Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Chiếc lá khổ qua

Hình ảnh có liên quan
Hình ảnh có liên quan
Cay và đắng,
Cay và đắng vị đời chưa quên hết ?
Trong thương đau cay xé giọt lệ rơi...
Lòng muốn quên bao đắng chát cuộc đời,
Ta tìm thấy chút tình yêu dịu ngọt !
            Chậu ớt hiểm và giàn khổ qua
           Nàng mở tivi xem tiên đoán thời tiết. Cuối tháng Tám, ban ngày cao nhất 21 độ C; ban đêm trời lạnh xuống 10 độ C. Nàng gọi thằng con phụ bê chậu ớt hiểm vô nhà, không quên đứng lại ngó giàn khổ qua có chỉ độ năm, sáu trái lớn sắp sửa hái ăn được. Năm nay, cũng như nền kinh tế suy thoái, ông trời tiết kiệm năng lượng, giảm bớt những ngày hè nắng nóng. Thời tiết cũng bày trò thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu, cho nên mùa hè đến muộn và ra đi hơi sớm. Ðể cho nàng phải mất công dời chậu ớt vào nhà mỗi đêm. Nàng thương nó lắm, sợ nó chết lạnh. 
          Chậu ớt thật sai trái, có hàng trăm quả vừa chín vừa hườm cộng với vô số quả non và hoa còn búp. Những đóa hoa trắng muốt năm cánh nhỏ xíu thấy dễ thương làm sao; chúng trông giống như hoa đeo tai của mẹ nàng để lại. Trái của nó cũng xinh, không tròn không dài mà cũng không cong, cứ thon thon bóng chắc. Trông thôi đã đẹp, chành môi và hé răng cắn nó một một phát nghe giòn cay trong miệng, nước bọt tươm ra cho vị cay hòa quyện nhai chung với thức ăn rồi nuốt một cái tọt xuống cổ họng trong khi mùi thơm nồng xông lên hốc mũi kích thích tuyến nước mắt tiết ra cho mắt long lanh; bữa cơm với món ăn đơn giản nào chăng nữa cũng trở thành ngon miệng.
           Ai nói ăn ớt làm tăng thân nhiệt hại gan hại da thì không biết chứ riêng trường hợp nàng ăn ớt hàng ngày mà da mặt nàng vẫn căng tươi mịn màng, không cần phải dùng đến sữa ong chúa. Cha nàng thì nói không có ớt thà nhịn ăn cơm. Con trai nàng 21 tuổi vẫn không có mụn trên mặt. Riêng chồng nàng... chỉ cữ ăn ớt từ khi lâm bệnh. Sẵn tính đa cảm và yêu chồng, nàng tư lự nghĩ vu vơ, ớt chín làm chi trong khi chồng nàng không còn hái ăn mỗi ngày nữa. Anh bị ung thư đại tràng và đang được trị liệu; chuyện ăn uống kiêng cữ nghiêm nhặt, không còn hứng thú ngon miệng như xưa. Hôm trước mưa giông bất chợt, nàng không có ở nhà, chậu ớt bị ngã đổ, đất rơi rớt ra khỏi chậu, mấy cành bị gẫy, nàng xuýt xoa thương xót. Dường như nàng thương xót tất cả mọi vật với muôn loài. Người hoạn nạn, người nghèo khó, chim non gặp nạn trong mưa bão từ trên cây trước nhà rơi xuống, cả con ruồi con muỗi bay vô nhà nàng cũng cố công tìm mọi cách xua nó ra chứ không đập chết. 
         Gia đình nàng dọn đến xóm này đã được hai năm. Căn nhà chủ trước đề bản bán chỉ trong vòng hai tuần lễ là đã có người mua. Lại thêm một gia đình người Việt, xóm này mừng có thêm đồng hương. Thế mà chỉ mới đây thôi, người ta mới biết một ít gốc gác về gia đình nàng gồm bốn người: cha nàng, vợ chồng nàng và con trai nàng. Ðáng làm cho hàng xóm chú ý  là chậu ớt sai trái xanh đỏ với giàn khổ qua đèo leo phủ ban công. Ðáng chú ý hơn nữa là nhân vật nữ chủ của vườn treo đó. 
         Gương mặt của nàng luôn đượm một nét buồn tiềm ẩn diệu vợi. Ðôi mắt của nàng long lanh rười rượi như mặt hồ mông mênh huyền thoại phản chiếu bầu trời trong xanh đầy mây trắng. Ai nhìn thấy nàng không khỏi có ý nghĩ là nàng vừa khóc xong hay sắp khóc. Nước mắt như đã dâng đến bờ mi rồi, chực chờ, sóng sánh chỉ một chút giao động tình cảm là trào ra. Nỗi buồn ấy chất chứa từ tiền kiếp người phương Nam trên dòng sông chín con rồng uốn khúc cuốn đất phù sa trôi ra biển cả, đượm hơi hướm và chất liệu của những bài ca như vọng cổ hoài lang, xàng xê, nam ai, giang nam, kim tiền bản, nam xuân, sâm thương não sầu ai oán. 
         Mẹ nàng chuyển bụng trong một đêm Mậu Thân giới nghiêm có tiếng đạn hỏa tiễn 122 ly véo vút trên bầu trời từ hướng Tân Qui Ðông. Ðạn bắn vào thủ đô để gây kinh hoàng chứ không nhất thiết nhắm nhằm mục tiêu quân sự hay công thự nào. Yêu cầu đồng bào hãy ở yên trong nhà, đừng ra ngoài đường để tránh mọi rủi ro. Thông cáo trên đài phát thanh ra rả. Nhà nhà lo mua gạo, mắm muối cá khô. Cha nàng đi trấn thủ miền xa tận Lộc Ninh đất đỏ bụi mù. Tất cả các đơn vị ứng chiến một trăm phần trăm. Bảy mươi hai tỉnh thành trên toàn quốc bị giặc tấn công.
         Cảnh nhà đơn chiếc. Bà ngoại nàng quýnh quáng lo sợ. “Rán nín tới sáng được hôn con?” “Không được má ơi...Phải đi ngay bây giờ...Ở nhà lỡ có bề gì...” Ngoại run vì sợ, cầm dơ cao cây đèn dầu dìu mẹ nàng đang ôm bụng cắn răng dằn cơn đau lội bộ đi đến nhà bảo sanh. “Ai đó? Ðứng lại!” Toán thanh niên Nhân Dân Tự Vệ gác trong xóm đề cao cảnh giác. Ngoại càng run. “Dạ... tui đưa con tôi... đi đẻ.” Giây thép gai được mở lối cho hai người đàn bà run sợ đi qua. Lên dốc Cầu Chông Quận Tư mẹ nàng quị xuống. Bà ngoại nàng hốt hoảng gọi “Con ơi! Ráng đi chút nữa đi con! Gần tới rồi.” Mẹ nàng gượng dậy lê lết. Một tiếng nổ kinh hồn. Ngoại ngoái nhìn xóm Cư Xá. Lửa khói bùng lên. Bà thảng thốt kêu, “Chết rồi! Xóm nhà mình con ơi!”
         Rồi nàng cũng lọt lòng mẹ chào cuộc đời gian nan, và được đời chào lại bằng tiếng súng đủ loại, bằng hỏa châu, và bằng khói lửa chiến tranh. Bà đỡ buộc miệng khen, “Tuổi con khỉ, mặt đẹp quá!” Mẹ gượng cười nhọc mệt. Ngoại mừng vui quên cả mệt nhưng vẫn còn run. Tiếng khóc oa oa của trẻ thơ chen lẫn với tiếng động cơ trực thăng võ trang bay, tiếng gầm rú của rocket bắn vào các vị trí đặt súng của địch quân. Ở đây một đứa trẻ vào đời; đàng kia có người bị chiến tranh cướp đi mạng sống.
         Ba hôm sau mẹ bồng đứa con sơ sinh trở về, cũng may căn nhà khiêm nhường chỉ bị tróc mất vài miếng ngói. Chờ đến khi cứng cáp, mẹ nàng bất chấp lời ngoại khuyên, bồng con đi Lộc Ninh để cùng chồng đồng lao cộng khổ. Nàng trải qua những năm đầu đời trong vòng rào kẽm gai, nhà lợp mái tôn và hầm bằng bao cát. Lớp học mẫu giáo nằm ngay trong trại gia binh, giữa những tiếng ê a i tờ và các bài hùng ca của lính là tiếng súng ầm ì với đèn trời hỏa châu thắp sáng nhiều đêm. Tháng Tư Bảy Lăm oan nghiệt, con bé có khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt to đen hớt hãi nắm tay mẹ chạy theo đoàn người di tản. Lần này mẹ khuỵ xuống ra đi vĩnh viễn bởi đạn thù. Mẹ xuôi tay. Người quen lôi nàng chạy đi. Từ đó nỗi buồn.
          Khuôn mặt nàng khá tròn đầy. Sự tròn đầy còn được thể hiện nơi cả mí mắt, má, môi và cằm. Nàng không có vẻ gì yếu đuối về thể chất cả. Trái lại, gương mặt đó có nét uy nghiêm với một ít nét quí phái giống bức tranh tuyệt tác Mona Lisa của nhà danh họa Leonard Da Vinci. Ồ, nhưng mà không, nàng không phải là một Lisa Gherardini, vợ của nhà buôn vải Francesco del Giocondo ở Florentine (nên người Ý mới gọi là La Gioconda hay La Joconde bởi người Pháp) giàu có thừa tiền của mướn họa sĩ vẽ tranh. Nàng chỉ là một người Việt di dân tầm thường đi làm tư chức hảng xưởng nuôi gia đình trong thành phố này.
         Mỗi lần rời khỏi nhà đi ra ngoài, nàng ăn mặc y phục kín đáo một màu sẫm buồn. Làn da trắng hồng tươi mát có được chắc là nhờ dược chất chống độc tố trong ớt mang lại. Nhưng chính chiếc khăn choàng trên mái tóc đen tuyền mới làm cho nét buồn sâu lắng của nàng tăng lên và nổi bật. Sao nàng không cười để gợi liên tưởng đến hình ảnh Jackie Kennedy ngồi trên chiếc xe limousine mui trần bên cạnh ông chồng tổng thống ngay giây phút trước khi ông bị ám sát buổi trưa một ngày tháng Mười Một năm 1963 nơi thành phố Dallas. Nàng chưa thành quả phụ. Nhưng điều đó nào có khác gì vì lẽ chồng nàng đang khắc khoải sống trong bệnh tật và hiếm thấy đi ra khỏi nhà. Từng gánh nặng nầy đến gánh nặng khác tạo ra những giọt lệ âm thầm đè nén để khỏi kèm theo tiếng khóc.
         Hãy nghĩ đến một so sánh khác gần gũi hơn và xác thực hơn; nàng giống hoàng hậu Soraya của Ba Tư. Nàng Mona Lisa là một nhân vật trong tranh xa xưa từ thế kỷ thứ 16; Soraya là một nhân vật thật ngoài đời thời cận đại ngay trong kỷ niệm thiếu thời của cha mẹ nàng. Mona Lisa hơi mỉm cười, biểu lộ một sự thỏa mãn hạnh phúc ngấm ngầm. Có nhà khảo cứu tranh vẽ còn đi xa hơn, cho rằng đó là nụ cười của một phụ nữ vui sướng vì sắp được làm mẹ sau khi đứa con gái đầu lòng qua đời. Người ta khẳng định Mona Lisa có bầu. Soraya thì khác. Với nét đẹp u  buồn của bà, báo chí Saigon trong cuối thập niên 60 đặt cho bà một biệt danh là Hoàng Hậu Sầu Muộn; sầu muộn vì do bệnh vô sinh của bà, luật pháp khắt khe của Ba Tư ép buộc nhà vua ly dị bà và lấy vợ khác. Vừa không thể sinh con để làm mẹ vừa mất ngôi vị hoàng hậu khi mới 25 tuổi, Soraya buồn bã u sầu đến chết. Danh hiệu hoàng hậu sầu muộn còn đó để trao lại cho nàng.
         Nàng cũng mất đi khả năng sinh đẻ sau một lần mang thai đứa con thứ nhì. Nỗi buồn chồng chất thêm lên, hay là nỗi hối tiếc không thể ban tặng một món quà tình yêu cho người chồng sau; người đã đem lại tình yêu đích thực cho nàng. Tên của nàng là Tuyền, là dòng suối, ở trường hợp nàng là một dòng suối nước mắt. Sự sầu muộn của nàng chất chồng theo những chuỗi ngày gian truân vất vả trong chiến tranh ly loạn, nối tiếp trong xã hội cộng sản khắc nghiệt. Số phận buồn thảm của một đứa bé bảy tuổi có mẹ gục chết trên đường chạy loạn và có cha là quân nhân bị bắt đi tù. Những năm tháng được bà ngoại cưu mang cho đi học, cột khăn quàng đỏ vào lớp và hát những bài ca lạ lẫm không làm cho cô bé vui hơn tí nào. Bác Hồ cùng chúng cháu hành quân, sao lúc cháu thi đua kế hoạch nhỏ đi nhặt bao ny lông không có bác. Trường Sơn Ðông Trường Sơn Tây, sao cháu chỉ biết có sườn bên trái sườn bên phải nhô ra vì cái bụng lép kẹp. Tiếng chày trên sóc Bom Bo, sao cháu chỉ nghe tiếng giầy công an nửa đêm xét nhà bố ráp. Cuộc sống sao quá cơ cực. Ðói, đau yếu triền miên. Những năm tháng tũi cực đầu đời ươn hạt buồn vào người phụ nữ đáng thương ấy.  Gương mặt buồn của nàng có sức thu hút làm cho người nhìn buồn theo.
         Mười chín tuổi, nàng phải ngã vào vòng tay một gã công an khu vực để có phương tiện nuôi cha trong tù và trả ơn cho ngoại. Tuổi hắn gấp đôi tuổi nàng. Hắn ve vãn lúc ban đầu, sau đó hù dọa ép buộc. Với quyền lực nằm cả trong tay của hắn, nếu  từ khước và chống trả thì nàng chỉ mang họa vào thân, thôi đành nhắm mắt xuôi tay trôi theo dòng đời mặc cho số phận. Cả quê hương này đều bị đàn áp cưỡng bức chứ không chỉ riêng nàng.
         Tuyền đi thăm nuôi, cha hỏi, “Tiền ở đâu con có mà đi thăm Ba?” Tuyền buồn lắm, cúi đầu giấu hai dòng nước mắt. Cha nàng không nỡ làm khổ con hơn nên chỉ nói, “Con làm gì miễn là đừng để cho vong linh của mẹ con phải tủi hổ và Ba khỏi bị sỉ nhục.” Nàng cũng giống như hầu hết những người đàn bà Việt Nam, tâm từ bi hỉ xả, thương tất cả muôn loài, cam chịu số phận chứ ít khi mang lòng oán hận. Lời cha nói chỉ làm cho tâm can nàng sầu khổ, thương lo cho cha còn hơn chính bản thân.
         Khi cha nàng ra tù, mối liên hệ của nàng với gã công an cũng chấm dứt, để lại cho nàng một đứa con trai và một cú bị xẩy thai tưởng chết. Hắn thuyên chuyển đi nơi khác, theo đuổi con mồi khác. Nàng dửng dưng, chẳng oán trách hắn, vẫn hết lòng yêu thương đứa con tuy không phải do tình yêu chân thật ban cho nàng. Sự cắt đứt tình cảm này có làm cho vong linh mẹ đỡ tủi hổ hơn không, cha nàng có đỡ cảm thấy bị sỉ nhục hơn không, nàng không rõ lắm. Nàng còn phải bận bịu với sự bương chải kiếm sống. Nàng tạo được một quày hàng ngoài chợ buôn bán tạp hàng tế nhuyễn. Sá gì chuyện dãi nắng nằm sương, gương mặt u buồn ấy vẫn toát lên nét đẹp quyến rũ những tâm hồn đa cảm.
         Ðể rồi một ngày định mệnh, người thanh niên đó dừng chân trước quầy hàng của nàng để mua một ít kim chỉ. Hai đôi mắt buồn diệu vợi nhìn nhau như thấu hết tâm can của nhau, như truyền cho nhau tất cả bao nỗi bi lụy nhọc nhằn. Nàng muốn an phận ở vậy nuôi con nhưng trái tim yêu đã rung động trước người thanh niên gầy ốm ấy.
          “Trời xui khiến em gặp anh làm gì?”, trong một lần hẹn hò nàng hỏi.
        “Em nói vậy là em cũng yêu anh?”, chàng hỏi. Nàng gật đầu.
        Rồi nàng kể hết chuyện đời nàng, kể cả chuyện nàng không thể sinh con được nữa, xong nàng khuyên chàng nên xa lánh nàng đi là hơn. Chàng nhứt quyết đòi cưới nàng, muốn sống trọn đời bên nàng, “Ðể chia sớt nỗi khổ cho em... hay là mang lại thêm nỗi sầu cho em cũng không biết chừng.”, chàng vuốt tóc nàng và đáp, vuốt tóc để nhìn rõ từng nét của khuôn mặt u buồn ấy. Người em sầu mộng. Tại sao nét đẹp buồn lại quyến rũ lòng người, hay đó là khiếu thẩm mỹ của những tâm hồn nghệ sĩ sống bằng trái tim hơn là bằng đầu óc thực tế.
         Và bây giờ...
 

         Chàng đi bác sĩ khám bệnh mới hay mình bị ung thư ruột già phải cắt, đang được trị liệu tại nhà và nhà thương. “Anh đã mang lại toàn cay đắng cho em.” Chàng buồn rầu than; nàng chợt nghĩ hay là tại cây ớt của nàng trồng tốt quá luôn sum suê  trái chín khiến cho chàng ăn nhiều mà mang bệnh. Một lần theo chồng đi khám bệnh, nàng hỏi bác sĩ có phải vì ăn nhiều ớt mà bị ung thư ruột già không; bác sĩ bảo không phải. Nàng đỡ phải ân hận. Cha và chồng nàng thì ăn gỏi khổ qua và nhiều ớt cho quên đắng cay của cuộc đời. Trong mỗi bữa cơm chiều, cha vợ và thằng rể tâm đầu ý hợp nhâm nhi lon bia cho nó tiêu cơm. Trong nhà chỉ có mỗi một mình nàng là phái nữ; chuyện cơm nước một mình nàng lo. Ðàn ông Việt Nam ăn uống tưởng là đơn giản nhưng xem ra lại rất kén chọn. Cha nàng, chồng nàng, và ngay cả thằng con trai nàng đang còn đi học cũng chỉ thích ăn và ăn ngon những món do chính tay nàng nấu. Và cả ba người đều thích ăn ớt với khổ qua. Khổ qua hầm dồn thịt, khổ qua xào trứng, xào thịt bò, gỏi khổ qua. 
        Thức ăn lắm món, con người lắm họ. Gia đình nàng bốn người mà có ba họ khác nhau. Cha con nàng họ Nguyễn, đứa con riêng họ Trần, và người chồng hiện giờ họ Huỳnh. Khá rắc rối phải giải thích vòng vo khi làm giấy tờ. Nàng chỉ mong đừng ai hỏi đến, đừng ai khơi lại một vết thương lòng. Ðắng cay, cay đắng đã nhiều/ Ớt cay mướp đắng bao nhiêu cũng thừa. Oái oăm thay cho cuộc đời nàng. Bốn người sống chung một nhà, im lặng, hòa thuận, nhưng sao vắng nghe thấy tiếng cười. Họ sống âm thầm quá, như muốn khép kín cô lập với thế giới chung quanh. Ớt cay và khổ qua biến người ta trở thành như thế chăng.
          Nhớ lại đầu mùa Xuân năm ấy, Tuyền lấy làm lạ khi cha nàng đi xuống phố Tàu mua về một chậu ớt mới chớm nở vài cái bông trắng muốt xinh xinh, và một chậu cây khổ qua còn nhỏ. Ông mua vì ngẫu hứng qua cầu. Từ lâu ông chẳng thiết tha trồng một thứ gì nữa, không phải vì ông sống trong một ngôi nhà townhouse không vườn đất mà chỉ vì thấy rau cải hàng ngày ông đã ớn. Ông làm nghề hái lựa rau quả trong nông trại, sáng xe van tới rước tối thả ông về, rau cải lựa dư ra mang về mỗi ngày ăn không hết. Lúc ra khỏi nhà lội bộ qua mấy khu phố, ông chưa hề có ý định mua nó và trước đó cũng không. Ông chỉ muốn xuống đây ăn một tô mì hoành thánh xá xíu rồi đi rảo chơi một lúc. Thế nhưng khi bà bán hàng bên lề đường chật hẹp chìa chậu ớt đến trước mặt ông mời mọc, ông thích nó ngay. Ông hỏi, “Cay hôn?” “Cay chớ! Ớt hiểm mang giống từ Việt Nam qua mà!” “Bao nhiêu?”, ông hỏi. “Năm đồng”, bà bán hàng đáp. “Khổ qua nầy đắng hôn?” “Ðắng chớ! Giống từ Việt Nam mang qua mà!” “Bao nhiêu?” “Năm đồng. Hai thứ mười đồng.” Ông móc túi trả tiền không thắc mắc. Chậu ớt gọn xinh thiệt, và cây khổ qua coi bộ cũng xởn xơ mơn mởn. Ông hài lòng. Thây kệ, làm quà cho con gái trồng chơi có trái thì ăn, không thì thôi coi như trồng làm kiểng.
 

         Hai lần dọn nhà, gia đình nàng đi đâu chậu ớt đi theo đó. Khổ qua thì mỗi mùa nàng chọn một trái tốt nhứt để chín già trên cây rồi hái lấy hột để dành cho năm tới đêm ra ươm. Không ngờ chậu ớt cứ lớn dần, sống năm này qua năm nọ, sinh con đẻ cái. Chồng nàng sang nó từ chậu nhỏ qua chậu lớn hơn theo đà phát triển của nó, từ một chậu chiết cây con ra thành nhiều chậu đem cho người quen, nhưng chỉ qua được một mùa, các cây ớt cho người quen đều tàn rụi, trong khi cây ớt của nàng vẫn ra sai trái, cứ như là một đền bù cho sự vô sinh của nàng. Khổ qua cũng vậy, giây bò dài phủ khắp lan can, trái lòng thòng ngộ nghĩnh.
         Kể cũng lạ, hai món nàng trồng đều khỏe mạnh mau ra hoa kết trái, trong khi căn kế vách trồng hoa thường bị sâu bọ đục khoét. Theo lời cha dặn, mỗi khi lột vỏ tép nấu canh bầu, nàng chịu khó vùi từng vỏ tép xuống đất trong chậu. Cha nàng thì thích ngồi nơi bàn ăn trong nhà bếp ngó ra cửa kính ngắm nghía săm soi và siêng năng dời nó theo hướng nắng chiếu qua cửa sổ. Những lúc ấy đôi mắt ông nhiu nhíu lại làm những luống cày của thời gian trên trán ông hằn rõ hơn. Chắc là ông sống lại với kỷ niệm, nhất là những năm tháng tù đày ăn đói triền miên, ngay cả một quả ớt đưa cay cũng không có. 
         Ớt hiểm, khổ qua gì cũng mang giống từ Việt Nam qua mà, ông nhớ lời bà bán hàng quảng cáo, chẳng biết thật vậy hay không. Quê nhà, quê nhà...ông bắt nghĩ tới người vợ đã qua đời. Giá mà vợ ông còn sống thì năm nay cũng đã được hưởng tiền già. Thấm thoát mà ông đến ở xứ lạnh này cũng đã được mười bảy năm và ăn chắc cũng đã hơn mười ngàn quả ớt, càng ăn càng thấy ít cay đi, khổ qua mua ở đây cũng không đắng bằng khổ qua ngày xưa ở quê nhà. Ông đem điều nhận xét nầy ra nói với con gái ông. Nàng buồn rầu nghĩ, còn khổ qua và ớt nào đủ đắng cay khi đời người đã chất chứa quá nhiều cay đắng.
         Nàng nhớ mang máng từ thuở nhỏ từng nghe mẹ kể rằng cha mẹ nàng gặp nhau và quen nhau khi họ cùng đi chung một chuyến đò từ bến Trưng Trắc tỉnh lỵ Mỹ Tho qua Cồn Phụng viếng thăm giang sơn Ông Ðạo Dừa. Trong một lúc hiếm hoi, nàng hỏi cha, “Con nghe má nói hồi đó ba má gặp nhau ở Mỹ Tho có phải không ba?” “Phải”, ông đáp, “Sao bỗng dưng con hỏi?” “Má nói ba má đi chung ghe qua Cồn Phụng.” “Ừ.” “Rồi sao hả ba?” “Ghe bị sóng gió lớn muốn lật chớ sao. Má con bị nướt tạt ướt áo dài và sợ xanh mặt. Ba nói cô đừng sợ. Ghe có chìm thì cô cứ nắm chặt lưng quần tôi; tôi sẽ lội vô bờ.” May quá ghe không chìm, chớ lúc đó ba chỉ hứa đại vậy thôi vì ba chưa hề cứu ai khỏi chết chìm thì làm sao ba biết sẽ cứu nỗi má con. Quen nhau từ chỗ đó rồi cưới nhau. Vậy mà tới bảy lăm cứu không được.”
         Ông nuốt nước bọt. Yết hầu ông chạy lên chạy xuống. Nàng biết ông xúc động. Nàng thở dài. Ông lãng qua chuyện khác:
        “Nhiều khi nghĩ tới mộ phần của má con nằm trong vườn quê ngoại lẻ loi, ba cũng phân vân không biết ba có nên về bển chờ chết để được chôn cất bên cạnh má con hay không.”
         Nàng vội lên tiếng:
        “Ba ơi, Ba hãy ở đây có con có cháu đùm bọc lẫn nhau. Người già bịnh tật ở đây được chăm sóc chu đáo. Ba về bển không có ai lo cho Ba. Một mai Ba có mất thì con sẽ mang tro cốt Ba về chôn bên cạnh mộ Má. Ba đừng lo chuyện đó.”
 

         Dường như ông không chú ý lắng nghe những lời con gái ông nói. Hồn đang trôi ở đâu đâu, ở những trận đánh cận kề với cái chết, những lúc ngồi dưới hố cá nhân chong mắt đợi thù xung phong sau đợt pháo kích, ở ngày tang thương rời bỏ đơn vị theo lệnh đầu hàng, ở những buổi ngồi co ro trong trại tù hát lại cho nhau nghe những bài ca lính cũ. “Làm một bài đi! Bản ruột Dấu Ðạn Thù Trên Tường Vôi Trắng đó!”, bạn tù xúi. Ông cất tiếng:
“Có một lần lòng nghe như khát khao nhiều
Lúc hai đứa mới nghe mình yêu
Lối về nhà em nghiêng dốc nắng hoang liêu
Thấy bâng khuâng thấy như còn thiếu...”
         Ðịnh mệnh chăng? Tại sao ông yêu thích và hay hát bản nhạc đó của Trần Thiện Thanh? Bản nhạc ra đời ngay sau Tết Mậu Thân tang thương khói lửa. Hay cũng chỉ vì ông thu hút bởi tranh minh họa của bìa bản nhạc? Một thiếu phụ nằm nghiêng dưới một gốc cây già trụi lá bên đống gạch vụn đổ nát từ bức tường vôi trắng đầy vết đạn làm nền với những mái ngói tan hoang. Quì bên cạnh xác thiếu phụ xõa tóc rối trong tư thế như nằm ngủ đó là người lính Biệt Ðộng đội nón sắt chống báng súng R-15 xuống đất nhìn vào xa xăm.
          Tranh bìa minh họa đó phóng tác theo một bức ảnh đăng trên tạp chí LIFE do người phóng viên chiến trường chụp khi theo chân một đơn vị Biệt Ðộng Quân phản công quét sạch Việt Cộng ra khỏi ven đô Quận Tám và khu vực Cầu Chữ Y. Bức tranh như muốn diễn đạt ý của hai câu “Nhưng không chết người trai khói lửa/Mà chết người gái nhỏ hậu phương” trong bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan. Ý tưởng đó thích hợp hơn với cảnh loạn ly ngay trong phố phường Chợ Lớn, Huế, Mỹ Tho, Trúc Giang hay những đô thị khác của miền Nam. Tiếng hát Nhật Trường cất lên truyền đạt câu chuyện thương cảm qua làn sóng điện chương trình phát thanh Tiếng Hát Ðôi Mươi mỗi tuần vào tối Thứ Hai trên Ðài Tiếng Nói Quân Ðội khiến hàng ngàn thính giả ngậm ngùi nghe mềm lòng.
          Bây giờ giọng của cha nàng đã khàn đục, và từ lâu ông không còn hát hò gì nữa. Nhưng lời của bài hát đó ông vẫn chưa quên:
  “Nhưng đâu có ngờ rằng trời xanh kín mây dại,
Lần yêu cuối trong đời là lần yêu trong lửa khói.
Cuộc tình mong manh chưa đẹp sắc thắm hoa hồng,
Mà đạn thù in sâu cho tường trắng bỗng hoen mầu Người theo gót đơn vị từng ngày thương mấy cho vừa,
Được tin bên chiến hào rằng người yêu không còn nữa
Trở về nơi xưa,
Trời còn giăng mưa cho nghe nặng yêu mến xưa...”
         Chỉ hát trong trí thôi cũng đủ làm cho ông cảm thấy cõi lòng rưng rưng. Không hiểu sao, ông cứ nghĩ khi vợ ông ngã gục xuống bởi đạn thù tháng Tư năm ấy, nàng cũng nằm trong tư thế đó theo như lời đứa con gái bảy tuổi của ông kể lại. Lạ một điều, Tuyền, con gái ông cũng ưa thích hát những bản nhạc buồn và thỉnh thoảng nàng vẫn hay vừa làm việc vừa ngâm nga. Làm bếp, ủi quần áo mặc đi làm, nàng hát nho nhỏ, món giải trí trong sáng trong thế giới riêng của nàng. Tuy đã bước qua ngưỡng cửa tuổi bốn mươi, nàng vẫn còn trẻ đẹp. Nét sầu muộn trên gương mặt không đủ sức làm cho nàng già đi trước tuổi. Nét sầu muộn ấy có khi trái lại còn làm cho nàng nổi bật lên giữa đám đông.   

        Thu đang đến, Ðông sẽ qua rồi mùa Xuân năm tới sẽ về. Khi nhiều nhà trong xóm này bắt đầu trang hoàng làm đẹp bằng những lẵng hoa, trên ban công căn nhà của người đàn bà tên Tuyền sầu muộn ấy sẽ lại xuất hiện một chậu ớt và một giàn khổ qua như để nhắc nhở rằng nơi đây đang âm thầm sống một người đã quen rồi những nỗi đắng cay.
Phan Hạnh
Hình ảnh có liên quan

Khổ Qua.

Đắng Khổ Qua

Trong vị đắng lẫn chút tình của ngoại,
Ước mong nhiều xin đau khổ qua nhanh...
Cầu cho con bao may mắn viên thành,
Con sẽ sớm quay về bên gối mẹ !
NM
 

Canh Khổ Qua Ngày Tết Của Ngoại

Sáng nay gọi điện thoại cho mẹ, như thông thường chuông đổ rất lâu mẹ mới nghe máy, mẹ bảo bởi mẹ đang lặt nốt những lá mai cuối cùng. Mẹ than thở nhà chẳng có trẻ con những nhánh cao mẹ không dám cố với sợ bị ngã, bâng khâng với câu nói của mẹ ”Sắ́p tết rồi”.
Nghe giọng của mẹ sao mà thương qúa. Không biết với người khác Tết quê hương đọng lại trong ký ức họ những gi,̀ còn với tôi ngày xưa thì tết rất cực, cái cực được đợi chờ và trông ngóng. Ngày đó nhà toàn nấu thức ăn bằng củi nên sắp Tết dì tôi loay hoay với đống nồi chảo. Sau khi qua tay dì chúng trở nên trắng phau sạch bóng. Mẹ tôi thì giặt giũ đám chăn màn mùng mền và tất cả rèm cửa, ngoại tôi thì bận rộn với những nồi mứt mà chỉ cần nhiều chút đường cũng hỏng ngay. Cha tôi sơn lại cái cổng rào và cắt hàng cây kiểng. Tôi và em trai thì vật lộn với cây mai từ nhặt lá đến trong ngóng từng cái nụ bé xíu xinh xinh, gần tết vài ngày tối phải tưới nước cho chúng nở đẹp đúng tết. Nhớ cúng ông táo, sau đó đi tảo mộ trong cái khói hương trầm giữa đồng hoang với đức tin những bậc ông bà luôn theo độ trì cho con cháu.
Cận tết thì nấu nướng, tôi và em trai được giao nhiệm vụ phơi lá chuối sau đó lau và rọc chúng ra xếp ngay ngắn. Khi lại giúp mẹ lột vỏ trứng cho nồi thịt kho, tưới những chậu hoa vạn thọ, chỉ những việc nhỏ như thế nhưng làm với niềm say mê háo hức rằng mình thật sự đang lớn lên.
Ngày ba mươi tết bà tôi luôn bắt chúng tôi ăn cho hết một trái khổ qua, thời đó tôi ghét cay ghét đắng cái món ăn đó, tôi và em trai thường ăn phần nhân dồn thịt còn trái khổ qua thì bao giờ dì tôi cũng ăn giúp. Bà tôi nói ăn món ăn đó là hy vọng những cái vất vả cực khổ đi qua để năm mới vào ngày mai tốt đẹp.
Đêm giao thừa bọn trẻ chúng tôi trải chiếu cạnh nồi bánh tét và luôn ngủ quên nơi ấy để rồi khi đang say ngủ trong cái tí tách và ấm áp của bếp lửa nồng đượm thì được đánh thức dậy cúng giao thừa với cặp mắt hãy còn lơ mơ vì ngủ. Nào có biết khấn vái chi đâu, chỉ biết xì xụp lạy theo bà ngoại để sau khi cúng xong được ngoại cho dĩa mứt hay vài cục thèo lèo là đã vui vẻ lắm rồi.
Sáng mồng một thì phải dậy thật sớm rửa mặt thay áo mới và mừng tuổi để được lì xì. Những bao lì xì ngày đó là một gia tài lớn của bọn trẻ như tôi. Tôi đã từng để dành những đồng tiền mới cứng ấy cho đến tận nhiều năm sau mà không dám dùng. Tôi còn nhớ những kiêng kỵ không được khóc lóc hay cãi nhau, không được quét nhà, không được may vá vào những ngày đó. Chúng tôi cứ răm rắp làm theo như thể có một đôi mắt vô hình đang soi rọi từng hành động của mình.
Những ngày đầu tiên xa quê hương, ngày tết sau khi gọi chúc tết cả nhà là tôi khóc vùi, mặc cho ba mẹ nuôi tôi dỗ dành mua chuộc. Nhiều lúc tôi ước có cánh bay về ngay bởi vì thời gian đó có qúa nhiều thứ ràng buộc cùng nhiều thứ khác khiến tôi không thể đi về.
Với năm tháng cuộc sống thay đổi Tết ngày nay không còn như xưa. Nhà nấu gas, dì tôi không còn phải chùi nồi chảo, mẹ không còn mệt mỏi với đống chăn màn bởi có máy móc thay thế, cha tôi thì mất đi, bà ngoại già nên không làm mứt hay gói bánh tét như ngày trước. Mà trẻ con bây giờ có mấy đứa chịu ăn mứt như chúng tôi ngày xưa, nói chi là thèm thuồng cái vị ngọt ngào của thuở ấy. Tới tận bây giờ tôi vẫn còn được nhận lì xì, phần vì họ tặng lì xì coi như chúc may mắn, đôi khi xã giao trong công việc làm ăn mua bán. Nhưng dĩ nhiên cái tâm trạng ngày nay khác ngày xưa rất xa.
Không biết bao lần tôi thấy thèm đến nao lòng mùi tết, cái không khí tất bật ngày cũ, mùi khi đi lễ chùa đầu năm. Dù bây giờ tôi vẫn đi vào đầu năm nhưng khác xưa là tôi biết cầu xin những điều an lành cho gia đình mình.
Những năm gần đây tôi luôn kết hợp du lịch năm với đón tết ở một quốc gia nào đó ở châu Á, khi thì Trung Quốc, lúc ở Singapore, năm ở Malaysia nơi có rất nhiều người Hoa họ cũng ăn tết cổ truyền như Việt Nam. Thành thật mà nói những nơi đó họ từ trang hoàng phố xá đến hàng quán buôn bán dịp tết luôn có phần nhộn nhịp thậm chí là tưng bừng hơn Việt Nam. Nhưng trong trái tim tôi cho đến ngày hôm nay không tết nơi đâu đúng nghĩa bằng cái làng quê bé nhỏ. Nơi căn nhà nhỏ trước cửa có cây mai nở vàng ngày tết của tôi, nơi có những người thân yêu máu thịt của mình.
Ngày nay về Việt Nam dịp tết không là vấn đề qúa khó khăn với tôi, nhưng tôi lại không về. Dù khi viết những dòng chữ này tôi chỉ ở cách Việt Nam vài giờ bay. Hơn 5 năm tôi thường lấy lý do bận rộn công việc hoặc khó mua được vé máy bay do cận ngày. Những người bạn thân hiểu rõ tính chất công việc tự chủ về thời gian của tôi thì nói tôi ham vui như cá ra biển lớn thì không nhớ nữa ao hồ.
Chỉ có chính tôi mới hiểu cái lý do đó là tôi sợ, tôi sợ cái khung cảnh đầm ầm quây quần ngày tết khiến tôi hàng tháng trời sau đó vẩn còn tiếc nuối. Thậm chí không có tinh thần làm việc. Tôi sợ cái cảnh đầu xuân lại lủi thủi kéo cái vali để trở lại cuộc sống hiện tại. Tôi sợ cái thở dài của bà khi nói ”Không biết năm sau có được như vầy không”. Tôi sợ cả những giọt nước mắt của mẹ khi đưa tiễn và tôi sợ mình so sánh tết ngày hôm nay với ngày xưa. Thà cứ sống với cái ký ức ngọt ngào ngày cũ.
Chiều nay tôi nấu món khổ qua ngày tết để ăn tết sớm trước khi đi đến một quốc gia khác vì công việc vào sáng ngày mai. Khác với thuở xưa tôi ăn hết trái khổ qua do bây giờ tôi đã quen với cái đắng, hay do tôi tin rằng ăn cho khổ qua đi hoặc không chừng do tôi biết rằng hiện giờ tôi chỉ có một mình, không có dì ở bên cạnh để ăn giúp cái đắng cho mình. Không biết do tôi vụng về nấu nướng hay do bởi những giọt nước mắt hoà vào khi ăn mà tôi thấy tô canh ấy ngoài vị đắng còn có vị mặn và không hề có chút vị gì của ngày tết như thuở nào.
Xin lỗi mẹ….. tết này con lại không về.
Song Nhi

KHỔ QUA RỪNG VỀ PHỐ 

Chiếc Lá Khổ Qua

Mùa hè năm đó tôi vừa lên chín tuổi, mẹ tôi dẫn tôi về thăm quê ngoại ở một tỉnh lỵ nhỏ miền Nam. Tôi vẫn nhớ con đường đất xám xì đầy bụi bặm ngoằn ngoèo với mấy hàng cau thẳng tắp dẫn vào xóm nhỏ. Chân tôi bước đi mà lòng hơi bồn chồn lo sợ vì cái không khí im lặng đến nặng nề này của buổi trưa hè. Tiếng chân bước đều của tôi và mẹ tôi càng nghe rõ mồn một trong cái không khí nặng nề này. Chẳng mấy chốc một ngôi nhà gạch nho nhỏ hiện ra trước mắt tôi. Trước nhà tôi thấy có bụi tre vàng úa dưới cái nắng hắt của buổi trưa hè.  
Chân tôi bước vội hơn. Tôi thấy một cái lu để ngay dưới cái máng xối mà sau này tôi mới biết là để hứng nước mưa. Lu được đậy nắp cẩn thận. Trên nắp có một cái gáo bằng gỗ nằm hững hờ. Chẳng mấy chốc mà cái giây phút tôi chờ đợi mấy ngày qua rồi cũng đến. Tôi bước những bước chân ngập ngừng theo mẹ tôi vào căn nhà, mắt tôi dáo dát nhìn quanh quất. Ngôi nhà bằng gạch với nền xi măng bóng láng không một chút bụi. Tôi ngước mắt nhìn lên tấm ảnh đen trắng treo trên tường, hình của một người đàn bà mặc chiếc áo dài cổ cao có ánh mắt như đang cười, dựa vào vai một người đàn ông trong chiếc áo dài màu sậm. Một tấm divan bóng láng được đặt ở góc phòng. Có tiếng dép vang lên lọc cọc, gương mặt một cụ già hiện ra nơi cửa. Như một phản xạ tự nhiên tôi lùi người lại, nép mình vào lòng mẹ tôi. Tôi nhìn trân trân vào một khuôn mặt nhăn nheo trước mặt tôi. Eo ơi khuôn mặt bà ta có nhiều nếp nhăn đến đổi nó biến dạng y hệt như khuôn mặt của những bà già trong truyện cổ tích mà tôi thường hay đọc, dù trong trong cái đầu óc của tôi lúc bấy giờ đã mơ hồ cảm nhận như có một sợi dây vô hình nào đó ràng buộc tôi với người đàn bà có thân hình ốm yếu và đôi tay khẳng khiu này. Có tiếng mẹ tôi vang lên: 'Thưa ngoại đi con!'.
Một buổi trưa giật mình thức dậy tôi không thấy mẹ tôi đâu. Tôi lồm cồm bò dậy để đi tìm mẹ tôi. Tôi đi cùng khắp nhà mà vẫn không thấy bóng dáng mẹ tôi đâu. Tôi bước ra sau vườn và thấy mẹ tôi đang đứng trước một giàn cây xanh dờn với bà tôi. Hai người hình như đang nói chuyện gì với nhau. Tôi bước đến gần. Giàn cây cao ngang đầu tôi với những sợi dây leo mảnh khảnh uốn quanh giàn cây. Lá cây mầu xanh có hình như chân vịt với những lông măng rất mịn, xen lẫn những cánh hoa vàng nổi bật hẳn lên bên cạnh những trái cũng có màu xanh lá cây trông thật diụ mắt. Trái có hình thù thật lạ lùng, thân dài, đầu nhọn, bao bọc bởi những cánh gai tròn tròn trông thật là lạ làm sao. Tôi thử đưa tay chạm nhẹ vào trái, một cảm giác êm dịu trơn láng như tương phản với hình thù của những chiếc gai. Tôi hỏi mẹ tôi:
– Má ơi trái này là trái gì vậy má? 
– Trái khổ qua đó con. 
– Trái khổ qua? Tên gì mà nghe mắc cười qúa vậy? Mà con ăn được không? 
– Phải nấu mới ăn được, mà không biết con ăn có được không nữa vì nó đắng lắm.
Chợt có tiếng chim riú rít quanh đây, tôi đưa mắt dõi tìm. 
Sân sau mhà ngoại tôi khá rộng. Mắt tôi dừng lại ở một cành cây có một chú chim non đang đùa giỡn với một con chim lớn hơn, mà tôi nghĩ phải là mẹ của chú chim này thôi. Dáng đôi chim in lên bầu trời trong xanh lãng đãng những đám mây trắng bềnh bồng trôi. Một cảm giác êm đềm khó tả chợt len lén vào hồn tôi. ..Chợt tôi nghe có tiếng mẹ tôi cười. Tôi nhìn mẹ. Hàm răng người trắng đều, ánh mắt mẹ long lanh, nét mặt mẹ rạng rỡ như những bông khổ qua kia. Ánh nắng chiều chiếu hắt trên mái tóc uốn hơi quăn của người làm mái tóc mẹ tôi óng ả hẳn lên. Mẹ tôi vẫn còn trẻ, và dưới ánh mắt tôi mẹ tôi là người đàn bà đẹp và tuyệt vời nhất trên trần đời, dù lúc đó tôi cũng lờ mờ hiểu rằng cái đẹp đó không chỉ dừng lại ở những gì tôi thấy ở mẹ tôi bên ngoài, mà còn ở những gì rất sâu thẳm ở tận cùng..
Cuộc đời mẹ tôi như thể cây khổ qua với những sợi dây leo quấn quít ôm lấy giàn. Nào là những chuỗi ngày di chuyển đó đây theo ba tôi lúc ba tôi còn ở trong quân đội, những ngọt bùi lẫn đắng cay, như vị trái khổ qua, mẹ tôi đều đã nếm qua. Chúng tôi lần lượt ra đời ở những tỉnh lỵ khác nhau ở miền Nam. Vì anh em chúng tôi đông nên ngoài việc chăm sóc chúng tôi, mẹ tôi lại phải vất vả ngược xuôi buôn bán nên người lúc nào cũng mảnh khảnh gầy gò. Mẹ tôi tính tình khá nghiêm nghị, như những chiếc gai trên cây khổ qua kia. Ôi những chiếc gai mềm mại dịu dàng đã bao lần thức suốt đêm những khi tôi ngã bịnh, đã từng rón rén đến giường tôi nhè nhẹ đắp lại cho tôi cái mềm những đêm khuya trái gió trở trời. 
Rồi dòng đời vẫn lặng lẽ trôi. Mẹ tôi rất khéo léo về bếp núc và may vá. Một hôm tôi chăm chú theo dõi mẹ tôi làm bếp. Hôm đó mẹ tôi chuẩn bị nấu món canh khổ qua hầm cá thát lát. Mẹ tôi ngồi trên cái ghế cây nhỏ cao chừng một tất. Cá đã được nạo ra sẵn để trong một cái rỗ nhỏ cho ráo nước rồi để vào một cái thau. Xong bà xắt củ hành, chút nấm mèo cho vào cá, bỏ gia vị, tiêu, chút mỡ, rồi mẹ tôi lấy chầy quết cho cá được dai. Sau đó mẹ tôi rửa những trái khổ qua để úp lên một cái rỗ. Tôi nhìn mẹ tôi bằng đôi mắt thán phục khi đôi tay bà cử động nhịp nhàng và ánh mắt bà say mê như để cả tâm hồn của bà vào công việc đang làm này. Sau khi dồn xong hết khổ qua rồi thì cũng vừa hết cá, và tôi biết bà chỉ lường bằng mắt thôi. Dồn xong khổ qua thì nồi nước cũng vừa sôi, bà hạ cho lửa tiêm tiêm rồi để từng trái khổ qua vào nồi, nêm gia vị, vớt bọt rồi vặn lửa cho thật nhỏ để nước được trong, xong đậy nắp lại hầm. Hầm một lúc thì tôi thấy mẹ tôi tắt lửa, bỏ vài giọt mỡ nước đã thắng sẵn vào nồi để nước có chất sóng sánh của mỡ, rồi để hành ngò trên mặt là xong. Lần đầu tiên tôi thử món khổ qua hầm này tôi phải nhắm mắt nuốt đại vì vị nó đắng qúa. Mẹ tôi nói ăn khổ qua được tốt vì nghe nói khổ qua có tính giải nhiệt, trừ đàm, làm mát gan, phá huyết ứ. Lá khổ qua đâm vắt nước nghe nói trị được cả bịnh nóng mê. Dần dà khi ăn được trái khổ qua rồi tôi mới cảm nhận được rằng trong cái vị đắng cùng cực đó có lẫn vị ngọt ngào khó tả, cũng như trong cuộc sống lam lũ chật vật của gia đình tôi có xen lẫn niềm hạnh phúc vô biên. Càng ngày tôi càng thích vị đắng của trái khổ qua, khổ qua càng đắng thì vị ngọt ngào càng đậm đà hơn, như cuộc đời càng bất trắc gian truân ta mới thấy quý những gì đang có trong tầm tay, dù đôi khi hạnh phúc đó rất đổi mong manh như vệt sương buổi sáng.
Tôi còn nhớ một hôm ba tôi mượn chiếc xe của sở chở cả gia đình lên núi Nhỏ xem ngọn hải đăng. Lúc đến nơi thì trời đã choạng vạng tối. Chúng tôi leo lên những bậc thang hình xoắn ốc dẫn đến đỉnh ngọn hải đăng. Khi đứng trên tầng cao chót vót của tòa nhà này thì màn đêm bắt đầu buông xuống. Tôi nhìn mặt nước mênh mông trong màn đêm dầy đặc lấp lánh những vì sao trên trời mà cảm thấy mình quá bé nhỏ trước đại dương bao la. Tia sáng của hải đăng quét sáng rực cả một vùng biển soi sáng cho những thuyền buồm đang lênh đênh trên đại dương. Tôi cảm thấy yêu những chiếc ghe, những con tàu này quá. Chúng có vẻ cô đơn chênh vênh giữa lòng đại dương mù mịt. Tôi đưa mắt đếm những vì sao trên bầu trời. Mắt tôi dừng lại ở một vì sao bé nhỏ lẻ loi cuối trời. Một ý nghĩ loáng thoáng trong đầu tôi, lỡ mình là vì sao lạc đó… Một nỗi lo sợ bâng quơ chợt xâm chiếm lấy tôi. Tôi khẽ rùng mình, có lẽ vì lạnh. Tôi đưa tay kéo cổ áo lên cao. Mẹ tôi đang đứng cạnh tôi. Bà khẽ ôm sát tôi vào lòng. Cái mùi hương quen thuộc lẫn cái hơi ấm áp từ từ truyền qua người tôi làm tôi cảm thấy thật dễ chịu, thật bình an, lẫn một niềm vui rộn rã.
Rồi một ngày cuối tháng Tư, ba tôi đi 'cải tạo' ở miền Bắc mịt mù xa xôi. Mẹ tôi phải gồng gánh thêm trách nhiệm của người gia trưởng trong nhà. Cây khổ qua giờ chẳng có giàn để nương tựa cho qua bao nhiêu giông tố của cuộc đời. Có những đêm tôi giựt mình thức giấc, tôi thấy bóng mẹ tôi đang ngồi đan vội chiếc áo lạnh cho ba tôi dưới ánh đèn mờ. Lưng mẹ tôi hơi còm, đầu mẹ tôi hơi cúi xuống, đôi tay thoăn thoắt giữa đêm khuya tĩnh mịch. Tôi nghe cả tiếng mũi kim chạm vào nhau tạo nên một điệp khúc nhanh và đều đều..
Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi đi đắp đê cho phường khóm cũng là lần đầu tiên tôi xa nhà một mình nên buổi tối trước đó tôi trằn trọc không sao ngủ được. Buổi sáng còn ngầy ngật, tôi đi bộ đến trụ sở Phường Châu Thành trên con đường Trần Hưng Ðạo. Vai tôi đeo cái túi xách, tay tôi cầm chiếc nón lá. Tôi mặc một cái quần vải ú đen đã ngã màu và một cái áo bà ba màu nâu sậm đã sờn vai, càng làm nỗi bật nước da trắng ngần của tôi. Từ xa tôi đã thấy lố nhố những người là người, với đủ loại nón như nón tai bèo, nón lá, nón kết.. Màu của những lá cờ chen lẫn với những tấm biểu ngữ đỏ rực làm tôi có cái cảm giác chói chang ngộp thở. Một tấm biểu ngữ đỏ chói được treo trước trụ sở Phường với hàng chữ lớn màu trắng: 'VỚI ÐÔI TAY SỎI ÐÁ CŨNG THANH CƠM' làm tôi bất giác nhìn xuống đôi bàn tay mình. Như một cử động phản xạ tôi dang năm ngón tay của bàn tay mình ra. Một luồng điện như đang chạy rần nơi sóng lưng tôi. Tai tôi như ù đi, dường như có tiếng nói của ai đó lẫn tiếng loa lập đi lập lại những khẩu hiệu bằng một thứ ngôn ngữ qúa đổi xa lạ đối với tôi. Một cảm giác sợ hãi đang dâng tràn lấy tôi. Tôi bỗng dưng mong sao cho có mẹ tôi ở bên cạnh vào giờ phút đó. Tôi thèm được nép vào lòng mẹ tôi. Tôi nhớ như chỉ mới ngày nào thôi..giờ mọi cảnh vật đều quá đổi xa lạ. Tôi ước gì mình tỉnh giấc để vui mừng khi biết rằng tất cả chỉ là một cơn ác mộng thôi. Phải, tất cả chỉ là một cơn ác mộng … Khi tôi đã lên xe tải rồi, mắt tôi vẫn còn nhìn quanh quất nhưng kỳ thực tôi chẳng thấy gì cả ngoài cái khoảng hư không trước mặt. Tôi bỗng linh cảm như có một bóng dáng quen thuộc đang di động trước mặt tôi. Tôi cố định thần nhìn lại, hình ảnh khuôn mặt mẹ tôi ngày càng rõ nét. Cái dáng gầy gò đang chạy thoăn thoắt theo chiếc xe tải vừa mới bắt đầu chuyển bánh. Tôi chen người từ từ về phía thành xe và giơ hai tay vẫy lên trời:
– Má… con đây nè!
Tôi gọi cả mấy lần mẹ tôi mới nhận ra tôi, bà chạy về phía thành xe, thở hỗn hễn và rướn người dúi vào tay tôi một bao ny-lông đã được cột chặt, tôi nghe cái cảm giác âm ấm từ cái bao tôi đang cầm:
– Xôi mặn má mới nấu đó, ăn cho chắc bụng..hú hồn tao tưởng trễ rồi chứ!
– Tôi có cảm giác mặt tôi đang đỏ rần. Dường như bao nhiêu con mắt đang đổ dồn về tôi. Tôi la lớn:
– Thôi má về đi, xe bắt đầu chạy rồi! 
Mà thật vậy, chiếc xe đã bắt đầu lăn bánh. Mẹ tôi vẫn đứng yên đó. Có lẽ bà nghĩ rằng tôi nói vậy thôi chứ không hề có ý như vậy. Mà dù cho bà nghĩ tôi có ý như vậy đi nữa, tôi biết bà vẫn đứng đó cho đến khi nào chiếc xe chở tôi khuất hẳn..Tôi giơ tay lên vẫy vẫy, mẹ tôi vẫn đứng yên đó cho đến khi bóng mẹ tôi từ từ nhỏ dần rồi khuất hẳn..Mắt tôi cay sè, có lẽ vì tối hôm trước tôi chỉ chợp mắt được có một chút. Ðó là lần đầu tiên tôi xa nhà trong vài ngày liên tiếp. Con chim nhỏ đã bắt đầu chập chững bay giữa bầu trời, cảm nhận rằng không phải ngày nào bầu trời cũng trong xanh hết.
Cuối cùng rồi thì anh em tôi cũng vượt biên thành công sau bao phen lận đận. Rồi ngày tháng trôi qua, ánh mắt mẹ tôi đã không còn long lanh nữa. Nỗi nhớ thương ba tôi và chúng tôi làm bà héo hắt nơi quê nhà. Sau khi anh em chúng tôi đi, gia đình tôi bị đuổi về vùng quê ở Sa Ðéc. Mẹ tôi phải nương náu nơi nhà người bà con ở thành phố. Thời gian đầu chúng tôi mãi lo xuôi ngược nơi xứ người nên ít có khi nào nghĩ đến mẹ tôi nữa. Nhưng cũng có những đêm thanh vắng, tôi đứng nơi của sổ trước nhà, vén màn ra để nhìn lên bầu trời cao. Tôi muốn tìm lại vì sao đơn độc năm nào. Tôi chỉ muốn biết xem tôi có còn cái cảm giác lo sợ mơ hồ như hôm nào hay không. Tôi bâng khuâng không biết mẹ tôi đang làm gì, nghĩ gì? 
Bây giờ tôi đã là mẹ. Tôi vẫn hay lo âu về tương lai của bé Dung. Dung yêu dấu của mẹ, ước gì mẹ có thể làm tia sáng của ngọn hải đăng để soi đường cho con đi. Mẹ nghĩ sự kết hợp giữa mẹ và con thật là kỳ diệu. Lúc con còn ở trong bụng mẹ, con cần mẹ vô cùng và mẹ cũng cần con ghê gớm lắm. Con đã nhận được chất bổ dưỡng từ mẹ. Lúc đó mẹ là cả một bầu trời đối với con. Mẹ đã nhìn con qua máy siêu âm. Con nằm cuộn tròn trong lòng mẹ, như một con chó con ngủ vùi trong vùng trời êm ấm. Mẹ đã từng nghe nhịp đập của tim con. Mẹ nhớ lúc đó mẹ đã hoảng hốt vì tiếng đập nhanh và lớn quá. Khi Bác Sĩ cho biết nhịp tim con bình thường thì mẹ mới an lòng. Còn tiếng tim đập lớn chỉ vì qua cái máy phóng đại, thế thôi. Con đã từng làm áp huyết mẹ lên cao, tay chân mẹ sưng phù, dù chẳng nhiều. Nhưng những thứ đó chẳng là gì cả miễn con được khỏe mạnh khi cất tiếng chào đời. Một mai khi con trưởng thành, con sẽ hiểu rằng con không thể sống đơn độc trước những sức mạnh của thiên nhiên, trong môi trường của xã hội. Con cần hoà mình với môi trường xung quanh, với ngoại giới. Ðó là lúc hình ảnh của mẹ nhạt dần. Và một ngày nào đó, hy vọng con sẽ cảm nhận rằng tình thương, một danh từ rất trừu tượng, là một sự kết hợp chính chắn và rất cần thiết cho cuộc đời con, cho cuộc đời của bất cứ ai hiện hữu trên qủa đất này. Con sẽ biết thế nào là tình phụ mẫu tử, tình anh em, tình bạn bè, tình đồng loại. Tuy nhiên có một thứ tình thương đòi hỏi con cần có sự hiểu biết và cố gắng, dù có khi kinh nghiệm dạy con rằng tình thương này đôi khi chỉ đến một cách thật tình cờ. Con sẽ hiểu rằng tình thương bao gồm cả việc chăm sóc ngươì mình thương với lòng tự nguyện và lòng tôn trọng lẫn nhau. Rồi con có thể như chú chim non kia, vẫn cất tiếng ca hót vì biết rằng chú vẫn còn đôi cánh khi hữu sự. 
Toi đang lúi cúi mở thùng quà do chị tôi gởi qua. Tôi xé từng lớp giấy đã được bao bọc cẩn thận. Cuốn tự điển Anh Việt của tôi ngày nào hiện ra dưới lớp giấy. Quyển tự điển đã khá nhàu nát này đã một thời là người bạn gần gũi nhất của tôi cho đến ngày tôi rời xa quê hương. Chị tôi đã phải bao bọc lại nó bằng một thứ giấy cứng. Tôi dùng tay lật vài trang sách dù không có chủ đích gì rõ rệt. Bỗng tôi nghe như có cái gì cồm cộm trong quyển sách. Tôi cầm quyển sách lên, xoẹt nhanh những trang giấy. Một chiếc lá khổ qua nằm sát gáy sách. Tôi để chiếc khổ qua vào lòng bàn tay tôi. Chiếc lá có màu xanh lục nằm gọn lỏn trong lòng bàn tay tôi. Cuốn lá vẫn còn, những sợi gân nổi bật trên nền lá trông giống như một bức hình vẽ. Tôi nghe như không gian chùng lại. Tôi vẫn ước mơ có một ngày tôi được về thăm quê cũ, vào một buổi trưa hè… dường như đã xa xăm lắm rồi. Tôi muốn nhìn lại giàn khổ qua thuở nào. Tôi muốn đưa tay lên sờ nhẹ trái khổ qua để tìm lại cái cảm giác dịu dàng trơn mịn…
– Mummy con bored! 
– Ðể má gọi Linda xem Linda có ở nhà thì má chở con đến nhà Linda chơi nghe. 
– Mummy ơi Linda không phải là bạn của con nữa!. Cái gì vậy má? 
– Chiếc lá khổ qua. 
– Chiếc lá khổ qua? Cho con cầm… Cho con cầm… 
– Look! Nó màu xanh..Con đếm được nè, một, hai ba, bốn, năm.. Mummy why you look so sad mummy?
Tôi nghe như thời gian ngưng đọng lại. Ánh mắt ngây thơ trong sáng của bé Dung, cũng giống như đôi mắt của con bé năm nào, quấn quít bên mẹ, bên giàn cây khổ qua … Tôi nghe nói giàn khổ qua ở nhà ngoại tôi không còn nữa. Nhưng một chút nắng chiều chắc vẫn còn sót lại trên quê hương? Một chút nắng chiều không biết có làm ấm lòng người ở cuối một đời hiu quạnh hay không? Những đắng cay của cuộc đời không biết mẹ tôi sẽ chia sẽ cùng ai. Tôi vẫn mơ có một ngày tôi được về thăm quê cũ, để tôi được nhìn lại mái tóc mẹ tôi, không biết có còn óng ả dưới nắng chiều hay không? Tóc mẹ giờ chắc đã bạc nhiều. Nụ cười đã thôi không còn rạng rỡ trên đôi môi. Ðôi vai gầy chắc đã còng thêm đôi chút theo dòng thời gian. Nhịp tim mẹ chắc đã yếu dần dưới lòng ngực, dù vẫn còn rộn rã nỗi niềm thương con vô tận. Tôi vẫn mơ có một ngày tôi được về thăm quê cũ, cho tôi tìm lại cả một bầu trời yêu thương của mẹ, cho tôi quên đi những nhọc nhằn của trần gian này.
– Why are you crying mummy?
Tôi cảm thấy như bàn tay của bé Dung đang lắt lắt mạnh tay tôi.
– Don't cry mummy … con là good girl … con promise!

QND 

Kết quả hình ảnh cho Mùa khổ qua rừng

Tình Đắng Lý Khổ Qua

Mùa khổ qua rừng

Ren nhận tin Nháp bị đụng xe khi cô đang hí húi vặn riu nhất ngọn lửa bếp gas cho nồi cháo chực trào. Người hàng xóm gần như lao vào gian bếp, suýt đâm sầm cả vào cô. Giọng hớt hải còn nguyên:
- Mau Ren. Thằng Nháp say quá lao xe vô trụ đèn,  bắn rớt xa chết chắc rồi hụ hụ.
Ren dường như không nghe. Cô vẫn thong thả quấy đều đôi đũa do lấy vội mà cái thấp cái cao. Nồi cháo lục bục sánh rền dẻo quẹo dính dình vào đũa. Bà Tam đứng nhìn cô vẻ không hiểu chuyện,  giục luôn mồm: - Xem kỹ lắm rồi, nó hết thở rồi.
Tim cũng ngừng đập luôn rồi. Mọi người  bảo không kịp nữa rồi. Không đưa nó vô viện nữa, mà giữ nguyên hiện trường... Hụ hụ... Ren vẫn im như tờ. Nồi cháo vẫn lục bục. Và thoảng mùi của sém lửa khen khét. Đôi đũa vẫn quay tròn trên những ngón tay đã như không còn cảm giác biết dừng.
Bà Tam nhào tới, giựt phăng nó khỏi tay cô vứt phạch xuống nền ướt. Tắt bếp cái cạch. Rồi nắm tay cô lôi chạy về phía đám đông đang quây kín quanh một manh chiếu.
Ren có chút khựng lại. Có vẻ ngơ ngác. Có vẻ không hiểu.  Một bàn tay ai đó nắm lấy cô kéo xuống. Một bàn tay ai đó nắm manh chiếu kéo xuống. Ren nhìn dại đi.  Và đổ ập xuống như cây chuối bị chặt bằng một dao quá bén không để một tiếng kêu.
Khi tỉnh, Ren thấy trong nhà sao đông người thế này.  Tiếng kèn trống gần sát đập vỡ màng nhĩ chứ không vắng xa hoang hoải như vọng từ đâu đó.  Ren chạm vào mớ đồ lùng nhùng đang lùng bùng túm tó hết thân mình. Và nhận ra nó màu trắng đục. Đồ dành cho nhà có người chết.
Nháp đã được người thân khâm niệm theo đúng giờ ngày ông thầy địa đã phán. Dù vợ vẫn chưa kịp tỉnh để nhìn mặt chồng lần cuối cùng. Chị gái của chồng vừa khóc thảm thiết, vừa lôi Ren xềnh xệch đến chỗ hòm xung quanh quây đầy những vòng hoa giả, trắng xóa.
Hình như sự ngơ ngơ ngất ngất, sững sựng, yên ắng của Ren càng làm cho hàng xóm tội nghiệp. Họ nghĩ cô đau đớn quá mà thất thần. Nên không ai trách móc kể cả khi Ren không hề ném một nắm đất nào xuống quan tài theo thông lệ đưa tiễn người thân về nơi an nghỉ.
Cô nặng nề bê ảnh chồng cùng bát hương bước những bước vô hồn theo đoàn người múa may mặt bôi lòe loẹt đang hò hụi khiêng cái hòm vẻ như rất nặng. Sau lưng Ren, nối đuôi hàng người lèo tèo xộc xệch, những gương mặt u ám chả gợi một cảm xúc gì.
Ba ngày sau mở cửa mả,  Ren vẫn chưa nói với ai một câu nào.  Cũng chưa nhỏ một giọt lệ nào. Mắt khô ráo và nhìn trâng trối như thể con ngươi giả gắn vô hốc mắt người.
Dần thì người thân và hàng xóm cũng quen với sự im bặt đấy của cô. Có một sự thỏa thuận ngầm quyền được không mở miệng dành cho người quá khổ.
Ren trở lại tiệm may vá đồ cũ đầu xóm. Ám mặt dán mắt vào mớ vải hỗn độn màu sắc. Và dường như có cảm giác mừng khi tai ù đặc trong tiếng máy quay lạch cạch, tiếng kim chạy rền rền. Nó cho Ren lấp được những tiếng xì xầm về Nháp. 
Những câu chuyện mà lúc chiếc quan tài hạ huyệt, Ren đã thả theo tất cả. Tất nhiên, chỉ vẫn cứ rối và đứt tung khi những ngón tay trở nên vụng về khó bảo. Chiếc kim chẳng có lý do gì để găm vào ngón tay đến chảy máu. Nhưng nó đã chảy máu.
Và rất lạ, ngay chính lúc nhói đau này, Ren chợt nhận ra con tim vẫn còn đập. Còn biết cảm giác. Vậy mà Ren ngỡ nó đã chết lặng mất tiêu rồi. Chết cùng lúc cái tin bà Tam mang tới.
Thì sao kia chứ, Ren thậm chí mong một ngày Nháp chỉ nằm yên một cục. Nằm bất động và Ren sẽ giặt từng cái khăn mỗi sáng lau cho khuôn mặt vuông với chòm ria mép mà ngay lần đầu mới gặp đã khiến Ren biết rằng không bao giờ vất nó ra khỏi tim được. Nó dường như đã làm cho khuôn miệng Nháp duyên hơn, tình tứ gợi cảm hơn. Ren sẽ chải tóc cho chồng,  và nghe anh xuýt xoa về những ngón tay của cô.
- Nhẽ ra,  em phải là người mẫu hay họa sĩ gì đấy. Ngón tay búp măng thon thả thế mà...
Ren sẽ cười khẽ, búng vào đỉnh mũi anh thật nhẹ.
- Anh toàn nịnh em.
Quán cà-phê của cô Thơm chỉ vỏn vẹn vài ba bộ bàn ghế mây xen trong lớp cây lá dày kín đáo.
Cô Thơm xinh đẹp nhưng không chồng mà có một đứa con trai nhỏ. Hình như là người miền Tây, vẻ như biết chút về nghệ thuật sắp đặt khiến cho không gian quán lạ lẫm và nổi bật ở khu này. Cô cũng biết phán đoán và chiều tâm lý mọi người nên quán ngày càng đông khách.
Bàn được sắm thêm nhưng cây vẫn đủ giữ được sự yên ắng và kín đáo. Ren thích dòng nhạc cô Thơm hay mở, vì nó khiến cho cô thấy lòng như nhẹ nhàng hơn. Đi cùng với Nháp, thì Ren cảm giác ấm áp và có cái gì đó luôn rộn rạo.
Công việc bận bã hơn. Việc chăm sóc hai đứa con gái nhỏ cũng choán hết thời gian ít ỏi của cô ở nhà.
Có lẽ vì sự quấn quýt của ba mẹ con, ba người đàn bà dính vào nhau đã làm lẻ loi Nháp vốn rất mong mụn con trai để khi nhậu sương, khỏi bị phạt vì tội một bề.
Để vỗ ngực nói dóc về điểm trên mười của mình. Ren nhiều lần đã nghe tiếng thở dài nén không kỹ phát ra từ miệng chồng. Hơi nóng ran lay cả những cọng tóc trên trán cô mỗi khi anh làm cái chuyện đàn ông. Cả cái ánh nhìn thèm thuồng đảo sang quán cà-phê đối diện tiệm sửa đồ cũ của cô. Nhưng cô không nghĩ nó lại đến mau như thế.  Hết một cách ráo trọi như thế...
Cũng đến lúc Nháp không buồn che đậy quan hệ với Thơm. Họ đèo nhau qua trước tiệm Ren khiến cho những ngón tay cô ngày nào cũng chảy máu,  nhói đau.
Lâu hơn hai năm thì cô Thơm sinh thêm một đứa con trai... Nó giống y sì Nháp cái cằm bạnh và vành môi rõ nét.
Thực ra là Ren đã tắt tiếng từ đấy. Hằng ngày, chỉ có cái bóng dựng xe đánh cộp. Cái bóng đùn cánh cửa sắt nặng ì, tiếng bi rét khô dầu rít lên khi đi qua thanh rãnh. Cái bóng cùi cụi lầm lụi dấn chân vào bàn đạp máy may để từ đó phát ra tiếng lạch cạch liên thanh đều đến nỗi không còn nhận ra nó.
Họ cũng không cần giữ ý tứ khi cùng nhau chăm chút đứa con trai ngay trước tầm nhìn của Ren, mỗi khi cô buộc phải rời mắt khỏi mớ vải đường kim. Ren giống như một cỗ máy lập trình sẵn từ nhà đến tiệm,  đến chợ và ngược vòng.
Cô thậm chí quên cả tiếng nói của chính mình, nhưng tuyệt nhiên chuyện học và bữa ăn của các con thì không bao giờ chểnh mảng, đơn điệu, nhàm chán.
Và vì thế, bất chấp nỗi buồn câm nín, đầu óc cô đặc của mẹ, chúng vô tư lớn lên như thổi. Ren không đủ tâm địa để nghĩ khác. Mà trong cô chỉ ngấm ngầm một nỗi mong điên dại, khờ khạo. Một ngày Nháp sẽ lại về bên cô. Không cần tiền bạc, không cần bảnh bao.
Không cần đèo nhau qua lại hàng bông bụt cong cớn trong nắng sớm. Không cần nắm tay nhau dạo quanh hàng cau buông thõng chùm trái đỏ nhót vào đêm trăng vu vơ tiếng chó sủa cả người quen. Chỉ cần là Nháp của cô với mùi mồ hôi dầu hơi nặng.
Cô có thể sẽ phải thức khuya hơn,  dậy sớm hơn,  căng óc tính toán chi tiêu chi li hơn cho vừa đủ mà không cần Nháp phải đi làm. Cô vẫn miệt mài miết thời gian trên hết mớ vải này đến mớ vải khác. Cho đến hôm ra chợ,  sau lưng cô người ta bàn tán nói cái bầu đang lùm lùm của cô Thơm là tác phẩm của một người đàn ông giàu có trên phố. Nháp bị cắm sừng rồi.
Một sáng, Ren đến tiệm sớm hơn khi còn mờ sương lạnh. Cô hơi giật mình khi chân bước lên thềm va phải một khối lù lù mềm oải. Nhưng lại không bất ngờ chút nào khi nhìn ra đấy là Nháp đang nằm còng queo ngủ, hơi thở và áo quần đẫm mùi men nồng chua lòm. 
Nháp vì để giữ cô Thơm đã bỏ việc công ty về rửa ly tách,  bưng bê phụ bán quán.  Nhưng cũng không vì thế mà giữ được chân của người đàn bà bị đồng tiền mê hoặc.
Sau đận này,  thì Nháp theo Ren trở về nhà cũ. Ren mừng vì nhẽ các con cô đã có thể khoe với bạn rằng ba tao đã về nhà rồi. Hôm qua, cô đã nghe con chị kể cho con em vụ mấy đứa bạn thân trong lớp đã mừng ré lên như thế nào khi nghe tin này.
Căn nhà lâu nay chỉ có tiếng chọc ghẹo nhí nhố của hai đứa con gái nhỏ vô tư lự, tiếng hắng dường như cho thông họng và lấp đầy khoảng trống của Ren. Giờ đã thêm tiếng ho khùng khục, giọng khàn đùng đục của đàn ông như thể bức tranh hoa có thêm nét vẽ ong.
Tiếng thở của Nháp rất nặng, nhưng nó cũng như tiếng vỗ cánh vo ve của con ong đực đầu đàn, khiến cả bầy ong vui vẻ, vườn hoa sinh động,  có sức sống hơn thiệt.
Hai hôm trước, cũng hàng xóm hổn hển báo cho cô, Nháp say rượu lao xe ngã nhào vô bờ rào quán cà-phê. Tháng trước cũng đã dăm bảy lần nặng hơn thế, mình mẩy trầy xước rớm máu, đầu vỡ toác vì đập ngay vào đá.
Ren đã cẩn thận rửa vết thương bằng thuốc sát trùng, và không một tiếng phàn nàn. Cả khi đêm đêm, tiếng thở ra của Nháp khiến cô bật tỉnh rụi còn nhanh hơn cả tiếng đồng hồ báo thức vặn cỡ max đặt kề lỗ tai.
Chả phải Ren đã cầu, chỉ cần bộ khung của Nháp trở về đấy thôi sao? Được rồi mà còn đòi hơn thì ông Trời sẽ quở trách. Nghĩ thế nên Ren cảm giác hạnh phúc đang hồi sinh trong trái tim tưởng như đã đóng băng tuyết rồi. Ngày ngày, cô để tâm vào bữa cơm hơn hết.
Cô bắt đầu thi thoảng lại liếc nhìn đồng hồ ngong ngóng đến giờ đóng tiệm để về. Để đi chợ mua sắm nặng tay hơn một chút...
Cả tuần nay, ngày nào Ren cũng tỉ mẩn nấu xong nồi cháo dinh dưỡng có rất nhiều loại hạt tốt cho người lao phổi. Cô thấy rõ sau mỗi bữa ăn như thế hình như Nháp khỏe hẳn lên. Và điều đó càng khích lệ cô đặt hết tâm huyết hơn nữa, chăm cho nồi cháo thơm ngon hơn nữa...
Nó giống như khi ta cố gắng níu kéo, cố gắng nâng hứng gìn giữ một thứ gì đó quý giá lắm với mình, mà nó cứ chực nhào ra khỏi,  biến mất dạng. Khiến mình thắc thỏm hoài, mơ hồ nửa tin nửa ngờ đến khổ về sự hiện hữu của nó. Không có nó chả chết nhưng mà lỡ thương nó quá mất rồi.
Cố quá, ráng hết mức rồi mà nó vẫn không được thì trái tim chết lần nữa sẽ lặng như chưa bao giờ sống. Ren đã sống những ngày tháng cuối đời chồng vợ như thế. Và đón cú giáng nghiệt ngã của cuộc đời như thế. Vì mọi âm thanh đều đã bị buộc chèn bằng khối băng lạnh chìm nghỉm không âm vọng.
Báu vật cuộc đời Ren sau nhiều năm lưu lạc đã lại trở về bên cô. Nụ cười tình tứ,  những đụng chạm khi ngang qua nhau... giờ chỉ còn là hoài ức. Nháp mỗi sáng chỉ còn hốc mắt sâu thâm lờ đờ hé nhìn, buông một câu chẳng còn chút khí lực để nhận biết là vui hay không nữa.
- Em đi à!?
Câu hỏi chỏng chơ rớt giữa không trung không có thanh. Vậy mà vẫn đủ sức lôi Ren trở về luôn đúng giờ. Cho cô sự yên ắng đủ ngày ngày chăm chút chồng như mẹ chăm con ốm.
Ren sống với hiện tại như  vậy, nhưng chính là cô đang nương vào hồi ức. Khi miết nhè nhẹ như mơn trớn chiếc khăn ấm thơm tho lên khuôn mặt rạc dài thì cô nghĩ đến cái cằm vuông đúc. Bờ môi tái nhớt khô khồ nứt nẻ vì rượu tàn phá, cô vẫn nghĩ nó phớt hồng rõ rành như nét vẽ khéo là.
Thực ra thì sự lẫn lộn xưa nay cũng có cái hay cho cô bớt thảm hại hơn với thực tại của người đàn bà đến sớm hơn, mà về lại chỉ gặp vỏ. Ốc thúi ruột bại xụi trống hươ trống hoắc. Mấy hôm, Nháp cụ cựa được rồi, đêm cũng đã quờ tay lần tìm, tim Ren nín thinh cũng không đành nữa rồi.
Nhưng sự hồi phục của Nháp đồng thời với những lý do rời nhà không hề thuyết phục. Ren biết hết.
Nhưng nếu như bà Tam không xuất hiện với cái tin ác nghiệt quá thế, thì Ren vẫn chịu được. Kể cả lúc bàn tay Ren chạm trên thân thể Nháp đến đâu thì ở đấy xuất hiện một tiếng nói. 
Tiếng đánh thức Ren rằng đã nhiều năm nay, nó bì bịch trên một thân thể đàn bà khác. Thì cô vẫn thấy mình là hạnh phúc. Nó là sự khuất phục bất chấp của con tim bướng bỉnh đã lỡ buông nhịp theo người.
Sẽ cứ thế, chỉ cần chút thời gian đủ để Nháp quên đi những gì đáng phải quên vì đã không thuộc về anh,  không phải là của anh nữa. Đủ để Ren không còn mẫn cảm với lời nhắc trên thịt da Nháp, để hòa lại bản hợp âm lên men. Ren cũng đã nghĩ đến chuyện xin đón thằng bé về. Vậy mà...
Ren làm bốn chín ngày cho chồng bằng mâm cơm nhạt. Khi cô ôm lồng chim ra mộ Nháp, khi những con sẻ nâu nhỏ tội nghiệp xô lệch cửa quýnh quáng vút lên không, lao xao tìm chỗ đậu yên lành trên đầu cành dương liễu rồi nghiêng ngó nhòm xuống, lòng Ren chợt dấy lên chút xao xác.
Rồi nhẹ bẫng. Cô nhận ra có một nhánh khổ qua rừng đang xòe những tán lá hình sao, xanh ngắt bò phủ quanh phần đất nền mộ. Lấp ló trong nắng là những bông vàng mơ nhỏ xíu xinh xắn đang cười.
Đã vào mùa khổ qua rừng trổ bông. Ren định giở tay như thói quen hồi con gái ngắt một búp. Nháp đã tỏ tình với Ren bên hàng rào rậm rì khổ qua rừng, trúng y mùa này. Những trái khổ qua như bóng đèn hột vịt treo lộn ngược ngộ nghĩnh mắc cười. Trái đắng thôi rồi, nhưng vị ngòn ngọt để lại nơi cuống họng thì không lẫn.
LÂM HOÀNG PHỐ
Kết quả hình ảnh cho Những bài hát về khổ qua