Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Cây Ngô Đồng xứ Huế

Cây Ngô Đồng xứ Huế
1-  Hai tiếng ngô đồng nghe hết sức nôm na đó lại không phải là những từ thuần Việt mà là âm Hán Việt. Ngô đồng, tên của một loại cây có xuất xứ miền Nam Trung Quốc. Cây Ngô đồng được nhiều người biết đến chủ yếu là qua thi ca, cả thi ca Trung Quốc và thi ca Việt Nam. Được nhắc đến nhiều nhất là hai câu cổ thi,  
Ngô đồng nhất diệp lạc, 
Thiên hạ công tri thu 
(Một lá ngô đồng rơi rụng xuống;Mọi người đều biết tiết thu sang ). 
Đời Đường , nhà thơ Vương Xương Linh khi nói về mùa thu trong cung Trường Tín, một hậu cung thời nhà Hán, đã có những câu tha thiết,  
Kim tỉnh ngô đồng thu diệp hoàng, 
Châu liêm bất quyển dạ lai sương 
( Bên giếng , ngô đống thu vàng lá, Rèm châu không cuốn mặc sương vào ); trong bài Thu hứng thứ tám, nhà thơ Đỗ Phủ cũng nhắc tới cây ngô đồng qua hai câu:  
Hương đạo trác dư anh vũ lạp, 
Bích ngô thê lão phụng hoáng chi 
( Hạt thơm anh vũ ăn rồi nhả ; Cành ngô biếc đậu phượng hoàng già ). 
Trong thi ca Việt Nam, có lẽ cây ngô đồng được nhắc tới sớm nhất trong bài ca dao sau đây: 
Đồng Đăng có phố Kỳ lừa ; có nàng Tô Thị , có chùa Tam Thanh ; Ai lên Phủ Lạng cùng anh …Miệng khấn , tay vái bốn phương chùa này; Chùa này có một ông thầy; Có hàng đá tảng có cây ngô đồng; Cây ngô đồng không trồng mà mọc; Hòn đá tảng không đắp mà cao; Sông kia chẳng có ai đào mà sâu . 
 Nói về Đồng Đăng Kỳ Lừa, có lẽ xuất hiện dưới thời nhà Mạc khi Mạc Mậu Hợp khai phá ứ Lạng Sơn. Nhà thơ Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng có nói tới cây ngô đồng trong những câu:  
Nửa năm hơi tiếng vừa quen , 
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng 
 hay 
Thú quê thuần hức bén mùi . 
Giếng vàng dã rụng một vài lá ngô . 
Khi viết văn tế thập loại chúng sinh, tác giả truyện Kiều cũng nói tới lá ngô đống trong : ngàn lau dặm bạc lá ngô đồng vàng. Sang đến thế kỷ  20, trong bài thơ mang tựa là Tỳ bà có  28  câu, mỗi câu bảy chữ dùng toàn văn bằng của nhà thơ trong phong trào thơ mới Bích Khê cũng có nói tới cây ngô đồng ở hai câu kết: 
Ô hay , buồn vương cây ngô đồng – 
Vàng rơi ! vàng rơi thu mênh mông. 
Nói chung, hình ảnh cây ngô đồng trong thi ca là hình ảnh của mùa thu .
2-   
Theo các tài liệu xưa thì vị vua thứ hai đời nhà Nguyễn là Thánh tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng rất thích cây ngô đồng. Sách cho biết, khi có được hai cây ngô đồng mang từ Quảng Đông về thì vua cho trồng ở hai góc của  điện Cần Chánh trong Đại nội. Sau đó nhà vua lại sức cho Bộ Công chọn người thông hiểu cây cỏ mang theo lá cây làm mẫu lên vùng núi Trường Sơn tìm cây mang về trồng thêm ở các góc điện, vì lẽ ở Việt Nam, các vùng ven núi đều có bóng dáng cây ngô đồng. Không những thế, khi cho đúc cửu đỉnh để …“tỏ ra ngôi vị đã đúng , danh mệnh đã tụ lại… ” nhằm tượng trưng cho đế nghiệp bền vững của nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho chạm khắc trên chiếc đỉnh mang thụy hiệu của mình, tức là Nhân đỉnh. Các họa tiết thể hiện cây ngô đồng mà theo các nhà nghiên cứu thì họa tiết đó chính là hình ảnh cây ngô đồng được trồng ở góc điện Cần Chánh vào lúc cây ngô đồng cỏn trẻ, lá cây còn ở dạng 5 thùy. Vì lẽ đó, hình như không có một thành phố nào ở Việt Nam lại có nhiều cây ngô đồng được trồng hơn là ở xứ Huế; và cũng không nơi nào ở nước ta, người dân quan tâm đến cây ngô đồng hơn là người dân ở vùng cố đô. Đã có nhiều bài viết nói tới cây ngô đồng, hoặc nghiên cứu về cây ngô đồng, phần lớn đều của tác giả người Huế .
3- Các nhà nghiên cứu về thực vật học cho biết núi rừng Việt Nam có nhiều loại cây thuộc họ Trôm ( tên khoa học là Sterculiaceae ) vốn mang hình thái gần giống với cây ngô đồng ở Huế khiến nhiều ngưới nhầm lẫn . Giống cây ngô đồng hiện có mặt tại Huế được nhiều người thống nhất rằng chúng thuộc họ Firmiana simplex , nghĩa là cây ngô đống Trung Quốc được người Tây phương gọi là Chinese Parasol Tree ; parasot là cái lọng hay cái dù , có tác dụng che ánh mặt trời lấy bóng mát , mặc dù thực ra cây ngô đồng không có tác dụng ấy . Trong bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu Huế do trung tâm nghiên cứu Huế xuất bản tháng 12 năm 2003 , tác giả Đỗ Xuân Cẩm cho biết giống cây ngô đồng ở Huế có hai kiểu lá : vào thời gian đầu của thời kỳ sinh trưởng thì lá trên cây hầu hết đều ở dạng 5 thùy ; đến khi cây trưởng thành thì lá chỉ còn 3 thùy hoặc không phân thùy . Trong khi có tác giả nghĩ rằng họa tiết thể hiện cây ngô đồng trên thành Nhân đỉnh được mô phỏng theo hình vẽ các sách thực vật học Trung Quốc thì tác giả Đỗ Xuân Cẩm lại xác nhận rằng đó là nghệ nhân căn cứ vào thực tế cây ngô đồng trồng ở điện Cần Chánh , lúc ấy cây còn non . Phân tích sâu hơn , Đỗ Xuân Cẩm cho biết ngô đồng có hai loại , một loại mọc tự nhiên ở rừng Việt Nam thuộc chi Firmiana simplex phân bố tự nhiên từ Nghệ An trớ ra đến các tỉnh miền nam Trung Quốc , một loại khác là Firmiana colorata Roxb được gọi là ngô đồng đỏ ; cả hai chi ngô đống này đều ra hoa vào khoảng tháng 7 âm lịch ; và trước khi ra hoa , toàn bộ lá ngô đồng lần lượt rụng hết , vì thế khi người ta bảo khi lá ngô đồng rụng thì mọi người đều biết mùa thu đang tới . Các tài liệu đều thống nhất rằng thuộc cả hai chi này , hoa ngô đồng thường tập hợp thành chùm đầy lông có màu trắng hay màu váng . Trong khi đó , chùm hoa ngô đồng ở Huế có đài hoa có long phủ màu tím cho nên khi hoa nở rộ vào khoảng trung tuần tháng hai âm lịch , cả cây ngô đồng được bao phủ bởi một mảng màu hồng tím rất đẹp .Tác giả Đỗ Xuân Cẩm cho rằng cây ngô đồng ở Huế là một biến thể của chi Firmiana simplex với đề nghị hãy gọi chúng là “ ngô đồng Huế ” . Nhìn chung nhiều tác giả nghiên cứu đều chỉ ra rằng những loại cây tương tự như cây vông đồng , cây vông nem , cây vông vang , cây độc bình , cây mã đậu mà có nơi còn gọi là bã đậu …đều không phải là cây ngô đồng mà hiện chúng ta đang nói đến , mặc dù nhiều nơi vẫn còn nhầm lẫn về tên gọi
4-Danh tiếng của cây ngô đồng Huế quả thật đã kéo khá nhiều người đến Huế vào giữa mùa xuân để chiêm ngưỡng hoa ngô đồng. Có người nhận định thực ra cây ngô đồng có dáng không đẹp lắm; tàng thưa, lá ít, tán lá không đủ che bóng mát. Tuy nhiên, vào lúc lá trên cây rụng hết nhường chỗ cho hoa ngô đồng khoe sắc tím thì cùng lúc tất cả các cây ngô đồng sau lưng điện Thái Hòa đều đồng loạt trổ hoa tạo thành hững tán màu lung linh rực rỡ, lặng lẽ nghiêng mình xuống các mái lầu duyên dáng, những cung điện nguy nga…tạo nên một khung cảnh huyền hoặc tuyệt vời. Có người cho rằng chiêm ngưỡng cây ngô đồng đúng lúc nhất là khi hoa đã nở rộ trong nắng ấm buổi sáng ; so sánh hình ảnh những bông ngô đống họp thành một tấm màn hoa màu hồng phấn pha tím nhạt như đuôi con chim phượng đung đưa trong nắng gió nhiệt đới rồi liên tưởng đến những nàng cung nữ đang trình diễn những điệu múa duyên dáng trước mặt đấng quân vương . Có lẽ hình ảnh lộng lẫy của hoa ngô đồng tăng thêm nét huyền hoặc chính nhờ khung cảnh u mặc của cung đình Huế , mặc khác , trong nét trầm buồn của xứ Huế được màu sắc rực rỡ của hoa ngô đồng là, cho cái cổ kính của cố đô càng thêm lung linh. Có thể nói cây ngô đồng đã có một chốn đắc địa để khoe sắc. Và cũng chính vì thế, việc người dân xứ Huế quan tâm đến cây ngô đống là điều tất nhiên.
5-Từ những cây ngô đồng đầu tiên đến ngụ cư ở góc điện Cần Chánh trong Đại nội Huế, đã có nhiều cây ngô đồng được nhân ra, được trồng mới ở nhiều lăng tẩm, đền đài. Dưới thời Pháp thuộc, có một cây ngô đồng được trồng ngay lối vào công viên Tứ Tượng trước khách sạn Saigon Morin trên đường Lê Lợi nhưng đã bị cơn lốc năm 1985 quật ngã. Ngày nay cũng ở công viên Tứ Tượng , dã có thêm hai cây ngô đồng, một cây vươn cao vượt hẳn những loài cây chung quanh được trồng sát trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, một cây nữa nhỏ hơn mới được trống lại ngay cổng vào công viên. Tại công viên Thương Bạc, về phía cầu Tràng Tiền có cả một cụm ngô đồng gồm 6 cây, trong đó cây cao nhất, già nhất ở gần cầu Phú Xuân đã được trồng từ thới Nguyễn Kỳ Sơn làm Giám đốc Công trình Công cộng, 5 cây còn lại được ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh cho trồng về sau này nhưng đến nay cũng đã được chục năm, và có cây bắt đầu trổ hoa. Đã có những nghiên cứu và  đề nghị về việc trồng thêm cây ngô đồng trong thành phố Huế  Với bao danh lam thắng cảnh, với núi Ngự, sông Hương mơ mộng, với lăng tẩm đền đài cổ kính, với không khí u mặc của một cố đô, việc cây ngô đồng được nhân rộng, được trồng quanh vòng thành của Đại nội và dọc theo hai bờ sông Hương  Huế sẽ có thêm một nét duyên mới tạo thành một đặc trưng rất Huế, bằng công sức bão tồn và chăm sóc của con người chứ chẳng phải …không trồng mà mọc .
NGUYỂN ĐÌNH NIÊM  và KHÁNH UYÊN 
 
 Tỉnh giấc Ngô Đồng
Giấc mộng hoàng kim : Ôi, đã xa !
Mà sao vương vấn mãi trong ta...?
Trong mơ lẫn lộn ta, người ấy ,
Huyễn mộng niềm đau mắt lệ nhoà !!

Ngô đồng thôi đã không còn nữa,
Hương xưa phảng phất vẫn đâu đây ?!
Ẩn hiện trong mơ người tìm đến,
Tâm sự, khóc tình theo gió mây !!

Tỉnh giấc bên thềm rêu phong cũ,
Đâu nào áo gấm gót hài xưa ?!
Chỉ sót trong tay màu hoa tím...
Tiếng người thúc giục " Đã về chưa ?!"
NM

Xòe tay hứng giấc ngô đồng

Mẹ kết thúc cuộc nói chuyện duy nhất giữa hai mẹ con về chuyện ly hôn của mình. Tĩnh nhận ra, cuộc nói chuyện giữa những người trưởng thành thường rất khó khăn.
Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì nó bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng.
(Trịnh Công Sơn)
Đêm thanh vắng. Đêm quả thật quá thanh vắng. Cái thanh vắng của một đêm trăng càng dễ khuấy động tâm tư.
Trăng phủ trên tán cây ngô đồng đang mùa trổ hoa. Hoa từng mảng như mây, ánh trăng bám những mảng hoa mây khiến cảnh u u tịch tịch thêm thanh thanh nhã nhã, khó có thể tả bằng lời.
Mỹ nhân ngồi dưới cây ngô đồng, trước mặt là cây đàn tranh. Mỹ nhân lướt đôi tay ngọc trên dây nhưng không gảy không nhấn. Gió qua. Mảng mây hoa rùng mình, những cánh hoa tím phớt dát trăng tả tơi rơi xuống phủ một khoảng sân. Mỹ nhân không ngẩng lên, chỉ cúi đầu nhìn xác hoa mà lẩm bẩm: “Lắc rắc rơi/ Lắc rắc rơi/ Tàn mùa hoa rồi/ Tịch mịch tình tôi”.
Giữa đại nội nguy nga, tầng tầng lớp lớp cung phi mỹ nữ, mỹ nhân chịu cảnh cô tịch như nàng không hiếm, mỹ nhân ôm mộng hóa phượng hoàng đậu nhánh ngô đồng như nàng càng không hiếm. Nhưng nàng, nếu so với cây ngô đồng – loài cây được xem là vương giả chi hoa - nơi góc sân kia, thật đáng thương là không đủ phẩm hạnh.
Nàng chỉ là cung nhân ôm mộng được khâm điểm - một giấc mộng bất toàn. Nàng biết, dù có đánh đến mười ngón tay chảy máu, người mà nàng mong cũng chẳng nghe thấy được một lần.
***
Một ngày giữa tháng hai, Tĩnh quyết định đến Huế sau khi đọc được thông tin về tour du lịch ngắm hoa ngô đồng – loại hoa được mệnh danh là vương giả chi hoa - trong thành nội. Không hiểu sao, vừa nhìn thấy hình ảnh cây ngô đồng đầy hoa mà trang web du lịch đó đăng tải, Tĩnh bị quyến rũ, bất tri bất giác, Tĩnh nhấp chuột đăng ký. Ngày Tĩnh khởi hành chính là ngày anh kết hôn.
Khi Tĩnh và Thái – anh bạn thân - ngồi uống café trong quán nhỏ, Thái có vẻ bất ngờ khi Tĩnh đẩy cho Thái thiệp cưới của anh.
- Gửi dùm mình, hôm đó mình bận đi Huế! – Tĩnh nói.
Thái hết nhìn phong bì rồi nhìn Tĩnh, vẻ ái ngại:
- Ừa, đi cho khuây khỏa!
Tĩnh cười, nụ cười chẳng vướng chút u uất nào:
- Không phải vì buồn mới đi đâu! Mình không yêu ảnh tới mức đó!
- Vậy sao Tĩnh lại…
Đôi mắt Tĩnh lặng lặng, giọng nói cũng theo mắt mà lặng lặng:
- Ảnh nói, trái tim mình… chỉ biết thực hiện đúng một chức năng, đó là luân chuyển máu.
Thái kêu khẽ:
- Tĩnh!
- Ảnh nói mình không biết yêu! – Tĩnh bình thản.
- Tĩnh – Thái lại kêu lên.
- Chỉ cần ở bên nhau, người này không đẩy người kia vào cảm giác phải chịu đựng là được. Nhất thiết phải yêu sao?
Chất giọng đều đều của Tĩnh khiến Thái thấy bất an. Thái hiểu vì sao Tĩnh nói câu đó, Thái hiểu vì sao Tĩnh cảm thấy tình yêu không cần thiết phải có giữa một người đàn ông và đàn bà khi sống chung với nhau.
- Tĩnh – Thái gọi – Có đôi lúc nên để các giác quan làm thế việc của nhau, Tĩnh!
- Chẳng phải mắt sinh ra để nhìn, tai để nghe, não để nhận biết sao? – Tĩnh cười.
- Người ta chỉ cười khi vui đúng không? Vậy sao cậu lại cười khi buồn? – Thái nhìn Tĩnh chằm chằm rồi dịu giọng – Đừng lý trí quá, Tĩnh!
Tĩnh chỉ im lặng.
***
Mới lên mười, từ làng nhỏ miền Nam, nàng nhập cung hầu hạ một vị cửu giai tài nhân. Chủ nhân của nàng có một đôi mắt rất buồn. Nỗi buồn đó lây sang cả nàng. Mỗi sáng mỗi chiều, nàng đều đi lấy nước cho vị cửu giai tài nhân kia tưới cho cây ngô đồng. Có lẽ, chỉ có những lần tưới nước cho cây, nàng mới thấy đôi mắt của chủ nhân vui lên đôi chút. Chủ nhân nàng nói, bà đợi một ngày chim phượng đến đậu nhánh ngô đồng, đợi ngày được vua khâm điểm. Cuộc đời của bà chỉ có một nỗi mong đợi đó mà thôi.
Lúc đó, nàng đã ngây ngô hỏi, đợi đến bao giờ? Nếu ơn trên mưa móc xuống theo cấp bậc thì phải qua nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tân, tứ giai tân, ngũ giai tiếp dư, lục giai tiếp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân mới tới cửu giai tài nhân như bà thì đợi tới bao giờ?
Nàng nhớ rõ vệt sáng lấp lánh trong mắt vị cửu giai tài nhân đó, bà bảo, nàng không hiểu, vì nàng còn bé quá, chưa thấu được chữ tình. Bà vì tình mà đợi chứ không phải vì danh mà cầu.
Nhưng bà chưa từng gặp ngài, nàng vẫn không phục.
Nhưng ngài là người duy nhất ta hướng đến, bà mỉm cười.
Khi nàng hầu quạt bà, bà nói gì đó về bảy nỗi khổ của đời người: sinh – khổ, lão – khổ, bệnh – khổ, tử - khổ, oán hận – khổ, yêu – biệt ly – khổ, cầu không được – khổ. Rồi bà nói, đời người giống như nằm trên hàng ngàn hàng vạn mũi dao, mỗi lần cựa không thể tránh khỏi bị thương tổn, nhưng mà nếu vì sợ hãi mà nằm im, chẳng phải là cuộc đời hóa vô nghĩa hay sao. Rốt cuộc, lời bà nói khi đó, nàng không hiểu, vì quả là nàng còn quá bé.
Ngày qua ngày, mùa qua mùa. Ngô đồng bao lần rụng lá. Những chiếc lá hình giọt lệ rụng đầy một góc cung viện. Người mà vị cửu giai tài nhân đợi, ngay cả dấu hài cũng chẳng thấy đâu.
Nụ cười mỉm của bà không còn. Cái vệt sáng trong mắt cũng dần lịm tắt.
Ngô đồng đã không còn lá để rụng. Ngày toàn thân cây trổ đầy hoa, nụ cười mỉm và vệt sáng trong đôi mắt của vị cửu giai tài nhân kia hoàn toàn không còn tồn tại trên cõi đời.
Lúc đó, nàng cũng đã trở thành mỹ nữ. Trong lần đó, số phận run rủi nàng nhìn thấy vị hoàng tử đó đứng ngắm cây ngô đồng nở hoa trước cung viện. Nhưng trong mắt chàng chỉ có hoa, không có nàng.
Nàng biết, như vị cửu giai tài nhân kia, nàng đang ôm giấc hoang đường. Địa vị của nàng, đừng nói gì là cửu giai, so với tài nhân vị nhập giai còn kém hơn mấy bậc.
Nàng rõ, nàng đang ôm giấc hoang đường, nhưng bắt bản thân phải từ bỏ thì không thể. Vì thế, nàng vẫn mỗi sáng, mỗi chiều tưới nước chăm cây.
***
Tĩnh thong thả hướng về một cung viện trong đại nội, cô vừa nhìn thấy một tán cây ngô đồng đầy hoa nhô lên cạnh mái viện. Tĩnh nhìn quanh, không thấy gương mặt quen nào trong đoàn cùng đi tour. Tĩnh chặc lưỡi, cũng chẳng sao, cô có lưu lại số điện thoại của anh chàng hướng dẫn viên lắm lời.
Điện thoại của Tĩnh báo có tin nhắn. Là của mẹ. Bà sợ cô vì đám cưới của anh mà nghĩ quẩn. “Mẹ yên tâm, con sẽ sống khác mẹ”, Tĩnh nhắn rồi gởi đi. Mẹ cô cũng không nhắn thêm tin nào nữa sau đó. Tĩnh đã ba mươi, cái tuổi đã trải qua không nhiều nhưng cũng chẳng ít những nỗi đau, vì thế… cô sợ làm bản thân mình đau đớn. Cô khác với bà. Vì nếu là bà, cô đã nhanh chóng kết thúc cuộc sống ngày ngày dùng nước mắt rửa mặt đó.
Ba cô ngoại tình. Sau ba mươi năm sống chung, ông bảo, ông không còn chút cảm giác gì với mẹ cô nữa. Ông bảo hãy giải thoát cho nhau. Tĩnh nghe ông nói thế, chỉ cảm thấy ngạc nhiên, hóa ra, ba mươi năm qua, nụ cười, niềm vui của ông với mẹ cô, với cô chỉ là thể hiện của sự chịu đựng.
- Chia tay đi! – Tĩnh nói với mẹ.
- Mẹ không thể!
- Tại sao? Không còn tình yêu nữa mà!
- Chỉ cần mẹ còn là còn!
- Sao mẹ cố chấp vậy? – Tĩnh bắt đầu thấy khó chịu.
- Tĩnh – mẹ gọi cô bằng chất giọng ẩm ướt – chỉ cần con còn yêu thì con còn cố chấp.
- Nhưng ba muốn bỏ mẹ!
- Mẹ biết!
Mẹ kết thúc cuộc nói chuyện duy nhất giữa hai mẹ con về chuyện ly hôn của mình. Tĩnh nhận ra, cuộc nói chuyện giữa những người trưởng thành thường rất khó khăn. Bởi vì, mẹ cô không thể khiến cô gật đầu vâng dạ như ngày còn nhỏ, cô cũng không thể xác nhận những gì mẹ nói là đúng như khi còn là trẻ con.
Mải suy nghĩ, Tĩnh đã đứng trước cây ngô đồng của cung viện đó từ bao giờ.
Tĩnh ngước nhìn, hoa đẹp quá. Toàn thân cây phủ sắc tím hồng. Một cơn gió nhẹ thổi làm thành một cơn mưa cánh hoa mĩ lệ. Bất giác, Tĩnh xòe tay hứng. Một cánh hoa tím phớt hồng nhẹ đậu trên tay cô. Tĩnh từng đọc qua chuyện Phục Hy chế tác Dao Cầm từ cây ngô đồng. Đoạn ngọn thì tiếng đàn quá trong, đoạn gốc thì tiếng quá đục, chỉ có đoạn giữa tiếng mới vừa trong vừa đục, tiếng  đàn hay đến mức hổ nghe nín kêu, vượn nghe nín hót… Tĩnh chạm vào thân cây, cảm nhận sự thô ráp dưới những đầu ngón tay và không khỏi phì cười. Cũng may đời xưa có những chuyện huyễn huyễn mộng mộng nên cuộc sống đời nay, khi nghe lại cũng đỡ khô khô khốc khốc.
Chợt, Tĩnh nghe một âm thanh dìu dặt của nhạc khí phát ra từ bên trong cung viện, sau đó là tiếng hát ngân nga khe khẽ: “Lắc rắc rơi/ Lắc rắc rơi/ Tàn mua hoa rồi/ Tịch mịch tình tôi”.
Tĩnh thấy lạ, lần bước vào cung viện.
***
Sáng nay nàng chải đầu, từ trong gương phát hiện ra tóc mình đã điểm bạc. Nàng không kìm nổi tiếng thở dài. Chờ đợi thật biết cách dày vò con người.
Có lần, nàng đã định thôi, dù gì chủ nhân của nàng đã mất, nàng có xin xuất cung để về sống cuộc đời của nàng cũng chẳng ai đành lòng mà giữ. Nhưng mà, từ bỏ chờ đợi rồi thì nàng sẽ làm gì? Nàng không biết. Chờ đợi có dày vò nàng thật nhưng không chờ đợi thì nàng sẽ héo hon mà chết mất.
Mấy lượt ngô đồng trổ hoa rồi, người vẫn chưa đến. Nàng biết người thích sắc hoa vương giả kia, nhưng nơi cung cấm này, đâu phải chỉ nơi nàng mới có.
Nhìn cây đàn, nàng không kìm được dạo vài tiếng, ngân nga vài câu: “Lắc rắc rơi/ Lắc rắc rơi/ Tàn mùa hoa rồi/ Tịch mịch tình tôi”… Và khi nàng ngẩng lên, đã thấy cô gái đó đứng trước mặt.
- Cô là ai? - Nàng và cô gái đó cùng lên tiếng.
Cô gái đó nhìn nàng, ánh mắt toát lên vẻ lạ lùng:
- Tôi là Tĩnh. Cô ăn mặc lạ quá! Đây là dịch vụ gì? Sao tôi không nghe thấy hướng dẫn viên nói qua?
Nàng nghe không hiểu. Hình như cô gái đó nói nàng ăn mặc lạ lùng, mà nàng cũng thấy cô ta ăn mặc quá đỗi tùy tiện.
- Sao cô tới đây!?
- Tôi thấy cây hoa ngoài kia! – Tĩnh vừa nói vừa trỏ ra ngoài sân.
- Cô thích nó?
Tĩnh gật đầu.
Nàng buột miệng:
- Người đó cũng thích nó!
- Ai? – Tĩnh hỏi rồi nghi hoặc – Người cô yêu sao?
Nàng không trả lời, chỉ mỉm cười.
Hình như cô gái đó hơi ngẩn ra khi thấy nụ cười của nàng:
- Cô cười buồn quá! 
- Cô cũng vậy!
Nàng thấy cô gái đó giật mình. Nàng bước lại gần cô gái đó một bước, chợt ngỡ ngàng vì cô gái đó thật giống với vị cửu giai tài nhân ngày trước của nàng.  
***
- Cô đang chờ người đó? – Tĩnh hỏi.
- Ừ!
- Khi nào người đó tới?
- Không biết!
- Người đó có biết cô chờ không?
- Không biết!
- Vậy cô còn chờ làm gì? – Tĩnh bắt đầu phát cáu.
- Vì nơi đây bắt tôi chờ. – Cô gái đánh đàn trong cung viện chỉ vào trái tim mình.
Tĩnh bật cười:
- Trái tim bắt cô chờ ư? Ý cô là yêu ư? Buồn cười!
Cô gái đó chỉ nhìn Tĩnh, nụ cười mỉm dường như bất di bất dịch:
- Cô có biết vì sao nụ cười của cô buồn không? Vì cô biết thể hiện tình yêu như vậy là đúng nhưng lại ép mình không thừa nhận.
- Cô nói bừa! – Tĩnh quay mặt, mím môi.
Cô gái đó nhẹ bước dần về phía Tĩnh, đặt bàn tay mình lên ngực Tĩnh, chỗ trái tim cô. Tĩnh giật mình khi thấy nơi tiếp xúc đó lạnh ngắt.
- Nơi này của cô, rỗng quá! – Cô gái đó thu bàn tay lại – Tôi sẽ hối hận vì sự chờ đợi cố chấp của mình nhưng sự hối hận của tôi sẽ ít tàn khốc hơn cô.
Tĩnh cau mày:
- Sao cô biết là tôi sẽ hối hận?
- Vì cô không biết là bản thân mình cần tình yêu!
Tĩnh sững sờ.
***
Khi cô gái đó rời khỏi, nàng đã đứng lặng thật lâu. Nàng nhớ tới những sợi tóc bạc nhìn thấy sáng nay khi chải đầu. Có lẽ, nàng có đợi thêm mười năm, hai mươi năm hay đến tận cuối đời đi chăng nữa, chắc cũng chẳng thể nhìn thấy người lần thứ hai.
Nhưng mà, nếu nàng làm điều đó, dù chàng không đến nhưng cũng sẽ biết. Dù cái biết đó có thể chỉ diễn ra trong khoảnh khắc rồi chàng quên, nhưng nàng cũng sẽ làm.
Đêm nay sẽ có trăng. Nếu nàng nhen thêm một ngọn lửa, biết đâu, cái cung viện lạnh lẽo này sẽ trở nên ấm áp hơn.
Nàng nở nụ cười, là nụ cười, không phải mỉm cười.
***
Có ai đó lay vai Tĩnh thật mạnh, khiến Tĩnh giật mình. Vừa thoát khỏi cơn mơ mơ hồ hồ, Tĩnh nhìn thấy gương mặt của anh chàng hướng dẫn viên du lịch. Tĩnh ngơ ngác:
- Sao vậy?
Anh chàng hướng dẫn viên thở phào như vừa trút được gánh nặng:
- Cô đi đâu mà không báo một tiếng làm tôi đi tìm muốn chết! Nếu cô buồn ngủ thì gọi báo tôi rồi về khách sạn ngủ, sao nằm ở đây ngủ?
Tĩnh giật mình, đảo mắt nhìn quanh. Không thấy cây ngô đồng, không thấy cung viện. Tĩnh nhận ra cô đang dựa lưng vào một bức tường đầy rêu. Tĩnh đứng bật dậy, ngó quanh quất:
- Cây ngô đồng… rõ ràng… tôi thấy…
Anh chàng hướng dẫn viên dường như đang cố ép mình nhẫn nại:
- Nếu cô muốn coi cây ngô đồng thì ở ngoài điện Thái Hòa, ở đây làm gì có mà coi!
- Lạ lùng! – Tĩnh lẩm bẩm.
Anh chàng hướng dẫn viên chẹp miệng, chống nạnh nhìn quanh:
- Nghe nói hồi trước, chỗ này cũng có một cây, nhưng bị đốt cháy rồi.
Tĩnh kinh hãi:
- Đốt cháy?
- Ừ! Nghe nói là do một cung nhân đốt! Cô nàng đó vì muốn thu hút sự chú ý của vua nên đã đốt cây ngô đồng với cung viện.
- Vua nào? – Tĩnh có vẻ hấp tấp.
Anh chàng hướng dẫn viên nhún vai:
- Nghe người ta kể vậy thôi, đâu biết có thật không? – Anh chàng hướng dẫn viên nhìn bộ mặt đang ngẩn ra của Tĩnh, vội kết thúc câu chuyện, kéo kéo tay cô – Thôi về! Chạng vạng rồi còn gì!
Tĩnh bị cái kéo của anh chàng mà rời đi. Bất giác, Tĩnh thấy trong lòng bàn tay đang nắm chặt của mình có cái gì đó mềm mại. Cô mở ra.
Giữa lòng bàn tay cô, là một cánh hoa mỏng manh 
màu tím phớt hồng.
Thiên Di
 
Sự tích hoa ngô đồng

   Sự tích cây hoa ngô đồng

Ngày xửa ngày xưa tại một vùng nào đó có một người đàn ông đánh đàn rất hay. Tiếng đàn của người đàn ông hay đến nỗi ai nghe thấy cũng đều phải khen ngợi. Người đàn ông có một cây đàn hình dạng năm cánh và khi ông gãy đầu có đủ các cung bậc của cảm xúc như vui, buồn, giận, hờn,...

Đi đâu cây đàn cũng luôn được ông mang theo. Ông luôn muốn mình gặp được học trò có tài để truyền dạy nghề của mình và ông còn mong muốn sẽ tìm được người phụ nữ có thể chung sống trong quãng thời gian còn lại.
Một ngày, ông đã gặp cha con nhà nọ khi đi đò, con gái của người đàn ông nọ mới 16 tuổi nhưng lại có một vẻ đẹp không ai sáng bằng. Đó là một nét đẹp trong sáng và cao quý lạ thường cô gái rất thích đánh đàn. Vào một ngày người đàn ông nhận ra người con gái này đều có những phẩm chất của người phụ nữ ông luôn mong muốn. Nhưng lứa tuổi của ông thì lệch rất nhiều so với cô gái đang độ tuổi xuân.

Ông đành giấu kín nỗi lòng của mình. Một hôm ông chủ nhà đã xin ông dạy đàn cho người con của bạn mình. Đó là một người có tài đánh đàn và chỉ cần nghe qua là nhớ mãi. Thấy vậy ông thầy dạy đàn lại nghĩ biết đâu đây lại là người học trò mà ông mơ ước. Rồi ông bảo với người chủ nhà đưa con của người bạn đến.

Cô gái luôn chăm sóc chu đáo cho thầy dạy. Một hôm người bạn của chủ nhà đưa con trai đến, một cậu con trai mười bảy tuổi. Cậu con trai đã đánh thử cho ông thầy dạy đàn nghe và ông vô cùng kinh ngạc bởi đây là tiếng đàn ông chưa từng được nghe bao giờ. Một tiếng đàn sâu lắng rất trong sáng.

Cô gái và chàng trai nhanh chóng trở nên thân thiết. Hai người hay trò chuyện hay đi hái hoa cùng nhau và ông thầy dạy đàn vừa mừng và cũng làm ông đau khổ. Chàng trai rất chịu khó tập đàn và ngày một hay hơn. Tiếng đàn rất có hồn và dễ đi vào lòng người với những giai điệu buồn hoặc vui.

Và rồi đôi trai gái cũng đã yêu nhau từ khi nào không hay. Thấm thoát đã hai năm trôi qua cô gái ngày càng xinh đẹp và chàng trai ngày càng tài năng hơn. Không chỉ có tiếng đàn hay anh còn tự mình viết lên nhưng bản nhạc mới rất gần gũi với cuộc sống.

Rồi một ngày nhà vua tổ chức cuộc thi chọn người tài giỏi. Người thầy đã đưa học trò cũng mình đến kinh thành dự thi. Sau mấy ngày thi cả hai học trò của người thầy đều được khen thưởng . Chàng trai đã được chọn làm người trẻ tuổi đánh đàn hay nhất, cô gái được mọi người yêu thích và ngưỡng mộ nhất.

Sau khi dự tiệc chiêu đãi nhà vua liền ra lệnh mời thầy dạy đàn vào gặp vua. Nhưng người thầy đã ra đi và có để lại cho hai học trò của mình một bức thư. Trước lúc người thầy đi xa, ông đã quay lại từ biệt người chủ nhà và thông báo chuyện đoạt giải của chàng trai và cô gái.
Đêm hôm đó ông ngồi một mình trên bãi cát ven sông. Dòng sông như sáng lấp lánh dưới ánh trăng. Vừa uống rượu, ông vừa ôm cây đàn vào lòng đánh lên những âm thanh đầu tiên của làn điệu đang ngân nga trong lòng ông. Rượu ngon, trăng sáng, ông chìm đắng trong tiếng đàn và cảm thấy mình như đang chơi vơi giữa lưng trời, ở con sông đang sáng rực.
Nhưng cũng lúc này chàng trai và cô gái đã về tới nhà. Sáng hôm sau, trời còn chưa sáng ông đã trở dậy và âm thầm ra đi không cho một ai hay biết. Thế nhưng vẫn có một người hay biết. Đó là cô gái. Lặng lẽ nhìn người thầy ra đi trong sương sớm, cô khẽ ôm lấy mặt để khỏi bật khóc và đưa tay lau hai giọt nước mắt vừa trào ra.
Sau một thời gian trôi qua, một hôm có người đã mang cây đàn và bình rượu của thầy dạy đàn đến biếu ông chủ nhà. Và được người khách cho biết ông thầy đã mất được mấy hôm do bị cảm nặng. Cả ba người đều vô cùng buồn bã khi biết tin này. Trước khi chết người thầy luôn đánh một bản nhạc quen thuộc rất hay của mình. Chàng trai rất muốn đánh lại bản nhạc của thầy. Rồi chàng cầm đàn so dây tiếng đàn cất lên làm mọi người.
Ông chủ nhà cùng chàng tria và cô gái đã lập bàn thờ và bia ở trong vườn. Cây đàn và bình rượu được treo ngay cạnh bàn thờ của người thầy. Một bình rượu đầy một loại rượu mà ông vẫn hay uống. Rồi vào một ngày trong mùa xuân mọi người ra thắp hương cho người thầy mọi người đều bất ngờ khi trong miệng bình lại mọc lên hai cái lá con to khỏe vươn dài.
Một thời gian sau, cây trổ hoa. Hoa có màu đỏ tươi, năm cánh nhỏ xíu và túm tụm vào nhau nhìn xa như những vết máu đỏ li ti... Mọi người gọi loài hoa ấy là hoa ngô đồng.
Ngày nay ở nước ta cây hoa ngô đồng được trồng tại Huế. Trong Đại Nội ở Huế hiện nay có rất nhiều cây hoa ngô đồng. Đến với Huế vào tháng 2 đến tháng 5 âm lịch bạn sẽ được ngắm, thưởng thức loài hoa đẹp này. Nhưng người thưởng thức hoa lại không hẳn ai cũng biết về sự tích hoa ngô đồng đầy u  buồn này. Một sự tích hoa mang nhiều đau thương.

 Trang Vũ
 

Huyền thoại cây Ngô đồng

Với Huế, ngô đồng không chỉ là loài cây thơ ca còn được sánh vai cùng 28 loài thân mộc khoác trên cửu đỉnh, biểu trưng cho cỏ cây nước Việt. Loài cây di tích này giờ trở nên hiếm hoi, những cây trồng từ thời vua Minh Mạng không còn nữa

Trong khuôn viên Đại Nội chỉ còn chưa tới 10 cây. Cây được xem là đẹp nhất hiện nằm ở Tả Vu cao khoảng 18m, đường kính 0,7m. Ngoài ra, chúng còn được trồng rải rác ở các Lăng Minh Mạng, Tự Đức, ở công viên Thương Bạc, Phú Văn Lâu, công viên Tứ Tượng....
 
Cây ngô đồng cao quý như vậy nên theo Đại Nam Nhất Thống Chí, gần hai trăm năm trước khi cây được đưa về từ Quảng Đông về trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh của hoàng thành Huế, vua Minh Mạng lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp; tìm được rồi đem về trồng ở các góc điện. Cầm lá lên núi tìm cây ngô đồng về xuôi, khác nào mang cây ngô đồng trong huyền sử, trong thi ca về trồng trên đất Thần Kinh.
Giữa những tàng cây xanh thắm hai bên dòng Hương, mỗi khi hè chớm xuân tàn, chừng trung tuần tháng 2-3 âm lịch hằng năm, hoa ngô đồng lại nở. Trên thân cây cao, màu hoa xao xuyến tím khi mới nở, đến lúc viên mãn chuyển màu tím sẫm, từng cánh nhỏ như cánh cườm kết thành chùm nhưng không rối cành, và ở bất kỳ góc nhìn nào, hoa ngô đồng cũng tạo ra một nét thiền giữa không gian bởi phong thái dịu dàng thanh tao như một giấc mơ bâng khuâng lơ lửng giữa đất trời. Nhất là khi gió đổi mùa qua Sông Hương, sắc hoa ngô đồng càng hư ảo hơn và có thể đó những mầm tím đã khơi lên một chiều tím loang vỉa hè trong gió heo may về như Trịnh Công Sơn từng hát lên với Huế.

Hình như khi hạ sơn về Huế, từ chỗ khác lạ thành quen ăn vui ở lâu ngày với đất đai với khí hậu núi Ngự Sông Hương nên cây ngô đồng cũng thu nhận và phát triển ra cái tính cách "chướng" của Huế, bởi trong khi ngô đồng ở Trung Quốc hay Nhật Bản trổ hoa vào mùa thu, bắt đầu từ tiết Cốc Vũ thì ngô đồng Huế lại nở vào lúc cuối xuân chuyển hè, bất chấp cái nắng hạ khắc nghiệt miền Trung vốn làm khiếp đảm bao loài hoa khác.
Hoa ngô đồng đẹp là vậy nhưng trong chốn dân gian không phải ai cũng biết đến, thậm chí cả người Huế vẫn hay nhầm ngô đồng với vông đồng hoặc vông nem (cây bã đậu)! Thực ra, giữa hai loài cây ấy rất khác nhau, hoa vông đồng đỏ chói, lá non đem hấp cơm ăn để chữa bệnh mất ngủ còn hoa ngô đồng tím nhỏ nở như buồn vương trên cao, càng nở lá càng rụng nhiều tầng mảnh như vàng rơi, vàng rơi của Bích Khê

Tiếng rơi mỏng của lá ngô đồng ngoài hiên vắng cũng đã làm rung động nhà vua- thi sĩ Thiệu Trị, nên trên bi lăng vị hoàng đế đã khuất vẫn còn vang tiếng ngô đồng rụng, cùng âm thanh với cúc ngoài đồng ba luống (Ly biên tam kính cúc / Dạ bán nhất thanh ngô).
Sau cơn bão lớn 1985, cây ngô đồng cao lớn nhất ở công viên Tứ Tượng bên bờ Sông Hương bị đổ, để lại một khoảng trống trong không gian và trong lòng người Huế, đặc biệt là đối với nhiều thế hệ sinh viên. Bởi nơi đây mỗi khi mùa hoa về, buổi tan trường hoặc giữa chừng buổi học, tôi và các bạn lại trốn lớp ra ngắm và nhặt hoa rơi. Hoa ngô đồng đẹp nhất là lúc ban mai, sương chưa kịp tan nắng chưa kịp vàng, bấy giờ hoa ngô đồng lung linh và huyền ảo hơn. Tôi vẫn tin rằng, trong ký ức của nhiều người màu hoa ngô đồng năm xưa vẫn nở đầy tay.
Và để nhiều thế hệ mai sau không mất mát màu hoa ngô đồng, những công nhân của Công ty công viên cây xanh Huế đã lặng lẽ nhân giống 150 cây ngô đồng với hy vọng không gian Huế rồi sẽ lại ngợp sắc hoa huyền thọai này.
Nguồn: Sưu tầm