Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Nhạc - Thơ -Văn Sân rêu nhà cũ

 

 

 Tình Mẹ

Vu Lan Báo Hiếu

 Nhớ Mẹ
Một câu nói ấm lòng,
Như giọt nắng sưỡi Đông...
Da mẹ màu rêu ẩm,
Tình mẹ thời  mênh mông !

Cũng sân vườn rêu phủ,
Mái nhà xưa rêu phong...
Nhớ ngày xưa của mẹ,
Một mình thật long đong !!

Con dòng đời xuôi ngược,
Tất tả bao buồn vui...
Giờ đây con nhớ mẹ,
Lòng xiết bao ngậm ngùi !

Mẹ một mình lặng lẽ, 
Mẹ một mình đi xa...
Con thấy mình hối tiếc,
Thương Mẹ thời đã qua !
NM

  Sân rêu nhà cũ
Mái ngói rêu xanh, những lần mưa xong chim sà xuống đều bị trượt chân chấp chới. Cả cái sân gạch cũng lên rêu, tôi đã nhiều lần trượt ngã đánh oạch. Mẹ thường nói có ngã đau trên cái chỗ mình sống mới nhớ lâu. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ ngã trên đó, có thể mẹ ngã những lúc tôi đi học xa và mẹ không kể. Duy nhất một lần tôi biết mẹ ngã, nghe hàng xóm kể lại khi ấy mẹ cũng không kêu la gì, mẹ lặng lẽ đi xa, vĩnh viễn.
Hai anh em tôi trở về chịu tang mẹ. Kẻ từ ngoài bắc vào, người từ trong nam ra, không hẹn nhưng gần như vào nhà cùng lúc, kịp nhìn thấy mẹ lần cuối trước khi đắp mặt. Mẹ như đang ngủ, da mặt lốm đốm xanh mầu rêu ẩm. Giá như tôi và anh trai đừng về cùng lúc, có khi chúng tôi khóc được. Nghĩa tử là nghĩa tận, khóc đi con, hàng xóm giục anh em tôi nhưng cả hai chỉ im lặng.
Tôi và anh đã không nhìn mặt nhau kể từ khi có dự án làm đường tránh. Lúc anh mang về tờ bản đồ dự kiến phóng tuyến, chỉ chỏ nói con đường này sẽ chạy qua luôn cả nền nhà lẫn khu vườn nhà mình. Rồi anh bàn với mẹ chia tiền đền bù cho hai chúng tôi. Anh nói chia đều là tốt nhất, còn mẹ thích ở với đứa nào quyền mẹ. Tôi không chịu, phải chia thành ba phần, ai nuôi mẹ được hưởng thêm phần của mẹ.
Anh thừa biết mẹ thích sống với tôi hơn. Đấy là phỏng đoán, vì so quãng đường, tôi cách nhà năm trăm cây số, anh thì gấp đôi. Mẹ chắc sẽ chọn đứa ở gần, để tiện hơn cho việc về thắp hương mộ cha tôi.
Mặc cho anh em tôi tranh cãi, mẹ chỉ im lặng. Thậm chí cái hôm tôi về báo tin tuyến đường tránh không chạy qua đất nhà mình, mẹ cũng chẳng tỏ vẻ vui hay buồn. Có lẽ, mẹ đang nghĩ về một con đường nào đó đã chạy qua đây, phá tan sân rêu.
Cái sân rêu những khi đứa em ngã kêu khóc thì đứa anh chạy đến, chưa kịp đỡ đã ngã nhúi nhùi. Cái sân những khi trời nắng rêu khô bong tróc, đứa anh cùng đứa em hì hụi dùng mảnh sắt cạo cho sạch để tới mưa khỏi ngã.
Mẹ nói tại người đi mang đất ngoài đường vào sân, mưa dầm ẩm thấm nó lên rêu. Chỗ nào có đất chỗ ấy thực vật sống được, con người cũng sống được. Thế mà chính cái chỗ đất truyền thừa mấy đời này, anh em tôi lại không sống được. Người nào theo việc nấy, kẻ nào theo vợ nấy. Chúng tôi hằm hè nhau, giằng giữ nhau rồi lại đùn đẩy nhau cái trách nhiệm phải về sống với mẹ. Mẹ nói còn mạnh, tự sống được, chẳng cần đứa nào phải ở cạnh.
Đúng mẹ mạnh thật. Hàng xóm kể lại sáng nào mẹ cũng ra vườn quét lá, tiếng rột roạt chổi tre biết bàn tay còn khỏe. Vậy mà mấy mảng rêu yếu ớt lại quật ngã được mẹ.
Mấy ngày đám tang mưa vẫn ướt rượt. Đến lúc di quan đội âm công dặn nhau phải bấm ngón chân xuống sân rêu để khỏi trượt ngã. Hai anh em tôi đi thụt lùi trước cỗ quan, qua chỗ sân rêu cũng gồng bấm mấy ngón chân. Lần đầu tiên tôi biết sợ ngã ngay chính trên đất nhà mình, bởi mẹ đã nằm yên không thể rửa chân tay và thoa dầu cù là cho tôi. Anh trai, người đang đi thụt lùi bên cạnh tôi đây cũng không đỡ tôi dậy như hồi xưa nữa đâu. Đất đã làm rêu bám trên sân. Nhưng đất cũng đã đẩy anh em tôi ra xa nhau. Chúng tôi quay mặt về mẹ, nhưng đầu óc vẫn nhớ dưới chân đang rất trơn trượt. Chúng tôi cô đơn ngay chính trong đám tang đông đúc, ngay chính trên mảnh sân thân thuộc của mình.
Hết đám, anh em tôi buộc lại khăn tang bên vách bàn thờ, ngược xuôi theo công việc. Ngôi nhà để không, thỉnh thoảng có mấy người hàng xóm qua thắp hương cho di ảnh mẹ đỡ lạnh lẽo.
Ông trưởng thôn gọi điện xin cho một người đàn bà tên Cam được ở nhờ ngôi nhà cũ của chúng tôi. Tất nhiên tôi đồng ý, vui nữa là đằng khác, coi như có người trông nhà giúp. Tôi bảo trưởng thôn phải gọi điện cho anh trai tôi, xin thêm ý kiến của anh ấy. Trưởng thôn đáp đã gọi trước rồi, anh tôi cũng đồng ý. Tôi cũng kịp nói với trưởng thôn phải dặn bà ấy là cái sân nhà tôi trời mưa rất trơn, coi chừng ngã. Cúp máy, tôi chợt nhận ra mình chưa bao giờ dặn mẹ câu đó.
Bà Cam người làng tôi nhưng sống ở Sài Gòn với người con nuôi hai chục năm rồi. Bà trạc tuổi mẹ tôi, hai người là bạn thân thiết từ thuở còn chăn trâu cắt cỏ cho đến lúc đi làm hợp tác xã. Lần tôi về quê, nghe bà kể sống trong đó bà khổ quá, chẳng đặng đừng mới về đây. Khổ chẳng phải vì gạo tiền, mà vì đứa con bà xin nuôi từ nhỏ, chăm lo thương yêu như con ruột, bỗng lấy vợ và coi bà chẳng ra gì. “Máu mủ ruột rà vẫn hơn cháu ơi”, bà nói.
Có bà Cam về ở, ngôi nhà đỡ hoang lạnh. Nghe hàng xóm khen bà cũng siêng động tay động chân như mẹ tôi, sáng làm vườn, chiều gom lá đốt. Bà kiếm nhánh nè cắm bao quanh khu vườn, trồng rau mùng tơi cho leo lên thành một cái hàng rào xanh mướt mắt. Lâu lâu tôi ghé về nhà cũ, thấy mừng, có cảm giác bà yêu ngôi nhà này hơn cả anh em tôi. Mùa mưa, thỉnh thoảng tôi gọi về nhắc bà Cam đừng ra sân để khỏi trượt chân.
Một tuần trước giỗ mẹ tôi, chính bà Cam lại sốt sắng gọi điện năn nỉ anh em tôi về quê. “Về cả hai anh em mới ấm cúng, cho mẹ vui”. Bà gọi sớm vì sợ tới cận ngày, tôi hoặc anh sẽ nhờ bà nấu giúp chén cơm luộc dĩa rau đặt lên bàn thờ thắp hương cho mẹ. “Tội nghiệp, không về được cả hai thì cũng một chú về chớ”. Thế nên năm nay tôi về, thì năm sau đến lượt anh.
Ở được hơn bốn năm, người con nuôi bà Cam về tận quê lạy tạ mẹ, xin thứ tội và rước mẹ vào lại Sài Gòn. Bà gọi điện cho tôi nói lời cảm ơn đã cho ở nhờ nhà. Rồi bà nói trong nước mắt: “Không máu mủ, nó thương mình chừng nào mình được nhờ chừng đó, cháu ơi”.
Giỗ mẹ năm nay không có bà Cam, cả hai anh em chúng tôi không được ai nhắc mà tự đùm gói đưa vợ con tìm về.
Mùa mưa, cỏ dại lên um tốt, sân rêu mái ngói xanh lè, một mầu xanh buồn bã từ ngoài cổng vào tận nương sau. Căn nhà đúng nghĩa một chốn bỏ hoang.
Tranh thủ ngày tạnh mưa hửng nắng, chúng tôi ra dọn dẹp vườn. Lâu rồi mới lao động chân tay đổ mồ hôi, tôi và anh trai cởi trần, người phát cỏ, người buộc lại hàng rào. Anh em tôi vẫn chưa nhìn thẳng mặt nhau, chưa nói được với nhau câu nào. Tuồng như thuở ấu thơ cởi trần đánh vật và vẫn còn giận dỗi chưa chịu làm lành.
Vợ tôi và chị dâu gom cỏ, vừa làm vừa rôm rả đủ thứ chuyện lâu ngày. Ba đứa trẻ con cầm điện thoại của mẹ chơi, rồi phát hiện ra chỗ này không có mạng wifi, chúng kéo nhau ra vườn hái hoa dại, vặt cây lá chơi trò đi chợ nấu nướng.
Hai chị em dâu đi chợ mua đồ về nấu cúng giỗ, hỏi hai anh em tôi thích nhâm nhi món gì để mua về nấu. Hỏi xong, chị chợt nhớ ra đây là giỗ mẹ, phải mua món ngày còn sống mẹ thích chứ. Anh bảo gì chẳng xong, đằng nào mẹ cũng không ăn được nữa rồi.
Mâm đồ cúng đủ những món khi sống mẹ thích, những thứ giản đơn như rau lang luộc, khoai lang luộc, đậu bắp luộc, cá lia thia kho mặn… Nhà cũ không có bếp gas không có bếp điện, hai chị em dâu lúi húi nhen củi lửa, khói xông lên lèn qua mái ngói bùi bùi. Vợ tôi bóc miếng cơm cháy dưới đáy nồi cho mấy đứa nhỏ. Chúng nhai rau ráu khen cơm nấu củi giòn và ngon.
Anh trai chủ lễ khấn cúng, tôi lạy theo sau. Đến tận lúc đó tôi và anh vẫn chưa nói được với nhau một lời nào. Bữa ăn, tự dưng chị dâu nhắc tới bà Cam, bảo không biết cậu con nuôi của bà giờ có đối xử tốt với mẹ không nhỉ, không máu mủ ruột rà khó bền lắm. Tôi có chút chạnh lòng, máu mủ ruột rà như tôi và anh trai có bền không?
Chị dâu thỉnh chai rượu từ bàn thờ xuống. Giỗ phải nhấp chút rượu chứ, hai ông không uống thì để chị em tui. Trong căn nhà gỗ cũ, bốn người chúng tôi ngồi nhấp rượu thật im lặng, chẳng ai nói chuyện gì, chỉ nghe tiếng mọt gặm giường gỗ và ngắm ra khoảng xanh trước vườn nhà.
Sau lượt rượu thứ ba, tôi ngẩng đầu nhìn thẳng, bất giác anh trai cũng nhìn tôi. Sáu năm rồi anh em tôi mới lại nhìn thẳng nhau, dù chưa nói với nhau câu nào, cũng thấy ấm lòng hơn.
Mấy đứa trẻ ăn xong chạy ào ra sân chơi. Chưa kịp nhắc đề phòng thì một đứa trượt rêu ngã, lồm cồm tự đứng dậy được, mặt nhăn miệng thít. Chị dâu bảo kệ, ngã đau mới có kỷ niệm để nhớ quê. Chị nói giống mẹ ngày xưa quá.
 HOÀNG CÔNG DANH  

Chỉ là một tấm rêu phong,
Cũng là tất cả tấm lòng dấu yêu...
Xa nhau xa biết bao nhiêu,
Vẫn mong giữ lại ít nhiều nhớ nhung !
NM
 
Tường Rêu
Cuối cùng, ông Minh cũng phải đi đến quyết định cho đập bỏ bức tường Đông rêu phủ để xây lại. Ngay từ khi bàn chuyện đại tu căn nhà cổ, con trai ông cũng đã thưa với ông ý định đó. Cảnh, con trai ông, trình bày: “ Nhà mình xây đã hơn bảy mươi năm rồi, tuy đã sửa chữa nhiều lần, nhưng chỉ làm phần mái và dặm vá tường, nền. Theo con, lần nầy chủ yếu gia cố nền móng và xây tường, vì nhiều chỗ bị sụt lún và nứt bể. Phần nhà trên không thay đổi gì, giữ nguyên hai gian ba chái, bây giờ người ta quý nhà cổ như nhà mình. Nhưng con xin xây lại nhà dưới, đưa bếp lên phía Tây, chỗ nhà bếp hiện nay xây một phòng ngủ mới để có chỗ cho con cháu về thăm dịp giỗ, Tết…”. Nghe con trình bày ông thấy hợp lý nhưng còn đắn đo: “ Ba đồng ý phương án sửa chữa của con đối với nhà trên, nhưng phần nhà dưới để ba nghĩ thêm…Dời bếp là chuyện hệ trọng về phong thủy, hơn nữa không nên tốn kém nhiều…”. 
Căn nhà của ông trải qua nhiều đời cha truyền con nối, tính từ thời ông cao đến ông đã bốn đời, trước nữa thì ông không rõ. Nay đã đến lúc bàn giao cho con trai ông tức thế hệ thứ năm. Tre già măng mọc. Vả lại con trai ông đã gần bốn mươi, cũng làm giáo chức như ông, là hiệu trưởng một trường trung học ở một huyện khác trong tỉnh. Lẽ ra ông có thể giao cho con lo liệu mọi việc nhưng ông muốn giữ nguyên trạng căn bếp với bức tường Đông. Căn bếp do cha mẹ ông xây, còn lưu năm tháng chạm trên đầu tường: Juillet, 1937. Tường được xây bằng gạch thẻ, tô bằng loại hồ truyền thống là hỗn hợp vôi tôi trộn với chất nhờn của lá bông bụt quết nhuyễn và mật đường mía. Lớp hồ nay bị bóc từng mảng lớn và nhiều viên gạch bị thối rữa vì ngấm nước mưa trong hàng mấy thập kỷ. Khoảng năm 1967, chiến trận lan tới làng nầy, ông Minh đưa cha mẹ, vợ con lên sống ở quận lỵ, nơi ông đang dạy học. Mái nhà bị sạt một góc vì trúng đạn cối, riêng bức tường Đông của căn bếp thì lỗ chỗ vết đạn tiểu liên. Chính những vết thương ban đầu ấy làm bức tường ngày càng lở lói trầm trọng, đến nay thì không còn cứu vãn được. Khi hồi cư, sửa laị nhà ông Minh đã không dặm vá bức tường một phần vì muốn lưu lại dấu vết chiến tranh nhưng lý do chính là ông không muốn dùng ciment hiện đại. Ông có ý định mua vôi tôi, mật mía làm hồ để bức tường không bị “lai” nhưng lần lữa chưa kịp làm thì không còn tìm đâu ra mật mía vì sau nầy người ta trồng mía dọc hai bờ sông Côn chỉ để bán cây cho nhà máy đường, không còn nấu đường truyền thống nữa. Ông viện ra chuyện phong thủy và tốn kém chỉ để hoãn binh thôi. Thật lòng, ông muốn giữ lại bức tường. Còn nước còn tát. 
Trên một mảng tường lở cách mặt đất gần một mét, có mọc một cây bồ đề gần hai mươi năm tuổi rồi, nếu lâu lâu ông không tỉa bớt cành chắc nó đã sum sê lắm. Lúc đầu ông Minh định chặt bỏ nhưng ông nghĩ nó vô hại, chỉ sống ké phần ngoài của tường. Kể từ đó ông cắt tỉa, tạo dáng cho cây như đối với hàng chục cây bonsai đủ loại của ông. Gốc cây bồ đề ngày càng lớn, bộ rễ tua tủa, có cái to bằng ngón chân cái. Cây bồ đề đó có đủ ba yếu tố của nghệ thuật cây kiểng là “cổ, kỳ và Mỹ”. Nó đã được hơn hai mươi năm tuổi nên cũng khá “cổ”. Nó mọc trên tường, từ vết thương chiến tranh thì hẳn là “kỳ” rồi, còn “mỹ” tức cái đẹp là do bàn tay ông chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng. 
Dưới chân tường là một hang chuột, có từ ngày gia đình ông hồi cư vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Bao nhiêu cố gắng xóa bỏ cái hang chuột nầy đều bất thành vì nó được lũ chuột láu lỉnh đào âm dưới đất chân tường, luồn vào trong nhà, thông ra ngoài bằng nhiều ngách, lấp cửa hang nầy thì hôm sau chúng trổ cửa khác, đổ hàng thùng nước cũng không ăn thua. Cuộc chiến giữa chuột và người kéo dài hàng chục năm, lũ chuột chịu nhiều tổn thất nhưng chúng vẫn bám trụ ở đó qua nhiều thế hệ. Cho đến nay, ông Minh đành chấp nhận sống chung với chúng. Hằng ngày ông vẫn thấy hai con chuột cống ra vào kiếm ăn ngay cả khi ông ngồi uống trà hay nằm tòn teng đọc sách, báo trên võng mắc dưới gốc cây xoài quỳ cạnh nhà. Quen dần, chúng giống như con chó, con mèo ông nuôi trong nhà, như cặp cu đất trưa nào cũng gáy trên đọt xoài, có khi ông còn vất ít cơm thừa cho chúng ngay trước miệng hang. 
Từ khi về hưu, trừ những khi mưa dầm, lụt lội hằng ngày ông Minh quanh quẩn dưới bóng cây xoài quỳ, cành che phủ một góc bức tường Đông. Một bộ bàn ghế đá rửa để ông thù tạc với bạn bè. Một cái võng trân đã cũ móc giữa gốc xoài và trụ bê-tông hàng rào B40 để ông nghỉ lưng sau khi tưới vườn rau, cắt tỉa cây kiểng…Ông ngắm bức tường thay đổi theo mùa mưa nắng. Mùa khô hạn, thảm rêu biến mất, để lại những mảng, vệt màu xanh xám đậm nhạt khác nhau, nhìn kỹ sẽ lộ ra những bức tranh thủy mặc. Chỗ nầy là dòng sông chảy, núi xa mờ trên nền trời lớp lớp mây vần vũ. Chỗ kia là biển khơi dậy sóng, chỗ nọ là hình một đạo sỹ với tà áo bay bay… Bắt đầu cuối thu, khi có những trận mưa đầu mùa là thảm rêu hiện ra mịn màng như nhung, bắt đầu từ chân tường lan rộng lên, nối kết nhiều mảng nhỏ, rồi màu xanh biên biếc phủ gần nửa bức tường… Lá cây bồ đề hình trái tim cũng chuyển từ màu vàng nhạt sang xanh ngắt. Những sợi rễ đâm dài xuống tận mặt đất để hút no nước và chất dinh dưỡng dự trữ cho mùa khô hạn năm sau. Bầy chuột đông hơn, chiều tối kéo ra vườn kiếm ăn. Nếu chúng không tách bầy, hoặc bị dịch bệnh hay săn bắt có lẽ dân số đã tăng cả đàn cả đống.
Hồi còn học trung học ở Quy Nhơn, hễ đến nghỉ hè là ông tụ tập lũ trẻ lối xóm để kèm ôn tập bài vở và chơi với nhau đủ trò từ sáng đến chiều. Chỗ cây xoài quỳ bây giờ hồi đó là gốc vú sữa tán rộng sum sê bị bão làm trốc gốc. Đó là sân chơi của ông và lũ trẻ: đánh vụ, đánh đáo, chơi ô, đánh nẻ…Vợ ông sau nầy là một trong những đứa trẻ đó. Khi ông đã ra trường đi dạy mấy năm thì bà cũng vào trường Sư phạm Quy Nhơn, nơi ông từng theo học. Bà ra trường thì lấy ông. Dường như họ chưa từng nói một lời yêu đương vì tình yêu của họ đã có tự bao giờ, có bức tường làm chứng. Họ cưới nhau mà chẳng cần một lời tuyên bố hay đính ước. Bức ảnh đầu tiên của họ sau ngày cưới chụp trước bức tường xanh rêu ấy. Sau nầy, bức ảnh chụp với dâu, rể, cháu nội ngoại cũng lấy bức tường làm phông. Bức ảnh cuối cùng ông chụp chung với vợ trước ngày bà mất sáu tháng mười hai ngày. Bà được giải phẫu ung thư vú hơn sáu năm trước, sống thêm được gần hai năm thì mất. Hai vợ chồng đứng cạnh nhau trước bức tường rêu như hồi mới cưới, nhưng lần nầy có cây bồ đề làm cảnh. Ngay cả bây giờ, mỗi khi nằm trên võng ngắm bức tường rêu ông còn thấy hình ảnh vợ như mới hôm qua: bà chơi ô khi còn bé ở góc kia , bà mặc đồ bộ điểm hoa cà tim tím đi ra sau giếng khi mới về làm dâu …
Vợ mất, các con ở xa, ông sống một mình nhưng không cảm thấy cô đơn. Đối diện với bức tường , ông tìm thấy lại những gì đã trải qua trong gần bảy mươi năm cuộc đời của mình. Những đêm trăng sáng, ông thường ngồi trên ghế đá chơi đàn, tiếng đàn guitar của ông  dội vào bức tường loang loáng ánh trăng, rồi vang vọng mãi tận dòng sông trước nhà. Bức tường dường như lúc nào cũng lắng nghe và thấu hiểu như vợ ông thuở nào. 
Ngày bức tường bị hạ, từ sáng sớm ông Minh bỏ đi thăm bạn ở làng bên. Trước khi đi ông dặn Cảnh cố cạy mảng vôi tường có khắc chìm năm tháng cha ông xây dựng nhà, Juillet 1937, để gắn lại khi tô tường mới. Cảnh biết cha mình cố tình lánh mặt để anh tự do xử lý công việc. Tuy anh không biết hết những nỗi niềm sâu kín của cha mình nhưng anh hiểu ông gắn bó với những kỷ niệm về căn nhà nầy mà bức tường rêu là gần gũi với ông nhất. Chính anh, ở tuổi bốn mươi, đã bắt đầu biết tha thiết với căn nhà tổ tiên nên đã chắc chiu mấy năm nay để về giúp cha tu sửa nó. Nhiều lần anh đã nghĩ một ngày nào đó anh sẽ trở về đây và không bao giờ muốn lìa xa nữa… 
Chiều tối ông Minh đạp xe về nhà. Căn bếp đã được tháo dỡ. Bức tường Đông đã bị đập quá nửa, gạch vôi ngổn ngang trên mặt đất.
–  Sao không đập hết bức tường, làm không kịp à
Ông Minh hỏi con. 
–  Không, ba. Con chừa lại đó… Cảnh đáp. Con sẽ cho thợ dùng máy cắt phần tường cũ cho thẳng , giữ lại khoảng 1,5m, cắt bớt  cho thấp xuống, rồi gia cố phần móng và xây trụ ốp hai bên cho chắc để làm kỷ niệm. Tường mới sẽ xây tụt vô trong 1,2m để làm hành lang, phần tường cũ sẽ làm bức bình phong. Con đã cho cắt cẩn thận phần tường có khắc năm ông nội xây nhà, tuy vậy nó cũng bể ra mấy mảnh nhưng có thể sắp lại như cũ khi gắn phía ngoài bình phong. 
–  Thế à …Lòng ông Minh thoáng vui nhưng ông cố giữ không để lộ ra. Ông hỏi tiếp- Còn cây bồ đề? 
–  À, cái nầy thì dễ mà. Con bứng nguyên gốc, rễ để ba làm cây bonsai. Thứ nầy dễ sống… 
–  Còn lũ chuột? Vừa hỏi con xong, ông Minh tự thấy mình lẩm cẩm nhưng dẫu sao Cảnh cũng đã nghe. Anh cũng thoáng ngạc nhiên nhưng cố lấy giọng bình thường tường thuật lại: 
–  Bức tường đổ làm động ổ, hai con chuột cống tung ra chạy, một con bị anh thợ đập chết tại chỗ, còn con kia chạy thoát. Anh giấu việc mấy chú thợ trẻ đã nướng con chuột để nhậu lúc nghỉ trưa.
–  Thế à… 
Ông Minh lẩm bẩm: “ Thật tội nghiệp…”, nhưng tiếng ông nhỏ đến nỗi con trai ông đứng bên cạnh cũng không nghe được ông nói gì* 

* NAM THI
 

Ô cửa rêu xanh

Ô cửa sổ trên tầng hai lúc nào cũng để mở. Cửa rộng, nên những sớm mai có nắng, ông già thích ngồi ở chiếc bàn gỗ đặt sát dưới cửa và nhìn nắng nhẹ tênh len qua từng song gỗ màu luyn rồi lặng lẽ chảy tràn vào nhà. Cây lộc vừng trước sân có tán rất rộng, lúc nào cũng rộn rã tiếng chim. Từ hồi bà già bắt đầu đem gạo đặt trên bệ cửa, buổi sáng thức dậy, chỉ cần thấy ông già mở cửa là bọn chúng liền sà xuống, lích rích nhặt gạo, có khi chẳng kịp đợi ông dời gót đi khỏi. Dường như chúng không còn sợ ông già như ngày trước.

Nhà đông con đông cháu, cuối cùng cũng chỉ có hai thân già nương tựa nhau. Ông già than vãn khi nghe tiếng dép bà già hướng về phía mình. Ngoài trời đang mưa rỉ rả, nên lũ chim sớm nay cũng vắng bóng. Ông già ngóng ra ngoài cánh cổng sắt. Chẳng có ai ở đó. Cổng nhà sơn màu xanh tươi rói, mà lâu nay cứ đóng im ỉm suốt. Ổ khóa ở đó, chắc đã gỉ sét vì ít khi được mở. Con cái đều sống cùng thành phố, nhưng hiếm khi chúng mới ghé đến. Ôi chao, con cháu có cuộc sống của con cháu, không lẽ ông muốn chúng nó cứ ru rú bên cạnh chúng ta mới chịu. Bà già nói khi đưa ông già mấy viên thuốc cùng ly nước ấm. Bà nói cứng vậy thôi, chứ mỗi lần nhìn quanh căn nhà vắng hoe, bà cũng buồn.

Âm thanh rộn rã ấy thường vọng lên từ khoảng sân nhỏ xíu của nhà bên cạnh vào mỗi sớm hoặc khi chiều muộn. Tiếng trẻ con nô đùa, tiếng người lớn xì xầm nói chuyện, chỉ là những chuyện tủn mủn trong nhà, như hôm qua vừa đổi loại gạo mới, ăn vừa khô vừa cứng, dạo này mưa nhiều nên rau đắt hẳn, nhưng bù lại có nhiều loại cá sông rất ngon. Hôm trước mua được mớ cá cấn, cá mại về kho với lá ném ngon thật. Buổi sáng nấu nồi cháo trắng to mà cả nhà ăn sạch. Mùa này cá mương cũng béo lắm, giá mà lát nữa ra chợ gặp được, mua về chiên giòn thì ngon nhức răng. Tiếng nói cười rổn rảng đó, vậy mà khiến ông bà già vui lây.

Sân nhà ông bà già rất rộng, và đầy hoa lá. Hiên nhà có chiếc bàn trà đặt bên dưới gốc lộc vừng. Mùa lộc vừng trổ bông, hoa giăng từng chùm đỏ ối, hương lộc vừng ngọt lịm hòa trong gió trời chạy khắp sân nhà. Ngồi ở đây uống trà vào sớm mai rất thích khi nắng mai xuyên qua tán lá xanh mướt rồi phủ trên bàn màu vàng ươm như ai vừa đánh rơi bình mật. Cả tiếng chim lích chích trên đầu cũng khiến buổi sáng trở nên rộn ràng hẳn. Nhưng ông bà già chỉ thích ngồi ở ô cửa sổ tầng hai. Ở đó tầm nhìn rộng, đủ để nhìn thấy mấy đứa nhỏ hàng xóm chạy chơi bên dưới, trong khi cha mẹ chúng ngồi uống cà phê cùng bà nội và rỉ rả kể về một ngày đã qua và bàn về những ngày sắp đến. Từ ô cửa sổ này, ông bà già cũng có thể thấy ngay bóng dáng con trai, con gái hay mấy đứa cháu khi tụi nó ghé về, đứng trước cửa gọi vào: “Ba ơi, mở cửa”, “Ông ơi, mở cửa”. Tiếng gọi thân thương mà ông bà già muốn được nghe mỗi ngày, nhưng hiếm khi được nghe.

Mình cũng có con cháu đủ cả, mà cũng như không. Ông già lại than vãn câu nói cũ mèm. Thằng Hùng lâu rồi không thấy ghé bà nhỉ? Cả vợ nó nữa. Mấy đứa con cũng bận gì mà thấy vắng hẳn? Vợ chồng con Hoài ở nước ngoài thì không nói, nhưng vợ chồng con Chi, vợ chồng thằng út nữa. Hồi xưa tôi cũng đi làm, cũng đâu có bận tuốt luột như tụi nó. Làm ông này, bà nọ thì được ích gì chứ. Giọng ông già khàn khàn, buồn hiu, tựa như cơn gió vừa vắt ngang ô cửa. Hồi xưa mình khác ông ơi. Giờ tụi nó khác. Mấy đứa cháu không đi làm thì đi học. Tụi nó học đủ thứ. Mà nếu rảnh, tụi nó cũng xách ba lô đi du lịch khắp nơi, mở mang kiến thức, có ở thành phố đâu. Bà già nói khi đang phơi mấy bộ quần áo ra ngoài ban công. Bà không thích có người lạ trong nhà, nên chỉ thuê giúp việc theo giờ đến dọn nhà, chăm sóc cây. Người già ngủ ít, nên ngày như dài ra thêm. Cũng may có chút việc để loay hoay, cũng đỡ buồn tay buồn chân.

Có tiếng gọi cửa í ới. Ông già đặt cuốn sách xuống bàn rồi ngoái đầu nhìn qua ô cửa sổ. Là người giao hàng. Hôm trước con gái gọi điện hỏi thăm. Ông than mệt. Dạo này trời lạnh, cứ ba giờ sáng là ông bắt đầu tỉnh giấc, rồi ho liên miên, mệt không thở nổi. Bà già kéo tay ông ra dấu, bảo đừng than vãn về sức khỏe mà tụi nó lo. Ờ, nếu tụi nó lo, thì ghé về ông nhìn mặt chút xíu cũng được. Chứ suốt ngày nhìn nhau qua màn hình điện thoại lạnh tanh, sao mà thỏa lòng. Nên tiếng gọi cửa trưa nay khiến ông hồ hởi lắm. Lẽ ra, giờ này ông chẳng bao giờ ngồi bên cửa sổ. Chỉ vì ông muốn nhìn thấy con gái, con trai, hay một đứa cháu nào đó của mình ngay khi tụi nó vừa dừng ô tô trước cổng.

Cháu đến giao hàng. Người thanh niên đứng trước cánh cửa sắt màu xanh, đưa cho bà già mấy túi đồ, bên trong đủ loại thuốc bổ, hộp to, hộp nhỏ. Bà già đem vào nhà, nhưng bước chân chậm hẳn, chẳng nhanh nhẹn, vội vàng như lúc bước ra. Con gái gửi thuốc cho ông. Tôi biết tụi nó bận lắm mà. Để bữa nào ngơi việc, tụi nó về thăm. Bà già an ủi ông già, mà cũng là an ủi chính mình. Những cuộc điện thoại vội vã, bà chưa kịp kể chuyện nhà là con cái đã tắt máy vì bận việc. Ông già nhìn đống thuốc bổ chất đầy trên kệ tủ, có loại đặt ở đó đã lâu, chắc đã hết hạn sử dụng, có loại mới mua, còn nguyên nhãn mác. Tôi có cần những thứ này đâu. Tụi nó vục mặt kiếm tiền làm gì. Ông già nhăn nhó. Ơ hay, tụi nó kiếm tiền cho chúng nó xài, con cái chúng ăn học, chứ đâu phải chỉ để mua mỗi thứ này. Mà bao nhiêu người còn phải dựa vào tụi nó để sống nữa đấy. Như thằng Hùng, công ty nó biết bao nhiêu công nhân, còn phải đợi nó chạy đôn chạy đáo kiếm hợp đồng về, mọi người mới có cơm ăn. Mình già rồi, tự tìm niềm vui thôi, ông cứ ngóng tụi nó mãi làm gì cho mệt thân. Bà già nói một tràng với ông già, tựa như thấy hơi mệt nên cũng bỏ về phòng nằm. Bữa cơm trưa vậy là gác đến chiều mới ăn.

Bà già không nói cho ông già biết, mình cũng ngóng các con ghé đến, khi nghe mấy đứa con bảo sẽ tranh thủ ghé về, lúc ông già than mệt. Sáng nay, bà ra chợ gặp được mớ cá sông. Loại cá lụn vụn như cá bầu, cá cấn, cá mại. Vậy là lủi khắp chợ thêm mấy vòng mới mua được nắm lá ném thơm lừng. Mấy đứa con của bà, dù ăn cơm Âu, cơm Á đủ cả, nhưng vẫn ghiền cái thứ cá lụn vụn đó. Bà ngồi suốt buổi sáng, làm sạch mớ cá, kho một nồi thật to. Cứ nghĩ đứa nào ghé về, bà sẽ kêu tụi nó mang về nhà ăn đã ghiền.

Cá kho khô, chắc bà cho hơi nhiều ớt, nên chiều nay, lúc ăn cơm, bà thấy cay xè, nước mắt chỉ muốn ứa ra. Già rồi, đến sức ăn cay cũng giảm. Bà lấy khăn chặm giọt nước mắt vừa ứa ra, nghe gió ngoài trời thổi ràn rạt qua ô cửa. Mấy nay mưa nhiều, ô cửa đã bắt đầu phủ một lớp rêu xanh. Đám rêu xanh mướt, lú nhú, mềm mướt. Lúc sáng, khi ngồi bên ô cửa, bà già thấy mấy cụm rêu mềm mềm, mượt mượt. Lẽ ra, bà đã đưa tay gạt đám rêu ấy đi, nhưng rồi bà vẫn để chúng nằm đấy. Chỉ sợ mấy ngày tới có nắng, đám rêu ấy chắc là héo rũ mất. Bà già nghĩ ngợi khi thấy mấy con chim đậu lên ô cửa. Đôi mắt tròn xoe nhìn bà chờ đợi. Bà vội vã xuống bếp, lấy nắm gạo đặt trên ô cửa có những vết rêu xanh.

LÊ HÀ

Rong rêu – Trung Học Chợ Lách