Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Hello August

  Lối Thu xưa 

Chiều Hạ Vàng

Hương tuổi thơ
Thôi đã xa rồi mộng tuổi thơ,
Những ngày thơ ấu ngỡ trong mơ...
Ngọt ngào hương cốm thơm thơm lạ,
Quyện khói hương trầm bay vẩn vơ !

Người giờ yên nghỉ giữa đồng xa,
Bốn mùa hương lúa quẩn quanh nhà...
Những lời bà dạy ngày xưa ấy,
Thấm đẫm hồn tôi chẳng nhạt nhoà !

Giờ đây tháng tám lại quay về,
Khung trời thơ ấu ngát hương quê.
Tôi thương tháng tám trong veo đó,
Cổ tích bà tôi nơi chốn quê !
NM

 
“Hương trời tháng Tám”

Xong vụ xuân hè, bà tôi lại tất bật lo vụ lúa hè thu. Việc đầu tiên là bà kiểm tra hạt giống từ năm trước. Những bông nếp cái hoa vàng mẩy nhất, nhiều hạt nhất, bà phơi qua ba nắng khô kiệt, rồi đổ đầy vào chiếc chum sành màu da lươn. Bà cẩn thận đậy kín bằng mấy lượt giấy xi măng, để ở góc bếp khô ráo, thoáng mát. 

Từ nhà tôi đi ra cánh đồng bằng một bờ đất nhỏ, cỏ gà hai bên xanh um. Năm nào cũng vậy, mảnh ruộng chừng dăm sào bắc bộ tốt nhất của gia đình, xong vụ chiêm xuân, bà cày ải để chuẩn bị cấy lúa nếp. Một là làm cốm vào rằm tháng tám, số còn lại để đồ xôi vào những lần giỗ chạp, gói bánh chưng cuối năm... Mảnh ruộng màu mỡ là do nó trũng hơn tất cả những thửa xung quanh. Mỗi lần mưa lớn, nước tràn bờ, phù sa ở các nơi dồn về. Hệ thống tưới tiêu được chủ động, cần nước là đắp bờ lại, cần khô ráo lại xả đi... Bởi vậy, ở một góc ruộng thuận lợi, bà bảo chúng tôi đào một cái chuôm, rộng chừng hơn cái nong nuôi tằm cỡ lớn, sâu khoảng 30 đến 50 phân, để bà thả cá chép.
Khi mảnh ruộng đã được cày bừa kỹ, bùn nhuyễn, nhóng nhánh, sền sệt, mạ cũng đủ tuổi, bà huy động cháu con về cấy lúa. Thực ra 5 sào đất, công xá chẳng là bao, nhưng bà muốn mọi người tụ tập về, cấy xong, cả nhà làm một bữa tươi, hỏi han, trò chuyện với con cháu vậy thôi. Bữa cơm phải có xôi, thịt gà, cá rán, rau, củ của nhà do tay bà nấu. Trong bữa cơm bà thường nhắc đứa này, đứa nọ làm ăn ở xa. Nói chung đứa nào bà cũng thương, tình cảm bà giữ kín trong lòng ...
Thời tiết giao mùa thường nắng lắm, mưa nhiều. Những ngày nóng không ngủ được, bà thường mở cửa sổ nhìn ra cánh đồng để ngọn gió đêm thổi về cho căn phòng bớt ngột ngạt. Lúa bén chân rì rào. Ruộng đủ nước là bà mua cá giống về thả. Những con cá chép cỡ ngón tay cái, trắng bạc quẫy đuôi nước bắn tung toé trong chiếc chậu tôn. Bà cẩn thận, nhẹ nhàng đổ tất cả chúng xuống chiếc chuôm ở góc ruộng. Chúng vẫy vùng một lúc, nhiều con đã phóng ra ruộng lúa. Từ ngày thả cá, mảnh ruộng của bà lúc nào cũng ăm ắp nước. Làm cỏ, bón thúc, chúng tôi lại sang giúp bà, độ chừng một buổi là xong. Ruộng lúa xanh bời bời, cá ăn phù du, đớp côn trùng tí tóp, lao xao khắp cả mặt ruộng. Độ vài ba tháng chúng đã lớn vổng lên, đuôi vàng choé. Thích nhất là lúc lúa trổ cờ, nhiều con hung hăng quẫy đuôi nhảy lên đớp hoa lúa. Mỗi lúc cơn gió mạnh ào qua, cả cánh đồng dậy hương ngan ngát. Hoa lúa rụng lả tả trên khắp mặt nước, cũng là lúc bầy cá mở hội, chúng tranh nhau đớp mồi bì bũm làm cả ruộng lúa trở nên sống động... Những lúc như vậy bà vui lắm. Nhớ một lần bà trò chuyện: Cá chép mà ăn hoa lúa là nhanh lớn lắm, thịt lại chắc và thơm ...
Tuổi già, đêm ít ngủ, bà thường ra sân, mắt ngước lên bầu trời đầy sao, nghe tiếng động mơ hồ của đàn cá ăn đêm, tiếng rì rào của đồng lúa đang thời kỳ ngậm sữa. Trước rằm tháng tám vài ngày, bông lúa đã uốn câu vào mẩy (không già, không non) làm cốm vào thời điểm này là tốt nhất. Bà tôi cầm cái nhắt (dụng cụ cắt lúa nhỏ bằng con dao bổ cau), bà ra đồng chọn những bông lúa to, nhiều hạt, cắt nhẹ nhàng, xếp đầy vào chiếc xoỏng, (dụng cụ đan bằng tre để đựng rau củ) độ 5 cân mang về. Bà gọi con cháu sang làm cốm. Than nghiến còn lại từ năm trước, bà nhóm lên quạt đều, khi than đỏ rực, bà cẩn thận lấy từng bó lúa nhỏ đã bó sẵn bằng sợi lạt giang, rải đều lên chiếc phên tre đặt trên bếp lò. Khi lúa vừa chín tới, bà lấy ra xếp đều vào chiếc nong đặt bên cạnh. Bà bảo chúng tôi lau chùi sạch sẽ chiếc máng gỗ, chày giã (tiếng dân tộc Tày gọi là Kéng Loỏng). Chiếc máng gỗ dài cỡ 2 mét, bằng thân cây gỗ nghiến nặng trịch, được ông thợ mộc đục đẽo rất cẩn thận. Bà xếp đầy những bông lúa nếp đã được nướng chín. Bốn anh chị em chúng tôi, mỗi người cầm một chiếc chày dài gần hai mét, đứng đối diện nhau, vung chày nện đều đều xuống lòng máng. Chúng tôi vô cùng thích thú, ngỡ mình là nghệ sỹ tài hoa, đang biểu diễn bộ gõ và giai điệu của núi rừng, làng bản được tấu lên Cụp... cùm... cum. Cụp... cùm... cum... đều đều náo nhiệt vang xa. Khi giã cốm, anh chị em chúng tôi có quy ước, khi nhịp chày đã nện xuống lòng cối, đến lúc nào thì hai chày va nhau, bao giờ chày giã va vào thành máng... Bà bảo giã cốm cũng phải có nghệ thuật, chủ yếu là cảm nhận của lực cánh tay, điều chỉnh thế nào đó để hạt cốm còn nguyên vẹn... Bụi cám bay mờ ảo, hương cốm thơm đến là quyến rũ... Khi cốm giã đã được, bà lấy ra sàng, xảy cẩn thận, những hạt cốm xanh lơ, dẻo, mềm ngắm nhìn thật thích, Bà cẩn thận gói từng gói nhỏ bằng lá chuối tươi để giữ hương thơm, giữ màu cho hạt cốm. Bà bảo, để đúng đêm rằm, dâng lên Tổ tiên ông bà, đợi lúc trăng tròn mới được phá cỗ... Bà còn làm thêm các loại bánh: Bánh cốm nhân đậu xanh, bánh sừng bò, chè cốm... Vào mùa cốm cả làng tôi vang lên tiếng chày vui như ngày hội...
Bẵng đi chừng nửa tháng, bà bảo chúng tôi tháo nước để gặt lúa nếp, cũng là để cá dồn về chiếc chuôm cuối ruộng. Gặt lúa xong, chúng tôi chuẩn bị bắt cá cho bà làm mắm. Lúc này bắt cá là quá dễ dàng. Chỉ cần tháo kiệt nước, toàn bộ số cá trong cái chuôm ấy trơ ra. Thiếu nước, chúng mở mang, há mồm ngáp ngáp, hoặc giẫy đành đạch loạn xạ làm bùn non bắn lên tung toé. Đem về nhà, bá rán cho chúng tôi một bữa. Cá rán giòn, chấm muối tiêu, ngon không tả được bằng lời. Số còn lại chừng 20 - 30 cân, bà bảo chúng tôi bỏ vào 3 cái xoỏng bằng tre, dày mắt, gài buộc chắc chắn, rồi đem ra suối ngâm. Chúng tôi chọn chỗ nước chảy, sâu nhất, lấy đá hộc chèn lên, nối mấy cái xoỏng bằng sợi dây gai to bằng ngón tay út, buộc vào gốc cây gần bờ. Đúng ba ngày ba đêm, mọi cặn bã trong bộ phận tiêu hóa của lũ cá được thải ra ngoài hết. Bà bắt đầu thực hiện quy trình làm mắm. Việc đầu tiên là xử lý cá. Bà nhẹ nhàng nhấc từng con, uốn cong lại, dùng thanh nứa nhỏ, nhọn sắc một đầu, trích vào giữa ức của con gá, tự nhiên mật đắng của nó bắn ra... Bà làm thuần thục, thoăn thoắt, điệu nghệ khiến chúng tôi vô cùng thán phục. Hết số cá, bà xếp lần lượt vào mấy chiếc vại sành đã chuẩn bị sẵn. Cứ một lớp cá lại một lớp muối, thính, riềng xay nhỏ, cái rượu, lá cơm đỏ... Lần lượt như vậy cho đến hết. Bà đóng nắp, đậy kín từng vại sành để ở góc bếp, năm sau mới đem ra dùng. Kỳ lạ là con cá còn nguyên vẹn, săn lại, không bị nát, đỏ au, ăn trực tiếp cũng được, hoặc là sốt lên chấm với xôi nếp! Cao lương mỹ vị của các bậc vua chúa ngày xưa, chắc gì đã ngon, đậm đà như vậy.
Quy luật của đời người: Sinh, lão, bệnh, tử quá ư là nghiệt ngã, nhưng tránh làm sao được. Ngày bà về với Tổ tiên, theo tâm nguyện lúc còn sống, anh chị em chúng tôi để bà yên nghỉ giữa cánh đồng bát ngát. Không có lũy tre, bóng mát của những hàng cây thì đã có hương lúa bốn mùa để lòng bà thanh thản, nhẹ nhõm. Những lần thanh minh hoặc vào những ngày cuối năm, chúng tôi ra thắp hương, sửa sang phần mộ cho bà. Những kỷ niệm của tuổi thơ và hình ảnh của bà lại hiện về. Nhớ nhất là vào đêm trung thu, trăng tròn vành vạnh, lung linh đèn sao, chúng tôi quây quần bên bàn ăn cốm, chấm với chuối tiêu chín cuốc, ăn bánh cốm, chè cốm do tay bà làm ra, nghe bà kể chuyện Ngày xửa ngày xưa... ghi nhớ những lời bà dặn: Các cháu ạ, miếng ngon thì phải nhớ lâu. Sau này dù có đi xa, được dùng nhiều cao lương mỹ vị... Nhưng đừng quên những món ăn nôm na, dân giã của quê nhà. Như vậy, tôi có hẳn một hương trời tháng tám trong veo của riêng mình. Những câu chuyện về bà chẳng bao giờ hết được, lung linh đẹp như cổ tích...
Cao Xuân Thái                                                                 

Hoa mua
(Để nhớ Mẹ mùa hoa mua trắng)
Một sắc hoa tháng tám,
Là màu tím mộng mơ...
Lòng chung thuỷ đợi chờ,
Người về trong vô vọng !
NM

Một sắc hoa tháng tám

Người xưa có nói, hoa lá không vô tình, chỉ có người vô tình. Một ngày tháng tám, nhìn thấy một bông hoa đỗ quyên du nhập từ nước ngoài bày bán ở một kiốt hoa sang trọng, người đó đứng nhìn đau đáu sắc hoa đỏ như máu ấy. Ông nhìn lâu lắm, thẫn thờ, ngơ ngác. Người bán hoa đon đả mời chào: - Ông mua hoa gì ạ?
Minh họa: M.T.
Người đàn ông ở tuổi về già, tóc lốm đốm bạc, lúng túng phân bua: - Xin lỗi, tôi trông lầm, tưởng là hoa mua. Người đẹp chân dài bán hoa xẵng giọng: - Ngớ ngẩn!
Người cựu chiến binh thở dài. Lâu lắm rồi ông không thấy sắc hoa mua. Hồi chiến tranh, ở vùng rừng miền Đông, ở ven sông Sài Gòn ông có nhiều kỷ niệm đẹp với bông mua. Loại cây dại thấp lè tè có hoa sắc tím hồng mượt mà mang tới cho ông, để lại cho ông những kỷ niệm “khắc cốt ghi tâm” hạnh phúc đến tận cùng, đau khổ đến tận cùng.
Ngày ấy ông bị sốt rét nặng. Ăn không được. Uống không được. Mỗi ngày gần chục lần lên cơn rét. Cái rét buốt từ trong xương tủy, trong máu, trong từng thớ thịt tuôn ra khiến toàn thân ông co quắp, vật vã. Trưa nắng gay gắt. Không một gợn gió. Hơi nóng bốc lên mờ mịt. Vậy mà ông vẫn phải bó mình trong tấm đắp và cả tấm ni lông. Rét run từ ngón tay, ngón chân cho tới hàm răng. Cô y tá bệnh xá tên Mua nhiều lần phải ôm ông thật chặt để truyền hơi ấm, để giữ cho ông khỏi lăn lộn vật vã trên nền đất ẩm ướt nhiều kiến và bọ cạp.
Thoát khỏi cơn ác tính, cơ thể ông teo tóp, suy nhược, đi không nổi, ngồi không vững. Nỗi mệt mỏi đã khiến ông lười biếng, chán nản, không muốn sống nữa. Một lần nữa, cô y tá Mua đã kéo ông trở về với cuộc sống.
Trưa nào cũng vậy, khi đến tiêm thuốc, cô đều mang đến tặng ông những bông mua. “Hoa đẹp vì người, anh có biết chăng…”. Câu nói dịu dàng thanh thoát, như một lời hát của cô đã hướng tầm nhìn của ông tới sắc tím bông mua.
Ông đã lần lần khỏe lại, mạnh mẽ hơn. Và, tình yêu hôn nhân của ông với cô y tá cũng theo lẽ tự nhiên mà đến. Như xuân về hoa nở. Như gió thổi lá rung. Nhưng, một trận bom của giặc dội xuống căn cứ đã cướp đi mạng sống của cô dâu. Lễ kết hôn đã trở thành lễ tang.
Từ đó, cứ đến ngày sinh nhật của cô, ở bất kỳ đâu ông cũng tìm cho được 3 bông mua cắm trên bình hoa. Với ông, cô lúc nào cũng sống, cũng là cô gái đẹp rực rỡ và tinh khiết như bông mua nở lúc sáng sớm còn long lanh những hạt sương. Cuộc sống của ông bình lặng thanh thản.
Trong hoàn cảnh đói kém hay dư dả sung túc cũng bình yên. Một công chức mẫn cán với công việc, với gia đình. Có lần, vợ ông cười vui, bảo: “Anh ấy là cái đồng hồ biết đi. Giờ nào việc nấy, không sai một phút. Anh ấy rất quý trọng thời gian, rất thích hoa, nhất là hoa mua”. Vợ ông, con ông luôn cùng ông tìm kiếm hoa mua đem về nhà vào dịp tháng tám hàng năm.
Ông là người hạnh phúc. Ai bảo thời gian như nước chảy bèo trôi, những gì đã qua chỉ là quá khứ? Theo thời gian, quá khứ luôn tồn tại, sống động trong hiện tại và tương lai.
TÂN VĂN

Tháng Tám yên bình
Vui sao khi chớm thu về,
Cúc vàng nở rộ vườn quê yên bình.
Lòng tôi điểm nụ cười xinh,
Cám ơn mùa đã thân tình bao dung
Quê nhà tha thiết nhớ nhung,
Chở che tôi khỏi khốn cùng truân chuyên...
Nâng tôi qua những ưu phiền,
Lòng tôi nhẹ bổng an yên chan hoà
NM

Tháng Tám gọi về

Chiều nay, sau giờ nghỉ làm, chúng tôi kéo nhau ra góc phố, bên cây đa già buông xõa những rễ tóc nâu xùm xuề uống nước. Bà cụ bán nước tóc bạc như cước chậm rãi, tay rót nước rồi chép miệng “nhanh thật, vậy là đã tháng 8 rồi đấy!”. Nếu không có lời nhắc vô tình kia của bà cụ có lẽ chúng tôi cũng quên rằng đã là tháng 8. Một vài điệp khúc cũ vang lên “mới đó, vậy mà…”.
Thời tiết năm nay đến là lạ. Lạ ở chỗ tháng 8 về rồi, đã là mùa thu rồi đấy nhưng chẳng có chút heo may nào ghé ngang, cũng chẳng thấy đêm nằm lành lạnh của tiết giao mùa thường thấy. Phố tháng 8 nắng vẫn đương gắt bỏng, rực hết mình như chực thiêu cháy vạn vật. Điển hình là những bông phượng, bông điệp cuối mùa vẫn cứ đỏ và vàng một cách rực rỡ nhất có thể. Không khí oi nồng đến ngột ngạt, người trong nhà đóng cửa im thin thít tránh nắng, người ra đường thì cố gắng lao thật nhanh đến địa điểm mình cần. Tất cả đều lặng lẽ và muốn bỏ lại cả thế giới nắng tháng 8 sau lưng.
Trong phút chốc, đó đây ngăn ký ức trong tôi trỗi dậy những cảm xúc về những tháng 8 cũ ở quê nhà. Cái ngày khi tôi chưa về với phố, ở quê giờ này tháng 8 nắng dịu dàng hắt lên khu vườn nhà đầy hoa thơm trái ngọt. Trong khu vườn cổ tích ấy, có dáng nội tôi mỗi sáng mai, cầm bình ô doa tưới nước, rồi khẽ khàng tỉ mẩn cúi xuống mỗi luống rau, hoa bắt sâu cho lá. Thuở hàn vi nội là người mê hoa mùa thu đến cuồng nhiệt, nhất là hoa cúc vàng. Nội bào chữa, bầy biện lý do mình yêu thích cúc vàng là bởi chẳng hoa nào rực rỡ hơn cúc vàng, cũng chẳng hương nào đằm hơn cúc vàng, mỗi bông cúc vàng như một bông nắng, vươn lên trong nắng mai tinh khiết, dân dã nhưng cũng không kém phần kiêu hãnh, quyến rũ. Ở với nội tôi lây luôn cả tính thích hoa cúc vàng. Cả cuộc đời về già của nội chỉ mong tới tháng 8 mùa thu để thưởng thức hoa cúc. Và mong ước nhỏ nhoi của nội, mỗi tháng 8, khi nội về thế giới bên kia, hãy cắm trên bàn thờ nội những bông cúc vàng đẹp nhất!
Tháng 8 năm xưa có những cơn mưa dai dẳng, trải dài từ ngày này sang tháng khác, người ta gọi đó là mưa ngâu. Quê tôi nghèo chìm trong biển nước trắng mênh mông nhưng lại là thú vui của bọn trẻ. Chúng tôi chèo xuồng, theo người lớn đi đơm từng con lóc, con rô, con diếc… Bữa cơm chiều chẳng có thịt thà, chỉ có “chiến lợi phẩm” của mùa mưa, vài bụi rau tập tàng quanh nhà làm canh nhưng ai ăn cũng thấy ngon, thấy ấm cúng quá chừng.
Những ngày này ở nhà, mẹ bầy biện một vài món ăn vặt, nhâm nhi cho qua khoảng thời gian nhàn rỗi mưa về, khi thì món khoai xéo lúc lại món chè bí đỏ đậu đen. Chẳng còn thú vị gì hơn khi được quây quần bên chiếc mâm nhỏ, trong gian bếp khói rơm quyện mưa lạnh nồng nồng ngai ngái mà thưởng thức từng “tuyệt phẩm” của mẹ. Khi rời xa quê hương, xa vòng tay mẹ cha, một mình nơi phố thị thèm biết bao những món dân dã nhưng đã thành “thương hiệu” made in… mẹ, lòng mới thấy cô đơn hiu quạnh vô cùng. Thèm lắm, những tháng 8 như thế, những khoảnh khắc mà dù chỉ trong mơ thôi cả cuộc đời cũng mong ước quay lại một lần.
Tháng 8 gọi về những mùa quả ngọt vườn nhà. Quả vườn nhà đúng nghĩa rất sạch, sáng ra vườn liếc mắt thấy quả ổi cơm vàng rộm, nhón tay hái lấy cho vào miệng nhồm nhoàm mà chẳng phải lo lắng điều gì. Rồi thì na, bưởi, hồng, chuối… thứ nào thứ nấy mời gọi, quyến rũ không tài nào cưỡng nổi. Lại nhớ ở phố, mặc dù không có vườn nhưng cũng phong phú đủ đầy các loại quả, từ dân dã đến cao cấp, muốn ăn gì có thể chạy ù ra đầu ngõ. Nhưng bằng sao được quả quê, bằng sao được những trái được lớn lên chính từ sự chăm sóc, gửi trọn yêu thương của cha mẹ dành vào mảnh vườn nhà thân thương?!
Tháng 8 gọi về thật khẽ, nhắc nhở tôi những năm tháng ở quê nhà bình yên, nhắc nhở những gian khó để trân quý trưởng thành hiện tại. Cảm ơn tháng 8 đã “bao dung” những điều giản dị, tưởng chừng vụn vặt, chở che tôi đi qua những năm tháng tất tưởi… để hôm nay đây, lòng nhẹ bâng an yên khi khắc tới tháng 8 quê nhà yêu thương!
Mai Hoàng



Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Bóng nước

CHA TÔI

Cha Tôi (Papa)

Cha tôi,
Suốt cả một đời cha cưu mang,
Những vòng quay bánh, lắm nhọc nhằn...
Cha về cõi ấy còn lưu luyến,
Thương trẻ một mình bao gian nan !

Con sinh từ cha, quả tim hồng,
Vì trẻ một đời, cha long đong...
Dẫu con không mẹ thì con có,
Ấm áp tình cha cả nỗi lòng !!

Cha mãi là cha yêu của con,
Tình cha cao vợi tợ núi non...
Biết bao bài học từ cha đó,
Người cha vĩ đại, tấm lòng son !!
NM

Trời mưa bong bóng

Mọi việc tang lễ và chôn cất cha coi như đã xong xuôi, bà con xa gần đều lần lượt về quê cả, chỉ còn tôi và ngôi nhà buồn hiu trống trải. Cơn mưa chiều dai dẳng tràn qua ngõ phố, bong bóng nước phập phồng trôi như số phận con người giữa dòng đời định mệnh. Tôi cố gượng dậy dọn dẹp mọi thứ trong căn nhà bừa bộn mấy ngày nay. Bàn thờ cha thoang thoảng hương trầm, những lọn khói cong oằn vẽ nẻo xa xăm của miền dĩ vãng. Nụ cười hiền từ của cha trong di ảnh y như ngày nào cha còn sống. Ánh mắt cha sâu thẳm như luôn dõi theo từng bước chân tôi. 
Dọn dẹp xong tôi làm cơm chiều cúng cha. Cái khăn tang tôi không đốt, mà để làm kỷ niệm, kỷ niệm ngày cha về với đất. Mới hôm nào bác sĩ bệnh viện nói nên đưa cha về nhà. Bệnh già như thế coi như sắp mãn. Trước khi mất cha còn minh mẫn lắm. Cha nói dù giá nào tôi cũng phải học cho xong năm cuối đại học, vì chỉ có học mới hi vọng có tương lai… Cái tủ cha cất đồ đạc ngày trước giờ lại là cái bàn thờ cha. Cái tủ này tôi ít khi nào mở ra và dòm ngó bên trong của nó. Nay nhìn di ảnh cha thờ trên nó, tôi thấy nó gần như là người thân duy nhất còn sót lại. Lòng tôi dâng trào một niềm cảm xúc đến kỳ lạ. Hai dòng nước mắt tuôn rơi. Vội lấy vạt áo lau khô, tôi sợ làm ướt chỗ cha nằm dưới ấy, nước mắt con lạnh cha sẽ không được ngủ yên.
Tôi rót cho cha một chén trà, rồi lại rót cho mình một chén. Vị trà, hương trà làm tôi phần nào bình tâm lại. Tôi sực nhớ ra hôm đưa cha về nhà, khi ngồi trên xe cha có nói: “Cha để dành cho con cái hộp trong tủ, khi nào cha mất con hãy mở ra và làm theo lời cha dặn”. Nhưng từ ngày đó đến nay lu bu và ưu buồn quá đỗi nên tôi bẵng quên. Tôi vội mở cái tủ ra và xem cha dặn điều gì. Quả là dưới mớ quần áo cũ của cha có một cái hộp bằng gỗ, nắp hộp có một ổ khóa số. Không biết cách nào mở ra, tôi loay hoay và chợt nhận ra dưới đáy hộp có dán một tấm hình tôi lúc chừng năm sáu tuổi, bên góc phải bên dưới có ghi ngày tháng năm sinh của tôi. Thì ra đó là mật khẩu để mớ ổ khóa. Tôi quá ngạc nhiên, trong hộp có rất nhiều tiền sắp ngay ngắn, dưới cùng có một lá thư.
“Con gái nuôi yêu quý của cha…”. Tôi ngạc nhiên quá, sao cha lại gọi tôi là “con gái nuôi...”! Nhưng tôi cố gắng đọc cho hết bốn trang giấy xem cha nói những gì. Chữ cuối cùng chấm dứt thì cũng là lúc tôi ngã vật xuống giường òa lên khóc… Tôi khóc cho cha và tôi khóc cho tôi… Chiều mưa bong bóng vẫn phập phồng trôi qua đìu hiu ngõ vắng.
Cha tôi ngày ấy cũng như bao người, cùng gia đình lên vùng kinh tế mới, đó là xã Tha La I ngày xưa, sau đổi tên là Tân Thạnh, nay là khu thị trấn Tân Châu. Ngày ấy lên vùng này đời sống quá cơ cực, đói kém, thiếu thốn mọi thứ nên chú Út dẫn bà nội trở lại Sài Thành. Nhưng cha tôi thì không chịu về, cha làm đủ thứ nghề để sinh sống. Cuối cùng thì trạm kiểm lâm ở Tha La II cần người làm tạp vụ, và cha tôi xin vào làm ở đó, coi như tạm yên.
Vào một buổi khuya, khi chuyến xe sớm sắp khởi hành qua trạm, cha tôi thức dậy nấu nước pha trà cho các cán bộ trong trạm. Bỗng cha nghe tiếng em bé khóc, mọi người thì cho là tiếng mèo kêu. Cha tôi cầm đèn pin ra phía đám đất trống mọc đầy cỏ chỉ gần đó xem xét, và cha phát hiện ra tôi, đứa bé gái chưa đầy ba tháng tuổi, nằm trong một cái thúng, không biết ai bỏ ở đó tự khi nào. Cha vội đem tôi vô trạm, truy hô cho mọi người cùng biết, rồi nấu nước tắm rửa cho tôi, nấu nước cháo đút cho tôi uống. Ông trạm trưởng hỏi có ai nhận nuôi đứa trẻ này không. Không một ai lên tiếng. Và hiển nhiên từ giây phút hữu duyên ấy mà hai con người không máu mủ trở thành cha con... Đó là cha và tôi. Bao nhiêu tiền dành dụm được cha tôi đều đổ vào nuôi đứa con gái nhỏ. Ngày ấy đói kém quá, đồng tiền công tạp vụ không thấm vào đâu nên cha tôi phải đi làm mướn thêm ở ngoài. Công việc từ sớm khuya cho đến chiều tối, nên cha mới ẵm tôi về Sài Thành nhờ nội chăm sóc hộ để cha có thời giờ làm lụng kiếm tiền đem về cho nội nuôi tôi.
Bà nội ban đầu giận nên mắng cha tôi dữ lắm. Bà nói đã nghèo kiết xác mà còn ham lấy vợ, giờ vợ bỏ phải nuôi con đỏ. Cha tôi vẫn tươi cười.
- Má đừng giận, vợ bỏ thì con nuôi con. Con sẽ cố gắng làm đem tiền về nuôi nó và cho nó ăn học. Má thương con thì thương cháu nha má!
Ấy, tôi ở với nội, cha tôi làm gấp hai gấp ba để nuôi tôi trong cái thời buổi tiền cao gạo kém ấy. Và nội tôi cứ đinh ninh trong lòng, tôi là đứa con gái của cha tôi cho đến ngày nội tôi nhắm mắt.
Nội tôi chết, cha tôi về Sài Thành mua được chiếc xích lô và cứ thế cha làm con ăn học cho tới ngày tôi khôn lớn. Bí mật này chỉ có mình cha tôi biết, nhưng cha âm thầm chịu đựng và không hề nói ra, vì cha sợ nội tôi không ưng, chú Út tôi biết chuyện khi vào hai ba xị sẽ nói bậy bạ, tôi lớn lên mang tiếng đứa mồ côi không cha không mẹ sẽ tủi thân. Tình cha tôi sâu thẳm là vậy đó…
“Con gái nuôi cưng duy nhất của cha. Số tiền này cha dành dụm, lỡ khi cha đột ngột nằm xuống thì con có để mà tiếp tục ăn học. Hãy cố gắng nha con gái, chỉ có học sau này con mới có cơ hội tiến thân, con mới có cuộc sống tốt. Chú Út đã có gia đình nhà cửa riêng, chú có cuộc sống của chú. Bà chết để lại ngôi nhà này cho cha con mình, sau này nó là của con. Bí mật của cha con mình chỉ có cha con mình biết. Bổn phận của cha, cha sẽ làm cho đến phút cuối cùng. Và bổn phận của cha phải cho con biết sự thật về mình. Để sau này nếu có duyên con sẽ gặp lại cha mẹ ruột. Con đừng oán giận họ, mà con phải thương họ. Hoàn cảnh của con người ta không sao mà nói hết được. Con phải sống bằng tình yêu bao dung con nhé….”.
Tôi lớn lên trong sự chăm sóc và yêu thương của nội và cha. Cha không bao giờ để tôi thua kém bạn bè. Từ cái áo cái quần đến đôi giày mới cha đều chú ý lo cho con gái. Chiếc xích lô của cha rong ruổi khắp mọi nẻo đường mưu sinh. Nắng gió làm nước da của cha chai sạm. Và tôi lớn lên trong sự vô tư, chưa hề đắn đo suy nghĩ. Nội tôi lúc còn sống hay nói.
- Cha mày lúc còn con trai ăn chơi dữ lắm. Vậy mà khi có mày nó chịu khó làm ăn. Má mày không hiểu sao mà lại bỏ nó.
Nghe nội nói vậy tôi cũng không quan tâm gì. Vì tôi chỉ biết có cha thương yêu chiều chuộng cho ăn học, còn má tôi thì tôi hoàn toàn không có khái niệm gì, nên tôi cứ thản nhiên không có gì phải bận tâm. Tôi nhớ có lần tôi sốt cao, cha đưa tôi vào bệnh viện, suốt đêm cha không hề chợp mắt. Mỗi khi thức giấc, tôi đều thấy cha giấu niềm lo âu trong nụ cười hiền hậu. Cứ sau mỗi lần tôi bệnh, cha lại mua cho tôi nào là quần áo mới, giày dép mới… Tôi chỉ biết vui thích với những món quà đó, nhưng tôi nào có thấu hiểu sự vất vả của cha, những món quà song hành với bao vòng bánh xe xích lô nặng nhọc.
Năm tháng gió mưa và sự nhọc nhằn làm cho cha tôi ngày một già yếu. Rồi cha đổ bệnh. Rồi cha lặng lẽ bước qua cuộc đời đầy giông bão này. Trước những ngày sắp ra đi, cha ít nói điều gì. Cha chỉ dặn tôi vụ cái hộp, nhưng tôi cũng nghĩ cha nói trong cơn mê sảng mà thôi. Có ai ngờ…
- Cha ơi!
Tôi lại lấy cái khăn tang đội lên đầu và quỳ lạy trước bàn thờ cha thêm lần nữa. Cha ơi… sinh mạng bé nhỏ này của con là do cha cứu lấy. Đời cha vốn đã vất vả nhưng cha lại cưu mang thêm phần vất vả. Cả đời cha không có vợ nhưng lãnh phận nuôi con. Bà nội mắng cha, cha vẫn cười vui vẻ giữ gìn bí mật cho con. Cha bị mọi người cười là bị vợ bỏ, cha vẫn không lấy làm buồn giận. Cha chỉ miệt mài, lam lũ làm kiếm tiền cho con ăn học. Hơn nửa đời cha chỉ biết tận cùng cho hai chữ hy sinh, hy sinh cho một sinh linh bé nhỏ, một giọt máu, dù không rớt ra từ ngón tay mình.
- Cha ơi…!
Tôi thu xếp xong mọi thứ để chuẩn bị trở lại trường đại học. Tôi phải làm cho kỳ được ước vọng của cha tôi. Những bài học từ cuộc đời này nhiều vô kể, nhưng sao sánh bằng bài học từ cuộc đời của một người cha vĩ đại. Tôi nào có phải là đứa con nuôi của cha tôi đâu. Tôi là đứa con gái máu mủ ruột thịt của cha tôi đấy chứ. Tôi không có mẹ, cha tôi sinh tôi ra từ quả tim hồng ấm áp
Cha tôi nuôi tôi và yêu thương tôi từ trong ruột trong gan.
Có ai đó vừa rao câu hát qua ngõ phố
Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai ?
Tôi ở với cha tôi chứ ở với ai !
 Đào Thái Sơn

Tình xuân
Tình yêu như đám mây bay,
Thoắt đi thoắt đến phôi phai bất ngờ...
Tuổi xuân thương nhớ vu vơ,
Người đi kẻ ở thôi chờ đợi chi !
NM
              Mưa bóng mây                              
Nhà tôi ở ngoại ô thành phố. Nơi có những hàng cây xòe tán rộng, ruộng lúa mênh mông và khoảng trời bao la trong lành, thoáng đãng. Nhưng nghèo và quê mùa hơn vùng nội ô.
          Dù vậy, mấy nhỏ bạn học của tôi cũng thích mê. Chúng thường sang thăm tôi  để được hít thở không khí trong sạch, không chút ô nhiễm. “ Những lá phổi xanh” đã lọc bớt chất độc cho những lá phổi đỏ tha hồ khỏe khoắn. Thục Trinh, Thu Đông và Liên Chi còn chê tôi ngu, chẳng biết mắc võng như “ trong rừng Trường Sơn” để …học bài, có ao đầm mà không chịu cắm câu! Và chim hót véo von, vui đến lạ mà lỗ tai chẳng  chịu thưởng thức. Có là …tai trâu mới vậy. Làm sao tụi nó hiểu được những thứ đó tôi đã thưởng thức  từ hồi mới lọt lòng đến giờ. Chúng đã trở nên thân thuộc và thấm đẫm vào tôi như máu chảy khắp cơ thể. Tôi không bao giờ quên mình đã được nuôi dưỡng và lớn lên trên mãnh đất nầy. Tôi đâu chối bỏ quê hương. Nhưng ai ngăn được những háo hức tìm kiếm, khám phá điều mới lạ. Từ khu phố đông đúc, những con đường tráng nhựa bóng loáng, thênh thang, hai hàng trụ điện đứng song song, mỗi cái giữ một bóng đèn tròn ngộ nghĩnh, giống như vầng trăng mười sáu nhưng ánh sáng đẹp và tỏ hơn. Ở đó lại có ngôi trường tôi đang học, cho tôi lớn thêm nhờ tri thức và còn biết bao kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò.
          Tôi thích đến nhà Thục Trinh để ngơ ngác nhìn cái cổng sắt kiên cố có gắn chuông điện. Ngôi nhà nhiều tầng đứng sau hàng phượng vĩ, nhô đầu lên cao hơn ngọn cây như đùa nghịch. Mấy ô cửa trên đó luôn đóng kín. Nắng không chui vào được, trong nhà âm âm, u tịch lạ lùng. Nó tựa như một lâu đài cổ kính. Hoặc tôi ghé vào nhà Liên Chi nằm lọt thỏm  trong chợ. Ở đó, tôi mặc tình ngắm hàng hóa bày la liệt, người qua, kẻ lại, tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Thỉnh thoảng chen lẫn những trận cãi vã. Tôi và lũ bạn tha hồ vui rồi buồn, tức tối, hồi hộp hoặc lo lắng.
          Trong nhóm, Thu Đông nghèo nhất. Ngôi nhà gạch tuy lớn gấp đôi nhà tôi nhưng bước vào chật chội, tù túng làm sao! Từ trước ra sau, chỗ nào cũng có giường. Năm cái giường cả thảy . Một cái dành cho ba mẹ Thu Đông. Bốn cái kia tám đứa em nó làm chủ. Còn Thu Đông phải chạy tuốt lên gát xép, trải chiếu trên sàn ván. Làm chị hai thì phải vậy. Ở đó chẳng khác gì một cái  kho chứa đồ cũ tạp nhạp.Những chiếc ghế ba chân, hai cái bàn gãy, một rương quần áo cũ và hàng trăm thứ linh tinh khác được dồn vào một góc. Phần còn lại khoảng bốn mét vuông thì thuộc về Thu Đông. Đây là giang sơn của nó.  Ngay khung cửa sổ nhỏ chỉ bằng tấm lịch, Thu Đông kê tấm ván lên trên hai chồng tập cũ, làm thành cái bàn cho góc học tập. Thu Đông ngồi xếp bằng ghi chép, trông như một cô gái Nhật Bản đang học hành. Tôi cũng mê căn gác. Ở đó, hai đứa tha hồ nằm dài, gác chân lên nhau rì rầm học. Mặc dù những phút thảnh thơi kéo dài không lâu. Chốc chốc, Đông lại phải sầm sập chạy xuống nhà để phân xử, giải hòa khi bầy em đánh nhau. Hoặc ra sau bếp trông chừng nồi nếp dùng kháp rượu khi mẹ bạn đi chợ. Đây là cách làm kinh tế phụ của gia đình để góp vào tiền lương của ba Đông nuôi bầy con chín đứa, chưa kể bốn con heo lứa …phải ăn hèm.
          Tuy sống rất vất vả nhưng Thu Đông vẫn lạc quan, yêu đời. Nhìn mấy chú heo không chuồng trại cố định  mặc tình đi lại luôn tuồn trong nhà như …chủ, đôi khi chúng nằm ườn giữa cửa cái, Đông cười và bảo:
– Hình như chúng say rồi mầy ơi! Vừa chén sạch một nồi hèm.
Đông còn ngân nga :
– Người say mặt mũi đỏ gay. Heo say, heo cũng lăn quay, ai cười!
– Sao hai bác không làm một cái chuồng heo?
– Làm ở đâu? Không lẽ trên đầu tao. Có chỗ nào trống, mầy chỉ đi?
Quả thật, chật chội đến nghẹt thở nhưng tôi vẫn thích đến đây và thân thiết với Thu Đông hơn hết. Gần nó, tôi hiểu ra rằng trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn mấy mà có nghị lực thì không việc gì phải sợ. Thu Đông vừa ẵm em vừa học bài vừa trông chừng bếp lửa cho nồi rượu. Vậy mà khi lũ bạn ngõ lời tội nghiệp là nó gạt phắt:
  • Thôi đi! Đừng có làm nãn chí cô nương.
Thục Trinh lè lưỡi:
– Tao mà như mầy, tao khóc một ngày mười bận.
Thu Đông nhún vai, những sợi tóc dài buộc gọn sau ót đung đưa :
– Khóc giải quyết được gì? Vừa mất công hĩ mũi vừa phải giặt thêm chiếc khăn tay, càng khổ.
– Sao mầy cứng rắn đến thế? Tụi tao phục mầy sát đất!
Chúng tôi đã lầm. Thật ra, Thu Đông mềm như lá cỏ. Trái tim bao dung , rộng mở của nó  dễ bị lung lay hơn ai hết. Nhỏ bạn hiền hậu của tôi đã bị một cú “sét đánh” lăn quay. Bắt nguồn từ chuyện thích môn văn, yêu thơ ca  mà ra.
          Khi nghe tôi thông báo:
– Ê, tụi bây, cái quầy báo ở chân cầu vừa xuất hiện một tập thơ.
Cả bọn nhao nhao:
– Thơ tình hay thơ … con cóc?
– Thơ tình một trăm phần trăm. Nội nghe cái tựa cũng biết: “Những ngày tháng yêu và chết”.
          Liên Chi bật cười:
– Vậy ai dám yêu!
Thục Trinh giảng giải:
– Chúng mầy không nghe người ta hát sao? “Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa. Một mai thức dậy, chợt buồn như lá cây…”
          Thu Đông lặng yên, mắt nhìn xa xăm. Thấy vậy, tôi hỏi:
– Mầy làm sao vậy?
Thu Đông tuyên bố:
– Tao sẽ yêu và … chết!
Chúng tôi cười rũ ra, Liên Chi hỏi:
– Nhưng mầy yêu ai cơ chứ?
– Tao sẽ yêu … nhà thơ ấy!
– Nhưng lỡ ông ấy không yêu mầy thì sao?
– Thì tao sẽ chết!
Tôi xua tay:
– Thôi đi, yêu kiểu đó vắn số lắm.
Thục Trinh tỉnh queo:
– Tụi bây đừng lo, ổng làm sao mà quen với nó mà yêu rồi chết.
– Tao sẽ làm quen với ổng – Thu Đông lại thông báo tin … rùng rợn.
Tôi thắc mắc:
– Quen bằng cách nào?
– Mua tập thơ ấy.
Chiếc cầu vắt ngang dòng sông, thả con dốc dài ra hai phía như một gạch nối giữa đôi bờ. Mỗi lần qua cầu tôi thường bước chầm chậm, hít đầy lồng ngực chút hơi hướm của biển lùa theo gió vào tận đây. Đôi khi, tôi cùng lũ bạn dừng hẳn lại, tựa vào thành cầu, nhìn theo triều nước. Sóng nhấp nhô, đục ngầu đẩy đưa vài cụm lục bình hoa ngan ngát tím. Mấy chiếc thuyền con lững lờ phía xa. Thu đông mê chiếc cầu này lắm nhưng bây giờ,  nó tuyên bố;
– Tao yêu cái quầy sách báo ở cuối con dốc cầu hơn.
Cái quán mới mọc lên khoảng một tháng nay thôi. Nó nằm lọt sang vùng ngoại ô mới lạ. Liên Chi thường cằn nhằn:
– Sao chẳng cất cái quán bên kia cầu nhỉ? Ở bển bán đắt hơn, bên này có mấy người đâu mà mua với bán.
          Tôi đoán:
– Chắc tại bên này mát hơn.
Đúng là mát thật. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường ra đó đọc… “báo cọp”. Mượn một tờ rồi ngồi bẹp bên gốc dừa gần đấy, đọc ngấu nghiến tới giờ nấu cơm chiều mới chịu đứng lên, mua một tờ khác để chị chủ quán khỏi nổi nóng. Hôm qua, xảy ra một hiện tượng lạ. Giữa những tờ báo quen thuộc, lủng lẳng mấy quyển tập thơ khá xinh. Tôi định mượn một quyển đọc thử thì chị chủ quán vội nói:
– Không được đâu em. Ông nhà thơ nầy khó lắm, dặn đừng làm dơ hay nhèo thì xấu tập thơ đi.
– Không cho đọc thử thì làm sao biết hay dở, ai thèm mua.
– Ai biết đâu. Ông bảo thơ ổng đáng giá nghìn vàng mà chỉ bán có mấy chục ngàn đồng. Phải giàu, ổng phát không còn hơn.
Nghe tôi kể lại, cả nhóm cười rộ, trừ Thu Đông. Nó kéo chúng tôi đến quán báo. Chị chủ quán biến đi đâu mất . Bây giờ, người trông chừng hàng là một anh chàng râu ria xồm xàm nhìn phát khiếp. Gã đang cầm một quyển tập thơ, ấp vào ngực, mắt nhìn tận đâu đâu. Thục Trinh nắm tay tôi, hỏi nhỏ:
          – Ai vậy?
          – Người lạ! Hình như là tù vừa vượt ngục.
          Thu Đông thì thầm:
          – Tao nghi ổng là nhà thơ quá. Để tao… tính ổng.
          Thu Đông bương bả đến bên quầy. Giả đò ngây thơ:
          – Ông gì ơi! Ở đây có bán tập thơ “Những ngày tháng yêu và chết “ của nhà thơ Xuân Xanh không?
          Như từ trên cung trăng rơi xuống, hắn giật nẩy mình, ấp úng:
          – Cô bé… hỏi gì?
          – Ở đây có bán tập thơ “Những ngày tháng yêu và chết” không ông? Như từ dưới đất bay lên tận cung trăng, hắn tươi ngay nét mặt, liền cà….cà lăm:
          – Có…có, sao …sao …bé…bé biết tập thơ đó vậy ?
          Chúng tôi vội đưa tay che miệng cười khúc khích. Đông tán tỉnh:
          – Dạ, em nghe tụi bạn đồn quyển đó hay lắm. Mượn đọc,tụi nó không cho, sợ mất …màu. Tức quá , em tìm mua cho xong.
          – Vậy…vậy… sao….sao!
          Chẳng biết cái gì cựa quậy trong áo mà nhà thơ Xuân Xanh xoay trở đủ hướng như bị nhột. Rồi sực tỉnh. Nhà thơ vội dùng cả hai tay đưa tập thơ ra phía trước:
          – Có phải quyển nầy không em?
          Đông vờ reo lên:
          – Đúng rồi! Ôi, đúng nó rồi!
          Hình như những sợi tóc và râu của nhà thơ đều dựng đứng cả lên, hai gò má đỏ bừng như con gái, hắn lại cà lăm:
          – Phải …phải…nó …rồi …hả em?
          Đông dạ rất ngoan. Nó ấp tập thơ lên ngực, lim dim:
          – Dạ , bao nhiêu một quyển vậy ông?
          Nhà thơ vung tay một cách hào phóng:
          – Khỏi, khỏi trả tiền. Tặng cô bé đó!
          – Chết! Vậy kỳ lắm!
         – Không sao, không sao! Tặng các em mỗi người một quyển.
          Thế là mỗi đứa được một tập thơ với chữ ký của nhà thơ Xuân Xanh. Xong, cả nhóm còn được nhà thơ chiêu đãi một chầu kem. Ra về, đứa nào đứa nấy tươi hơn hớn, khoan khoái vô cùng. Chỉ riêng nhỏ Thu Đông là bị “dị ứng”, Nó nhiễm vi rút tình yêu và chờ chết.
          Trong một tuần mà đã có hai buổi nó không thuộc bài và một buổi trốn học để đi ….bán thơ giùm người yêu. Con nhỏ bạo gan tới nổi đem thơ vào lớp. Giờ ra chơi, nó lên bục giảng rao hàng:
          – Xin các bạn lưu ý! Xin các bạn lưu ý! Đây là tập thơ “Những ngày tháng yêu và chết “  của nhà thơ Xuân Xanh. Một tác phẩm bất hủ trong làng thơ. Xin hỏi các bạn đã yêu chưa? Các bạn sẽ tìm thấy sự đồng cảm nếu các bạn đang xuyến xao vì tình yêu. Còn như ngược lại, các bạn hãy…mua rồi đọc đi để khám phá tình yêu và nỗi chết.
          Cả lớp bò ra cười. Xong, mỗi đứa mua giùm một quyển vì …tội nghiệp. Nhưng điều chúng tôi khám phá ở đây không phải là tình yêu mà là năng khiếu chào hàng của nhỏ bạn. Nó bán sạch những tập thơ mà bấy lâu nay …ế ẩm. Và nhà thơ cũng tiêu tiền bán thơ sạch sẽ để đền ơn người đẹp.
          Kết quả, lúc tiền bạc đội nón ra đi, nhà thơ bỗng trở nên cáu gắt, nóng nảy. Hai người yêu nhau bắt đầu …cãi nhau và giận nhau. Cho đến một hôm, nhà thơ Xuân Xanh ra đi không hẹn ngày trở lại. Báo hại Thu Đông nhớ đứt từng đoạn ruột. Nó khóc như ri. Chẳng còn lạc quan yêu đời nữa. Đã vậy, nhà trường phát sổ liên lạc cuối năm, có bốn môn Thu Đông không đạt điểm trung bình. Mùa hè đến mà nó học. Nó học trối chết nếu không muốn hai năm ngồi một lớp. Ba Thu Đông kêu trời như bọng. Còn mẹ bạn thì hăm dọa sẽ tự tử nếu nó học dở và tiếp tục yêu.
          Bây giờ, chúng tôi phải công nhận nhà thơ Xuân Xanh tài thiệt. Đúng là những ngày tháng yêu đã qua và tử thần xuất hiện. Thu Đông đang chết trong mớ bài học tồn đọng lâu nay.
Nguyễn Thị Mây

Sóng,
Cơn sóng biển tựa sóng đời xô dạt,
Dây tơ hồng sớm ràng buột kiếp duyên...
Bao nhiêu nông nổi muộn phiền,
Xin theo sóng biển triền miên xuôi dòng !
NM

Bóng đổ nơi chân sóng 

Tôi vừa đi qua hơn hai chục cây số đường rừng, cánh rừng nguyên sinh này sau hơn hai mươi năm mới có dịp trở lại, miệt biển đảo Cát Bà. Không gian phảng phất vị rêu trên đá xám. Giờ đây ven rừng đã có thêm những ngôi nhà bê tông một tầng, nằm rải rác dọc đường dựng đứng vách núi. Cách đây hăm mốt năm, quãng thời gian không dài, tôi lạc rừng. Lầm lũi đi bộ hàng chục cây số mà không nhìn thấy một ngọn khói bếp nào. Đi trong cảm giác hoang vu. Ngay cả vẻ đẹp hoang oải của thiên nhiên vẫn đan xen nỗi sợ hãi vì không tìm thấy lối ra. Rồi bất chợt tôi gặp một người đang trên đường đi lấy xạ đen về đun nước uống. Mừng rỡ, nhờ em đưa tôi ra tới vịnh Lan Hạ, thuê một chiếc thuyền vào một ngày biển lặng sóng, biển cũng vừa nhuộm thắm hoàng hôn. Dong hỏi lúc chia tay: “Chị tìm gì ở nơi chân sóng vào ngày biển lặng này?” Tôi nói, tôi cần đi biển, tôi tựa vào biển, lần duy nhất bị bạn tình bỏ rơi.
 
Nghe xong Dong cười:
- Sóng biển cũng biến đổi như trò ảo thuật, có khi chị phải cảm ơn cái tay yêu chị và bỏ chị đi.
- Cậu nghĩ thế à. Nếu đúng vậy thì chuyến đi này, có câu nói này, tôi sẽ vượt qua được nỗi buồn để sống tiếp.
Người trẻ khi ra biển thì nôn nóng ra đảo Cát số 3, sóng cũng duềnh lên lúc bình minh nhô lên biển đẹp nhất, sóng cũng tung trắng bờ đẹp nhất. Sóng luôn gây cho ta cảm giác bất ngờ, cả mất mát lẫn bất chợt gặp gỡ ai đó sau rất nhiều năm xa cách.
Lần này khi tìm gặp Dong, người đi lấy xạ đen năm nào. Em đen đúa, cứng cáp hơn, kể ra hồi đó, em mới ngoài hai mươi tuổi hay dẫn khách đi tua du lịch, mới đầu vác giúp đồ xuyên rừng cho khách, vẫn đi nhanh như gió. Sống với rừng, làm một ngư dân cũng học cách đi chậm hơn trên đường bộ. Đời Dong đã nếm trải quá tam ba bận thất bại trong kinh doanh nuôi cá nước mặn, thứ đến việc thu mua tôm mực ở bè đổ cho nhà hàng. Cái thời của năm 1993, thời thế xoay vần, nó thật khác với thực tại bây giờ. Dong bảo:
- Em đã hai lần vay ngân hàng để mua thuyền đi đánh cá, gặp một trận sóng lật, may còn về đến đảo nhìn mặt vợ con. Không thì nằm ngủ, không dậy mãi mãi dưới sóng.
Mất thuyền vì sóng, Dong lại tính, tìm cách kinh doanh nhỏ, cũng từ các loại đồ biển, các thứ rắn biển, hải sâm, bào ngư, con chân gấu, ngâm rượu bán, trả dần, vòng quanh mãi đến năm hai nghìn mười mới trả hết nợ cha và nợ con.
Chao ôi đời Dong chẳng còn thiếu những đợt sóng biển lật thuyền. Con sóng đời, cũng từng cố lật cả em và gia đình vào món nợ không trả nổi.
Rồi cũng tự phải đứng lên từ chân sóng thôi; nuôi con gái vào đại học cũng nhờ những món quà tặng của biển: ngọc trai nuôi, ốc phong thủy, túi hạt trai... Nghĩa là đem bán những sản phẩm lưu niệm, bán những thứ mà bọn trẻ con thích khi đi ra biển. Bọn tuổi teen ở Hà Nội, Hải Dương, Tam Đảo ra biển, chúng thích và khoái những thứ mà dân biển cho là bình thường, với chúng đó là báu vật. Hoán đổi mà chị.
Lại có thời Dong từng ra đảo Cát Ông hướng dẫn khách du lịch chèo thuyền kayak, rồi làm đủ thứ dịch vụ linh tinh, miễn là có tiền cho gia đình.
Dong phải tiêu mất chuỗi thời gian hơn mười năm làm ăn trả nợ, năm hai nghìn lẻ một, vợ Dong đi rừng mua mật ong, ngã từ trên vách núi trẹo khớp, teo cơ. Miếng đất mua chưa kịp xây nhà, bán đi mua lại miếng nhỏ, rồi xây nhà cho khách thuê, chịu cảnh “chó chui gầm chạn” ngậm miệng ở nhà vợ ba năm mới xàng xê có tiền chữa bệnh. Cũng những năm tháng ấy Dong còn nhận đi làm thêm cho tua du lịch, dẫn đường xuyên rừng, hướng dẫn viên nửa mùa cho một đoàn của công ty lâm nghiệp. Tình cờ, cái dây tơ hồng hình như định sẵn từ kiếp trước thế nào ấy, lại buộc Dong gặp lại em Xạ, mối tình si mê từ lúc còn tắm truồng trên biển khi cả hai cùng lên bẩy tuổi. Dong và Xạ cùng lớn lên ở hòn đảo này. Bố Xạ mê cây còn lấy cả tên cây xạ quý dành đặt cho con gái. Bố nàng còn có học vị, sau đó đã đưa cả hai mẹ con về thành phố Hải Phòng. Xạ học đại học xong thì lấy chồng và có con. Thuở xưa, tình yêu trẻ con, và khi người ta yêu một cô bé trẻ con, ngỡ quên, mà chưa quên. Thời gian cũng chôn vùi quá khứ, thuở xưa dù cô bé Xạ không xinh lắm nhưng rất hay cười, rất ưa nhìn. Bây giờ gặp lại, Xạ vẫn như hạt nam châm hút vào Dong, hút vào nhau. Giống như là khi ta về đất liền nhớ biển và nhớ chân sóng vẫn duềnh vào nhau vậy. Mê đắm.
Dong lại hỏi tôi:
- Bà chị sống ngần ấy năm đã đam mê tình ái bao giờ chưa? Bọn em mê nhau từ thuở còn cởi truồng và cùng nhau tắm biển. Cái dây tơ hồng đã đứt bao nhiêu năm lại nối, và lại đứt dài dài.
Nhớ lại, Dong đã hò hẹn với Xạ, ít ra cùng nhau đi núi, ít ra Xạ cũng cho Dong những ngày đẹp nhất trên biển. Thật đấy. Khi còn trẻ, Dong cũng điên lắm, dám nhờ chị gái đến chăm nom vợ, con gái, để đi tua. Thực ra, Dong đi với Xạ ra đảo Cát Dứa, hòn đảo chỉ là 1 trong số 367 hòn đảo ở đây mà thôi. Đảo này có một con đường lên núi chênh vênh, nhìn sóng cũng chênh vênh. Đi khám phá rừng, chìa tay ra cho nhau nắm kéo lên dốc đá là việc bình thường. Thế mà Dong cứ như bị hút vào cô bé ngày xưa. Có lần nàng kể cho Dong nghe, chắc lúc đó Xạ đang rối trí, khi đó Dong đang ngồi trên thuyền ở bến Cái Bèo, Dong phải tắt máy nổ, cho thuyền trôi tự do để nghe chuyện. Nàng khóc, kể rằng vị tiến sỹ chồng nàng là câu chuyện do mai mối của cha, sau này chung sống với nhau không hợp, ngay cả đến chuyện ăn nằm chàng cũng phải đợi đúng giờ, còn phải giữ gìn vệ sinh chung, đến giờ Hợi còn đem máy hút bụi ra hút, thế là làm sao, anh ấy giải thích, thì ngủ với vợ cũng phải có không gian sạch kiểu như không gian phòng nghiên cứu vắcxin viêm gan B. Rồi khi chồng lau chùi cơ thể lại giục giã vợ súc miệng đánh răng như trẻ con trước khi ngủ. Chồng Xạ sống kỹ càng đến nỗi làm cho vợ chẳng còn cảm giác mùi của vị tình yêu là mùi gì. Riêng chuyện tiền nong thì anh ấy không đến nỗi ki bo, nhưng chi tiêu thì phải chính xác, đích đáng, phải chi tiêu có nguyên tắc. May mà Xạ cũng kiếm ra tiền; mỗi khi gặp bạn bè thì có ăn uống tẹt ga cũng chỉ bát bún riêu, tách cà phê chẳng đáng là bao, nhưng chồng cằn nhằn, nói dai không chịu nổi. Nàng đeo tai nghe nhạc, chồng dứt ra không cho nghe. Nàng bỏ đi thì chồng nhốt nàng lại. Khóa cửa.
Dong bảo nghe chuyện của Xạ “nam châm” rất lạ, tưởng bịa, ai ngờ tính cách đàn ông có học vị tiến sỹ cũng buồn cười nhỉ, nó rất khác biệt với cánh đàn ông miệt biển ít sách vở như bọn em. Sống ào ào như sóng, vụng dại và chân thật. Chỉ thực tế mới dạy cho chúng em từng trải lên mà thôi. Ngay cả khi ăn nằm, thích thì nói rằng thích, và sướng thì nói rằng sướng, sao phải dối lòng với chính người mình yêu?
Bọn em được sống với nhau một đêm. Coi kỷ niệm của cả hai như một tài sản trong bảo tàng quả tim người. Cả hai đều không ngủ, chỉ trò chuyện, rồi quấn lấy nhau, rồi lại trò chuyện. Đêm khuya bọn em còn đứng nhìn nhau, hôn nhau. Ngay cả khi hôn, cô ấy cũng còn dạy em cả cách hôn nữa đấy. Người ấy toàn bảo em, chàng nghếch ạ. Em bế cô ấy xuống biển, và sóng đã hắt cả lên hai đứa, vậy mà cũng không dứt nổi hai đứa ra khi đang say đắm hôn nhau. Nếu lúc ấy mà có một cơn sóng dồi, thì thôi rồi. Khi đó, đám mây và ánh chớp đã kịp ghi lại cái bóng đổ của hai đứa bên chân sóng, vẻ đẹp của biển cũng như nam châm ấy chị ạ...
Sau này Dong đi học một cua ngắn về nhiếp ảnh, để cố ghi lại những khoảnh khắc của biển khi ngồi nhớ về cô ấy. Chính cô ấy đã khuyên em phải chăm sóc vợ chu đáo, khi ngã bệnh rồi thì không riêng gì phụ nữ cô đơn mà ai cũng rất cô đơn trên giường bệnh. Cô ấy cũng hứa sẽ chịu khó bằng lòng yên phận bên người chồng sạch sẽ tinh tươm và luôn cố chấp ấy, sống bên anh ấy, cô không phải lo lắng sẽ có con vi rút nào xâm nhập vào cơ thể, cô nói phải chờ con khôn lớn sẽ tính lại.
Tôi hỏi:
- Thế bây giờ hạt “nam châm” ấy còn không?
- Còn, nhưng nam châm ở xa, mãi tận Lâm Đồng. Nàng theo chồng vào trong đó để làm du lịch, hình như đầu tư vào nghề len thủ công xuất khẩu. Thế cũng tiện cho nàng, thời gian sẽ xóa mờ nhiều thứ, tình cảm, niềm si mê, và ngay cả dục vọng không phải lúc nào cũng sôi lên sùng sục mà được.
Vâng, Dong bảo, em đã tuổi năm mươi, hai lần vỡ nợ, một lần sóng dìm không chết. Một lần được yêu người tình từ thuở tắm truồng trên biển, khi ở tuổi trai có vợ gái có chồng, gặp lại nhau rồi ngỡ chấm dứt hẳn. Nhưng ở biển mùa đông dài lê thê lắm chị ơi. Xạ “nam châm” cũng có lần gọi điện kêu nhớ nhung, nhưng rồi Xạ nói với em những câu muối xát, chắc em quên anh thôi.
Dong còn kịp nói với Xạ, nếu sau này gặp chuyện rủi ro thì nhớ gọi cho anh, anh sẽ bay vào ngay.
Một mùa đông lạnh giá ở Cát Hải, Dong đã bay vào Đà Lạt. Xạ chờ Dong ở một ngôi nhà trong thung lũng gần hồ Tuyền Lâm, ven núi. Biệt thự ở nơi này làm sao nghe tiếng sóng biển? Và Dong bỗng thấy hạt nam châm như nguội lạnh, như băng giá. Dong lấy làm tiếc. Thiên nhiên ở Đà Lạt đầy màu sắc mà Dong chỉ nhớ chân sóng. Con sóng cứ lăn vào bờ, chân sóng tan ra và như tan vào hư vô. Rồi những con sóng khác cứ theo nhau xô vào rồi lại kéo nhau tan đi. Cứ thế mà làm nên cuộc đời người trai ven biển tên Dong. Bây giờ ở một xứ sở khác, miền đất khác Dong bỗng thấy anh không phải là anh.
Dong đã lúng túng kể cả khi hai cơ thể hòa nhau làm một, kể cả khi hôn nhau tiễn biệt, hai cái cây cuộc sống nhạy cảm đang nhận ra điều gì se sắt của cuộc sống, dẫu như vậy mà không phải vậy. Xạ thông báo tin vui. Tin vui, em đã ly dị. Đã tự do. Khi con tốt nghiệp đại học, cháu đã đi làm ở viện nghiên cứu hạt nhân.
Rồi Xạ cũng nói luôn, rằng em sẽ không chạm tới hạnh phúc của Dong, vì Dong cần cho gia đình. Dong hỏi lại:
- Thế em không cần gia đình sao?
Xạ im lặng. Cái im lặng làm Dong rất khó hiểu. Đàn bà cũng thật khó hiểu.
Trong chuyến bay đêm hàng không giá rẻ Dong nhìn trời qua cửa sổ máy bay lòng nặng trĩu nhớ biển, nhớ bát canh cá với dọc mùng, vị thìa là, trái dứa thơm thơm quen mũi. Thôi thì sinh ra ở chân sóng lại trở về với chân sóng thôi, đừng có mộng mơ như sóng vì Dong đâu còn trẻ nữa mà bay đi bay lại với mộng mơ.
Xạ nói rất phải:
- Em trả anh về với biển thôi.
Sáng sớm hôm sau Dong qua bến phà Gia Luận, không về nhà mà ra biển nhìn chân sóng. Một câu hỏi trước biển, con người có hạnh phúc không hở sóng? Có không? Thi thoảng. Lần nữa, Dong có gọi điện cho Xạ, nhưng điện thoại ngoài vùng phủ sóng.
Hơn một năm sau Dong hay tin: Xạ xuống tóc nhưng không đi tu ở chùa. Cô mua một ngôi nhà nhỏ trong thung lũng, tiêu thời gian cho kinh kệ, đèn nhang, tu tại gia ở một vùng cao nguyên mây trắng. 
Hoàng Việt Hằng

 Vệt sáng,
Nơi vệt sáng chính là nơi chân sóng,
Biển dạt dào và biển rộng mênh mông...
Sóng biển đời như sóng biển long đong,
Ta ngóng biển như ngóng chờ vệt sáng
NM

Vệt sáng nơi chân sóng

Ông Sáu Mạnh buông câu nói cuối cùng vẻ dứt khoát trước khi nhìn ra biển:
-Vậy là chú mày muốn đi hả? Được rồi, ngày mai lên tàu khỏi phải bàn cãi nhiều. Cỡ chú mày thì nhà tao nuôi khỏe vài vụ cá. Thôi, uống đi…
Lâm nhìn ra ngoài, biển lấp lánh, xanh rờ rỡ, lô nhô sóng vỗ quanh các trảng cát chập chùng phía xa. Thằng Vọng, con chú Sáu Mạnh cùng tốp bạn ngồi dưới tán dừa phía góc sân đang cười nói rôm rả trong làn khói lan tỏa mùi thịt nướng. Giọng nó ồm ồm của dân làng chài “Đận bão trái mùa năm rồi, tàu tao neo phía Vũng Rô để chỉnh máy. Ôi trời, cái con nhỏ bán quán có cặp mông cứ giần giật, cái…”, lại tiếng cười ồ khỏa lấp lúc chú Hai Hòe, Chủ tịch Cựu chiến binh phường vỗ vai Lâm:
- Ổng đồng ý là sướng rồi, khỏi đặt cọc chi ráo, tí nữa về nhà tao nghỉ lấy sức để mai đi sớm.
Lâm đứng lên chào chú Sáu Mạnh để ra về, lúc ngang qua chỗ Vọng anh định tạt vào làm quen vì biết Vọng sẽ là lái chính; nhưng anh chàng có nước da đen nhẻm, tóc rễ tre thẳng đơ đang liến thắng đầy hào hứng nên Lâm đành thôi. Khi đến làng Cát, nay đã lên phường vì được nhập vào thành phố, Lâm muốn theo tàu đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ một chuyến cho biết và nhờ chú Hòe liên hệ giúp. Ban đầu chú lắc đầu vì ít khi nhà thuyền cho người lạ lên tàu bởi trong chuyến đi dài ngày ấy, thường là trên nửa tháng sẽ gặp nhiều sóng to gió dữ, nhiều bất trắc không lường trước, nên chỉ nhà thuyền và bạn quen nghề. Thấy Lâm nài nỉ, chú Hòe đành gật đầu nhưng vẫn bảo “Tao dẫn mày đến chỗ bạn chiến đấu cũ, lão ấy một là một hai là hai nghe mậy, lắc đầu thì thôi à!”. Đâu ngờ chú Sáu Mạnh nheo mắt nhìn Lâm một thoáng rồi gật đầu cái roẹt, không ra điều  kiện gì ráo, lại còn đãi bữa gỏi cá ngừ ngọt lịm.
Trước nhà chú Hai Hòe là đoạn cuối dòng sông hướng ra cửa biển sóng vỗ róc rách, quanh nhà trồng dừa rợp mát, cũng có ang nước móc chiếc gáo dừa đặt sát cửa ngõ, có lu sành to nhỏ làm mắm dọc theo tường đá, có giếng nước bên rãnh rau thơm như bất cứ ngoài nhà nào của người dân chài ở Phú Câu. Lâm nằm trên cánh võng thiếp ngủ trong cơn gió nồm nam phía biển thổi vào đến mãi tận chiều nhập nhoạng lúc chú Hòe đi họp về.
-Dậy rồi hả ông trẻ! Thấy ngủ ngon nên tôi cứ để yên vì lúc nãy thằng Vọng nó sang nhắn mai cúng cửa biển sớm rồi lên đường. Nhớ mang theo giấy tờ để đăng ký bên Hải đội và có bị say tàu xe, sóng nước không đấy? Đừng để nhà thuyền  quay về là lỗ tải nặng và tao cũng không dám vác mặt sang Sáu Mạnh, nó chưởi cho rát mặt!
Lâm lắc đầu cười đến ngồi bên chú Hòe trước hiên nhà, mắt dõi nhìn qua bên kia sông tím sẫm màu chiều, bên ấy cũng là làng Cát có khu căn cứ Mỹ trước 1975. Ba Lâm từng là lính đặc công đánh vào sân bay Đông Tác cho cánh quân của chú Hòe tiến vào năm Mậu Thân 68.
- Chú được mấy em cả thảy, Lâm hỏi.
- Chỉ một đứa đang làm trong Sài Gòn.  Học xong nó ở tịt trong ấy, gọi mãi, chả về.
- Thế chú Sáu Mạnh chỉ mình Vọng thôi à?
- Không, còn ba đứa nữa. Thằng Vọng không phải con Sáu Mạnh đâu, nhưng lão thương nó như con đẻ. Đận ấy…
…Sau vụ địch phát hiện tàu không số vào Vũng Rô, cả làng Cát bên kia sông bị san bằng, dân bám trụ bị chà đi xát lại đến năm 67 tao và Sáu Mạnh bật lên cứ. Bảy năm sau quay về, Sáu Mạnh có công truy bắt tên tướng ngụy vượt sông sang làng Cát để gọi trực thăng ứng cứu và có tội, không, cái ách mang trên người thì đúng hơn. Chả hiểu tay này đi lang thang trên bãi biển có sóng xô sóng đập tung tóe, hỗn độn những vật thừa của chiến tranh thì nhặt được thằng bé đỏ hỏn bọc trong poncho loại vải rằn ri lúc bầy chó hoang bu kín, có lẽ thằng nhỏ con của một gia đình lính trong cơn hoảng loạn tháo chạy rớt lại.
Sáu Mạnh cũng chả giao lại cho ai, dù người yêu cũng là du kích từ cứ về khăng khăng bảo đem sang Trung tâm xã hội, nếu không thì cắt và thế là cả hai chia tay. Sáu Mạnh lầm lũi cảnh gà trống nuôi con vịt đến khi thằng nhỏ ba tuổi mới lấy vợ. Lúc ấy, tao còn làm bên ủy ban xã, đổi tên thằng Cát thành Vọng cho dễ nhìn đến bây giờ. Mà cán bộ cơ sở lúc ấy thiếu vì tụi nó kéo nhau về huyện ráo! Tao bảo Sáu Mạnh góp vào một tay nhưng lão lắc đầu bảo, lúc trước là dân chài, giờ hòa bình làm dân chài cho… rộng cửa biển. Trong 30 năm có lẻ ấy, lão cũng lên bờ xuống nước vì cơ chế nhưng được cái yêu biển nên phất lên trông thấy. Cũng đáng tội, thằng Vọng yêu sớm, nhằm phải con phó chủ tịch xã bên, thuộc tốp đàn em tụi tao lúc trên cứ. Bên gái nhắn tin không chấp thuận, Sáu Mạnh đau như cá kiếm đâm dái! Ngày con nhỏ rình rang vượt trảng cát về nhà chồng, thằng Vọng và Sáu Mạnh dong tàu đánh chuyến cá ngừ xa bờ đầu tiên dài cả tháng liền.
Chú Hòe thở dài nhìn dòng sông trong đêm vẳng tiếng sóng xô bờ óc ách, xa xa những ghe câu đã chong đèn chen trong tiếng gõ cá mạn thuyền. Gió man mát thổi nhẹ, văng vẳng tiếng trống chầu của đoàn hát Bội phía cửa biển. Chú Hòe nói nhỏ chen trong gió:
-Sáu Mạnh tìm vợ cho thằng Vọng nhưng nó lắc đầu. Lên bờ vài ngày là nó ra khơi với bạn chài. Nhưng tao nghĩ cũng chả sao, mới hơn 30 tuổi kể từ lúc Sáu Mạnh nhặt nó trên bãi cát ngày đầu giải phóng, giờ còn trẻ chán! Thôi vào ăn vài chén cho chắc bụng, có muốn xem hát Bội thì theo thiếm mày…
* * *
Sáu giờ tàu tháo neo ra cửa, buổi sáng sóng nhẹ lăn tăn dù mùa này đang có đợt mưa chín chiều đổ về biển sẽ động khơi xa. Vọng đang ở cabin điều khiển mũi tàu lách tránh luồng nước của các thuyền khác đang di chuyển phía trước. Nó chăm chú nhìn phía trước mặt đang dần ửng hồng của mặt trời nhô cao cùng những cánh chim chao lượn trên sóng. Lâm quay nhìn phía bến cá, bóng người nhốn nháo cùng dãy xe đông lạnh nhỏ dần rồi mất hút. Biển hai màu nước dần chuyển qua xanh thẫm va mạn tàu ràn rạt. Vọng nhô người ra ngoài, kêu với “ Hải đâu, chuẩn bị thay lái, còn bọn mày vào khoang một tí!”. Cả đoàn thuyền ra khơi đã dần tản mát lúc đỉnh Đá Bia hiện ra trong sương sớm. Chín người và thêm Lâm khỏi lẻ, tất cả đều trẻ, những bàn tay gân guốc đen sạm, ngực trần, tóc húi ngắn, miệng cười rộng mở như đón gió trùng khơi ồ ạt. Vọng vào khoang khi Hải thay lái, nó nheo mắt khắp lượt như nhẩm đếm từng người rồi buông giọng “Anh Lâm là khách của nhà thuyền, chú ý chăm sóc cho dù ở đây có gì ăn nấy, việc gì làm nấy, trừ khi ói mửa như đống giẻ rách!”, cả tàu cười ồ nhưng Vọng khoát tay chỉ vào góc khoang, nơi có tay thanh niên trẻ nhất đang ngồi bó gối, bảo “Thằng Nam sẽ luôn bên cạnh anh Lâm nhé, hướng dẫn ma mới để mau thành ma cũ. Thôi, ra ngoài sắp xếp cho gọn đống lưới, cột chặt dụng cụ, chiều nay sẽ mưa tuôn đổ”. Quay sang Lâm, Vọng cười “Đừng sốt ruột vì thời gian, ngày đêm sáng tối thây kệ. Nếu không sẽ buồn nẫu người vì bị cầm tù trong nước. Mà anh cũng lạ, phố phường đông vui thế kia lại không ở, theo bọn này làm gì?”.
Biển mênh mông, trời càng mênh mông, cả nắng lẫn gió cũng mênh mông vì không còn thấy đất liền hay cù lao nhỏ. Lâu lâu, từ phía xa mù một vài chiếc thuyền vụt qua, mất hẳn trong từng dải bạc sóng cùng mùi biển thật đậm vị. Chiều xuống thật chậm, một dải mây tụ phía chân trời đang lừ lừ trôi đến, gió cuộn nhẹ rồi thốc mạnh dần, nước đen sẫm trong màn mưa dàn dạt, rít xoe xóe. Cả tốp lại chen nhau ngồi bó gối trong khoang tàu sặc mùi dầu. Trước ca bin Hải đang gọi máy bộ đàm, chen trong mưa tiếng nó khàn khàn “Nghe rõ, rất rõ, hướng đến…điểm dừng…Tàu đang chạy qua khu vực mưa…”, và rồi bất chợt, ánh sáng vỡ òa trước mặt với làn mưa lâm thâm đầy ngột ngạt. Nam ngồi bên nhìn Lâm cười “Ta ra ngoài đi anh, dứt hạt rồi…”. Phía trước, phía sau, bên trái, bên phải lại mênh mông nước và hướng đi của tàu như thung lũng nước xa tít tắp. Chú Hai Hòe đã từng bảo, sẽ là ngày dài lẫn đêm thâu trong suốt chuyến đi nếu không có việc gì làm rồi mong sớm kết thúc để quay đầu trở về.
 Huỳnh Thạch Thảo