Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Mùa Hè có cô bé mất gốc

Mùa hè đáng nhớ !
Mùa hè đáng nhớ đã trôi qua,
Quê hương thân thiết , ôi thật xa....!
Chỉ còn giữ lại - đây nguồn cội,
"Tiếng Việt" yêu thương bao thiết tha !

Tâm tình anh đó, quê hương Việt,
Kín đáo trao em thật nồng nàn....
Xa anh em sẽ hoài thương tiếc,
Tô điểm hồng thêm chuỗi ngày xanh !!

"Tiếng Việt" đưa em về cõi nhớ,
Luôn khắc ghi  lòng nghĩ đến anh....!
Hạnh phúc là đây tình muôn thuở,
Một thuở hè vui ước mộng lành !!

 NM

Hình ảnh có liên quan
Mùa Hè Có Cô Bé Mất Gốc
Năm nay thời tiết thất thường, mới đầu hè trời đã trở nóng hầm hập suốt ngày. Grenoble nằm giữa những ngọn núi nên mùa đông cực lạnh và mùa hè thì phỏng da. Hà một mình vắt cái khăn tắm trên vai đi bộ đến hồ bơi. Tóc nó thắt thành hai bím làm khuôn mặt mười sáu nhìn như con nít Tây mười tuổi. Vóc dáng trẻ thơ nhưng bạn bè ít ai biết Hà là đứa khổ tâm. Ba Hà vừa la mắng nó vì tội nói tiếng Việt sai be bét và lầm lì không chịu nói chuyện với bà nội. Hà không hiểu tại sao ba nó nổi giận khi nó trả lời: “Con vừa giặt tay cho bà xong”. Ba cho nó là đồ mất gốc.
Hồ bơi đông nghịt người. Lớp đang vùng vẫy trong làn nước mát, lớp nằm xếp cá mòi trên bờ phơi nắng để có làn da nâu. Hà leo lên cầu nhún, nó dậm chân lấy đà cho cú rơi tự do vào lòng nước xanh lơ. Lúc nghe tiếng “chủm”, Hà mơ hồ mình vừa đè lên vật gì đó. Một anh chàng trồi lên ho sặc sụa. Hà biết mình suýt gây ra “án mạng” nên búng chân trườn xuống nước mất dạng. Nhưng đã trễ, nạn nhân chết hụt kịp nhìn thấy hai bím tóc màu đen nổi bật. Sáng hôm sau Hà lại một mình vắt khăn trên vai đến hồ bơi. Bạn bè nó theo gia đình xuống miền Nam tắm biển hay du lịch nước ngoài hết cả. Con nhỏ Natalie đi Việt Nam. Nó hứa khi nào về sẽ đem cho cô bạn gốc Việt chưa một lần đặt chân lên dải đất này thật nhiều quà của xứ sở nhiệt đới. Tụi bạn Tây rất yêu mến Hà vì nó sống động, học giỏi và thích thể thao. Tụi nó đặc biệt kết cái tên ngộ nghĩnh của Hà. Tên nó nghĩa là dòng sông nhưng khi phát âm theo tiếng Pháp tụi Tây không đọc chữ “H”. Nhỏ Natalie nói: “Mỗi lần tao gọi mày từ xa, người ta tưởng ai đánh tao đau lắm vì cứ là kéo dài “A! A! A!”. Bản thân Hà mỗi khi có kẻ nào la “A!”, theo phản xạ nó quay lại vì tưởng có người gọi. Đi học vui như thế nhưng về đến nhà Hà là một người ít nói, lơ đãng và ngơ ngác. Ba nó không biết tiếng Pháp ngoài mấy câu chào xã giao. Mẹ nó thì biết đếm để xài tiền nhưng khi coi truyền hình thì chỉ đoán già đoán non. Lúc Hà còn nhỏ, mỗi lần cần làm giấy tờ ba mẹ nó phải chạy vạy nhờ những bác Việt Kiều có học. Mấy năm nay đến phiên Hà phải giúp lại những người Việt sống không hòa nhập được vào xã hội bên này.
Tuy ngầm hãnh diện về tiếng Pháp của Hà nhưng ba mẹ nó luôn hổ thẹn về tiếng Việt của nó. Tình hình trở nên căng thẳng khi bà nội từ Việt Nam sang sáu tháng nay. Bà thủ thỉ đủ chuyện với Hà mà nó cứ lặng yên vô cảm khiến bà giận, bệnh tim tái phát. Hà thấy ngột ngạt nên tìm tối đa các lý do để được ở bên ngoài.
Nước mát làm cho Hà dễ chịu, nó lại vừa bị ba la tội lầm lì và không thân thiện với bà nội. Hà bơi hùng hục mấy vòng hồ mới dừng lại nghĩ. “Cô bơi giỏi quá”. Một giọng nói vang lên sau lưng làm Hà giật mình. Anh chàng người Châu Á, chất giọng còn lơ lớ của người không sinh ra ở đây. Không hiểu sao Hà lại không thích những ai mắt đen, da vàng, mũi tẹt như nó. Natalie gọi đó là một mặc cảm trong tiềm thức, khó giải thích được. Hà lịch sự nói “cảm ơn” rồi búng chân lao vút đi. Nhưng hôm sau rồi hôm sau nữa, suốt một tuần lễ, ngày nào đi bơi nó cũng bị gã trai Châu Á bám theo lân la làm quen. Nó dừng lại ở mức độ chào hỏi rồi vội vàng lặn mất tăm xuống lòng hồ sâu. Anh chàng đó bơi không siêu nên nên hay đứng xớ rớ chỗ nước cạn cùng đám trẻ con lau nhau. Anh ta phô thân hình không được cường tráng của người ít vật động. Hà cười thầm: “Đến đây để tắm chứ bơi cái gì!”.
Bà nội thèm trái cây Việt Nam nên sai Hà ra siêu thị đầu phố mua ít loại. Bà dặn: “Nếu sầu riêng không quá mắc mua cho nội một trái”. Hà nhăn mặt như đã nghe cái mùi khó chịu đó. Lần nào bà nội ăn nó cũng trốn vào toilette. Mỗi lần như vậy ba nó lại bực mình và gia đình lại xào xáo. Hà công nhận đó là một mùi đặc biệt, người thì thấy thơm lừng, kẻ bịt mũi buồn nôn. Còn frômage camembert Hà thích lại làm cả nhà nó lợm giọng chê là mùi… xác chết. Ba nó cấm tiệt không cho tha về nhà bất kỳ loại frômage nào trừ “con bò cười”. Hà thấy mình luôn bị chèn ép. Hà đến quầy trái cây nhiệt đới, sầu riêng đang khuyến mãi nhưng chắc chỉ nên mua thanh long thôi…
- Chào cô!
Hà ngơ ngác nhìn một anh chàng tóc đen trông quen quen. Nó đưa tay đẩy gọng kính suy nghĩ.
- Cô không nhớ tôi sao? - Anh thanh niên nhỏ nhẹ - Ngày nào ở hồ bơi chúng ta cũng gặp nhau.
- À! - Hà la lên ngạc nhiên - Thì ra là anh mấy bữa trước anh không mặc quần áo nên hôm nay nhìn khác quá!
Mấy người mua hàng đang đứng trong bán kính mười mét đều quay nhìn tò mò kẻ “mấy bữa trước không mặc quần áo gì”. Hà biết mình “hố”, anh chàng đỏ mặt lúng búng không nên lời. Hà vơ vội vài trái thanh long rồi nhanh chân chuồn ra quầy thu ngân. Giá đang ở hồ bơi nó đã tàng hình vào làn nước. Lần này anh chàng có vẻ quyết tâm làm quen nên đón đường nó trước cửa siêu thị.
- Cô người gốc nước nào vậy?
- Anh hỏi chi?
- Cùng là người Châu Á, tôi hy vọng chúng ta đồng hương. Tôi đến từ Việt Nam từ mùa thu năm ngoái để du học…
- Tôi quốc tịch Pháp, nhưng ba mẹ tôi người Việt!
Hà thấy rõ nét mặt vui mừng của anh sinh viên. Anh ta gần như đã nhảy lên vì không thất vọng. Trông anh thành thật đến tội nghiệp.
- Chúng ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt nhé! - Vừa đề nghị anh liền thực hiện ngay - Anh thèm nói tiếng mẹ đẻ quá!
Hà vẫn dùng tiếng Pháp, đối với nó đây mới là tiếng mẹ đẻ, nó cho anh sinh viên biết mình sinh ra ở đây nên không có khả năng trao đổi với anh bằng tiếng Việt nhưng nếu anh muốn nó sẽ giới thiệu… bà nội nó cho anh.
- Được! Nhà gần đây không? - Vẫn nói tiếng Việt với Hà, anh sinh viên hồ hởi - Anh tên Hải. Em tên gì? Có tên Việt không?
Hà dẫn Hải về giao phó cho bà nội. Hai người nhớ tiếng Việt cùng nhau nói không hết chuyện. Mẹ Hà đi làm phụ bếp ở nhà hàng về đem theo mấy món đồ xào ế bà chủ cho. Anh Hải được mời ở lại ăn cơm. Anh ăn cật lực làm Hà nấu thêm cơm cho ba nó khuya đi làm ca về. Bà nội hài lòng nghe anh kể từ tám tháng nay chỉ lo học bù đầu làm luận án thạc sĩ nên không có thời giờ để giao tiếp với ai. Thèm món ăn Việt Nam, nhớ tiếng Việt và muốn tìm Việt kiều làm quen nhưng chưa có dịp. Đến mười giờ, ba Hà đi làm nhà Hải vẫn chưa chịu từ giã. Mới nhìn qua mà ba Hà có cảm tình với anh sinh viên cao học ngay. Ba nói có một đề nghị làm Hà rụng rời:
- Ngay ngày mai cháu đến dạy tiếng Việt cho con nhỏ này. Cháu vừa biết tiếng Pháp vừa rành tiếng Việt dạy nó sẽ dễ. Sẵn ký túc xá hè đóng cửa để sữa chữa cháu cứ đến nhà bác ở, khỏi thuê chổ khác làm gì mắc công!
Buổi học đầu tiên làm Hà lo sợ. Không phải nó ngán ông thầy từ trên trời rơi xuống mà sợ ba nó làm to chuyện nếu nó học không tốt.
- Em phải chịu khó nói tiếng Việt - anh Hải mào đầu. Anh biết em hiểu hết nhưng ngại nói vì sợ sai.
Hà bực bội đưa tay sửa gọng kính. Và như thói quen, những lúc thế này tự dưng nó… buồn tiểu. Hà đứng dậy dợm bước.
- Em đi đâu?
- Tôi muốn đi toilette - Hà cương quyết nói bằng tiếng Pháp. - Nói tiếng Việt xem nào! Nếu không tôi không cho đi.
- Con muốn đi đái!
Ông thầy bật cười ngặt nghẽo làm Hà ngơ ngác nhưng nhịn không nổi. Nó vụt chạy đi. Lúc trở vào phòng học vẫn thấy thầy ôm bụng cười khùng khục.
- Tại sao anh cười! - Hà khó chịu hỏi bằng tiếng Pháp - Lần nào tôi nói tiếng Việt cũng có người cười hoặc tức giận.
- Sao em lại xưng “con” với anh? Lại còn nói “đi đái”, nghe không hợp với một cô bé đeo kính cận sáng láng.
Bà nội ở phòng bên nghe ồn ào bèn sang giải quyết. Thầy vỡ lẽ, thì ra Hà chỉ hay gặp người Việt lớn tuổi nên có thói quen xưng "con", với tụi trẻ đồng trang lứa nó dùng tiếng Pháp nói chuyện với nhau cho nhanh. Còn từ "đi đái", quả thật hồi bé thỉnh thoảng ba vẫn gọi nó dậy "đi đái" mà! Thầy biết dạy thế này gay go rất nhiều lần làm gia sư ở Việt Nam. Phải đổi phương pháp, không nên nóng vội, tốt nhất nên thân thiệt với họ trò "mất gốc" đã. Thế là anh nói tiếng Pháp với Hà, đề nghị nó hãy tâm sự về mình để hai người thông hiểu nhau phần nào. Biết nó cũng thật sự muốn giỏi tiếng Việt để làm vui lòng cả nhà nhưng ba nó tánh cộc cằn chỉ thích lớn tiếng mỗi khi nó nói sai, anh Hải tội nghiệp cầm tay nó an ủi. Anh nói mình thông cảm cho hoàn cảnh những đứa trẻ bị hai nền văn hóa xâu xé như Hà. Anh sẽ hết lòng giúp nó, miễn nó coi anh như một người bạn tốt. Những ngày hôm sau tình hình khả quan hơn, học trò đã chịu mở miệng nói chút chút. Nghe Hà ngọng nghịu, giọng lơ lớ, mặt hồi hộp sợ sai thầy vừa nén cười vừa cay mắt. Nhưng khi hai anh em vừa ra khỏi nhà để đến hồ bơi Hà trở nên tự tin và nói tiếng Pháp không cần xin phép. Anh Hải có vẻ thất vọng, thì ra học trò sợ phụ huynh hơn là thầy. Hà cười, hù dọa anh bằng tiếng Việt "ba rọi" của mình:
- "Toa" mà nói lại với ba con, con sẽ đè "toa" xuống đáy hồ đến lúc có những hột nước đi lên cho "toa" chết luôn!
- Em chứ không phải con, bong bóng nổi lên chứ không phải hột nước đi lên! Gọi bằng "anh" chứ không được "toa"…
Học trò không thèm nghe, nó đã búng chân lao vút đi trong làn nước mát để thầy đứng xớ rớ chỗ cạn với đám con nít ồn ào. Thấy lố bịch với cô em Việt kiều, anh chàng lần lần vịn thành hồ tiến ra chỗ sâu. Một lực kéo bất ngờ làm hai "ống sậy" của gia sư nhấc bổng lên. Uống lưng bụng nước chàng sinh viên dở thể thao được Hà kéo vào.
- Em định ám sát tôi để khỏi phải học tiếng Việt nữa phải không? - Nạn nhân tức giận ho sặc sụa - Lần đầu tiên gặp em đã từ trên cầu phi thân đè tôi xuống đáy cầu một lần rồi.
Ngày mai ba Hà lái xe đưa anh Hải ra phi trường Lyon. Anh hứa vài năm sau lại sang để làm luận án tiến sĩ. Khi đó chắc Hà đã nói tiếng Việt rất giỏi và không cần gia sư nữa. Hà biết anh nói thế để khuyến khích chứ nó còn trật nhiều lắm. Mới hồi hôm qua thôi khi bà nội kể chuyện những tên tội phạm mua chuộc cảnh sát, nó thắc mắc: "Sao tụi nó phải mua con chuột của cảnh sát làm gì?". Ba Hà dạo này bớt cục tính, ông nghe lời anh Hải chịu khó học tiếng Pháp. Bởi thật bất công khi trách con gái mất gốc trong khi bản thân mình không hòa nhập được vào xã hội mới sau gần hai năm sinh sống. Đang ăn tiệc tiễn anh Hải về Việt Nam, mẹ Hà làm bể cái chén gây tiếng động trong nhà bếp, nó vào phòng ăn kể với cả nhà: "Cái chén té từ trên bàn xuống" làm thầy xấu hổ đỏ mặt.
Anh kéo nó ra sâu sau trao một món quà nhỏ. Con gấu mập ú ôm trái tim đỏ thật dễ thương.
- Đây là tim của anh, tấm lòng của một người anh dành cho đứa em mình - Anh Hải lí nhí. Hà thắc mắc sao con trai Việt Nam thích ngụy trang tình cảm dưới lốt anh em làm gì - Nhớ đừng có phát âm sai chữ tim thành…
- Biết rồi - Hà đỏ mặt nhớ lần nó kể bà nội bị bệnh "đau chim" làm anh Hải há hốc nhìn nó kinh ngạc. Sau khi cả hai hiểu ra, bật cười đau bụng, đến phiên bà nổi giận hai ngày - Sáng mai em đi học lại, con Natalie phone nói đem từ Việt Nam qua cho em một cái nón lá…
Đêm trở lạnh, những cơn gió mùa thu đã đến đem những chiếc lá vàng đầu tiên lìa cành. Hà nói giọng nuối tiếc một câu tiếng Việt văn chương đến mức làm thầy phải giật mình: "Mùa hè đáng nhớ đã trôi qua…".

Dương Thụy
Một chút !...
 Tìm "đất hứa" , mong đất lành chim đậu,
Nào ngờ đâu biển cả hoá nương dâu !?
Trông vời cố quốc , xa cách lòng đau....
Một lần nữa gia môn sầu ly biệt !!

Ba thế hệ bao thâm tình khôn xiết,
Giờ còn đây "người cũ" với ta thôi....!
Một chút tình thân, chẳng chút đãi bôi,
Mong  ấm áp hai tâm hồn....đau khổ !!
NM 
Tô cháo huyết
 Xe cháo huyết của bà xẩm đó nằm trên vỉa hè phía đối diện với rạp hát Casino Đakao, gần trụ đèn xanh đèn đỏ. Thành ra khi đi về hướng Gia Định, gặp đèn đỏ, ngừng xe lại là thấy nó ngay ở bên tay mặt.
    Hồi mới “giải phóng”, còn chút đỉnh tiền, chiều đi làm về tôi hay tấp vô đó “làm” một tô cháo huyết có kèm theo một dĩa giò-cháo-quẩy cắt khoanh. Không biết có phải tại vì buổi trưa ăn không đủ no thành ra chiều nghe đói sớm hay sao, mà lúc nào tôi cũng thấy cháo huyết của bà xẩm đó thật là ngon !
    Cháo nấu nhừ, huyết cắt vuông thành từng miếng vừa vặn nhỏ để được nằm gọn trong lòng cái muỗng nhôm. Múc một muỗng vừa có cháo vừa có huyết đưa lên môi thổi cho bớt nóng trước khi cho vào miệng, mà nghe thơm phức làm chảy nước miếng. Còn giò-cháo-quẩy cho vào cháo, dù đã được cắt khoanh, nhưng vẫn giử nguyên cái giòn của nó. Cái “béo” của giò-cháo-quẩy làm cho cái “bùi” của cháo càng thêm đậm đà, và cái “giòn” của giò-cháo-quẩy thì thật “ăn rơ” với cái mềm mềm cứng cứng của huyết.
    Lâu lâu, nhai nhằm một sợi gừng làm nồng lên trong miệng, ngon không chê được !Bà xẩm gọi tôi bằng “thầy Hai”. Sau “giải phóng”, từ ngữ cũng đã được đổi thay – cho nó hạp với... tác phong cách mạng – không còn gọi “ông A, bà B” gì nữa. Không còn xưng hô “thầy X, cô Y” gì nữa. Mọi giai tầng xã hội đều được xóa bỏ, mọi chênh lệch tuổi tác hầu như được sang bằng.
    Trong... “xã giao thường thức”, để gọi nhau, người ta chỉ còn dùng có hai từ “anh” và “chị”, vừa ngắn gọn lại vừa... bình đẳng nữa ! Thành ra thấy được xử dụng rất thoải mái và... xả láng ! (Một hôm, một thằng bé cỡ tuổi cháu tôi đã gọi tôi bằng “anh”... ngon lành! Có lẽ trong lòng nó cũng khoái được trịch thượng như vậy. Bởi vì nó biết “thằng chả không làm gì mình được” ! Đổi đời... sướng ở chỗ đó !).   
    Vậy mà bà xẩm vẫn gọi tôi bằng “thầy Hai”, thản nhiên không ngượng nghịu gì hết ! Có lẽ tại thói quen. Cũng như tôi vẫn gọi bả bằng “thím xẩm” chớ không là... “chị xẩm” với tiếng “chị” rất... thời trang từ ngữ ! Mặc dù bây giờ người ta hay nghi ngờ, dè dặt, bà xẩm, đối với tôi, vẫn nói chuyện một cách thật tình cởi mở:
    - Tôi nhớ hồi trước thím đâu có cái xe cháo huyết này.
    - Thầy Hai nói đúng đó. Hồi trước là cái tiệm. Nó nằm sau lưng tôi nè. Hồi đó buôn bán khá lắm, thầy Hai à. Tiệm có bốn năm cái bàn lận.
    - Tôi biết mà. Hồi đó, lâu lâu tôi có chở vợ con lại đây ăn. Tôi ở bên Gia Định, gần xịt hè.
    - Ủa ! Mà hồi đó thầy làm việc ở đâu vậy?
    - Tôi làm trong ngân hàng ở Chợ Cũ. Lái xe đi về trên đường này nên mới biết tiệm của thím đó chớ.
    - Giải phóng rồi thầy cũng còn làm việc ở sở cũ hả?
    - Đâu có ! Mấy ổng đổi tôi xuống làm việc ở nhà máy ve chai Khánh Hội.
    - Cha... Xa quá há ! Đạp xe chắc mệt hả thầy Hai? Bây giờ ai cũng đi xe đạp hết trọi.
    - Rồi cũng quen hà. Ủa? Mà tại sao thím dẹp tiệm đi?
    - Thời buổi khó khăn mà thầy Hai. Giữ chi cái tiệm cho họ để ý. Làm ăn nhỏ nhỏ thôi. Như thiên hạ vậy mà.
    - Rồi mấy đứa con thím đâu? Tôi nhớ hồi đó trong tiệm có mấy đứa...
    - Đi hết rồi. Đi trước giải phóng.
    - Sao thím không đi?
    - Thầy Hai nghĩ coi. Tôi già rồi. Không biết tiếng, không biết chữ. Đi đâu? Còn mồ mả chồng tôi, mồ mả ông già bà già ở đây mà đi đâu? Còn thầy? Sao thầy không đi?
    - Tôi kẹt !Lâu lâu ăn cháo huyết của bà xẩm được một thời gian thì Nhà Nước đổi tiền. Tôi... trở tay không kịp. Vậy là kẹt cứng. Có khi cả tháng không dư được một đồng. Lấy gì ăn cháo huyết? Để tránh... thấy hàng cháo huyết, mới đầu tôi thay đổi lộ trình. Tôi đi ngả cầu sắt, vòng qua chợ Bà Chiểu, xa hơn, hôi hơn ( vì đi ngang chợ cá ) mệt hơn. Được mấy tuần, tôi bỗng nảy ra một sáng kiến ( Nhà Nước đã chẳng dạy: “Ta phải luôn luôn phát huy sáng kiến” à? ). Đó là vẫn đạp xe theo lộ trình cũ. Nhưng khi đến cách đèn xanh đèn đỏ độ vài chục thước, tôi rà thắng, mắt nhìn đèn tuốt ở đằng xa. Nếu là đèn đỏ, tôi bóp thắng ngừng ngay, đợi. Nếu là đèn xanh, tôi cắm đầu phóng nhanh đi thẳng. Thật là... thích thú. Tôi phục... tôi quá chừng !
    Chiều hôm đó, đi làm về, mặc dù bụng đói meo, tôi vẫn áp dụng sáng kiến “canh đèn để vọt” kể trên. Nhưng không hiểu sao đèn đang xang bỗng bật đỏ ngang không qua đèn vàng, khi tôi chỉ còn cách nó có vài thước. Nếu tôi... nhắm mắt chạy luôn, chắc cũng không sao. Đằng này, “bản năng” của một người công dân tốt trong tôi... bóp thắng. Xe đạp lết bánh một khúc rồi ngừng ngay trước xe cháo huyết !Tôi chống chân chờ, mắt nhìn đèn đăm đăm. Bỗng tôi nghe tiếng bà xẩm, giọng niềm nỡ:
    - Thầy Hai ! Thầy Hai à ! Trời ơi sao đâu mất biệt vậy? Vô ăn cháo đi !Tôi làm bộ giật mình rồi nhìn về phía bả, mỉm cười cho... lấy có:
    - Thím mạnh hả?
    Giọng của bà xẩm trở nên ân cần:
    - Vô ăn cháo đi thầy Hai. Lâu quá mà...
    - Tôi không có tiền ! (Tôi đã nói như vậy – dám nói như vậy – một cách thẳng thừng và không chút ngượng nghịu !).
    - Không có sao ! Vô ăn đi ! Chừng nào trả cũng được. Mình quen mà... Thầy Hai !
    Tôi lại nhìn đèn đỏ. Sao nó không xanh cho rồi, để tôi có cớ mà hối hả đạp đi, tránh được cái mùi thơm hấp dẫn của cháo huyết và tránh được lời mời rất thân tình của bà xẩm. Đèn vẫn đỏ ! Như... cố tình đỏ lâu để tôi có thời gian “đấu tranh tư tưởng”: một bên là “cái đói”, kéo thêm “cái thèm”, còn một bên là “cái xấu hổ” của một người chưa quen ăn chịu.
    Tiếng bà xẩm vang lên:
    - Thầy Hai đừng ngại mà... Vô ăn đi rồi mai mốt trả. Không có sao !Lần này, “cái đói” cộng thêm “cái thèm” đã thắng. Tôi nuốt nước miếng, bước xuống xe đạp thì đèn bật xanh. Nhưng trễ rồi. Thằng người hạ cấp trong tôi không còn đếm xỉa gì đến đèn xanh đèn đỏ. Nó chỉ còn thấy có tô cháo huyết ! Nó dẫn xe đạp lên lề khóa xe cẩn thận rồi nó bước lại ngồi lên ghế đẩu trước mặt bà xẩm. Nó còn mỉm cười chào bả một cách rất tự nhiên, không có vẻ gì của một người sắp sửa ăn chịu. Bà xẩm hỏi:
    - Sao lâu quá không thấy thầy Hai vậy?
    Nó nói dóc một cách... gọn ơ:
    - Tôi mắc về dưới tỉnh.
    - Bà con ở dưới cũng mạnh hết hả?
    - Dạ, mạnh.
    Bà xẩm múc cháo, rắc tiêu, rồi đẩy tô cháo đến trước mặt nó:
    - Thầy Hai cứ ăn đi. Chừng nào có tiền trả cũng được, đừng lo !
    Nó nuốt nước miếng, cầm muỗng múc cháo lên đổ cháo xuống cho mau nguội mà mặt mày hớn hở. Rồi nó nhắm mắt, hít từng hơi dài mùi thơm mời mọc, coi giống như một thằng ghiền…
    Giọng bà xẩm ôn tồn:
    - Thời buổi bây giờ, đâu phải ai cũng còn tiền đâu thầy Hai. Hồi trước, làm ăn dễ, có đồng ra đồng vô. Bây giờ, càng ngày càng khó khăn, ai cũng chăm bẵm hết.Ngừng một chút rồi tiếp:
    - Chỗ quen biết, tôi nói thiệt. Thầy Hai cứ tới ăn tự nhiên, đừng ngại. Chừng nào thầy Hai trả cũng được hết. Mình với nhau mà... Phải thông cảm với nhau chớ ! Thầy Hai hiểu tôi không?
    Đến đây, bỗng thằng người hạ cấp trong tôi biến đâu mất ! Để lại tôi ngượng nghịu cúi đầu nhìn tô cháo, chỉ nói lí-nhí được có mấy tiếng “Cám ơn thím. Dạ...”, rồi nín thinh.
    Tô cháo trước mắt tôi bỗng như to hơn, đầy hơn, đậm đà hơn...
    Tôi thấy nó như vậy, và chỉ phải như vậy nó mới tương xứng với lòng tốt của bà xẩm. Và lần này, tôi có cảm tưởng như tôi ăn tô cháo đó chẳng bao giờ cho hết !Tôi cúi đầu húp được vài muỗng thì bà xẩm đẩy tới một dĩa giò-cháo-quẩy. Tôi vội xua tay:
    - Không ! Không ! Tôi không ăn giò-cháo-quẩy đâu thím !
    - Không phải đâu. Đây là tôi cho thầy Hai mà ! Không tính tiền !
    Tôi ngước lên nhìn bà xẩm, dò xét. Bả nhìn tôi, hiền hòa, gật đầu nhè nhẹ như để nói “Thiệt mà ! Ăn đi !”.
    Miếng cháo tôi đang nuốt bỗng nghe như bị nghẹn ngang ở cổ họng, làm tôi ứa nước mắt...
    Tôi không dám nhìn bà xẩm nữa. Tôi nhìn tôi đang cúi đầu húp từng muỗng cháo, trịnh trọng như trong đời tôi lần đầu tiên tôi được ăn món này, món cháo huyết đậm tình người của bà xẩm Đakao...

Tiểu Tử

Thò lò ơi,
Không có rượu sao thò lò quay tít ?
Dẫu ngã nghiêng mong tâm vẫn bình yên,
Thân phận con người , cuộc thế đảo điên.....?
Có dừng lại.. cũng xin đừng .....chỏng gọng !!
NM
 Con Thò Lò
Hồi nhỏ, tôi rất ít được nhận các món đồ chơi. Gia đình tôi khá giả, bố tôi là đại lý độc quyền hãng guốc sơn và guốc mộc khắp miền Nam, có cửa hàng chi nhánh ở Cần Thơ và giao bán khắp các tỉnh miền Tây. Lâu lâu, bố tôi lại tham dự hội chợ triển lãm và được cấp bằng khen Medaille d or hay Medaille d argent treo đầy nhà, có thứ được tặng từ Foire de Phnom Penh, hay Đấu Xảo Hà Nội chẳng hạn. Vậy mà nhớ mua cho tôi một món đồ chơi thì hầu như bố tôi không nghĩ đến.
    Tôi ham đồ chơi lắm nên góp nhặt lon sữa bò tự chế thành những cái xe khi đẩy nó xoay tròn tròn coi cũng ngộ. Lần vớ được con thò lò, tôi thích lắm. Dù không rõ vì sao lại gọi là thò lò, nhưng búng nó quay và nhín nó quay, quay tít suốt ngày, tôi cũng thấy hay hay. Búng thì nó quay, lảo đảo như người say, ngả nghiêng chông chênh, sức chuyển giảm dần rồi đổ ụp xuống, lăn quay ra đó.
    Tôi nhặt lên, búng lại, con thò lò lại quay. Tôi nhẩn nha chơi với nó suốt ngày không thấy chán, dẹp hết mấy cái xe làm bằng lon sữa bò hay các món khác đi. Có một lần mẹ tôi trông thấy tôi búng con thò lò quay tít, bà đứng lại nhìn một đỗi. Xem chừng tôi bị thu hút bởi sức quay của con thò lò, bà ôn tồn hỏi tôi: mày xem vậy mà không thấy chóng mặt sao?
    Tôi bảo: nó quay chứ con có quay theo nó đâu mà chóng mặt. Mẹ tôi cười khểnh phê phán: con nít con nôi tưởng việc gì cũng dễ. Vậy mà rồi có lúc mày sẽ thấy choáng váng đó con. Nói xong mẹ tôi bỏ đi. Tôi cũng không để tâm đến việc ấy.
    Thời gian bẵng đi bao năm tháng, bất chợt cái lần vào quân trường Thủ Đức, những lần cầm súng di hành ra bãi tập, rõ ràng nhìn giữa cái nắng chói chang của vùng Chợ Nhỏ, Linh Xuân Thôn ra bãi 25, hàng người nối đuôi nhau mà ngủ gục lúc nào không biết.
    Ông Đại Đội Trưởng của tôi vốn hết sức cẩn thận, cứ đưa SVSQ ra khỏi cổng là bắt gắn lưỡi lê vào đầu súng. Các đại đội bạn đi ngang đều tủm tỉm cười kháo nhau " đây là lính của ông Phới ". Thực ra tên ông DDT của tôi là Phái, nhưng bạn nhạo đổi thay giọng quảng Ngãi để chọc chúng tôi thôi. Còn anh em chúng tôi thì buồn buồn trong lòng, trường đóng ngay trên ngã ba Xa Lộ Biên Hòa, đi di hành ngay trong thành phố mà làm như đi " oánh giặc ".
    Có lẽ những điều nói hành nói tỏi của tụi tôi thấu đến tai ông cũng nên, vậy nhân một lần tập họp trước khi ra quân, ông đã vừa cảnh cáo vừa giảng giải cho tụi tôi rõ: các anh đừng tưởng mặt trận ở đâu xa, nó lù lù ngay ở trước mặt bất cứ lúc nào. Hơ hỏng là bị thịt đứt đuôi ngay tức khắc. Đã mặc bộ áo trận trên người là coi đã bắt đầu chết ngay từ phút đó rồi, may mắn lắm còn trụ được thêm phút giây nào là ân huệ của trời ban cho, đừng tưởng bở.
    Sau này, gần ngày ra trường để thằng nào thằng ấy cũng đều trở thành " thượng sĩ gân " với chức vụ Trung đội trưởng, chúng tôi mới biết kinh nghiệm chiến trường của ông. Thì ra ông đã một lần hơ hỏng ở Hưng Yên khiến quân số của ông đi đứt gần một nửa nên từ đó ông ân hận vô vàn.
    Lại nữa, khi chiến dịch Mậu Thân nổ ra ngay trong thành phố, tôi càng thấm thía chẳng có tiền tuyến lớn hay hậu phương nhỏ gì hết, chỗ nào cũng có thể mặt trận tất tận. Rồi tháng 4.75, bao nhiêu đô thị, thành phố ùn ùn kéo nhau đi thì quả thật cái chết đang đuổi theo sát nút mọi người.
    Tôi chợt nhớ lại con thò lò và những lời của mẹ. Ôi thôi, ai cũng quay tít, mệt hết thở, quân hồi vô phèng, lính làm thịt lẫn nhau, tệ hại là nhiều thằng hận cá chém thớt nên cứ nhè tìm vợ con sĩ quan để " trả thù dân tộc ". Dạo đó, nhiều người đã nghĩ: thôi kệ, ở lại dù có bị hành vẫn sướng hơn, chứ ra đường cảnh hỗn quân, hỗn quan, đầu không phải lại phải tai thì khốn.
    Nước có nguy mới thấy đâu là tài ba lương đống. Mấy bố phét lác nhanh chân vọt hết cả. Bất nhẫn là lại dối lừa đàn em cho mắc kẹt chết chùm để các bố dông được yên. Đất nước " giải phóng ", quân dân cán chính trải qua những tháng ngày tù cải tạo, thằng nào cũng chửi thượng cấp vung xích chó.
    Chính lúc đó nhìn đâu cũng thấy quay tít như con thò lò. Vợ các ông, bà nào không chịu nổi cảnh hẩm hiu là chập chững tìm một ông cán bộ dựa. Con thò lò quay tít không ngừng, một ngày nào đó anh chồng hết thời khập khiễng về thì nhà đã có chủ mới. Tử tế thì chị vợ cho trú tạm một đêm, quẳng cho cái chiếu nằm chèo queo ở hàng hiên, còn bà thì du dương với anh cán trong chính nhà của mình. Bằng không thì có ngay anh khu vực đến mời đi chơi chỗ khác.
    Con thò lò xem vậy mà có giá trị kinh hồn. Nó quay làm mọi người cũng quay theo, bát nhào bát nhào suốt từ thôn quê thành thị. Tôi mới thấy mẹ tôi tiên đoán cái chuyện ngồi xem con thò lò quay mà bỗng chóng mặt là sao. Cảm thương bà mẹ tội nghiệp đã nhìn xa thấy rộng mà không cưỡng lại được chính số phận của bà.
    Mỗi con người Việt Nam dường như đều có một thời lận đận của mình. Nhất là 20 năm đầu sau ngày "giải phóng ", ôi ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh, không kể đâu cho xiết. Mẹ tôi lẽo đẽo theo tụi con lên kinh tế mới, khều khào với cái cuốc mà nước mắt lưng tròng. Lưng mẹ một ngày một xụm, đến lúc nào đó thì cong tịt thành con tôm luộc. Vậy mà con thò lò vẫn cứ quay, chưa chịu ngưng.
    Phúc mươi đời, sao lại có ngày cả gia đình tôi lại cũng nhau lên phi cơ rời khỏi nước. Mẹ tôi tủm tỉm cười luôn miệng: tao tưởng đâu được một lần đường hoàng lên máy bay ra khỏi mảnh đất đang quay. Tôi thì ứa nước mắt khi phi cơ đảo vòng chót chào phi trường dưới thấp. Tôi tự hỏi mình: hồi nào về.
    Sang tới bên này rồi, con thò lò vẫn bám chặt theo người. Đi đâu cũng thấy cảnh thò lò đua nhau quay vung vít. Ông này đổ lỗi cho bà kia, toàn là đấng đầy tràn trách nhiệm, còn quốc gia ngả nghiêng là tại ai đâu đó. Chao ôi, những con thò lò biết nói và nói hay như khướu. Tôi mệt đầu vì ba cái chuyện lu bu.
    Ước gì tôi còn giữ được con thò lò ngày nào. Một mình, tôi sẽ giở ra búng khi đêm về trên đất khách. Tôi sẽ nghiền ngẫm xem cái trục nào giữ con thò lò đứng vững để quay, chờ khi hết đà thì lăn quay chỏng gọng. Tôi càng phục mẹ tôi mỗi khi cảm thấy cơn chóng mặt vừa lóe ra. Tôi muốn thưa với mẹ: bây giờ con nhức đầu quá.
    Ba mươi mấy năm rồi, những con thò lò vẫn chưa chịu ngừng. Cả bên này lẫn bên kia, những cái búng vẫn đẩy nhanh để khiến những con thò lò giao động. Biết ngày nào những con quay này mới nhận ra thân phận của mình, quay tít âu cũng chỉ là nhất thời rồi sẽ lăn chiêng ra đó?
Đỗ Thành