Đây dấu tích xưa,
Dấu tích ngàn xưa chẳng nhạt phai,
Người đi như thể cánh chim bay....
Để bao thương nhớ cho người ở,
Chốn cũ giờ đây ai khóc vay ?
Ngàn hoa tô điểm thêm hương sắc,
Một thuở tình yêu thuở đắm say...
Giờ chỉ dư âm lưu phố cổ,
Người tình xưa ấy cũng chia tay !!
NM
Nguồn gốc địa danh Sa Đéc
(Nguồn: “Tìm hiểu nguồn gốc Địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết” của Nguyễn Hữu Hiếu)
Sa Đéc ngày nay là một trong hai thị xã của tỉnh Đồng Tháp
Hai tiếng Sa Đéc có lẽ xuất phát từ âm của tiếng Phsa ădek của người Khmer hạ, một vị thủy thần gốc Khmer. Trong sách Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt, phần Tự quán (trang 38-39), có chép:“Chùa Tô Sơn ở địa phận thôn Hưng Nhượng, huyện Hà Dương (tỉnh An Giang), phía tây núi có viên đá hình con rùa. Người xưa truyền rằng: gặp khi trời hạn thì đến đấy cầu đảo ắt có được mưa, thổ nhơn bèn lập đền ở chân núi để thờ, gọi là Sa Đéc (tức là Thủy thần)”.
Trong khi đó trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện sau:
Ngày xưa ở đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu), có một tên chúa đất họ Thạch, vừa giàu có, vừa hung ác. Đất đai cò bay thẳng cánh, con thỏ, con nai ở trong rừng; con cá, con tôm ở dưới sông, con chim ở trên trời… tất cả đều là của họ Thạch. Ai hái, bắt thứ gì mà không nộp một nửa hoa lợi thì đừng hòng thoát khỏi tay y. Đám thuộc hạ của y làm tai mắt ở khắp nơi.
Chúa đất họ Thạch giàu có như vậy mà chỉ có mỗi một mụn con gái. Tên nàng là Phsa-dek, xinh đẹp, tính tình nhân hậu hoàn toàn khác cha. Một hôm, nàng dùng ghe lườn cùng nàng hầu rong chơi trên sông Tiền, chẳng may gặp mưa to gió lớn, ghe bị chìm. Trong lúc chủ tớ đang loai ngoai chờ chết, bỗng đâu có một thanh niên lao xuống cứu được cả hai.Chàng trai nọ đưa hai người về chòi của mình chăm sóc. Khi tỉnh lại, hai người trò chuyện mỗi lúc mỗi thân mật, gắn bó. Nàng hỏi:
- Chàng đang ở trên đất của ai, chàng biết không?
- Biết chớ, toàn vùng này đều là đất của chúa đất họ Thạch ai mà không biết.
- Chàng không sợ ông ta à?
- Có gì mà phải sợ. Tôi từ phương xa tới đây, đất đai, sông nước là của trời sinh, chỗ nào thích là tôi ở. Ông Thạch đâu có sinh ra đất này hoặc khai khẩn gì đâu mà nói là của ổng.
Phsa-dek không cho chàng biết mình là con gái của chúa đất. Từ đó hai người thường lén lút gặp nhau. Bọn thuộc hạ cho tên chúa đất biết chuyện này. Lập tức hắn nhốt nàng lại và lệnh cho tìm bắt chàng trai nọ cho kỳ được. Bọn thủ hạ truy lùng chàng trai, chàng nhanh chân thoát được, nhưng trúng phải tên độc. Tưởng chàng đã chết, chúng bỏ đi. Nhưng may mắn, chàng được một người đi rừng tình cờ cứu sống. Chàng giữ lại mũi tên có khắc chữ Thạch để mưu tính chuyện trả thù.Ngày nọ, chàng đột nhập vào dinh cơ tên chúa đất, đốt phá cho đã, rồi bắt hắn mang đi. Bỗng Phsa-dek thấy được, tri hô lên. Đám thuộc hạ ùa tới giải vây cho chủ. Chàng trai quá đỗi sững sờ, ngạc nhiên khi thấy nàng ở đây. Lợi dụng giây phút đó, đám thuộc hạ bắt được chàng và tra tấn rất dã man. Nghĩ rằng tại mình nên người yêu cũng là ân nhân mới gặp nạn, nàng đau đớn ngất lịm đi.
Khi được tin chàng trai bị cột chặt vào bè, rồi phóng hỏa đốt thả trôi sông, nàng Phsa-dek vùng dậy chạy theo nhảy xuống bè để cùng chết chung với chàng, nhưng bị thuộc hạ của chúa đất phóng theo bắt lại.
Phsa-dek bỏ nhà đi tu. Vài năm sau, tên chúa đất họ Thạch qua đời. Nàng trở thành người thừa kế một sản nghiệp đồ sộ của dòng họ Thạch. Một phần tài sản được nàng chia cho dân nghèo, phần còn lại dùng vào việc đắp đường, bồi lộ, dựng cầu và xây một nhà lồng chợ để cho người mua, kẻ bán có chỗ che nắng trú mưa.
Ngôi chợ đó được gọi là chợ Phsa-dek, lâu ngày nói trại thành Sa Đéc đến ngày nay. Còn nàng thì được nhân dân kính cẩn tôn lên hàng nữ thần. Tương truyền nàng rất linh thiêng, nhân dân cầu xin điều gì cũng đều được linh ứng.
Đền thờ thủy thần Sa Đéc trên núi Cô Tô với chuyện này không biết có liên hệ gì với nhau không?, song cả hai đều liên quan đến tên gọi Sa Đéc.
Trong Gia Định thành thông chí (tập hạ) của Trịnh Hoài Đức mô tả chợ Sa Đéc như sau:
“Chợ ở đông huyện Vĩnh An. Phố chợ dọc theo bờ sông, nhà hai bên liên tiếp 5 dặm, dưới sông có những nhà bè, gác làm phòng ốc, đậu sát nhau, hoặc bán hàng lụa, khí dụng ở Nam Bắc chở đến, hoặc bán dầu rái, than, mây tre… Trên bờ và dưới sông hàng hóa tốt đẹp, trông khá vui vẻ, thật là nơi thắng địa phồn hoa vậy”.
Như vậy, Sa Đéc quả thật là một chợ nổi, nổi tiếng trên sông nước. Phải chăng chính vì vậy mà người Khmer gọi là Phsa ădek (có nghĩa là chợ nổi) và người Việt phát âm thành Sa Đéc?(Nguyễn Hữu Hiếu)
Phố Hoa bên dòng Sa Giang
Psardek, duyên dáng hương xuân
Dương Thủy
Dương Thủy
Thị xã nổi tiếng này đã gây ấn tượng mạnh với
tôi bắt nguồn từ tên của một nghệ sĩ cải lương nổi danh một thời là “bà
Năm Sa Đéc” với vai diễn bà mẹ chồng ác nghiệt trong vở “Lá sầu riêng”
từng lấy bao nước mắt của khán giả. Vùng đất này còn nổi tiếng với câu
chuyện tình lãng mạn của một nữ văn sĩ người Pháp vào thời Đông Dương,
và là quê hương của món hủ tiếu ngon nức tiếng cùng làng hoa Tân Quy
Đông duyên dáng bên sông.
Huyền sử Sa Đéc
Từ Sài Gòn, sau 2 giờ chạy xe tới Cai Lậy, qua Cái Bè đến Cổ Cò rồi
vượt cầu Mỹ Thuận, xuống chân cầu có hai nhánh rẽ: quẹo trái là vào đất
Vĩnh Long để đi tiếp đến Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu và Cà Mau là
điểm dừng cuối cùng của đất nước; quẹo về tay mặt để vào Sa Đéc. Tuấn
Dương - anh chàng “thổ địa” của đoàn giới thiệu sơ về đất này: Xưa kia,
đây là xứ Chân Lạp và miệt này có tên là Psardek (có nghĩa là Sắt).
Tương truyền, ngày xưa có nàng Psardek, con gái chúa đất họ Thạc, đã
phải lòng một chàng trai nghèo. Phản đối mối tình này, cha nàng đã sai
người trói chàng trai lại và thả trôi sông. Nàng Psardek buồn tình bỏ đi
tu. Về sau, khi cha mất, nàng đã dùng tài sản của gia đình làm từ
thiện, tu bổ đường xá, xây cất chợ búa giúp đỡ người dân quanh vùng có
một điểm tụ họp buôn bán trao đổi hàng hóa ổn định. Cảm ơn công đức của
nàng từ đó người ta gọi chợ và vùng này là Psardek. Về sau, nhà Nguyễn
cai trị đã đặt tên cho nơi đây là phủ lị phủ Kiến Đăng, tỉnh Định Tường.
Tên Psardek khó phát âm với người Việt, nên lâu ngày từ Psardek người
ta đọc trại thành Sa Đéc như hiện nay.
Đến Sa Đéc ăn hủ tiếu và xem nhà cổ
Trong bữa trưa của chúng tôi tại thị xã, Tuấn Dương giới thiệu với cả
đoàn món hủ tiếu Sa Đéc khá nổi danh, vừa hướng dẫn mọi người phân biệt
sự khác nhau giữa hủ tiếu Nam Vang, Mỹ Tho và Sa Đéc. So với mọi vùng
làm ra sợi hủ tiếu thì Sa Đéc được xem là nơi chế biến “số dách”, vì vậy
người sành ăn miền Tây đều “chuộng” hủ tiếu Sa Đéc do sợi được làm từ
loại gạo dẻo thơm ngon, lúc ngâm phải “vút gạo“ thật kỹ nên khi ra lò và
khi ăn thì hủ tiếu có đặc điểm mềm, dai và không bị chua. Về cách nấu,
Sa Đéc có hai loại hủ tiếu tiêu biểu là: món hủ tiếu thịt heo và hủ tiếu
bò viên. Hủ tiếu bò viên chỉ có một món bò viên nên nước dùng phải có
xương bò cùng xương heo ninh chung thì mới đậm vị, riêng về hủ tiếu heo
thì trong nồi nước dùng cơ bản phải có thật nhiều xương heo được ướp
theo một bí quyết riêng rồi mới được ninh nhừ cho ngọt nước. Người Sa
Đéc khoái ăn theo kiểu : “một tiếu một xí quách”. Du lịch vùng này, bạn
chỉ cần chỉ cần gọi như vậy là một lát sau cô bán hàng bưng ra một tô hủ
tiếu đầy đủ thịt băm, tim gan còn một tô kia đầy những xương ống heo
ninh nhừ. Lúc này, khách chỉ việc ăn hủ tiếu rồi nhẩn nha những cục xí
quách mềm rục.
Sau bữa cơm ngon lành, chúng tôi đến ngôi nhà cổ còn khá nguyên vẹn của
đại điền chủ Huỳnh Thủy Lê – người từng vang danh trong tiểu thuyết nổi
tiếng ”Người Tình” của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras. Ngôi nhà này
nằm ngó ngay ra mặt sông Sa Đéc hiền hòa với phong cách kiến trúc Đông –
Tây hội ngộ khá hoàn mỹ. Có thể nói, kiến trúc sư đã khéo léo phối hợp
chất Nam bộ trong tổng thể cùng nét bài trí đậm hơi hướng Trung Hoa,
riêng các vật trưng bày được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Cuối năm 2010,
ngôi nhà này vừa kỷ niệm tròn 115 năm tuổi. Hồi đầu thế kỷ XX, năm 1917
nhà đã được trùng tu và xây lại với nguyên liệu là vôi vữa cùng bột ô
dước, riêng nếp nhà cũ nguyên bản làm bằng gỗ đã bị đập bỏ hoàn toàn.
Tuấn Dương cho biết: năm 1972, ngôi nhà này bị bỏ hoang vì chủ nhân đã
đưa cả gia đình ra nước ngoài sinh sống; sau 1975 một đơn vị quân đội đã
tiếp nhận và đặt trụ sở trong thời gian khá dài. Đầu năm 2007 ngôi nhà
này mới chính thức được chuyển thành địa chỉ du lịch.
Theo thống kê, Sa Đéc tồn tại 79 căn nhà cổ, trong đó có 17 ngôi nhà
được xây cất vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đa số đều mang dấu ấn
của kiến trúc Pháp. Hiện nay, trừ ngôi nhà Huỳnh Thuỷ Lê được chăm chút
cẩn thận, những ngôi nhà khác đang xuống cấp trầm trọng, cần phải có một
kế hoạch duy tu bảo tồn kịp thời. Đến Sa Đéc, ngoài nhà cổ Huỳnh Thủy
Lê, du khách Pháp đều không quên thăm trường tiểu học Trưng Vương (nơi
mẹ của nữ văn sĩ Marguerite Duras từng là hiệu trưởng), trải qua cả thế
kỷ nhưng ngôi trường vẫn còn khá nguyên vẹn với nét kiến trúc đậm chất
Pháp cùng dáng vẻ bán hiện đại. Tôi đã đọc tác phẩm nổi tiếng này và
cũng đã thưởng thức bộ phim qua diễn xuất tuyệt vời của tài tử Lương Gia
Huy cùng Jane March. Nhưng khi viếng nhà cổ, trường xưa, một cảm xúc
chợt dâng đầy trong lòng lúc nhìn ngắm các vật dụng gợi nhớ quá khứ, tất
cả làm tôi thấy dường như hồn xưa đang chầm chậm quay về.
Du ngoạn làng hoa bên sông
Rời nhà cổ, chúng tôi chạy xe tiếp tục đến thăm làng hoa Tân Quy Đông
cách đó chừng 10km… Bên kia sông là một chuỗi các lò gạch tỏa từng cụm
ngọn khói đen nghi ngút rồi nhạt dần trong bầu trời xanh. Điểm độc đáo
của làng hoa này là nằm ngay sát bên đường lộ, rất thuận tiện trong việc
buôn bán hay tham quan. Vào mỗi dịp tết, đây là nơi thu hút rất đông du
khách. Thăm làng hoa, tôi như lạc vào không gian mang màu sắc của hoa
cảnh, thấp thoáng vang vọng tiếng trả giá, lời chào hỏi, tiếng nhạc cải
lương trên chiếc đài be bé mà một người trồng hoa đem theo ra tận các
liếp hoa để giải cơn “nghiền”.
Dưới sông, các chuyến ghe tấp nập người vác kiểng hoa xếp đầy trong
khoang theo từng loại có hàng có lối. Lẩn mẩn tôi đếm: Hồng Túc Cầu, Mãn
đình hồng, Cúc đại đóa, Cúc mâm xôi, Cúc vàng cùng hoa Mai 5 cánh cho
đến Mai 48 cánh … Riêng hoa hồng có hơn 20 loại (sau này được biết tại
Sa Đéc có vườn hồng trồng tới hơn 50 giống). Trên một thuyền khác tôi
thấy chuyên các loại ớt kiểng với hình dáng “là lạ” từ tròn, dài, bát
giác với đủ màu sắc từ trắng, xanh, tím đỏ hồng vàng nhìn thật thích
mắt. Xa xa những chiếc ghe bầu có tải trọng lớn lại chuyên các chậu tắc
kiểng, thiên tuế mướt xanh được uốn nắn rất công phu.
Qua một đêm ngủ thật ngon tại một khách sạn nhỏ bên dòng sông Sa Đéc
hiền hòa êm ả, chúng tôi vội chạy ra làng hoa để tranh thủ chụp hình
những nụ hoa còn đọng giọt sương mai trong nắng sớm. Tạm biệt Sa Đéc,
tôi vẫy tay chào những nghệ nhân trồng hoa mới gặp mà tưởng như rất thân
quen qua lời chào hỏi dân dã và nụ cười hiền hòa, thân thiện. Mọi
người đều mong Xuân đến sẽ mang cho ta nhiều hi vọng về một tương lai
tốt đẹp, và chính những nụ cười chân chất ấy làm ta ấm lòng và thêm yêu
mảnh đất dịu dàng với cái tên mộc mạc Sa Đéc.
Sưu Tầm
Về miền Tây, săn ảnh đẹp lò gạch Sa Đéc
Miền Tây Nam bộ không xa lạ đối với những ai có
niềm đam mê du lịch sông nước. Song vẫn còn có tour "độc" gây ngạc
nhiên và hứng khởi không ít cho những tay săn ảnh đẹp và thích du lịch
bằng "ngựa sắt".
Hãy thử một lần rong ruổi xe máy về lò gạch Sa Đéc để săn những bức ảnh độc đáo của một miền sông nước thanh bình.
Tour hiếm săn ảnh nghệ thuật
Du ký miền Tây săn ảnh nghệ thuật là một loại tour hiếm. Tìm
kiếm trên Google, có đến 805.000 kết quả với từ khóa "tour chụp ảnh
miền Tây" chỉ trong vòng 0,21 giây, nhưng không có kết quả nào về tour
du lịch chụp hình nghệ thuật ở miền Tây sông nước. Đặc biệt là tour về
Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) sáng tác ảnh nghệ thuật ở lò gạch ven sông lại
càng hiếm. Và có lẽ chỉ có dân phượt với niềm đam mê săn ảnh đẹp và xê
dịch bằng xe gắn máy mới đủ sức đeo bám photo tour ròng rã ngồi trên xe
máy dưới thời tiết nắng gắt mưa dầm luân phiên trên nẻo đường miền Tây.
Khởi hành từ TP.HCM, buổi chiều muộn đoàn nhiếp ảnh gia cưỡi
xe máy đã dừng chân ở thị xã Sa Đéc. Để rồi sau một đêm thao thức mơ về
ngôi lò gạch đỏ mơ màng ven sông, những tay máy thiện nghệ trong đoàn
phượt đã thỏa ước nguyện săn những bức ảnh "độc" nhất. Buổi sáng rực
nắng và mây bồng bềnh, gợi niềm hứng khởi cho đoàn nhiếp ảnh gia hăng
hái qua sông bằng một chuyến phà nhỏ, sang lò gạch Đức Thành bên kia
sông. Một ngày nắng đẹp hứa hẹn cho hàng ngàn cú bấm máy đẹp lung linh.
Trên chuyến phà gỗ nổ máy qua sông, nhiều tay máy trong đoàn
không bỏ lỡ cơ hội sáng tác ảnh đẹp từ góc nhìn trên phà. Một vùng trời
nước mênh mang mở ra những nẻo đường xuôi ngược sông nước miền Tây. Mái
chèo của bà mẹ quê khua rộn ràng sóng nước. Những chuyến sà lan hối hả
chở cát trên sông. Và những con thuyền đang rộn ràng ăn những mẻ gạch đỏ
tươi mới ra lò. Sát bên mé sông, lô xô những vòm lò gạch in lên nền
trời mây trắng từng nét cong mềm mại duyên dáng. Những nét duyên ngầm
của miền sông nước đã được thu gọn trong những cú bấm máy thiện nghệ của
đoàn khách qua sông
Theo người dân địa phương đi phà qua sông vào lò gạch Đức Thành, thị xã Sa Đéc
|
| |
Cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền bên ngoài lò gạch Đức Thành, thị xã Sa Đéc
|
Săn tìm ảnh "độc" nơi lò gạch
Đây rồi, lối vào lò gạch nho nhỏ với bờ tường gạch đỏ nhuốm
màu rêu phong rực lên dưới ánh nắng vàng tươi. Một bà mẹ quê đội nón lá
đi ngang ngõ nhỏ. Một giàn mướp vàng tươi nở trên nền gạch cam rực rỡ.
Cô gái thị thành diện áo hoa dạo bước ngõ vào lò gạch. Chỉ đơn sơ thế
thôi cũng đủ gợi cảm hứng rạo rực cho các tay máy đốt cháy bao nhiêu thẻ
nhớ máy ảnh.
Cái nóng như thiêu trong lò gạch cũng không ngăn được các
tay máy lăn xả vào gần những chiếc lò nung gạch đang cháy phừng phừng vỏ
trấu, những chồng gạch ống, gạch lát sàn còn đang ướt rượt xếp cao
nghệu để tìm góc sáng tác ảnh "độc". Ngắm nhìn mải mê qua ống kính máy
ảnh những người thợ lò gạch cần mẫn như những con ong cái kiến, xếp gạch
còn ướt vào máy xén để định hình khuôn gạch, vài cô gái trẻ hăm hở xông
vào "học việc" thợ gạch.
Được ngày nắng to, công nhân lũ lượt xếp gạch ướt ra sân
phơi cho được nắng. Sau lưng những người công nhân đang nhịp nhàng trải
gạch trên sân, từng dãy ụ lò gạch đỏ sẫm in lên nền trời xanh mây trắng,
khiến cả lò gạch trông như một tổ ong lớn với hàng trăm ong thợ làm
việc hăng say. Và rồi những tiếng bấm máy lạch xạch lại vang lên không
ngớt.
Một tay máy nữ trong đoàn sáng tác ảnh đang sáng tác
tại ngõ nhỏ vào lò gạch Sa Đéc với nhịp sống đời thường trong dáng hình
bà mẹ quê mộc mạc nón lá
|
Cảnh phơi gạch trong ngày đẹp nắng ở lò gạch Sa Đéc gợi cảm hứng mạnh mẽ cho các tay máy phượt săn ảnh đẹp
|
Cô gái trẻ trong đoàn (đội mũ lưỡi trai) vừa săn ảnh
nghệ thuật, vừa lăn xả vào "học việc" làm gạch với công nhân lò gạch Sa
Đéc -
|
Ngoài những lò gạch đang đỏ lửa nung gạch, có cả những lò
gạch trình diễn công đoạn nung gạch cho khách tham quan tạo dáng chụp
ảnh. Luồng ánh sáng rọi vào lòng lò gạch qua ống khói trên nóc vòm lò đã
tạo nên nguồn sáng cực "độc" trên mặt người mẫu. Màu tường kết bằng
gạch nung trong lòng lò gạch đỏ nồng nàn sau bao đợt lửa nung trở thành
phông nền độc đáo không đâu có. Và cả cửa vòm mộc mạc lối vào mỗi cửa lò
gạch mang đậm dấu ấn khói lửa nung và màu thời gian bàng bạc, tạo nên
dấu ấn nghệ thuật rất riêng cho các bức ảnh thêm nét độc đáo.
Tất cả những nét đẹp lạ của lò nung gạch khiến các tay săn
ảnh mê mải bấm máy rào rào. Người thì leo lên đống gạch nung xếp cao
ngất, người lại nằm ngửa dưới đất bấm chếch máy lên cao. Mọi góc máy
sáng tạo đều được tận dụng tối đa trong lò gạch để cạnh tranh nhau góc
máy lạ nhất.
Trong vài giờ ngắn ngủi săn ảnh đẹp ở lò gạch Sa Đéc, đoàn
săn ảnh đẹp đến từ phố thị Sài Gòn đã vỡ ra thêm nhiều điều về đời thợ
lò gạch, về cả cách sáng tác ảnh nghệ thuật với hoạt động sản xuất gạch,
cách làm chủ ánh sáng trong lò gạch để có ảnh. Để rồi trên đường về lại
Sài Gòn, đã nghe lòng da diết nhung nhớ sắc đỏ thắm lò gạch ven sông
thị xã Sa Đéc…
Bất kể cái nóng thiêu đốt trong lò gạch, các tay máy xông xáo săn ảnh
đẹp từ hoạt động sản xuất của công nhân lò gạch
Công nhân đang dỡ gạch vừa chín tới trong lò nung ở lò gạch Đức Thành, thị xã Sa Đéc
Gánh Sadec Amis của Thầy Thân
Sự ra đời của Sadec Amis
Ông
Đinh Công Thanh (78 tuổi), Hội Khoa học lịch sử Sa Đéc (Đồng Tháp),
đang dành tâm lực viết các gương nổi tiếng đờn ca tài tử của Sa Đéc xưa
cho biết André Thận tức Nguyễn Văn Thận (có sách ghi là Lê Văn Thận) là
một công tử xuất thân từ gia đình giàu có ở Sa Đéc (nay là TP.Sa Đéc,
Đồng Tháp). Nhưng theo ông Thanh, vì tư liệu về cuộc đời thầy Thận tản
mát, con cháu thầy Thận là ai cũng không rõ, còn lớp người biết nhiều về
thầy Thận thì cũng nhắm mắt xuôi tay nên để chứng minh lời khẩu truyền
thầy Thận là “phá gia chi tử” dẫn đến đói nghèo đúng hay sai còn tốn
nhiều công sức.
Nguyễn
Văn Thận lớn lên trong gia đình giàu có tại Sa Đéc, thầy tốt nghiệp
trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, từng đi làm “cò Tàu” cho hãng tàu
Tây Messageries Fluviales chạy tuyến Hậu Giang - Nam Vang. Vì yêu thích
đờn ca tài tử nên thầy đã hợp tác cùng ban Bảy Đồng và đích thân đứng
ra xin phép tắc để hợp thức hóa mọi hoạt động văn nghệ. Từ đây, nhóm đờn
ca tài tử hoạt động có giấy phép hẳn hoi với cái tên mới Sadec Amis mà
sau đó có người ghép lại đọc sai thành Sadecamis.
Năm
1916 - 1917, thầy Thận xem đoàn xiếc của Mỹ sang Sài Gòn và lưu diễn
tại các tỉnh miền Nam đã nảy ra ý hay đem áp dụng cho Sadec Amis. Thầy
Thận đã đệm màn phụ diễn như xiếc chen vào màn ca ra bộ nên gánh thầy
luôn lôi kéo khán giả. Sau đó thầy trương bảng: Gánh hát thầy Thận
Cirque jeune Annam - Ca ra bộ - Sadec Amis.
Trong
gánh thầy Thận có nhiều “kỳ nhân” như “người rắn không có xương sống”
xếp được hai chân chui được vào ống cống đường kính chừng 5 tấc rồi lộn
ra như con rắn; có lực sĩ nằm để xe hơi cán ngang bụng; có nữ nghệ sĩ
Mai Hảo với tài đi dây, nhào lộn trên đu chẳng kém các nghệ sĩ xiếc của
Tây; lại có nghệ sĩ Tám Danh giỏi võ với biệt tài phóng dao, đánh
kiếm... Thời kỳ đó gánh thầy Thận lên Sài Gòn che rạp trước chợ Bến
Thành được khán giả chen nhau mua vé.
Dấu ấn 2 chữ “cải lương”
Nhắc
về Sa Đéc, ông Thanh tự hào cho biết: “Gánh thầy Thận có công đầu trong
buổi ban mai hình thành sân khấu cải lương. Còn chữ cải lương cũng xuất
phát tại Sa Đéc trên gánh Tân Thinh với câu chữ treo trên bảng
hiệu: Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn
minh.
Chủ gánh là ông Trương Văn Thông, là người Sa Đéc, dựng gánh hát từ năm
1922. Tại Sa Đéc còn ngôi biệt thự xây dựng theo lối cổ của Pháp mà
người địa phương quen gọi là biệt thự “Tân Thinh”. Đây là tài sản của
gánh Tân Thinh xưa”.
Thầy
Thận có ý định bỏ gánh hát để dựng lên một sân khấu cải lương hoàn
toàn. Thế nhưng, lực bất tòng tâm nên thầy đã sang gánh hát lại cho bạn
là thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Phần đời sau này của thầy Thận ra sao, sống
chết sang hèn thế nào hiếm thấy đề cập đến.
Ông
Thanh nói thêm, tuy là tài tử nhưng chắc chắn thầy Thận phải có uy tín
mới “dời” được hai nhân sĩ từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục
là cụ Đặng Thúc Liêng và Trương Duy Toản giúp đỡ. Cụ Toản vì tham gia
cứu quốc nên bị Pháp câu lưu ở Cần Thơ theo dõi. Cụ Toản đã lập ra ban
nhạc tài tử Ái Nghĩa để ca các bài đơn ca do chính cụ soạn hát chơi
trong các thôn xóm. Nghe danh, nhóm Sadec Amis đã mời cụ tới Sa Đéc nhập
gánh và cụ Toản nhận lời, cụ đã soạn các bài đơn ca thành liên ca như Bùi Kiệm thi rớt trở về, Kim Kiều hạnh ngộ... phổ
theo điệu Tứ đại oán. Gánh thầy Thận rất nổi tiếng, lưu diễn ở các nơi
và rất ăn khách ở Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho mà trong đó Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều ăn khách nhất.
Gánh Sadec Amis được vang danh nhờ những bài như Tứ đại oán gồm 5 lớp, trích đoạn lớp nhứt do cụ Toản soạn như sau:Khi
từ khi Kiệm thi rớt trở về/Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề/Trách quở mắng
chàng ham bề vui chơi/Kiệm thưa tài bất thắng thời/Có lẽ nào con không
lo bề công danh/Tuổi con hãy còn xuân xanh... Lúc ấy do biểu diễn
cách tân nên đông khán giả lắm. Với phương châm người ta nghe đờn ca
sướng tai chưa đủ mà phải làm sao coi cho khoái mắt nữa mới hay. Nhóm
thầy Thận với chỉ dẫn của cụ Toản đã mạnh dạn tách rời ca sĩ ra khỏi dàn
đờn để bắt họ đứng lên, đối diện với nhau và vừa ca vừa ra bộ, làm màu,
theo sát tình cảm của từng câu, đoạn ca gọi là ca ra bộ. Sau đó ca ra
bộ lớn dần với những bước nghệ thuật kế tiếp là hát chập là hình thức
liên ca, ra điệu bộ, được lồng trong các cốt truyện có tình tiết nội
dung. Buổi bình minh của sân khấu cải lương khởi điểm từ đây. Trong bài
viết Hát bội hay hát bộ học giả Vương Hồng Sển cũng đề cập:
“Trở lại tìm hiểu hậu tổ cải - lương là ai, xin cho tôi nhấn mạnh và ghi
công cho ông André Thận và ông Mạnh Tự Trương Duy Toản”.
Thanh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét