Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

NTV 17 - Cuộc sống 2 giọt nước




   
 
 Hai giọt nước .....
Giọt nước trong veo - Giọt nước buồn ,
Rơi theo dòng chảy giọt mưa tuôn.....
Giữa bao ồn ả ngàn tia nước ,
Giọt nước trong ta, nước mắt buồn !!!

Giọt nước trong trong, giọt nước vui ,
Cao trên đầu núi chốn xa xôi......
Cô đơn tuy có lòng yên ắng,
Giọt nước trong lòng , nước mắt  vui !!
NM
Họa lại cho..đỡ buồn
 

Rung động trong ta những nỗi buồn. 
Niềm đau xưa cũ lại trào tuôn ! 
Gập ghềnh trăn trở nghe cay đắng, 
Đọng lại trên mi giọt nước buồn !  
Vượt nỗi đoạn trường lấp lánh vui. 
Từ miền cao thẳm rất xa xôi. 
Chắt lọc tinh anh nguồn từ ái, 
Rơi nhẹ xuống thành giọt nước vui ! 
 KIM
Cuộc sống hai giọt nước
Ngụ ngôn về những giọt nước mắt......!!!
Cô vẫy đôi cánh trong suốt, nhẹ nhàng bay khỏi thiên đường. Ánh nắng ban mai ấm áp xuyên qua thân thể trong suốt của cô, không hắt bóng xuống mặt đất. Cô bay qua những cánh đồng lúa xanh ngát, vàng ươm, những bãi biển đầy người, đầy màu sắc và tiếng động, những ngọn núi cao phủ màu xanh ngắt của cây cỏ, những dòng sông màu sắc khác nhau uốn lượn như những dải lụa mềm mại, những thành phố với những con đường thẳng tắp, vuông góc như bàn cờ, đầy những tòa nhà cao tầng, nhìn từ trên cao giống nhau đến không phân biệt được.
Cô bay vòng quanh cuộc sống, lắng nghe tiếng không gian và thời gian lao xao quanh mình. Thỉnh thoảng, cô gặp những thiên thần khác cũng đang dạo chơi trong cuộc sống trần thế giống như cô. Họ chào nhau bằng vũ điệu của những thiên thần, và cười với nhau những nụ cười thiên sứ.
Cơn mưa ập đến thật bất ngờ khi cô đang bay ngang một thành phố. Những hạt mưa xuyên qua thân thể trong suốt của cô, rơi xuống đất không để lại dấu vết. Gió thổi những vạt áo trong veo bay lất phất trong mưa. Cô chẳng bị ướt, cũng chẳng mệt mỏi vì chặng đường vừa đi qua, vì cô là một thiên thần, nhưng thấy mọi người trên mặt đất lao xao chạy vào trú mưa dưới một mái hiên rộng, cô cũng bay theo, xếp cánh đậu trên một chiếc lá. Thân thể trong suốt của cô không có trọng lượng, cô đâu có bị tác động của lực hút trái đất như con người.
Chẳng có ai biết đến sự hiện diện của cô bên cạnh họ, họ nói cười, đùa giỡn, hoặc im lặng nhìn ra cơn mưa. Trời đang ngả dần về chiều. Cơn mưa làm buổi chiều đến sớm hơn.
Cô nhìn vào ngôi nhà nhỏ đang hắt ra ánh sáng vàng ấm áp trong buổi chiều mưa lạnh bằng đôi mắt trong suốt của mình. Căn phòng nhỏ gọn gàng ngăn nắp, có lọ hoa tươi, có những con búp bê bằng pha lê xinh xắn chưng trong tủ kính, có chiếc phong linh treo ở cửa sổ reo lanh canh trong cơn gió nhẹ lùa ngang. Trong gian phòng đó có hai người, một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn ông cao lớn, trắng trẻo, đôi mắt sâu với cái nhìn hun hút. Người đàn bà mảnh mai, xinh đẹp, dáng dấp đài các. Những câu trao đổi giữa họ gay gắt và giận dữ. Cơn mưa lạnh chiều tàn hình như chẳng làm dịu được không gian nóng bỏng trong căn phòng nhỏ chỉ có hai người. Mà không phải, còn một người thứ ba ở đó nữa, một đứa bé trai khoảng bốn năm tuổi, gương mặt giống bố như tạc. Nó ngồi thu mình trong một góc phòng. Cô nhẹ nhàng bay đến cạnh nó. Nó đang khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên má nó, nhưng nó chùi đi bằng vai áo và mím chặt môi cố nén những tiếng nức nở. Chẳng ai chú ý đến nó, ngoài cô, nên chắc cũng chẳng ai biết nó đang khóc, ngoài cô.
Cô nhìn vào trái tim người đàn bà. Ở đó đang đỏ rực cơn giận dữ và hờn ghen. Màu đỏ như lửa ánh lên rực rỡ trên ánh mắt, trên đôi má chị, thiêu cháy những suy nghĩ trong veo của chị và làm cong vênh những lời nói thoát ra từ đôi môi chị.
Cô nhìn vào trái tim của người đàn ông. Ở đó trắng xoá những cơn sóng của ký ức. Cô thấy bóng dáng một người con gái trên những cơn sóng đó, trẻ trung và nồng ấm sự sống, nụ cười tràn ra trên mắt trên môi. Cô gái đó chính là cô, chẳng phải trong suốt như bây giờ, là cô của một tiền kiếp là con người với những vui sướng và buồn đau. Cô nhận ra anh, bằng giác quanh trong suốt của một thiên thần, và bằng cả ký ức mà cô đã gói ghém mang theo trong cái ngày cô trở lại thế giới của những thiên thần.
Anh là chàng trai nổi tiếng nhất trường đại học vì thành tích học tập và thành tích thể thao trong đội bóng rổ của trường, từ lúc anh còn là sinh viên cho đến khi đã tốt nghiệp và thành giảng viên của trường. Những cô bé sinh viên năm đầu mới vào trường thường được nghe những chị sinh viên lớp trên kể về anh với vẻ ngưỡng mộ không cần giấu giếm. Không ít người trong số các cô mơ đến chuyện sở hữu trái tim của anh. Anh nhận được vô số những thư làm quen. Anh là người bạn tốt của tất cả, nhưng hình như không là sở hữu thật sự của ai cho đến ngày anh gặp cô. Lúc đó, cô là bạn của một người bạn có quen với một người bạn của anh. Cái quan hệ xa lắc đó giúp họ làm quen với nhau trong một buổi chiều chủ nhật mưa lất phất ,mấy người bạn quen điện thoại í ới rủ nhau đi uống cà phê nghe nhạc tiền chiến ở một quán sân vườn nổi tiếng, xa thành phố đến vài chục cây số. Sau này, khi đã là người yêu của nhau, anh thường kể cho cô nghe cái cảm giác của anh khi lần đầu tiên thấy cô ở quán cà phê đó. Anh ngồi trong quán trước khi cô đi cùng người bạn đến. Cô như từ cơn mưa lạnh bước ra, mang vào ngôi quán tịch mịch và vào cả trái tim kiêu ngạo của anh cơn gió rực rỡ màu áo đỏ và rộn ràng âm thanh của những tiếng cười giòn tan như thủy tinh.
Cô làm quen với những người chưa quen một cách dễ dàng đến bất ngờ, và trái tim anh đập những nhịp khác thường khi bắt gặp nụ cười của cô tràn ngập trên môi, trên mắt lúc anh vô tình nhìn thấy cô nghiêng đầu, hát ngân nga theo tiếng nhạc một bài hát mà anh yêu thích bằng cái giọng hát trong vắt, lanh canh như tiếng trẻ con. Cô đã bước vào cuộc đời anh một cách đầy màu sắc và âm thanh như vậy, và ở lại đó, trở thành một nửa của anh, thành bầu trời của anh, thế giới của anh, niềm vui, nỗi buồn của anh. Mỗi ngày, anh tìm thấy một điều bất ngờ ở cô, khám phá thêm một chút về tâm hồn cô, và không ít lần kêu lên em chẳng phải là người đâu, em là thiên thần hay yêu tinh gì đó mới đúng. Cô thông minh, ham học, hiểu biết nhiều, đôi lúc cứng rắn và quyết đoán đến mức khắc nghiệt nhưng đôi khi lại nhạy cảm, mỏng manh, yếu đuối và hay khóc nhè, hay hờn giận như một đứa trẻ. Ở cạnh cô, cuộc sống của anh có khi giòn tan tiếng cười, có khi ào ào công việc, có khi dịu dàng những giọt cà phê, có khi ướt sũng cơn mưa trái mùa đỏng đảnh giận hờn… Và không ít lần, anh rùng mình linh cảm về một sự chia xa nào đó.
Trước ngày sinh nhật hai mươi bốn tuổi của cô chỉ một ngày, cô rủ anh và vài người bạn đi về một vùng quê nghèo để tham gia công tác từ thiện. Họ vẫn cùng nhau đi những chuyến đi như vậy, nhưng lần này anh bận công việc ở trường nên để cô đi một mình cùng mấy người bạn. Tai nạn xảy ra trên đường về. Và cô đã rời xa anh vĩnh viễn, không kịp dặn dò anh một lời, không kịp nhận món quà sinh nhật anh đã mua cho cô, một bức tượng thiên thần mang đôi cánh trên lưng bằng pha lê. Anh giữ món quà đó lại bên mình suốt những tháng ngày sau đó. Những ngày sinh nhật của cô, anh một mình mang theo bức tượng pha lê tìm về ngôi quán năm xưa – nơi anh gặp cô lần đầu, lặng lẽ ngồi trong những hoài niệm cũ.
Thời gian trôi đi xoá dần nỗi đau của anh. Rồi anh cũng lập gia đình với một người con gái khác, có một đứa con trai, nhưng bức tượng thiên thần pha lê và những ký ức về cô vẫn luôn được anh nâng niu gìn giữ. Vợ anh là một người phụ nữ tốt, xinh đẹp và đảm đang, đơn giản và bình lặng từ nếp suy nghĩ đến cuộc sống thực tế. Chị biết về cô qua những lời kể sơ sài của anh. Với chị, cô là một điều gì đó không quan trọng lắm, vì cô đã chết còn chị thì đang sống, vì cô là quá khứ còn chị là hiện tại, vì cô chỉ là người yêu cũ, còn chị là vợ… Cho đến cái ngày chị làm vỡ bức tượng của anh. Chưa bao giờ chị thấy anh giận dữ đến thế. Những lời nói và cơn giận thái quá của anh làm chị nhận ra tình yêu bất diệt mà anh dành cho cô. Ngọn lửa ghen hờn trong tim chị cháy bùng lên. Họ đã dằn vặt nhau và dằn vặt mình trong suốt thời gian qua. Hình bóng của cô lẩn quẩn giữa họ, vô hình nhưng rõ ràng và vĩnh hằng.
Cô im lặng nhìn anh, nhìn chị, rồi nhìn đứa con trai bé nhỏ đang ngồi trong góc phòng khóc thút thít. Trái tim thiên thần trong suốt của cô đau nhói. Trong suốt thời gian qua, cô đã luôn mong rằng mình sẽ tồn tại mãi trong ký ức của anh, bất chấp thời gian và khoảng cách giữa hai thế giới như cô đã luôn nhớ anh đến cháy lòng, và luôn nghĩ đến ngày mình sẽ trở về trần thế, lẩn quẩn bên anh với đôi cánh trong suốt của mình. Bây giờ, cô nhận ra rõ ràng hơn bao giờ hết rằng họ không thể còn nhau nữa. Quá khứ đã đi qua, và chỉ cần anh thôi nhớ về cô, sẽ có đến ba trái tim được giải thoát khỏi buồn đau.
Cô bước đến bên người phụ nữ, nhẹ nhàng xoa bàn tay trong suốt của mình lên trái tim đỏ rực của chị, làm nguội đi những hờn ghen đang bừng lên trong tâm hồn chị. Rồi cô bước đến bên anh, bàn tay trong suốt của cô run run xóa đi những hình ảnh của cô trong ký ức của anh. Cô hôn lên trán đứa bé đang ngồi ôm gối nén khóc trong góc phòng bằng đôi môi trong suốt của mình, rồi vỗ cánh bay vào bóng đêm. Cô mải miết bay trở lại thiên đường. Cô sẽ không bao giờ được trở về trần thế nữa, cái trần thế có người đàn ông cô yêu tha thiết, vì cô đã dám can thiệp vào cuộc sống của người trần gian bằng phép thuật của mình.
Buổi sáng, ba người sống trong ngôi nhà nhỏ cùng bước ra hiên. Cơn mưa đã tạnh, trên những chiếc lá cây trước nhà còn đọng những giọt nước trong suốt, lấp la lấp lánh như những giọt nước mắt. Người đàn ông nhớ về những giọt nước mắt của vợ mình. Người phụ nữ nhớ về giọt nước mắt của đứa con trai. Chẳng ai trong số họ nghĩ rằng đó là những giọt nước mắt của một thiên thần trong suốt đến từ một thiên đường xa xôi.

Khi yêu bằng trái tim con người, tình yêu đó có khi làm đau người khác. Nhưng khi yêu bằng một trái tim thiên thần, tình yêu đó chỉ có thể làm đau chính mình. Có điều là trái tim thiên thần vốn trong suốt nên chẳng có ai nhìn thấy được niềm đau đó, và vì vậy người ta thường cho rằng đã là thiên thần thì chẳng bao giờ biết đến buồn đau.
(Theo glassflower)
 

Gió thổi dọc cánh đồng

Tôi biết mình cần Nguyên, cần cho cuộc sống đầy chênh vênh và nỗi bất an trong tâm hồn. Nguyên như tia nắng mặt trời sưởi ấm cái thế giới như một hoang đảo trong tôi. Đầy lo âu và chênh vênh. Nguyên cho tôi cảm giác mình đang tồn tại. Là tôi. Một con bé vốn chẳng có gì hay ho và cũng chẳng xinh đẹp nhưng vẫn được tôn trọng, được yêu thương. Theo đúng nghĩa tôi cần chứ không phải là sự thương hại. Những lúc buồn tôi lại tìm đến Nguyên để Nguyên ngồi bên tôi lặng lẽ. Vậy thôi. Nguyên không hỏi han cũng không an ủi tôi. Nguyên hiểu tôi đang cần sự bình yên. Một khoảng không gian bình yên cho những bất ổn đang đè nặng. 
Chiều. Tôi tha thẩn ra bờ sông bứt những cánh hoa dại thả trôi theo dòng nước. Hoa sẽ trôi về đâu nếu dòng sông kia không có bến bờ? Nhưng dừng lại để làm gì nếu đó không phải một bến bờ bình yên? Cứ trôi… cứ trôi để rồi đến khi cánh hoa tan nát, hoa không nhận ra mình. Tôi nhặt những hòn đá ném xuống dòng sông mang theo những tủi hờn. Tôi vẫn thường ném xuống dòng sông quê biết bao nỗi giận hờn vô cớ. Dòng sông bao dung như lòng mẹ mang đi mọi thứ. Tôi có biết đâu tôi cũng đã vô tình ném đi mọi thứ quý giá chỉ vì lòng ích kỷ và nông nổi để rồi mãi không thể mò tìm lại được. Bỗng dưng tôi nhớ mẹ. Ừ chỉ là bỗng dưng thôi. Tôi vẫn nhớ cái dáng gầy xiêu vẹo của mẹ bên bờ sông chiều hanh hao nắng. Nỗi nhớ đắng đót một tuổi thơ êm đềm vuột trôi. Ba không cho mẹ một cuộc sống đủ đầy. Những thiếu thốn và lo toan cuộc sống hằng ngày đã hằn lên má mẹ những cái tát nảy lửa của ba. Mẹ không chịu đựng và không chấp nhận. Mẹ còn trẻ. Mẹ bỏ ba, bỏ tôi lại giữa căn nhà rộng thông thênh bốn mùa thông thốc gió. Ba lao vào rượu như con ma men. Mỗi lần say ba khóc đuổi tôi đi. Tôi sang với ngoại. Bà ngoại ôm tôi lời ru đắng đót: “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay…”.
Năm sau ba lấy vợ. Dì có dáng người hao hao giống mẹ tôi. Ba trừng mắt:
- Không được gọi dì. Phải gọi là mẹ. Từ nay đây là mẹ mày. Nghe rõ chưa?
 Tôi im lặng. Ba vẫn thường nạt nộ tôi khi trong lòng tôi mới gợn lên những ký ức về mẹ. Dì không bắt tôi gọi là mẹ. Và tôi cũng không thể gọi người đàn bà khác là mẹ khi biết rằng mẹ tôi vẫn đang sống ở đâu đó trong thế giới này. Mẹ ở đâu? Tôi đạp xe qua cánh đồng thông thốc gió sang hỏi ngoại. Ngoại chỉ khóc. Ngoại có những mùa hoa vàng rực rỡ, quanh năm ngoại lận đận với từng mớ rau, từng mùa hoa. Ngoại dành dụm tiền bỏ vào cái áo cũ treo trên mắc áo trong buồng. Mỗi lần tôi đến ngoại lại lần túi:
- Ngoại cho con mua bánh đa.
- Con không lấy tiền của ngoại. Về ba đánh.
- Ngoại cho con. Ngoại cuộn tiền bỏ sâu trong túi quần tôi. Mắt ngoại rưng rưng.
Tôi đạp xe băng qua cánh đồng mang theo nỗi ấm ức về mẹ và đôi mắt ầng ậng nước của ngoại. Mẹ chẳng về thăm ngoại sao? Mẹ chẳng nhớ ngoại và cũng không nhớ tôi? Mẹ đang ở đâu? Mẹ! Gió thổi dọc cánh đồng thông thốc. Thổi đi những ký ức về mẹ, nỗi nhớ mẹ trong tôi… Gió ơi!
Nguyên ngồi đợi tôi trên mỏm đất cạnh những ngôi mộ bỏ hoang:
- Lam đi đâu?
- Sang ngoại.
- Có hỏi ngoại về mẹ không?
- Không.
- Nhớ mẹ lắm phải không?
- Không. Không muốn nghĩ đến mẹ nữa. Buồn lắm.
Tôi ngồi bên Nguyên ngắm trăm ngàn những bông hoa dại trong nắng. Tôi vẫn yêu những bông hoa dại ấy, yêu hơn bất cứ loài hoa nào. Nguyên biết nên luôn dành cho tôi một chỗ ngồi có thể nhìn về phía bên kia sông nơi đất bỏ hoang chỉ để hoa và cỏ dại mọc. Đàn vịt chạy đồng của Nguyên không bao giờ làm nát loài hoa ấy. Đôi bàn chân to và thô của Nguyên chạy rạc cánh đồng đầy gốc rạ nhưng không dẫm lên đám hoa cỏ ấy. Mẹ mất khi vừa mới sinh Nguyên. Vậy nên Nguyên sinh ra mang nỗi buồn thẳm sâu trong từng ánh nhìn. Nguyên trầm tính và ít nói. Nhưng nụ cười thì khiến hoa cỏ cũng phải xôn xao. Trái tim tôi cũng xôn xao như cỏ khi Nguyên cười. Không biết có phải Nguyên ít cười mà tôi thấy nụ cười Nguyên đẹp không nữa. Chắc không phải. Tôi chưa nói với Nguyên điều đó nhưng tôi biết Nguyên hiểu những suy nghĩ trong tôi. Hiểu cả những bất ổn trong ánh mắt và cả sự chênh vênh trong tôi. Chỉ mình Nguyên hiểu. Nguyên chăn một đàn vịt mấy trăm con. Nguyên hay cho vịt ra đồng và tôi mỗi lần muốn gặp Nguyên chỉ cần chạy vụt ra cánh đồng cả vào những ngày nắng hay mưa. Dáng Nguyên gầy hanh hao trong nắng, sâu hun hút trên cánh đồng rộng thênh thênh bốn mùa thông thốc gió…
*
Mày ăn trộm tiền của dì phải không Lam?
- Không. Con không lấy tiền của dì.
- Thế thì tiền ở đâu ra?
- Tiền… ngoại….
Tôi nghẹn ứ. Ba lấy roi nổ dang quất vào chân tôi lằn vết. Tôi bặm môi không khóc. Dì nhìn xéo:
- Cho chừa cái tính gian. Rồi sau này lớn lên lại bỏ nhà theo giai.
- Dì im đi! Tôi thét lên và lao đi nhanh như một cơn gió trước khi cha tôi quất thêm những nhát roi nổ dang vào bắp chân tôi và những câu nói sắc như dao của dì.
Từ ấy mỗi lần sang với ngoại tôi không bao giờ cầm tiền của ngoại. Nhưng ngoại vẫn để dành tiền cho tôi trong túi áo treo trong buồng. Ngoại bảo để dành cho tôi sau này vào Đại học. Tôi ở lại với ngoại trong căn nhà sực nức mùi cây cỏ. Đêm đêm ngoại ôm tôi, ngoại lần bắp chân bầm tím của tôi lấy cao xoa xoa nóng sực. Đôi bàn tay ngoại ram ráp.
- Mẹ con ở đâu hả ngoại? Tôi hỏi ngoại trong cơn mơ chập chờn đang đến cứ như người mộng du. Câu hỏi đã bao lần tôi muốn hỏi.
- Mẹ con cũng khổ lắm. Rồi ngoại khóc. Tôi nghe tiếng ngoại khóc trong cả giấc mơ.
Mãi sau này ngoại mới kể sau khi bỏ nhà đi, mẹ tôi lên thành phố làm người ở cho một ông quan chức về hưu góa vợ rồi sau làm vợ ông ta. Được 2 năm ông ta ốm chết. Con cái ông ta đuổi mẹ đi. Mẹ lang thang đi làm đủ nghề để kiếm sống. Không biết bây giờ mẹ đang ở đâu. Nghe ngoại kể tôi ứa nước mắt. Đời mẹ như cánh hoa trôi giữa dòng. Mẹ không dám về quê vì sợ người làng dè bỉu. Tôi hứa với ngoại khi nào đỗ Đại học lên thành phố tôi sẽ đi tìm mẹ. Tìm mẹ về cho ngoại, cho tôi. Ngoại ôm tôi nước mắt chỉ còn ướt ướt mấy cọng lông mi. Sáng sớm tôi theo ngoại ra đồng. Mấy luống hoa cúc của ngoại nở vàng một khoảng đồng mênh mang nỗi buồn trôi. Tôi yêu những mùa vàng hoa cúc dại của ngoại. Loài hoa không cần chăm sóc nâng niu mà vẫn rạng rỡ, xua đi màu u ám buồn tẻ của mùa đông sót lại. Tôi ngắt đầy một nắm hoa cúc dại mang về bỏ vào vỏ chai nhựa để trên cửa sổ. Tôi hẹn Nguyên sang để đưa Nguyên đi ngắm mùa hoa vàng của ngoại. Cũng như tôi, Nguyên ngắt đầy một nắm hoa cúc dại mang về.
Tôi ở với ngoại trong gian nhà sực nức mùi cây cỏ ấy được một tuần thì ba sang tìm và lôi tôi về. Tôi bám vào áo ngoại. Ngoại rấn nước mắt giằng tay tôi khỏi vạt áo:
- Ngoại già rồi không nuôi nổi con. Về đi!
Tôi biết đêm ấy thể nào ngoại cũng lại không ngủ được vì thương đứa cháu gái tâm hồn mỏng manh, hay buồn hay nhớ. Cha lôi tôi ngồi lên xe. Tôi ngoái đầu nhìn về phía những luống hoa vàng rực rỡ của ngoại. Hình như có một bông hoa còn ướt đọng sương đêm…
Dì sinh em Bi. Tôi gọi em là cu Bi vì nó có đôi mắt tròn xoe giống tôi. Và có nụ cười hao hao giống… mẹ tôi. Cha vui hơn khi có cu Bi. Cha cai thuốc lá và uống ít rượu hơn. Từ ngày dì sinh em, mọi việc lớn nhỏ trong nhà tôi làm hết. Sáng sớm dậy nhóm củi nấu cháo cho dì và cha ăn đi làm. Đi học về tôi nhờ Nguyên cầm cặp sách về để ra chợ mua cái ăn. Tiền ăn mỗi ngày dì đưa tôi mấy chục nghìn dặn mua từng thứ, xong về phải bảo với dì hết bao nhiêu. Dì không tin tôi từ cái lần thấy tiền trong túi quần của tôi hôm từ nhà ngoại về. Trưa về nấu cơm, cám, cho lợn ăn và giặt quần áo, tã lót. Tôi vui vì có em để chơi đùa nhưng cũng chẳng mấy khi dì cho tôi lại gần em. Cha thì cứ đi làm về là ẵm em nên tôi dật dờ với những nỗi lo, nỗi vui buồn một mình.
*
Thời gian như sợi dây vô hình nối dài tháng năm, xâu vào đó biết bao niềm vui, nỗi buồn tôi không thể nhớ. Tôi đỗ Đại học. Tôi cầm giấy báo nhập học chạy như bay ra cánh đồng tìm Nguyên. Nguyên cầm tờ giấy báo nhập học của tôi trong tay rất lâu:
- Vậy là Lam lên thành phố rồi.
- Nhưng Lam sẽ về với Nguyên lúc nghỉ hè.
- Lam lên đó, công việc học hành bận rộn, biết còn nhớ Nguyên không? Nguyên hướng ánh mắt xa xăm nhìn tôi mà như không nhìn.
- Làm sao Lam quên đồng cỏ này và Nguyên được. Không bao giờ Nguyên ạ
- Thật không?
- Thật.
Nguyên khẽ nắm lấy tay tôi. Bàn tay Nguyên to bao trọn lấy bàn tay nhỏ bé và gầy gò của tôi. Nóng ấm. Giờ tôi mới thấy cảm giác khi có ai đó nắm lấy tay mình. Cảm giác được yêu thương và bao bọc. Tôi biết mình cần bàn tay ấy suốt quãng đường rộng dài phía trước. Nguyên sẽ không bao giờ buông tay tôi ra?!
Tin tôi đỗ Đại học khiến ba vui ra mặt. Lần đầu tiên tôi thấy ba cười với tôi. Dì chẳng tỏ ra vui cũng chẳng buồn:
- Con gái học lắm chỉ tốn công.
Tôi đạp xe dọc trên con đường ngoằn nghoèo giữa cánh đồng thông thốc gió. Hai bên là những luống rau xanh thẳng tắp. Xa xa có những đám hoa vàng rực rỡ. Tôi hét to:
- Con đỗ đại học rồi ngoại ơi!
Ngoại đang lom khom giữa lùm cây dại nhao nhác ngước lên nhìn tôi, ánh nhìn rạng rỡ.
- Ngoại có vui không?
- Mừng chứ. Mừ… ng.
Tôi chạy đến ôm ngoại. Mùi cỏ cây thơm thơm lạ. Thứ mùi mà mãi đến cả bây giờ tôi còn khao khát.
Tôi lên thành phố. Con đường nào cũng rộng dài, tập nập người xe đua nhau lao vun vút. Tôi gửi thư về kể cho Nguyên nghe mấy lần tôi đi xe buýt bị lạc. Nguyên gửi cho tôi những dòng chữ biểu thị nụ cười làm tôi thèm nhìn thấy nụ cười Nguyên biết bao. Tôi ra bưu điện gọi điện về cho ngoại.
- Học khó không con?
- Dễ ợt ngoại à. Tiếng ngoại cười yếu ớt qua ống nghe.
Tôi mang theo tấm ảnh mới của mẹ gửi về cho ngoại trong ngày mẹ đi lấy chồng lang thang trên các ngả đường nơi tôi biết để mong tìm mẹ. Tôi vẫn hình dung ra cái dáng gầy hanh hao và đôi vai mỏng gầy của mẹ. Nghe các bạn nói những người từ quê lên thành phố hay đi bán hàng rong. Vậy nên tôi luôn ghé tới mấy cô, bác bán hàng rong để lân la hỏi thăm về mẹ. Nhưng những tin tức về mẹ cứ như ở một nơi nào xa lắm. Không có trong thành phố này. Tôi tưởng như sẽ chẳng bao giờ tìm lại mẹ được. Mẹ ở đâu trong thành phố triệu con người này? Mẹ lạc vào giữa dòng người giàu sang kia hay giữa những người lao động nhếch nhác. Chỉ cần mẹ hiện hữu trước mặt tôi là được. Cho tôi được thấy mẹ. Khi những tin tức về mẹ cứ mãi như còn ở nơi nào xa lắm làm tôi bắt đầu thất vọng. Biết đâu mẹ đã đi về một tỉnh lẻ nào đó hay một vùng nông thôn sống an nhàn thanh thản. Tôi không còn lang thang trên khắp các ngả đường chỉ để đi tìm mẹ nữa.
Buổi tối khi đã thu dọn xong cốc chén ở quán cà phê tôi đạp xe về. Đèn đường hắt một màu xanh lét. Thành phố về đêm rực rỡ nhưng tôi luôn thấy ẩn lấp những nỗi buồn và sự sợ hãi. Tôi nhớ Nguyên. Giá bây giờ Nguyên nắm tay tôi… Bên đường những cô gái dạt từ ngóc ngách nào trong thành phố này chia ra ngồi, đứng bên vỉa hè, gốc cây cười ưỡn ẹo. Mùi son phấn oai oải, sực nức. Những chiếc xe tàng tàng, bóng loáng ghé sát ỡm ờ vài câu rồi cô gái lên xe. Họ lao vào ngõ tối sâu hun hút.
- Con ranh láo toét, dám dụ dỗ chồng bà. Loại mèo mả gà đồng. Bà cho mày chết!
Tiếng người đánh, tiếng chửi bới và tiếng khóc náo loạn một góc tối. Một toán người đang quây tròn quanh một người đàn bà. Vừa giựt tóc, vừa tát, vừa đá. Trong ánh điện hắt ra và ánh đèn xe của những người dừng lại bên đường tôi nhận ra cái dáng gầy hanh hao và đôi vai mỏng gầy. Là mẹ? Tôi đau đớn:
- Mẹ! Đừng đánh mẹ tôi. Tôi lao vào giữa đám đông. Tôi vừa khóc vừa van xin. Những người qua đường chen vào. Lũ người kia bỏ đi bỏ lại mẹ với những vết bầm trên gương mặt dày phấn son. Mẹ nhìn tôi. Mẹ nhận ra tôi ngay khi ngước mắt lên. Có lẽ vì tôi vẫn gầy còm như cái ngày mẹ ra đi. Mẹ úp mặt khóc. Tôi không đủ bao dung và nhân từ để ôm vai mẹ mà an ủi. Tôi thẫn thờ lê bước. Tôi muốn chạy trốn khỏi thực tại để hình ảnh mẹ vẹn nguyên trong tim tôi.
Mẹ níu tay tôi:
- Mẹ xin lỗi.
- Mẹ về quê đi. Ngoại cần mẹ. Ngoại vẫn mong mẹ từng ngày.
Tôi bỏ chạy trong đêm nhấp nhoáng ánh đèn, điện. Không biết mẹ có gọi tên tôi không nhưng tôi chỉ còn nghe tiếng khe khẽ của một người đàn ông dắt mẹ lên xe lao về những ngả đường đen và sâu hun hút. Những tháng ngày sau đó tôi rơi vào chênh vênh thực sự. Tôi không hiểu mình đang nói và làm gì. Cuộc sống diễn ra như một vở kịch mà người đạo diễn là số phận cho tôi làm vai chính. Giá mà tôi đang sống trong mơ. Giá mà những ký ức đắng đót về mẹ, về tuổi thơ cứ theo tôi thì tôi cũng không phải thế này. Mẹ như cánh hoa trôi giữa dòng… không còn là mẹ của tôi ngày xưa nữa. Tôi chỉ còn có ngoại. Một bà già lận đận với những mùa hoa thương tôi xót ruột. Tôi về với ngoại, về với Nguyên cho bớt chênh vênh. Lối nhỏ dẫn vào nhà ngoại nhao nhác cỏ dại mọc hoang. Rêu chen cả vào bậc cửa. Ngoài vườn những bông cúc vàng nở rộ. Dáng ngoại gầy lom khom. Ngoại nheo mắt nhìn tôi cười. Đêm hôm ấy tôi ngủ trong lòng ngoại với mùi thơm cây cỏ. Tôi không kể với ngoại về mẹ, về cái đêm tôi gặp mẹ sau bao tháng năm mong mỏi. Ngoại ủ tôi ngủ say trong mùi nồng nàn cỏ cây. Trong mơ tôi thấy dáng mẹ gầy hanh hao trên cánh đồng quê rộng dài thông thốc gió vành nón nghiêng nghiêng…
Tôi gặp lại Nguyên trên mỏm đất bên những ngôi mộ bỏ hoang. Nguyên vẫn dành cho tôi chỗ ngồi có thể nhìn sang bên kia sông nhưng không còn những bông hoa và cỏ dại nữa. Người ta đã đào lấp và xới tung mọi thứ cho một dự án. Hoa và cỏ dại của tôi nằm sâu trong những tấm bê tông hay dưới lớp đất đá kia mất rồi. Gió vẫn thổi dọc cánh đồng. Dáng ai gầy hanh hao trong nắng chiều, đôi vai gầy mỏng mảnh thất thểu quay về… Có khi nào là mẹ tôi?… Gió vẫn còn thổi dọc cánh đồng hoang hoải trong tôi.
Thu Hằng (vannghechunhat)


   

EM – GIỌT NƯỚC

1. Từng giọt, từng giọt từ trong chiếc phin rơi xuống chiếc cốc thủy tinh trong vắt. Ngoài trời phố đã lên đèn, cảnh vật cao nguyên như ẩn hiện chuyển mình trong đêm mưa lạnh. Những ô cửa lên đèn từ mấy vùng thấp quanh quanh như cảnh bến thuyền trên giòng sông đêm.
…..
- Anh biết giọt nước nào đầu tiên rơi xuống cuộc tình đôi ta?
- Anh không thể trả lời được. Em cười lặng lẽ hỏi tiếp:
- Có phải cỏ đá sinh anh ra không?
- Thế thì em hay anh là giọt nước đầu tiên nhân duyên của tình yêu?
- Anh trả lời đi, giọt nước đầu tiên nào rơi xuống chiếc cốc cà phê sẽ là câu trả lời.
- Anh sẽ ngược trình tự việc giọt nước trước sau, sau trước, để tiến hành pha một cốc cà phê mà trả lời em. Có phải em muốn mở cánh cửa của vũ trụ không?
Nước sôi từ chiếc bình thủy; nước sạch từ chiếc ấm nấu nước; nước sạch từ nhà máy cung cấp nước; nước từ hồ chứa của nhà máy; nước trong thiên nhiên….,
- Ồ! Giọt nước tùy duyên, làm sao ta có thể truy nguyên ra giọt nước đầu tiên!? Vì em và anh…
- Cùng một thể sống có và không. Em nối lời ngập ngừng của tôi rồi hỏi tiếp :
- Em có phải là giọt cà phê của anh không?
- Chúng ta, thể sống có không! Hiện sống không có!…
- Anh không được phép chối bỏ sự sinh của muôn nỗi đau khổ của cõi đời đâu!
- Em lại mở cửa hộ anh rồi giọt cà phê của anh!
- Như là giọt cà phê được anh yêu quý. Thế thì giọt cà phê em có vị thế nào?
- Anh biết hôm nay mình bị truy thế này thì chẳng mời em đi uống cà phê đâu!
Em dịu dàng nhấc chiếc phin, dỡ nắp để trên bàn rồi đặt phin lên. Em chỉ cho hai muỗng đường bé, khuấy đều và nói: “Em cũng là hai muỗng đường nữa, anh đừng có quên! Em mời anh thưởng thức!”
- Anh đừng để những hình thức huyển hóa mê hoặc che lấp!
- Tôi hỏi ngắt lời nàng. Làm sao ta có thể bắt cuộc đời hiển lộ rõ cái có không trong nỗi đau tình người?!
- Em không còn tin, không còn muốn nghe lời đường mật dối trá của ngu si. Si thành cố chấp; ngu thành tham bạo độc tài; ngu si thành tham nhũng, ác tâm; si bất cứ một điều gì cũng đồng với khổ!
Em thương yêu! Anh biết em từ muôn hình đau của cõi đời mà em, anh, hay bất cứ ai, hay bất cứ muôn loài hữu tình, vô tình đồng có mặt trong giòng sống đang gánh khổ nghiệp, đang chịu những thương tổn của chính mình qua mỗi hành vi ác tâm có tình ý hay vô tình.
– Anh yêu em vì muốn được chia sẽ cùng em tất cả những hương vị sắc màu của cuộc đời dẫu đó là hạnh phúc hay khổ đau trên bước đường nhận diện ra anh và em! Anh yêu Em, vì Em cũng là Anh, chúng ta đồng phận là giọt nước trong trắng khiết trinh. Giọt nước trong trắng thì luôn trắng trong dù ở bất kỳ hình thể, tướng sắc, mật hương… đang dự phần sinh diệt trên cõi đời.
2. Tâm hồn Người tỏa diệu ánh sáng khi cánh cửa cung trời yêu thương mở ra. Người cùng người và muôn loài sống thân thiện bên nhau, lắng gạn muôn nỗi vui buồn, chia gánh trắc trở gian nan. Được thấy, được nghe, cảm thông đau xót vì nhau trong nghĩa đời đồng phận; ân cần chuyển hóa độ nhau bằng tấm chân tình bình đẳng… Từ chốn bùn tanh hôi của định kiến, của tham bạo, chấp trước, uế trược… Em thoát sinh từ trái tim yêu thương trong biển khổ, giọt nước trong trắng khiết trinh ngọc lệ gộị rửa muôn ác nghiệp, hiển lộ tánh chân thật của đời ta.
Muôn tình muôn vật đều có Em trong cõi đời. Anh và Em cùng có nhau trong thân xác và cả tâm hồn
Bước chân trên đường về em thầm lặng bên anh. Là mưa rơi, em mát lạnh trên mặt anh và em buốt giá trinh khiết tấm lòng anh. Ánh đèn trên giòng sông đêm dần tắt. Hạnh phúc đang có mặt sau những ô cửa, dẫu là bé nhỏ, nó luôn có sự đồng cảm. Có ai không mong muốn mình và những người mình yêu thương đồng được hưởng hạnh phúc bình dị từ cuộc sống đâu.
Những bé thơ ơi hãy ngủ ngoan ! 
NK





Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

NTV 16 - Xóm quýt quê xa-Quýt hồng....


Mảnh tình quê....
Một mảnh đời tôi - Nửa mảnh quê,
Ra đi không hẹn có ngày về....
Vẫn mơ trở lại dòng sông cũ,
Dù môt ngày thôi, rất chân quê....

Ngồi bên bếp lửa, gian nhà nhỏ,
Ngắm khói lam chiều quyện xa bay....
Cánh diều phất phới căng trong gió,
Mục đồng thổi sáo mãi mê say !!!

Giọt nắng còn vương trên ngọn tre,
Gió làm dịu mát buổi chiều hè
Đâu đây có tiếng đàn em nhỏ,
Đuổi bắt , đùa vui sau luỹ tre....

Đầm ấm chiều quê bữa cơm rau,
Dịu dàng thơm ngát mùi hương cau....
Quyện vào hương lúa mùa thu mới ,
Ôi tấm tình quê quá ngọt ngào.....
NM 

     Xóm Quýt , Quê xa…



“Tháng chạp ,quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu , trời ửng hồng sáng trong , nắng mới cũng vừa soi ấm vô vàn chùm quýt loà xòa , đung đưa…Đến giữa tháng , quýt chín đỏ vườn …”
    Đoạn văn trên tôi tả cảnh quê mình khi còn ngồi học lớp 5, mãi đến hôm nay vẫn còn in trong trí…
 




Quê nội , nơi chôn nhau cắt rốn của tôi , vỏn vẹn hơn 20 hộ , nằm rải rác hai bên bờ một nhánh sông nhỏ thuộc dòng nước Hậu giang hiền hoà. Chốn ấy từ bao đời có tiếng vì giống quýt hồng thơm ngọt. Nhờ lẽ đó miền đất được người dân quen gọi bằng cái tên mộc mạc:xóm Quýt , dù đất đã có một tên khác khá thơ mộng: Yên Hạ.     Năm ấy cha tôi làm ăn thua lỗ, cha như người dại ; còn mẹ tôi ngồi đâu dáng cũng thẫn thờ. Cuối mùa nước nổi cha phải bán nhà để trả nợ. Ông nội lụm cụm theo chú Tám từ dưới Cần thơ lên bàn bạc , dẫn dắt gia đình tôi về lại quê hương. Với số tiền ít ỏi còn lại , cha chỉ đủ mua hơn 2 công vườn quýt , cả nhà tôi đành ở tạm trong kho chứa củi của ông.
    Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm đó. Trời vừa bửng mắt , chú Tư đầu xóm cùng đứa cháu hè hụi vác đến mấy cây tre to , dài sọc. Chưa kịp lau mồ hôi , chú gọi vọng: “Sáu ơi, tao đem cho mấy cây tre đây …”. Cảm động xiết bao khi thím Bảy ở tận Bà Vèn cũng bơi xuồng đem lại hơn 200 lá chằm. Còn chị Phương qua làm quen tôi bằng mấy bó lạt vừng … Vậy đó, người góp công , người giúp của. Và ngày cha mẹ tôi dựng nhà , chòm xóm thân sơ đến dùm giúpp thật đông. Không chỉ có vậy , nghe theo lời chú út Võ Tòng: “ Làm nghĩa phải cho trót… ’’, liên tiếp nhiều ngày sau , bà con tạm gác việc nhà đến làm cỏ, be bờ ; tận tình chỉ vẽ cách bón phân , chiết nhánh … Sau này , gia đình tôi còn chịu ơn nhiều tấm lòng đáng qúi khác , như thím Tư chia sẻ cặp heo giống , chị hai Liên dạy cho chị tôi nghề dệt chiếu bông …

    Tôi cũng không quên được đêm giao thừa năm ấy. Tiết trời lành lạnh , nhà nhà đỏ lửa , mùi bánh tét , bánh phồng tỏa ngát xóm thôn. Nhờ tiền bán Quýt , sau khi trang trải một phần nợ , mẹ tằn tiện lo được nồi thịt kho rệu , sắm cho chị em tôi mỗi người một bộ áo quần. Chú Chín , bạn thân thiết của cha , sai con mang đến biếu một rổ bánh ít còn bốc khói. Bác Giáo cũng đem qua chè xôi , hai lít rượu nếp cẩm thơm để cúng ông bà. Còn đám trẻ mặt mày ai nấy đều hớn hở, xênh xang với áo màu , dép mới rủ tôi lên đình xem hội… Đã lâu , tôi vẫn như còn thấy sắc mai vàng , quýt đỏ khoe tươi ; đôi má chị ửng hồng , mắt cha mẹ ánh trong và dòng sông nhỏ chảy thầm thì kia cũng ấm…     Lại có những đêm sân nhà ngập ánh trăng , hương hoa quýt thơm lừng. Các người thân hiểu gia đình tôi vừa gặp chuyện không may , nên thường kéo nhau đến ngồi trước sân , đàn ca rôm rả. Già trẻ , gái trai trong xóm cũng xúm xít góp vui. Lẫn tiếng đàn cò, kìm , sáo , nhị là giọng ca mộc mạc , vụng về …vậy mà vẫn có sức quyến rũ lạ …
    Và cũng thật xốn xang , khác với bạn bè trên phố phường , các bạn nơi xóm Quýt như Tí Cộc , 14 tuổi , chưa học xong lớp 4; Nghĩa Đen còn ễnh bụng tuyên bố: “ Làm cỏ mướn có tiền , đi học chẳng có xu nào! ’’. Đổi lại , các bạn ấy nói vanh vách từng loại chim: thằng chài, chích choè, thầy bói…; tháng nào mù u trổ bông , cá lên đồng , xiết nước lúc nào cho quýt chín kịp tết. Ngày trước làm văn , tôi hay ca ngợi thú vui nơi thôn dã , như trẻ thơ được mặc sức đùa giỡn , lặn hụp trên sông ; được thi nhau vớt trái mù u để lấy dầu thắp sáng hoặc nhồi đất sét nặn voi, nắn ngựa…Sống lâu miệt đồng , tôi mới hiểu mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Sau giờ học các bạn ấy còn phải đi giăng câu , vớt bèo nuôi vịt hoặc làm cỏ , tưới cây …nghĩa là phải lem lấm , phải đổ mồ hôi để có thêm cái ăn, cái mặc , gánh vác tiếp mẹ cha mà phần lớn đều đông con, nghèo và ít hiểu biết …
    …Sống nơi quê nội vui buồn như thế mấy năm , cậu Tám sắm được xe , mời cha tôi lên phụ giúp. Gia đình lại dắt díu nhau đi.Đêm trước khi xa quê, tôi lặng lẽ khóc , tuy lòng hé vui vì biết mẹ cha và chị sẽ vơi bớt nỗi nhọc nhằn. Nhưng không bùi ngùi sao được khi tôi phải xa ông bà nội , mặc dù tuổi cao vẫn hết lòng lo lắng , yêu thương con cháu ; xa bà con xóm Quýt nhèo tiền nhưng giàu chữ nghĩa nhơn. Nhất là phải xa đám bạn bè hôi như cú mà thật thà như đất , xa vuông vườn tuổi thơ bé nhỏ đã cho gia đình tôi không biết bao nhiêu là hoa trái ngọt lành …

- o O o -     Tết này tôi có về xóm Quýt , quê xa. Thăm lại ông bà cùng bao người ơn đã giang tay đùm bọc gia đình tôi suốt một thời khốn khó. Tuy trên gương mặt , nếp nhăn có nhiều theo năm tháng ; nhưng qua ánh mắt tôi hiểu tấm lòng bà con vẫn đôn hậu như xưa. Tôi chỉ buồn , khi nhịp sống nơi thành thị ngày một sôi nổi, đi lên ; những cảnh đời chốn vùng sâu chưa đổi thay mấy. Vẫn nhiều những tol, lá … nóng bức , ẩm thấp với mớ đồ đạc cũ kỹ. Vẫn là thứ ánh sáng qua nhiều trung gian , le lói buồn thiu… Tôi nghe đâu mấy năm trước quýt được mùa, được giá ; nhiều hộ đã sắm được xe gắn máy , tivi…Mấy năm gần đây chén cơm của họ khá bấp bênh , do nguồn nước tưới bị ô nhiễm ; giá thuốc sâu, phân bón vùn vụt tăng cao và sâu “vẽ bùa” kháng thuốc nên chồi lá cứ vàng úa , quăn queo, hoa trổ rồi lại rụng , lũ kiến vàng lũ lượt bỏ đi. Đến khi vào mùa vụ thì quýt hồng không sao cạnh tranh nổi với lê , táo nhập nên giá rẻ như bèo , như cho…
    Tôi cũng dành nhiều thì giờ đi thăm hỏi bạn bè. Gặp lại nhau, ai nấy đều nửa mừng , nửa tủi. Sáu Đèo , Khách , Bích ; con nhà kha khá còn được học. Số đông bạn đành chịu dở dang về lam lũ với ruộng vườn. Thương Tí Cộc , Tâm Hô theo cha chú làm phụ hồ tận Sông Bé , ngày tết vẫn không về được.
    Đêm đó , tôi ngồi bên nội cùng canh lửa cho nồi bánh nếp lá dừa , nghe bà kể chuyện người , chuyện đất … Về giống quýt hồng nhờ ai mà có , về bao nổi gian lao của cha ông thuở mở đất , khai nguồn. Bà cũng phiền trách mấy đứa con của thím Sáu không chịu làm gì , chỉ ham mê rượu chè , đàn đúm , ngày đêm cứ tơ tưởng số tiền đất sẽ được bồi hoàn. Tôi nghe mà lòng chạnh xót xa. Chợt nhớ lại ánh trăng đêm nào cùng lời ca cũ: “ Đất như người mẹ hiền tần tảo , vắt kiệt sức mình nuôi lớn các con …” Và cũng đêm đó tôi mơ thấy những đoàn tàu chở đầy quýt đỏ , những áo màu dự lễ hội kỳ yên , nghe lại giọng hát hò trên cánh đồng lúa mới và tiếng chị tôi reo vui khi đàn kiến trở về ….
    Lẽ ra , tôi không nên viết thêm những câu buồn bã vào cuối mẩu chuyện này. Không hiểu sao có những chiều như hôm nay , lẫn trong những kỉ niệm êm đềm nơi xóm Quýt xưa kia , hình bóng chị Phương thân thiết lại cứ hiện về. Nhớ mà đau , cha chị mất sớm ; rồi vì mẹ vì em , chị bằng lòng lấy chồng người Đài loan cao tuổi và nghe đâu phải lâm cảnh đắng cay, mặn nhạt ở xứ người… Những ngày nơi xóm Quýt , chiều nào chị cũng sang nhà rủ tôi đi quét lá quýt khô để dành nhóm bếp. Có lẽ chiều nay chị âm thầm ngồi đâu đó một mình , nhớ mẹ nhớ quê , nhớ cả khói lên trời …

Bùi Thụy Đào Nguyên  



Vườn quýt hồng trên núi Cấm 

Lên núi Cấm vãng cảnh hầu như người nào cũng ghé ngang nhà ông Nguyễn Văn Tùng (Ba Tùng) ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang), thưởng thức hương vị ngọt ngào của quả quýt hồng nổi tiếng.
Đến đây, ngắm hàng trăm cây quýt ra trái oằn sai, làm cho du khách mê đắm vào không gian tươi mát của núi rừng. Khách còn được tự tay hái những quả chín để thưởng thức tại vườn. Quả là một thú du sơn trong dịp xuân về đầy hấp dẫn.
Vượt lên sỏi đá !
Theo lời ông Tùng (chủ vườn quýt), những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, nhà ông nằm dưới chân núi Cấm lánh nạn. Sang năm 1979, khi cuộc chiến vừa ngơi tiếng súng ông đã cùng vợ con lên đỉnh núi ở để giữ đất ông bà để lại. Hàng ngày ông tự cõng cây, cõng gạo lên đây tạo lập cơ nghiệp.
Thoạt đầu, cả mấy ha đất ông chỉ trồng được một vài loại cây tạp nhạp giá trị kinh tế thấp nhưng chịu được hạn của vùng núi sỏi như xoài, mít, chuối. Những năm ấy, 6 tháng mùa nắng vấn nạn thiếu nước sinh hoạt cho sơn dân vùng núi Cấm trở nên cấp bách, gay go; nước tưới tiêu lại càng khan hiếm nên các loại cây trồng đều cho năng suất thấp.
Vài năm sau khi cây su hào thích nghi được với đất núi thì phong trào trồng su nở rộ. Lúc đó ông cũng tham gia trồng và kiếm được kha khá đồng lời nuôi cả nhà. Ít năm sau do có quá nhiều người trồng được nên su hào rớt giá thê thảm và nó đã không còn là cây trồng chủ lực trên ngọn núi này. Nhu cầu chuyển dịch cây trồng đáp ứng yêu cầu “ba trong một” - vừa sống được trên đất sỏi, đạt năng suất và có giá trị kinh tế cao lại đặt ra gay gắt.
Trước thách thức của thực tiễn cuộc sống khiến ông Ba Tùng phải nhiều đêm thức trắng, suy tư. Rồi một dịp tình cờ đã giúp ông đổi đời. Trong lúc ông Tùng đang lo lắng về tương lai gia đình và khi ông đi thơ thẩn bên vách đá chợt thấy 5 cây quýt tự mọc sau hè nhà nơi mà vợ ông rải hạt quýt đã ăn. Nhìn thấy trái quýt đầu mùa, ông bóc ăn thử thấy ngọt không kém quýt hồng Lai Vung. Mừng quá, từ đó ông quyết định phải nhân giống loại cây này để “cứu” kinh tế gia đình đang đi xuống.
Để thực hiện quyết tâm làm giàu từ cây quýt, gia đình ông Tùng với 7 nhân khẩu đã bỏ gần chục năm dài cải tạo đất và làm thủy lợi vùng cao. Nhớ lại hành trình chinh phục sỏi đá tìm nguồn nước cho nửa năm mùa nắng. Sống trong cái khó buộc phải ló cái khôn, sơn dân vùng núi Cấm ngày đó miệt mài tìm cách khai thác những khe suối để có nước sinh hoạt. Nhiều người bắt đầu nghĩ đến chuyện khoan giếng để trữ nước tưới tiêu. Song, do đặc thù vùng núi nên nước ngầm nơi có, nơi không.
Những con suối, con lạch chỉ đáp ứng được nước cho những hộ có nhà nằm thấp hơn nó. Còn những căn nhà nằm cao ngất trời trên đỉnh núi nhà ông thì gần như… bó gối. Tuy nhiên, với ý chí bền gan vượt khó ông Tùng chẳng chịu đầu thua.
Cha con ông Tùng bắt tay vào việc đào giếng trữ nước. Để hiện thực hóa mô hình trồng quýt hồng trên núi đá, hai người con trai lực lưỡng cùng ông Tùng lao vào làm việc cật lực. Công trình đào giếng trữ nước mất hàng năm dài, khó khăn đến nỗi nhiều lần các con ông sắp bỏ cuộc, ông lại động viên các con cố gắng vượt qua. Thế rồi, sau bao năm dài đào núi, phá đá xây hồ, những bàn tay lao động cần mẫn của cha con ông Tùng cũng trở nên chai sạm. Đổi lại, công trình hồ treo chứa hàng chục mét khối nước nằm cao hơn 700m so mực nước biển của gia đình ông đã hoàn thành.
Vườn quýt hồng độc đáo nhất miền Tây
Ban đầu, ngoài việc chiết cành nhân giống từ 5 cây quýt sẵn có bên hông nhà, ông Tùng còn lặn lội xuống tận Vĩnh Long, Lai vung (Đồng Tháp) tìm mua quýt tiều (hay còn gọi là quýt hồng Lai Vung) về trồng thử.
Do chưa biết rõ về giống cây nào nên ông chỉ dám mua 10 gốc giống loại chiết nhánh. Trồng được vài năm thì quýt cho trái đầu mùa. Vài mùa sau, cả quýt ươm hạt và chiết cành bắt đầu cho trái oằn sai. Nhìn vườn quýt trải rộng một màu vàng, ông Tùng mừng như… bắt được vàng. Chỉ 150 gốc quýt thu hoạch vụ đầu ông Tùng đã “ẵm” trên 60 triệu đồng tiền lời.
Kết quả bước đầu như tiếp thêm sức lực, ông vận động cả gia đình ra sức bó cành nhân giống và đến nay ông đã sở hữu trên 1.500 gốc quýt hồng vị ngọt lịm không thua gì loại quýt trồng ở Lai Vung. Ngoài việc bán quýt trái, giờ đây ông Tùng còn nhân giống loại cây này để bán cho hàng trăm nông dân ở vùng Thất Sơn đến mua.
Chỉ tính riêng việc bán cây giống ông đã thu về vài chục triệu đồng mỗi năm. Lợi nhuận từ 500 gốc quýt cho trái cũng đã cho ông trăm triệu đồng mỗi năm. Tới đây, khi cả ngàn gốc quýt trong vườn ông đều được thu hoạch là ông Tùng có thể trở thành “tỷ phú nhà vườn”. Ông Tùng tâm sự: “Tôi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cho bà con trồng, nhưng thú thật là trồng quýt trên đất núi không đơn giản chút nào. Dày công lắm mới có thể có kết quả tốt, còn lơ tơ mơ thì… thua”. Trên núi Cấm hiện cũng có vài hộ tham gia trồng quýt hồng nhưng chưa có ai trồng quýt cho năng suất cao, ngọt như ông Ba Tùng.
Nhắc đến vườn quýt độc đáo của ông, anh Chau Kanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo - khoe: "Đó là vườn quýt tuyệt chiêu, chưa ai có thể sánh bằng. Chúng tôi đang nghiên cứu để nhờ ông Ba hợp tác chuyển giao kỹ thuật trồng cho nhiều nông dân. Xã sẽ lên đề án phát triển kinh tế vùng Thất Sơn từ cây quýt. Chúng tôi còn tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho trái quýt hồng núi Cấm".
Nếu nhân rộng được mô hình này, tương lai không xa người dân Bảy Núi sẽ đổi đời. Khi đó, khách phương xa không chỉ biết đến núi Cấm là ngọn núi cao nhất miền Tây, mà ở đó còn có những vườn quýt trĩu cành nổi tiếng thơm ngon và xuất khẩu ra nước ngoài.
Từ một nông dân với hai bàn tay trắng, với quyết tâm đổi đời, ông Tùng đang trở thành tỷ phú vùng cao nhờ “chung thủy” với cây quýt hồng nổi tiếng nhiều thập niên qua. Với ý chí bền gan cùng sỏi đá, chắc chắn cha con ông Ba Tùng sẽ làm nên điều kỳ diệu trên đỉnh Cấm Sơn này.
Sưu tầm  
 

Nem Lai Vung - Quýt Hồng  

Quýt hồng Lai Vung

          
            Lai Vung ơi, một lần về để nhớ!
           Hương phù sa châu thổ quê mình
Mùa nước bạc hạt phù sa đọng lại
      Cho quýt hồng giữ mãi hương thơm… 
   
Không biết tự bao giờ cây quýt hồng đã bám rễ ăn sâu vào lòng đất bên bờ con sông Hậu hiền hòa! Cũng không ai nhớ rõ người đầu tiên nhân giống cây quý cho vùng đất này! Chỉ biết, bao thế hệ con người nơi đây từ khi chào đời đã chạm mắt với màu vàng hực của mùa trái chín.
Ai đó có dịp về Lai Vung vào những ngày cuối xuân, đầu hạ sẽ bắt gặp một màu trắng và hương thơm ngào ngạt của mùa quýt trỗ hoa. Hàng triệu gốc quýt trên vuông đất hơn 1 ngàn ha chạy dọc bên bờ sông Hậu thuộc 3 xã: Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành đồng loạt đơm bông. Những chùm hoa lặng lẽ ấy được dưỡng nuôi bằng vị ngọt phù sa từ những ngày tháng ba, tháng tư để rồi 10 tháng sau đó cho những cành quýt đong đưa trĩu quả.  
Dường như ở miệt châu thổ này không có loài cây nào sai trái bằng quýt hồng. Cứ đến độ chớm đông là nhà vườn chuẩn bị những cây nạn để chõi cành. Những liếp vườn lúc này trông như những giàn giáo của một công trình xây dựng. Người xưa đã truyền lại kinh nghiệm trồng quýt hồng bằng mấy câu ca dao:
Quýt tơ để trái trên cành
Quýt già phải đở bằng nhành cây khô
Muốn cho tốt trái đấp mô
Vun gốc đất sét ruộng khô quê mình
 

Người làm vườn nơi đây ví cây quýt hồng như một cô gái đẹp và thích được cưng chìu. Lên liếp, lập vườn trồng quýt hồng tốn công sức, tiền của nhiều hơn trồng các loài cây khác. Đất bên trên của liếp vườn phải lấy từ lớp đất mặt trên ruộng ở chính vùng này thì mới trồng được. Mỗi năm phải vun gốc một lần cũng bằng loại đất ấy được phơi thật khô. Suốt quá trình dưỡng nuôi, chăm sóc từ lúc ra hoa, kết trái đến khi thu hoạch mất 10 tháng ròng. Nhà vườn đã đổ biết bao công sức và mồ hôi từ tưới nước, bón phân, làm cỏ, vun gốc… mới có được mùa vàng!   
Cuộc hành trình của cây quýt hồng ngót gần 100 năm đã trải qua nhiều thăng trầm, lắm lúc nhà vườn nơi đây tưởng chừng không giữ được loài cây quý này! Hồi trước, khi chưa có đường xá, đê bcũng khó có thể vượt qua khỏi cỗng làng! Những năm thời tiết, khí hậu thay đổi, mấy đợt dịch bệnh vàng lá trên cây có múi cũng làm cho vườn quýt hồng Lai Vung thêm mấy bận lao đao. Trải qua mấy cuộc bể bể dâu nhưng cây quýt hồng không phụ tình đất, tình người Lai Vung mà biết gượng dậy và luôn giữ được nét thanh xuân của mình.  ao thì mỗi mùa lũ lụt đi qua, nhất là những năm lũ lớn làng xóm, ruộng vườn chìm trong biển nước. Có một chặng dài bị ngăn sông, cấm chợ, nên trái quýt hồng dẫu có đẹp, có ngọt thơm nhưng
Trong ký ức của những nhà vườn trồng quýt hồng chắc không quên hình ảnh mỗi mùa quýt phải phun thuốc bảo vệ thực vật từ 20 đến 25 lần để không có sâu bệnh và cho trái sáng đẹp. Giờ đây, nhà vườn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật nên giảm được số lần phun thuốc vừa đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cho cả người tiêu dùng. Chứng tỏ sự thay đổi đáng kể trong cách thực hành sản xuất trái cây sạch, được người trồng quýt áp dụng triệt để. Đặc biệt ở Lai Vung, các nhà vườn còn liên kết với nhau trong qui trình sản xuất từ đầu đến cuối vụ. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho các nhà vườn trồng quýt ở Lai Vung.
Trái quýt hồng được củng cố vị thế, tiếng tăm vang xa hơn và đã từng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ Hội thi trái ngon trong khu vực. Không chỉ thế, vườn quýt hồng trĩu quả còn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ, nhà thơ… Mới biết, loài trái thơm thảo này đã đi vào lòng người một cách lặng lẽ trong cuộc hành trình đầy sóng gió của mình!   
Mỗi độ xuân về, quýt hồng trĩu quả, chín mọng, đất Lai Vung lại thêm phần nhộn nhịp khách phương xa muốn tìm được cảm giác thú vị đi trong vườn quýt hồng thơ mộng, nhìn trái vàng óng ả. Đến đây, khách tham quan vô cùng thích thú khi được tận tay bẻ những chùm trái sai oằn… Quýt hồng có vị ngọt thanh pha một chút vị chua dịu; đặc biệt là mùi thơm của vỏ quýt khó có thể lẫn với loại trái có múi khác. Và, biết đâu cây quýt hồng đã làm chứng nhân cho biết bao mối tình nên thơ của những mùa xuân đã đi qua trên đất này!                
Đã trở thành thông lệ, cứ đến thời điểm cận Tết là lúc bận rộn nhất của nhà vườn trong mùa thu hoạch chính vụ. Rằm tháng Chạp thì tuyển lựa quýt chín đầu mùa, đóng vào thùng để chuyển xuống tàu hoặc lên xe để đưa ra miền Trung, miền Bắc. Đến khoảng đưa Ông Táo về trời thì đến lúc thu hoạch đông ken để kịp bán cho các chợ trong vùng hoặc chuyển lên Sài Gòn hay đưa vào các siêu thị. Công việc của nhà vườn tất bật lắm! Người hái, kẻ cân, rồi phân loại trái thật nhanh tay… Lẫn khuất trong từng giọt mồ hôi là nụ cười rạng rỡ như quên đi bao nỗi nhọc nhằn và như thấy mùa xuân đang về trước ngõ!
Quýt hồng Lai Vung, từ lâu đã được nhiều nơi biết đến bởi màu sắc và chất lượng không đâu sánh bằng. Và đặc biệt vào những ngày Tết, mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu trái quýt có màu sắc vàng óng, thể hiện lộc xuân đến với muôn nhà! Lai Vung mùa này bừng sáng hẳn lên không chỉ bởi nắng xuân mà còn rợp một màu vàng óng ả từ những chùm quýt hồng trĩu quả. Và cứ như thế, mỗi mùa xuân sang lại réo gọi bước chân của biết bao lữ khách tìm về để mà mến, mà yêu !  
Lai Vung ơi cho tôi về lần nữa
Thăm lại vườn xưa hoa nở trưa hè
Mùa xuân đến cho môi em chúm chím
Trái chín đầu mùa ngọt lịm hồn quê!
 

Sưu tầm