Gởi rùa vô chùa
Rùa biển
Chiếc xe du lịch dòng Hyundai Universe bốn mươi lăm chỗ tăng tốc dần khi bắt đầu leo lên con dốc hẹp. Bầu trời xanh thăm thẳm và cao vút thấp thoáng vô số dải mây mỏng đan xen bắt chéo vào nhau. Nắng vàng bao phủ khắp các con đường rải nhựa quanh co uốn lượn, dàn trải trên những quả đồi nhấp nhô xanh mượt và chiếu xuống mặt biển màu ngọc bích lấp lánh. Ngôi chùa mái ngói nhỏ bé nằm lẻ loi giữa núi non trập trùng toát ra một vẻ đẹp hiu quạnh kì lạ.
Tôi nhoài người kéo cái rèm hoa văn màu tím nhạt phủ kín ô cửa kính và ngó ra ghế sau xem Uyên đang ngủ hay thức, trong khi Thu Nương ngồi bên cạnh tôi đang ngủ say. Những lọn tóc xoăn màu hạt dẻ của cô nàng cuốn vào đám tóc đen nhánh thẳng đuột của tôi tạo nên một đám rối ngộ nghĩnh. Nhiệt độ trên xe khá mát mẻ – vào khoảng hai mươi lăm độ – nhưng tôi biết rõ ràng về cái nóng như thiêu như đốt đang bủa vây ngoài kia. Tôi đã xem dự báo thời tiết cho ngày hôm nay: ba mươi tám độ và có mưa nhỏ.
“Còn mười phút nữa là xe tới nơi,” – anh chàng lớp phó học tập da ngăm thông báo trong lúc đi từ đầu xe xuống cuối xe trên đôi bốt da trơn cổ cao, mà theo như ý kiến riêng của tôi, nếu không tính đến việc phải đi bộ hết cả một cây số đường rừng thì tôi phải thừa nhận là cậu ta có gout thời trang không chê vào đâu được – “các bạn thu dọn hành lý để chuẩn bị xuống xe nhé!” – cậu ta nói vẻ phấn khởi.
Chiếc xe lăn bánh chầm chậm trên con đường độc đạo kéo dài thẳng tắp nằm giữa hai cánh rừng. Tôi đánh thức Thu Nương và tỉ mỉ gỡ mớ tóc rối của hai đứa. Một lúc sau thì xe ngừng hẳn. Tôi sửa sang lại giày, mặc áo khoác mỏng phủ kín hai cánh tay và đội mũ lưỡi trai.
Từng đợt gió nóng rát ập đến chào đón bọn tôi ngay khi mỗi đứa vừa ló mặt ra khỏi xe. Nhưng may mắn cảm giác đó kéo dài không quá lâu vì rừng cây rậm rạp cách con đường nhựa chỉ khoảng năm mét. Thu Nương kéo tay tôi và Uyên nhanh chóng nhào đến vị trí mát mẻ dưới tán lá rộng. Tôi nhìn thấy một lối đi nhỏ tiến sâu vào phía trong rừng, bên dưới đầy rẫy những rễ cây khổng lồ tỏa ra bốn phía và chồng chéo lên nhau trên mặt đất.
Bọn tôi nối đuôi nhau theo sát anh hướng dẫn viên có chất giọng địa phương trầm trầm và thân thiện, cả đám vừa đi bộ vừa nói chuyện. Kể ra thì đi bộ trong rừng là một hoạt động vui vẻ và thú vị. Không khí đầy hơi nước mát rười rượi. Tiếng chim chóc và động vật nhỏ vang vang lúc to lúc nhỏ, lúc réo rắt lúc trầm đục tưởng chừng như một dàn đồng ca không bao giờ chấm dứt. Mấy bụi dương xỉ xanh rì nhô ra từ vách đá mọc vô số ổ bào tử màu cam lốm đốm. “Cố gắng lên các em, chúng ta sắp tới nơi rồi.” – anh hướng dẫn viên quay lại và chờ cho đứa đi cuối cùng vượt lên trước. Lúc này trời đột nhiên tối sầm xuống và xuất hiện vô số tiếng động rào rạt ở trên đầu. “Mưa đấy”, anh hướng dẫn viên nói.
Phải mất một lúc lâu tôi mới cảm nhận được vài giọt mưa hiếm hoi – sau khi trải qua tầng tầng lớp lớp tán cây dày đặc ở phía trên – thấm vào da qua lớp áo khoác mỏng. Tiếng nói chuyện nhỏ dần. Bọn tôi cố gắng đi nhanh vì trời càng lúc càng tối và không khí dần trở nên lạnh hơn.
Không gian thoáng đãng chào đón khi tôi thoát ra khỏi cánh rừng rậm rạp. Mưa đã tạnh từ lúc nào và trời thì chưa tắt nắng. Nơi bọn tôi nghỉ lại qua đêm thuộc về một doanh trại quân đội đóng quân ở sâu trong rừng cách bãi biển gần nhất tầm mười phút đi bộ. Doanh trại biệt lập này là thứ duy nhất mang dấu hiệu của con người ở đây: một dãy nhà quét vôi trắng nằm chơ vơ giữa khu đất trống trải và bị bao vây bởi rừng rậm, biển và núi. Tiếng ầm ầm gào thét của sóng biển hòa lẫn trong tiếng gió vi vút khiến tôi nao nao. Thu Nương đã bớt say xe và lúc này đang tích cực làm nhiệm vụ của một lớp trưởng, cô ấy phân công bọn tôi thay phiên nhau tắm rửa, dọn dẹp và chuẩn bị bữa ăn tối.
“Anh Thanh hướng dẫn viên đã hỏi thăm người dân địa phương, tối nay rùa sẽ lên đẻ trứng,” – cô nàng lớp phó văn thể mỹ duyên dáng trong trang phục áo trắng kiểu cách phối với quần culottes ống rộng thông báo sau bữa ăn, do khoảng cách gần, tôi còn ngửi thấy mùi Tresemme từ tóc cô gái ngòn ngọt thoang thoảng – “các bạn nghỉ ngơi một chút rồi chuẩn bị đồ đạc để xuất phát nhé.”
Cả đám vỗ tay và reo hò ầm ĩ. Đây mới là mục đích chính trong chuyến đi khám phá lần này của bọn tôi – những học sinh cuối cấp vừa trải qua kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và chuẩn bị bước sang một trang mới trong đời. Sau nhiều lần bỏ phiếu bầu chọn, tất cả đã quyết định đăng ký tham quan bãi rùa đẻ ở Ninh Thuận, để được tận mắt chứng kiến hình ảnh những nàng rùa nặng nề chậm chạp bò lên bãi cát đẻ trứng. Đám con trai nghỉ ngơi hoặc đùa giỡn trong khi đám con gái bận rộn chuyền tay nhau cả tá thỏi son dưỡng đủ màu hoặc mấy lọ kem chống muỗi. Lúc này, cô nàng Thu Nương đang cố xịt cả đống Soffell hương cam trăng trắng lên người tôi và Uyên.
“Không cần nhiều vậy đâu,” – Tôi kêu lên kháng nghị một cách yếu ớt – “mình mặc quần dài mà.”
“Bọn mình đang ở trong rừng,” – Thu Nương trừng mắt với hai đứa tôi trong khi tay cô nàng không ngừng xoa xoa trét trét – “cậu có biết bao nhiêu người bị sốt rét khi đi rừng không hả? Khu dân cư cách đây cả cây số đường rừng, mà điện thoại thì hoàn toàn mất sóng…”
Thu Nương vẫn còn tiếp tục lải nhải một hồi lâu. Vài đứa con gái ngồi kế bên quay sang nháy mắt với tôi và Uyên. Tôi bật cười. Bọn tôi học chung lớp với nhau suốt ba năm, và ai cũng quá quen với việc Thu Nương chăm chút cho hai đứa bạn thân không thua gì một người mẹ tận tụy. Những tháng ngày bên nhau trôi qua như một cái chớp mắt. Ngày chia xa cũng đến thật gần. Viễn cảnh u buồn làm tim tôi thắt lại.
Bọn tôi tập trung ở bãi biển vào lúc tám giờ tối theo sự điều động của anh hướng dẫn viên. Đây không phải lần đầu tiên tôi đi dạo trên bờ biển khi màn đêm xuống, nhưng cảm giác tĩnh lặng pha lẫn nỗi sợ hãi mơ hồ vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Tôi ngửa mặt nhìn ngắm hàng hà sa số những ngôi sao nhỏ trên bầu trời, tất cả đều tỏa ra thứ ánh sáng mờ ảo le lói từ một nơi nào đó xa xăm. Gió mang hơi sương lạnh lẽo ngấm vào da thịt. Biển tối đen như mực và tiếng sóng ầm ầm vang vang tưởng chừng như có một con quái vật đang lặng lẽ trở mình ở đâu đó ngoài kia. Tôi siết chặt cánh tay hai cô bạn thân.
Anh hướng dẫn viên chỉ cho bọn tôi một ổ trứng rùa đã đẻ: “Rùa mẹ đẻ trứng xong sẽ lấp cát lại để xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của chúng.” Tôi đếm được năm quả trứng nhỏ tròn tròn màu trắng lấm tấm những hạt cát mịn. Sau khoảng một trăm ngày, từ năm quả trứng này sẽ nở ra năm chú rùa con xinh xắn – đấy là tôi thầm hi vọng thế, còn thực tế thì khả năng trứng rùa có thể nở được chiếm một tỉ lệ thấp hơn nhiều.
Ai nấy đều cố gắng đi từng bước chầm chậm nhẹ nhàng, đồng thời chú ý quan sát kỹ dưới chân để tránh dẫm phải những em bé rùa đang ngủ say dưới lớp trứng mỏng. Ở cách bọn tôi khoảng hai mươi bước chân có một đám đông đang tụ tập.
“Người dân ở đây và các nhân viên khu bảo tồn sẽ đem những ổ trứng này về khu ấp nở an toàn,” – anh hướng dẫn viên nói – “để tránh một số người đào trộm trứng rùa đấy.”
“Sau bao nhiêu ngày thì trứng nở ạ?” – Một đứa lên tiếng hỏi.
“Khoảng từ bốn mươi lăm đến sáu mươi ngày,” – anh nhân viên mặc đồng phục kiểm lâm trả lời – “một nửa số trứng sẽ được cho vào hồ có nhiều ánh sáng, số còn lại sẽ được ấp trong môi trường ít sáng hơn, làm như vậy để cân bằng tỉ lệ đực-cái ở rùa vì giới tính của chúng do nhiệt độ quyết định.”
Khi bọn tôi lại gần thì một nàng rùa cái đã đẻ trứng xong. Người ta đo đạc và đánh dấu rồi thả nó về biển. Một người dân kể cho bọn tôi nghe hai tháng trước có một cô rùa cái bị bắt trộm và mổ bụng lấy ổ trứng. “Lúc đó bọn anh nhìn thấy xác con rùa trôi vào, to chừng này,” – anh ta đưa tay ra ước lượng – “nhưng tiếc là cứu không kịp…”
Vài đứa con gái khe khẽ thở dài.
Uyên dụi đầu vào vai tôi, mắt đỏ hoe. Tôi không biết bao nhiêu quả trứng ở đây có thể thành công nở ra thành những chú rùa con, nhưng tôi biết rằng tất cả những con rùa đó đều sẽ hướng ra biển theo bản năng được kế thừa từ tổ tiên của chúng – những cư dân đã có mặt trên Trái Đất từ hơn một trăm triệu năm trước. Sau ba thập kỷ lang thang vùng vẫy nơi đại dương, những con rùa cái còn sống sót sẽ quay lại vào một ngày nào đó, tại chính nơi này, để hoàn thành nghĩa vụ duy trì nòi giống tiếp theo của mình.
Bọn tôi phụ giúp phát hiện các ổ trứng rùa và thu nhặt trứng để đưa về khu bảo tồn. Rùa biển được đưa vào sách đỏ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, vì một thực tế khá phũ phàng: tỉ lệ sống sót đến tuổi trưởng thành để có thể quay lại của chúng chỉ chiếm một phần ngàn! Hầu như bọn tôi đứa nào cũng bị sốc trước hiện thực đau đớn đó. Tôi nhìn mấy đứa con gái đang cẩn thận nâng niu những quả trứng nhỏ, khuôn mặt đều toát lên vẻ dịu dàng.
Đoạn đường trở về doanh trại bỗng dưng lặng thinh, chỉ còn tiếng sóng vỗ bờ trầm đục và tiếng bước chân đạp lên đám lá cây lạo xạo. Không ai lên tiếng nói chuyện với ai, có lẽ vì mệt mỏi, có lẽ vì u buồn, cũng có thể vì cả hai. Ngày mai bọn tôi sẽ nói với nhau lời chia tay nhau lần cuối cùng. Và, giống như những chú rùa mới nở, tất cả bốn mươi hai “đứa trẻ” ở đây sẽ bơi ra đại dương rộng lớn của cuộc đời, để mặc cho những cơn sóng dữ ngoài kia đang chờ chực nhấn chìm tất cả…
Hoặc sẽ ngoi lên và tiến về phía trước.
PHƯƠNG LOAN