đập hối hả ngắt quãng. Mẹ khóc không có nước mắt. Tuổi già đã mang đi những giọt đau đớn cuối cùng của đời người.
Hồi lâu mẹ cựa mình len ra khỏi đôi tay tôi mẹ vén lại chăn. Tôi choàng dậy: " ềm đi đâu khuya khoắt thế?". "Ngủ đi. Tao đi xem con nghé mới đẻ. Dặn mẹ Sinh nhớ xúc trấu khô mà ủ chắc lại quên rồi". Lúc chiều ông Tào ở mãi Ngàm Đăng Vài sang đòi đặt tiền trước để con nghé lớn tí nữa thì bắt đi. Trâu trắng không dùng cày được người ta kiêng. Nhưng bán đi thì tiếc lại thương con trâu mẹ. Thế nên ông kia nói mãi mà mẹ vẫn chưa chịu cầm tiền.
Tôi không sao ngủ được. Càng đêm càng lạnh. Thời tiết ở đây vốn thế ban ngày nắng đến mấy có khô rang cả mái nhà dày hàng gang tay thì đêm vẫn lạnh. Quanh năm không khi nào phải cất chăn. Tấm chăn tôi đang kéo lên đến cằm nặng trình trịch toả ra một thứ mùi của ký ức. Ngày chuẩn bị về làm dâu mẹ tôi mười sáu tuổi mẹ tôi đã dệt cả tháng trời mới xong tấm chăn còn chưa kể những khăn và váy áo. Mẹ kể đêm đầu tiên rét lắm nhưng mẹ dứt khoát không chịu đắp chung chăn với cha để rồi cha phải bỏ ra bếp ngồi hút thuốc lào đến sáng. Mẹ về làm dâu là về không hầu như chẳng có gì vì ông ngoại mất sớm mẹ ở với chú thím. Thế nên chỉ như thân con mèo nem nép bên bếp nhà chồng từ sáng đến tối không biết ngẩng mặt lên đến bữa không dám ăn no đến năm mười tám tuổi mà bé quắt hơn cả lúc lấy chồng. Chị cả tôi ra đời chưa đầy tháng thì mất vì viêm phổi mãi hơn chục năm sau mới có tôi...
ở vùng núi bao giờ mùa đông cũng đến sớm. Khi những chiếc lá đào lá mận đầu tiên rụng xuống thì dòng suối bắt đầu cạn nước chảy dưới phần ngầm của lớp đá cuội trắng trơ. Gió từ trong khe núi ùa ra mang theo hơi lạnh đến ghê người của đá và lá cây lúa. Thân ngải đắng bắt đầu khô lại rễ bám chặt lấy lớp đất chai cứng và ngả sang màu nâu đen vì sương muối. Nhiều ngày nhiều tuần có khi cả tháng trời không có nắng giữa tuần trăng đêm cũng chỉ lờ mờ. Đây là quãng thời gian ít việc nhất trong năm. Đám con gái chỉ quanh quẩn ở nhà xe lanh đôi gò má bắt lửa đỏ au. Ngoài nương chỉ còn trồng tam giác mạch. Hạt tam giác mạch ăn không ngon như hạt ngô hạt lúa nhưng hoa tam giác mạch thì đẹp. Trời càng rét thì sắc biếc sắc hồng càng rực rỡ. Cả dải núi nương nhà này nối với nương nhà kia cứ bừng lên như một màu tam giác mạch ngợp trời. Cả nương tam giác mạch có khi chỉ được lưng quẩy tấu hạt nhưng nhà ai cũng trồng. Dễ lắm. Đợi cây ngô thu hoạch xong trời bắt đầu rét thì quãi tam giác mạch xuống. Cỏ không mọc nổi nhưng tam giác mạch thì nảy mầm lên xanh mướt thế nên chả ai chịu để đất không.
Cho đến khi ngựa đập móng lộp cộp đầu hồi hoa lê bật bông trắng như tuyết thì xuân sang. Các ông bố đeo bao dao ra khỏi nhà tìm trong bản ngoài bản ai có lợn to thì chung mổ ăn Tết. Xuân sang đấy nhưng trời còn rét mãi tới tháng ba tháng tư trẻ con đuổi bò xuống thung lũng vẫn chưa chịu bỏ bùi nhùi rơm ở nhà mặt đứa nào cũng nứt toác cả ra. Chỉ có đất bắt đầu tơi mềm bò dê được ăn cỏ tươi và nước thì bắt đầu chảy đầy máng vầu trở lại. Sau Tết Nguyên đán có khi hội bản này nối sang bản kia cả tháng trời. Chợ nào cũng đông nghìn nghịt toàn con trai con gái mặc đẹp đeo đầy vòng bạc mua sắm thì ít mà ngắm nhau thì nhiều. Ngày xưa cha tôi cũng nhìn thấy mẹ tôi vấn đầu trong một phiên chợ như vậy.
Trở vào mẹ không đi nằm mà ra bếp ngồi cơi lò cho cháy lên lại mang lưới ra đan. ánh lửa chập chờn hắt lên mẹ lên mái tóc bạc lên gương mặt đã kín vết nhăn như thực như hư. Một nỗi sợ từ đâu ùa vào tôi. Hình ảnh chiếc áo quan mở nắp mà thằng Sinh với lũ bạn nhảy ra nhảy vào đùa nghịch hiện lên mồn một. Mẹ tôi đã chuẩn bị cho sự ra đi lâu nhất mãi mãi như thế từ cách đây năm sáu năm. Ba con dê đổi lấy một khúc gỗ dẻ rất lớn mà em Dân dùng trâu kéo về...
Tôi ra ngồi với mẹ. Lát sau gà gáy eo óc thì em dâu cũng dậy kiễng chân với mẹt muối sấy trên gác bếp xuống lật trở cho đều. Sắp tới rằm tháng bảy ăn to lắm. Nhà nào nghèo mấy thì trẻ con cũng phải có bộ quần áo mới trong nhà có ít nhất hai thứ bánh gù bánh chuối và chõ xôi đỏ hoặc tím. Ngày nhỏ tôi đã từng bắt em Dân theo chúng bạn sang tận Khuổi Nậm tụ tập đánh khăng đánh cù lúc đói bụng thì chạy vào bất cứ nhà nào cũng được ăn bánh đầy bụng. Tháng bảy hay mưa nhưng cứ mười bốn mười rằm là tạnh ráo. Đàn ông đi uống rượu nhà bạn bè có khi say mấy ngày liền không về.
Em dâu nhắc: "Rằm tháng bảy năm nay thế nào chị Din cũng phải về đấy nhé. Hai cái rằm rồi làm bao nhiêu bánh ăn mãi không hết. Làm ít bà bảo sợ chị Din về nhỡ có bạn đi cùng thì không đủ thế là cứ cố nhiều bột nhiều chuối... ấy da...". Tôi nhìn mẹ. Muốn hỏi có phải ềm chỉ làm mặt giận vậy thôi chứ lúc nào cũng thương con gái nhất nhưng mẹ dường như chẳng để ý gì.
Chưa tỏ mặt người em Dân đã đi bảo phải lên họp ở trên huyện. Dân nhìn tôi hình như muốn nói gì nhưng ngần ngừ rồi thôi xách cặp đi tiếng xe Min nổ phành phạch xa dần. Gương mặt buồn buồn của đứa em trai mới lớn ngày nào còn tranh với chị từng củ sắn nướng cứ dằn vặt tôi. Nghe đâu người ta còn muốn cất nhắc Dân lên huyện nhưng em không muốn đi. Dân khác tôi gắn chặt với nơi mình sinh ra không sao rời đi được dù có nhiều cơ hội cho bản thân vươn lên. Tôi vừa thương vừa biết ơn Dân em gánh cả phần trách nhiệm của tôi đối với mẹ hẳn cha tôi dưới kia cũng mừng.
Sinh dậy chả rửa mặt gì lôi tôi xuống cầu thang: "Mình đi tìm ngỗng về không thì bà lại mắng bố Sinh". "Tìm ở đâu kia?". "Sinh biết mà. Đi nhanh nào". Sinh kéo tôi chạy một mạch tới suối chỗ cái cối nước đang thì thụp giã. Cả bầy ngỗng đang ngủ ở đấy thật co một chân húc đầu vào cánh bị đánh thức chúng nhốn nháo ầm ĩ. Bản tôi nhà nào cũng nuôi ngỗng thay cho chó canh nhà. Chỉ cần hai con ngỗng là cứ việc mở toang cửa ngõ đi làm cả ngày.
Hai bác cháu lùa ngỗng về tới nhà thì mẹ tôi đã đứng ở chân cầu thang có ý chờ. "Ai bảo không mặc áo mà chạy đi sớm thế hở Sinh?". Thằng bé tảng lờ liến láu: "Cháu với bác Din đi tìm ngỗng về. Chúng nó ngoan lắm éme à. Chỉ cần làm một cái nhà be bé ngoài máng nước cho chúng nó là xong. éme ơi... - nó ngập ngừng - éme đừng mắng bố cháu đừng giận bố cháu nữa tội nghiệp lắm. éme nhé! éme gật đầu đi. Gật như Sinh đây này". Thằng bé làm động tác gật đầu mấy cái. Mẹ tôi nhìn thằng bé mắt hấp háy như có ánh cười. Thằng Sinh giống em Dân tôi y hệt từ nước da ngăm ngăm đôi mắt một mí đến hai mớ tóc hơi quăn kết chặt vào nhau. Nó thực sự là hiện thân của Dân hai chục năm về trước... hình như thằng Sinh đang cố gắng làm cái việc mà bố nó loay hoay mãi không biết xử trí thế nào. Và mẹ tôi thì tin cậy nó. Có lẽ vì thằng bé còn đang trong vòng tay bà nối bà với những đứa con dang đôi cánh bay cao và bay xa.
Dưới chân cầu thang nơi mẹ tôi và thằng Sinh đang đứng. Có một phiến đá rất lớn. Phiến đá màu xanh bốn năm người đứng lên vẫn đủ chỗ. Cha tôi đã kéo nó từ dưới chân suối lên sau một cơn lũ lớn. Chính trên phiến đá này tôi đã gặp cha lần cuối cùng nghe ông dặn dò rồi tôi khóc ròng ròng mãi mới buông vạt áo ông ra. Sau này không biết đã bao nhiêu lần tôi đứng vào chỗ của cha hồi đó mặt hướng lên phía Tây Côn Lĩnh cao vời vợi sương mù phủ trắng mà cảm thấy như một sự ấm áp một nguồn sinh lực nào đó để có thể đi những bước vững vàng ngoài kia.
Mặt trời lên. Đỏ như một quầng lửa. Báo hiệu một ngày rất nắng. Cứ nắng như thế thì chỉ ba ngày là thóc nếp khô yên tâm xếp lên gác bếp. Năm nào cũng vậy sau mùa thu hoạch bao giờ trên cái gác chạy dài từ đầu nhà đến cuối nhà cũng đầy chật lúa ngô. Ngô túm thành từng túm treo lủng lẳng lúa xếp bên trên. Được mùa có khi lúa năm ngoái chưa ăn hết thì lúa năm nay đã về cứ thế xếp lên. Mẹ tôi kể ngày xưa nhà ông bà nội còn có những cum thóc tuổi nhiều hơn chú út.
Có tiếng leng keng lịch kịch thì ra thằng Câm đang lùa dê lên núi. Nó dừng ở ngõ nhà tôi chờ em dâu tôi lùa dê ra. Tôi bảo: "Để chị đi cùng nó". "Làm gì cơ chứ. Mình nó vẫn chăn mà. Với lại xa lắm cơ chị Din ạ". "Xa mấy chị cũng tới được. Chị muốn tìm ngải đắng...". "Thì bảo nó lấy cho. Việc gì phải đi cho mệt ra". "Không. Chị muốn tự hái về". Mẹ lẩm bẩm: "Ngày xưa... ngải bò vào đến gầm sàn dỗ mãi không ăn. Làm sao giờ lại thèm khát đến thế hở!".
Câm hớn hở ra mặt. Cặp mắt anh ánh đàn ông lấp lánh trên gương mặt thoắt buồn thoắt vui. Chắc đi mãi một mình nó cũng buồn. Chúng tôi đi ngược về phía mặt trời. Mặt trời đang ở phía sau dãy núi kia mới chỉ thấy những tia nắng hình nan quạt hắt lên. Con đường đầy những vết chân dê càng lúc càng dốc những con bọ gậy bò lổm ngổm trên đám lá vàng ướt sũng sương đêm. Càng lên cao rừng càng âm u. ở những cánh rừng như thế này trời tối khi nào đám trẻ mải chơi không kịp biết. Trên đầu tán cây ken dày khít ong bay vù vù. Vất vả lắm tôi mới theo kịp Câm. Đàn dê không cần đuổi cũng đã chạy trước sục vào những bụi cây gai mịt mùng.
Và đây tôi đang đứng trên đỉnh của một trong những ngọn đồi hùng vĩ nhất Tây Côn Lĩnh. Gió lồng lộng thổi như muốn cuốn tôi bay lên cao... Và kia oà ra trước tôi xanh rợp tím ngắt bàng bạc trắng dập dềnh như những con sóng là cả triền núi mơn mởn ngải đắng vừa thức dậy từ sương mù. Tôi lao vô tri vào đấy úp mặt lên nó một trạng thái nửa mê nửa tỉnh tựa hồ quay về những năm tháng rất xa. Những năm tháng mà có lúc tưởng như nó chỉ còn phảng phất trong cuộc sống cuồn cuộn chảy dữ dội vật lộn hôm nay. Tôi gặp cha tôi ở đây. Ông vẫn cường tráng vâm vấp tôi rúc vào ông như một con gấu non...
Tôi đã trở về nơi tôi sinh ra. Nơi mặt trời lên muộn nhất và đi ngủ sớm nhất.
Tôi đã trở về trên núi cao.
Đỗ Bích Thúy