Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Bánh giá Gò Công Đông


Chợt nhớ...
Chẳng phải quê hương mình,
Sao thân thương gần gũi...
Hai phận đời linh đinh,
Ra đi có buồn tủi !?

Luôn nhớ thân tình xưa,
Trải qua bao gió mưa,
Chùa nay vẫn còn đó..
Độ người qua gió mưa !

Trong thinh không vắng lặng...
Lắng sâu bao nghĩa tình.
Chuông ngân nga thanh thoát.
Dẫn hồn xa u minh  !!
NM
Bánh giá Gò Công Đông 
        Bài viết đầu tiên mở đầu cho phần Du lịch của NamMai 4 là một bài viết về những di tích của Gò Công, nhưng thật là thiếu sót nếu không giới thiệu về món bánh giá được xem là món đặc sản của quê hương nầy....!
        Đây là món quà quê hương tinh thần mà Nam, một người em trai kết nghĩa lúc còn sống Nam thường quảng cáo và tha thiết mời chào hai cô cháu về chơi sẵn dịp thưởng thức món "Bánh giá Gò Công Đông". Nam đặt tên như vậy vì một phần để phân biệt với bánh giá chợ Giồng và bánh giá Gò Công Tây, và cũng vì quán bánh giá nầy cùng ở trên con đường đến nhà Nam thuộc địa phận Gò Công Đông ...
       Thế nhưng hồi đó tôi chỉ được viếng Gò Công hai lần, tất cả hai lần đều đến và đi trong vội vã, lần thứ nhất khi nhà Nam vừa mới cất lại, ăn tân gia vừa đông người, vừa đi về trong ngày cho nên chưa biết quán nơi đâu ? Lần về thứ hai càng buồn hơn vì đó là lần về đưa tiễn Nam ra đi đột ngột !! Đông, anh của Nam cũng ân cần mời hai cô cháu khi nào có dịp về chơi, vợ chồng Đông sẽ chiêu đãi món bánh giá mà Nam vẫn thường nói với Đông mỗi khi về thăm nhà....
         Ngày qua ngày công việc và cuộc sống đã làm cho tôi dường như quên mất những cuộc đi chơi, những lời hứa với Nam rồi với Đông....Bây giờ thì "về hưu", nói cho vui chứ hàng họ càng ngày càng ít đi do kinh tế khó khăn khiến thời gian rảnh rổi nhiều hơn, tuổi tác cũng cao, hai cô cháu bàn nhau đi chơi, ngoài những chuyến đi Sóc Trăng dịp Thanh Minh ra, cô cháu còn đi Sa đéc thăm vườn hoa cảnh, đi Trà Vinh thăm bạn, rồi Cần Thơ.....
        Những chuyến đi như vậy toàn là đi trong ngày và bằng xe gắn máy để có thể ghé bất cứ nơi đâu chụp lại phong cảnh đẹp hay thưởng thức món ăn ngon bình dân đặc biệt của vùng miền địa phương. Nhưng rồi cuối cùng hai cô cháu cũng được thưởng thức món bánh giá Gò Công Đông !
        Trong những lần đi chơi trước hai cô cháu đã thưởng thức bánh giá Hoà Đồng cũng như bánh giá chợ Giồng, nhưng quán bán bánh giá nơi đây hai cô cháu rất thích vì cảnh quang dân dã hai bên đường, cận kề quán là những bạn hàng khác tạo thành nhóm như một cái chợ nhỏ, có rau, thịt, tôm cá và bánh quê đủ thứ như bánh chuối, bánh bò, bánh da lợn, bánh tầm bì...
        Ngoài món bánh giá ra quán còn bán bún thịt nướng mang hương vị riêng của làng quê, đặc biệt bún Gò công rất ráo sợi lớn hơn sợi bún bình thường, kết hợp với rau giá và miếng thịt nướng bằng than thơm lừng hoà với nước mắm ngon đã khiến hai cô cháu lần nào ghé cũng phải ăn cả hai món và mua bánh đem về !!
         Gò Công tương đối gần nên chúng tôi thường xuyên về chơi, ghé quán ăn sáng rồi chạy ngược chiều ra biển Tân Thành hóng gió đến trưa lại quay về. Mấy lúc sau lại bàn nhau đi tìm thăm di tích cổ....Dần dà hai cô cháu trở thành khách thân quen, tôi nói với cháu hay là mình sẽ viết bài phóng sự vui về quán bánh giá nầy của Gò công Đông....? Ti vui vẻ hưởng ứng liền
 
        Chủ quán là bà Tám cũng trạc tuổi tôi, bà cho biết sau năm 75 gia đình làm ăn thua lỗ... Hai vợ chồng bà dọn về đây, lúc đó ông Tám còn sống, ông được một người bạn quen nổi tiếng về bánh giá ở Gò công Tây giúp đỡ truyền dạy cho món bánh giá nầy, rồi cả gia đình họp nhau bán và nhờ đó trở nên khá giả, quán đã hoạt động trên 40 năm, sau khi ông Tám mất bà đã cùng các cô con gái tiếp tục buôn bán....
         Tôi ngỏ ý muốn giới thiệu quán thì bà rất vui vẻ hướng dẫn, quán nằm trên đường đi Gò công Đông. ấp Chợ Bến, xã Bình Ân. Từ trung tâm thị xã Gò công chúng ta tìm Ấp Gò Me, xã Bình Ân , qua khỏi cầu Trần văn Đông chừng 800m là đến quán, quán nằm phía bên tay trái, cùng sinh hoạt quây quần với khu chợ nhóm nhỏ, vì món ăn vừa ngon lại vừa rẻ nên hết rất sớm, có hôm chưa tới 8g sáng đã không còn...Mỗi lần muốn mua bánh đem về Sài gòn làm quà biếu thì chiều hôm trước Ti phải gọi điện thoại dặn trước !
         Bà Tám nói dễ nhất là hỏi tên bà Tám Diễm Ca, đó là tên cô con gái lớn, ở đây ai cũng biết ! Món ngon lại thêm cái tên thật là...thơ !! Ti nói đùa "Nhờ "Diễm Ca" cho nên bán hơn 40 năm vẫn đắt, nếu "Diễm xưa" thì có lẻ dẹp tiệm từ lâu !"
        Bây giờ Bà Tám chuyên ngồi chiên bánh, nướng thịt và phục vụ khách thì hai cô con gái phụ trách, cô bé gái Diễm Ca giờ đã có chồng và có con, bà tâm sự lúc khổ mở quán thì hai vợ chồng còn trẻ cùng nhau làm, con cái hãy còn bé bỏng....Ngồi ngay lò chiên bánh nhưng bà rất vui vẻ, khi blog nầy chưa hoàn tất tôi đã muốn viết nhưng cảm thấy có một điều gì đó không hợp lý, giờ thì có thể viết rồi và viết với một tâm lý thật nhẹ nhàng thoải mái, cũng thầm xin lỗi bà Tám Diễm Ca, có lẻ bà trông đợi khách sẽ đông hơn qua bài viết của một "nữ văn sĩ quèn" như tôi, hay bà lại nghi ngờ tôi muốn bán bánh giá Gò Công Đông ngay tại Sài gòn nầy vì có lần bà hỏi vui như vậy...
        Tôi chỉ có thể về Sóc Trăng dịp Thanh Minh thăm mồ mã ông bà, đi loanh quanh dạo chợ, ghé hàng bánh bía mua làm quà, ăn món bún mắm thân quen, rồi vào chùa nghĩ mệt dưới táng cây sala thưởng thức mùi hương dừa thốt nốt, không biết tại sao chỉ có ở nơi nầy hương thốt nốt thật đậm đà dễ chịu !?...Và chỉ như thế rồi quay về, khác với sự vui vẻ thân tình khi đến Gò Công, có phải vì quê ngoại giờ đây không còn ai để lưu luyến và thăm viếng....?
Bánh giá chợ Giồng
        Mà buồn làm chi bởi vì nơi đâu cũng là quê hương của mình dẫu gần hay xa, cho nên mỗi khi muốn đi chơi xa vừa đủ cho kịp giờ về đi làm là Ti lại rủ về Gò Công, chỉ cần đi ngang qua ngõ vào chùa Thái Bình, hay ngang qua nhà Đông, nhìn vào sân thấy nhà đóng cửa là biết giờ nầy Đông đang chăm sóc đồng ruộng, vợ đi làm và hai con gái đi học...cuộc sống thật bình dị, chỉ xôn xao vào những dịp Xuân về !! Nhưng con đường từ thị xã về đây quanh năm cây cỏ xanh mát, hoa nở bốn mùa thật mát mẻ nên thơ, nhất là những cây sơ ri đầy quả đỏ...
        Trong thâm tâm tôi Gò Công thật là gần gũi, một thứ tình cảm tự nhiên, đằm thắm và mỗi lần có dịp về đây tôi lại bồi hồi nhớ đến Nam, một đứa em trai kết nghĩa nhưng thật chu đáo và thân tình  ...Cũng đã hơn mười năm rồi Nam nhỉ ?
NamMai Phan thị Ngọc Diệp



Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Bếp lửa hồng

(Nhạc Phật giáo)

Bên bếp lửa hồng,

Bên bếp lửa hồng là hình bóng mẹ,
Khoảng không gian ấm áp lẫn yêu thương ....
Bếp ghi bao khổ nhọc cả trăm đường,
Cùng dáng mẹ sớm chiều luôn vất vả !!
NM

Bên bếp lửa hồng
Mẹ tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa, dù anh trai tôi đã trang bị khá đủ đầy cho một gian bếp hiện đại: bếp ga, ấm điện, tủ đựng chén bát…
Chị dâu thường nói: “Bây giờ cuộc sống hiện đại rồi, mẹ không phải tốn thời gian nhen lửa nấu nước, nấu cơm. Mẹ để con làm, chỉ một loáng là xong hết ngay thôi mà”. Tôi hiểu ý tốt của chị dâu. Nhưng tôi cũng không phản đối mẹ. Vì với mẹ, bếp là cả một khoảng không gian ăm ắp nỗi niềm.
Ngày chúng tôi còn nhỏ, ngoài việc ruộng đồng, không gian của mẹ là cái bếp. Mẹ quần quật với bao nhiêu chuyện của nhà nông thời công điểm, vậy mà về nhà, vừa thả đôi quang gánh xuống là mẹ xắn tay vào chuyện bếp núc. Nấu ăn, nấu cháo heo, xắt khoai cho gà… Đêm về là xay lúa, giã gạo, xắt chuối độn thêm cho lũ heo, cứ hở ra là đòi ăn eng éc đến inh tai. Mỗi đêm, khi học bài xong, tôi thường ngồi xem lớp lớp lát chuối cây tròn to ngả ra đều đặn theo từng nhát dao của mẹ. Nhiệm vụ của tôi là dùa phần chuối trồi lên miệng cối mỗi khi mẹ giã. Tôi cũng thường nhìn mẹ và các anh trai giã gạo nhịp chày đôi, chày ba bên ánh lửa bập bùng. Tôi nhớ mùi cám heo thơm lừng mỗi khuya, khi mẹ dùng đôi đũa bếp to khuấy đều cho nồi cám khỏi bị sít. Gian bếp này đã ghi dấu những ngày thơ của tôi, bên sự vất vả tảo tần của mẹ. Là biết bao khốn khó và thương yêu.
Những mùa đông lạnh giá, sau buổi chăn bò ngoài đồng, anh em tôi thường quây quần bên bếp. Những tiếng cười và câu chuyện râm ran. Đứa phụ mẹ nấu cơm, đứa hì hục xâu những trụi cua, trụi cá vừa làm sạch (trụi là thanh tre nhỏ bằng cái que dài khoảng 4-5dm, vót nhọn một đầu, xâu cá cua vào để nướng). Cua thì chỉ cần gỡ yếm, để nguyên vỏ mới dễ trụi. Cá cẩn, cá nhét thì bẻ cong từng con, xâu ngang qua hai phần thân, cá rô chỉ cần xỏ trụi ngang giữa bụng. Mẹ gạt ra một nồi than hồng để chúng tôi vừa sưởi ấm, vừa nướng. Chỉ cần kê hai bên nồi than mấy viên gạch, gác các trụi cua cá vừa xâu lên, vài phút sau, mùi thơm ngậy đã bay khắp nhà. Cá nướng chín, dầm mắm nêm hoặc nướng cho héo, sau đó kho với lá nghệ tươi, lá gừng. Sản vật vô giá này của ruộng đồng, mùa mưa là ngon nhất. Thịt cua, thịt cá đều thơm đượm mà không gắt như mùa nắng. Gương mặt mấy anh em đỏ hồng vì ấm và sung sướng. Hơi ấm của lửa, hay tình cảm gia đình bình dị mà thiêng liêng sưởi ấm tâm hồn những đứa trẻ nhà quê từ thuở bé thơ như thế đó. Niềm vui bên bếp tự nhiên như cỏ cây muôn màu.
Tôi nhớ cái gian bếp đơn sơ mà ấm áp. Nhớ cái kiềng ba chân đặt giữa bếp. Củi được chụm vào từ hai bên. Nấu nướng xong, bao giờ mẹ cũng giụm vào bếp gốc củi thật to, thêm ít trấu để giữ lửa. Góc bàn bếp là ống tre, đựng mấy đôi đũa bếp và ống thổi lửa. Đôi để chắt nước, xới cơm; đôi để khuấy cám heo. Trên một góc bếp, mẹ thường treo chùm bắp giống, nếp giống hoặc quả mướp, quả bầu chín khô. Khói bay lên lâu ngày, quyện vào chúng màu bồ hóng. Chẳng con mọt nào dám tới để ăn những hạt giống đó. Những ảnh hình đơn sơ bỗng một ngày hiện diện trong niềm nhớ, lại trở thành ký ức thiêng liêng.
Nghĩ cũng thật lạ kỳ. Khi phải tất bật với bộn bề cuộc sống; khi nồi cơm điện, bếp ga, bếp từ trở thành vật dụng tiện lợi, con người lại nhận ra: không gì ngon bằng cơm mẹ nấu; cũng không lò nướng nào nướng thơm bằng nồi than! Cái gian bếp cũ kỹ, đơn sơ mà ấm áp vẫn luôn là “một cõi đi về” trong lắng sâu tâm khảm. Cái gian bếp gắn liền với hình bóng người mẹ quê tảo tần là ngọn lửa hồng trìu mến, bình yên.
Nguyễn thị Diệu Hiền
 Chái bếp của Ngoại
Nhớ bếp cũ, gian nhà sau của ngoại,
Bao thân thương, bao kỹ niệm trong lòng...
Xa giờ xa nào cách trở ngăn sông ?
Con có đến cũng không còn có ngoại !!

Hình ảnh xưa đơn sơ sao nhớ mãi ?
Khói chiều vươn trên mái lá ngày mưa.
Trong đêm dài khắc khoải kể chuyện xưa...
Cùng tiếng võng đong đưa buồn não nuột !!
NM

      Chái bếp hạnh phúc

Ông bà Tư về quê sống trong căn nhà lợp tôn cùng mảnh vườn nhỏ, tới nay đã gần hai mươi năm. Con cái có gia đình riêng, lập nghiệp xa. Chỉ cô con gái út có chồng gần, tới lui thăm viếng thường xuyên. Thấy cha mẹ hàng ngày phải tự lo chuyện bếp núc, Vân ái ngại bàn:
– Hay mỗi trưa chiều con kêu tụi nhỏ đem cơm cho ba má, xe máy chạy chừng mười lăm phút là tới…
Bà Tư cười lắc đầu. Ông nhìn bà rồi cười theo:
– Ba má già ăn uống bao nhiêu, cá ao rau vườn, làm chút xíu là xong. Được mà con!
Vài bữa sau, Vân kêu thợ đến làm cái khuôn bếp gọn gàng, đặt bếp gas, gắn móc xoong nồi tươm tất. Thấy chuyện đã rồi và không muốn làm con buồn nên ông bà Tư im lặng. Chừng Vân gọi chở bình gas thì ông ngăn lại:
– Khoan con! Ba má quen dùng cái chái bếp sau hè rồi, vật dụng để lung tung vậy mà… dễ coi hơn!
– Nhưng nó nhỏ quá, hơi bất tiện sinh hoạt…
Ông Tư nói như để hài hòa với con gái phần nào:
– Ba má biết ý con, mà thôi… sẵn có thợ con kêu họ cơi nới cái bếp cũ rộng một chút là thuận tiện. Nói thiệt, như vậy ba má vui hơn!
Chìu ý cha, Vân làm theo lời. Trong bếp, bà Tư lấy gạch sắp khít làm chỗ để mắm muối tiêu hành… vừa tầm tay. Kê ông táo cũng là gạch chồng lên nhau, một ít bẹ dừa, củi khô chặt ngay ngắn để xa xa, che bằng tấm thiếc. Nắng trưa, nắng chiều chỉ loang lổ trên mái lá, bởi được che bằng hàng dừa bên bờ ao và mấy bụi chuối già, chuối hột. Ông Tư lấy võng buộc một đầu vào thân ổi, đầu kia buộc vào thân chuối hột. Đang ngồi ướm thử thì bà Tư ra kêu lên:
– Trời đất! Hết chỗ cột võng sao ông cột vô cây chuối? Thử hỏi ai lấy dây cột vô mình ông rồi lắc, rồi đưa thì…
Như cảm thấy lỡ lời, bà dừng lại. Ông cười xòa, tháo dây võng cột chỗ khác, chống chế:
– Bà nói phải, nhưng tôi nhẹ hều, nhúc nhích chi cây chuối! Mai tôi mua thêm cái võng nữa, giăng kế bên nghen bà!
Bà Tư hứ một tiếng, làm mặt nghiêm:
– Già rồi mà ông ăn nói kỳ cục, hổng sợ đám nhỏ nghe được nó cười…
Nhún nhún cái võng, ông nhìn bà:
– Ủa vậy hả? tôi đâu có biết…

– Giả ngộ hoài! ông làm ơn hạ thấp võng xuống cách đất hơn gang tay thôi, treo cao lỡ có bề gì chắc một mình tôi…
Bỏ lửng câu nói, bà Tư bước nhanh vô nhà…

Khuya nào cũng vậy, độ 4 giờ sáng là ông Tư thức ra chái bếp, cố nhẹ nhàng tránh làm bà mất giấc. Ở đó ông sẵn bếp lò, nhóm lửa bắc ấm nước, rửa mặt xong trở vào là nước sôi. Thong thả sức bình, bỏ trà, châm nước, ông Tư ngồi hơ ấm đôi tay rồi tựa vách uống chén trà thơm đầy hương vị đầu ngày. Trời hừng đông, ông xách giỏ đục lần ra mé rạch thăm tay lưới giăng lúc chiều tối. Vừa kéo nhẹ lưới là ông có thể ước lượng bữa nay “trúng” nhiều hay ít. Cá bống cát, cá phi sông… dính lưới khi thì mươi con, kém cũng vài ba con, có khi còn được cua; bấy nhiêu dư sức ông bà ăn trong ngày. Cũng do ông thích mà giăng chơi, chớ ao nhà thiếu chi cá. Ông Tư thường giành xuống bếp thay bà, lúc canh chua bắp chuối, cá kho, lúc cá chiên dầm nước mắm, rau luộc. Nhiều lần ông nói với bà: “Mình có phước, thời trẻ làm lụng vất vả, giờ được vầy là hạnh phúc lắm, cần gì phải bon chen, tìm kiếm xa xôi. Phải biết tận hưởng cuộc sống, tận hưởng những gì mình có bằng sự chính đáng…”. Bà gật gật đầu khiến ông rất hài lòng vì có người đồng tình, hiểu bụng mình…
Xách giỏ cá vào, đang rửa tay thì bà Tư lò dò ra, lên võng nằm. Ông cũng lại võng kề bên ngồi đốt thuốc hút. Mới được mấy hơi, bà lên tiếng:
– Hồi khuya tôi nghe ông ho… Hút thuốc nhiều nóng phổi rồi dậy sớm phải hông?
Câu nói của bà làm ông sặc nhẹ. Dập tắt thuốc, ông thấp giọng:
– Ờ… tôi nghe bà, từ giờ bớt lại!
Hai người im lặng, hướng mắt qua bên kia con lộ. Mặt trời lên dần, ánh hồng lấp ló xuyên bụi tre cao cao đầu xóm…
***
… Ông bà Tư mất cách nhau vừa đầy năm. Ngày cúng thất bà Tư, chú Hai hàng xóm buồn buồn nói với Vân: “Như chim liền cánh, như cây liền cành. Hai ông bà như hai cái cây đan xen nhau, một cây khô rễ thì cây kia tủi thân, rầu lòng lắm cháu ơi. Phần số là của cha mẹ, còn tụi cháu lo mồ mả vậy cũng báo hiếu vẹn toàn!”.
Cúng xong, Vân cùng mấy đứa em ra thăm chái bếp. Tất cả vật dụng còn y nguyên, ngăn nắp, khác là vắng bóng chủ nhân. Chừng nhìn hai cái võng sát bên, hơi lắc lư theo gió, không dằn lòng được Vân ngồi thụp xuống ôm lấy cả hai cái võng như còn hơi hướm thương yêu mà khóc nức nở. Chen lẫn trong tiếng khóc của những đứa con, thấp thoáng niềm hạnh phúc tâm linh, điểm sáng đời người…
Nguyễn Kim

Mẹ và bếp lửa hồng,
Bếp lửa hồng như tấm lòng của mẹ,
Luôn bao dung ấm áp lẫn chở che...
Lặng lẽ hy sinh, cô độc lúc đêm về,
Mẹ thầm lặng như bà tiên trong cổ tích
NM

Mẹ và bếp lửa

Đi qua mưa nắng tháng ngày, có những thứ đổi thay, có những điều không tồn tại nữa. Trong tổ ấm gia đình, theo thời gian, con cái sẽ lớn lên và xa dần căn nhà nhỏ tuổi thơ để bay ra với trời rộng bao la của tương lai, mơ ước. Còn cha mẹ tóc sẽ thay màu, vai thêm gánh nặng thời gian, nhiều thêm tuổi tác… Có những thứ sẽ thành nạn nhân của bụi thời gian mờ phủ, nhưng có những điều không bao giờ thay đổi. Như quê hương bao đời, mẹ và bếp lửa sẽ cứ mãi còn, vững bền và yêu thương nồng đượm như từ thuở ban sơ…

Mẹ và bếp lửa, đó là sự ấm áp vô cùng. Trong những ngày giông bão, trong những lúc yếu lòng, những khi thấm mệt, khi cần một bàn tay, một hơi ấm, con người biết tìm đâu một nơi an ủi, chở che, nơi mà mình có thể khóc vỡ òa cho quên hết mọi phiền muộn, ngoài việc chạy về với mẹ bên bếp lửa hồng. Những khi vấp ngã trên đường đời, những lúc bạn bè lánh xa, ghẻ lạnh, những lúc cô đơn và hụt hẫng, cần một nơi sưởi ấm, vỗ về để thôi thấy lòng mỏi mệt, cũng bếp lửa than nồng  và mẹ hiền bao dung sẽ luôn mở rộng vòng tay chờ đón ta về. Trên hành trình của kiếp người vô thường, ta đi trong bao khó nhọc và đôi lúc không còn phương hướng, ta lạc mất đường về, ta sẽ nghĩ về ai ngoài mẹ và “bếp lửa ấp iu nồng đượm” nơi quê nhà thân quen…

Mẹ và bếp lửa, đó là nơi ấp ủ niềm tin yêu, ước mơ và hy vọng. Bếp lửa có thể tắt nhưng ngọn lửa không tàn, ẩn sâu trong lòng là tro ấm và hòn than le lói, lửa vẫn âm ỉ cho ngày bùng lên một đốm nồng nàn. Mẹ có thể bên ta, ở cách xa ta nhưng niềm tin, nghị lực từ mẹ đâu dễ gì mất đi trong ta. Bên ánh lửa bập bùng cháy ngời lên bao tin yêu, khát vọng, ta đi qua tuổi thơ bằng những câu chuyện cổ tích ở hiền gặp lành, sống chân thành và phấn đấu vươn lên sẽ được đền đáp mẹ kể đêm đêm. Có chàng Thạch Sanh thật thà dũng cảm được lòng công chúa, có người em hiền lành được vàng đầy túi ba gang. Có cả chính ta là cổ tích ngày mai của mẹ. Bên bếp lửa âm ỉ niềm tin dai dẳng, ấm nóng hoài những nghị lực bền bỉ, lời dạy dỗ, tâm tình của mẹ là hành trang đơn sơ mà có sức mạnh lớn lao cho ta vào đời. Bếp lửa muôn  đời vẫn không tắt, qua các thế hệ nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai. Đi hết cuộc đời, mẹ vẫn luôn kỳ vọng vào con, là động lực, nguồn động viên cho con vươn tới làm thành lý tưởng khát khao, cũng là bến đỗ, là nơi quay về cho con sau những chặng đường dài vất vả. Còn điều gì bền bỉ trường tồn như lửa, có niềm tin yêu, kỳ vọng nào bền chặt như của mẹ hiền…

Mẹ và bếp lửa, đó còn là lòng nhân từ, hy sinh và tha thứ. Bếp lửa thuần khiết, có thể thiêu cháy hết mọi nhơ nhớp. Mẹ nhân từ có thể xóa sạch mọi tội lỗi trong con. Bếp lửa thầm lặng có thể nhận cho mình mọi thứ dù chẳng tốt đẹp gì và làm tròn sứ mệnh đem lại ánh sáng, hơi ấm cho đời. Con dù có đối đãi với mẹ thế nào, mẹ bao dung vẫn sẵn lòng chấp nhận, thứ tha mà không oán trách nửa lời, miễn sao con sống vui tươi, hạnh phúc. Trong thần thoại Hy Lạp, lửa từ bỏ địa vị thiêng liêng thần thánh trên chốn thiên đình của mình theo thần Prometheus xuống trần giới làm bạn với con người và đưa họ ra khỏi tối tăm. Trong cuộc đời, mẹ nhân từ có thể từ bỏ tất cả vì con, ấy là những trang cổ tích nhiệm mầu giữa đời thường đó thôi…

Ta nhớ mẹ và bếp lửa tuổi thơ biết mấy. Nhớ những chiều mùa đông mây sầu giăng kín lối, ta ngồi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa bên bếp lửa tí tách mùi hương nồng nàn củi khô, củi mục. Nhớ những ngày tháng mười mưa dầm lạnh lẽo, ngồi bên mẹ ăn củ khoai nướng nghe chuyện bìm bịp kêu nước lớn nước ròng ngoài sông đang lên. Ta đi qua tuổi thơ khổ nghèo bằng chiếc bánh  ú sắn mẹ nấu, cái bánh xèo mẹ đúc đơn sơ mà ấm lòng bên bếp lửa cháy rơm đượm mùi đồng quê bùn rạ. Ta nhớ những lần trái gió trở trời, mẹ ta đau lưng nhức mỏi, ta lại ngồi đấm bóp cho người mà nghe bếp lửa thao thức. Nhớ những lần đau ốm, mẹ lại ngồi hơ lửa xoa bụng cho ta. Cả một đời lặng lẽ, mẹ âm thầm nhen nhóm cho bếp lửa cháy nồng, lo lắng, săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ con thơ. Rồi khi ta chìm vào sâu giấc ngủ tuổi thơ vô tư đến nhanh như cơn gió thoảng nhẹ, mẹ lại ngồi bên bếp lửa đến tận đêm khuya may áo kiếm thêm vài đồng cho con chiếc áo mới ngày mai đến trường.

Có những điều vĩ đại mà quá đỗi đơn sơ, có những điều thân thương nên hóa đời thường, gần gũi bên ta mà đôi khi ta không nhận thấy. Ta có những bữa ăn ngon, những giờ phút ấm áp mùa đông nhưng mấy khi ta nghĩ về bếp lửa. Mẹ cho ta tất cả, nhưng lắm lúc ta quên mất mẹ già, có nhiều khi ta dành thời gian cho những điều vô bổ còn nhiều hơn mẹ. Nhưng quản chi cuộc đời mưa nắng đổi thay, tính toán chi lòng con đôi khi hờ hững, mẹ vẫn sẵn lòng thứ tha, hy vọng mà che chở cho con đi qua giông tố cuộc đời. Mẹ và bếp lửa vẫn ấm áp yêu thương, chan chứa tin yêu, nồng đượm hy vọng, lặng lẽ hy sinh và sẵn lòng tha thứ. Mẹ và bếp lửa yêu thương nơi quê nhà là hình bóng quê hương bên ta trong những khó khăn, hoạn nạn, là bến đỗ quay về cho ta sau những vất vã, nhọc nhằn. Bởi qua bao thời đại, lửa vẫn ở mãi với con người, còn mẹ, “đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…”

ST