Tháng bảy , mùa Vu Lan
Tháng bảy về rồi Mẹ có hay ?
Trải bao chua xót lẫn đắng cay....
Nuôi con ngày tháng chừ khôn lớn ,
Giờ tuổi hoàng hôn sầu chất đầy ?!

Tháng bảy đến, và Thu vàng cũng tới,
Gió chuyển mùa về, bao lá rơi......
Vui mừng thay Mẹ vẫn sống trên đời,
Cài hoa đỏ bỗng dưng con muốn khóc.....?!

Mưa tháng bảy con đi trong cô độc,
Mẹ vẫn còn mà con lại xa khơi......
Mắt dõi xa về tận cuối chân trời ,
Tìm bóng Mẹ đợi chờ con mòn mõi !!
NM

“Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ Cha công dưỡng dục
Mùa Báo hiếu bùi ngùi thương mẹ Đức cù lao”

be_yeu
Tôi đã khóc trong mùa Vu Lan như thế   
Sài gòn đang mùa Vu Lan, sáng nay không biết ông trời động lòng thương cảm phục trước tấm lòng bao dung của tình Mẹ hay trời xót thương cho những ai không may mắn khi đã không còn Mẹ. Cơn mưa ngoài trời như trút nước, che kín của bầu trời. Tiết trời đã vào Thu nên những cơn mưa làm cho bầu trời thêm âm u, chạnh lòng thương cảm.
Đến bây giờ Ba đã ngoài 40 tuổi, và con cũng đã lớn, nhưng trong mắt ba, con vẫn là một đứa trẻ cần sự chăm sóc. Mọi việc trong nhà từ cơm nước đến việc giặt chăn chiếu của con, ba đều làm cả vì ba thương con vừa học và vừa đi làm vất vả nên ba đã giành hết những việc đó, để con có thời gian nghỉ ngơi. Chính điều này làm con nhiều khi cảm thấy xấu hổ vì không chăm sóc được cho ba. Ba luôn lo lắng chăm sóc chu toàn cho con, nhưng con vẫn thèm một bàn tay ấm áp yêu thương của Mẹ. Thời gian này con thấy ba yếu đi nhiều... Chắc mẹ cũng hiểu con cần có mẹ biết bao nhiêu. Nhìn ba lặn lội sớm hôm đi về làm con muốn ứa nước mắt.
Bé cũng từng nghe bài ca "Bông Hồng Cài Áo"... thật lắng đọng và xúc cảm biết bao... "Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em và một bông hồng cho những ai, cho những ai không còn mẹ..."
Chao ôi! Lời ca sao mà tha thiết, như muối xát vào lòng con. Con không biết mình còn mẹ hay đã mất mẹ. Thật lòng xin nói lời xin lỗi cùng Mẹ trong mùa Vu Lan đang đến cận kề... mùa Vu Lan đang về với mọi người trong niềm hân hoan ấm áp tình thương Mẹ.
Con đã khóc thật nhiều khi có mẹ mà cũng như không? Ba Mẹ đã không còn chung sống cùng nhau cũng đã lâu lắm rồi...
Vậy là con đã phải nhận biết bao bông hồng cho những người không còn Mẹ? Thật chua xót cay đắng. Thật ngậm ngùi tủi thân mà nước mắt lưng tròng... thà rằng mẹ không còn trên cõi đời này nữa. Để bông Hồng con nhận được trong mùa Vu Lan cũng bớt lạnh lẽo, đơn độc biết bao nhiêu. Chia tay Ba đã lâu rồi Mẹ và Ba không hàn gắn được sao Mẹ?
Để mỗi mùa Vu Lan về con phải khóc khi nhận được một bông Hồng cho người không còn Mẹ.
Mẹ ơi! Mẹ có biết không?
Con đã khóc, dù nước mắt không nhiều như con mưa trời Sài Gòn sáng nay. Nhưng thật chạnh lòng chua xót và tủi thân rất nhiều. Con đã khóc và khóc rất nhiều khi nhớ tới Mẹ. Con đã khóc rất nhiều khi bông hồng dành cho conlà   một bông hông cho người không còn mẹ.
Nơi này con nhớ Mẹ. Nơi này con rất thương ba đơn độc lặn lội vất vả nuôi con thành người.
Con không biết phải nhận biết bao bông Hồng cho những người không còn Mẹ? Con không biết rồi nước
mắt con bao giờ mới ngừng chảy khi mùa Vu Lan về...
Mẹ ơi! Con cần Mẹ. Mẹ hãy về như mùa Vu Lan đang đến mẹ nhé. Đừng để con phải khóc khi nhận bông hồng không còn mẹ.
Mẹ hãy về và nắm chặt tay con cùng nhau nhận một bông hồng đỏ thắm cho những ai đang còn mẹ. Mẹ nhé!
Con yêu Mẹ!
ST
I. Đôi nét về mùa Vu lan
Vu-lan(chữ Hán: 盂蘭; sa. ullambana), hay còn gọi là Tết Trung nguyên, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, còn được hiểu là lễ báo hiếu. Ngày này còn được gọi là Xá tội vong nhân. Vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục đều được xá tội, được lên Dương gian. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng.
Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời
Trong một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 (Âm lịch), để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Ở Nhật Bản ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 7, hay là ngày 15 tháng 8 (tính theo Âm lịch) để tỏ những ước nguyện của mình, người ta viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.
Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy bao giờ cũng phải cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi Mặt Trời đã lặn.
Vào ngày này, mọi gia đình đều cúng hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng), thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều.
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống như quần áo, giày dép,… đến những vật hiện đại: tivi, tủ lạnh, máy giặt, ngựa, phương tiện giao thông, mũ kepi, Iphone, nhà cao tầng, quạt điện, điều hòa, ... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người Dương trần. Những đồ lễ đó thường được làm tại một cơ sở sản xuất rồi được xe máy chở đi khắp các tỉnh thành
Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu (có thể thêm nước ngọt, bia nếu có điều kiện), cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa. ở chùa khi cúng chúng sinh xong người ta thường gọi những đứa trẻ xung quanh đến rồi cho chúng cùng nhảy vào tranh cướp những vật cúng: như bỏng, oản...Tượng trưng cho những cô hồn..
II. “Bông Hồng Cài Áo": Giai điệu & ca từ tuyệt mỹ về Mẹ
Nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý tưởng từ tùy bút cùng tên của Thiền sư Nhất Hạnh. Bài tùy bút ra đời từ năm 1962 - Phật lịch 2507. Khoảng một năm sau, vào mùa Vu lan 1963, chúng tôi được nghe đọc “Bông hồng cài áo” trong lần sinh hoạt sau thời công phu, lễ Phật ở chùa Thiên Minh - ngôi chùa đậm dấu ấn kỷ niệm của Thiền sư những ngày tu học ở Huế.
Giọng Huế trầm đầm ấm của chị huynh trưởng làm chúng tôi rưng rưng, nhiều chị em nữ khóc thút thít. Bài thơ ngũ ngôn sau lời mở - những dòng thơ khóc mẹ ngày mẹ ra đi khiến cho những ai còn mẹ hay mất mẹ đều nghe lòng lo sợ, sợ đến một ngày kia: “Năm xưa tôi còn nhỏ/ Mẹ tôi đã qua đời/ Lần đầu tiên tôi hiểu/ Thân phận trẻ mồ côi/ Quanh tôi ai cũng khóc/ Im lặng tôi sầu thôi/ Để dòng nước mắt chảy/ Là bớt khổ đi rồi/ Hoàng hôn phủ lên mộ/ Chuông chùa nhẹ rơi rơi/ Tôi biết tôi mất mẹ/ Mất cả một bầu trời”.
Cả một bầu trời yêu thương, cả một dòng suối dịu hiền, cả một mạch nguồn bao la như biển xanh ngọt ngào vỗ về con thơ giờ đây không còn nữa. Anh chị không còn trong vòng tay yêu thương của mẹ, anh chị sẽ nghe cõi lòng mình trống vắng và là thời khắc anh chị như chú chim non cánh mỏng bơ vơ lạc lối - bởi vì có mẹ là có đủ mọi thứ trên đời: Mẹ là tất cả…
Giai điệu và ca từ nhẹ nhàng sâu lắng: “Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai/ Cho những ai/ đang còn Mẹ/ đang còn Mẹ/ để lòng vui sướng hơn…”. Tùy bút thầy Nhất Hạnh kể chuyện từ xứ Phù Tang - bước chân nhẹ trên phố xa - nhân ngày của Mẹ (Mother’s day), một nhóm sinh viên trẻ thầm thì to nhỏ với người đồng hành rồi cài lên ngực trái thầy một bông hồng trắng. Hỏi ra mới biết nếu ai còn mẹ thì sẽ nhận một nụ hồng. Một nụ hồng yêu thương - một nụ hồng tuyệt vời cao cả, bởi một lẽ anh chị đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn
Chân dung nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ
Trong ca dao mẹ, có cậu bé lớn khôn trong vòng tay mẹ cha êm ấm; chuyện nhà không may, gặp cơn túng bấn phải tha hương mưu sinh, vật lộn giữa dòng đời cay nghiệt, khi đó mới hiểu ra - công cha mẹ là biển trời: “Cơm cha cơm mẹ đã từng/ Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người/ Cơm người khổ lắm mẹ ơi/ Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”.
Tứ khổ: sinh lão bệnh tử - ai trên đời mà không chết? Chết là quy luật, là lẽ thường của tự nhiên, cái chết không loại trừ bất cứ ai. Nhưng cái khổ lớn nhất của những đứa con trên đời là ngày mất mẹ. Mẹ ơi! Hai tiếng thiêng liêng đi suốt cả cuộc đời con những lúc hỷ nộ ái ố sầu bi - khổ đau, buồn vui hay hạnh phúc.
Ngôn ngữ nói và viết dường như bất lực, phải cần thêm vỏ âm thanh giai điệu: “Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi/ Như đóa hoa không mặt trời/ Như trẻ thơ không nụ cười/ ngỡ đời mình không lớn khôn thêm/ Như bầu trời thiếu ánh sao đêm…”. Còn mẹ sẽ là tình yêu thương tròn đầy viên mãn. Còn mẹ là hạnh phúc lớn trên đời này của những đứa con.
Hình như tôi đã đọc đâu đó một điều giản dị về mẹ: Anh chị lớn bao nhiêu tuổi, làm nên biết bao công trạng, nhưng đứng trước mẹ, anh chị cũng chỉ là đứa con bé nhỏ như ngày xưa mẹ yêu thương, nâng niu bú mớm dỗ dành… Xưa nay đông tây đều thế - con trẻ sẽ không lớn khôn thêm nếu thiếu vắng bàn tay nâng niu âu yếm của mẹ. Người lớn mà mất mẹ cũng thấy mình thiệt thòi trống rỗng không còn người lo toan cận kề che chở…
Lời và nhạc như thúc giục, nhắc nhở bao đứa con hãy làm một việc gì đó có ý nghĩa ngày mẹ còn trên trần thế. Mẹ mất như bông hoa thiếu ánh mặt trời, như đứa trẻ môi khô héo cằn già nua trước tuổi và bầu trời thiếu vắng ánh sao khuya cứ tối mò mù mịt như đêm ba mươi…
Bài hát đi vào điệp khúc: “Mẹ, Mẹ là dòng suối dịu hiền/ Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên/ Là bóng mát trên cao/ Là mắt sáng trăng sao/ Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối/ Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào/ Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau/ Là tiếng dế đêm thâu/ Là nắng ấm nương dâu/ Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời…”.
Có thể nói, những mỹ từ đẹp nhất về mẹ được cất lên. Các anh chị hãy lắng nghe lời ngọt ngào từ mẹ. Tiếng ru ầu ơ bên vành nôi tuổi thơ; bàn tay mẹ sờ lên trán nóng khi con biếng ăn biếng quẫy; nước mắt mẹ sầu lo khi nghe tin con mình bất hạnh tai ương; chiều về dáng mẹ thẫn thờ ngồi trông con vời vợi nơi xứ lạ quê người - biết xuân này nó có về không?...
Chao ôi! Lời nào để bày tỏ hết ân tình thăm thẳm công ơn sâu dày của mẹ. Hình như là thế -“Ngôn ngữ trần gian như túi rách/ Đựng sao đầy hai tiếng mẹ ơi!”. Lời và nhạc điệp khúc không cần đến ca sĩ tài năng hay ưu tú - ai hát cũng làm người nghe sầu thương buồn nhớ mẹ. Có chàng trai bụi đời sương gió, là trùm du đãng một vùng, sau khi đọc và nghe tùy bút cùng bài hát “Bông hồng cài áo”, anh ta “đốn ngộ” - hoàn lương quay về với mẹ, từ bỏ một thời ngang tàng lầm lỡ…
Trong “Bông hồng cài áo”, Thiền sư Nhất Hạnh viết: “Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?”. Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười: “Biết gì?”. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”. Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, người cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng”.
Có thể nói, đây là đoạn nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã gần như trung thành với nguyên bản - một sự rút gọn tuyệt vời từ văn xuôi thành ca từ: “Rồi một chiều nào đó/ anh về/ nhìn Mẹ yêu/ nhìn thật lâu/ Rồi nói/ nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?”, “Biết gì?”, “Biết là, biết là con thương Mẹ không?”.
Tôi nghĩ, phải là nhạc sĩ tài hoa mới đủ tầm để biến hóa tài tình ra vậy. Nói ra điều đó: “Biết là, biết là con thương mẹ không?” - anh chị sẽ nghe lòng thanh thản, nhẹ nhõm và hạnh phúc lạ thường. Như lời sám hối với mẹ. Lâu nay con đã làm bao điều sai trái hư đốn, chơi bời lêu lổng làm mẹ buồn. Và từ đây con sẽ sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Từ đây con vâng lời mẹ cha, cố lên chăm học chăm làm, làm điều lành tránh điều dữ, thực hành tam quy ngũ giới, tu tâm dưỡng tánh, giữ trọn đạo làm người… Chỉ thế thôi là đủ phải không anh chị?
Anh chị đi hết đời lòng mẹ vẫn theo. Mẹ có thể vì con mà hy sinh tính mạng. Mẹ có thể vì con mà từ bỏ mọi thứ của cải và mọi điều ân sủng quý giá nhất. Mẹ là ngọn lửa vĩnh hằng: “Dẫu là nguyên thủ quốc gia/ Hay là những anh hùng/ Là bác học hay là ai đi nữa/ Vẫn là con của một người phụ nữ/ Một người đàn bà bình thường/ Không ai biết tuổi tên”(Xuân Quỳnh).
“Bông hồng cài áo” kết thúc với điệp ngữ: “Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh/ Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em/ Thì xin anh/ thì xin em/ Hãy cùng tôi vui sướng đi”. Lời hát và ca khúc vang lên giai điệu cuối: “Hãy cùng tôi vui sướng đi”… Thế mà âm vang về mẹ trong anh trong chị vẫn còn vọng lại. Mẹ ơi, mẹ ơi… Buồn thương lắm, man mác lắm, chan chứa lắm, bao la lắm, tha thiết lắm người ơi!
Tùy bút “Bông hồng cài áo” của thầy Nhất Hạnh đã xuất hiện và tồn tại gần năm mươi năm trong lòng bao đứa con của mẹ. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc cũng đã chừng ấy năm; hàng ngày hàng đêm, mỗi mùa Vu lan và khi buồn nhớ mẹ, chúng ta lần giở trang tùy bút và lắng nghe giai điệu “Bông hồng cài áo” - để lòng thấu hiểu hơn - dày và dài thêm công ơn cha mẹ. Cách đây mấy năm, báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng lại trang trọng ở trang nhất bài tùy bút này - như triệu triệu bông hồng dâng tặng mẹ của bao đứa con diễm phúc còn mẹ trên đời…
Lê Quang Kết
14:21 21/05/2011
e-News - Tình mẫu tử

Vu Lan Bên Mẹ 

Cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ 

-Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để mỗi sớm mai thức dậy , con được thấy khói ấm trong nhà, cơm thơm trên bếp. Con ngồi vào bàn ăn, cùng mẹ cảm nhận một ngày mới đang đến, cảm nhận tia nắng ban mai đang chiếu sáng ấm áp ngoài khung cửa sổ nhà mình.
- Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để mỗi buổi tan học về, con được nhìn dáng mẹ chờ con trên bậc cửa. Con được mẹ đợi chờ bên mâm cơm còn úp lồng bàn. Đã bao lần, con nhắc mẹ cứ ăn cơm trước đi, nếu như con có đi học thêm ca ba mà về muộn. Song, mẹ không bao giờ ăn cơm trước. Mẹ đợi con về, mẹ xới cho con từng bát cơm, gắp cho con từng gắp rau, miếng thịt. Mắt mẹ nhìn con ăn, thăm thẳm thương yêu.
- Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để con còn biết sợ mỗi khi làm điều gì sai quấy. Con không dám nói dối, vì con sợ mẹ mất lòng tin nơi con. Con không nói được một câu hỗn hào, vì con sợ trái tim mẹ sẽ buồn mà tan thành nước. Con không dám đi chơi về mụôn, vì con sợ mẹ sốt ruột, lo lắng. Con không dám gục ngã, vì sợ mẹ sẽ nghĩ rằng con của mẹ yếu mềm.
- Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để con biết mình cần phải cố gắng vươn lên. Con nhớ, cái lần con nhận được giấy báo vào đại học, mắt mẹ đã long lanh vì quá vui mừng. Nhìn vào ánh mắt ấy, con đã tự nhủ: “Mẹ ơi, dù có phải phấn đấu đến đâu đi chăng nữa, chỉ cần thấy ánh mắt mẹ vui thế kia thì con cũng không bao giờ ngại ngần”. Con nhớ, mẹ đã từng nói: “Đời mẹ học hành chưa được bằng người, con phải cố học để hơn mẹ nhé!”. Vâng, bây giờ thì con đang học vì lẽ đó, mẹ ạ!
- Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để khi nào mỏi mệt, thấy trái tim mình trống rỗng và hoang hoải thì con vẫn có nơi để tìm về. Những năm tháng đi học xa nhà, con đã hiểu thấu thế nào là nỗi cô đơn của một đứa con không đựoc ở bên những người mà nó thương yêu nhất. Có nhiều lúc con cũng thấy bàn chân mình không muốn bước, thấy bao nhiêu quyết tâm của mình đi đâu mất cả. Chỉ cần trở về bên mẹ, ăn miếng cơm nhà, ngủ một giấc thật sâu trong căn phòng của mẹ là tất cả những lo âu trong con lắng lại. Con thấy tim mình bình yên.
* * *
Đôi lúc, con không nhận ra mẹ quan trọng như thế nào trong cuộc sống của mình, không biết rằng còn mẹ trên đời là niềm hạnh phúc lớn lao nếu so với những người không còn mẹ. Gài lên ngực áo mình một đoá hồng đỏ thắm, bờ môi con rưng rưng nói chẳng nên lời. Con muốn nói với mẹ: “Con yêu mẹ nhiều lắm, mẹ ơi!”.
ST
Mùa Vu Lan và những đóa hồng   
Mùa Vu Lan lại về trong cái chợt nắng, chợt mưa của Sài Gòn. Ngày rằm tháng Bảy năm nay đúng dịp đầu tuần nên con không thể về quê đi chùa cùng mẹ. Con rất hạnh phúc vì còn được cài hoa hồng đỏ trên ngực áo. Mẹ của con lặng lẽ cài hoa hồng trắng lên tim. Không biết tự bao giờ mùa Vu Lan và những đóa hồng lại xuất hiện cùng nhau. Có rất nhiều người không theo đạo Phật cũng đi chùa tháng Bảy và cài lên áo một đóa hồng khi mùa Vu Lan đến.
Ngày bé con thường hỏi mẹ có phải muốn thể hiện sự hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ thì vào mùa báo hiếu mình cài hoa hồng lên áo hay không? Con nhớ mẹ nói sự hiếu thảo không phải ở cái hoa hồng đó, đạo hiếu phải được vun bồi từ bé và thể hiện ở tình thương yêu kính trọng đối với bề trên. Mẹ ơi trong một năm con cãi lời mẹ bao nhiêu lần mẹ nhỉ? Có phải con không xứng đáng được cài đóa hồng lên áo không? Mẹ hiền từ đáp với con rằng con trẻ đứa nào chẳng gây lầm lỗi. Chữ hiếu không phải gò ép con người ta lúc nào cũng răm rắp nghe lời bề trên, quan trọng là con nhận ra lỗi và biết hối lỗi. Hoa hồng dành cho tất cả những ai biết nhớ ơn người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình…
Ngày bé con cài xong hoa hồng mùa báo hiếu rồi lại vứt lung tung. Thời gian trôi đi con thấy mái tóc đen dài của mẹ giờ lưa thưa nhiều sợi bạc, con thấy bước đi của ba không còn chắc khỏe như xưa. Bây giờ con cài hoa hồng đỏ là cẩn thận cho vào hộp. Con muốn sưu tập nhiều thật nhiều hoa hồng đỏ mùa Vu Lan. Đi lễ chùa tháng Bảy con thấy các bác, các cô lớn tuổi vẫn hạnh phúc ngập tràn khi cài hoa đỏ lên tim. Và có biết bao đôi mắt ngây thơ phải ngậm ngùi cài hoa trắng.
Ba mẹ mãi là vật báu vô giá của đời con. Không phải chỉ vào tháng Bảy âm lịch con mới cảm ra điều ấy, ngày từng ngày trôi con vẫn nhắc mình hoa hồng đỏ vẫn còn trên áo của ta. Hỡi những ai còn được cài lên áo hoa hồng đỏ mùa Vu Lan hãy trân trọng và giữ từng ngày còn có cha có mẹ. Chữ hiếu không nhất thiết phải có tiền muôn bạc vạn, chữ hiếu nhiều khi chỉ cần lời hỏi han, sự quan tâm chăm sóc rất nhỏ hằng ngày. Còn những ai đang ngậm ngùi cài hoa trắng hãy đừng quá đau buồn. Có thể mẹ cha chẳng có gì để lại cho ta nhưng di sản lớn lao mà người để lại là tình thương yêu cao cả, là sự bao dung, là đức hy sinh…Chỉ cần ta vẫn nhớ tình thương yêu của cha mẹ dành cho ta là mỗi khi mùa Vu Lan đến đóa hồng vẫn được cài ngay ngắn lên tim.      

Lòng Mẹ

Ca Dao Tình Mẹ

Thương hoài mạ tôi.....

Mạ tôi tóc bạc da mồi,
Mạ tôi vất vã một đời vì con......
Thương cho thân mạ héo hon,
Tre tàn măng mọc cho con trưởng thành....!!
Con càng khôn lớn thật nhanh,
Mạ cầm như tuổi xuân xanh không còn !?
Bây chừ con mạ vuông tròn....
Bây chừ thân mạ héo mòn như ri ?!
Mạ ơi, thương mạ quá đi,
Bao ân tình mạ khắc ghi trong lòng....
Tình mạ là cả dòng sông,
Trong lành dịu ngọt mênh mông vô bờ !!
Với mạ con mãi còn thơ,
Nhớ mạ con vẫn mơ hoài canh thơm....... !!
NM

3 Tuyệt chiêu này giúp CANH CHUA CÁ thơm ngon đặc biệt không tanh, Canh  chua Miền Nam by Vanh Khuyen - YouTube
Tô Canh Thơm Của Mạ
ThaiNC
Chỉ mới đôi năm trước đây thôi, mạ tôi vẫn còn khỏe và năng động lắm. Tuy đã lớn tuổi, nhưng bà vẫn tự nấu lấy thức ăn cho mình. Anh em tôi e ngại sợ mạ tay yếu đổ nước phỏng tay, hay sợ bà quên tắt bếp, lửa củi nguy hiểm…nhưng mà nói mấy cũng vô ích. Mạ viện lý do thức ăn tụi tôi nấu không hợp khẩu vị, và nhất là bà cần làm việc để qua thì giờ và cũng để vận động chân tay luôn thể. Thấy bà nói có lý nên tụi tôi cũng đành chiều ý. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó. Vậy đó mà mạ tôi đã nấu ăn một cách ngon lành. Chẳng những bà nấu cho bà, mà cả lũ con cháu nội ngoại còn được hưởng lây nữa.
Hình như ít có lần nào sau khi đã gởi cháu cho Bà trông, đến đón về mà tôi không được mạ bới cho một chút đồ ăn mang theo. Và món mà bà thường làm cho tôi nhiều nhứt là món canh thơm. Bà biết đây là món mà tôi rất thích.
Kể cũng lạ. Những lần mang tô canh thơm về là tôi hầu như một mình làm trọn. Hai đứa con không ăn đã đành, mà cả Hương vợ tôi cũng chỉ sơ sơ vài muỗng góp vui vậy thôi, còn lại là tôi quét sạch không chừa một cọng hành. Tôi xì- xà xì- xụp ăn tô canh như ngày mai sẽ tận thế không bằng.
Thấy tôi thích món này như vậy, nên khoảng hai ba tuần mà không thấy tôi mang từ bà nội về là vợ tôi lục đục nấu. Tưởng cũng nói thêm bà xã tôi có biệt tài học nấu ăn. Nàng vô nhà hàng hoặc đi ăn ở đâu mà gặp món đắc ý, chỉ cần khươi đĩa đồ ăn coi sơ sơ là có thể về nhà nấu giống y chang. Cho nên với tô canh thơm đơn giản này là quá dễ dàng. Hôm tôi thấy tô canh thơm dọn lên bàn, ngạc nhiên quá tưởng là mạ tôi nấu nhờ người khác mang qua. Nhưng Hương nói nàng mới nấu theo kiểu của Bà nội. Tôi thích vô cùng, ngồi xuống chén thả giàn. Ăn xong vợ hỏi “ ngon không"” “Ngon chứ”. Vợ hỏi tiếp “ Có ngon như bà nội nấu không” Tôi thành thực trả lời “Ngon, nhưng mà hình như hơi khác với cách Bà nội nấu” Vợ tôi nói mới nấu lần đầu nên chưa chỉnh. Lần sau chắc chắn sẽ giống.
Lần sau nữa, tô canh thơm của vợ tôi nấu thành thật mà nói thì chẳng những giống mà có lẽ còn đậm đà và thơm ngon hơn tô canh của mạ tôi. Tôi ăn cũng ngon lành lắm. Thế nhưng, dù vợ tôi có nấu cách nào đi nữa cũng không thể nào giống như tô canh của mạ. Canh thơm của vợ nấu thì tôi ăn bình thường cùng những món ăn khác. Nhưng khi ăn tô canh của mạ tôi nấu, đặc biệt trọn một bữa cơm tôi chỉ ăn một món này mà thôi như là sợ mấy món kia sẽ làm tô canh của tôi bớt ngon. Tôi vừa ăn mà sợ như nó sẽ…hết. Và khi nó hết, tôi vét đến cọng ngò cuối cùng. Ăn xong mà vẫn thòm thèm thật tức cười. Cả hai đứa tôi cùng nhận thấy điều này. Lạ!
Cho đến một hôm…
Vào dịp lễ Thanks Giving, lớp học con gái tôi tổ chức một buổi pot-luck ăn trưa. Mỗi phụ huynh tham dự mang một món ăn tới góp vốn ăn chung. Tôi mua mang theo món mì xào từ một tiệm mì nổi tiếng và tôi biết rất ngon. Tới giờ ăn, các phụ huynh phải phục vụ cho các em ăn trước. Món mì của tôi được tất cả ủng hộ nhiệt liệt trừ một cậu bé có vẻ là người Tàu hay Phi gì đó. Khi tôi mang đĩa mì tới, nó thờ ơ lạnh nhạt nói “Không ăn”. Hừm, làm bộ dữ. Chắc là nó không đói. Nhưng tôi vẫn cố dụ “Ăn đi cháu, mì ngon lắm” Cậu vẫn một mực: “Không ăn. Mì má cháu làm ngon hơn nhiều” A, thằng này làm phách nhỉ, dám nói là mì má nó làm ngon hơn ở tiệm, mặc dù là chưa thử qua sợi nào.
Ðúng lúc đó mẹ của cậu cũng vừa tới bàn. Bà giở nắp hộp đồ ăn của cậu ra thì quả nhiên là…một hộp mì xào. Tôi tò mò nhấn nhá đứng gần hai mẹ con để coi món mì gì đặc biệt mà cậu con quảng cáo dữ dội quá. Khi tôi nhìn thấy tô mì rồi thì thật là…thất vọng đến não nề. Trời ơi, tưởng là có gì ghê gớm lắm, té ra là những cọng mì trắng nhách, nhạt nhẽo, thêm chút trứng chiên thái mỏng rải ở trên, và chan xì dầu. Chỉ vậy thôi mà cậu làm như là sơn hào hải vị đâu đâu không bằng. Tôi bị chạm tự ái quá đi. Nó dám chê mì mua ở nhà hàng của tôi để ăn cái tô mì trông thiệt là …dở ẹt này. Cho nên tôi vẫn tiếp tục nhấn nhá đứng gần để coi thử.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cậu bé mắt sáng rỡ khi mì của cậu được mẹ xúc ra chén. Kỳ thật. Ðĩa mì tôi mang tới sợi vàng óng ánh hấp dẫn, lại thêm tôm, xá xíu, rau cải đầy đủ, ngon lành thì cậu không thèm ngó tới, trong khi mì của mẹ cậu thì lưa thưa vài miếng trứng với xì dầu mà cậu làm như bắt được vàng. Chưa hết, nhìn cái dáng điệu cậu ăn mới đã. Cậu ngồi sát vào mẹ như một con gà con. Tay trái cậu cầm muỗng, tay phải đôi đũa, cả hai tay phối hợp nhịp nhàng. Trước hết cậu gom mì thành một cụm nhỏ vừa đủ một miếng, dồn thêm vài sợi trứng, xong rồi cả muỗng lẫn đũa khiêng cụm mì lên ngoạm một miếng vô miệng gọn lỏn. Nói thì lâu chứ cậu ta làm lẹ lắm. Cụm mì mới vào miệng đang nhai là đôi tay đã thực hiện lại động tác gom mì lại như cũ của một chu kỳ nhứt định. Cứ thế cậu không để phí một giây nào. Ngay cả một vài cọng mì dính bên mép cậu cũng không thèm chùi. Chỉ thỉnh thoảng cậu phải ngưng lại chút để thở, và để cho mẹ chùi mép dùm, trong khi cậu nhìn mẹ cười…say đắm. Ôi trên đời này sao lại có thằng con nào sung sướng, hạnh phúc đến như vậy cà" Cậu lại tiếp tục ăn, thì thà thì thụp. Thấy nó ăn mì mà tôi cảm thấy đói bụng và thèm quá đi, thiếu điều muốn nói với nó rằng “ Mày cho tao thử một miếng , được không?”
Chẳng mấy chốc mà tô mì gần hết, cậu ăn chậm lại. Nhưng cậu ăn chậm không phải vì no. Cứ nhìn cái miệng nhỏ nhắn nhai ngấu nghiến thì biết. Cậu sợ hết. Như thể cậu muốn ăn hoài ăn hủy miễn là có mẹ ngồi bên cạnh.
Rồi thì tô mì xào của cậu cũng phải hết. Tôi thấy nó nhai miếng cuối cùng thật lâu, và khi đã bỏ đũa xuống rồi cũng còn dùng tay vét mấy cọng hành nhét vào miệng một cách tự nhiên. Bà mẹ ngồi bên cạnh không cản mà chỉ nhìn tôi cười bẽn lẽn để tôi thông cảm cho thằng con háu ăn.
Tôi thẫn thờ nhìn hai mẹ con và chợt hiểu.
Hành động vét mấy cọng hành cuối cùng của cậu bé sau khi đã làm sạch sẽ tô mì làm tôi nhớ những lúc tôi vét mấy cọng ngò cuối cùng của tô canh thơm do mạ tôi nấu. Tôi nhớ lại hồi nãy thằng con ăn mì say sưa và thỉnh thoảng nó nhìn mẹ nó một cách trìu mến như thể nếu được nó cũng ăn luôn mẹ nó vào bụng. Và tôi nhớ lại lúc ăn canh thơm của mạ, tôi có một cảm giác man mác, êm đềm mà không hiểu vì đâu. Tô mì của cậu bé chắc chắn là không bằng mì tôi mua ở tiệm, cũng như canh thơm của mạ tôi chắc cũng không đậm đà, ngon ngọt như vợ nấu. Nhưng mà cả hai đã được nêm vào một gia vị trân quí nhất trên đời: Gia vị MẸ.
Khi ăn canh của mạ nấu, thì ra tôi đã nuốt vào người tất cả tình thương của mạ gởi gắm trong tô canh. Tôi đã vào cái tuổi mà người ta gọi là tri thiên mệnh. Trên đầu tóc muối như tiêu. Nhưng với mạ thì tôi bao giờ cũng chỉ là một thằng con nhỏ dại mà bà khi nào cũng muốn chiều chuộng chăm sóc. Tôi chợt nhận ra rằng mỗi tô canh của mạ không những đã được nêm đầy gia vị MẸ trong đó, mà nó còn chan chứa cả một quãng đời niên thiếu của tôi. Tôi đã ăn canh như một con bò già ngấu nghiến nhai lại quảng tuổi ấu thơ mà nuối tiếc những chuỗi ngày vẫn còn trong vòng tay của mạ.
***
Nhưng mà gần đây mạ tôi đã không nấu nướng gì được nũa. Mạ yếu như một ngọn đèn dầu gần cạn, hiu hắt chờ một cơn gio' lớn.
Bây giờ, ngoại trừ những lúc cần phải đi đứng chút đỉnh làm vệ sinh hay uống thuốc, còn thì mạ chỉ nằm trên giường. Trời nắng ấm mùa Xuân, mạ đắp mền từ cổ tới chân mà vẫn than lạnh. Những chuyện hôm qua thì mạ quên tuốt, nhưng mà chuyện năm sáu chục năm trước thì mạ tôi nhớ rõ mồn một và cứ nhắc tới nhắc lui dăm ba câu chuyện đó. Mạ kể đi kể lại chuyện thời bà còn con gái mười ba mười bốn tuổi đã tự lập mưu sinh với giỏ hàng Xén nhỏ nhoi bày bán ở chợ ÐÔNG BA ngoài Huế. Có ông Cố Ðạo người Pháp dạy học ở đâu đó không biết, mỗi vài tháng lại ra chợ sắm giấy, bút, mực… chỉ ở gánh hàng nhỏ xíu của mạ, chứ không bao giờ mua ở những cửa tiệm lớn hơn. Lý do vì mạ tôi là người duy nhất trong khu chợ biết nói bặp bẹ dăm câu tiếng Pháp với ông. Anh em tôi ngạc nhiên hỏi mạ học tiếng Pháp ở trường nào" Bà nói trường nào mà trường. Nhà nghèo cơm ngày ba bữa đủ ăn là may rồi, con gái thời đó như mạ làm sao được tới trường. Mạ chỉ học lóm tiếng Pháp từ mấy cậu trong nhà mà thôi. Tụi tôi nể mạ quá xá.
Mạ ngày càng lãng hơn. Một lần tôi ngồi bên, mạ lại bắt đầu kể một chuyện đời xửa đời xưa nào đó của bà mà tôi đã nghe ít nhất một chục lần và đã thuộc lòng. Không hiểu sao bữa đó tôi vô tình quá. Mạ mới nói vài câu là tôi ngắt lời bà, nói là mình đã biết rồi, mạ khỏi cần kể nữa. Và để chứng minh, tôi kể tiếp cho mạ khúc tiếp theo để mạ tin là tôi đã biết. Tôi thấy mạ mặt buồn xo, hụt hẫng. Mạ ậm à ậm ừ cố nghĩ một chuyện khác để kể cho tôi nghe thế câu chuyện trên, nhưng luồng tư tưởng quen thuộc của mạ lúc đó bị tôi ngắt bất ngờ nên chưa sắp xếp lại kịp chuyện khác. Mạ chỉ muốn nói để mà nói, và có người ngồi cạnh bên nghe mà thôi. Tôi hối hận quá. Thấy mạ mấp máy môi, ấp a ấp úng hoài nhưng nghĩ chưa ra thiệt là tội nghiệp. May lúc đó tôi nghĩ là phải mớm lời cho mạ nên giả bộ hỏi “ Hồi mạ còn nhỏ, mạ bán gì ở chợ Ðông Ba vậy "” Thế là mạ bắt được đà, bà bèn kể tiếp cho tôi nghe chuyện ông Cố Ðạo người Pháp mỗi vài tháng ra mua hàng của mạ. Lần này thì tôi nghe một cách thiệt tình, thỉnh thoảng còn bàn thêm vài điều bên lề nữa khiến mạ thích vô cùng.
Ban đầu thì tôi nghe để cho mạ vui. Nhưng càng về sau, tôi thấy như mình cũng có những lúc sống hòa vào với thế giới của mạ. Mạ mới nhắc đến giỏ hàng xén tạp hóa là tôi như thấy cả cái chợ ÐÔNG BA trước mặt mình với rừng người tấp nập, có một cô bé mười bốn mười lăm tuổi gói hàng bán cho một ông Cố râu ria xồm xoàm, áo đen thụng thịnh, tóc trắng toát, cố gắng lắng nghe để hiểu mớ tiếng Pháp chắp vá của cô hàng xén nhỏ tuổi. Thỉnh thoảng ông cưòi to thích thú vì cô hàng xén xinh xinh này nói tiếng Tây thiệt là…tức cười và dễ thương. Cô không biết. Cô tưởng là ông Tây cười khen cô nói hay, nên cô cố nói thêm càng nhiều càng tốt. Và vì vậy mà ông Cố Tây lại càng cười thêm…
Mạ tôi cũng kể cho tôi nghe rằng hồi 9, 10 tuổi gì đó tôi đau một trận kinh hồn. Giữa đêm khuya, tôi nóng sốt đến độ máu cam từ mũi chảy ra như suối. Mạ tôi đã dùng hết khăn trong nhà mà vẫn chưa đủ cho tôi lau. Tôi mất nhiều máu quá đến nỗi đã bắt đầu mê man rồi. Lúc đó nhà tôi mới từ Huế dọn vào. Ba tôi vắng nhà đi làm xa. Lạ nước lạ cái, nhà thương bệnh viện ở đâu không biết, hàng xóm neo đơn, mà lại đêm khuya khuắt biết kêu nhờ ai! Mạ tôi chỉ còn ôm tôi vào lòng và cầu nguyện. Lúc đó bà nghe như có tiếng nạng gỗ gõ lên sàn nhà, tiếp theo là tiếng dép kéo lê. Rõ ràng là có một người què đang đi trong nhà. Nhưng mạ đã quá mệt mỏi và cũng đang thiếp đi. Rồi bà thấy rõ ràng, không hiểu là thiệt hay trong giấc mơ, một người lính chống nạng gỗ đi đến và sờ vào trán tôi, xong rồi ông ta lại kéo nạng đi ra khỏi nhà. Sáng hôm sau, như một phép nhiệm mầu nào mà tôi bớt hẳn, gần như đã hết bệnh mặc dù là chưa uống một viên thuốc nào cả.
Tôi vốn là một thằng bé ham chơi thuở ấy nên đã gây cho mạ không ít nhọc nhằn. Hình như không có một môn chơi nào của con nít trong xóm mà thiếu mặt tôi, từ đánh đáo ăn tiền, đến bắn bi, tạt hình, chọi lính…món nào tôi cũng một cây xanh rờn. Mạ tôi lo tôi ham chơi mất sức rồi bỏ học nên cố kềm bằng cách bắt tôi mỗi trưa phải… đi ngủ. Dĩ nhiên là tôi chỉ nằm trình diễn thôi, đợi cho mạ ngủ là tôi rón rén dậy xách đồ nghề dông một mạch vào xóm chơi. Tỉnh dậy không thấy thằng con đâu, mạ tôi lại phải đội nắng đi vào xóm kiếm. Bà biết đích xác chỗ nào tôi thường đàn đúm. Có những lần tôi đang lom khom cúi nhắm mấy hòn bi dưới đất để bắn thì bỗng thấy đôi dép quen thuộc ngay trước mặt. Khỏi cần nhìn lên tôi cũng đủ biết là ai, bèn ba chân bốn cẳng chạy ù về nhà. Tôi phải về trước mạ, lấy cái khăn hay cái áo nào đó chêm sau mông. Mạ có cái roi đánh đau lắm nên tôi phải lo độn trước kẻo không là …thê thảm. Rồi mạ về tới, bắt tôi nằm xuống nã cho mấy roi. Chẳng đau gì cả nhưng tôi cũng giả bộ la “ui- da ui- da” rối rít. Mạ thấy tội bèn cho… thiếu nợ, chỉ dọa lần sau tái phạm sẽ trả gấp đôi. Tôi nào ngán, vì đã có áo giáp hộ thân, và hơn nữa mạ đâu có nhớ" Tôi chỉ thắc mắc một điều là sao mạ không nhận ra sự khác nhau. Khi tôi chưa kịp độn áo sau mông, roi đụng vào thịt thì nó kêu “ bép- bép”; còn khi nào tôi đã kịp độn áo rồi thì nó kêu “ phộp- phộp” rõ ràng như vậy mà mạ không biết nên tôi mặc tình mà lờn mặt.
“Bí mật” này tôi vẫn giữ kín gần 40 năm, cho tới khi mới chỉ gần đây thôi. Trong một dịp họp mặt gia đình anh em, con cháu đầy đủ, tôi bèn “ bật mí” lên để chọc mạ cho vui, ai ngờ mạ phản pháo “ Thằng khỉ. Mi tưởng tau ngu không biết mi chêm cái chi đó trong quần hay răng" Tau cố tình lờ cho mi đó chứ!” Cả nhà tôi cười như nước vỡ bờ, và thằng con tôi là to họng nhất. Nó khoái quá, hả hê khen “ Bà nội thông minh quá. smart quá. Ba là ‘bad boy’đó bà nội ơi!”. Ha ha. Bà nội có hiểu bad boy là gì đâu, mày ơi !
***
Một buổi chiều đi làm về, tôi ghé lại để nghe mạ kể chuyện, nhưng bà đang ngủ. Tôi kéo ghế cạnh giường ngồi nhìn mạ.
Ðã từ lâu tôi biết là bà không khoẻ, nhưng vẫn nghĩ rằng ai cũng bệnh già thế thôi. Bữa nay tôi mới có dịp ngắm lại mạ lúc bà đang ngủ. Hơi thở của bà sao mệt nhọc quá, khò khè và đứt quãng. Mạ ngủ mà phải há miệng ra để thở và tôi thấy răng của mạ chỉ còn vài cái loe hoe, lủng lẳng! Nhưng điều làm tim tôi nhói lên khi mạ chìa cánh tay ra khỏi mền. Ôi cánh tay của mạ tôi đâu còn là tay nữa mà chỉ là một thanh củi khô, da bọc lấy xương. Lớp da đồi mồi ở ngay bả tay không còn miếng thịt nào để bao bọc nên nó nhẽo nhẹt và lòng thòng một cách thảm thương. Tôi nghe mạ than là khó thở, nhưng không ngờ mạ phải thở một cách khó nhọc như vậy. Tôi biết là mạ ốm, nhưng không ngờ mạ ốm đến giơ xương. Tôi không nỡ nhìn mạ lâu hơn, phải bước vội ra ngoài tới bàn thờ Phật để ổn định lại tâm hồn.
Trước bàn thờ Phật. Tượng Phật Bà Quan Âm với bình nước Cam Lồ hiền từ nhìn. Bỗng nhiên tôi cảm thấy như có một sự thiêng liêng nào đó phảng phất trong không gian. Một cảm giác lâng lâng khó tả. Tôi thắp một nén nhang và khấn thầm “Thưa Phật. Trước hết con biết tuy là Phật tử, nhưng con không phải là một Phật tử thuần thành được thấm nhuần Phật pháp. Vì vậy mà giáo lý của đức Phật nhiều khi con hiểu chưa thực chính xác, nên nếu con nói có gì không đúng thì đành vậy. Con vẫn thường nghe nói về luật nhân quả của đạo Phật. Nhân nào thì quả nấy. Làm hiền gặp lành và làm ác gặp ác. Bao nhiêu năm qua con nghĩ là mình đã làm nhiều việc thiện. Và con chưa bao giờ mong việc mình làm sẽ mang lại một nhân quả tốt nào cho chính con cả. Nhưng bây giờ nếu đức Phật vì những nhân lành mà con đã gieo, và sẽ cho con những quả tốt như một sự đền bù thì con xin nhận. Không phải cho con, mà cho mạ con. Thưa Phật. Con biết rằng con người sinh ra thì ai cũng đều mang một số mệnh. Ai rồi cũng sẽ đi qua đọan đường sinh, lão, bệnh, tử. Vì vậy mà con không dám cầu cho mạ con sống lâu trăm tuổi. Bởi vì cầu cũng không được. Con chỉ xin cho mạ con được sức khoẻ và sự an nhiên trong quãng đời còn lại là con mãn nguyện lắm rồi. Một mai khi nợ trần đã dứt, xin Phật đón mạ con về trong sự bình yên. Chỉ vậy thôi.”
Có tiếng mạ kêu trong phòng. Tôi đi vội vào kẻo mạ trông và lòng thầm nghĩ không biết bữa nay mạ sẽ kể cho nghe chuyện gì nhỉ" Chuyện ông Cố đạo, hay là chuyện ông lính chống nạng giữa đêm, hay là chuyện… chuyện gì cũng được. Bây giờ thì mạ còn nói, tôi còn được nghe là cũng may mắn, hạnh phúc rồi. Tôi biết là mạ không còn như xưa để thỉnh thoảng nấu canh thơm cho tôi nữa, nhưng cái gia vị MẸ tuyệt vời đó nào phải vì vậy mà mất đi đâu. Nó vẫn đậm đà và nồng ấm qua từng giọng nói, từng cái nhìn của mạ đó mà. Như hôm kia tôi đến ngồi cạnh bên. Mạ nhìn lên đầu tôi thật lâu, rồi nói giọng lo lắng “Con bịnh chi mà tóc bạc nhiều ri ?”
À ơi…
Mẹ già thì như chuối chín cây.
Gió lay mẹ rụng con thành mồ côi....
Gió lay mẹ rụng, tôi gọi là Gió Mồ Côi
Ðể rồi một hôm…
…Một hôm ngọn gió mồ côi
Thổi cho mạ rụng để tôi một mình
Mạ về nước Phật thanh bình
Trần ai để lại chút tình mạ con
Canh thơm ai nấu mà ngon
Bây giờ canh hết con còn chén không.

ThaiNC