Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Chó báo thù về cõi Phật

Nhạc Phật Giáo (Không Lời)


Giã từ
Từ giã trần gian kiếp lang thang,
Cay đắng làm sao phận chó hoang !
Quay về chốn cũ hồn thanh thản,
Chỉ có mình ta giữa mênh mang !
NM
 
Kết quả hình ảnh cho chó báo thù về cửa Phật
 Chó báo thù về cõi Phật
Sau nhát cuốc bổ thẳng như ánh hào quang rọi vào đầu, Vàng thấy mình bay lên, lòng thanh thản, nhẹ nhàng, không vướng bận, không hình hài, không trọng lượng, bất sinh bất diệt. Em không còn là nỗi lo và gánh nặng của mình và của ai nữa. Bây giờ em có thể thong dong, tự tại về thăm người xưa nơi cũ yêu dấu và mênh mang của mình
Trong ngõ chùa Hạnh Hoa - Cầu Giấy - HN, gần thảo am của Cư sĩ Hồ Ly, hồi 2015, có khu nhà Văn hóa của phường. Văn phòng, hội trường, phòng tập, sân bãi khang trang rộng rãi, học viên tập thể hình, thể thao vào ra tấp nập.
Anh Quang là nhân viên trông nom nhà Văn hóa, nuôi vài con chó, vừa để bầu bạn, cảnh tỉnh kẻ gian vừa để tăng gia cải thiện.Trong đó có Vàng là dữ tợn và khôn lanh hơn cả.
Vàng đang tráng niên, nặng trên 20 cân, thon dài, nhanh nhẹn, sung sức, anh Quang thường xích ở gốc cây lan tận góc sân phía trong hàng rào song sắt, râm mát, đủ đồ ăn thức uống, an lành, tự tại.
Bên ngoài cổng nhà Văn hóa có giàn hoa giấy xưa cũ rậm rạp nhà bác Trực, một cuồng nhân cư sĩ, nghĩ khác người, nói khác người, ăn mặc cư xử cũng khác người. 
Dưới giàn hoa là quán nước tổng hợp của gia đình anh chị Nga; vừa sửa xe, bán tạp hóa, thuốc nước và ghi vé số, tụ họp mọi hạng người, một thông tấn xã vỉa hè sôi động.
Trong ngõ chừng dăm chục thước có một tòa nhà uy nghi, kín cổng cao tường nhà họ Hoàng. Vợ chồng gia chủ là công chức đang đắc thế trên 50 tuổi, có hai con nếp tẻ đầy đủ. Bố mẹ họ trên 70 tuổi, là cán bộ có hạng đã nghỉ hưu, còn đang sung sức, ngày ngày đi thể dục, giao lưu xã hội trong sự thỏa mãn hiện ra mặt. Họ là hàng xóm quen biết của Bác Trực, anh Quang và Vàng.
Đã đôi tháng nay, không hiểu sao, cả gia đình họ Hoàng lại nảy sinh tư thù tư oán với Vàng. Có lẽ do đố kỵ vì Vàng khôn lanh, đẹp mã, cũng có thể do thâm thù nặng oán từ nhiều đời trước, nay oan oan tương báo, tương phùng. 
Họ ra lườm vào nguýt, buông lời châm chọc dọa nạt, khi vắng người, có cơ hội thì đảo mắt, nhanh tay lượm mảnh sành, cục gạch ném đá sát thương Vàng.
Nhanh nhẹn có thừa nhưng do bị cột xích nên Vàng khó tránh khỏi nhiều đòn đau điếng, rướm máu. Vàng càng rên rỉ, lồng lộn quay cuồng quằn quại thì bầy người nhà họ Hoàng càng khoái chí, thỏa mãn. Cứ vậy, cả nhà nhà họ Hoàng ngập mình trong cơn thống khoái và Vàng thì hao mòn, sứt sẹo, bi phẫn trong cảnh đau đớn, xỉ nhục, ê chề.
Trưa muộn một ngày thứ Bảy nọ, nắng nóng mùa hạ và bia rượu của các cuộc liên hoan ngày nghỉ đã đưa mọi người vào giấc ngủ mệt mỏi trong tiếng ro ro của máy lạnh. 
Nhậu về, anh Quang dựng xe máy, quay lại khóa kỹ cổng, rồi hạ túi đồ ăn thừa, đổ ra chiếc tô lớn mang lại cho Vàng. Vàng giật mạnh xích sắt, muốn đi vệ sinh. Do trời nắng gắt và ngấm hơi men, Quang không dẫn Vàng đi như mọi khi mà bấm xích thả Vàng ra, chắc mẩm cu Vàng đi xong sẽ nhanh chóng quay lại nhập tiệc. Đâu ngờ...
Vàng ta nghi binh phốc ra sau nhà đi đồng rồi nhanh nhẹn qua lỗ chó chui bờ rào kín đáo, lượn "sang thăm" nhà họ Hoàng. Cổng nhà họ khép hờ, Vàng khẽ lách vào, mấy con chó nhép thấy Vàng thì bỏ chủ chạy lấy thân, bắng nhắng vài tiếng nhách nhách rồi lủi nhanh vào gậm trạn, xó vườn. 
Vàng đột nhập phòng khách trước, thấy ông bà già đang coi ti vi - sang phòng ăn thấy anh chủ - qua bếp thấy chị chủ - bình tĩnh và quả quyết, nhanh hơn cắt, tặng cho mỗi người một cú tớp đích đáng, họ bàng hoàng ú ớ chưa kịp kêu cứu thì Vàng đã tót ra sân, cậu chủ nhỏ đâu đó nhào ra liền được Vàng cho một đợp nơi gần con giống... 
Theo lối cũ nhanh như chớp Vàng lượn về bên tô đồ ăn, nhập tiệc ngon lành, như bữa ăn cuối cùng của kẻ tử tội.
Tiếng la thét thất thanh từ nhà họ Hoàng náo động kinh hoàng cả ngõ, giữa cơn ngủ mệt trưa hè, nắng như đổ lửa. Mọi người xô sang nhà họ Hoàng, sát trùng, bông băng cấp cứu, rồi tá hỏa kéo sang bu kín cổng nhà Văn hóa. 
Sập trời đến nơi rồi. Họ gào gọi anh Quang mở cổng để họ phanh thây Vàng.
Vậy nhưng tình gian mà lý ngay. Anh Quang bình tĩnh coi Vàng ăn hết tô thức ăn vốn tú ụ, giờ hiền lành đứng nép sau chân chủ trong cổng khóa kỹ.
Anh bảo, các bác nhầm nhọt thế nào chứ, làm gì có chuyện con Vàng nhà tôi sang sát thương cả nhà họ Hoàng, nó đây, tôi đây, cổng khóa kỹ, mèo còn không chui lọt huống hồ con chó to thế này. 
Hơn nữa trong thiên hạ ngày nay, chó má nhan nhản, giống nhau là bình thường, nhà họ Hoàng lâu nay lại ác cảm, thâm thù, ghen tị với con chó lương thiện nhà tôi, nhân đây định mượn gió bẻ măng à? 
- Anh Quang nói không phải là không có lý, chòm xóm giảm nhiệt được vài phần, quay sang chỉ trích thái độ và hành vi của nhà họ Hoàng, Tội ác của nhà họ với Vàng đâu có qua mắt xóm giềng được, những người nhàn rỗi luôn coi việc theo dõi người khác là bổn phận thiêng liêng và cao cả của mình.
Nhà họ Hoàng đâu có lép vế, họ hạ quyết tâm tiêu diệt Vàng, phải ăn cho được thịt Vàng họ mới hả lòng hả dạ. 
Đơn kiện được viết ngay tắp lự, gửi tận tay ủy ban phường, công an phường, xếp nhà văn hóa và không quên photo gửi từng nhà trong ngõ. 
Trưởng lão nhà họ Hoàng vốn là người "thông tuệ" nên chữ nghĩa như có móc có gai, như có máu có lửa, làm anh Quang, vốn luôn sợ mất việc, chỉ đọc qua đơn kiện liền bị ma lực của con chữ làm cho "tẩu hỏa nhập ma", nao núng và thỏa hiệp đến cùng cực. 
Anh ra công an phường đưa bao thơ, xin bảo lãnh; qua nhà họ Hoàng đưa bao thơ tạ lỗi rồi đưa cho họ coi phiếu đã tiêm phòng dại cho Vàng để 5 người nhà họ yên tâm.
Nhưng họ nhất quyết yêu sách: Mai Chủ nhật, mười nhà trong xóm và cả anh Quang là 11, mỗi nhà đóng 100k mua lại đúng con Vàng, vị chi là triệu mốt cả thảy, trả tiền cho anh Quang đàng hoàng, và góp thêm 50k mua mắm tôm, giềng, mẻ, rau húng, bún tươi, chanh ớt... để ngả Vàng ra liên hoan cho thật vui vẻ, có vậy mới mong hả được cơn sầu bi oán hận, giải được vận đen cho cả ngõ..
Riêng nhà họ Hoàng sẽ tài trợ toàn bộ các loại rượu bia nước ngọt trà thuốc, cần gì có nấy. Nếu anh Quang không nghe thì nhà họ họ Hoàng sẽ làm mọi cách để anh̃ bị kỷ luật và mất việc.
Ôi! Vàng đã bị xích kỹ thêm nữa, nằm sóng xoãi buông xuôi dưới bóng mát chiều tà thứ bảy mà lã chã đôi hàng. Trên: không oán trời, dưới: không trách người nữa, chỉ sám hỗi bản thân, một phút bùng cháy lửa sân si mà đến nỗi vong thân, nhục chủ, cứ vậy thì oan oan tương báo đến bao giờ?
Mong sao có phép màu nhiệm nào đó cứu độ thân chó này thôi!
Chiều hạ nhạt dần, bóng đêm đậm dần, rồi lại nhạt đi trong sự chan chứa ánh vàng của điện cao áp. Ngõ phố nơi đây tranh tối tranh sáng, ma quỷ người ngợm, thiện ác cài răng lược, xoắn bện vào nhau.
Dưới giàn hoa giấy nhà bác Trực, hơn chục trai đinh trong ngõ đang trần trùng trục như nòng nọc, mặt đỏ gay, vừa bia tiếp, vừa rôm rả bàn về bữa giết chó ngả vạ ngày mai, ai nấy giờ đây đều đứng cả về nhà họ Hoàng, thịt Vàng là thứ họ thèm muốn đã lâu, mai mới xơi mà nay đã nuốt nước bọt ừng ực.
Bác Trực đi ra đi vào, lòng rối bời.
Vàng nằm trong sân, nghe cả xóm bàn bạc toan tính và hiểu hết. Em cô đơn và tuyệt vọng. Giờ này ở đây nào có ai hiểu và thương em!
Anh Quang nhấp nhổm không yên, lấy xe máy lượn đi lượn lại, ngó Vàng rồi lại ra quán nước chị Nga ngồi, bấm độn không biết chuyện ngày mai có ổn và sau đó có yên không.
Tầm 9h, bác Trực cởi trần ngồi trầm ngâm hút thuốc lào vặt trên chiếc chõng tre cũ nát dưới giàn hoa giấy loang lổ ánh vàng cao áp thì Cư sĩ Hồ Ly đến.
Nghe bác Trực xôi đỗ kể lại chuyện như trên xong, Hồ Ly nhìn sâu vào trong sân nhà Văn hóa, phóng mắt đến chỗ gốc cây lan, nơi có Vàng đang nằm tuyệt vọng. Nhìn xoáy vào như quờ quạng, tìm kiếm.
Nhanh phoóc, Vàng nhổm ngồi dậy dõi mắt ra cổng nhìn thẳng vào mắt Hồ Ly, chứa chan. 
Chó là loài không thể nói tiếng người nhưng những cá thể tinh anh như Vàng thì nghe, hiểu được hết, đặc biệt là nhạy cảm về tâm linh. Vàng nhìn xoáy lại Hồ Ly và hiểu hết. 
Thần giao cách cảm, đồng khí tương cầu, Hồ Ly cũng hiểu hết, bèn quay lại bảo bác Trực: “Bác có oai và có tín ở đây, vô luận thế nào tôi và bác đêm nay cũng phải giải thoát cho được con Vàng này, không làm được thì sáng mai, khi Vàng chết thì tôi và bác, thấy người gặp nạn sắp bị giết mà không cứu, sẽ vào vô gián địa ngục nhanh như tên bắn…” – và cứ thế... cứ thế nhé....
Ngay lập tức Bác Trực gặp Quang, vừa đem nhân quả ra dụ, vừa đem tiền ra nhử, vừa lấy uy tín ra đảm bảo. Cân nhắc thiệt hơn rồi chốt, anh ta đồng ý bán lại Vàng cho Hồ Ly với giá 1triệu2 ngay sớm mai để mang đi giúp việc cho Phật Tổ.
Thế là, ba mặt một nhời khá hoan hỉ, Quang nổ máy lên xe về nhà. Hồ Ly thì nối máy nói chuyện với sư ông Tải ở chùa Nhạn – Hưng Yên, xin phép ông hoan hỉ cho đưa Vàng về nơi ấy lánh nạn. Ông hài lòng.
Bỗng Hồ Ly rợn tóc gáy, nghe loáng thoáng bên tai rằng, "việc này phải làm ngay, để đến mai là hỏng, hãy xem lại sự tích cây huyết dụ mà cảnh giác".
Choàng tỉnh, Hồ Ly giật giọng gọi bác Trực: “Bác gọi Quang quay lại ngay, tiền trao cháo múc, rồi phải đưa Vàng đi luôn!” 
Vùa lúc anh Tráng từ trên lầu đi xuống, sẵn lòng cho giật nóng 1triệu4. Quang cũng vừa quay lại, bèn đưa trả ngay cho Quang 1triệu2, còn 200k phòng bị đi đường, rồi Quang mở cổng nhà Văn hóa để Hồ Ly đón Vàng đi.
Ôi! con chó tên Vàng - kẻ tử tội của xóm ma quỷ, người ngợm, Thánh phàm, Tăng tục lẫn lộn đây rồi. Lần đầu gặp một con chó vừa mới đả thương 5 người, to lớn, dữ tợn mà Hồ Ly thấy bình an, thân thiện vô chừng, cúi xuống ôm choàng lấy nó, kéo vào lòng mà nước tâm trào nhòa đôi mắt thịt. 
Vàng khẽ dụi đầu, thè lưỡi dài và ấm ra liếm đôi mắt ướt của Hồ Ly. Giây lát rồi đẩy Vàng ra, bảo anh Quang cởi hết xiềng xích, bảo Vàng chào anh Quang để đi về nơi ấy. Vàng liếm liếm tay anh Quang như sám hối, rồi lũn cũn theo Hồ Ly ra ngõ.
Bác Trực khoác vội tấm áo mỏng, ôm con Vàng to lớn không xích không cũi, như đã thân từ lâu lắm rồi, ngồi sau xe máy Hồ Ly để đi về chùa Nhạn, xa chừng 40km.
Phố xá Hà Nội đêm hè thứ bảy hơn 10h vẫn đông đúc như mắc cửi, ồn ào náo nhiệt vậy mà Vàng ngồi giữa hai người con Phật xa lạ, ngoan hiền màu nhiệm. Thi thoảng nó lại thè lưỡi liếm nhẹ lên cổ, lên má Hồ Ly. Lo Vàng sợ hãi mà nhảy xuống đường, không dây xích thì giữ sao nổi, nên Hồ Ly đi thật chậm, thật nhẹ, và nhẹ tiếng niệm Ngài Quán Âm nâng đỡ.
Qua cầu Chương Dương sang sông Cái rồi xuôi đê Bát Tràng về Hưng Yên, đường mỗi đi mỗi khuya, mỗi tối, “vó câu khếp khểnh, bánh xe gập ngềnh”. Bỗng nhiên, Vàng quậy mạnh, trằn xuống đường tối vắng, chạy nhanh ra vệ đê, mất hút.
Dừng xe, ngó nghiêng, Hồ Ly và bác Trực đều buông câu, thôi nó đi rồi.
Vậy nhưng, mấy phút sau Vàng quay lại, lên xe đi tiếp, bác Trực cười khà: hóa ra anh cu chàng đi vệ sinh, là chó mà mày có Lễ ra phết, không tử tế thì nó đã bĩnh ra tòa sen rồi.
Về đến chùa Nhạn đã hơn 12h khuya, tối thui, mù mịt mặt hồ cây cỏ, một ngôi chùa gần như hoang tàn, ma quái ngoài đê, trên bãi sông Hồng. Sư ông đã đi nghỉ, Hồ Ly chạy xe thẳng vô sân sau.
Sư ông dậy, quy y cho Vàng, đặt pháp hiệu là Pháp Nạn. Vàng vui mừng khôn xiết, cất tiếng sủa ông ổng vang vọng giữa đêm trường thanh vắng, át hẳn tiếng kêu lách nhách của bầy chó con nơi cửa Phật.
Vàng ngoáy tít đuôi, quấn quýt lấy Hồ Ly và bác Trực rồi chịu buộc dây, xích tạm nơi cột bếp sau chùa.
Đêm đã quá khuya, người đã quá mệt, lại ngại đường xa nên nghỉ lại chùa Nhạn, uống trà cùng sư ông và nghe mưa rơi trên bãi tha ma ngoài cửa sổ.
Sáng sớm Chủ Nhật, tạm biệt sư ông và ôm Vàng lần cuối, anh em về nhà.
Qua cầu về phố, bụng đã đói mèm, Hồ Ly mời bác Trực ăn sáng gì đó mang hương vị Hà Thành. Bác tủm tỉm, ranh mãnh hỏi: “Thế phi vụ này chú mày kiếm được của sư ông mấy lít?” – Hồ Ly sững người, chớp chớp mắt rồi xóa đi đôi mắt thịt, quay lại nhìn bác Trực mà rằng: “Không ít như bác nghĩ đâu, chả cần dùng đến số đó thì cũng còn 200k vay dư của anh Tráng đêm qua, phở Bát Đàn hay mì vằn thắn Nguyễn Biểu, thêm đồ uống thì vẫn thênh thang mà!” .
Nghe Hồ Ly nói vậy, biết mình lỡ lời, bước hụt, Đạo đời chênh vênh, bác Trực bảo, thôi về ngủ lại cho khỏe. Đưa bác Trực về đến cổng chùa Hạnh Hoa rồi ai về nhà nấy.
Được biết rằng, đêm qua, khi Vàng vùa được đưa đi thì tai mắt nhân dân đã báo ngay cho nhà họ Hoàng, họ chạy ra chạy vào cổng nhà Văn hóa nhưng không còn ai ở đó. Bi hài kịch đã hạ màn, chuyện đánh đập chó, bị chó cắn và định cắn lại chó đã là dĩ vãng. Năm trong sáu người nhà họ Hoàng chỉ còn biết giậm chân bình bịch, nguyền rủa thiên hạ chó chết và tiếc rẻ rằng miếng ngon đến miệng rồi mà bị chậc lấc.
Bác Trực vừa về, Quang cũng vừa đến thì trưởng lão nhà họ Hoàng ra nói lời lăng mạ, khiêu khích và đe dọa. Bác Trực hỏi gằn: Tóm lại là cha con, ông cháu nhà ông muốn gì? – Ông ta, không vừa, hỏi lại: Thế ông muốn gì? – Bác Trực bảo: Điều tôi muốn tôi vừa xả xong, giờ muốn nằm ngủ mà không bị trẻ con làm phiền. 
Bao nhiêu người chứng kiến a tòng xung quanh cười ồ - Ông già họ Hoàng phùng má tía tai, nghiến răng rồi chắp tay sau đít mà về.
họ Hoàng có chữ nên mưu hèn kế bẩn thế nào nữa thì chưa thấy thể hiện. Nghe hàng xóm nói nhà họ cũng đã bí mật theo đạo Phật, từng có mấy vị sư Mật tông cải trang vi hành đến nhà họ làm lễ yểm bùa và gia trì cát tường để đời đời nhà họ được vinh hiển.
Chuyện kể tiếp, Vàng sau khi được quy y Tam bảo thì chấp tác, trông nom, canh trộm ở chùa Nhạn dưới sự dạy dỗ của sư ông Tải, bên dưới có hai vãi già, người trong làng ra giúp quét tước, hương khói và cơm nước. Vàng thành khắc tinh của bọn vô lại vốn mong lem quẹm chốn này.
Loạn âm loạn dương, chó vốn được nuôi để trông trộm thì nay lại có bọn trộm chuyên đi bắt chó. Trước đây chùa Nhạn chỉ có mấy chú cún nhỏ nhách gầy còm thì chúng tạm bỏ qua. Từ khi có Vàng về tu ở chùa thì chúng thèm rỏ rãi, qua lại liên tục, trở thành gần gũi với sư ông và các vãi, nhằm có cơ hội thì chớp mà thịt Vàng.
Vàng đã tu luyện và gặp nạn ở ngõ chùa Hạnh Hoa kinh kỳ nên càng thấy rõ nguy cơ mất mạng của mình. Vì cảm cái ân cứu mạng nên một lòng một dạ phòng trộm trông chùa. Mỗi tội cơ thể Vàng to khỏe lại đang độ lớn nên ăn hơi tốn, đến nỗi sư ông và các vãi ta thán, có ý dần ghét bỏ.
Đêm nọ, sư ông đang mê mê thiu thiu sau bữa tiệc tối thì có điện thoại, trong phương trượng, sóng chập chờn, câu được câu chăng nên đi ra sân chùa nghe nói. Vàng quanh quẩn gần đó, thấy 2 tên trộm bịt mặt, có hung khí, (Vàng nhận ngay ra là người thân quen) đang định lẻn vào phòng.
Nguy cấp, Vàng không làm sao được liền cất tiếng sủa nhặng lên, náo động ầm ĩ làm sư ông không nghe nói điện thoại được. Điên tiết, sẵn đang nóng người, ngài vận hết nội lực chạy đến chỗ Vàng, sút một phát trăm cân, Vàng chỉ kịp ẳng 1 tiếng rồi như 1 trái bóng, bay vút lên ngọn cau rồi rơi bịch xuống vườn, ngất lịm.
Hai tên trộm nhà lẩn nhanh vào vườn đêm xào xạc gió thu.
Tảng sáng, Vàng tỉnh dậy, lết mãi, lết mãi mới đến được cửa phòng sư ông. Ngài thấy ấm mềm nơi bàn tay bởi Vàng đang liếm nhẹ như sám hối đã làm phiền lòng chủ nhân.
Ông ôm Vàng vào lòng, mới hôm nào mà giờ Vàng đã xao xác, giẹo giọ, tàn tạ. Duy chỉ có đôi mắt là trong veo như chưa từng vướng bận. Sư ông sụt sùi và bảo, Vàng ơi, mày khổ nhưng tao nào có sướng gì. Mày khổ hơn vì mang thân chó nhưng lại sướng hơn vì người ta không kỳ vọng nhiều vào mày. Tao là sư nên không ăn thịt chó, nhưng ở đây trộm chó đến chùa này rình mò làm thịt mày, rồi lân la thứ này thứ nọ, đếm không hết được. Giờ biết làm sao?
Vàng nghe và hiểu hết. Em lại liếm nhẹ, mềm và ấm lên bàn tay sư ông, chủ nhân yếu đuối và bất lực, rồi em tập tễnh đi ra.
Trời đã sáng, cuối thu heo lạnh, Vàng nhấm nháp mấy mảnh bich- quy vụn, uống mấy hớp trà lạnh nơi ấm chén còn bừa bộn dưới sàn của bữa tiệc chủ nhân đãi khách chiều qua, rồi em thong thả lê tấm thân ê ẩm, rệu rã lên nằm sưởi ấm, di dưỡng tinh thần nơi chân tượng Mẹ Quán Âm.
Quá trưa, bất chợt Vàng tỉnh, nhỏm dậy, với thính giác tự nhiên ban cho loài chó, em nghe thấy tiếng trẻ con kêu cứu ở bờ sông. Vừa hồi sức, Vàng phi thân về phía bến nước, cách vài trăm mét.
Một em gái nhỏ đi lấy rau ban trưa bị sảy chân chết đuối đang giã gạo sắp chìm cách bờ mươi thước. Vàng lao xuống dòng nước lạnh, gắng hết sức cắn áo lôi em vào bờ. Kéo đến chỗ đất khô, em bé vừa tỉnh thì Vàng lịm đi...
Cha mẹ em bé và đôi người hớt hải chạy đến, Mẹ ôm thốc lấy con, tru lên mừng rỡ. 
Người cha ngó quanh thấy Vàng ướt như chuột lột, nằm bẹp gần đó thì rú lên sung sướng rồi nhanh như chớp giơ cuốc đập mạnh xuống đầu Vàng. 
Cả nhà hỉ hả rằng, tối nay có món cầy tơ liên hoan mừng cho em gái chết hụt trở về làm người, còn bao nhiêu thì cho hàng xóm ăn đụng, kiếm bộn tiền, đang cuối tháng Chín âm, trời khí mát người ta mấy ai chả thích ăn thịt chó.
Sau nhát cuốc bổ thẳng như ánh hào quang rọi vào đầu, Vàng thấy mình bay lên, lòng thanh thản, nhẹ nhàng, không vướng bận, không hình hài, không trọng lượng, bất sinh bất diệt. Em không còn là nỗi lo và gánh nặng của mình và của ai nữa. Bây giờ em có thể thong dong, tự tại về thăm người xưa nơi cũ yêu dấu và mênh mang của mình./.
[HM mong Quý vị, ai đó thấy hình bóng của mình trong truyện thì niệm tình hoan hỉ! HM trân quý tất thảy mọi người!]
Cư sĩ Huệ Minh - Lê Minh Nghĩa

Tình và nghĩa
Đường trần mệt mõi sao xa quá !
Biết ai tri kỷ hiểu cho ta ?
Một mình cô lẻ thân và bóng...
Chỉ có ta, mi sống một nhà !

Tình nghĩa hơn người duy có một,
Đôi đường tử bit cách xa nhau...
Ra đi để lại bao niềm nhớ,
Sắp phải chia tay, ngấn lệ trào !!   

Giđây mới hiểu tình em,
Thiết tha, âu yếm êm đềm biết bao !!   

NM 
 
Chó và Người
Không hiểu tại sao người ta gọi con vật ấy là chó. Cái tên này không gây nên một ấn tượng đẹp theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhất là đối với tôi, một người không mấy ưa loài động vật này. Lý do, có lẻ từ một kỷ niệm thuở mới lớn.
Hôm ấy tôi mặc chiếc áo dài mới may. Chiếc áo màu xanh ngọc bích, thứ hàng mới có trên cửa hàng tơ lụa, mẹ tôi nói với tôi, mua cho nó để may mặc Tết. Nhưng chờ đến Tết thì lâu quá, (với thời gian chờ đợi dài gấp mấy lần thời gian bình thường) tôi phụng phịu đi may liền mặc liền, cũng chiều nó thôi. Chiếc áo ấy mãi đến ngày hôm nay, ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn nhớ rõ như đang nhìn thấy trước mắt, chiếc áo hiện ra cùng với cảm giác được mượt mà. Màu xanh tuyệt đẹp, tưởng chừng đó là màu xanh của một khối ngọc non vừa được mang ra ánh sáng từ một hang động nào trên cõi thiên tiên. Khi tôi ướm thử vào người, chiếc quần trắng mới, chiếc áo lót mới làm nổi bật màu xanh vời vợi. Mẹ tôi, nhìn tôi sững sờ ngạc nhiên thấy tôi bỗng lớn hẳn lên. Đã nói, nó dậy thì trông xinh ra. Mẹ ngờ ngợ nhìn vào ngực tôi, đôi vú nhỏ bắt đầu nhú lên như hai quả cau non. Mẹ nói nhỏ với dì, chắc vài bữa cũng phải mua cho nó cái xú chiên, áo lót mỏng không đủ che nổi. Mẹ lại bảo, khi nào đi chơi mới được mặc áo này, áo đắt tiền không phải lúc nào cũng mặc được. Dạo ấy, mẹ bắt đầu mua bán làm ăn phát tài, cái ǵì đẹp mẹ cũng mua cho con gái đầu.
Tối ấy, tôi xếp bộ áo quần mới, chiếc áo dài mới đặt dưới gối ngủ cho êm, cho thấy ấm áp, và được mơ giấc mơ có hoa có bướm, có bà tiên đến dẫn đi chơi.
Không biết có phải với sự xúc động với áo dài đẹp, hay vì một lý do sinh lý của cơ thể, sáng hôm sau, tôi thấy máu thấm ướt cả quần, chảy ra chiếu. Hoảng sợ, ngẫm nghĩ không biết nguyên nhân nào. Không ngờ sau khi mình may mắn có áo đẹp, lại phải chịu một cực hình như thế. Ông Trời khó khăn chi lạ. Thấy tôi nằm dài măi trên giường, hỏi tại sao không dậy đi học, tôi nói, cháu bị thương nặng lắm. Bị khi nào ? Hồi đêm đó dì, máu chảy nhiều quá, chắc cháu phải vô nhà thương. Dì tôi Dì à lên một tiếng, mi lớn rồi đó, không phải bị thương. Dì mau mắn đưa một miếng vải trắng mỏng xếp nhiều lớp (bấy giờ làm gì có các loại bông băng ) nai nịt gọn gàng cho tôi, nói tôi nằm nghỉ, bữa nay khỏi phải đi học, dì đến trường xin phép cho. Đầu óc tôi rối bời loạn xạ, tôi đưa tay ấn vào bụng, hình như có cục gì trong đó đang vỡ ra, bụng căng, hai quả cau cũng căng. Đi không dám đi, ngồi không dám ngồi, nên chỉ có việc nằm là đỡ sợ đỡ lo. Vì khi bước đi, máu lại ra nhiều hơn. Nếu chảy mãi như thế này, có lẻ tôi sẽ chết mất, áo dài đẹp thế kia chưa có dịp mặc. Nước mắt tôi ứa ra.
Mẹ tôi nói, nó có sớm quá, mới mười ba, thường thì mười lăm, có sớm thì khổ sớm. Câu này cứ ám ảnh tôi măi về sau. Tại sao mình khổ sớm. Sau này tôi diễn nghĩa thêm, như là biết sớm thì khổ sớm, yêu sớm thì khổ sớm, hay biết nhiều khổ nhiều. Những ngày bị bệnh, trời mưa dai dẳng, buồn muốn chết. Tôi nghỉ học cả một tuần lễ, chờ hết. Mẹ dặn dì, không được ăn me chua, không được ăn ổi xanh, không được ăn chùm ruột chấm muối ớt. Chao ơi, nhớ mà thèm, nhưng khoái lắm, vì biết mình bệnh thật, không cần giả bộ đau bụng như những lần trước trốn học.
Sáng hôm ấy, tôi nhớ trời đẹp lắm, gần Tết rồi. Khi thấy cây mai trước sân nở ra những chùm hoa vàng đầu tiên, tôi đánh liều quyết định mặc áo dài xanh mới. Giữa sự hiện diện của chùm hoa mới nở và sự mộng mơ tuổi mới lớn, hình như có ai thúc đẩy mình hành động quyết định một điều mà lý trí không thể kiểm soát được. Vì nếu không liều lĩnh quyết định, e rằng mình không thể lớn lên làm người.
Tôi nói bữa nay con phải đến trường ăn tất niên. Tiệc tất niên cũng như tiệc Tết, nên cần phải mặc áo quần mới, đó là lẻ đương nhiên. Tắm rửa sạch sẽ xong, tôi mặc nguyên bộ đồ mới. Nhìn thấy mình trong gương tươi tắn, bỗng nhiên nhớ chuyện máu chảy, thấy ớn lạnh quá. Dì nói máu sẽ ra một tháng một lần, may chưa tới một tháng, mau mau mặc đẹp đi chơi, kẻo rồi lại khổ sớm.
Hôm ấy, tôi không đạp xe đạp, vì mặc áo quần đẹp thế kia phải đi bộ thong thả cho ra dáng thiếu nữ con nhà khuê các. Chẳng thế mà mấy người đẹp lừng danh xứ này đều luôn luôn đi bộ đến trường, đi qua cầu Trường Tiền gió bay tà áo thì phải biết, đẹp mê hồn đi chứ.
Tôi ghé qua nhà Tố.
Vừa vào đến cổng nhà, con chó lớn bỗng dưng hôm nay nó nhào ra, ngoạm ngay vạt áo dài bích ngọc của tôi, kéo rách toạc. Tố chạy ra ôm con chó đuổi nó ra sau nhà. Tôi hoảng sợ nhìn vạt áo, nghẹn ngào.
Tố phân bua, hôm nay bạn mặc áo đẹp quá nên nó tưởng người lạ đó, mọi lần nó đâu có dữ tợn như vậy. Nói xong Tố lấy chiếc kim băng ghim tà áo phía bên hông. Tôi không nói được nên lời, im lặng, không thèm nhìn Tố, trở về nhà không đến trường nữa. Để nguyên bộ áo quần mới, tôi nằm dài ra giường tấm tức khóc. Tôi thề từ nay không thèm đến nhà nó, thề không chơi với nó và không nhìn mặt nó. Con Tố, chủ của con chó hung dữ độc ác kia. Tố có nhiều tính không được bạn bè ưa cũng phải, con nhà giàu kín cổng cao tường. Mẹ nó thường cho lối xóm vay nợ ăn lời cắt cổ, tiền của nhiều nên phải nuôi chó dữ. Nó còn hay mượn bài vở của mình chép lại. Tố bỗng hiện nguyên hình một cô bạn nhiều nét xấu. Làm sao nói với mẹ, với dì. Thế nào họ cũng nói con ni lanh chanh như hành không muối, vào nhà ấy làm chi.
Sở dĩ tôi ghé qua nhà Tố vì nó căn dặn, khi nào đi bộ ghé qua rủ mình đi với nghe. Nó có chiếc răng khểnh duyên dáng, và hơn thế nữa, ngôi nhà của nó đẹp lắm, đẹp nhất xóm, tọa lạc giữa một khu vườn cây xanh mát, hai bên lối đi có trồng cả hoa hồng. Đi vào một ngôi nhà sang như thế mình cũng thấy dễ chịu, nhất là khi mặc chiếc áo dài mới như thế này. Người ta thường nói, chọn bạn mà chơi. Bạn sang thì mình cũng sang theo, bạn đẹp thì mình cũng đẹp theo. Các chị lớn mấy lớp trên thường chơi với đám bạn đẹp nên nổi tiếng, nên lừng danh. Sau khi bị chó cắn, tôi hứa từ nay chừa cái tật chọn bạn như vậy. Con Hường gần nhà, thích lân la với tôi nhưng nào tôi có màng để ý. Nhà nó vách gỗ vách ván, chẳng vườn tược hoa trái, buồn chết. Nhưng nó không hề có chó dữ, khi mẹ nó nấu chè đậu ván, nó mời tôi sang ăn, nhưng tôi lắc đầu bận học bài. Tôi đâm ra ân hận đủ thứ.
Nhìn chiếc áo mới, ôm vào lòng, như ôm một nỗi ngậm ngùi khôn nguôi. Tôi nhanh chóng nghĩ ra được cách che dấu, ngày Tết chắc chắn sẽ lạnh, tôi có dịp mặc áo len bên ngoài áo dài mới, chẳng ai thấy được đường rách, mẹ không biết.
Nhưng chiếc áo rách rồi, tay ai tài giỏi vá lành lại đây, buồn không tả. Rách, không thể lành, không thể hàn gắn như xưa. Cái áo mới sẽ được khâu vá lại, nếu khéo che đậy, có khi không ai thấy, nhưng thực chất nó đă trở thành một chiếc áo cũ rách. Tôi bần thần ngẩn ngơ về những điều lạ lùng xảy ra. Tuổi mười ba, cùng với một sinh lực chớm nở dậy thì đầy mộng mơ, tôi đă biết ngậm ngùi thất vọng một điều không may xảy đến cho ḿnh. Vừa mới hân hoan hănh diện mặc tấm áo dài mới, bỗng chốc con chó dữ xé toan vạt áo. Tôi choáng váng suốt cả mấy ngày liên tiếp vì biến cố này. Đúng như mẹ nói, có sớm khổ sớm. Tôi thấy khổ vì biết cảm nhận cái vô lư, cái không bình thường vừa xảy ra.
Từ dạo ấy, con chó gây nên một ấn tượng không mấy đẹp với tôi. Nhà ai có nuôi chó, tôi tránh xa, quen biết mấy tôi cũng không muốn vào.
° ° °
Lúc qua ở bên Tây, thỉnh thoảng về thăm mẹ ở tỉnh xa. Mẹ nuôi chó. Thấy mẹ cưng quỷ chó, tôi cũng phải nể nang nó ra mặt. Tôi mạnh dạn đưa tay vuốt ve đầu nó nói vài ba câu xã giao cho ra vẻ có tình ( để làm vui lòng mẹ). Nhưng tôi nói tiếng Việt nó chẳng hiểu gì cứ sủa gâu gâu. Mẹ bảo phải nói tiếng Tây. Tôi chột dạ, lỡ nói không đúng văn phạm, chắc nó chẳng hiểu.
Trong phòng khách, con chó được ngồi một vị trí ưu tiên nhất, đó là chiếc ghế bọc nệm gần mẹ tôi. Trong phòng ăn, nó cũng chiếm một vị trí gần bà chủ nhà. Thức ăn của nó được nấu riêng, không phải là thứ dư thừa. Mẹ tôi gọi nó là Bu (viết theo chữ Pháp là Bou). Cái tên dễ gọi không lôi thôi như Jean Louis David, hay Jonathan.
Tối ngủ, mẹ nói Bu qua ngủ với mẹ, còn phòng nó để dành cho tôi. Đó một căn phòng có giường rộng dành cho khách, nhưng không có khách thì Bu chiếm ngự. Căn phòng có mùi đặc biệt, dù thay áo gối ra giường khác sạch sẽ tươm tất, tôi vẫn ngửi được cái mùi kỳ lạ từ khi bước vào phòng. Đó chính là mùi của con Bu, nó khác với mùi của con người. Suốt cả một đêm tôi không thể nhắm mắt ngủ vì cái mùi này.
Cuộc đời mẹ, từ những ngày ấu thơ, lớn lên lấy chồng cho đến nay, trải biết bao thăng trầm. Tôi ít dịp được ở gần mẹ, sau năm mười ba tuổi, mẹ đă đi buôn bán xa rồi. Tôi vào học nội trú trường bà sơ, kỷ luật nghiêm nhặt. Cuộc chiến tranh Việt Pháp đă làm rách nát mọi gia đình, trong đó có tôi. Cha tôi đi kháng chiến chống Pháp, mẹ ở nhà buôn bán tần tảo với người Pháp (đôi khi lo tiếp tế cho cha tôi ở mật khu). Nhờ có học tiếng Pháp, mẹ làm ăn phát đạt. Mấy tấm hình của mẹ chụp ngày xưa, thấy mẹ rất đẹp. Có lẻ nhờ ở những ưu điểm ấy mà mẹ tôi sớm chịu những oan trái cuộc đời. Tôi luôn ám ảnh, cho rằng một con người có ưu điểm, hay có may mắn hơn người khác thì phải bị thua thiệt ở mặt nào đó. Tôi nhớ có lần gặp một bác lớn tuổi cho biết rằng mẹ cháu xưa kia đẹp lắm. Tôi thật xúc động, chỉ muốn ôm bác nói vạn lời cám ơn. Tôi là một đứa con như muôn vạn đứa con khác, luôn mong muốn nghĩ rằng mẹ của mình là người đàn bà hơn người. Mẹ đẹp hơn người, giỏi hơn người, thông minh hơn người, nhưng, mẹ khổ hơn người. Nghĩ vô lý thật.
Mỗi khi gặp có tôi bên cạnh, mẹ kể chuyện đời xưa, những chuyện buồn khổ ám ảnh mẹ không nguôi. Tôi an ủi, mẹ ơi đừng nhắc những chuyện buồn nữa, sao mẹ không nhớ những chuyện vui. Mẹ lắc đầu, mẹ chẳng biết cái chi vui mà kể. Thuở nhỏ năm lên mười tôi thuộc thơ TTKH, vì mẹ hay ngâm nga. Mẹ cũng ngâm lại bài thơ của cha tôi làm tặng mẹ khi hai người mới thương nhau, ngâm xong mẹ nói thương vậy mà cũng bỏ đi.
Đang lan man nghĩ ngợi, nửa đêm, con Bu bỗng chạy qua phòng tôi, có lẻ muốn chiếm lại giường ngủ. Nó nhảy phóc lên giường. Tôi khiếp vía ngồi ngay dậy bật đèn sáng. Nó nhả vào cạnh tôi một khúc xương ống trắng hếu, lại gầm gừ nhìn tôi. Con này thật quá quắt, nó muốn đuổi mình đây.
Sáng mai tôi đáp xe lửa về Paris sớm, vì giận con Bu quá. Mẹ tôi hỏi sao không ở lại thêm. Tôi buột miệng ngủ với chó hôi quá chịu không được. Câu trả lời rất đúng sự thật, nhưng làm phẫn nộ mẹ. Mẹ giận dữ nói tao nhờ nó mà sống được đến ngày hôm nay, con cái có đứa nào chịu ở với tao, mi chê nó hôi tức chê tao hôi. Tôi ân hận lỡ lời. Tôi chào mẹ ra về, con Bu thấy thế, vì cũng không mấy ưa tôi, đứng cửa sủa gắt lên. Đáng lẽ ra tôi phải vung tay nói muôn ngàn lời cảm tạ với Bu, rằng em đă thay mặt chị ở với mẹ, yêu thương mẹ, em đã giúp thêm nghị lực cho mẹ sống với đời này, chị biết em là con người hóa kiếp chó, em nhiều tình cảm đối với mẹ, mẹ bảo gì em cũng vâng lời,không hề tỏ ư kiến trái lời mẹ, em là đứa con ngoan ngoãn nên được mẹ thương yêu nhất nhà. Tôi thầm thì nói với Bu khi ngồi trên chuyến xe lửa tốc hành trở về. Ừ! Ừ nhỉ, tôi sẽ viết cho nó bức thư dài tạ lỗi. Nhưng về đến nhà, công việc dồn dập trước mắt, tôi lăn vào cuộc sống mệt mỏi và quên bức thư tha thiết dự tính viết cho Bu.
Mẹ tôi giam giữ quá nhiều cay đắng trong lòng, chỉ cần một vết nứt nhỏ, niềm đau nỗi khổ ấy chợt vỡ ra, tuôn ào ạt. Mẹ viết cho tôi một bức thư dài nói về con chó của mẹ. Mẹ ca tụng nó như một đứa con nuôi hiếu thảo nhiều tình cảm, và kết luận nó là con chó nhưng tốt hơn con người.
Những chuyến về thăm Việt Nam, mẹ đem Bu đi theo, mua cho nó một chỗ ngồi trên máy may. Mẹ không thể sống xa Bu. Bu là điểm tựa tinh thần, là sự an ủi, là sự ve vuốt cho nỗi cô liêu hoang vắng đời mẹ. Mẹ quyết định về sống lại ở Việt Nam, vì theo mẹ, xứ Tây này ích ỷ quá, sống không nổi.
Năm vừa qua, vào nửa đêm, tôi bị đánh thức dậy vì cú điện thoại gọi từ Sàigòn cho biết mẹ đă chết rồi.
Khi người mẹ của mình chết đi, mình như thế nào nhỉ ? Muôn ngàn mũi kim châm chích vào thịt da mình, muôn ngàn tấn ân hận đè lên trái tim mình. Vé máy bay mua không kịp, tôi về trễ, không kịp giã từ mẹ, không kịp đưa mẹ vào lò thiêu xác. Không kịp gì cả. Nếu tôi suy nghĩ kịp, nếu tôi hành động kịp, cuộc đời tôi bớt tiếc nuối nhiều chuyện.
Hôm tẩm liệm mẹ ở Sàigòn, dì tôi nói con Bu chạy vô chạy ra tru lên thảm thiết, người ta phải cột cho nó vành khăn trắng trên đầu. Nhìn tấm ảnh mẹ để trên quan tài bên cạnh vòng hoa phong lan màu tím, mẹ cười tươi dịu dàng. Mẹ đẹp quá. Mẹ vui lòng được chết trên quê hương mình sau na đời xa cách.
Dì tôi nói chị mất thế mà yên. Sống khổ, nên chết là yên, là hạnh phúc. Chỉ có chết, mẹ mới được bình an. Tôi ôm bình tro mẹ trong tay nước mắt chảy dài, tự hỏi tại sao lúc mẹ còn sống, tôi không hề một lần nào ôm mẹ trong tay. Tôi xa cách mẹ và mẹ xa cách tôi. Mới đó mẹ chết rồi. Tôi ngơ ngẩn lảm nhảm. Đất vẫn quay, trời vẫn có ngày có đêm, xe vẫn bóp còi inh ỏi trên đường phố Sàigòn, chỉ có mẹ là chết.
Tôi không bao giờ gặp mẹ trên cuộc đời này nữa.
Hôm tôi về đến nhà Sàigòn, con Bu chạy ra nhìn tôi, đôi mắt đen láy chăm chú nhận diện quen biết, vẫy đuôi mừng rỡ. Cả nhà ngạc nhiên, tôi cũng ngạc nhiên, sao nó còn nhớ tới mình. Bu nhớ chứ, nó nhớ tôi là con của mẹ, người đă sống cùng với nó như hình với bóng. Mẹ tôi bỏ nó ra đi mãi mãi không về. Mấy ngày sau khi mẹ mất, nó bỏ ăn nằm ủ rũ trong góc nhà. Khi tôi về, bỗng dưng nó quấn quít bên cạnh tôi. Tôi ngồi đâu, Bu cũng lẩn quẩn theo ngồi bên cạnh. Ai bảo ǵì cũng mặc, chỉ có tôi bảo nó mới nghe lời. Các dì bảo con chó khôn thật, vì tôi giống mẹ. Máu huyết tôi là máu huyết mẹ, Bu hiểu điều ấy hơn ai hết, và trong thâm tâm nó, hy vọng rằng tôi sẽ nuôi nấng nó thay mẹ tôi ( có thể nó quên chuyện đă từng dọa nạt tôi trong đêm khuya).
Buổi tối, không ngủ được, vào nửa đêm, tôi bật đèn ngồi dậy. Bu nằm dưới chân giường đưa đôi mắt đen buồn thảm nhìn tôi. Đôi mắt nó ướt như vừa mới khóc. Tôi không ngủ, nó cũng không, cả hai chúng tôi đều nhớ mẹ. Tôi đưa tay vuốt đầu Bu, nó dụi đầu vào tay ư ử ra chiều cảm động. Bu thè lưỡi liếm vào chân tôi, cử chỉ Bu thường làm với mẹ, chiếc lưỡi mềm mại của Bu thật trìu mến. Tôi thương mẹ quá, tôi thấu hiểu tại sao Bu chiếm được tình thương của mẹ. Có khi nào tôi ôm chân mẹ như thế chưa. Bu đã hôn lấy bàn chân gầy ốm tật nguyền của mẹ mỗi ngày, mỗi đêm khi mẹ mất ngủ. Tôi đau đớn ân hận.
Tôi bảo nó lên giường nằm bên cạnh. Mẹ nói đúng, Bu xứng đáng hơn tôi. Có lẻ mẹ tôi ở nơi nào đấy, đang mỉm cười với với con gái, biết tôi thương yêu Bu như mẹ đă thương yêu nó. Điều này chắc chắn mẹ vui lòng lắm.
Khi đến tòa lãnh sự Pháp để lo giấy tờ khai tử cho mẹ, tôi bị làm khó dễ ở cổng gác với nhân viên Việt Nam, lý do hôm nay đông khách, để lần khác. Tôi xin trực tiếp nói chuyện với nhân viên sứ quán người Pháp, chẳng đặng đừng, họ cho tôi vào. Trong văn phòng dịch vụ, không thấy có bóng khách nào ngồi chờ. Anh Tây trẻ ra bắt tay chào mời ngồi đàng hoàng. Chị đầm lo giấy tờ, nhanh chóng đưa giấy xin ký tên vào tờ khai. Chị đầm nói, mấy bà lớn luổi về đây ở đều bị chết sớm, không khí ở đây rất độc vì dơ bẩn. Trong cử chỉ nói năng của tây đầm ở tòa lãnh sự, họ xem tôi là người đồng hương. Tôi cũng nhận thấy có điều thân ái giữa họ và tôi, điều này tôi khó tìm ra được ngay, khi tiếp xúc với đồng bào trên cố hương mình. Một cảm giác nhói đau trong trái tim, tôi tự hỏi nơi nào là quê hương thực của ḿnh, Pháp hay Việt Nam ? Tôi nhìn xung quanh tòa nhà lãnh sự, không khí thoáng mát hơn ngày ấy, ngày mà gia đình tôi lo lắng khép nép e dè hồi hộp vào làm giy. Hôm nay, tôi vào đây với thái độ ung dung của một công dân lo giấy tờ xin đi ra khỏi xứ sở này. Ngày ấy, tôi người Việt Nam Pháp, được đối xử lịch sự thân tình. Tôi là người gì, Pháp hay Việt ? Lúc ở Tây, tôi sống giữa những kẻ khác chủng tộc. Về Việt Nam, tôi thấy mình không hẳn là người Việt. Đó là sự mâu thuẫn rắc rối khá đau lòng.
Tôi sắp sửa trở về Pháp, thấy tôi lăng xăng dọn dẹp áo quần hình ảnh mẹ vào vali, Bu như cảm thấy một điều gì đó, nó quấn vào chân tôi không rời. Tôi ở nhà bếp nó chạy xuống bếp, tôi lên nhà trên nó chạy lên theo sau bám sát, thỉnh thoảng Bu ngẩn đầu nhìn tôi thắc mắc. Đôi mắt Bu lạ lùng, đôi mắt đen tuyền long lanh và thắm đẫm dịu dàng, đẹp hơn cả mắt người. Mẹ ơi, bây giờ con mới hiểu tại sao mẹ yêu quý Bu đến thế. Tôi lặng người nhìn đôi mắt tha thiết. Ngày mai tôi đi, không thể đem nó theo cùng, tôi không thể cưu mang nó như mẹ tôi. Phải để Bu lại đây thôi. Càng đến giờ ra đi, tôi càng lưu luyến nó, thứ tình cảm ủy mị này tôi chưa hề trải qua với người, nhưng với con động vật này, tôi biết mình cũng yếu đuối quá. Tôi tránh những cử chỉ vuốt ve, sợ làm nặng thêm cho nó, cho tôi, nỗi chia lìa. Bu là tình thương của mẹ, tôi thương nó chính là thương mẹ. Điều này tôi mới vừa nhận biết, tôi trả hiếu mẹ tôi quá muộn màng. Không kịp.
Tôi và dì đang bàn tính chuyện nuôi nấng Bu. Dì tôi năm nay cũng già yếu, trí óc lẩn thẩn quên trước quên sau. Dì nói con Bu quen ăn sướng rồi, ở với dì ăn cực không biết nó có chịu được không. Mẹ sáng nào cũng cho nó bánh mì quết bơ, bơ nhiều ăn, bơ ít chê, nó thích ăn thịt bò chứ không ăn thịt heo, phải đi mua xương phở cho nó nhai. Tôi nói tập cho quen có gì ăn nấy, mẹ mất rồi, phải biết thân biết phận chứ. Tuy nói vậy, tôi không tránh khỏi xót xa.
Buổi sáng lên phi trường, để tránh sự đau lòng của Bu, tôi nhờ người nhà đem hành lý ra xe trước, trong lúc Bu ăn điểm tâm sau bếp, tôi lẹ làng lén ra xe. Khi xe rồ máy, tôi nghe thấy tiếng sủa inh ỏi trong nhà, tiếng sủa tru lên gào thét. Xé lòng.
Xe ngang qua ngôi nhà thờ có tro tàn của mẹ, nước mắt tôi chảy dài. Có một sinh linh bị hai lần tuyệt vọng, con Bu, một lần mẹ bỏ nó, một lần nữa tôi bỏ nó. Mẹ ra đi không bao giờ trở lại, còn tôi biết bao giờ trở lại xứ sở này, và lúc bấy giờ Bu còn sống chăng.
Mẹ tôi, một người đàn bà cưu mang tất cả sự khốn cùng rách nát của chiến tranh, cưu mang gánh nặng nỗi nhục nhằn của một kiếp người. Nỗi cô đơn lạnh lẽo xứ người làm mẹ xác xơ, co quắp trước một thói đời ích kỷ, mẹ mất hết hy vọng. Mẹ hoang phế trong đời sống này. Mất quá khứ, mất hiện tại, vô vọng với người thân. Mẹ xa lánh mọi người, chỉ trừ nó, con chó.

Trần Thị Diệu Tâm 

Đoạn phim cảm động

Tấm lòng thuỷ chung
Tận tâm chung thuỷ ai bằng chó,
Sao nở đành tâm huỷ diệt nhau...?
Giàu sang ngoảnh mặt khinh thường bạn...
Lúc mất đi rồi mới biết đau !!
NM
Kết quả hình ảnh cho chó báo thù về cửa Phật
Người ăn mày và con chó
Về tới nhà, ông lạnh lùng mang con chó ra vườn sau, cạnh cái giếng cũ. Sau đó cho nó vào một chiếc thùng gỗ, buộc vào một sợi dây thừng dài và thả xuống cái giếng khô. Người ăn mày quyết tâm giết chết con chó, giống như tiêu diệt hoàn toàn cái quá khứ khốn khổ vẫn ám ảnh ông ta.
*** 
Chuyện kể rằng trên cây cầu trong ngôi thành nọ có một người hành khất. Ông ta không biết kéo đàn, cũng không biết hát, thậm chí còn chẳng biết viết ra cảnh ngộ bi thảm của mình lên giấy, rải xuống đất để mong nhận sự thương xót của khách qua lại.
Mỗi ngày, ông chỉ biết ngồi chồm hỗm dựa vào thành cầu, co ro rúc mặt vào trong đầu gối, bên cạnh đôi chân gày gò để một cái bát mẻ cũ kỹ. May mà người qua lại chiếc cầu rất đông, thi thoảng cũng có người đem vài đồng bạc lẻ vứt vào trong bát.
Khi đêm đến, người hành khất sẽ trở về chỗ trú ngụ của ông – một cái vườn rau ở ngoại ô, bị bỏ hoang đã lâu. Một hàng rào xiêu vẹo bao lấy vườn rau bỏ hoang, bên trong có một túp lều nát, người hành khất già đã lánh rét ở đó được mấy mùa đông lạnh giá. Trong vườn rau còn có một miệng giếng khô, bên giếng có một gốc cây già.
Gió mùa đông bắc ùa về, thành phố đón trận tuyết đầu tiên của mùa đông. Người trên cầu thưa thớt hẳn đi, lão hành khất đang định sẽ về nghỉ, bỗng từ đâu chạy tới một con chó nhỏ. Con chó bị lạnh tới nỗi run lên từng chập, trõ mõm hít hít cái bát sứt của người ăn mày, thì ra là vì đêm hôm trước ông đã dùng cái bát này để thức ăn. Lão hành khất trong lòng thương xót, liền lấy trong người ra một chiếc bánh bao, khẽ khàng bỏ vào trong bát.
Con chó nhỏ ngước lên nhìn ông hồi lâu, như thể cảm động lắm, rồi gục mặt vào bát ăn lấy ăn để.
Người ăn mày mang con chó về "nhà" của mình, từ đó người chó quấn quít không rời. Con chó rất thông minh, hễ đói là biết ngoạm cái bát chạy nhắng quanh chủ đòi ăn. Những người đi qua nhìn thấy thế rất ngạc nhiên thích thú, liền thi nhau ném tiền vào trong bát.
Người ăn mày phát hiện ra đây là cơ hội lớn, liền huấn luyện cho con chó. Qua một thời gian, nó đã biết đứng bằng hai chân sau, ngoạm bát xin ăn nhảy tới nhảy lui trước mặt những người qua đường. Vậy là người ăn mày lại càng thu được nhiều tiền thêm.
Người ăn mày bỗng dưng " phát tài", liền lấy tiền đi đánh xổ số. Thật là nằm mơ cũng không tưởng được vận số ông lại tốt đến vậy, không lâu sau ông trúng giải độc đắc. Cứ như là số mệnh vậy. Người ăn mày mua lại vườn rau bỏ hoang, rồi từ mảnh đất đó xây lên một ngôi nhà lộng lẫy, nhưng ông vẫn giữ lại túp lều nát, miệng giếng khô cùng gốc cây già và nếp hàng rào lưa thưa ngày nào ở vườn sau khu nhà mình.
Trong phòng của người ăn mày bày biện đầy những đồ xa xỉ, ông bỗng chốc mê mẩn việc sưu tầm đồ cổ, thích cung phụng những mỹ nhân chân dài, lại càng thích ánh mắt kinh ngạc, ngưỡng mộ của mọi người khi ông rút trong túi ra cả xập tiền lớn.
"Quý ngài ăn mày" bắt đầu đi gặp gỡ giới thượng lưu, dĩ nhiên lúc nào ông cũng mang theo con chó nhỏ của mình. Các bà mệnh phụ ra sức ủng hộ nhiệt liệt quí ông ăn chơi mạnh tay này, và dĩ nhiên chẳng ai biết xuất thân ông ra sao. Điều duy nhất làm cho "quý ngài ăn mày" cảm thấy khó xử chính là chú chó nhỏ, bởi những người thượng lưu khác đều nuôi những con chó giống quý, thuần chủng kia!
Cho tới một hôm, con chó con bướng bỉnh của ông cắn rách tai một con chó cái giống quí, ngay giữa bữa tiệc. Chủ nhân con chó nổi trận lôi đình, làm cho ngài ăn mày cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tổn thương nghiêm trọng.
Về tới nhà, ông lạnh lùng mang con chó ra vườn sau, cạnh cái giếng cũ. Sau đó cho nó vào một chiếc thùng gỗ, buộc vào một sợi dây thừng dài và thả xuống cái giếng khô. Người ăn mày quyết tâm giết chết con chó, giống như tiêu diệt hoàn toàn cái quá khứ khốn khổ vẫn ám ảnh ông ta.
Từ đó, bên cạnh người hành khất thiếu đi con chó nhỏ trung thành, ông ta có thể thoải mái một mình đi gặp các cô em phục vụ dễ thương ở quán rượu, hoặc đi dự những bữa tiệc thượng lưu xa hoa.
May mà dù thế nào ông cũng không quên mỗi ngày thả xuống giếng vài miếng thịt, vì tiếng sủa của con chó cho ông biết rằng người bạn ngày khốn khó xưa kia vẫn còn sống.
Chớp mắt hơn một tháng trôi qua, người hành khất ngược lại cảm thấy không hề vui vẻ, chó nhỏ đi rồi, bạn bè quý tộc của ông ta cũng không hề nhiều hơn, vả lại có một hôm, nhằm lúc ông uống rượu say lướt khướt, đã buột miệng để lộ ra cái thân phận thấp hèn ngày xưa. Lũ người kia bỗng chốc chế nhạo và quay mặt lạnh nhạt với ông ta.
Người ăn mày cuối cùng hiểu ra rằng, trên đời này chỉ có chú chó nhỏ đã từng trải qua hoạn nạn với mình mới là người bạn chân chính nhất. Thế mà ông nỡ vứt nó xuống dưới giếng khô.
Người ăn mày chạy thật mau đến bên giếng, thả cái cũi gỗ xuống. Nhưng chó con chỉ đi quanh cái thùng gỗ mà không dám nhảy vào trong.
Người ăn mày chạy đi tìm một cái dây to, một đầu cột vào gốc cây, tự mình trèo xuống đáy giếng cứu chó con. Giếng rất sâu, nhưng ông không sợ hãi chút nào. Đáy giếng tối om om, lại bốc lên mùi thum thủm, ông vội cắp con chó rồi trèo lên. Chó con chẳng hề oán trách chủ mình, vui mừng liếm mặt người chủ lâu ngày mới gặp lại.
Bác sỹ giỏi nhất trong thành cũng không thể trị nổi bệnh của chó nhỏ. Người hành khất vì muốn bù đắp lỗi lầm của mình, mỗi ngày đều cho nó đồ ăn ngon nhất, đi đâu cũng dắt theo. Con chó nhỏ vui lắm, lúc lắc cái đuôi nhỏ, nhưng đầu nó chỉ có thể quay nhìn đằng sau, đôi mắt lúc nào cũng ngước nhìn trời cao.
Người ăn mày mang chó nhỏ đi khắp mọi ngõ ngách trong thành phố, ông cầm tiền bỏ vào tân tay những người hành khất khác. Thấy những người ấy cảm kích cầm tiền của mình, ông cảm thấy thật là mãn nguyện. Rồi ông bắt đầu có dự định mới, ông báo cho những người ăn mày trong cả thành tới nhà ông lĩnh tiền.
Tin tức truyền đi rất nhanh, đội ngũ ăn mày tới lĩnh tiền càng lúc càng đông. Những người được tiền rồi dùng mọi lời lẽ hoa mỹ nhất trên đời để tán tụng ông, khiến ông hưng phấn khôn tả. Đài truyền hình tới, bản tin buổi tối cũng có phóng sự nói về ông.
Ngày thứ hai, mọi người như nước thủy triều xông tới nhà ông, có những người chẳng phải ăn mày cũng gia nhập vào đội quân lĩnh tiền. Người hành khất cứ chìm đắm trong cảm giác vinh dự vui sướng, ngày nào cũng bận rộn chạy qua chạy lại giữa ngân hàng và nhà mình.
Cho đến một hôm, ngân hàng báo cho ông biết tiền trong tài khoản đã hết, ông đành phải nói với hàng dài những người xếp hàng rằng : Hết tiền để phát mất rồi!
Đám người xếp hàng lập tức biến thành một đoàn hỗn loạn.
Chúng bắt đầu mắng chửi : " Đồ ti tiện!" "Sao đến lượt tao lại không phát nữa!" " Dạy cho nó một bài học!".
Bọn chúng xông vào nhà ông, ném gạch tới tấp làm vỡ hết cửa sổ. Ông chốt cửa nhà lại, nhưng cũng sắp bị đám người xô đổ đến nơi rồi.
Sợ quá, ông chạy ra vườn sau. Trông thấy sợi dây thừng còn buộc bên miệng giếng, ông vội vã leo xuống. Lúc sắp xuống tới đáy giếng, bất ngờ đầu dây thừng buộc ở miệng giếng bị rơi ra, người hành khất cùng sợi dây vẫn nắm chắc trong tay rơi xuống đáy giếng tối om.
Cảnh sát mất rất nhiều công sức mới giải tán được đám người hung hãn, nhưng ngôi nhà gần như đã biến thành một bãi hoang tàn, những thứ có thể lấy được, người ta đều cướp đi hết.
Thời gian mỗi ngày một qua đi, người ăn mày chỉ đành trú lại ở đáy giếng vừa tối vừa lạnh, ông ta ngóc mặt lên gào với trời, với trăng, chẳng ai nghe thấy. Chó con mỗi ngày chạy đi khắp nơi kiếm thức ăn ném xuống giếng, lúc thì là chiếc bánh bao đã mốc meo, khi thì miếng xương đã biến mùi. Chó con kiếm thức ăn rất khó khăn, vì đầu nó chỉ có thể nhìn ngược đằng sau.
Không làm thế nào được, nó chỉ biết nằm dài ra mà hít hà dưới đất, vớ được miếng thịt hỏng hay gì đó là ngóc dậy chạy về miệng giếng khô ngay. Có một lần, chó con còn vứt xuống cả xác một con mèo chết.
Chớp mắt hơn một tháng trôi qua, chó con thậm chí còn không để dành thức ăn cho bản thân, người nó gầy chỉ còn da bọc xương, thế rồi nó yếu đến mức sức lực để đi cũng không còn.
nguoi-an-may-va-con-cho4
Người ăn mày ngày nào cũng gào thét khản cả cổ, chẳng có ai tới cứu ông ta.
Vài ngày liên tiếp chó con không thả đồ ăn xuống nữa, người ăn mày không biết con chó đã xảy chuyện gì. Ông đau đáu nhìn lên mảnh trời hình tròn nhỏ bé trên miệng giếng, biết rằng mình sắp chết.
Một buổi sớm, những tiếng người nói chuyện rầm rì trên miệng giếng đánh thức người hành khất khỏi cơn mê sảng, ông thu hết chút sức tàn hô lên một tiếng.
Ông được mọi người dùng dây thừng đưa lên, ánh sáng mặt trời chói lọi làm ông không mở nổi mắt. Mọi người săm soi người đàn ông lem luốc hôi thối trước mặt :
"Nếu không phải thấy có xác con chó con chết ở miệng giếng này, thì chẳng có ai nghe được tiếng kêu của ông."
Người ăn mày nhìn cái xác gầy guộc của chó nhỏ, nước mắt rơi ướt cả bộ lông dính đầy đất bẩn của nó.
ST (Phạm văn Hải)