Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Mật Mùa Xuân



Ngọt Ngào

Mật ngọt tràm vàng,
Hoa tràm nở dậy hương mùi mật ngọt,
Ta quen nhau qua mấy độ hương tràm...
Hoa cho hương làm mật ngọt ngào thơm,
Anh sẽ đón em về trong Xuân mới.
Anh mơ ước không làm chim én đợi...
Một mình anh chao liệng giữa trời Xuân,
Mà đôi ta ríu rít tiếng vui chung,
Giữa Xuân mới đậm đà hương mật ngọt
NM
                        Mật mùa xuân 
Mùa đã gọi gió bấc về lơ thơ trên những ngọn cây. Cái lạnh se se bấm khẽ vào da. Đợi ngó lên mấy cây tràm trước nhà, nhựa trong lá như quện đặc khiến lá chuyển sang màu sẫm hơn. Nhìn dấu hiệu của thiên nhiên, Đợi nhớ ba hay nói cỡ này bắt đầu gác kèo ong là được.
Nếu giờ Đợi vô kêu ba chèo xuồng đi gác kèo coi cũng kỳ. Kiểu gì ba cũng ngạc nhiên hỏi cho rõ cơn cớ gì thằng con vốn không ham mê cái nghề gia truyền này mà giờ lại nằng nặc đòi đi. Dám biết lý do rồi ông sẽ vừa cười vừa ra sau bếp nói với má. Má cũng sẽ cười theo ba, mặt má hồng lên bởi khói nóng và sự vui vẻ “Tui nói ông nó biết yêu rồi mà ông hổng chịu tin”.
Đợi biết yêu thật. Có phải ai xa lạ đâu, nhỏ Thương nhà khúc xóm trên. Ba má Thương cũng không khó mấy, lại muốn con gái có chồng gần cho dễ bề mưa gió qua thăm. Ngặt nỗi, hình như ba Thương chưa ưng Đợi lắm. Dù má cô có nói đỡ vô mấy câu. Nghe đâu ông nói Đợi lớn tồng ngồng rồi mà còn chưa biết lo chuyện mần ăn, sau này làm gì đỡ đần vợ con nổi. “Đó, ngay cả cái nghề gác kèo ong ba nó rành sáu câu vậy mà nó có thèm rớ tới đâu. Nó chê cái nghề đó cực khổ cù lần, thì biết đâu mai này nó cũng chê con gái mình quê mùa, nó chán”, Thương thỏ thẻ lại với Đợi y nguyên câu nói của ba cô.
Trời à, thật tình Đợi đâu có ý chê cái nghề của ba. Dù là anh thấy nó cực thật. Còn khó nữa. Phải tính toán, coi đoán đủ thứ nào gió nào nắng nào trời, lỡ trật một chút ong không chịu về làm tổ thì coi như công cốc. Anh chỉ thấy mình không hạp. Anh muốn làm gì đó mau có tiền, dẫu làm mướn cũng được. Nhiều lần Đợi đã tính chuyện đi làm ăn xa, nếu không phải lòng Thương trong một bận giáp mặt khi chở má đi chợ.
Một bữa Đợi tạt qua nhà Thương gửi mớ trứng gà, má cô có nói bóng gió phải có chút mật ong rừng trộn bột nghệ uống vô thì bệnh đau bao tử của bà hết cái một. Bà còn than giờ mật giả bán đầy, phải biết ở đâu có mật ong chính gốc rừng tràm uống mới yên tâm. Tràm mọc sát rạt ngút mắt mà không thấy ai đi ăn ong, “mót một giọt mật trầy con mắt hổng ra”. Đợi nghe mà thấy mặt nóng hổi, chắc đỏ tới mang tai. Bên cạnh, Thương bụm miệng cười khúc khích. Rõ ràng má vợ tương lai đã thò đầu dây cho chụp, Đợi làm sao coi được đó thì làm. Kiểu này, anh phải kêu ba truyền nghề ăn ong gấp rồi.
***
Trái với suy nghĩ của Đợi, ba không cười hay chọc anh. Đang quấn điếu thuốc gò, nghe anh xin theo gác kèo ong, ba khựng lại. Chắc ba đoán được ý thằng con rồi, nhưng vẫn bị một cảm xúc lạ lẫm chặn ngang mình. Có thể là vui, khi nghe con bắt đầu chú ý tới cái nghề truyền thống mà tưởng tới đời Đợi phải ngưng ngang. Có thể là lo, chuẩn bị tính coi sắp xếp sao để qua nhà bên kia chào hỏi ông bà sui tương lai. Tất cả trộn lẫn lại thành cái gật đầu gọn hơ của ba, Đợi nghe mừng trong bụng.
Ngay buổi đó Đợi đã đòi ba chỉ anh chuẩn bị đồ nghề. Thấy Đợi hăm hở, ba cố làm mặt nghiêm cũng phải phì cười. Ba cẩn thận chỉ anh cách chọn cây để làm nống, nạn và thân kèo. Ba chỉ chậm, từng chút một, bởi biết thằng con không ưa mấy chuyện tỉ mỉ. Dù vậy, Đợi cũng làm hư hết đâu chừng chục thân tràm. Má trong bếp chiên cá ngó ra, vừa lắc đầu vừa cười, mắt có vẻ hấp háy vui.
Đợi ráng căng não ghi nhớ. Coi cách chọn cây sao, cách đo thế nào, bao nhiêu tấc thì đủ. Coi bước nào cần lột vỏ phơi khô, cái nào cần vót nhọn, cái nào đục lỗ, cái nào vạt hình lưỡi búa. Nhìn ba làm thử, Đợi thấy sao mà dễ ợt. Tay ba thoăn thoắt gọn ghẽ, ba nhắm chừng bằng mắt mà không chệch một ly. Tới lượt mình làm, Đợi thấy khó trần ai, ráp vô kiểu gì cũng xộc xệch. Được cái Đợi không nản. Má hay nói tuy hậu đậu nhưng anh bền lòng. Mà nản sao được, khi vài bữa là Thương giả bộ bưng qua tô canh, lúc thì dĩa xôi “má con cho”, sẵn tiện gửi nhẹ ánh mắt động viên như nói “em đợi anh đó nha”.
Cuối cùng thì cũng chuẩn bị xong. Ba dẫn Đợi chống xuồng vô rừng. Đợi nhớ lời ba, phải canh chính xác hướng mặt trời mọc để tìm trảng tốt, đủ nắng. Rồi canh hướng gió nhắm chừng coi ong sẽ xuống làm tổ từ đâu. Trảng cũng không được nhỏ quá, ong không xuống được. Chà, coi bộ phải đi ăn ong mấy mùa nữa Đợi mới rành. Giờ, trông cậy hết vô ba, còn việc của anh là nuốt không sót lời dặn dò nào.
Tìm được trảng rồi, ba dọn dẹp cây cối lại cho gọn và bắt đầu dựng kèo. Đầu tiên, cây nống được cặm thẳng xuống, vừa làm ba vừa chỉ Đợi canh khoảng cách. Cây nạn được ba ấn vô tay Đợi kêu anh làm thử. Ba vỗ vai động viên, ổn rồi đó. Còn thân kèo, ba tự tay gác lên sao cho khớp những rãnh mắt đã được tạo sẵn. Kèo gác không đẹp, ong sẽ chê không đóng. Đợi nhủ thầm, ong gì mà chảnh! Gác kèo xong, ba còn dọn sẵn một con đường nhỏ để sau này tiện đi lấy mật. Nghe ba kêu còn phải gác cả trăm kèo nữa, tự dưng chân Đợi run. Thấy phản ứng của anh, ba cười nói, mớ kèo cũ còn dùng được, chỉ sửa lại thôi. Nghe vậy mặt anh mới tươi lại được. Chớ lần đầu đi gác kèo mà, ai không dễ mệt - Đợi bào chữa cho mình.
***
Kèo ong gác xong, một thời gian nữa sẽ quay lại thăm chừng, coi ong đã về chưa. Tràm đã bắt đầu nở bông vàng rực. Lòng Đợi cũng đang nở bông, hấp hởi mong tin mật.
Mùa xuân, tràm nở rộ và ong cũng về làm tổ nhiều hơn. Mật mùa này thơm và ngon bởi không bị pha loãng do nước mưa. Những giọt mật đó, được chắt từ một mùa yêu thương đầy hy vọng. Lòng Đợi phơi phới theo cơn gió bấc đùa thốc tàu lá chuối, nghĩ miên man về những giọt mật nguyên lành.
Hũ mật ong màu vàng cam, vị thơm ngon đặc trưng của vùng đất này sẽ trở thành món quà xuân Đợi đem qua “lấy lòng” ba má vợ tương lai. Chắc má Thương sẽ ưng lắm, Đợi đã hoàn thành được ý nhắn nhủ của bà còn gì. Bà sẽ có cớ để nói với ba Thương “Đó ông thấy chưa, nó đâu phải thằng rể điên điển như ông nghĩ”. Ba Thương sẽ ờ ờ, dù có vui cũng chỉ cười nhẹ thôi, nói Đợi mùa này nhờ có ba, mấy mùa sau tự thân vận động coi có làm ra trò trống gì không. Có chứ. Sẽ làm ra mật ong ngon y chang bây giờ, Đợi tin là vậy. Nhưng trước mắt, kiểu gì má Thương cũng sẽ đánh tiếng kêu anh đưa ba má qua nói chuyện. Coi mùa mật sau nếu được, chắc cưới luôn hen.
***
Thương nhìn thấy Đợi mà giả bộ như không thấy, chân lẹ lẹ rảo nhanh về nhà. Trong nắng xuân vàng, má cô hây hây màu trái chín. Đợi biết người yêu mình ngại. Chứ sao nữa, qua Tết là hai đứa chính thức về chung một nhà rồi. Cái suy nghĩ đó khiến người ta thở thôi cũng thấy hơi mình màu hồng và trở nên ngượng nghịu…
Mùa ăn ong thứ hai này, Đợi đã rành hơn chút đỉnh. Anh cũng để dành riêng cho má vợ mấy lít mật ngon nhất. Lần này mang qua, anh sẽ ngẩng cao mặt lên mà tự hào khoe với ba vợ “Ba ơi, kèo này con tự gác”. Ba Thương chắc sẽ cười cái thằng coi lớn đầu mà tính con nít, nhưng trong lòng ông chắc chắn rất vui. Cũng như ba Đợi, ông luôn mong có người tiếp nối những nghề truyền thống vùng này.
Đợi chống xuồng, chuẩn bị đi lấy mật đợt hai. Ba ngồi uống trà trước nhà nói vọng theo, dặn kỹ Đợi lấy mật nhớ chừa hậu. Anh dạ ran, gì chứ cái này anh nằm lòng. Cái gì cũng phải chừa hậu, mình lấy hết tàng ong thì tụi nó biết lấy gì mà sống. Cái gì cũng phải biết đủ, tham thì thâm - bài học vỡ lòng hồi xưa bà của Đợi hay dạy bằng những câu chuyện cổ tích. Má từ trong nhà bước ra, hỏi ba không đi với Đợi sao. Ba cười “Đợi nó lớn rồi”.
Mà Đợi lớn bộn thật rồi, qua Tết có vợ luôn chứ giỡn à. Nhưng thật sự, khi chiếc xuồng đưa Đợi vô rừng tràm trong mùa ăn ong đầu tiên một mình, Đợi thấy lạ lắm. Anh thấy người như cây tràm cao cao, đã bắt đầu biết chọn chỗ mà lớn lên, mà đơm bông chớ không phó thác cho đất trời mai rủi. Kiểu như má nói “con lớn thiệt rồi đó Đợi”, trong một bữa anh biết chạy te te ra xã mua thuốc khi thấy má ôm ngực ho khù khụ chớ không đợi má nhắc như mọi lần.
Rừng tràm nằm yên dưới nắng, lá khẽ đu đưa theo những đợt gió bấc. Đợi không lạnh mà thấy hừng hực cảm xúc rất lạ. Những bãi cỏ, lau sậy rẽ theo mũi xuồng tách ra như cánh cửa mở mừng đứa con của rừng. Đợi thấy sự thân thuộc mân mê từng ngón tay và háo hức dâng đầy trong mạch máu. Vậy mà hồi đó anh không chịu theo ba sớm, kỳ cục thật.
Trên đầu Đợi, bông tràm nở vàng hơn nắng. Theo gió lay, vài bông tràm li ti rụng xuống vai Đợi. Anh thầm nghĩ, nụ cười của Thương ngày cưới chắc cũng rực rỡ như màu bông tràm đang nở rộ trên cao. Rồi tự nhiên anh tự cười mình, mặt râm ran đỏ khi nghĩ tới lúc mình mặc áo chú rể. Chắc cảm xúc cũng sẽ rạo rực như bây giờ, hay hơn thế nữa. Và kiểu gì cũng ngọt ngào như những giọt mật sánh ngọt - món quà của đất trời mà Đợi đang hân hoan đi nhận. Mật mùa xuân, cũng là mùa những lứa đôi chuẩn bị ríu rít tiếng vui chung. Mật dậy một mùi thơm ngát trong Đợi, khiến anh thấy mình nhẹ hẫng như cánh chim én đang liệng vòng trên đầu…
PHÁT DƯƠNG
Theo Báo Cần Thơ


Hương rừng
Hoa cỏ dại thơm hương rừng ngan ngát,
Hoa bạt ngàn, hoa bưởi tím, hoa chanh...
Hoa mùa Xuân cảnh đẹp khác chi tranh,
Bầy ong mật chở phấn hoa về tổ.

Nắng đã nhạt, mặt trời sau ngọn núi...
Lòng lâng lâng như bưởi đã căng da...
Hương hoa chanh, cỏ dại thoảng đậm đà,
Cho mật ngọt thơm hương rừng thanh khiết !

Quên mất nỗi người chia xa biền biệt,
Ta giờ vui theo vị ngọt đời vui...
Trên đồi Keo đầy ắp tiếng nói cười,
Và ta có những tháng ngày hạnh phúc !!
NM

Nơi bầy ong làm mật
Từ lúc bà còn đang nằm viện, tụi con có ý ông bà sang tên đất đai của gia đình cho chúng. Trước lúc vĩnh biệt thế giới này bà cũng trăng trối với ông Minh. Theo di nguyện của bà ông Minh làm thủ tục  sổ đỏ đất đai cho con cái. Ông bà có một trai bốn gái. Hai vợ chồng con trai ở cơ quan, chồng lái xe con, vợ chạy thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Các cô con gái đều chồng con nhà cửa đàng hoàng người chủ doanh nghiệp, người buôn bán ông để lại mấy gian nhà cũ làm nơi thờ phụng. Ông biết anh chị nào cũng máu làm giàu kể cả những việc mạo hiểm. Vợ chồng cô út sa vào đề đóm, cờ bạc, đa cấp vỡ nợ bán cả nhà cửa phải thuê chỗ ở. Ông tuyên bố không ở với bất cứ anh chị nào. Ông  quen cuộc sống độc lập thời còn lính. Mấy chục năm ông cùng đồng đội nằm gai nếm mật đánh giặc đến cùng  rèn luyện cho ông một bản lĩnh của người lính. Đồng đội dạy cho ông những kinh nghiệm sống bổ ích và những môn chữa bệnh, chữa rắn cắn bằng thảo dược, nuôi ong mật... 
Nghỉ hưu ông sống chan hòa với  bạn bè làng xóm được mọi người quý mến đùm bọc. 
Khi mãn tang vợ nhiều người chân tình  khuyên ông lấy vợ, để như đũa có đôi phòng khi đêm hôm mưa nắng trở trời. Ông chỉ băn khoăn vài năm nữa  sắp đến tuổi “thất thập cổ lai hy” không khéo lại mang tiếng là già  còn ham hố. Vả lại tìm người tâm đầu ý hợp thông cảm với hoàn cảnh mình đâu phải dễ.  Con cái lại không muốn ông đa mang, sau này “của ông của bà”. 
Ông Minh tặc lưỡi suy ngẫm: “Biết sao cho vừa lòng người”. Cuộc sống vẫn vận động đi lên.    
Ông dành thời gian đi kiếm cây thuốc, thái phơi khô dự phòng giúp bà con thế mà có lần ông suýt tai bay vạ gió. 
Lần ấy qua đồi keo ông phát hiện   một phụ nữ bị rắn cắn, cổ chân phải sưng vù, bầm tím rỉ máu, mặt  tái nhợt, quằn quại giãy giụa văng cả giấy tờ tiền nong ra đám lá khô dưới gốc cây keo. Ông Minh xé áo mình đang mặc làm ga rô vết thương, nhanh chóng đắp thuốc cấp cứu cho bệnh nhân. Ông cẩn thận lấy mũ đội đầu làm gối kê cao chân đau của nạn nhân, thu nhặt giấy tờ tiền nong để gọn vào chiếc nón lá. Qua giấy tờ biết nạn nhân tên là Lan năm mươi lăm tuổi ở thôn Thượng. Ông Minh bứt cành lá ngồi phe phẩy quạt chờ bệnh nhân hồi phục. Cô có khuôn mặt trái xoan, hàm răng trắng, tóc ngang vai vẻ trẻ hơn tuổi.
Lúc sau Lan chớp mắt đáo nhìn xung quanh, thấy mình nằm dưới đất cạnh người đàn ông cao lớn vận áo may ô  ba lỗ. Cô hốt hoảng mặt tái đinh ninh ngỡ mình bị hại, lấy hết sức bật dậy la toáng lên:
- Cướp cướp!
Tiếng la theo núi rừng đi xa dội lại làm ông Minh hết hồn thanh minh:
- Minh đây, không phải cướp…! Ông đưa tay chỉ vết thương: Rắn cắn… Chưa nói hết câu một thanh niên ở trần, quần đùi, mặt sát khí lao tới vung gậy  bổ xuống đầu ông Minh. Lan kêu thất thanh “đừng” vội đẩy ông Minh né sang bên. Ông Minh nhanh nhẹn bằng miếng đánh đỡ và khóa tay chàng thanh niên, cây gậy rơi xuống đất…
Hiểu sự việc người thanh niên nhìn ông Minh từ đầu đến chân phủi tay lắc đầu bỏ đi.
Lan chưa hoàn hồn nói không nên lời
- Bác có sao không? Em hết cả hồn vía?! Lan nức nở khóc
 Ông Minh pha trò:
- Không sao yên tâm! Lính mà lị. Hai người cười.
- Nó là Mạnh con trai em, làm bên vườn bưởi. Lan chỉ tay phía trước. Ông Minh gật đầu như vỡ lẽ.
Ông Minh đỡ Lan dậy. Hai người đi về phía thằng Mạnh.
Bưởi tốt tươi, cây thành hàng từ chân lên tận đỉnh đồi. Cây nào cũng mỡ màng, cành lá xum xuê, quả đan từ gốc tới ngọn. Mới tháng sáu mà quả bằng bát ăn cơm, một số to như mũ trẻ, ăn không he nhiều nước. Cành trĩu quả nặng kéo là mặt đất.
Mạnh buộc tre kiểu chữ A đỡ những cành lên khỏi mặt đất. Nhân đà ông Minh tiếp sức làm quen:
- Cháu chống được nhiều cành chưa?
- Nhiều.
- Mỗi cây có đến trăm quả không?
- Đến.
- Mạnh biết giống bưởi gì không?
- Soi Hà.
Nhấm nhẳn trả lời nhát một như miễn cưỡng câu trước câu sau Mạnh  lẩn sang chỗ khác. Sợ ông Minh phật ý Lan phân bua:
Mạnh không có tuổi thơ như bạn cùng trang lứa. Năm ba bốn tuổi bố bỏ đi sống với người đàn bà khác trong Nam bỏ hai mẹ con. Mẹ nuôi con bằng đồng lương công nhân ba cọc ba đồng. Đến lớp Mạnh bị bạn bè trêu chọc không có bố nó buồn và mặc cảm.
Đã thế mấy gã đàn ông máu me sán đến chọc ghẹo tán tỉnh thằng Mạnh ghét cay ghét đắng sinh ra định kiến lạnh lùng. Ông Minh đã hiểu vì sao Mạnh không muốn tiếp xúc. 
Theo Lan Mạnh rất thích nuôi ong mật vì ở đây mùa hoa bạt ngàn trắng hoa bưởi tím hoa chanh, hương thơm ngào ngạt, lắm mật ngọt cho ong bướm. Quang cảnh mùa đẹp như bức tranh tuyệt.            
Ông Minh tỉ mẩn chuyện với Mạnh kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong cách tạo mũ chúa, làm cầu, cách chia đàn, cho ong ăn vi ta min, vi lượng ong khỏe chống đỡ bệnh tật, bày kích thước  làm chuồng, đặt chuồng hướng Nam đón gió mát v.v. Mạnh trở nên thân thiện cởi mở yêu quý ông Minh. Bác cháu cười nói vui vẻ không còn khoảng cách. 
Lâu lắm rồi Lan mới được chứng kiến thằng Mạnh vui vẻ như thế. Lan sung sướng xao xuyến trong lòng. Cả ba người hình như đã gắn kết  gần gũi  hiểu nhau hơn.
Nắng đã nhạt, mặt trời xuống sau ngọn núi, gió thổi lao xao mát rượi, bầy ong chở đầy phấn hoa về tổ. Ai ai cũng cảm nhận lâng lâng nhẹ hẫng!
Ông Minh cố chống tay ngồi dậy, người đau ê ẩm. Căn phòng bệnh viện trắng toát sực mùi thuốc. Nhiều ngày nay cơn sốt rét có mầm bệnh từ những trận truy quét quân giặc  nằm  bờ bụi trong rừng sâu. Tuổi cao lại suy nghĩ chuyện con cái bán đất đai dốc vào những vụ làm ăn mạo hiểm hoặc đỏ đen... làm cơn sốt tái phát hoành hành ghê gớm. Mấy ngày nằm viện ông  không thấy bóng dáng con trai con gái, thỉnh thoảng con dâu đáo qua báo: “Các anh chị đang có câu chuyện làm ăn”! Ông Minh ngồi lặng thinh, nhìn vào khoảng không xa xăm lắc đầu!
Mạnh tay xách nách mang bước vào phòng bệnh vội liến thoắng:
- Hôm qua ở đây về mẹ cháu bảo  cháu mang trứng, hoa quả bác ăn nhanh chóng hồi phục. Ông Minh tươi tỉnh hẳn lên quên đi phiền muộn.
- Bác khỏe rồi. Mai ra viện.
- Bác lên với đàn ong, vườn bưởi  chứ?
- Nhất định rồi. Bác hứa. Hai bác cháu nắm tay nhau vui vẻ.
Bên ngoài phòng bệnh, mấy vị  bạn bè hàng xóm cười nói vui vẻ đến thăm ông Minh. Căn phòng ấm cúng đầy ắp tiếng cười.
Mấy ngày sau và những ngày sau nữa trên đồi keo và bưởi Soi Hà, ông Minh, cô Lan, Mạnh thỉnh thoảng chụm đầu vào nhau cười giòn tan. Những chuồng ong đông quân đang tíu tít chở đầy phấn về tổ. Bưởi đã căng da, hương thơm hoa chanh tứ mùa, hoa cỏ dại hoa keo ngan ngát.
Đào Xuân Thuý 

Mật ngọt của chà là

Vừa ra chơi Hùng Rán gọi thất thanh!
– Ơi….ơi! Bọn mày ơi! Ra sau trường bắt ong ruồi! Cả lũ lau nhau vừa chạy vừa hét. Chúng chạy ra sau trường học, nơi có bụi cây sời hồ và đám sậy lưa thưa đang độ trổ bông lau.
Gọi là trường chứ thật ra là hai cái phòng học cất bằng cây lá địa phương. Mái lợp fipro ximăng, vách chỗ dừng lá, chỗ gỗ, chỗ thì bằng thiếc. Bà con ở đây nghèo lắm, sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển làm vuông tôm. Đất đai phèn mặn trồng lúa chẳng được bao nhiêu. Lo miếng ăn là chính cho nên ít ai quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Đi học là để biết đọc biết viết, học chưa hết cấp hai là đã nghỉ muốn hết về làm vuông. Mười tám đôi mươi là phải gánh chịu câu “Trai khôn thì cưới vợ, gái lớn là gả chồng”.
Mê mẩn quên cả giờ vào lớp vì tổ ong ruồi. Sân trường không còn bóng ai nữa thì giật mình. Cả chục đứa cuống cuồng chui ra khỏi bụi, chân trần không dép chạy vào lớp. Cũng do trường không có trống kẻng báo hiệu nên mới ra thế. Hiển nhiên là không thoát án phạt của thầy giáo Tuyên, nhốn nháo hai hàng đứng trên bục giảng cho đến hết tiết. Nhìn xuống dưới, lớp học trở nên thưa thớt vắng hoe.
***
– “Ê! Tụi mày, săn bắt ong không mai vô vuông nhà tao thiếu gì!” Tiếng của lớp trưởng Nam Long gọi khi bốn hàng dọc đang tan dần ra. Cả nhóm tụm lại xì xầm với nhau điều gì đó.
– “Ừ! Đi thì đi chứ sợ gì! lúc nãy thầy giáo phạt, làm bọn mình xấu hổ quá. Tụi con Ánh, con Lành, con Nhung nó cười mỉa mai thấy ghét. Mai được nghỉ học vô tư mà ong bướm!” Tuấn Anh lải nhải.
– “Nóng máu nhất là khi nhìn thấy con Thu Đến nó cứ cười hoài. Đang hận thù tạo nên chắc nó hả dạ lắm!” – Nở co cáu.
– Con Hà, Con Hải, con Huế, con Phương nữa… nói chung cả lớp”. Nam Sói hậm hực.
Dưới cái nắng trưa hừng hực cứ táp vào mặt. Đứa nào đứa đấy đi cho nhanh, còn kịp về giải quyết cái bao tử đang cồn cào gào thét.
***
– “Ong ở đây tao là trùm, chỉ cần rung cây nhẹ nhẹ cho nó bay ra. Bẻ nhánh cái cây ong làm tổ rồi….. chạy. Thế là xong! Khỏi cần phải lửa củi gì” Lớp trưởng Nam Long múa mép với cả bọn.
– “Dóc tổ! Ong chúa nó mà rượt theo là cả bầy dí mày chạy như gà rừng” Ninh khắc chế.
– “Mày dở ẹt, vừa chạy, vừa quay quay cái nhánh cây phủi nó. Kiếm gió ngược mà chạy thì cả ngàn ong chúa cũng chẳng làm gì được tao”.
– “Vậy nếu gặp tổ ong thì để cho nó bắt hen tụi mày” Nở chen vào.
– “OK! Tụi mày không biết cách phát hiện ong thì để tao chỉ cách cho nhé. Quan sát các bụi rậm thấp. Như bụi sời hồ có lưa thưa vài cây sậy, đám ô rô sát mé nước. Thấy ong thợ đảo đảo như “máy bay chuồn chuồn” ở trên là ở dưới có…tổ. Thêm chút xíu ánh nắng lọt vào nữa là chắc chắn có ong đóng tổ. Hay là mấy bụi chà là gai đằng đó kìa… là dễ dàng lấy nhất. Nhưng coi chừng gai”. Nam Long vừa đi vừa nói. Cả hội cùng bước theo đôi chân đen ngấm của vị thủ lĩnh vùng đất bồi mặn.
– “Bắt ong trong bụi chà là này nè lớp trưởng, lấy mật chấm củ hũ ăn mới ngon. Ăn ong chuyên nghiệp xứ nước mặn là vậy. Tao chặt củ hũ chà là cho” Phú Lôi cũng tỏ vẻ sành sỏi, tay cầm cây dao miệng “theo đóm ăn tàn”.
Vùng này làm vuông tôm thiên nhiên, cây cối rậm rạp nên có nhiều hang cua. Cá thòi lòi thì chạy như “ca nô” trên mặt nước. Ở những bãi đất rộng rất nhiều chà là. Con nước lên mênh mông trắng xóa hơi muối, nước ròng là lòi mặt đất lên liền. Cây chà là mọc thành từng bụi, thân như cây cau, gai góc quanh mình, chẳng ai thèm đụng đến nó làm gì cho chảy máu.
– “A….ai..ii…! đây rồi tụi mày ơi, tổ này cũng to quá!” tiếng Ninh vang lên làm cả bọn nhốn nháo chạy lại.
Một tổ ong thật, gần bằng cái rổ sề. Ong ruồi như vậy là to rồi. Không như ong mật tổ to hơn, nhiều mật hơn.
– “Phú Lôi … mày dưa dao đây”! Nam Long quát lớn.
Nó chặt một cái dứt khoát. Rồi giựt nhánh chà là chạy, ong bay ra toán loại. Nó “thao tác” nhanh quá cả bọn không phản ứng kịp. Bị ong rượt, chạy như ma đuổi, mỗi thằng một phía. Nó cũng không xác định được xuôi gió hay ngược gió. Tất cả nhảy ùm ùm xuống kênh, đứa lặn, đứa thì bơi qua bên kia bờ. Nam Long cười sặc sụa, chìa cái nhánh cây ra, cả lũ trố mắt nhìn ngơ ngác.
– “Tại sao kỳ cục vậy? Công không! Làm chạy xịt cả lốp” Nở hét lên.
– “Thì tại tổ này mới đóng, chưa có gì” giọng Nam Long nhè nhẹ trước sự thất vọng của cả đám.
– “Nghỉ mệt tí rồi đi tiếp” Trực Mập thở hổn hển ý kiến.
Phú Lôi than nhức, ran rát ở miệng. Từ đó môi của nó cứ sưng dần, to như trái chuối cơm. Nhìn nó không ai nhịn được cười. Nó không nói năng được câu nào, cứ cầm cây dao lầm lũi đi theo và súyt xoa vì nhức nhối.
Lần này thì Nam Long phát hiện ra một tổ, cũng to bằng lúc nãy nhưng nó rút kinh nghiệm. Bẻ một nhánh cây nho nhỏ, đứng trên gió, cào cào nhè nhẹ lũ ong non qua một bên, kiểm tra xem nhiều mật không? Và tránh tình trạng bị “ong hôn” như thằng Phú Lôi. Nó lấy cây dao cứa cho đến khi đứt lìa nhánh, rồi giựt phăng chạy như Marathon về đích. Phía trước các chiến hữu mỗi thằng một vị trí, sẵn sàng tăng tốc khi có “yêu cầu” từ đàn ong.
Chiến lợi phẩm này giao cho Ninh quản lý. Vì hắn tương đối thật thà, nhỏ con nhất trong đám, cho nên chắc chắn không giám buồn miệng “ăn vụng”. Vì “ăn vụng” sẽ đi chung với “ăn đòn”, Nam Long nó mà đấm cho thì chỉ có nít thở.
Xế chiều, cả nhóm thấm mệt vì nước mặn, đói vì căng sức khi bị ong rượt, lặn dưới nước… Phú Lôi là người tỏ ra mệt mỏi nhất, cái môi của nó cong lên, nhìn như cái hiên nhà. Cả nhóm ngồi lại bên một khoảng đất trống gồ ghề.
– “Thôi! chặt ngọn chà là ăn đi!”Cảnh Dế đề nghị.
– “Thằng nào chặt?” – Trịnh Tồ hỏi.
– “Mày chứ ai!” – Tiến Đen đáp không suy nghĩ.
– “Thôi đi! Vô đó cho gai đâm chết tao ạ!”.
– “Thằng Ninh, thằng Phú Lôi ở lại giữ ong. Còn lại tất cả đi chặt chà là”. Nam Long thể hiện vai trò đầu đàn.
Cả đám nhảy qua con mương, sình lún tới háng. Đi theo Nam Long.
– Rát quá tụi mày ơi! Minh ôm mớ đọt chà là ném cái phịch. Nó gãi đầu xoa chân, xoa tay. Đứa nào đứa nấy mặt mày sình đất lấm lem, chân tay chi chít trầy xước, rơm rớm máu vì bị gai chà là khứa. Bị kiến vàng cắn đầu cổ, tóc tai bù xù như người rừng.
Nam Long nhảy lò cò vì bị chà là đâm vào gót “Có ăn thì phải cực khổ chứ! Rút cái gai ra giùm tao coi”.
– “Nở rút gai cho nó kìa!” Tướng Nhật chỉ đạo.
Mỗi đứa cầm một cái ngọn chà là ăn ngon lành. Truyền tay nhau tổ ong gặm, mật tràn ra hai mép, ngọt xé cổ họng.
– “Thằng Phú Lôi bị ong hôn không được ăn mật, dính vào mật nó sưng to thêm đấy….tới ngày mốt cũng không xẹp đâu” Nam Long cảnh báo.
Cả lũ cười khanh khách, hùa theo, “Mày ăn là nghỉ học một tuần đó, đừng ăn độc lắm!”.
Phú Lôi cũng tin theo, ngồi gặm cái đọt chà là chát ngấm. Nhăn mặt, nó ném cái tủm xuống nước chịu trận. Số còn lại thì cứ cười khúc khích trong vẻ mặt đầy nghi ngờ của nó.
Nam Long đứng lên gặm miếng sáp ong cuối cùng. Ném cái cành khô vào đám sậy, hô to “Chạy tụi mày ơi!”, cả đám cười vang chạy theo. Phú Lôi không hiểu gì hết cũng chạy. Mãi sau này nó mới hiểu nó dính cú lừa, bị “ong hôn” thoa mật vào sẽ bớt sưng. Bây giờ thì muốn cho “ong hôn” cũng không tìm đâu ra mật ngọt tuổi thơ để đắp vào nữa.
LÊ VĂN TÁM