Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Tiểu Bụt của Mẹ


Niệm Phật
Mẹ hàng ngày niệm Nam Mô Phật,
Kệ theo con từng bước chân vui...
Giúp con khôn lớn nên người,
Trở thành Tiểu Bụt độ đời mẹ cha !
NM

Tiểu Bụt Của Mẹ

Năm nay Ty bước vào cấp ba, cái tuổi dậy thì đã qua và tuổi mộng mơ đang tới. Cậu học trong một ngôi trường cách nhà khoảng hai cây số và sáng nào cũng đạp xe đến trường. Vào ngày sinh nhật thứ mười bảy, ba tặng cậu một điện thoại di động. Ông muốn gọi cho cậu bất kỳ lúc nào ông muốn. cậu biết ba muốn kiểm soát cậu, không phải vì sợ cậu rơi vào những cạm bẫy của tuổi trẻ mà chỉ muốn biết cậu vẫn an toàn. Chiếc điện thoại này rất hay. Bên trong chứa nhiều bài kệ nhắc nhở cậu phải thực tập niềm vui trong giây phút hiện tại. Buổi sáng, đến giờ thức dậy, điện thoại reng lên đánh thức cậu, đồng thời phát lên bài kệ,
Thức dậy hơi thở tinh khôi –
Nụ cười trên môi rạng rỡ -
Từ bi cho hoa sen nở -
Trong tim bát ngát tình thương.
Cậu mỉm cười bước chân ra khỏi giường, thầm cám ơn chiếc điện thoại nhắc nhở phải biết mỉm cười, phải biết yêu thương.
Buổi trưa, cậu đi học về, dẫn chiếc đạp vào vườn dựng ở gốc cậy. Cậu đi vào trong nhà, bữa cơm trưa đã được dọn sẵn. Cậu chào mẹ và ngồi vào bàn ăn. Cậu ít khi quan tâm đến hôm nay mẹ nấu gì bởi vì món nào mẹ nấu cũng ngon. Đến giờ ăn, điện thoại reo, âm thanh lại vang lên,
Bữa nay ăn cơm
Nhìn nhau thương mến 
Dù đi hay đến
Bình yên nơi này
Nắm lấy bàn tay
Truyền nhau hơi ấm.
Ăn bữa cơm, cậu thương mẹ, thương bác nông dân, thương đất trời. Mẹ làm việc vất vả kiếm từng đồng để nuôi cậu. Biết bao tình thương của mẹ đi vào từng hạt cơm, ăn cơm là tận hưởng tình thương của mẹ. Bác nông dân dầm sương dãi nắng, chịu biết bao khổ cực gieo hạt lúa, cấy mạ, rồi lại chăm nom, từng giọt mồ hôi tung tăng trên đồng lúa. Bác thương lúa như con, tình thương của bác đi vào cây lúa, nhờ tình thương mà cây lúa trổ bông. Ăn cơm là tận hưởng tình thương của người làm nên cây lúa. Từ đất, cây moc lên, từ ánh nắng, cây sinh sôi. Đất trời đi vào cây lúa nên nói cây lúa là hiện thân của đất trời. Ăn cơm, cả đất trời đi vào cơ thể, nuôi dưỡng Ty. Bài kệ nhắc cậu hãy trân quý những gì mình đón nhận, những gì người khác đã cống hiến cho mình.
Buổi chiều, cậu đi học thêm. Nhà thầy dạy thêm gần nhà nên cậu chỉ đi bộ, dọc theo những con phố quen thuộc. Chiếc điện thoại lại reng, lần này là một bài kệ khác,
Khoan thai bước trên đường
Lòng dạt dào tình thương 
Hồn nhiên như thơ trẻ
Tâm bồ đề ngát hương.
Cậu đi thoải mái qua từng góc phố. Có phố trồng đầy hoa sữa, có phố đầy những cây phượng vỹ chờ mùa hè mới đơm hoa, có phố vàng rực bởi những cây điệp. Trời nắng nhè nhẹ lát những mặt đường, ráng trời không che nổi những ô cửa sổ và các ngôi nhà có nhiều khu vườn xinh tươi. Cậu đi tung tăng như một đứa trẻ thơ. Tuổi của cậu là tuổi của mộng mơ nhưng hiện tại mà cậu tiếp xúc đã đẹp như mơ rồi, thì đâu cần gì mộng nữa. Đi một hồi cũng tới nhà thầy. Vị thầy khá đứng tuổi rất thương cậu. Vợ thầy không có con nên trong nhà có mấy đứa học trò tới học, cô rất vui mừng. Trong đám học trò, thầy cô thương cậu nhất, thỉnh thoảng có đến thăm nhà và trò chuyện với mẹ cậu.
Buổi tối đi ngủ, điện thoại reng lên,
Tắt đèn đi ngủ sớm
Để dành nguồn năng lượng
Lòng dặn lòng tỉnh thức
Soi sáng suốt đêm trường.
Cậu không hiểu tỉnh thức là gì, chỉ biết đi ngủ sớm có lợi cho sức khỏe, sáng có thể dậy sớm, hơn nữa còn giúp tiết kiệm điện. Bên ngoài phòng ngủ, mẹ đang tụng kinh. Tiếng gõ mõ vang vào trong phòng. Từ khi sinh ra tới giờ, đêm nào cậu cũng nằm ngủ trong tiếng kệ lời kinh. Nhà ít người, ba mẹ chỉ có mỗi mình cậu, cậu làm bạn với tiếng tụng kinh của mẹ. Không biết ông Bụt ngồi trên bàn thờ có hiểu thấu lòng mẹ mà giúp mẹ bớt khổ cực. Cậu chưa hiểu hết vì sao mẹ thích tụng kinh nhưng nghe riết rồi quen, bữa nào mẹ không tụng kinh thì thấy nhớ và biết là mẹ không được khỏe. Cậu lớn lên trong vòng tay nâng niu của mẹ. Đôi lúc cậu ngây ngô giận dỗi mẹ vì mẹ lo cho ông Bụt trên bàn thờ còn nhiều hơn cậu. Lúc nào cũng lau bàn thờ, xá Bụt, tụng kinh, nhiều khi quên cả cậu. Nhưng bây giờ cậu hiểu, niềm tin của mẹ với đức Bụt rất to lớn và giúp ích cho mẹ vượt qua những khổ đau trong cuộc đời.
Một lần đi học trong lớp, cậu bỏ quên chiếc điện thoại, quay lại thì chiếc điện thoại không còn nữa. Cậu bật khóc nức nở. Mẹ hỏi, Con đã thuộc hết bài kệ chưa? Cậu trả lời, Dạ con thuộc hết rồi mẹ ạ. Mẹ tiếp, Vậy con đâu cần chiếc điện thoại đó nữa. Cậu chợt hiểu. Ngày xưa ba mua cho cậu chiếc điện thoại cũng nhằm mục đích giúp cậu học thuộc các bài kệ. Bây giờ cậu có thể đọc làu làu mà không cần đến điện thoại nữa. Cậu hết buồn nhanh chóng. Trước khi ăn cơm, cậu rửa tay. Vừa rửa cậu vừa đọc bài kệ : 
 Rửa sạch đôi bàn tay
 Thương yêu từng phút giây
Bây giờ hãy tiếp xúc
Hạnh phúc đang tròn đầy.
Rửa tay thôi cũng có bài kệ để đọc thì hay thật. Cậu là con trai nhưng có những ngón tay dài thon như là bàn tay mẹ. Mẹ nói, nếu con đi học mà nhớ mẹ thì chỉ cần nhìn vào đôi bàn tay là sẽ nhìn thấy mẹ. Như vậy mẹ lúc nào cũng ở bên cậu, cậu lúc nào cũng được chở che.   
Cậu bắt đầu tập tụng kinh. Nếu ngồi tụng một mình thì không lý thú bằng ngồi tụng với mẹ. Ba cậu thỉnh thoảng cũng tham gia. Cả gia đình ngồi tụng kinh thật hạnh phúc. Cậu hối tiếc sao hồi còn nhỏ không chịu tập tụng kinh sớm hơn. Hồi đó cậu đâu biết tụng kinh vui như vậy. Bây giờ cậu mới hiểu tại sao mẹ lại cưng Bụt, cậu không ganh tỵ với Bụt nữa. Mẹ hay nói giỡn, Bụt ở trên kia là Đại Bụt, còn con là tiểu Bụt của mẹ. Cậu cười và nghĩ lại sự giận dỗi lúc còn nhỏ thật là trẻ con. Từ khi tập tụng kinh, cậu mới có dịp quan sát kỹ gương mặt của Bụt. gương mặt gì mà hiền từ, đẹp đẽ và dễ chịu đến như vậy. Chưa bao giờ cậu thấy Bụt gần gũi như lần này. Cậu nói với mẹ, Mẹ ơi sau này lớn lên con muốn thành Bụt. Mẹ nói, Sao vậy con? Cậu trả lời, Con muốn hiền từ, đẹp đẽ và dễ chịu như Bụt. Mẹ vuốt mái tóc của cậu, Nếu con muốn, chắc chắn con sẽ làm được. Cậu thấy may mắn khi còn có mẹ, nhờ mẹ mà cậu biết đến Bụt.
Đêm đó ngủ, nằm mơ cậu thấy một tiểu Bụt hiện ra dẫn cậu đi chơi. Vẫn đi trên con đường đến trường, vẫn cây hoa sứ, vẫn cây phượng vĩ, vẫn cây điệp, vẫn thầy cô, vẫn mẹ, vẫn ba. Cậu trở thành một tiểu Bụt như lời mẹ nói. Buổi sáng thức dậy, cậu đem câu chuyện nằm mơ kể cho mẹ nghe. Mẹ cười, Tại con của mẹ có căn tu đó mà. Cậu hỏi, Căn tu là sao hở mẹ? Mẹ nhìn cậu, Là người biết lo tu tâm dưỡng tánh, sống đời thánh thiện. Mắt cậu sáng lên, Hay quá mẹ à, chắc con học xong, con đi tu mẹ nghen. Mẹ nhìn cậu không nói một lời nào. 
Ngày cậu xuống tóc thọ giới Sadi tại chùa Từ Quang, mẹ cậu khóc hết nước mắt. Cậu lo lắng, Sao mẹ khóc nhiều vậy, đấng sinh thành ơi, hãy vui mừng lên, con đã tìm ra con đường đi của mình. Mẹ nắm lấy tay cậu, Mẹ đâu có khóc vì buồn, mẹ khóc vì sung sướng có một đứa con đi tu, con có biết không, tiểu Bụt của mẹ. 
                        Ơn nghĩa đấng sinh thành   
                                                    Muôn kiếp khó trả được  
Như lời thề non nước  
Một lòng cất bước đi.  
Đạo hạnh quyết tu trì  
Khắc ghi lòng thiết tha  
Mai kia con trở lại  
Độ cho mẹ cho cha. 
Sưu tầm 
                    
Đền đáp thâm ân
Trong an
lạc, tâm thản nhiên tu tập,
Đem ân đền, đáp trả nghĩa thâm sâu.....
Không sân si, không tham luyến mong cầu,
Độ cha mẹ luôn bình an hạnh phúc !
Tràng hoa sứ ngát thơm con cúng Bụt....
Hương toả bay dâng chư Phật mười phương,
Đoá sen hồng an trú giữa tình thương...
Nơi cửa Phật con đã tìm thấy Mẹ !!

NM 
Em Bé Mồ Côi
            Bệnh viện Từ Dũ đông nghẹt các bà mẹ ngồi chờ sinh con. Người sinh con đầu lòng, người sinh đứa thứ hai, thứ ba. Các bác sĩ ra vào liên tục. Trong số những bà mẹ ấy, có rất nhiều người mong đứa con chào đời, muốn nhìn đôi tay bé bỏng và đôi mắt ngây thơ, nụ cười trong trắng. Nhiều đứa được sinh ra được cho là con cầu con khẩu, ba mẹ chúng đi cầu nguyện dữ lắm mới có được một đứa con. Cho nên có con là niềm haạh phúc hết sức to lớn đối với họ. Ấy vậy lại có người cố chối bỏ đứa con, không muốn có con, nỡ lòng dứt bỏ máu mủ ruột thịt của mình. Một bà mẹ phải nói là còn rất trẻ, tuổi chưa tới hai mươi. Đôi mắt hớt hải của cô như không tin là mình vừa mới có một đứa con. Cô chạy vụt ra khỏi bệnh viện, trên tay ôm đứa bé nhỏ xíu hãy vẫn còn đỏ hỏn. Cô đón chiếc xe ôm và băng qua những con đường, tay rón rén che nắng cho đứa trẻ mà nước mắt lưng tròng. Bác tài xe ôm gần như hiểu được chuyển gì. Ông vượt những con đường, có đường thì nắng, có đường thì rợp bóng cây xanh. Đứa trẻ vẫn ngủ trên cánh tay non nớt của cô gái trẻ. Xe chạy đến đầu một con hẻm thì dừng lại, cô vội trả tiền xe rồi chạy vọt vào trong. Cuối hẻm là một ngôi chùa nhỏ được che khuất bởi một hàng tre xanh. Cô run run đặt đứa trẻ dưới gốc cây tre, nhìn nó một hồi lâu rồi bỏ đi.
       Cái im lặng của buổi trưa bị xua tan bởi tiếng khóc của trẻ thơ. Một sư chú trẻ bỏ ngang giờ chỉ tịnh, bước ra ngoài xem sự tình thì nhìn thấy một đứa bé còn đỏ hỏn trong bộc khăn quấn vội vàng dưới trời nắng gắt. Ngay lập tức sư chú bồng đứa nhỏ vào và báo cho thầy trụ trì biết. Cả ngôi chùa đều thức giấc, mọi người xúm quanh nhìn đứa nhỏ, không biết con cái nhà ai mà đem bỏ ở trước chùa đây. Đứa nhỏ được đặt tên là Minh Trí và các sư chú thay nhau chăm sóc cho nó. Bên trong sân chùa có nhiều cây sứ, bên ngoài có nhiều hàng tre. Ngôi chùa được tắm mát bởi những bóng râm. Đứa nhỏ lớn lên nhờ cơm chùa và bàn tay chăm sóc của mấy ông thầy tu. Còn nhỏ tuổi nhưng bé hầu như thuộc hết những tiếng kệ lời kinh. Chỉ cần một người yêu cầu đọc một bài kinh nào đó, bé có thể đọc làu làu. Em chưa hiểu nổi ý kinh lời kệ đâu nhưng em được cưu mang giữa chốn thiền môn, được thừa hưởng gia tài, không phải trôi lăn giữa dòng đời đầy nghiệt ngã.
       Hoa sứ nở mùi thơm vang lừng. Em nhặt từng bông hoa sứ, kết thành tràng hoa cúng dường Bụt. Nếu sáng sớm chạy ra sân chùa tập thể dục, em nghe như bông sứ đang hoà ca giữa đất trời vẫn còn sương đêm. Chỉ sau một đêm mà bông sứ rụng đầy. Em nhặt mà không biết mệt. Thà mệt còn hơn không, mai mốt bông sứ không nở nữa lấy đâu có bông rụng mà nhặt. Em lấy một chiếc ly thủy tinh, chế đầy nước và để một bông sứ vào. Bông sứ gần như bềnh bồng trên mặt nước. Cũng là một cách chưng bông. Hương bông ngào ngạt khắp chánh điện cúng dường chư Bụt mười phương. Em không biết có chư Bụt mười phương không, chỉ biết tượng của Bụt hiền từ nhìn em. Sáng em nhìn thấy Bụt, chiều cũng nhìn thấy, tối cũng nhìn thấy. Em không phải là đứa trẻ mồ côi nữa. Em đã có các thầy, có sư phụ, có Bụt, có cây bông sứ, có hàng tre xanh. Em không hề cô đơn mà thấy ấm áp trong những bàn tay. Các thầy là ba mẹ và Bụt là người yêu. Đứa trẻ vụt lớn nhanh như thổi thành sư chú rồi sư thầy. Chú không biết ba mẹ mình là ai nhưng ba mẹ chú thì nhiều lắm. Tất cả chúng sinh đều là ba mẹ, cho nên luôn phải biết chăm sóc và cung kính ba mẹ. Bụt là người yêu tuyệt vời vì Bụt là niềm vui, là tĩnh lặng, là an lạc tuyệt đối.
       Một lần ngồi tâm sự với Bụt. Chú hỏi: “Bụt ơi, con phải làm gì để báo hiếu cho ba mẹ?” Bụt mỉm cười nói: “Không cần làm gì cả.” Chú ngạc nhiên hỏi: “Không làm gì hết là sao hả Bụt?” Bụt nói: “Không mong cầu, không đam mê, không dính mắc, không tham lam, không sân hận, không si mê. Không làm những thứ đó là báo hiêú cho ba me, cho sư phụ, cho các thầy rồi.” Chú hỏi tiếp: “Bụt ơi, vậy con phải làm gì để báo hiếu cho Bụt?” Bụt cười lớn: “Không cần làm gì cả.” Chú lại ngạc nhiên hỏi: “Sao chẳng làm gì cả?” Bụt ôn tồn trả lời: “Con không thấy sao, ta chỉ ngồi đây, có làm gì đâu, nếu lăng xăng làm đủ thứ chuyện thì làm sao trở thành Bụt được chứ.” Chú không hỏi nữa, chú đã hiểu lời dạy của Bụt. Muốn báo hiếu cho ba mẹ, chú phải lo tu tập thì ba mẹ trong chú mới bình an, hạnh phúc được. Muốn báo hiếu cho Bụt hay sư phụ và các thầy, chú phải nhìn vào bản chất Bụt, bản chất sư phụ hay bản chất các thầy trong chú. Nếu bận rộn chạy tới chạy lui, chú sẽ không có thì giờ để báo hiếu cho những người thân thương của mình.
       Một buổi trưa, chú nghe tiếng trẻ thơ khóc bên ngoài. Chú chạy ra, thấy một đứa nhỏ nằm dưới gốc cây tre. Hàng tre tuy già cỗi nhưng vẫn đứng sừng sừng. Gió thổi về bên phải thì nghiêng về bên phải, gió thổi về bên trái thì nghiêng về bên trái nhưng dù gió mạnh cách mấy cũng không quật ngã chúng được. Chú ôm đứa trẻ vào lòng, nó nín khóc ngay lập tức. Chắc nhìn cái đầu trọc thấy ngồ ngộ nên chăm chú nhìn, quên cả nỗi bất hạnh bị ba mẹ bỏ rơi. Vài ngày sau, đứa trẻ thứ hai xuất hiện, rồi đứa thứ ba. Chẳng mấy chốc ngôi chùa tràn ngập tiếng khóc của trẻ thơ. Nếu không nhìn thấy chỉ nghe thôi, người ta sẽ nghĩ ấy chắc là  nhà trẻ. Không biết làm phước gì mà ngôi chùa chú ở thật giàu có, giàu có con cháu. Chẳng có ai lập gia đình mà vẫn có con, đứa nào cũng ngoan, đứa nào cũng kháu khỉnh. Vài năm sau, tiếng ê a thay cho tiếng đọc kinh tràn ngập cả con hẻm. Chú phải làm việc để đủ tài chính nuôi mấy đứa nhỏ. Ban ngày thì dạy chữ cho chúng, ban đêm làm nhang bán kiếm thêm chút thu nhập. Nhìn mấy chục đứa con lớn lên mỗi ngày, chú thấy mừng vui. Sau này chúng sẽ giúp hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi khác nữa. Đông đúc như vậy, mấy đứa nhỏ rất đoàn kết, hoà thuận và thương yêu nhau. Nghĩ rằng sau này chúng sẽ trở thành những Bụt con, chú bất giác mỉm cười. Nhiều cư sĩ biết tin đến giúp đỡ thực phẩm và quần áo rất nhiều. Ngôi chùa trở thành nhà tình thương của trẻ thơ.
 Hai mươi năm sau, vị hoà thượng ngồi thuyết pháp trong chánh điện. Phía dưới hàng trăm Phật tử, thanh thiếu niên và trẻ em ngồi nghe. Thỉnh thoảng vài tiếng chuông ngân lên nhắc nhở mọi người theo dõi hơi thở, an trú trong hiện tại. Ông giảng về đức hiếu hạnh của thầy Mục Kiền Liên. Cho dù ba mẹ đối xử thế nào với con cái, bản thân đứa con chỉ biết yêu thương và báo hiếu cha mẹ của mình thôi. Sau buổi thuyết pháp, một nữ Phật tử lớn tuổi đến dâng hoa cúng dường vị hoà thượng. Ông chắp tay xá chào và đưa tay đón lấy, cánh tay lộ ra ngoài để lộ một cái bớt dài. Người đàn bà giật mình bật khóc làm rơi bó hoa xuống đất. Vị hoàng thượng gần như hiểu điều gì, ông quỳ xuống dưới chân người đàn bà: “Mẹ, con bấy lâu bất hiếu không phụng dưỡng cho mẹ.” Người đàn bà nói: “Con tha lỗi cho mẹ, ngày xưa vì trường hợp bất khả kháng, mẹ phải bỏ rơi con và ra đi. Ơn Bụt đã cho mẹ con gặp nhau trong hoàn cảnh như thế này. Mẹ mừng vì con đã là một cao tăng, biết chăm lo cho bá tánh.”
       Vị hoà thượng mời mẹ ngồi, rót nước cho mẹ rồi cung kính quỳ lạy mẹ. Ông nói: “Cả đời con mang ơn ba mẹ. Nếu mẹ không mang con vào chùa thì làm sao con có cơ hội tu tập, được gặp Bụt, được gặp Pháp, được gặp sư phụ và các thầy. Nhờ thế con có nhiều hạnh phúc và an lạc trên con đường tu tập của mình. Công của mẹ rất lớn, mẹ không có lỗi gì cả. Con thật may mắn được gặp lại mẹ, xin hãy ở lại đây cho con có cơ hội phụng dưỡng mẹ.” Người mẹ già nua nước mắt lưng tròng, đứng dậy đỡ vị hoà thượng bây giờ tuổi đã trung niên đang năn nỉ người mẹ cho phép mình được chăm sóc. Những người chứng kiến cảnh này trong chánh điện không thể cầm được nước mắt. Có ai ngờ vị hoà thượng mồ côi vẫn còn có mẹ, vẫn ở bên mẹ đến cuối đời. Ông khuyến khích mẹ tụng kinh, sám hối và niệm Bụt mỗi ngày. Ông biết ơn mẹ đã mang ông đến chốn thiền môn, bằng không có lẽ bây giờ ông đang bon chen giữa chợ đời. Mẹ ông chuyên tâm tu học, ban ngày chăm sóc mấy chú tiểu, quét dọn chùa chiền, ban đêm tụng kinh niệm Phật hết sức thành tâm. Bà sống đến 90 tuổi và ra đi trong bình an. Bà sinh về cõi trời Đao Lợi. Đứa bé mồ côi ngày nào sống đến 120 tuổi và ra đi trong tư thế kiết già, sau khi hoằng pháp khắp nơi. Các nhà sư do ông nuôi dạy đã lên đến cả trăm vị, các Phật tử đến nghe pháp và tu học ngày càng đông.
Đàm Linh Thất

image

Tuyển Tập Nhạc Phật Giáo Việt Nam

CON LÀ BỒ-TÁT
Vĩnh Hảo
(viết thay những người làm cha mẹ,
và để tặng những thiên thần bé nhỏ trên đời)
TIẾNG GỌI CỦA LÒNG TỪ
Cơn trốt tàn nhẫn quét ngang cánh đồng trống, ngang qua những căn nhà gỗ mong manh, xoáy mạnh và bốc lên cao những người, thú, đất đá và cây cối…, rồi vô tình thả xuống lại trên những đồng cỏ và mặt đất xác xơ. Trốt qua rồi, không gì còn nguyên vẹn. Trên những dặm vuông dài là hoang tàn, đổ nát.
Con người ở đời này vẫn thường phá hoại như thế. Chỉ vì những cái tên, người ta vô tâm, lạnh lùng hãm hại và làm tổn thương kẻ khác. Cái tên đối với một số những người lớn, không đơn thuần là cái tên để gọi và để phân biệt giữa người này với người nọ; mà trở thành mục tiêu để theo đuổi những thành quả ở đời đến nỗi có thể dẫm đạp lên sự thật, đánh mất niềm tin về nhân-quả, vô ân bạc nghĩa, và không còn lòng trắc ẩn đối với nỗi khổ của con người.
Con của ba mẹ không như thế. Con không có khái niệm gì về một cái tên và giá trị phân biệt nào của nó. Khi gọi “ba ơi, mẹ ơi!”, con gọi với lòng thương yêu và nhu cầu thương yêu của con. Tiếng “ba,” tiếng “mẹ,” không phải là những cái tên mà là những ký hiệu của thương yêu. Mỗi lần nghe con gọi “ba, ba ơi!”, hay “mẹ, mẹ ơi!”, ba mẹ rung động cả tâm can. Dường như trọn vẹn cả hồn và xác ba mẹ đều được đánh thức dậy bởi tiếng gọi đó của con. Tiếng gọi đầu đời của con là tiếng gọi của lòng thương yêu, của niềm trắc ẩn. Dù tâm hồn của ba mẹ có băng giá đến đâu, dù ba mẹ có là những người vị kỷ sống trên đời không làm lợi ích cho ai, nhưng nghe tiếng con gọi là tất cả lòng thương yêu được trỗi dậy, và tính vị kỷ liền tan biến ngay. Tiếng gọi của con chẳng khác gì ban cho ba mẹ niềm vui và lòng thương tưởng đến kẻ khác.
Con đã nhắc nhở ba mẹ thế nào là lòng từ bi, con có biết không?
KHOAN DUNG, THA THỨ
Người ta thường có khuynh hướng tự tha thứ: dễ dàng xí xóa cho bản thân nếu làm phải điều lỗi lầm gì; nhưng lại quá khe khắt, quá cố chấp đối với những lỗi lầm của kẻ khác. Có khi chỉ vì một vài lỗi nhỏ mà những người thương nhau đã không nhìn mặt nhau trong một thời gian dài, hoặc vĩnh viễn xa nhau. Có khi vì những sai lầm của ai đó, người ta giận ghét lây đến nhiều người khác. Có khi lỗi lầm của thế hệ trước lại trút những hậu quả hận thù và khổ đau đến nhiều thế hệ sau. Có khi đã tỏ ý ăn năn và xin lỗi về những sai lầm đã phạm, không tái phạm về sau, vẫn bị người đời đay nghiến, nguyền rủa và nhắc tới nhắc lui suốt đời. Có khi miệng nói xin lỗi mà lòng chẳng ăn năn, việc sai lầm cứ lặp lại, từ sai lầm nhỏ tiến đến những sai lầm trầm trọng hơn, thương tổn đến nhiều người, nhiều thế hệ khác. Người ta dễ dàng kết án, luận tội, phán xét về lỗi lầm của kẻ khác, không khoan dung tha thứ cho ai, ngoại trừ cho chính bản thân.
Con của ba mẹ không như thế. Trong khi ba mẹ luôn la trách, điều chỉnh những điều con làm không đúng thì con luôn luôn là người lắng nghe, sửa đổi. Những điều gọi là lỗi lầm mà ba mẹ dạy con, yêu cầu con đừng tái phạm, chẳng qua là vì không đúng với ý của ba mẹ và xã hội. Ba mẹ đã lấy đi sự hồn nhiên trong trắng của con bằng những hình phạt, không cho ăn, không cho chơi, giới hạn những điều con thích, có khi là phạt đòn (dù chỉ là những đòn khẽ nhẹ nhàng), để cho con phải khóc, phải giận… Nhưng liền sau đó, con đã vui đùa trong thế giới hình tượng và đồ chơi của con. Dường như sống ở đời này, ba mẹ nào cũng cho rằng mình không có lỗi, và chưa hề biết xin lỗi ai, huống gì xin lỗi con. Ba mẹ chỉ biết dạy con phải chịu lỗi và vòng tay xin lỗi. Ba mẹ chưa kịp tha thứ cho con thì con đã biết tha thứ cho ba mẹ. Con không bao giờ giữ lâu trong lòng những điều bất mãn, không như ý. Con không bao giờ để tâm về những sai lầm và các hành vi quá đáng của ba mẹ hay của người khác. Chung quanh con, trước mắt con là thế giới thơ mộng, đẹp đẽ, đầy những điều kỳ diệu và khám phá mới. Con khóc đó, nhưng rồi con cũng cười đó. Nụ cười ngây thơ rạng rỡ của con, ánh mắt trong veo của con, bàn tay thiên thần nhỏ nhắn của con, tất cả những thứ ấy đã xoa dịu và đánh tan đi những ưu tư phiền muộn của ba mẹ.
Con đã nhắc nhở ba mẹ về lòng khoan dung, tha thứ, con có biết không?
BUÔNG XẢ
Thế giới người lớn thường bày vẽ những trò chơi huyễn mỵ. Từ ngàn xưa đến ngàn sau, người ta hăm hở mong được trưởng thành sớm để thực hiện những hoài vọng, cao vọng; tùy theo sở thích và khả năng, khuynh hướng và địa vị, chọn lựa những lý tưởng và mục tiêu riêng hay chung, cho cá nhân hoặc cho những tập thể cùng quan điểm hay lối sống, cùng tôn giáo hay đảng phái, cùng quốc gia hay sắc tộc; để rồi, ức hiếp, chèn lấn, cạnh tranh, đày đọa, giết hại lẫn nhau… Nhân danh những đấng thiêng liêng, những nhà lãnh đạo tối cao, những chính nghĩa cao tột, con người tự cho mình quyền hạn cướp đoạt sở hữu và mạng sống của kẻ khác. Tất cả những tham vọng thâm căn cố đế của lịch sử loài người, từ nhiều thế hệ di truyền và tiếp nối nhau, kết tập thành một cọng nghiệp bao trùm thế giới, tác động lên toàn bộ cuộc sống của người xưa, người nay. Trong cái khung kiên cố trói chặt cuộc đời với hỗn loạn, đấu tranh, bất an và thống khổ, con người tuần tự sinh ra và lớn lên, không thắc mắc hoài nghi về ý nghĩa đích thực của cuộc tồn sinh này. Bên dưới những bàn thờ, bàn họp, bàn tiệc, bàn làm việc, bàn cân, bàn toán, bàn cờ… là những bàn đạp để con người ngoi mình lên, dìm kẻ khác xuống. Lềnh bềnh trong vũng lầy trần gian là những âu lo, hãi sợ, trăn trở, thao thức, bất đắc chí, hy vọng, thất vọng… và phiền não triền miên…
Con của ba mẹ không như thế. Con có mặt không phải để tom góp, chiếm hữu. Những gì ba mẹ sắm sửa và ban tặng con, muốn con hiểu rằng đó là những sở hữu của con, con không bao giờ nắm giữ, bám chặt. Đối với áo quần, giày giép, đồ chơi, ba mẹ cố gắng dạy con sự phân biệt để cân nhắc lợi-hại, hơn-thua, đắt-rẻ, nặng-nhẹ… nhưng trong mắt con, tất cả cũng chỉ là những món vật bình đẳng, không hơn không kém. Con có thể cầm nắm, hân thưởng và giữ làm của riêng trong một thời gian ngắn, nhưng rồi con cũng buông bỏ tất cả. Điều quan trọng nhất trong đời con, chỉ là nụ cười của ba mẹ và những người chung quanh. Con chỉ cần được thương và trao gởi tình thương của con. Thế giới của con không có sự cạnh tranh, không có những nỗ lực để chiếm hữu, cho nên cũng không có những phiền muộn, tân toan. Một ngày vui chơi, đêm về nằm nghe kể chuyện, và đánh một giấc ngủ vô tư vô lự.
Con đã nhắc nhở ba mẹ về sự buông xả, con có biết không?
BAN TẶNG
Khi không thể hoàn thiện phẩm cách của chính mình, người ta thích soi mói lỗi lầm, khuyết điểm của người khác. Dường như nói lên điều dở của ai đó sẽ khiến người ta thấy mình tốt đẹp hơn. Thói quen này không sửa đổi được gì cho người khác, nếu thực sự là họ có những khiếm khuyết, mà cũng khó để cải thiện nhân cách của mình. Nó khiến người ta thù ghét, ganh tỵ thay vì thương yêu; đố kỵ, ghim gút thay vì vui vẻ tha thứ; cố chấp, khư khư thành kiến thay vì bao dung, buông xả. Những suy nghĩ, lời nói và hành động của thế giới người lớn thường đi theo vết mòn hướng ngoại: thấy cái sai khuyết của người, chê bai châm biếm điều lỗi của người, cạnh tranh với người khác để mình được trội hơn. Tưởng như vậy là đóng góp xây dựng cuộc đời, mà kỳ thực chỉ là những vọng động của bản ngã, chỉ mang lại xung đột và phá hoại.
Kinh nghiệm của các bậc hiền trí cho thấy sự cải thiện nào cũng phải bắt đầu từ nội tâm, từ chính mình. Sửa đổi mình trước khi góp ý cải cách xã hội, sửa đổi con người. Chúng ta không thể sửa đổi kẻ khác điều mà chúng ta không thể sửa đổi.
Có lần con đang ngồi xếp các ô hình bỗng ngừng lại, ngước nhìn ba. Con nhìn ba thật lâu, ba biết, nhưng ba vẫn phải cắm cúi làm việc. Con đã đến bên ba, níu lấy tay ba, “ba ơi, chơi với con.” Ba nhăn mặt nhíu mày, “ba đang làm việc, con không thấy sao?” Lúc đó ba nghĩ con ích kỷ, chỉ biết vòi vĩnh, bắt ba phải ngưng việc để chơi với con. Ba có ý thầm trách con. Nhưng con vẫn nài nỉ, “ba, đừng có làm việc nữa, ba chơi với con.” Ba bắt đầu bực bội, nói giọng không được nhẹ nhàng với con, “ba cần làm xong việc này trong ngày hôm nay. Con chơi đi.” Con không chịu thua, dạt hai tay ba sang hai bên, lèn vào ở giữa, chắn ngang ba và bàn phím, “ba chơi với con, đừng có làm việc nữa.” Ba gần phát cáu, “con, đừng có như vậy, để ba làm việc; khi nào xong ba sẽ chơi với con.” Nhưng ngay sau câu nói đó, nhìn đôi mắt khẩn khoản và đầy tình thương của con, lòng ba lắng xuống, lời ba dịu lại, “con… con muốn chơi gì?” Hai bàn tay nhỏ nắm lấy hai cổ tay ba, con cố sức kéo ba ra khỏi bàn làm việc. Ba miễn cưỡng theo con, rời thế giới của người lớn. Ba hỏi lại, “con muốn chơi gì đây? Trốn-tìm, vật lộn, hay cưỡi ngựa?” Con tròn mắt nói “ba mở nhạc lên, nhảy.” Ba hơi khựng, lại hỏi “nhạc nào, con thích bài nào?” Con chỉ vào cái máy hát, “ba bấm lên đi, nhạc đó.” Ba uể oải bước đến máy, bấm. Nhạc lên, con níu lấy tay ba, hét lớn “nhảy, nhảy, ba nhảy đi!” Rồi không chờ ba nhảy, con nhảy trước làm gương. Bước nhảy, điệu bộ đôi tay và đôi vai của con không theo bất kỳ thể điệu nào của các điệu nhảy thông thường. Chẳng phải cha-cha, bebop, slow, soul, tango, disco, hip hop… Chẳng phải điệu nào của thế giới người lớn. Nhịp nhàng theo nhạc, con bước những bước nhẹ như mây, đôi tay như đôi cánh múa lượn uyển chuyển. Ba sững sờ nhìn con trong giây phút. Chưa bao giờ ba cảm nhận nhạc điệu và bước nhảy hòa quyện với nhau kỳ diệu, bất phân như con đang trình diễn. Con học từ đâu, ba tự hỏi. Không từ đâu cả. Không phải cái gì hay thì đều học từ người lớn. Con chỉ biểu hiện thể cách của một thiên thần, không có định kiến, không có những nề nếp và thói quen, không có những công thức và khuôn khổ của thế giới người lớn mà ba kinh qua. Ba cố gắng bước theo con, nhưng chỉ là những bước vụng về, nặng nhọc. Ba nghĩ ba có thể như nhà văn nọ, nơi bãi biển lộng gió, ở tận cùng của tuyệt vọng mất mát, học nhảy từ Zorba, con người ngang tàng lịch lãm—nhân vật chính trong tác phẩm của Nikos Kazantzakis, nhưng ở đây, ba không thể học bước nhảy của thiên thần. Điệu nhảy của con không thông qua trường lớp nào, con người nào. Con vừa nhảy vừa cười rạng rỡ, đôi khi có vẻ chìm đắm lặng lờ trong tiết điệu. Từ bản nhạc này, lại tiếp qua bản khác, con nhảy liên tục. Nhạc điệu nào con cũng có cách biểu đạt riêng của con. Hết đĩa nhạc, ba ngồi bệt xuống sàn, im lặng ngắm nhìn con. Nài nỉ ba mở đĩa nhạc khác không được, con nhào tới vật ba xuống, đùa giỡn, cù lét. Chúng ta chơi với nhau như con nít đồng trang lứa. Mệt mỏi, đổ mồ hôi, con nằm lăn trên sàn nhà, mỉm cười nhìn ba một lúc, rồi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.
Ba hiểu rằng con rủ ba chơi đùa không phải vì con, mà vì ba. Con thương ba sao cứ ngồi cặm cụi làm việc với vầng trán nhăn, nhíu. Con thương ba không biết thư giãn, vui đùa. Con thương ba không biết thỉnh thoảng dừng lại, hát lên những bản nhạc mình thích hoặc chỉ nghe nhạc và nhảy… Con đã ban tặng ba những gì ba không có hoặc đã quên lãng.
Gần một giờ đồng hồ buông hết công việc, múa nhảy và chơi đùa theo con, ba nghiệm ra rằng, nhiều khi người lớn tưởng là không có gì để ban tặng cuộc đời thì thực ra ai cũng đều có một điều gì đó tốt đẹp để ban tặng; những việc nghĩ là không thể buông xả, đều có thể buông xả; những gì tưởng là không thể tha thứ, đều có thể tha thứ; những ai mình tưởng là không thể thương yêu, đều có thể thương yêu.
Một thiên thần ba tuổi như con, rồi đây sẽ được ba mẹ, học đường và xã hội dạy cho chữ nghĩa, con số, màu sắc, âm thanh, hình tượng, mùi vị, cách đo lường, tính toán, phân biệt, suy tưởng, phân tích, kết luận… để rồi con sẽ trưởng thành như một người lớn trong số hàng tỉ người lớn đã sinh ra và mất đi trên cõi đời này. Người lớn thường tự hào hãnh diện về những thành tựu của họ để dựng nên nền văn minh kỹ thuật hiện đại. Nhưng họ không bao giờ thực sự hạnh phúc, bởi vì họ không bao giờ biết thương yêu, tha thứ và buông xả.
Cho nên, nếu một ngày nào con học được từ đâu đó, sự vinh danh cha mẹ là những vị Phật, thì con nên hiểu rằng đó chỉ là ẩn dụ đầy ấn tượng để nhắc nhở những người con kính yêu và tri ân bậc sinh thành của mình; đồng thời, cũng nhắc nhở những người lớn phải biết học từ thế giới hồn nhiên của trẻ con lòng thương yêu, tha thứ và buông xả.
Nhìn lại chặng đường đã kinh qua, với tâm tư, ý chí và những hành xử rập khuôn theo ước lệ của gia đình và xã hội, chỉ khiến gây thêm tranh cãi, hỗn loạn và khổ đau cho cuộc đời, ba mẹ tự thấy không xứng đáng là những vị Phật. Danh hiệu Phật phong tặng những người không toàn đức toàn trí chỉ khiến ba mẹ thêm xấu hổ. Nhưng con, thiên thần tuyệt vời của ba mẹ, con đã vô tư trao đến ba mẹ những bài học về các phẩm tính cao đẹp mà ba mẹ bỏ quên từ khi bắt đầu làm người lớn. Chỉ ngần ấy không thôi, nếu cần nói một lời nào để cảm ơn con, ba mẹ muốn nói rằng: con xứng đáng được gọi là bồ-tát của ba mẹ.
Vĩnh Hảo

Chắp Tay Niệm Phật_ 

Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác
Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác
Mười hai năm bèo dạt bến sông đời
Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
Biết có còn rụng lá xuống sân tôi

Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ
Ðể niềm đau chảy suốt những mùa thu
Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ
Vẫn còn đây trong ký ức xa mù

Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm
Nên bà con, thân thuộc cũng xa dần
Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá
Khi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân

Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
Ða làm cha che mát những trưa hè
Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
Ða làm người chơn thật chẳng khen chê

Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn

Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly

Ðường tôi qua đã không còn bóng mát
Ngày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuya
Ða ở lại âm thầm ru khúc hát
Ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều

Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớ
Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi
Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể
Chuyện trầm luân của một kiếp con người

Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Ði làm người du thực ở phương tây

Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
Vá tình người rách nát thuở hoa niên
Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.
Thơ Trần Trung Đạo