Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Chuyện con Hến


GỬI NẮNG CHO EM

Nhớ Hến ?!

Nhớ lại cảnh quê xưa,
Nhớ cơm ngày mẹ nấu...
Bao cực khổ sớm trưa,
Mồ hôi tuôn đẫm áo.
Hến xưa cứu đói bao người,
Nâng đời cơ cực tạo đời sống vui..!
Vỗ về quên bản thân thôi,
Biết bao kỹ niệm xa xôi trong đời ?
Giờ đây có nụ cười tươi,
Có ai còn nhớ "kiếp người" thuở xưa ?!
NM

Hến làng thuở ấy

Trước khi viết về con hến, thiết nghĩ cũng nên tào lao mấy chuyện về mấy loài nhuyễn thể dưới đáy sông.

Trước năm tám tuổi, khi còn ở phố, tôi chỉ biết có loài hến. Mạ đi chợ về, đổ hến ra cái thau, hến nằm ngổn ngang màu vàng vàng đen đen, tròn tròn, to bằng ngón tay cái. Ngâm một buổi thì những con hến thè cái lưỡi màu sáng xanh ra ngoài, như nếm thử cái thứ nước trong thau có uống được không, mà cũng có thể là nó đang thở. Những cái lưỡi mảnh mai ấy, có thể xem miệt mài không dứt, như thể chúng đang vẽ những bức tranh bí mật. Nhiều khi tò mò, tôi thò cả ngón tay chạm vào cái lưỡi mảnh mai ấy, lũ hến lập tức rụt cổ, khép chặt miệng lại… Cũng nhiều khi tôi thử nhưng cũng có những con không chịu khép, phải đứng dậy giơ chân đá cái thau một phát, chúng mới chịu khép miệng lại, như thể vừa có một trận động đất mù khơi…
Nhưng sau tám tuổi, sau 1975, cả nhà tôi rời phố về làng, chiều chiều tôi đi theo lũ bạn chăn trâu, mới biết trong bãi trâu nẹp tắm táp buổi chiều, có thêm một loài nhuyễn thể rất lớn, lớn có khi bằng cả bàn tay con nít, đó là con bọp bọp. Thuở ấy không ai ăn bọp bọp, vì thế chúng sinh sôi rất nhiều, cứ dẫm chân xuống bùn là bắt được. Từng chiều lẽo đẽo đi theo đuôi trâu dưới bãi sông, tôi bắt được hàng chục con, hình dài dài, màu đen đen. Vỏ ngoài xù xì xấu xí tàn tệ, nhưng tách đôi thân chúng ra, bên trong lại óng ánh long lanh mang một thế giới sắc màu khác hẳn. Như thể nó đang vẽ một bức tranh lạ lùng, hay tạo hóa bí mật giao bức tranh kỳ lạ cho chúng cất giữ.
Vài năm sau lớn lên, tôi đã thử tìm dọc bờ sông, nhưng không hề thấy chúng ở đâu khác, cơ hồ như cả con sông, chỉ có bãi trâu nẹp từng chiều mới có loài bọp bọp ấy. Có lẽ ở bến trâu mẹp ấy, mới có loài bọp bọp, và chúng đã ăn bùn phân trâu mà lớn.
Cũng từ khi biết đến nhà hàng ở phố, lại biết thêm loài nhuyễn thể có tên là trìa, trìa hấp sả, trìa nướng, trìa xáo rau răm, trìa nấu canh kiểu Thái Lan… Độ nhậu nào tôi cũng thích gọi món trìa, thơm tho mùi sả chanh, húp muỗng nước thấy lòng dạ nở nang như chính con trìa nó hiểu được thấu ruột gan mình. Rồi là bao nhiêu thứ sò, sò lụa, sò lông, sò huyết… Ăn sò, đừng dại đổ tất tật vào nồi. Cứ lấy một cái xoong đặt lên bếp lửa, cho chai bia vào, thêm ít ớt gừng tỏi, ăn con nào nhúng vào nước sôi con ấy, chín vừa tới gắp ra, ăn ngọt và nóng bỏng lưỡi, hết cuộc nhậu nhiều khi vẫn còn vài con sò sống trên dĩa, mà miệng mồm đã ca hát tung trời…
Nhưng vì sao lại là hến ám ảnh chứ không là những loài hai mảnh đắt tiền khác? Không phải vì Huế có món cơm hến được coi là món ăn dưỡng sinh số một rau nhiều thịt ít, đến mức nó đã được làm khô như mì ăn liền, gọi là cơm hến ăn liền. Cơm hến ăn ngon chủ yếu nhờ cái nước ngọt lừ, cơm hến ăn liền dù cố công lọc ruốt nhiều chi đi nữa, cũng nhạt thếch vô hồi, như là thứ để người xa Huế có chút hương vị để đỡ nhớ quê xưa…
Nhắc đến hến vì như thể nó đã di cư vào trí óc tôi và nhiều người trong làng, nằm lì ở đó, lập khu tự trị, từ những ngày ấu thơ. Đơn giản bởi hến là loài cứu đói. Những năm làng đói, trước sau 1980, mấy nghìn cái miệng háu đói của làng nằm trên những thân xác xơ rơ, như thể giơ cả xương ra nắng mặt trời, lòi hết cả sắc màu tím tái trong mưa lạnh mùa đông. Mấy nghìn cái miệng ăn hết cả đồng lúa vặt vẹo, ăn hết cả đồng khoai đồng sắn, ăn hết cả bao nhiêu rặng măng tre, ăn hết cả rau dại, củ chuối, bắp ngô xay hạt cứng hầm đến ba ngày ba đêm không nhừ... Kể lúa bắp khoai sắn cho nhiều, chứ hồi đó làm hợp tác xã, làm tập đoàn, hết mùa là hết lúa hết bắp, lấy đâu ra mà ăn. Thuở đó trong cơn đói, làng ăn như một cơn lốc, đi tới đâu sạch sành sanh thức ăn đến đó. Đến mức tới bữa ăn, chỉ còn một nồi nước sôi lõng bõng, rau tập tàng xắt nhuyễn thả vào, rồi rưới bột sắn vào khuấy lên, nhà có điều kiện còn thêm tí ruốt tí mỡ cho thơm, nhà con đông nghèo kiết xác chỉ việc vậy thôi, dắt xoong xuống bếp, cả chục cái mông kê đòn tre lết lại ngồi quanh, giơ chén chờ người phụ nữ đảm đang múc lưng bát mà húp xì xà xì xoạch… Nhớ lại những cảnh này, không khi nào tôi không khóc, người bồn chồn đứng lên ngồi xuống như mình vừa xem xong cuốn phim chưa bao giờ thấy chiếu trên màn hình, mà đạo diễn đã vứt nó đi đâu.
Một hè nọ, ăn sạch sành sanh các thứ, mấy nghìn cái miệng trong làng ngơ ngác. Chợt một người nhớ ra, dưới sông có hến rất nhiều, cả một mỏ hến âm thầm nằm ở đáy sông chưa được khai quật. Thế là nhà nhà mang rổ rá xuống sông lặn hụp. Hít một hơi lặn xuống, dí vành rổ vào đáy sông, lùa bùn vào, bưng cả cái rổ bùn lên đảo sách, trơ ra những con hến nón hến tra, đổ cả lũ vào thau vào nồi. Sông Bồ dạo ấy trong vắt, từng sáng từng chiều bỗng đục ngầu vì người ta thi nhau lặn hến. Nhiều khi chỉ lặn có một tiếng đồng hồ, thằng con nít mười hai tuổi như tôi mà cũng lấy được một thau hến đầy. Không chỉ đàn ông, đàn bà cũng đi lặn hến, nước sông đánh lật cả mấy tà áo và đám tóc dài xõa lòa xòa dưới sông như rong cỏ nước lùa…
Hến đem về nấu canh rau muống, canh dưa chuối, xào rau bí, xào môn, xào mướp đắng mướp ngọt… Qua ngày qua ngày qua ngày. Làng như tươi lại, mấy cái miệng câm nín như hến bỗng nhiên nở được nụ cười tưởng đã bị nỗi sầu ảm đạm cơm áo cuốn đi. Thức ăn từ đó cơ hồ cái gì cũng cho hến vào. Nhưng ngon nhất có lẽ món cháo hến nấu sắn. Sắn củ vừa nhổ xong, lấy bàn mài mài thành sợi, rồi nấu cháo hến như nấu cháo hến với gạo, xắt thêm mấy cọng lá sân, lá lốt, có hành ngò là thành món ngon vĩ đại. Thơm nưng nức, thơm nở nang, thơm như ai nông cả cái mũi mình ra để mà thốc cái mùi thơm vào, tha hồ hít hà. Sắn thường khi ăn nghẹn đến mấy tầng mây, giờ trôi vào cổ họng như uống cốc nước chanh mùa hè, có khi còn hơn thế nữa…
Mười bốn tuổi tôi xa làng lên phố, tưởng xa được cái đói, ai ngờ bếp ăn học sinh trường chuyên còn đói hơn, bữa ăn toàn sắn lát khô cứng ngắc hầm cả tấn than đá cũng không chịu mềm cho, phải vứt hết ra bàn ăn mà liếm mấy hạt cơm, người thắt lại như sợi dây, đau ốm vặt vẹo, vậy là lại về làng, rau cỏ sang ngày mà vẫn hồi sức, chắc chắn là nhờ có hến.
O tôi nói, sau này tụi bây sinh con nhớ đặt tên là Hến. Hến Chị, Hến Em, Hến Đen, Hến Vàng…, mấy cái tên cũng hay đó chứ, hơn đứt mấy cái tên xưa: Trâu, Chó, Bẹp Chị, Bẹp Em, Đùm Anh, Đùm Em… Ấy vậy mà khi tôi sinh con, không dám đặt tên Hến cho đứa nào.
Có thể tôi xấu hổ cho con vì mấy cái tên đó không còn hợp thời, cũng có thể tôi quên bẵng đi cái chuyện đặt tên Hến sau bao nhiêu ngày lang thang tang bồng cho đến khi viết mấy dòng này mới nhớ ra, mà cũng có thể tôi đành đoạn dứt bỏ quá khứ một thời ảm đạm với cái đói quay quắt. Ai mà biết được, tôi còn không biết huống hồ ai…
29/8/2016
Phù Sinh
(SHSDB22/09-2016)
Gởi chút nắng,
Gởi chút nắng cho sông,
Gởi chút tình cho Đủi...
Quay nhìn ra lối nhỏ,
Thương lắm phận đời trôi!

Cũng vẫn rặng tre dài,
Cùng lối đi bằng đất.
Nỗi buồn nào chất ngất ?
Thầm hỏi ai nhớ ai ?!

Trên sông chỉ còn nắng,
Không dạt lục bình trôi...
Ngày về thôi xa vắng,
Chỉ còn nhung nhớ thôi !!
NM

Gửi nắng cho sông

- Chiều nay dì Tư sao không ra bãi cào hến?
Hoàng hỏi người phụ nữ đang vãi thóc cho bầy gà nơi gốc ổi mà mắt vẫn nhìn ra mặt sông loáng nắng rồi chậm rãi mồi thuốc. Cũng bình thản như Hoàng, dì Tư đập nhẹ vành thúng cho rơi hết những hạt bên trong trước khi đem ra chái nhà lợp bằng lá dừa để cất. Lúc quay lại, mắt nhìn ra sông, miệng trách:
- Thằng hỏi lạ, mùa này nước lớn làm gì có dắt, hến.
- Ừ há, con quên.

Gửi nắng cho song - Truyện ngắn Thạch Thảo

Hoàng cười khỏa lấp, mắt vẫn nhìn sông. Mùa này nước đang lên cao, không rõ nước sông hay nước biển tràn vào. Đợt lũ vừa rồi còn đọng lại vệt bùn ngang gốc ô rô, phủ qua đám cóc kèn hoa trắng, vài vũng bùn còn đóng váng nơi Hoàng ngồi.

- Chừng nào mày vào trỏng?

- Mai giỗ nội, mốt con đi, đợt này chắc lâu về nghe dì Tư.

Không nghe nói gì, Hoàng quay nhìn thì dì Tư đã vô trong nhà. Anh lại nhìn sông, nắng chiều lấp lóa đổ dài, nước vẫn xuôi xuôi về phía cây cầu có từng nhịp đôi bờ đang xây dở. Bên kia là phố, gần lắm, thấy rõ từng mái nhà và cả người qua lại, cả màu sắc quần áo, xe cộ. Còn bên nay, là doi cát phù sa rộng nằm giữa hai nhánh sông. Đoạn cuối doi cát là xóm Đủi, nơi Hoàng đang ngồi, đang nghe óc ách sóng vỗ bờ. Ban đầu, anh phì cười vì cái tên xóm hơi kỳ cục. Mãi sau mới biết, xóm Nhủi nhưng bị đọc lệch âm ngữ. Nhủi là từ dành cho dân cào dắt, hến lúc nước ròng kéo nhau ra bãi sông nhủi cát. Cái nghề tận cùng sông nước đầy cực nhọc mà đợi từng dòng cạn là khom người mò mẫm từng vốc cát cho vào thúng mủng sàng lọc bắt hến; người ngâm trong nước da dẻ bợt bạc, áo quần mốc thếch, miệng mũi luôn cận kề mặt sóng vỗ ì oạp. Sau nhủi là cào sạn, cũng ghe với thúng. Xóm Sạn thì ở xa ngái trên kia, vẫn đợi mùa nước cạn để vào mùa nhưng chỉ dành cho đàn ông sức khỏe vững chãi kẻo sụp hầm, mà sông sau mỗi mùa lũ xuất hiện vô vàn hầm hố như địa võng để sạn trôi về lắng vào trong ấy.

Hoàng đưa mắt nhìn bụi tre có ang nước gắn chiếc gáo dừa bên bụi chuối đang phe phẩy tàu lá rồi nhìn chiếc ghe đi ngang có đôi vợ chồng đang cúi người kẻ chèo, kẻ múc nước khuôn mặt khuất trong nón lá. Gần mười năm kể từ lần biết dì Tư thì bên này vẫn vậy, còn bên kia nhà áp liền sông với bờ kè đá hộc vững chải, bởi nơi ấy là đất phố.

- Trong đó mày hay gặp cha Sáu cà lết? - Dì Tư đã ra đứng bên Hoàng.

- Có mỗi đận con xuống An Hiệp, ổng nhắc dì hoài, hình như...nhớ dì dữ lắm! - Hoàng cười cười nheo mắt nói thêm:

- Ổng gửi cho dì chai dầu dừa vì tóc dì làm ổng nhớ hoài, cứ dùng thả ga đừng để dành như mắm...

- Quỉ tha ma bắt mầy nghe Hoàng!

Hoàng bật cười khà khi thấy dì Tư đang đỏ mặt, lúng túng xua bầy gà con đang theo mẹ vào tận chân võng nơi dì ngồi.

- Thiệt mà dì, con để trong xách kìa.

Không nhìn dì Tư đang cúi mặt, một tay nắm quai võng, một tay đưa lên mái tóc đã nhuốm bạc. Hoàng quay nhìn ra lối ngõ, cũng rặng tre dài, cũng lối đi bằng đất nện đến sát thềm gạch có hàng so đũa kề giàn đậu ngự. Bao nhiêu năm rồi ở đây vẫn vậy, có khác là mái ngói đỏ thay mái tranh ngày cũ. Thoảng trong gió, tiếng dì Tư ngập ngừng hỏi Hoàng:

- Ổng khỏe không mầy?

- Dạ, bình thường, vẫn lai rai ba xị và nhắc dì hoài chuyện...ngày xưa xa lắc.

* ***

Trên chuyến tàu từ thành phố về quê nhà, Hoàng cùng chú Sáu ngồi cạnh nhau nơi băng ghế. Thời ấy, cũng chẳng lâu mà tàu chạy cà rịch cà tang đến ga nào cũng dừng, chờ đỏ mắt mới kéo còi chạy. May mà có chú Sáu chuyện trò nên anh quên cảm giác mệt mỏi, quên thời gian dài lê thê của cuộc hành trình. Té ra, chú Sáu từng ở vùng đất Hoàng sinh ra nơi có dòng sông và tháp cổ. Còn giờ thì chú ở tận Bến Tre nơi dòng Hàm Luông và những vườn dừa.

- Qua từng ở vùng đất của cậu, lúc ấy qua là lính chủ lực xuống đồng bằng phối hợp với địa phương đánh địch.

- Vậy lần này chú về ngoài ấy thăm đồng đội và chiến trường xưa? - Hoàng hỏi.

Chú Sáu chỉ cười nhẹ rồi kéo cao ống quần chỉ nơi khoeo chân có vết sẹo dài nhăn nhúm, nói nhỏ :

- Kỷ niệm vùng đất của cậu !

Hoàng gật gù nghĩ thầm con người này đi một chặng đường dài vất vả, chắc kỷ niệm nhiều và anh cũng ái ngại nhưng chú Sáu cắt ngang suy nghĩ của anh, ổng gật gù:

- Vết sẹo này trong đợt đánh cầu sông Chùa. Bên trên lính ngụy ném cả chùm lựu đạn, tôi dính chấu thả trôi người về cửa sông. Đêm ấy nước đang ròng nên tấp vào ven bờ có nhà dân nên chết hụt!

- Đợt trước mầy mang lọ mắm hến có dặn ổng nút kỹ để dành ăn dần không? - Dì Tư nheo mắt hỏi.

- Có, chú Sáu ăn cả tháng, khen tít mù, mùi mẫn như xuống xề điệu cải lương Lan và Điệp hồi kết. - Hoàng cười nhìn dì Tư đang đỏ mặt quay nhìn ra sông.

- Lần này mầy đi lại không có hến, năm nay nước lớn, lạ thiệt nghe.

Hoàng nhìn ra sông, không một dề lục bình trôi ngang như sông trong chú Sáu mà chỉ có nắng trải dài, anh nói bâng quơ:

- Thì dì gửi cái gì cho ổng cũng được, nhưng đừng gửi nỗi lòng thì con chịu, không mang nổi đâu!

- Cái thằng! Thôi lại võng nằm nghỉ, tao vào bếp một lát.

Khi chia tay ở sân ga, Hoàng cho chú Sáu địa chỉ nhà mình, dặn chú nhớ tới để anh đưa đi thăm thú phố thị. Chú Sáu gật đầu, tấp tểnh bước vai như lệch sang một phía dù chiếc ba lô màu cỏ úa phía đối diện cũng không cân bằng. Ba hôm sau, Hoàng mang giá vẽ, cọ màu sang sông tìm cảnh cho bức tranh anh dự định phác thảo. Lúc ở bến sông, anh chợt trông thấy chú Sáu trong nhóm người đợi đò.

- Kìa chú Sáu, chú qua sông à?

Chú Sáu lại tay xách nách mang các bịch nhựa miệng cười tươi rói khác hẳn lúc ngồi tàu:

- Ủa, là cậu. Qua sang đò về xóm Đủi, định hôm nào ghé nhà cậu rồi lên tàu vào trong ấy cho tiện.

Hoàng theo chú Sáu về doi cát bồi, con đường dọc theo triền sông là những rặng tre, các khu vườn trồng rau đậu được ngăn cách từng bờ rào dâm bụt đầy tĩnh lặng, mát rười rượi. Thú thực, từ nhỏ đến giờ, Hoàng chưa bao giờ đặt chân vào xóm bãi bồi này, anh chỉ qua làng rau và đi sang sông Ba nơi có những soi dưa, bãi mía lúc còn đi học. Trong trí tưởng của Hoàng là xóm Đủi, nơi có những ngôi nhà thấp nhỏ khuất trong các rặng cây um tùm biệt lập là những người dân lang bạt tụ về, ngày ngày vác nhủi cùng thúng mủng cào hến, bắt dắt. Giờ mới biết, xóm Đủi thiệt đẹp, thiệt yên bình dù cách con phố ồn ào xe cộ chỉ một quãng sông. Chú Sáu chỉ tay lên phía trên, nơi xa xa kia là cầu ba nhịp, bảo trong tiếng gió, tiếng vỗ sóng bờ sông đầy nắng:

- Qua dính chấu chỗ cầu ấy, buông bộc phá thả trôi người về tận dưới này. Cả đêm ôm gốc ô rô dập dềnh trong nước, gà gáy sáng có người ra ghe thấy nên cõng vào. Đây, nhà nầy...

Và Hoàng quen dì Tư, người đàn bà nhỏ nhắn với nụ cười hiền, bẽn lẽn như con gái, ánh mắt như nắng chiều mặt sông cứ lấp lánh lấp lánh bên chú Sáu. Ba ngày liền, Hoàng hối hả phác thảo trên giấy với sông nước, con đường ủ bóng rặng tre, những khu vườn yên tĩnh... Bức đầu tiên là dưới gốc khế gãy ngọn gần giếng kề lu nước nhỏ, chú Sáu đang ngồi trên võng chải tóc cho dì Tư ngồi trên chiếc đòn kê cùng bầy gà con chạy quẩn quanh, phía sau là một dòng sông loáng nắng (riêng cảnh này phải mất cả buổi để năn nỉ hai người và phác thảo thật nhanh), Hoàng được đánh giá cao bức tranh mang tựa Hạnh phúc trong buổi tốt nghiệp và lập tức mang về ngay Bến Tre gặp chú Sáu.

- Hôm làm mẫu giúp cậu vẽ, qua ngượng với cô ấy lắm.

- Nhưng sao con thấy hai người cũng tự nhiên ra phết, lại cười duyên với nhau mới chết chớ! Mà công nhận là tóc dì Tư đẹp thiệt nghe, dài mượt; khiến chú lóng ngóng vuốt mãi -Hoàng pha trò.

- Thật ra, qua cũng từng ngồi bên cô ấy vào những đêm yên tĩnh chỉ có hai người, nhưng chỉ vuốt tóc rồi thôi. Phải nói mãi, bảo giúp cậu vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và cứ nhớ cái thời ấy, là ngon lành!

...Cái đận chú Sáu tấp vào căn nhà dì Tư thì người phát hiện là ba của dì. Đêm ấy, khu vực cầu sắt sáng trắng đèn với lính hải thuyền bủa vây cùng bo bo lùng sục nên ông biết, đặc công đánh cầu nhưng thất bại. Mờ sáng, ông ra tháo ghe định cất kẻo lính đi càn ngứa tay bắn thủng thì gặp chú Sáu đã lạnh cóng. Ông cõng người lính ra bờ tre có hầm bí mật nơi từng giấu người anh dì Tư trốn lính đợi cơ sở hợp pháp đưa lên cứ. Cả tháng trời, gia đình dì Tư thuốc men chăm sóc chú Sáu thì thời gian ấy, tình cảm hai người đã bền chặt.

- Lúc qua đi theo tuyến hợp pháp, cô ấy trông theo mãi. Thiệt với cậu, khi vừa bốn tuổi đã theo gia đình tập kết, được ăn học rồi tình nguyện về Nam chớ chưa biết yêu đương gì. Qua nghĩ, sau giải phóng sẽ về xóm Đủi với cô ấy, chứ trong này đâu hình dung nổi vì lúc ấy nhỏ quá. Vậy mà, qua lại phải ở nơi này đến giờ.

****

Hoàng vẫn nhớ, lúc anh về An Hiệp gặp chú Sáu trong căn nhà ba gian hai chái lợp ngói âm dương, một con lộ tiếp giáp dòng kênh mà nơi này kênh rạch chằng chịt, đâu đâu cũng dừa là dừa, dừa ta dừa nước rợp bóng mát. Chú Sáu nhận từ tay Hoàng bức tranh Hạnh phúc với gương mặt rạng ngời ban đầu nhưng thoáng chốc lại đượm buồn nếu không nói là đỏ hoe mắt. Đêm ấy nơi góc sân cũng có một ang nước cắm chiếc gáo dừa, cũng con đường nhỏ đi xuống một dòng sông lộng gió. Món lẩu cá kèo sôi sùng sục bên rổ rau cao ngọn như cảm nhận mùi hương đồng gió nội của miệt vườn ngào ngạt. Đặt món cá kèo nướng vào chén, thêm đũa mắm hến của dì Tư cho hương vị đậm đà rồi nâng ly rượu, chú Sáu nói:

- Thật tình qua có lỗi với bả, chỉ một câu nói thôi trong một đêm nhiều sao trời "Đợi anh về nghe Tư" làm người ta đợi cả đời. Sau giải phóng, qua nghĩ chưa thấu đáo, cứ nghĩ mình thương tật sẽ làm khổ bà ấy nên trù trừ mãi rồi lại ngã bệnh mới ớn chớ, bệnh trên rừng về, đành thôi. Lâu lâu ra thăm thấy tồi tội. Cha bả mất đợt lũ, anh trai thì hy sinh trên đường về làng, dính Mỹ phục, còn má thì có biết mặt đâu, chết tám hoánh đời trào lúc bả vừa lên ba tuổi.

Giọng chú Sáu như người ngạt mũi làm Hoàng thấy nao người. Ly rượu cứ nâng lên đặt xuống, tai lắng nghe tiếng tàu dừa cọ xoàn xoạt trong gió và xa kia, nơi bờ sông tịnh không có tiếng gõ cá mạn thuyền như dòng sông ngoài ấy. Chú Sáu nói nhỏ hơn khẽ chao trong gió:

- Thiệt nghe Hoàng, lúc ở bên bả, qua thương nhứt là mái tóc. Chao, dài suông đuột mềm mại chảy qua lưng. Môi cắn chỉ nữa chớ, đỏ lìm lịm, cứ nghĩ là giòn rụm nếu bập vào, vậy mà hổng dám! Còn nữa nghe mày, cái eo nhỏ, cứ giần giật...!

Hoàng sặc cười, không khí trở lại dễ chịu khi chú Sáu nhe răng, khua khua bàn tay:

- Khi về trong này, qua vào Hợp tác xã chế biến dầu dừa liền nghe. Biết sao hông? Làm dầu dừa để gửi bả bôi tóc chớ sao! Nói thiệt nghe, tay nhạc sĩ viết bài Dáng đứng Bến Tre, tới đoạn "Nhớ tóc ai dài..." là tao nghẹn vì nhớ. Vậy mà suốt ngày ở đây, làng trên xóm dưới cứ mở loa đài, ti vi máy hát ra rả ca hoài bài ấy, nghe mãi có điên không?! Bây giờ nhà qua chỉ còn mình qua, nhà đã cổ còn người thì cũ, dặt dẹo ra vô, buồn không? Thôi, để qua vào lấy thêm con khô sặc, tụi mình sương sương đến sáng rồi qua đưa ra bến, lên trển.

- Nè, ngồi dậy ăn chè đậu cho mát nghe Hoàng. Đợt này, kiếm được con nhỏ nào ra hồn chưa, đừng như cha Sáu cà lết, khổ đời...!

Hoàng đang lơ mơ nhớ chú Sáu liền ngước lên nhìn dì Tư, cười cười hỏi :

- Có ăn giùm cho ai nữa không dì?

- Có, cho ổng nữa, hồi ấy ổng ưa món này lắm, đòi ăn hoài. Đang nằm hầm mà cứ ngóng qua lỗ thông hơi nhìn tao hái đậu ngự, để đêm... - Dì Tư lại đỏ mặt ngừng lời, với tay kẹp lại mái tóc thành búi rồi cui cúi múc chè ra chén.

- Bây giờ, giả như chú Sáu lại nằm như thời trước thì dì có nấu cho ổng không?

- Khỏi, sức vóc ổng trời đánh bảy búa cũng không chết, dân đặc công là lì số một. Lúc ấy ổng cao ráo đẹp trai hơn mày nhiều, mà lại hay mắc cỡ nữa, rõ tội thân ổng !

Hoàng quay nhìn sông, nắng đã nhạt dần, cơn nồm nam đi qua nhường gió từ biển đổ vào lành lạnh. Anh muốn kể dì Tư câu chuyện, một câu chuyện đầy đủ ngọn ngành để kết thúc trọn vẹn nhưng lựa lời mãi mà không nói lên được. Gói thuốc mang theo Hoàng đốt liên tục vậy mà khi nhìn dì Tư ra vô trước mặt, anh lại quay người ra sông.

- Có gì định nói hả Hoàng, thấy mặt mày thẫn thờ dữ? - Dì Tư gạn hỏi sau khi gội đầu ra ngồi bên anh xõa tóc nhờ gió sông thổi vào hong khô. Trong mùi thơm lá dứa phảng phất, Hoàng nhẹ lắc đầu:

- Chẳng có gì, con hơi mệt vì đêm qua mất ngủ.

...Cách đây hai tháng, chú Sáu gọi điện lên cho Hoàng bảo rảnh xuống chú chơi và gặp có chút việc. Vậy mà hơn tháng sau, Hoàng mới có dịp đặt chân vào ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói âm dương. Nhà quạnh quẽ vương vãi xác lá trên sân gạch, con mực sủa lên vài tiếng rồi nhận ra Hoàng liền vẫy đuôi mừng rỡ. Thằng Đen nhà bên vạch hàng rào chui qua tới bên anh nó hít hít lỗ mũi thò lò rồi đưa tay quệt ngang sẵn tiện chùi vào chiếc quần cộc cáu bẩn. Cu Đen nhe răng sún nói liến thắng:

- Chú Hoàng đã về, ông Sáu ngóng mãi, giờ ổng ở trên nhà thương ấy!

Hoàng vội vã kêu xe đến bệnh viện, phòng hồi sức vắng người nên anh nhìn ra chú Sáu nằm tận cuối phòng với bình dung dịch nhỏ giọt. Anh sững sờ thốt nhỏ; mới đây mà người chú gầy sộp, da vàng chái, mái tóc bạc và rụng quá nửa, bụng lõm lòng thuyền thở nhẹ qua làn áo mỏng của bệnh viện. Mắt chú Sáu từ từ hé mở rồi định hình khuôn mặt người đối diện. Bàn tay gầy khô lạnh nắm lấy tay Hoàng lắc nhẹ với nụ cười mệt mỏi. Anh kéo ghế ngồi sát bên chú Sáu.

- Mới xuống hả Hoàng?

Hoàng ngường ngượng gật đầu và bật lên lý do không thể không nói dối:

- Dạ. Có nghe chú nhắn nhưng con kẹt công tác ngoài Trung sẵn tiện về thăm nhà luôn.

Gương mặt chú Sáu hiện rõ nét vui như có ý hỏi nên Hoàng vội trả lời:

- Con có qua sông sang xóm Đủi thăm dì Tư. Dì ấy nhắc chú hoài, bảo lâu rồi chú không ra mà nhận chai mắm hến!

Chú Sáu gật đầu miệng méo xệch, mặt nhăn nhúm, nói đùa đùa:

- Ừ, hôm nào qua khỏe hẵng tính. Vào viện cả tháng mà chưa thấy đỡ, lúc hồi sức, lúc chuyển nội rồi tiết niệu, người bã ra như con mắm hến!

Người y tá đang đi lại phía giường chú Sáu, trên tay là chiếc bơm tiêm chứa dung dịch màu đỏ. Hoàng đứng lên nhường chỗ lúc chú Sáu nắm tay anh lay lay "Ngồi với qua một lát nghe Hoàng" - "Được mà, con sẽ ở với chú cả đêm nay". Hoàng ra mái hiên phòng bệnh, nhìn con đường phủ trong màn mưa, mưa miền trong khác mùa mưa quê anh, cả mùa nước nổi cũng khác mùa lũ ngoài ấy, nó cách nhau khoảng thời gian bằng mùa hạ với mùa đông. Bây giờ, quê Hoàng bắt đầu cho một mùa nắng và dòng sông lấp lánh ánh vàng trải trên từng doi cát đang dần lộ với cơn nước ròng vào mùa. Bất chợt, Hoàng nhớ dì Tư.

- ...Thật với cậu, khi lên cứ qua không còn bên đặc công vì cẳng giò ngon lành đâu mà đánh đấm, nên sang đội sản xuất. Thôi thì, chờ lúc đi ra Bắc kiếm cái chữ nhưng khi ấy đang ác liệt không có người, đi cũng dở. Mùa khô 72 địch cắt các tuyến đường nối đồng bằng nên đói dữ, lại bị chất phát quang khiến cây trụi lá, trơ cành. Nơi sản xuất trong khe núi rau, sắn chết úng nhưng đau nhất là thiếu muối làm đơn vị đói lẩy bẩy đi bươi móc nát cả rừng rú, khe suối. Vậy mà địch càn mới ác chớ, nó đổ quân cấp tập đủ sắc lính, màu da như biết mình đang mờ mắt vì đói. Vậy là, áp sát địch mà đánh, đánh say sưa nếu không cũng chết, mà đói cũng chết, cứ kiếm chiến lợi phẩm cái đã. Một lần, vắng máy bay, qua đi dọc theo con suối cạn, phát hiện chiếc thùng ống tròn kẹt trong gộp đá. Mừng suýt khóc liền gọi cả tiểu đội khiêng về. Cứ nghĩ, bọn Mỹ thả cho quân nó. Mà khi ấy có thằng nào biết con chữ đâu mà lần. Cạy tung ra, toàn bột trắng, tiểu đội sợ chất độc nên mang đổ ra suối chỉ lấy vỏ thùng đựng lương thực. Cái chết dần đến trong thẩm thấu, cậu à. Vì mãi sau này, mới hay khi ấy máy bay rải chất phát quang đã đời thì nó lại ném lăn lóc trước khi về căn cứ ngoài biển.

Chú Sáu uất nghẹn hực lên trong cổ, người chú đang sốt kéo dài, mồ hôi vã dầm dề dù bên ngoài mưa rơi, gió rít không dứt. Hoàng dùng khăn ướt đặt lên trán chú và bảo chú ngủ một lát. Nhưng chú Sáu mắt vẫn mở to, giọng ráo hảnh, nói rõ từng lời:

- Hơn hai mươi năm sau đận giải phóng, chất Dioxin quái ác đã phát tán khiến cả tiểu đội lần lượt đưa tiễn từng người một, khổ thân nhất là những đứa có gia đình, con cái. Qua là người bị phơi nhiễm cuối cùng nên chẳng còn ai chia tay mình cả. Đận 72 ấy, gia đình qua ngoài Hà Nội không thể sơ tán nên bị bom cào sạch tại phố Khâm Thiên, còn mình thì dính bệnh trên rừng. Người con gái bên dòng sông quê cậu đã luôn neo giữ hình ảnh của qua là một người lính đặc công kiêu hùng, càng không thể để cô ấy biết và không thể gặp mãi. Muộn hết cả rồi, lỡ nghĩa, dứt tình hết cả rồi. Gọi cậu xuống là để cậu mang bức tranh về cho cô ấy, nói khéo là tôi bận đi xa nên nhờ giữ lại kỷ niệm của hai người. Khi nãy cha thằng Đen gói cẩn thận cùng chai dầu dừa, nhớ nói là qua vẫn...

Hoàng nghẹn nghẹn khóc nhỏ lúc chú Sáu nới lỏng tay Hoàng để chìm vào giấc ngủ, khuôn mặt vẫn hằn nét đau đớn buồn bã. Mờ sáng, Hoàng ra bến trong màn mưa phủ mờ. Lúc sang phà Rạch Miễu, dòng sông trắng xóa vì mưa chang đổ. Anh nhìn về nơi chú Sáu từng ở kề dòng Hàm Luông. Chịu. Mưa đang trôi qua sông, kéo từng dề lục bình dập dềnh mải miết xuôi về các hướng.

*****

Rất khuya, Hoàng mới đứng lên từ giã dì Tư sau khi nói khéo để gửi lại bức tranh. Một thoáng linh cảm vụt qua trong mắt dì và bàn tay cào hến ven sông kia, vẫn đẹp nuột nà đang khẽ run rẩy. Anh bước ra cửa, nhìn dòng sông lặng lờ yên chảy. Đã thôi không còn tiếng gõ cá mạn thuyền, không còn những ánh đèn câu le lói sáng tắt. Trời đứng gió không gợn mây hiện hằng hà sa số những vì sao nhấp nháy trên bầu trời tĩnh lặng. Dì Tư tiễn Hoàng ra đầu ngõ, anh nắm nhẹ tay dì nói nhỏ "Con sẽ mang cái nắng vàng của dòng sông vào cho chú Sáu...". Dì im lặng lúc lâu rồi bảo "Ừ, cho dì gửi lời thăm ông ấy, ráng giữ sức khỏe để hẹn một mùa hến...". Hoàng quay đi, và vẫn biết dì đang nhìn theo bóng Hoàng đến khi khuất hẳn vào lối rẽ. Anh lại ứa nước mắt. Sáng nay, cha của cu Đen đã gọi cho anh: Chú Sáu đã mất ngay giữa mùa mưa tuôn đổ trên dòng Hàm Luông...

Hình như, trên bầu trời tĩnh lặng đầy sao sáng kia, văng vẳng tiếng vạc sang sông gọi bầy da diết...

Thạch Thảo

 Cháo Hến Ngày Mưa

    Mưa “chính vụ” ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ tháng bảy dương lịch. Mây mưa, gió thường xuất phát từ hướng Nam, nên dân gian gọi là mưa Nam.
    Mùa gió Nồm (gió Tây Nam), hễ trời chuyển là mưa đến rất nhanh. Mưa bất chợt. Hồi nắng, hồi mưa, nhiều khi suốt ngày hoặc kéo dài cả tuần! Đôi lúc “hưỡn” việc, chợt nhớ quê kiểng, rồi nhớ sao những món ăn mẹ hay xào nấu cho mình ăn ngày mưa gió, không đi chợ được! Cháo hến ngày mưa có lẽ sẽ nhắc cho ta nhớ nhiều về tuổi thơ!
    Dưới lòng sông rạch miền Tây có rất nhiều hến. Hến là loài nhuyễn thể thuộc họ sò. Hến trung bình to cỡ đầu ngón tay giữa, sống dưới lớp bùn, sỏi ở đáy sông, hấp thụ vi sinh vật trong nước. Những người chuyên sống nghề “hạ bạc”, có ghe cào hến, họ thiết kế những bàn cào răng bằng sắt, thưa hơn mình hến đôi chút, sau dàn cào là một bao lưới mắt nhỏ để giữ hến lại, khi kéo dàn cào này dưới đáy sông, bao nhiêu sỏi, hến... đều vào lưới, nước thoát ra ngoài. Mẹ và chị tôi thì khỏi cần giàn cào! Chỉ một cái rổ tre và một cái soong dùng để đựng hến có dây cột vô bụng. Đi tới đâu cái soong lênh đênh theo tới đó như cái đuôi thật ngộ nghĩnh!
    Xúc hến lúc nước ròng, cạn còn đến lưng chừng bụng. Giữa lòng mương rạch, đường nước chảy mới có nhiều hến. Nhớ mẹ và chị xúc hến dưới sông, trên trời mây u ám, gió phần phật, mưa lướt thướt, lâm râm, mẹ ngâm nước tới cổ! Khi hến trong soong đủ để kho keo hoặc nấu một nồi cháo ngon, mẹ và chị lên bờ, mình mẩy ướt sủng, tay chân móp méo vì lạnh... Mẹ luôn vui vẻ nhìn đàn con “húp” cháo hến sì sụp ngon lành trong ngày mưa gió, cực ăn!
    Hến tươi đem về lựa bỏ rác, sỏi, rửa sạch, ngâm trong nước sạch. Đun nước sôi ùng ục mới cho hến vào. Gặp nóng đột ngột, hến sẽ bung tách hết vỏ. Ta dùng vá khuấy đều cho ruột hến bong ra. Bắc chảo đun nóng, khử tỏi mỡ cho thơm lừng, đổ vào chảo hỗn hợp hành tím, chút ớt chín bầm nhuyễn, sả băm, ruột hến luộc, nêm ít nước mắm ngon, tiêu xay, nếm vừa ăn, xào trộn đều. Khi hến chín xúc ra tô để riêng. Dùng nửa lon sữa bò gạo cũ rang khô, nấu cháo. Khi cháo chín ta cho hết tất cả “mồi” vào soong, nêm nếm lần cuối và bớt lửa, giữ nóng. Sau cùng múc ra tô, rắc hành lá xắt nhỏ với vài cọng ngò rí lên. Cháo hến ăn với ít giá, rau thơm. Bạn có thể vắt một miếng chanh nhỏ vào cháo nóng như ăn phở. Nước mắm thì giầm ớt hiểm chín vào... Cháo ngon ngọt, nóng hôi hổi, “vừa thổi vừa ăn!”, cùng với vị cay nhẹ, mùi hến xào sả thơm lừng hấp dẫn. Những lúc ấy mẹ tôi thường hỏi: “Có ngon không các con?” - “Ngon... ngon lắm mẹ ơi! Cho con một tô nữa đi!”- Bây giờ, có đôi khi được bạn bè, đối tác mời đi ăn “cháo”, nhưng là cháo Quảng, cháo mắt heo, hoặc cháo bò, cháo cá... Ngon thì có ngon, nhưng đâu có cái mùi “nhớ” bằng cháo hến của mẹ nấu năm xưa!
  

Sưu Tầm


Kỳ bí cồn Hến

Đặt chân đến cố đô Huế, người ta đặc biệt chú ý đến một cồn đất mọc giữa dòng sông Hương thơ mộng. Cồn đất nhỏ nhắn, xinh xắn và có hình trái tim rất đặc biệt.

Người dân nơi đây cho biết, cồn đất này có tên là Cồn Hến gắn với một sự tích tình yêu đầy chất sử thi. Tương truyền rằng, bà chúa Hoàng trong một lần chèo thuyền trên sông thưởng ngoạn, bỗng dưng phát hiện một mô đất nổi giữa sông Hương và chọn nơi đây dựng dinh cơ. Sau đó, bà kết hôn rồi ở ẩn cùng chồng trên hòn đảo tình yêu này. Người dân nơi đây kể lại, Cồn Hến do chính hai vợ chồng họ lập nên và có vô số những câu chuyện thú vị.

Huyền thoại Cồn Hến

Từ bao đời nay, sông Hương là hiềm tự hào của xứ Huế mộng mơ. Vẻ đẹp của con sông này được ví như dải lụa mềm mại tô điểm cho kinh thành Huế. Giữa hàng trăm, hàng nghìn truyền thuyết trên dòng sông này, chuyện tình của đôi nam nữ thuộc hai dòng dõi vua chúa khai sinh ra hòn đảo tình yêu (hình trái tim) giữa dòng Hương Giang được người ta nhắc đến nhiều nhất.

Với mong muốn được hiểu hơn về hòn đảo kỳ bý này, chúng tôi đã về tận nơi, tìm gặp những cao niên trong vùng để được nghe họ kể những câu chuyện huyền bí từ xa xưa. Trò chuyện với PV, cụ Trần Văn Hiền (85 tuổi), sinh sống gần khu vực này cho biết: “Cồn Hến xuất hiện từ lâu lắm rồi. Chúng tôi cũng không rõ lắm, chỉ nghe qua truyền miệng, còn nguồn gốc chính xác thì phải tìm đến viện Bảo tàng Thừa Thiên - Huế mới có tư liệu”.

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, đặc biệt là cuốn sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, soạn thảo vào năm 1555 (ở thời kỳ Lê - Mạc, quyển sách mà Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú dùng để tham khảo khi biên soạn vùng đất Thừa Thiên - Huế), chúng tôi đã khám phá ra nhiều điều kỳ thú.

Theo cuốn sách này, Cồn Hến là một cù lao xinh đẹp nằm ở hạ lưu sông Linh Giang, do hai nhánh sông Đan Điền và Kim Trà hợp lưu. Sông rộng, quanh co hữu tình. Phía Tây có chùa Sùng Hóa, lại có bia Hoằng Phước, còn Như Nha, Thự, Hiến, Ty, Phủ Huyện, Vệ sở đều được nối liền đối nhau hai bên bờ tả hữu.

Theo lời kể của người dân, câu chuyện truyền trong dân gian thậm chí còn thi vị và đặc biệt hơn sử sách. Cồn Hến lúc mới khai sinh có tên gọi là Cồn Soi (Cồn nổi) hay xứ cồn cạn, nằm trong ba địa thế: Gian Hến (đất lâu năm có đền, chùa; Trung gian (đất ngụ cư); Bồi thành. Ngày xưa, do biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt triền miên, trải qua hàng trăm năm, sự bồi đắp, kiến tạo của thiên nhiên đã hình thành nên Cồn Hến nằm giữa dòng Hương Giang bây giờ.

Xưa kia Cồn Hến không một bóng người, chỉ có cây cối mọc um tùm, muông thú kéo nhau về trú ngụ, sinh sôi nảy nở. Bỗng một ngày, bà chúa Hoàng (người ở xã Diên Đại, huyện Phú Vang) du ngoạn trên sông Hương, phát hiện giữa dòng một cồn cát tuyệt đẹp. Sau một hồi quan sát, thấy nơi đây phong cảnh nên thơ, bà liền dừng chân nghỉ lại.

Sau này, nhiều lần bà ghé chân đến thăm rồi kết hôn với một người họ Nguyễn, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1725  1738) xây dựng lên phủ chúa ở Phú Xuân. Hai vợ chồng quyết định đến dựng chòi trên cồn cát này sinh sống. Không có sách sử nào viết tiếp về cuộc sống của hai vợ chồng này trên côn cát, nhưng dân gian truyền rằng, ban đầu họ sống với muôn chim thú, lấy thức ăn từ sông. Họ còn trồng thêm rau, hoa quả để phục vụ các bữa ăn. Rồi họ sinh con và sống hạnh phúc với nhau trên hòn đảo đến đầu bạc răng long.

Đến đầu niên hiệu Gia Long (1802 - 1820) đất kinh thành được mở rộng, 8 xã nằm trong diện di chuyển rồi được nhà vua cấp tiền mua hoặc trưng đất lập xã mới. Cồn Hến được chọn là nơi tái định cư cho dân xã Phú Xuân. Lần đầu tiên trong lịch sử những hộ dân họ Trần, Lê và Nguyễn được chuyển đến sống xen kẽ ở Cồn Hến. Từ thượng nguồn hướng về cửa sông, Cồn Dã Viên xuất hiện đầu tiên, tiếp theo là Cồn Hến được tạo thành thế Hữu Bạc Hổ (Cồn Dạ Viên) và Tả Thanh Long (Cồn Hến) chầu về kinh thành.

Sau khi có người sinh sống ở Cồn Hến, mọi thứ nơi đây trở nên sôi động hơn. Ngư dân thường ghé tròng (ghe) đi soi cá về trú ngụ. Nơi đây cũng xuất hiện nghề soi cá đêm. Người ta soi cá bằng cách dùng những cành thông khô bó lại rồi đốt thành lửa, chế thêm 1 cái đọt (cái chĩa 3 mũi nhọn làm bằng thép) để đâm cá. Đó là cách duy nhất để họ sinh tồn trên Cồn Hến.

Đặc sản tiến vua

Cũng chẳng ai biết vì sao, khi nhắc đến Cồn Hến người ta nghĩ ngay đến 2 thứ đặc sản nổi tiếng là hến và bắp (ngô). Người dân nơi đây cho biết, đây chính là đặc sản tiến vua vào mỗi dịp lễ, tết. Đời vua Thiệu Trị, hến được người dân đem bán quanh nội thành và trở thành món ăn nhiều người ưa thích. Để vua có bữa ăn ngon miệng, một hôm, đầu bếp đã chế biến cho vua một món ăn khác lạ. Khi dâng lên, vua Thiệu Trị nếm thử, khen ngon, bèn hỏi về lai lịch món này. Đầu bếp tâu rằng, do đôi vợ chồng sinh sống đầu tiên ở Cồn Hến làm ra.

Ngạc nhiên về món ăn lạ, vua lệnh cho lính đưa ông ra du ngoạn ở Cồn Hến. Từ đó, vua cũng có những ưu tiên đặc biệt cho người dân sinh sống trên đây, đồng thời khuyến khích người dân bắt hến để dùng trong các bữa ăn như là đặc sản của đất kinh thành.

Sau lần đó, hến trở thành món ăn khoái khẩu không thể thiếu hàng ngày của các bậc vua chúa và quản thần trong cung. Khi biết việc cào, bắt hến vô cùng cực nhọc, nhà vua mới có chỉ dụ miễn thuế cho nghề cào hến. Đây cũng là một trong những nghề hiếm hoi không phải nạp thuế cho triều đình thời điểm bấy giờ.

Cồn Hến còn nổi tiếng ngay trong chính cái tên của nó: “Cồn của loài Hến. Được bao bọc bởi sông Hương, nơi đây bốn mùa cây cối xanh tốt, khí hậu ẩm mát và một điều đặc biệt dù bị khai thác rất nhiều nhưng khu vực xung quanh không bao giờ hết hến. Hến sông Hương có rất nhiều loài, nhưng loại ở Cồn Hến rất đặc biệt. Thân nhỏ, kích cỡ chỉ bằng viên bi, có mùi thơm dể chịu, ruột hến ăn rất dẻo, giai, hương vị đậm đà, nước luộc hến có tác dụng thanh nhiệt, đặc biệt có thể chữa được một số bệnh. Hến có thể chế biến thành các món: Cơm hến, bún hến, hến xào. Thịt hến xào lên thêm gia vị ruốc, tương ớt, tiêu, nước mắm, tỏi, gừng, bì lợn rang phồng, đậu phụng rang, muối, mè. Cơm hoặc bún phải để nguội khi ăn đêm trộn đều có pha thêm một chút nước hến. Để có một tô cơm hoặc bún ngon, mang hương vị rất Huế thì hết sức công phu, nguyên liệu lên đến 14 thứ. Xứ Huế có nhiều món chế biến từ hến, nhưng hến ở Cồn Hến mới thực sự là đặc sản và kích thích sự tò mò của nhiều người.

Ngoài đặc sản hến, người dân Cồn Hến còn trồng được loại bắp (ngô) rất kỳ lạ ở cuối cồn. Loại ngô này bắp rất to, các hạt đều tăm tắp, màu trắng, dẻo mềm và có vị thơm đặc biệt. Cứ dịp lễ, tết người dân Cồn Hến thường dâng lên vua chúa hai đặc sản hến và bắp. Đây được coi là hai món sơn hào hải vị cũng chính là 2 món ăn mà đôi vợ chồng năm xưa khi đến khai hoang ở vùng đất này đã làm ra.

Lê Giáp


Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Chuyện con rùa

Không thả con về biển,
Vì sợ nước biển sâu,
Đưa con về chùa ở....
Lại ngại chẳng ở lâu !

Thôi tùy duyên con nhé,
Dẫu dòng nước nông sâu.
Thì cũng mong con cố,
Vượt khổ và sống lâu...!

Nếu còn duyên hạnh ngộ,
Mình sẽ lại thấy nhau.
Con ngẩng đầu nhìn mẹ,
Mừng vui ôi xiết bao !!
NM

Gởi rùa vô chùa

Chiều hôm qua lễ Phật Đản cùng Ti quay trở lại chùa Một Cột một lần nữa để thả rùa vì buổi sáng ghé viếng chùa thấy có hồ nuôi rùa thật nhiều, quyết định chọn nơi đây trước khi đi vì thấy hồ nhỏ có thể nhìn thấy rùa mỗi khi rằm lớn mình lên chùa viếng Phật, không gian hồ tuy nhỏ nhưng có nhiều bạn và nước được thanh lọc !
Ở nhà một mình một hồ nước phải thay hoài cho nên "anh chàng"trắng trẻo ai nhìn cũng khen đẹp và dễ thương, vài tháng nữa chắc cũng rong rêu ....với hồ !! Rùa cứ ngẩng đầu nhìn mình hoài, thật thương và lòng lưu luyến không muốn về, dặn rùa những lần sau mẹ có lên thì nhớ ra nhìn mẹ như ở nhà vậy
Lúc còn nhỏ hay bây giờ lâu lâu thả rùa ra là anh chàng lịch kịch tìm mình bò tới nằm dưới chân, lần nào cũng vậy ai cũng ngạc nhiên, bây giờ thì hồ so với rùa chật chội nhìn vậy chứ khá nặng mỗi khi thay nước, thôi thì cho rùa về với đồng loại, buổi sáng đã đi tìm một bé rùa nhỏ xíu nhỏ hơn cả lòng bàn tay và nuôi bé trong khạp nhỏ sau bếp, khạp này trước kia nuôi cá bảy màu.
Mười năm nữa mới thả bé và không biết mình còn cơ hội để thả nó không, đem nó về để đỡ buồn và đỡ nhớ rùa kia đồng thời cho nó ăn bớt muỗi !! Số mình mắc nợ với thú vật hay sao đó nhưng nuôi con nào cũng khôn lanh và biết thương chủ
Ti là người đề nghị thả rùa ngày hôm nay vì Ti được nghỉ cả ngày, hôm nay cũng nhằm lễ Phật Đản và là ngày Thiên xá nữa !!
Hai hôm nay trong lòng bỗng dưng thắc thỏm vì chợt nhớ rùa là loại rùa tai đỏ, nó đẹp nhưng so với đồng loại rùa tai đỏ là loại có hại cho thiên nhiên vì nó phá hoại mùa màng, ăn cá tôm...Thông thường rùa ăn rau quả nhưng về nhà thì cho rùa ăn đủ thứ như hạt thực phẩm dành cho cá, rau muống và đầu tôm, có cả cháo của Lucky lúc còn sống ăn không hết hay cơm nguội, đây là con rùa thứ hai nuôi sau con rùa ở nhà cũ nó cũng ăn như vậy
Chợt nhớ ra thì đã muộn, chỉ cầu mong chùa không "kỳ thị" nó, nói với Ti thì Ti lại cho rằng chùa nuôi làm phước và nó có ở ngoài đồng đâu ? Nhìn nó ngoan ngoãn tìm bạn bằng nó và nằm gác đầu lên mình bạn lòng cảm thấy vui nhưng nghĩ đến hai cái tai đỏ lại ngậm ngùi lo lắng !! Thôi thì tùy duyên vậy chứ thật tâm không nhớ đến chuyện nầy nhưng trong lòng luôn cầu xin sẽ được gặp và nhìn được rùa trong mỗi dịp Tết hay rằm lớn đi viếng chùa!
NM Phan thị Ngọc Diệp

Về với biển với dòng đời nghiệt ngã,
Sóng trào dâng xô dạt trẻ bơ vơ...
Ai nâng niu chăm sóc bởi chốn bãi bờ ?
Ngoài khơi đó có ngàn muôn nguy hiểm !
NM

 Rùa biển

Chiếc xe du lịch dòng Hyundai Universe bốn mươi lăm chỗ tăng tốc dần khi bắt đầu leo lên con dốc hẹp. Bầu trời xanh thăm thẳm và cao vút thấp thoáng vô số dải mây mỏng đan xen bắt chéo vào nhau. Nắng vàng bao phủ khắp các con đường rải nhựa quanh co uốn lượn, dàn trải trên những quả đồi nhấp nhô xanh mượt và chiếu xuống mặt biển màu ngọc bích lấp lánh. Ngôi chùa mái ngói nhỏ bé nằm lẻ loi giữa núi non trập trùng toát ra một vẻ đẹp hiu quạnh kì lạ.

Tôi nhoài người kéo cái rèm hoa văn màu tím nhạt phủ kín ô cửa kính và ngó ra ghế sau xem Uyên đang ngủ hay thức, trong khi Thu Nương ngồi bên cạnh tôi đang ngủ say. Những lọn tóc xoăn màu hạt dẻ của cô nàng cuốn vào đám tóc đen nhánh thẳng đuột của tôi tạo nên một đám rối ngộ nghĩnh. Nhiệt độ trên xe khá mát mẻ – vào khoảng hai mươi lăm độ – nhưng tôi biết rõ ràng về cái nóng như thiêu như đốt đang bủa vây ngoài kia. Tôi đã xem dự báo thời tiết cho ngày hôm nay: ba mươi tám độ và có mưa nhỏ.

“Còn mười phút nữa là xe tới nơi,” – anh chàng lớp phó học tập da ngăm thông báo trong lúc đi từ đầu xe xuống cuối xe trên đôi bốt da trơn cổ cao, mà theo như ý kiến riêng của tôi, nếu không tính đến việc phải đi bộ hết cả một cây số đường rừng thì tôi phải thừa nhận là cậu ta có gout thời trang không chê vào đâu được – “các bạn thu dọn hành lý để chuẩn bị xuống xe nhé!” – cậu ta nói vẻ phấn khởi.

Chiếc xe lăn bánh chầm chậm trên con đường độc đạo kéo dài thẳng tắp nằm giữa hai cánh rừng. Tôi đánh thức Thu Nương và tỉ mỉ gỡ mớ tóc rối của hai đứa. Một lúc sau thì xe ngừng hẳn. Tôi sửa sang lại giày, mặc áo khoác mỏng phủ kín hai cánh tay và đội mũ lưỡi trai.

Từng đợt gió nóng rát ập đến chào đón bọn tôi ngay khi mỗi đứa vừa ló mặt ra khỏi xe. Nhưng may mắn cảm giác đó kéo dài không quá lâu vì rừng cây rậm rạp cách con đường nhựa chỉ khoảng năm mét. Thu Nương kéo tay tôi và Uyên nhanh chóng nhào đến vị trí mát mẻ dưới tán lá rộng. Tôi nhìn thấy một lối đi nhỏ tiến sâu vào phía trong rừng, bên dưới đầy rẫy những rễ cây khổng lồ tỏa ra bốn phía và chồng chéo lên nhau trên mặt đất.

Bọn tôi nối đuôi nhau theo sát anh hướng dẫn viên có chất giọng địa phương trầm trầm và thân thiện, cả đám vừa đi bộ vừa nói chuyện. Kể ra thì đi bộ trong rừng là một hoạt động vui vẻ và thú vị. Không khí đầy hơi nước mát rười rượi. Tiếng chim chóc và động vật nhỏ vang vang lúc to lúc nhỏ, lúc réo rắt lúc trầm đục tưởng chừng như một dàn đồng ca không bao giờ chấm dứt. Mấy bụi dương xỉ xanh rì nhô ra từ vách đá mọc vô số ổ bào tử màu cam lốm đốm. “Cố gắng lên các em, chúng ta sắp tới nơi rồi.” – anh hướng dẫn viên quay lại và chờ cho đứa đi cuối cùng vượt lên trước. Lúc này trời đột nhiên tối sầm xuống và xuất hiện vô số tiếng động rào rạt ở trên đầu. “Mưa đấy”, anh hướng dẫn viên nói.

Phải mất một lúc lâu tôi mới cảm nhận được vài giọt mưa hiếm hoi – sau khi trải qua tầng tầng lớp lớp tán cây dày đặc ở phía trên – thấm vào da qua lớp áo khoác mỏng. Tiếng nói chuyện nhỏ dần. Bọn tôi cố gắng đi nhanh vì trời càng lúc càng tối và không khí dần trở nên lạnh hơn.

Không gian thoáng đãng chào đón khi tôi thoát ra khỏi cánh rừng rậm rạp. Mưa đã tạnh từ lúc nào và trời thì chưa tắt nắng. Nơi bọn tôi nghỉ lại qua đêm thuộc về một doanh trại quân đội đóng quân ở sâu trong rừng cách bãi biển gần nhất tầm mười phút đi bộ. Doanh trại biệt lập này là thứ duy nhất mang dấu hiệu của con người ở đây: một dãy nhà quét vôi trắng nằm chơ vơ giữa khu đất trống trải và bị bao vây bởi rừng rậm, biển và núi. Tiếng ầm ầm gào thét của sóng biển hòa lẫn trong tiếng gió vi vút khiến tôi nao nao. Thu Nương đã bớt say xe và lúc này đang tích cực làm nhiệm vụ của một lớp trưởng, cô ấy phân công bọn tôi thay phiên nhau tắm rửa, dọn dẹp và chuẩn bị bữa ăn tối.

“Anh Thanh hướng dẫn viên đã hỏi thăm người dân địa phương, tối nay rùa sẽ lên đẻ trứng,” – cô nàng lớp phó văn thể mỹ duyên dáng trong trang phục áo trắng kiểu cách phối với quần culottes ống rộng thông báo sau bữa ăn, do khoảng cách gần, tôi còn ngửi thấy mùi Tresemme từ tóc cô gái ngòn ngọt thoang thoảng – “các bạn nghỉ ngơi một chút rồi chuẩn bị đồ đạc để xuất phát nhé.”

Cả đám vỗ tay và reo hò ầm ĩ. Đây mới là mục đích chính trong chuyến đi khám phá lần này của bọn tôi – những học sinh cuối cấp vừa trải qua kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và chuẩn bị bước sang một trang mới trong đời. Sau nhiều lần bỏ phiếu bầu chọn, tất cả đã quyết định đăng ký tham quan bãi rùa đẻ ở Ninh Thuận, để được tận mắt chứng kiến hình ảnh những nàng rùa nặng nề chậm chạp bò lên bãi cát đẻ trứng. Đám con trai nghỉ ngơi hoặc đùa giỡn trong khi đám con gái bận rộn chuyền tay nhau cả tá thỏi son dưỡng đủ màu hoặc mấy lọ kem chống muỗi. Lúc này, cô nàng Thu Nương đang cố xịt cả đống Soffell hương cam trăng trắng lên người tôi và Uyên.

“Không cần nhiều vậy đâu,” – Tôi kêu lên kháng nghị một cách yếu ớt – “mình mặc quần dài mà.”

“Bọn mình đang ở trong rừng,” – Thu Nương trừng mắt với hai đứa tôi trong khi tay cô nàng không ngừng xoa xoa trét trét – “cậu có biết bao nhiêu người bị sốt rét khi đi rừng không hả? Khu dân cư cách đây cả cây số đường rừng, mà điện thoại thì hoàn toàn mất sóng…”

Thu Nương vẫn còn tiếp tục lải nhải một hồi lâu. Vài đứa con gái ngồi kế bên quay sang nháy mắt với tôi và Uyên. Tôi bật cười. Bọn tôi học chung lớp với nhau suốt ba năm, và ai cũng quá quen với việc Thu Nương chăm chút cho hai đứa bạn thân không thua gì một người mẹ tận tụy. Những tháng ngày bên nhau trôi qua như một cái chớp mắt. Ngày chia xa cũng đến thật gần. Viễn cảnh u buồn làm tim tôi thắt lại.

Bọn tôi tập trung ở bãi biển vào lúc tám giờ tối theo sự điều động của anh hướng dẫn viên. Đây không phải lần đầu tiên tôi đi dạo trên bờ biển khi màn đêm xuống, nhưng cảm giác tĩnh lặng pha lẫn nỗi sợ hãi mơ hồ vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Tôi ngửa mặt nhìn ngắm hàng hà sa số những ngôi sao nhỏ trên bầu trời, tất cả đều tỏa ra thứ ánh sáng mờ ảo le lói từ một nơi nào đó xa xăm. Gió mang hơi sương lạnh lẽo ngấm vào da thịt. Biển tối đen như mực và tiếng sóng ầm ầm vang vang tưởng chừng như có một con quái vật đang lặng lẽ trở mình ở đâu đó ngoài kia. Tôi siết chặt cánh tay hai cô bạn thân.

Anh hướng dẫn viên chỉ cho bọn tôi một ổ trứng rùa đã đẻ: “Rùa mẹ đẻ trứng xong sẽ lấp cát lại để xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của chúng.” Tôi đếm được năm quả trứng nhỏ tròn tròn màu trắng lấm tấm những hạt cát mịn. Sau khoảng một trăm ngày, từ năm quả trứng này sẽ nở ra năm chú rùa con xinh xắn – đấy là tôi thầm hi vọng thế, còn thực tế thì khả năng trứng rùa có thể nở được chiếm một tỉ lệ thấp hơn nhiều.

Ai nấy đều cố gắng đi từng bước chầm chậm nhẹ nhàng, đồng thời chú ý quan sát kỹ dưới chân để tránh dẫm phải những em bé rùa đang ngủ say dưới lớp trứng mỏng. Ở cách bọn tôi khoảng hai mươi bước chân có một đám đông đang tụ tập.

“Người dân ở đây và các nhân viên khu bảo tồn sẽ đem những ổ trứng này về khu ấp nở an toàn,” – anh hướng dẫn viên nói – “để tránh một số người đào trộm trứng rùa đấy.”

“Sau bao nhiêu ngày thì trứng nở ạ?” – Một đứa lên tiếng hỏi.

“Khoảng từ bốn mươi lăm đến sáu mươi ngày,” – anh nhân viên mặc đồng phục kiểm lâm trả lời – “một nửa số trứng sẽ được cho vào hồ có nhiều ánh sáng, số còn lại sẽ được ấp trong môi trường ít sáng hơn, làm như vậy để cân bằng tỉ lệ đực-cái ở rùa vì giới tính của chúng do nhiệt độ quyết định.”

Khi bọn tôi lại gần thì một nàng rùa cái đã đẻ trứng xong. Người ta đo đạc và đánh dấu rồi thả nó về biển. Một người dân kể cho bọn tôi nghe hai tháng trước có một cô rùa cái bị bắt trộm và mổ bụng lấy ổ trứng. “Lúc đó bọn anh nhìn thấy xác con rùa trôi vào, to chừng này,” – anh ta đưa tay ra ước lượng – “nhưng tiếc là cứu không kịp…”

Vài đứa con gái khe khẽ thở dài.

Uyên dụi đầu vào vai tôi, mắt đỏ hoe. Tôi không biết bao nhiêu quả trứng ở đây có thể thành công nở ra thành những chú rùa con, nhưng tôi biết rằng tất cả những con rùa đó đều sẽ hướng ra biển theo bản năng được kế thừa từ tổ tiên của chúng – những cư dân đã có mặt trên Trái Đất từ hơn một trăm triệu năm trước. Sau ba thập kỷ lang thang vùng vẫy nơi đại dương, những con rùa cái còn sống sót sẽ quay lại vào một ngày nào đó, tại chính nơi này, để hoàn thành nghĩa vụ duy trì nòi giống tiếp theo của mình.

Bọn tôi phụ giúp phát hiện các ổ trứng rùa và thu nhặt trứng để đưa về khu bảo tồn. Rùa biển được đưa vào sách đỏ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, vì một thực tế khá phũ phàng: tỉ lệ sống sót đến tuổi trưởng thành để có thể quay lại của chúng chỉ chiếm một phần ngàn! Hầu như bọn tôi đứa nào cũng bị sốc trước hiện thực đau đớn đó. Tôi nhìn mấy đứa con gái đang cẩn thận nâng niu những quả trứng nhỏ, khuôn mặt đều toát lên vẻ dịu dàng.

Đoạn đường trở về doanh trại bỗng dưng lặng thinh, chỉ còn tiếng sóng vỗ bờ trầm đục và tiếng bước chân đạp lên đám lá cây lạo xạo. Không ai lên tiếng nói chuyện với ai, có lẽ vì mệt mỏi, có lẽ vì u buồn, cũng có thể vì cả hai. Ngày mai bọn tôi sẽ nói với nhau lời chia tay nhau lần cuối cùng. Và, giống như những chú rùa mới nở, tất cả bốn mươi hai “đứa trẻ” ở đây sẽ bơi ra đại dương rộng lớn của cuộc đời, để mặc cho những cơn sóng dữ ngoài kia đang chờ chực nhấn chìm tất cả…

Hoặc sẽ ngoi lên và tiến về phía trước.

PHƯƠNG LOAN