Tuyết
có rơi, ngoài trời có lạnh nhưng tình bạn luôn mang lại ấm áp cho tất
cả chúng ta, Nam Mai thân chúc các anh chị quen biết và các bạn khắp nơi
luôn
An Lành và Hạnh Phúc trong mùa Giáng Sinh 2015 và Năm Mới 2016
Merry Christmas and Happy New Year
Tiếng chuông đêm Giáng Sinh
Bao khổ nạn, bao khó khăn chồng chất,
Chúa đã đem ánh sáng đến đời con....
Bằng đôi tay yếu, nghị lực phong trần,
Con kính cẩn nhẹ nhàng nâng thánh giá...!
Chúa đã nhận, ban cho con tất cả,
Đêm thiêng liêng, đêm ơn thánh vô cùng !
Tiếng chuông thiêng vang vọng khắp không trung...
Như xoa dịu nỗi đau nơi trần thế !!
Chuông ngân vang, vang xa trong bốn bể,
Thêm cho con nghị lực cõi nhân gian...
Con không mong mơ ước chốn thiên đàng,
Chỉ xin Chúa được Bình An dưới thế !!
NM
Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh
Tháng 12 tuyết rơi. Gió lạnh từ phương Bắc
rủ nhau kéo về thổi trắng thành phố. Bầu không khí Noel ngập tràn ngôi
thánh đường nhỏ bé của người Việt Nam trên vùng đất mới. Và tự nhiên cây
thánh giá lớn treo trên cung thánh rớt xuống đất!!!
Bà
Tân, da bắt đầu lấm tấm những vết đồi mồi, dáng người mảnh khảnh, khuôn
mặt thuôn, tóc cắt ngắn ngang vai, hơi xơ xác, lấm chấm điểm bạc. Gần
đây con Hương mua lọ thuốc nhuộm burgundy black. Tóc con Hương nâu ngắn.
Một lọ thuốc mua ở tiệm Walmart dư dùng cho hai người. Con Hương nhuộm
luôn cho mẹ. Ban đầu bà hơi ngần ngại. Nhưng tiếc thuốc nhuộm đổ đi phí
quá, bà cúi xuống cho con Hương nhuộm luôn. Tóc mầu burgundy black không
nhận ra trong bóng râm. Nhưng ra ngoài nắng, tóc đen nhìn hung hung đỏ.
Đi chợ hay mua sắm trong tiệm Mỹ, bà Tân tự nhiên thoải mái; nhưng nếu
phải đi mua gạo, nước mắm, hay thức ăn Á Đông trong khu thương xá Việt
Nam, bà e dè với mái tóc nhuộm. Nhưng soi gương, nhận ra những nét trẻ
trung của mái tóc burgundy black, bà đâm ra thích. Thỉnh thoảng bà đưa
tiền cho con Hương. Hai mẹ con cùng nhuộm.
Bà
Tân chịu chơi, nhưng nghiêm khắc với con nhất là về vấn đề học vấn. Bà
bắt mấy đứa con phải học hành đàng hoàng, có thời khóa biểu hẳn hoi. Ban
tối bà cấm không cho đứa nào được lảng vảng trong phòng khách có màn
ảnh TV khá lớn. 10 giờ đêm bà mới cho tụi nó coi TV. Đứa nào léng phéng
cầm cái remote trước 10 giờ, bà cự cho tắt đài. Từ hồi mới qua Mỹ tới
nay, ba năm rồi bà làm ở nhà hàng. Chạy bàn, nấu ăn, thái rau, lau nhà,
rửa chén, tất cả mọi công việc trong tiệm bà không nề hà. Người quản lý
nhà hàng Tây Đô nói gì, bà làm đó, làm gọn gàng, làm sạch sẽ. Chiều, 4
giờ, về tới nhà, bà nấu cơm cho ông chồng và năm đứa con. Hai đứa lớn đi
làm. Con Hương làm móng tay. Thằng Dương làm chung với ông Tân trong
hãng điện tử. Ba đứa còn lại, xe bus mầu vàng của trường trung học sáng
đón đi, chiều chở về tới đầu ngõ. Chiều, 5 giờ, về tới nhà, con Hương
phụ bà Tân nấu cơm. Thằng Dương ngồi học bài cho lớp tối tại trường đại
học cộng đồng gần nhà. Ba đứa còn lại, hai thằng, đứa lớp Chín, thằng
lớp Bẩy, lái xe đạp đi bỏ báo chiều; đứa con gái lớp Mười Một ngồi học
trong phòng. Bà cấm không cho đứa nào đi chơi trước giờ ăn cơm kể cả con
Hương với thằng Dương. 6 giờ, cả nhà ngồi ăn cơm tối trong căn phòng
nhỏ. Sau bữa cơm, mấy đứa con, đứa rửa chén, đứa dọn dẹp bàn ăn, đứa hút
bụi trong nhà. Làm xong việc, đứa nào muốn làm gì thì làm. 8 giờ tối,
giờ giới nghiêm, cả đám lại phải học. Lâu lâu bà mở cửa phòng bất tử xem
chúng nó học hay đang ôm phone nói chuyện. Bị mấy đứa con phản đối ầm
ỹ, bà Tân nạt liền,
- Tụi bay là con tao. Tao là mẹ. Không có prai-vai-xi cái con khỉ khô gì hết.
10 giờ tối, giới nghiêm mới hết. Mấy đứa chạy ra phòng khách coi TV, phim Mỹ. Bà cấm phim Tàu,
- Mấy thằng mấy con Hồng Kông nhìn mặt đẹp nhưng tụi nó nói tiếng Việt giọng lơ lớ nghe như ngọng.
12
giờ đêm, cả nhà tắt đèn đi ngủ. Hết một ngày. Sáng, bà dậy sớm, pha
cà-phê cho ông Tân và thằng Dương, rồi lái xe tới nhà hàng Tây Đô. Một
ngày mới bắt đầu.
Hai đứa con lớn của bà,
con Hương 30, thằng Dương 27. Mặt, mũi, tóc, và hình dáng của cả hai
không lẫn lộn trong đám đông người Việt. Có tin đồn nói bà mua con lai.
Có người đoán hai đứa con lai chính là con ruột của bà.
Bà
Tân đi lễ Chúa Nhật thường xuyên. Ngày thường, sáng, 7:30, bà đi làm.
Khi lái xe ngang qua ngôi thánh đường, bà làm dấu thánh giá đọc một câu
kinh. Năm đứa con, từ con Hương cho tới thằng Út, đứa nào không chịu đi
lễ, bà chửi cho tắt đèn,
- Tụi bay đừng có
giở quẻ. Qua được tới đây rồi là õng ẹo, đòi quyền tự do. Tao nói cho
mà biết, không có tự do với tự lực gì hết. Không đi lễ, tao tống cổ hết
ra ngoài đường cho tụi bay tự do với đám hôm-lết.
Thời
gian đầu tiên lễ Chúa Nhật bà và ông Tân cùng năm đứa con ngồi chung
một ghế, hàng ghế cuối cùng. Đến khi ba đứa nhỏ vào ca đoàn của giáo xứ,
phải tới nhà thờ sớm tập hát, bà mới thôi không bắt mấy đứa con ngồi
chung. Con Hương tuy thế vẫn ngồi với mẹ và dượng ở hàng ghế cuối cùng.
Thằng Dương ngồi một mình, trong thánh lễ mắt đảo lia lịa về phía mấy
cô.
Bà Tân đóng góp cho nhà thờ khá mạnh
tay. Những lúc nhà thờ quyên tiền hoặc cho giáo xứ hoặc cho nạn nhân bão
lụt miền Trung, bà móc bóp thả vào rổ tờ giấy xanh lớn. Bà nói,
- Không nên tiếc tiền với Chúa, với người nghèo.
Là
một giáo xứ nhỏ, nằm ở tiểu bang đèo heo hút gió không có nhiều người
Việt, ông cha xứ kêu gọi các gia đình sau giờ lễ xuống hội trường ăn
uống, chuyện trò, hát karaoke. Mỗi gia đình góp một món ăn nhỏ. Tất cả
cộng lại thành một bữa tiệc lớn. Tuần nào bà Tân cũng nấu một món cho
bữa ăn chung. Khi thì xôi, lúc bún canh, hoặc bánh cuốn nhân thịt. Trước
giờ ăn, bà đứng sau quầy lấy thức ăn cho từng người. Sau giờ ăn, bà ở
lại dọn dẹp, rửa chén. Lần nào cũng vậy đợi cho tất cả mọi người trong
hội trường bắt đầu cầm đũa, bà Tân mới lấy cho riêng mình một đĩa. Bao
giờ bà cũng là một trong những người cuối cùng lái xe rời bỏ sân đậu xe
rộng thêng thang vắng vẻ của ngôi giáo đường vào một buổi chiều cuối
tuần.
Thấy cha xứ không có bà bếp phải ăn
thức ăn Mỹ, nóng, nổi mụn đầy mặt, bà nấu những món ăn Việt Nam, canh
chua cá bông lau, khổ qua nhồi thịt heo, hoặc thịt heo với cá bông lau
kho tộ. Gói ghém cẩn thận, bà lái xe, tự tay mang vào nhà xứ cho ông
cha.
Hồi mới tới Mỹ trước giờ lễ, ông cha nói với ông bà Tân,
- Sau thánh lễ, tôi sẽ giới thiệu gia đình ông bà với mọi người nhé.
Bà Tân ngần ngại, từ chối liền,
- Thôi... Xin cha... Con xin cha bỏ qua phần giới thiệu.
- Ủa! Sao vậy?
-
Con... Tụi con không quen. Cả gia đình được qua tới bên này là mừng
rồi. Tụi con không quen... Con xin cha miễn cho phần giới thiệu. Nhưng
nếu cha cần gì, cứ nói con một tiếng.
Ông cha liếc nhìn con Hương và thằng Tân. Ông suy nghĩ, rồi đồng ý.
Sau
thánh lễ của ngày hôm đó, cả gia đình kéo nhau ra bãi đậu xe. Trên
đường bà thấy trăm con mắt nhìn ngó vào hai đứa con lớn của bà. Bà cúi
xuống. Bà yên lặng. Khi người hàng xóm ngày xưa bên Việt Nam, từ Cali
dọn sang mở tiệm móng tay, bà ta xác nhận với mọi người về mối liên hệ
ruột thịt của hai đứa con lai với bà Tân. Bản tin rồi cũng tới tai bà.
Bà Tân không phản ứng, không nói gì, nhưng trở nên yên lặng mặc dù vẫn
sinh hoạt trong giáo xứ như xưa. Bà vẫn đi lễ. Bà vẫn đóng góp tiền bạc
rộng tay cho giáo xứ. Bà vẫn đóng góp thức ăn vào bữa ăn chung hằng
tuần. Bà vẫn thường xuyên nấu ăn, tự tay mang vào cho cha Nghi. Nhưng
sau thánh lễ bà không làm gì nữa. Bà yên lặng ngồi ăn với ông chồng dưới
hội trường, rồi yên lặng lái xe về nhà, khi với ông Tân, khi với mấy
đứa con. Tối tối ông Tân nghe tiếng vợ thở dài, tiếng cục cựa lăn qua
lăn lại cả đêm.
oOo
Tin
ông Tân và thằng Dương bị xe đụng chết trên đường đi làm lan chuyền
nhanh chóng trong giáo xứ. Bà Tân nhận được tin dữ trong khi đang đứng
rửa chén trong tiệm ăn. Bà té xỉu! Người cảnh sát gọi xe cứu thương tới,
nhưng bà đã tỉnh dậy. Ông quản lý của tiệm ăn chở bà tới nhà xác. Trên
xe bà yên lặng, bà không khóc.
Hôm đám
tang chôn cất, ba đứa nhỏ khóc như mưa, con Hương lăn lộn trước cỗ áo
quan của thằng Dương. Riêng bà Tân, bà im lìm, mắt ráo khô, môi mím chặt
nhìn hai khối gỗ mầu vàng sậm từ từ biến mất sau lớp cát. Theo lời kêu
gọi của ông cha xứ, nghĩa tử là nghĩa tận, nhiều người giáo dân nghỉ
làm, tham dự tang lễ tiễn chân hai người quá cố tới tận nghĩa trang.
Trong
khi ông cha xứ đang cử hành những nghi thức tại nghĩa địa, trời nắng
mùa thu hanh vàng dịu dàng buông xuống vùng đất thánh. Nhiều người giơ
tay ngáp, cố gắng che miệng trong khi ông cha xứ đang giảng, một bài
giảng dài ngoằng. Người đàn bà hàng xóm ngày xưa của bà Tân quay sang
người bên cạnh,
- Chồng và thằng con lai chết cùng một lúc. Hai cái mặt nát bấy!
- Sao chị biết?
-
Nghe thằng cha quản lý tiệm ăn Tây Đô nói. Mà mụ này cũng lỳ ghê. Suốt
từ hôm đó cho tới bây giờ, con mẹ không buông một giọt nước mắt.
- Nghe nói ông này là chồng thứ ba rồi đó.
-
Chồng thứ nhất chứ chồng thứ ba cái mốc xì. Hai thằng Mỹ trước đâu có
đám cưới đám hỏi gì mà chồng với vợ. Hồi đó con mụ đi làm sở Mỹ, rồi vác
cái bụng bầu. Ông bố cấm cửa không cho quay về nhà. Ông ấy nói nếu để
ông thấy mặt, ông sẽ cạo đầu bôi vôi liền. Sau khi sanh ra con Hương,
con mẹ thuê nhà trên Sài Gòn, mướn người vú em trông con. Mấy năm sau
trước 75 mấy tháng, con mụ lại vác cái ba lô ngược. Lần này sinh ra
thằng Dương. Con Hương với thằng Dương là hai chị em cùng mẹ khác cha.
Ba đứa còn lại là con của ông Tân.
- Bà Tân gặp ông Tân lúc nào vậy?
- Hồi đó thằng cha đi bán xổ số, con mẹ bán cà-phê. Rổ rá cạp lại sinh ra ba đứa con. Rồi được đi Mỹ theo diện con lai.
Người hàng xóm thuở xưa tiếp tục,
- Bà có thấy con mẹ nhuộm tóc không? Tóc đỏ hung hung. Già rồi mà còn ngựa. Làm như mình còn con gái nheo nhẻo.
Bà ta trề môi buông giọng,
- Me Mỹ mà. Làm sao giấu được tung tích của mình. Giấu đầu rồi cũng lại lòi đuôi.
Liếc
nhìn ông cha xứ đang rẩy nước phép lên hai cỗ áo quan, bà che miệng, cố
gắng nói nhỏ lại, giọng gần như thì thào vào tai người đàn bà đứng bên
cạnh,
- Tôi thấy con mẹ thậm thụt đi tới đi lui vào phòng cha Nghi mấy lần rồi.
- Thật không? Đừng nói giỡn chơi!
- Tui thấy tận mắt mà. Con mẹ lái xe tới nhà xứ. Lấm lét đi tới đi lui, rồi gõ cửa phòng cha Nghi.
Nhặt chiếc lá vàng rơi bám trên mái tóc, người hàng xóm nói,
-
Nghe nói, hồi mới tới Mỹ con mẹ đâu dám lên rước lễ. Bây giờ không hiểu
sao dám thè lưỡi ra nhận bánh thánh. Mà ông cha Nghi cũng kỳ khôi. Biết
con mẹ là gái bán bar, nhưng vẫn cho rước lễ. Chúa phạt là phải! Thằng
chồng với thằng con lai chết tại chỗ. Còn ông cha Nghi, kỳ này cũng đau
ốm liên miên.
Tối hôm đó trong căn phòng
một mình một bóng, bà Tân mới chịu để nước mắt buông rơi. Thoạt tiên bà
chỉ sụt sùi, sau cùng vỡ nghẹn trong tiếng nấc. Con Hương nằm với đứa em
gái trong căn phòng bên cạnh. Mệt lả người sau mấy ngày tang của dượng
và thằng em, nó đã thiu thiu ngủ. Những tiếng nấc nho nhỏ từ phòng bên
cạnh đánh thức con Hương dậy. Nó lắng nghe. Nó rón rén đi ra, gõ nhẹ cửa
phòng mẹ nó. Tiếng nấc ngừng hẳn, nhưng bà Tân không trả lời. Con Hương
liều. Nó xoay nhẹ nắm cửa. Cửa không khóa. Trong làn ánh sáng mờ mờ của
ánh đèn ngủ, con Hương thấy mẹ nó đang ngồi trên giường, hai tay ôm
mặt. Nó bước tới, ngồi xuống cạnh mẹ. Bà Tân quay sang, ôm con. Những
giọt nước mắt tuôn rơi thấm ướt bờ vai của đứa con đầu lòng,
- Hương ơi!... Chắc Chúa phạt mẹ!
oOo
Noel
chuẩn bị tới. Tuyết rơi đầy đường. Năm nay cha Nghi tổ chức Lễ Giáng
Sinh lớn. Trong nhà thờ ông quyết định làm cái hang đá lớn kiểu Việt
Nam. Thánh lễ nửa đêm sẽ được cử hành vào 8 giờ tối. Trước lễ, ca đoàn
trình diễn liên tục mười bài thánh ca Giáng Sinh. Sau lễ Noel, mọi người
tụ họp dưới hội trường ăn uống. Trẻ em dưới mười hai tuổi được phát
quà. Chương trình văn nghệ tiếp theo sau do những ca sĩ địa phương và
hai danh ca từ thủ đô Quận Cam bay sang phụ trách.
Từ
đầu tháng 12 ông kêu gọi nhiều người giáo dân, vào những ngày cuối tuần
tới nhà thờ quét dọn, lau cửa, chùi sàn nhà thờ, đánh vẹc-ni bóng loáng
hai hàng ghế, làm hang đá, dựng ngôi sao thật lớn trên ngọn tháp chuông
cao vút.
Chỉ còn mấy ngày nữa lễ Giáng
Sinh sẽ tới. Mọi việc gần như hoàn chỉnh. Nhà thờ, bên trong, nhờ bàn
tay của bao nhiêu người, giờ này sạch sẽ bóng lộn. Hang đá Giáng Sinh
sơn mầu kim tuyến chiếm gọn một góc phía bên trái khu cung thánh. Chung
quanh hang đá, những cây thông xanh ngắt cao hơn 6 feet được trang hoàng
với bao nhiêu bóng điện mầu trắng. Tối tối điện bật lên. Bóng đèn trắng
chớp sáng trên những cây thông tương tự như những ngôi sao bạc lấp lánh
trên nền trời đêm đen. Mùi lá thông thơm nồng bay tỏa khắp ngôi thánh
đường. Trên gác đàn, ca đoàn liên tục tập dượt những bài thánh ca bất hủ
cho chương trình Vọng Giáng Sinh. Dưới hội trường, sân khấu với màn kéo
bằng nhung đỏ cũng đã dựng xong. Trên ngọn tháp chuông cao vút của ngôi
thánh đường, đèn cao thế của ngôi sao bằng nhựa trắng thật lớn tự động
bật sáng khi màn đêm buông xuống.
Tháng
12 tuyết rơi. Gió lạnh từ phương Bắc rủ nhau kéo về thổi trắng thành
phố. Bầu không khí Noel ngập tràn ngôi thánh đường nhỏ bé của người Việt
Nam trên vùng đất mới.
Và tự nhiên cây thánh giá lớn treo trên cung thánh rớt xuống đất!!!
Sáng
ngày 22 tháng 12. Cha xứ bước vào nhà thờ chuẩn bị cho thánh lễ lúc
7:30 sáng. Ông nhận ra ánh sáng của ngọn nến chầu leo lét trong cung
thánh đã tắt. Bật đèn lên, ông giật mình,
- Lạy Chúa tôi!
Ông
kêu lớn tiếng bởi ông nhìn thấy cây thánh giá lớn được treo bằng bốn
sợi giây cáp đang nằm sõng soài ngay trên nền đá của cung thánh. Tượng
Chúa chịu đóng đinh úp mặt xuống nền gạch. Ngẩng mặt lên, ông thấy bốn
sợi dây cáp đang đong đưa qua lại. Rợn người, nổi da gà, ông tỉnh ngủ.
Nhẹ nhàng đi tới, ông quỳ xuống bái gối trước cây thánh giá. Với cả hai
tay, ông nhấc cây thánh giá lên. Cây thánh giá nhích đi một chút, rồi
lại nằm yên. Một lần nữa hít một hơi dài, cha Nghi lấy hết sức lực của
tuổi ba mươi tập tạ hằng ngày nhấc cây thánh giá lên. Nhưng lần này cây
thánh giá không hề di chuyển dù chỉ là một phân! Cha Nghi có cảm tưởng
mình đang ôm trong lòng nguyên một núi đá phủ đầy băng tuyết.
Chỉ
còn 10 phút nữa là 7:30 sáng, giáo dân đi lễ lác đác xuất hiện. Người
người bàng hoàng nhận ra cây thánh giá đang nằm úp mặt xuống nền gạch.
Không ai bảo ai, hai ba người đàn ông phụ nhau nhấc cây thánh giá lên.
Nhưng cây thánh giá không lay chuyển. Sau cùng khoảng hai mươi người, cả
đàn ông lẫn đàn bà, tất cả mọi người có mặt trong nhà thờ cùng xúm vào.
Cây thánh giá vẫn im lìm. Tượng Chúa chịu nạn vẫn cúi mặt xuống nền
gạch lạnh giá của một ngày cuối tháng 12 của mùa Giáng Sinh.
Câu
chuyện cây thánh giá chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ lan ra khắp thành
phố. Tất cả những đài truyền hình, truyền thanh địa phương đồng loại
lên tiếng, “Cây thánh giá gỗ rớt úp mặt xuống nền cung thánh! Không ai
nhấc nổi!” Bỗng dưng ngôi thánh đường vô danh nhỏ bé ngập tràn tiếng
động. Tiếng người phỏng vấn những giáo dân có mặt vào những giây phút
đầu tiên. Tiếng đọc kinh của những người đàn bà trong nhà thờ. Tiếng
chân chạy tới chạy lui của những người phóng viên ôm dàn máy lớn loay
hoay chụp hình cây thánh giá lạ kỳ từ nhiều góc. Ngôi giáo đường, bình
thường vắng bóng người, giờ này tấp nập người ra người vào. Cha Nghi
quyết định đóng cửa nhà thờ, ngoại trừ cửa chính dành cho những người
muốn thử, nâng cây thánh giá lên. Giờ này từ phía cuối nhà thờ, người có
đạo cũng như không, đang xếp hai hàng dài dẫn lên tới cung thánh. Hết
người này tới người kia, cây thánh giá gỗ vẫn nằm im lìm.
Nguyên
một ngày dài sân đậu xe của ngôi thánh đường hẻo lánh tấp nập với bao
nhiêu xe cộ ngược xuôi của khách thập phương hiếu kỳ ghé tới tìm hiểu
câu chuyện lạ. Dưới mái hiên của nhà thờ, những gian hàng nho nhỏ nhanh
chóng được dựng lên. Người ta buôn bán những cây thánh giá gỗ nhỏ được
khắc sơ sài theo hình dạng của cây thánh giá lạ kỳ. Người ta treo bảng
on sale cho những chiếc áo sweatshirt in hình chụp cây thánh giá nằm úp
mặt. Cửa nhà thờ đã khóa lại lúc 11 giờ đêm, tuyết rơi ngập đường xá,
nhưng ánh đèn xe cộ vẫn chiếu sáng khu đậu xe của ngôi thánh đường vào
lúc nửa đêm về sáng. Trên ngọn tháp chuông cao vút, ánh đèn sáng chói
của ngôi sao lạ soi đường dẫn lối cho những người khách phương xa vẫn
đang nối đuôi tìm tới ngôi thánh đường.
Tối
hôm đó đài CNN phỏng vấn ba người. Một người là thợ chính có trách
nhiệm treo cây thánh giá lên trên trần của cung thánh. Người kia là giáo
dân, một trong những người đầu tiên có mặt ngay khi câu chuyện lạ kỳ
được khám phá. Người còn lại là điêu khắc gia đã làm cây thánh giá gỗ
cho nhà thờ,
- Ông là người thợ chính có
trách nhiệm treo cây thánh giá lên cách đây bốn năm. Theo như ông, trong
trường hợp nào cây thánh giá gỗ có thể bị rơi xuống?
Người thợ trầm ngâm, nhíu mày, lắc đầu, điệu bộ cương quyết,
-
Cây thánh giá…cây thánh giá không thể nào rơi xuống được…trừ khi…trừ
khi có người cố tình tháo hoặc vặn lỏng bốn cái đinh ốc lớn giữ chặt bốn
sợi dây cáp với cây đà ngang trên mái vòm của cung thánh. Bốn sợi dây
cáp này được buộc chết vào cây gỗ ngang của cây thánh giá.
Người giáo dân xác định câu nói của người thợ chính,
-
Sáng nay khi nhìn lên bốn sợi dây cáp còn treo lủng lẳng trên trần cung
thánh, tôi đoán hình như có bàn tay của ai đó nhúng vào vụ này. Người
này đã dùng cái kéo lớn cắt đứt bốn sợi dây cáp, bởi tôi thấy rõ ràng
bốn đoạn dây cáp nhỏ khoảng một gang tay bị cắt đứt vẫn còn dính liền
với cây thánh giá.
Người phóng viên quay sang người giáo dân,
- Ông có nghi ai là thủ phạm đã cắt đứt bốn sợi dây cáp không?
- Không, tôi không biết. Nhưng để làm được chuyện cắt đứt những sợi dây cáp lớn, người này phải có một cái thang cao lắm.
Hướng về người điêu khắc, người phóng viên hỏi,
- Theo tôi được biết, cây thánh giá làm bằng gỗ.
Người điêu khắc gật đầu xác nhận,
-
Cây thánh giá làm bằng gỗ sồi. Chiều dài 6.6 feet, chiều ngang 4.9
feet.[1] Tượng Chúa chịu nạn làm bằng thạch cao. Cây thánh giá nặng 40
pound. Tượng Chúa, tôi còn nhớ khoảng 20 pound thôi. Tổng cộng lại, cây
thánh giá không thể nào nặng hơn 60 pound [2]…
Người phóng viên ngắt lời của nhà điêu khắc gia,
- Nếu vậy, tại sao không ai nhấc nổi cây thánh giá lên?
-
Tôi không hiểu. Với một trọng lượng không quá 60 pound, một người đàn
ông bình thường dư thừa khả năng nhấc cây thánh giá gỗ lên. Có một điểm
lạ kỳ, cây thánh giá rớt từ trên cao, úp mặt xuống nền gạch, nhưng tượng
Chúa bằng thạch cao không hề bị sứt mẻ dù chỉ là một miếng bể nhỏ.
oOo
Sáng
ngày 23 tháng 12 đã tới. Tuyết lại rơi. Những hạt tuyết êm đềm rớt
xuống phủ lấp những dấu chân, những vết bánh xe kéo dài ngang dọc trên
thảm tuyết trắng của ngày hôm trước. Những vết chân mới lại xuất hiện
khắp nơi trên sân nhà thờ. Người ta tiếp tục kéo về ngôi thánh đường nhỏ
bé. Nhà thờ vang lên những tiếng đọc kinh nho nhỏ thầm thì của những cụ
già da mồi tóc trắng, những người trung niên cổ quấn khăn hoặc cà vạt,
áo bỏ vào quần, và luôn cả những người thanh niên thiếu nữ tóc nhuộm
xanh nhuộm đỏ, tai, mũi, và môi xỏ nhiều tòng teng, cổ đeo đầy dây
chuyền vàng lóng lánh.
Tương tự như ngày
hôm qua, hai hàng người vẫn tiếp nối nhau kéo dài vào tới khu cung thánh
nơi có cây thánh giá gỗ không nặng hơn 60 pound. Bầu không khí trang
nghiêm của ngôi giáo đường và hình ảnh cây thánh giá nằm úp mặt cúi
xuống của khu cung thánh khiến mọi người có mặt trong nhà thờ, giáo hay
lương, đều e dè khép nép yên lặng trong khi chờ đợi tới phiên mình. Từng
người rồi từng người, họ cung kính bái gối trước cây thánh giá, họ mím
môi vận dụng sức lực trên đôi bàn tay, họ hít hơi căng phồng những bắp
thịt lực lưỡng trên đôi vai, họ nhấc cây thánh giá lên, và rồi họ thất
bại. Cuối cùng họ quay xuống, nhập chung với những người đang quỳ trên
những hàng ghế gỗ được đánh bóng loáng. Họ cầu nguyện. Họ đọc kinh. Có
người khóc nho nhỏ trong miệng. Có người sụt sùi. Có người nấc nghẹn.
Nhưng cây thánh giá vẫn không chuyển động dưới bất cứ một đôi tay nào!
Ngay
trên trang nhất của báo The New York Times, người ta chạy một hàng tít
lớn, “Ngày cuối cùng của nhân loại đã tới?” Những trang kế tiếp ngập
tràn bài phỏng vấn những người giáo dân của ngôi thánh đường nhỏ bé.
Những trang Websites của Yahoo, Netscape, AOL, những đại công ty điện
toán trên thế giới đồng loạt in tấm hình của cây thánh giá đang nằm úp
mặt xuống nền gạch. Cạnh tấm hình là những hàng chữ, “Ngày Tận Thế?”
hoặc “Lại một trò mới của nhà thờ La Mã?” hoặc “Điềm lạ chi đây?” Tất cả
những hàng tít lớn đều được tô đậm với mầu đỏ, mầu máu đỏ tươi. Đài
CNN, ABC, FOX News, PBS, và BBC liên tiếp bình luận về cây thánh giá gỗ.
Người ta vẫn không hiểu ai đã cắt đứt những sợi dây cáp cứng hơn thép.
Người ta vẫn không hiểu tại sao không ai có thể di chuyển nổi cây thánh
giá 60 pound. Người ta nghĩ có lẽ những ngày cuối cùng của trái đất và
của vũ trụ đã tới. Có người nói họ thấy rõ ràng mặt trời xoay tròn quay
tít trên bầu trời. Có người nói mặt trăng tròn của những ngày rằm hiện
ra bất ngờ trên nền trời tối đen cuối tháng 12, mặt trăng tròn đỏ như
máu. Có người nói ngay giữa ban ngày họ nhìn thấy những đám mây đỏ như
lửa mang hình dáng của quỷ vương với hai cái sừng nhọn lững lờ bay trên
nền trời xám đen của một ngày cuối tháng 12. Có người nói nước lạnh băng
của dòng sông Mississippi, đoạn sông chạy ngang qua thành phố có ngôi
thánh đường với cây thánh giá gỗ, tự nhiên đổi sang mầu đỏ của máu; cá
tôm chết ngập nổi lềnh bềnh trên mặt sông đỏ đậm. Có người nói trong xứ
có thằng bé ba năm nay không nói được một câu sau khi bị xe đụng vào
đầu, chấn thương sọ não; giờ này tự nhiên mở miệng nói như sáo. Có người
nói ông cha xứ bị cây thánh giá gỗ rớt xuống đập ngay đỉnh đầu trong
khi đang chuẩn bị bàn thánh cho thánh lễ sáng sớm của ngày hôm đó; cho
nên đã mấy ngày rồi, không ai thấy bóng dáng của ông. Có người nói tối
tối có những con chó sói đen tuyền từ khu rừng thông kéo về; từng bầy
rồi lại từng bầy chạy nhảy chung quanh nhà thờ; cả bầy sói đen thi nhau
ngửa cổ lên nền trời tối, hú vang nghe như tiếng con nít khóc. Có người
nói đêm đêm những vết thương trên người của tượng Chúa chịu nạn tự nhiên
ứa tràn máu, máu chảy ra loang đỏ cả sàn gạch của cung thánh; nhưng khi
trời bình minh tới, máu biến đi; ai vô được nhà thờ vào ban tối, hứng
lấy được những giọt máu thánh, người đó sẽ được cứu độ; riêng những giọt
máu đỏ, ai đụng vào mọi bịnh tật nan y sẽ biến mất.
Chỉ
còn một ngày nữa, ngày 24 tháng 12 sẽ tới. Ba ngày nay ngôi giáo đường
được chuẩn bị kỹ lưỡng cho một mùa Giáng Sinh đã hoàn toàn biến mất bầu
không khí rộn ràng của mùa Noel, ngoại trừ ngọn đèn cao thế trong lòng
ngôi sao lớn trên nóc tháp chuông. Đêm đêm ngọn đèn vẫn tung ra những
tia sáng chiếu rọi một khoảng trời tối đen của tháng 12. Không ai buồn
cắm điện, hang đá kim tuyến và những cây thông xanh mướt vắng ngắt những
ngọn đèn. Ngôi nhà thờ tối om ngoại trừ khu cung thánh, nơi thánh giá
gỗ vẫn nằm im lìm buồn thiu. Nhiều người phóng viên muốn gặp ông cha xứ
nhưng cửa phòng đóng kín. Bên ngoài, một miếng giấy treo lên, “Please,
do not disturb”. Mọi công chuyện trong nhà thờ do ông Trùm của giáo xứ,
một người trung niên khoảng bốn mươi tuổi đảm nhiệm.
Hàng
người vẫn dài, người ta cố gắng lay chuyển thánh giá. Và người ta tiếp
tục thất bại. Hàng người chỉ tan biến lúc 11 giờ đêm là giờ nhà thờ đóng
cửa. Cửa nhà thờ đóng lại, người người vẫn không bỏ về. Mãi đến khi
những chiếc xe cảnh sát bật đèn, hú còi, đám đông mới chịu giải tán.
Tuyết vẫn rơi. Màn đêm buông xuống. Đêm đen dầy đặc bao phủ. Một ngày nữa, ngày 23 tháng 12 đã trôi qua.
Sáng
24 tháng 12, trời ngưng rơi tuyết. Mầu xám biến mất. Sáng 24, mặt trời
đẩy sang một bên những khối mây xám xịt dầy đặc đã liên tục che kín mít
bầu trời của tháng 12 hơn một tuần lễ. Những tia nắng bình minh đầu tiên
nhẹ nhàng buông xuống rọi sáng tháp chuông nhà thờ. Ngôi sao Noel của
tháp chuông vươn cao đón nhận những tia nắng bình minh như muốn tẩy sạch
những hạt tuyết đang bám cứng trên mình.
7
giờ 30 buổi sáng, cánh cửa chính của nhà thờ được ông Trùm mở rộng.
Những người đầu tiên trong hàng người dài bắt đầu tiến lên cung thánh.
Hai người đầu tiên, cây thánh giá vẫn nằm im không động đậy.
Tới
người thứ ba, rồi người thứ tư, thứ năm, cây thánh giá gỗ tiếp tục lặng
câm. Và người thứ sáu... Mọi người giật mình, sững sờ nhìn lên cung
thánh!
Ông Trùm tự tay giật chuông nhà
thờ. Ba ngày nay tiếng chuông lặng câm. Giờ này tiếng chuông bừng dậy,
hoan ca, reo vui! Chuông ngân dài! Chuông thánh thót! Chuông mừng vui!
Tiếng chuông ngân dài vang xa trong bầu trời sáng sớm. Tiếng chuông
thánh thót quyện tròn nhảy múa với những tia nắng lung linh rực rỡ.
Tiếng chuông mừng vui báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu.
8
giờ sáng, những màn ảnh truyền hình đang ngập tràn tin tức của thế giới
với nhiều biến động bỗng nhiên dừng lại. Người xướng ngôn viên đài CNN
xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, thông báo bản tin đặc biệt,
-
Gần ba ngày rồi cây thánh giá gỗ trong nhà thờ không ai lay chuyển nổi.
Sáng nay lúc 7:45 buổi sáng cây thánh giá gỗ đã được nâng dậy. Hiện giờ
chúng tôi chưa biết tên của người này. Theo lời của những giáo dân
trong xứ đạo sáng nay trên đường đi làm, bà ta ghé vào nhà thờ. Khi bà
nâng cây thánh giá gỗ lên, cây thánh giá 60 pound nhẹ nhàng chuyển mình
dưới đôi tay của bà ta. Theo như phóng viên của bản đài đang có mặt tại
ngôi thánh đường, cây thánh giá đang được những người giáo dân treo vào
vị trí cũ. Theo như chúng tôi được biết, chồng của người đàn bà và đứa
con thứ hai vừa qua đời vào tháng 10 vừa qua, sau một tai nạn xe cộ trên
xa lộ…
Tuyết lại rơi. Những hạt bông gòn
trắng toát nhè nhẹ bay xuống. Chỉ trong thoáng chốc tuyết lại phủ trắng
ngôi thánh đường, tuyết thổi trắng tháp chuông, và tuyết bám chặt những
hàng cây thông xanh trong khu công viên nhà thờ. Tiếng chuông tiếp tục
ngân nga. Chuông của mừng vui. Chuông của hạnh phúc. Chuông của bình an.
Bình an ngập tràn trong tâm hồn của từng người trên trái địa cầu mầu
xanh lơ vào những ngày cuối cùng của tháng 12. Mùa thanh bình lại ghé về
thăm hỏi từng mái ngói, nhẹ nhàng gõ cửa từng căn nhà.
Nguyễn Trung Tây
ng sinh
Đi tìm Chúa tôi
Bạn có để ý rằng một trong những hình tượng được trang trí
nhiều nhất trong mùa Giáng sinh là các ngôi sao không? Ngôi sao được
đặt trên ngọn cây thông Noel, trên đỉnh Nhà thờ với các chùm đèn hoa
tỏa xuống như ban phước lành cho mọi người; và mùa Giáng sinh cũng còn
được gọi là “mùa sao sáng”. Đó chính là biểu tượng của ngôi sao Giáng
sinh, còn gọi là ngôi sao Bethlehem.
Huyền thoại …
Kinh Thánh (Matthew 2: 1-10) viết rằng:
Khi Chúa Jesus giáng sinh ở Bethlehem, dưới thời vua Herod, có ba
nhà thông thái từ phương đông đi sang Jerusalem gặp Herod và hỏi nhà
vua: “Xin Ngài cho biết vua của người Do Thái (tức là Jesus) được
sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao sáng của nhà vua ấy xuất
hiện ở phương Đông nến muốn đến đó để tôn vinh nhà vua”. Vua
Herod và mọi người trong thành Jerusalem lúc ấy đã rất ngạc nhiên và
bối rối trước câu hỏi của các nhà thông thái. Herod đã triệu tập tất cả
các thầy tu và các nhà thông thái trong thành Jerusalem, yêu cầu họ dự
đoán nơi mà Jesus sẽ được sinh ra. Họ bảo cho Herod biết rằng, theo dự
đoán của một nhà tiên tri thì Jesus sẽ giáng sinh tại Bethlehem, thuộc
nước Do Thái (nước Israel ngày nay). Thế là Herod chỉ đường cho 3 nhà
thông thái đến Bethlehem để tìm hài nhi vừa giáng sinh, và dặn rằng khi
tìm được thì báo cho Herod để ông cùng đến tôn vinh Jesus. Sau đó, ba
nhà thông thái lên đường, đi theo hướng của ngôi sao sáng mà họ đã nhìn
thấy. Ngôi sao ấy luôn ở phía trước họ, dẫn đường cho họ đến Bethlehem
và cuối cùng ngôi sao dừng lại ngay đúng ở nơi mà Jesus đã giáng sinh.
Ba nhà thông thái và cuộc hành trình theo ngôi sao Giáng sinh
… và sự thật
Ngôi sao giáng sinh thực chất là gì, hay đó thực sự là quyền năng
của Chúa? Suốt nhiều thế kỷ, các nhà thiên văn học đã cố tìm cách lý
giải sự xuất hiện của ngôi sao giáng sinh. Nhiều giả thiết đã được đưa
ra, và cuối cùng, người ta đã xác định được thực chất của ngôi sao
giáng sinh.
{loadposition article}
Muốn biết được ngôi sao giáng sinh thực chất là gì, trước tiên cần
phải xác định khoảng thời gian mà Jesus ra đời, rồi từ đó tìm kiếm các
sự kiện thiên văn xảy ra trong khoảng thời gian ấy để tìm ra sự kiện
giống với mô tả trong kinh Thánh. Cho đến nay, các nhà sử học vẫn chưa
thống nhất với nhau về thời gian mà Jesus ra đời, chỉ có thể biết đó là
khoảng năm thứ 8 đến năm thứ 1 trước Công nguyên (TCN). Tuy nhiên, đa
số nhà sử học cho rằng Jesus giáng sinh vào khoảng năm 3 hoặc năm 2
TCN. Bây giờ ta sẽ tìm xem có một thiên thể nào xuất hiện trong khoảng
thời gian đó giống với mô tả của kinh Thánh (ngôi sao xuất hiện ở
phương đông, xuất hiện vào một thời điểm xác định, luôn ở phía trước 3
nhà thông thái khi họ đi từ Jerusalem đến Bethlehem và dừng lại ngay
trên Bethlehem, và vua Herod không hề biết sự xuất hiện của nó trước
khi 3 nhà thông thái nói với ông).
Đó là một thiên thạch chăng?
Chúng ta biết rằng, thiên thạch là những khối đất đá trôi dạt trong
vũ trụ. Khi chúng bay vào bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ rất
lớn, chúng bị ma sát với không khí và bốc cháy, tạo nên một vệt sáng
vụt ngang qua bầu trời đêm. Tuy nhiên, các thiên thể bay vụt ngang qua
bầu trời theo một hướng bất kỳ (không nhất thiết là từ phương đông), và
nó chỉ tồn tại trong vài giây ngắn ngủi, nên không thể là ngôi sao dẫn
đường cho ba nhà thông thái tìm đến nơi Jesus giáng sinh được.
Một thiên thạch bay vào bầu khí quyển của Trái đất và bốc cháy
Liệu có thể là một sao chổi không?
Sao chổi là một khối băng chuyển động quanh Mặt trời theo một quỹ đạo
rất lớn (thường mất vài năm đến vài chục năm để hoàn thành một chu
kỳ). Sao chổi đúng là mọc ở hướng đông và xuất hiện trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, thời xa xưa con người cho rằng sao chổi xuất hiện là báo
hiệu điều chẳng lành, rằng sự xuất hiện của nó luôn kéo theo những thảm
họa như chiến tranh, thiên tai, … Cho nên sao chổi không thể là “sứ
giả” của Thượng đế để báo tin vui cho nhân loại. Điều quan trọng hơn
nữa là các tài liệu thiên văn không ghi nhận sự xuất hiện của một sao
chổi nào trong khoảng thời gian năm thứ 3, 2 trước Công nguyên. Một chi
tiết nữa bác bỏ giả thiết về sao chổi là, nếu sao chổi xuất hiện thì
vua Herod đã biết (vì ông cũng có các nhà thiên văn chuyên quan sát bầu
trời hàng ngày) chứ không cần phải hỏi các nhà thông thái.
Sao chổi
Thế có phải là một ngôi sao siêu mới không?
Sao siêu mới là ngôi sao mới được hình thành từ một vụ bùng nổ. Do
đó, nó xuất hiện đột ngột vào một thời điểm xác định tồn tại trong thời
gian dài, có thể sáng rực rỡ và cũng mọc từ hướng đông. Tuy nhiên, các
quan sát thiên văn cũng không ghi nhận một vụ nổ sao siêu mới nào
trong thời gian năm 3, 2 trước Công nguyên.
Một vụ nổ sao siêu mới (supernova)
Như vậy thì ngôi sao giáng sinh còn có thể là gì nữa?
Một chi tiết quan trọng là nhà vua Herod không hề biết đến sự xuất hiện của ngôi sao ấy cho đến khi 3 nhà thông thái nói với ông về nó.
Và khi 3 nhà thông thái đã chỉ ra ngôi sao ấy, thì vua Herod cũng như
tất cả mọi người trong thành Jerusalem lúc đó đều có thể nhận ra ngôi
sao ấy trên bầu trời. Như vậy, có thể giả thiết rằng ngôi sao giáng sinh
là một cái gì đó rất bình thường trên bầu trời đêm nên mọi người không
chú ý đến, nhưng khi được chỉ ra thì người ta mới chú ý đến sự đặc
biệt của nó. Vậy, có hiện tượng gì đặc biệt xảy ra trong một đêm bình
thường vào khoảng năm 3 hoặc 2 trước Công nguyên không? Câu trả lời là “Có”.
Ta biết rằng, các hành tinh trong hệ Mặt trời chuyển động xung quanh
Mặt trời với tốc độ khác nhau: các hành tinh càng gần Mặt trời thì
chuyển động càng nhanh so với các hành tinh ở xa Mặt trời. Cho nên, từ
Trái đất quan sát, ta sẽ thấy có những lúc hành tinh này vượt qua hành
tinh kia. Hiện tượng này được gọi là “giao hội”, xảy ra khá phổ biến
trên bầu trời đêm. Khi hai hoặc nhiều hành tinh tiến đến rất gần nhau
rồi thẳng hàng với nhau, ta nhìn thấy như chúng nhập vào với nhau thành
một hành tinh rất sáng. Tài liệu thiên văn ghi nhận có 9 lần giao hội
xảy ra trong khoảng thời gian năm 3 đến năm 2 trước Công nguyên, trong
đó, lần giao hội giữa sao Kim và sao Mộc xảy ra vào ngày 12 tháng 8
năm thứ 3 trước Công nguyên có những đặc điểm rất giống với mô tả của
kinh Thánh về ngôi sao giáng sinh. Buổi sáng ngày hôm ấy, sự giao hội
giữa sao Kim và sao Mộc xảy ra tại vị trí gần với sao Regulus (là ngôi
sao sáng nhất trong chòm sao Sư tử). Ta sẽ tìm hiểu kỹ sự giao hội này.
Sao Mộc và sao Regulus trong chòm sao Sư tử
Trước hết là về mặt ý nghĩa. Sao Mộc – Jupiter – được đặt theo tên
của vị thần vĩ đại nhất trong thần thoại La Mã, là hành tinh lớn nhất
trong hệ Mặt trời (đường kính gấp 11 lần và khối lượng gấp 300 lần Trái
đất), và sao Mộc được xem là vua của các hành tinh. Sao Kim – Venus –
được đặt theo tên Nữ thần sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp, là hành tinh
sáng nhất trên bầu trời đêm. Sao Regulus là ngôi sao sáng nhất trong
chòm sao Sư tử được đặt theo chữ “regal”, nghĩa là (thuộc) đế vương,
vua chúa; và sao Regulus được xem là vua của các vì sao. Do đó, sự hội
ngộ của các ngôi sao này vào đúng thời điểm năm mới của người Do Thái
(khoảng tháng 8, 9 Dương lịch) có thể coi là “sứ giả” báo tin tốt lành
về một vị vua sắp chào đời – Jesus.
Ngày 14 tháng 9 năm 3 TCN, sao Mộc tiến đến giao hội với sao Regulus
lần thứ nhất, chạy ngang qua nó, dừng lại, chạy ngược trở lại giao hội
với sao Regulus lần thứ hai vào ngày 17 tháng 2 năm 2 TCN, sau đó lại
dừng lại, chạy ngược trở lại và giao hội với sao Regulus lần thứ ba vào
ngày 8 tháng 5 năm 2 TCN. Chuyển động như vậy được gọi là chuyển động
giật lùi của các hành tinh. Nguyên nhân là do ta quan sát sao Mộc từ
Trái đất, mà Trái đất thì ở quỹ đạo gần Mặt trời hơn và chuyển động
nhanh hơn sao Mộc. Điều này cũng giống như khi bạn chạy xe trên đường
và vượt qua một chiếc xe khác chạy chậm hơn. Ban đầu, bạn nhìn thấy
chiếc xe ấy chuyển động về phía bạn, rồi dừng lại (biểu kiến) khi chiếc
xe ấy ngang bằng với bạn và cuối cùng chuyển động ra xa bạn khi bạn đã
vượt qua nó. Như vậy, bạn có cảm giác rằng chiếc xe ấy chuyển động
giật lùi (ban đầu chạy đến bạn, dừng lại và cuối cùng chạy ra xa bạn).
Như vậy, nhìn từ Trái đất, ta thấy giống như sao Mộc (vua của các hành
tinh) đang “khiêu vũ” với sao Regulus (vua của các vì sao) - một biểu
tượng của sự đăng quang.
Ngôi sao Giáng sinh trên bầu trời đêm
Ngày 17 tháng 6 năm 2 TCN, sao Mộc, sao Kim và sao Regulus cùng tiến
đến giao hội. Quan sát từ Trái đất, ta thấy ba ngôi sao này chồng chập
lên nhau, độ sáng của chúng tăng cường cho nhau tạo nên một ngôi sao
sáng chói trên bầu trời đêm, về phía Đông nếu nhìn từ Babylon (nơi 3
nhà thông thái khởi hành) và về phía Nam nếu nhìn từ Jerusalem. Do đó,
khi các nhà thông thái đi theo hướng Nam từ Jerusalem (sau khi gặp vua
Herod) đến Bethlehem, ngôi sao này luôn ở phía trước họ như kinh Thánh
mô tả. Ngày 25 tháng 12 năm 2 TCN, khi các nhà thông thái đến thị trấn
nhỏ Bethlehem, họ nhìn thấy ngôi sao ấy “treo” ngay trên bầu trời nơi
ấy, nơi mà Đấng cứu tinh đã giáng sinh.
Nguyễn Đông Hải
Physics Education Research Group
Kansas State University.
Ngàn thông thương nhớ
Chuyện tình ta đã lui vào dĩ vãng,
Theo gió bay xào xạc giữa ngàn thông....
Ta xa nhau lòng luôn cứ dặn lòng,
Quên dĩ vãng thuở xưa mình hò hẹn !
Thôi mơ ước tình đôi ta trọn vẹn,
Rừng Ái Ân nay hát khúc biệt ly...
Thở Than chi cho một khúc tình si,
Con dốc cũ hoa vàng màu nhung nhớ !!
Giờ đôi lứa hai phương trời cách trở,
Phấn thông vàng cũng chẳng khác năm xưa...
Trách ông Tơ không kết mối duyên ưa,
Gặp nhau chỉ thêm buồn và nhung nhớ !!
NM
Những cây thông Đà Lạt
Nếu không tình cờ nhận được cú phôn của người bạn cũ, tôi đã không biết
là Huy giờ này cũng đang có mặt trên nước Mỹ. Ba mươi năm rồi còn gì,
kể từ khi Huy rời trường mẹ Ðà Lạt, ngày ra trường anh được thuyên
chuyển về một chiến trường miền Ðông, hai đứa xa nhau từ đấy. Những mối
tình Ðà Lạt, như đã bị vùi chôn trong thung lũng mù sương, tự nhiên bỗng
sống lại khiến lòng tôi xúc động đến ngậm ngùi. Hóa ra có những điều
người ta tưởng có thể quên, mà nó vẫn còn đó, vẫn mập mờ ẩn hiện trong
những cây thông, mà tôi gọi là Những Cây Thông Ðà Lạt.
Ðiều ngỡ ngàng hơn cả khi nghe người bạn kể lại, tình cờ gặp Huy trong
một buổi họp mặt ở Cali, Huy đi đứng không được bình thường, hóa ra anh
bị cụt bên chân phải, đã được gắn một chiếc chân giả. Ðiều này khiến
thắc mắc của tôi về lá thư của chàng gần ba mươi năm trong phút chốc đã
được giải đáp, chưa chắc Huy đã phụ bạc tôi như lá thư chàng viết về Ðà
Lạt sau ngày chàng ra đơn vị. Lá thư như một vết dao cứa nát trái tim
người con gái miền cao nguyên, khi hai đứa đã có một cuộc tình thật nên
thơ suốt bốn năm chàng còn là một sinh viên trường Võ Bị.
Những lá thư nồng nàn bỗng nhiên bị cắt đứt một thời gian trong bao
nhiêu hờn giận lo lắng, không hiểu Huy thời gian ấy ra sao khi những mặt
trận càng ngày càng khốc liệt, từ chiến trường miền Trung tới chiến
trường miền Nam. Khi ấy Huy là một đại đội trưởng, đơn vị chàng trú đóng
ở vùng Long Khánh, nơi có những rừng cao su đất đỏ mà chàng bảo rằng ở
đây chỉ một đoạn đường chàng có thể bay về Ðà Lạt, và cũng có thể về Sài
Gòn để được gần gũi mẹ già.
Trong tôi chập chùng bao kỷ niệm của Ðà Lạt năm xưa, bốn năm có chàng ở
Ðà Lạt, một thời gian hoa mộng của những chiều thứ Bảy trên đồi thông,
khu rừng Ái Ân bên bờ hồ Than Thở, đã ghi lại bao nhiêu đằm thắm cuả một
mối tình, chỉ có những cây thông làm chứng cho những lời hẹn thề, gắn
bó. Những sáng chủ nhật Ðà Lạt nắng ấm, quanh khu Hòa Bình, ven bờ Hồ
Xuân Hương mặt nước lặng lờ, Ðồi Cù bãi cỏ xanh, Lâm Viên lộng gió, nơi
nào cũng có tiếng thông reo, nơi nào cũng có nắng ấm và gió lạnh, nơi
nào cũng có bước chân chàng và tôi ở đó.
Vậy mà Huy đã có thể quên, khi rời xa Ðà Lạt chàng bỏ lại người yêu bé
bỏng , có căn nhà gỗ xinh xinh nơi dốc hoa vàng, những cánh hoa mimosa
li ti rơi kín mặt đường khuya như bài thơ chép vội vàng trong lớp học,
một buổi sáng nhớ chàng đến quay quắt:
"Chỉ tại anh nên trời khuya trở gió,
Mimosa phủ kín mặt đường khuya,
Vương đầy tóc, em bắt đền anh đó,
Gỡ giùm đi, đứng cười mãi ô kìa!"
(Thơ Nhất Tuấn)
Mimosa phủ kín mặt đường khuya,
Vương đầy tóc, em bắt đền anh đó,
Gỡ giùm đi, đứng cười mãi ô kìa!"
(Thơ Nhất Tuấn)
Thuở học trò những bài thơ chép đầy trang vở, tình yêu không chỉ lúc
một mình trong một nơi yên lặng, mà nó còn xôn xao len lén vào trong lớp
học. Bởi vậy, khi lá thư cuối cùng của Huy gửi về Ðà Lạt, như một cắt
đứt mà chàng cho rằng chẳng qua định mệnh đã oái oăm chia lìa, để hai
đứa phải xa nhau. Huy đã quen một người con gái nơi chàng trú quân, và
cũng vì những giây phút yếu lòng của tuổi thanh niên, Huy đành phải chấp
nhận người đàn bà ấy làm vợ, khi cô ta đã mang trong mình giọt máu của
chàng.
Lá thư ấy đến Ðà Lạt một thời gian sau ba tháng chàng bặt tin, như một
tiếng sét trong cơn mưa, hầu như đã tàn phá tất cả bao hình ảnh đẹp
trong lòng tôi thuở ấy. Hình như những cây thông đều rũ xuống và không
còn mang theo tia nắng ấm reo vui những ngày Ðà Lạt mộng mơ. Hình như cả
Ðà Lạt đều hay tin tôi bị tình phụ. Hình như trong đám bạn bè đã có
những nụ cười mỉa mai dấu kín trong ánh mắt. Hình như và hình như, những
con đường, những bờ cỏ, những đồi thông năm xưa có dấu tích của hai
đứa, bỗng một ngày trở thành những bóng đen đè nặng trong lòng người con
gái ngây thơ là tôi ngày ấy.
Nỗi đau như một cơn bão đã cuốn đi tất cả niềm vui tuổi trẻ, khiến
trong mắt tôi ngày ấy, hình ảnh những chàng trai Võ Bị, không còn là
thần tượng để ngưỡng mộ và say đắm. Tôi nguyền rủa chàng triền miên khi
nghe tiếng thông reo và tiếng gió hú mỗi đêm Ðà Lạt mưa gió, gót giày
tôi nghiến mạnh lên những bông mimosa vàng úa rớt đầy trên mặt đường
khuya, như giày xéo lên những kỷ niệm của tôi và chàng, cho tan nát, cho
mất hút đi theo lòng người bội bạc.
Tự ái của một người con gái không cho phép tôi gậm nhấm hoài mối sầu
vạn cổ, như câu chuyện một người con gái Ðà Lạt, cũng vì yêu mà hủy hoại
mạng sống, để khi chết còn xin được chôn trên một ngọn đồi, quay đầu về
hướng ngôi trường Võ Bị, nơi ngày xưa hai người đã quen nhau ở đó. Tôi
yêu Huy thật nhiều nhưng không thể để con tim mềm yếu đến độ chết vì
yêu.Tôi phải quên chàng như chàng đã quên tôi, tôi sẽ đi khỏi Ðà Lạt để
tâm hồn khỏi gặm nhấm những nỗi sầu với tiếng thông reo trên ngọn đồi cỏ
mượt, như tiếng gió lao xao lướt trên mặt hồ những sáng chủ nhật, như
những cánh mimosa màu vàng rơi xuống phủ đầy mặt đường khuya.
Ðịnh mệnh đưa đẩy gia đình tôi rời Ðà Lạt cùng lúc với nỗi đau của cô
con gái bị phụ tình. Căn nhà ở dốc hoa vàng để lại cho người cô, tôi xa
Ðà Lạt như để vùi quên một nấm mộ tối. Mãi đến sau này sau nhiều năm,
khi sắp sửa đi xa hẳn quê hương, tôi bỗng dưng ao ước được trở về Ðà
Lạt, thăm căn nhà xưa, và để lần cuối nhìn lại những kỷ niệm cũ từ nhiều
năm về trước, thấp thoáng vẫn thấy hình bóng người xưa trên những con
đường cũ, và những cây thông Ðà Lạt...
* * *
Thế là tôi cũng trở về Ðà lạt một lần, trước khi đi xa, để thăm lại
người cô ruột nay đã già yếu, vẫn sống trong căn nhà gỗ nơi dốc hoa
vàng, gần trường Bùi thị Xuân ngày xưa.
Chuyến xe về Ðà Lạt vượt đoạn đường đèo, chênh vênh vách núi có những
đoạn đường quanh co của miền Ðông nhiều đồi núi và cây rừng. Khi chuyến
xe chạy ngang những khu đồi thông nối tiếp nhau để đưa về Ðà Lạt năm
xưa, tôi bỗng thấy lòng rưng rưng , và giây phút đó bao nhiêu kỷ niệm về
Ðà Lạt lại hiện về trong lòng tôi. Những ngọn thông xanh Ðà Lạt đã đủ
sức réo gọi bao hình ảnh năm cũ, khiến tôi không khỏi thở dài nghĩ về
Huy. Bây giờ tôi không còn là người con gái xinh xinh má đỏ môi hồng của
Ðà Lạt năm xưa, thay vào đó là nét chững chạc của người phụ nữ khép
kín, nhưng vẫn còn chút duyên dáng của một thời xuân sắc.
Ngày rời Ðà Lạt năm xưa tôi hai mươi tuổi, lần trở về tôi đã ở cái tuổi
hai lần hai mươi, không còn trẻ để gậm nhấm những nỗi buồn, nhưng cũng
không hẳn quên dễ dàng những kỷ niệm một thời quá đậm nét. Khi loanh
quanh những con đường quen, nay đã ủ ê và tàn tạ với thời gian, và cũng
vì đất nước đã trải qua bao cơn dâu bể, Ðà Lạt như một người đàn bà tàn
phai nhan sắc, nét mơn mởn, vẻ xinh tươi đã không còn nguyên vẹn, tôi có
cảm tưởng rằng nụ cười của Ðà Lạt không còn tươi thắm, chỉ gượng gạo
như nét cười của người cô phụ.
Ðêm hôm đó, trong căn nhà gỗ và chiếc lò sưởi vẫn lách tách bay những
mảnh hoa than thật mỏng, tôi và cô tôi ngồi bên nhau ôn lại chuyện cũ.
Hầu như chúng tôi nhắc lại hết những khuôn mặt cũ, và khi vô tình bà cô
hỏi tới Huy, tôi không sao nén được tiếng thở dài. Từ ngày ấy khi rời xa
Ðà Lạt, tôi về Sài Gòn tiếp tục đi học, rồi đi làm, sau đó lấy chồng.
Chồng tôi là một nhà giáo, hiền hòa, trầm lặng. Sở dĩ tôi không muốn
quen thêm một người lính nào nữa, là vì trong lòng tôi một hình ảnh Huy
cũng đủ làm tôi nghĩ ngợi, khi cho rằng cuộc đời chiến chinh rày đây mai
đó, giữa sự sống chết xảy ra hằng ngày, tôi khó có một đời sống bình an
và hạnh phúc khi có một người chồng là quân nhân. Bài học đầu đời vẫn
còn đó. Cứ xem như là Huy không muốn phản bội tôi, nhưng cuộc sống buồn
chán ở những vùng đóng quân khiến chàng chỉ một chút mà đã sa chân vào
con đường không lối thoát, để cũng vì thế mà bao nhiêu tình yêu và mộng
đẹp trong đời tôi đã bay đi , như những áng mây hồng trên bầu trời lúc
hoàng hôn, phút chốc đã biến mất vào đêm đen vô tận.
Cô tôi ngồi trên chiếc ghế vải bọc nệm, lúc nào cô cũng đan áo. Không
đan áo cho cô thì cũng đan cho cháu nội, cháu ngoại, và cả đan mướn cho
những tiệm đan len trong thành phố, để bán cho khách nhàn du khi ghé
thăm Ðà Lạt. Cô sống với người con gái chưa chồng, dù tuổi đã lỡ thời
nhưng vẫn không dám lập gia đình vì đã nhìn thấy cuộc sống quá khó khăn,
người lớn còn chật vật huống gì sinh sản thêm những đứa trẻ thơ thiếu
ăn, thiếu mặc.
Buổi chiều hôm ấy tôi một mình đi xuống dốc hoa vàng, ngắm nhìn lại
những căn nhà năm xưa, hỏi thăm cô tôi về những người quen trong xóm.
Ðời quả là dâu bể, chỉ hai mươi năm mà bể hóa dâu hay dâu hóa bể là
chuyện thường, huống gì cả nước đã chìm vào cơn dâu bể. Tuy vậy, con
đường có những cây mimosa hoa vàng hình như vẫn giữ được nét riêng của
nó, như chút duyên thầm Ðà Lạt. Những căn nhà màu sơn có lợt lạt đi,
những bụi cúc vàng vẫn rung rinh trên lối sỏi vào nhà, và bây giờ thì
những ngọn thông đã vươn cao lên trên những nóc nhà, in vào mảnh trời
chiều một nỗi buồn hiu hắt. Tôi cứ men theo bờ cỏ để đi lên đi xuống con
đường này, như để ghi nhận vào lòng những hình ảnh đẹp của một thời đã
qua, bởi vì tôi biết khó có thể trở lại Ðà Lạt một lần nữa, khi gia đình
đi định cư ở nước ngoài.
Tối hôm ấy, sau bữa cơm chiều với cái mát mẻ của rau xanh Ðà Lạt, hai
cô cháu tôi ngồi bên lò sưởi, cô tôi vừa đan áo vừa rủ rỉ kể tôi nghe
nhiều chuyện Ðà Lạt. Những chuyện xảy ra quanh đời sống của những người
quen ở dốc hoa vàng, bây giờ thì tôi mới được biết thêm về câu chuyện
của những cây thông Ðà Lạt. Nghe như chuyện hoang đường , nhưng đối với
những người dân giàu tình cảm ở miền đất lạnh, Ðà Lạt vẫn là vùng đất
sản sinh ra những mối tình lãng mạn và bi thương.
Ðôi tay vẫn đan thoăn thoắt, cô tôi nhìn ra khung kính cửa sổ, đêm ấy
lại là một đêm trăng thật sáng, tôi có thể nhìn thấy những bóng cây
thông lay động bên ngoài khu vườn mờ mờ tối. Khó tìm đâu ra cái ấm cúng
gia đình như không khí Ðà Lạt, mà cũng khó tìm đâu ra cái rét mướt của
những nỗi sầu cô quạnh bằng Ðà Lạt. Bên tách trà nóng, cô tôi bỗng hỏi
tôi:
- "Cháu có nhớ căn nhà màu hồng ngày xưa ở cuối con dốc này không?"
Tôi cố nhớ lại tất cả những căn nhà ngày xưa ở dốc hoa vàng, hình như
căn nhà ấy là của một sĩ quan làm việc trong trường Chiến Tranh Chính
Trị. Tôi trả lời sau một phút hồi tưởng:
- "À, cháu nhớ rồi, căn nhà của ông M., có cô con gái xinh xinh học ở trường Bùi thị Xuân phải không cô?"
Nói tới đây, tôi lại chạnh nhớ đến Huy, nhớ tới tôi những ngày tháng
ấy. Tôi lắc đầu, không muốn bị ám ảnh vì những hình bóng cũ, nhưng đấy
cũng chỉ là tự dối lòng mà thôi, vì ít nhiều gì khi trở về Ðà Lạt lần
này, tôi vẫn có nghĩ tới chàng. Cô tôi lại tiếp tục câu chuyện:
- "Ông M. mất rồi, chết trong trại Cải tạo ở miền Bắc. Căn nhà ấy được
bán cho người khác, cả cô con gái cũng chết trong thời gian ấy, nhưng
hình như linh hồn nó không siêu thoát được, cho nên những đêm trăng như
thế này, ai đi đâu về khuya, vẫn thấy dưới gốc thông trước sân có hai
cái bóng trắng đứng ôm nhau ở đó, nhưng hễ lại gần là biến mất."
Không tin lắm chuyện ma quỷ, nhưng giữa một đêm Ðà Lạt trăng sáng như
đêm ấy, tôi không khỏi rùng mình và cũng chợt nhìn ra khung cửa sổ. Óc
tò mò khiến tôi phải tìm ra cái uẩn khúc của những hồn ma dưới gốc thông
nơi con dốc hoa vàng, tôi hỏi cô tôi:
- "Nhưng sao lại có những hai chiếc bóng dưới gốc cây thông hở cô?"
Cô tôi bỏ thêm than vào lò sưởi, những chiếc hoa than lại bay lên kêu
lách tách, khiến câu chuyện trong đêm vừa ly kỳ mà lại thêm điều gì u
uẩn đến lạnh người. Cô tôi chậm rãi kể:
- "Con bé ấy xinh đẹp, dễ thương mà chết sớm quá, đúng là hồng nhan bạc
mệnh. Cháu có nhớ sau năm 75, các sĩ quan bị đưa đi tập trung cải tạo,
cha của nó cũng bị đưa ra Bắc vì ông ta là một sĩ quan cấp tá. Gia đình
lâm vào cảnh cùng cực, bà vợ hồi xưa sống dựa vào chồng cho nên khi ông
ta đi tù thì đời sống gia đình thê thảm lắm. Họ phải mở một cái quán
nước để mẹ con bấu víu vào đấy mà sống, mấy đứa con phải nghỉ học để
giúp mẹ. Cái tội nhất là cô con gái mà cháu biết. Nó thật xinh đẹp nết
na, ngày xưa cũng có quen với một anh chàng bên Võ Bị, hai đứa chúng nó
hứa hẹn là khi ra trường sẽ làm đám cưới, nhưng..."
Không biết tại sao tôi lại buột miệng cắt lời cô với một vẻ mỉa mai, khi nhớ tới chuyện của mình ngày xưa:
- "Có phải khi anh ta ra đi là quên mất lời thề, và cô ta đã bị bỏ rơi."
Hình như hiểu được lòng tôi, cô tôi chỉ mỉm cười
- "Không phải thế đâu cháu, đâu phải trái đất này chỉ đầy những con người phản bội. Nếu thế thì làm gì có chuyện hai hồn ma hiện về dưới bóng cây thông mỗi đêm trăng sáng."
- "Không phải thế đâu cháu, đâu phải trái đất này chỉ đầy những con người phản bội. Nếu thế thì làm gì có chuyện hai hồn ma hiện về dưới bóng cây thông mỗi đêm trăng sáng."
Tôi cũng mỉm cười, trở lại với câu chuyện dang dở của hai cô cháu:
- "Vâng, có lẽ cháu nhìn đời không được bình thường thôi cô ạ. Thế chuyện làm sao nữa hả cô?"
Cô tôi nhắp một ngụm trà rồi hắng giọng kể tiếp:
- "Những năm sau cuộc chiến, bao nhiêu chuyện xảy ra thật là bi thảm
cho nhiều gia đình người dân miền Nam, cho nên, nhà con bé An, cũng là
một trong những cảnh đáng thương mà cô nhìn thấy. Người yêu của nó sau
khi ra trường, được đổi về một đơn vị ngoài Ban mê Thuộc, chính là điểm
khởi đầu cho cuộc tiến công vào miền Nam , và anh ta không bao giờ trở
về nữa cháu ạ. Nghe nói khi hay tin anh ta chết, con bé An có đi tìm đến
gia đình anh ta, nhưng hầu như chẳng bao giờ còn có hy vọng tìm được
xác người lính ấy nữa. Thật tội nghiệp! Từ đấy, con bé như người mất
hồn, bố lại bị đi cải tạo, được vài năm thì chết trong tù, gia đình ấy
tan tác từ đấy. Con bé cứ buồn rầu mãi, người xanh lướt như tàu lá, vì
đời sống ăn uống thiếu thốn, dồn dập bao nhiêu chuyện buồn, cho nên vào
một năm trời Ðà Lạt bỗng trở lạnh hơn mọi năm, tự nhiên nó lang thang đi
ra ngoài lúc ban đêm, về nhà bị cảm lạnh, sưng phổi rồi chết."
Cô tôi ngưng lại như để nén những xúc cảm đang dâng trong lòng cô. Tôi
cũng im lặng mà nghe như trong bóng đêm đầy ắp một nỗi buồn. Tôi nhớ cô
bé An, nhỏ hơn tôi vài tuổi, rất xinh xắn trong chiếc áo len màu xanh
đồng phục của trường Bùi thị Xuân, mỗi buổi sáng vẫn hay đi ngang nhà
tôi, khép nép chào bố mẹ tôi mỗi lần gặp. Bây giờ cô đã ra người thiên
cổ, và gặp người yêu ở bên kia thế giới. Thế cũng là một điều vui, chẳng
hơn tôi và Huy, vẫn còn ăn còn thở mà đời thì như đã nghìn trùng xa
cách... Nhìn ánh trăng mờ ảo ngoài khu vườn đầy bóng cây lay động dưới
gió đêm, nghe hàng thông phía sau nhà reo vi vu trong đêm tối, tôi vẫn
trăn trở với hai chiếc bóng của đôi tình nhân trong ngôi nhà cuối dốc.
Tôi hỏi:
- "Bây giờ gia đình An còn ở đấy không hả cô?"
Cô tôi khẽ thở dài, vẫn đưa những mũi kim nhanh thoăn thoắt dưới ánh
đèn dìu dịu của căn phòng, và tiếng than hồng vẫn tí tách trong lò sưởi:
- "Không, nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đây, để cháu thấy là thế
giới của linh hồn có những điều kỳ diệu mà mình không hiểu được. Cô nghe
kể lại rằng, hồi hai đứa nó yêu nhau, có trồng một cây thông ngay lối
vào nhà, và không biết họ đã hẹn thề với nhau như thế nào, nhưng cây
thông ấy thì càng ngày càng cao lên theo tình yêu của họ. Nhưng từ lúc
anh chàng Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị ấy ra trường, rồi hy sinh ngoài mặt
trận, người ta chưa nhắc tới chuyện hồn ma nơi gốc thông ấy. Chỉ đến khi
con bé An chết đi, người ta vô tình mới phát hiện được hai cái bóng
đứng ôm nhau dưới gốc thông mỗi đêm trăng. Từ đằng xa, rõ ràng có hai
cái bóng trắng quấn quýt dưới gốc thông, người trong xóm về khuya cứ
tưởng là có người đang hẹn hò tâm sự dưới đêm khuya, nhưng đến khi lại
gần thì không nhìn thấy gì nữa, hai cái bóng đã biến mất. Không phải một
lần mà người ta đã tin, nhưng đã có nhiều người nhìn thấy rồi, cho nên
dù không tin cũng phải tin, có người còn mua cả hoa thơm và nhang đèn để
cầu cho đôi bạn ấy được siêu thoát."
Nghe cô tôi kể tới đây, tự nhiên tôi cũng phải rùng mình, và càng cảm
thương cho một mối tình chung thủy, đẹp tuyệt vời của đôi tình nhân,
huống gì cô bé An lại là người hàng xóm của tôi ngày xưa. Cô tôi lại
tiếp tục kể:
- "Thật tội nghiệp cho những người tuổi trẻ yêu nhau thời chinh chiến.
Linh hồn họ bị những lời thề ràng buộc mãi vào nơi chốn trên trần gian,
cho nên vẫn tìm cách đến với nhau dù đã xa lìa cõi thế. Cuối cùng , sau
cái chết của chồng và cô con gái, mẹ cô An đưa các con về Ðơn Dương làm
rẫy, căn nhà được bán lại cho người khác..."
Tôi tò mò ngắt lời cô:
- "Thế linh hồn đôi tình nhân còn hiện về dưới gốc thông những đêm trăng nữa không cô?"
Cô tôi gật đầu:
- "Vẫn còn, hình như khi sống họ ở đâu, đến khi chết linh hồn chưa siêu
thoát, họ cứ theo lối cũ mà về. Mãi tới khi làm lại con đường cho rộng
hơn theo chỉ thị của nhà nước, phải chặt cây thông vì nó nằm gần vệ rào,
từ đấy đôi tình nhân mới thôi trở về với nhau. Nhưng tội lắm cháu ạ,
hôm đốn cây thông cô cũng ra xem, trời cứ âm u suốt ngày hôm ấy, lúc cây
thông được đốn ngã xuống những giòng nhựa tươm đầy dưới gốc thông. Nó
màu đỏ cháu ạ, đỏ xậm như máu, thay vì màu nâu nâu như thứ mủ thông cháu
thường thấy, mủ cây thông này lại màu đỏ. Nhìn nó cô cứ tưởng như những
giòng máu đỏ của chàng trai Võ Bị năm xưa đã nằm xuống khi tuổi còn
thanh xuân, và cho một lời thề còn dở dang..."
Nghe cô tôi kể tới đây, tôi rợn cả người, trong khi ấy bên ngoài khung
cửa sổ, tôi nhác thấy những bóng thông oằn oại dưới ánh trăng. Ðêm Ðà
Lạt rét mướt, ẩm ướt những sương khuya, tiếng thông reo như một bài tình
ca bất tận, những chiếc hoa than vẫn lách tách trong lò sưởi, bỗng dưng
tôi nghe như có những giọt nước mắt ngậm ngùi rơi âm thầm trong bóng
tối của một đêm tôi trở về Ðà Lạt.
* * *
Bây
giờ ở xứ người, tôi vẫn nhìn thấy những bóng cây thông Ðà Lạt năm xưa .
Mỗi mùa Xuân sang, trời ấm áp, những chiếc hoa thông đầy phấn vàng,
những bóng nắng lấp lánh trên ngọn thông, tôi vẫn nhớ về Ðà Lạt và câu
chuyện tình của cô bé tên An với chàng trai Võ Bị.
Cú điện thoại của người bạn cũ và câu chuyện gặp lại Huy với chiếc chân
đi khập khiễng, làm lòng tôi mơ hồ nhớ lại chuyện mình năm xưa. Và tôi
cũng chợt nhớ đến thời con gái còn ngây thơ, tham gia trong một tổ chức
thiện nguyện của nhà thờ, tôi và cô bạn cũ thường hay dành những chiều
thứ Bảy để đi thăm những người thương binh trong quân y viện. Lần ấy,
chúng tôi đã bị từ chối bởi một người sĩ quan trẻ cụt cả hai chân , mặt
xanh lướt , đắp một tấm chăn mỏng trong phòng dưỡng thương của bịnh
viện. Anh nằm yên lặng, đôi mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà, tấm chăn đắp
cho thấy anh chỉ còn hơn nửa phần trên của cơ thể. Khi thấy chúng tôi
ngỏ ý thăm anh, anh quay mặt vào vách tường và bảo người lính đóng cửa
phòng lại. Tôi còn nhìn thấy trên khuôn mặt xanh lướt ấy, đôi mắt anh
như chất chứa một đám mây đen tuyệt vọng.
Bây giờ khi tôi chợt hiểu về lá thư tuyệt tình của Huy gần ba mươi năm
trước, thời gian trôi đi khá lâu để tôi không còn cơ hội tìm gặp chàng ,
để cảm tạ ân tình cao đẹp của người trai Võ Bị năm xưa, khi anh cũng
mang mặc cảm giống như người thương binh bị cụt chân nằm trong Quân Y
viện, không muốn bắt người yêu hy sinh và chia xẻ gánh nặng với mình
trong suốt nẻo đường trần. Anh đã chịu mọi thiệt thòi, mất mát nhất của
người trai trong thời ly loạn, kể cả việc bị tôi nguyền rủa anh là kẻ
bạc tình , và đã quên anh như quên một chiếc bóng bên đường.
Không biết tôi có nên tìm lại anh để nói những lời giải bày cho một
chuyện tình ngày trẻ tuổi. Có lẽ cũng không nên gặp lại khi cả hai đã có
một cuộc đời riêng, như định mệnh đã xô đẩy hai đứa về hai phương trời
khác biệt. Nhưng tôi biết rằng từ hôm nay, tôi vẫn yêu Ðà Lạt, vẫn giữ
mãi trong lòng những ngọn thông xanh Ðà Lạt năm xưa, khi ngồi với Huy
dưới một gốc thông trong khu rừng Ái Ân, bên bờ hồ Than Thở.
(Thân tặng các bạn của tôi, khóa 25 VBÐL.)
Quà Giáng Sinh
Gởi tặng em đôi mắt,
Thay món quà Giáng Sinh...
Dẫu sau nầy không gặp,
Anh vẫn luôn bên mình !!
Đôi mắt em lấp lánh...
Sao thiếu nụ cười tươi ?
Vì khi cho mắt ngọc,
Anh bỏ em về trời !!
Ngàn vì sao soi sáng ...
Mừng Chúa đêm Giáng Sinh,
Anh như cùng em ngắm,
MÓN QUÀ GIÁNG SINH
Rớt viết chì nè. Thằng Nhóc tóc cháy nắng, nước da bánh mật, gương mặt gầy gò hiền hậu đứng cạnh bức tường đang cầm trên tay cây bút chì vừa rơi từ cửa sổ của ngôi nhà màu trắng.
– Mình không xuống lấy được, bạn để nó ở trước cổng được không.
– Ờ.
Nó biết con bé ở căn nhà màu trắng từ lâu lắm rồi. Con bé xinh lắm,
chiều nào cũng đứng ở cửa sổ ra điệu là hít thở gió trời. Con bé không
bao giờ bước chân ra khỏi nhà, người ta nói nhỏ bị mù từ lúc má nhỏ mất,
còn lý do rõ ràng nó không biết. Mỗi ngày đi bán vé số về nó chỉ muốn
nhìn thấy tóc con bé bay bay. Từ hôm nhặt cây bút chì nó cứ thắc mắc là
nhỏ đó không thấy, dùng viết chì làm gì và nó cũng muốn nói chuyện được
với nhỏ. Rồi một ngày, hai ngày, ba ngày… một tuần. Ô cửa vẫn không mở,
lòng nó cứ rối bời chẳng lúc nào yên.
– Ê Thiên mày nhớ con nhỏ tiểu thư nhà lầu trắng đó hả.
– Kệ tao. Nó cứ quạu lên mỗi khi tụi bạn cứ hỏi đến nhỏ đó.
Nó không hiểu sao cứ lại có cảm giác là lạ, trong lòng khó chịu. Trong
đầu nó cứ luôn hỏi tại sao con bé không mở cửa sổ. Nó bệnh? Hay nó
chuyển nhà… Ui bực mình quá!!! Sấp vé số sáng giờ còn nguyên, nó cứ ngồi
dứơi gốc cây bàng đối diện căn nhà trắng đó mà không biết thời gian
trôi qua. Đã hơn 10 ngày rồi, nó từ bỏ ý đinh chờ đợi ô cửa sổ đó mở ra.
Nói vậy chớ ngày nào đi bán về nó cũng nhìn lên lầu cửa sổ màu hồng cứ
đóng im lìm gần 1 tháng nay.
Hôm nay bán hết sớm, nó ngồi dưới gốc bàng nhìn lên lầu đầu óc miên man.
– Anh bán vé số, còn vé số không? Bán cho em 1 tờ.
Nó giật mình ngước lên nhìn con bé mặc váy hồng đang mỉm cười với nó.
Nó tưởng nó đang mơ, chưa bao giờ nó đứng gần với con bé tiểu thư như
lúc này, phải mất mấy giây nó mới lấy lại tinh thần.
– Hết hồn, bán hết rồi. Bé mua làm gì?
– Hì, dì giúp việc nói ngày nào anh cũng ngồi ở đây. Với lại hôm bữa anh nhặt dùm em cấy viết chì nên muốn cám ơn anh.
Nó gãi đầu cười hì. Có gì đâu, à bé tên gì dzậy?
– Mai – mai trong nghĩa của ánh sao mai đó anh.
– Ừa, biết rồi. Thôi trể rồi, về nhà đi tui dắt lại cổng, đứng đây không tốt đâu.
– Dạ, em cảm anh chuyện hôm trước. Cây viết chì đó của mẹ em cho hồi em học lớp 7.
Con bé chìa tay ra, nó lúng túng không biết sao, chùi tay vô quần nó
đưa tay ra rồi rút vào, thấy nhỏ chờ lâu nên nó liền chạm nhẹ tay nhỏ
luôn. Bàn tay nó lạnh ngắt mồ hôi tuôn ra làm nó thêm ngại.Tay nhỏ ấm
lạ, mềm mại, trắng ngần.
– Tay anh đổ mồ hôi nhiều ghê. Con nhỏ cười, nụ cười đẹp lạ lùng. Nó vội rụt tay chùi vô quần rồi lại e dè nắm tay nhỏ.
Từ bên này sang bên kia đường sao lâu ghê luôn, tim nó đập nhanh dữ
dội. Trước cổng, cô giúp việc đã đứng chờ, nó chùi 2 tay rồi cong giò
chạy mất. Đêm về nó không ngủ được, nó cứ nhớ lúc nhỏ cười với nó – ánh
mắt ngây thơ mà vô hồn. Nửa đêm nó vẫn ngồi ở ngoài hiên tay cầm tờ giấy
A4 vẽ hình nhỏ. Nó chẳng được ăn học, nhưng có tài vẽ rất đẹp. Mỗi
đường nét nó phác họa đều có hồn lạ thường. Nó vẽ hình lúc nhỏ cười nhìn
y như hình chụp.
Nó trang trí bức
tranh thật đẹp để mai tặng cho nhỏ. Nó tranh thủ bán hết sấp vé số rồi
chạy bán sống bán chết về căn nhà lầu đầu xóm. Nó lén la lén lút, đi qua
đi lại mà không dám bấm chuông. Cuối cùng, hít 1 hơi thật lâu nó mới
dám đưa tay lên nhấn chuông… Kính kông… kính kông…. Đợi lâu quá nó lại
ấn thêm lần nữa không thấy ai ra nó định đi về thì có người gọi.
– Ai đó? Tìm ai vậy ạ?
Nhỏ bước ra, tóc thắt bím, váy trắng in hoa thật dễ thương. Nó run quá định chạy luôn, nhưng 2 chân cứng ngắc.
– Ai đó? Sao không nói gì?
– À … Ờ … tui đây Mai.
– Hi, Anh Thiên hả?
– Ủa sao biết tên tui hay dzậy?
– Chuyện nhỏ mà, với lại anh Thiên hiền lành tốt bụng ai không biết
– Trời, đâu có. Tui có cái này cho bé nè.
Nó đưa cho nhỏ 1 khung hình mà trong đó là bức tranh nó vẽ nhỏ.
-Gì vậy anh?
-Ah, đó là khung hình, bên trong tui vẽ em đó.
– Anh vẽ em hả? Hihi cảm ơn anh nha. Chắc anh vẽ đẹp lắm.
– Cũng bình thường à, thôi em vô nhà đi tui về đây.
Nó thấy lòng vui sướng, chưa bao giờ nó vui như lúc này. Lần đầu nó
thấy mình hạnh phúc. Suốt 17 năm sống trong căn nhà lá ngày thấy trời,
đêm thấy sao, quanh năm nghe tiếng chửi nhau của ba má, nó có biết gì là
hạnh phúc. Má nó người đàn bà khắc khổ quanh năm quải gánh hàng rong
rùi hết mọi nẻo đường trong thành phố bán từng bịch chè. Người đàn bà đó
ngày xưa là con nhà giàu, xinh đẹp và chạy theo tiếng gọi tình yêu giờ
đây phải sống với ông chồng nát rượu. Nó cũng không hiểu vì sao mà nó từ
bỏ gia đình để theo ba nó đến nơi thị thanh này, nó chỉ biết từ lúc
mình sinh ra đến giờ này ngày nào nó cũng bị 2 – 3 trận đòn vì những cơn
say của ba nó.
Má nó chỉ cho nó học hết lớp 5 rồi phải nghĩ học càng lúc càng khổ.
Ba nó chỉ ăn nhậu, đá gà, rồi gái điếm, đánh bài… nợ nần chồng chất. Má
nó dẫu thương con đứt ruột cũng đành bắt nó nghỉ học. Nó biết mỗi đêm
bà đều khóc – khóc không thành tiếng. Mỗi khi cơn đau khớp xương hành hạ
bà nằm trên giường xanh xao, mặt hóp lại. Thấy vậy mà lòng dạ nó đứt
ruột xin đi làm ở đâu người ta cũng không nhận vì nhỏ quá, nó đành đi
bán vé số.
Có mấy đứa lớn hơn dụ nó
bán hàng quốc cấm, nó cũng muốn liều kiếm ít tiền, nhưng nghĩ lại lỡ có
gì má nó chết mất. Rồi nó nhìn thấy con bé ở đầu xóm cứ chiều chiều ngồi
ngay cửa sổ ánh mắt vô hồn nhìn về xa xăm. Mỗi ngày nó đều thấy bao ưu
phiền vơi dần khi nhìn thấy con bé đó. Nó ao ước được nói chuyện, được
làm bạn, nhưng nghĩ lại thân phận nó lại thôi mơ mộng. Nói là vậy chớ
sao nó vẫn cứ nhớ mong buổi chiều đi bán về. Từ hôm nắm được bàn tay bé
đó nó càng nghĩ nhiều hơn. Tối về nó cứ ôm lấy má nó hỏi bà những câu
không đầu đuôi.
– Má, con…
– Con sao?
– Mà thôi, má đi ngủ đi.
– Cái thằng, muốn gì thì nói chớ đang nói rồi lại im là sao?
– Con định hỏi má, mà thôi không có gì hết.
– Sao, nói đi.
– Mai mốt con đi học vẽ nghe má!
– Ờ, ờ …
Ngày nào cô bé cũng đợi nó ở gốc bàng. Nó kể cho cô bé nghe về mọi vật,
rằng bầu trời thì xanh, biển cũng màu xanh, nhưng màu xanh đó khác với
xanh của lá cây bàng, rằng cô bé ấy rất xinh, 2 má lúm đồng tiền, còn
mặt tròn tròn dễ thương.
– Còn anh? Anh thế nào?
– Tui hả? Ờ, tui xấu quắc, ốm nhách như ma đói hi hi.
– Đâu có, anh xạo. Cô giúp việc bảo anh nhìn hiền, dễ coi chứ đâu xấu quắc.
Không biết từ bao giờ mà cái xích đu trước ngôi nhà màu trắng đó cứ mỗi
chiều là vang lên tiếng cười ngọt ngào trong vắt. Rồi cái lạnh của mùa
Giáng Sinh đến 2 đứa trẻ mới lớn lại nôn nao.
– Giáng sinh thích gì? Anh mua cho?
– Xưa giờ em không có quà giáng sinh, mà dẫu có em cũng không thấy gì?
– Nói đi, thích gì? Anh mua cho thật mà, sợ không có tiền hả?
– Hi hi đâu có. Anh có tặng em cũng thấy gì đâu.
Bây giờ anh làm đôi mắt cho em là em vui rồi.
Bây giờ anh làm đôi mắt cho em là em vui rồi.
– Lỡ mai mốt không có tui, bé có thấy gì đâu? Ước gì đôi mắt của tui là của bé.
Càng gấn đến Giáng Sinh trời càng lạnh hơn.
Trong căn nhà giàu sang đó
Mai sống như vô hình. Mẹ mất ba lấy vợ khác, mẹ kế ghẻ lạnh với con bé
mù gương mặt giống tạc mẹ. Suốt ngày ở trường khiếm thị rồi về nhà chơi
cùng chị giúp việc. Từ ngày biết Thiên, Mai vui lên nhiều, cô bé cười
nói nhiều hơn trước .
Món quà lần
trước nó tặng Mai cất giữ cẩn thận. Mỗi chiều Mai đều kêu chị giúp việc
dắt ra cổng chờ nó đi ngang qua. Mỗi ngày càng thân hơn, Thiên như đôi
mắt của Mai. Nó kể cho Mai nghe hết tất cả những gì nó biết. Khoảng trời
tâm hồn của Mai ngày càng rộng hơn qua những lời kể của nó.
Giáng Sinh những ngày còn mẹ là thời gian đẹp đẽ và hạnh phúc nhất của
Mai. Ngày đó đôi mắt nhỏ sáng ngây thơ chứ không một màu đen như bây
giờ. Từ ngày mẹ mất, định nghĩa Giáng Sinh trong Mai không còn nữa cho
đến khi Thiên vẽ lên trong đầu nó 1 Noel có Thiên, có nến, có cây thông,
chuông và quà noel. Từ ngày Thiên hứa sẽ làm một đêm giáng sinh khó
quên nhất Mai vui vẻ hơn hẳn. Dù ngoài trời cái lạnh như xé da, gió thổi
từng cơn rát buốt, đôi môi khô lại trắng bệch. Mai vẫn ngồi xích đu
trước nhà đợi Thiên mỗi ngày. Đôi bạn nhỏ kể cho nhau nghe những gì đang
diễn ra xung quanh chúng.
Đợi Thiên
gần cả tuần mà không thấy. Con bé cứ đứng ngóng trông chân tay lạnh
ngắt. Mấy lần Mai ngất xỉu giữa sân phải đưa vào viện. Trong cơn sốt mê
man cô bé nhìn thấy gương mặt Thiên gầy gò, hiền hậu. Con bé thấy Thiên
và mình đi chơi lễ Giáng Sinh ở khắp các nhà thờ gần đó, bàn tay Thiên
ấm áp chứ không lạnh toát đổ mồ hôi như lần đầu tiên chạm tay vào Mai…
– Mai, con tỉnh chưa dậy – Cô giúp việc lay cô bé
– Dạ con dậy rồi. Anh Thiên không tới hả dì?
– Ờ, chắc Thiên bận việc. Thôi con uống thuốc đi nè.
Cô bé nằm thiếp đi rồi lại nhìn thấy bóng dáng mơ hồ của Thiên giữa một ngày giáng sinh Hạnh phúc.
Người ta nô nức trang hoàng nhà cửa, treo đèn và trang trí cây thông để chuẩn bị cho ngày giáng sinh.
Khắp khu phố sáng rực lên ánh đèn. Mai cũng tự mình chuẩn bị 1 lễ noel
mà 2 đứa ấp ủ. 24- 12 Mai ngồi trước nhà đợi, sự chờ đợi trôi qua dai
dẳng. Cái lạnh buốt thật sự như xé nát trái tim cô bé.
Thiên chưa bao giờ thất hứa, lần nào Thiên cũng giữ lời dù đó là lời
hứa khó nhất. Vậy thì tại sao hôm nay ngày quan trọng mà Thiên lại không
đến. Nước mắt tưởng chừng đã khô cạn từ khi mẹ mất nay lại chực tuông
trào ra nơi khóe mắt
Cô bé ngồi đó
ngôi giữa hàng trăm cây nến và sự lạnh lùng của những cơn gió. Ngoài
kia, người ta cười nói tay trong tay đi khắp con đường, chỉ ở đây nơi
góc tường có 1 cô bé ngồi co ro đôi mắt nhắm nghiền, lạnh quá!…
-Từ từ, từ từ mở mắt ra. Ông bác sĩ già nhè nhẹ tháo băng gạt trên đôi mắt của Mai.
Có một người có cùng giác mạc với cô bé đã hiến tặng khi qua đời. Cô
bé đã phản đối dữ dội khi nghe ai đó hiến mắt cho mình, nhưng tất cả mọi
người đã khuyên. Đêm Noel đó Thiên không đến như lời hứa.
Một năm lặng lẽ như vô tình, trời lại lập đông làm lòng người cô đơn
trở nên tê tái. Suốt 1 năm – 12 tháng – 48 tuần đều đặn như 1 cái đồng
hồ, cô gái mặc váy trắng, mái tóc dài thắt bím đều cầm hoa hồng trắng ra
nghĩa trang. Ngôi mộ được lát gạch trắng sữa, xây đơn sơ, di ảnh là 1
thanh niên 17 tuổi tóc cháy vàng, gương mặt gầy gò hiền hậu. Cô gái nhẹ
nhàng đặt bó hoa xuống, thắp nhang và lấy giấy ra rồi bắt đầu vẽ.
Có trăm ngàn bức họa của Thiên được đặt khắp nơi trong phòng Mai. Ngày
đó,Thiên đã bỏ cô 1 mình vì căn bệnh phổi mãn tính không cứu chữa được.
Trước khi qua đời, Thiên đã hiến tặng đôi mắt của mình cho Mai theo lời
hứa sẽ làm đôi mắt cho cô ấy suốt đời. Món quà giáng sinh đó quá to lớn
đối với Mai. Sự ra đi của Thiên cũng lấy đi nụ cười của cô ấy. Thời gian
cứ trôi qua, Mỗi mùa giáng sinh Mai đều trang trí nhà cửa thắp nến và
đặt hình Thiên ở khắp nơi để cùng đón Giáng Sinh với anh, để cảm nhận
được rằng: Anh vẫn luôn ở bên cô, kể chuyện cho cô nghe và cho cô nhìn
anh, nhìn thấy cuộc đời này bằng chính đôi mắt của anh./.