Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

NTV - Trở về tháng mười hai

 
Giọt mưa xôn xao
Hạt mưa nào xôn xao trong nỗi nhớ,
Dẫn ta về ngõ nhỏ của năm xưa !!
Nước mắt rơi nhưng biết đến bao gi...
Được gặp lại bóng hình xa xưa cũ ?!
NM

Trở về tháng mười hai
Nếu em có thể quay trở về ngày xưa, em sẽ thay đổi quyết đinh của em. Nhưng em không thể....

Thật vui vì cuối cùng em cũng được gặp anh...

Máy bay đáp hồi đầu giờ chiều. Em trở lại quê mang theo chút tuyết và sương mù của phương Tây giá lạnh. Chẳng kịp về nhà, em gửi hành lý cho cha mẹ và chạy ngay đến chỗ anh.

Em đã định đi taxi nhưng vì con đường từ phi trường đến nơi anh đang ở nhiều kỷ niệm 

quá nên cuối cùng em quyết định mình sẽ đi bộ. Tiếc là em quyết định hơi trễ nên không kịp thay giày, vả lại đôi boots cao gót vốn không hề hợp với vỉa hè quê mình chút nào phải không anh? Em lại bật cười vì sự ngốc nghếch của mình. Nếu bây giờ anh ở đây, anh sẽ mắng em vài câu vu vơ gì đó rồi sẽ bảo em leo lên lưng để anh cõng cho.

Lần cuối cùng ta gặp nhau

Anh đã tặng em những đóa hồng, còn em để mặc chúng đến chết...

Phải rồi, có phần nào đó vừa thiếu đi trong ký ức của em. Em chợt nhận ra rằng anh vốn đã không còn là của em. Em đã từ chối anh ngay đêm trước khi em đi du học.

Giờ em bỗng trách mình đã sai lầm đến thế nào! Em đã không nghĩ rằng mình lại yêu anh lâu đến thế. Năm năm. Em mím môi, cố không để nước mắt rơi cho đến khi gặp được anh.

Em luôn mong được quay trở về tháng Mười Hai năm ấy nhưng không thể

Giờ thì chính em đang ném bỏ mọi tự ái để đứng trước anh nói rằng em rất hối hận về 

đêm hôm đó...

Không biết em có đang quá vội vã không? Làm sao anh có thể chấp nhận một người con gái đã quá lạnh lùng với mình như thế?

Em tạt ngang một tiệm giày nhỏ dọc đường, chọn một đôi giày thấp trước khi đến tiệm hoa gần công viên và mua một bó hồng lớn. Thật đáng thương cho em, cũng đến lúc phải làm cái việc mà anh vẫn thường làm cho em: tặng hoa.

Cái tiệm ấy vẫn cũ kĩ như hồi em mới đi. Mọi thứ y nguyên như thế, chỉ có bà chủ quán là không còn ở đây nữa. Em hơi buồn khi nhìn thấy cô gái mới đến im lặng bọc hoa cho em, không thèm hỏi han gì đến vị khách vừa về lại quê nhà sau bao nhiêu năm xa cách. Nếu là bà chủ hồi xưa, chắc bà ấy sẽ chọc ghẹo em không ngớt anh à, vì em đã không biết quý trọng những gì em đã có...

Không hiểu sau tất cả những cảnh vật em đi qua đều bạc màu và yên ắng. Em đang ngỡ mình vừa bước dọc theo thước phim ngày xưa của chúng ta với nụ cười thoáng ẩn hiệu đâu đó quanh những tán cây.

Mùa này cây cối bắt đầu rụng lá. Dù muốn gặp anh lắm nhưng em lại thích đi thật chậm để nghe tiếng lá rơi xào xạc, tiếng chổi chổi quét loạt xoạt mỗi buồi trưa ở công viên. Lũ trẻ chẳng còn chạy chơi trong khí hậu lạnh lẽo nữa. Em nhìn thấy chúng quây quần trong một quán ăn đối diện, đứa nào cũng mặc áo ấm mặc dù trời đã quá trưa.

Ngày xưa mình cũng thường lười biếng hệt chúng, hay trốn trong một tiệm sách nào đó mỗi khi có tiết phụ đạo chán ngắt. Anh và em ngồi lì ở dãy truyện tranh, đọc chăm chú hàng giờ đến nỗi ông chủ tiệm phải cầm chổi lông gà đuổi đi. Thế nhưng đuổi hôm nay thì hôm sau anh và em lại đến, mãi rồi ông ta cũng chịu thua, để hai đứa mình ngồi đọc thoải mái.

Mới đây mà nhanh quá anh nhỉ, em cứ ngỡ mới ngày hôm qua...

Lát nữa gặp anh em sẽ phải nói gì đây nhỉ? Em tự dưng bối rối khi nghĩ đến. Không lẽ cứ tỏ ra tự nhiên mà kể về chuyện đi du học hay gia đình hay bạn bè gì đó sao? Càng nghĩ em càng đi chậm hơn, hai tay nắm chặt vào nhau đến nỗi bó hoa suýt gãy hết cả cành. Lòng kiêu hãnh của em đâu hết rồi? Ngày xưa chẳng phải em đã tự cao đến nỗi không thèm chấp nhận tình yêu của anh hay sao?

Giờ thì ai là kẻ phải hối tiếc?

Gần đến chỗ anh ở rồi mà em vẫn chưa nghĩ ra câu nào để chào anh. Không lẽ chỉ nói rằng “Lâu quá không gặp, anh có khỏe không?” sao? Thật quá tẻ nhạt, em nên nói gì đó lãng mạn hơn nhưng em không thể nghĩ ra.

Em dừng lại ở cổng nhà anh. Hôm nay là cuối tuần nên có vài người đến thăm anh, em phải nấp sau một cái cột để không ai có thể nhìn thấy. Từ sau khi em lạnh lùng với anh, người nhà anh có vẻ không ưa em lắm! Chắc em phải cần thêm một thời gian làm lành với họ đã. Tim em đập liên hồi, mồ hôi đã lấm tấm trên trán. Bao nhiêu lời chào hoa mỹ hiện lên trong đầu em nhưng rồi lại biến mất. 

Họ ở đó một lúc rồi cũng đi. Chiếc xe hơi đậu ngoài mép đường lăn bánh chầm chậm. Em cứ đứng đó nhìn theo đến khuất tầm mắt.

Đáng ra em nên bước thật nhanh, có thể là chạy hoặc lao tới chỗ anh nhưng cuối cùng, em chỉ đi thật chậm.

- Em về rồi đây!

Em đặt bó hồng xuống trước bia mộ anh, nước mắt rơi xuống nền cỏ lạnh ngắt. 

- Anh vẫn còn yêu em chứ?

Một tháng không liên lạc với ai ở quê nhà sau khi đến Anh, em gần như choáng váng 

trước tin anh đã mất vì bệnh tật và nỗi buồn quá lớn. Năm năm du học tưởng như khiến em quên anh đi nhưng nỗi đau và sự nuối tiếc cứ lớn dần. Em đã rời bỏ anh vào mùa hạ rồi lại nhận ra mình vẫn yêu anh vào mùa thu. Kể từ ngày nghe tin anh mất, em chưa từng ngủ yên một đêm nào. Những ngày mùa hạ tươi đẹp cứ ùa về trong ký ức dằn vặt em không ngừng và nụ cười của anh - rực rỡ như ánh nắng - sưởi ấm trái tim em giữa lúc nó bắt đầu nguội lạnh. 

Em lấy trong túi xách ra thêm bó hoa hồng nữa, một bó hoa đã khô quắt lại, nhẹ nhàng đặt cạnh bó kia. Trên tấm giấy gói đầy những hình trái tim của bó hoa khô, em đã dán một tấm giấy nhỏ cùng lời nhắn cho anh.

“Em yêu anh... ”

Tiếc rằng lúc em định gửi nó đi thì đám tang của anh đã tổ chức xong. Vậy là em đành phải cất nó vào một góc của kỷ niệm cùng với tình yêu quá muộn màng.

Em ngồi cùng anh một lúc, kể cho anh nghe em đã sống và nhớ anh thế nào suốt năm năm qua. Không biết em đã bật khóc biết bao nhiêu lần khi nhìn vào tấm bia với bức hình anh đang mỉm cười với em.

Nếu em có thể quay trở về ngày xưa, em sẽ thay đổi quyết định của em

Nhưng em không thể...!!

 Cơn mưa bất chợt
Ta bước chông chênh giữa nỗi buồn,
Trời đang trong sáng chợt mưa tuông,
Đám mây xa tới mang theo gió...
Bỗng gợi cho ta chút nỗi sầu ?!
NM

Mưa tháng mười hai
Những hàng quán phố xá mọc lên bên kia đường đã che lấp mất cánh đồng nằm chèo queo trong khu quy hoạch treo, làm tôi gần như quên tiêu chục công ruộng của ba má. Cuối năm, người mướn đất qua nhà để gửi món tiền nhỏ, tôi kêu thầm mèn ơi nhà mình cũng là điền chủ.
Người mướn đất ở cùng xóm, bạn hàng xáo cũ của má. Mời thím vào nhà ngồi mà thím đòi nấn ná ngoài hàng ba, để tiện coi chừng mấy cục mây đen lởn vởn. Ông trời thiệt kỳ cục, tháng này mà vẫn còn mưa, rầu hết sức, thím chép miệng than. Thím lo cái rẫy dưa của mình sẽ thất bát nếu trời vẫn mưa lắt dắt, dai dẳng kiểu này. Dưa chín mà chưa kịp cắt dây, gặp mưa nứt trái hết.
Cái cách ngó trời dè chừng của thím làm dậy nhớ trong tôi, một thứ ảo ảnh trong vắt, như thể chúng tôi đang ngồi trong một buổi trưa của nhiều năm trước. Thuở tôi còn là con nít và thím chưa già, bọn tôi vẫn hay lảng vảng ngoài sân ngó trời nháo nhác bởi những đệm lúa đang phơi sắp lên mầm, nhưng vừa mới nắng ráo tí tẹo đã thấy phía chân trời mây mưa lấp ló. Bọn tôi như mấy con nai nhỏ và cọp beo thì rình rập quanh đây. Những trận mưa cuối năm thường làm cỏ tươi mà lòng nhà nông héo: hoa tết trổ sớm, mai trở chứng ra bông lênh láng, đìa tát giữa chừng thì bị chìm, dưa hấu nổ tét lét…
Hồi ấy tôi cũng như những đứa trẻ quê mùa khác, được dạy nhìn trời, nhưng không phải để chiêm ngưỡng suông. Nhìn trời để canh chừng đống củi đang phơi, sào quần áo, hay chiếc chiếu vắt trên rào. Nhìn trời để kịp đậy mấy tàu lá che giàn cải non, cho mưa khỏi làm giập lá. Nhìn trời dể cụ bị máy móc tát nước cứu khát cho đám mạ non. Nhìn trời để biết lúa chín vào quảng nào mà kêu công gặt. Con nhà nông mà không biết nhìn mây, đoán hướng gió… thì đói, ngoại tôi vẫn thường nói vậy, khi khum khum tay che mắt ngó xa xôi, giọng như là đang nói chuyện sống còn.
Nên có đêm đầy sao ba má tôi khoan khoái ngủ ngon, cũng có đêm đầy sao in hệt, người này buộc thở dài nối vào thở dài của người kia. Trăng tròn thì nhìn coi quầng hay tán. Màu trời xanh hay tái, trong hay đục. Luộc con gà thì săm soi cái chân gà, mưa nắng cũng được đoán định bằng cách ấy, đừng có giỡn.
Cạo phèn trên móng chân cũng lâu rồi, tôi vẫn không biết hưởng thụ vẻ đẹp của những cơn mưa, màu của nắng và hương của gió. Có lần đi chơi, bạn chỉ đám mây vẩy cá trên đầu, kêu đẹp chưa kìa, tôi ngó theo cũng ờ ờ đẹp thiệt, nhưng nhìn xuống đồi cát có đàn cừu ốm đói đang thở khói, nghĩ kiểu này còn lâu mới mưa, những ngày sắp tới vẫn là những ngày nắng cháy, không biết tụi cừu kia có chịu nổi không. Lúc hình dung những xác cừu chết khô, tôi bỗng thấy mình và bạn đúng là đến từ hai thế giới khác. Bạn yêu những đám mây đến mức đem mây rải đầy trong truyện, trổ một cửa sổ chỉ để lúc đang viết ngẩng lên sẽ thấy được mây bay. Tôi thì đánh mất khả năng tận hưởng thuần khiết ấy rồi, nghĩ cũng hơi thương.
Nhưng người đàn bà ngồi mân mê vành nón lá rách kia, đã sắp dùng hết quỹ đời của mình, mà đã được ung dung thưởng thức nhan sắc bầu trời đâu, nhất là trong những cái tháng mười hai kỳ cục kiểu vầy.
Trời đùng đục, mụ mị. Gió chướng thổi mà không hong khô được những đám mây trĩu nước. Mùa màng càng ngày càng vô chừng, như chẳng còn ranh giới nào giữa mùa này với mùa kia, chúng cứ chông chênh. Hồi sáng có mấy chị gánh ve chai ghé uống cà phê, tranh thủ mượn cái sân phơi giấy vụn đã bị ướt lúc mắc mưa trên cầu, không thể chạy trốn đâu cho kịp. Họ bị gió chướng đánh lừa, hồi nào giờ nó luôn là dấu hiệu của một mùa khô hanh. Và một đám rước dâu bằng xe mui trần chạy ngang qua nhà cũng bị lãnh đủ. Tôi đã xếp áo mưa cất vào hộc tủ từ tháng trước, để sáng nay từ chợ về ướt như chuột lột. Nhưng từ khi bỏ đồng ruộng sau lưng, mưa chỉ làm tôi ướt, chứ không buồn.
Người ở lại thì buồn. Thím đang nhấp nhổm ngồi đây buồn. Vui buồn đời thím đã phải đặt cược vào ông trời, mà ông trời thì cao, thất thường. Thím kể năm ngoái sạ vụ hai, ruộng bị nắng cháy quéo hết. Nay day qua trồng dưa hấu, lại bị mưa. Cái kinh nghiệm nhìn trời tích lũy đời này sang đời khác để đoán định mùa màng giờ hụt hơi với sự đỏng đảnh của thời tiết. Chuyện giữa chừng thì thím cắp nón đi nói chắc là mưa, thôi về để coi đám dưa. Tôi nói không đâu thím, ở chơi thêm chút nữa, trời trong veo mà.
Nhưng cơn mưa rào hôm ấy nhanh đến nỗi đuổi kịp thím khi vừa ra khỏi thềm nhà má. Tôi nhận ra cả khả năng nhìn trời đoán nắng mưa của mình cũng bị mai một rồi. Bầu trời giờ có mà như không có.
Nguyễn Ngọc Tư
 
Lăn tròn... ta cứ lăn tròn mãi,
Như cđi tìm dấu tích xưa...
Viên bi đỏ thắm như màu máu,
Như sắc tim hồng buổi trẻ thơ !!
NM

Hòn bi ve màu đỏ

Chiều hôm nay lại lập Thu rồi. Tôi tìm về xóm ấy. Thay đổi nhiều quá. Sao vẫn thấy hòn bi ve màu đỏ năm nào lăn theo triền dốc. Hớt hải đuổi theo. Ô kìa. Hòn bi ấy đã hóa mặt trời. Bạn ơi. Tôi mắc nợ bạn nhiều lắm, hãy tha thứ cho tôi... Hình như mùa Thu khẽ cười. Rồi hòn bi ve mặt trời đỏ thắm lăn về nơi xa lắm…
Phố dài và buồn như một tiếng đàn bầu. Hai cây đa đứng nghe đàn có lẽ đã trăm năm. Mưa gẩy đàn bằng triệu ngón tay trắng muốt.

Phố buồn sinh chợ buồn. Người cũng như lá bàng. Chợt đến chợt đi. Chẳng cần gió. Cứ đậu vào chợ một lát là bay tan tác.

Nhà tôi ở gần chợ. Tôi mê khói chiều. Toàn lá bàng khô và bã mía. Khói ngọt và hăng hăng. Như những tiếng gọi của nghèo đói mà thanh sạch. Bay lên lặng lẽ cùng sương chiều...

Cạnh nhà tôi là nhà bác Mại. Bác được mọi người khẳng định là người đàn bà chửi ác và du dương nhất vùng. Đã 52 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ một số câu chửi của bác:

- "Tao cầu cho nhà mày ra đồng bị rắn cắn. Ở nhà bị sét đánh. Vợ mày có thai đẻ ra cái xà beng. Tao cầu cho lửa không bao giờ cháy trong bếp nhà mày. Con mày không biết nói chỉ cúi đầu ăn cùng chó...".

Sao những gì in dấu vào tuổi thơ lại lâu phai mờ thế? Cái Hoa 8 tuổi rất xinh, học giỏi, con bác Mại học cùng lớp tôi. Sao người phụ nữ khô chân gân mặt cao lêu đêu, uống rượu và hút thuốc Lào ùng ục lại sinh ra một cô bé đáng yêu đến thế?

Tôi thầm yêu bạn ấy bằng tình yêu của chàng trai 8 tuổi. Tức là có quả ổi chín hay quả khế ngọt, tôi đều dành phần em. Ngồi ngắm em ăn ngon lành, trong tôi cháy bỏng một suy nghĩ: Sao lại đưa cả cho nó chứ? Lẽ ra phải cắn một nửa rồi hãy đưa cho đỡ tiếc. Mà sao ăn tham thế. Không cho người ta cắn một miếng...

Hình như bác Mại ghét cái Hoa. Hay đánh nó. Bác chỉ yêu thằng Sơn em của Hoa. Cái thằng bị hen khủng khiếp. Cứ lên cơn là thở rít, lăn quay lơ, co giật như động kinh. Bác Mại vừa vớt bèo tấm về làm thuốc chữa hen, vừa lẩm bẩm chửi lão chồng làm nghề địa chất, đi chết giẫm ở đâu không thèm về. Tôi nghe bác Năm quét chợ bảo cái Hoa không phải con ông chồng này, bác Mại đi tăng gia được. Tôi cũng chỉ nghe đến tăng gia khoai, sắn. Sao lại tăng gia người được nhỉ?

Hôm đó đến lớp, cái Hoa khóc suốt, mặt sưng húp, hằn rõ năm vết ngón tay. Cô giáo Hiền hỏi nó rồi khóc. Cái Hoa ôm cô Hiền nức nở: - Cô ơi. Đau lắm ...

Một ngọn lửa căm thù cháy rừng rực trong tôi. Không để cho Hoa bị hành hạ như thế. Tôi sẽ bảo vệ em như một anh hùng trong truyện cổ tích. Đêm hôm đó, tôi lấy phân người gói cùng gạch đá, ném vào mái nhà bác Mại. Sáng hôm sau cả xóm phải nghe một bài ca không quên hãi hùng. Tất nhiên, bài ca đẫm mùi vị do tôi tạo ra.

Gặp cái Hoa trên đường đi học, nó bảo: - Cậu đừng làm thế nữa. Chỉ khổ tớ bị đánh oan thôi. Mà thối lắm ý. Rửa mãi không hết...

Bất ngờ nghe tin bác Mại đưa cái Hoa vào trại tâm thần. Tôi bỏ ăn một bữa trưa. Chiều đói không chịu được. Lại ăn. Có bị đánh chết tôi cũng không tin Hoa bị tâm thần. Nó học giỏi thế cơ mà. Lại xinh nữa. Bị tâm thần thì làm sao mà xinh thế được cơ chứ?

Rồi mùa Thu năm đó, tôi đang cắt cỏ cho cá ở sau nhà, bỗng cái Hoa từ trong bụi cây nhào ra, cầm chặt tay tôi òa khóc:

- Cậu cứu tớ với. Ở trong ấy tớ sẽ chết mất. Tớ vừa trốn về. Mẹ đang lùng bắt tớ. Tớ không bị điên...

Cái Hoa gầy lắm. Áo bị rách. Ở cổ tay có vết hằn đỏ như vết dây trói. Mồm vẫn đang chảy máu...

Tôi nhìn lên trời, nhìn xung quanh, chỉ có đám rau vừng ngơ ngác, mấy cây chuối gầy teo, và gió ở đâu ùa về làm tôi rùng mình, dù đang toát mồ hôi. Run lẩy bẩy, tôi đưa cho nó củ khoai sống vừa mót được, cùng ba hòn bi ve màu xanh, đỏ, vàng, tài sản mà tôi quý nhất. Cái Hoa ngơ ngác cầm, vẫn khóc và van nài:

- Cậu cứu tớ đi. Tớ sẽ chết mất...

Bỗng một cái đạp làm tôi ngã ngửa. Cái tát tiếp theo làm miệng cái Hoa ộc máu đỏ tươi. Bác Mại lôi nó đi. Cái Hoa gào khóc van xin. Củ khoai văng xuống đất. Hai hòn bi ve vỡ nát dưới gót giày người đàn ông là bác sĩ đến đưa Hoa về trại. Nước mắt làm tôi nhìn tất cả nhòe mờ đi. Chỉ còn thấy hòn bi đỏ như máu lăn theo mãi, cố đuổi theo đôi dép sờn rách của Hoa mà không được. Hoa quay lại nhìn tôi lần cuối cùng. Sao đôi mắt nó như hai viên bi ve màu đỏ?

Bác Mại đạp tôi vào bụng. Vậy mà từ đó đến nay tôi đau ở ngực. Nhiều đêm mơ thấy cái Hoa về đứng ở đầu giường, nôn ra bao nhiêu bi ve màu đỏ đầm đìa máu.

Mấy tháng sau có tin Hoa ốm chết trong trại tâm thần. Tin ấy làm xóm tôi xôn xao nửa ngày. Đang thời chiến. Máy bay giặc thường xuyên bắn phá. Bao nhiêu người chết. Gần cái chết mãi cũng quen. Một đứa bé điên bị ốm chết thì có là gì...?

Nhưng tôi không tin chuyện ấy. Tôi hay ra bờ sông ngồi hàng buổi. Giơ bàn tay lên soi xuống nước. Bàn tay tôi bé quá. Sông thì rộng và lạnh lắm. Bóng tôi dưới nước có lạnh không? Bao câu hỏi như lục bình trôi...

Từ lập Thu năm ấy đến nay đã 52 năm rồi. Chưa bao giờ tôi quên. Tôi đọc sách. Lớn chút nữa thì cầm bút viết Văn. Dưới trang giấy thường có ánh mắt và tiếng khẩn cầu màu đỏ máu của Hoa năm nào. Hòn bi màu đỏ thành một con mắt nhìn tôi đau đớn.

Nhiều đêm mơ thấy Hoa về. Có đôi cánh trắng như thiên thần. Vui lắm. Ừ bay đi bạn ơi. Sẽ có một thế giới cổ tích dành cho bạn. Bay đi an lành nhé ...

Chiều hôm nay lại lập Thu rồi. Tôi tìm về xóm ấy. Thay đổi nhiều quá. Sao vẫn thấy hòn bi ve màu đỏ năm nào lăn theo triền dốc. Hớt hải đuổi theo. Ô kìa. Hòn bi ấy đã hóa mặt trời.

Bạn ơi. Tôi mắc nợ bạn nhiều lắm, hãy tha thứ cho tôi... Hình như mùa Thu khẽ cười. Rồi hòn bi ve mặt trời đỏ thắm lăn về nơi xa lắm…

Nguyễn Đức Hạnh  


 

Cá vàng

Biển lặng, mặt trời đã lên cao vài tầm con sào, ánh sáng rực rỡ chiếu xuống mặt biển hồng như dát ngọc. Sóng nhấp nhô loáng bạc. Thuyền của anh vừa thả lưới xong, tiếng máy rì rầm lướt về phía mặt trời.
6OKwvfvT.jpg
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
TTCN - Biển lặng, mặt trời đã lên cao vài tầm con sào, ánh sáng rực rỡ chiếu xuống mặt biển hồng như dát ngọc. Sóng nhấp nhô loáng bạc. Thuyền của anh vừa thả lưới xong, tiếng máy rì rầm lướt về phía mặt trời.

Đội thủy thủ đã ngủ. Họ nằm trong khoang trên mui, áo phanh ra bay phần phật như ngọn lửa. Ánh nắng nhuộm người họ vàng rộm như thỏi vàng mười. Anh thong thả đi về phía lái trải áo bạt, gối đầu lên cuộn dây thừng ẩm nước. Vòm ngực căng phồng, anh thở hít không khí biển cả khó nhọc.

Mắt anh căng lên nhìn trời. Vòm trời cao thẳm, vô số các đám mây trắng mỏng bay và tan loãng vào màu xanh. Nếu như mọi khi, sau một đêm làm việc cật lực, có tiếng sóng ru, gió nhẹ anh đã ngủ say.

Hôm nay anh không ngủ được. Cứ chợp mắt anh lại nghĩ đến mẹ. Khuôn mặt mẹ đau đớn, co rúm chập chờn mờ ảo trước mắt, rồi anh bừng tỉnh, giấc ngủ tan biến. Xung quanh anh chỉ có biển và mặt trời rực rỡ, rực rỡ đến đơn điệu.

Ông thuyền trưởng già, ngồi cầm lái đằng kia, lặng lẽ phì phèo điếu thuốc vấn sâu kèn nhìn anh thở dài. Anh trằn trọc xót xa trong nhịp buồn của biển. Nỗi nhớ và lo sợ về mẹ day dứt trong anh.

* * *

Hồi còn bà ngoại, bà thường kể cho anh về mẹ. Mẹ là cô La giỏi giang, chăm làm và lận đận nhất làng chài. Là chị của bốn em nhỏ, mới tí tuổi La đã phải quán xuyến việc nhà.- La ơi! Ra bến gánh cá về cho cha!- La ơi! Tắm rửa cho các em!- La ơi! Cám lợn còn chưa nấu đấy...

Cô La nín lặng làm xong hết mọi việc. Lũ em thì như quỉ suốt ngày nghịch bùn cát. Con lợn nái cứ chờ La về là hộc lên rên rỉ. Những đêm hè trăng sáng La hay ra bến sông tắm giặt, lúc đó cô mới trở về cái hồn nhiên của người con gái. Đắm mình vào nước giỡn sóng, trong ánh vàng ngời ngợi, La hát thầm câu hát lạy cá thần truyền đời trong làng chài nghèo khổ:

- Cá vàng ơi! Cá vàng ơi!... Giúp ta được sống với người ta yêu.

Lấy chồng cô La càng cực nhọc hơn. Chồng cô là chàng trai biển khỏe mạnh, hiền lành. Anh giấu tình yêu của mình với cô gái kia trong vòm ngực căng phồng và ánh mắt nhìn mê dại. Hai người đến với nhau trong một đêm hè lộng lẫy, bến nước choáng ngợp trong ánh vàng vắng vẻ. Cô La tắm một mình, bị chuột rút khi đang bơi giữa dòng sông. La thả lỏng cơ bắp trôi theo nước cuốn rồi từ từ chìm xuống. Lúc La mở mắt thấy cả người mình được nâng trên đôi tay khỏe mạnh nổi cuộn cơ bắp của chàng trai. La chỉ kịp thì thầm:- Xấu, nhìn trộm đàn bà tắm...

Chàng trai cười. Anh phải lòng La từ lâu. Cái tai nạn bất ngờ của La thành điều may mắn cho anh. Anh nâng tấm thân chắc lẳn đặt nhẹ lên mảng luồn rồi nói: “Tôi sẽ cưới La làm vợ”.

Hạnh phúc của La thật ngắn ngủi. Một cơn bão dữ bất ngờ ập vào vùng biển, chồng La và hai chục dân chài không về nữa. La ôm chặt đứa con trai vừa đầy tuổi gào khóc dọc bến sông. Từ đó cô không ra tắm ở bến sông nữa. Cô trở thành bà La góa bụa sống héo hắt ở túp lều tranh cuối làng.

* * *

Những đám mây trên biển ban trưa bao giờ cũng óng ả hơn đất liền. Anh nhìn một cụm mây tựa hình mẹ ôm con. Khuôn mặt người mẹ đăm chiêu ngó mãi xa vời xuống trần gian. Mẹ ơi! Giờ mẹ đang vật lộn với bệnh tật, còn anh lại lênh đênh trên sóng biển. Anh tự nguyền rủa mình sức dài vai rộng mà chẳng đỡ đần chăm sóc được mẹ. Thân phận anh không vượt qua thân phận của cha, cũng chỉ là người đánh cá thuê cho các ông chủ. Anh nhớ khi chiều đến gặp ông chủ nhiệm hợp tác xã xin phép nghỉ đi biển ở nhà chăm sóc mẹ, ông gắt:

- Nếu nghỉ thì nghỉ hẳn, lên cạn mà làm việc phụ để thuyền cho người khác đi. Ngày kia xã tổng kết, phải có cá, mực ngon đón đại biểu trên về.

Lên cạn là mất việc. Anh lầm lũi đi như kẻ có tội. Kẻng hợp tác vừa báo, mẹ bừng tỉnh, thấy anh ngồi bó gối cuối giường, bà khóc:

- Sao không đi nghề? Ngồi đây mà chết đói cả nhà à? Mẹ chưa việc gì đâu!

Anh gạt nước mắt bước xuống thuyền. Ông thuyền trưởng già nhìn anh thở dài. Trăng hạ tuần trôi về đây đỏ quạch như máu cá ươn.

Gió nổi, biển dậy sóng vỗ ầm ầm. Con thuyền hếch mũi đi về hướng đông. Qua sải nước mười lăm thuyền còn đi nữa, muốn có cá to phải ra khơi xa. Hòn Nẹ đã ở sau lưng như chiếc thúng úp còm cõi trên cánh đồng xám bạc. Xa xa hòn Bò, hòn Thịt cũng đơn côi như vậy. Biển đối với anh cũng lạ lẫm, cuốn hút. Càng đi đến cuối trời, anh lại nhớ đến giấc chiêm bao của mẹ.

* * *

Mẹ anh kể đêm ấy trăng rằm sáng lắm trên bầu trời mùa thu cao vợi.

Dòng sông Sung hư ảo, sương giăng như lụa. Con thuyền nhỏ, mẹ chèo đưa anh xuôi theo dòng sông ra khơi, dập dềnh theo gió trăng huyền bí. Anh ngồi phía đằng mũi, quay mặt nhìn mẹ nhịp nhàng thả chèo cắt nước. Mặt nước óng ánh sắc vàng hắt lên khuôn mặt mẹ. Dưới vầng trăng mỏ quạ, dáng mẹ thon thả như cô tiên ngồi gõ phách trong bức tranh. Váy lĩnh, áo lụa nâu nền nã, mẹ như thoát tục sau bao năm còm cõi. Anh hồi hộp hỏi mẹ giọng lạc hẳn đi:

- Đi đâu mẹ ơi?- Ra với cha con.- Cha con hiện ở đâu?- Phía xa kia!

Phía xa có những đốm sáng lóe lên rực rỡ giữa màu đen đục của mặt biển. Làng xóm nào ở đó? Hòn đảo nào ở đó? Người già thường kể cứ đi theo hướng này sẽ đến cái vô cùng của trời biển. Gặp làng ma, xóm ma. Có người còn cam đoan rằng: có đêm thuyền lạc giữa sương mù, bỗng gặp một làng xóm đông vui tấp nập bóng người, bóng nhà, họ mừng quá hú gọi thì tất cả vụt biến mất. Cồn ma đấy! Nơi dồn tấp những oan hồn chết ở cửa sông, vụng biển trôi ngụ về đây. Mẹ đang chèo thuyền ra đấy sao?

- Ra cồn ma? – anh thì thầm hỏi mẹ.- Khẽ chứ con. Ra xóm tiên con ạ, ra với cha.

Chẳng có làng ma, cồn quỉ, chỉ có xóm tiên. Xóm tiên do mẹ biển hung dữ và dịu hiền lập ra cho những đứa con vất vả cả đời với biển cả về đây nghỉ ngơi. Cha anh đang ở đó, cha là con của mẹ biển.

Con thuyền cứ trôi đi mờ ảo. Mẹ mải miết chèo. Xung quanh lãng đãng trong sương mù có nhiều con thuyền đang chèo ra xóm trên. Đêm như dài ra vô tận. Sức lực của mẹ dồn ra trong đêm nay bằng cả sức lực của quãng đời mẹ sống.

Nhớ những đêm, làng xóm vắng lặng, gió thổi xào xạc. Rặng tre sau nhà, đom đóm lập lòe ngoài mái tranh, mẹ dậy thắp nhang bàn thờ cha rồi thức trắng đêm, ngó ra ngoài trời mong đợi. Tiếng lạo xạo của con chuột chạy trong buồng, tiếng vù vù của cánh gián, nhưng chẳng bao giờ có tiếng chân hối hả của cha từ bến cá trở về. Mẹ mong bước chân đó. Còn anh nằm gọn trong vòng tay mẹ ngủ. Anh chấp nhận cái lẻ loi thiếu hụt tình cha, chỉ biết có mẹ.

Mẹ vắng nhà cả ngày, anh lủi thủi chơi một mình ở mảnh sân nhỏ đầy rêu và lá rụng. Chơi chán, anh lại ngồi bậu cửa ngóng mẹ. Chiều nhọ mặt mẹ mới tất tả về. Đôi quang gánh nhẹ tênh, trong mủng chỉ có vài ống gạo, bó rau và chiếc bánh đa cho anh. Mẹ bận cơm nước, giặt giũ đến tận khuya. Một chút đêm còn lại, mẹ ngồi mong bước chân cha...

Cho đến đêm nay, mẹ chèo mãi như xuyên qua thế giới này đến thế giới kia. Nơi trăng sao mọc lộng lẫy, nơi quằn quại những con sóng bạc, nơi cái ác hủy diệt, cái thiện khai sinh. Cái phút thuyền gặp xóm tiên là lúc anh mơ màng thiu thiu, nghe đâu đó tiếng người như gió thoảng.

- Đến xóm tiên rồi con ơi!

Một làng chài hiện ra, bồng bềnh trên mặt biển lung linh màu sắc. Những ngôi nhà sạch sẽ líu ríu chân người bước lên sàn. Nhiều loài cá đẹp giương vây bơi lội trong xanh biếc ánh lân tinh. Có một người đàn ông đã ngồi bên mẹ. Mẹ vẫn ngồi yên nhịp nhàng đẩy mái chèo cho thuyền bơi dọc các lối ngõ. Anh run lên khi bàn tay người đàn ông xoa mái đầu anh. Một cảm giác ấm áp ruột thịt lan tỏa trong anh. Anh gọi: Cha ơi!

Anh nhìn khuôn mặt mẹ rạng rỡ. Anh rúc mái tóc đẫm sương vào ngực cha. Vòm ngực rộng nở nang, tỏa nồng mùi biển cả. Cha xòe bàn tay trước mặt anh, trong đó lấp lánh nằm gọn một con cá vàng, mắt trong veo, hai vệt đỏ chạy dọc theo lườn. Con cá vàng thần, con cá mơ ước của những người đi biển. Ai đó được con cá vàng thần này thì bao giờ cũng có may mắn trở thành người thủy thủ tài ba. Đời cha anh không có. Bao năm ròng cha anh đã ở ngoài biển săn tìm con cá vàng thần cho anh. Anh nhìn mẹ, mẹ nhìn anh qua làn nước mắt vui sướng, thỏa mãn.

- Ta có cá vàng thần rồi con ơi!

Anh đón con cá nhỏ từ tay cha, nhẹ nhàng thả xuống biển. Cá vàng giương vây bơi một vòng quanh thuyền rồi lượn ra khơi. Thế là anh có bè bạn trên biển, anh khua tay gọi theo: Hẹn gặp cá vàng thần!

Tiếng anh vang ngân, vỡ òa trên biển. Anh vươn người với theo, bỗng ngã nhào xuống biển. Anh bừng tỉnh, mở mắt. Nắng quái buổi chiều đốt cháy da mặt. Con thuyền lắc mạnh. Mây đùn phía xa, chân trời đang xám xịt. Anh đã gặp lại giấc mơ của mẹ. Bên cạnh anh một con cá loáng bạc theo sóng vọt lên thuyền, không phải cá vàng thần trong mơ.

* * *

Trời sáng đã lâu nhưng căn buồng vẫn âm u. Đôi cánh cửa gỗ mọt khép im lìm suốt ngày. Một vệt sáng mảnh qua khe hở in trắng mờ trên tường. Người ấy nằm bất động trên giường, lờ đờ nhìn vào vệt sáng đó. Người ốm là một bà già teo tóp như đứa bé lên mười.

Bà bị bệnh dữ đã đến thời kỳ cuối cùng. Mấy ngày rồi bà không ăn được gì, chỉ uống nước múc ở giếng lên. Nước mát lạnh làm dịu đi cái nóng bỏng trong vòm ngực. Bà trôi bồng bềnh trong đám sương mù của nỗi lo sợ và chập chờn các cơn mơ về quá khứ.

Từ khi biết cầm đũa và miếng cơm ăn, đằng đẵng sáu mươi năm trời bà có bao giờ được thảnh thơi. Gái góa một con, đòn gánh trên vai đầu đường xó chợ, bà tần tảo kiếm sống. Rồi bà trở thành xã viên một hợp tác xã nông nghiệp. Không biết cày, không biết cấy, bà trần vai gánh phân, gánh đất, làm việc tạp vụ để kiếm chút công điểm. Không đủ ăn, bà lại chui lủi mua gánh rau, mớ cá chạy chợ kiếm thêm.

Những năm đó bà già xọp người đi để lo cho thằng Sơn có miếng cơm, manh áo. Thằng Sơn không được vào học cấp ba, phải đi dân công hỏa tuyến rồi vào bộ đội. Bao nhiêu bom đạn, bao nhiêu mất mát đợi chờ, bà vẫn có thằng Sơn trở về nguyên vẹn. Trời Phật thương bà, cá vàng thần phù trợ cho bà.

Đêm qua khi tỉnh thấy thằng Sơn vẫn ngồi đấy, bà đã đuổi nó đi. Bây giờ công ăn việc làm là khó khăn lắm. Đời thằng Sơn vất vả lận đận hơn cha nó ngày xưa. Đài dự báo có lốc ngoài khơi sao thuyền vẫn ra khơi đánh cá thế này? Chiều hôm qua đứa cháu về khoe rối rít: “Bà ơi! Bên trụ sở hợp tác có nhiều cờ, biểu ngữ đẹp lắm, cả chiếu phim nữa”. Rồi từ chập tối, tiếng dao thớt bát đĩa từ trụ sở vọng sang, lũ chuột đã rít lên cuồng loạn, cánh gián vù vù bay suốt đêm. Gần sáng ông già Lân mù vác nhị ra chợ sớm kiếm ăn hát í ố một mình.

Tính tang con cá vàng thầnKẻ đi xe cúp kẻ lần không ra!...

Trước lúc đi chợ, chị con dâu còn hỏi:- Mẹ ơi! Hôm nay oi lắm, mẹ có ăn gì mát, con mua?

Bà lắc đầu lịm đi, tim co thắt, thở hắt ra khó nhọc. Sương mù lan tỏa trước mặt bà. Bà lại mơ thấy giấc mơ ngày xưa, nhưng lạ thay bà thấy mình biến thành cá vàng thần giương vây đỏ rực bơi theo thuyền của thằng Sơn, xua cả một đàn cá thu vào lưới. Tiếng thằng Sơn và bạn bè nó cười vang cả biển rồi biển cồn sóng dữ, lốc bão ập tới. Thuyền của thằng Sơn hụp lặn chạy theo hướng đi của cá vàng thần vào bờ yên lành. Bà bị hất lên bờ nằm thoi thóp thở.

Ngộ quá! Bà trừng mắt. Bây giờ đã sang chiều, lũ chuột chạy ráo cả sang trụ sở hợp tác xã. Vết nắng ở cánh cửa biên mất. Căn buồng im ắng. Thân xác bà trống rỗng, vòm ngực có cái gì đó đang vỡ ra, vỡ ra...

Tiếng chân người chạy loạn bên trụ sở hợp tác. “Có lốc, có lốc”. Một cơn gió lạnh hất tung cánh cửa căn buồng người ốm. Một chiếc lá vàng bay trong cơn gió mạnh. Đứa cháu gái chạy về hét lên:

- Bà ơi!

* * *

Vừa nhác thấy chân trời phía đông lừng lững một cột mây đen từ biển vút lên, ông thuyền trưởng già la lớn:- Lốc dài, có lốc dài các con ơi!

Thủy thủ vội chặt đứt dây kéo lưới, thuyền quay về hướng đất liền. Cả mặt biển tối sầm lại. Sơn cùng ông thuyền trưởng ghì chặt tay lái, khẩn cầu:

- Lạy trời, lạy biển, lạy cá vàng thần phù hộ chúng con!- Lạy mẹ, cho con về với mẹ!

Một đợt sóng và một đợt sóng nữa. Con thuyền cuốn trong lốc. Một đợt sóng phủ qua thuyền. Có cái gì giãy đành đạch dưới chân anh. Anh ngó xuống: một con cá vàng có hai sọc đỏ chót ở lườn đang nằm thoi thóp thở. Mẹ ơi! Cá vàng thần đấy ư? Ông thuyền trưởng la lớn:

- May rồi! Đánh lái chạy theo hướng đàn cá vàng các con. Ta sẽ thoát khỏi lốc dài!

Sáng ngày hôm sau, trong đám tang của bà La, cả đội thuyền của Sơn lầm lũi đi theo. Khi hạ huyệt, họ nhẹ nhàng thả xuống một chú cá vàng có hai sọc đỏ au. Con cá mà cả đời bà La mong ước...

ANH NGUYÊN