Hiển thị các bài đăng có nhãn Rượu quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Rượu quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Tuyết hoa tửu


Ghiền Rượu (đọc)

Rao Bán Vần Thơ Say

Dâng người
Nâng chén rượu hoa hồng,
Kính dâng người cõi mộng...
Tiếc đêm nào tỉnh giấc,
Khóc nhớ người bên song !

Thương đoá quỳnh khoe sắc,
Rạng rỡ một đêm thôi...
Ngoài kia dù lạnh giá,
Quỳnh vẫn trắng tinh khôi !

Đây hương hoa hồng trắng,
Cùng men rượu yêu thương...
Kính dâng người đã khuất,
Mình một mình đêm sương !!
NM

Tuyết hoa tửu

Cánh trắng mảnh mai e ấp phô sắc ngọc dưới trăng sương. Bà Nội tôi ngồi ngắm đóa quỳnh trong khoảnh khắc sương trăng, hoa chợt rùng mình mãn khai.
Đêm lụa bạch, đêm dâng hiến của hoa và trăng. Gió thu thảng qua khiến nội rùng mình, kéo chiếc khăn lụa cuốn cho ấm cổ, đôi bàn tay thon gầy nhón vài mảnh trầm thả vào chiếc lư đồng. Khói trầm quyện gió phả vào đêm ngát dịu, bâng khuâng mơ hồ. Bằng giọng thanh thanh bà nội tôi xa vắng: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi”.
Đôi mắt người vời vợi, ngân ngấn sương. Câu thơ Tự Đức khóc Bằng Phi thuở nào, vì quá nhớ thương mà đập vỡ tấm gương nàng từng soi mong thấy được bóng hình người ngọc trong đó. Xếp chiếc áo cũ nàng đã mặc đem cất kỹ, thi thoảng giở ra tìm lại chút dư hương. Bà tôi cắt nghĩa cho tôi rành rẽ, cứ sợ câu thơ của vị vua đa tình triều Nguyễn không nhập vào trí non nớt khờ dại của tôi.
Nhón nhẹ bước chân, bà lại gần cây hồng quế bên thềm đang thiêm thiếp dưới trăng. Cái cảm giác sợ tan bóng hoa khiến bà tôi khẽ khàng hơn, xa vắng vương mang đến tội tình. Trong màn sương ảo mờ vườn ngan ngát hương hoa hồng, hình như chúa hoa đang tấu khúc mê hương khiến lòng người ngơ ngẩn.
Bà thở dài nhìn chậu quỳnh bừng lên sức sống dưới đêm trăng. Chỉ một chút nữa thôi là quỳnh hương sẽ luân vũ sang kiếp khác. Kiếp hoa phiêu linh trong vũ trụ, trút phút trinh trắng ấp iu của đời mình dâng hiến cho nhân sinh rồi tan biến vào vĩnh hằng. Hoa hay trăng, sương hay hương mà bà rưng rưng niềm nhớ.
Khẽ khàng, người nâng bình tuyết hoa tửu chiết nhẹ xuống chiếc chén quân Bạch Định. Chiếc chén mỏng tang trong như ngọc lóng lánh dưới trăng. Bà thầm thì khấn nguyện lời mời hoa đêm nay. Cái cảm giác như có ai đang ở bên cùng bà đối tửu. Cánh hoa mềm lụa bạch, khoảnh khắc vi diệu, hoa thoát sinh chấp chới bay lên nghe cô liêu, rười rượi ngọc ngà. Một vẻ kiều mị u hoài nhưng không kém phần lộng lẫy.
Quỳnh hoa thổn thức dưới trăng, dâng hiến đến kiệt cùng. Nhìn quỳnh trắng tắm trăng bà tôi thẫn thờ. Tôi ngỡ ngàng thấy người cầm chén Tuyết hoa tửu tưới nhẹ xuống hoa, bằng cái búng nhẹ những tia rượu thơm ngào ngạt đã tắm lên đóa quỳnh.
Lễ tắm hoa kết thúc, ánh nhìn của bà tươi hơn, giọng người ấm và dịu hiền trở lại:
- Con có nhấp chút tuyết hoa tửu với bà không? Nhấp đi con ạ! Đây là rượu quý gia truyền nhà ta. Uống đi con sẽ gặp hương hồng bạch tao nhã, con sẽ thấy hồn mình bay lên... ừ mà con bé quá! Làm sao mà cảm nhận như ta được. Con đi ngủ đi! Sáng mai nhớ dậy sớm cùng bà ra vườn hái hồng bạch trước lúc mặt trời lên con nhé!
Tôi chìm vào giấc ngủ mà vẫn văng vẳng bên tai tiếng bà tôi ngâm Đường thi....
Vâng! Những đêm trăng bay qua đời ta bao giờ trở lại! Đêm quỳnh bà tôi lẻ loi rót rượu mời hoa cũng bay đi, bao đêm Đường thi vịnh hoa thưởng trăng của bà tôi với khách văn chương vẫn ăm ắp một niềm nhớ, cái cách mà nội tưới rượu cho hoa đau đáu trong tôi. Tuyết hoa tửu, thứ rượu quý ướp một đường viền huyền sử của dòng tộc được bà nâng niu tưới hoa ám ảnh tôi đến lạ kỳ.
Tôi lớn lên đã thấy nhà tôi nhiều rượu lắm rồi! Những hũ, vò, bình cổ rượu được chưng cất lâu năm vẫn xếp hàng, thiếp ngủ trong hầm rượu cạnh nhà thờ. Nhiều bình rượu bịt lụa đỏ ghi dấu bằng chữ nho viết thảo trên thân bình. Chỉ khi nào có khách quý những chiếc bình đó được đem ra tắm nắng, rót mời khách rồi lại chìm vào mộng mị.
Bà nội tôi là con gái nhà quan cũng theo đòi nghiên bút như con trai, được gả cho ông nội tôi một người hay chữ nhưng lại giỏi cầm chầu, say tiếng đàn đáy và giọng hát ca nương. Giấc phong lưu của ông Nội khiến bao lần bà rơi nước mắt. Nhiều đêm nhìn bóng mình trên vách bà lại buồn nhớ xa xôi.
Nhớ giậu tầm xuân biêng biêng đầu ngõ, nhớ bụi hồng cổ trồng kín vườn nhà, nhớ bãi dâu biếc xanh chiều nào có người hay chữ thường đi học trở về qua đó. Nỗi nhớ ập òa hiện về những ban mai. Bà cùng cụ tôi hái hoa hồng bạch ngậm sương, đặt khẽ vào làn mây, đem về ủ rượu. Cánh hồng bạch mịn màng tỏa hương trên mười búp ngọc của bà Nội tôi. Có bận sơ ý, gai hồng cứa vào ngón tay rớm máu, khiến người hái hoa xuýt xoa làm đau lòng kẻ đi học sớm ngang ngõ nhỏ.
Cụ tôi nghiêm cẩn dạy con gái nữ công gia chánh, bếp núc tầm tang khung cửi, vì không có con trai cụ còn dạy cả chữ nho và kiếm pháp cho con. Bà được thừa hưởng cái phong lưu quý tộc của nhà thế gia, nhưng con tim đa cảm của nghệ sĩ lại ngấm vào máu bà từ lúc nào. Bà say mê kiếm đạo, mê tuyết hoa tửu và Đường thi.
Nghe kể lại rằng có những đêm trăng sáng bà xách thanh thư kiếm đặt nghiêm cẩn trong thư phòng của cụ ra sân ngâu trước hiên nhà. Sau thế bái tổ, những đường kiếm vút vào sương đêm mềm mại như dải lụa, tựa bàn tay vũ nữ đang hái hoa lê. Bóng kiếm loáng sương lạnh, lay động bóng hoa ngâu như tuyết phủ mây bay...
Bà tôi say trong bóng kiếm đâu biết được có kẻ buông sách thở dài ở nhà bên. Đao kiếm vô tình hay giai nhân gấm vóc thờ ơ mà hàn sỹ ngậm nước mắt ôm mối sầu không giãi được cùng ai.
Thú ủ rượu hoa tao nhã quý tộc theo bà nội tôi về tới nhà chồng. Mùa nào thức ấy, khi những cơn gió nồm nam phe phẩy cánh sen trắng trong đầm nhà, nội lại chèo thuyền ngắt sen về ướp trà mạn. Cuối hạ chớm thu người lại gom hạt sen già đồ lên ngâm ủ tạo thành vò dã liên tửu mộng mị hồn văn nhân. Thu tưới nắng mật lên những giậu cúc hoa năm ngoái, người lại bòn hoa cúc đang cữ ngâm ủ thành Hoàng hoa tửu. Chén rượu thu rót ra sánh như mật, làm hồn hoa cất cánh trong thơ.
Đêm đông lạnh bà trầm tư bên chén rượu cúc mắt xa xăm về phương trời vô định mong tìm thấy bóng người xưa trong men cúc. Người ôm lều chõng vào tận kinh đô Huế dự thi. Khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn mà nghe đâu chưa một lần về cố quận. Hình như người vứt bút nghiên theo đoàn quân Việt Minh luồn rừng lội suối, để giấc hoa bay qua khung cửa và người con gái nhà bên đã hóa thành rượu hoa nhung nhớ.
Vườn nhà thật nhiều hoa nhưng bà tôi yêu nhất hoa hồng. Bà thường ấp iu cho các gốc hoa hồng cổ. Những gốc hồng được người thân tín của cụ tôi đem từ mạn ngược về. Theo chuyến bè nứa, bè gỗ về xuôi là những cây hồng bạch, phấn hồng được người Pháp nhân giống thành rừng hồng Sa Pa.
Do khí hậu dịu mát của vùng miền, nên chúa hồng đã tươi thắm trên đỉnh cao bốn mùa mây phủ đó. Người thượng đã không quản công bứng gốc hoa hồng cổ chuyển xuống chân núi. Các cây hồng được đổi bằng bạc trắng giờ xếp ngay ngắn trên bè gỗ xuôi về biển. Học trò cụ tôi yêu kính thầy cũng sưu tìm những gốc hồng Văn Khôi ngát hương dâng tặng.
Trời vào đông, hoa vườn nhà táp đi vì giá lạnh, nhưng những đóa hồng vẫn mơn mởn trong giá buốt. Hồng nhung thắp lửa giữa vườn. Vườn hồng nhà nội tôi thường có những họa sĩ về vẽ mẫu. Hoa hồng nhung thắm nở trên tay bà nội tôi mỗi khi bà ngắt, ngâm ủ thành hồng hoa tửu cho cụ tôi đãi khách. Nhưng mỗi lần ngắt hồng đỏ bà lại gặp ánh nhìn thăm thẳm đớn đau của em gái mình. Ánh nhìn ấy ám ảnh bà, bà bối rối như thấy mình có lỗi.
Cô em gái hiền xanh xao mảnh mai như một cánh quỳnh, ánh mắt lá đào đen láy rủ mi buồn, chỉ lấp lánh ánh mắt tươi vui mỗi lúc có họa sĩ từ kinh kỳ về vẽ hồng nhung. Má cô phớt hồng như hoa đào đi bên cạnh họa sĩ vẽ hoa trong vườn. Mùa xuân chỉ bung biêng với cô chốc lát. Người trẻ tuổi ấy thường mỉm cười với cô mỗi khi cô đưa tay chỉ những bông hồng đẹp.
Cô yếu đuối nhút nhát, hay ngồi trong khung cửi đọc sách và mê đắm sắc hồng hoa. Có ai ngờ cô đổ bệnh thật nặng vì thời gian dài không thấy họa sĩ trở về. Nhớ thương khắc khoải, cùng khúc tương tư đã giết chết trái tim non trẻ của người con gái đó. Phút lâm chung, người em gái ấy đã thều thào cùng nội:
- Em xin chị đừng hái hồng hoa ủ rượu nữa nhé! Màu đỏ ấy như màu máu của tim yêu, em muốn vườn nhà mình lúc nào cũng tươi thắm sắc đỏ để họa sĩ lại về vẽ hoa hồng nhung. Chị ơi! Em nhớ người ta lắm! Nhưng em không chờ được nữa rồi.
Bà nội tôi đau đớn khi bàn tay của người em gái yêu cứ lạnh dần.
Những cây hồng đỏ trong vườn nhà chít khăn trắng, hồn trinh theo gió mây. Hoa rũ xuống trong mùa đông năm ấy!
Dù được nâng niu chăm sóc rất chu đáo nhưng những gốc hồng nhung cứ dần tàn lụi, như chưa từng có sự sống trong vườn nhà nội. Hình như hoa cũng đi theo gió mưa, mang theo bao ân tình còn dang dở. Nội nhớ thương em gái đến thắt lòng. Bà cố gắng chăm gốc hồng nhung, cầu xin hồng hoa trở lại vườn nhà.
Vườn nhà giờ chỉ còn hồng bạch nhắc nhớ và xa xôi. Bao cánh hoa tàn phai sang kiếp khác, nhưng những ngày giỗ của em gái, nội tôi lại lên phố huyện mua về những đóa hồng đỏ dâng lên bàn thờ. Bà tin rằng đang ngắm hoa ở cõi bên kia chắc em gái cũng mỉm cười trước sắc đỏ tươi thắm của hồng. “Ai bảo em là giai nhân cho lệ tràn đêm xuân...”. Ai bảo em khờ dại để hồn trinh vướng víu lệ phong trần.
Một ngày kia hoàng hôn buông trên con ngõ nhỏ, có người ôm giá vẽ trở lại vườn xưa với một cánh tay. Người ấy từ chiến trường trở về, anh gục xuống trước khu vườn không còn bóng người thanh nữ năm nao nữa. Họa sĩ đớn đau thắp nén hương lên bàn thờ người yêu. Tóc ông chợt trắng xóa từ lúc nào.
Nội tôi chẳng còn bao giờ ngâm hồng hoa tửu nữa, nhìn sắc đỏ của hoa bà lại thở dài. Tiếng thở dài ấp đầy nước mắt, ấp bao muộn phiền xót xa người em gái bạc phận. Nhìn những cánh hồng bạch trong vườn cứ cồn dậy trong lòng bà sự thương nhớ cánh hoa cô liêu. Hồng bạch trinh trắng như sương tuyết tao nhã vô ngần nên nội tôi kỳ công dành cho thứ rượu này.
Hoa hồng bạch ngậm sương mai được ngắt vào, lặt sạch cuống, nương nhẹ từng cánh hoa ngát hương thả vào chiếc bình gốm bạch men Mạc Phủ. Rượu nếp Vò Di chưng cất hai lần cho hết độc tố ủ trong lòng đất lâu năm được đem lên. Đất trời se lạnh, rượu tỏa hương khí mờ sương khói. Cánh hoa trắng mảnh mai tinh khôi tựa cánh bướm trắng đậu nhẹ xuống đáy bình, một vài cánh như bay lên vướng vào thành bình.
Hương lúa nếp quyện hương hồng bạch thanh khiết, mật ong rừng vàng như mùa thu tỏa nắng thấm vào rượu, hoa. Mật, rượu, hoa ủ thành men cất cánh bay lên trong những đêm thanh vắng, lãng đãng hồn văn nhân khi sao mờ nguyệt lặn, hoặc rạng ngời trong tiếng gà gáy gọi bình minh. Hồng hoa tửu đã ngủ yên trong kiếp phù du, thương nhớ và mộng mị bảng lảng phách trinh phiêu bồng trong giấc hoa. Bình tuyết hoa tửu này vơi, bình tuyết hoa tửu kia lại được xếp vào hầm rượu...
Nâng chén mỹ tửu trên tay mà như cả bóng mùa sang. Mỗi bận có khách văn chương tới chơi bà tôi thường cho gọi tôi vào đứng hầu bên, tiệc rượu bày bên những chậu địa lan đúng cữ. Hương lan bay bay, chén tuyết hoa tửu được khách văn nâng lên đặt xuống, chạm khẽ vào môi như một niềm ân tứ mà trời đất ban tặng cho con người. Cảm giác sung sướng, hạnh phúc thưởng rượu thật tao nhã, khiến người nhẩn nha nhấm chút một, e tuyết hoa tửu trong khoảnh khắc sẽ vụt bay đi, hòa vào trong gió mây rồi tan biến khiến người ta luyến tiếc.
Bao mùa hoa hồng qua đi, vườn nhà cây lá thay sắc nhưng bà tôi vẫn bền bỉ chăm bón cho mỗi gốc hồng. Đôi mắt người đượm buồn khi chiều buông, áo lụa mỏng theo gió lạnh mà bà vẫn khôn nguôi nhớ thương em gái phận mỏng của mình. Tuyết hoa tửu ngấm sầu ly biệt.
Tôi lớn lên theo những đêm quỳnh, em gái tôi yêu hoa hồng nên xa quê vào xứ ngàn hoa lập nghiệp, đọc những bài tản văn và thơ của em trên báo cũng thấp thoáng hương hoa hồng. Mải kiếm tìm gì xa xôi mà em tôi lâu rồi không trở lại vườn xưa?
Tôi ở lại vườn hồng dạy học và ủ rượu. Nhìn bướm trắng chập chờn trên những cánh hồng, lòng tôi lại ngùi ngùi thương nhớ người muôn năm cũ. Trông gốc hồng trắng già nua theo tháng năm, tôi nao nao nhớ sắc đỏ của hoa hồng, mơ ngày nao chúa hoa gật đầu cho vườn nhà rực hồng sắc đỏ. Hình như nguyện cầu linh ứng hay sao ấy mà chiều nay tôi nhận được cây hồng đỏ thật to từ xứ Đoài xa xôi người gửi về tặng tôi.
Tôi mừng tới ứa lệ, run run thắp một nén nhang lên bàn thờ em gái bà nội, cầu xin cho hoa hồng tươi thắm. Trên di ảnh người xưa chợt mỉm cười... Ô đất vuông sát thềm nhà, chén tuyết hoa tửu được tưới xuống đất nâu mềm ẩm, gốc hồng nhung xinh xắn được đặt vào... vun đều, vun đều và cây bén rễ. Mùa xuân năm ấy những nụ hồng thắm đỏ đơm bông khắp vườn nhà.
Người gửi hồng đỏ cho tôi cũng mê tuyết hoa tửu khi chiều buông, lúc canh khuya sương lạnh bên những trang văn viết dở. Xứ Đoài bổng mây trắng nhớ thương, chén rượu đẫm khói sương, chẳng biết giấc mơ của người có thiên di về nơi xứ biển, nhưng tôi vẫn thầm khấn nguyện để ai kia đừng ngủ quên kẻo lỡ một đêm quỳnh.
Nội tôi giờ đang làm thơ ở cõi bên kia hay vân du tới những vườn hồng, tôi vẫn lặng thầm ủ Tuyết hoa tửu thành kính dâng lên bàn thờ bà Nội. Hoa hồng trắng, rượu ngát hương được chưng cất từ yêu thương ngọt dịu, vẫn thầm thì níu gọi dấu người xa.
(Nhà văn Lê Hà Ngân, Trường THCS Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định)

Ngộ,
Bây giờ tôi mới ngộ rằng,
Tuổi cao nhưng vẫn nặng lòng yêu em...
Bóng trăng dù xế qua thềm,
Vẫn theo cánh hạc dõi em bên đời...
Biết rằng tình chẳng nên đôi,
Tuổi đời dẫu cạn tình tôi vẫn đầy
NM

Minh họa: Văn Nguyễn
Cặn tình   
Ở quán cà phê hẻm 58 buổi sáng. Quỳnh Như viết hai chữ “Quan hệ” vào bìa sau tờ vé số cũ. Bà bán vé số mời mua lại, Như cười.
Ông Điền mua năm tờ vé giống số như nhau. Tặng Như ba vé, ông giữ hai. “Trúng số ông cưới Như”. “Cô bé” cười. Gọi là cô bé vì trông hình dáng Như nhỏ con, coi giống còn bé. “Nếu trúng số con qua Đài Loan thăm con của con”.
Như chưa có dáng đàn bà. Chiếc áo của Như đang mặc cài hết các nút trên ngực như phòng thủ, điều đó càng khiến các ông chăm chú nhìn hơn. Như đưa tờ vé số cũ có hai chữ “Quan hệ” cho ông Điền rồi giải thích tiếp câu chuyện ông hỏi lúc sáng:
- Chuyện quan hệ nầy chỉ có một lần với người chồng Đài Loan trong suốt bốn năm Như ở bên đó, có một đứa con trai ở lại với cha nó, còn Như mới về Việt Nam có một năm. Như gần bốn mươi tuổi mà hiện không có đồng xu nào trong túi.
Ông Điền hỏi:
- Như gặp ông chồng ngoại nầy ở đâu? Ổng bao nhiêu tuổi?
Như thật thà:
- Gặp ở Sài Gòn nầy, ổng 51 tuổi.
Ông Điền nhẩm tính:
- Toàn bộ như chuyến đi du lịch! Về đây Như nhớ con không?
Như quay mặt nhìn ra đường, không cười. “Nhớ... Đang kiếm tiền qua bên đó thăm nó”. Ông Điền hỏi: “Nhớ chồng không?”. Cô bé hay cười mà lần nầy lại không cười. Cô quay mặt lại, đôi mắt ươn ướt: “Không nhớ... Ông ấy đánh Như văng vào vách chỉ vì ông biểu Như đi ngủ không được xem ti vi nữa”. Điền trố mắt tò mò thắc mắc: “Chớ không phải vì ông ta muốn việc “quan hệ” ấy mà Như không chiều?”. Như thanh minh cho ai đó đang ở xa: “Không phải vì việc đó. Mà vì ông ta có óc gia trưởng, ông nói là ai cũng phải nghe”.
Ông già Điền vốn đa nghi, ông không tin là chỉ có chuyện tắt ti vi mà là chuyện ông 51 tuổi kia cần giải quyết. Ông Điền định hỏi thêm nhưng Như cắt ngang câu chuyện. Từ ngày đó tưởng đâu Như giận. Nhưng Như vẫn hay nói chuyện vui với ông Điền mà không hề nhắc gì tới chuyện 4 năm ở Đài Loan. Tôi thì thầm với ông Điền:
- Ông họa sĩ ngồi kia nói Như “buôn bán bất động sản”.
Như nghe, hỏi lại:
- Là làm gái à. Ai nói gì thì nói, kệ người ta.
Tôi lại xía vô chuyện
không phải của tôi mà với nhà văn Điền:
- Cha nhà thơ kia còn nói chỉ cần 6 triệu một tháng là có thể gọi Như đi khách sạn. Như nầy cứ chiều đi mất khuya chín mười giờ mới về, chắc là làm ăn với vốn tự có.
Nhiều người nghĩ vậy vì Như trẻ đẹp lại vui tính. Như vẫn ngồi bên cạnh cười hiền:
- Giống giống như mấy cô gái tre trẻ đi bán vé số có điện thoại thông minh à. Tùy người thôi. Như đi bỏ mối rượu vang mà. Chỗ nào gọi rượu là Như chạy xe mang tới. Vốn của chủ, vốn gì của Như.
Như vẫn chưa hiểu câu vốn tự có. Nhà văn Điền biết nó có ý khinh khi châm biếm. Ông quạu, ông nầy thì tôi biết, dù ông vốn là người hiền lành tử tế nhưng cộc tánh:
- Thơ hay tranh của nó bằng vàng à, sao nó khinh người vậy? Người phụ nữ nầy có hoàn cảnh khó, đang khổ mà sao nỡ lòng nói vậy.
Như: “Không sao! Ai nói gì thì nói”. Như hay cười với đôi môi lạ và cái răng khểnh có duyên. “Ông bao nhiêu tuổi rồi ông Điền?”. “Năm nay 27 tuổi, sang năm tôi sẽ là 37”. Bé Như lại cười “73”. Sau tất cả câu chuyện du lịch Như kể lại, ông già thầm nghĩ Như mất cả chì lẫn chài, không gì khổ bằng phụ nữ lỡ thất thân. Lấy chồng lần nữa vui thì nó không nói còn khi có chuyện buồn hay nhậu say là nó kiếm chuyện nầy nọ.
Chuyện lạ diễn ra chưa tới một tuần. Ban đầu Điền tội nghiệp, sau đó ông thương thương, sau đó nữa lại nhớ nhớ, ghen ghen rồi bất thần yêu yêu mới chết. “Yêu” Như một cách đau khổ thật thà.
Gặp lại ông trong chuyến đi thực tế để sáng tác, ngồi chung xe với ông ra Duyên Hải, ông kể, ông khóc như đứa trẻ. Tôi hiểu các nhà văn. Ông nhà văn Điền bạn già của tôi có khuôn mặt tỉnh bơ, không hề lộ một chút cảm xúc nào vui buồn nhưng tôi biết trái tim ông nhạy cảm tan nát.
Ông Cận, ông Thục, với ông Bình… ai cũng buồn ngủ. Ông Bình ngủ say. Điền thức kể chuyện, tiếng thì thầm của ông theo gió lùa ra cửa xe rồi thoát ra ngoài trời…
- Hồi đâu chừng hai lăm tới ba mươi tuổi. Tôi làm thầy giáo dạy môn triết, có một lần tôi yêu kịch liệt. Yêu chết bỏ. Yêu chết yêu sống. Cứ một ngày mà tôi không thấy mặt cô giáo đó là coi như tôi chết đứng. Lạ là tôi chỉ yêu một lần đó rồi thôi, không yêu người nào nữa. Không ngạc nhiên buồn vui giận hờn, không yêu. Rồi tôi bị sét đánh. Tôi yêu lại mà yêu thiệt tình. Già rồi thì buồn, tôi chỉ muốn có cảm giác nhớ thương cho đỡ buồn. Mà bây giờ tôi buồn, khổ vì yêu thiệt rồi. Biết nói sao cho mấy ông hiểu, tình yêu khi nó tới chậm vậy là thứ tình yêu gì? Mấy ông vô tư quá, thiếu chi phụ nữ khổ sở mà mình không chịu yêu họ.
Mọi người trên xe ngủ gà ngủ gật. Thịnh là bác tài trẻ phải thức lái xe cười nói cho vui chuyện:
- Già cúp bình thiếc rồi còn yêu nổi sao ông Điền.
Điền mới gục qua bên vai ông Thục tỉnh lại:
- Vẫn yêu. Còn sống là còn yêu. Yêu có chết đâu.
Thịnh:
- Vậy là... cặn tình. Như cặn rượu, dễ say dễ chết lắm.
- Còn sống nhưng buồn vui lẫn lộn.
Hình như tay Thịnh tài xế nầy có kinh nghiệm, anh ta say sưa nói tiếp, suýt chút đụng nhầm một chiếc xe gắn máy của một chàng trai chở cô gái trẻ lạng bên lề đường.
Cận kể: “Tôi nghe ông Điền hẹn bé Như kiếp sau, còn kiếp nầy ổng cày nuôi bé Như chừng nào Như lấy chồng thì thôi”. Ông Thục cũng có nhiều mối tình lạ nhưng không kỳ cục như ông Điền. Kiểu tình nầy là của các nhà văn, người thường không có, ông Bình nhừa nhựa “tình là tình khi không mà có, tình là tình có cũng như không”.
Từ chuyến đi thực tế sáng tác ở Duyên Hải về Sài Gòn, sáng nào ông Điền cũng thấy mấy bạn già nhà văn của mình tới quán ở Trần Quốc Thảo. Bé Quỳnh Như dễ thương tội nghiệp thiệt, thôi thì mấy nhà văn già như tụi mình ráng cày, ráng viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tạp bút nầy nọ kiếm chút nhuận bút nuôi bé Như. Chừng nào bé Như lấy chồng thì thôi. Nhưng mình là người lớn phải khuyên Như, lỡ một chuyến du lịch rắc rối rồi, nếu có lần sau phải cẩn thận không khéo gặp thằng chồng gia trưởng nó không cho coi ti vi, nó đánh văng vô vách thì khổ lại càng khổ. Đường xa khó về lại nhớ con. Đừng kiếm tiền qua đó nó cho thêm một đứa nữa ôm cháu nhỏ chạy về không kịp thở.
Điền ghen thật: Rủi bé Như yêu một trong mấy người, tôi làm sao sống.
“Trời kêu ai nấy dạ, lo gì hả Điền. Còn yêu là còn sống”. Phụ nữ là khổ mà, phải biết thương người ta chớ!
Vậy là ba ông cụ nầy đều yêu bé Như… cũng như tôi. Nhưng tôi không dám đâu, chính tôi nuôi tôi còn bữa đói bữa no, lấy gì trèo đèo. Vả lại Như mới chưa tới 40 tuổi, còn tôi với mấy ông bạn tôi ông nào cũng trên… 37. Ai cũng nói càng nhìn Như lâu lâu càng thấy Như hiền, vui vẻ, không tìm thấy một chút đanh đá nào. Đôi môi Như lạ, tướng đi nhẹ nhàng, Như cười có cái răng khểnh có duyên, Như thật thà như củ khoai.
Điều quan trọng hơn là Như không chịu lấy chồng. Hà hà, không phải chỉ nhà văn mới thấy mình có hy vọng. Mà ai ai cũng xin số điện thoại của Như. Ai cũng muốn yêu bé Như. Còn tôi thì sợ ngày sợ đêm sợ Như yếu lòng nghe lời ai ngon ngọt, rủi ro thương nhầm thằng quỷ sứ nào đó, nó làm bộ yêu Như một hai ngày vài tháng một năm rồi bỏ con người ta. Cô bé lại cười: “Không có chuyện Như lấy chồng đâu... từ từ để coi sao đã”. Câu sau của Như càng làm tôi mất ngủ vì sợ vì lo cho Như và... sợ cho tôi. Sợ luôn cho ông Điền. Vì bạn già mình tìm được một tình yêu tuy trễ mà đích thực, nhìn mắt ông khi ông tặng ba tờ vé số cho Như thì biết. Ông Điền muốn mua cái nhà sống chung với Như. Nhà văn nào cũng nhiều tưởng tượng thật. Nếu không thì làm sao mà sống.
Hàng ngày Như cứ cười làm điên đảo bọn người tới làm bộ uống cà phê để ngắm Như. Tôi không tin đàn bà. Vì có lần tôi mua vé số, tôi không trúng tờ nào mà tôi lại trúng cô nhỏ bán vé số. Cô nàng vừa là biên kịch vừa làm diễn viên kiêm đạo diễn. Quỳnh Như hỏi: “Ông mất tiền tỉ vì cô biên kịch bào tận xương à”.
Qua kinh nghiệm đau thương của tôi, Như khuyên: “Con với ông có gì đâu”. Như không thích xe đẹp, không thích điện thoại thông minh và không mấy thích tiền. Như có chiếc Honda cánh én cũ chạy đi giao rượu, có cái điện thoại cùi bắp nhỏ xíu mà lúc nào Như cũng lau chùi, còn tiền trong cái túi quần jeans có dây kéo cũng có bạc lẻ đủ xài. Như biết mình khá đẹp, hấp dẫn. “Phụ nữ mà, hồi trước Như còn hơn bây giờ”. Tôi ít cười nhưng nhìn Như cười là tôi vui. Tôi hay nói đùa: “Ông cũng hùn với mấy ông nhà văn già kia nuôi Như. Chừng nào Như có chồng thì ông vô viện dưỡng lão khỏi nuôi Như nữa nha”. Như nói “OK”.
Tôi không kể với ông Thục, ông Bình, tôi lại đi khoe với ông Điền, mà vô hình trung coi ông như tình địch ngầm. Nhưng lạ chưa, khi nghe chuyện nầy ông Điền tỏ ra vô tư: “OK. Ông thì được!”.
Đúng là nhà văn lạ hơn người thường, vì mấy ổng yêu không bình thường. Sống cũng ngộ mà còn chút cặn tình cũng yêu và lết cho tới bến.
Mạc Can

 Rượu Thái sư
Chỉ là câu chuyện về một cuộc rượu, tại một xó tỉnh lẻ bắc xứ Đoài một chiều thu muộn. Tiện đâu tôi kể đấy chứ cũng chẳng có ý tưởng, thông điệp to tát gì. Người đọc nào khó tính cũng xin lượng thứ.
Độ, cháu gọi tôi bằng bác, họ hàng đằng mẹ nó, lâu hôm nay mới đến chơi. Lần này cũng thế, không đến tay không:
– Nhà cháu tát ao, có ít tôm sạch biếu hai bác.
Độ, cán bộ bảo tồn di sản, công việc suốt ngày với đống hồ sơ xin xây lại đình chùa đền miếu hay đề nghị xếp hạng di tích. Hai chị, một em gái. Em công nhân khu công nghiệp Kim Long, chị lao động xuất khẩu Đài Loan, Hàn Quốc. Mỗi Độ được ăn học chu đáo. Ham đọc sách từ bé, Độ chỉ ước vào đại học ngành Hán Nôm để đọc được sách cụ bốn đời, vốn trước làm thầy đồ kiêm thầy thuốc, có lúc kiêm cả thầy địa lý, còn để lại trong cái líp nửa tre nửa gỗ, may vẫn giữ được qua bao biến động của thời cuộc và thời tiết viêm nhiệt phương nam.
Năm đầu thi trượt, cu cậu phẫn chí bỏ nhà đi. Tìm kiếm khắp nơi tuyệt vô âm tín, bố mẹ Độ ngất lên ngất xuống, cứ nghĩ mất con rồi. Bô lão chi tộc Nguyễn Bá họp kín, tính điều chỉnh gia phả ngạch đích tôn. Chẳng ngờ một năm sau, anh chàng về, còn cầm theo giấy báo đỗ đại học. Cả nhà như được sống lại. Họ mạc dân làng đến chơi nườm nượp. Vườn nhãn cổ thụ nhà Độ năm ấy tự dưng sai trĩu quả, vừa bán vừa cho không hết.
Ra là Độ về Hà Nội ôn thi đại học. Đêm dùi mài sách hướng dẫn các loại, ngày rửa bát hàng phở, bốc vác thuê lấy tiền trả học phí và chống đỡ cuộc sống vạ vật đất kinh kỳ. Cuối cùng cao xanh cũng không phụ người có chí.
Các bô lão họ Nguyễn họp đại biểu ba chi Nguyễn Bá, Nguyễn Trọng, Nguyễn Quý. Cỗ bàn bữa ấy nhà Độ lo cả. Mặt đỏ lựng sau chén rượu Canh nâng lên đặt xuống mãi, e hèm, vuốt chòm râu ngắn ngủn, cụ đại diện cả họ nói:
– Làng Ngạc ta, cả trăm năm mới có sự đỗ đạt. Lại chỉ rơi vào họ nhà này. Các cụ để ý chứ, lõng tre bên tả chân núi Ngạc Sơn mấy năm nay măng ra nhiều thế. Không nhẽ con Kim Long sống lại thật rồi?…
Độ học xong ra trường, bố mẹ nó đưa đến nhà tôi, biếu con chép to với cả bao tải nhãn, bảo: “Xin bác giúp cháu. Nhà em không dám quên ơn”.
Tôi kể chuyện Độ rửa bát thuê hàng phở lấy tiền ôn thi đại học với giám đốc sở và nói vui: không phải “xin” mà là “tiến cử” người làm về lĩnh vực di sản. Nói thế vì tôi biết, thời nay bói đâu ra cử nhân đại học rành về Hán Nôm, đình chùa đền miếu? Thế là Độ được đi làm, chả phải chạy chọt gì. Sướng.
*
Mẻ tôm càng Độ biếu ngon quá. Tươi đanh đách. Toàn cỡ ngón tay cái trở lên. Có cả một con chép nữa. Tôi bảo Độ:
– Cháu ở đây luôn. Bác gọi mấy ông bạn uống rượu cho vui.
Đã quá tiết Trùng dương. Trời hôm nay bỗng dưng hơi se lạnh. Vòm lá xanh se sắt của khóm tre đằng ngà xao xác trong chiều mây xám. Thu muộn, còn dư khí túc sát hoang liêu, kể cũng nên lập ra một góc túy hương cho đỡ những bất ổn vô cớ của lòng người.
Thụy đến trước. Vẫn thói quen đi lại ngắm nghía trước sau rồi mới an tọa với chủ nhà. Thụy bạn tôi, vốn dân bác sĩ. Mổ mắt giỏi. Tay như nghệ sĩ violon. Mà Thụy chơi loại nhị Tây ấy cũng khá lắm. Rất có tình. Nhất là khi kéo bản “Khúc ca chiều” của Schubert. Thụy bảo:
– Đó là giai điệu của thánh thần. Cái ông Schubert mỏng tai nghe được nên mới bị trách phạt lúc mới có băm mốt tuổi.
Tôi nói:
– Biết đâu ông ấy được mãn hạn giời đày thì sao?
Thụy ngẩn ra.
Số phận xô đẩy thế nào mà Thụy lại chuyển nghề làm công chức hành chính. Vẻ ngoài nghiêm túc, công việc mẫn cán. Doanh nghiệp cho phong bì hay không vẫn cứ làm theo chức trách. Thế nên có lúc đã được tổ chức nhìn nhận đến. Nhưng cũng chỉ đến cấp ký thay. Đôi khi thở than thế sự này nọ, tôi vẫn trêu: mổ mắt cho người thì được mà không mổ được mắt cho thiên hạ. Thụy cười gượng, bảo: “Có khi tôi xin về sớm. Mở phòng mạch tư. Lúc rảnh chơi đàn dỗ cháu, dỗ cả ông luôn”.
Một lát, Thái có mặt. Thế là đủ bốn người, một cỗ. Chiếu Đậu trải ra sân, cỡ đại, cói tăm dệt kép thủ công, trọng thể cho một cuộc hội ẩm ngoài trời. Quan khách lục tục ngồi.
Thái, vốn thầy giáo sử. Nhưng chỉ gõ đầu trẻ có mấy năm trên Tây Bắc rồi về quê, nhân đấy chuyển nghề công chức cấp sở. Kiến văn rộng. Cũng không chấp nhất gì lắm. Bạn bè vẫn trêu là quan Thái sử. Tên đầy đủ: Trần Quốc Thái. Tổ gốc Thái Bình. Mẹ họ Phạm, nguyên làng Phù Ủng, đồng hương với Phạm Ngũ Lão.
Thấy có khách lạ cùng chiếu, Thái hỏi:
– Tiên sinh nào đây?
Tôi giới thiệu danh tính, thân thế Độ, không quên hai chi tiết: rửa bát thuê hàng phở lấy tiền ôn thi đại học và khá thông thạo chữ Hán Nôm. Mới đầu còn hờ hững, sau nét mặt Thái giãn dần. Thấy nói Độ quê huyện Dương, làng Đống Ngạc, Thái nổi hứng thuyết một hồi về núi Ngạc Sơn. Chuyện cũng thú vị. Than trong lò chưa đượm hẳn, có câu chuyện dềnh dang lúc này cũng khéo. Có điều Thái diễn khí dài dòng. Tôi chỉ xin tóm tắt thế này:
“Huyện Dương, nguyên thuộc phủ Tuyên Hóa, có núi như hình con sấu, vốn là một nhánh từ dãy Tam Đảo rẽ ngang chạy xuống dưới này. Tên chữ là Ngạc Sơn. Cũng có sách chép Kim Long. Nghe truyền núi ấy thiêng, có huyệt quý có thể phát văn khôi khoa giáp, võ tổng binh nhung. Có kê trong danh sách mấy nghìn huyệt nước Nam trong tấu thư Cao Biền nộp lên vua Đường Ý Tông. Sau quân Lam Sơn lấy được bản sao từ tay Hoàng Phúc. Họ Cao cho yểm tháp đất nung, đào con ngòi cắt ngang long mạch. Thế là từ ấy, núi Ngạc trở nên cằn cỗi, xơ xác. Sinh long hóa bệnh long. Chỉ phát trộm cướp. Gớm nhất là “giặc Thọt” thời Lê – Trịnh. Tên Bùi Thúc Dĩnh, vốn học trò thi trượt, bực mình tập tễnh bỏ vào núi Tam Đảo. Cầu tiên hái thuốc không xong chán trò xoay ra làm thảo khấu. Trời làm hạn hán mất mùa mấy năm nên dân nghèo vùng Tam Đái, Càn San theo đông lắm. Chống lại quan quân triều đình mà cũng cướp hại cả dân chúng. Từng thả quân triệt hạ cả ba làng kẻ Cánh vì chống lệnh nộp thóc nhập kho Đại Đồn trong Thanh Lanh – Ngọc Bội…
Lại nữa, gần núi Ngạc có làng truyền đời chuyên nghề trộm chó. Làng có bốn xóm lại chỉ mỗi xóm làm việc đó thành ra cả làng chịu tiếng theo. Tuy nhiên lại có một xóm nấu rượu rất ngon, xóm tên Canh, rượu cũng tên Canh”.
Thái nhìn Độ:
– Xem anh chàng này nào. Ừ, mắt có thần khí, tam đình ngay chính, xương thịt quân phân, ngoài nhu thuận trong cương liệt. Này, cháu biết võ thuật, đúng không?
Độ thú nhận:
– Vâng, cháu có tập Nhu đạo.
– Chân cẳng thế nào?… À, long hổ đúng vị, không tập tễnh. Học trò trước thi trượt, học trò sau đại đăng khoa. Kim Long từ nay không phát trộm cướp nữa.
Cả bọn phá lên cười. Nhân đấy tôi kể thêm chuyện Độ từng một mình đánh ngã mấy thằng xăm trổ bắt nạt đám sinh viên ăn phở tại quán Độ làm thuê. Do thiện cảm với cậu thanh niên tỉnh lẻ chăm chỉ, thật thà, vợ chồng chủ quán đã đứng ra bảo lãnh Độ với công an phường và đại ca của đám xăm trổ nên vụ ấy rồi cũng qua. Anh chàng may lại được yên ổn ngày làm lụng, đêm dùi mài kinh sử chờ lúc ra ứng thí. Nghe chuyện, bác Thái xem ra có phần cảm tình hơn với thằng cháu ít tuổi mới quen biết này.
Hơi lửa hồng rực xem chừng sắp át hết màu đen còn sót lại của mấy cục than trên cùng. Tôi khoát tay:
– Dừng mọi câu chuyện. Rước các tiên sinh.
Thái nói:
– Chủ nhân bữa nay đãi khách món gì mà hỏa lò than hoa thế này?
– Tôm nướng. Phải dùng xiên. Tự làm tự ăn, không ai hầu ai cả.
Thái tán thưởng ra chiều thích thú:
– Hay đấy, nướng mới giữ được nguyên khí. Đàn bà chỉ cần thử hai món nướng với luộc là biết ngay. Này, trong bảy món mộc tồn, sáu món toàn thị nở ra, mỗi chả là co vào không có lãi. Hòa “Chó” dốc Trừ Sâu ở Việt Trì ngày trước sợ nhất mấy ông vào quán chỉ gọi độc món chả, lối Tản Đà, Nguyễn Tuân, hai bố sành ăn nhất cái xứ mình. Nhưng rượu gì đây?
Tôi nói:
– Bàu Đá, vừa có chuyến công tác trong Quy Nhơn.
Rượu rót ra. Chạm chén. Cạn. Được cái Độ chuyên cũng khéo chỉ nửa chén một. Thụy chép miệng hơi nhăn mặt:
– Rượu ngon. Nhưng nặng quá, dễ đến hơn năm mươi độ?
Hỏa lò đượm. Đặt giữa mâm. Bốn người ngồi khéo. Sau lưng hơi lạnh nhưng trước mặt hơi lửa ấm áp. Đám tôm càng còn nguyên con, đanh đách trong bát loa xâm xấp nước. Xiên vào que nướng xoay đi trở lại trên than hồng, con tôm ngả màu dần từ xanh xám tới vàng ươm rồi đỏ khé, nức mùi thơm đến từng con tỳ con vị. Thận trọng đưa nhẹ con tôm đã tới lửa còn nóng rẫy vào bát nước chấm hội đủ ngũ vị, ăn kèm nhánh rau húng quế, Thái xuýt xoa:
– Đã lắm… Mà này, than gì mà đượm, không tí khói nào thế?
Độ nhanh nhảu:
– Than sinh học. Cây cành tươi khô, rạ rơm, mẩu gỗ, mùn cưa các loại cho tuốt vào máy, nghiền ra ép khuôn, đốt nguyên trong lò yếm khí. Nhật, Hàn Quốc xứ lạnh mê lắm. Bạn cháu chủ doanh nghiệp làm không đủ bán.
Thái nói:
– Hay, không khói mà vẫn giữ được hỏa khí.
Rượu được vài tuần. Mới đầu còn chung bốn chén sau xoay dần ra từng hai chén một. Bên tranh bên cãi, chén đầy chén vơi, nâng lên đặt xuống, câu chuyện đám tửu đồ dần đã nhuốm màu triết lý vụn với những luận đề to tát giữa các nhóm với nhau, nhưng chủ yếu quay vòng giữa ba ông tiên chỉ. Độ chỉ đưa đà chuyên tâm tửu bảo. Mải chuyện, có người để nguội con tôm đã chín lại phải đưa lại vào hỏa lò.
Ngang chừng, bỗng Thái huơ cái xiên vẫn còn con tôm cắn dở nói to:
– Xin tất cả yên lặng nào. Giờ tôi có ý này, vấn đề vừa nãy giữa tôi với ông Thụy chưa ngã ngũ, cần đưa ra hội thảo công khai. Đố các ngài, lửa đây thì rõ rồi, còn những phát minh nào làm thay đổi cả nhân loại chứ?
Đề tài mới từ Thái như khơi vỡ ra đập nước ngôn từ do hơi men nung nấu. Mâm rượu ồn ào hẳn lên. Người bảo la bàn, kẻ cho là điện, rồi thuốc súng, máy hơi nước, điện thoại, truyền hình, máy in Gutenberg… Nhân đó còn tràn lan cả đến những là mộc ngưu lưu mã Khổng Minh, nỏ liên châu Cao Lỗ, đội hình trăng lưỡi liềm La Mã, cáng ba người của Quang Trung Nguyễn Huệ… Thôi thì đủ cả. Có tay nào còn bảo: rượu mới là phát minh vĩ đại nhất của loài người. Rồi ra sức chứng minh, lập luận. Đương nhiên kiểu lý sự ấy sẽ chẳng thể có khi rượu đã không còn là bạn đồng hành.
Được cái rốt cuộc đều có chung đáp án lửa và máy hơi nước trả bài thầy giáo Thái. Thái cao giọng:
– Tất cả không sai, nhưng chưa đủ. Tôi ra đề đó có nghĩa phải là những gì tạo ra bước ngoặt làm thay đổi hẳn tiến trình nhân loại chứ. Thôi, tôi giải đáp luôn vậy. Chỉ có ba đáp số: Một, lửa, mà ta đang nướng tôm đánh chén đây. Hai, máy hơi nước. Ba, là gì hở Độ?
Độ hơi sững ra chút nhưng ngay lập tức quả quyết:
– Theo cháu, phải là… Internet.
– A, tay này khá – Thầy giáo Thái phấn khởi.
Tất cả như bừng tỉnh: Ừ nhỉ, Internet, sức mạnh mở toang những khép kín, như đầu máy hơi nước từng húc đổ hàng rào lãnh địa Tây Âu trung cổ. Gì có thể cản lại được đầu máy kia giờ núp dưới hình con chuột vi tính nhỏ nhắn xinh xinh? Nó, thứ như đồ chơi con trẻ ấy sẽ là phẳng cả thế giới chúng ta?
Nhưng rồi cả đám rượu bỗng lại thi nhau ai oán: Ôi, giá như mình được vợ con đối xử như với cái điện thoại thông minh smartphone kia… Em yêu, giường ngủ vợ chồng mình giờ đây đâu chỉ có hai ta?… Độ vừa cười vừa nhoay nhoáy cái điện thoại đời mới, chắc lướt facebook với bạn gái. Nó vẫn chưa vướng bận gì. Sướng thế…
Rượu Bàu Đá bốc mạnh. Cả đám đã bừng bừng. Có mỗi Độ là chưa thấy la đà. Chắc nó giữ lễ với bác và các bạn của bác nó. Vả, cũng phải có người tỉnh để gác cổng Hoàng Hoa thôn không thì cháy cả làng mất. Độ bảo: “Để cháu cho món canh thang ra”.
Đang ngả người chống hai tay ra sau, Thái nhỏm dậy hùng hổ:
– Đã bảo nhất khí, chỉ tôm nướng sao lại còn cá nữa? Thôi cũng được, xem nào, cá chép mà sao nhạt thế?
Thụy vươn người dậy khoát tay:
– Quan thái sử kiềm chế kẻo mất đầu đấy. Tôi hỏi rồi, đây là bài canh thang giã rượu của ông cử Hán Nôm đây. Mót ra từ sách thuốc cụ tổ để lại. Mà này cháu, hình như canh thang phải đủ ngũ vị? Nhưng thứ nào là vua, thứ nào là bề tôi đây?
Độ dè dặt:
– Bác thử cháu?… Trong bài này nhất thiết phải có trần bì. Gia giảm thêm bốn vị thảo dược nữa.
– Ừ, nôm là vỏ quýt. Bốn thứ kia đầy ngoài vườn ngày trước. Giờ toàn Tây dược trị Nam nhân. Được cái nhanh.
Thái cười hi hi:
– Lý ngư không có vũ môn đành chịu kiếp canh thang ngũ vị.
Độ múc canh vào từng bát:
– Vừa thổi vừa húp các bác ạ. Giã rượu nhanh lắm. Cháu thử rồi.
Cả bọn xì xụp. Thái khen ngon quá, thêm bát nữa. Tác dụng thật, lại như chưa gì vậy. Tôi bảo Thái: “Thấy chưa, vẫn nhất khí nhé”. Thái cười trừ.
Trời đã tối từ bao giờ. Trên trời mây chuyển từng đám lớn. Có lúc trăng ló ra như ngọc sáng giữa khoảng mây rực rỡ muôn màu rồi lại dần khuất bóng. Dưới mặt đất một góc xứ Đoài này, hỏa lò than hoa của mấy đứa chúng tôi vẫn rực hồng trong tiết cuối thu.
Tự dưng tôi giật mình, có vẻ những vầng mây sau vòm tre đằng ngà đang ôm lấy khoảng sân đây như bỗng chuyển hướng khác thường? Đương tháng chín, còn lâu mới đến tiết Lập Đông. Mùa này, tiết này còn dư khí “gió tây thổi buốt can tràng” đâu đã đến kỳ gió bấc? Nơi chúng tôi ngồi, chỉ cách chưa đầy hai mươi cây số theo đường chim bay là dãy Tam Đảo, kết lại những mạch núi rẻ quạt từ miền núi cao Tây bắc, uốn tay long trùng trùng chầu về đất thần kinh rồi xuôi ra mãi biển Đông. Gió bấc theo các sườn dẫn gió ấy xưa nay vẫn tuần tự đúng mùa mà nay sao về sớm thế? Từ hướng bắc, từng tảng mây đen ngòm cứ lũ lượt kéo xuống.
Nghe đồn rằng cứ kỳ gió bấc trái tiết thế này thì cái mạch núi hình con giao long ấy lại có tiếng rền. Dưới này trông lên thấy suốt một dải rừng cứ vật mình xanh rợn. Dân Tam Đảo vẫn truyền rằng đó là Thanh Long nổi giận, quỷ núi lại bồn chồn tay gươm rồi. Cùng lúc ấy đối diện phía bên kia phương đoài, ngọn Ba Vì trấn phong dường như đột khởi cao lên ánh màu trắng bạc. Thảo nào có chuyện đức Thánh Tản nhà ta mắng đuổi cái tay Cao Biền cùng đám âm binh kia chạy trối chết khi một lần dám cả gan đụng đến oai linh thần vũ xứ này.
Thụy ngoảnh sang tôi như ý muốn cật vấn: sao tự dưng lại cười? Tôi vờ như không để ý. Chuyện gió mây vô bằng cớ sao có thể nói được ra?
Bất chợt, anh chàng Thái nhỏm dậy phá tan không khí trầm mặc của đám tửu đồ sau món canh thang hiệu nghiệm:
– Thôi, không Bàu Đá nữa. Đề nghị chủ nhân tắt điện, thắp nến. Tôi sẽ đưa các ngài quay về bảy thế kỷ trước. Nhưng phải im lặng, dụng hết nhỡn lực vào mà trông đấy nhé.
Cả bọn hút theo Thái, đến chỗ xe máy dựng góc sân, bật nắp yên xe lấy ra một hộp gì vuông vuông. Gỡ bỏ túi ni lông thì là một hộp thiếc lô gô chữ nổi. “Rượu tây, hãng gì đấy?”. Không trả lời, Thái mở nắp lấy ra thứ bên trong. Cả đám ồ lên: “Chà, vỏ tây rượu ta”. Thụy giằng lấy giơ lên ngắm nghía: “Đẹp quá, chữ gì đây?”.
Thì ra là cái nậm cổ, dòng sứ Bát Tràng, men trắng, tuy đã phải vuốt đồng lá trên miệng, văn chàm, típ mai hạc. Có hai dòng chữ Nôm nhỏ tí. Độ săm soi rồi cùng các bác vừa dịch vừa đoán cuối cùng cũng ra: “Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ hạc là người quen”. Thụy hỏi:
– Đời nào đây?
– Cuối Lê đầu Nguyễn, đồ vớt sông, may tôi vớ được của bọn trộm cát sông Lô đấy.
Nhưng rồi cả bọn chung thắc mắc: rượu gì đựng trong cái nậm cổ ấy mà những là bảy thế kỷ với lại dụng hết nhỡn lực như Thái vừa giáo trước? Còn dư khí Trùng dương, chắc không ngoài Hoàng hoa tửu? Thái cười bí hiểm:
– Cứ thử đi rồi sẽ biết.
Rồi Thái tự tay rót đều lưng bốn chén không phí phạm một giọt. Không ai bảo ai đều đưa lên hít hà một hồi rồi mới nhấm nháp: “Thơm quá, hảo tửu, hảo tửu, đâu ra vậy Thái ơi?”.
Thái, vẻ đắc ý từ tốn dẫn giải:
“Bảy trăm năm trước, sau khi đã làm đủ mọi việc theo kế hoạch lập Trần phế Lý, Trần Thủ Độ chỉ còn e ngại mỗi quân Long Dực hộ vệ nội cung: toàn thị tráng đinh kẻ Noi, kẻ Báng, luyện các thế võ bí truyền có nguồn gốc từ sư Đại Lý và hàng binh Chiêm Thành trong chùa Lục Tổ từ khi bảy tám tuổi. Phiên quân này do một thân vương nhà Lý trực chỉ quản lĩnh, không thuộc quyền Trần Thủ Độ, lúc này đương chức Điện tiền chỉ huy sứ, tổng lĩnh cấm binh “Thiên tử quân” triều đình.
Trần Thủ Độ bí mật dựng chòi quan sát quân ấy luyện tập trong giáo trường hàng tháng trời. Một người tin cẩn được giao cất loại rượu riêng, gửi ngựa trạm ra Thăng Long cho Thái sư dùng. Nước cất rượu lấy ở giếng chân gò đất hình con sấu, tục gọi gò Sấu, chữ là Ngạc Khâu, nay thuộc Hưng Hà, đất gốc cụ Trần Lý, tổ họ nhà tôi. Mạch giếng ấy trong lắm, lúc nào cũng ăm ắp. Con gái vùng ấy có tiếng là đẹp. Gò Sấu có giống cúc, hoa chỉ nhỉnh hơn nút áo đại một chút, cánh như lụa xếp, sắc trắng tinh, không thấy có ở vùng khác. Lấy hoa ấy cất rượu với nước giếng gò Sấu thành ra thứ men như các ngài vừa có duyên được thưởng thức. Rượu tốt thế nào khỏi cần nói nữa nhé.
Rồi ra vật đổi sao dời, khi hưng lúc phế, rượu bạch cúc gò Sấu vẫn được riêng con cháu gia đình ấy âm thầm truyền giữ đến nay, chuyên gọi “rượu Thái sư” dù có một thời bị mang tên “quốc lủi”. Tôi tình cờ về quê, may mắn được biếu… một chai lavie. Cầm về dồn vào nậm này cất kỹ. Làm Thái sư một mình cô đơn lắm. Nay mời các ngài cùng lên chòi quan sát quân Long Dực một thể”.
Cười. Nhưng sau đó cả đám rượu tự dưng im lặng. Thêm lượt nữa chia đều. Nậm còn lại óc ách. Loạt cuối chắc mỗi tay không đầy nửa chén. Ai nấy nhấm nháp chầm chậm. Tôi chắc cả bọn đều đang cố hình dung ra cái động tác vừa nhấp chén rượu cúc trắng thơm tho, vừa chú mục không bỏ sót từng thế đao đường kiếm đám thân binh thiện chiến kia của con người quyền mưu đệ nhất một thời Đông A lừng lẫy ấy. Nhất là Độ, lúc này tự dưng trầm ngâm như ông cụ non vậy.
Bỗng Thụy nhổm dậy:
– Này, Trần Quốc Thái. Chính ra ông phải có lời xin lỗi tôi đấy. Biết vì sao không: Tôi vốn gốc họ Lý. Thái sư nhà ông đặt bẫy sập hầm cả tôn tộc nhà tôi ở Hoa Lâm, bức vua Huệ Tông đến chết ở chùa Chân Giáo, còn bắt cả họ tôi đổi sang họ Nguyễn. Sao tổ ông ác thế? Chỗ rượu này phải để tôi uống cả.
Biết Thụy đóng kịch, Thái cũng giả vờ cao giọng:
– Thế thời phải thế. Tổ tôi không làm vậy thì họ Lý nhà ông có còn chống lại được vó ngựa toàn thị Hãn huyết, Tử lưu không? Bắt đổi họ nhưng có truy sát tận diệt không? Biết thừa đấy nhưng có cho các trạm Hải Khẩu, Vân Đồn chặn thuyền thái tử nhà ông trốn sang Cao Ly không? Thế ai họ Nguyễn gốc Lý tên Sưởng được giao cầm cánh quân phía bắc trong cuộc chiến lần hai, hở ông? Cánh quân ấy mà trở mặt thì thôi rồi, ông nhớ chứ? Thì ông với tôi có còn được ngồi đây mà thưởng rượu Thái sư không?
Cả bọn cùng cười. Tôi nói:
– Thế thôi, cuối cùng hay dở là ở cụ Ngô Sĩ Liên cả. Thụy ơi, cho Trần Quốc Thái xem cánh tay con cháu họ Lý đi nào.
Thái vươn sang vén tay áo Thụy:
– Chà chà, xăm chữ gì đây? À, chữ Sát. Còn chữ gì đây, Độ?
– Thát, chữ Sát Thát bác ạ.
Thái chép miệng:
– Thảo nào cha Thụy này ít khi mặc áo ngắn tay.
Thụy ngượng ngùng giải thích:
– Hồi bé, mình xem truyện tranh “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Mê lắm. Mấy thằng bí mật bắt chước anh Hoài Văn hầu, xăm chữ ấy bằng kim băng rồi lấy than ở cục pin cũ hiệu Con Thỏ xát vào cho nổi chữ lên. Đau, nhưng ông tướng nào cũng nghiến răng chống nạnh, mặt ngoảnh đi cười méo xệch chảy cả nước mắt. Có đứa sau bị nhiễm trùng mưng mủ phát sốt mấy ngày. Thú thật là từ hồi “Biển Đông nổi sóng”, tôi những muốn tô đậm lại hai chữ ấy. Cái thằng chuyên xăm trổ ở phố Chiền mới đầu đòi đắt lắm. Xăm xong tự dưng nó bảo: em làm giúp anh, không lấy tiền. Lại còn mời mình uống bia nữa chứ. Hứng lên nó cao giọng đọc gần như trọn cả bài “Hịch tướng sĩ” trong sách giáo khoa: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…” Mình trố mắt. Nó bảo ngày xưa cô giáo bắt học thuộc lòng nên mới nhớ thế.
Có lẽ đang có hứng, Thụy nói:
– Tôi đọc các ông nghe bài thơ này nhé, “Biên cương tức sự”. Viết cũng lâu rồi, sau chuyến đi vùng biên về.
Thấy cả bọn lặng yên, vẻ chờ đợi, Thụy mới bắt đầu cao giọng:
“Quá bắc ngưu đề huyết vị can,
Hoán nam tẩm hóa quả trân cam.
Ngũ Lĩnh điệp trùng hà cương xứ,
Động Đình không ức cổ thì quan.
Hoành đạo u minh tung đạo hiển,
Phẩm đáo biên thành đối sách nan.
Hà năng la võng sơ bất lậu,
Cái diệp hà tiêu dữ mục hoàn”
Thái nói, nhưng lần này giọng trầm hẳn xuống:
– Chẳng ngờ Thụy lại làm được thơ chữ Hán, phục bạn đấy. Thôi còn chén rượu Thái sư cuối cùng này, mình xin kính mời Thụy.
Độ dịch xong cả bài, Thái nhắc lại hai câu cuối:
“Làm sao có được tấm lưới trời thưa mà không lọt (giăng nơi biên ải),
 (Để ta) đội nón lá sen, thổi sáo cùng (trẻ) chăn trâu trở về?”
Rồi Thái bỗng đổi giọng, ngâm nguyên hai câu thơ ấy theo lối cổ, có thêm những từ đệm “chừ, ư hừ”. Giọng Thái vốn đã trường âm, trong thanh khí tiết thu muộn xứ Đoài này nghe sao mà tiêu tao quá thể.
Chiếu rượu tàn, ngổn ngang như bãi chiến trường. Duy trong hỏa lò, than hoa còn hồng đượm sau lớp tro trắng nhẹ. Độ bảo:
– Hay cháu lấy nước tưới vào nhé?
Tôi bảo:
– Thôi, cứ mặc cho cháy hết cháu ạ.
Vũ Khánh