Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Tết Trung Thu

Một mùa Trung thu buồn, nhớ Lucky ra đi trong chiều hôm nay 4/10/2017....Lần đầu tiên đêm Trung thu không có ánh trăng , chỉ có đám mây đỏ và mưa rả rích.....!!

Kết quả hình ảnh cho Lồng đèn Trung Thu

  Múa Lân Trung Thu

Chuyện cổ tích Tết trung thu

Những Ca Khúc Hay Nhất Về Mùa Thu

ÁO EM THU VÀNG

Vàng thu,
Gió thu đến nhuộm vàng bao lá biếc ?
Nắng chiều vàng ủ ấm lối cỏ xanh....
Mộng vàng bay, mơ ước trót không thành, 
Ta nuối tiếc thuở vàng son đã mất !!
NM
Tết Trung Thu
Thời thơ ấu của chúng ta ai chẳng trải qua những "Tết Trung Thu rước đèn đi chơi" và rồi sau đó xúm xít quây quần bên nhau "phá cỗ". Những tiếng trống ếch, những tiếng hát hồn nhiên trong sáng của từng đàn trẻ thơ đi dưới trăng rằm sáng vằng vặc đã đeo đẳng theo đuổi chúng ta trong suốt cuộc hành trình dài dằng dặc của đời người. Trăng Thu bây giờ ở xứ người vẫn sáng vằng vặc nhưng hình như không phải trăng xưa! Nhưng dù sao chúng ta cũng "trông trăng" để tưởng nhớ... Hôm nay tôi ngồi viết những giòng chữ này với một tâm trạng bâng khuâng, ngậm ngùi, nuối tiếc những cái đã qua, đã mất, không bao giờ còn lấy lại được nữa. Ôi, những đêm trăng rằm tháng tám thời thơ ấu...
Ông Nội tôi - một ông "đồ Nghệ"- sinh "bất phùng thời", giữa lúc thiên hạ bỏ chữ Nho học chữ Tây, ông mang gia đình rời bỏ thành thị về chốn thôn quê hẻo lánh thuộc một tỉnh sát biên giới Việt Hoa để hành nghề "thầy đồ" với đám học trò ngu ngơ chưa theo kịp trào lưu mới.
Tết Trung Thu năm đó tôi được 8, 9 tuổi. Chúng tôi háo hức chờ đợi cái ngày này từ cả tháng trước. Với tuổi thơ chúng tôi chỉ có hai ngày trong một năm vui vẻ và sung sướng nhất là Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu. Năm đó, trước Tết Trung Thu một ngày, ông Nội tôi tập họp tất cả bọn học trò lại. Có khoảng ba chục tên, tuổi từ 8 tới 15, 16. Thì ra ông cụ giảng giải cho chúng tôi về sự tích (huyền thoại)Tết Trung Thu. Hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi nên tôi chỉ còn nhớ mang máng những điều ông kể. Vậy cứ xin viết ra đây.
Theo truyền thuyết, Tết Trung Thu bắt đầu từ đời Nhà Đường bên Tầu, dưới trào vua Duệ Tôn (tức Đường Minh Hoàng). Đêm rằm tháng tám năm đó thấy vầng trăng tròn trịa tỏa ánh sáng vằng vặc khắp thế gian, đẹp quá, thơ mộng quá, nhà vua nổi hứng cùng viên nội giám lặng lẽ rời khỏi cung điện vi hành ra ngoại thành để hưởng cảnh trăng thanh gió mát giữa chốn thiên nhiên bao la bát ngát. Vua tôi hai bóng cứ mải mê lội dưới trăng đi mãi tới một ngôi chùa mà không hay biết. Ngôi chùa u u minh minh, như ẩn như hiện trong không gian bàng bạc một mầu trắng tinh khôi, như sương như tuyết, khiến nhà vua có tâm hồn thi sĩ bàng hoàng tưởng mình lạc vào cõi niết bàn. Còn đang lòng hỏi lòng thực hay mơ thì nhà vua nhìn thấy một lão tăng đầu tóc bạc phơ râu dài quá ngực, từ chánh điện chống thiền trượng ung dung bước ra cung kính cúi đầu làm lễ trước nhà vua. Nhà vua chưa hết ngạc nhiên thì lão tăng lên tiếng: "Đêm trước lão tăng trong giấc ngủ mơ màng thấy rồng vàng xuất hiện trước chùa. Sáng ra lại nghe tiếng con chim khách kêu vang nơi cây bồ đề bên hiên, lão tăng đoán chắc có đại quý nhân viếng thăm. Ngóng chờ mãi từ sáng tới giờ mới thấy mặt rồng xuất hiện". Nhà vua chối, nói mình chỉ là một kẻ lãng du mải dong duổi theo ánh trăng lạc tới chốn này, lại tình cờ gặp được đại sư, âu cũng là có chút căn duyên, vạn hạnh. "Dường như trong lòng đại nhân đang mơ màng ao ước được nhập cõi thần tiên?". Lão tăng hỏi. Nhà vua đáp: " Đó là một ước mơ từ bao đời con người mong muốn. Nhưng làm sao có được, dù chỉ trong khoảnh khắc". Lão tăng chợt cất tiếng cười sang sảng như tiếng chuông vàng nổi lên giữa đêm thanh vắng tĩnh mịch, rồi nói: "Không có gì khó cả, nếu đại nhân muốn sẽ được toại ý!". "Nếu được vậy thật vạn hạnh cho kẻ này!". Liền đó lão tăng giơ cao cây thiền trượng lên trời, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú gì đó, phút chốc biến thành một chiếc cầu vồng ngũ sắc. Đầu trên giáp cung Quảng Hàn, đầu dưới giáp mặt đất. Lão tăng cầm tay nhà vua đi lên cầu vồng, chỉ giây lát đã bước vào cõi thần tiên nơi cung trăng. Nhà vua thấy hiện ra từng bầy tiên nữ xiêm y đủ mầu sặc sỡ cầm tay nhau múa hát khúc Nghê Thường. Tiếng chim hót hòa với tiếng sáo, tiếng đàn thánh thót vang lừng trong gió ngợi ca mùa xuân bất tận. Rồi hoa, rồi lá, rực rỡ bát ngát muôn hương sực nức. Quả là cõi tiên có khác trần thế. Dường như bốn mùa đều là mùa Xuân! Nhà vua còn đang ngất ngây nơi cảnh tiên thì bất ngờ lão tăng cất tiếng: "Ta về thôi, cảnh tiên chỉ nên hưởng vậy thôi!". Lão tăng vừa dứt lời, trong chớp mắt nhà vua đã thấy mình đứng bên cạnh viên nội giám và nhìn lại không thấy lão tăng đâu nữa. Trở về cung điện, để kỷ niệm ngày du Nguyệt điện, nhà vua bèn đặt ra Tết Trung Thu và chỉ dẫn dân gian làm những cái bánh tròn trịa tượng trưng hình mặt trăng. Do đó hàng năm dân gian tới ngày rằm tháng tám trăng tròn là tổ chức ăn bánh uống rượu ngắm trăng. Người ta còn gọi Tết Trung Thu là tết trông trăng. Và cũng từ đó bọn trẻ con được "ăn theo", lâu dần theo thời gian biến thành Tết trẻ con "đêm trung thu rước đèn đi chơi" và người lớn trở thành "ăn theo".
Kể xong câu chuyện ông Nội tôi vuốt chòm râu dài bạc trắng, cười nói: "Vậy các con hãy vui chơi thỏa thích đi. Tuổi thơ thần tiên của đời người ngắn lắm. Ngắn như ông vua lên cung Quảng vậy. Thoáng đấy đã mất rồi! Chỉ ít năm nữa thôi các con sẽ trở thành người khác". Năm sau ông Nội tôi mất, gia đình tôi dọn về Hà Nội. Thủa đó, bọn trẻ chúng tôi sống ở miền Bắc, tùy theo hoàn cảnh gia đình giầu nghèo được bố mẹ mua sắm cho những đồ chơi cũng như bánh kẹo. Con nhà giầu thì ngoài những bộ quần áo "hộp" ra (tất nhiên) được bố mẹ sắm cho những đồ chơi "cao cấp" như đèn kéo quân, tiến sĩ giấy, đèn lồng (bằng giấy đỏ) , đèn con cá, con rồng... Buổi tối ngọn nến nhỏ bên trong những cái đèn này được thắp lên và bọn trẻ tụ họp thành đàn đi theo các "đàn anh" múa lân diệu võ dương oai, diễu hành khắp phố với tiếng trống ếch, phèng la khua rộn rã. Diễu hành hết đường nọ phố kia tới khi trăng lên đỉnh đầu tròn vành vạnh mới kéo nhau về nhà "phá cỗ". "Cỗ" là những chiếc bánh nướng nhân thập cẩm và những chiếc bánh dẻo nhân đậu xanh hay trứng. Ngoài ra còn những cái bánh nho nhỏ hình con cá, con gà, ngôi sao… Còn con nhà nghèo thì cũng cố tự tạo cho mình (hoặc nhờ bố làm giúp) một cái đèn và cũng "dung giăng dung giẻ" vui chơi như ai.
Bọn trẻ con Hà Nội thủa đó hay "bắt" bố mẹ dẫn tới phố Hàng Gai và Hàng Thiếc. Hai phố này chuyên bán đồ chơi Trung Thu cho trẻ con. Phố Hàng Gai thì bán đủ các loại đèn Trung Thu. Nhà nào nhà nấy trưng bầy đầy ắp trước cửa hàng những chiếc đèn đủ hình thù lồng giấy kính mầu đỏ sặc sỡ vô cùng hấp dẫn với bọn nhỏ. Còn Hàng Thiếc thì bầy bán các đồ chơi làm bằng thiếc. Nào tầu bay, tầu thủy, ô tô cho tới con thỏ, con chim, con cá. Những thứ này cũng sơn xanh đỏ vàng trắng đủ mầu nhưng không có "trang bị" máy móc như ngày nay nên máy bay, ô tô, chim cò không bay được, phải dùng tay đẩy, hoặc buộc giây kéo đi. Còn bánh trung thu muốn mua bánh ngon nổi tiếng phải tới phố Hàng Buồm của người Tầu, có hai hiệu Đông Hưng Viên và Mỹ Kinh. Họ làm những chiếc bánh nướng và bánh dẻo rất lớn đặt trên cái mâm gỗ "triển lãm" trước quầy hàng trông thật hấp dẫn và gợi thèm muốn. Nhà giầu thì mua cả mâm bánh, còn nhà nghèo thì cũng ráng mua cho được hộp bánh có hai bánh nướng, hai bánh dẻo. Những cái bánh Trung Thu thời đó chúng tôi được ăn tới bây giờ vẫn còn thấy ngon, mặc dầu bánh thời nay đặc sắc hơn nhiều!
Sau này vào Saigon lập nghiệp, các con tôi mỗi Tết Trung Thu tới, chúng nó ngoài bánh trái còn được mua cho những đồ chơi như máy bay, tầu thủy, xe tăng, chim cò sản xuất bên Nhật, bên Mỹ trang bị máy móc rất "hiện đại". Chỉ việc bấm nút điều khiển là máy bay, xe hơi phóng ào ào, chim cò bay nhẩy loạn sạ. Nhưng chúng chỉ vui chơi một thời gian ngắn là dẹp bỏ liền không thương tiếc. Trong khi ngày trước chúng tôi vẫn nâng niu từng cái đèn, từng món đồ chơi và giữ gìn như những vật thân thương, cất đi mùa sau dùng tiếp. Tôi nhớ nhà có một lồng đèn kéo quân đẹp lắm, mẹ tôi cất giữ đến hơn mười năm. Nhưng khi nhìn đám con tôi tay cầm lồng đèn nhập bọn với lũ trẻ trong Làng Báo Chí vừa đi vừa cất tiếng hát vang. Nào là: "Tết Trung Thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường...". Nào là: "Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ...". Lòng tôi không khỏi bâng khuâng sao xuyến. Dĩ vãng cứ thế ùa về.
Khi bị bắt đưa lên trại tù cải tạo Gia Trung thuộc miền cao nguyên Pleiku, quả thực gần mười năm trời tôi không hề nhớ trên đất nước này còn có cái ngày gọi là Tết Trung Thu. Có bao giờ chúng tôi được nhìn trăng lên đâu. Mới 6, 7 giờ tối đã bị nhốt vào "chuồng" kín mít. Thế mà khi nhận được lá thư của đứa con gái thứ ba gửi, tôi ôm mặt suýt bật khóc. Trong thư con tôi viết: "Bố ơi, Tết Trung Thu năm nay nhà mình không có tiền mua nổi một chiếc lồng đèn nhỏ cho út Thư chơi. Con thấy nó đứng trước cửa nhà lặng nhìn lũ trẻ hàng xóm rước đèn đi qua với tất cả sự thèm thuồng khao khát. Tội nghiệp em con quá!".
Bây giờ sang đất Hoa Kỳ gần 10 năm, cứ tới ngày rằm tháng tám là tôi lại một mình đối bóng nhìn trăng. Hộp bánh Trung Thu bạn bè mua cho tôi để đến mốc trong tủ lạnh. Tôi không còn thấy hứng thú việc thưởng thức bánh ngọt, uống ly trà thơm nhìn trăng lên nữa. Câu nói của ông Nội tôi hồi nhỏ như còn vẳng bên tai: "Tuổi thơ thần tiên của đời người ngắn lắm. Ngắn như ông vua lên cung Quảng vậy. Thoáng đấy đã mất rồi. Chỉ ít năm nữa thôi các con sẽ trở thành người khác". Trong cuộc đời tôi đã trở thành "người khác" nhiều lần! Đêm nay, lại thêm một rằm tháng tám nữa tới. Vẫn như mọi năm, không có tiếng trống ếch với từng đàn trẻ thơ rước đèn ca hát dưới trăng. Nhà nhà không có giăng đèn kết hoa, cửa đóng kín. Ngoài đường im ắng, thỉnh thoảng một tiếng xe hơi phóng vụt qua. Bỗng dưng tôi nhớ tới hai câu thơ của cụ Tản Đà:
"Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi. Trần thế em nay chán nửa rồi"
Trăng Thu bây giờ ở xứ người vẫn sáng vằng vặc nhưng hình như không phải trăng xưa... Và tôi đang là "thằng Cuội già" ngồi dưới gốc cây đa to "ôm một mối mơ"?!

Muốn làm thằng cuội

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần giới em nay chán nữa rồi.
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn, can chi tủi,
Cùng gió cùng mây, thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.
 
Tản Đà 
Thanh Thương Hoàng

DEM TRUNG THU 01

Thu Vàng

ĐÊM TRUNG THU

Trên đường đến cơ quan Vũ may mắn xin được một thanh tre còn tươi. Anh cất nó trong góc phòng và ngồi lại bàn giấy. Bốn giờ, chị Hiền đến với một gói bánh trên tay:
-Năm chục ngàn một hộp. Cho ký sổ.
Thế là Vũ thả bộ qua văn phòng. Người nhân viên rất rành lý lịch từng người một, nói ngay:
-Anh lấy nguyên phong bốn cái đi. Ba đứa con ba cái, còn một cái hai vợ chồng ăn chung.
Vũ cầm phong bánh, ký sổ một cách lưu loát và tươi cười đi ra. Lúc về nhà, lũ con thấy bánh mừng quá.
-Ba mua bao nhiêu đó, ba?
Lúc ấy con số năm chục ngàn độc ác kia mới hiện ra trong đầu, buộc anh phải nói dối.
-Hai chục.
-T..r..ờ..i…,tụi nhỏ reo lên, hết sẩy! Ba mua nguyên hộp.
Chúng ôm nhau nhảy cà tưng khiến Vũ quên ngay những lo nghĩ.
-Ba lấy tre về làm chi đó, ba?
-Đừng có hỏi, Vũ nói, con Thảo lấy ba cái dao lớn. Cu Tí kiếm ba ít cọng thun còn Quỳnh thì lấy hồ gấp lên.
Vũ lục chồng báo cũ, bày giấy kiếng màu ra. Anh chẻ tre, vót nan. Tụi nhỏ hí hửng tham dự vào công việc này. Vũ thì vót tre làm sườn, ba đứa con không biết làm gì cả chúng ngồi hỏi đủ thứ chuyện, yêu cầu đủ thứ chuyện.
-Ba làm con máy bay phản lực nghe ba?
-Máy bay mít được không?
-Hết sẩy, máy bay mít.
-Còn con thì khoái con gà.
-Đừng chơi gà. Để ba làm con bướm.
-Thôi, gà đi ba. Con không thèm con bướm đâu.
-Nhưng tao có biết làm gà đâu.
-Ba làm con ngôi sao.
-Ngôi sao thì được.
Vũ cắt giấy dán. Trong lúc dán, anh bảo bé Quỳnh:
-Đi bắc nồi cơm. Nhớ đổ nước ngập hai ngón tay thôi, nghe chưa.
Con bé đi làm liền. Một thoáng đã thấy nó ra ngồi xúm xít với hai đứa em nó. Vũ vừa dán hình con thỏ lên lồng đèn vừa nói:
-Lát nữa má về, ba sẽ dọn cái bàn nhỏ ra hành lang này. Một đĩa bánh trung thu, một bình trà năm cái tách. Ba cái lồng đèn treo ba góc.
Bé Thảo đề nghị thêm:
-Xong đi rước đèn.
-Đúng rồi. Rước đèn vòng vòng trong sân.
Bỗng bọn nhỏ la lên:
-Má dề!
-Dế mà!
Nhưng vì ham lồng đèn quá nên lũ nhỏ không bu lại má chúng như mọi khi. Liên thấy thế cũng lờ chúng đi, vào trong thay đồ. Bỗng Vũ nghe:
-Trời ơi! Ai nấu cơm đây? Nấu cơm hay nấu cháo đây?
Vũ giựt mình quay lại hỏi bé Quỳnh:
-Con đổ mấy lóng tay?
Bé Quỳnh đưa ngón tay trỏ ra trước mặt:
-Ba lóng.
-Chết rồi. Tao biểu hai lóng thôi, sao đổ tới ba? Nãy giờ cũng không vô thăm chừng.
Trong nhà Liên lại la toáng lên:
-Đi làm về mệt mà thấy nồi cơm kiểu này rầu quá.
Vũ vội vàng dán những mảnh giấy kiếng cuối cùng rồi lo dọn dẹp, lũ nhỏ biết thân cũng lo lăng xăng dọn chén đũa ra bàn ăn.
Vũ hỏi một câu xã giao:
-Bữa nay em làm gì mà về trễ vậy?
-Em họp. Xong còn phải đi học.
-Thôi, bữa nay đặc biệt Trung Thu em nên nghỉ một bữa ở nhà với con cho vui.
Nghe Vũ đề nghị như vậy tụi nhỏ khoái lắm. Chúng reo lên:
-Ở nhà ăn bánh, má. Ba mới mua bốn cái bánh trung thu lận má.
-Trời ơi, Liên kêu kên, anh mua tới bốn cái bánh hả? Phải thứ năm chục ngàn không?
Vũ biết là “bể” quá rồi, vội xuống nước:
-Thôi, đừng làm dữ. Một năm mới có một lần.
-Vui gì cũng phải tùy khả năng. Em không tưởng tượng được là anh có thể mua một lúc năm chục ngàn đồng bánh.
Rồi quay sang lũ con, Liên tiếp:
-Tụi bay ăn bánh này rồi nhịn cơm một tuần nghe chưa. Tao không có nhiều tiền đến như thế đâu.
Bữa cơm buồn thiu. Lũ nhỏ không đứa nào nói một tiếng. Ăn xong, rửa chén bát xong Liên lo đi học. Vũ ngồi lại một mình với ba đứa con im lặng. Mặt trăng đã lên trên nóc nhà, tròn và rực rỡ sáng. Chỗ hành lang hướng lên một bầu trời rộng không bị một mái nhà nào ngăn cách nhưng Vũ chợt thấy thiên nhiên tẻ nhạt như một tĩnh vật chết. Anh đốt thuốc, ngồi thu mình gần sát tường, ở một góc hành lang. Lũ nhỏ thấy ba chúng im lặng cũng không dám vòi vĩnh, chúng tụm lại một góc nhà nói chuyện rúc rích về những cái lồng đèn của chúng. Chúng cố gắng đánh diêm đốt đèn nhưng mấy lần điều không thành công. Những chiếc que diêm xòe ra, run run đưa vào giữa chiếc lồng đèn, chưa đụng tới tim đã tắt ngấm. Cuối cùng bé Quỳnh đi kiếm một tờ giấy cuộn tròn lại và châm lửa.
Ba chiếc lồng đèn lần lượt được thắp sáng lên. Lũ nhỏ treo đèn lên các khung cửa và ngồi vòng quanh dưới đất. Bé Quỳnh nói:
-Sinh hoạt. Thảo hát đi.
-Thôi, em không hát đâu. Tết Trung thu mà không vui gì hết.
Cu Tí hỏi:
-Ba cất bánh đâu?
-Hỏi ba đi.
-Thôi, em không dám hỏi đâu. Chị hỏi đi.
Bé Quỳnh làm thinh, nghe ngóng một lúc, không thấy ngoài hành lang động tĩnh gì, nó nói:
-Ba đang buồn đó, mày.
-Hỏi ba đi, bé Thảo giục, nói đi!
-Ba ơi. Ba!
Nhưng ba chúng  không còn ngồi ngoài hành lang nữa. Vũ đi ra ngoài mua một bao thuốc lá. Ở đó anh gặp một người bạn và hai người rủ nhau vào một quán cà phê. Câu chuyện cũng chẳng hào hứng gì. Người bạn nói cười vồn vã mà anh thì lòng dạ để đâu đâu. Vũ gật gật, cười cười. Mỗi lần người bạn vỗ vai anh để nhấn mạnh một ý nào đó để anh tập trung hơn thì anh lại đáp bằng tiếng “bởi vậy” gọn lỏn, vô duyên.
Trở về, Vũ bước lên cầu thang tối om vắng lặng. Anh đốt một điếu thuốc và để ý lắng nghe tiếng nói của lũ con nhưng chỉ nghe tiếng những giọt nước đang rỉ xuống từ cái vòi đóng không chặt trong buồn tắm.
Đèn trong phòng sáng trưng. Lũ nhỏ đã ngủ cả. Chúng nằm ngổn ngang trên giường. Những chiếc lồng đèn đã cháy hết nến, bị vứt nằm chông chênh dưới sàn nhà.
Vũ đứng lặng giữa nhà nhìn lũ con. Nơi khóe mắt của bé Thảo có giọt nước mắt còn đọng lại, sáng như một giọt sương.
Trong tủ, những chiếc bánh còn nguyên vẹn.
Vũ lặng lẽ treo mùng cho con và tắt hết đèn. Anh nhắc một cái ghế thấp đem ra ngồi ở cuối hành lang tối om và hút thuốc.
Ở đầu hành lang, Liên hiện ra, âm thầm và chậm chạp. Thấy đóm lửa trên môi chồng, Liên hơi khựng lại một chút rồi hỏi:
-Có chuyện gì mà anh  buồn vậy?
ĐÀO HIẾU

Hương trầm vương vấn hương cau,
Dịu dàng hoà với hương hoa sau vườn...
Trà thơm nghi ngút toả hương,
Ướp nồng hương bánh, hương ngày tuổi thơ !!
NM 

Trung thu và nỗi nhớ

Tôi cảm nhận được thu sang bằng một chút se lạnh buổi sáng tháng tám. Ở thành phố này, mùa thu không đến bằng cái cách mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết: "Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về…".
Hoặc có cũng chỉ là trong hoài niệm, nỗi nhớ của một thế hệ về những mùa thu xa xôi. Nhưng một chút se lạnh ấy cũng đủ để làm sống dậy trong tôi cái không khí của những mùa Trung thu háo hức năm nào.
Ngày tôi còn nhỏ chưa biết tính ngày tháng. Chỉ biết Trung thu sắp về khi khí trời se se lạnh, nắng vàng hơn và cũng ngọt hơn. Sáng ra hay chiều xuống trời bắt đầu lãng đãng sương. Nhưng đặc biệt nhất để tôi biết Trung thu sắp về đó là khi những trái hồng trong vườn bắt đầu đỏ ửng, những trái bưởi căng mọng bắt đầu nhuốm vàng. Khi đó khỏi phải nói niềm vui mừng, háo hức của anh em tôi như thế nào. Chúng tôi bắt đầu hỏi mẹ ngày tháng để đếm ngược thời gian và trông cho trăng mau tròn. Quê tôi vốn là vùng núi xa xôi, gần như cách biệt hẳn với cuộc sống phát triển bên ngoài, thế nên Trung thu không bao giờ có múa lân, đánh trống hay hội hè gì cả. Nhưng những đứa trẻ quê tôi vẫn trông đợi Trung thu vì ý nghĩ đó là Tết của trẻ con đã in sâu trong tiềm thức.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ cái khung cảnh của những mùa Trung thu tuổi nhỏ. Buổi chiều bố mẹ đi làm đồng về sớm hơn, bữa cơm tối cũng được dọn ra sớm hơn thường nhật. Những trái hồng, bưởi, ổi, chuối và mía trong vườn đã được bố tôi hái vào từ chiều và thắp hương trên ban thờ Tổ tiên. Cơm nước xong, bố phân cho anh em tôi ra hiên ngồi chờ trăng lên. Chúng tôi dường như hồi hộp, nín thở nhìn mặt trăng chầm chậm nhô dần lên sau ngọn tre. Tôi bấm tay anh trai thì thầm hỏi sao trăng lên chậm vậy? Anh tôi đưa tay lên miệng khẽ suỵt ra hiệu cho tôi im lặng. Khi ấy, nhìn anh giống như người đang canh giữ một điều thiêng liêng, bí ẩn lắm. Tôi không dám nói gì thêm vì sợ có tiếng động trăng sẽ lại lặn xuống. Mùi trái chín trong vườn, mùi hương trầm vấn vít cùng với mùi hoa cau thoang thoảng khiến tôi ngây ngất, lâng lâng. Tất cả dệt nên một mùi hương kỳ diệu của một thời thơ nhỏ trong tôi. Khi khoảng sân nhà tôi dần bừng sáng là lúc trăng lên cao chính giữa. Ngày ấy, quê tôi chưa có điện nên ánh trăng sáng cũng được đợi chờ, mong mỏi hơn bây giờ rất nhiều. Trăng soi sáng từng gốc cây, góc vườn. Trăng chùm ánh sáng lên mái nhà lợp lá cọ đã cũ khiến khung cảnh trở nên nguyên sơ, huyền diệu như cổ tích. Đó là lúc gia đình tôi trải chiếu ra giữa sân, mâm hoa quả được đặt vào giữa, chúng tôi ngồi xung quanh. Bố tôi pha thêm ấm trà để uống cùng, vậy là chúng tôi đã có một Trung thu ấm áp vô cùng. Mẹ tôi lấy ra một gói kẹo bột mua ở phiên chợ huyện, đó luôn là món quà bất ngờ mà anh em tôi náo nức chờ đợi. Bố mẹ thường ngày nghiêm khắc với chúng tôi là thế, mà hôm đó cũng để anh em tôi được tự do nói huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, những chuyện chỉ có trong tưởng tượng của trẻ con. Khi ấy, bố tôi cũng nhìn lên trăng và đọc một câu ca dao quen thuộc “Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm”. Ngày ấy tôi chưa hiểu người ta có thể nhìn trăng để đoán trước mùa màng. Chẳng biết chúng tôi ngồi dưới trăng như thế bao lâu, khi mặt trăng đã chênh chếch phía Tây, mẹ kể cho chúng tôi nghe sự tích Hằng Nga và chú Cuội. Anh em tôi nằm ngửa mặt lên trời nhìn trăng, rồi tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào, trong giấc mơ tôi thấy mình được bay vào mặt trăng.
Bây giờ ở thành phố tôi thấy người ta bày bán bánh Trung thu trước hàng tháng trời. Có lẽ cũng vì thế mà Trung thu không còn được trẻ con háo hức chờ như thời trước. Những chiếc bánh ngọt, bánh dẻo với đèn lồng đủ màu sắc bây giờ vẫn không làm tôi quên được những mùa Trung thu với hoa trái vườn nhà ngày xưa và những đêm ngồi chờ trăng lên.
TÙNG LAM
Tuổi thơ dần sẽ xa tôi,
Như thuyền tách bến ra khơi xuôi dòng...
Một mình đứng giữa thinh không,
Bỗng dưng chợt nhớ mênh mông, trăng buồn!
NM 
Kết quả hình ảnh cho Lồng đèn Trung Thu
   QUA RỒI ĐÊM TRUNG THU
     Gần đến Trung thu. Bọn trẻ con đứa nào cũng náo nức đón chờ. Không phải chúng chờ bánh kẹo, chờ phá cỗ. Mà chúng chờ được làm lân, được múa lân.
     Thằng Bảo tập hợp bọn trẻ lại phân công làm lân. Đứa mua dây thép, đứa kiếm tre làm khung đầu lân. Đứa thì tìm giấy dán, đứa thì tìm sơn xanh, sơn đỏ…Rồi đầu lân hoàn thành. So với lân bán ở thị trường thì lân của chúng không đẹp bằng, nhưng được cái là tự chúng làm thì mới thú.
     Bọn chúng bỏ ra ba đêm để tập múa. Tiếng trống lân làm ồn cả xóm. Bà Sáu thường có tính không ưa ồn ào vì bà đang chữa bệnh, thế nhưng, những ngày này bà như khoẻ ra. Bà cười nói với bọn trẻ. Bà lại xuất tiền hưu của bà thưởng cho bọn chúng gói quà to tướng để chúng bồi dưỡng tập múa. Mấy đứa con nít hay làm nũng, giờ thì cũng hết, không cần dỗ, cũng ăn nhanh để còn kịp xem lân tập múa. Đến nhà cô Hải mở trò chơi điện tử, ngày thường đông bọn trẻ đến chơi, còn giờ thì vắng tanh, những chiếc máy được giải lao. Cả xóm xem bọn trẻ tập múa. Cả xóm ồn theo tiếng trống. Cả xóm vui theo tiếng trống. Cả xóm rộn ràng theo tiếng trống.
     Trăng lên. Hoà trong ánh điện là ánh sáng bập bùng của những ngọn đuốc. Tiếng trống rộn ràng như mờị mọc mọi nhà mở cửa đón lân. Tiếng trống đánh thức tuổi già về với trẻ con ; đánh thức đàn ông, đàn bà về với tuổi vô tư ; đánh thức con trai, con gái về tuổi mới lớn ; đánh thức cả trời cổ tích về mừng Thạch Sanh chém được Xà tinh…Tiếng trống đánh thức giấc ngủ cả năm ở cái xóm này.
     Lân đi từng nhà. Không nhà nào từ chối bọn trẻ. Bọn trẻ như làm chủ cả xóm. Lân của xóm khác không dám đến đây múa. Phần vì sợ lân ở đây đánh, phần vì không có ai mời múa. Hầu như đã thành lệ, lân xóm nào thì múa ở xóm đó, trừ trường hợp những đoàn lân chuyên nghiệp.
     Trăng đã lên cao. Bọn trẻ đã múa hết các nhà trong xóm. Bọn chúng mệt. Từng ngọn đuốc rụi dần. Cả xóm hầu như không còn đoái hoài đến chuyện múa lân.
     Gần hết rằm. Thi thoảng từng tiếng trống rời rạc ở đâu đó như nuối tiếc đêm rằm Trung thu.
     Bọn trẻ tập trung ngoài ngã ba. Bọn chúng kháo nhau :
     - Anh Bảo ! Múc chè ra ăn đi ! Múc chè ăn đi !
     Bọn trẻ đã chuẩn bị chè hồi chiều tối. Lệ thường, năm nào cũng vậy, sau khi múa lân xong là chúng ăn chè quanh lân được đốt. Thằng Bảo nói như ra lệnh :
     - Mấy đứa bay đợi đốt lân đã.
     Thằng Nhật mới tham gia múa lân lần đầu, thắc mắc hỏi :
     - Sao đốt uổng thế, anh Bảo ? Để dành sang năm múa.
     Một thằng như từng trải, nói :
     - Đốt để lấy hên. Để lại xui lắm. Sang năm làm cái khác.
     Bọn chúng chẳng biết có xui hên không. Nhưng thằng Bảo thì biết rất rõ là mỗi lần gần tới tết Trung thu, được làm lân, được múa lân là niềm vui. Bỗng thằng Bảo thở dài :
     - Đốt đi bay !
     Ngọn lửa bùng lên. Từng tiếng húp xột xoạt quanh những chén chè. Bọn trẻ nhìn ngọn lửa rụi dần. Thằng Bảo nói với bọn trẻ :
     - Bọn bay nghe tau nói đây. Trung thu này, sau khi làm đầu lân, mua dầu lửa, mua nước uống, nấu chè, nói chung là mọi thứ mua sắm, thì còn được hơn năm chục ngàn. Số tiền này, tau giao lại cho thằng Long giữ để sang năm làm đầu lân mới.
     Thằng Nhật lên tiếng :
     - Sao anh Bảo không giữ để sang năm làm ?
     Thằng Bảo giọng buồn buồn :
     - Tau lớn rồi ! Sang năm tau không còn làm lân, không còn múa lân nữa đâu.
     Bọn trẻ nhao nhao :
     - Còn chè không ? Cho thêm chén !
     Trăng xuống dần…..
Phan Trang Hy
Năm 2000