Phiên Gác Đêm Xuân
Rằm Tháng Giêng
Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc, lên chùa dâng nhang
Lòng vui quần áo xênh xang
Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
"Lòng thành lễ vật đầu niên,
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!"
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan, ngoài mái chị ngồi
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn
Quẻ thần, thánh mách mà khôn:
Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều.
Chị tôi nay đã xế chiều
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
Hằng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ
Chân đi, đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng thời xưa trở về...
Hồ Dzếnh
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Ấm áp ngày rằm tháng Giêng
Ngày mai dậy sớm một chút đi chợ với mẹ nghe con!
Ngày mai là thứ bảy, mình đi chợ trễ trễ một chút được không mẹ.
Nhưng ngày mai chợ sẽ đông, sợ đi trễ đông người quá thì con lại cằn nhằn. Lo ngủ sớm rồi dậy sớm đi cô hai. Đã gần ba mươi mà như con nít.
Dì Năm thở dài bỏ lại một câu rồi khép cửa. Nhà dì Năm có hai đứa con, đứa con gái lớn đã gần 30 tuổi mà tính tình vẫn như trẻ con. Mỗi lần Tết đến Xuân về nhìn con gái thêm một tuổi mà vẫn còn chưa có chồng dì lại rầu lại lo. Con trai dì ngược lại kết hôn sớm, vừa ra trường đã kết hôn rồi sinh con. 27 tuổi đã có con trai ba tuổi. Mỗi lần nhìn thấy gia đình con trai vui vẻ hạnh phúc bà lại mong con gái sớm có gia đình.
Mẹ lại vào phòng chị hát bài ca chồng con à! Mẹ đừng hối thúc chị nữa, kệ đi mẹ à. - Tâm thấy mẹ đi từ phòng An ra nên vội vàng lên tiếng.
Kệ là kệ làm sao. Bây muốn chị bây ở giá lắm à! Mẹ vào dặn sáng thức sớm đi chợ với mẹ thôi. Bé Bình nó bệnh, con Linh chăm sóc nó cả ngày cả đêm thì nên để nó nghỉ ngơi. - dì Năm nhíu mày giải thích.
Từ hôm trước Tết Nguyên đán, việc đi chợ bếp núc trong nhà đều là Linh làm với dì Năm. Linh là đứa con dâu dì Năm rất hài lòng. Linh vừa hiền lành, lại giỏi giang tháo vát, vậy nên An luôn ỷ lại vào Linh. Những ngày chuẩn bị cho Tết cũng như những mâm cúng ngày Tết đều do Linh quán xuyến. An chỉ chủ động giữ bé Bình để Linh rảnh tay làm việc. An thích con nít và cũng biết cách chiều chuộng cho nên bé Bình cũng thích chơi với An. Nhưng mấy hôm nay bé Bình bệnh, Linh phải chăm sóc con, không có thời gian phụ dì Năm việc bếp núc cũng như đi chợ nữa.
Rằm tháng Giêng này mẹ muốn lên chùa nào? Ngày này người ta đi chùa đông lắm, chen chúc con sợ chị An không đi đâu. Chỉ không thích chỗ đông người mẹ biết mà. - Tâm nhớ lại rằm tháng Giêng năm trước mà ngán ngẩm.
Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, ngày này người ta đi lễ Phật đông cũng không thua kém những ngày đầu năm. Dịp này mọi nhà thường làm mâm cơm chay để cúng bái, kính nhớ ông bà tổ tiên cũng như đi lễ Phật cầu xin một năm mới bình an. Tâm còn nhớ rõ Tết Nguyên tiêu năm trước, mẹ bắt chị An cùng đi lễ chùa hy vọng chị gặp gỡ được nhiều người, có thể sớm gặp được duyên phận của chị. Nhưng không ngờ vừa đến cửa chùa nhìn mọi người đông đúc chen lấn, chị An lại viện cớ trong người không khỏe rồi chạy bỏ mẹ ở lại chùa một mình. Cuối cùng Tâm phải đi đến chùa đón mẹ về.
Mùng 1 Tết nó cũng đi với mẹ lên chùa rồi. Lần này nó cũng sẽ đi thôi. - dì Năm dứt khoát.
Hai hôm trước dì Năm trùng hợp gặp lại người bạn cũ, hai người chào hỏi rồi mới biết cả hai đều có đứa con trạc tuổi nhau mà chưa có gia đình. Cho nên cả hai hẹn nhau rằm tháng Giêng đi lễ chùa để giả vờ gặp gỡ lại lần nữa, cho hai đứa trẻ gặp mặt nhau. Dì Năm hy vọng lần này Phật sẽ xe duyên cho An.
Tâm nhớ ra mấy ngày Tết An điều nằm ở nhà, ngay cả đi họp lớp chị ấy cũng không đi. Họ hàng bà con đến nhà chơi chị ấy cũng trốn luôn trong phòng. Có lẽ bởi vì chị sợ mọi người sẽ hỏi đến chuyện chồng con, và có lẽ năm nay chị chịu đi chùa lễ Phật vào ngày đầu năm là để cầu duyên cho mình. Những năm trước chị không tin nhưng cô đơn quá lâu cũng đã đến lúc chị gieo niềm tin nơi cửa Phật một lần.
***
Bên ngoài trời vẫn còn tối, sương vẫn còn đọng trên phiến lá, tiếng ếch nhái vẫn còn đang vang vọng thì dì Năm đã vào phòng An gõ cửa. An muốn ngủ thêm cũng không được với dì Năm.
Chợ cách nhà An cũng không xa lắm, nhưng đi bộ thì khoảng 15 phút mới đến. Đi xe máy thì sẽ nhanh hơn và cũng tiện cho việc chở đồ. Vậy mà dì Năm nhất định không chịu cho An đi xe. An cứ nghĩ chỉ hai mẹ con An đi bộ trên đường nào ngờ đi khoảng một đoạn liền gặp được vài người khác cũng xách giỏ đi bộ ra chợ. Không khí yên tĩnh vắng lặng của buổi sớm mai nay đã náo nhiệt rôm rả tiếng cười nói của các cô các dì.
An và dì Năm ra chợ mua rất nhiều đồ, khi về cả hai đều xách nặng cả hai tay. Khi cả hai về đến nhà, An còn chưa kịp nghỉ ngơi thì dì Năm đã bắt An vào bếp phụ dì nấu nướng.
Làm hôm nay cho xong ngày mai lên chùa lễ Phật với mẹ. - dì Năm nói với An.
Con không đi có được không mẹ? Mùng 1 con đã đi rồi mà. - An không vui thử thương lượng.
Không được. Ngày mai nhất định phải đi với mẹ. - dì Năm nghiêm nghị.
***
Sáng sớm, sau khi đã dọn mâm cúng đâu vào đấy, dì Năm cùng An đi lên chùa. Ngày Rằm đầu tiên của năm mới cho nên người ta đi lễ Phật rất đông, cứ như ngày mùng 1 Tết vừa rồi. An nhìn dòng người tấp nập bên trong sân chùa chỉ muốn được quay xe chạy về nhà. An nắm tay mẹ từng chút một chen vào bên trong. Đúng lúc này, một giọng nói mừng rỡ gọi tên mẹ An làm An giật mình.
Thúy Nhạn?
Thu Liễu?
Sau đó An mới biết người phụ nữ trung niên gọi tên mẹ An ở chùa là bạn học cũ nhiều năm không gặp của mẹ. Hai người mừng rỡ nắm tay nhau cùng nhau đi vào bên trong chùa thắp hương. An vì sợ lạc mẹ nên vội đuổi theo bà bất ngờ bị người phía sau đâm trúng suýt thì ngã, cũng may có người nhanh tay kéo giữ An lại.
An không sao chứ?
Không, không sao. An cảm ơn. - An ngượng ngùng đến nói lắp.
Hưng là con trai của cô Thu Liễu bạn của mẹ An. Khi hai bà mẹ đang vui vẻ nói chuyện với nhau ở phía trước thì An và Hưng cũng đã ngượng ngùng làm quen bắt chuyện. Hưng lớn hơn An một tuổi hiện là kiến trúc sư làm việc ở Sài Gòn. An chưa bao giờ tin vào tình yêu sét đánh mà trên phim hay chiếu nhưng hôm nay ngay từ ánh mắt đầu tiên Hưng nhìn thẳng vào mắt An. Trái tim An đập thình thịch, má đột nhiên ửng hồng như vừa uống vài ly rượu.
Sau khi bốn người cùng nhau thắp hương thì lại cùng nhau ra phía sau chùa dùng cơm chay. Vì quá đông người cho nên không tìm được bàn cho cả bốn người cùng ngồi một chỗ. Khi hai bà mẹ muốn có nhiều thời gian nói chuyện với nhau cho nên để An và Hưng tìm chỗ khác. Hưng tinh mắt liếc nhìn một vòng rồi nhanh chóng tìm được chỗ cho cả hai. Suốt buổi cơm chay, An chẳng dám động đũa nhiều, phần vì An ngại chỗ đông người, phần vì có Hưng bên cạnh.
Rằm tháng Giêng người ta ăn chay nhiều quá An nhỉ?
Rằm tháng Giêng là một trong ba dịp dùng chay lớn nhất trong năm. Người ta ăn chay cũng như không sát sinh để cầu bình an, may mắn cho gia đình trong năm mới mà. - An thì thầm giải thích.
Hưng ngoài cầu bình an, may mắn còn muốn cầu duyên không biết có được không? - Hưng mỉm cười nhìn An hỏi.
An sững sờ vội vàng cúi mặt, không biết vì sao mặt An lại ửng hồng.
***
Chị An sao vậy mẹ? Từ lúc lên chùa trở về con thấy chị lạ lắm. - Linh hỏi dì Năm.
Có lẽ Rằm tháng Giêng sang năm nhà chúng ta có thêm thành viên nữa. - dì Năm mỉm cười.
Trong lúc này An đang ngồi ngẩn ngơ bên cửa sổ, nhìn mây trắng trôi An nhớ đến câu nói của Hưng trước khi hai người tạm biệt.
Hẹn gặp lại An vào ngày 14/2 nhé!
An bất giác mỉm cười, An nghĩ thầm năm nay có lẽ lễ tình nhân An không còn phải cô đơn nữa.
TUYẾT LUÔN VÕ
Lời hẹn tháng Giêng
2. Chuyện chị Lan chịu làm vợ ông Hùng lại thật đau mình cả xóm, đi đâu cũng nghe hăm hở, rỉ rả, lầm bầm chuyện con Lan.
- Con bé vậy mà khôn, thằng chồng có néo nhưng được hàng quan mới, no cơm ấm cật. Lại cứu cha khỏi tù khỏi tội, huê lợi trăm đường… Đám đàn ông nói.
- Đồ mặt đ… cái con ngon nhức mắt chưa ngậm đã thấm tận răng lại nộp cho thằng già sốt rét, phí của. Đám thanh niên lầm bầm.
- Sướng cái ăn mằn cái ấy, rồi cả đời chả biết gì là… đáng đời. Đám các bà rủa thầm.
Giải phóng đã hai năm rồi, xóm làng ai cũng biết chị Lan chờ anh Phường trở về. Ảnh là lính cộng hòa, thất tung ngày 30.4. Ai cũng khuyên chị đi có chồng, đời lính héo như con cờ, tàn cuộc rồi, cần chi hàng tốt. Mà có sống thì cũng chẳng dám mò về quê đâu, ngóc đầu sao nổi. Đám thanh niên làng từ lâu thậm thụt lại thấm niềm hy vọng. Chỉ thấy mỗi chiều chị một mình trên con đường kiệt vắng ngắt, nước mắt lưng tròng.
Rồi dăm đối tượng mới, lính Trường Sơn xuất ngũ, thanh niên xung phong, cán bộ xã rồi cán bộ huyện… Cái xóm Hưng Hòa sau hơn hai năm yên tĩnh lại trở nên tưng bừng.
Tội nghiệp bác cả gái, chồng đi cải tạo vì tội xã trưởng khu dồn, thân cò tha cơm tháng đôi lần đã kiệt sức, lại phải canh chừng đám giặc vườn héo lánh, khéo nhục cả đời, khôn ba năm dại một giờ. Nhưng chị Lan thì không mơ màng đứa nào trong đám lao xao ấy. Mắt vẫn cười tạnh ngắt. Miệng khéo cả đám mà không thân một ai.
Vậy mà, không báo trước một ai, chị chịu ông Hùng, làm phó trưởng ban gì gì đấy. Cũng không mấy già, chỉ tội nằm rừng hết mùa trai trẻ nên giờ nước da tái mét, răng chiếc còn chiếc mất, không biết thứ kia có còn không?
3. Đám cưới chị có lẽ tôi là người buồn nhất. Vậy là chị không giữ lời hứa với tôi rồi, chị nói ngày cưới chị sẽ cho tôi làm chú bé bưng quả đưa dâu. Tôi ra sau gốc mít, nhìn theo đám chị khóc tấm tức. Xóm này chị thương tôi nhất, chắc tại tôi là đứa trẻ thơm thảo, có trái ổi nào ngon ngon tôi thường dành phần cho chị. Những chiều vắng chị thường tha thẩn theo tôi lên đồi thả trâu, chị bảo ở nhà buồn lắm. Thích nhất khi hai chị em bứt cỏ gà đá nhau, ai thua chịu cõng. Thích nhất được chị cõng địu trên lưng, đầu tôi cứ vập vào tóc chị thơm lừng. Thích nhất khi thua lại được tập tò cõng chị, cứ rướn cả người lên mà chân chị còn chấm đất, rồi hai chị em té lăn cù, người chị cứ vô ý đè lên mình tôi ấm lạ.
Từ ngày có chị tôi đâm ra tư lự như người lớn, như người lớn theo từng câu hỏi của chị.
- Út Hoàng ơi, út thương ai nhất?
- Thương chị nhất.
- Thế đố út Hoàng, chị thương ai nhất?
- Chú Phường chứ ai mà không biết.
- Ừ, út giỏi ghê!
Đại loại những câu đối đáp của chị em tôi là thế.
Cũng có lúc tôi bạo dạn hỏi chị:
- Chị Lan ơi, lỡ chú Phường không về, chị có lấy chồng không?
- Thế út có muốn chị lấy chồng không?
- Út thì không, út muốn chị ở chơi với út.
- Ừ, mà lỡ chị ế chồng làm răng?
- Thế lớn lên út cưới chị nghe.
- Ừ, ừ, lớn mau chị chờ. Rồi chị váng lên cười, tay cù cù vào nách tôi thật nhột.
Vậy mà chị không chờ chú Phường về, không chịu chờ tôi lớn, chị đi lấy chồng, có buồn không?
4. Số chị Lan vậy mà sướng. Chồng chị rất biết chiều vợ, lại lắm tiền. Từ bữa có chồng, chị đi cái xe đạp mới toanh màu xanh. Xóm này duy nhất chị có cái xe đạp. Ngày giỗ ngày quảy ông Hùng đèo chị về, thơm đến cả làng. Các cụ bảo chị tốt số. Cánh thanh niên bảo thằng già tốt số. Tôi đâm băn khoăn tợn, hỏi chị. Chị cười cười bảo trẻ nít biết gì. Ai cũng một lần mà thôi, chị đã trót một lần rồi, ai dại lấy chị làm vợ hả út, được vậy cũng xuôi rồi. Tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng hiểu mô tê. Càng lớn tôi càng phổng phao. Chị cũng chưa chịu già. Mà ông Hùng thì hết gượng nổi cái tuổi, đã hom hem chiều. Tôi hết cho chị theo trâu lên đồi. Mỗi bận chị về, chiều lại tôi đèo chị đi chơi bằng cái xe đạp của chồng chị. Chị trắng phau ra, càng màu mỡ. Mắt chị càng đằm thắm hơn, nhất là mỗi khi ngắm nghía tôi rồi cười. Chị hỏi út răng chưa cưới vợ, tôi nói chờ có ai đẹp như chị Lan mới chịu cưới. Chị hỏi út có biết chị ước gì không? Chị chỉ ước được theo út theo trâu lên đồi như xưa thôi. Tưởng ước gì, dễ ợt.
Chiều hôm ấy đồi vắng ngắt. Chỉ vài con chim cúc cu trên ngọn mít phía xa. Trâu thẩn thơ gặm cỏ. Chị em ngồi bó gối. Không còn cái tuổi chơi cỏ gà đá nhau. Làm sao cõng nhau bây giờ? Bỗng chị giật mình thảng thốt, út ơi, về thôi, tối rồi. Tôi cũng giật mình thảng thốt, liều lĩnh ôm choàng lấy chị. Nóng rẫy. Chị nhũn người, ngã vật sóng soài. Tôi trườn lên người chị, thằng con trai không ai dạy dỗ nuôi nấng cứ bản năng tìm tòi. Phát hiện ra đường vào chị khó khăn chật chội. Như phát một con đường cỏ mới, thưa người qua lại. Thở rốc. Lúc chị em phủi cỏ bám trên người bước ra khỏi lùm cây dủ dẻ cũng là lúc ông Hùng lên đồi đón chị.
5. Chị ôm khăn gói về lại nhà cha mẹ. Ông Hùng ly dị, không biết lý do gì, chỉ thấy ông lầm lũi dắt chị về, rồi lầm lũi một mình trở ra, khuất dần, từ đó về sau không lui tới nữa. Trẻ nít làng không biết ai dạy ác cứ ông ổng hát rao: “Đứa này chẳng phải thiện nhân, chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng”. Đám đàn bà rỉ rả: “No cơm ấm cật rậm rật theo trai”. Đám đàn ông chép miệng thương dùm. Chỉ bác Cả già quen chịu đựng an ủi con: “Hồng nhan đa truân con ạ, thôi ở vậy có gì đã có mẹ có cha; tau già rồi, có đứa cháu ngoại bế bồng càng đỡ buồn”. Chị không buồn không vui, không một lần nhìn tôi. Duy một lần nhà vắng, chị nhắn tôi hái dùm chị mấy quả xoài.
6. Hồng nhan chẳng chịu đa truân bao giờ. Bỗng dưng ở đâu chú Phường lại nghênh ngang về làng. Sau hơn mười năm trở về, chú trắng lốp, đẹp như Tây. Chú Phường chẳng còn ai thân thích, hiển nhiên nhà bác Cả là nhà. Ngôi nhà tưởng tan nát heo hắt lại ồn ã hẳn lên, bà con tới lui tấp nập. Chú Phường kể, hè năm Bảy Lăm, tướng quân tan tác, lại độc một thân, không biết về đâu, chú bèn lên tàu viễn dương. Người ta thì lựa đường sống chết, riêng chú chỉ thỏa chí tang bồng, thêm một cuộc ngao du, vậy thôi. Cũng vì chán chuyện đánh nhau, nên qua bển chú chỉ chí thú làm ăn. Bây giờ chú trở nên giàu có. Ai cũng bảo nhà bác Cả có phước, trong mơ cũng không tìm ra người bà con thế ấy được.Vậy mà chị Lan lại tịnh như không, không buồn không vui. Chú Phường đòi cưới chị làm vợ, đòi được làm cha khi đứa bé ra đời. Chú nói không có chị thì chú đã không lặn lội về đây làm chi. Chú nói chú nhớ Lan ngày xưa quá. Ngày ấy chị mười bảy má hây hây. Tuổi trẻ như hoa thơm, tại chú. Chị lặng lẽ nấu cơm mời chú suốt tháng trời khi chú ở thăm, tận tụy như em nuôi anh, vợ nuôi chồng. Rồi chú lại ra đi, cả làng theo tiễn, chị thì không, chú vừa đi vừa ngoái cổ nhìn lại.
Chú Phường không cưới được chị Lan làm vợ, đáp lại cái tình tìm về, chị chỉ nhận chú làm anh, dở dang cả rồi. Ngày có chú Phường về làm con, nhà bác Cả đã thôi neo nghèo, cuộc sống có màu khác hẳn. Thằng cháu ngoại được hưởng cái tình ông bà ngoại yêu thương bồng bế, vô tư dễ thương lạ. Thỉnh thoảng vắng người, tôi len lén bên này nhìn sang chỗ hai mẹ con đùa nhau ở sân bên, ước gì được cùng mẹ con chị vui đùa.
7. Rồi dường như càng lớn con người ta càng không chịu nổi cái không khí chật chội nhà quê, nhất là khi con người ta là một thanh niên trai tráng, tôi bỏ nhà quê lên phố. Lần hồi lăn lóc kinh kỳ, kịp làm cái chân quản đốc cho một công ty, cái ăn cái ngủ vậy là tạm ổn. Đám con gái thành phố đánh giá được cái thân vạm vỡ, lại được lòng tin ông chủ, nên cứ bám riết trêu cợt, chỉ tại tôi tịnh ngắt không mơ màng một ai. Thỉnh thoảng chiều về lại nhớ mẹ con người chị bên hàng xóm quá. Thư từ về nhà tôi đều tránh gọi tên hay hỏi thăm chị.
Tháng Chạp, như mọi năm tôi chẳng chịu về quê, ngày buồn tha thẩn với mấy dòng thư gia đình bạn bè thăm hỏi. Năm nay cầm trên tay tờ thư không địa chỉ người gửi, lòng lại bồi hồi. Nét chữ tròn như thân góa phụ, chị nhắn nhe chú Hoàng sao chưa có vợ, bộ muốn học chị ở góa hết đời sao? Chị nói con lớn rồi, có người nối dõi rồi. Chao ôi chị! Thèm được làm trẻ nít ngày xưa quá, thèm được đá cỏ gà với chị, thèm được cõng chị đi cùng trời cuối đất, cùng ngã đứ đừ, ấm áp. Hết thời trẻ nít rồi, làm sao lại dắt chị lên đồi thả trâu? Chao, thèm được về quê thăm bà con họ hàng một lần, thăm chị. Thèm lúc vắng người thỏ thẻ cùng chị rằng út thương chị nhất, chị cũng đừng thương chú Phường nữa nghe. Út chẳng thèm cưới vợ đâu, nối dõi đã có chị lo rồi. Rồi trong mắt tôi bỗng bát ngát một bầu trời tháng Giêng, bát ngát cánh đồng cỏ gà, bát ngát bờ vườn thơm lừng hương cau hương ổi, hoa ổi rụng trắng bên nhà người hàng xóm, dáng chị cung cúc cầm cái chổi tre, thằng cu lúc thúc…
Tôi viết vội vã những dòng thư: … tháng Giêng út về!