Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Những ngày Tết của Mẹ

Nhạc Xuân Hay Nhất

Những quả bóng ước mơ,
Bay cao đi hỡi bóng ơi,
Mang theo hi vọng tuổi đời thanh xuân
Đông qua Xuân đến bao lần,
Mà hình bóng mẹ vẫn không phai mờ
 Mẹ là tất cả tuổi thơ,
Mẹ luôn chắp cánh ước mơ cho tròn
Cả đời mẹ sống vì con
Dẫu cho thân mẹ héo hon trăm chiều...
Ôi thương đời mẹ quạnh hiu,
Sớm trưa vất vả trăm điều nuôi con,
NM

Những ngày Tết của mẹ

Mẹ là quê hương của con.  

  Cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi chợt bồi hồi nhớ lại những ngày tháng xa xưa và thoáng trong miền kí ức đầy sương ấy, hình bóng hao gầy của mẹ tôi hiện ra mỗi lúc một rõ dần, rõ dần      

 Thuở ấy, nhà tôi nghèo lắm. Tôi mới lên mười. Ba chị em tôi còn nhỏ nên chẳng giúp được gì cho mẹ. Bố tôi bỏ đi làm xa lâu lâu mới trở về thăm nhà một lần. Bởi vậy, mẹ tôi - một cô giáo trường làng - ngoài giờ lên lớp phải một mình “lặn lội thân cò” để kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học. Năm mười hai tháng không ngày nào mẹ rảnh tay. Tuy vất vả thật nhưng thấy con cái đứa nào cũng học giỏi nên mẹ rất vui lòng. Ở cùng chúng tôi còn có bà ngoại. Tuổi bà đã xế chiều. Ngày ba bữa, nhà tôi đã ăn cháo hết hai. Những lúc ấy, bà thường kể cho chúng tôi nghe về nạn đói năm một chín năm hai. Bà bảo rằng:“Người ta phát chẩn cho những người bị đói nhưng do họ nhịn quá lâu ngày nên bấy giờ họ cố ăn thật nhanh, thật nhiều, giành giật nhau mà ăn, ăn quá nhiều đến mức bao tử không thể chứa được nữaVà thế là họ chết ! ”. Tôi nghe mà rợn cả người.       

Những ngày tháng vô cùng thiếu thốn và gian khổ ấy vẫn cứ trôi qua. Bỗng một hôm cây mai trước cửa nhà tôi chợt rụng lá. Khí trời trở gió se se. Tôi biết: Mùa xuân sắp về.     

 Là những ngày giáp Tết mà không khí chuẩn bị ở quê thật sơ sài. Mẹ tôi thường ngày đã vất vả bây giờ lại càng vất vả nhiều hơn. Mẹ luôn thức dậy từ sáng sớm. Trong màn sương muối dày đặc mang theo cái lạnh thấu xương của miền Trung, mẹ bấm chân dò từng bước trên con đường đất đỏ lầy lội. Ra đến chợ, mẹ lấy hàng của đại lý rồi đem bán lẻ để kiếm lời. Công việc có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực chẳng dễ chút nào. Ở chợ cũng có nhiều người bán như mẹ nên số tiền thu được chỉ tính từng đồng. Vậy mà có hôm, đứa em út của tôi  đòi mẹ một gói kẹo, tôi dỗ cách nào nó cũng không nín, mẹ liền bảo: “Thôi con lấy cho em một gói kẹo đậu phộng da cá (loại nhỏ nhất, rẻ tiền nhất) cũng được !”. Cầm bao kẹo trên tay, vẻ mặt nó rạng rỡ hẳn lên. Tôi ngồi cạnh bên...im lặngGần hết buổi sáng mà chưa có ai mua cả, thỉnh thoảng có dăm ba người tới hỏi vài câu rồi lại bỏ đi ngay, mặc cho mẹ tôi mời mọc hết lời. Độ giữa trưa, tôi về nhà mang ra cho mẹ một nắm cơm đã trộn sẵn với muối tiêu. Nắm cơm bé xíu lọt thỏm giữa những ngón tay gầy guộc, xương xương của người. Mẹ nhìn hai chị em tôi bằng ánh mắt xót xa rồi bẻ cho mỗi đứa một mẩu nhỏ. Từ trong khóe mắt mẹ, một giọt nước mắt long lanh từ từ rơi xuống đôi gò má nhô cao, khô ráp. Trong thoáng chốc, hai mắt tôi cũng như nhòa đi  

    Hai chín Tết. Pháo tất niên nhà ai nổ lộp độp. Mẹ tôi dậy muộn hơn mọi ngày. Mẹ bảo sáng nay sẽ đi chợ để mua sắm đồ Tết cho mấy chị em tôi, nhân tiện người sẽ mua thêm cho mỗi đứa một chùm pháo tiểu. Bỗng “soạt”. Tôi chạy vội xuống bếp xem. Thì ra trên giàn bếp, con miêu đang dòm ngó cân thịt lợn mà bà tôi mới cân hồi sớm của cô hàng xóm. Lúc đi chợ về, mẹ mua cho tôi đôi dép có quai sau tiện thể dùng để đi học, chị tôi lớn hơn nên được cái mũ rộng vành có gắn một bông hoa và cành lá xung quanh, còn bé út tôi thì nhỏ nhất nên nó được một bộ quần áo rất xinh, mới tinh với nhiều hình vẽ cùng màu trang trí. Vậy mà...tết nay bố tôi lại vẫn không về...      

  Mồng một tết. Nắng xuân ấm áp chan hoà trên con đường xanh biếc cỏ non. Mọi người ai nấy đều hăm hở đi viếng mộ tổ tiên, ông bà. Vài bà cụ mặc áo dài, quần the cũng tất bật hoà vào dòng người. Mẹ tôi là con gái duy nhất của ông ngoại nên việc hương khói ông bà đều do mỗi mình mẹ gánh vác. Tôi thấy mẹ quỳ xuống đốt nhang và thì thầm khấn điều gì đó trước mộ ông. Dáng mẹ trông thật bé nhỏ làm sao trước không gian rợn ngợp chỉ toàn là mộ và cát trắng tinh.        

Tết ở miền quê buồn và yên ả, không có những hội chợ hay các trò chơi nhộn nhịp như ở phố thị. Đâu đó bên góc đường tiếng cãi vả ồn ào của một đám người đánh “bầu, cua, tôm, cá, nai, gà” mỗi lúc một to dần. Cả người lớn và trẻ con như bị hút hồn vào nơi ấy. Còn tôi, tôi biết rõ đó là thứ trò chơi mà mình càng chơi càng cay cú. Do vậy, tôi không bao giờ dùng tiền mừng tuổi của mình để chơi cả. Tôi luôn nghe theo lời dạy của mẹ. Ngược lại, tôi có một công việc khá dễ để làm. Tôi lon ton theo mẹ ra chợ và giúp mẹ bán các con số ghi trên những tấm vé ứng với sáu mặt của một con xúc xắc bỏ vào đĩa rồi đậy chiếc chén nhỏ lên trên. Sau đó mẹ tôi xóc vài cái cho nó đảo đều. Mẹ tôi gọi trò chơi ấy là “Rung Tam Hường”. Tôi rất khoái trò chơi này  (mặc dù nó cũng chẳng khác trò kia là mấy). Và, bọn trẻ con trạc tuổi tôi cũng vậy. Lúc đầu, bọn chúng tỏ ra dè dặt và có ý thăm dò. Chỉ một lúc sau chúng hiểu luật và thích ngay. Đặc biệt là giá trị của phần thưởng cũng khá “hậu” so với số tiền mà chúng bỏ ra. Vì vậy, chúng say sưa bên những ván “Tam Hường” mà quên cả sớm trưa. Chúng cũng nhanh chóng trở thành “thượng đế” của chúng tôi tự lúc nào. Nhìn những đôi mắt đen tròn, mở to chăm chú của mấy cô, cậu bé lên năm, lên sáu rồi nhìn vào những đường gân nổi rõ trên đôi tay xanh xao của mẹ mình mà tôi cảm thấy vừa vui vừa chạnh lòng.      

  Hai hôm sau chúng nó trở nên thân với tôi hơn. Mới sáng sớm chúng đã vây quanh chiếc sạp bé nhỏ của chúng tôi rồi. Chúng còn giục mẹ tôi đi lấy phần thưởng về thật mau. Khi thấy tôi tay ôm tay xách thì chúng vội vàng chạy đến đỡ lấy ngay. Mẹ tôi xổ ván đầu tiên. Cả bọn im lặng, hồi hộp, chờ đợi. Khi vừa thấy mẹ tôi mở chiếc chén ra, tức thì thằng Tèo- con ông Tư hàng xóm- háo hức reo lên : “Con trúng rồi ! ”. Thằng bé cười- một nụ cười hồn nhiên đầy “thắng lợi”. Suốt ngày hôm đó, tôi luôn bận rộn. Hơn thế, chính cái tài rao vặt khéo léo của tôi đã khiến chiếc cổ họng tôi khan cứng tự lúc nào, giọng nói cứ rè rè chẳng khác nào chiếc ra-đi-ô bị hỏng.   

     Đến chiều mồng ba “khách” bắt đầu thưa dần. Có đứa buồn bã, tiếc rẻ khi mẹ tôi tuyên bố ngày mai sẽ thôi không chơi nữa. Chúng hỏi tại sao thì người chỉ cười, một nụ cười hiền lành, đôn hậu, mẹ đùa:         

  - Thế các cháu không cho cô về ăn tết hả ?   

      Bọn chúng lặng nhìn nhau. Chợt có đứa thỏ thẻ:   

       - Vậy Tết sang năm cô có chơi nữa không ?      

   Rồi nó nói thêm:         

 - Bọn con hứa là sẽ chờ cô mà !  

     Nghe xong, mẹ tôi cố nén xúc động, nhìn bọn trẻ bằng ánh mắt yêu thương rồi nhẹ nhàng bảo:        

 - Ừ, hẹn sang năm, cô cháu mình sẽ gặp lại nhau nhé !...     

            Ba ngày xuân ngắn ngủi trôi qua. 

    Mồng bốn Tết. Chợ đầu năm đã họp. Người dân quê tôi thường mang ra chợ những thứ gọi là “cây nhà lá vườn” bán để cầu tài. Họ cũng không quên mua thêm một ít muối hạt gọi là “muối sống” theo phong tục cổ truyền “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.” Riêng mẹ tôi thì khác. Mẹ chẳng có gì để bán nhưng ngược lại thứ mà mẹ mua về chính là túi gạo nặng trĩu trên tay cùng với chùm bóng bay chia đều cho ba đứa. Thấy mẹ về, chúng tôi chạy thật nhanh ra ngõ để đón mẹ. Chị tôi nhanh nhảu đỡ túi gạo từ tay mẹ, khệ nệ mang vô nhà bếp, đổ vào chiếc thạp sứ chỉ còn vương vài hạt tấm. Mẹ dịu dàng trao chùm bóng bay cho tôi rồi cúi người xuống nhẹ nhàng bế lấy em gái tôi, ẳm em vào lòng và hôn lên đôi má ửng hồng của nó. Tôi chạy vội vào nhà vơ lấy chiếc khăn ra lau những giọt mồ hôi chảy thành từng vệt trên trán mẹ. Hôm nay được nhìn kĩ khuôn mặt mẹ tôi thấy mẹ gầy hẳn đi. Đôi gò má của người như càng khô ráp và nhô cao hơn. Tôi biết mẹ đã vất vả vì chúng tôi nhiều quá. Tôi cảm thấy thương mẹ vô cùng. Rồi, đột nhiên mọi thứ xung quanh tôi dường như nhoà đi. Bất giác, chùm bóng bay trong tay tôi vụt mất. Tôi ngước mắt nhìn theo. Trên bầu trời cao rộng, chùm bóng bay mà mẹ dành cho chúng tôi đang vươn cao và mỗi lúc một cao dần, cao dần tựa hồ như những ước mơ, những niềm hi vọng của tuổi thơ bọn tôi sẽ được mẹ chắp cánh cho bay cao và bay xa, xa mãi..

Phạm Nguyễn Quế Linh

Tháng chạp, năm 2009

Xuân buồn
Trong ánh mắt cô đơn,
Tôi thấy dường Xuân muộn ?!
Còn nỗi buồn nào hơn,
Xuân không là tất cả...
Và Xuân của riêng em,
Là chuỗi ngày vất vả !!
NM

Công viên ngày Tết

Quãng những năm cuối thập niên 1980, cứ Tết đến, cha tôi lại mở một quầy ảnh trong công viên Lê Nin. Khách đi chơi công viên ngày lễ đều muốn chụp một bức ảnh cả đại gia đình làm kỷ niệm. Họ đứng trước đài phun nước, cạnh vườn hoa, mặc quần áo mới đủ màu sắc, em bé thì cưỡi ngựa gỗ, cầm bóng bay, cô gái trẻ ngồi xích đu có nơ hoa chăng xung quanh. 

Cha tôi bận rộn tối ngày với việc chụp, in tráng, trả ảnh. Mẹ cũng ra tiệm ảnh công viên phụ cho cha. Tôi và em gái cũng thế, mặc dù một đứa trẻ 15 tháng tuổi thì chẳng phụ được gì cả. Đấy là một trong những quãng thời gian hạnh phúc nhất của tôi cho dẫu ngay cả giao thừa, cha mẹ tôi cũng bận rộn cả ngày. Cha mẹ tôi phấn khởi vì chúng tôi đã thu được khá nhiều tiền ngay từ những ngày đầu tiên, còn tôi phấn khởi vì được ở trong công viên cả ngày.

Sang ngày thứ ba, khi tôi đã quá quen với những trò giải trí bắt đầu trở nên cũ mèm thì đột ngột trong công viên thấy xuất hiện hai nhân vật lạ. Đó là một người đàn ông mặc ba đờ xuy bằng dạ xám, đầu đội mũ phớt, chân đi giày da, và có bộ ria mép được xén tỉa cầu kỳ. Người thứ hai là một cô bé trạc tuổi tôi, tóc cắt ngắn và mặc bộ nỉ thể thao màu xanh biển rất đẹp. Chắc hẳn đấy là hai cha con dù tôi chẳng thấy họ trao đổi với nhau lời nào. Họ trải một tấm thảm hình tròn ngay cạnh tiệm ảnh của cha tôi, lại chăng thêm dây dù xung quanh trông rất giống sân khấu. Tôi không hiểu họ sẽ làm gì nhưng cảm thấy vô cùng tò mò. Tôi đứng sáp lại quan sát người đàn ông đang bày biện mấy gói giấy bản buộc kín lên rìa tấm thảm. Chừng nửa tiếng sau, người đàn ông đứng ra giữa tấm thảm và hô to:

- Xin kính mời bà con cô bác khán giả đón xem tiết mục ảo thuật vô cùng đặc sắc của đoàn chúng tôi... Những màn trình diễn kỳ lạ nhất mà chắc chắn quý vị chưa bao giờ được thưởng thức... Xin mời... Xin mời... Chúng tôi chỉ biễu diễn một buổi duy nhất... Xin mời... Xin mời...

Lời mời gọi của người làm ảo thuật thu hút được chừng hơn chục người đứng xung quanh sân khấu. Người đàn ông bắt đầu biểu diễn. Ông ta lấy từ túi áo ra một quả bóng bàn, nuốt chửng nó vào miệng, rồi trước sự ngạc nhiên của khán giả, quả bóng lại chui ra từ hốc mắt nhà ảo thuật, sau đó nhanh chóng biến mất vào không khí. Một giây sau, từ hai lỗ tai ông ta lại thòi ra hai quả bóng. Ông ép hai quả bóng vào lòng bàn tay, lập tức chúng tan chảy như sương như khói.

Hai túi áo ba đờ xuy của nhà ảo thuật cứ như cái thùng không đáy. Ông ta lôi ra từ trong túi đủ thứ đồ lỉnh kỉnh: Bóng bàn, bóng bay, dây vải lụa, cả vài tờ báo nữa. Ông làm biến mất mọi thứ rồi lại cho chúng xuất hiện trở lại trong nháy mắt trong khi tôi căng mắt không dám chớp để bắt quả tang xem ông giấu nó vào đâu. Tờ báo bị xé vụn thành chục mảnh rồi ráp lại thành chiếc khăn quàng. Khăn quàng phất phơ hóa thành quả bóng bay. Bóng bay lại chui tọt vào miệng và phì ra đằng tai thành quả bóng bàn. Cứ như thế, biến hóa khôn lường như thể có phép màu. Vừa biểu diễn, người đàn ông vừa giả bộ làm khuôn mặt ngạc nhiên, rồi nở nụ cười hóm hỉnh và nheo mắt nhìn dây vải lụa bảy màu nãy còn ở trong mũ phớt giờ chui tuốt ra từ ống tay, trong khi trên mũ trống trơn chẳng còn gì nữa hết.

- Và bây giờ tôi xin nhường sân khấu cho một nghệ sĩ trẻ. Chắc chắn quý vị cũng sẽ vô cùng thú vị với tiết mục đặc sắc này.

Cô gái lạ mặt ban nãy tiến ra giữa sân khấu. Cô ấy không có nét tươi tắn nghệ sĩ của người cha mà chẳng nói chẳng cười, mặt mũi ủ ê như đang bị chép phạt. Tuy nhiên cô ấy cũng có thể làm biến mất những quả bóng bàn và khiến các mẩu báo rách liền lại ngay trước mắt khán giả. Tôi kinh ngạc. Sao cô ấy làm được như thế? Cô ấy chỉ độ bằng tuổi tôi, mà tôi ra ngõ mua cho cha chén rượu còn ngã oạch vỡ cả chén, đổ cả rượu. Tôi gọt táo, thái hành thế nào cũng bị đứt tay. Tôi hậu đậu như thể chân tay đi mượn tạm của người khác, có học ảo thuật chắc cũng phải xấp xỉ cỡ tuổi cha cô ấy mới khiến cho giấy rách lại liền được. Tôi vỗ tay rất to bên cạnh những tiếng lộp bộp của khán giả xung quanh.

Xong màn trình diễn của cô con gái, ảo thuật gia tiến lên trước khán giả và giơ một mẩu cao màu đen bọc giấy ni lông.

- Điều gì quan trọng nhất đối với quý vị? Sức khỏe là quan trọng nhất... Đặc biệt là trong những ngày Tết, chắc không ai muốn để mình bị ốm đau bệnh tật... Chúng tôi mang đến đây một giải pháp tuyệt vời nhất cho quý vị... Đau nửa đầu, cao huyết áp, đi ngoài, khó tiêu, mẩn ngứa ngoài da, trĩ nội, trĩ ngoại... đều có thể chữa khỏi bằng cao gia truyền mười đời của gia đình chúng tôi... Cao này được làm bằng... Hãy bảo vệ sức khỏe lâu dài bằng...

Một vài người hỏi giá. Một vài người tản đi. Một hai người rút ví ra mua gói giấy bản buộc dây bốn góc đặt ở mép sân khấu.

Lát sau hai cha con người làm ảo thuật lại diễn suất thứ hai. Lại biến mất những quả bóng, lại làm liền những tờ báo đã rách và lại bán thuốc cao gia truyền. Lần thứ hai người ta chỉ xem mà không mua. Lần thứ ba người ta thậm chí còn không xem. Sân khấu chỉ vẻn vẹn có tôi và vài ba người nữa. Suất diễn kết thúc. Người làm ảo thuật không thu được đồng nào từ khán giả. Ông ta đã chào mời tất cả mọi người trừ tôi.

Từ lúc họ dỡ đồ nghề xuống bãi cỏ, chuẩn bị sân khấu, trình diễn cho đến bây giờ, khi người đàn ông xếp gọn những gói thuốc trở lại vào hòm sắt, cả hai cha con đều không để ý gì đến tôi. Cứ như thể tôi là vô hình vậy. Cô gái nói khẽ điều gì đó với cha và lập tức bị ông ta rít lên những câu mà tôi không nghe rõ, chỉ loáng thoáng thấy ông gọi con gái bằng “mày” xưng “tao”. Ông ta cằn nhằn một hồi và thái độ ấy khiến tôi kinh ngạc. Tôi vẫn thường xuyên bị mắng nhưng chưa bao giờ cha mắng tôi bằng vẻ mặt ấy. Nét tươi tắn nghệ sĩ trên sân khấu đã biến mất, giờ đôi mắt và khóe miệng đầy râu của ông ta chỉ còn lại vẻ cay nghiệt và giận dữ. Sau đó ông ta bỏ đi một hồi lâu. Chỉ còn lại cô gái ngồi trơ trọi trên chiếc hòm sắt đựng thuốc cao gia truyền, vẫn với nét mặt buồn bã như thế.

Tôi thấy cô ấy thật cô đơn. Mẹ cô ấy đâu? Mẹ tôi chưa bao giờ để tôi phải đi đâu với cha một mình ngoài những lúc ông đưa tôi theo đến nhà bạn bè. Bạn bè cô ấy đâu? Em gái cô ấy đâu? Nhà cô ấy nữa. Nhà cô ấy ở đâu, có cùng thành phố với tôi không? Cô ấy học trường nào? Người đàn ông kia có phải là cha cô ấy thật không?

Tôi cứ hình dung cô gái giống như những trẻ không gia đình trong một đoàn xiếc rong thường xuyên ế khách, không bạn bè, không được đi học. Tôi muốn lại gần hỏi thăm và bắt chuyện, muốn mời cô một dây kẹo kéo vì mặc dù cô ấy có bộ quần áo biểu diễn đẹp hơn bộ quần áo mặc Tết của tôi nhưng chắc không nhiều tiền túi bằng tôi.

Hai suất diễn sau cô ấy đã bán được gói thuốc nào đâu. Nhưng nhìn khuôn mặt ủ ê lạnh giá cứ hút mãi vào đám cây âm u không người qua lại phía bên kia khu vực Nhà cười thay vì ngắm nhìn dòng người nườm nượp cờ hoa bên đài phun nước, tôi lại không dám cất lên lời nào.

Lát sau, cha cô quay trở lại. Ông ta đưa cho con gái một ổ bánh mì và họ lặng lẽ ngồi ăn trên chiếc hòm sắt, lưng quay vào nhau. Buổi chiều, họ diễn thêm hai suất nữa, bán được đâu chừng hai gói thuốc. Sau mỗi lần diễn, người đàn ông lại làu bàu hành hạ con gái bằng vẻ mặt cay nghiệt. Còn cô vẫn im lặng như khi tôi nhìn thấy cô lần đầu vào buổi sáng.

Có một lúc tôi chạy đi ăn, khi quay về, chỉ trong vòng 15 phút, đã không còn thấy cha con người làm ảo thuật đâu nữa. Cả sân khấu và chiếc hòm sắt đựng thuốc cao gia truyền cũng biến mất, chỉ để lại một bãi cỏ trống trơn như thể họ chưa từng xuất hiện. Ngày hôm sau, cả hôm sau nữa, cha con người làm ảo thuật không đến diễn. Có lẽ họ đã không kiếm được nhiều tiền từ khu công viên này. Họ không may mắn như cha tôi, như những nghệ sĩ môtô bay, như ông lão phim đèn chiếu, ông lão nặn tò he, ông lão kẹo kéo, bà hàng bún riêu, cô gái bán vòng nhẫn hạt cườm hay thằng bé thổi bong bóng bay bên đài phun nước.

Hết năm ngày Tết, tôi quay lại trường học. Còn cô gái ấy, cô gái ảo thuật tài hoa có khuôn mặt ủ ê lạnh giá, cô ấy có đến trường giống như tôi không?

di li
Tết xưa,
Nhớ cái Tết năm xưa còn thơ ấu,
Nơi quê nhà rộn rịp đón Xuân sang...
Xuân quê hương sao thắm thiết rộn ràng,
Lòng hớn hở chờ đón ngày Tết mới,
Tuy xa cách nhưng vẫn luôn chờ đợi.
Mỗi một mùa là một nỗi nhớ mong !
Tôi luôn ôm ấp trong lòng,
Mơ ngày trở lại Xuân hồng chốn quê !!
NM

                     Những Ngày Giáp Tết

    Chuyện nhớ nhà, nhớ quê: “Mà lạ? Bên này mình có nhà cửa đàng hoàng, còn bên kia, nhà còn đâu? Sao cứ nhớ nhà ở bển hoài?” Tác giả tự hỏi.
    Cứ mỗi năm gần Tết là nhớ về quê nhà… bên Việt Nam đó. Trong lòng rộn rịp, nôn nao hay lâng lâng trộn lẫn vào nhau…nhớ cái không khí hơi lành lạnh… và nhất là gần ngày nghỉ Tết bỏ hết chuyện học hành qua một bên, tính toán, nào là đi mua quà cho Thầy, Cô, nào là làm báo, và làm tiệc tất niên.
    Tui còn nhớ năm đó trong lớp tụi nó chia ra, nhóm văn chương chữ nghĩa lai láng thì làm báo, nhóm khéo tay thì trang hoàng, còn nhóm tui chắc hay ăn vụng trong lớp cho nên được thủ nhiệm vụ gom tiền đi mua bánh mứt. Quá đã, "tự dzì" được cho giờ công khai đi "shopping" mờ. Trong nhóm nầy có Mỹ, Thảo, Nhiều và …tui. Bây giờ nghĩ lại chắc tụi nó lựa nhóm tui đi cho khuất mắt để tụi nó yên ổn làm báo khỏi bị phá hay làm bộ… phê bình.
    Từ trường Trung Thu mà đi bộ ra chợ Bến Thành đâu có gần, mà đi cả đám bốn đứa, nếu đi xe lam thì còn tiền đâu mua mứt nên rủ nhau đi bộ. Trời ơi, cả tiếng mới tới. Cả đám có dặn trước là đem theo tiền túi để ăn hàng trước, "chiện" mua mứt tính sau…
    Đứa này thì gỏi đu đủ tôm thịt, đứa nọ thì xề bên kia bánh ướt nem chua, đứa thì đứng cắn bò bía…ôi thôi hầm bà lằng trong bụng, trước khi về còn… "dọng" thêm một ly đậu đỏ bánh lọt nữa.
    Hỏng biết lúc đó tui để dành làm sao mà lúc nào cũng có tiền rủng rỉnh trong túi, đứa nào hỏng đủ thì tui cho mượn, ăn trước, chuyện khác tính sau. Lo xong phần bao tử no nê đầy bụng rồi, bây giờ tới phần chánh là mua bánh mứt!. Tiền hùn thì ít mà tụi nó dặn phải mua đủ thứ, mứt me, mảng cầu, chà là.. v.v.. Tính sao đây? Cái màn nói thách trên trời hỏng đứa nào dám trả giá hết… Đẩy qua con Thảo vì nó lanh nhất để nó trả giá, trả một tiếng bả… bán, thấy lầm rồi nên cũng biết khôn, mua 1 gram thôi. Bà bán hàng vừa cân vừa lầm thầm trong miệng "Tưởng gì mua có 1 gram mà cũng trả giá cho dữ… mấy con nhỏ này". Đi qua hàng khác lại màn trả giá…sợ chúng… chửi. Rốt cuộc cũng mua được đủ thứ, mỗi loại nửa ký…Riêng mứt dừa thì phải nhiều hơn mấy thứ kia…vì nhiều người thích…Xong trách nhiệm được giao phó…
    Bây giờ nói về cái Tết bên Mỹ đây…cũng có chợ đêm….cũng đầy đủ Mai, Lan, Cúc, Trúc…cũng bánh mứt ê hề…cũng có đầy mâm ngũ quả. Ba ngày Tết có diễn hành, có múa Lân, có dựng cái nhà lá kê cái lu giống bên quê nhà mình (cái nhà này tui thích nhất) có màn thi hoa hậu phu nhân, hoa hậu Việt Nam và hoa hậu trẻ em…còn về văn nghệ tân cổ có đủ, có luôn vỏ thuật. Hay nhứt là cái màn mấy em nhỏ xíu cầm sớ Táo Quân đọc tiềng Việt rót rót vv…. nhưng cái không khí nó vẩn còn… thiêu thiếu cái gì đó…Thiếu cái không khí Việt Nam ở đây…
    Nhớ gần Tết tui khoái nhất là cái màn xách giỏ ra chợ với má mua toàn là thức ăn cho mấy ngày Tết, nhất là củ kiệu, dưa hành để làm chua trước ba ngày cho ngấm, cuốn bánh tráng với thịt kho dưa giá và bánh tét trong mấy ngày Tết thiệt là ngon…nhưng mà ghét nhứt là cái màn lột cả rổ củ hành hương…nó nhỏ xíu mà cay mắt muốn chết…bây giờ ngồi đây nhớ lại "ủa? mà sao năm nào… cũng có mình tui với má ngồi lột củ kiệu với củ hành hương hết ta? còn mấy bà chị đi đâu hết? để Tết này hỏi cho ra lẽ….
    Ngày ba mươi, bận rộn cách gì! Nào là cúng quãy, chuyện của má, nào là quét dọn nhà cửa, chuyện này Năm Sira lo, là tui đó. Phận sự treo màn có chị hai lo. Treo cờ mới tinh là chuyện của ba lo. Còn bà ba nhăn, biệt hiệu của chị ba Xuân), bà tư điệu, biệt hiệu của bà chị kế tui là Ngọc Anh, lúc đó ở đâu ta? Hai bà này mà vô Hải Quân làm thợ "LẶN" được lảnh "CÚP" là cái chắc!! để Tết này hỏi cho ra lẽ…
    Làm gì thì làm cũng phải cho xong trước Giao Thừa.
    Thường thường ba má kiểm soát một vòng trong nhà coi có sạch sẽ không rồi mới chuẩn bị cái bàn thờ cúng đêm 30. Chuyện cúng Giao Thừa là phần của Ba, rất trịnh trọng. Bàn hương đèn ngoài sân, ngay trước cửa nhà. Trên bàn có bình bông tươi, thường là bông vạn thọ, hay bông huệ ta, trái dừa tươi, dĩa mứt đủ thứ, nước trà, nước lọc, nhang, đèn cầy phải đủ cặp màu đỏ cho hên. Nhất là hai cây mía thiệt đều nhau dựng ở hai bên bàn cúng, với ngọn được cột dính giao đầu nhau.
    Chị em tui lúc này mới sửa soạn thay quần áo mới để đi ra… đi vô, coi ba má sắp đặt…trong lòng nó nôn nao làm sao í! Lúc ba má cúng là tui chạy tới…chạy lui qua nhà hàng xóm rủ mấy đứa bạn đi coi nhà nào đốt pháo trước…đứng bịt lổ tay…dòm. Sợ pháo gần chết mà cứ hay đi kiếm để tụi "con chai" đốt liệng vô chân…la bài hãi rồi chạy… làm cho đám "con chai" ôm bụng cười rồi canh me làm tiếp…Đêm Giao Thừa thức gần sáng đêm vì ba má và mấy người lớn còn đi chùa hái lộc đầu năm nữa….Cũng có năm đám con nít được đi theo. Ba má tui tin chuyện hái lộc đầu năm nầy lắm.
    Sáng mùng một, chị em tui thức sớm lắm để diện bộ đồ mới mà tối hôm qua chưa có mấy người thấy bộ đồ chiến này, đi ra, đi vô, cắn hột dưa. Cái màn kế tiếp mà tụi tui khoái nhất là…LÌ XÌ…quần áo mới, tiền mới thơm phức. Đầu tiên là ba má lì xì, xong là tiếp dọn mâm cúng chay. Nguyên ngày mùng một ăn chay, mùng hai trở đi là ăn mặn. Má sắp dọn cúng Ông Bà mỗi ngày, nhang và đèn trên bàn thờ Tổ tiên hỏng tắt suốt mấy ngày Tết. Bàn thờ Tổ Tiên được chưng dọn sáng rực rỡ với bộ lư đồng, hai trái dưa hấu phải thiệt tròn trịa, cá dán tấm giấy đỏ viết chữ Tàu, chắc là chữ Phước và chữ Lộc. Má cúng ngày ba lần, liên tiếp trong ba ngày. Không quét nhà, không gây lộn, chỉ ăn với cười thôi, cũng khỏi rửa chén luôn, Má làm hết. Chắc ba má khoái nhất là mấy ngày này.
    Mùng hai, mùng ba trở đi bà con, hàng xóm bắt đầu lai rai tới chúc Tết, lì xì. Ba má nói mùng một mình không nên tới nhà người khác "xông đất", rủi trong năm có gì không may xảy ra thì người ta …"nhớ tới mình", trừ phi người ta "mượn" mình tới xông đất dùm.
    Tui khoái nhất là dì Bảy mà mấy chị em tui kêu là Má Bảy, trong gia đình tui, tất cả mấy dì tui đều kêu bằng Má hết. Má Bảy phốp pháp, vui tánh. Má ưa nói đứa nào chúc hay và dài thì được lì xì nhiều, mà phải khoanh tay lại đàng hoàng. Nghe chúc Tết xong Má Bảy cười ha hả rồi móc túi kéo mấy bao đỏ ra, nên mùng hai năm nào tui cũng tính sẳn mấy câu dài thiệt là dài để chúc cho riêng Má Bảy. Má Bảy buôn bán quanh năm không nghỉ ngày nào, nên vào dịp Tết, sau màn đi lòng vòng ngày mùng hai lì xì cho hết thảy mấy đứa cháu xong là Má Bảy bắt đầu ngồi sòng tứ sắc luôn cả ngày đêm cho hết mấy ngày Tết. Má Bảy lựa một ngày tốt mở cửa hàng lấy ngày, xong tiếp tục ngồi sòng. Ai có cần gì thì cứ tới sòng tứ sắc thì gặp Má liền.
    Mùng hai. Có tiền rủng rỉnh trong túi bây giờ kiếm chổ đi chơi. Đi sở thú…coi thú?. Năm nào cũng đi coi thú thì ít mà đứng ngồi làm duyên để chụp hình thì nhiều.
    Mùa Tết trong sở thú có đủ loại bông hoa nở đẹp lắm, đủ màu sắc. Tui thích hết tất cả loại hoa trừ hoa… Mồng Gà (ghét cay ghét đắng) mà sao ba tui cứ kêu đứng kế Mồng Gà mà chụp hình thành ra tấm hình nào Mồng Gà cũng… đẹp hơn tui. Tui đoán chắc ba nghĩ… Tết có sẵn quần áo đẹp, và bông hoa đủ màu sắc rực rở, tươi thắm thì hên cả năm cho nên la cà chụp hình ở sở thú cả ngày trời, nhất là lại có tiền bạc rủng rỉnh trong túi nên …thiệt là vui ….Tui khoái nhất cái màn coi mô tô bay…hồi hộp, nín thở!!. Mua vé vô cửa xong, được người hướng dẩn chỉ lên thang lầu…Kiếm được chổ ngồi gần lan can…nhìn chung quanh thấy nhiều hàng ghế sắp từ thấp lên cao theo hình tròn (cái nhà này hình tròn, khán giả ngồi phía trên nhìn xuống giống như mình đi coi xiệc vậy, nhưng cái nhà này có chiều cao hơn nhiều. Từ trên nhìn xuống thấy chung quanh vách ván được đóng hơi lài lài từ phía dưới lên lần lần tới trên là thẳng đứng. Phía dưới là nền bằng xi măng …có chiếc xe mô tô dựng đó…kế cái kệ nhỏ trong góc.
    Giờ bắt đầu… nghe tiếng còi thổi lớn mọi người lồm chồm nhìn xuống phía dưới… thấy một người con gái nhỏ nhắn, mảnh mai, bước ra cúi đầu chào xung quanh bốn phía xong bước lại chỗ cái… kệ nhỏ trong góc nhà… chấp tay lại và cúi đầu xá …tôi nghĩ "chắc đây là bàn thờ Tổ của ngành mô tô bay", xong rồi cô ấy mới lấy cái nón "sắt" đội lên đầu…nhảy cái thoắt lên xe bắt đầu nổ máy…tiếng máy xe nổ …bùm… bùm thiệt là lớn làm sôi động hết cả một vùng…mọi người nín thở, mở lớn mắt ra coi…Cô ấy rồ ga lớn chạy một vòng chung quanh dưới thấp nhất "chắc cho nóng máy" một tay dơ cao chào mọi người, xong đảo thêm hai ba vòng nữa rồi…rồ ga mạnh hết cở là bắt đầu phóng lên cao thật nhanh chạy theo vòng tròn từ thấp lên cao…lên tới gần lan can chổ khách ngồi rồi vòng trở xuống…cũng theo vòng tròn…lập đi…lập lại mấy vòng…có lúc tui có cảm tưởng như cô ta sắp rớt ra khỏi xe vì cái độ nghiêng của xe.
    Hú hồn!!!
    Và đó là lần đầu mà cũng là lần cuối cùng tui đi coi mô tô bay…
    Sáng mùng ba. Ba má đem mấy chị em tui ra thăm ông Tỉa, bà Ý ở đường Huỳnh Thúc Kháng Sài Gòn (ông dượng, bà dì kêu theo tiếng Hoa). Bên nội người Triều Châu …nói toàn tiếng… Tàu hông hà! mà tụi tụi thì hỏng đứa nào biết nói hết thành ra thân bên ngoại hơn bên nội, mà ba làm thành thông lệ nên mùng ba năm nào cũng đi thăm ông bà, và tụi tui cũng phải mặc aó đầm, chân mang giày bít, dớ trắng rất giống mấy "little chinese girls" lắm. Gia đình ông bà nói chuyện với ba tui bằng tiếng Tàu vui vẻ lắm, còn tụi tui thì ngồi…ngớ ra đó. Vậy mà ông Tỉa, bà Ý lúc nào cũng bắt ở lại ăn cơm tới chiều mới về. Nhà bà Ý lúc nào cũng có sẳn bánh ngọt cho con cháu ăn hết!.
    Qua chiều mùng ba…Đi coi hát…Bước ra cửa nhìn tới nhìn lui coi có "con chai" hông… sợ tụi nó liệng pháo vô mình. Nếu tụi nó… bận hết thì mình yên tâm bước, còn nếu tụi nó đứng… lấp ló đâu đó thì quay trở vô nhà chờ tụi nó đi...Hỏng biết tại sao lại đi coi hát dịp Tết? Chen lấn mua vé bị người ta đụng…chổ này…cạ chổ kia…Mấy cha đợi dịp…chờ nước đục thả câu…Về tới nhà là hết ngày mùng ba.
    Qua mùng bốn. Ăn trưa xong, bày bộ Bầu Cua Cá Cọp ra… rủ luôn mấy đứa hàng xóm qua chơi. Vui thiệt là vui. Đứa thắng thì vui nhiều, đứa thua cũng hỏng buồn, vì Tết mà, buồn thì xui suốt năm sao?.
    Tết bên này cũng có bộ Bầu Cua Cá Cọp nhưng cũng hỏng vui bằng lúc nhỏ bên quê nhà….Ở thành thị qua mùng bốn, mùng năm là bớt đi không khí Tết rồi…Bắt đầu quét nhà mà phải quét ngược vô, vì quét ra là sợ tiền cũng theo ra…nhất là quét hột dưa rải rác đầy nhà… dọn dẹp rác rến. Nhưng nếu ở dưới quê thì người ta còn ăn Tết lai rai tới hết cả tháng lận…Sướng thiệt.
    Hơn ba chục năm nay tui chưa từng có được dịp ăn cái Tết đúng nghĩa y như hồi còn nhỏ ở Việt Nam. Ước gì một hai năm nữa, tất cả mọi chuyện "xuôi chèo mát mái", tui sẽ đem mấy nhỏ trở về quê nhà vào dịp Tết để hít thở cái không khí Tết của năm xưa, cả ở thành thị lẫn thôn quê…
    Mà lạ? Bên này mình có nhà cửa đàng hoàng, còn bên kia, nhà còn đâu?
    Sao cứ nhớ nhà ở bển hoài?
    Chúc tất cả mọi người một năm mới nhiều sức khỏe, tâm thần an bình và tài lộc dồi dào… 
Trương Kim Loan


Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Chào Tháng Giêng

 Mưa Tháng Giêng

THÁNG GIÊNG VÀ ANH


Tháng giêng và Anh
Những giọt mưa long lanh,
Khẽ bám nhẹ trên cành...
Mùa Xuân vừa chớm đến,
Dường giọt nước mắt xanh !

Một lần về trẩy hội,
Và rồi chim bay đi...
Anh cố tìm mãi miết,
Lặng ôm mối tình si !

Lần đầu em viết thư tình,
Gieo duyên se kết đôi mình bên nhau.
Em nào có biết tình sâu,
Trong tim anh giữ biết bao ân tình ?!
Nhờ chim se kết ba sinh,
Anh về, em đợi đôi mình nên đôi !!
NM
Mưa ấm Tháng giêng
Thường vào lúc  những cơn mưa tháng giêng bay mờ trắng và ấm áp, thì bầy chim đi tránh rét từ mùa đông năm trước trở về. Cả bãi vải rộng và chạy dài gần một cây số dọc trên triền sông quê Ngần  trở thành nơi nghỉ cánh của bầy chim. Không hiểu vì sao, bầy chim di cư lại chọn bãi vải ấy làm nơi nghỉ trước khi bay chặng cuối cùng về một vùng đất ngập nước cách làng Ngần khoảng 50 cây số. Chúng sống trên vùng đất ngập nước ấy từ mùa xuân cho đến đầu đông. Suốt thời gian ấy, chúng kiếm ăn và sinh nở. Bầy chim bay về những vùng ấm áp ở phương nam theo một đường khác. Khi trở về, chúng chọn một đường khác và nghỉ lại bãi vải vào giữa chiều. Người làng chạy ra mặt đê xem chim về. Bà nội Ngần kể: Ngày trước, có mùa chim về nhiều quá, bãi vải không đủ chỗ cho chúng, bầy chim phải đậu tràn vào những khu vườn trong làng, nghỉ lại đúng một đêm, và mờ sáng hôm sau lại ra đi. Cả làng như thức giấc bởi tiếng đập cánh ngờm ngợp của bầy chim. Chúng bay cắt qua làng và cất tiếng kêu trong như tiếng sáo trúc. Bà nội Ngần bảo, đó là lời cảm ơn của chim. Những buổi sáng như vậy, Ngần dậy sớm. Cô chạy ra sân, ra ngõ và đường làng để nhặt những chiếc lông chim rụng.

"Tại sao bầy chim chỉ ở lại bãi vải làng mình có một đêm hở bà?". Ngày còn bé, Ngần hỏi bà nội như thế. Và bà nội kể câu  chuyện về bầy chim do cụ nội Ngần kể lại.

Từ thuở xa xưa, bầy chim di cư đã chọn đường bay trở về vùng đất bãi quê Ngần. Chúng chỉ bay qua chứ không nghỉ lại bãi vải. Nhưng một buổi chiều, người làng thấy bầy chim đỗ xuống bãi vải. Thấy lạ, cả làng đổ ra xem. Trên ngọn của một cây vải to nhất, cao nhất, bầy chim lượn thành hình tròn như một dải mây khổng lồ. Gió từ cánh của bầy chim rào rào vào những vòm lá vải. Chúng vừa bay vừa kêu thảm thiết. Trên tán lá dày nơi ngọn cây, một con chim lớn nằm xõa cánh. Đấy chính là con chim Chúa. Trong chặng bay cuối về vùng đất ngập nước, con chim Chúa đã hạ cánh xuống bãi vải. Nó biết nó không còn đập cánh được nữa. Và nó chọn bãi vải quê Ngần làm nơi yên nghỉ. Đàn chim bứt những chùm vải phủ kín lên con chim Chúa. Đêm ấy bầy chim ở lại bãi vải. Và sáng sớm hôm sau thì chúng ra đi.

Sau khi bầy chim ra đi, dân làng đổ ra bãi vải và mang xác con chim Chúa xuống. Con chim Chúa to hơn những con chim khác. Đặc biệt, nó có một đôi cựa như một đôi ngà voi nhỏ xíu và một chiếc lông đỏ trên đỉnh đầu. Dân làng chôn con chim  dưới gốc cây to nhất, cao nhất ấy và hương khói như đối với một con người. Lạ thay, năm ấy làng được mùa vải chưa từng có. Hình như cái hoa nào cũng đậu quả, và vải quê Ngần là giống vải to và hơi chua, bỗng trở nên ngọt và thơm lạ thường. Cho đến bây giờ, ngoài giống vải thiều ra, không có loại vải nào ngọt như vải quê Ngần cả.

Và từ đó, làng Ngần đã chọn ngày 13 tháng giêng làm ngày hội làng, hội thi cây cảnh. Những cây chuối được uốn, tỉa thành hình con chim, có cái lông đỏ trên đỉnh đầu. Buổi sáng, người làng đổ ra mặt đê thắp hương và đợi chim về. Sáng sớm hôm sau, khi bầy chim ra đi, người làng ra bãi vải nhặt những chiếc lông chim rụng. Nếu ai nhặt được chiếc lông chim mầu đỏ thì sẽ gặp phước lành. Người già nhặt được thì sẽ không bệnh tật và sống đến trăm tuổi. Trẻ con nhặt được thì ngoan ngoãn, thông minh. Con trai nhặt được thì khỏe mạnh, tài trí, làm ăn phát đạt. Và con gái nhặt được thì mỗi ngày một đẹp, một thảo hiền và sẽ lấy được người mình mong ước. Nhưng mỗi lần chim về, trong hàng ngàn chiếc lông chim rụng, chỉ có mỗi chiếc mầu đỏ.

Sau khi nghe bà kể, năm nào cũng vậy, đêm trước ngày hội làng Ngần hầu như chẳng ngủ được vì thấp thỏm. Nhưng cho tới bây giờ, Ngần vẫn chưa nhìn thấy chiếc lông chim ấy. Bởi thế mà Ngần vẫn chỉ ru rú ở nhà với bà. Đám trai làng hầu như chẳng để ý đến cô. Nếu có, cũng chỉ là những câu đùa cho vui mà thôi. Ngay cả khi ở tuổi 17, Ngần vẫn như một cô gái lên mười.

Đã có thời gian dài, có lẽ cũng phải 15 năm, bầy chim không trở về bãi vải. Vào một đêm trong chiến tranh, đúng cái đêm mà bầy chim nghỉ lại bãi vải thì bị bom đánh. Hàng chục quả bom đã ném xuống bãi vải. Sáng sớm hôm sau, người làng chạy ra bãi vải. Một cảnh tượng đau lòng hiện ra. Bãi vải xơ xác, cây đổ ngổn ngang. Trên mặt đất, rụng kín hoa vải và la liệt xác chim. Người làng nhìn cây đổ, hoa rụng và chim chết mà nước mắt ròng ròng. Sau đêm ấy, bầy chim di cư không thấy bay về nữa.

Vào những ngày đầu tháng giêng, Ngần vẫn đôi lúc tha thẩn dọc bãi vải. Chính ở đó Ngần đã gặp Thư. Đó là một buổi chiều cách đây bốn năm. Họ làm quen nhau và Thư hỏi:

- Cô có biết bầy chim di cư không?

Ngần đã kể cho Thư nghe về bầy chim ấy, cả câu chuyện về con chim Chúa và chiếc lông chim mầu đỏ.

- Cô đã nhặt được chiếc lông chim ấy chưa?

Ngần buột miệng:

- Chưa. Năm nào em cũng tìm.

Nói xong, Ngần đỏ mặt và vội bỏ đi.

Hôm sau, một cán bộ xã đưa Thư đến nhà Ngần. Lúc đó cô mới biết Thư là một người nghiên cứu về những bầy chim di cư. Thư đến để được nghe bà nội Ngần kể về bầy chim.

- Tôi đang đi tìm bầy chim ấy - Thư nói.

- Bầy chim nào? - Ngần hỏi.

- Bầy chim trước kia đậu lại làng mình một đêm ấy.

- Chúng nó ở tận trên trời, làm sao anh tìm được?

- Tìm được chứ - Thư nói hồ hởi - Tôi đã tìm thấy chúng rồi.

- ở đâu hở anh? Chúng ở đâu?

- Chúng đã về bãi vải ven sông, nhưng không như ngày xưa, chỉ có vài chục con thôi.

Thư đưa Ngần ra bãi vải. Anh chỉ cho Ngần thấy một hai chiếc lông chim. Rồi cả làng xôn xao lên sau buổi Thư nói chuyện ở đình làng về bầy chim, rằng chỉ một vài năm nữa, bầy chim sẽ lại về. Những ngày sau đó, có những buổi Ngần và Thư lang thang dọc bãi vải cho đến tối. Thư nói với Ngần:

- Chúng sẽ trở về. Bầy chim biết rõ chúng phải bay theo nguồn gió nào và hạ cánh ở đâu.

Vào mùa xuân năm sau, Thư lại lỉnh kỉnh đồ đạc về làng Ngần từ mồng 5 tết. Suốt ngày Thư ở trên đê nhìn trời. Thi thoảng, anh qua sông và đạp xe vào sát chân núi Mối. Mỗi khi trở về, mặt Thư tím đi vì gió lạnh. Ngần thường đun một ấm nước nóng cho Thư rửa mặt.

- Anh có thấy chúng về không? Lần nào thấy Thư dắt xe đạp từ ngõ vào sân, Ngần cũng hỏi như thế.

- Chưa thấy gì - Thư đáp - Nhưng anh tin năm nay chúng sẽ về đông hơn...

Thư bỏ lửng câu nói và im lặng nhìn Ngần.

Một buổi tối, Thư ở lại nhà Ngần rất khuya. Hai người ngồi nói chuyện với nhau bên bếp lửa.

- Đúng là những con chim này có một chiếc lông đỏ phải không anh? - Ngần hỏi.

- Anh tin là có - Thư nói - Anh cũng muốn nhặt được chiếc lông chim mầu đỏ.

- Để làm gì?

- Để anh thực hiện được ước mơ của anh.

Câu ấy, Thư như nói bằng hơi thở. Và sau câu nói ấy, cả hai người im lặng cho đến lúc Thư đứng dậy. Khi hai người bước ra sân, Thư chợt kêu lên:

- Mưa ấm quá!

Hai người đứng ở sân và cùng ngửa mặt lên bầu trời tháng giêng tối thẫm. Mưa tháng giêng từ xa thẳm đang thì thầm phả vào mặt họ. Cả hai thấy ấm rực lên như đang ngồi bên bếp lửa.

- Mưa ấm quá! Thư nói như reo khẽ. Mưa ấm thế này là bầy chim sẽ về!

Nói xong, Thư nắm lấy bàn tay Ngần. Và họ nhận ra, hai bàn tay họ cũng đang ấm rực. Sau khoảnh khắc bàng hoàng qua đi, Ngần vội rút tay mình ra khỏi tay Thư.

- Anh về đi, khuya rồi! - Ngần nói vội vã.

- Ngần, Ngần! - Thư gọi thảng thốt.

Ngần bước lên hiên nhà. Cô đứng nép vào cột hiên. Chưa bao giờ cô lại thở như thế. Khi biết Thư đã đi xa, và khi hơi thở dần dần trở lại đều đều, Ngần đẩy cửa vào nhà. Cô bước lại bên giường bà nội và nói:

- Bà ơi, bà ngủ chưa? Cháu đốt cho bà chậu lửa nhé!

- Bố cô! Bà nội mắng yêu. Chờ được cô đốt lửa cho thì tôi đã chết cóng rồi!

Ngần cười khúc khích và chui vào màn. Cô ôm lấy bà nội.

- Bà ơi, mưa ấm lắm. Mưa ấm như thế bầy chim sẽ về!

- Ai bảo thế? - Bà nội hỏi.

- Anh Thư nói thế bà ạ!

- Thằng Thư à - Bà nội nói - Cháu à, bà bảo nhé, con gái mà da khô, tóc cứng và nóng như cháu thì đường tình duyên khổ lắm. Đứa nào nó yêu cháu thật thì nó phải là người đức độ lắm.

Đêm ấy, Ngần thao thức mãi không ngủ được. Tiếng Thư gọi Ngần lúc ở ngoài sân làm cho Ngần thấy chóng mặt. Chưa ai gọi Ngần với giọng như thế bao giờ.

Đúng chiều ngày 13 tháng giêng năm ấy. Ngần theo Thư ra đê. Mưa tháng giêng bay mờ cả triền sông. Vải đang trổ hoa. Họ đứng im lặng nhìn về phía trời xa. Bầy chim trở về thật, chừng vài chục con từ từ đậu xuống ngọn cây vải cao nhất. Thư nắm tay Ngần chạy xuống chân đê. Cả hai rón rén đến dưới gốc vải và nhìn lên. Bầy chim đậu sát bên nhau và khẽ kêu lên, tiếng trong như tiếng sáo trúc. Thư say sưa ngắm nhìn bầy chim cho đến khi trời đổ tối. Thư dắt tay Ngần đi lên mặt đê. Ngần để yên tay mình trong tay Thư. Lên đến mặt đê, Thư vừa thở vừa nói:

- Anh dự báo đúng. Bầy chim đã trở về rồi, Ngần ơi!

Nói xong, Thư ôm choàng lấy Ngần. Ngần gục đầu vào vai Thư. Cô thấy tim mình đập vang vang tận đỉnh đầu.

Sáng sớm hôm sau bầy chim rời bãi vải ra đi. Ngần lén ra bãi vải. Cô vừa hồi hộp vừa ngượng ngùng tìm dưới gốc cây vải xem có chiếc lông chim mầu đỏ không. Dù trong lòng cô nghĩ chiếc lông chim mầu đỏ có lẽ chỉ là chuyện cổ tích. Nhưng khi không tìm thấy chiếc lông chim ấy thì lòng Ngần dâng lên một nỗi lo âu mơ hồ. Và rồi, cô buồn hết cả tháng giêng.

Bầy chim ra đi được mấy ngày thì Thư cũng ra đi. Anh phải trở về vùng đất ngập nước, cùng các đồng nghiệp tiếp tục công việc của mình. Đêm ấy, trong bếp lửa nhà Ngần, nghe Thư thổ lộ tình yêu của anh, Ngần đã khóc. Lời tỏ tình mà Ngần đã chờ đợi bao năm tháng lại làm cho Ngần hoảng sợ và đau khổ. Nếu Ngần tin rằng mình xinh đẹp như các cô gái khác, cô đã chạy ùa đến đón nhận tình yêu của Thư.

- Làm sao em khóc? - Thư hỏi.

Ngần không thể nói cho Thư biết vì sao cô khóc. Cô ngước mắt nhìn Thư. Cô nhìn thấy đôi mắt Thư đang nhìn cô đắm đuối và ấm áp vô cùng. Lúc đó, Ngần muốn gào lên với Thư rằng: "Tại sao anh có thể nhìn gương mặt xấu xí của em đắm đuối như thế kia được". Nhưng Ngần không gào lên được. Cô chỉ biết khóc. Thư kéo đầu Ngần vùi vào ngực mình. Anh vuốt ve mái tóc Ngần. Lúc đó, Ngần cảm thấy mái tóc mình khô giòn và khét đắng. Đến khi Thư vuốt ve bàn tay Ngần thì Ngần vùng khỏi vòng tay Thư và nghẹn ngào:

- Tại sao em lại không nhặt được chiếc lông chim mầu đỏ?

Câu hỏi của Ngần vừa tủi thân, vừa oán hận. Thư nhìn Ngần và nhận ra tất cả. Anh thì thào:

- Em sẽ nhặt được, chắc chắn là nhặt được.

Nửa tháng sau ngày Thư đi. Ngần nhận được thư anh. Thư say sưa kể cho Ngần nghe về những bầy chim di cư trở về trong những ngày đầu xuân ấm áp. Ngần thấy hạnh phúc và nhớ Thư vô hạn. Đêm ấy, cô đọc thư của anh bao nhiêu lần cũng không thấy chán. Nhưng khi cô lấy chiếc gương ra soi thì cô lại gục đầu mệt mỏi. Cô luôn luôn cảm thấy da cô khô và sạm, tóc cô cứng và khét, mắt cô hơi xếch, đôi môi cô có những vệt rộp. Nhưng sao anh ấy lại yêu mình? - Cô thầm hỏi. Hay anh ấy chỉ yêu bầy chim thôi? Ngần nhận được thư của Thư, nhưng cô không viết lại cho anh.

Thư viết cho Ngần mỗi lúc một thưa và bặt hẳn. Lá thư nào, Thư cũng xin được cưới Ngần và mong câu trả lời của Ngần. Nhưng Ngần đã im lặng suốt cả một năm. Những lúc thấy Ngần thẫn thờ, bà nội lại bảo: "Bà biết cháu chờ nó. Nhưng cháu ơi, người ta khác mình lắm. Xem có đứa nào trong làng tốt bụng hỏi thì lấy. Tuổi cháu đứng rồi, đừng viển vông. Trong nhà, bà lo và thương nhất mày. Nếu xinh đẹp như người ta thì lại đi một nhẽ, đằng này... Thôi, ông trời cho thế nào thì được thế, cháu ạ".

Năm ấy, bầy chim di cư trở về đông lắm, có tới hàng trăm con. Cả làng xôn xao. Những người già trong làng họp lại để bàn về lễ đón chim năm sau. Sau khi bầy chim bay đi, chẳng có ai ra bãi vải tìm chiếc lông chim mầu đỏ, chỉ có Ngần. Nhưng Ngần không tìm được chiếc lông chim mong ước ấy. Và năm đó, thời gian đối với Ngần trôi đi quá chậm.

Nhưng rồi mùa xuân lại trở về, dù rằng năm nay mùa đông như về quá muộn. Nhưng mùa đông phải trả lại thời gian cho mùa xuân đúng quy luật của nó. Mới chỉ ngoài Tết mấy ngày mà mưa phùn đã ấm như hơi nước nóng. Cũng vào lúc đó, có một người tìm đến Ngần. Đó là một người đàn ông tóc đã điểm bạc. Ông là một nhà nghiên cứu chim di cư. Ông làm cùng viện với Thư:

- Cậu Thư đang lặn lội tận đồng bằng sông Cửu Long - Người đàn ông nói vậy. Sau đó ông không hề đả động gì đến Thư, mà chỉ chăm chú hỏi về bầy chim.

- Tôi đọc hồ sơ của cậu Thư về bãi đỗ chim làng cô và cả câu chuyện về chiếc lông chim mầu đỏ...

- Chuyện cổ tích ấy mà, bác quan tâm làm gì. - Ngân buồn bã nói.

- Tôi lại tin chuyện đó là thật.

- Thật, sao chẳng thấy chiếc lông chim mầu đỏ? - Ngần nói, giọng chợt xa  xăm, - có người tìm cả đời chẳng thấy.

- Người nào có lòng tin thì sẽ gặp được điều mình mong muốn - Người đàn ông nói. Mỗi người phải tin vào một điều đấy. Trước hết phải tin vào chính mình.

Đêm ấy, Ngần lại mở thư của Thư ra đọc. Cô biết, cô vừa mong đợi những lá thư như thế, lại vừa nghi ngại những gì Thư viết cho cô.

Sau bao nhiêu năm, ngày 13 tháng giêng năm nay, làng Ngần lại tổ chức lễ đón bầy chim. Khoảng hai giờ chiều, người làng đã tụ tập kín mặt đê. Một chiếc bàn phủ gấm điều bày bánh trái, hoa quả và một chiếc lư đồng. Trầm được đốt lên tỏa thơm ngát, Ngần cũng có mặt trên đê. Nhưng cô chỉ đứng ở phía cuối đoàn người, khăn len che kín mặt. Với mặc cảm về sắc đẹp của mình, cô luôn luôn né tránh đám đông. Cô đứng đợi bầy chim trở về mà lòng buồn bã.

Khoảng ba giờ chiều thì bầy chim trở về. Chúng xuất hiện phía xa như một đám mây. Đám mây mỗi lúc một lớn. Và những người đứng trên mặt đê nghe thấy tiếng đập cánh của bầy chim như tiếng mưa rào đang đổ xuống. Và trong khoảng khắc, bầy chim có lẽ đến vài ba ngàn con ngờm ngợp đập cánh trên đầu họ. Tiếng kêu của bầy chim vang lên như tiếng sáo trúc rộn ràng. Bầy chim lượn một vòng quanh làng Ngần rồi từ từ đậu xuống bãi vải. Mọi người đứng trên mặt đê reo hò.

Ngần đứng lặng im, mắt không chớp nhìn bầy chim.

- Tôi đã nhìn thấy con chim Chúa.

Nghe tiếng người nói sau lưng. Ngần quay lại và nhận ra người đàn ông cùng viện với Thư.

- Bác nhìn thấy thật à? - Ngần hỏi. - Sao bác biết?

- Con chim bay ở giữa đàn. - Người đàn ông nhìn về phía bãi vải, nói. Nó có đôi cánh dài, rộng gấp đôi những con khác. Nó bay nhanh nhưng đập cánh rất ít. Chỉ có con chim Chúa mới có chiếc lông mầu đỏ.

Câu nói của người đàn ông bỗng làm cho Ngần dâng lên một cảm xúc lạ lùng. Cô mở chiếc khăn ra. Gió xuân ấm áp phả lên mặt cô. Và từ đó cho tới lúc đi ngủ, Ngần náo nức lạ thường. Ngày mai cô sẽ dậy thật sớm để đi tìm chiếc lông chim mầu đỏ.

Và Ngần đã khóc nấc lên trong buổi sớm mùa xuân. Khi bước ra sân, cô thấy những chiếc lông chim rụng ngay ở sân nhà cô. Sáng sớm hôm nay, bầy chim từ bãi vải đã bay cắt qua làng cô để trở về vùng đất ngập nước. Và giữa những chiếc lông chim mầu trắng là một chiếc lông chim mầu đỏ như lửa. Ngần nhặt chiếc lông chim lên. Cô để chiếc lông chim trong lòng bàn tay. Chiếc lông chim khe khẽ rung lên bởi hơi thở của Ngần. Cô vội mang chiếc lông chim mầu đỏ vào nhà, mở chiếc khăn tay và đặt chiếc lông chim lên đó ngắm nhìn, lòng ngập tràn hạnh phúc. Suốt ngày hôm đó, Ngần cười nói khác thường. Đến khuya, khi tin chắc mọi người đã ngủ say, Ngần rón rén trở dậy. Cô vặn to đèn, run rẩy lấy ra chiếc gương rồi lại ấp chiếc gương vào ngực, người run bắn. Cuối cùng cô đưa chiếc gương lên ngang mặt mãi lâu sau mới lấy hết can đảm và từ từ mở mắt ra. Cô nhìn vào gương. Và thật kỳ lạ, cô thấy mình không hề xấu xí như những ngày xưa, nước da không phải khô và sạm, mà rám nắng, khỏe mạnh, đôi môi không hề có vết rộp mà mọng ướt. Cô từ từ đưa tay lên mái tóc. Mái tóc cô dày và mềm mại.

Cô soi gương, rồi bỏ gương đi. Rồi cô lại soi, lại bỏ, mỗi lúc lòng tin về nhan sắc của mình càng mạnh mẽ.

Ngày hôm sau, cô đi chơi khắp làng. Bạn gái cô kéo cô lại và thì thầm: "Yêu rồi phải không?", "Yêu ai mà yêu", - cô cãi. Bạn gái cô nói: "Đừng có giấu tao, mày đẹp ra như thế này thì chỉ do hơi đàn ông chứ còn gì". Cô đỏ mặt sung sướng. Cô không muốn nói về chiếc lông chim mầu đỏ. Cô không tin chuyện thần tiên. Nhưng cô không lý giải được vì sao lại thế. Chỉ có điều không ai cho là cô xấu. Chỉ có cô nghĩ mình xấu xí và tự ti về nhan sắc của mình.

Điều ấy chỉ mình Thư biết. Và anh yêu cô lạ lùng. Anh phải kéo cô ra khỏi sự mặc cảm ghê gớm đó. Chỉ làm như thế, anh mới có được cô. Và anh đã bỏ mọi công sức lang thang đến nhiều vùng để tìm được một chiếc lông chim mầu đỏ. Anh đã nhờ một đồng nghiệp về làng Ngần trong mùa chim di cư trở về và bí mật thả chiếc lông chim mầu đỏ xuống trước cửa nhà cô.

Mấy ngay sau, người đàn ông cũng ra đi. Ngần viết lá thư đầu tiên cho Thư và nhờ người đàn ông ấy chuyển giúp. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: "Em yêu anh. Ngày nào em cũng mong anh trở về. Hãy về với em! Ngần".

NGUYỄN QUANG THIỀU
Xuân đoàn viên
Theo một chuyến đi xa,
Tình riêng anh để lại...
Tháng ngày dần xa mãi
Héo buồn một kiếp hoa
Nơi phương Nam nắng ấm,
Một tấm lòng bao la.
Thương người vui chia sẻ....
Cùng phận đời với ta !
Bây giờ mới thật là nhà,
Tình riêng không để xót xa cho người.!
NM

 Tháng giêng cỏ non

Cách đây 18 năm, Sạng bỏ quê hương, một thôn xóm bé nhỏ miền duyên hải Bắc Việt, vào Nam kỳ. Chuyến đi của anh Sạng ngày ấy như một chuyến đi phát vãng biệt xứ và anh Sạng lúc xa lìa bóng tre làng cũ lên đường vào đất Nam kỳ xa xôi, anh đã cầm bằng là sẽ gửi nắm xương trên một mảnh đất nào ở xứ lạ. Anh Sạng đi làm phu đồn điền cao su.
Hồi ấy, tôi mới có tám tuổi. Ngày anh Sạng đi đến nay tôi chỉ còn nhớ được qua những hình ảnh rất nhạt thoáng, bóng dáng người mẹ anh khóc sướt mướt chạy theo anh lên tận chân đê đầu làng, túm áo anh van xin anh ở lại. Ở lại mà làm ăn. Mà cầy bừa. Mà thương lấy một người đàn bà còn trẻ dại đã có với anh hai đứa con thơ.
Nhưng rồi anh Sạng cũng vẫn đi Nam kỳ. Đôi mắt ấu thơ của tôi ngày ấy đã nhìn thấy những ấn tượng khá buồn thảm: bóng anh Sạng xa khuất dần trên con đê heo hút, người mẹ khóc rũ xuống, bước chân xiêu đổ trên con đường về và qua nhà tôi, người đàn bà hiền lành đã chạy vào ngồi trên bục cửa mà khóc như mưa như gió.
Tôi còn nhớ mụ bảo tôi:
“Chú Thảo ơi, thằng Sạng nó bỏ vợ bỏ con nó đi Nam kỳ rồi”.
Một lát sau, chị Sạng tay bồng hai đứa trẻ nhỏ cũng chạy đến. Thế rồi cả cái gia đình đáng thương ấy đã ngồi quây lấy nhau mà khóc cái tan vỡ gây nên bởi một người bỏ đi Nam kỳ. Hồi ấy tôi chưa hiểu gì đến phân ly. Càng không hiểu Nam kỳ là gì nữa. Người làng xóm nhắc nhở thì thầm đến Tân Thế giới, đến Nam kỳ, đến đời sống hãi hùng của những người phu dưới bóng lá tối thẳm của những đồn điền cao su và đất Nam kỳ đã hiện ra trong tưởng tượng thơ ngây đơn giản của tôi như một hòn đảo nào xa dạt có những bến bờ hoang vu và đầy gió bão.
Trong cái thôn xóm nhỏ bé của quê tôi, một vài năm lại có một vài người, thường là một gã con trai, động lòng bốn phương thì ít, vì chuyện này chuyện nọ thì nhiều, bỗng dưng một buổi bỏ làng đi Nam kỳ. Chuyến đi nào cũng chứa đựng một cái gì tối tăm thê thảm. Người làng coi những người bỏ đi như những kẻ điên dại cùng cố, đã mất hết lẽ phải.
“Bọn mày đã dở chứng. Muốn hoá điên hay sao mà đi chứ? Tự dưng bỏ làng bỏ nước đi biệt vô tăm tích, có chăng là đồ hoá dại!”

Riêng anh Sạng, cái nguyên nhân bỏ đi của anh về sau tôi hỏi và mẹ tôi có thuật lại. Số là anh Sạng bị làng xóm láng giềng nghi ngờ là đã ra tỉnh báo Tây đoan về bắt rượu lậu chôn giấu ở vườn rau một người anh họ con chú con bác với anh. Người anh họ bị đi tù sáu tháng về tội nấu rượu lậu thật. Và anh Sạng uất ức bỏ đi. Riêng tôi, không hiểu tại sao ngay hồi đó tôi đã nhất định tin rằng anh oan. Một phần có lẽ vì anh Sạng oan thật, một phần vì anh là một trong những người ở làng mà tôi mến yêu trong suốt thời kỳ tuổi nhỏ. Giữa anh Sạng và tôi có nhiều kỷ niệm, bé mọn, nhưng lòng tôi thay đổi nhiều mà những kỷ niệm ấy vẫn còn lại và vẫn thơm hương.

Anh Sạng có một thửa ruộng nhỏ ngoài cánh đồng gần nhà tôi. Buổi sớm nào tôi cũng ra đứng ở đầu ngõ và buổi sớm nào tôi cũng gặp anh Sạng ra đồng. Lần nào thấy tôi anh cũng đứng lại, trợn mắt, mắm môi, làm cho tôi vừa sợ hãi và thích thú. Anh bế bổng tôi lên trên cánh tay lực lưỡng, đoạn anh ghé sát vào tai tôi, hỏi nhỏ:
“Chú Thảo muốn gì?”
Lần nào anh cũng chỉ hỏi có vậy. Lần nào tôi cũng giơ tay chỉ lên cây bàng cổ thụ ở trước cửa nhà tôi. Thế là anh Sạng liền bỏ cày bỏ cuốc leo ngay lên cây. Từ những cành cao chót vót, anh hái những trái bàng chín vàng vất lung tung xuống đất cho tôi nhặt. Khi nào thấy hai túi áo tôi đã phồng lên, anh mới leo xuống, phùng má trợn mắt với tôi một hồi nữa rồi mới bỏ đi. Tôi lớn dần lên. Đến lúc đi học ở trường làng lại vẫn anh Sạng là người ở những ngày mưa gió cõng tôi đi trên con đường lầy đến tận cửa trường.
Tôi yêu anh Sạng. Gia đình tôi quý anh, vì tính anh hiền lành, vì lòng dạ anh ngay thẳng, hay nổi nóng, nhưng bản chất anh bao giờ cũng đôn hậu, cũng vui tươi.
Chuyện anh Sạng bỏ làng đi Nam kỳ, người làng người nước nói này nói nọ mãi rồi cũng thôi. Như mọi câu chuyện xảy ra ở cuộc đời, những sự kiện sôi nổi nhất cũng lắng chìm trong dĩ vãng và cái thôn xóm bé nhỏ của tôi cũng biết lãng quên. Chuyện cũ nhoà dần, rồi chết hẳn. Duy có gia đình anh, duy có tôi là vẫn không quên anh. Cứ mỗi mùa bàng chín, tôi ra đầu ngõ nhìn lên là hình ảnh anh lại hiện về qua một nhớ thương phảng phất dịu nhẹ. Bàng chín vàng trên kia nhưng không ai hái cho tôi nữa. Người mẹ già yếu thêm mãi. Chị Sạng lúc nào cũng tư lường sầu muộn. Những đứa con anh đã biết nói biết đi.

Nhưng anh Sạng đi Nam kỳ thì vẫn chẳng thấy về. Cũng chẳng có âm hao tin tức gì. Người đàn ông bỏ làng một buổi đi xa, con đê cao dẫn lối cho anh Sạng ngày nào, đến nay vẫn không hắt trả lại một bước chân, một tiếng nói, một âm hưởng, một chút ánh sáng dù rất mong manh của ngày hồi hương. Tôi thương vợ con anh Sạng, càng thấy cái đất Nam kỳ là mịt mùng xa xôi. Không biết anh Sạng còn sống hay đã chết? Một vài lần, chị Sạng khẩn khoản nhờ vả, tôi cũng viết mấy lá thư cho chị gửi vào Nam. Nhưng viết đấy cũng biết trước chẳng ăn thua gì. Phần vì anh Sạng bặt vô âm tín đã lâu ngày. Phần vì thư gửi đến những địa chỉ hết sức vu vơ. Thường là những vùng có đồn điền cao su. Dầu Tiếng, Trảng Bom, Ninh Hoà. Hỏi thăm phong thanh thấy nói anh Sạng ở đâu là chị Sạng lại nhờ tôi viết đến đấy. Cứ viết cứ gửi. Cứ bặt vô âm tín. Chị Sạng buồn phiền đau yếu luôn, càng biết đến những ngày cùng cực thiếu thốn trên mảnh vườn ruộng xơ xác. Về sau không biết ai đồn đến tai chị Sạng rằng anh Sạng ở trong Nam kỳ bây giờ giầu có lắm, rằng anh đã có nhà cửa đất cát, anh đã thôi làm ở đồn điền cao su về mua nhà mở tiệm ở Sài Gòn. Chị Sạng cũng giục giã tôi viết hộ chị những cánh thư gửi vào Nam. Thư tôi viết cho anh Sạng từ hồi đó đã nhiều mà vẫn không có một hồi âm nào gửi trả về xóm cũ.
Ngày tháng nghiêng đi. Như thế đã 18 năm.
Rồi người ta ký kết với nhau hiệp định Genève.
Cái thôn xóm bó nhỏ miền bể quê tôi náo động lên như một cuộc đổi đời. Đàn bà trẻ con già lão từng đoàn kéo nhau lũ lượt xuống tàu. Vợ con anh Sạng cũng dời bỏ mảnh vườn cũ. Đất Nam kỳ xa xôi hãi hùng ngày nào bây giờ lại nằm trong nhỡn giới người đi như một viễn tượng tươi đẹp của miền Tự Do.
Chị Sạng cùng đi một chuyến tàu với tôi. Suốt mấy ngày lênh đênh trên mặt sóng, chị Sạng chỉ nói chuyện với tôi đến chồng. Xa cách 18 năm, tin tức bằn bặt, mà chị Sạng vẫn cứ tin rằng anh còn sống và trời đất tao loạn lại làm cho vợ chồng chị được gặp nhau. Tôi, tôi cũng muốn tin như thế, tin niềm tin của chị Sạng, tin tưởng hết lòng. Kỷ niệm tuổi nhỏ trở về trong một ngày ly hương của tôi đã có cái bóng dáng của anh Sạng, những ngày mưa gió cũ cõng tôi đi trên con đường lầy. Tôi cũng mong được gặp lại anh.
Đặt chân lên đất nước miền Nam, mẹ con chị Sạng theo người làng lên định cư ở vùng Dốc Mơ, trên con đường Biên Hoà. Chị khẩn khoản dặn tôi ở Sài Gòn nếu có gặp anh Sạng thì nhắn ngay cho anh biết mẹ con chị đã vào đây. Sự chung thủy của người đàn bà làm tôi cảm động. Tôi hứa với chị Sạng nếu anh còn sống, thế nào tôi cũng tìm bằng được anh.
Suốt hai tháng đầu tiên ở Sài Gòn, tôi để ý thăm dò tin tức của anh Sạng trong những buổi đi thăm thú đường đất, thuê mướn nhà cửa. Tình cờ một hôm, tôi gặp anh Sạng ở Khánh Hội. Tôi nhận ra anh nhưng anh không nhận được tôi. Mãi sau, lúc tôi đã nói trên tuổi nhà cửa anh mới chợt nhớ. Nhớ ra tôi rồi, anh mừng quýnh mời tôi về nhà.
Anh Sạng đã già đi nhiều. Tóc đã hoa râm. Những nếp nhăn in hằn lên những ngày mưa nắng. Vậy mà đi bên anh tôi bỗng có cảm tưởng như mình bé nhỏ hẳn lại. Tôi sống một cảm giác thơ dại bỡ ngỡ như những tháng ngày hoa bướm đã về cũ, đã xa khuây, gặp anh đi qua ngõ ra đồng phùng má trợn mép làm bộ doạ nạt, một cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú lại nổi dậy trong tôi. Chỉ thiếu một con đường lầy và những trái bàng chín, nếu không, anh Sạng đã đưa hẳn tôi trở về trong tuổi thơ.
Tôi hỏi anh Sạng:
“Anh đi từ hồi ấy được bao lâu rồi nhỉ?”
Anh Sạng vẫn gọi tôi bằng chú:
“Chú tính 18 năm rồi còn gì? Dạo ấy chú còn bé tí. Giời mưa đi học còn phải cõng, chú bá lấy cổ tôi mỏi chết đi ấy”.
Hai chúng tôi cùng cười.

Đang đi tôi chợt nhớ đến mẹ con chị Sạng. Định báo tin cho anh biết, nghĩ thế nào tôi lại thôi. Để đến nhà anh sẽ báo sau. Tôi muốn dành cho anh một sự bất ngờ vui thú. Tôi tin rằng nếu biết vợ con anh đã vào đây anh Sạng sẽ sung sướng lắm.
Đến một căn nhà lá bé nhỏ, xiêu vẹo cuối một ngõ hẻm, anh Sạng đứng lại.

“Nhà tôi đây chú ạ!”

Tôi nhìn căn nhà tồi tàn, thật thà hỏi anh:
“Sao người ta đồn anh giàu có lắm cơ mà?”
Anh Sạng nói, giọng buồn rầu:
“Ấy vì thế mà tôi cũng chẳng muốn tin tức gì về làng về nước cả. Đã lang bạt đến nơi đất khách quê người mà cứ lận đận mãi. Tôi cũng chẳng muốn cho làng xóm láng giềng họ biết làm gì. Chỉ thêm chê cười chú ạ!”
Anh đẩy cánh cửa gỗ mời tôi vào. Định nói cho anh biết tin tức vợ con anh tôi lại thôi ngay. Vừa có một người đàn bà đi ra tay dắt mấy đứa trẻ con. Thấy tôi nhìn trừng trừng có vẻ lạ lùng, anh Sạng vậy nói:
“Nhà tôi đấy chú ạ!”
Người đàn bà cúi đầu chào tôi. Chị nói tiếng miền Nam. Mấy đứa trẻ nhỏ vây chung quanh gối người mẹ, nhìn tôi chăm chú.
Anh Sạng bảo vợ:
“Chú Thảo đấy!”
Người đàn bà mỉm cười bế con lại gần. Chị hỏi thăm tôi chuyện ngoài Bắc. Chị bảo tôi rằng anh Sạng có nói chuyện đến tôi, đến gia đình tôi cho chị nghe luôn. Chị mong một ngày nào yên bình, đường đất đi lại dễ dàng, mẹ con chị sẽ được anh Sạng cho ra chơi thăm ngoài quê chồng. Tôi trả lời nhát gừng. Tôi không có cảm tình với người đàn bà này. Nhìn chị, tôi nghĩ đến một người đàn bà khác, người vợ cả miền Bắc, vừa vượt bể đi hàng nghìn cây số vào đây, với niềm tin tưởng cuối cùng gửi gấm tất cả vào một ngày lại gặp người cũ. Nhưng mà cuộc đời có đi theo cái hướng đi của niềm tin tưởng kia không? Anh Sạng đã lấy vợ khác rồi. Anh đã có những đứa con khác, xây dựng một cuộc đời khác. 18 năm hiện lên trong trong qua một ấn tượng cách biệt thăm thẳm. Tôi nghĩ đến khoảng thời gian không cùng ấy với sự đổi thay rộng lớn của cuộc đời và của con người. Tôi nghĩ đến những tầng lớp của biến chuyển tàn nhẫn, đảo lộn ghê gớm, đến cái độ tan biến hoàn toàn những dấu vết đường lối cũ. Thời gian ở đây cũng đang làm loãng nhạt những tâm hồn chung thuỷ nhất, những kỷ niệm đằm thắm nhất và những liên lạc sâu nặng nhất. Vậy mà chị Sạng đã đợi chờ mười tám năm. Hình ảnh người đàn bà bồng con đợi chồng về trong không gian bát ngát và trong thời gian không màu, dưới mưa nắng gió bão, mùa qua mùa, trở lại về bằng những bóng hình tối xám trong tôi. 18 năm. Người đàn ông bỏ làng ra đi, khi ném cả đời mình vào cuộc phiêu lưu chắc đã có thừa ý định đoạn tuyệt với đoạn đời cũ, những người thân yêu cũ. Tôi không muốn tin. Nhưng lại bắt buộc phải tin.
Tôi nhìn anh Sạng. Anh bế đứa trẻ nhỏ nhất vào trong lòng. Người đàn bà đến ngồi bên anh. Tôi quay mặt trước cảnh tượng âu yếm. Tôi đứng dậy.

“Ngồi chơi đã chú Thảo”. Anh Sạng bảo tôi.
“Thôi để lần khác”.
“Vậy hôm nào chú ở chơi lâu nhé! Các con chào chú Thảo đi”.

Người đàn bà đẩy tay những đứa trẻ. Chúng chào tôi ngượng ngập. Anh Sạng đứng dậy bảo vợ:
“Mình ở nhà, tôi đưa chú Thảo ra đầu phố”.
Từ nhà anh Sạng đi trở ra, ngõ hẹp chói nắng không có một bóng cây. Tôi nhớ đến cái bóng mát dầy đặc của một cây bàng cổ thụ ở đầu ngõ quê tôi. Tôi muốn đưa anh Sạng trở về cùng tôi dưới gốc bàng này, trong dĩ vãng. Tôi nghĩ nhiều đến cái gia đình của anh. Đến chị Sạng, đến sự đợi chờ của chị suốt bấy lâu, đến những cánh thư của chị gửi đi lác đác suốt một đoạn đời dài thẳm, sự trông mong khắc khoải không tính đếm đến tháng ngày. Tôi nghĩ đến lúc tàu ghé bến Sài Gòn, đôi mắt chị tha thiết, khẩn khoản nhờ tôi tìm bằng được anh Sạng cho chị. Tôi đã tìm được rồi, chị Sạng ạ! Nhưng anh Sạng có còn là người của chị nữa không?
Hai chúng tôi im lặng bước đi.
Tôi nói bất thình lình:
“Anh Sạng này!”
“Chú Thảo bảo gì?”
“Chị ấy và các cháu đã vào đây rồi đấy”.
“Ai?” Anh Sạng hỏi sửng sốt.
“Chị ấy với các cháu. Cùng đi một chuyến tàu với tôi. Bây giờ hiện ở trên Dốc Mơ. Chị Sạng có nhờ tôi nếu có gặp anh thì nói cho anh biết để anh tới đón về”.
Một lát ngẫm nghĩ. Anh Sạng nhìn tôi:
“Sao bây giờ chú mới nói cho tôi biết”.
Tôi không trả lời anh. Anh cũng đã biết tại sao tôi đã im lặng, tại sao bây giờ tôi mới nói với anh. Người đàn bà miền Nam với những đứa trẻ nhỏ tôi vừa gặp đã là cái nguyên nhân làm cho tôi trở nên ngại ngùng. Báo tin cho anh Sạng về sự mới tới của mẹ con chị Sạng, tôi chỉ giữ trọn vẹn một lời đã hứa. Thế thôi. Tôi không dám tin tưởng gì. Mà lại chỉ dám tin tưởng ở điều này là thời gian và sự xa cách vẫn làm cho những hướng đời gần gụi nhất cũng lãng quên nhau và kỷ niệm chỉ là một hình ảnh trừu tượng, những sự kiện đã chết, không có được lấy một tác động bé nhỏ. Tôi không giận anh Sạng nếu thực ra anh đã lãng quên. Tôi biết anh đang buồn phiền nhiều. Đem lòng mình hôm nay để giải quyết một sự trạng trái ngược của hiện tại, anh Sạng chỉ còn cách đi ngược lại 18 năm cũ, thăm dò lại lòng anh thì anh mới tìm được giải pháp thích đáng. Lại cũng chỉ có mình anh giải quyết được thôi. Tôi đoán anh cũng đang làm thế.

“Tôi thật không ngờ, chú Thảo ạ! Chú có nói tôi mới nhớ vì quả thật tôi đã quên từ rất lâu. Như tôi đã muốn quên tất cả. Cả làng ngờ oan cho tôi, đến mẹ tôi, đến vợ tôi cũng ngờ vực theo nữa. Mấy năm sau có người vào trong này nói đến tai tôi là vợ tôi đã đi lấy chồng. Sau đó tôi gặp cái Năm ở Dầu Tiếng. Đang buồn bực tôi lấy nó làm vợ. Bây giờ thấm thoát đã ăn ở với nhau được mười hai năm rồi. Có con cái với nhau nữa. Tôi cũng lại bảo cái Năm là tôi đã mất vợ trước, nó mới bằng lòng lấy tôi. Nó biết sự thể thế này, nó sẽ buồn lắm. Mà tôi bỏ cái Cả ở trên Dốc Mơ thì cũng không đành. Chú bảo tôi xử trí thế nào bây giờ?”
Trước hết tôi thấy cần phải đính chính giùm cho chị Sạng một điều: không bao giờ có chuyện chị đi lấy chồng. Mười tám năm trời chị nuôi con trong khổ cực và sống trong sự chờ mong tin tức anh. Anh Sạng có thể tin rằng, trước sau ở người vợ miền Bắc đáng thương kia không hề có một dấu vết đổi thay bé nhỏ nào, mà chỉ là những sắc màu bền vững nhất của chung thuỷ. Ngoài ra đó là chuyện riêng của anh. Anh phải xử trí lấy. Nghe rõ những tiếng lòng anh, thì rồi anh sẽ giải quyết được êm đẹp ổn thoả.
Cuối cùng, tôi cho anh biết địa chỉ của mẹ con chị Sạng, rồi tôi từ giã anh.
Thời gian nghiêng đi. Từ ngày gặp anh Sạng, đến nay đã được sáu tháng. Trong thành phố rộng lớn, cuộc sống tiến tới là sự kết thành của những lớp đổi thay mãnh liệt. Mỗi ngày một hình thức mới. Mỗi ngày một màu sắc mới, một tâm tình mới. Đôi khi, giữa hai trang nhật báo, đọc những tin tức của thất lạc, của thăm hỏi, và qua hình ảnh của những người mẹ tìm con, những đứa con thơ dại đi tìm những người chị khuất vắng dài hạn, những người vợ yếu đuối đi dò thăm một dấu vết nhoà nhạt của chồng con giữa những ngã ba, những đám đông, tôi lại chợt nhớ đến chị Sạng, đến đôi mắt chị Sạng, chị có còn được ai dành cho một chỗ đứng bé nhỏ dưới một mái nhà nào không? Sự cô độc đơn lẻ ở người đàn bà đáng thương kia có là một trạng thái vĩnh viễn kéo dài như một vệt bóng tối cho đến trọn đời?
Tôi còn giữ được niềm tin của tôi ở rất nhiều điều. Nhưng tôi không dám tin tưởng ở sự bền chặt của lòng người. Nhất là ở lòng người đã bỏ đi như anh Sạng.
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa, của buổi gặp lại, của ngày trở về. Mùa xuân tự do thứ nhất ở đây vẫn chứa đựng cái hình ảnh muôn đời đôn hậu của đoàn viên. Cuộc sống như hình ảnh của một ngả đường đến hình ảnh một trạm hẹn. Con người từ hình ảnh một chuyến đi đến hình ảnh một ngày dừng chân. Đến sự hoà hợp của những phương hướng cách biệt. Nhưng còn điều này: mùa xuân có đến với tất cả mọi người? Đến với tôi, đến với chúng ta, nhưng có đến với mẹ con chị Sạng? Tôi không biết nữa.
Rồi câu chuyện của anh Sạng, nỗi bận tâm của tôi trong suốt một thời gian, chính tôi cũng lãng quên đi.

Cho mãi đến tuần lễ trước. Một buổi sáng tháng Chạp. Thành phố tấp nập không khí buôn bán cuối năm. Tôi đang đi bộ ngắm những dãy hàng đến dịp này thì lại xuất hiện và lại chiếm hết chỗ của những hè đường vây chung quanh chợ Bến Thành thì tôi gặp anh Sạng.
Trông thấy tôi, anh đứng sững lại mừng rỡ:
“Ô kìa chú Thảo! Lâu lắm mới lại gặp chú. Về nhà chơi cái đã”.
Không kịp để tôi trả lời, anh kéo bừa tôi đi. Giữa phố phường đông đảo, một anh Sạng đã già yếu nắm tay tôi kéo thẳng một mạch về nhà, và tôi ngoan ngoãn đi theo anh như anh đã dắt tôi những ngày thơ ấu cũ. Anh Sạng nói chuyện suốt dọc đường đến cái Tết năm nay. Đến công việc của anh dạo này xem chừng đã thấy khấm khá hơn. Đến sự may mặc cho những đứa trẻ. Như thế cho đến nhà.
Như lần trước căn nhà bé nhỏ của anh hiện ra cuối đáy ngõ hẻm.
Như lần trước anh gõ cửa. Như lần trước cửa mở, rồi người đàn bà miền Nam hiện ra. Đằng sau chị, mấy đứa trẻ nhỏ.
Nhưng lần này tôi đã nhìn thấy thêm một cái gì, một cái gì mà tôi đang mong đợi hết lòng suốt mười tám năm. Tôi đứng ngây người: ở một góc nhà, dưới một vùng ánh sáng của lửa bếp, chị Sạng, người vợ cả miền Bắc, đang ngồi thổi cơm. Bên gối chị, hai đứa trẻ miền Nam tựa vào lòng chị nhìn lửa cháy. Nghe tiếng động, chị Sạng bỏ củi lửa nhìn lên. Chị mỉm cười với tôi. Tôi nhìn anh Sạng. Tôi nhìn cả nhà. Sau cùng cái nhìn của tôi gửi đến người đàn bà miền Nam vẫn đứng sau tôi. “Cái Năm Sà-goòng” của anh Sạng, người đàn bà thứ hai đã đến đời anh, yên lặng ngó tôi không nói gì. Nhưng tôi đã hiểu chị, qua một thoáng lửa lấp lánh nghịch ngợm mà tôi vừa bắt gặp ở trong mắt chị, nó nói nhiều cho cái tâm tình dễ dàng cởi mở, dễ dàng đón nhận, mà tôi thường thấy ở người đàn bà miền Nam. Tôi nhìn chị Sạng Hai. Tôi nhìn anh Sạng. Vui mừng và cảm động.
Tôi biết anh đã giải quyết ổn thoả êm đẹp cái chuyện riêng của anh rồi. Tôi còn biết rằng một phần lớn chính còn ở chị Năm nữa. Trước sự phân vân lưỡng lự, trước hoàn cảnh éo le của chồng, người đàn bà miền Nam đã hành động cao đẹp bằng cách đón nhận về chung một mái nhà, người đàn bà miền Bắc xa lạ, chia sẻ tình vợ chồng để có thêm tình chị em. Hành động này tôi thấy như một bông hoa vừa nở lên giữa thiên nhiên, trong cuộc đời, thành mùa xuân thứ nhất sau 18 năm không có mùa xuân. Tôi nhìn chị Năm, kính phục, quý mến. Chị Năm đã lấy được trọn vẹn cảm tình của tôi.
Buổi trưa cuối năm hôm đó tôi đã ở lại ăn một bữa cơm thường với gia đình anh Sạng.
Chúng tôi nói chuyện ngày xưa. Kỷ niệm tuổi thơ được nhắc nhở lại, vừa cảm động, vừa buồn cười. Tôi thấy tôi bé nhỏ hẳn lại.
Vợ chồng con cái anh Sạng đưa tiễn tôi ra tận đầu ngõ. Ngày ngả về chiều. Nắng vàng lụa. Xa xa từ những trung tâm thành phố, những tiếng ồn ào của một phiên chợ Tết vừa dâng lên. Tôi đi ra khỏi ngõ. Tôi cất tiếng hát nhỏ. Tôi nhớ đến tuổi thơ của tôi. Tôi đang đi trên đường tuổi thơ. Hình ảnh đoàn viên của gia đình anh Sạng, chiều nay đã gây cho tôi cái cảm giác ấm áp của đêm Giao thừa, của ngày mùng Một. Người ta đang tìm về nhau. Đông lắm. Người ta đang gặp lại nhau. Con người, dân tộc đang hồi xuân.
Tôi nghĩ đến những con mắt, những nắm tay, những bếp lửa, những mái nhà. Từ một chấm dứt của mưa phùn tháng Chạp đến một khởi đầu của cỏ non tháng Giêng, mùa xuân dâng lên trong tôi, trong những hình ảnh tươi đẹp nhất của Đoàn Viên.

Mai Thảo

Thương nhớ tháng Giêng !
Trong làn mưa bụi nhẹ bay,
Hồn ta lắng lại đón ngày tháng Giêng...
Bâng khuâng chẳng chút ưu phiền,
Cỏ cây bừng tỉnh giữa miền tinh khôi,
Thương ơi giọt nắng bên trời,
Nhu mì vương vấn sương rơi vương cành !
Thương cơn gió sớm qua mành,
Thơm mùi rơm rạ, cánh đồng cỏ lên.
Nhớ hoài ký ức mông mênh,
Thương ơi dáng mẹ chênh vênh đốt đồng...!
Ngậm ngùi thân mẹ long đong,
Tháng năm lưng mẹ lại còng hơn xưa,
Mẹ ơi biết nói sao vừa,
Lòng con thổn thức khi chưa quay về !!
NM

Hoài cảm tháng Giêng

Trong làn mưa bụi nhè nhẹ choàng lên đất trời, ta lắng lòng thầm nghe những bước chân khẽ khàng của tháng Giêng, và điềm nhiên an trú trong khoảng trời ký ức riêng mình. Tháng Giêng tựa đôi mắt huyền của thiếu nữ đương độ trăng rằm, có chút bâng khuâng, mơ màng phảng phất giữa thanh xuân dịu dàng. Tháng Giêng đằm thắm ngân lên những âm điệu đầu tiên, trong bản hòa tấu bao cung bậc vui buồn của một năm, là khởi đầu chặng đường với những ấp ủ, ước vọng chan chứa. Thời gian lặng lẽ ghi dấu bao hành trình mà ta đã đi qua, những được mất, lòng chợt dấy lên ít nhiều những trăn trở, suy tư...

Tháng Giêng về đỏng đảnh nắng mưa. Cỏ cây bừng thức giữa trời đất tinh khôi, cánh đồng, dòng sông đang mùa thay áo, ẩn chứa nét duyên thầm mơ màng, xa xăm. Những vạt nắng nhu mì còn vấn vương thấp thoáng trong mưa, đậu nhẹ lên làn cỏ dọc triền đê xanh mướt. Hương cỏ dìu dịu ru giấc mơ tuổi dại, nâng gót chân em thơ ríu rít chạy cùng khúc đồng dao êm đềm. Ta theo mẹ ra đồng khi làn sương mỏng còn chùng chình giăng mắc, những cơn gió sớm lướt qua người lành lạnh. Lâu lắm rồi ta mới được hít căng lồng ngực hương hoa cỏ tinh khiết sớm mai, để mùi bùn đất, rơm rạ chất phác vương lại trên tóc, và thanh thản chìm vào khoảng trời trong vắt tiếng chim kêu. Cánh đồng mạ lên xanh mượt mà, tít tắp, trải dài màu của niềm hy vọng một vụ mùa sung túc, lúa chín vàng thẳng cánh cò bay.

Đi trong những ngày tháng Giêng, ta thương hoài mảnh vườn nhà một tay mẹ vun vén, nhớ mùa hoa cải vàng lung linh màu cổ tích trong giấc mơ ấu thơ. Ta nào quên những buổi chiều mơ mộng, ngồi nhìn đám cải vàng quyện giữa đàn bướm thướt tha đang la đà bay, mà lòng thơ thẩn nghĩ về bao ước mơ diệu vợi. Dáng mẹ lom khom gom lại rồi đốt đống lá khô ở góc vườn, mùi khói nao lòng vương lại ở đâu đấy trong hành trang ký ức, mà ta đã gói ghém vào đó bao yêu thương đong đầy. Những buổi chiều như thế trôi bình yên giữa dòng thời gian chầm chậm, để giờ đây, lưu lại trong ta bao hoài niệm quay quắt...

Rồi những ngày đoàn tụ qua mau, ta rưng rưng khăn gói trở lại phố thị với ngổn ngang lo toan phía trước. Tháng Giêng bỗng ngậm ngùi trong ánh mắt xót xa của mẹ. Hành lý không quá nặng mà sao tay chân cứ vướng víu, không nỡ bước qua cánh cổng tre dưới tán sầu đông, mùa hoa tím li ti rắc màu thương nhớ. Trong mắt mẹ bao giờ ta cũng chỉ là một đứa trẻ cần vòng tay yêu thương, mẹ nào được an lòng khi thấy ta một mình nơi đất khách.

Dẫu mưa nắng cuộc đời có làm vết thời gian bàng bạc trên dáng hình của mẹ, người vẫn không thôi ngóng chờ ta về nằm trọn trong khoảng trời bình yên, và ru ngủ bao nhọc nhoài sóng gió. Nên ta trân quý vô cùng những thức quà quê dung dị mẹ đã tỉ mẩn gói ghém, là kết tinh của tấm lòng ân cần, chăm chút cho đứa con sắp xa nhà.

Bánh xe thời gian vẫn lặng lẽ quay, tháng Giêng dịu êm trôi đi giữa chòng chành nỗi nhớ. Để rồi bao dấu yêu mùa cũ, cùng những tiếng lòng man mác vẫn không thôi thổn thức trong ta, khi nhớ về mảnh đất chôn nhau cắt rốn thấm đượm ân tình. Hẹn những mùa đoàn tụ đang chờ ta phía trước, để ta có thể trở về vun vén yêu thương mà ôm lấy đôi vai gầy của mẹ, rồi nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc vô bờ...

Trần Văn Thiên

 

Tháng Giêng trong vườn bà

Ngày nhỏ, tôi tin cả tuổi thơ mình không ra được khỏi khu vườn của bà. 
Tháng Giêng, cha mẹ tôi lại khăn gói đi làm xa người lớn hình như không bao giờ biết được cuộc đời này có thêm những gì ngoài công việc. Tôi được gửi về bà nội. Đó là một vùng quê năm nảo cũng như năm nào, cũ kỹ, quen thuộc đến từng gốc cây, ngọn cỏ.

Bà tôi có một chiếc đồng hồ để bàn của Nga, có khi nó gục mặt vào đống rơm dưới bếp cả mấy ngày bởi không ai vặn dây cót. Ở đây thời gian bao giờ cũng ngủ quên như tôi thôi. Có sáng thức dậy trong mưa lạnh, mắt nhắm mắt mở trong khói bếp, tôi đồ rằng mấy con chim sâu đang tập chuyền cành ngoài kia đã tập từ bao mùa xuân mà chưa thuần thục. Khói rơm cay xè mắt, bắp ngô luộc, siêu nước sôi, tôi tự đo mình bằng cái đòn gánh gác ở xó bếp xem cao đến nhường nào thì mọi sự quen mòn nhàm chán ấy sẽ có đổi thay.

Nắng hửng lên, đi trong khu vườn của bà thì tôi hào hứng lắm. Bà bảo bà đã phải bỏ cả những năm tháng tuổi trẻ để biến khu đất sỏi đá, đầy mảnh bom trên miền non cao này thành khu vườn xanh tươi như bao mảnh vườn dưới xuôi cho con cháu được chơi đùa.

Tháng Giêng, gia tài của bà là những bưởi, nhãn, mít, ổi, vú sữa, na, chanh... bắt đầu xanh lộc và ra hoa. Đến khi nắng xuân xuyên qua vòm lá chiếu xuống đây cũng không thể nào xuyên thủng bầu trời cổ tích bởi có tiếng chim trong lòng vá víu. Quanh những gốc táo, lê, trên con đường rải đá, tưởng như lúc nào đó sẽ gặp một bà cụ hay một nàng công chúa hiện ra với cái giỏ đầy nấm. Tiếng cá quẫy dưới mặt ao sóng sánh nắng vàng. Những câu chuyện của Tô Hoài, Vũ Tú Nam về những con dế mèn, xén tóc, chuồn chuồn kim hay lời đồn con cá chuối có cái miệng rộng nuốt cả đứa trẻ con... mà tôi mê mẩn đọc đến toét mắt mới nhận ra cơm đã quá lửa, tất cả như ùa về trong những sáng xuân ấy.

Tháng Giêng, như văng vẳng tiếng chuông chùa, không hiểu sao tôi cứ tự nhủ một điều đến lạ. Hoa bưởi như cô gái không xuất gia nhưng vẫn khép cánh cửa xanh của đài hoa tu hành, có con chim sẻ bay từ vườn chùa sang tịnh độ. Ngôi chùa ấy ở đâu? Tiếng chuông từ đâu?

Xế trưa, bao giờ bà cũng tìm ra thứ rau nào đấy trong vườn để nấu canh hay xào với dầu lạc. Bà nựng tôi về ăn cơm bằng câu nói tôi đã thuộc làu: “Cây bưởi, cây ổi, cây na... này, nhớ ra quả là để anh cò ăn nhé, không cho lũ chào mào đít đỏ lắm lời kia ăn đâu”. Tôi biết thừa là hoa bưởi đẹp thế nhưng bưởi chua, ổi chát, quả na còn lâu mới mở mắt nhưng vẫn thích nghe bà nựng rồi lặp lại những câu của bà. Tôi bỏ lại phía sau lưng hôm thì đống ống trúc khoét dở lồng chim, hôm thì thanh gươm bẹ chuối, hôm cái cung bằng cành tre... Mỗi buổi trưa dở dang để lại niềm thương nhớ.

Rồi một ngày bà mất. Dù ông đã cố gắng hằng ngày tất bật chăm bón nhưng có lẽ thiếu hơi bà, khu vườn dần trở nên tiêu điều. Rồi các cô chú đều lập gia đình, ông phải bán mảnh vườn đi, chia số tiền ra cho mỗi người rồi rời về thành phố ở. Người chủ mới đến lại sang tay khu vườn cho người khác. Từng cái cây bị đốn hạ, từng tổ ong, tổ chim tan hoang dưới bầu trời quang quẻ.

Khi ấy, dù đã lớn mà tôi vẫn ngỡ ngàng. Hóa ra trên vòm lá kia đâu có tiếng chim cổ tích, không có nàng công chúa, bà tiên nào bước ra. Ao bị lấp, con cá chuối hung dữ chắc cũng bị chôn vùi. Từ đó cuộc đời tôi cứ xuôi mãi xuống đồng bằng, gắn với những dãy phố dài. Mới hay, một thời ấu thơ tôi cứ ngỡ vườn bà có tất cả những gì trong cổ tích, còn hôm nay, tôi tin cổ tích chỉ có ở vườn bà.

Bùi Việt Phương