Bên bếp lửa hồng,
Chái bếp hạnh phúc
Ông bà Tư về quê sống trong căn nhà lợp tôn cùng mảnh vườn nhỏ, tới nay đã gần hai mươi năm. Con cái có gia đình riêng, lập nghiệp xa. Chỉ cô con gái út có chồng gần, tới lui thăm viếng thường xuyên. Thấy cha mẹ hàng ngày phải tự lo chuyện bếp núc, Vân ái ngại bàn:
– Hay mỗi trưa chiều con kêu tụi nhỏ đem cơm cho ba má, xe máy chạy chừng mười lăm phút là tới…
Bà Tư cười lắc đầu. Ông nhìn bà rồi cười theo:
– Ba má già ăn uống bao nhiêu, cá ao rau vườn, làm chút xíu là xong. Được mà con!
Vài bữa sau, Vân kêu thợ đến làm cái khuôn bếp gọn gàng, đặt bếp gas, gắn móc xoong nồi tươm tất. Thấy chuyện đã rồi và không muốn làm con buồn nên ông bà Tư im lặng. Chừng Vân gọi chở bình gas thì ông ngăn lại:
– Khoan con! Ba má quen dùng cái chái bếp sau hè rồi, vật dụng để lung tung vậy mà… dễ coi hơn!
– Nhưng nó nhỏ quá, hơi bất tiện sinh hoạt…
Ông Tư nói như để hài hòa với con gái phần nào:
– Ba má biết ý con, mà thôi… sẵn có thợ con kêu họ cơi nới cái bếp cũ rộng một chút là thuận tiện. Nói thiệt, như vậy ba má vui hơn!
Chìu ý cha, Vân làm theo lời. Trong bếp, bà Tư lấy gạch sắp khít làm chỗ để mắm muối tiêu hành… vừa tầm tay. Kê ông táo cũng là gạch chồng lên nhau, một ít bẹ dừa, củi khô chặt ngay ngắn để xa xa, che bằng tấm thiếc. Nắng trưa, nắng chiều chỉ loang lổ trên mái lá, bởi được che bằng hàng dừa bên bờ ao và mấy bụi chuối già, chuối hột. Ông Tư lấy võng buộc một đầu vào thân ổi, đầu kia buộc vào thân chuối hột. Đang ngồi ướm thử thì bà Tư ra kêu lên:
– Trời đất! Hết chỗ cột võng sao ông cột vô cây chuối? Thử hỏi ai lấy dây cột vô mình ông rồi lắc, rồi đưa thì…
Như cảm thấy lỡ lời, bà dừng lại. Ông cười xòa, tháo dây võng cột chỗ khác, chống chế:
– Bà nói phải, nhưng tôi nhẹ hều, nhúc nhích chi cây chuối! Mai tôi mua thêm cái võng nữa, giăng kế bên nghen bà!
Bà Tư hứ một tiếng, làm mặt nghiêm:
– Già rồi mà ông ăn nói kỳ cục, hổng sợ đám nhỏ nghe được nó cười…
Nhún nhún cái võng, ông nhìn bà:
– Ủa vậy hả? tôi đâu có biết…
– Giả ngộ hoài! ông làm ơn hạ thấp võng xuống cách đất hơn gang tay thôi, treo cao lỡ có bề gì chắc một mình tôi…
Bỏ lửng câu nói, bà Tư bước nhanh vô nhà…
Khuya nào cũng vậy, độ 4 giờ sáng là ông Tư thức ra chái bếp, cố nhẹ nhàng tránh làm bà mất giấc. Ở đó ông sẵn bếp lò, nhóm lửa bắc ấm nước, rửa mặt xong trở vào là nước sôi. Thong thả sức bình, bỏ trà, châm nước, ông Tư ngồi hơ ấm đôi tay rồi tựa vách uống chén trà thơm đầy hương vị đầu ngày. Trời hừng đông, ông xách giỏ đục lần ra mé rạch thăm tay lưới giăng lúc chiều tối. Vừa kéo nhẹ lưới là ông có thể ước lượng bữa nay “trúng” nhiều hay ít. Cá bống cát, cá phi sông… dính lưới khi thì mươi con, kém cũng vài ba con, có khi còn được cua; bấy nhiêu dư sức ông bà ăn trong ngày. Cũng do ông thích mà giăng chơi, chớ ao nhà thiếu chi cá. Ông Tư thường giành xuống bếp thay bà, lúc canh chua bắp chuối, cá kho, lúc cá chiên dầm nước mắm, rau luộc. Nhiều lần ông nói với bà: “Mình có phước, thời trẻ làm lụng vất vả, giờ được vầy là hạnh phúc lắm, cần gì phải bon chen, tìm kiếm xa xôi. Phải biết tận hưởng cuộc sống, tận hưởng những gì mình có bằng sự chính đáng…”. Bà gật gật đầu khiến ông rất hài lòng vì có người đồng tình, hiểu bụng mình…
Xách giỏ cá vào, đang rửa tay thì bà Tư lò dò ra, lên võng nằm. Ông cũng lại võng kề bên ngồi đốt thuốc hút. Mới được mấy hơi, bà lên tiếng:
– Hồi khuya tôi nghe ông ho… Hút thuốc nhiều nóng phổi rồi dậy sớm phải hông?
Câu nói của bà làm ông sặc nhẹ. Dập tắt thuốc, ông thấp giọng:
– Ờ… tôi nghe bà, từ giờ bớt lại!
Hai người im lặng, hướng mắt qua bên kia con lộ. Mặt trời lên dần, ánh hồng lấp ló xuyên bụi tre cao cao đầu xóm…
***
… Ông bà Tư mất cách nhau vừa đầy năm. Ngày cúng thất bà Tư, chú Hai hàng xóm buồn buồn nói với Vân: “Như chim liền cánh, như cây liền cành. Hai ông bà như hai cái cây đan xen nhau, một cây khô rễ thì cây kia tủi thân, rầu lòng lắm cháu ơi. Phần số là của cha mẹ, còn tụi cháu lo mồ mả vậy cũng báo hiếu vẹn toàn!”.
Cúng xong, Vân cùng mấy đứa em ra thăm chái bếp. Tất cả vật dụng còn y nguyên, ngăn nắp, khác là vắng bóng chủ nhân. Chừng nhìn hai cái võng sát bên, hơi lắc lư theo gió, không dằn lòng được Vân ngồi thụp xuống ôm lấy cả hai cái võng như còn hơi hướm thương yêu mà khóc nức nở. Chen lẫn trong tiếng khóc của những đứa con, thấp thoáng niềm hạnh phúc tâm linh, điểm sáng đời người…
Nguyễn Kim
Mẹ và bếp lửa
Đi qua mưa nắng tháng ngày, có những thứ đổi thay, có những điều không tồn tại nữa. Trong tổ ấm gia đình, theo thời gian, con cái sẽ lớn lên và xa dần căn nhà nhỏ tuổi thơ để bay ra với trời rộng bao la của tương lai, mơ ước. Còn cha mẹ tóc sẽ thay màu, vai thêm gánh nặng thời gian, nhiều thêm tuổi tác… Có những thứ sẽ thành nạn nhân của bụi thời gian mờ phủ, nhưng có những điều không bao giờ thay đổi. Như quê hương bao đời, mẹ và bếp lửa sẽ cứ mãi còn, vững bền và yêu thương nồng đượm như từ thuở ban sơ…
Mẹ và bếp lửa, đó là sự ấm áp vô cùng. Trong những ngày giông bão, trong những lúc yếu lòng, những khi thấm mệt, khi cần một bàn tay, một hơi ấm, con người biết tìm đâu một nơi an ủi, chở che, nơi mà mình có thể khóc vỡ òa cho quên hết mọi phiền muộn, ngoài việc chạy về với mẹ bên bếp lửa hồng. Những khi vấp ngã trên đường đời, những lúc bạn bè lánh xa, ghẻ lạnh, những lúc cô đơn và hụt hẫng, cần một nơi sưởi ấm, vỗ về để thôi thấy lòng mỏi mệt, cũng bếp lửa than nồng và mẹ hiền bao dung sẽ luôn mở rộng vòng tay chờ đón ta về. Trên hành trình của kiếp người vô thường, ta đi trong bao khó nhọc và đôi lúc không còn phương hướng, ta lạc mất đường về, ta sẽ nghĩ về ai ngoài mẹ và “bếp lửa ấp iu nồng đượm” nơi quê nhà thân quen…
Mẹ và bếp lửa, đó là nơi ấp ủ niềm tin yêu, ước mơ và hy vọng. Bếp lửa có thể tắt nhưng ngọn lửa không tàn, ẩn sâu trong lòng là tro ấm và hòn than le lói, lửa vẫn âm ỉ cho ngày bùng lên một đốm nồng nàn. Mẹ có thể bên ta, ở cách xa ta nhưng niềm tin, nghị lực từ mẹ đâu dễ gì mất đi trong ta. Bên ánh lửa bập bùng cháy ngời lên bao tin yêu, khát vọng, ta đi qua tuổi thơ bằng những câu chuyện cổ tích ở hiền gặp lành, sống chân thành và phấn đấu vươn lên sẽ được đền đáp mẹ kể đêm đêm. Có chàng Thạch Sanh thật thà dũng cảm được lòng công chúa, có người em hiền lành được vàng đầy túi ba gang. Có cả chính ta là cổ tích ngày mai của mẹ. Bên bếp lửa âm ỉ niềm tin dai dẳng, ấm nóng hoài những nghị lực bền bỉ, lời dạy dỗ, tâm tình của mẹ là hành trang đơn sơ mà có sức mạnh lớn lao cho ta vào đời. Bếp lửa muôn đời vẫn không tắt, qua các thế hệ nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai. Đi hết cuộc đời, mẹ vẫn luôn kỳ vọng vào con, là động lực, nguồn động viên cho con vươn tới làm thành lý tưởng khát khao, cũng là bến đỗ, là nơi quay về cho con sau những chặng đường dài vất vả. Còn điều gì bền bỉ trường tồn như lửa, có niềm tin yêu, kỳ vọng nào bền chặt như của mẹ hiền…
Mẹ và bếp lửa, đó còn là lòng nhân từ, hy sinh và tha thứ. Bếp lửa thuần khiết, có thể thiêu cháy hết mọi nhơ nhớp. Mẹ nhân từ có thể xóa sạch mọi tội lỗi trong con. Bếp lửa thầm lặng có thể nhận cho mình mọi thứ dù chẳng tốt đẹp gì và làm tròn sứ mệnh đem lại ánh sáng, hơi ấm cho đời. Con dù có đối đãi với mẹ thế nào, mẹ bao dung vẫn sẵn lòng chấp nhận, thứ tha mà không oán trách nửa lời, miễn sao con sống vui tươi, hạnh phúc. Trong thần thoại Hy Lạp, lửa từ bỏ địa vị thiêng liêng thần thánh trên chốn thiên đình của mình theo thần Prometheus xuống trần giới làm bạn với con người và đưa họ ra khỏi tối tăm. Trong cuộc đời, mẹ nhân từ có thể từ bỏ tất cả vì con, ấy là những trang cổ tích nhiệm mầu giữa đời thường đó thôi…
Ta nhớ mẹ và bếp lửa tuổi thơ biết mấy. Nhớ những chiều mùa đông mây sầu giăng kín lối, ta ngồi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa bên bếp lửa tí tách mùi hương nồng nàn củi khô, củi mục. Nhớ những ngày tháng mười mưa dầm lạnh lẽo, ngồi bên mẹ ăn củ khoai nướng nghe chuyện bìm bịp kêu nước lớn nước ròng ngoài sông đang lên. Ta đi qua tuổi thơ khổ nghèo bằng chiếc bánh ú sắn mẹ nấu, cái bánh xèo mẹ đúc đơn sơ mà ấm lòng bên bếp lửa cháy rơm đượm mùi đồng quê bùn rạ. Ta nhớ những lần trái gió trở trời, mẹ ta đau lưng nhức mỏi, ta lại ngồi đấm bóp cho người mà nghe bếp lửa thao thức. Nhớ những lần đau ốm, mẹ lại ngồi hơ lửa xoa bụng cho ta. Cả một đời lặng lẽ, mẹ âm thầm nhen nhóm cho bếp lửa cháy nồng, lo lắng, săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ con thơ. Rồi khi ta chìm vào sâu giấc ngủ tuổi thơ vô tư đến nhanh như cơn gió thoảng nhẹ, mẹ lại ngồi bên bếp lửa đến tận đêm khuya may áo kiếm thêm vài đồng cho con chiếc áo mới ngày mai đến trường.
Có những điều vĩ đại mà quá đỗi đơn sơ, có những điều thân thương nên hóa đời thường, gần gũi bên ta mà đôi khi ta không nhận thấy. Ta có những bữa ăn ngon, những giờ phút ấm áp mùa đông nhưng mấy khi ta nghĩ về bếp lửa. Mẹ cho ta tất cả, nhưng lắm lúc ta quên mất mẹ già, có nhiều khi ta dành thời gian cho những điều vô bổ còn nhiều hơn mẹ. Nhưng quản chi cuộc đời mưa nắng đổi thay, tính toán chi lòng con đôi khi hờ hững, mẹ vẫn sẵn lòng thứ tha, hy vọng mà che chở cho con đi qua giông tố cuộc đời. Mẹ và bếp lửa vẫn ấm áp yêu thương, chan chứa tin yêu, nồng đượm hy vọng, lặng lẽ hy sinh và sẵn lòng tha thứ. Mẹ và bếp lửa yêu thương nơi quê nhà là hình bóng quê hương bên ta trong những khó khăn, hoạn nạn, là bến đỗ quay về cho ta sau những vất vã, nhọc nhằn. Bởi qua bao thời đại, lửa vẫn ở mãi với con người, còn mẹ, “đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…”
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét