Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Mùa hoa sim thương nhớ

Màu tím hoa sim (ngâm)

Màu tím hoa sim - Hoàng Oanh

Màu sim yêu dấu

Hoa sim tím, tím một màu thương nhớ,
Thuở ban đầu khi ta chớm biết nhau,
Xa rồi xa, xa mãi ước mơ đầu...!
Em vẫn nghĩ đến ngày ta hội ngộ !!

Sim lại nở trên từng triền dốc đỗ,
Em lỡ đò còn anh đánh mất duyên...
Ta cùng nhau quên đi nỗi ưu phiền !
Em mong mãi thời ngày xưa sống lại !!

Hoa sim tím, tím một trời thân ái,
Em đi tìm quá khứ thuở dấu yêu...
Vòng hoa sim, hôm sớm nhớ hắt hiu,
Rồi mơ ước mình lại là công chúa !!
NM
Kết quả hình ảnh cho cây sim tím Đà lạt
Triền hoa sim tím
Hương không khi nào rời xa miền quê này cả, ngay cả khi thanh niên trong làng đã xuống thành phố làm ăn hết. Ngay cả khi mẹ đã giục mấy lần:
- Con gái bây giờ đi ra ngoài cho dễ kiếm tấm chồng tử tế mà lại được đi đây đi đó. Cứ chui rúc ở nhà làm gì cho tối tăm đầu óc.
 
Thì Hương vẫn nhất quyết ở lại quê, mở một hiệu may ở đầu làng, ngay dưới gốc cây đa xum xuê cội rễ. Ở đó, chiều nào cô cũng thấy những người già trong làng ngồi khâu áo cho con cháu. Tiếng điếu cày vang lên trong khoảnh khắc ánh mặt trời chiếu đỏ xuống thửa ruộng nhấp nhô gốc rạ, gợi lên một cảm giác bình yên đến lạ. Tiếng lục lạc của đàn trâu thong thả trở về sau một ngày lang thang khắp trên cánh rừng rộng lớn cùng lũ trẻ con tinh nghịch. Hương nhớ có một thời, vào mùa hoa sim nở tím như thế này, bao giờ anh cũng hái hoa kết thành vòng đội lên đầu Hương và bảo:
- Em xinh như công chúa ấy.
Hương cười hạnh phúc suốt những năm tháng ấu thơ khờ khạo. Lúc lớn lên mới nhận ra rằng đã yêu anh tự bao giờ mà không nhận ra trái tim mình thổn thức. Để rồi khi anh đã trở thành thầy giáo, Hương là cô học trò thì tình yêu mãi chỉ dám giấu kín trong lòng như một thứ tình cảm thiêng liêng không thể san sẻ được, ngay cả với anh.
Anh hơn Hương sáu tuổi. Cái ngày Hương bé xíu, tóc đuôi gà, thi thoảng còn lấy sáp màu bôi lên má cho hồng để làm công chúa thật xinh, thì anh đã lên cấp hai, đã đeo khăn quàng đỏ đến trường. Đến khi Hương thành cô thiếu nữ, mặc áo dài trắng, tết tóc hai bên thì anh đã về trường huyện dạy sau bốn năm học đại học xa nhà. Ngày đầu tiên gặp Hương ở trường, anh dúi tay vào trán, bảo:
- Cô bé lớn thế này rồi cơ à? Có còn thích làm công chúa nữa không?
Hương đỏ bừng mặt, ấp úng bảo:
- Thưa anh… Thưa thầy…
Anh phá lên cười:
- Khi nào ra khỏi cổng trường thì chúng ta lại là anh em nhé! Được không cô bé?
Hương cúi mặt, nghe trong tim mình chộn rộn một niềm vui khó tả, đó phải chăng là chút xao xuyến đầu đời của người con gái… Từ khi anh về trường dạy, Hương dường như yêu thích môn văn hơn sau mỗi giờ giảng của anh. Giọng anh ấm, đôi mắt như lúc nào cũng đang cười hiền hậu và những bài giảng về cuộc đời của anh mới giản dị làm sao. Trong cuốn nhật ký mà đến tận bây giờ Hương vẫn giữ, có một dòng chữ viết bằng mực tím đã nhòe “Thầy ơi! Có khi nào thầy hiểu…?”.
Sau những buổi trên lớp, anh giản dị trở về với những công việc đồng áng hàng ngày. Đôi lúc cũng theo lũ trẻ chăn trâu ngồi thổi sáo trên cánh rừng bạt ngàn hoa sim tím. Cô bé Hương năm nào không còn chơi trò đội hoa làm công chúa, chỉ dám đứng từ xa nhìn trộm anh mà chẳng dám giáp mặt lần nào. Nhà anh ngay cạnh nhà Hương, thi thoảng vào những hôm mát trời, trăng quê sáng vằng vặc, hương hoa cau thơm ngát cả khoảng sân chênh vênh gió, anh lại sang nhà ngồi chơi cùng bố mẹ Hương. Những lúc ấy, ngồi trong buồng học bài mà những con chữ cứ vuột trôi khỏi đầu cô trò nhỏ. Từng lời nói của anh ngấm vào tâm hồn Hương, nuôi dưỡng những ý nghĩ tốt đẹp đầu đời
Nhiều lúc Hương tự hỏi, tại sao anh không chọn một nghề nghiệp khác, là kỹ sư, là công an hay bất kể công việc gì đi nữa mà lại là thầy giáo, lại về đúng trường huyện, lại đứng trên bục giảng hàng ngày để Hương trở thành cô trò nhỏ. Cái ranh giới của tình thầy trò quá lớn, nó giống như một dòng sông ngăn đôi hai bờ thương nhớ. Người đứng ở bên này muốn sang bờ bên kia mà không tìm được một con đò. Lại không dám băng mình qua dòng nước xoáy. Chỉ dám đứng bên này thương nhớ bên kia…
Ngày anh dẫn người yêu về ra mắt cả xóm, ai cũng mừng vui cho thầy giáo trẻ, chỉ có một người buồn. Trăng hôm đó rất tròn, hương cau hôm đó rất thơm, bên cửa sổ có một người con gái ngồi buồn bên trang sách. Anh hàng xóm nhà bên có nàng công chúa của riêng mình, đối với anh có lẽ Hương mãi chỉ là một cô trò nhỏ mà thôi. Hương tự trách mình tại sao không chịu hiểu?
Ngày anh lấy vợ cũng là ngày Hương học xong cấp III. Con gái trong làng đến tuổi ấy mà không đi học ở đâu là lấy chồng được rồi, nhưng cả nhà giục mãi mà nhất định Hương không chịu lấy ai trong số những trai làng đến hỏi. Vì Hương vẫn còn yêu anh lắm… Dù anh đã có một mái ấm gia đình.
Lại đến mùa hoa sim nở tím. Trong chiếc quán nhỏ dưới gốc đa làng, Hương vẫn thường thả hồn theo màu hoa thương nhớ ấy. Tím làm gì cho tái tê lòng? Tím làm gì để mà càng nhung nhớ…
Chiều nào anh cũng về qua đây, đôi lúc ngẩng lên bắt gặp ánh mắt anh, Hương lại vội vàng cúi xuống, để đêm về lại thao thức nhớ khôn nguôi. Những tình cảm đầu đời sao mà khó quên đến thế. Suốt gần chục năm qua, những đứa con gái trong làng đã lấy chồng, con bồng con bế, thi thoảng còn dắt con đến quán Hương may quần áo cho chồng. Đứa tốt số, lấy được chồng giàu như được đổi đời, đứa chẳng ra gì cũng kiếm được tấm chồng mà dựa dẫm. Còn Hương, vẫn quanh quẩn một mình dưới gốc đa đầu làng. Biết bao đêm mẹ phải khóc thầm cho số phận hẩm hiu của đứa con gái vừa xinh vừa nết na, thùy mị, còn bố thì đã quen lắm với những tiếng thở dài nặng nhọc. Đôi lúc Hương cũng muốn lãng quên mọi thứ để sống tốt hơn. Đôi lúc cũng muốn nhận lời một người con trai nào đó để được yêu, được làm vợ để rồi sinh ra những đứa con. Nhưng màu tím hoa sim sao cứ làm người ta nhói buốt, sao cứ mãi soi vào những nỗi nhớ thẳm sâu, nơi có tiếng cười của cô bé vừa được ai kết cho vòng hoa sim tím làm công chúa…
Hôm nay là chủ nhật, anh đến cửa hàng may một bộ quần áo để lên lớp. Anh cười bảo:
- Sao em không chịu lấy chồng vậy cô bé? Cứ muốn làm công chúa mãi sao?
Hương cười chua chát bảo:

- Tại hoàng tử của em đã lấy vợ rồi.
Anh phá lên cười bảo: “Sao mà em vẫn còn mơ mộng vậy?”. Hương nhìn sang rừng hoa sim tím, thấy cay xè mắt. Lòng thì tự hỏi sao khi nào anh cũng coi Hương như một cô bé con, sao không khi nào anh cảm nhận được tình yêu của Hương dành cho anh? Câu hỏi ấy cứ xoáy sâu vào vùng nhức nhối. Biết bao mùa sim tím đã đi qua…
Mẹ đi cắt duyên âm cho Hương. Thầy bói bảo số Hương nặng số, nếu không thờ cúng thì cứ ở vậy suốt đời. Mẹ lại quay đi lau nước mắt. Dưới chiếc gối mà ngày nào Hương cũng ôm ngủ là một túi sổ sách, là gương lược và cái kéo. Những thứ mẹ đã dặn “là vật bất ly thân”, không được cho ai động vào. Hương làm theo lời mẹ, hàng ngày vẫn mang gương ra soi, chỉ thấy nhan sắc mình tàn đi mà nỗi nhớ thương thì không vơi cạn. Biết bao giờ trái tim mới có chỗ dành cho một người đàn ông khác…
Tóc Hương rất dài, cô tự nhủ bao giờ dùng chiếc kéo kia cắt ngắn mái tóc thì sẽ quên hết mọi chuyện, sẽ là một cuộc đời hoàn toàn mới. Mỗi ngày, mỗi sợi tóc ra đi nhưng hình ảnh rừng hoa sim tím vẫn cứ vời vợi trong đôi mắt, trên mái tóc đen dài. Mỗi sớm mai, nhìn anh đèo con đến lớp, Hương lại tự dặn mình “Phải quên đi thôi. Đừng nhớ nhung những gì không thể”. Bởi Hương hiểu ra rằng, mối tình đơn phương ấy chỉ mang lại nỗi buồn, sự héo hon chờ đợi những điều viển vông, không khi nào có thật. Dặn mãi mà sao lòng vẫn cứ mơ… bên gốc cây đa già, chiều nào cũng có một người qua đó.
Anh bỏ vợ. Không! Người ta lại bảo là người vợ đã bỏ anh đi theo người đàn ông khác. Nghe nói người đàn ông ấy vẫn thường tìm lên đây hỏi mua gỗ xà cừ, gỗ tràm của những hộ dân trồng rừng theo dự án. Mỗi sáng anh vẫn chở con đến trường, nhưng đôi mắt buồn hơn, tránh không ngẩng lên mỗi khi đi qua quán may dưới gốc đa già. Hương càng không thể quên anh.
Thi thoảng nửa đêm giật mình thức giấc, mẹ lại hỏi:
- Con vẫn giữ gương lược và chiếc kéo mẹ đưa đấy chứ?
Hương gật đầu, mẹ lại thở dài bảo:
- Sao mãi chẳng thấy hiệu nghiệm gì cả, hay để mai mẹ đi xin lễ khác.
ương vùng dậy, chạy vội ra hiên, cố cắn chặt môi để không bật thành tiếng khóc. Đêm nay không có trăng, khắp nơi là xứ sở của bóng đêm, của cánh dơi đập loạn xạ và của lòng người không biết đâu là lối thoát. Hương muốn được chạy qua hàng rào dâm bụt, bởi phía bên kia là anh, là tình yêu mà bấy lâu nay cô giấu kín nhưng sao không thể cất nổi đôi chân nhỏ bé và những nhịp đập mềm yếu của trái tim mình. Tại sao?
Ở đâu đó trong bóng đêm bỗng vẳng lên tiếng trẻ con khóc đòi mẹ và tiếng vỗ về của một người đàn ông nghe sao xót xa. Hương quay vào giường, nằm kề bên mẹ, cô thủ thỉ:
- Nếu con yêu một người đàn ông đã có vợ rồi thì…
Hương nghe rất rõ tiếng giật mình nhưng không biết là của mẹ hay của chính cô nữa. Đêm ấy mẹ lại thức dậy, ra ban thờ thắp hương và khấn lầm rầm. Sáng hôm sau mẹ lên chùa từ rất sớm, dặn mọi người là đến chiều mới về. Nhìn mắt mẹ thâm quầng, lòng Hương càng thêm rối bời, thương xót. Hương may nốt những đường chỉ cuối cùng trên chiếc áo mà anh hẹn lấy trước ngày khai giảng. Trên cánh đồng, người nông dân đang cặm cụi với những đường bừa cuối cùng để bắt đầu gieo lúa cho vụ mới. Thanh niên trong làng đã kéo nhau xuống thành phố kiếm kế sinh nhai, ở trong làng chỉ còn lại người già và trẻ con. Còn lại Hương, một cô gái lỡ thì và anh, một người đàn ông bị vợ bỏ. Hương bật bản nhạc không lời từ chiếc đài quay băng đã cũ, nghe buồn xa vắng. Hương càng nhớ anh hơn…
Lần đầu tiên Hương chợt nhận ra rằng tình yêu vốn chẳng có một khoảng cách nào, ranh giới nào. Những người không dám lao sang bờ bên kia của dòng sông ngay cả trong mùa nước cạn như cô thì sẽ chẳng khi nào có được tình yêu hết. Cái suy nghĩ ấy khiến Hương bật khóc, không hiểu vì đau khổ hay là niềm hạnh phúc vừa chớm đến. Ngoài kia nắng đã lên cao, rừng sim vào cuối mùa hoa đã không còn ngăn ngắt tím. Thay vào đó những chùm quả non đang dần lớn lên trong sự trù phú của ánh nắng mặt trời và gió trung du. Hương đóng cửa quán, cầm chiếc áo mới may trên tay đi về phía con đường làng. Hôm nay Hương quyết định đi tìm anh, đi tìm tình yêu trong trái tim mà bấy lâu nay cô lẩn trốn. Khi tình yêu đã lên tiếng thì nó sẽ không khi nào phải hối hận cho dù tình yêu đó có được đáp trả hay không
. Cho dù hôm nay, sau tất cả những bộc bạch của Hương, rất có thể anh sẽ trả lời rằng trong trái tim anh không có chỗ nào dành cho Hương hết, thì cô vẫn cứ thấy thanh thản hơn để bước đi một con đường khác. Hương nghĩ, rồi vội vã sải những bước chân rất dài, gió hôm nay rất thơm, nắng hôm nay rất đẹp, Hương thấy lòng vui như cái ngày được anh kết hoa sim đội lên đầu làm cô công chúa nhỏ.
 Tạ Đức An

Những Đồi Hoa Sim 
Mùa sim năm cũ
Thương nhớ quá món quà quê ngày cũ,
Của một thời xa lắc tuổi ấu thơ.....
Ta mãi tìm dĩ vãng chỉ trong mơ,
Màu hoa tím của sắc sim năm ấy ?!
NM
Mùa sim đã qua 
Khi cái nắng đang ở độ oi ả, cơn gió Lào rát bỏng thổi cả hàng cây bên đường cúi rạp xuống, ấy là lúc đồi sim phía sau nhà ngoại đang vào mùa.
Bạn ở thành phố đã từng há hốc mồm khi trông thấy những trái sim tím biếc. Thứ quả mà ở thành phố, bạn chưa nhìn thấy bao giờ. 
Quả sim mọng nước, cho vào miệng nghe ngọt lịm, vị ngọt chẳng thể lẫn vào đâu trong vô vàn thứ quả trái cây ta đã nếm. Cả tuổi ấu thơ êm đềm quay về trong nhung nhớ với vị sim tan êm nơi đầu lưỡi. 
Sau nhà ngoại là những đồi núi trùng điệp. Ngoại thường dọa chị em chúng tôi trên ấy có ông “beo” vì sợ chúng tôi mải mê theo bạn hái sim sẽ bị lạc
Mặc nỗi sợ hãi, chúng tôi dắt nhau lên đồi, cầm chiếc nón của ngoại để đựng thứ quả ưa thích này. 
Cả bọn cứ nhảy từ đám cây này qua đám khác, sim nhiều tưởng như hái miết mà không xuể. Lại còn tranh nhau, thi xem ai hái nhiều hơn. Tôi thường tha thẩn để hái cả những bông hoa sim tím rồi bó từng chùm trông đẹp mắt. Hoa sim tím hồng, từng cánh tỏa đều, không có mùi hương đặc biệt nhưng sắc hoa cứ tươi mãi ngay cả khi rời cây đã lâu. 
Cậu em vừa hái vừa ăn, đến khi cười đùa, nhe ra hàm răng lẫn lưỡi tím lịm, cả bọn nhìn thấy lại cười khanh khách vang vọng cả đồi. Đám con trai còn tranh thủ bẫy chim, những chú chim chào mào, chim khướu say mồi, bị tóm gọn trong những chiếc lồng bé xíu. 
Mùa sim về ngay khi kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu thế nên chúng tôi thoải mái la cà trên sườn đồi suốt buổi mà không lo chuyện bài vở. 
Cứ độ chiều về, hoàng hôn thả những tia nắng cuối cùng vắt vẻo trên sườn núi, anh họ dắt bò về chuồng, cái lục lạc đeo tòng teng trước cổ chú bò vang lên từng khúc như bản nhạc nghe vui tai đến lạ. Tôi cắp chiếc nón đầy sim lên nách rồi lẽo đẽo theo đám bạn dung dăng dung dẻ về nhà. 
Ngoại lúc nào cũng chực sẵn ở cổng với cây roi trên tay và khuôn mặt lo lắng. Người đằng hắng: “Bây ăn sim no cơm luôn hả, răng chừ mới về”. 
Ngoại chỉ cầm roi dọa chứ chưa bao giờ  đánh ai. Ngoại hiền nên mấy đứa cháu đều biết, chúng chạy đến ôm lấy chân ngoại rồi thủ thỉ bao điều. Nào là sim mùa này nhiều lắm ngoại ơi, ngọt ơi là ngọt, nào là con gặp cái cây gì có gai là lạ, cây đó tên gì vậy ngoại. Vậy là ngoại quên sạch mới cách đó ít phút đang giận chúng nó lôi đình. 
Ngoại bảo, đồi sim đó mấy đứa trẻ nhà nghèo đen đúa đi hái từ sáng đến tối để bán mua tập vở. Lúc nào muốn ăn, ngoại mua lại của chúng nó cho, chứ đừng lặn lội vô đó, giành mất phần tụi nó mà tội. Anh tôi cười hiền, ngoại lo xa, chứ cả đồi sim như thế,  bọn con hái cả mùa cũng không hết. 
Bây giờ, khi tháng tám đã sang, hè đỏng đảnh vừa hết tiếc nuối trong mắt học trò, mùa sim cũng vừa qua. 
Trẻ con bây giờ cũng chẳng biết vị trái sim thế nào. Có quá nhiều thức ăn  đồ uống ngon ngọt, vị ngọt lẫn chát của sim chẳng còn ngon lành, hấp dẫn. Ngoại lại bần thần, trái cây bây giờ quả gì cũng hóa chất, cứ nằm giữa thiên nhiên như sim có khi lại tốt. Vậy mà đồi sim tím biếc cả đồi, chẳng còn ai buồn hái, trái rơi rụng dưới gốc đến tội tình. 
Ở những nơi khác, sim còn có tác dụng kinh tế như để ngâm rượu, làm mật, làm thuốc chứ ở quê tôi, sim chỉ đơn giản là thứ quả quê mùa của đám trẻ con nhà nghèo. 
Có mệ già ngồi bán ở góc chợ, ngỡ rằng sim vẫn còn là thứ quả ngon nhất trần đời với lũ trẻ như ngày nào, song, từ sáng đến trưa chẳng ai hỏi mua. Mệ nhớ ngày xưa, sim bán được đong trong hộp sữa ông thọ đã dùng hết, mỗi đong như thế chỉ vài trăm bạc, mấy đứa ăn đến tím môi, tím lưỡi vẫn thèm. 
Tôi nhận ra rằng, mùa sim nay đã qua, qua trong ký ức tiếc nuối vời vợi của người ở lại và cả những người chưa từng hay biết đến nó.

Diệu Ái
Hình ảnh có liên quan

Những Đồi Hoa Sim

Tình Sầu Hoa Sim Tím


         ĐỒI VẮNG
Bà lặng lẽ đọc những trang thơ đẫm nước mắt của con – Thơm… Bà đau quá! Bà đau quá! Bà vội chạy ra khỏi nhà, trước mặt bà hoa sim bung nở cả một khung trời vắng. Bà có bao giờ nhìn thấy sim đẹp như vậy đâu? Bà chợt nghĩ đến giấc mơ hoa của đứa con nhỏ. Hèn gì nó thèm được đi học như vậy. Bà gục mặt trên tản đá trước mặt, tiếng nói của người đời văng vẳng trong tai: “Đồ con đĩ”.
Ở một nơi khi ho cò gáy này thì có gì mà tìm chứ? Tiếng than thở vang lên trong lòng bà. Bà đang cố đi tìm mấy của sắn rài cho bữa tối, đi tìm trong vô vọng. Một thân hình kham khổ thấy rõ sự nặng nhọc, cố lê đôi chân bà bước đi, bước đi… Vài con cò sải cánh bay trên trời. Cái thời lả lơi ong bướm giờ rã ra trong kí ức. Bà về…
- Con Thơm, thằng Nậu đâu? Sao nhà cửa bề bộn thế này. Tao đang mệt, đừng để tao nổi điên lên nghe, nghe rõ chưa.
Trong nhà một đứa trẻ mặt lem luốc lọ nghẹ trốn sau cánh cửa lắng lặng trước những lời quát mắng của bà. Thằng cu bên hiên có vẻ chững hơn, đang ho sụ sụ, nó đáp tỉnh bơ:
- Nhà còn gì nữa mà dọn với dẹp. Mẹ đi đâu về thế?
- Tao đi kiếm ăn chứ đi đâu. Rõ khổ. Cái thằng không cha mà dám nói lại mẹ mày hả. Đi ra quán bà Sáu mua chịu ít gọi mì tơm coi. Tao đói lắm rồi.
Với cái mặt quặp quặp, nó vút chạy qua trước mặt bà. Lấy cái tay lau mấy giọt mồ hôi khi nãy vẫn còn, bà đi vào trong nhà, con Thơm vẫn đứng đó, không một lời nào. Nó nhìn vào xa xăm. Cái nhà trơ trọi trên triền đồi đón gió nhiều hơn, hứng nắng nhiều hơn. Thơm ngước mắt nhìn mẹ, một người đàn bà trung niên với sự già sạm trên khuôn mặt, có lẽ nhan sắc đã xuống cấp, không còn một chút mỡ. Ngôi nhà đong đưa màu u buồn đong đếm những bi kịch không nói thành lời. Dù vậy chỉ duy nhất Thơm được đi học. Thằng Nậu phải bu bám tàu xe kiếm tiền về nuôi cả nhà. Không gì đáng thương. Nhưng có vẻ như Nậu thương em lắm, thế nó mới đủ sức gieo cái chữ cho em nó chớ.
Thơm rất thích hoa sim tím, loài hoa gắn chặt với nỗi u buồn trên cái triền đồi hoang vắng này. Mấy tiếng lội bộ xuống thị trấn tìm cái chữ - hoa sim là người bạn duy nhất của nó. Sim bạt ngàn những khung trời nhỏ trong tầm mắt cô bé – sim đưa hồn hoa bay cao trong ước mơ tuổi mộng – sim che chở rẽ đưa những bước chân cho một cuộc hành trình bạc màu thời gian. Những ngày đói, Thơm nếm sim, những quả chín mọng của hoa sim cuối mùa, khắc khoải đợi chờ… Mẹ nó, bà già suốt ngày la mắng, quát nạt nó, bị người đời chửi rủa. Hình như nó hiểu, Thơm vờ như không biết. Nên ba mẹ con phải sống nơi khô khốc cây không mọc nổi này. Một đời “săn” đại gia của bà được kết thúc trong chuỗi ngày u ám, phải giấu thân nơi này. Con Thơm nó lơ mơ biết điều này, biết vì sao nó là Thơm, biết vì sao mẹ nó chửi anh trai nó là “đồ con hoang”. Mẹ nó giờ đáng thương lắm. Nó thương mẹ.
Tối đến, có vài người đàn ông thỉnh thoảng đến thăm bà. Sau vài cái liếc nhìn, vài cái e thẹn, vài cái đẩy đưa họ lại kéo nhau xuống phố. Mà còn gì nữa mà đưa mà đẩy chứ. Bụi hương đã không còn. Tại sao lại thành ra như thế? Trời biết, đất biết, bà không biết. Bà đã không còn là chính mình, sau những cuộc rong chơi bất tận, bà không còn gì. Đến nỗi hai đứa con thơ dại của bà, bà cũng không biết cha nó là ai. Ở nơi đây hầu hết dậy, đã gia nhập đội ngũ ca ve thì phải chấp nhận như vậy thôi. Bảng lảng đi theo mấy gã trai quen, bà nhậu đến say khướt. Nhục tình đâu còn nữa mà “mờ đèn”. Thành phố sương mờ đẹp đẽ này không có chỗ cho bà, người đàn bà của tội lỗi. Gần - năm – mươi – tuổi – lại – kéo – nhau - vào “hu treo”. Bất luận. Bóng đêm cũng từ chối nhìn mặt bà, vũ trụ cũng đẩy bà ra khỏi thực tại… Những chuyến tàu nhanh trôi qua trong sự đau đớn, hoang tàn. Cầm mấy đồng bạc chẵn bà lê đôi chân trần bước về nhà. Cả một đời buôn phấn bán hương cũng đẩy người ta xuống vực thẳm. Cái quá khứ xưa còn khủng khiếp hơn nhiều. Hồi còn cái tuổi như con Thơm bây giờ, bà đã tỏ ra chán đời, thế rồi lại lao vào ăn chơi, khi mà mẹ mình sớm hôn tối hít. Nhanh chóng quăng vở, bà lao vào cuộc chơi. Bà quên mất đời. Mấy con dê trên triền đồi hí hí mỗi chiều làm bà ù tai, đau đớn. Nhưng bà lại như hồ điệp chưa rủ cánh tàn. Không dừng cuộc chơi. Đau đớn bất tận. Hai giờ sáng, bà trở về nhà. Mấy con chó cũng chả thèm sủa lấy một tiếng, bà dụi và ngủ vào như hình nhân rã rời mục nát.
Sáng hôm sau, bà dụi mắt. Nhức nhối hết cả mình mẩy. Bà rặng đứng dậy. Hè rực rỡ, mà như đông chớm tàn. Khói bếp đã thắp lên từ sớm. Có lẽ con Thơm nó nấu cơm ăn đi học lâu rồi. Cũng cái thói liếc ngang liếc dọc bà nhìn quanh nhà. Chật ních. Ngột ngạt. Bà nổi điên. Bất chợt, trên bàn học của con Thơm, những cánh sim phảng phất mùi hương lạ. Hương buồn. Bà lặng lẽ đọc những trang thơ đẫm nước mắt của con – Thơm… Bà đau quá! Bà đau quá! Bà vội chạy ra khỏi nhà, trước mặt bà hoa sim bung nở cả một khung trời vắng. Bà có bao giờ nhìn thấy sim đẹp như vậy đâu? Bà chợt nghĩ đến giấc mơ hoa của đứa con nhỏ. Hèn gì nó thèm được đi học như vậy. Bà gục mặt trên tản đá trước mặt, tiếng nói của người đời văng vẳng trong tai: “Đồ con đĩ”.
Phan Nam
Kết quả hình ảnh cho cây sim tím Đà lạt 
Liên khúc Chuyện Hoa Sim 
Hoa sim tỉnh thức
Chân nhẹ bước trên đồi hoa sim tím,
Lắng lòng nghe nhịp thở của thiên nhiên...
Hãy trôi đi bao phiền toái ưu phiền,
Vô ưu nở trong sát na tỉnh thức !!
NM
Mùa hoa sim thương nhớ 
Thời gian không ngừng trôi chảy. Mới hôm nào người ta rộn ràng bởi giai điệu của tháng tư. Ông mặt trời thoải mái dõi nhìn thế gian bằng tia nắng mai và lau khô những giọt sương đêm trên ngọn cỏ. Những tia nắng vàng ươm hắt trên nhành lá.
Buổi sáng, sau thời thiền tọa tôi bước những bước chân thật nhẹ để đi tìm có hạt sương nào còn đọng trên ngọn cỏ không?! Dường như sự tìm kiếm là một sự bắt đuổi chính bởi những đuổi bắt nên chẳng bao giờ tôi có thể tìm được giọt sương mai trong suốt mùa hè cả. Nhưng đó chỉ là cái cớ để bước nhẹ không vội vàng với nhịp sống, để lắng nghe nhịp đập tinh khôi của một ngày mới. Mình vẫn hay quên cái âm thanh cuộc sống luôn vang vọng, ở miền sơn cước nơi núi rừng thanh tịnh dư ba của cuộc sống càng rõ rệt hơn.
Tháng Tư, có dịp xuống núi đi trên các đại lộ nhận ra vẻ đẹp thơ mộng từ những hàng cây bằng lăng, hàng phượng vĩ, một màu tim tím, hay màu đỏ rực rợp các con đường người ta sẽ dễ dàng lãng quên những tiếng ồn ào của xe cộ trong dòng người qua lại. Nhưng tôi vẫn thích màu vàng ươm của những bông hoa điệp hơn. 
Quanh Thiền viện có những cây Muồng sum xuê tỏa bóng. Thầy nói với cô Dung mùa hè có hoa Sim, hoa Mua và cả những cây Muồng cũng nở bông kheo sắc. Bông Muồng màu vàng tươi. Có lần đi trên nẻo đường ở Thái Lan những bông hoa Hoàng Anh làm tôi nhớ vô cùng. 
Những bông hoa Muồng quanh Thiền viện nở thành từng chùm rủ xuống giống như mái tóc người thiếu nữ Tây Phương đầy óng mượt. Tôi thích những bông hoa phượng tím. Nghe có vẻ lạ khi nói Phượng tím bởi người ta vốn chỉ nghe có hoa Phượng đỏ thôi. Nhưng thật là có phượng tím, ở Đà Lạt có những cây phượng màu tím ấy. Hè năm nay Mai Anh không về Việt Nam nên không thể mang lên Thiền viện cúng dường vài cây Phượng tím như đã hứa. Ở Úc có những nẻo đường vào mùa hè một màu tím rợp cả khung trời. Ở Paris bây giờ cũng thế.
Tháng Tư, ve kêu gọi hè về người ta vẫn sợ cái nắng  nóng oi ả. Nhưng với tôi mỗi mùa đều mang vẻ đẹp riêng cho nên dù khúc nhạc thời gian không ngừng tấu bản tình ca tháng năm thì tôi vẫn bình yên tĩnh tại để ngắm hết vẻ đẹp sự chuyển giao giữa các mùa. Và năm nào cứ đến mùa ve kêu tôi lại ăn mừng bằng những trái sim chín. 
Mỗi khi từ phòng bước lên trai đường hay chánh điện tôi không quên ghé thăm những cây sim ngắm nhìn những trái sim mũm mĩm căng tròn. Tôi cũng không biết chúng ngon  đến cỡ nào nữa, nhưng trái chưa thật sự chín thì có vị chan chat ấy thế mà nó lại hấp dẫn lôi cuốn người ta đến thế. Có vài em sinh viên thi thoảng lại gọi điện hay nhắn tin hỏi: "Sư cô ơi! đã đến mùa sim chưa? Sư cô ơi sim đã chín chưa?" 
Cũng chẳng riêng mình tôi tìm thấy niềm vui từ đồi sim mà những chị công nhân tranh thủ thời gian nghỉ trưa để đi hái đầy một nón sim. Rồi họ ngồi với nhau dưới những tàng cây tỏa bóng mát cười khúc khích cùng nhau thưởng thức thứ quà lạ của quê hương bản địa. 
Có vài người khách lạ đến vãng cảnh chùa cũng bị lạc vào đồi sim như lạc vào thế giới của những câu chuyện cổ tích. Họ mải mê với trái sim chín mọng và những đàn bướm lượn quanh quên đi cái nắng nóng gay gắt của những trưa hè, quên cả bữa thọ trai cùng quý Thầy cô,  quên cả chuông điện thoại đang reo. Những giọt mồ hôi nóng hổi lăn dài trên khuôn mặt ai nấy... 
Tôi dẫn khách về lại khách đường, và những lời hứa hẹn của những vị khách về mùa sim năm sau. 
- Năm sau mùa sim chúng con lên sư cô lại dẫn đi hái sim nữa nhé? 
Tôi cười: 
- Được nếu đủ duyên. Họ ra về với những túi sim chín làm quà cho người thân, bạn bè đồng nghiệp. 
Buổi trưa tiếng những em bé gọi bạn đi hái sim vọng lại. Tiếng nói cười khiến tôi tò mò thức cùng, sự hồn nhiên thơ ngây nơi ánh mắt trong veo. Mấy em bé dưới làng, trưa hè nào cũng vậy í ới bên đồi sim, đôi chân trần và khuôn mặt nhễ nhại bởi mồ hôi. 
- Sư Cô ơi cho chúng con xin nước uống?! 
- Sao các em không nghỉ trưa? 
Chúng nhìn nhau tỏ vẻ  không hiểu ý tôi nói. 
- À sư cô muốn hỏi là trưa nắng sao các em không ngủ? 
Đứa lớn nhất nói: 
- Chúng con không quen ngủ trưa. Chúng con thích được lên đồi hái sim. 
Tôi nói với chúng: 
- Các em uống nước ngồi chơi chút ráo mồ hôi cho sư cô đi hái sim cùng với có được không?  
Đứa bé gái lên tiếng: 
- Được ah! Sư cô cũng thích hái sim ah? 
Tôi cười gật đầu. Tuổi thơ bên đồi sim của chúng khiến tôi nhớ về  tuổi thơ của chính mình. Hồi đó tôi rất thích mùa hè vì được vui chơi thỏa thích,thi thoảng buổi chiều được Bố cho đi thả diều. Bố làm cho tôi cây diều sáo chiều nào tôi cũng rủ mấy đứa cùng tuổi trong xóm thả diều. Nhưng tôi không biết cách làm cho diều bay lên nên khi nào cũng có Bố cùng đi. 
Có lần mấy đứa trong xóm không chịu ngủ trưa đứng ngoài cổng gọi tôi đi chơi trò ô ăn quan bị bố tôi nghe thấy thế là tôi và mấy đứa bị phạt ngủ tới 3 giờ không được đi đâu. Chúng nó rất thích đến nhà tôi chơi vì bố tôi và ông nội có thường bày nhiều trò chơi cho chúng tôi mỗi khi được nghỉ hè.

Bố bắt chúng tôi phải ngủ trưa. Đứa nào cũng nhắm mắt để đấy nhưng rồi ngủ lúc nào không hay. Buổi chiều ông nội dạy tôi chơi cờ tướng. Lúc đầu tôi không thích nhưng rồi mê chơi cờ với nội lúc nào không hay. Nên  chiều hè nào tôi và nội cũng say sưa với những ván cờ mà quên hẳn chuyện thả diều. 
Tôi ít khi thắng nội sau này lớn trình độ chơi cờ của tôi vững hơn nên nhiều ván nội phải thua tôi. Mấy đứa bạn tôi nó không thích chơi cờ nó thích thả diều hơn nhưng tôi lại không thích thả diều nữa thế là chúng ít tới nhà tôi chơi hơn. Có đứa bắt bố làm cho chiếc diều sáo bị bố nó mắng và tôi tặng lại cho các bạn cùng xóm cây diều mà bố tôi đã kỳ công mất mấy buổi trưa làm cho. 
Tôi đưa cho mỗi đứa một chiếc nón rồi cùng chúng đi hái sim. Chúng hỏi tôi rất nhiều như là tôi có thể trả lời cho chúng những gì mà chúng nghi ngờ hay tò mò bấy lâu. Đứa bé gái hỏi: 
- Sao sư cô lại đi tu? Đi tu có được đi học nữa không ah?  Thế đi tu thì làm gì hả sư cô? 
Tôi hỏi lại chúng: 
- Sao các em biết xưng con với sư cô? Sao các em biết gọi chị là Sư cô? 
Chúng thi nhau trả lời: "tại con thấy người lớn vần hay xưng với các Thầy cô là con?" 
Chúng rất nhanh và rất tinh hái được rất nhiều và toàn trái sim bự. Tôi đã thấm mệt vì phải theo chúng cả trưa tôi ngồi xuống một gốc cây và tự tại ăn những thành quả suốt buổi trưa không ngủ của mình. Dường như mấy đứa nhỏ cũng thấy mệt chúng cũng ngồi xuống và tranh nhau nói: 
- Sư cô ăn của con đi 
- Sim con hái to và ngon hơn của nó 
Tôi bảo chúng rằng: 
- Em nào hái sim cũng bự và ngon nhưng sư cô chỉ ăn của sư cô hái thôi, còn sim các em có thể mang về chia cho các bạn dưới làng. 
Tôi thầm phục mấy đứa trưa nắng thế này mà chúng lội bộ từ dưới làng lên tận đây để hái sim. Mà chúng lại còn nói với nhau ngày mai sẽ rủ thêm mấy đứa nữa  cùng đi hái sim. Chúng còn kháo nhau ở đồi bên kia sim chín nhiều hơn và bự hơn. 
Trong tôi lại khởi lên sự tò mò muốn khám phá vùng đất mới. Nhưng ngày mai mà đi vào giờ nghỉ trưa Thầy biết chắc chết. Tôi bảo với chúng: 
- Nếu ngày mai mấy em đi nữa thì lên chỗ của sư cô nghỉ đến chiều mình đi được không? 
Chúng bảo nếu chiều  đi hái thì chiều chúng con phải đi trông em đỡ bố mẹ. Đứa thì nói con phải đi cuốc đất giúp bố mẹ. Đứa nói con phải xuống nhà bà nội con trông nhà giúp. Tôi ngạc nhiên hỏi: 
- Sao em bé thế này mà phải đi cuốc đất? 
- Em nhỏ nhưng em khỏe lắm sư cô ah! - Một em nhanh nhảu trả lời. 
Tôi nhoẻn miệng cười: 
- Các em có biết đi sư cô đi tu thì làm gì không? Sư cô tập ngồi thiền, sám hối những lỗi sai trái của mình. Tập sống cho ngăn nắp gọn gàng và lễ phép với người lớn tuổi hơn mình. Và tập sống trọn vẹn với từng giây phút. 
Tôi sợ chúng bắt bẻ tôi sống trọn vẹn từng giây phút là gì? Nên tôi đứng lên vờ hái trái sim chín trước mặt. Vì tôi không biết phải giải thích với chúng như thế nào vì chúng còn quá nhỏ, đầu của chúng thì quá thơ ngây hồn nhiên để hiểu  sống trọn vẹn từng giây phút là sao?! 
Khuôn mặt tôi nóng bừng vì cả trưa dãi nắng. Tôi rủ mấy đứa lên chánh điện ngồi chơi cho mát. Chúng hỏi tôi thể có thể đem sim cúng Phật được không? Tôi chưa nghe ai đem sim lên để cúng Phật. Tôi ừ đại được các em bỏ vào đĩa rồi dâng lên Phật, Phật sẽ gia hộ cho các em học giỏi. 
Tôi cảm thấy chóng mặt suốt buổi trưa cùng mấy đứa trẻ nhiệt tình quấn quýt bên khu đồi sim. Cũng không còn sức để trả lời những câu hỏi vì sao của chúng nữa nên nói thế các em có phải về giúp bố mệ việc gì không? Chúng bảo:\- Chúng con rất thích ở đây chơi với sư cô? Sư cô tên là gì ah? 
Tôi mỉm cười: 
- Các em gọi sư cô là sư cô được rồi, tên sư cô là gì không quan trọng. 
Có đứa lý luận: 
- Nhưng chúng con muốn biết để ngày mai lên tìm sư cô rủ sư cô đi hái sim cùng. 
Nhìn bọn chúng, tôi đáp: 
- Ngày mai sư cô không đi được nếu đi phải lên xin phép Thầy sư cô đã nhé. Các em có thể gọi sư cô là sư cô mắt kính được rồi. 
Tôi đành cắt ngang cuộc thỏa thuận giữa tôi và mấy đứa nhỏ bằng than thở: 
- Thôi bây giờ sư cô mệt lắm nếu các em muốn ở chơi thì ngồi ghế đá chơi cho mát sư cô phải về phòng nghỉ. 
Tôi bước về phòng bỏ mặc những ánh mắt dõi theo. Có lẽ chúng đang băn khoăn tự hỏi chúng mình làm gì để sư cô mệt nhỉ? Tự sư cô xin đi hái sim cùng tụi mình mà. 
Tôi thầm cám ơn các em đã cho tôi một buổi trưa dù mệt nhưng rất thú vị.  Khi ở gần các em tôi cảm nhận được sự hồn nhiên trong sáng nơi tâm hồn tôi. Suốt buổi đêm hôm ấy tôi băn khoăn không biết ngày mai các bạn nhỏ dưới làng có đến khu nhà lá tìm tôi không? Đáng lý tôi không nên nói với các em mình đang mệt. 
Tháng Tư, bầu trời đêm cao và trong xanh. Những chòm sao thi nhau tỏa sáng có những tiếng dế tiếng ếch dưới cánh đồng gần vẳng lên. Tôi chợt cười thầm đây đích thị là một bản giao hưởng "Đồng Quê". 
Đêm khuya, trăng đang đậu trên một đỉnh núi cao tỏa ra một thứ ánh sáng mát rượi xoa dụi đi những nhọc nhằn của tháng năm. Đêm tháng Năm thật ngắn ngủi. Tiếng gà rừng vọng lên. Nhưng mọi người còn say giấc nồng. Đôi mắt tôi chưa chịu khép lại, có lẽ tại bình trà xanh đã quyến rũ tôi uống hết ly này đến ly khác mà không để dành 3 giờ khuya thức chúng dậy uống. Tôi đành ngồi yên trên bàn làm việc cho đến khi tiếng chuông thức chúng vang vọng khắp núi đồi. 
Cả đêm tôi không chợt mắt chỉ để lắng nghe nhịp thở của cây rừng, của đóa hoa quỳnh dại quên chưa nở. Và trong lòng rất băn khoăn không biết ngày mai các bạn nhỏ hồi chiều hôm có lên gọi tôi đi hái sim không nữa. Không cần đợi đến trưa, buổi sáng khi hừng đông ló dạng qua khỏi ngọn tre làng mấy đứa nhỏ dưới làng đã đi tìm sư cô mắt kính nào đó để đi hái sim với chúng. Mấy em bé lên nhiều hơn hôm qua. Có lẽ khi về nhà chúng đã báo cho nhau về cuộc du hí qua quả đồi bên với ước muốn tìm được thật nhiều những trái sim chín thiệt bự. 
Tháng Bảy, mưa thiệt nhiều, dân gian thường kháo với nhau rằng: Rằm tháng Bảy ông Ngâu bà, Ngâu được gặp nhau và đoàn tụ trong chốc lát nên đã gây xúc động lòng trời vì vậy cho nên cứ vào tháng bảy là trời lại mưa dầm dề không ngớt. Suốt mùa Hạ tôi chỉ quanh quẩn bên những gốc sim mà quên đi việc chính của mình. Quên đi bổn phận của một người con Phật trong 3 tháng mùa hạ:                                        
         Đừng theo dấu quá khứ
 Hay khát vọng tương lai chưa đến
 Cái gì đã qua bỏ lại đằng sau
 Cái gì chưa đến thì chưa đạt được
 Và cái hiện tại
 Hãy dùng tuệ giác soi chiếu khi nó xảy đến
 (Lời Phật dạy)

 Mộc Lan