Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Nhạc - Thơ - Văn Tình Cha


Tình cha - Quang Lê

Danh Ngôn Father's Day -

Tình Cha
Tình cha núi cả cao vời vợi,
Trong suốt cuộc đời con khắc ghi..!......
Bờ bến êm đềm cho con tới,
Là tấm lòng cha hướng con đi !!
NM

Cha tôi và cách yêu thương của ông ấy

Nó nhớ, nó hận cha từ khi nó mười tuổi. Năm đó cha uống rượu nhiều, hung hãn đánh mẹ, nó và em trai đứng bên cạnh nhìn thấy. Trong lòng đứa trẻ ấu thơ đã dệt nên lòng thù hận sâu sắc và lớn dần lên theo năm tháng. 
Cha là một người đàn ông trầm mặc, ít nói trừ phi uống rượu. Nó nhớ, nó hận cha từ khi nó mười tuổi. Năm đó cha uống rượu nhiều, hung hãn đánh mẹ, nó và em trai đứng bên cạnh nhìn thấy. Trong lòng đứa trẻ ấu thơ đã dệt nên lòng thù hận sâu sắc và lớn dần lên theo năm tháng. 
Cha nó là chủ nhiệm thôn. Trong con mắt của trăm họ, chức to nhỏ cũng đều tính là quan. Nhưng trong mắt nó thì không phải. Nó đọc rất nhiều sách, biết có lãnh đạo cấp trên, biết có nhiều quan chức còn to hơn cha nó. Cho nên nó coi thường cử chỉ của cha nó 
Trong thôn, người khác có chút việc nhỏ, cha nó cũng nói: “Ồ! Đây là vấn đề nguyên tắc”. Trong nhật ký của nó ghi: Cha tôi là cái gì, chủ nhiệm à? Cái gì tôi không thèm biết. Tôi hận ông ta”. 
Cha nó nghiện rượu, mọi người trong thôn có việc lớn, việc nhỏ đều gọi cha nó đến giúp. Những việc đó ông hết sức nhiệt tình. Cha nó sau khi uống rượu thường cùng ngồi với mọi người trong thôn, mắt đỏ lên. Nó không hiểu, nhưng có một điều nó biết đó là việc làm cho người ta chán ghét. 
Cha nó cũng mời các lãnh đạo lớn bé đến nhà nó ăn cơm, mẹ thì tất bật phục vụ. Nó không quen những người đó mà ngấm ngầm cảm thấy họ đến để phá hoại cuộc sống của nó, khiến nó không làm được bài và không học được bài. 
Nó nghĩ sau này lớn lên, tuyệt đối không bao giờ lấy người như cha. 
Cho nên thủa ấu thơ, nó càng vùi đầu vào học, nghiến răng mà học. Dần dần hình thành thói quen, khi cha nó nói “nên”, thì nó luôn tìm mọi lý do để nói “không nên”. Khi đó ông trừng mắt nhìn nó nói: “Tao phải đánh cho mày một trận”. 
Khi đó nó kiên cường ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt cha nó. Nhưng nói chung sau ba, bốn giây bại trận, trong ánh mắt cha nó có cái gì đó nó không hiểu thấu và cũng có cái uy quyền khiến người khác phải sợ hãi. 
Hàng xóm bảo với cha “Ông có một cô con gái ghê gớm, từ bé lúc nào cũng lý sự”. Cha nó nói: “Vật không thành tài thì chỉ là đồ bỏ đi”. Nó im lặng nghe, càng cảm thấy khó chịu, càng hận cha.
Nó vào trung học ở thành phố, một hoặc hai tuần mới về thăm nhà. Cha vẫn giữ chức vụ cũ ở trong thôn, mỗi lần về đến nhà nó đều thấy cha ngồi uống rượu với cán bộ thôn. Cảnh này khiến nó rất khó chịu. Nó thà ngồi trong phòng nhỏ một mình còn hơn nhìn thấy mặt cha. 
Nó càng xót thương cho mẹ. Người đàn bà nhỏ bé ấy từ trước đến nay đều là cái bóng của cha, không dám nói to một tiếng, luôn luôn “phu xướng, phụ tùng” răm rắp theo cha. 
Khi đó nó lại thầm nghĩ sau này quyết không bao giờ làm một người phụ nữ như mẹ, nó phải tìm được người đàn ông quan tâmgiúp đỡ vợ con. 
Thế là ngày nghỉ, nó mượn cớ bận học không về nhà, trừ khi thiếu tiền sinh hoạt phí mới về nhà một lần để lấy. Nó chỉ mở mồm xin mẹ. Đối với cha nó rất ít nói, cha cũng ít khi nói chuyện với nó. Nếu mẹ không ở nhà, nó mượn cớ ra ngoài, đến nhà bạn học, tránh một mình đối diện với cha. 
Có khi cha nó lên thị trấn công tác rẽ vào trường thăm nó. Ông ta đến đợi ở phòng khách, đợi hồi lâu nó mới đủng đỉnh từ phòng học đi ra, đến bên cha, nó lạnh nhạt hỏi một câu : “Cha đến rồi hả cha?”. Cha quay đầu lại nhìn nó, ánh mắt không lộ vẻ gì thân thiết, chỉ đáp lại một câu rồi quay ra nói chuyện tiếp với người thường trực. Nói xong mới quay ra hỏi một câu: “****** bảo bố đến thăm mày, mọi việc vẫn tốt chứ?”. 
Hóa ra là mẹ mình, mẹ con liền khúc ruột, cha đến lần này chỉ là do mẹ dặn dò này nọ thì mới đến. Nó nhớ mỗi lần nó về nhà, mẹ đều đứng ở cổng ngóng nó mà thấy xót xa, rưng rưng nước mắt. 
Lúc đó nó thấy cha chăm chú nhìn nên nó cúi đầu xuống trả lời “Con học tốt”. Câu hỏi của cha quá đơn giản hình như trong lòng cha không có đứa con gái này, nó nghĩ. Cha ngồi trên xe sau đó nhiệt tình chào ông thường trực, hé một mắt nhìn nó rồi đi. 
Có khi cha mang ít tiền đến cho nó, nói mẹ nhờ mang đến cho. Nó lại càng kích mẹ. Trong nhật ký nó viết: Cha có chút gì đó giả dối. 
Khi nhận được thông báo vào đại học, nó đưa cho mẹ xem, mẹ cảm động lắm, cứ sờ sờ xoa xoa vào giấy rồi đưa nó cho cha xem. Nó chú ý quan sát động tĩnh trên khuôn mặt cha. Điều đó đối với cha mà nói, hoặc là giả một tiêu chí của thành công, đáng để ông cầm đi khoe khắp lượt. Nó cảm thấy tay cha nó run run nói một câu: “Thật đây rồi”. 
Nó không rõ ý tứ của lời nói đó. Sau đó mấy ngày cha nó làm cơm mời mọi người trong thôn, hàng xóm lại nói: “Ông xem, con gái ông thật có bản lĩnh”. Nó chờ đợi một câu phô trương của cha, nhưng nó chỉ thấy ông cười hai tiếng vì thế nó có chút thất vọng. 
Khi đi, cha đưa nó ra bến xe ở thị trấn. Sắp lên xe cha bảo nó: “Lên xe đừng nói nhiều, sau khi đến nơi gọi ngay điện về, mẹ nhớ mày đấy”. 
Hai mươi bảy tuổi 
Sau khi tốt nghiệp đại học, nó ở lại thị trấn, làm việc ở một công ty nhỏ. Bạn trai nó là người thành phố, bạn học đại học. 
Khi nó kết hôn, cha nhất định yêu cầu nhà trai đến tận nhà nó đón dâu, nó rất khó chịu. Nhà bạn trai nó chẳng phải quyền quý gì, lại còn phải thuê xe, còn phải đi bộ gần 2 dặm, nó thử thương lượng với cha, nhưng không ngờ một ly ông cũng không chịu nhượng bộ. 
Cha nó rất bảo thủ, giữ nền nếp truyền thống, thế là cuối cùng nhà gái phải xuất giá tại nhà mình. Nó bàn với cha không được, đành bàn với nhà trai. Nhà trai cuối cùng rất vui lòng. Bạn trai nó bảo: “Chẳng qua tốn thêm một ít tiền nữa thôi”.
Hôm tổ chức lễ cưới, từ sáng sớm nó đã thấy cha thức dậy, tiếp đón mọi người, nó trốn ở trong nhà. Khi có cô em gái đến cười đùa với nó thì không khí vui vẻ mới tràn ngập trong nhà. Đến khi nó lên xe hoa, nhìn khắp nơi không thấy cha đâu, chỉ mẹ ra tiễn. Nó khóc nức nở, xe chuyển bánh, nó hỏi khẽ cậu em trai ngồi trên xe: “Cha đâu?”.
Cậu em trai trả lời khiến nó kinh ngạc: “Cha ở sau nhà. Lúc em ra đấy, em thấy mắt cha đỏ hoe”. Nó đau xót nghĩ từ trước đến giờ chưa bao giờ thấy cha rơi nước mắt.
Theo quy định của làng, cô dâu khi lên xe không được phép xuống xe. Nó cảm thấy rất khó nhưng cũng không dám bước xuống. Khi xe ra khỏi thôn, từ xa nhìn lại, nó nhìn thấy cha ngồi ở sau nhà, thân hình rất tội nghiệp, quệt ngang tay lau mặt, tựa hồ như lau nước mắt. Nó rất đau lòng nhưng xe đã chuyển bánh rất nhanh, không nhìn thấy bóng cha nữa.
Ngày cưới rất vui, ngày trở về nhà hóa ra rất ít. Mỗi lần gọi điện về, người nhận điện bao giờ cũng là mẹ. Có khi mẹ chuyển điện thoại cho cha, nói :” Điện thoại của con, ông nghe đi”. Cha cầm máy, cả hai cha con lúc lâu đến 1,2 giây trầm lặng. Đó là sự trầm lặng lúng túng, cha luôn luôn chỉ hỏi hai câu: “Công tác tốt chứ? Cuộc sống có tốt không”. Nó trả lời “Tốt”.
Nghe giọng cha mỗi ngày một già, nó càng cảm thấy đau lòng. Lúc nhàn rỗi, nó giở nhật ký ra ghi: Cha già rồi. Mình đã trưởng thành. Còn nhớ mình đã hận cha. Mỗi lần nhìn thấy tóc cha ngày càng bạc trắng đi, cứ trăn trở: đâu là sợi tóc vì nhớ con gái không ở cạnh mình mà bạc đi nhỉ? 
Ba mươi hai tuổi 
Em trai vào đại học, ruộng ở nhà cũng ít đi. Sau mùa thu, cha đánh điện nói lên thị trấn thăm nó và cháu ngoại. 
Chồng đi công tác, nó ở nhà một mình. Cha nói đến trưa là đến, nhưng chiều vẫn chưa thấy đâu. Nó gửi con sang hàng xóm, ra bến xe đón cha. Vừa đến bến xe, nghe nói xe taxi va quệt ngã một người nhà quê. Nó hoảng hốt chạy như bay đến nơi xảy ra chuyện. 
Nước mắt không biết từ đâu rơi lã chã, nó khóc thành tiếng. Đến nơi thấy mọi người vây quanh, nó rẽ đám đông thì thấy trước xe taxi một người nhà quê đang ngồi mặc cả với lái xe. 
Thấy nó vừa khóc vừa chen vào, lái xe và mọi người đều ngớ ra, nó càng khóc dữ, sau đó lại cười. Mọi người thấy nó như vậy hỏi: “Cái cô này làm sao vậy?” Nó đứng bên cha hỏi: “Cha, cha làm sao vậy? Cha không sao chứ? vừa hỏi nó vừa lau nước mắt. 
Người cha cười vẻ có lỗi, trong tay giơ lên một gói quà to “Lên đây từ sáng, không biết mua quà gì, cũng chẳng biết cháu ngoại thích gì?”. Thấy cha ôm nhiều gói quà lớn nhỏ, nó lại cười nói: “Cha, cha không cần mua quà”. Trong lòng nó xót xa. Thấy cha cười, nó lại muốn khóc và muốn ôm chặt cha. 
Đi trên đường, ánh mặt trời chiếu vào từ phía sau lưng. Từ khi nào không biết, lưng cha còng xuống như thế này? Cha nó trước kia là người rất khỏe mạnh. Khi qua đường, cha nó cẩn thận tránh xe, nhìn nó và bảo: “Chú ý, con nhìn kìa, đi đường sao không để ý đến xe”. Nó nói: “Người thành phố không sợ xe cũng như nhà quê không sợ chó ấy mà”. 
Cha cười, khóe mắt bao nhiêu nếp nhăn. Cha ngắm cháu ngoại giống như âu yếm với con cái, bế nó vào lòng, hôn và bảo: “Mẹ cha thằng chó con này ông ghét mày nhất đấy”. Ánh mắt cha đầy sự âu yếm. 
Nó sững người lại, chuyện xưa như bụi phấn bay ra, nó nhớ hồi nhỏ, cha nó cũng ôm nó vào lòng như thế này, cũng nói ghét nó, rồi cọ cái cằm râu mới cạo vào má nó… Nó cảm thấy cay cay ở sống mũi, nghĩ tới quá khứ, nghĩ tới mẹ hay kể với nó: Cha nửa đêm hay thức dậy, bảo là nằm mơ không lành, muốn gọi điện cho con. Mẹ nó bảo: cha nhớ con, nhưng lại luôn luôn đùn đẩy cho mẹ. 
Nước mắt nó cứ thế tuôn rơi, nó lấy cớ phải làm cơm nước, chạy vào nhà bếp, Vừa vo gạo, nước mắt nó vừa tuôn rơi. 
Chiều tối, nó ghi vào nhật ký: Khoảng cách từ yêu đến yêu là phát hiện bất ngờ. Cha tôi rất yêu tôi, đó là tình yêu không bao giờ nói ra miệng.
ST

  Ơn Cha....
Lặng lẻ âm thầm một bóng cha,
Đưa tiễn con đi mắt lệ nhoà !!
Năm tháng qua dần, còn gặp lại ?
Hay là miên viễn khóc chia xa ?!
 
Tình cha bát ngát tợ biển khơi,
Cha đã cho con cả cuộc đời....
 
Ý chí, niềm tin cùng nghị lực,
Tình cha đẩy ắp chẳng hề vơi.!!

Ra đi từ giã làng quê cũ ,
Chẳng biết khi nao lại trở về ?
Mang theo hình ảnh cây cầu nhỏ ,
Là cả gia tài nơi chốn quê..!!...
 NM
Gia Tài Của Cha Tôi
Cha tôi không còn nữa! Cha tôi đã mất Ngày 22 Tháng 5 Năm 1998 ở Việt Nam, để lại cho tôi một gia tài vô giá. Đó chính là niềm tin, là lý tưởng, là ý chí và nghị lực giúp tôi vững bước trên đường đời.
Ông nội mất khi cha tôi còn bé lắm! Mấy năm sau bà nội “đi thêm bước nữa” nên cha tôi phải nghỉ học để tìm kế sinh nhai nuôi dưỡng 3 người em còn nhỏ dại mặc dầu lúc đó cha tôi cũng chỉ mới 15 tuổi đầu. Cha tôi không phải là người giỏi, cũng không có tài gì đặc biệt nên đã không thể làm giàu về vật chất nhưng ý chí và nghị lực của ông thật tuyệt vời. Cha tôi luôn luôn can cảm đối đầu với sự thật, cho dẫu có phũ phàng, và sẵn sàng chấp nhận “thua một trận để thắng cả cuộc chiến!”
Lúc còn ở miền Bắc, cha tôi đã từng đi “làm thuê ở mướn”, can tâm chịu nhục nhã để tìm phương tiện nuôi dưỡng các em khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho từng người “để cô và hai chú không phải tủi thân vì ông nội chết sớm!”
Sau khi di cư vào miền Nam, ở Bình Giả một thời gian, cha tôi lại một lần nữa đưa gia đình đi dinh điền Phước Tín thuộc quận Phước Bình, tỉnh Phước Long vì sợ con cái mắc phải những cơn bệnh ngặt nghèo vì “ngã nước” nơi vùng đất đầy chướng khí lúc mới thành lập trại di cư này. Nhưng rồi thực tế quá phũ phàng, gia đình tôi lại dọn ngược trở về Bình Giả năm 1966 vì chiến tranh lan rộng trên vùng Phước Long. Một lần nữa, cha tôi đã phải bắt đầu lại từ con số không, ăn nhờ ở đậu anh em bà con, làm thuê làm mướn sống qua ngày, rồi phát rừng kiếm đất cày cấy.
Trong thời gian chạy loạn và di chuyển trở lại Bình Giả, tôi đã mất một năm học, rồi vì tuổi trẻ ham chơi, tôi phải ở lại lớp thêm một năm nữa. Tôi biết lúc đó cha tôi lo buồn nhiều lắm; tuy nhiên, vì sợ tôi chán nản bỏ bê việc học nên cha tôi chỉ ân cần nhắc nhở
: “Con phải can đảm vươn lên. Con là niềm tự hào của cha. Nếu tự con không được can đảm cho lắm, thì cũng phải tỏ ra là mình can đảm. Người ta không phân biệt được một người can đảm với một người tỏ ra can đảm đâu...”
Sau năm 1975, khi biết anh em chúng tôi hầu như mất định hướng, không còn hứng thú tiếp tục học, cha tôi chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo: “Các con phải cố gắng mà học. Đời cha đã khổ vì ông nội mất sớm, không được học nhiều nên cứ phải cày sâu cuốc bẫm. Thời nào người có học cũng hơn, các con cố lên, đừng chán nản.” Tôi không bao giờ quên giọng nói nghẹn ngào của cha khi tôi từ giã gia đình trở lại trường học vào một buổi sáng cuối thu năm 1975: “Cha không có một hũ vàng cũng không có một tủ sách để lại cho con. Cha chỉ biết cày sâu cuốc bẫm để nuôi con ăn học cho tới đầu tới đũa... Con đừng cầu mong của cải mà hãy cầu mong sự khôn ngoan, hiểu biết, và lòng dũng cảm.”
Chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà đầu thập niên 1980, em trai tôi đã trở thành một giáo viên ở vùng “Kinh Tế Mới Xuân Sơn” gần Bình Giả thay vì phải “thi hành nghĩa vụ quân sự” ở Campuchia như bạn bè cùng trang lứa. Và cũng chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà sau khi tới Mỹ, tôi đã tìm mọi cách rời khỏi nông trại của người bảo trợ để tự đi tìm cho mình một tương lai qua việc học.
Những ngày đầu gian khổ ở Mỹ, tôi đã nghĩ thật nhiều về cuộc sống vất vả của gia đình đang lây lất qua ngày ở Bình giả, và thường xuyên ôn lại những lời khuyên dạy của cha tôi để làm động lực thúc đẩy mình phải vươn lên. Thời sinh viên độc thân, với tiền học bổng và làm việc trong trường, tôi cũng tạm đủ sống, nhưng đêm từng đêm tôi vẫn đi quét nhà, hút bụi, lau cầu tiêu... để kiếm thêm tiền mua quà gởi về giúp gia đình bên Việt Nam. Tôi rất vui mừng và hãnh diện vì trong gian nan khốn khó của những ngày đầu sống kiếp tỵ nạn, mặc dầu tôi không đủ khả năng để nuôi các em như cha tôi đã từng làm, nhưng tôi cũng giúp đỡ cha mẹ và các em, các cháu được phần nào qua cơn túng quẫn.
Trước Tết Nguyên Đán năm 1998 tôi vội vã dẫn theo đứa con gái đầu lòng mới 8 tuổi trở về khi nghe tin cha tôi bệnh nặng, và sợ sẽ không còn sống được bao lâu! Sau khi hoàn tất thủ tục Hải Quan và bước ra phía ngoài phi trường, tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cha già một tay chống gậy, một tay bám vào vai em tôi mới có thể đứng vững để nhìn lại đứa con trai sau bao nhiêu năm trời xa cách. Cha tôi gầy gò và xanh xao quá!
Hai cha con tôi ôm nhau khóc ròng, trong lúc mẹ và các em, các cháu cũng khóc như mưa. Ngày tôi âm thầm lặng lẽ cỡi xe đạp rời Bình Giả ra Láng Cát để xuống thuyền đi tìm tương lai, trời mưa như thác đổ. Chiều nay tôi trở lại, trời Sàigòn nắng chang chang, nhưng sân phi trường cũng ướt đẫm nước mắt của cha, của mẹ, của anh em và con cháu. Người ta trở về trong tiếng vui cười hớn hở, cả Việt Kiều lẫn thân nhân đi đón; chỉ riêng tôi trở về với nước mắt trong vòng tay gầy guộc, yếu đuối của cha già. Khi ôm cha vào lòng để những giọt nước mắt yêu thương nhung nhớ của cha ướt đẫm vai áo, tôi mới nghẹn ngào, nức nở thốt lên: “Cha ơi! Con đã về!” Phải, tôi đã về! Tôi đã trở về bên cha già như đứa con hoang đàng trong Phúc Âm tìm về với Người Cha Nhân Hậu... (Luca 15: 11-32).
Cha tôi vốn ít nói, bây giờ lại bệnh hoạn, đi đứng nói năng đều khó khăn, nhưng cũng không quên hỏi tôi trong nghẹn ngào: “Con có học được tới đầu tới đũa như lòng cha mong ước không?” Nước mắt tôi lại trào ra. Tôi vòng tay ôm cha tựa sát vào người. Trời nóng lắm nhưng lòng tôi lại có cảm giác buốt lạnh và đang được sưởi ấm từ từ nhờ hơi ấm của tình cha...
Chúng tôi về tới Bình Giả lúc nào tôi cũng không hay vì trời đã chập choạng tối nên tôi không nhìn rõ cảnh vật hai bên đường làng. Lúc xe đậu lại trước nhà, tôi mới chợt tỉnh cơn mơ... Anh em bà con trong làng không biết tôi trở về; do đó, khi thấy xe ngừng ở cổng, họ đoán là cha tôi từ bệnh viện trở về nên chạy đến thăm hỏi đầy nhà. Một số người khi biết nhà có Việt Kiều đã âm thầm rút lui vì sợ mang tiếng đến thăm Việt Kiều chứ không phải thăm cha tôi. Khi nghe em tôi nói thế, tôi ra sân đứng chào đón mọi người, nhưng hầu hết lấy cớ “để ông cụ nghỉ” và ra về. Cha tôi mệt lắm, nhưng cũng cố gắng đứng lên nói vài lời cám ơn mọi người rồi mới để em tôi dìu vô phòng nghỉ, sau khi quay sang dặn tôi: “Cha biết con cũng mệt, nhưng cố được thì thay cha ngồi nói chuyện và cám ơn mọi người. Ngày mai con đưa cháu đi một vòng thăm hỏi anh em bà con trong họ, trong làng cho phải phép.”
Mấy ngày Tết tôi bận tối tăm mặt mày vì người vô ra liên tục. Việt Kiều nhà người khác về quê mang quà đi biếu bà con, riêng tôi lại ngồi nhà nhận quà của anh em bà con đến thăm cha tôi đang bệnh: Người mấy quả trứng, người ít trái cây, hộp sữa... Ôi! Cái tình người ở quê tôi đẹp quá! Tôi đã đi qua hơn một nửa quả địa cầu, đến thăm cả trăm thành phố khác nhau, nhưng tôi chưa tìm được ở đâu người ta có “tấm lòng yêu thương chòm xóm” như tại làng Bình Giả Quê Hương Yêu Dấu của tôi. Có những người đã dọn ra Ngãi Giao hay vào Xuân Sơn, nhưng nghe tin cha tôi đi nhà thương về cũng lặn lội đến thăm. Có người đã nói thẳng với mẹ tôi: “Nghe nói có Việt Kiều về, nhà con cũng ngại lắm, nhưng biết ông ở nhà thương về, không đến không được!”
Cha tôi chỉ là một nông dân tầm thường, nhưng mọi người trong làng đều thương mến... Tôi đã xúc động đến rơi lệ khi bà con trong làng nói cho tôi biết trên con đường nối liền Vũng Tàu và Quốc Lộ số 1, đi ngang cuối làng Bình Giả, trước khi vào tới xã Tân Lập, có một chiếc cầu mang tên cha tôi: Cầu Ông Minh.
Tôi đã chụp hình “chiếc cầu mang tên cha tôi” đưa về Mỹ, để chung vào hộp với tài liệu tôi viết lại những lời khuyên dạy của cha từ ngày còn bé... Đây chính là
biểu tượng của một gia tài vô giá cha để lại cho tôi.
Cầu Ông Minh (Bình Trung / Bình Giả — Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam
Đã từ lâu lắm rồi, trên con đường mòn từ Bình Giả vào Tân Lập, có một đoạn đi qua một con suối thuộc phần đất của gia đình tôi. Chính cha tôi đã vận động bà con đốn cây xẻ gỗ làm một chiếc cầu khá tốt để giúp dân làng vận chuyển nông sản qua lại, và mọi người vẫn gọi là “Cầu Ông Minh”. Khi chính phủ quy hoạch làm đường nhựa và xây cầu xi-măng, bà con trong vùng đã xin phép được chính thức đặt tên là “Cầu Ông Minh” trong bản đồ hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam.
Ngày mùng 6 tết tôi phải lên đường trở về Mỹ. Cuộc chia tay nào cũng buồn cả! Riêng tôi, khi nhìn thấy cha già chống gậy đứng bên cửa, nước mắt lưng tròng nhìn theo... tôi bước không đành! Tôi ra xe, ngoảnh mặt lại thấy cha giàn giụa nước mắt, tôi lại chạy vào. Ba bốn lần như vậy tôi cũng không làm sao cất bước lên xe.
Em tôi sợ trễ giờ lên máy bay nên vừa khóc, vừa nói: “Cha vô nhà đi... anh mới ra xe được!”
Không biết vô tình hay hữu ý, cha tôi nói một câu làm mọi người cùng bật khóc nức nở: “Con không cho cha nhìn anh con lần cuối được sao?”
Tôi ôm cha vào lòng thật chặt và nước mắt tuôn trào. Con gái tôi cũng ôm bà nội khóc nức nở. Cha tôi ôn tồn nói: “Con đưa cháu ra xe kẻo trễ. Đừng khóc nữa... Con đi đi, cứ để cha đứng nhìn theo.”

Tôi chỉ còn biết “dạ” trong tiếng nấc và bước thụt lùi ra xe. Đó là hình ảnh cuối cùng của cha tôi còn giữ mãi trong tim cho tới giờ này. Người cha già chống gậy đứng bên cửa nhìn con ra đi, hay trông ngóng bóng con trở về? !!!

Nguyễn Duy-An

Lời yêu thương cho bố

Tôi sinh vào năm sửu, nên bản tính lì lợm và ương bướng như trâu. Bố bảo vậy.
Một cách ngược đời, tôi thích mặc đồng phục nam, cắt tóc thật ngắn thay cho áo dài và tóc bím thướt tha, lượn lờ trước mặt thầy giám thị xem thầy có phát hiện ra một đứa học sinh ngang nhiên chống lại nội quy nhà trường hay không….
Thi thoảng, tôi ôm con Cún cưng của anh hai, chạy ào ra đường, thả ùm xuống kênh rồi thích chí nhìn nó ẳng ẳng sục chân quẩy bơi vào bờ, lóp ngóp vào nhà với bộ lông ướt nhẹp. Anh tôi gọi đó là trò chơi tàn nhẫn, nhưng tôi chỉ nhún vai thản nhiên, chỉ là thử khả năng chống chọi của nó thôi, nếu tôi đưa gậy cho nó bám vào, con cún sẽ tỏ rõ bản chất vô dụng của mình, mà như thế thì nuôi làm gì nữa. Suýt bị tát, nhưng tôi đã mau mắn chuồn được. Kể từ khi đó, tôi bị cấm bén mảng đến cái chuồng chó xinh xinh đằng sau nhà.
Nhà chỉ có hai anh em, mẹ đi làm xa 2,3 năm mới về một lần, lần cuối gặp mẹ là lúc tôi 12 tuổi, cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng bởi bố nhiều hơn. Ông dạy tôi cách sửa điện, làm những việc vặt cần thiết trong nhà. Cùng với anh hai, tôi giống hệt một thằng con trai thứ thiệt. Không mấy khó chịu vì điều đó, nhưng thỉnh thoảng, tôi cảm thấy tủi thân. Ngày nhỏ, nhìn tụi bạn gái váy hồng xúng xính vào lễ Tết, tôi thắc mắc không hiểu vì sao bố lại muốn tôi trở nên như thế.
Rồi một ngày, 17 tuổi, tôi phát hiện ra sự thật, tôi không có mẹ. Bà đã chia tay bố từ lần cuối cùng về thăm chúng tôi. Một cách ngây thơ, tôi vẫn tin rằng mẹ đi làm ở nước ngoài, và điều kiện khó khăn nên không thể về với bố con thường xuyên được. Tôi tìm thấy tờ đơn ly hôn trong ngăn tủ của bố trong lúc dọn dẹp. Bất ngờ, nhưng tôi không khóc.
                    Lời yêu thương cho bố
Đã từ lâu, tôi không còn bận tâm nhiều về mẹ nữa. Sự tin tưởng chờ đợi đã không còn bắt nguồn từ nhớ mong. Anh hai đã lên thành phố học đại học được hai năm rồi. Trong một cái đầu chín chắn không có chỗ cho những gào khóc căm giận. Tôi quyết định im lặng. Những gì đã biết mà người khác không muốn cho biết, hãy cứ xem như một cơn gió thoảng qua. Thầm nghĩ như thế, nhưng tôi không khỏi khó chịu. 5 năm trời sống trong sự che chở tránh tổn thương đến dày đặc, tôi giống hệt như một quả bóng bay căng phồng tâm trạng bay lơ lửng giữa không trung, có thể bụp thành trăm mảnh bất cứ lúc nào.
Sinh nhật 18 tuổi, tôi và bố ngồi đối diện nhau. Bộ đầm điệu đà bố mua cho tôi quả thật không phù hợp chút nào. Tôi ngọ ngoạy trong tư thế rụt cổ có đến hơn 10 phút. Thật kì quặc, thay vì mắng cho một vài câu, bố chỉ nhìn tôi và mỉm cười. Bố chìa cho tôi một tấm thiệp. Năm nào cũng một tấm thiệp từ xa gửi tới. Thật buồn cười, chúng minh thư của tôi đã được làm 2 năm, tôi 18 tuổi, nhưng vẫn bị xem như một đứa trẻ ngây thơ ngậm vú giả trong mồm. Có lẽ bố không biết, những tấm thiệp và ảnh của mẹ gửi về, tôi đã đốt chúng, từ rất lâu rồi. Việc bận tâm tới những ảo tưởng về một sự tốt bụng gán ghép, sự thương yêu bảo bọc giả tạo không nằm trong từ điển sống của tôi. Bố vẫn gồng mình lên chịu sự tổn thương và đau lòng ghê gớm, nhưng không biết rằng với một hũ thủy tinh, càng bao bọc nó càng dễ vỡ. Như tôi chẳng hạn.
“Con vẫn mặc quần hộp áo thun, vẫn giày khủng bố khệnh khạng. Lần đầu tiên trong đời, bố cảm thấy bất lực. Những quan tâm nhẹ nhàng không còn thay đổi được con nữa. Thật sai lầm khi bố nghĩ dạy con phát triển theo một cá tính mạnh mẽ là tốt. Đã lâu lắm rồi, nhà mình không có hoa tươi, mà bố nghĩ nếu có chắc con cũng không biết cắm. “Con đã đốt hết rồi bố ạ, và đừng lừa dối con nữa.” Giống hệt cách cư xử của con thường ngày, nhưng tim bố đau nhói. Bố không còn vui mừng khi con quyết đoán và chín chắn nữa. Càng mạnh mẽ, con chỉ càng dễ bị tổn thương sâu sắc mà thôi. Bố nghĩ rằng che giấu sự thật là yêu thương con nhất, nhưng bố đã nhầm. Bố xin lỗi.” Bố gửi cho tôi cái mail với tiêu đề là “Viết cho con.” Chỉ ngạc nhiên thôi, nhưng tôi không trả lời.
Vượt qua kì thi đại học, tôi đã đi tới một thành phố rất xa, một cách chối bỏ, anh trai tôi chế giễu như vậy. Tôi không nghĩ thế nhưng cũng mặc kệ. Môi trường mới mẻ cuốn hút tôi, những bài học mới lạ, hoạt động hay ho, các chuyến đi thực tế dài ngày thú vị. Tôi bắt đầu làm thêm và hạn chế xin tiền của bố. Anh hai về nhà, gửi cho tôi vài đoạn clip ngắn, bố trồng rau hay xem ti vi, cũng có khi chỉ đơn thuần là ngồi trước máy quay để nói, với tôi. Mẹ không còn hiện diện trong các cuộc nói chuyện nữa. Cả ba người đều hiểu ràng mẹ là một từ khóa cấm kị mà chỉ cần nói ra, nó sẽ biến thành lưỡi dao cứa đứt tim không biết chừng. Tôi vui vẻ chia sẻ với bố các dự định mới, về bạn bè, về cuộc sống thú vị ở thành phố hoa. Và hiển nhiên, một cách ngấm ngầm, những điều tôi kể sẽ là lí do chính đáng nhất cho việc tôi không có mặt ở nhà vào các kì nghỉ. Thương bố, thương anh, nhưng trong tôi có một con quái vật đang ngấm ngầm gặm nhấm điều đó. Tôi sợ, chỉ cần đặt chân vào nhà, tôi sẽ thấy hình bóng của mẹ, người đàn bà lừa dối, cả những khổ tâm dằn vặt bố và anh hai đã giữ kín 5 năm trời, cuối cùng bị con bé tôi lôi ra, phơi bày đầy thách thức và chế giễu. Nỗi sợ hãi len vào tâm can, chui sâu lèn lõi vào các mạch máu. Có lẽ bố nói đúng, càng chứng tỏ, tôi chỉ càng lộ rõ bản chất của một đưa hèn nhát, chỉ biết trốn tránh. Mãi mãi, dù gột rửa cách mấy, vẫn chỉ có một sự thật đọng lại. Tôi sẽ về thăm bố, vào một ngày nào đó, khi tất cả những nặng nề đã giũ bỏ, dù không biến mất nhưng nó chỉ còn là một vệt ký ức nhẹ nhàng vốn phải có.
Anh hai lên thăm tôi, mang theo một vài thứ đồ ăn để lâu được mà tôi thích. Trời se lạnh, chúng tôi mặc áo khoác đi dạo dọc sườn đồi, uống sữa đậu nành nóng, ăn bắp nếp nướng. Trong khoảng lặng vô thức, anh đột ngột lên tiếng:
- Sao em không về thăm bố?
- Anh không thấy à, em rất tất bật! – Tôi nhún vai.
- Đừng ngụy biên, nhóc con ạ. Chúng ta làm anh em bao nhiêu năm rồi, tại sao anh không biết em chứ. Đừng giận nữa, về đi, bố mong em lắm. – Anh hai thở dài.
- Em có giận gì đâu.
- Không muốn đối diện là một hình thức của giận dỗi đấy em ạ. – Anh tôi dài giọng – Anh không ở nhà thường xuyên, cũng lớn rồi. Người bố lo lắng nhất, là em đó.
- Anh nhầm rồi, em mới là đứa không thể nào bố lo lắng. Không phải vậy sao? Từ nhỏ tới giờ đã vậy. Bố dạy em mọi kĩ năng cần thiết, dạy em cách đương đầu, dạy tất cả, chỉ trừ việc dạy làm một đứa có tâm hồn nhẹ nhàng, biết yêu thương đúng cách. Cho tới khi không thể quay lại được nữa, thì nói gì? – tôi tuôn một tràng, và chỉ dừng lại, khi thậm chí còn không biết mình quá lời.
- Dần dần, em đã đi ra ngoài khả năng hiểu em, của anh rồi – Anh hai lắc đầu, thất vọng – Anh không can thiệp nữa, hãy hành xử theo những gì em nghĩ. Nhưng đừng để quá muộn để tìm thấy điều mình cần tìm. Vậy thôi.
Cuộc nói chuyện hôm đó tôi đã lãng quên. Cho tới khi tôi nhận thấy những cuộc điện thoại của bố thưa dần, anh hai không gửi clip của bố cho tôi nữa. Mỗi khi gọi về nhà, tôi không nghe thấy tiếng tivi len vào, thay vào đó là hơi thở nặng nề của bố, tiếng một ai đó lạ hoắc xôn xao.
Tôi đập ống heo, liên hệ với chị chủ quán cà phê xin ứng lương trước, rồi nặng nề xách vali ra bến xe vào giữa khuya, đón chuyến xe khách về quê. Bước chân vào nhà lúc sáng sớm, cảnh tượng đập vào mắt làm tôi không tin được. Bố nằm trên giường, đang truyền dịch. Anh hai bê chậu nước nóng dưới nhà lên, không ngạc nhiên lắm, buông thỏng một câu:
- Cuối cùng em cũng đã về. Anh định gọi báo, nhưng bố sợ em đang trong kì thi. Thay đồ rồi nghỉ ngơi, lát bố dậy đỡ mệt hơn chũng ta sẽ nói chuyện.
Một cách lạ lùng, tôi làm theo răm rắp. Không đặt ra những câu hỏi dồn dập, cũng chẳng một chút cảm xúc bất chợt nào. Tất cả trong tôi chỉ là sự lo lắng nặng trĩu và hối hận vô biến. Tính cách ương bướng, tôi đã ném mình vào sự cô đơn không đáng có, rồi lúc giật mình thảng thốt thì đã thoi thóp trong nỗi đơn độc không cưỡng lại. Bố bị ung thư phổi, đã chuyển sang giai đoạn cuối. Những nổ lực hàn gắn, những tín hiệu yêu thương chuyển đi, chỉ mong ở tôi một sự chuyển mình, một sự trưởng thành thật sư. Tôi đã bỏ quên tất cả. Chỉ nghĩ đơn giản rằng bố đang làm lành, như một điều hiển nhiên kể từ khi bố nhận ra phải thay đổi tôi theo một cách khác, nữ tính, dịu dàng, mềm dẻo hơn. Trong khi đang cố gắng làm mòn dần vết bùn chai sạn trong tôi, bố chỉ thêm thất vọng khi tôi lại đắp thêm cho nó dày lên. Tôi phủ nhận yêu thương và viện lí do bằng những sợ hãi vô định, bằng lời tự nhủ về một sự dũng cảm đối diện trong một ngày xa lăng lắc. Nước mắt chảy dài, có lẽ lâu lắm rồi, tôi không khóc.
Những ngày ở nhà cuối cùng có bố, tôi mặc váy hoa, đẩy xe đưa bố đi dạo quanh quanh. Giữa thị trấn sôi động ồn ào, hai bố con tôi chìm khuất, lẩn vào những đám đông người chộn rộn trong công viên, nhưng tôi thấy rõ, bố mỉm cười. Chúng tôi mua hoa về nhà, bố bày tôi cách cắm hoa, chọn lựa phối màu sắc. Thật ngạc nhiên, khi gu thẩm mĩ của bố độc đáo đến bất ngờ. Tôi xắn tay vào bếp, nấu ăn. Bữa thì mặn chát, bữa thì chua lè. Anh hai nhăn mặt: “Út mà đi làm phụ bếp nhà hàng chắc người ta phá sản mất thôi”. Tiếng cười vang rộn, không còn một suy nghĩ nạng nề nào vương lại trong đầu nữa. Tất cả tâm trạng đã trôi theo không khí gia đình ấm áp vui vẻ.
Rồi bố mất, đám tang trong ngày mưa nhè nhẹ. Tôi thẫn thờ, thật may mắn, khi tìm được thứ mình cần tìm, nó vẫn còn trong tầm với, dù chỉ là chút ít. Ngôi nhà trở nên lặng lẽ, mỗi buổi tối, tôi ngồi trước bàn thờ bố, rì rầm trò chuyện. Lặng nghe tiếng tụng kinh vang lên đều đều từ chiếc cát sét nhỏ. Người đi viếng thưa dần, tôi xin bảo lưu kết quả, nghỉ học một học kì để ở lại quê. Anh hai cũng xin chuyển công tác về gần nhà, cuộc sống lại diễn ra bình thường, như ngày nhỏ hai anh em vẫn tự lo cho nhau mỗi lần bố đi công tác dài ngày. Bật máy xem lại những đoạn phim ghi hình bố, tôi bật khóc. Bằng tất cả tình thương, bố đã chọn lọc cảm xúc, chỉ để dành cho anh em tôi những tình cảm nhẹ nhàng nhất. Mảng sóng trong lòng bố, sao không nói cho chúng con biết với, bố ơi. Vùi sâu nỗi đau của mình, để che chở cho cảm xúc của người khác, chắc bố đã phải mệt mỏi và buồn bã ghê lắm.
Một buổi sáng, anh em tôi gặp lại mẹ. Bóng dáng dong dỏng cao ẩn lấp trong những giấc mơ ngày nhỏ. Bà hơi gầy, nhưng đẹp mặn mà, đi về để viếng bố cùng một người đàn ông đứng tuổi và một thằng nhóc tầm tuổi mẫu giáo. Một thoáng buồn bã thoáng qua, chúng tôi mỉm cười.
Khi bỏ quên mạnh mẽ cứng rắn bên ngoài và yếu đuối bên trong, ta lại tìm được yêu thương đích thực, cũng giống như bây giờ, mẹ đang trìu mến nhìn chúng tôi vậy. Làn gió nhẹ thổi qua, vây quanh những luồng cảm xúc. Hình như là bố!
ST


Cha tôi
Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm để nấu cơm, nấu nước, rồi sắp vào một cái khay con, một đôi đũa, một cái bát… xong hết mới gọi tôi dậy ăn.
Cha đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân… Làm xong hết những việc ấy, cha đi học bài.
Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ, học kịch, học văn, học văn chương và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa.
… Khoảng bảy rưỡi, cha, mẹ ăn sáng. Rồi cha tôi ngồi vào bàn, cái bàn mà tôi học bây giờ, ngày ấy ít ai dám đến gần khi cha đang viết. Trên bàn đầy giấy và sách, lâu lâu bình mực quên không đậy đổ một lần, khi ấy loạn cả nhà. Không ngày nào cha không ngồi viết, cả khi gãy tay, bó bột, ngày trước, ngày sau đã nguệch ngoạc viết bằng tay trái. Đôi lúc tôi thấy, nghề văn như một cái ách, người ta lúc nào cũng áy náy lo âu, sợ mình chưa đọc đủ, chưa viết đủ, chưa viết xong lại thấy bực bội như thể có điều gì oan trái trong lòng chưa nói ra hết được. Và tôi nghĩ, có lẽ cha tôi chọn cho mình một cái ách nặng. Cha luôn luôn tất bật, yêu hoa cỏ nhưng chưa bao giờ dám bỏ hàng giờ ra để ngồi uống trà thưởng hoa. Cha sợ những quán cà phê, nhìn chúng như nhìn những nấm mồ chôn thì giờ. Chỉ những đêm rằm, vườn nhà tôi đầy trăng, cha bảo: “Tắt đèn! Ra ngoài hè ngồi xem!”. Chị em tôi theo ra, ngồi khen trăng được vài phút, cha lại quay sang bàn chuyện văn chương với mẹ, rồi tranh luận, có khi cãi cọ, quên cả trăng!
Cứ vậy, đầu óc của cha tôi không lúc nào thảnh thơi, đôi lúc tôi nghĩ, cha đã già rồi, đã có một vị trí ít ai dám mơ tới trong văn học rồi, sao cha không nghỉ ngơi một chút. Cha dạy chúng tôi: “Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Cha cũng muốn tôi học, tôi đã có gần một chục quyển vở chép tay của cha, ở bìa ghi rõ: “sách dạy cho Vàng Anh”, cha muốn hàng ngày đều có ít thì giờ để giảng cho tôi, nhưng tôi, vì đã không ý thức được những giờ học ấy quý như thế nào, tôi đã trốn bằng đủ mọi cớ, khi ấy, tôi chỉ thích làm thơ chứ không thích học thơ. Chỉ khi cha tôi vào nằm bệnh viện, tôi biết cha bệnh nặng, khó mà qua khỏi, mỗi chiều, sau khi đi học về, tôi vào thăm, cha luôn để dành cho tôi bánh kẹo hoặc một quả cam, và tôi dù mệt đến mấy cũng đề nghị cha giảng bài, không tiếp thu được bao nhiêu, nhưng tôi muốn cha được an tâm. Ở bệnh viện, cha tôi đã làm một phong bì to đựng các bài học của tôi, giờ đây chép thành giấy rời, cuối mỗi bài đều ký: “Cha: Chế Lan Viên”, và ghi: “Chợ Rẫy ngày… tháng… năm…” như đánh dấu từng chặng của một cuộc chạy đua tàn khốc.
… Thời khóa biểu của cha tôi cho một ngày thế nào cũng có giờ làm vườn. Thường vào khoảng mười giờ, khi viết lách, đọc sách đã mệt. Ra vườn, cha tôi đắp đất, làm cỏ như một nông dân, và cha tự hào về điều đó. Vườn nhà tôi rộng đủ để mọi người “thí nghiệm” trồng cây này, cây nọ, kết quả là cây cối mọc lung tung. Một cây dừa mọc trên mô đất cao, nước quanh năm không với tới, những cây mận, cây cam tranh giành nắng, xúm xít cạnh nhau. Tuy vậy, tôi yêu khu vườn, bởi vì nó là nơi thân thiết nhất của cha, mẹ tôi, bởi vì, ở đâu trong vườn cũng có dấu tích của cha, những chậu phong lan cha tôi đem từ rừng về, một cây ổi cha trồng riêng cho tôi gần giếng nước, bụi hương nhu bên bờ ao cha trồng cho cả nhà gội đầu… Người ngoài ít ai biết rằng cha tôi lại có thể làm những việc li ti như vậy, còn chúng tôi vì quá quen với những việc li ti ấy nên lại thường không biết cha tôi có thể làm được những việc lớn như thế nào. Thỉnh thoảng, tôi đi theo cha đến các hội nghị hoặc các lớp học cha giảng thơ văn. Ở đấy, người ta dành cho cha ghế hàng đầu, rồi các cô, các chú đến chào, nhắc về vài bài viết, hay quyển sách mới của cha, tôi nghe và lần nào cũng lặp lại cái ý nghĩ: “Tệ thật! Mình chẳng biết gì về cha cả!”. Khi ấy, tôi theo cha chỉ để đi chơi, cũng không để ý cha tôi giảng bài gì, phát biểu điều gì, chỉ để ý cha đã chải đầu chưa, cổ áo đã bẻ xuống chưa, có quên kính không… Trong những chuyện này, cha nhất nhất nghe tôi. Một lần khi tôi học lớp năm, theo cha xuống Cổ cò, người ta đón bằng một bữa tiệc, cha tôi uống rượu, thỉnh thoảng hỏi tôi: “Mặt cha đỏ chưa?”. Tôi bảo “Chưa!”, mấy phút sau lại nghiêm mặt bảo cha: “Đỏ rồi! Cha đừng uống nữa!” Và cha tôi ngưng liền.
Cha tôi nóng tính, điều đó ai cũng nói. Ở nhà không ai dám đùa với cha, ngoài chị Thắm. Chị là người duy nhất dám nhờ cha tôi dịch hộ bài học rồi ngang nhiên ngủ gật ngay bên cạnh. Chị Thắm cũng là người duy nhất biết nhổ tóc sâu và lấy ráy tai, và làm cũng tùy hứng, bất kể lúc đó cha tôi đang bận bịu đọc sách hay học bài. Ra trường, chị đi thực tập một năm ở An Giang, lâu lâu mới về một lần, thời gian đó, tóc cha tôi bạc hẳn. Tôi nhớ, khi chị đi được mấy ngày, một buổi tối, người yêu chị đi thăm về, tả lại cho cha tôi nghe cái cảnh lạ nước lạ cái của chị dưới quê, cha bảo: “tội nghiệp!” Rồi hai người sụt sịt khóc, khi ấy, hai mẹ con tôi thấy cha thật là ủy mị!
Rồi cha tôi bệnh nặng, những tháng cuối cùng, cha chỉ nằm trong phòng, không nói được, không biểu lộ tình cảm gì trên mặt, chỉ ngơ ngác nhìn trời qua cửa sổ. Vậy mà, theo thói quen, thấy tờ báo nào ở cạnh cha cũng cầm lên đọc, khi thấy mẹ tôi cầm quyển sách nào đi ngang cha cũng nhìn cho được cái gáy sách, dù đã không hiểu được gì nữa. Bạn của cha tôi đông lắm, họ đến thăm và ai cũng thấy rằng ông Trời sao thật tàn bạo, bắt một con người thông minh như cha phải sống như một đứa trẻ mới sinh. Tôi đi học về, vào giường ngồi chơi, nắm tay cha, gầy guộc, và khóc, có lần, cha tỉnh ra, nhìn tôi cau mày và cũng khóc theo. Sau đó ít ngày, cha mất.
Sau lễ hỏa táng, anh Định và tôi được giao nghi lễ cuối cùng là đem tro của cha thả xuống sông. Tôi ngôi sau, ôm chặt cái túi còn ấm nóng. Đây là cha tôi, ngày nào còn ôm tôi, đứa trẻ con ngủ gật trên xe; đây là thầy giáo tôi… giờ thu lại trong hũ cốt và một bao tro. Chúng tôi ra sông Sài Gòn, khi tro được thả xuống, tôi biết từ nay mình đã mồ côi cha, chỗ dựa lớn nhất đời tôi đã mất, và tôi sẽ phải học, như cha dạy: “Học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Học để thành người.
 Phan Thị Vàng Anh

Cha chúc con đủ
Và các bạn, khi các bạn đã đọc xong mẩu chuyện này, tôi cũng chúc các bạn như vậy. Chúc chúng ta đủ.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại mất nhiều thời gian của cuộc đời mình ở các sân bay đến thế. Tôi vừa thích lại vừa ghét việc đó! Tôi thích được ngắm nhiều người. Nhưng đó cũng là lý do tôi ghét: phải nhìn mọi người “chào” và “tạm biệt”. Nó làm tôi xúc đông đến phát mệt.
Cho nên, mỗi khi gặp 1 thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn thường ra sân bay thành phố nhìn mọi người “tạm biệt”. Để tôi thấy rằng mình vẫn hạnh phúc khi không phải nói lời chia tay với những người thân yêu của mình. Nhìn mọi người cố níu kéo nhau, khóc… tôi cảm thấy mình còn rất nhiều điều quý giá khác. Những gia đình, những người yêu nhau cuối cùng cũng phải xa cách, nhìn họ sải rộng cánh tay để nắm tay nhau, cho đến khi chỉ còn 2 đầu ngón tay của 2 người chạm vào nhau… đó là những hình ảnh mãi mãi nằm trong tâm trí tôi.               
Và tôi cũng học được nhiều điều từ những giây phút “tạm biệt” đấy. Có 1 lần, tôi nghe loáng thoáng tiếng 2 cha con đang bên nhau trong những phút giây cuối cùng. Họ ôm nhau và người cha nói: “Ba yêu con, ba chúc con đủ”. Rồi cô gái đáp lại: “Con cũng yêu ba rất nhiều và chúc ba đủ”.
Và cô gái quay đi, tôi thấy người cha cứ đứng nhìn theo, thấy ông ấy muốn và cần khóc. Tôi lại gần, nhưng lại không muốn xen vào giây phút riêng tư của ông ấy nên không nói gì. Bỗng ông quay lại chào tôi và:
- Đã bao giờ anh nói lời tạm biệt với 1 người, và biết rằng mãi mãi không gặp nữa?
- Xin ông cho tôi hỏi, có phải ông vừa vĩnh biệt với con gái ông? Tại sao vây?
- Tôi già rồi, mà con tôi sống cách tôi đến nửa vòng trái đất – Người cha nói – Thực tế, tôi biết lần sau con tôi quay về đây nhưng lúc đó có thể tôi đã mất.
- Khi tạm biệt con gái ông, tôi nghe ông nói: “Cha chúc con đủ”. Tôi có thể biết điều đó có ý nghĩa gì không?
Người cha già mỉm cười: Đó là lời chúc gia truyền của gia đình tôi, đã qua nhiều thế hệ rồi – Nói đoạn ông dừng lại, ngước nhìn lên cao như thể cố nhớ lại từng chi tiết, và ông cười tươi hơn – Khi tôi nói: “Cha chúc con đủ”, tôi muốn chúc con gái tôi có cuộc sống đủ những điều tốt đẹp và duy trì được nó.
Rồi ông lẩm nhẩm đọc: “Ba chúc con đủ ánh sáng mặt trời để giữ cho tâm hồn con trong sáng. Ba chúc con đủ hạnh phúc để giữ cho tinh thần con luôn sống. Ba chúc con đủ những nỗi đau để biết yêu quý cả những niềm vui nhỏ nhất. Ba chúc con đủ những gì con muốn để con hài lòng. Ba chúc con đủ mất mát để con yêu quý những gì con có. Và ba chúc con đủ lời chào để có thể vược qua được lời “tạm biệt” cuối cùng”.
Ông khóc và quay lưng bưóc đi. Tôi nói với theo “Thưa ông, tôi chúc ông đủ”.
Và các bạn, khi các bạn đã đọc xong mẩu chuyện này, tôi cũng chúc các bạn như vậy. Chúc chúng ta đủ.
ST